Đề tài Ruộng đất tư hữu dưới triều Nguyễn

MỤC LỤC MỞ ĐẦU I. Thiết chế pháp lý của ruộng đất tư hữu II. Thuế tô ruộng đất tư hữu 1. Trường hợp được miễn 1 năm 2. Trường hợp được miễn thuế dưới 3 năm 3. Trường hợp miễn tô thuế với thời hạn không xác định trước III. Cách sử dụng ruộng đất tư hữu IV. Sự phát triển của ruộng đất tư hữu và vị tí, tác dụng của nó TÀI LIỆU THAM KHẢO

doc19 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1951 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Ruộng đất tư hữu dưới triều Nguyễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU Việt Nam cho đến nay về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp, dẫu đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng XHCN thì nông nghiệp vẫn đã, đang và sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và trong việc góp phần cải thiện đời sống nhân dân cả nước. Trong bối cảnh ấy thì ruộng đất luôn luôn là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, nó là tư liệu sản xuất chủ yếu nhất đóng góp vào quá trình sản xuất lương thực thực phẩm không những nuôi sống xã hội mà còn là nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Hiện nay nước ta đang đứng thứ ba về xuất khẩu gạo trên thế giới, sản phẩm của chúng ta đã có mặt trên hầu khắp các quốc gia. Do vậy, nghiên cứu về ruộng đất luôn là một đề tài nổi cộm có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nền văn minh nông nghiệp lúa nước đã tồn tại trên mảnh đất này hàng nghìn năm kê từ khi loài người xuất hiện. Trong tiến trình của lịch sử nó không bao giờ tách rời với đời sống của nhân dân nói chung và ruộng đất vốn dĩ là một hình thức bóc lột của triêù đình phong kiến đối với nông dân nghèo. Quá trình ấy đã kéo lùi lịch sử xuống hàng trăm năm để đến ngày nay nước ta vẫn lã một nước nghèo so với thế giới. Dọc theo chiều dài của lịch sử dân tộc ta từ thời kỳ dựng nước vấn đề ruộng đất đã được nhiều sử gia đặc biệt quan tâm. Vào đầu thế kỷ XIX sở hữu ruộng đất ở nước ta gồm ba loại: Sở hữu Nhà nước, sở hữu ruộng đất công làng xã và sở hữu tư nhân. Trong bài viết này tôi chỉ xin đi sâu hơn vào một bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân ở nửa đầu thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn. Đây là một loại hình đã phát triển cực thịnh cả về chất lượng và số lượng từ đầu thế kỷ XVIII. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của sở hữu tư nhân về ruộng đất là thuộc tính của chế độ phong kiến. Sự mở rộng sở hữu lớn của tư nhân về ruộng đất là bản chất, là chỉ tiêu đánh giá tính điển hình của phương thức sản xuất phong kiến. Sở hữu ruộng đất nói chung có hai bộ phận: Sở hữu địa chủ lớn, nhỏ và sở hữu nhỏ của nông dân tự canh. Cùng với nhiều nguyên nhân khác nữa, trong lúc quyền tư hữu ruộng đất nói chung phát triển thì bộ phận thứ nhất nói trên đã có xu thế mạnh hơn, tạo nên nạn kiêm tính ruộng đất trầm trọng gây ra sự phá sản củ nông dân nghèo và hạng trung. Muốn hiểu rõ tình hình sở hữu ruộng đất tư nhân nửa đầu thế kỷ XIX, thấy rõ được xu thế phát triển của nó trong lịch sử trước hết ta cần hiểu một cách khái quát về những đặc điểm của loại hình này vào cuối thế kỷ XVIII. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần hiểu được về loại hình sở hữu công làng xã để từ đó có sự so sánh khách quan và trung thực nhất, thấy được ưu thế cũng như hạn chế của mỗi loại hình sở hữu ruộng đất ấy trong lịch sử. Cho đến thế kỷ XVIII, trong khi đại đa số nhân dân yêu cầu quyền tư hữu nhỏ về ruộng đất thì quyền sở hữu địa chủ dần dần trở nên lỗi thời và bị đặt trước nguy cơ bế tắc. Hoàn cảnh này đòi hỏi được giải quyết bằng sự nảy sinh và phát triển các nhân tố quan hệ tư bản chủ nghĩa. Nhà nước phong kiến lúc này chỉ có thể hành động theo một hướng: hạn chế bớt sự phát triển của sở hữu địa chủ để kéo dài tuổi thọ của nó. Điều này dẫn đến quyền sở hữu tư nhân nói chung về ruộng đất lại bị quy định lại ở điều kiện thuế lệ. Kể từ năm 1722 ruộng đất tư hữu nói chung lại bị đánh thuế. Sự phát triển đến cao độ của sở hữu tư nhân với sự phân hoá hai cực ở thế kỷ XVIII là đặc điểm của thế kỷ này. Nó là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng nông dân lưu tán và một cao trào khởi nghĩa nông dân rầm rộ báo hiệu lịch sử đã bắt đầu chất vấn lý do tồn tại của chế độ phong kiến. I. Thiết chế pháp lý của ruộng đất tư hữu Bất kể một loại hình sở hữu ruộng