Chuyên đề Cây lanh và quy trình chế biến lanh thành sợi của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

DẪN LUẬN Nằm cách Thị trấn Sa Pa 1,5 km theo hướng Tây Nam trên trục đường Sa Pa – Sín Chải, Cát Cát là 1 trong 4 thôn của xã San Xả Hồ. Phía Đông giáp thôn Ý Lình Hồ 1, phía Tây giáp trục đường Sa Pa – Sín Chải, phía Nam giáp thôn Sín Chải và dãy núi Hoàng Liên Sơn, phía Bắc giáp Thị trấn Sa Pa. Tổng diện tích tự nhiên toàn thôn ≈ 1,447 ha. Dân số tính đến ngày 18/12/2008 là 545 người. Trong đó, người Mông có 511 người, chiếm 93,76%[1]. Đây là một bản văn hoá du lịch dân tộc Mông hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Người Mông nơi đây cho đến nay vẫn còn duy trì được nghề dệt từ nguồn nguyên liệu bằng vỏ cây. Cây ấy gọi theo tiếng Mông là Chaoz mangx mà chúng ta vẫn gọi là Cây lanh. Đây là một vấn đề lý thú không chỉ đối với du khách tham quan thôn Cát Cát mà còn là một vấn đề được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm. Vì vậy, chuyên đề Cây lanh và quy trình chế biến lanh thành sợi của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung đề cập đến cây lanh với tư cách là một trong những loại cây đã từng gắn bó với lịch sử văn minh nhân loại. Nhưng quan trọng nhất là sự gắn bó của nó với đồng bào Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chuyên đề nằm trong đề tài Bảo tồn nghề dệt truyền thống, thuộc dự án Bảo tồn thôn truyền thống dân tộc Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chuyên đề được thực hiện bằng các phương pháp dân tộc học truyền thống, lấy tư liệu điền dã tại thực địa làm nguồn tài liệu nghiên cứu chủ yếu. MỤC LỤC Dẫn luận . 1 1. Tên gọi, đặc điểm, nguồn gốc, xuất xứ của cây lanh . 2 1.1. Tên gọi . 2 1.2. Đặc điểm 2 1.3. Nguồn gốc, xuất xứ và những đóng góp của cây lanh trong nền văn minh nhân loại . 3 1.4. Cây lanh trong đời sống của người Mông ở Cát Cát . 5 2. Môi trường tự nhiên, xã hội tác động tới cây lanh của người Mông ở Cát Cát. 6 2.1. Môi trường tự nhiên . 6 2.2. Môi trường xã hội 9 3. Trồng lanh và chế biến lanh thành sợi . 16 3.1. Kỹ thuật trồng lanh 16 3.1.1. Chọn đất trồng lanh . 16 3.1.2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc lanh . 17 3.1.3. Kỹ thuật và các công đoạn chế biến lanh thành sợi 20 4. Những biến đổi và giải pháp bảo tồn và phát huy nguồn nguyên liệu dệt may truyền thống của người Mông ở Cát Cát . 25 4.1. Những biến đổi . 25 4.2. Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy nguồn nguyên dệt - nhuộm cổ truyền của người Mông ở Cát Cát hiện nay 28 Kết luận 30 [1] . Ban chỉ đạo Tổng Điều tra dân số và nhà ở Trung ương. Bảng kê số nhà, số hộ, số người Do UBND xã San Xả Hồ thực hiện tháng 12 năm 2008

doc30 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1997 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Chuyên đề Cây lanh và quy trình chế biến lanh thành sợi của người Mông ở thôn Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ô Quý Hồ - Sa Pa). Số ngày mưa khoảng 180 – 200 ngày/năm (trung bình 20 – 25 ngày/tháng). Mùa mưa dài 7 tháng (tháng 4 – 10). Tháng 7 – 8 có lượng mưa lớn nhất lên tới 400 – 500 mm/tháng. Nửa đầu mùa đông là thời kỳ ít mưa nhất trong năm, thường là vào tháng 12 và tháng 1. Thời kỳ này trung bình có 10 – 12 ngày mưa/tháng. Lượng mưa ở các tháng khô nhất cũng đạt tới 60 – 70 mm/tháng. Lượng bốc hơi đạt 650 – 700 m, cao nhất vào tháng 5 (110 – 130 mm). Thấp nhất vào tháng 12 và tháng 1 (30 – 40 mm/tháng). Độ ẩm cao >80% duy trì quanh năm. Độ ẩm trung bình năm đạt >90%. Từ tháng 7 đến tháng 2, độ ẩm không khí rất cao và đồng đều, trung bình khoảng 85 – 90%. Chính vì vậy mà ở đây cũng không có thời kỳ khô rõ rệt vào đầu mùa đông mà chỉ duy nhất có một tháng tương đối khô vào tháng 3 hoặc tháng 4, khoảng 81 – 82%. Tuy nhiên, những trường hợp khô cực đoan thường gặp trong những đợt gió mùa Đông Bắc mạnh vào tháng 12 – 1 với trị số khoảng 10 – 15%. * Các đặc điểm địa hình và khí hậu đặc thù nơi đây còn thường xuyên tạo ra các hiện tượng thời tiết đặc biệt: Dông: trung bình khoảng 55 – 60 ngày dông/năm. Mùa đông trùng với mùa gió mùa Đông Bắc, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 10. Tháng 7 và tháng 8 thường có nhiều dông nhất, khoảng 9 – 10 ngày/tháng. Mưa đá: mưa đá thường kèm theo dông, trung bình khoảng 2 – 3 trận mưa đá/năm. Mưa phùn: do nằm ở khu vực phía Đông Hoàng Liên Sơn vào mùa đông luôn có một frônt tĩnh, gây mưa dai dẳng tạo cho khu vực này là một trong các nơi có nhiều mưa phùn nhất nước ta. Mưa phùn tập trung chủ yếu vào mùa đông, từ tháng 12 đến tháng 3. Tháng 1 – 2 có số ngày mưa phùn lớn nhất, trung bình khoảng 8 – 9 ngày/tháng ở vùng thấp, 13 – 14 ngày/tháng. Sương mù: trung bình khoảng 115 – 120 ngày có sương mù/năm. Hiện tượng sương mù hay gặp vào mùa đông. Tháng 12 – 1 số ngày có sương mù lớn nhất, trung bình 3 – 4 ngày/tháng. Mùa hè, trung bình mỗi tháng cũng có 2 – 4 ngày có sương mù. Sương mù đặc biệt cao trong thung lũng kín khuất gió làm cho khu vực này trở nên ẩm ướt với hệ số thuỷ nhiệt trên 2,3. Sương muối: ít xuất hiện ở đây so với nhiều vùng núi khác. Tuy nhiên, số ngày có sương muối trung bình trong năm cũng lên tới 7 – 8 ngày. Tháng 12 và tháng 1 có khoảng 2 – 4 ngày/tháng. - Chế độ thuỷ văn ở Cát Cát mang đặc thù miền núi Tây Bắc rõ nét, các khe suối có dạng hình chữ V, hai bên là sườn tích tụ khá dốc. Độ cao bình quân lưu vực (Ho), độ dốc bình quân lưu vực (Io) và mật độ lưới dòng chảy (D) của các con suối ở đây lớn hơn nhiều, trong khi hệ số uốn khúc (Kuk) lại nhỏ hơn, hệ số hình dạng (Khd) có giá trị tương đương so với trị số bình quân toàn quốc. Khí hậu nhiệu đới - gió mùa ẩm, mưa lớn, địa hình phân cắt mạnh tạo cho mật độ lưới dòng chảy khá dày (0,7 – 1 km/km2), có dạng cành cây và vuông góc, hệ sông suối nhỏ và chủ yếu xâm thực sâu. * Các yếu tố thiên nhiên (môi trường tự nhiên) nêu trên đã có tác động trực tiếp đến chu kỳ phát triển của cây lanh cũng như việc chế biến lanh thành sợi. Thích nghi với môi trường tự nhiên, chế ngự được những tiêu cực của khí hậu, thời tiết… người Mông nơi đây đã có những ứng xử rất “khoa học” trong việc canh tác cây lanh ở môi trường này. Đó là việc lựa chọn đất trồng lanh được thực hiện ở những khoảnh đất tương đối bằng phẳng và được che chắn bởi những hệ tầng phân bậc tạo thành các bức “tường” ngăn chặn các luồng gió lạnh và khô từ phía Đông Bắc tràn về. Đó là đất đai không quá tốt khiến cho cây lanh không bị phát triển ở dạng “phì” làm cho thân cây mập quá mức cần thiết, vỏ lanh dầy – không thể sử dụng để chế biến ra sợi dệt. Đó là việc sắp xếp chu kỳ mùa vụ sao cho mỗi một công đoạn trồng và thu hoạch lanh, chế biến lanh thành sợi được diễn ra vào những lúc khí hậu thuận lợi nhất.v.v… 2.2. Môi trường xã hội Trong