Chuyên đề Hoa văn trên vải của người Mông ở thôn Cát Cát, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

DẪN LUẬN Hoa văn là một yếu tố thể hiện tư duy, trình độ thẩm mĩ và kỹ năng, kỹ xảo của người nghệ nhân tạo hình, nói rộng ra là của cả một cộng đồng dân cư. Nó phản ánh trình độ kinh tế, văn hoá, xã hội, lịch sử và dấu ấn thời đại của cộng đồng dân cư đó. Người Mông ở Cát Cát có một kho tàng văn hoá rất phong phú, độc đáo, trong đó hệ thống hoa văn trong nghệ thuật tạo hình dân gian nói chung, trang trí trên vải nói riêng đóng góp những giá trị không nhỏ. Nó hiện lên một cách đa dạng và mang theo phong cách tộc người góp phần hình thành bản sắc văn hoá dân tộc Mông. Về mặt kỹ thuật, trong quy trình tạo hình và trang trí hoa văn trên vải, người Mông nơi đây đã vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách điêu luyện như triết nếp, khâu đột, khâu luồn sợi, khâu vắt; các kỹ thuật tạo hoa văn như thêu (thêu đột, thêu luồn sợi, thêu xoắn chỉ), in hoa văn bằng sáp ong (kỹ thuật ba tít), ghép vải. Công việc này được các em gái học từ những người bà, người mẹ, người chị ngay từ khi còn nhỏ theo phương pháp cầm tay chỉ việc vào những thời điểm nông nhàn hay những khi đi đường, đi chợ. Về mặt mĩ thuật, hệ thống hoa văn với các mô típ, các đồ án và phương pháp xử lý bố cục, màu sắc hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát, nhất là trang phục phụ nữ của rực rỡ và cố tình vượt lên sắc xanh của thiên nhiên để tôn con người trước khung cảnh của núi rừng. Phong cách trang trí và tính quy phạm của các loại hoa văn với màu sắc của nó cũng thể hiện những luật tục, những kiêng kỵ trong cộng đồng. Như vậy, có thể khẳng định, hoa văn cũng là một trong những nguồn sử liệu quý khi nghiên cứu về lịch sử văn hoá tộc người. Chuyên đề Hoa văn trên vải của người Mông ở thôn Cát Cát, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai nhằm tìm hiểu những nét độc đáo trong trang trí dân gian trên trang phục của người Mông nơi đây. Chuyên đề nằm trong Đề tài Bảo tồn nghề dệt truyền thống, thuộc dự án Đầu tư bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mông ở làng Cát Cát, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chuyên đề được thực hiện bằng các phương pháp dân tộc học truyền thống, lấy kết quả điền dã làm tài liệu nghiên cứu chủ yếu. MỤC LỤC Dẫn luận 1 1. Đặc điểm tư duy tác động tới thị hiếu thẩm mĩ và hoa văn trên vải 2 1.1. Lịch sử đấu tranh và di cư của người Mông tác động tới tư duy, tình cảm cộng đồng . 2 1.2. Ý thức đấu tranh kiên cường bảo vệ Bản sắc văn hoá dân tộc tác động đến việc bảo tồn, lưu giữ các mẫu hoa văn cổ . 2 1.3. Tính cộng đồng, dòng họ bền chặt tác động đến tính đặc trưng và thống nhất trong hệ thống hoa văn 3 1.4. Đức tính lao động cần cù, thông minh sáng tạo tác động đến chất lượng và mẫu mã của hoa văn 3 1.5. Kiểu tư duy đối ngẫu tác động đến sự hình thành và tồn tại của mô típ và các kỹ thuật xử lý hoa văn . 4 1.6. Tính bảo thủ tác động tới việc bảo lưu hoa văn 6 2. Hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát 7 2.1. Kỹ thuật tạo hoa văn trên vải 7 2.1.1. In sáp ong 7 2.1.2. Kỹ thuật thêu . 9 2.2.4. Kỹ thuật ghép vải 9 2.2. Mô típ hoa văn 11 2.3.1. Hoa văn hình học 11 2.3.2. Hoa văn hiện thực . 12 2.3. Nghệ thuật xử lý bố cục hoa văn . 14 3. Ý nghĩa của hệ thống hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát . 18 4. Về việc bảo tồn hoa văn trên vải của người Mông ở Cát cát hiện nay . 21 4.1. Những vấn đề đặt ra đối với việc bảo tồn hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát 21 4.2. Một số kiến nghị 24 Kết luận

doc25 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2241 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Chuyên đề Hoa văn trên vải của người Mông ở thôn Cát Cát, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ó mà hình thành và phát triển. Chính vì kiểu tư duy đối ngẫu (thiết thực – mơ ước; cụ thể - lãng mạn) đã dẫn đến đặc điểm là tuy xã hội người Mông là một cộng đồng tự quản, khép kín; nhưng sự khép kín đó lại luôn trong một thể thức vận động. Đồng bào có thể học tập văn hoá mưu sinh của các dân tộc khác, nhưng còn trong văn hoá tâm linh và quan điểm thẩm mĩ thì thường không chấp nhận những yếu tố bên ngoài. Cách tư duy của đồng bào luôn luôn đi từ những hình tượng cụ thể trong tự nhiên, quy luật của tự nhiên để suy đoán, cắt nghĩa các vấn đề xã hội, trực giác, giàu óc quan sát nhưng lại so sánh ví von, hình tượng. Sinh sống nơi môi trường núi cao với thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng nên tư duy của đồng bào thường nhạy cảm với các hiện tượng tự nhiên từ quan sát đến phán đoán rồi suy luận, từ cái tự nhiên để giải thích các vấn đề trong đời sống. Chẳng hạn, để giải thích vì sao có núi nhấp nhô, có ao hồ, đồng bào đi từ thực tế các vật có mặt phẳng khi co lại thì tạo thành làn sóng nhấp nhô nên họ giải thích mặt đất rộng hơn bầu trời, nên mặt đất co lại cho khớp, co lại nên tạo thành núi cao nhấp nhô, sông hồ. Khi muốn cắt nghĩa vì sao phải làm lễ cưới hỏi thì đồng bào ví như quay sợi thì phải có guồng, dệt vải thì phải có khung, có thoi thì việc dựng vợ gả chồng cũng phải có lễ cưới hỏi. Khi nói về một cô gái đẹp, người ta cũng có thể ví cô gái đẹp ấy với cái điếu, vì cái điếu làm cho người ta say mà cô gái đẹp cũng làm cho người ta say nên cô gái đẹp giống như cái điếu.v.v… 1.6. Tính bảo thủ tác động tới việc bảo lưu hoa văn Cũng như người Mông ở những nơi khác, người Mông rất bảo thủ nhưng lại ưa lý lẽ. Một mặt, họ rất muốn biết rõ lý do, phân biệt phải trái đến cùng, nếu đã kiện nhau là kiện đến cùng nhưng mặt khác, họ bao giờ cũng bảo vệ cho luận điểm của mình và thường tìm cách né tránh khi đuối lý. Điều đó đã làm nên cái gọi là “cái lý” của người Mông. “Cái lý” của người Mông dựa trên các cơ sở sau: Một là, dựa trên các quy luật tự nhiên, từ “cái lý” của tự nhiên. Thế mới có chuyện người Mông đi bán mật ong, người mua xin thử chất lượng để mua. Xem xong, người mua nghi ngờ mật ong bị pha và trách người Mông. Người Mông cãi lý: Tao không làm ra mật ong được. Mày không tin thì đi mà hỏi con ong. Đây là kiểu lập luận vừa tự nhiên (con ong làm ra mật) lại vừa là lối đánh tráo khái niệm kiểu né tránh mang tính hài hước, người Mông tránh không tranh luận điều đó bằng cách bảo người mua đi mà hỏi con ong. Hai là, dựa trên các luật tục, quy ước sinh hoạt của cộng đồng, từ “cái lý” của cộng đồng. Thế mới có chuyện chia nửa con bò. Có một con bò vào nương ăn lúa, dẫm nát hết rau, quả. Chủ nương mang súng ra bắn chết con bò. Làm thịt nó rồi giữ lại một nửa, chia cho chủ bò một nửa. Chủ bò không chịu, chủ nương cãi lý: con bò trị giá 4 triệu, nương của tao thu hoạch bán hết cả thóc, rau và quả cũng được 4 triệu, thiệt hại ngang nhau thì con bò phải chia đôi ra. Đây là kiểu lập luận dựa trên luật tục của người Mông. Kiểu luật tục này trước đây phổ biến