đất nào trong lịch sử, muốn tồn tại và phát triển đều cần phải có những thiết chế pháp lý cần thiết của nó. Loại hình ruộng đất tư hữu này cũng không nằm ngoài quy luật nói trên. Dưới sự cai trị của triều đình phong kiến nhà Nguyễn mở đầu là Gia Long, hàng loạt các thiết chế đã được ban hành nhằm quy định rõ những loại ruộng chủ yếu của loại hình sở hữu tư nhân này đồng thời đặt ra những nguyên tắc chung, những quy định trong công cuộc khai hoang ruộng đất. Các loại ruộng đất tư hữu thời kỳ này bao gồm: * Loại bản thôn điền thổ của các xã thôn: Loại ruộng này làng xã có quyền mua bán và toàn quyền quản lý sử dụng. Nhà nước coi là ruộng tư của xã thôn và do đó thu thuế loại ruộng này theo thuế lệ ruộng đất tư. Như vậy nó thuộc quyền sở hữu thực sự và dứt khoát của làng xã và nó tồn tại đến tận những năm 50 của thế kỷ XX. Sử dụng loại ruộng này bằng cách có thể được đem chia như công điền, hay được dùng như các loại ruộng tế lễ, hoặc đem phát canh thu tô nhẹ giống như các ruộng tư nhân, thậm chí đem bán đi. * Các loại ruộng phe, giáp nếu được mua tậu từ ruộng tư , ruộng hậu, ruộng hương hoả, ruộng giỗ. Ruộng hậu, ruộng hương hoả, ruộng giỗ là ruộng của tư nhân giao cho một đoàn thể theo những điều kiện nhất định đó đạt một mục đích nhất định . Ruộng phe, ruộng giáp hay ruộng hậu ... là ruộng tư của các đoàn thể ấy, chỉ đoàn thể ấy mới có quyền sử dụng mà thôi. Đây thực sự là một quan điểm rõ ràng, quan niệm quan phương, chính thống có tính chất pháp chế của Nhà nước phong kiến. Ruộng phe, ruộng giáp hoặc do vua tậu hoặc do làng trích công điền mà cấp cho. Đó là hai bộ phận: một nằm trong công điền, một nằm trong ruộng tư. Ruộng hậu: là loại ruộng của các tư nhân cúng cho giáp, cho họ hay cho làng sau khi chết mà không có người nối dõi, để mong làng cúng lễ hương khói cho. Ruộng hương hoả hay ruộng giỗ cũng là loại ruộng tư được chuyển nhượng lại cho con cháu người sở hữu đã chết. Số ruộng này thường giao cho người con trưởng quản nhận để chi phí vào việc giỗ tết. Nó cũng có thể được đem bán. Ruộng chùa hoặc ruộng tam bảo: có nguồn gốc từ tư điền, ra đời khi đã có các chùa. Nó phát triển nhất vào thời Lý - Trần thế kỷ X - XIV. Loại ruộng này thuộc quyền sở hữu của nhà chùa, nhà chùa có thể bán đi để chi tiêu vào việc trùng tu hay những việc khác của nhà chùa. Nhìn chung, tất cả các loại ruộng kể trên đều nộp thuế cho Nhà nước theo thể lệ ruộng tư, về nguồn gốc vốn dĩ là ruộng tư . Ruộng tư điền trong tay các cá nhân chịu thuế theo lệ ruộng đất tư và được xác nhận bằng giấy tờ sổ sách của làng hay các loại văn tự, văn khế. Trong thế kỷ XIX ruộng đất tư hữu với tư cách là sản phẩm khách quan của lịch sử không thể bị xoá bỏ trước chính sách công điền. Trái lại nó vẫn có sức sống của nó, vẫn duy trì, thậm chí phát triển. Nhà Nguyễn vẫn phải mở một con đường hợp pháp cho ruộng đất tư hữu, hay nói đúng hơn cho địa chủ lớn - nhỏ được phát triển. Bên cạnh việc ra những thiết chế quy định các loại ruộng thuộc sở hữu tư nhân, nhà Nguyễn còn đặt ra những nguyên tắc chung: Trong công cuộc khai hoang, một công việc hết sức khẩn thiết ở thế kỷ này, người bỏ công khai phá có thể được từ nửa tới toàn bộ diện tích đã khai phá nhận làm ruộng đất tư hữu. Năm 1831 quyết định: Quan lại các cấp khắp nơi trong nước đều phải sức cho toàn dân và binh lính, bất kể chính hộ hay khách hộ, hãy làm đơn trình xin khai khẩn cây trồng theo thổ ngơi thích hợp, tất cả những chỗ đất nào còn hoang, dù đất đó trước là công hay tư, ai xin lĩnh trưng trước thì được. Sau 3 năm tính từ ngày nộp đơn xin, các quan sở tại kiểm tra trực tình làm tờ trình lên trình tỉnh. 3 năm tiếp theo nữa, đối với các ruộng đất trồng lúa, ngô, đậu, vừng thì không kể trước đó là công hay tư đều cho người khai khẩn nhận làm của riêng cho theo hạng ruộng đất tư bắt đầu thu thuế để tỏ là kích thích. Quyết định này lần đầu tiên mở ra một con đường phát triển vô cùng rộng rãi và thuận lợi cho ruộng đất tư hữu . Đây thực sự là một quyền tự do. Trên phương diện toàn quốc còn có một quyết định khác cho phép lập ruộng đất tư đối với một loại người đặc biệt tức các phạm nhân. Những quyết định trên đây mà phạm vi hiệu lực của nó trải rộng trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi lớn cho sự phát triển sở hữu tư nhân về ruộng đất kể cả sở hữu địa chủ. Ngoài ra còn một số quyết định khác nữu có tác dụng đối với