điều kiện kinh tế tự cấp tự túc, nghề trồng lanh dệt vải từ lâu đã góp phần tích cực vào hoạt động kinh tế của người Mông ở Cát Cát. Sự phân công lao động trong xã hội người Mông quy định phụ nữ là chủ thể sáng tạo trang phục cho mình và các thành viên trong gia đình. Vẻ đẹp và chất lượng của các bộ trang phục họ làm ra phản ánh sâu sắc kỹ năng lao động của mỗi người, là bằng chứng để đánh giá khả năng lao động và đức tính cần cù, xác định phẩm chất của người phụ nữ Mông. Trong nền kinh tế chủ yếu là tự cấp tự túc nên việc làm lanh để có quần áo mặc và các đồ dùng sinh hoạt khác đã trở thành biểu tượng cho người phụ nữ đảm đang, tháo vát, khéo léo, là tiêu chuẩn để đánh giá người phụ nữ: Lớn lên anh theo mẹ cha đi cày nương Theo anh vào rừng săn thú Lớn lên em theo mẹ tập thêu Theo chị nhuộm chàm in hoa trên váy mới (Xem phiên âm trong phụ lục 1.1) Để răn dạy người con gái phải biết làm lanh cũng như người con trai phải biết làm nương, tục ngữ Mông có câu: Con gái không biết làm lanh lấy được chồng vẫn rách Con trai không biết làm nương lấy được vợ vẫn đói (Xem phiên âm trong phụ lục 1.2) Để xác định phẩm chất của người phụ nữ, người Mông có câu: Muốn biết người tốt xem gác bếp Muốn hay người đẹp xem quần áo (Xem phiên âm trong phụ lục 1.3) Hay: Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu Gái xinh không biết cầm kim là hư (Xem phiên âm trong phụ lục 1.4) Hoặc: Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu Trai khoẻ không biết làm nương cũng hèn (Xem phiên âm trong phụ lục 1.5) Nếu người phụ nữ vụng đường làm lanh thì sẽ trở nên vô cùng xấu xa. Đây là lợi chê vợ của một ông chồng trong dân ca giao duyên của người Mông ở Cát Cát: Vợ ta không mặc mà cũng không làm Nó lấy cuộn lanh quẳng bừa lên hòm Cuộn lanh của nó nhom nhem, lăn lóc (Xem phiên âm trong phụ lục 1.6) Vì vậy, người con gái Mông ngay từ nhỏ đã phải học làm lanh, thêu lanh. Công việc đó gắn bó với họ từng ngày. Khi hát giao duyên, áo lanh, khăn lanh, dây lưng lanh… trở thành cái cớ để giãi bày tình cảm và là biểu tượng của tình yêu đắm say: Em có gì tặng ta để ghi nhớ tình em Em hãy tặng ta chiếc dây lưng làm vật ghi nhớ Chiếc dây lưng lanh thêu hoa hình con ốc Sợi to, sợi nhỏ đều do bàn tay em xe (Xem phiên âm trong phụ lục 1.7) Khi hát giao duyên, trai gái nói nhiều về việc làm lanh và công việc đó trở thành tiêu chuẩn kén vợ của các chàng trai, tiêu chuẩn đẹp người, đẹp nết của các cô gái: Trước cửa nhà em có cây lanh mọc Ong mới tìm về đậu (Xem phiên âm trong phụ lục 1.8) Hay: Em khéo quay xa Ngón tay quay tít như vòng tròn miệng chén Sợi lanh cũng do em xe Đôi ta kết đường tình duyên (Xem phiên âm trong phụ lục 1.9) Hoặc: Tay em biết cầm kim khâu áo Anh yêu em Em yêu anh Em không có lòng thì thôi! Có lòng thì về, ta ở với nhau một đêm Tay em biết se sợi chỉ đen Em không có lòng thì thôi Có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày … Guồng xa xe chỉ lanh Xe được sợi chỉ xoắn Dù mình biết biến, ta biết hoá Thì cũng như mặt trời ghẹo măt trăng trên đỉnh núi cao Guồng xa xe chỉ tơ Xe được sợi chỉ bện Dù mình biết hoá, ta biết biến Thì cũng như mặt trời trêu mặt trăng tít tận chân trời … Thôi mình đừng ngần ngại Hãy cùng ta sánh đôi về nhà làm mặc Xuân tới, tiếng dế réo rắt trong chảng cỏ xanh Thôi mình đừng chần chừ Hãy theo ta sánh đôi về nhà làm ăn (Xem phiên âm trong phụ lục 1.10) Khi tình yêu đã sâu đậm, vải lanh lại trở thành biểu tượng của tình yêu chung thuỷ, đợi chờ qua hình tượng chiếc áo: Chàng có lòng em xin tặng chiếc áo, áo này áo em may Không thấy em chàng mặc chiếc áo Như thấy dáng em đứng trước người yêu (Xem phiên âm trong phụ lục 1.11) Với những người phụ nữ phải chịu nỗi đau bị ép duyên, người con gái Mông cũng mượn hình ảnh lanh để so sánh: Em phải lấy chồng không xứng đôi Như hạt lanh nương tra vào đám ruộng hạt lanh mới mục (Xem phiên âm trong phụ lục 1.12) Với những cặp vợ chồng xứng lứa vừa đôi, hạnh phúc, niềm vui của mỗi gia đình được phản ánh ngay trong bức tranh sinh hoạt: Cuối nhà là nơi em ngồi thêu váy Đầu nhà là nơi anh thổi sáo, múa khèn Em thêu váy mới không có sáp, anh ra chợ kiếm Em in hoa mới không biết đường, anh cầm que vạch giúp (Xem phiên âm trong phụ lục 1.13) + Trong tín ngưỡng và lễ hội dân gian: cây lanh là biểu tượng của vật trung gian nối giữa trời và đất, nối giữa thế giới con người bình thường và thế giới thần linh, là sợi dây dẫn đường cho người Mông về với thế giới tổ tiên. Trong bài hát chỉ đường cho người chết về với tổ tiên (Kruôz cê) kể rằng: Bà Trày làm cho giống lanh sống lại Bà Mông làm cho giống lanh tốt tươi… Cây to đem về, dệt thành vuông, chống tàu lau, lá cỏ Mà làm lụng nuôi con, nuôi cháu Cây nhỏ đem về dệt thành thước đón rượu, đón cưới Cây thẳng đem về dệt thành tấm chống đất đen, đất vàng của nhà trời (Xem phiên âm trong phụ lục 1.14) Trong tang lễ của người Mông, khi mổ xúc vật hiến tế người chết, người ta phải nối sợi dây lanh từ ngón tay người chết vào con vật đó thì linh hồn người chết mới nhận được. Đồ khâm niệm, khăn lau mặt cho người chết phải là loại vải được dệt từ sợi lanh thì mới đưa được người chết trở về với thế giới tổ tiên. Để khuyên người chết cách nói sao cho tổ tiên nhận ra con cháu, lời chỉ đường trong bài Kruôz cê cũng khuyên người chết phải nói với tổ tiên rằng mình là người Mông bằng cách chỉ ra chất liệu của trang phục là sợi lanh, sợi đay: … Ma cụ tổ ông, ma cụ tổ bà sẽ hỏi mình rằng do chú ruột chú gì gì đưa mình về Mình nên đáp là mình không biết, không hiểu, chú ruột chú gì gì Có đôi mắt to bằng cái chén, đôi tai to bằng cái quạt đưa mình về, mình không biết Ma tổ tiên ma cụ tổ nói vậy thì thả chó săn đi bắt, thả chó dữ đi đuổi Mình nên nói với ma tổ tiên rằng Mình về mình đi giầy lanh, nó về nó không đi giầy lanh Nó chỉ đi một bước trong cõi âm bước lật ngay sang cõi dương Mình về mình đi giầy đay, nó về nó không đi giầy đay Nó đi chỉ một bước đi trong cõi chết bước lật sang cõi sống ngay Nó về cũng đã lâu mà nó đi cũng đã sớm rồi Vết chân giẫm xuống nước đã trong, giẫm lên đất lá cây đã rụng phủ hết rồi Lúc này nó đã về với gia đình người thân lâu rồi Thả chó dữ đi đuổi cũng chẳng kịp, thả chó săn đi bắt cũng chẳng được nữa … (Xem phiên âm trong phụ lục 1.15) Ngoài ra, trong tang lễ của người Mông ở Cát Cát, tần số xuất hiện yếu tố sợi lanh còn khá đậm đặc. Cụ thể là: Khi cử hành tang lễ, cáng của người chết treo gần ngang bàn thờ tổ tiên. Cáng tượng trưng cho con ngựa trời, phải dùng dây lanh buộc thi hài vào cáng. Người nào không có con trai thì chỉ dùng sợi lanh. Người nào có con trai thì con dâu phải dệt vải lanh trắng dài 4 – 5 sải (1 sải ≈ 1,5 m) làm dây buộc cáng nối với xà nhà. Dây lanh hoặc vải lanh buộc vào cáng tượng trưng cho dây dắt ngựa và là sợi dây dẫn đường người