trong các thôn/làng người Mông. Ba là, kết hợp “cái lý” của tự nhiên và cộng đồng với các quan niệm về đạo đức và vai trò của người có uy tín. Thế mới có chuyện người Mông tập xe. Người Mông tập đi xe máy, đâm vào người đi bộ. Người đi bộ đau chân nên bắt đền người đi xe. Người đi xe cãi lý: Đường thì là đường chung, mày cũng có quyền đi, tao cũng có quyền đi. Tao tránh khó vì phải lái cả cái xe to, còn mày tránh dễ vì mày chỉ phải lái có hai cái chân thì mày phải tránh tao chứ. Đây là kiểu lập luận kết hợp giữa luật tục, quy ước của dân tộc, dòng họ, với quy luật tự nhiên, kết hợp cả quan niệm về đạo đức, lối sống. Bốn là, tôn trọng người chăm chỉ, thù ghét kẻ lười biếng. Thế mới có chuyện người Mông xử phạt. Có hai kẻ cùng bị xử phạt. Một kẻ ăn trộm một nén bạc. Một kẻ ăn trộm một tẩu thuốc. Khi phân xử, người Mông phạt kẻ lấy trộm tẩu thuốc tội nặng hơn. Cái lý của họ là: nén bạc tuy đắt nhưng lao động bình thường không làm ra được. Cái tẩu thuốc tuy rẻ nhưng ai cũng làm được. Vì thế, kẻ ăn trộm cái tẩu phải phạt thêm tội lười lao động. Cái lý của người Mông vừa thể hiện một quy tắc của cộng đồng nhưng đồng thời cũng thể hiện một quan niệm về lao động, tôn trọng người chăm chỉ, thù ghét kẻ lười nhác. Các đặc điểm về lịch sử, tâm lý, tính cách và lối tư duy trên đã kết tinh một cách toàn diện, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống văn hoá của người Mông, tạo nên cách lập luận kiểu “cái lý” người Mông. Và đồng thời nó cũng thể hiện trên nghệ thuật trang trí dân gian trên trang phục với lối trang trí đối ngẫu và cũng rất hình tượng thể hiện trên cả các mô típ, đồ án, bố cục, màu sắc của hoa văn nói chung, hoa văn trên vải nói riêng. Nói cách khác, hoa văn trên vải như những lớp trầm tích đươc kết tinh qua quá trình lịch sử, phản ánh đậm nét bản sắc văn hoá tộc người. 2. HOA VĂN TRÊN VẢI CỦA NGƯỜI MÔNG Ở CÁT CÁT Trong đời sống văn hoá của người Mông ở Cát Cát, hoa văn không chỉ có mặt trên vải mà còn có mặt trên các chất liệu khác như đồ đồng, đồ trang sức, trên các công trình điêu khắc, kiến trúc, trong các tác phẩm nghệ thuật dân gian. Hoa văn xuất hiện đa dạng trong đời sống và mang theo phong cách tộc người, góp phần hình thành bản sắc văn hoá tộc người. Trong đó, hoa văn trên vải là đặc trưng hơn cả 2.1. Kỹ thuật tạo hoa văn trên vải Trong cách trang trí hoa văn, người Mông ở Cát Cát dùng cả ba kỹ thuật: thêu, ghép vải và in sáp ong. Quần nam không trang trí hoa văn, áo nam và nữ đều trang trí như nhau. Bộ phận được trang trí chủ yếu là ở tay áo với các kỹ thuật thêu và ghép vải. Viền cổ, nẹp áo và thắt lưng thường được trang trí bằng hoa văn thêu. Váy được trang trí bằng cả ba kỹ thuật thêu, ghép vải và in sáp ong. 2.1.1. In sáp ong - Bộ công cụ in sáp ong Bộ công cụ để in sáp ong của người Mông ở Cát Cát hiện nay gồm có chảo đun sáp ong (jav) và các loại bút (Đar), ngòi được làm bằng đồng nên được gọi là bút ngòi đồng (Đar sưr taz) Xét về kích thước, bút có 2 loại: to và nhỏ. Xét về cấu tạo ngòi bút, bút cũng có 2 loại: loại 1 khoang bụng gọi là Đar nrơư; và loại 2 khoang bụng gọi là Đar changz zsangz. Đặc điểm của mỗi loại công cụ như sau: + Chảo đun sáp ong: là loại chảo rán cỡ nhỏ được mua ở chợ, thường được làm bằng gang hoặc hợp kim nhôm. Kích thước của chảo thường cao 4 cm; đường kính 20 cm. Khi đun sáp ong, người ta dùng chảo này đặt trên bếp nấu cơm của gia đình (trái nhà bên phải) để đun. + Bút: gồm có 2 bộ phận chính là quản bút (đar) và ngòi bút (sưr). Quản bút giống nhau ở cả hai loại cấu tạo bởi chúng đều được làm bằng tre (siôngz); dài 12 – 13 cm (loại nhỏ) và 16 – 17 cm (loại to); rộng 0,7 cm (loại nhỏ) và 1 cm (loại to); dày 1 mm (loại nhỏ) và 2 mm (loại to). Quản bút là nơi người nghệ nhân tạo hình dùng tay cầm vào đó để thực hiện thao tác. Nhìn chung, quản bút in sáp ong của người Mông không có gì đặc biệt. Điều đặc biệt và làm nên tác dụng chính của bút là ở ngòi bút. Ngòi bút in sáp ong của người Mông ở Cát Cát được làm bằng đồng. Gồm có 4 loại khác nhau là: - loại nhỏ 1 khoang bụng; - loại to 1 khoang bụng; - loại nhỏ 2 khoang bụng; - loại to 2 khoang bụng. Về cấu tạo, loại bút 1 khoang bụng được ghép bởi 2 lá đồng có dạng hình thang chéo, phình to ở bụng bút và hẹp về phía rìa cạnh lưỡi và giáp quản. Phần giáp quản được cố định với quản bút bởi đai và chốt giữ (cũng đều được làm bằng đồng). Trong khoang bụng là một khoảng trống – đó chính là buồng chứa sáp ong. Loại bút 2 khoang bụng thoạt nhìn bề ngoài cũng có cấu tạo như trên, chỉ khác là bên trong có thêm một lá đồng ngăn giữa khiến cho khoang bụng được chia thành 2 ngăn. Về kích thước, rìa cạnh lưỡi dài 2,5 cm (loại to) và 1,7 cm (loại nhỏ). Do ngòi bút có dạng hình thang chéo nên 2 đường chéo có chiều cao khác nhau. Trong đó, chiều cao cạnh chéo dài - Cạnh phía ngoài, phía đầu bút là 1,5 cm (loại to) và 11 cm (loại nhỏ). Chiều cao cạnh chéo ngắn - cạnh phía trong, gần với quản bút là 1 cm (loại to) và 0,8 cm (loại nhỏ). Hai đỉnh trên của hai cạnh chéo cách nhau 1,5 cm (loại to) và 0,8 cm (loại nhỏ). Đai ôm ngòi bút với quản bút dài bằng chiều dài cạnh đỉnh trên của hai cạnh chéo. Chiều cao của đai là 0,6 cm (loại to) và 0,3 cm (loại nhỏ). Để tăng thêm độ chắc chắn cho ngòi bút không bị tuột ra khỏi thân bút, ở chính giữa đai ôm ngòi bút, người ta đặt thêm 01 chốt giữ bằng cách khoan 1 lỗ xuyên qua cả ngòi - đầu quản và đai ôm, lồng 1 lá đồng nhỏ qua rồi bẻ gập 2 đầu của chốt giữ sang 2 bên là được. Mỗi khi vẽ, người nghệ nhân tạo hình chấm bút này vào chảo sáp nóng chảy, sáp ong sẽ tràn vào buồng này. Khi nhấc bút lên, sáp người ta cầm ở tư thế cho cạnh lưỡi nằm song song với bề mặt mặt đất để sáp ong không chảy ra. Khi in, người ta nghiêng dần ngòi bút cho sáp ong chảy ra. Khi mới in, người ta nghiêng ít. Độ nghiêng cứ lớn dần tỷ lệ thuận với lượng sáp ong đã chảy ra khỏi buồng chứa cho đến khi sáp chảy hết hoặc lượng sáp không còn đủ để thể hiện hoa văn theo ý đồ người tạo hình thì người ta mới lại chấm tiếp. Cũng theo kết quả khảo sát của chúng tôi, ở Cát Cát hiện nay chỉ còn 04 người còn có thể in được sáp ong. Trong đó, có 02 nghệ nhân cao tuổi là Thào Thị Sung (1960, đội III) và Sùng Thị Sao (1963, đội I). Ngoài ra, còn có 01 phụ nữ trẻ là Vàng Thị Mảo (1981, con của nghệ nhân Thào Thị Sung) và 01 thiếu nữ là Vàng Thị Me (1985, đội I). Cả 04 người này đều khẳng định từ lâu nay, người Mông ở Cát Cát đều chỉ in sáp ong trên mấy loại bút kể trên, kể cả in hoa, in chấm nhỏ, in đường xoáy, in đường kẻ, đường riềm… Trên thực tế, nghệ thuật batit (in sáp ong) của người Mông còn có 02 loại bút nữa là bút chuyên in các đường xoáy (ngòi được tạo sẵn hình xoáy) và bút chuyên in các chấm nhỏ (ngòi là những que sắt nhỏ trông như chiếc bàn chải). Nhưng có lẽ bởi những nguyên nhân nào đó mà 02 loại bút này và kỹ thuật sử dụng nó đã bị thất truyền đối với người Mông nơi đây. - Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong In sáp ong, tiếng Mông gọi là nthu taz. Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong là nhúng bút vào sáp ong (chaz mur) nấu chảy rồi vẽ lên vải mộc các hoạ tiết hoa văn. Sáp ong sẽ dính lại trên nền vải. Sau đó, người phụ nữ Mông đem tấm vải đã được vẽ sáp ong đi nhuộm chàm 15 - 18 lần cho đến khi miếng vải có được mầu như ý muốn. Những chỗ đã vẽ sáp ong thì nước chàm sẽ không thấm vào. Giặt xong, người ta cứ để thế phơi khô. Khi vải đã khô, người ta nhúng vào nước sôi làm cho sáp ong bám trên nền vải tan ra để lại những hoạ tiết trắng trên nền vải tối. 2.1.2. Kỹ thuật thêu Thêu, tiếng Mông gọi là xơưs. Trang phục của người phụ nữ Mông không chỉ đẹp ở kỹ thuật cắt may mà còn rất dễ gây ấn tượng qua các mô típ trang trí và màu sắc hoa văn. Những người phụ nữ Mông ở Cát Cát thực sự là những nghệ nhân của nghệ thuật tạo hình trên vải. Họ thêu hoa văn không cần mẫu. Chỉ dùng để thêu thường là sợi tơ tằm to, vừa bền sợi, vừa bền màu. Đặc biệt, sắc màu óng luột của tơ tằm sẽ làm tăng vẻ đẹp của hoa văn, làm cho hoa văn càng thêm mượt mà. Người phụ nữ Mông ở Cát Cát có cái nhìn khái quát, giàu óc tưởng tượng, hoàn toàn dựa vào trí nhớ để thêu hoa văn. Hầu như ai cũng thuộc sẵn mẫu hoa văn mà mình thích. Họ không cần phải nhìn vào mẫu mà vẫn thêu được những hoạ tiết đẹp. Trước khi thêu, họ phải tính toán tỉ mỉ, đếm từng sợi chỉ, nhớ từng kích thước từng hoạ tiết trang trí trong toàn bộ mảng hoa văn. Vì vậy, ngay từ khâu dệt, người phụ nữ đã dệt tấm vải nền theo một kỹ thuật sao cho các sợi vải không quá xít với nhau, giành ra những khoảng cách nhỏ li ti tạo điều kiện thuận lợi cho việc đếm sợi, bố cục các hoạ tiết khi thêu. Một số khăn đội đầu của phụ nữ Mông còn được làm bằng loại vải lanh trắng dệt kẻ ô vuông bằng các sợi tím hoặc đỏ sẫm. Kỹ thuật thêu đột càng phức tạp hơn vì người ta thêu ở mặt trái của vải nhưng các hình mẫu của sản phẩm lại nổi lên ở mặt phải, đòi hỏi người phụ nữ phải thật kiên trì, cẩn thận vì nếu chỉ cần một sơ suất nhỏ, nhầm một mũi kim, tính sai một sợi vải là đã khiến cho mũi thêu bị sai lệch. 2.2.4. Kỹ thuật ghép vải Kỹ thuật ghép vải tạo hoa văn cũng được người phụ nữ Mông sử dụng để tạo thành các băng dải, các khoang vải màu khác nhau ở cổ áo, ống tay, nẹp ngực và cả khoang dài gẫu váy, vuông vải che váy (tạp dề). Kỹ thuật ghép vải không chỉ tạo ra các khoang mảng màu mà còn tạo ra các đường nét hoa văn. Trên hình chữ nhật ở cổ áo của người Mông ở Cát Cát đã xuất hiện nhiều kiểu hoa văn hình học bằng kỹ thuật ghép vải. Các đường nét hoa văn nhỏ, phức tạp ở yếm, cổ tay áo cũng đều là vải ghép. Vải ghép khá tỉ mỉ, thường là có gam màu nóng hoặc vải trắng làm riềm nhỏ bao bọc cho các hoạ tiết hoăc tự tạo thành một mô típ hoa văn riêng biệt. Người phụ nữ Mông Cát Cát sử dụng một miếng vải đỏ vàng có tiết diện nhỏ từ 0,5 – 1 cm được viền xung quanh ghép vào vải nền tạo thành các hình xếp nếp hoặc các đường viền của hoạ tiết chính. Ngoài ra, trong các kỹ thuật tạo hoa văn của người Mông ở Cát Cát còn phải kể đến biện pháp kỹ thuật ghép các hạt cườm nhựa, bạc… lên trang phục. Ở mũ áo của những đứa trẻ cầu tự, trên lưng áo của một số người già còn xuất hiện hình thức ghép gắn những đồng bạc trắng, đồng xu nhỏ, hạt cườm… tạo cho những chiếc mũ, chiếc áo này có vẻ đẹp độc đáo, rực rỡ nhưng mang đầy tính biểu tượng. Các biện pháp in sáp ong, thêu chỉ màu, ghép vải màu, ghép gắn hạt cườm nhựa, bạc… lại được khéo léo kết hợp với nhau tạo ra sự phong phú về hoa văn khiến cho mô típ tuy không nhiều nhưng được kết hợp bằng nhiều kiểu sẽ sinh ra nhiều mô típ khác. Đồng thời với các khổ vải ghép đậm, bên cạnh những đường thêu thanh mảnh tạo cảm giác hoa văn luôn biến đổi liên tục. Kết hợp với các biện pháp kỹ thuật còn góp phần tạo hiệu quả về màu sắc. Màu xanh lơ nhạt của vải in sáp ong trở thành màu trung gian, dung hoà với các màu đậm cảu vải ghép chỉ thêu. Nhờ vậy mà màu sắc, đường nét mô típ của hoa văn có sự chuyển động khá phong phú, vui mắt. * Các kỹ thuật trang trí, tạo hoa văn trên vải đã làm cho tấm vải không chỉ sống động về màu sắc, mô típ hoa văn mà cũng trở lên phong phú về kỹ thuật tạo hình, phản ánh trình độ tác nghiệp của người phụ nữ. Với các kỹ thuật trên, người phụ nữ Mông không chỉ thành thục trong việc thể hiện các hoạ tiết dưới dạng đường thẳng mà còn thành thục trong việc bố cục một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, thanh thoát các đồ án hoa văn hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc hay biến thể của nó là 2 hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng tạo thành hình móc hoặc bố trí trục quay thành hình chữ S làm cho bố cục của mỗi mảng hoa văn trở nên hài hoà và tránh được sự đơn điệu. 2.2. Mô típ hoa văn Hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát có hai mảng chính là hoa văn hình học và hoa văn hiện thực. Nếu như mảng hoa văn thứ hai là phương tiện giúp người ta chuyển tải tư duy hay thể hiện những suy nghĩ về cuộc sống của mình thì hoa văn hình học chỉ đơn thuần phục vụ thẩm mỹ với chức năng làm nền. 2.3.1. Hoa văn hình học Hoa văn hình học trên vải của người Mông ở Cát Cát có các mô típ cơ bản sau: - Nhóm hoa văn hình núi hay còn có thể gọi bằng các tên gọi khác như hoa văn hình rẻ quạt, hoa văn hình răng cưa, hoa văn hình gấp khúc song song. Nhóm hoa văn này được người Mông ở Cát Cát gọi là nar kơ thường được thể hiện bằng kỹ thuật thêu hoặc in sáp ong. Nhóm hoa văn này có tần số xuất hiện nhiều trên trang phục của người Mông ở Cát Cát (váy, áo, tạp dề) và thường là các đường viền đóng khung trong mảng hoa văn chính.thường được trang trí làm nền và xen kẽ giữa các hình thoi, hình tam giác, hình chong chóng ở trên thân váy và tạp dề hoặc viền mép xung quanh một ô hoa văn trên váy, áo và chỗ tiếp giáp giữa các phần với nhau. - Nhóm hoa văn hình chấm tròn to nhỏ khác nhau: thường được thể hiện bằng kỹ thuật in sáp ong. Nhóm hoa văn này cũng có tần số xuất hiện khá nhiều trên thân váy với mô típ chạy theo từng chuỗi dài vòng quanh thân váy, các chấm này cách đều nhau làm thành những vành hoa văn độc lập. - Nhóm hoa văn những đường gạch dài song song hay cũng có thể gọi là những đường thẳng song song. Người Mông ở Cát Cát gọi loại hoa văn này là cêr nđangx. Mô típ của nhóm hoa văn này nhìn chung đơn điệu, thường là những đường gạch dài in sáp ong hay thêu bằng chỉ mầu hoặc ghép bằng vải màu thành các đường song song đóng khung cho mảng hoa văn chính như hoa văn trên áo và tạp dề. Ở váy, chúng được thể hiện nhiều bằng kỹ thuật in sáp ong ở phần giữa của thân váy sát với cạp váy. - Nhóm hoa văn là những đường gạch ngắn song song. Cũng như loại hoa văn gạch dài, nhóm này cũng đơn điệu và thường là những đường chỉ khâu thưa mũi đóng khung cho mô típ hoa văn chính hay trang trí trên mép áo dài của nam giới hoặc là những đường khắc vạch trên các cạnh của hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật được trang trí trên tạp dề. - Nhóm hoa văn hình dích dắc hay còn gọi là hồi văn. Nhóm này có rất nhiều biến thể trang trí trên váy, áo, tạp dề. Mô típ hoa văn của nhóm này thường là các hình con ốc, hình chữ S được in bằng sáp ong hoặc thêu chỉ mầu. Có khi mô típ này là hoa văn chủ đạo của một đồ án nhưng cũng có khi chỉ là những đường diềm đóng khung cho một hoa văn chính. - Nhóm hoa văn hình ô trám: có nhiều biến thể, có khi là những hình trám lồng hoặc có khi là những hình trám đơn. Mô típ hoa văn này thường thấy xuất hiện ở nhiều đồ án trang trí hoa văn trên áo, váy, tạp dề. Nhóm hoa văn này được thể hiện bằng cả ba kỹ thuật: in sáp ong, thêu chỉ mầu và ghép vải mầu. - Nhóm hoa văn hình đồng tiền thủng giữa: xuất hiện trên váy, tạp dề thường bằng hai kỹ thuật in sáp ong và thêu chỉ mầu. Ở nhóm hoa văn này, chúng tôi thấy có 02 biến thể là hình vuông có dấu chấm ở giữa và giữa mỗi cạnh ngoài của hình vuông được khắc một vạch tạo thành hình giống như hình chữ thập. - Nhóm hoa văn hình chong chóng: Nhóm hoa văn này có nhiều biến thể có khi là hình chữ thập hoặc là hình chong chóng xuất hiện trên áo, váy và tạp dề. Mô típ hoa văn loại này được thể hiện bằng hai kỹ thuật là in sáp ong và thêu chỉ mầu. - Nhóm hoa văn hình xoắn ốc: Đây là một trong những nhóm quan trọng ở đồ án hoa văn trang trí trên vải của người Mông ở Cát Cát. Các biến thể của nhóm hoa văn này thường thấy là các cặp đôi, cặp bốn; cũng có khi là những hình xoáy vuông góc 4 cạnh hay 8 cạnh được trang trí bằng cách thêu trên áo dài tay nữ, trên thắt lưng dùng trong lễ hội và trên khăn gối đầu dành cho người chết. Nhóm hoa văn này thường được thể hiện bằng kỹ thuật in sáp ở mảng hoa văn chính hoặc hình xoắn chạy xung quanh đóng khung cho mô típ hoa văn chính. Quan sát chiếc váy truyền thống của người Mông ở Cát Cát, chúng tôi thấy hoa văn này được trang trí ở phần thân váy gần sát cạp váy. 2.3.2. Hoa văn hiện thực Hoa văn hiện thực trên vải của người Mông ở Cát Cát có các mô típ cơ bản sau: - Nhóm hoa văn hình người: Mô típ hoa văn hình người trên nền vải của người Mông ở Cát Cát không được thể hiện theo lối tả thực và cũng không tả toàn bộ mà được trình bày cách điệu từng bộ phận cơ thể con người như hình tai người (sáy lảo dề) trên tạp dề, hình bàn chân trang trí trên chân váy. - Nhóm hoa văn hình gà: Loại mô típ này được trang trí trên ống tay áo, tạp dề phụ nữ. Giống như mô típ hình người, hình con gà trống cũng chỉ dừng lại ở các bộ phận như móng chân gà (lầu trâu kêx), cựa gà, mào gà… - Nhóm hoa văn hình chim (lâuk mơx nôngz): mô típ này có tần số xuất hiện nhiều trên ống tay áo, chân váy, tạp dề. Mô típ hoa văn có khi là cả một tổ hợp chạy vòng quanh ống tay áo, trang trí hai bên mép tạp dề của người Mông. Mô típ biểu hiện ở chỗ bốn cặp hình quả trám lồng vào nhau xoay quanh một ô trám ở giữa, thêu bằng chỉ màu. - Nhóm hoa văn hình con cua (lâuk cưx dênhk): nhóm hoa văn này có tần số xuất hiện khá nhiều trên áo, váy, tạp dề. Đây là mô típ hoa văn chủ đạo trong nhiều đồ án, mô típ hoa văn chạy thành hàng vòng quanh ống tay áo, cổ áo tạp dề. Hoa văn này là biểu tượng cho sấm chớp. - Nhóm hoa văn hình con ốc hay còn gọi là ốc rồng (kưx zong): nhóm hoa văn này có tần số xuất hiện nhiều trên vải của người Mông ở Cát Cát (trên thân váy, thắt lưng, tạp dề). Mô típ hoa văn con ốc là hoa văn chính trong các đồ án trang trí được thêu bằng chỉ màu và in sáp ong tạo thành từng ổ hai, bốn, tám cặp hoa văn ốc hoặc có khi chạy dài tạo thành từng băng. Hoa văn này nhiều khi còn thấy xuất hiện trên đồ trang sức và có dạng hình thoi. - Nhóm hoa văn hình hoa cúc (păngx sur nhes): Hoa cúc là biểu tượng của mặt trời theo quan niệm của đồng bào Mông nơi đây. Mô típ hoa cúc thường xuất hiện trên chân váy, tạp dề. Hoa cúc cũng là bông hoa biểu tượng cho mùa thu và là biểu trưng cho khí tiết thanh tao của các bậc cao nhân, ẩn sĩ lấy sự an nhàn ẩn dật làm thú vui, xa lánh danh lợi. Nhóm hoa văn này thêu bằng chỉ màu thành từng cặp đôi. - Nhóm hoa văn hình hoa đào (păngx txi đnô): mô típ hoa văn hoa dào xuất hiện khá nhiều trên áo, váy, tạp dề và là mô típ hoa văn chính ở trên nhiều đồ án. Hoa đào có cánh hoa, nhị hoa thêu bằng chỉ màu đỏ tươi (màu mười giờ). Cây đào là loại cây trừ tà, xát quỷ theo quan niệm của đồng bào. Đồng thời là biểu trưng của nguồn hạnh phúc, sự no đủ. - Nhóm hoa văn hình hoa bầu (păngx tâuz): mô típ hoa văn hình hoa bầu có tần số xuất hiện khá nhiều trên vải, thường được trang trí làm nền cho các mảng đồ án hoa văn chính. Nương bầu là biểu trưng cho số nhiều (hàng vạn) vì cây bầu là cây cuống dài (thời đại) và trái bầu có nhiều hạt. Quả bầu có ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh của người Mông ở Cát Cát. Đó là bầu ma. Trước đây, trong nhà người Mông thường được khoét một lỗ nhỏ để hở cái bầu tròn của quả bầu ra ngoài. Họ cho rằng, đó là sự mong muốn vợ chồng, con cái vuông tròn như trái bầu. - Nhóm hoa văn hình hoa tỏi (lâuv blaiz): nhóm mô típ hoa văn hình hoa tỏi có tần số xuất hiện rất nhiều trên vải dân tộc Mông. Hoa tỏi đã trở thành mô típ hoa văn chủ đạo cảu nhiều mảng hoa văn trên vải từ váy, khăn, thắt lưng, tạp dề. Hoa văn in hình hoa tỏi thường được đóng khung bởi các mô típ hình học (hình quả trám, hình vuông). Hoa văn được thêu chỉ màu, in sáp ong. Ở gia đình người Mông nào cũng tròng một vài khóm tỏi đặt trên bàn để kỵ ma tà. - Nhóm hoa văn hình hoa dưa (pangjxđij): được cách điệu thành nhiều dáng vẻ khác nhau. Có mẫu hoa dưa chỉ điểm xuyết hoặc là những chấm nhỏ ghép lại. Nhưng dù được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, hoa dưa vẫn giữ được đặc trưng là những hình kỷ hà ghép lại thành hoa bốn cánh. - Nhóm hoa văn hình con bướm: nếu là in sáp ong thì chỉ gồm 2 tam giác quay đỉnh vào nhau. Nếu là thêu thì đường nét uốn cong theo dáng hình của con bướm. - Nhóm hoa văn hình lá cây: hình dáng các loại lá cây trang trí trên trang phục người Mông rất phong phú với nhiều hình dáng khác nhau. Có khi chỉ là những tam giác lồng vào nhau, có khi là những đường vạch chằng chịt, tuỳ theo từng loại lá cây. Có hoa văn hoá thông (blôngx sôuz), lá dương xỉ (blôngx ntông chaz)… - Nhóm hoa văn hình con tằm: thường là hình 2 vạch chéo nhau giống như hình dấu nhân. - Nhóm hoa văn hạt đậu tương (tâuv pâuz): nếu là in sáp ong thì là 3 chấm tròn nhỏ, nếu là thêu thì là hình 3 dấu nhân. - Nhóm hoa văn hình con hến (zês): có hình lục giác, trong có 3 chấm nhỏ và thường chỉ in bằng sáp ong. - Nhóm hoa văn hình con chó nằm ngủ (đêr puv): là những đường thẳng vuông góc và những đường gấp khúc kết hợp với nhau tạo thành hình gần giống hình thoi với những ngoặc lớn hướng ra ngoài. Loại hoa văn này chúng tôi cũng mới chỉ tìm thấy ở dạng in sáp ong. - Nhóm hoa văn hình con hến (zês): có hình lục giác, trong có 3 chấm nhỏ và thường chỉ in bằng sáp ong. 2.3. Nghệ thuật xử lý bố cục hoa văn Trang phục của người Mông ở Cát Cát hiện nay, bên cạnh một số (không nhiều) các loại hoa văn mới thì còn bảo lưu được khá nhiều các mẫu hoa văn cổ về cả mô típ cũng như mầu sắc hoa văn. Hoa văn của người Mông ở Cát Cát được trang trí chủ yếu trên tay áo, lưng áo, cổ áo, váy, địu trẻ em và khăn gối đầu cho người chết. Về kỹ thuật tạo hình, đồng bào sử dụng tối đa các kỹ thuật khác nhau, gồm có: thêu chỉ màu, ghép vải màu và in sáp ong. Các kỹ thuật tạo hình này được phối hợp hài hoà và hợp lý trên bộ trang phục. Chẳng hạn, trên cổ áo và tay áo, các mảng trang trí hoa văn bằng kỹ thuật thêu xoắn chỉ thì bao giờ cũng được điểm xuyết thêm những đường viền vải mầu bao quanh từng mảng hoa văn nhỏ, bao quanh cả mảng hoa văn lớn, tôn các đường nét hoa văn mầu sặc sỡ của chỉ thêu, tạo cho cả mảng hoa văn nổi bật trên nền mầu chàm sẫm. Hoa văn trên váy của dân tộc Mông có bố cục thành các dải, ở giữa có phần chuyển tiếp mà phổ biến nhất là các đường dích dắc, chân và thân váy thường có bố cục theo chiều ngang. Trong mỗi dải hoa văn, thông thường ở giữa là hoạ tiết hoa văn thêu chủ đạo khổ lớn, ngoài rìa có các dải hoa văn thêu nhỏ hẹp bao bọc. Các hình hoa 4 cánh hoặc móc câu thường được đóng khung trong ô hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình thoi. Hai cách bố cục ở đây đan xen, bổ xung lẫn nhau làm cho hoa văn trên trang phục của người Mông đã phong phú, nhiều loại hình lại càng trở lên phong phú hơn trước con mắt của những người chiêm ngưỡng. Ở phần giữa của thân váy sát chủ yếu được trang trí hoa văn bằng phương pháp in sáp ong. Nghệ thuật xử lý bố cục hoa văn ở đây trở lên độc đáo với kiểu trang trí hoa văn chạy theo những dải ngang hoặc ô của váy, với những hoạ tiết nhỏ hơn. Hoa văn in sáp ong có mầu trắng và rất phong phú về mô típ thể hiện, đó là những hoa văn hình chôn ốc, hình con hến, con bướm, con gà, hoa dưa, hoa bí, cây dương xỉ, cây thông, hạt đậu, con sâu, khuỷu chân, bờ ruộng, dãy núi… vốn là những hoạ tiết được mô phỏng theo lối tả thực hoặc cách điệu từ những hiện tượng rất đời thường và gần gũi với cuộc sống của đồng bào. Ở phần thân váy sát với gấu váy là nơi tập trung nhiều mầu sắc và phương pháp trang trí hoa văn. Phần này, hoa văn được tạo bởi kỹ thuật thêu và ghép vải. Để thêu các hoa văn trên váy, người Mông sử dụng kỹ thuật thêu chéo mũi. Cách thêu này dễ tạo ra nét mềm mại, chủ động, phóng khoáng, không bị gò bó như trong kỹ thuật thêu luồn sợi dựa theo thớ vải ngang - dọc nên nhiều phần hoa văn chỉ là những đường kỷ hà nhưng bỗng trở nên mềm mại, phóng khoáng và thoáng đạt với kỹ thuật thêu chéo mũi. Hơn nữa, kỹ thuật thêu này còn cho phép người ta có thể mở rộng đề tài và bố cục mầu sắc. Hoa văn được thể hiện bằng nhiều cách thêu trên váy thường có các hình ngôi sao, đồng tiền, hạt đậu, con tằm, cái cuốc, móng chân trâu… Cũng ở phần này, người phụ nữ Mông còn khéo léo chắp vải mầu rất dày tạo thành những đường viền bao quanh các chi tiết hoa văn thể hiện bằng phương pháp in sáp ong hay thêu chỉ mầu. Tựu chung lại, hoa văn trên trang phục của người Mông cho dù sử dụng kỹ thuật nào: in sáp ong, thêu chỉ hay ghép vải cũng đều được bố trí theo một nguyên tắc nhất quán là mỗi mảng hoa văn đều có tâm điểm, được tô điểm bởi những dải hoa văn bao quanh và hoa văn mở rộng. Tuỳ theo sự sáng tạo tài hoa của mỗi người mà tạo nên những đồ án trang trí khác nhau. Trang trí dân gian trên vải của người Mông ở Cát Cát cho thấy các đường nét, phong cách và bố cục màu sắc đều quan trọng, qua đó thể hiện được nhiều thông tin liên quan đến đời sống tinh thần của họ. Nếu như gấu váy mặc thường ngày của họ có mầu đen thì chiếc váy mặc cho người chết lại thường có phần chân váy mầu đỏ. Nó không chỉ có tác dụng tôn con người lên trước khung cảnh của núi rừng mà còn tượng trưng cho hạnh phúc, có thể chống lại các loại ma tà. Do vậy mà trước kia, nhiều gia đình người Mông ở Cát Cát thường treo một miếng vải đỏ ở trước cửa nhà mình với mong ước cầu phúc đến cho gia đình của họ [Lời thuật của cụ Má A Trư, sinh năm 1927, trú tại đội III, thôn Cát Cát]. Qua quan sát một số chiếc bộ trang phục truyền thống ở Cát Cát, chúng tôi nhận thấy các nhóm mô típ hoa văn cơ bản kể trên có những đặc điểm về mặt bố cục như sau: Một là, các mô típ hoa văn hình học hầu như chỉ có tác dụng làm nền cho các hoa văn chính và có thể ví chúng như một cái khung cho một bức tranh. Chính nhờ có các khối hoa văn hình học làm nền mà khối hoa văn chính trở lên nổi bật, rõ nét, làm rõ ý đồ chủ đạo của nghệ nhân tạo hình. Hai là, các mô típ hoa văn hình học thường được bố trí theo đường viền và mang tính liên tục, liên tục. Ở trên nền vải, người ta thường dùng hoa văn hình học để làm đường viền cho các hoa văn hình hoa cúc, hoa hướng dương, hoa đồng tiền, chữ thập... Các băng hoa văn không bị cắt khúc mà chạy liên tục khiến cho người ta có cảm giác như chúng trải dài đến vô tận. Ba là, khi thể hiện hoa văn ở thân váy bằng kỹ thuật in sáp ong (xuất hiện nhiều ở thân váy) thì người nghệ nhân tạo hình thường thể hiện ở dạng hình vuông với kỹ thuật xử lý bằng khuôn hoa văn theo các ô vuông, trong đó thường miêu tả ở các dạng ngôi sao 8 cánh, hình đồng tiền hay hình chữ thập. Bốn là, những băng hoa văn hình học thường được chạy song song tạo thành các đường diềm ở trên và dưới. Ở những mảng hoa văn như vậy, người nghệ nhân cũng xử lý khuôn hoa văn vào thành từng ô vuông để miêu tả các loại hình hoa văn. Năm là, tuyệt đại bộ phận các mô típ hoa văn hình học được sử dụng làm đường viền/diềm trên trang phục và các sản phẩm may mặc đều được xử lý theo quy luật cân đối. Sáu là, bố cục của các mô típ hoa văn hình học thường có sự kết hợp tạo thành những tổ hợp hoa văn có tần số xuất hiện tương đối nhiều trên vải, nhất là trên áo, váy. Những tổ hợp phổ biến mà chúng tôi nhận thấy được như sau: - Tổ hợp mô típ hoa văn hình trám xen với mô típ đường thẳng song song: Các băng hoa văn theo quy luật đối xứng, ở giữa là các hàng hoa văn hạt dưa, hai bên là các đường gạch dài song song ở trên cổ áo. - Tổ hợp mô típ hoa văn hình chữ S xen giữa mô típ hoa văn hình răng cưa: Tổ hợp này cũng gồm các băng hoa văn đối xứng với nhau giữa hình chữ S. Hai bên có dải hoa văn hình răng cưa. Điển hình cho tổ hợp này là được trang trí hoa văn in sáp ong ở trên thân váy. Cũng có khi, tổ hợp này được giản lược chỉ còn lại dải hoa văn hình răng cưa ở giữa, các đường thẳng song song chạy hai bên như hoa văn trên cổ áo. - Tổ hợp hoa văn hình đồng tiền xen giữa các đường gạch dài: Tổ hợp này cũng mang tính cân đối với băng hoa văn đồng tiền ở giữa. Hai bên là các đường gạch dài chạy song song như hoa văn in sáp ong trên thân váy. Ngoài các tổ hợp hoa văn cơ bản kể trên còn có một số tổ hợp hoa văn khác nhưng xuất hiện không nhiều. Bố cục hoa văn trang trí còn được thể hiện ở cách bố trí xen ghép giữa các tổ hợp hoa văn chính