từng nơi cụ thể. Ví dụ: Bắc Kỳ năm 1822 Nguyễn Công Trứ xin mộ dân cấp cho đồ làm ruộng khai hoang tại Nam Định ,“ sau ba năm thành ruộng chiếu lệ ruộng tư đánh thuế ”. Năm 1835, Minh Mệnh lại bằng lòng cho ông sai các mộ binh đi khai hoang ở xã Minh Huyền - Hải Dương “khi thành ruộng thì cấp cho làm ruộng thế nghiệp, theo lệ ruộng tư trưng thuế”. Nam Kỳ, sở hữu tư nhân phát triển từ lâu một cách tự do. Đến năm 1837 triều Nguyễn mới áp dụng chế độ công điền công thổ. Sau 1837 lại có thêm một số quyết định cho phép lập ruộng đất tư ở một số nơi. Năm 1852 triều Nguyễn cho tất cả các tù phạm hết hạn đồ trở xuống khắp 6 tỉnh Nam Kỳ cho đi khai hoang, số khai khẩn được bao nhiêu cho làm thế nghiệp. Kết hợp những quyêt định trên toàn quốc và các địa phương ta thấy rõ trên nguyên tắc quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất bao gồm cả sở hữu địa chủ lớn nhỏ và tư hữu nhỏ của nông dân, được hình thành và phát triển tương đối tự do và nhiều thuận lợi. Hiện tượng này mở đầu từ những năm 20 và 30 của thế kỷ XIX. Từ năm 1802 đến 1827, ruộng tư và ruộng công đều được miễn thuế và đồng tiền theo một mức độ ngang nhau. Ruộng đất tư nói chung chỉ được nhìn nhận đúng mức trong trường hợp ưu đãi, trong khi ruộng công làng xã lại được nhìn nhận đúng mức và vượt mức , tuỳ theo hoặc trường hợp bình thường hoặc trường hợp ưu đãi. Từ năm 1827 về sau ruộng đất tư được nhìn nhận quyền sở hữu rõ rệt và cao hơn ruộng đất công. Song mức độ nhìn nhận có chiều hướng giảm bớt đi. Thiết chế pháp lý của ruộng đất tư hữu vì thế mang thêm một tính chất hai mặt nữa, Đó là tính chất vừa được nhìn nhận lại vừa không được nhìn nhận hay được nhìn nhận ở mức thấp hơn mức đáng được có. Nhìn chung, người ta đã thấy thiết chế pháp lý của ruộng đất tư hữu bao hàm trước hết là phía mở rộng phát triển và khẳng định. Sau đó là phía lưỡng phân hai mặt. Còn một phía nữa là phủ nhận: Người dân dễ dàng có quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất nhưng đồng thời họ cũng dễ dàng mất hết quyền đó. Đây là đặc điểm của chế độ ruộng đất tư hữu nửa đầu thế kỷ XIX. Việc mất quyền sở hữu nói chung có hai dạng: tạm thời và vĩnh viễn. Tạm thời là những trường hợp người dân lưu tán đi xa. Vĩnh viễn là trường hợp người dân lưu tán khá lâu, ruộng được xung vào ruộng công vì không muốn ruộng đất nghỉ ngơi khi dân chúng liên tục chết đói. Nhưng chủ yếu là vì nhà Nguyễn còn nhiều thuế cho các khoản chi tiêu ngày càng bội lên vừa để tiến hàng các cuộc đàn áp và nuôi dưỡng bộ máy quan liêu, vừa để thỏa mãn những yêu cầu xa xỉ tồi tệ. Triều đại Tây Sơn có tịch thu một số ruộng đất của bọn địa chủ để làm quan trại và ruộng ngụ lợi. Sang thế kỷ XIX, Gia Long khôi phục lại quyền sở hữu ruộng đất này trả về bọn ấy. Nhưng đến 1802, chủ ruộng không trở về nhận thì Nhà nước sung công, gộp vào ruộng công của xã thôn sở tại. Chủ ruộng không lưu tán, vẫn ở liền với ruộng đất của họ nhưng vì lý do nào đó không tiếp tục cày cấy được nữa mà đành bỏ hoang thì Nhà nước sung công. Nếu chủ ruộng ẩn lậu không chịu nộp thuế ruộng cho Nhà nước thì ruộng đất bị tịch thu. Đây cũng là một lệ chung cho tất cả các chủ ruộng trên toàn quốc. Trường hợp tước đoạt quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất một cánh thẳng tay, không hợp hiến, xuất phát từ quyền uy tối cao của vua trong chế độ quân chủ chuyên chế cực đoan. Việc này có những lý do cụ thể song nó đều nằm ở ngoài ở hai giới gạn về quyền tư hữu ruộng đất. Tất cả những trường hợp mất quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất kể trên chứng tỏ rằng quyền tư hữu ruộng đất vẫn có thể bị Nhà nước tước đoạt trong một số điều kiện nhất định. Như vậy quyền tư hữu ruộng đất được giới hạn ở hai điều kiện có tính tiêu chuẩn: quyền tự do mua bán và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Quyền tư hữu này trong một vài trường hợp cá biệt phải phục tùng quyền vô thượng của vua. Thiết chế pháp lý, quyền tư hữu ruộng đất bao gồm hai mặt: được thừa nhận, mở rộng, xác lập, khẳng định, đồng thời còn bị coi nhẹ, xâm phạm và tước đoạt. II. Thuế tô ruộng đất tư hữu Ở Việt Nam thế kỷ XIX, tô và thuế có phân biệt nhau nhưng sự phân biệt đó không hoàn toàn triệt để, bởi vậy bất kỳ hình thức tô nào cũng mang tính chất thuế và ngược lại bất kỳ hình thức thuế ruộng nào cũng mang tính chất tô. Đầu thế kỷ XIX đặc biệt chú ý tới vai trò của tô thuế