chết về với tổ tiên. Ngoài ra, do địa hình vùng cao chi phối, khi khiêng cáng người chết ra nghĩa địa, nếu không buộc chặt thi hài vào cáng thì thi hài có thể bị rơi ra khỏi cáng. Điều đó đồng nghĩa với việc rơi ra khỏi ngựa, hay còn gọi là ngã ngựa - một điều được kiêng tới mức cấm kỵ. Trong toàn bộ diễn trình tang lễ cũng như các nghi lễ diễn ra sau đó: lễ đón về (tok siz), lễ ma khô (đăngz khuôx), lễ ma lợn (buô đăngx)… Khi trao gà, lợn, trâu cho người chết, người ta đều phải lấy một đoạn dây lanh buộc nối từ cổ con vật vào cổ tay người chết. Trước kia, các gia đình người Mông đều thờ vuông vải lanh ở trước cửa, ở bàn thờ tổ tiên; mảnh vải này có thể là màu đỏ, màu trắng hay một màu nào khác tuỳ thuộc vào quan niệm của mỗi dòng họ. Người ta tin rằng, làm như vậy thì tổ tiên mới thường đi về thăm nom giúp đỡ gia đình, mọi người được mạnh khoẻ, làm ăn phát đạt. Mặt khác, làm như vậy còn chống được ma dữ về quấy nhiễu gia đình. Với một người muốn trở thành thầy cúng, người này phải đi mời một thầy cúng đang hành nghề đến lập cho mình một bàn thờ riêng (gọi là thàng nênhz) để mời thầy tổ sư nhập điện. Nhưng thầy tổ sư muốn nhập điện thì nhất thiết phải đi qua cầu dẫn đường – gồm 3 cây tre dài nhỏ như cần câu. Một cây buộc ở vị trí giáp giữa mái nhà và vách trước. Ba ngọn tre đều phải còn lá và hướng về phía bếp lò. Ba sợi dây lanh vắt qua 3 ngọn cây tre, nối chúng với bàn thờ của thầy saman. Ba sợi dây này tượng trưng cho đường đi của tổ sư saman và hồn của thầy saman. Sau này, khi thầy cúng đi hành nghề cũng phải bắc cầu như vậy. Qua 3 sợi lanh và 3 cây tre này, thầy cúng có khả năng “đi” từ “thế giới bên này” sang “thế giới bên kia”. Trong lễ hội Gầu Tào (tiếng Quan Hoả là Sải Sán – có nghĩa là Đạp Núi), trên ngọn cây nêu – nơi trung tâm bãi hội, người ta treo mảnh vải lanh rộng 40 cm, dài khoảng 7 – 12 cm. Đó là một biểu tượng với nhiều tầng ý nghĩa. Trước hết, đó là dấu hiệu mời ma nhà (tổ tiên) về dự hội cùng vui với con cháu. Trường hợp này, mảnh vải lanh thường nhuộm màu đỏ. Có thể đây là biểu tượng của mặt trời, phản ánh tục thờ thần mặt trời của cư dân nông nghiệp xưa kia. Có ý kiến cho rằng, tuỳ theo từng dòng họ đăng cai mà người ta sẽ treo mảnh vải lanh có sắc màu tương ứng. Cũng có ý kiến cho rằng, khi mảnh vải lanh treo trên ngọn cây nêu có màu đen thì đó là biểu tượng để tập hợp lực lượng. Chuyện xưa kể rằng: Trong một trận chiến với người Hán, người Mông bị thua trận, bị mất đất, bị chém giết rất nhiều. Thủ lĩnh người Mông đã treo cờ bằng vải lanh đen để tập hợp lực lượng, cố kết cộng đồng và đoàn kết dân tộc. Vì vậy, trong những lễ hội Gầu Tào có treo mảnh vải lanh màu đen trên ngọn cây nêu, người ta thường hát mở đầu khúc ca Đrux tangl, tức là hết đất trời rồi. Có lẽ đây là lớp văn hoá muộn gắn với lịch sử di cư của đồng bào. Như vậy, xuất phát từ tín ngưỡng, biểu tượng vải lanh đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc Mông với các thế lực chèn ép, xâm lược. + Trong y học cổ truyền: cây lanh được người Mông ở Cát Cát sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Khi bị các bệnh đau đầu, họ thường lấy lá lanh (blôngx mangx) và lá cây ngải cứu (sur) gói vào một miếng lá chuối (blôngx txir tsơưz) ủ dưới tro nóng rồi đem trườm lên chỗ đau. Trẻ em mắc các chứng bệnh ho gà (guz), lên sởi (gtôz), người ta có thể chữa bằng cách dùng hạt cây lanh đem rang vàng để sắc làm nước uống. Vải lanh có độ bền cao, mặc mùa hè thì ấm mà mùa đông thì mát. Khi mặc ít bị cảm cúm và ốm đau. Tri thức dân gian về thuốc chữa bệnh của người Mông đã được y học kiểm chứng và xác nhận. Theo cuốn Từ điển cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi, cây lanh là loại cây có vị ngọt, tính bình, có tác dụng nhuận tràng, thông tiện, dùng trị huyết hư, tân khuy trường táo tiện bí, dùng tốt cho chứng táo bón kéo dài ở người già, phụ nữ bị đái rắt sau khi sinh nở hay khi có thai mà thai bị tổn thương sinh ra chứng đau bụng, chữa chứng phong độc, xương tuỷ đau nhức… * Như vậy, trải qua một quá trình phát triển lâu dài, cây lanh cho đến nay đã trở thành một biểu tượng văn hoá của người Mông ở Cát Cát và mang tính xã hội cao. Ngoài giá trị vật chất phù hợp với môi trường cảnh quan và điều kiện sống, nó còn là vật phản ánh sâu sắc những giá trị văn hoá, xã hội truyền thống mang những đặc trưng văn hoá tộc người. Nó thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan niệm thẩm mỹ, niềm tin tôn giáo và đạo đức của cộng đồng. Đồng thời, nó cũng phần nào cho chúng ta thấy quan niệm của người Mông nơi đây về thế giới quan, tư duy, quan niệm và ước vọng về cuộc sống. Môi trường xã hội ấy, những niềm tin tôn giáo ấy, những quan niệm về thẩm mĩ, đạo đức ấy… đã góp phần bảo tồn và phát triển cây lanh và “văn hoá lanh” trong dòng chảy văn hoá qua nhiều thế hệ người Mông nơi đây. 3. TRỒNG LANH VÀ CHẾ BIẾN LANH THÀNH SỢI 3.1. Kỹ thuật trồng lanh 3.1.1. Chọn đất trồng lanh Nương theo cách gọi của người Mông ở Cát Cát là Têz. Theo quan niệm của đồng bào: nương là một khoảnh đất được phát - đốt, dọn cỏ cây tự nhiên rồi trồng lên đó một loại cây phục vụ cuộc sống của con người thì được gọi là nương (Giải thích của ông Vàng A Sử, sinh năm 1963, trú tại Đội I, thôn Cát Cát). Điều đó có nghĩa là chỉ cần phát được một khóm nhỏ chưa phải là một khoảnh rừng, thậm trí chỉ cần tra được một hốc ngô xuống cũng được gọi là nương. Nương lanh, tiếng Mông gọi là Têz mangx. Theo kinh nghiệm dân gian của người Mông ở Cát Cát, muốn cho cây lanh mọc khoẻ, đồng bào thường chọn những chỗ đất màu mỡ, thích hợp cho việc canh tác (têz viêngx). Đó thường là những khu đất bằng phẳng, ít đá (blăngs têz), ở những nơi cao ráo (têz taox phiênx) nên đó thường là những đám nương dưới chân núi hay gần khu vực chân núi (têz tơư taox), hoặc cũng có thể là nương ở sườn núi hoặc ven sườn núi (têz tăng taox), ưu tiên cho cây lanh được trồng những mảnh nương mới phát, mới gieo trồng vụ đầu tiên (têz krao luôx). Trước đây, do cuộc sống du cư nên đồng bào canh tác lanh trên những mảnh nương du canh (têz phax). Đây là loại nương không được sử dụng thường xuyên, liên tục. Theo tập quán truyền thống, đồng bào thường gieo trồng trên những mảnh nương này từ 3 đến 5 vụ. Khi đất quá bạc màu, họ chuyển sang khai phá mảnh nương mới, nương cũ được bỏ hoá cho cây cỏ tái phát triển, sau 5 – 10 năm đồng bào mới quay lại canh tác và chu kỳ gieo trồng mới lại được tiếp tục. Đặc điểm nổi bật của nương du canh là kỹ thuật canh tác đơn giản, đất không được cày sới, đồng bào thường dùng gậy chọc lỗ tra hạt hoặc gieo vãi; năng xuất cây trồng thấp, không ổn định.Nay, cuộc sống đã ổn định, tình trạng du cư không còn, đồng bào chuyển sang canh tác lanh trên những mảnh nương định canh (têz lâuz). Đó là loại đất canh tác cố định. Đất