với các tổ hợp hoa văn làm nền. Những mảng trang trí thường là đường diềm thể hiện bằng các kỹ thuật in sáp ong, ghép vải mầu và thêu chỉ mầu. Những mảng hoa văn chính thường là rộng, nét đậm và dầy hay ghép vải với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau nhưng hiệu quả màu sắc vẫn sáng, thoáng. Người nghệ nhân tạo hình đã cho thấy trình độ thẩm mỹ cao qua việc sử dụng khá tài tình các bảng mầu nền, các mô típ hoa văn in sáp, ghép vải và thêu cùng một lúc xuất hiện trên cùng một sản phẩm nhưng các sắc độ mầu vẫn khác nhau, các mảng sáng - tối rất hài hoà * Tóm lại, đặc điểm của hoa văn trên trang phục của người Mông ở Cát Cát là một đồ án bao gồm nhiều mô típ hoa văn khác nhau nhưng được phân ra chính - phụ rõ ràng. Ở nhiều trường hợp, trên đồ án hoa văn không chỉ có một mô típ chính mà có sự kết hợp giữa nhiều mô típ khác nhau, cùng nhau đóng vai trò chủ đạo. Tên các loại hoa văn chủ yếu được gọi theo kỹ thuật trang trí hoa văn hoặc các hiện tượng tự nhiên xung quanh khu vực mà đồng bào sinh sống. Chẳng hạn, loại hoa văn thêu jiv câuv còn được gọi là hoa văn hình con ốc (được gọi theo hiện tượng tự nhiên mà người Mông quan sát). Mặt khác, một mô típ hoa văn nhưng lại được gọi theo nhiều tên khác nhau theo quan niệm của mỗi người. Chẳng hạn, cùng một mẫu hoa văn, có người cho đó là hoa văn hình móng chân gà, có người thì lại cho là hoa văn hình móng chân trâu; cũng có loại mẫu hoa văn người chỉ giải thích là vết chân chuột, người thì nói đó là con tằm... Như vậy, sở dĩ tên gọi của các loại hoa văn (cùng một mẫu) khác nhau là do xuất phát từ cách liên hệ của mỗi người khác nhau. Riêng những dạng hoa văn được thể hiện theo lối tả thực cao độ như hoa văn hình con ốc, hoa văn hình con chó nằm ngủ, hoa văn hình hoa bí… thì cách giải thích thường có sự thống nhất. 3. Ý nghĩa của hệ thống hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát Sống ở trên những vùng núi cao, gần gũi với thiên nhiên nên hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát ẩn chứa và truyền tải những hình ảnh của thiên nhiên, cảnh sinh hoạt trong cuộc sống lao động hàng ngày, bao gồm cả thế giới thực vật, động vật và đồ vật. Tất cả những mô típ hoa văn trên vải của đồng bào đều được thể hiện dưới dạng hình học và hiện thực được hình thành trên cơ sở sợi ngang và kỹ thuật dệt trên khung cửi. Màu sắc hoa văn trên vải phản ánh tư duy thẩm mĩ cũng như cá tính, ước vọng của con người. Bảng màu trên trang phục của người Mông ở Cát Cát gồm có 5 màu: chàm sẫm thành đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Trong đó, màu đỏ là màu chủ đạo vừa là màu nền trung gian vừa tạo các mô típ chính làm nên sắc màu rực rõ của hoa văn trên vải, đặc biệt là trên trang phục. Nó thể hiện ước mong của đồng bào về sự ấm áp, no đủ, hạnh phúc và khát vọng về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Trên tấm áo nền chàm sẫm, hoa văn rực rỡ ở cổ áo, nẹp ngực và ống tay, làm tôn thêm sắc hồng sáng ngời cả khuôn mặt, làm duyên cho cổ tay tròn lẳn của cô gái Mông. Áo không rộng, phía dưới thắt lại bằng dải thắt lưng thêu hoa làm tôn thêm phần ngực nở nang, khoẻ mạnh. Và, mỗi khi người phụ nữ Mông bước đi, những dải hoa văn ở ngực, ở mông, ở đùi, ở gấu váy liền chuyển động nhịp nhàng, uyển chuyển như sóng lượn làm cho vẻ đẹp cơ thể càng thêm gợi cảm, nổi bật giữa không gian núi rừng vùng cao tàn ngập những mây trắng, sương mù, xoá tan đi vẻ âm u của núi đá, suối bạc… làm sưởi ấm những trái tim, tình cảm con người. Vượt khỏi sắc màu của thiên nhiên, đó là đặc điểm nổi bật của nghệ thuật tạo hình trên trang phục của người phụ nữ Mông. Nó phản ánh lối sống của người Mông luôn giàu bản lĩnh, phóng khoáng và ngoan cường trong việc ứng xử với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt. Cũng như bao dân tộc khác, với trình độ tư duy khoa học còn hạn chế, người Mông ngỡ ngàng trước những hiện tượng tự nhiên xảy ra quanh mình. Từ trong sâu thẳm, tâm thức của họ đã ghi lại những hình ảnh kỳ vĩ của thiên nhiên và rồi thể hiện chúng qua các mô típ hoa văn trên vải. Biểu tượng mặt trời với ngôi sao tám cánh có tần số xuất hiện rất nhiều trên các đồ án trang trí hoa văn ở nhiều dạng thức khác nhau. Đó là các dạng vòng tròn, ở giữa có 8 hình tam giác ghép thành 4 cặp hợc phức tạp hơn gồm nhiều mô típ sao 8 cánh chồng chất trong một ô vuông theo từng lớp. Thậm trí sao 8 cánh còn vỡ vụn ra hoặc phân bố theo từng dải hoa văn in sáp. Sự xuất hiện của bóng dáng mặt trời trên các đồ án hoa văn trang trí trên nền vải của người Mông ở Cát Cát còn xuất hiện ở dạng những ô vuông, ở giữa các ô có mô típ hoa hướng dương “pangxuongjrili”. Người Mông ở Cát Cát rất thành thục trong việc bố cục các đồ án hoa văn hình tròn, hoa văn hình xoáy trôn ốc, hay các biến thể của nó là hai hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng qua gương tạo thành hình móc hoặc đối xứng trục quay thành hình chữ S là những mô típ có đường cong, đường xoáy dứt khoát, thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển, tạo cho bố cục hoa văn một sự hài hoà mà không đơn điệu. Những mô típ này biểu hiện cho sự biến chuyển của vũ trụ trong quan niệm của người Mông. Biểu tượng của sấm, của chớp được thể hiện trên đồ án trang trí hoa văn hình rau dớn ở dưới gấu váu, đó là hai hình tròn có chung một tiếp tuyến chéo. Hình chữ S nằm ngang này đã từng xuất hiện trên nhiều đồ án trang trí trên đồ đồng Việt Nam thời văn hoá Hạ Long, văn hoá Hoà Bình. Con rồng được người Mông quan niệm là con vật biểu trưng cho sự tốt đẹp, hạnh phúc. Hiện tượng mưa cầu vồng được đồng bào lý giải là rồng xuống uống nước gắn với việc cầu mưa, cầu mùa, mong no đủ, hạnh phúc. Ngày tốt được đồng bào lựa chọn để thực hiện những công việc quan trọng, đại sự của gia đình. Theo tư duy của người Mông ở Cát Cát, hình tượng con rồng được khái quát hoá, hình tượng hoá bằng mô típ hoa văn trên nền vải bằng những đường viền ghép vải, thêu chỉ màu hình sóng nước hay đường thẳng đóng khung cho cả mảng đồ án hoa văn hay từng mô típ hoa văn như hoa văn trên váy và trên ống tay áo. Với lối tư duy đối ngẫu. Thực tế trong đời sống hiện thực nhưng lãng mạn trong những suy nghĩ tâm linh, người Mông chấp nhận một không gian tâm linh đầy liên tưởng đến mức nhiều khi phi logíc. Điều này được thể hiện ở hình tượng biểu thị cho sự vận hành của âm dương đối đãi ở các mô típ hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát là các bông hoa cúc (păngx sur nhês). Nhưng những mô típ này phổ biến nhất vẫn là các hình chữ thập (+), hình dấu nhân (X), chúng là những biểu tượng gắn với sự phát sinh và phát triển. Dạng mô típ hoa văn này thường thấy trên y phục và trên mũ trẻ em người Mông. Các dạng hoa văn trang trí chính là những tín hiệu biểu đạt tâm tư mà người ta dễ dàng cảm nhận, dễ gần gũi và hoà đồng. Khi những tín hiệu đó đã trở thành biểu tượng của cộng đồng thì sự thống nhất trong