ruộng đối với quyền sở hữu. Trong thuế ruộng tư có tính chất tô ở chừng mực nhất định. Dưới thời Gia Long, thuế tô ruộng đất tư cũng được chia ra 4 khu vực như ruộng đất công. Khu vực I gồm các phủ từ Quảng Bình đến Diên Khánh, khu vực II từ Nghệ An đến Phụng Thiên, khu vực III gồm 6 trấn Yên Quảng, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, khu vực IV từ Bình Thuận trở vào. Mức thuế tô theo con số tuyệt đối của ruộng tư giảm dần từ Nam ra Bắc. Trái lại mức chênh lệch của thuế tô ruộng tư so với tô thuế ruộng công lại tăng lên từ Nam ra Bắc. Ngoài ra có quy định về thuế tô của những ruộng tư vắng chủ mà người khác đã tạm cày cấy. Điều này phản ánh tâm lý hối hả vơ vét thuế tô sao cho nhiều, cho nhanh, mà còn chứng tỏ sụ can thiệp của Nhà nước váo quỳen tư hữu ruộng đất. Dưới thời Minh Mệnh (1820 - 1840) có hai sự kiện đáng lưu ý: thứ nhất là do cuộc đo đạc ruộng đất Nam Kỳ lần đầu tiên được thực hiện và hoàn thành năm 1836. Thứ hai là việc sáp nhập khu vực III thời Gia Long vào khu vực II của thời đó thành khu vực II thời Minh Mệnh. Chế độ tô thuế ruộng đất tư thời Minh Mệnh có được đơn giản hóa. Nhưng những thay đổi đó thực chất là nhằm mục đích tăng thu nhập về mức thuế tô cho Nhà nước lên gấp 16 lần ở Nam Kỳ và 2 lần ở ven biên giới Bắc Kỳ. Tuy nhiên mọi biến đổi ấy không làm rung chuyển kết luận: cả nước được khẳng định và phân chia làm ba miền khác nhau: Nam - Trung - Bắc. Tính từ Nam ra Bắc, nhìn chung thuế tô ruộng tư vẫn hạ đi, tuy mức ở miền Trung cao hơn 2 miền kia do mức khởi điểm ở Nam hạ thấp xuống. Ngược lại, sự chênh lệch giữa thuế tô 2 thứ ruộng công tư từ chỗ trùng hợp cứ ngày càng chênh lệch nhau vì tô thuế ruộng công luôn luôn ở chiều hướng lên cao. Chế độ tô thuế thời Minh Mệnh nói trên được thực hiện trong vòng 30 năm cho tới tận đầu thời Tự Đức. Đó là biểu thuế có hiệu lực lâu nhất về thời gian. Do vậy có thể xem nó có giá trị điển hình cho chế độ thuế tô nói chung của triều Nguyễn. Tự Đức áp dụng cách chia của Gia Long cũ (4 khu vực) riêng Thừa Thiên được tách khỏi khu vực I cũ thành khu vực riêng biệt thành 5 khu vực, giành cho vùng kinh đô một mức thuế tô đặc biệt. Tự Đức ban hành lệ nộp thuế tô thay bằng tiền cho khu vực II và IV. Cả nước về cơ bản vẫn được chia ra 3 phần rõ rệt: Bắc, Trung, Nam hay như Nhà Nguyễn gọi tên lúc trước là Tả Kỳ, Hữu Kỳ và Trực Kỳ. Tính từ Nam ra Bắc thuế tô ruộng tư có chiều hướng giảm đi, trong khi tô thuế ruộng công từ chỗ bằng nhau lại có khuynh hướng tăng lên khá cao. Đó là xu thế chung. Cách thu thuế tô: Các xã dân nộp phần tô thuế của họ cho lý dịch xã thôn. Căn cứ vào sổ điền thổ, lý dịch các xã nộp tô thuế lên tổng hay lên huyện phủ. Các phủ huyện lại nộp lên trên, cứ thế lên tới tỉnh. Tỉnh nào có kho chứa của tỉnh đó. Nếu thóc cứ thu gộp dần lên tới tỉnh thì số lượng đó khá nhiều, còn tập trung về kinh đô nữa thì không thể có kho chứa hết, lại thêm phiền phức cho việc chi tiêu. Thóc thuế tô hàng năm của từng địa phương phải nộp làm 2 vụ tiếp theo 2 mùa lúa. Triều Nguyễn quan tâm trước nhất tới việc thu vét thóc thuế sao cho đầy đủ, không sót lậu, đúng hạn. Còn về phía nhân dân chịu tô thuế chắc chắn những quy định ấy không thể không gây vất vả, phiền hà và xiết bao nỗi khổ cho họ. Nhà Nguyễn đặt tiêu chuẩn chất lượng cho số thóc tô thuế, nghĩa là thóc thuế tô phải vào hạng tốt nhất, không kể mùa màng hơn kém ra sao. Thu thuế đồng thời là việc chọn lựa thóc để chiếm lấy phần tốt nhất, nếu không đủ tiêu chuẩn bị trả về. Thuê tô ruộng phải nộp bắng thuế hay gạo thực là chủ yếu. Ngoài ra thuế tô ruộng còn bao gồm cả tiền phụ thu. Tô thuế gồm 2 phần: phần thóc gạo thực và phần tiền. Tất cả những quyết định trên đều xuất phát từ tình hình thực tế của những khó khăn khách quan thuộc điều kiện tự nhiên và nhằm mục đích thu được đầy đủ, nhanh chóng tô thuế trong toàn quốc. Quy định cuối cùng trong chế độ tô thuế là lệ miễn giảm tô thuế. Suốt thời Nguyễn, chính quyền phong kiến quy định tất cả 3 trường hợp miễn tô thuế: 1. Trường hợp được miễn 1 năm - Những ruộng đất mới khai khẩn vào tháng 11, 12 mỗi năm thì miễn tô thuế năm đó (quyết định 1823) - Ruộng đất của dân lưu tán đã bỏ hoang 2 - 3 năm thì người lĩnh trưng được miễn tô thuế 1 năm (quyết định 1834) 2. Trường hợp được miễn thuế dưới 3 năm - Ruộng đất của dân lưu tán mới trở về (quyết định 1805) - Ruộng đất bị đào sâu lấy đát được miễn 