Đề tài Hợp tác quốc tế trong phát thanh

A. MỘT VÀI THÔNG TIN CƠ SỞ VỀ ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM B. HỢP TÁC QUỐC TẾ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH PHÁT THANH VIỆT NAM 1. Hợp tác quốc tế trong hai cuộc kháng chiến: 2. Hợp tác quốc tế trong thời kỳ hòa bình phát triển đất nước 3. Các hình thức và hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế: a. Viện trợ trang thiết bị, vật liệu, tài liệu kỹ thuật, nghiệp vụ b. Tư vấn, đào tạo nghiệp vụ c. Trao đổi nghiệp vụ thông qua tổ chức đoàn cán bộ ra nước ngoài tham quan, học tập hoặc đón các đoàn quốc tế tới thăm quan, tập huấn. d. Trao đổi chương trình phát thanh, đồng sản xuất chương trình phát thanh, trao đổi tin tức e. Đăng cai tổ chức hoặc đồng tổ chức các sự kiện của các tổ chức phát thanh, truyền hình quốc tế, khu vực C. XU HƯỚNG HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG PHÁT THANH TRONG TƯƠNG LAI

doc7 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1550 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Hợp tác quốc tế trong phát thanh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG PHÁT THANH Nguyễn Tiến Long Trưởng Ban Ban Hợp tác Quốc tế Đài Tiếng Nói Việt Nam A. MỘT VÀI THÔNG TIN CƠ SỞ VỀ ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) là đài phát thanh quốc gia trực thuộc chính phủ. Chương trình phát sóng đầu tiên của Đài TNVN được thực hiện vào ngày 7/9/1945, chỉ 5 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Số lượng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên: gần 2000 người. Tổng số giờ phát sóng/ngày: trên 200 giờ. Phủ sóng quốc gia: 97,5% dân số, phấn đấu 100% vào năm 2008. TNVN phục vụ công chúng toàn diện cả thông tin, giáo dục vài giải trí. Hiện tại TNVN phát trên 6 hệ: VOV1- Hệ Thời sự chính trị tổng hợp phát từ 4.45 đến 24.00/hàng ngày VOV2- Hệ Văn hóa và Đời sống Xã hội phát từ 4.45 đến 24.00/hàng ngày VOV3- Hệ Âm nhạc, thông tin và giải trí, phát trên sóng FM 24/24 giờ VOV4- Hệ phát thanh tiếng dân tộc hiện đang phát 11 thứ tiếng dân tộc VOV5 - Kênh phát thanh nằm trong hệ phát thanh đối ngoại dành cho cộng đồng người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam VOV6- Kênh phát thanh đối ngoại phát bằng sóng ngắn ra nước ngoài, phát bằng 12 thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung, Nhật, Nga, Tây Ban Nha, Đức, Lào, Thái, Khmer, Indonêxia và tiếng Việt dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc. Đài TNVN có một tờ báo viết (Báo TNVN) và báo điện tử VOVNews (www.vov.org.vn). Hiện tại 4 hệ phát thanh VOV1, VOV2, VOV3 và VOV6 đã được đưa phát trực tuyến, làm tăng độ phủ sóng và chất lượng phục vụ của Đài TNVN cho thính giả trong và ngoài nước. Đài TNVN có 5 cơ quan thường trú trong nước tại các khu vực Tây Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh và 6 cơ quan thường trú tại nước ngoài đặt tại Bắc Kốc, Thái Lan; Bắc Kinh, Trung Quốc; Matxcơva, Nga; Cairo, Ai Cập; Pari, Pháp và Tokyo, Nhật Bản. Đài Tiếng nói Việt Nam hiện có 70 studio hiện đại, 50 trạm phát sóng trong cả nước; Các chương trình của TNVN được phát qua viba, sóng FM, sóng ngắn và vệ tinh. Đài TNVN đã thử nghiệm phương thức phát sóng DRM và đang nghiên cứu thử nghiệm phát số đa phương tiện DMB; Đài đang sử dụng hai phần mềm chuyên dụng là Dalet và Netia. B. HỢP TÁC QUỐC TẾ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH PHÁT THANH VIỆT NAM 1. Hợp tác quốc tế trong hai cuộc kháng chiến: Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đài