trồng đó được họ sử dụng liên tục từ năm này qua năm khác, đời này qua đời khác. Gắn liền với loại hình nương này là kỹ thuật canh tác dùng cày, sử dụng phân bón, thâm canh, luân canh, xen canh; năng xuất khá hơn và ổn định hơn. Lanh là loại cây ưa ánh sáng nên mảnh đất trồng lanh phải được phát quang làm cho xung quanh thoáng đãng, không có cây to che bóng. Để lợi dụng những yếu tố thuận lợi và tránh những yếu tố tiêu cực của tự nhiên, người Mông ở Cát Cát đã căn cứ vào điều kiện địa hình thành các dạng đồi thoải lượn sóng hoặc phân bậc của địa hình mà lựa chọn địa điểm trồng lanh ở sát cạnh những sườn dốc chắn gió hướng Đông Bắc. Những mảnh đất ấy thường là tương đối bằng phẳng và không có đá nhô đầu, ít lẫn đá phong hoá. Để đảm bảo đủ sợi dệt, tuỳ gia đình nhiều hay ít người mà nương lanh lớn hay nhỏ. Thông thường, trước đây mỗi người phụ nữ thạo việc làm lanh thường gieo trồng 1,5 ống hạt giống ≈ 1,5 kg hạt giống/vụ ≈ 11 m2, sau khi thu hoạch, nếu thuận lợi có thể dệt khoảng 10 bộ quần áo. Có những gia đình đông người có khi gieo tới 15 ống hạt giống/năm. Ngày nay, số gia đình hạt nhân với lượng nhân khẩu trung bình 5 – 6 người/hộ đã trở lên phổ biến, vải mặc đã được thay thế một phần bằng vải mua ở chợ nên diện tích nương lanh tính theo hộ giảm đáng kể, thậm chí nhiều gia đình đã không còn trồng lanh (Xem phần thống kê diện tích nương lanh của từng hộ gia đình thôn Cát Cát trong Phụ lục 2). 3.1.2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc lanh - Thời vụ trồng lanh: Để tránh mưa nhiều, gió rét và các hiện tượng thời tiết đặc biệt sảy ra theo chu kỳ đều đặn hàng năm ở đây như dông, mưa đá, mưa phùn, sương mù và sương muối… gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sợi lanh, người Mông ở Cát Cát thường trồng lanh từ giữa tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, tuỳ theo thời tiết hàng năm, sau khi gieo ngô xong. - Lựa chọn và bảo quản hạt giống: Hạt lanh giống phải chắc và mẩy. Để lấy hạt làm giống, người Mông thường để lại các cây lanh cao to mọc xung quanh các đám nương lanh, hay xung quanh các đám nương ngô, hoặc trồng riêng ở những nơi sườn đồi có độ dốc cao nhưng phải gieo thật thưa để cho cây phát triển to nhiều nhánh mới cho nhiều hạt… Những cây lanh ấy do không bị chen lấn, đất nhiều chất dinh dưỡng nuôi cây, quả, nên thường to lớn lại có nhiều cành, nhánh, không dùng để tước sợi mà chỉ để lấy quả, hạt làm giống. Lượng hạt giống cho một nương lanh rộng khoảng 100 m2 là 5 ống, tương đương 5 kg. Khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, sau khi thu hoạch ngô 1 tháng là thời điểm người Mông ở Cát Cát thu lấy hạt lanh giống. Người ta chặt bỏ những cành có hạt, đập lấy hạt lanh ngay tại nương, đem về cho vào bao tải treo trên gác bếp hoặc bất cứ chỗ nào khô ráo cũng được, vì hạt lanh có nhiều dầu nên không sợ bị mọt. Thân cây lanh được phơi khô đốt lấy tro, hoà cùng một số chất khác có thể làm thuốc súng, hoặc để lại nương làm phân xanh, hoặc cũng có thể đem làm giấy. Để giữ cho hạt giống được tốt, người Mông thường giữ riêng, không để hạt giống tiếp xúc lẫn với bất cứ thứ gì. Xưa nay, hạt lanh giống chỉ để dùng cho vụ sau, tức là chỉ bảo quản trong vòng một năm là phải sử dụng hết, không để tới vụ thứ hai nếu không khả năng nảy mầm của hạt sẽ kém và chất lượng cây trồng cũng không cao. - Kỹ thuật trồng và chăm sóc lanh: Do đặc điểm bề mặt địa chất ở Cát Cát là đất mùn lẫn dăm sạn, trơ sỏi đá và vỏ phong hoá vụn bở nên để tăng độ phì cho đất, trên những khoảnh đất trồng lanh, người ta bao giờ cũng phải làm đất rất kỹ. Đất trồng lanh sau khi đã được cày sới, phơi ải và bừa qua, người ta dùng cuốc đập đất cho tơi nhỏ và nhặt sạch cỏ. Công việc này được tiến hành trong 1 – 2 ngày đối với nương cũ (têz fêu) và 3 – 4 ngày đối với nương mới (têz krao luôx). Sau đó, người ta đánh luống để gieo trồng. Trước khi gieo hạt, người Mông ở Cát Cát thường không chọn ngày tốt như khi làm nương ngô, nương lúa. Tuy nhiên, một số người cẩn thận thì vẫn chọn ngày để mong cho cây mau lớn và khoẻ mạnh, chống chịu được những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Theo đó, ngày được chọn để trồng lanh thường vào ngày con rồng (blungz jăngz), ngày con mèo (blungz mir) bởi theo quan niệm của họ thì đó là những ngày tốt, trồng vào những ngày này cây sẽ lớn khoẻ, lớn nhanh, cho nhiều sợi. Trước khi gieo hạt, người ta phải ủ phân một tuần, sau đó mới dùng phân này để bón lót cho lanh. Khi gieo hạt, người đàn ông cầm cuốc đi trước cuốc một lần nữa cho đất tơi xốp và tạo thành luống, người phụ nữ đi sau đeo gùi rải phân đã ủ đều khắp luống. Sau đó, họ lại rải một lớp đất mỏng lên trên rồi mới gieo hạt. Gieo hạt xong, người ta dùng cuốc cào một lớp đất dầy khoảng 0,5 – 1 cm phủ lên trên hạt giống để giữ độ ẩm đủ cho hạt nảy mầm. Hạt lanh thường nảy mầm trong điều kiện thời tiết thuận lợi chỉ sau ba ngày những lá mầm đầu tiên đã nhô khỏi mặt đất. Vì thế, người Mông ở Cát Cát có câu thành ngữ mang tính chất là một sự đúc kết kinh nghiệm thường được những người già dùng để răn dạy lớp trẻ như sau: Ba ngày không mọc không phải cây lanh, Ba ngày không thối không phải con gấu (Pêz hnungz tsi tuôx tsi zaos mangx Pêz hnungz tsi lưx tsi zaos đêis) Kỹ thuật gieo lanh của người Mông ở Cát Cát là kỹ thuật gieo vãi hạt. Khi gieo, người ta vãy hạt lanh khá dày, như thế các cây lanh mọc xen khít vào nhau, không có cành nhánh, nên vỏ lanh khi thu hoạch sẽ không có mấu, chạc, thuận lợi cho việc se sợi, dệt vải. Tuy nhiên, nếu gieo dầy quá cây lanh sẽ còi, sợi mỏng, còn nếu gieo thưa quá cây lanh sẽ mọc nhiều cành phụ không dùng để làm sợi được, nên thông thường mỗi gốc lanh cách nhau một chiều khoảng 1,4 – 1,6 cm và chiều kia khoảng từ 1,5 – 1,8 cm để cây thoáng và dễ hấp thu ánh sáng mặt trời. Sau khi gieo hạt xong, người gieo hạt đứng ở một góc nương lanh, mặt hướng vào nương lanh và nói: Mangx ơ! Tuôx ơ! Muôz mangx lêil ruôz luôx sơưr tsênhl tuôx Muôz mangx lêil ruôz angr sơưr tsênhl langr Hluz lux cak pêz lếi traor lul tsêr Tạm dịch là: Lanh ơi! Sợi ơi! Lấy lanh gieo xuống đất cho thành sợi Lấy lanh gieo xuống đất cho dây Mọc nhanh ba ngày lên nhé Từ khi bắt đầu gieo hạt cho đến lúc thu hoạch, người ta gần như không làm cỏ, bón phân, tưới nước cho lanh lần nào. Chỉ trừ những trường hợp cây lanh quá còi cọc họ mới dùng nước giải trộn với tro để tưới, hoặc những khi quá khô hạn người ta mới gánh nước lên tưới cho lanh. Mỗi nương lanh gần nhà đều được rào cẩn thận để tránh không cho gia súc, gia cầm phá hoại. Với những mảnh nương lanh xa nhà thì người ta chỉ cần rào chặn những lối đi lại của gia súc là được. Đến khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch là thời điểm cây lanh đang trong thời kỳ phát triển tốt nhất, chất lượng