3 năm tô thuế, cho đến khi nào bồi lên thì thôi (quyết định thời Tự Đức) 3. Trường hợp miễn tô thuế với thời hạn không xác định trước - Ruộng đất của dân xiêu dạt tại xã Nga Mi huyện Nông Cống (1820) - Ruộng đất do đất cát mới bốc (1840) - Ruộng đất của dân chiêu mộ quanh các nhà trạm ở Khánh Hòa (1855) - Ruộng đất bị sung vào các công trình công cộng được miễn thuế tô và điền tiến (1805) Có thể nói tô thuế thời Nguyễn về cơ bản và theo nguyên tắc là tô thuế thu bằng hiện vật. Hình thức địa tô này theo logic, được xếp sau địa tô lao dịch và trước địa tô tiền. Chính sách này có tính chất lạc hậu và kéo lùi lịch sử so với con đường phát triển tiến bộ nói chung và so với cả bản thân lịch sử Việt Nam nói riêng. Chính sách ấy vừa là kết quả vừa là điều kiện củng cố cho đường lối ức thương, bế quan tỏa cảng, coi thương mại là “mạt nghệ” của triều đình nhà Nguyễn. Một chính sách đi ngược lại quy luật lịch sử và phủ nhận thực tế như vậy chắc chắn chỉ có thể kìm hãm chứ không thể xóa bỏ được quyluật và thực tiễn. Chính sách ấy khi đem thực hiện đã gặp bao khó khăn mọi mặt, khiến cho triều Nguyễn lúng túng, lúc thì được nộp thay bằng tiền, lúc lại trở về bằng thóc. Chính sách tô thuế triều Nguyễn còn là chính sách có lợi cho bọn giàu có trước hết là địa chủ, trong những điều kiện kinh tế của thời Nguyễn. Nhìn chung và về cơ bản, chính sách tô thuế có những thái độ khác nhau đối với 3 miền Bắc - Trung - Nam mà triều Nguyễn đã phân chia về mặt hành chính. Ở miền Nam, nơi giai cấp đại địa chủ ngày càng thâu tóm ruộng đất trong tay, cũng là nơi ruộng đất công chắc chắn chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, thì mức tô thuế ở đây là mức nhẹ và luôn luôn không có sự phân biệt giữa ruộng công và ruộng tư về mặt tô thuế. Các quy định đó vừa tạo thuận lợi cho địa chủ thực hiện bóc lột nông dân bằng chế độ thuê mướn tá điền, bằng sự kiêm tính và chấp chiếm ruộng đất vừa đảm bảo cho đại địa chủ thu được một tỉ lệ sản phẩm thặng dư nhiều, lại vừa đảm bảo cho Nhà nước thu được đầy đủ sản lượng thóc gạo cần chi dùng. Đối với miền Nam, triều Nguyền tỏ rõ một thái độ ưu đãi. Miền Trung, tô thuế cao hơn trong Nam nhưng ruộng công và tư cùng chịu tô thuế ngang nhau. Giai cấp địa chủ lớn nhỏ ở đây có lợi. Bộ phận đáng kể công điền tại đây hoàn toàn có thế rơi vào tay bọn giàu có để đem phát canh như ruộng đất tư. Do đó mặc nhiên giai cấp địa chủ cường hào trở thành chủ sở hữu các ruộng đất công làng xã. Địa chủ luôn luôn có điều kiện chiếm được tối đa các sản phẩm thặng dư. Còn người nông dân lĩnh nhận công điền chịu tô thuế ngang ruộng tư hay cao hơn ruộng tư và ruộng công trong Nam. Ngoài Bắc, chính sách tô thuế triều Nguyễn lại càng chửng tỏ đường lối giai cấp rõ rệt. Di sản cũ để lại là sự tồn tại nhiều công điền nhất. Sự phân chia nhỏ của quyền sở hữu tư nhân: địa chủ vừa và nhỏ đông, nông dân tiểu tư hữu tự canh bị tước đoạt hầu hết ruộng đất biến thành không ruộng. Tô thuế ruộng công luôn đạt mức cao nhất, ruộng tư giảm nhất. Nông dân không ruộng vốn nhờ công điền mà sống lay lắt phải chịu sự bóc lột nặng nề nhất. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho giai cấp địa chủ thu địa tô cao, kích thích sự mở rộng sở hữu địa chủ vừa và nhỏ bằng cách xâm chiếm công điền và làm phá sản sở hữu nhỏ nông dân tự canh. Nhìn chung lại, chính sách tô thuế ruộng đất thời Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX kể từ Nam ra Bắc mang tính chất 2 mặt, một mặt là ưu đãi và vì quyền lợi trước hết của giai cấp địa chủ kể cả lớn nhỏ, mặt khác ra sức bóc lột nông dân không ruộng và thiếu ruộng bằng chế độ công điền công thổ làng xã. Tuy vậy ở những nơi nào đó, vào những lúc nào đó, triều Nguyễn không thể không trả lời những đòi hỏi của nhân dân và cũng nhất thiết phải có chính sách mị dân để gìn giữ ngai vàng, nên chế độ tô thuế có những biệt lệ như tha, giảm hay hạ mức thuế tô… Nhìn bề ngoài không thấy ngay được sự thực. Nhưng quy cho cùng, tính chất giai cấp vẫn nổi lên rõ rệt. Đó là thực chất của chính sách tô thuế ruộng đất triều Nguyễn nói chung cũng như của chính sách thuế tô ruộng đất tư hữu nói riêng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. III. Cách sử dụng ruộng đất tư hữu * Mua bán và chuyển nhượng: Đã được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ từ lâu. Chuyển nhượng cho con cháu hay họ hàng hoặc để lại làm ruộng