cách trang trí hoa văn chỉ là mối quan hệ họ hàng thân thuộc. Mặt khác, hoa văn còn biểu hiện mối quan hệ với các tộc người trong khu vực. Đó là các yếu tố vay mượn, sao chép có chọn lọc và cải biên. Một số đồ án và trang trí hoa văn trên vải của dân tộc Mông có những điểm tương đồng với dân tộc Dao trong cùng vùng cư trú như hoa văn hình chữ thập, hoa văn hình đồng tiền, hoa văn sao tám cánh… là một sự phản ánh khách quan về quá trình ảnh hưởng, giao lưu văn hoá giữa các tộc người cộng cư trên cùng một vùng lãnh thổ. Ngoài ra, trong phong cách trang trí và tính quy phạm của các loại hoa văn với màu sắc của nó cũng thể hiện những luật tục, những kiêng kỵ trong cộng đồng. Như vậy, có thể khẳng định, hoa văn cũng là một trong những nguồn sử liệu quý khi nghiên cứu về lịch sử văn hoá tộc người. Nếu loại trừ một số yếu tố tín ngưỡng thì hầu hết các dạng hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát đều hướng vào đời sống thực và thiên nhiên. Thiên nhiên và con người được nghẹ thuật hoá, phản ánh sự hoà đồng, gắn bó không thể tách rời. Chúng ta có thể nhận rõ các mô típ hoa văn với tư cách là một loại hình nghệ thuật phản ánh những tâm tư, tình cảm của con người, dù là những đồ án hoa văn đều có những quy cách chung thể hiện qua các kỹ thuật thêu, ghép vải, in sáp ong nhưng vẫn tạo ra những mô típ hoa văn đẹp, đầy sức sáng tạo của người phụ nữ Mông. Những người già bao giờ cũng có những phong cách hoa văn quy phạm, cứng nhắc; còn các thiếu nữ thì thể hiện hoa văn trên trang phục của mình một cách uyển chuyển, tự do, phóng khoáng hơn. Hoa văn trên vải ngoài sự biểu hiện tâm tư, tình cảm thì đối với các cô gái, đó còn là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, đạo đức, sự thông minh và khéo léo. Tóm lại, hoa văn và cách trang trí hoa văn trên vải của người Mông rất muôn hình muôn vẻ, là kho tàng chứa đựng những tri thức dân gian về nghệ thuật tạo hình. Chúng không chỉ chứa đựng những giá trị nghệ thuật mà còn mang nhiều giá trị to lớn về văn hoá, lịch sử của người Mông nơi đây mà với một chuyên đề ngắn này, chúng tôi không thể lột tả hết được. 4. VỀ VIỆC BẢO TỒN HOA VĂN TRÊN VẢI CỦA NGƯỜI MÔNG Ở CÁT CÁT HIỆN NAY 4.1. Những vấn đề đặt ra đối với việc bảo tồn hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát Những năm gần đây, do ảnh hưởng trực tiếp của tiến trình đỏi mới với nội dung cơ bản là công nghiệp hoá - hiện đại hoá và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, kinh tế - xã hội của Sa Pa nói chung và thôn Cát Cát nói riêng đã có những thay đổi đáng kể. Nhờ có các chính sách đúng đắn của Nhà nước trong sản xuất kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, đời sống của người Mông ở Cát Cát được nâng cao. Thôn Cát Cát đã trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng của Trung tâm du lịch Sa Pa. Với những tiến bộ của khoa học và công nghệ, người Mông cũng được tiếp xúc rộng rãi hơn với thế giới bên ngoài. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng vì thế mà văn hoá truyền thống nói chung, hoa văn trên vải nói riêng của người Mông ở Cát Cát bỗng trở lên “mong manh” trước sức ép của nền văn hoá công nghiệp mang tính toàn cầu. “Tự đánh mất bản sắc văn hoá của mình” đang là nguy cơ tiềm tàng. Người Mông ở Cát Cát bước vào cuộc sống công nghiệp hiện đại từ một xuất phát điểm rất thấp. Đó là một diễn trình chông gai với liên tiếp các đứt gãy vì phải đốt cháy giai đoạn và do đó thật khó có thể kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa truyền thống với hiện đại. Trước ảnh hưởng tất yếu của văn minh công nghiệp, vốn luôn đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu, người Mông ở Cát Cát thường mặc cảm với những gì mình đang có và háo hức tiếp thu những gì được áp đặt. Các tri thức bản địa của họ bị quên lãng, một phần cũng do người dân ngộ nhận rằng đó là những yếu tố văn hoá lạc hậu. Một số thuần phong mĩ tục của họ cũng đang bị xâm hại do sự xác lập vội vã của các chuẩn mực mới. Sau một thời gian điền dã tại cơ sở, hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng của người Mông ở Cát Cát, trực tiếp tâm sự với một số đối tượng đồng bào dân tộc Mông và giáo viên, cán bộ, tiểu thương cư trú trong thôn ở cả giới tính nam và nữ, cả người già, trung niên, thanh - thiếu niên và trẻ em, chúng tôi nhận thấy người Mông ở đây tiếp thu rất nhanh các kỹ năng mới. Trong nghề dệt vải là kỹ thuật sử dụng máy khâu, trong việc tạo hoa văn trên vải là việc sử dụng và xử lý thành thạo các loại nguyên liệu thêu, nhuộm cổ truyền; thậm chí thành thạo trong việc tạo ra những mẫu hoa văn mới mang tính siêu thực như hình hoa lá, chim, thú, mây, nước.v.v… trên vải. Đồng thời, đồng bào cũng tiếp cận thị trường rất hiệu quả với những sản phẩm do mình làm ra hoặc do trao đổi với các dân tộc khác mà có. Cuộc sống của đồng bào do đó đã thực sự đạt được những kết quả khả quan nếu chỉ xem xét đơn thuần dưới góc độ mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên, sự khả quan về đời sống ấy liệu có thể được xem là sự phát triển bền vững khi mà đồng thời với việc tăng thu nhập kinh tế là sự suy giảm các giá trị văn hoá truyền thống, nhất là trong văn hoá phi vật thể và sự lệch chuẩn so với những tiêu chí đạo đức cộng đồng. Những đổi mới trong tập quán sản xuất là cần thiết vì mục tiêu an toàn lương thực và phát triển kinh tế hàng hoá. Phải nhận xét một cách khách quan rằng trong hoặt dộng kinh tế nói riêng, các hoạt động vật chất nói chung, người Mông đã tận dụng được môt số tri thức bản địa để nang cao cho phù hợp với nhu cầu phát triển. Việc tiếp thu các giống cây mới và sự bổ sung kỹ thuật mới (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) vào nền tảng canh tác cổ truyền đã cho thấy tính hiệu quả thực tế và kết nối được những kinh nghiệm canh tác trên đất dốc. Việc kết hợp giữa thuốc nhuộm tự nhiên với các loại màu công nghiệp để tạo màu cho vải và hoa văn; kết hợp các loại sợi truyền thống với len hay chỉ nilon trong việc may vá, thêu thùa; các dạng hoa văn truyền thống được đưa vào những sản phẩm mới để thoả mãn nhu cầu của thị trường du lịch.v.v… Nhờ đó mà tính liên tục giữa truyền thống và hiện đại trong một số hoạt động kinh tế của người Mông ở Cát Cát đã được đảm bảo. Mặt khác, đa số người Mông nơi đây cơ bản vẫn giữ được những đặc trưng tộc ngưòi thể hiện qua nhà cửa và trang phục. Điều đó phần nào được bắt nguồn từ những lý do liên quan đến tín ngưỡng, yếu tố luôn được xem là bền vững nhất trong văn hoá tộc người. Trên bề nổi là vậy, nhưng ở chiều sâu thì vấn đề có vẻ không mấy khả quan. Nó như một đợt sóng thần đang cuộn dâng lên từ đáy đại dương và sẵn sàng nhấn chìm mọi thứ khi nó xuất hiện. Điều này sẽ không phải là một sự ví von quá đáng khi chúng ta nhìn vào thực tế của việc bảo tồn văn hoá phi vật thể trong đời sống của cộng đồng dân cư nơi đây - một yếu tố tác động trực tiếp tới sự tồn tại của