lanh khoẻ nhất; và đây cũng chính là thời điểm thu hoạch lanh. Chất lượng vải lanh phụ thuộc nhiều vào chất lượng sợi; đồng thời tính đồng bộ của sợi lanh cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chất lượng vải. Tính đồng bộ đó được thể hiện ở chiều cao cũng như độ mập của thân cây và độ dầy của vỏ cây. Vì vậy, người ta thường phân loại lanh ngay từ khâu thu hoạch Theo kinh nghiệm dân gian, các cây lanh to (cao trên dưới 2m; chu vi gốc khoảng 4,4 – 5 cm) được gọi là lax mangx (tức lanh bố) được bó riêng. Sợi của loại lanh này được dùng để bện dây buộc hoặc dệt vỏ bao đựng. Các cây lanh nhỏ (cao 1,3 – 1,6 m; chu vi gốc khoảng 3 – 3,5 cm) được gọi là nhôk mangx (tức lanh con) dùng để dệt may trang phục và các sản phẩm may mặc khác. Lanh nhỏ sau đó lại được phân chia thành các loại có độ dài ngắn bằng nhau để các sợi lanh có chiều dài tương đối bằng nhau rồi mới bó lại, mỗi bó khoảng 100 cây trở lên. Sau khi đã róc bỏ hết lá, người ta phơi nắng 3 – 4 ngày theo cách ngày phơi, tối cất. Sau đó, cây lanh lại được phơi sương 2 đêm theo cách ngày cất, đêm phơi và cuối cùng phơi thêm 1 ngày nắng nữa; lúc này lanh có thể tước lấy sợi. 3.1.3. Kỹ thuật và các công đoạn chế biến lanh thành sợi Trong toàn bộ quy trình dệt thì việc làm sợi là mất thời gian nhất và tốn khá nhiều công sức. Việc phân công lao động trong quá trình tạo nguyên liệu cho nghề dệt của người Mông ở Cát Cát diễn ra theo giới tính và lứa tuổi. Thông thường, người đàn ông tham gia làm đất, gieo trồng và thu hoạch lanh, còn tất cả quá trình tạo sợi đều do những người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm. - Tước vỏ lanh: Sau khi thân cây lanh đã được phơi nắng, phơi sương đủ độ, lanh được tước lấy vỏ - tiếng Mông gọi là lêiv mangx. Công việc này phải làm xong trước khi có các đợt gió mùa đông bắc tràn về nếu không lanh sẽ bị khô sợi, giảm độ bền, sợi nát, khó nối. Công thức tước vỏ lanh áp dụng cho cả lanh bố và lanh nhỏ được thực hiện như sau: Vị trí tước vỏ đầu tiên được thực hiện bắt đầu từ giữa thân về phía ngọn. Sau đó, sợi lại tiếp tục được tước từ giữa thân cây về phía gốc. Theo công thức đó, người phụ nữ Mông dùng hai đầu ngón tay trỏ và ngón tay cái của cả hai bàn tay vê và lắc nhẹ đoạn giữa thân cây cho dập rồi luồn móng tay cái của một bàn tay bất kỳ (với những người mới làm thì người ta thường dùng bên bàn tay thuận) luồn vào giữa lớp vỏ và thân cây để tách sợi. Và vẫn với móng tay ấy, người ta sẽ tước đều theo dọc thân lanh vỏ sau khi tước ra phải to đều, không bị rách, không bị sơ, chạy đều suốt từ đầu đến cuối là được. Thông thường, với một cây lanh, người ta có thể tước được 4 sợi, mỗi sợi sau đó lại được tước làm 2 – 3 phần cho kết quả cuối cùng là 8 – 12 sợi/cây. Chiều dài của sợi lanh phụ thuộc vào chiều cao của thân cây lanh cho sợi. Thời gian tước sợi của mỗi gia đình thường vào khoảng 20 ngày. - Giã sợi (ntuôs tôx): Vỏ lanh sau khi tước được gọi là ntuôs được bó thành từng bó đều nhau cho vào cối giã khoảng nửa giờ cho mềm sẽ dễ nối hơn và không để lại mối nối. Công đoạn giã sợi thường phải thực hiện từ 4 – 5 ngày. - Nối sợi: Nối sợi - tiếng Mông gọi là sơư ntuôs. Đây là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất được tiến hành sau đó. Những sợi lanh sau khi đã tước tương đối đều nhau được nối với nhau một cách rất đặc biệt: Người ta tách đôi một sợi lanh ở vị trí cách đầu sợi khoảng 10 cm rồi luồn một sợi khác vào giữa, xoắn lại, sai đó lại tách đôi sợi này và luồn sợi thứ nhất vào. Bằng cách này, sợi lanh vẫn đều, nuột, không rõ mối nối. Người phụ nữ thường bó sợi lanh thành từng chùm nhỏ, quấn quanh bụng, sau đó rút lấy từng sợi, từng sợi… nối lại với nhau, nối được đến đâu người nối lại cuốn vào bàn tay đến đấy (thường cuốn vào tay chiêu); hoặc người ta cũng có thể cuốn sợi lanh vào một vòng mây gắn vào một que tre nhỏ. Khi nối sợi, người ta phải tuân thủ nguyên tắc nối đầu ngọn với đầu ngọn, nối đầu gốc với đầu gốc và các đoạn nối phải to đều, sợi nào bé thì bổ sung thêm sợi, sợi nào to quá thì phải tước bớt đi để khi lên vải các thớ sợi mới đều, vải dệt mới phẳng, mịn. Người phụ nữ Mông thường tranh thủ chắp, nối sợi lanh vào bất kỳ lúc nào đôi tay họ rảnh. Với một cuộn lanh thô bên thắt lưng, trên đường đi nương, đi chợ… thậm chí ngay cả khi tiếp khách bên bếp lửa, họ cũng luôn tay chắp nối sợi. - Xe sợi (yuôz ntuôs): Sau khi xe và nối sợi bằng tay, sợi được đưa lên guồng (yuôz) xe tiếp một lần nữa. Để khỏi bị đứt, các cuộn sợi này được nhúng vào nước từ 15 đến 20 phút trước khi xe cho mềm, tăng độ dẻo dai. Cấu tạo guồng xe sợi của người Mông ở Cát Cát cho phép mỗi lần xe sợi, người ta sẽ đưa đồng thời được sợi từ 4 cuộn sợi vào 4 con suốt chỉ. Khi xe sợi, người ta đặt 4 cuộn sợi nằm dàn hàng ngang trên một miếng gỗ phẳng (hoặc cũng có thể đặt vào thùng hay chậu), cách trục đỡ 1,2 m. Sợi được đưa lên vắt ngang một thanh tre cao cách mặt đất 1,5 m. Từ đây, sợi được dẫn thẳng đến suốt cuốn sợi. Người ta sẽ dùng tay cuộn mồi một đoạn khoảng 50 – 60 cm vào con suốt (đầu mỗi cuộn sợi cuốn vào 1 con suốt). Mỗi con suốt được cắm vào một lỗ cắm suốt trên giá đỡ trục. Xong những việc đó là hoàn thành công đoạn mắc sợi và người ta có thể tiến hành xe sợi. Người xe sợi ngồi trên một chiếc ghế cao khoảng 50 cm (độ cao này có thể thay đổi tương ứng với chiều cao của trục đỡ bánh xe và trục đỡ cần đạp). Hai chân người xe sợi để trên cần đạp - một chân đặt ở phía trong, một chân đặt ở phía ngoài trục đỡ cần. Hai tay người xe sợi cầm hai đoạn thân cây tre nhỏ hoặc gỗ tròn (đường kính khoảng 2,5 – 3 cm). Đoạn cây bên tay trái dài khoảng 20 – 25 cm được luồn xuống dưới tuyến đi của sợi. 4 sợi chạy qua đoạn cây này được luồn qua 4 kẽ ngón tay của người xe sợi có tác dụng như một sự phân luồng). Đoạn cây bên tay phải dài ≈ 1,2 m đặt ở trên và luôn được dìm xuống hay thả lỏng cho các đường sợi dâng lên nhịp nhàng theo từng vòng quay có tác dụng làm cho sợi khi cuốn vào suốt được phân chia đều đặn ở các vị trí trong - giữa – ngoài của con suốt. Nói cách khác, cả hai đoạn cây này đều có tác dụng can thiệp vào tuyến đi của sợi (lái sợi) trong lúc vận hành sao cho 4 dòng sợi không bị vướng vào nhau làm rối sợi và để sợi đánh vào suốt được đều theo ý muốn của người xe sợi. Khi vận hành, hai chân người xe sợi đạp vào cần đạp với nhịp đạp thay đổi đều đặn giữa hai chân, lúc nhấn mạnh đoạn phía trong, lúc nhấn mạnh đoạn phía ngoài sẽ làm cho bánh xe chuyển động theo vòng tròn kéo theo sự chuyển động của suối chỉ. Hai tay người xe sợi luôn luôn can thiệp vào đường chuyển động của sợi và đôi mắt phải luôn luôn theo dõi sự can thiệp ấy. Sau khi được xe, sợi đã chuyển từ dạng dẹt và mỏng của vỏ cây sang dạng tròn và xoắn bện của sợi. Công đoạn xe sợi được tiến hành trong