hương hỏa, hay cúng cho làng, cho chùa làm ruộng hậu. Ngoài ra còn hai hình thức chuyển nhượng nữa là cầm và bán. Cầm là trao quyền sở hữu ruộng đất trong một thời gian nhất định cho người khác để lấy một số tiền nào đó với điều kiện sẽ chuộc về theo hạn đó. Đây thực chất là hình thức vay tiền chịu lãi nhưng phải từ bỏ quyền hưởng dụng hoa lợi ruộng đất cho người cho vay. Bán là hình thức chuyển giao quyền sở hữu một cách vĩnh viễn để lấy ngay một số tiền ngang giá ruộng đất thường gọi là bán đứt. Bán phải có văn khế. * Phương thức canh tác ruộng đất - Việc sử dụng các loại ruộng đất tư hữu trong tay các nhóm tập thể như ruộng hậu, ruộng họ, bản thôn điền thổ, ruộng chùa (một bộ phận). Các loại ruộng đất này về thiết chế pháp lý đều là ruộng đất tư nhân, song người chủ sở hữu là một nhóm. Vì vậy việc chuyển nhượng hay mua bán các loại ruộng đất ấy phải được sự thỏa thuận và nhất trí của cả nhóm sở hữu, do đó thường có khó khăn, phiền phức, mất thời giờ và trở nên không phổ biến. So với ruộng đất tư của các cá nhân thì sự nhượng bán ruộng đất tư của các tập thể nhóm không dễ dàng và do đó kém phổ biến. Việc sử dụng các ruộng đất này cũng khác hẳn. Tùy từng loại và số lượng ruộng đất mà hình thái canh tác lại thay đổi khác nhau. Bản thôn điền thổ có thể được đem cho thuê hoặc phát canh cho dân trong thôn, thu địa tô chỉ dùng vào các việc công ích. Ruộng hậu cũng vậy. Ruộng họ lại tùy số lượng ruộng nhiều ít mà hoặc chia hoặc luân phiên người trong họ cày cấy tự hưởng, chỉ phải nộp một khoản lễ lạt nhỏ ngoài số thuế tô nộp cho Nhà nước theo ngạch tư điền. Ruộng chùa cũng có thể giao cho từng giáp cày cấy, nộp một phần hoa lợi cho các nhà sư hoặc đem phát canh thu tô như ruộng tư cá thể nhưng địa tô lại phục vụ cho việc chung của cả một ngôi chùa Việc canh tác các ruộng đất tư của tập thể này đều có hai hướng: hoặc luân phiên hưởng dụng, hoặc phát canh thu tô chi dùng cho lợi ích của tập thể sở hữu. Xu hướng “công hữu hóa” trở lại của các ruộng đất tư hữu nhưng về mặt luật pháp các ruộng đất đó vẫn là ruộng đất tư hữu, mặc dù cách sử dụng lại theo lối canh tác của ruộng đất công. Đây là một đặc điểm của ruộng đất Việt Nam nói chung và ruộng đất tư nói riêng ở nữa đầu thế kỉ XIX và cả thế kỉ sau. Nguyên nhân cơ bản là sự tồn tại dai dẳng và đậm đà của tập quán và tinh thần cộng đồng xã thôn cũ, của những tàn dư về thiết chế và tổ chức làng xã cổ truyền, của đời sống dân tộc, huyết thống còn vững chắc và mãnh liệt ở nông thôn. Tóm lại, việc nghiên cứu cách sử dụng ruộng đất tư thuộc các nhóm hay tập thê góp phần vạch ra rầng các loại ruộng tư đậc biệt nay bao gồm hai quan hệ: quan hệ không có chiếm hữu sản phẩm thặng dư và quan hệ có chiếm hưu sản phẩm thặng dư. Đây cũng lại là một đặc điểm riêng biệt của ruộng đất tư hữu ở nước ta không thể bỏ qua được . Bộ phận ruộng đất tư hữu trong tay các cá nhân. Những người nông dân chủ sở hữu các mảnh ruộng nhỏ, đủ điều kiện và công sức canh tác thì thường trực tiếp tiến hành sản xuất. Giữa chủ sở hữu và tư liệu sản xuất không có quan hệ nào khác hơn là tác động của lao động vào đối tượng lao động. Đây là cơ sở của nền kinh tế sản xuất nhỏ tự cấp tự túc là chính. Những nông dân tự cày cấy trên mảnh ruộng của mình để sống là một bộ phận trong nông dân Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ lịch sử trước và trong thế kỷ XIX. Nhưng họ luôn luôn bị phá sản vì nhiều lý do, bao gồm cả sự tước đoạt, kiêm tính của giai cấp địa chủ. Các nông dân tự canh sinh ra trong chế độ phong kiến nhưng lại là nhân tố tiến bộ của lịch sử so với chế độ phong kiến trước đó, bởi lẽ nó đối lập với quan hệ địa chủ - tá điền, và là hình ảnh của số đông nông dân tư hữu trong xã hội tư sản tưong lai. Song song với nông dân tự canh là giai cấp địa chủ. Ruộng đất trong tay giai cấp địa chủ cũng là ruộng đất tư hữu, nhưng địa chủ sử dụng ruộng đất của chúng khác cách sử dụng của nông dân tự canh. Chúng lợi dụng tình trạng thiếu ruộng của người khác để thúc ép những người thiếu ruộng và không ruộng phải lao động sản xuất trên ruộng đất của chúng mà bóc lột hay chiếm đoạt sản phẩm thặng dư của họ dưới hình thái địa tô. Việc chiếm đoạt địa tô có thể thực hiện bằng hai cách: hoặc đem phát canh thu tô tức là cho người khác cấy rẽ, hoặc cho cày muớn tức là cho thuê. Trong thực tiễn, hai cách bóc lột trên thường lẫn lộn với nhau về chi tiết, nhưng