TNVN hợp tác chặt chẽ với các Đài phát thanh các nước trong phe Xã hội Chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Hungary, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cộng Hòa Dân chủ Đức, Rumani, Cuba và Hội nhà báo Quốc tế OIJ. Thông qua các hiệp định song phương ký 5 năm một lần, đài phát thanh các nước XHCN viện trợ về vật chất, kỹ thuật cho phát thanh Việt Nam. Các máy ghi âm của phóng viên, thiết bị studio của Đài TNVN chủ yếu theo công nghệ của Hungary. Trong thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang đánh bom ra miền Bắc, Đài TNVN đề nghị và nhận được viện trợ của Liên Xô và Hungary các thiết bị để lập nhiều studio dự phòng. Chính phủ Trung Quốc cho mượn một máy phát sóng trung công xuất 500 KW đặt tại Côn Minh, Vân Nam để dự phòng cho Đài phát sóng Mễ Trì và một số địa điểm dự phòng khác trong nước. Sau đó được sự giúp đỡ của Đài phát thanh Côn Minh về địa điểm và phương tiện, Đài TNVN đã cử khoảng 100 cán bộ biên tập sang Côn Minh thực hiện sản xuất chương trình và phát sóng cho tới khi hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Nhờ có sự hỗ trợ quốc tế này, tiếng nói của Đảng và chính phủ được duy trì thường xuyên trên sóng Đài TNVN dù một số cở sở phát sóng như Bạch Mai, Mễ Trì bị bom B52 Mỹ phá hủy. Cũng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ Đài Tiếng nói Việt nam đã cử một tổ phóng viên thường trú sang Cuba thực hiện chương trình phát thanh binh vận sang Mỹ, tuyên truyền cho binh sĩ Mỹ hiểu về cuộc chiến tranh phi nghĩa của chính quyền Mỹ. Chương trình tạo sức ép dư luận ngay tại hậu phương quân đội viễn chinh Mỹ, góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến. Về phần mình Đài TNVN cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế hỗ trợ các đài bạn của các nước láng giềng. Đài đã đón nhận nhiều cán bộ của Lào, Campuchia tập kết sang Việt Nam làm việc tại phòng biên tập tiếng Lào, Khmer Ban biên tập Đối ngoại. Ngoài ra Chính phủ Việt Nam cũng tạo điều kiện giúp Lào xây dựng Đài Pathét Lào tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Sau này khi Lào, Campuchia được giải phóng các cán bộ biệt phái của hai nước này trở về đất nước mình và trở thành các cán bộ cao cấp của ngành phát thanh, Bộ thông tin. 2. Hợp tác quốc tế trong thời kỳ hòa bình phát triển đất nước Sau khi hòa bình lập lại năm 1975, phát thanh Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do sự bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây. Các hợp tác chính vẫn chủ yếu với các nước hệ thống Xã hội Chủ nghĩa và OIJ. Một số cán bộ, phóng viên, biên tập việc bắt đầu có cơ hội học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ ở ngoài nước. Sau khi Ủy Ban Phát thanh - Truyền hình giải thể năm 1987, Đài TNVN và THVN tách ra thành hai đơn vị độc lập trực thuộc Chính phủ. Đài TNVN bên cạnh hợp tác chặt chẽ với các nước và đối tác truyền thống bắt đầu mở rộng quan hệ với các đài và tổ chức phát thanh châu Á, châu Âu, châu Mỹ nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm phát thanh hiện đại, tìm hiểu và tiếp thu kỹ thuật, công nghệ mới, khai thác hỗ trợ về vật chất trang thiết bị lẫn nghiệp vụ biên tập nhằm phát triển ngành phát thanh Việt Nam. Hiện tại Đài Tiếng nói Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với khoảng 40 tổ chức phát thanh, Đài phát thanh khu vực và quốc tế như Viện phát triển phát thanh truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương (AIBD), Hiệp Hội phát thanh Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương (ABU); Hiệp hội các đài phát thanh truyền hình sử dụng tiếp Pháp (CIRTEF), UNESCO, UNICEF, SIDA (Thụy Điển), CIDA (Canada). Đài có quan hệ song phương chặt chẽ với các đài phát thanh tiên tiến của Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Pháp, Australia… 3. Các hình thức và hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế: a. Viện trợ trang thiết bị, vật liệu, tài liệu kỹ thuật, nghiệp vụ Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc, thực dân, phát thanh Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ quý báu về trang thiết bị kỹ thuật, máy ghi âm cho phóng viên từ các nước bạn bè truyền thống, các nước anh em trong khối Xã hội Chủ nghĩa, Tổ chức nhà báo quốc tế OIJ. Sự giúp đỡ này đã giúp Đài TNVN thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cho tiền tuyến và hậu phương. Những studio trang bị máy thu băng cối, máy ghi âm R5, R6, R7 …của Hung, Đức trong nhiều năm gắn bó với các phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên cho tới đầu những năm 90 của thế kỷ 20 khi Đài hoàn thành xây dựng Trung tâm Âm thanh tại 39 Bà Triệu và tiếp đến là Nhà biên tập phát thanh (41-43 Bà Triệu) và Nhà biên tập phát thanh quốc tế (45 Bà Triệu). Các tổ chức quốc tế như UNESCO, UNICEF, SIDA Thụy Điển, CIDA Canada, ABC (Úc) cũng thông qua một số dự án cung cấp cho phát thanh Việt Nam một số thiết bị phòng thu, bàn trộn khá hiện đại trong thời điểm bàn giao. b. Tư vấn, đào tạo nghiệp vụ Tư vấn đào tạo nghiệp vụ do các đài quốc tế, các tổ chức phát thanh truyền hình khu vực giúp đỡ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng làm phát thanh hiện đại, phát thanh trực tiếp, cập nhật công nghệ thông tin, công nghệ sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng cho đội ngũ phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên của Đài TNVN. Thông qua việc tham gia tích cực vào các tổ chức phát thanh, truyền hình khu vực như AIBD, ABU, CIRTEF và đóng niên liễm đầy đủ hàng năm, Đài TNVN nhận được sự giúp đỡ thường xuyên của các tổ chức này trong việc đào tạo và tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ. Mỗi năm trong vòng 10 năm trở lại đây Đài TNVN cử hàng chục người sang tham dự các khóa đào tạo của AIBD, ABU. Một số khóa được tài trợ hoàn toàn, một số khóa do Đài TNVN chịu toàn bộ hoặc một phần chi phí. Các tổ chức này thường tập trung đào tạo kỹ năng về quản lý, điều tra thính giả, đào tạo giảng viên, đào tạo kỹ thuật hiện đại, công nghệ số. AIBD, ABU, CIRTEF còn cử chuyên gia sang tập huấn cho phóng viên, biên tập viên Đài TNVN về các kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu của Đài như phát thanh hệ, vai trò đạo diễn, dẫn chương trình, tư vấn làm chương trình có sự tham gia của công chúng, vấn đề bản quyền phát thanh, truyền hình… Hợp tác song phương giữa Đài TNVN với các đài đối tác đem lại hiệu quả hết sức thiết thực. Thông qua các hiệp định hợp tác với một số Đài lớn của Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Australia… hàng năm đài TNVN cử nhiều cán bộ sang các đài bạn học tập các khóa tập huấn ngắn ngày về kỹ thuật và biên tập và các đài đối tác cũng cử chuyên gia sang tập huấn một số nội dung theo yêu cầu của Việt Nam. Trong lĩnh vực hợp tác đào tạo phát thanh, Thụy Điển là nước duy nhất cung cấp một dự án hợp tác quy mô lớn trong toàn ngành phát thanh nhằm hỗ trợ phát thanh địa phương Việt Nam. Sau 10 năm thực hiện (1993-2003) Dự án “Hỗ trợ phát thanh địa phương Việt Nam” do đài TNVN là cơ quan chủ quản và với tài trợ của tổ chức Phát triển quốc tế Thụy Điển SIDA lên tới 4 triệu đô la, 30 đài phát thanh truyền hình tỉnh đã được tiếp nhận công nghệ làm phát thanh trực tiếp với kỹ năng làm chương trình và trang thiết bị studio hiện đại. Trên 3300 lượt người đã tham gia đào tạo trong và ngoài nước trong khuôn khổ dự án. c. Trao đổi nghiệp vụ thông qua tổ chức đoàn cán bộ ra nước ngoài tham quan, học tập hoặc đón các đoàn quốc tế tới thăm quan, tập huấn. Mỗi năm Đài TNVN đón khoảng 20 đoàn tới thăm đài theo chương trình hợp tác, trao đổi với các đài, tổ chức phát thanh truyền hình khu vực và quốc tế và hàng chục đoàn tới thăm ngoài kế hoạch từ các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế hoặc các hãng sản xuất thiết bị phát thanh, công nghệ thông tin. Đài cũng cử khoảng 30 đoàn với trên dưới 100 lượt người ra nước ngoài theo chương trình trao đổi, học tập ngắn hạn. Thông qua trao đổi đoàn, Đài TNVN có thể cập nhật thông tin về kỹ thuật, nghiệp vụ và mở rộng hợp tác, và có thể đặt vấn đề nhờ các đối tác giúp đỡ, tư vấn những vấn đề Đài TNVN quan tâm và chưa có khả năng thực hiện. như việc tổ chức thực hiện hệ phát thanh, công nghệ đa phương tiện truyền thông (DMB)… d. Trao đổi chương trình phát thanh, đồng sản xuất chương trình phát thanh, trao đổi tin tức Từ nhiều năm nay Đài TNVN duy trì đều đặn trao đổi chương trình phát thanh, chương trình âm nhạc với các đài phát thanh trong khối Xã hội Chủ nghĩa và các nước ASEAN. Một số năm gần đây hình thức đồng sản xuất chương trình với một đài đối tác theo một số chủ đề cùng quan tâm đã được triển khai thành công, đặc biệt với Đài quốc tế Đức (DW). Mỗi năm Đài DW cử một phóng viên sang phối hợp với một phóng viên Việt Nam thực hiện phóng sự với các chủ để như “Lợi ích các dòng sông”, “An ninh lương thực”, “Sống chung với thiên tai”…Đây là các mẫu mực về sản phẩm phát thanh hiện đại, phát huy hết các kỹ năng của nhà báo và tận dụng hết được các yếu tố truyền thanh (âm thanh, tiếng động, lời nói). Hình thức này hiện đang được nhiều đối tác khác quan tâm như Đài quốc tế Trung Quốc, Hãng phát thanh truyền hình văn hóa Hàn Quốc MBC. Trong tương lai sẽ tăng cường khả năng cử phóng viên sang đài đối tác để cùng thực hiện các chương trình. Vấn đề này đòi hỏi phóng viên không những giỏi nghề mà còn phải vững vàng về ngoại ngữ và kiến thức văn hóa của các nước khác. Ngoài ra cơ quan cử người đi cũng chịu chi phí tốn kém hơn. Trao đổi tin tức trước đây đã thực hiện với một số đối tác như NHK (Nhật Bản), một số thông tấn xã như Prensa Latina (Cuba)… Tuy nhiên hình thức này khá tốn kém do chuyển qua fax và ít hiệu quả vì tin khó sử dụng, lại không có tiếng động. Hiện nay công nghệ thông tin cho phép chuyển tin và thường xuyên cập nhật qua mạng với khối lượng lớn văn bản kèm tiếng động. Hình thức trao đổi tin hiệu quả hơn sau khi một tổ chức lớn như ABU đứng lên làm đầu mối cho toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. e. Đăng cai tổ chức hoặc đồng tổ chức các sự kiện của các tổ chức phát thanh, truyền hình quốc tế, khu vực… Thông qua hợp tác quốc tế, Đài TNVN ngày càng nâng vị thế của mình là một thành viên tích cực của các tổ chức lớn trong khu vực, một đối tác phát thanh lớn, đang hiện đại hóa và khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện lớn. Năm 2002 Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Đại Hội đồng lần thứ nhất của Viện Phát triển Phát thanh Truyền hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AIBD) tại Hà Nội với hàng trăm đại biểu của hàng chục nước đến