các dạng hoa văn trên vải cả về mô típ, bố cục, màu sắc và xử lý đồ án. Từ lâu, người Mông ở Cát Cát đã không còn những sinh hoạt văn hoá và lễ hội văn hoá truyền thống mang tính cộng đồng mà ở đó những giá trị văn hoá phi vật thể được nuôi dưỡng và tiếp sức. Những “pho sử sống” của dân tộc đã vắng bóng. Những người thạo các làn điệu dân ca giờ đây đã không thể hát vì tuổi đã cao, giọng đã mất và trí nhớ cũng không còn minh mẫn. Lớp trẻ ngày nay thích xem TV, nghe nhạc MP3 hơn nghe những câu chuyện cổ tích của dân tộc mình. Thanh niên nam nữ không còn thích ném papao, hát ống, tỏ tình bằng đàn môi… Những người biết thổi khèn cứ thưa vắng dần, những làn điệu dân ca chỉ còn là những ký ức xa mờ của lớp người cao tuổi. Các điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của người Mông không còn được trình diễn ở cộng đồng mà được sân khấu hoá để phục vụ cho du khách với những nội dung và tiết tấu đã được cải biên đến nỗi ngay cả những người già nhất cũng không thể nhận ra đâu là điệu múa của dân tộc mình. Do thực tế của cuộc sống, người dân luôn phải đối mặt với những sự lựa chọn khó khăn. Thậm chí, ngay cả những người quản lý ở cơ sở cũng hiểu chất lượng cuộc sống dưới góc độ văn hoá vật chất hơn là có sự bổ sung của văn hoá tinh thần. Câu hỏi thường trực của họ (và cũng là nội dung chính trong các cuộc họp bàn về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của cơ sở) là làm thế nào để sống tốt hơn, giàu có hơn về vật chất chứ không phải là làm thế nào để giữ được những câu chuyện cổ tích, những điệu khèn hay câu hát dân ca, ngoại trừ một điều gần như bắt buộc: đó là con đường về với tổ tiên sau khi chết. Nhiều đứa trẻ không còn được lớn lên trong những lời ru truyền cảm của mẹ. Và, tai hại hơn, nhiều đứa trẻ đã lang thang suốt ngày để buôn bán kiếm lời bất chấp những lời khuyên của cha mẹ. Sức ép của gia đình đã không còn thắng nổi sự cám dỗ của những món lợi vật chất. Các mối liên kết cộng đồng với những tiêu chí truyền thống đã và đang bị thay thế bởi các chuẩn mực mới, lấy cá nhân làm trung tâm. Nền tảng cơ sở của văn hoá dân gian nói chung, hoa văn trên vải nói riêng của người Mông ở Cát Cát đang mất đi từng ngày. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế là: khi cuộc sống vật chất đã được đáp ứng tốt hơn, người ta sẽ trở lại với những giá trị văn hoá phi vật thể truyền thống. Qua thực tế khảo sát ở cơ sở, có nhiều người Mông ở Cát Cát vẫn háo hức với các sinh hoạt cộng đồng của dân tộc mình. Bởi lẽ, nó hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của người dân và do người dân làm chủ, dưới sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở và các đoàn thể. Các mẫu hoa văn trên vải tuy được cách tân hoá nhưng ít nhất cũng tạo nên được một sự “ôn cố” và “tiếp nối” truyền thống và nếu được kết hợp chặt chẽ hơn với công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu cơ bản và tổ chức bảo tồn trong cộng đồng với các biện pháp khoa học sẽ có tác dụng to lớn. Rõ ràng là người Mông ở Cát Cát đang cố gắng tìm lại sự cân bằng giữa cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần. Hi vọng rằng, những hoa văn trên vải cũng sẽ được cộng đồng lưu giữ một cách tích cực như thế. Từ thực tế nêu trên, vấn đề cơ bản được đặt ra ở đây là: Làm thế nào để người Mông ở Cát Cát vừa phát triển được cơ sở kinh tế - xã hội, vừa gìn giữ được những bản sắc riêng trong văn hoá tộc người? Từ vấn đề được đặt ra này lại nảy làm nảy sinh hai vấn đề mới cần được giải quyết. Đó là: phải làm gì để khôi phục lại những nền tảng cơ sở của văn hoá đã và đang bị mất đi? Và: có thể kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để xây dựng những chuẩn mực mới phù hợp với nhu cầu phát triển? Các vấn đề trên phải được các nhà khoa học, các nhà quản lý giải quyết với sự tham gia một cách tích cực của người dân, được cộng đồng tộc người chấp nhận. Việc lựa chọn mô hình và con đường phát triển của người Mông nơi đây cần phải dựa trên những nhu cầu của cộng đồng, do cộng đồng quyết định. Tuy nhiên, sự lựa chọn đó sẽ đúng đắn hơn nếu như có sự dịnh hướng của các nhà khoa học, văn hoá học dưới sự đảm bảo của các thể chế chính trị và sự trợ giúp một cách có hiệu quả về y tế và giáo dục. 4.2. Một số kiến nghị Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi xin có một vài kiến nghị như sau: Một là, cho đến nay, các mẫu hoa văn nói chung, hoa văn trên vải nói riêng của người Mông ở Cát Cát chưa được điều tra tổng thể và thống kê đầy đủ. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản trước khi quá muộn. Đây là nhiệm vụ của các cơ quan khoa học chuyên ngành như dân tộc học, văn hoá học, bảo tàng học và mĩ thuật với sự tham gia của người dân. Hai là, việc hoạch định các chính sách hay thực thi các dự án phát triển ở Cát Cát cần gìn giữ các yếu tố văn hoá phi vật thể (trong đó có hoa văn trên vải) trên nền tảng cộng đồng. Sự can thiệp của các thể chế chính trị cũng như các Tổ chức Phi chính phủ sẽ chỉ có ý nghĩa tích cực khi văn hoá truyền thống của người dân được tôn trọng và phát huy. Sự phát triển bền vững chỉ có thể có được khi chúng ta biết kết nối truyền thống với hiện đại và giữ được sự đa dạng văn hoá tộc người trong cuộc sống đương đại. KẾT LUẬN Trong kho tàng văn hoá của người Mông ở Cát Cát, hoa văn không chỉ có mặt trên vải mà còn có mặt trên các chất liệu như đồ đồng, đồ trang sức, trên các công trình kiến trúc, điêu khắc, trong các tác phẩm nghệ thuật dân gian. Chúng xuất hiện đa dạng trong đời sống và phát huy vai trò ở nhiều phương diện. Tuy nhiên, không ở đâu, hoa văn lại có điều kiện thể hiện một cách phong phú, đa dạng như trên vải. Ẩn chứa bên trong các hình vẽ, các màu sắc, các phong cách bố cục hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát là tâm lý, nếp sống, là quan niệm thẩm mĩ, quan niệm về thế giới tự nhiên, là bản sắc văn hoá dân tộc, là tiến trình phát triển của lịch sử, văn hoá và sự giao thoa văn hoá của tộc người. Hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát là sự bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng người Mông nơi đây. Đồng thời, nó cũng là một biểu hiện sự định hình tiếp xúc văn hoá của người Mông với các tộc người khác trên tiến trình lịch sử và văn hoá tộc người. Phát hiện và giải mã tín hiệu hoa văn trên vải của người Mông ở Cát Cát không phải là việc làm đơn giản, và cũng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Đó phải là cả một quá trình tiếp cận lâu dài, phải hoà nhập vào cuộc sống của cộng đồng dân cư để tìm hiểu từ tâm lý, tính cách, phương pháp tư duy, nếp sống cộng đồng cùng mọi phương diện về văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của đồng bào. Phương pháp tiếp cận cần phải thận trọng, đúng hướng để tìm được đúng nghĩa của các tín hiệu hoa văn.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docHoa v259n trn v7843i c7911a ng4327901i Mng 7903 thn Ct.doc