điều cơ bản khác nhau giữa hai cách đó rút lại chỉ ở một điều, đólà địa tô ở cách thứ nhất được quy định bằng sản phẩm từng vụ, còn ở cách thứ hai bằng sản lượng sản phẩm từng thời hạn quy định. Đối với nông dân cố cùng và nghèo thì hai cách bóc lột ấy tuy khác nhau nhưng họ không có dự lựa chọn nào cảo vì cả hai cách họ đều bị bóc lột quá nặng nề. Vì vậy, nếu để cho chắc chắn không lo nợ tô chồng chất thì người cố nông chỉ có thể chấp nhận hình thức cấy rẽ. Hình thức này đảm bảo trả được địa tô cho địa chủ, dù nó là sự bóc lột tàn nhẫn và nặng nề. Ở Việt Nam thế kỷ XIX, trên phạm vi toàn quốc, cả hai hình thức bóc lột địa tô nói trên đều song song tồn tại, tuy nhiên cõ lẽ chế độ cấy rẽ được thực hiện phổ biến hơn. Nhưng nhìn chung, được đem ruộng đất phát canh cho nông dân nghèo để thu về địa tô hoặc một số lượng sản phẩm hoặc một tỉ lệ sản lượng sản phẩm. Địa chủ quan tâm tới một mức địa tô, còn nông dân thì quan tâm tới sản lượng sản phẩm còn lại. Những điều trên đây quyết định hình thức bóc lột cụ thể ở từng nơi, từng vùng kết hợp với các đặc điểm kinh tế khác nữa. Quan hệ địa chủ - tá điền trong nửa đầu thế kỷ XIX với cách bóc lột địa tô nặng nề như vậy đã gây nên tình trạng đau khổ, cùng cực của nông dân nghèo trên phạm vi toàn quốc, đã góp phần quan trọng trong việc đẩy nông dân nghèo ra khỏi ruộng đất của họ và trở thành những nông dân tay trắng. Ở miền Nam, họ đã ra đời khá đông đảo, đến nỗi triều Nguyễn phải áp đặt chế độ công điền hòng lừa phỉnh họ nhằm bảo vệ ngai vàng chuyên chế. Ở miền Bắc, họ phải xót xa rời bỏ quê hương thân thiết với bao mối quan hệ chặt chẽ để lưu tán tha hương. Hiện tượng lưu tán thường xuyên và liên tục ngay từ 1802 là một đặc điểm nổi bật của thời kỳ triều Nguyễn thống trị đất nước. Nguyên nhân sâu xa và cơ bản của hiện tượng này là tình trạng người trực tiếp sản xuất không có ruộng đất trong tay. Tình trạng này là điều kiện tiên quyết và cơ bản cho phép giai cấp địa chủ có thể thực hiện việc bóc lột địa tô hay sản phẩm thặng dư một cách cưỡng bức với vẻ bên ngoài tự do, thậm chí là ân huệ. Việc phân tích cách quản lý và sử dụng ruộng đất tư hữu trên đây rõ ràng góp phần làm sáng tỏ vai trò và tác dụng của loại ruộng đất này trong kinh tế Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Đó là một khía cạnh vô cùng quan trọng khi xem xét vấn đề ruộng đất thời kỳ này với tư cách là hậu quả chính sách ruộng đất của triều Nguyễn. IV. Sự phát triển của ruộng đất tư hữu và vị tí, tác dụng của nó Sự phát triển của ruộng đất tư hữu là một sự phát triển khách quan ngoài ý muốn của con người. Đến đầu thế kỷ XIX sở hữu tư nhân về ruộng đất đã chiếm vị trí bao trùm. Theo thống kê không đầy đủ của bộ Hộ thì toàn quốc có tất cả 4617434 mẫu ruộng đất công tư. Tuy nhiên, sự phân bố ruộng tư giữa các miền, các vùng, các tỉnh là không giống nhau. Ở miền Bắc, trên địa bàn tỉnh Hà Đông ruộng đất tư chiếm tỉ lệ 65,34% tổng diện tích các loại nhưng phân bố không đều giữa các huyện, giữa các tổng. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình tỷ lệ ruộng đất tư cũng phân bố không đều. Khu vực phía Tây huyện Thụy Anh chiếm 75,2%, huyện Kiến Xương 37,67% … Ở hai huyện Hoằng Hóa và Nga Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa tuyệt đại bộ phận đất đai thuộc sở hữu tư nhân. Vùng Nam Trung bộ và Nam Bộ sở hữu tư nhân phát triển rất mạnh. Riêng tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị chiếm 126150 mẫu, trong số ruộng đất này ít nhất ruộng tư hữu đã chiếm trên 50% diện tích ruộng đất trong cả nước (trên 2245642 mẫu). Tại tỉnh Bình Định vào những năm 1839- 1840 ruộng đất công chỉ còn khoảng 7000 mẫu còn lại hầu hết là ruộng đất tư. Tại Nam Bộ tỷ lệ tư điền lên đến 92% tổng số các loại ruộng đất. Rõ ràng tư điền đã phát triển mạnh tiến tới lấn át địa vị của các loại ruộng đất công làng xã trên phạm vi toàn quốc. Tình hình này càng trở nên rõ rệt tính từ Bắc vào Nam. Ở miền Nam chắc chắn ruộng công làng xã kể cả ruộng đất Nhà nước chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Sự phát triển của ruộng đất tư hữu không chỉ được xem xét về mặt số lượng. Điều quan trọng hơn là phát hiện sự phát triển ấy về mặt chất lượng cũng tức là về mặt quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất của nó. Sự phân hóa hai cực đối lập của sở hữu tư nhân về ruộng đất ở thế kỷ XIX được đẩy mạnh và sở hữu của