khoảng 5 ngày. - Thu sợi (Cayr dayr): Sợi sau khi được xe đã đạt được độ mềm mượt, dẻo dai, tròn, xoắn bện và bền chắc cần thiết nhưng lúc này sợi mới chỉ được cuốn vào từng suốt nhỏ. Muốn thực hiện được các công đoạn tiếp sau, người ta phải thu sợi thành những bó lớn bằng guồng thu sợi (khâuz lis). Để thu sợi, người ta cho các con suốt sợi được vào một vật chứa (rổ đan, thùng gỗ, gùi…) đặt ở một góc nhà. Mỗi “mẻ” thu sợi, người ta mắc lên guồng 10 - 12 con sợi (tương ứng với 10 con suốt sợi). Đầu của các con sợi này được buộc gắn với 1 thanh chốt chặn bất kỳ. Sau đó, người ta lần sợi mắc vòng quanh guồng 1 vòng làm mồi rồi mới bắt đầu tiến hành khởi động vòng guồng từ trái qua phải hoặc từ phải qua trái tuỳ theo ý muốn của người thu sợi. Khi guồng quay đã hoạt động trơn tru, người thu sợi ngồi ở một góc nhà bất kỳ (trừ góc nhà có đặt vật chứa các con suốt sợi và dùng tay tác động vào các đầu thanh cuộn từ trái qua phải hoặc từ phải qua trái theo vòng khởi động tạo ra một lực đẩy vào thanh cuộn. Lực đẩy này sẽ được truyền đến trục làm cho trục quay. Để tránh không cho rối sợi, người ta không bao giờ quay nhanh quá và đặc biệt là phải quay đều tay. Mỗi khi sợi bị rối, người ta phải dừng guồng rồi ra gỡ trước khi tiếp tục cho trục quay. Mỗi khi các con suốt hết sợi, người ta lại phải ra nối tiếp sợi từ các con suốt khác vào các đầu chỉ từ các con suốt vừa hết. Vì vậy, để đỡ mệt mỏi khi thực hiện công đoạn này, người ta thường làm việc theo “ekip” 2 người: một người chuyên quay guồng và một người chuyên gỡ và nối sợi. Khi mỏi, hai người này có thể đổi vị trí thao tác cho nhau. Công đoạn thu sợi được tiến hành trong vòng 7 ngày. - Luộc - ủ - giặt sợi: Công đoạn này có tác dụng làm trắng sợi. Để luộc và ủ sợi, người ta cần phải có tro bếp, tốt nhất là tro lấy từ gỗ thuộc loài “tống quá sủ” (Alnus nepalensis) - một loài cây có sức sống tương đối cao mọc gần như thuần loài hoặc xen kẽ với các loài cây thuộc họ Re (Litsea spp., Lindera spp.), Dẻ (Castanopsis spp., Fagus spp), Mộc lan (Magnilia spp.), Hồ đào (Plantacarya spp)… trên nhiều khoảnh đất canh tác bỏ hoang trong vùng sau giai đoạn trảng cỏ và savan (thường là các loại cây thân thảo 1 năm), nhanh chóng khép tán, thường vào khoảng 6 – 8 năm đã hình thành rừng non khép tán với chiều cao trung bình là 5 m. Những bó sợi sau khi được tước, xe và thu thành từng bó sợi lớn sẽ được ngâm với nước tro bếp rồi luộc chín cho bong hết vỏ xanh. Mỗi mẻ luộc, người ta sẽ thực hiện từ 4 – 5 cuộn sợi, thời gian luộc cho mỗi mẻ khoảng 30 – 60 phút thì vớt ra. Thông thường các gia đình người Mông chỉ cần luộc một đêm là hết số sợi. Chỉ gia đình nào đông con gái, sợi nhiều mới cần thêm một ngày hôm sau. Sau mỗi lần luộc sợi, người ta sẽ ủ sợi bằng cách rắc một lớp tro nguội lên tro bếp còn nóng ở đáy chảo (lượt rắc dày khoảng 1 – 2 cm). Sau đó, người ta dùng một mảnh vải lanh hoặc một chiếc váy lanh cũ trải lên trên, đặt các cuộn sợi này vào đó, dùng một tấm vải khác phủ lên sợi, rồi rải thêm một lớp tro nữa lên trên (với độ dày tương đương với lớp tro ở đáy chảo) để ủ sợi trong 5 ngày. Sau đó mới mang giặt cho sạch và cho lên guồng thu sợi phơi khô. Tiếp theo, sợi còn được luộc và ủ tro thêm 3 lần nữa, những lần sau chỉ cần ủ trong một ngày một đêm. Riêng lần luộc sau cùng, người ta còn cho thêm một ít sáp ong cho sợi trắng, mịn và dai chắc. Thứ sợi lanh đã được làm xoăn, trắng và sạch như thế người Mông gọi là “Xur”. - Lăn sợi: Để làm cho sợi mềm, bóng, các đầu nối sợi mỏng ra và phẳng, không lộ ra các mối nối, người ta còn dùng một dụng cụ để lăn sợi. Đó là một khúc gỗ tròn làm trục lăn, một phiến đá đẽo phẳng nhẵn hoặc một tấm ván gỗ, chiều dài khoảng 1 m, chiều rộng khoảng 0,3 m. Người ta đặt sợi lên khúc gỗ tròn, lấy phiến đá hoặc tấm ván đặt lên trục gỗ rồi đứng trên phiến đá, vịn hai tay vào tường, chân đẩy lúc sang trái, lúc sang phải làm cho trục gỗ chuyển động lăn đi lăn lại miết xuống sợi lanh. - Tháo sợi: Sau khi lăn xong, sợi được đưa lên giồng thu sợi để tháo cho dễ. Cách tháo sợi rất đơn giản, người ta đặt đầu sợi vào đáy gùi rồi xoay guồng thu sợi, tay dỡ sợi thả dần xuống gùi. Khi tháo sợi, không cho trẻ em tới gần vì nếu chúng nghịch sẽ làm rối sợi. - Xếp sợi: + Xếp sợi dọc: Sau khi tháo sợi xong là đến công đoạn xếp sợi dọc thành các con chỉ dệt. Mỗi con chỉ gồm có 10 hoặc 12 sợi. Người ta đổ 10 hoặc 12 ống sợi từ gùi ra, luồn sợi qua các lỗ đục trên một thanh tre ngang đóng vào cọc tre. Xếp sợi đòi hỏi phải có 2 người: Một người dùng tay túm các sợi lanh thành con sợi lần lượt đi từ đầu này đến đầu kia để ghim con sợi vào các cọc gỗ đóng trên sàn, một người trông coi cho sợi không bị rối. Đặc biệt, người Mông còn có một cách làm hết sức sáng tạo là rắc cát khô lên trên đống sợi để khi kéo sợi không bị rối. 4. NHỮNG BIẾN ĐỔI VÀ GIẢI PHÁP NHẰM BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGUỒN NGUYÊN LIỆU DỆT MAY TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI MÔNG Ở CÁT CÁT 4.1. Những biến đổi Thực tế tình hình ăn vận trang phục của người Mông ở Cát Cát hiện nay cho thấy tuyệt đại bộ phận đồng bào vẫn bảo lưu hầu như nguyên vẹn trang phục truyền thống của mình. Tuy những năm gần đây, có một số biến đổi về trang phục nhưng điều đó không làm trang phục Mông mất đi tính truyền thống mà trái lại ngày càng đẹp và tiện dụng hơn, thích hợp với quy luật vận động của cuộc sống mới. Xét riêng về nguyên vật liệu, có thể thấy sự thay đổi so với trước đây như sau: Theo truyền thống, người Mông dệt vải bằng sợi lanh. Họ quan niệm lúc chết phải mặc trang phục vải lanh, bởi lẽ “chỉ có mặt vải lanh mới không lạc tổ tiên. Mặc vải lanh thì ma tổ tiên mới nhận được mặt con cháu”. Vải lanh, sợi lanh với người Mông đã trở thành tín hiệu để nhận biết cội nguồn, kể cả lúc còn sống và khi đã chết và là sợi dây liên hệ giữa thế giới người sống và thế giới người chết; sợi dây liên hệ giữa những người bình thường và thế giới thần linh; sợi dây liên lạc giữa thầy cúng và các thế lực siêu nhiên.v.v… Cây lanh vì vậy mà đã trở thành một trong những biểu tượng quan trọng trong đời sống người Mông ở Cát Cát xưa và nay. Tuy nhiên, nhiều bộ phận của trang phục của không chỉ nam giới mà cả nữ giới đã được thay thế bằng các loại vải có bán sẵn trên thị trường. Từ chất liệu chủ yếu là sợi tự nhiên như cotton, phin, len, dạ… cho đến các loại chất liệu sử dụng nhiều nguyên liệu hoá học như siu, lanh, xa tanh… được đồng bào mua về để may trang phục hoặc kết hợp với vải lanh để tạo ra trang phục. Sự xuất hiện của các nguyên liệu mới có thể nhận thấy ở bất kỳ bộ phận nào trên trang phục của người Mông. Vải lanh ngày nay chỉ được dùng theo đúng phong tục ở các dịp đại sự như dùng cho cô dâu, chú rể trong ngày cưới hoặc dành để mặc lúc chết. Tổng