Đề tài Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, thực tiễn thi hành và hướng hoàn thiện

MỤC LỤC MỞ ĐẦU 2 NỘI DUNG 2 I – QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA. 2 1. Khái quát về người bào chữa 2 2. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa 5 2.1. Quy định của BLTTHS 1988 về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa 4 2.2. Quy định của BLTTHS 2003 về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa 5 3. So sánh các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 với các quy định trong BLTTHS 1988 9 II – THỰC TIỄN THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT 10 1. Những điểm đã đạt được 10 2. Một số hạn chế 10 III- HƯỚNG HOÀN THIỆN 14 1. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật 14 2. Một số biện pháp khác 16 KẾT LUẬN 17 TÀI LIỆU THAM KHẢO 17

doc17 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1696 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, thực tiễn thi hành và hướng hoàn thiện, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC MỞ ĐẦU Người bào chữa là người tham gia tố tụng hình sự với trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Họ là một mắt xích quan trọng trong cơ chế giám sát hoạt động tố tụng của cơ quan và người tiến hành tố tụng, là người giúp cho chế độ dân chủ trong một xã hội văn minh, tiến bộ được thực thi, giúp cho quyền con người được tôn trọng, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền của chúng ta. Để người bào chữa thực hiện chức năng làm sáng tỏ những tình tiết gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo và giúp đỡ bị can, bị cáo về mặt pháp lý, BLTTHS năm 2003 đã quy định đầy đủ và cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cụ thể “Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, thực tiễn thi hành và hướng hoàn thiện” để hiểu rõ vấn đề này. NỘI DUNG I – QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA. 1. Khái quát về người bào chữa Khái niệm Người bào chữa là người được các cơ quan tiến hành tố tụng chứng nhận, tham gia tố tụng để đưa ra những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị cạn, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và giúp đỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ( Xem ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội 2007. ). Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, bắt người trong trường hợp khẩn cấp thì người bào chữa tham gia từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trường Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra (khoản 1 Điều 58 BLTTHS 2003) Những người có quyền bào chữa Theo quy định tại khoản 1 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003(BLTTHS 2003), người bào chữa có thể là: Luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân. Luật sư là người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật tham gia tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đó theo quy định của pháp luật. Hoạt động bào chữa của luật sư có tính chất chuyên nghiệp. Đây là người bào chữa chủ yếu trong tố tụng hình sự. Người đại diện hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo: Người đại diện hợp pháp cho người bị tam giữ, bị can, bị cáo là cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần. Bào chữa viên nhân dân: Bào chữa viên nhân dân có thể là người được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình. Khi tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa, luật sư, đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo, bào chữa viên nhân dân đều có các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định chung cho người bào chữa. Những người không được bào chữa. Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 BLTTHS 2003, những người sau đây không được bào chữa: Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó. Người tham gia trong vụ án đó với tư cách người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Một người có thể bào chữa cho nhiều người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Lựa chọn và thay đổi người bào chữa. Theo quy định tại Điều 57 BLTTHS 2003, người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn. Nếu bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và đại diện hợp pháp của họ đều có quyền lựa chọn người bào chữa. Nếu bị can, bị cáo đã thành niên, không có nhược điểm về thể chất và tâm thần thì chỉ có họ mới có quyền lựa chọn người bào chữa. Nếu người thân thích hoặc người khác lựa chọn người bào chữa cho họ thì Tòa án chỉ cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa đó nếu đã có sự ủy quyền của bị can, bị cáo hoặc nếu không có sự ủy quyền thì phải được sự đồng ý của bị can, bị cáo đối với người bào chữa đã được lựa chọn. Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình: Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định trong Bộ luật hình sự; Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần và thể chất. Trong các trường hợp này, phải thông báo cho bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ biết. Những người này vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bảo chữa nhưng phải nêu rõ lý do. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm gữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. 2. Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa 2.1. Quy định của BLTTHS 1988 về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa Ngay từ khi ban hành BLTTHS 1988, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa đã được đề cập. Quyền của người bào chữa Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 BLTTHS 1988, người bào chữa có những quyền sau: - Có mặt khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên đồng ý thì được hỏi bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác. - Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật. - Đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; - Gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam - Được đọc hồ sơ vụ án và ghi chép những điều cần thiết sau khi kết thúc điều tra - Có quyền tham gia xét hỏi và tranh luận tại phiên toà - Khiếu nại các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, kháng cáo bản án và quyết định của Toà án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 37 Bộ luật này. Nghĩa vụ của người bào chữa Theo quy định tại khoản 3 Điều 36 BLTTHS 1988 nghĩa vụ của người bào chữa gồm có: Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo Giúp bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Không được từ chối bào chữa cho bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận, nếu không có lý do chính đáng. Không được tiết lộ bí mật mà mình biết được trong khi làm nhiệm vụ. 2.2. Quy định của BLTTHS 2003 về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa Quyền của người bào chữa Khoản 2 Điều 58 BLTTHS 2003 quy định về quyền của người bào chữa: 2. Người bào chữa có quyền: a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; b) Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can; c) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; d) Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; đ) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; e) Gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam; g) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật; h) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà; i) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; k) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 của Bộ luật này. Theo đó, người bào chữa có các quyền sau: - Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; Việc người bào chữa được quyền có mặt trong các hoạt động điều tra có ý nghĩa quan trọng. Khi có mặt người bào chữa, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo sẽ ổn định về mặt tâm lý hơn, những người tiến hành các hoạt động điều tra thận trọng, tuân thủ pháp luật hơn. Người bào chữa theo dõi được quá trình điều tra và tình hình chứng cứ điều đó có ý nghĩa rất lớn cho việc chuẩn bị lời bào chữa và tham gia tranh tụng của họ sau này tại phiên tòa. Người bào chữa còn có quyền hỏi người bị tạm giữ, bị can khi Điều tra viên đồng ý để làm sáng tỏ những tình tiết có lợi co người bị tạm giữ, bị can. Khi tham gia các hoạt động điều tra, xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa, nếu phát hiện những vi phạm pháp luật, người bào chữa có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền. Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can; Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của BLTTHS 2003; Người bào chữa có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch nếu có căn cứ theo luật định và xét thấy việc những người này tiến hành hoặc tham gia tố tụng có thể làm ảnh hưởng không tốt đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mà mình bào chữa. - Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của những người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác. - Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Người bào chữa có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu theo hướng có lợi cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Họ cũng có quyền yêu cầu như triệu tập thêm người làm chứng, trưng cầu giám định nếu xét thấy điều đó là cần thiết và có lợi cho người được bào chữa. Cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu của người bào chữa; Gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giữ: Người bào chữa phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để có thể nắm được đầy đủ các tình tiết của vụ án, các đặc điểm nhân thân và diễn biến tâm lý, tâm tư, nguyện vọng của người được bào chữa. Trên cơ sở đó, người bào chữa mới thu thập được những tình tiết gỡ tội, giảm nhẹ tội để bào chữa cho những người này. Qua gặp gỡ, trao đổi, người bào chữa giải thích những vấn đề về pháp luật và cũng có thể tác động đến người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, làm cho họ có thái độ khai báo tốt hơn để có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đọc, ghi chép và chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật; Qua việc đọc và ghi chép hồ sơ vụ án, người bào chữa nắm được nội dung của vụ án, nắm được những chứng cứ buộc tội cũng như gỡ tội đối với người được bào chữa, trên cơ sở đó người bào chữa chuẩn bị cho việc bào chữa, tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Qua việc đọc hồ sơ, tài liệu của vụ án, người bào chữa cũng có điều kiện để phát hiện những sai lầm, thiếu sót, vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra, trên cơ sở đó đưa ra những yêu cầu, khiếu nại cần thiết đối với cơ quan có thẩm quyền. Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa: Tại phiên tòa xét xử vai trò của người bào chữa được thể hiện rõ nét nhất. Người bào chữa có quyền hỏi bị cáo và những người khác về những vấn đề của vụ án để có được những câu trả lời theo hướng có lợi cho bị cáo. Khi tranh luận, người bào chữa phải phân tích, lập luận, đưa ra những lý lẽ để bảo vệ bị cáo và bác bỏ những lời buộc tội bị cáo. Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 BLTTHS 2003. Đây là quyền độc lập của người bào chữa, người bào chữa kháng cáo không phụ thuộc ý chí của bị cáo cũng như đại diện hợp pháp của bị cáo. Kháng cáo của người bào chữa phải theo hướng có lợi cho bị cáo. Nghĩa vụ của người bào chữa Khoản 3 Điều 58 BLTTHS 2003 quy định cụ thể về nghĩa vụ của người bào chữa. Theo đó, người bào chữa có các nghĩa vụ sau: - Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Tùy theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án, thì người bào chữa có trách nhiệm giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Việc giao nhận các tài liệu, đồ vật đó giữa người bào chữa và cơ quan tiến hành tố tụng phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này; - Giúp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; - Không được từ chối bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà mình đã đảm nhận bào chữa, nếu không có lý do chính đáng; - Tôn trọng sự thật và pháp luật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; - Có mặt theo giấy triệu tập của Toà án; - Không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. BLTTHS cũng quy định về trách nhiệm của người bào chữa khi làm trái pháp luật tại khoản 4 Điều 58 BLTTHS 2003. Theo đó, người bào chữa làm trái pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 3. So sánh các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 với các quy định