Việt Nam. Tháng 11/2005, Đài TNVN và Đài THVN đồng đang cai Đại Hội đồng lần thứ 13 của Hiệp hội phát thanh truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương (ABU) tại Hà Nội. Dư âm của hai sự kiện trên vẫn còn sâu lắng trong các thành viên của hai tổ chức phát thanh truyền hình hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình dương này. Hiệp hội các đài phát thanh truyền hình sử dụng tiếng Pháp CIRTEF cũng chính thức đề nghị Việt Nam đăng cai đại hội đồng CIRTEF tại Hà Nội vào năm 2009. C. XU HƯỚNG HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG PHÁT THANH TRONG TƯƠNG LAI 1. Gắn liền các hoạt động hợp tác quốc tế với chiến lược, kế hoạch, lộ trình phát triển công nghệ và nguồn nhân lực, tận dụng năng lực của các đài tiên tiến và các tổ chức khu vực, quốc tế về phát thanh truyền hình. 2. Tăng cường đầu tư tài chính cho tư vấn, đào tạo quốc tế về những lĩnh vực ta quan tâm, bên cạnh những hoạt động ta được mời tham gia miễn phí. Trên cơ sở kết quả của tư vấn, đào tạo quốc tế ta tự xây dựng chiến lược, giáo trình, lộ trình phát triển cho các lĩnh vực trọng yếu; Đặt mục tiêu cụ thể cho các đoàn đi trao đổi, các chương trình trao đổi, các chương trình đồng sản xuất; có đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể cho từng hoạt động, in ấn và phổ biến rộng rãi các kết quả. 3. Xây dựng một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, quản lý tinh thông nghiệp vụ, vững vàng về kỹ năng hiện đại, thành thạo ngoại ngữ, có phương pháp giảng dạy làm chuyên gia tư vấn, giảng viên cho các khóa tập huấn khu vực và quốc tế. 4. Tăng cường tham gia, trình bày tham luận, quan điểm tại các hội nghị, diễn đàn lớn về phát thanh, truyền hình trong khu vực; sẵn sàng đăng cai tổ chức hội nghị hội thảo, khóa tập huấn khu vực và quốc tế nhằm quảng bá hình ảnh và tăng vị thế của Đài, của ngành phát thanh và của Việt Nam. 5. Đài Tiếng nói Việt Nam kết hợp với các đài địa phương và khối trường tổ chức triển khai một số dự án quốc tế về đào tạo nghiệp vụ, xây dựng giáo trình, cẩm nang nghiệp vụ… D. KẾT LUẬN Hợp tác quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và hội nhập của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Các hoạt động hợp tác quốc tế giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác hiệu quả, bền vững với các đài phát thanh của các nước, với các tổ chức phát thanh trong khu vực và thế giới, và với các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Hợp tác quốc tế tranh thủ được sử ủng hộ, giúp đỡ qúy báu về vật chất, kỹ thuật, đặc biệt về đào tạo, tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ báo chí hiện đại của các đối tác quốc tế cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên của ngành phát thanh Việt Nam. Các hoạt động hợp tác quốc tế giúp quảng bá hình ảnh Đài phát thanh và hình ảnh Việt Nam nói chung ra bên ngoài, quan đó nâng cao vị thế của Đài và của đất nước. Trong xu thế hội nhập rộng mở, những người làm công tác lễ tân, đối ngoại, hợp tác quốc tế cần phải nhanh nhạy, chủ động trong việc nắm bắt xu hướng, xu thế phát triển về kỹ thuật, chuyên môn, làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho các cấp lãnh đạo để tiến hành các hoạt động phù hợp, đồng thời cần cân nhắc, tỉnh táo trước các hoạt động, dự án, lời mời của các tổ chức quốc tế mà không đem lại lợi ích thiết thực cho cơ quan, cho ngành, thậm chí còn ảnh hưởng tới vấn đề an ninh, quốc phòng quốc gia.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNguyen Tien Long VOV.doc