diện tích nương lanh của thôn Cát Cát hiện nay so với 20 năm trước đây hầu như không có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, đó là xét trên quy mô thôn; còn nếu xét theo quy mô hộ thì sự thay đổi là quá rõ. Trong quá trình điều tra tại cơ sở, chúng tôi không thu thập được số liệu về dân số thôn Cát Cát 20 trước đây, nhưng theo điều tra hồi cố từ một số người cao tuổi thì thôn Cát Cát cách đây 20 năm chỉ có chưa đầy 30 hộ với khoảng hơn 100 nhân khẩu (ít hơn 5 lần so với hiện nay). Mặc dù vậy, diện tích nương lanh của mỗi hộ gia đình trung bình cũng đạt 450 m2/hộ. Mỗi hộ khi ấy mỗi năm gieo trồng trung bình khoảng 15 kg hạt giống (mỗi kg hạt giống gieo trồng được trên 7 m2 diện tích nương). Tổng diện tích nương lanh của cả thôn khi ấy khoảng ≈ 1 – 1,2 ha. Sản lượng thu hoạch lanh hàng năm đạt 45 bó lanh/hộ (cả thôn đạt ≈ 1.350 bó). Sau khi chế biến lanh cho khoảng 18 – 20 bó sợi (Cả thôn đạt 1.800 – 2.000 bó). Với ngần ấy sợi có thể dệt được khoảng 160 m vải/hộ (tuỳ theo khổ vải dệt to hay nhỏ). Ước tính sơ bộ, mỗi người khi ấy mỗi năm sẽ có 20 m vải các loại (phụ nữ có 30 m; nam giới có 20 m; và trẻ em có 12 m) Theo bà Sùng Thị Sớ, sinh năm 1965, trú tại Đội I thôn Cát Cát thì có như vậy mới đủ đáp ứng được toàn bộ nhu cầu may mặc và một số nhu cầu từ vải, sợi khác của các gia đình trong thôn. So sánh với những số liệu thu thập được hiện nay, chúng tôi thấy mỗi gia đình trong thôn hiện giảm trung bình 250 - 300 m2 diện tích trồng lanh so với trước đây. Thậm chí, có tới 15 gia đình trong thôn hiện không có nương lanh riêng mà chung với một gia đình khác - thường là nhà bố mẹ hoặc anh, chị, em (chiếm 21,1%). Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu tập trung vào 3 nguyên nhân cơ bản sau đây: Một là, do sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội. Nền kinh tế truyền thống của người Mông trước đây là một nền kinh tế tương đối khép kín, nguồn lương thực và vải vóc hoàn toàn tự cung tự cấp. Ngày nay, khi kinh tế hàng hoá phát triển, để may mặc họ có thể mua vải ở chợ, vừa rẻ, vừa thuận tiện, lại không tốn công sức như dệt vải lanh. Theo kết quả khảo sát tại địa phương cho thấy: để có được sợi làm nguyên liệu dệt, ngoài việc phải dành quỹ đất của gia đình để trồng lanh người Mông nơi đây phải dành 3 tháng cho việc trồng lanh và cũng khoảng ngần ấy thời gian cho việc thu hoạch và chế biến lanh thành sợi. Nhiều người cho rằng với thời gian ấy nếu họ đi buôn bán hàng lưu niệm cho khách du lịch rồi trích một phần lợi nhuận ra mà mua vải bán sẵn ngoài chợ về may mặc thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Dĩ nhiên, đó là một cách nghĩ “ăn sổi”, không phù hợp với chiến lược phát triển bền vững. Nhưng, đó là những suy nghĩ đang xuất hiện và ngày càng phát triển trong cộng đồng dân cư người Mông ở Cát Cát. Vì vậy, trong quá trình thực hiện bảo tồn nghề dệt vải truyền thống của người Mông nơi đây, chúng ta cũng cần lưu ý khắc phục lối suy nghĩ này. Hai là, sức ép về dân số gia tăng ngày một nhanh, trong khi quỹ đất dành cho trồng trọt nói chung, trồng cây lanh nói riêng lại không tăng. Chỉ sau 20 năm, dân số người Mông toàn thôn Cát Cát đã tăng lên 5 lần (từ hơn 100 người lên hơn 500 người). Nhiều gia đình sau khi con cái tách hộ ra cư trú riêng đã cắt bớt phần nương lanh của mình ra cho con cái làm cho diện tích nương lanh của gia đình bị thu hẹp. Nhiều gia đình do không có nhiều nương lanh để chia cho các con thì các anh chị em ruột thịt sau khi đã “kiến giả nhất phận” hoặc con cái sau khi tách hộ ra ở riêng vẫn chung nhau mảnh nương lanh của cha mẹ trước đây. 15 gia đình chung nương lanh với nhau ở thôn Cát Cát hiện nay đều thuộc diện đối tượng này. Do diện tích nương lanh ít, lượng sợi thu được không đủ để sản xuất ra vải mặc cho gia đình nên nhiều người đã chuyển sang mua vải ở chợ về may mặc. Đó là một thực tế khách quan mà nhiều người dân tuy không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận. Ba là, sự thay đổi về thị hiếu thẩm mĩ. Qua phỏng vấn nhanh một số nam nữ các nhóm trong thôn Cát Cát, chúng tôi nhận thấy đồng bào người Mông ở thôn Cát Cát hiện nay phần lớn vẫn ưa chuộng lối ăn mặc truyền thống của dân tộc mình, duy chỉ có điều nhiều phụ nữ bộc lộ rõ quan điểm là không thích mặc chiếc váy truyền thống và nếu không phải là đám cưới (khi đó người phụ nữ ấy trong vai trò là cô dâu) thì họ sẽ nhất định không mặc vì chiếc váy nặng quá. Và chiếc váy ấy đã được thay thế bằng chiếc quần nhung rộng ống và chỉ dài trùm đầu gối. Điều này là một thực tế đã diễn ra ở thôn Cát Cát từ rất nhiều năm trở lại đây mà dù đã cố gắng lần tìm nhưng chúng tôi vẫn không xác định được thời điểm chiếc quần ngắn (trước may bằng vải lanh, nay chuyển sang may bằng vải nhung) của phụ nữ đã thay thế vai trò của chiếc váy trong cuộc sống hàng này. Chỉ biết rằng, cụ Má A Trư, sinh năm 1927, trú tại Đội III thôn Cát Cát từ khi còn nhỏ đã thấy những người phụ nữ Mông ở đây mặc chiếc quần ấy rồi. Chiếc váy chỉ được người ta mặc lúc chết hay thỉnh thoảng mặc đi hội, đi chơi chợ… như một thứ đồ mặc diện. Còn trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, người ta mặc quần là chủ yếu. Một số nam thanh niên khi được hỏi cũng cho rằng họ thích mặc trang phục truyền thống của mình nhưng họ sẽ mặc lót trong một loại áo nào đó không phải bằng vải lanh nhuộm chàm vì nếu không như vậy màu chàm sẽ phôi ra người, đặc biệt là trong những hôm trời mưa. Những thay đổi về nguồn nguyên liệu may mặc của người Mông ở Cát Cát hiện nay là một thực tế đã và đang diễn ra ngày một mạnh mẽ. Tuy rằng, sự thay đổi ấy vẫn chưa làm mất đi hoàn toàn nét truyền thống trong phục sức của đồng bào Mông nơi đây, nhưng sự thay đổi ấy lại diễn ra theo chiều hướng cách tân và pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Như vậy, vấn đề của chúng ta lúc này là làm thế nào để có thể kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, để cho người dân vừa giữ được bản sắc truyền thống của trang phục ngay từ nguồn nguyên liệu lại vừa phù hợp với nền kinh tế - xã hội đã thay đổi. Đồng thời, làm sao cho sự biến đổi, cách tân của trang phục truyền thống đi đúng hướng, không chệch sang một hướng lai căng - hậu quả từ việc cách tân tự phát. 4.2. Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy nguồn nguyên dệt - nhuộm cổ truyền của người Mông ở Cát Cát hiện nay Từ những giá trị của cây lanh trong đời sống văn hoá – xã hội của người Mông ở Cát Cát cũng như những biến đổi của nó hiện nay, chúng tôi đưa ra một số giải pháp bảo tồn cây lanh với tư cách là nguồn nguyên vật liệu chủ yếu cho nghề dệt vải may mặc của người Mông ở Cát Cát hiện nay như sau: Một là, cần giáo dục tính tự hào dân tộc cho người Mông ở Cát Cát, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cần tạo cho đồng bào một ý thức tự hào với trang phục truyền thống dân tộc mình, đặc biệt là về mặt chất liệu. Điều này không có nghĩa là bắt buộc đồng bào phải mặc trang phục truyền thống được may bằng vải lanh một cách cứng nhắc mà cần hiểu được và thấy được một cách sâu sắc những giá trị ẩn dấu đằng sau chất liệu vải lanh trong nền văn hoá dân tộc mình. Từ đó, đồng bào sẽ có được những nhận thức đúng đắn, trân trọng những giá trị của cha ông để lại. Một dân tộc thực sự phát triển khi biết duy trì và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống một cách tự giác dựa trên nền tảng dân trí cao, khẳng định giá trị dân tộc mình trong cuộc sống đương đại bằng nét đẹp văn hoá truyền thống. Hai là, tạo ý thức, thói quen dùng trang phục cổ truyền với chất liệu lanh truyền thống để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong các dịp lễ hội, cưới xin. Hiện nay, việc biến đổi trong trang phục của người Mông ở Cát Cát chưa thực sự lớn. Vì vậy, không chỉ trong các dịp hội hè hay các dịp đại sự khác mà cả trong cuộc sống hàng ngày, đồng bào vẫn duy trì thói quen ăn vận trang phục bằng chất liệu vải lanh truyền thống của mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể lơ là việc tuyên truyền ý thức cho đồng bào bằng các kênh thông tin hiệu quả. Bởi lẽ, nếu chỉ đến khi nó đã mai một, đã biến tướng hoặc đã mất đi hoàn toàn mới lo khôi phục thì sẽ tốn kém rất nhiều tiền của, công sức mà tính hiệu quả chưa chắc đã được như mong muốn. Ba là, bảo tồn trang phục truyền thống một cách bền vững bằng phương pháp nghiên cứu việc áp dụng các thành tựu của khoa học công nghệ gắn với truyền thống trong quá trình tạo ra trang phục với mục đích sản xuất ra những chi tiết hoặc bộ trang phục tương đương những bộ trang phục truyền thống về chất liệu, kiểu dáng, mẫu mã và hình thức trang trí nhưng giá thành hạ để đồng bào có thể chấp nhận được cả về nội dung và giá cả. Thực tế cho thấy kinh tế thị trường phần nào đã thúc đẩy một vài công đoạn trong quá trình này. Việc còn lại là tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện nốt những công đoạn còn chưa được sản xuất một cách hợp lý so với thực tế cuộc sống hiện nay. Và, một điều hết sức quan trọng đó là phải hết sức cẩn trọng trong việc chèo lái hướng đi của nội dung này để nó không đi lệch hướng. Nếu không sẽ tạo ra một hiệu quả trái ngược. Bốn là, phát huy tối đa tính biểu tượng của cây lanh trong đời sống tinh thần của người Mông ở Cát Cát. Một xu thế đang diễn ra và khó có thể ngăn chặn là sự biến đổi nguyên liệu dệt may của người Mông từ sợi lanh sang sợi bông và các loại sợi công nghiệp. Sự biến đổi này là tất yếu vì cùng với sự phát triển, con người sẽ càng hướng tới sự tiện dụng và ít phải bỏ công sức lao động hơn. Khi sự biến đổi ngày càng tăng thì cây lanh của người Mông ở Cát Cát cũng sẽ dần đi vào thế giới biểu tượng và trong tương lai nó có thể sẽ chỉ còn được sử dụng trong các nghi lễ đặc biệt trong lĩnh vực tín ngưỡng – tâm linh (trong saman giáo, lễ hội hay trong tang lễ). Từ hiện thực đến biểu tượng và từ biểu tượng đến hiện thực mới cao hơn, phù hợp hơn là con đường phát triển tất yếu mà chúng ta cần phải chú trọng trong công tác định hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá nói chung, “văn hoá lanh” của người Mông ở Cát Cát nói riêng. Năm là, bảo tồn và phát triển cây lanh của người Mông ở Cát Cát với tư cách là nguồn nguyên liệu của một nghề thủ công truyền thống độc đáo phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Giải pháp này nói cách khác là biến di sản văn hoá thành tài sản. Biến những giá trị văn hoá dân gian thành nguồn lợi có thể khai thác trong nền kinh tế thị trường để các chủ thể văn hoá có thể tạo ra thu nhập một cách chính đáng. Nguồn thu nhập đó có thể nuôi sống con người và nuôi sống những giá trị văn hoá dân gian, tạo động lực một cách tự giác cho sự kế thừa, phát huy và phát triển các giá trị văn hoá của cây lanh trong đời sống đương đại. Sáu là, cần mở rộng nghiên cứu và phát triển cây lanh không chỉ với tư cách là nguồn nguyên liệu cho nghề dệt vải truyền thống của dân tộc Mông. Bởi lẽ, với những đặc điểm sinh học và những giá trị của nó trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, y học, đồ dệt kỹ thuật, vật liệu xây dựng và các sản phẩm kỹ thuật khác... có thể kết hợp những thành tựu nghiên cứu khoa học với những tri thức địa phương trong việc trồng trọt và khai thác giá trị sử dụng của cây lanh, biến cây lanh từ một loại cây địa phương, phục vụ kinh tế tự cấp tự túc trở thành một loài cây công nghiệp ở vùng người Mông Cát Cát nói riêng, người Mông cả nước nói chung rồi dần phát triển rộng ra theo tỷ lệ thuận với hiệu quả khai thác, chế biến chúng trở thành một mặt hàng nông sản xuất khẩu. Hơn nữa, người Mông nói chung, người Mông ở Cát Cát nói riêng đang có xu hướng dùng vải lanh ngày càng ít đi nên thông qua chương trình này có thể sẽ góp một phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển cây lanh phù hợp với những thay đổi về kinh tế - văn hoá – xã hội hiện nay. KẾT LUẬN Bảo tồn và phát triển cây lanh trong đời sống văn hoá người Mông ở Cát Cát với tư cách là nguồn nguyên liệu cho nghề dệt vải truyền thống không những đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về tiêu dùng trong xã hội, khi mà ngành tiểu thủ công nghiệp không hoặc chưa đáp ứng được, mà còn có ý nghĩa to lớp đối với việc khai thác các thế mạnh về tiềm năng tại chỗ về nguyên liệu, lực lượng lao động, kỹ năng truyền thống… của địa phương để từng bước hướng tới thị trường. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát triển cây lanh trong đời sống văn hoá của đồng bào không phải là khôi phục nguyên những gì như nó đã có trước đây. Vì nếu như vậy thì nó cũng chỉ là một nghề phụ gia đình nhằm mục đích thoả mãn nhu cầu có tính tự cấp tự túc mà cần có biện pháp nâng nó lên trở thành nguyên liệu cho một nghề kiếm ra tiền - một hoạt động kinh tế quan trọng và hấp dẫn trong cơ cấu kinh tế chung của người dân nơi đây. Nghề dệt vải và cắt may trang phục nhờ đó cũng vươn lên trở thành một bộ phận chính trong cơ cấu kinh tế - xã hội và mang tính thương mại. Làm tốt được điều này không chỉ có tác dụng bảo tồn và phát triển cây lanh một cách tích cực trong dòng chảy văn hoá của người Mông ở Cát Cát hoà cùng với nhịp sống đương đại mà còn có tác dụng làm thay đổi sự phân công lao động trong xã hội, nâng cao vai trò của người phụ nữ, thúc đẩy quá trình xác lập quyền bình đẳng giới và khẳng định giá trị đích thực của tri thức dân gian, công nghệ dân gian và văn hoá dân gian trong nền kinh tế thị trường.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docCy lanh v quy trnh ch7871 bi7871n lanh thnh s7907i c7911a ng.doc
Tài liệu liên quan