trong BLTTHS 1988 Rõ ràng, với sự trình bày ở trên ta thấy rõ BLTTHS 2003 đã có những quy định sửa đổi, bổ sung cơ bản, quan trọng về các quyền, nghĩa vụ của người bào chữa theo hướng đảm bảo cho người bào chữa thực hiện có hiệu quả các chức năng của mình. Cụ thể: Thứ nhất, quy định trong BLTTHS 2003 đã mở rộng các quyền của người bào chữa như quyền được tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra, quyền đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can; quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa… Việc mở rộng này đã góp phần nâng cao sự chủ động, tích cực cho người bào chữa trong việc gỡ tội, giảm tội cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Thứ hai, Điều 58 BLTTHS 2003 cũng bổ sung thêm một số nghĩa vụ của người bào chữa như: nghĩa vụ tôn trọng sự thật và pháp luật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật và có mặt theo giấy triệu tập của Toà án… Sự bổ sung này là cần thiết, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức tôn trọng pháp luật của người bào chữa. Thứ ba, Điều 58 BLTTHS 2003 đã thêm quy định về các loại trách nhiệm pháp lý của người bào chữa trong trường hợp làm trái luật. Quy định này là sự phát triển hơn hẳn của BLTTHS 2003 so với BLTTHS 1988. Quy định này góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính răn đe và phòng ngừa trường hợp người bào chữa làm trái pháp luật. Với những quy định mới về người bào chữa trong BLTTHS 2003, đặc biệt là việc quy định người bào chữa được tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra được thực hiện nghiêm túc và triệt để sẽ góp phần làm cho việc điều tra - truy tố - xét xử được đúng người, đúng tội bảo đảm tính dân chủ, khách quan và công minh của pháp luật. II – THỰC TIỄN THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT 1. Những điểm đã đạt được Có thể nói với những quy định tương đối đầy đủ và rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa trong BLTTHS, người bào chữa đã có cơ sở pháp lý đảm bảo cho quyền và nghĩa vụ của mình. Các quy định này đã nâng cao quyền công dân của những người tham gia tố tụng. Thực tế kể từ khi ra đời BLTTHS 1988 quyền và nghĩa vụ của người bào chữa được ghi nhận trong luật khiến cho những người làm nhiệm vụ bào chữa nhận thức rõ được vai trò, quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình để thực hiện một cách đúng đắn. Trong những năm qua, nhất là từ khi có quy định về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa trong BLTTHS 2003 có thể nói các quyền của người bào chữa đã được đảm bảo tương đối tốt từ phía các Cơ quan tiến hành tố tụng. Quy định rõ ràng trong luật khiến cho Các cơ quan tiến hành tố tụng phải thận trọng hơn trong quá trình tố tụng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những người bào chữa thực hiện tốt các quyền mà mình được hưởng. Từ đó góp phần quan trọng vào việc làm sáng tỏ vụ án, tránh oan sai trong các hoạt động tố tụng. Đồng thời, với những quy định cụ thể về nghĩa vụ trong BLTTHS, người bào chữa đã nhận thức rõ được mình phải làm những gì và không được làm những gì. Có thể thấy những trường hợp vi phạm các quy định này là rất hiếm gặp trong thực tiễn tố tụng ở nước ta. Điều đó cho thấy ý thức tôn trọng pháp luật của những người bào chữa. 2. Một số hạn chế Tuy các quy định về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa trong BLTTHS được thực hiện khá nghiêm túc trong thực tế nhưng không tránh khỏi những sai phạm và khiếm khuyết nhất định. Cụ thể như sau: BLTTHS 2003 quy định người bào chữa có quyền gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam (điểm e khoản 2 Điều 58 BLTTHS). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quyền này dường như bị vô hiệu hoá, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Bởi cơ quan điều tra có cho người bào chữa tiếp xúc với bị can, bị cáo hay không, mới là điều quan trọng. Để gặp được bị can, bị cáo, trước hết người bào chữa phải có giấy chứng nhận người bào chữa (do cơ quan điều tra, VKS hoặc Toà án cấp). Do các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp trung ương chưa có thông tư hướng dẫn về thủ tục nêu trên thực tế ở các địa phương trong các giai đoạn tố tụng khác nhau. Có nơi chỉ cần Đơn mời Luật sư (LS), Giấy giới thiệu của văn phòng LS và thẻ LS, chứng chỉ hành nghề LS là được cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Có nơi, ngoài bốn loại giấy tờ nêu trên còn yêu cầu nhiều loại giấy tờ khác như : Hợp đồng dịch vụ pháp lý ? Giấy phép thành lập văn phòng LS ? Hợp đồng giữa cá nhân LS với văn phòng LS nếu không phải thành viên sáng lập ? Thậm chí có những bị can, bị cáo cùng một lúc mời nhiều LS bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng còn yêu cầu LS đến sau gặp bị cáo đề nghị bị cáo viết đơn từ chối việc mời LS trước đó ?...vv.. mặc cho LS giải thích. Khi bị gây khó thường các LS ngại đụng chạm nên “cắn răng chịu đựng”, bởi nhiều trường hợp “nhãn tiền” LS mạnh dạn khiếu nại lên người có thẩm quyền thì sau đó họ lại bị các Cơ quan điều tra “nhớ mặt” và gây khó dễ nhiều hơn trong các vụ án tiếp theo. Như vậy, về chủ quan có thể nhận thấy không phải dễ dàng gì các LS có được giấy tờ chứng nhận để tham gia vào tố tụng. Ngoài ra, mỗi giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, để gặp bị can, bị cáo thì LS phải được từng cơ quan, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án cấp Giấy chứng nhận người bào chữa riêng. Đôi khi đến giai đoạn truy tố và xét xử, ngoài Giấy chứng nhận người bào chữa, các trại tạm giam còn yêu cầu LS phải có ý kiến của thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc lệnh trích xuất của Toà án mới cho gặp bị can, bị cáo. Hiện tượng này phát sinh là do BLTTHS còn thiếu quy định cụ thể về các thủ tục cần thiết khi LS vào trại giam gặp bị can, bị cáo. Pháp luật quy định người bào chữa có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng trong vụ án cho đến lúc bản án về vụ án đã có hiệu lực pháp luật, không còn kháng cáo kháng nghị, hoặc xét xử tiếp theo ở cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm. Nhưng trên thực tế rất ít vụ người bào chữa được tham gia ngay sau thời điểm khởi tố bị can. Bởi vì hiện nay không có một cơ chế, thủ tục, trình tự nào quy định buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện để người bào chữa tham gia. Cứ qua mỗi giai đoạn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo, người bào chữa phải làm lại các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận bào chữa từ đầu (mặc dù khách hàng không có đơn từ chối mời luật sư và văn phòng chưa có văn bản thông báo về việc hết trách nhiệm tham gia tố tụng) điều này gây khó khăn, phiền toái cho người bào chữa. Từ việc áp dụng cứng nhắc, khuôn mẫu của các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến trường hợp là sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm theo yêu cầu của nhiều bị cáo người bào chữa muốn vào trại giam gặp riêng bị cáo để giúp đỡ về mặt pháp lý cho bị cáo nhưng lại có sự cản trở rằng người bào chữa đã hết trách nhiệm bào chữa nên không có quyền gặp bị cáo… Từ việc này đã dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng là bị can, bị cáo bị tước mất quyền của mình. Một LS Đoàn LS Hà Nội bộc bạch: “Trong cả quá trình điều tra LS gần như bị các cơ quan điều tra vô hiệu hoá. Luật sư rất khó khăn trong việc gặp bị can bởi các quy định của pháp luật và cả chủ quan của cơ quan điều tra không muốn người bào chữa tham gia. Khi được gặp bị can thì những nội dung quan trọng đã được hoàn tất trong hồ sơ vụ án, người bào chữa chỉ hỏi bị can những vấn đề không quan trọng”( ). BLTTHS quy định người bào chữa có quyền đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can. Thực tế hiện nay “quyền có mặt..” này của người bào chữa chỉ là người “chứng kiến” nhưng cũng không được đảm bảo. Hầu hết quá trình điều tra người bào chữa chỉ được tham gia một vài buổi lấy lệ, đa số các buổi hỏi cung khác không có mặt người bào chữa. Theo quy định của pháp luật, người bào chữa có quyền đưa ra những đề xuất hoặc khiếu nại quyết định hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhưng trên thực tế khi người bào chữa thực hiện quyền này điều tra viên hầu như không quan tâm không trả lời văn bản cho người bào chữa biết rõ lý do. Sau khi kết thúc điều tra, hầu như các cơ quan điều tra không thông báo cho người bào chữa biết rõ việc kết thúc điều tra, vì vậy việc đọc hồ sơ, ghi chép những điều cần thiết để có những đề xuất, khiếu nại không thể thực hiện được. BLTTHS hiện hành vẫn còn hạn chế quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa. Quy định của luật hiện hành cho phép người bào chữa chỉ thu thập chứng cứ từ người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo và những người thân thích của họ; từ cơ quan, tổ chức nếu không thuộc bí mật quốc gia, bí mật công tác. Nhưng thực tế chứng cứ không chỉ tồn tại ở những người và các cơ quan, tổ chức nêu trên mà còn tồn tại ở những người khác có lưu giữ hoặc biết về những tình tiết liên quan có lợi cho họ. Theo quy định của pháp luật, người bào chữa có quyền đưa ra các chứng cứ, những yêu cầu với cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy luật trao cho người bào chữa quyền như vậy, nhưng lại không quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, phải xem xét, giải quyết yêu cầu kiến nghị của người bào chữa bằng văn bản, dẫn đến việc đề xuất kiến nghị của người bào chữa không được quan tâm xem xét, do vậy người bào chữa không thực hiện đầy đủ quyền của mình, còn các cơ quan tiến hành tố tụng sa đà vào những chứng cứ buộc tội nên dẫn đến oan sai. Pháp luật quy định cho người bào chữa có quyền tham gia hỏi và tranh luận tại phiên tòa. Việc tranh luận tại phiên tòa là rất quan trọng, trên cơ sở đó kiểm tra giá trị chứng minh các tài liệu buộc tội, gỡ tội, giúp cho quá trình giải quyết vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được kiểm sát viên tranh luận. Tuy nhiên, luật tố tụng quy định là: Chủ tọa có quyền yêu cầu kiểm sát viên đáp lại, nên khi Chủ tọa phiên tòa không thực hiện quyền này dẫn đến người bào chữa cũng không thực hiện được quyền này. Hơn thế, có những vấn đề hội đồng xét xử, kiểm sát viên hỏi nhưng chưa làm rõ vấn đề, khi luật sư hỏi lại thường bị hội đồng xét xử tước bỏ quyền này với lý do : hỏi rồi không hỏi lại. Như vậy, BLTTHS tuy đã có những quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của người bào chữa khi tham gia vào các vụ án hình sự, nhưng trên thực tế một mặt các quy định của pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định cụ thể, rõ ràng,chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng nên người bào chữa đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hành nghề của mình. Mặt khác, việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa từ phía Cơ quan điều tra cho dù có nhiều cố gắng đến đâu nhưng số lượng, sự nhiệt tình và trình độ năng lực của người bào chữa không cao thì cũng không thể có sự bảo đảm tốt được. Thời gian qua, số lượng LS tham gia bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can còn chưa cao. Năng lực bào chữa có nhiều trường hợp còn hạn chế. Việc bào chữa không tập trung vào việc chứng minh cho sự vô tội hoặc tìm tình tiết giảm nhẹ mà chỉ tập trung tìm những sai phạm về mặt hình thức thủ tục của những người tiến hành tố tụng, trong khi bản chất vụ án cũng không thay đổi. Người bào chữa thu thập được tài liệu, thông tin không cung cấp ngay cho cơ quan điều tra để làm rõ vụ án mà giữ bí mật chờ đưa ra trước phiên tòa dẫn đến việc trả hồ sơ kiểm tra lại giá trị chứng minh của chứng cứ gây lãng phí thời gian. Tóm lại, với những nội dung nêu trên mới chỉ là một phần nhỏ những bất cập trong thực tiễn áp dụng BL TTHS trong gần 7 năm qua liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Trong thời gian tới chúng ta cần hoàn thiện BLTTHS của Việt Nam để đảm bảo nền tư pháp Việt Nam xã hội chủ nghĩa. III- HƯỚNG HOÀN THIỆN 1. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật Một sự sửa đổi, bổ sung cơ bản và toàn diện những quy định về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa là rất cần thiết trong thời gian tới, cụ thể như sau: Trước hết, BLTTHS cần có nội dung ghi nhận tính pháp lý từ khi người bào chữa tham gia tố tụng với đầy đủ các thủ tục giấy tờ theo quy định của pháp luật thì việc hỏi cung bị can chỉ có giá trị pháp lý khi có người bào chữa tham dự. Những hoạt động tố tụng khác cơ quan Tiến hành tố tụng không được từ chối sự tham gia của người bào chữa khi họ có yêu cầu được tham gia. Như vậy người bào chữa sẽ có “đất” ngay trong Luật để thực hiện quyền và nghĩa vụ cao cả của mình là bảo vệ pháp chế và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. BLTTHS quy định người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu được điều tra viên đồng ý thì được hỏi những người này là quy định quyền nhưng thực tế không đảm bảo quyền cho luật sư. Vì vậy cần quy định người bào chữa tham gia hỏi cung được hỏi bị can và những người khác (nếu là đối chất) sau khi cán bộ điều tra đã hết câu hỏi như trình tự hỏi tại phiên tòa là phù hợp. BLTTHS chưa có quy định cơ chế cứng tạo điều kiện cho người bào chữa tham gia từ giai đoạn điều tra, có mặt tại các buổi hỏi cung bị can nên hiện tượng bị cáo phản cung với lý do bị bức cung, ép mớm, nhục hình… là vấn đề rất bức xúc trong các phiên tòa ở Việt Nam , làm giảm uy tín của cơ quan điều tra, truy tố. Đây là lỗ hổng lớn mà lần sửa đổi BLTTHS tới đây phải đặc biệt quan tâm, giải quyết thấu đáo. Để khắc phục, luật cần chi tiết theo hướng ngoài điểm điều luật đã quy định điều tra viên thông báo cho người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung bị can; cách thức trao đổi, liên hệ để thông báo với người bào chữa, những nguyên tắc và trách nhiệm bảo mật thông tin điều tra. Khi tham gia hỏi cung, người bào chữa được hỏi sau mỗi vấn đề, nội dung điều tra viên hỏi. Người bào chữa có quyền giải thích pháp luật cho bị can về quyền trả lời hoặc không trả lời vấn đề điều tra viên hỏi. Người bào chữa có quyền phản đối câu hỏi mớm cung, bức cung của điều tra viên; xem xét và có ý kiến về nội dung biên bản hỏi cung có đúng nội dung trả lời của bị can hay không; xác định tình trạng sức khỏe và tâm thần của bị can khi hỏi cung. Như vậy, cần bổ sung quy định lời khai của bị can trong quá trình điều tra, truy tố mà không có sự tham gia của người bào chữa thì không được công nhận là chứng cứ. Sự bổ sung này hoàn toàn khả thi trong điều kiện hiện nay của nước ta. Sự có mặt của người bào chữa trong các buổi lấy cung có 2 ý nghĩa: giám sát, không để xảy ra việc mớm cung, bức cung, nhục hình; và không để xảy ra tình trạng phản cung, bác lời khai tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát bởi việc lấy cung đã có người thứ ba chứng kiến. Thêm nữa, điểm e khoản 2 Điều 58 BLTTHS 2003 cần bổ sung theo tinh thần: người bào chữa có quyền gặp riêng làm việc với người bị tạm giữ,bị can, bị cáo khi cần thiết. trong trường hợp đặc biệt, một số tội cụ thể luật sư có quyền làm việc với bị can trong tầm nhìn nhưng không trong tầm nghe của cán bộ tố tụng. Không bị hạn chế về số lượng lần gặp và thời gian gặp chứ không phải quy định chung chung là được gặp để tránh những sự gây khó khăn từ phía cơ quan và người thi hành tố tụng chỉ cho gặp một cách hình thức và hạn chế thời gian được gặp. Đối với quyền tham gia hỏi và tranh tụng tại phiên tòa của người bào chữa, BLTTHS nên sửa theo hướng buộc kiểm sát viên phải đáp lại những quan điểm, ý kiến của người bào chữa, bởi đây là trách nhiệm của kiểm sát viên. Trong trường hợp không đáp lại được những ý kiến, quan điểm của người bào chữa phải chấp nhận yêu cầu ý kiến của người bào chữa, bởi theo quy định của luật tố tụng hình sự thì trong trường hợp những tài liệu chứng cứ không đủ cơ sở pháp luật để buộc tội thì phải áp dụng có lợi cho bị cáo. Để quy định về nghĩa vụ của người bào chữa hoàn chỉnh hơn, BLTTHS cần bổ sung vào khoản 4 của Điều 58 cụm từ “nếu tiết lộ bí mật điều tra và” vào sau cụm từ “người bào chữa” nhằm đảm bảo cho việc giữ bí mật điều tra mà người bào chữa biết được khi tham gia tố tụng. Điều này dẫn tới tính khả thi của sự cho phép người bào chữa tham gia sớm hơn trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và các vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Nếu vẫn quy định chung chung là không được tiết lộ bí mật điều tra mà không kèm theo quy định khả năng áp dụng chế tài nếu có sự vi phạm thì cơ quan điều tra e ngại và cho việc giữ bí mật điều tra là cái cớ để không tạo điều kiện luật sư tham gia làm cho quy định đó thiếu tính khả thi. Luật không qui định cụ thể cơ quan tố tụng phải chịu chế tài thế nào nếu không tạo điều kiện cho người bào chữa hành nghề nên nhiều quyền của người bào chữa không được thực hiện và hầu như bị vi phạm. Luật cần quy định các chế tài cụ thể đối với các hành vi cản trở của Điều tra viên cũng như Cơ quan điều tra đối với sự tham gia của người bào chữa. Đồng thời, cần có những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa. Đó là những quy định cụ thể về thời gian, thời điểm và điều kiện để người bào chữa được gặp mặt người bị tạm giữ, bị can. Cần có sự mở rộng quyền cấp và từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong giai đoạn điều tra để đảm bảo tính công khai, kịp thời. Pháp luật nên chăng trao cho điều tra viên thẩm quyền cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong những vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Cơ quan điều tra có thẩm quyền từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong những vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng có nhiều bị can tham gia nhưng còn có đối tượng bỏ trốn… 2. Một số biện pháp khác Cùng với việc sửa đổi quy định của pháp luật, chúng ta cũng cần thực hiện một số biện pháp khác như: Không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động của người bào chữa. Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, số lượng người tốt nghiệp từ các trường có đào tạo luật với các hình thức khác nhau không ít. Tuy nhiên, sự tham gia của những người này vào các hoạt động bào chữa chưa cao do nhiều nguyên nhân. Để khắc phục các nguyên nhân này, trước hết chúng ta cần tuyên truyền vận động người bào chữa tham gia không chỉ vì thu nhập cá nhân mà còn vì lương tâm nghề nghiệp. Phải có những tổ chức và phong trào hoạt động làm cho những người có kiến thức pháp luật tự giác tham gia vào hoạt động bào chữa như là một phong trào. Từ đó có sự nhân rộng việc tham gia và sự tôn vinh hơn đối với những người bào chữa trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, người bào chữa cần phải không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên môn và ý thức đạo đức.   Các cơ quan điều tra cần nghiêm chỉnh tuân thủ những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về việc bảo đảm quyền bào chữa cho người bị tạm giữ và bị can. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa. Việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa đúng thời gian luật định, liên hệ cơ quan tổ chức kịp thời cử người bào chữa trong những trường hợp bắt buộc. Đồng thời phải có sự gia tăng về số lượng và chất lượng những người tiến hành tố tụng trong gia đoạn điều tra nhằm tránh đi những đánh giá là cơ quan này thường gây khó khăn cho người bào chữa. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và điều tra viên phải không ngừng nâng cao trình độ pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp để đảm bảo có sự tham gia của người bào chữa trong bất cứ vụ án nào và bất cứ thời điểm nào. Phải xem sự tham gia của người bào chữa là sự thuận tiện và đảm bảo tính khách quan cao trong hoạt động điều tra. KẾT LUẬN Trên đây ta đã thấy được các quy định của BLTTHS về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa cũng như thực tiễn thi hành các quy định này. Có thể thấy rõ người bào chữa đã được đảm bảo tương đối tốt các quyền và nghĩa vụ của mình. Sự bảo đảm quyền bào chữa cũng chính là một trong những nội dung đảm bảo quyền dân chủ của công dân. Vì vậy, việc bảo đảm quyền bào chữa là rất cần thiết và cần không ngừng nâng cao trong thời gian tới./. TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường Đại học Luật Hà Nội, “Giáo trình Luật Tố tụng hình sự”, NXB Tư pháp, Hà Nội 2006. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988. PGS. TS Võ Khánh Vinh (Chủ biên), “Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự”, NXB Công an nhân dân. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ Hướng tới hội thảo khoa học ” Bộ luật tố tụng hình sự – những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung” - THAM LUẬN QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ, Luật sư. Nguyễn Văn Chiến Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docQuy7873n v nv7909 ng4327901i bo ch7919a.doc