giai cấp địa chủ trở thành nhân tố bao trùm trong bộ phận ruộng đất tư hữu. Đó là tình hình chung mang tính chất phổ biến. Ở Nam Kỳ có thể phát sinh hình thức sở hữu lớn của giai cấp địa chủ. chính sách tô thuế của Gia Long đối với Miền Nam trong 20 năm đầu thế kỷ XIX mang tính chất kích thích và ưu đãi những sở hữu địa chủ lớn. Đây là điều kiện thuận lợi không thể không tạo thành sở hữu lớn về ruộng đất ở miền Nam. Năm 1840 hiến ruộng tư ở Gia Định, chính đó mà các địa chủ đã hình thành do các chính sách ruộng đất và tô thuế của nhà Nguyễn trong vòng 40 năm trước. Triều Nguyễn cũng sớm thực hiện chính sách khai khẩn ruộng đất hoang theo kiểu chiêu dân lập ấp làm sản sinh tầng lớp người khá giàu có thành địa chủ lớn - chỗ dựa giai cấp cho nhà Nguyễn. Lớp đại địa chủ này phát triển đối lập với sở hữu nhỏ của nông dân tự canh, thôn tính sở hữu nhỏ này bằng nhiều thủ đoạn và bóc lột nông dân bần cùng bằng chế độ cấy rẽ hoặc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Về cơ bản, sở hữu đại địa chủ cũng có tác dụng như sở hữu địa chủ nói chung tuy nhiên nếu sở hữu đại địa chủ cứ phát triển mạnh mãi lên thì chế độ bóc lột theo kiểu cho thuê ruộng đất cũng phát triển theo. Có thể nói ở thế kỷ XIX sở hữu tư nhân về ruộng đất đã chia làm hai bộ phận đối lập nhau: sở hữu địa chủ và sở hữu địa chủ nhỏ tự canh, thậm chí đã xuất hiện đại địa chủ. Sở hữu địa chủ luôn luôn phát triển thôn tính sở hữu nhỏ tự canh làm nảy sinh đại địa chủ, nhưng sự phát triển đó không đi tới cùng đường của nó, trong khi sở hửu nhỏ tự canh bị hạn chế rất chật bị thôn tính và sản sinh một lực lượng nông dân không ruộng đất khá đông đảo, đi lưu tán khắp nơi. Đội quân “ vô sản” này là nguồn cung cấp tá điền không bao giờ cạn cho sở hữu địa chủ. Về đại thể, sở hữu địa chủ có vận động trong một vòng tròn khép kín nhưng không phát triển, còn sở hữu nhỏ tự canh lại giảm sút ngày càng nhiều. Vì vậy yêu cầu người trực tiếp canh tác phải có ruộng đất, hay các yêu cầu khôi phục và mở rộng sở hữu nhỏ tự canh của nông dân tiểu tư hữu càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Trước vấn đề ruộng đất đặt ra như vậy, triều Nguyễn tỏ ra gượng nhẹ hay bảo vệ quyền lợi của giai cấp địa chủ. Những quy định của nhà nước về thiết chế pháp lý và thuế tô ruộng đất nói chung cũng giống như ruộng tư nói riêng đã thể hiện thái độ kiêng nể, tôn trọng và ưu đãi sở hữu địa chủ. Giai cấp địa chủ không chỉ được các vua Nguyễn ủng hộ và bảo vệ trên lời nói hay ý thức, mà còn được ưu tiên ưu đãi qua chính sách tô thuế. Thêm vào đó có thể thấy mức độ phát triển của sở hữu địa chủ đóng dấu ấn vào các khái niệm về ruộng đất tư hữu. Quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất có hai điều kiện giới hạn. Nếu nhà nước càng chuyên chế thì giới hạn thứ hai tức điều kiện về thuế tô càng được quy định chặt chẽ. Ở các thế kỉ trước không hề thấy ghi lại một hiện tượng nào về việc chủ ruộng bị tước quyền sở hữu chỉ vì không nạp đủ thuế tô cho nhà nước. Thế mà dưới thời Nguyễn sự kiện ấy là quy định hẳn hoi trong thiết chế pháp lý của ruộng đất tư hữu nói chung. Dưới thời Nguyễn, quyền tư hữu ruộng đất do đó bị thu hẹp hơn trước, chặt chẽ hơn trước. Những sự kiện trên xác nhận thái độ ủng hộ và nâng đỡ sở hữu địa chủ của nhà Nguyễn. Trong quá trình phát triển phân hóa hai cực của sở hữu tư nhân ở thế kỉ XIX nhà Nguyễn đứng về phía đối lập với sở hữu nhỏ tự canh của nông dân. Đó là lập trường mang bản chất phản động, đối lập với yêu cầu lịch sử. Và cho đến thế ki XIX sở hữu tư nhân không thể được xem xét như một nhân tố thuần nhất nữa. Nó đã phân làm hai bộ phận, một bộ phận bị bộ phận kia thôn tính và teo dần đi, tuy rằng không thể biến mất hẳn được, nhưng bộ phận những người nông dân mất đất trở thành tay trắng cứ đông đảo mãi lên, họ không có cách nào để trở về với ruộng đất tư hữu được nữa. Đối với họ dường như con đường đi khai hoang là lối thoát để cứu vãn cơ nghiệp, nhưng chắc chắn họ không tự mình tiến hành việc này được nên chỉ còn con đường duy nhất là chịu sống thân phận tá điền dưới ách bóc lột của địa chủ. Vì đó, chỉ một bộ phận nhỏ trong sở hữu tư nhân còn có vai trò tích cực, đáp ứng yêu cầu của lịch sử đó là sở hữu nhỏ tự canh của nông dân lao động. Trong thế ki XIX, yếu tố tiến bộ trong quan hệ sản xuất chính là một bộ phận của sở hữu tư nhân chứ không phải toàn bộ sở hữu tư nhân nói chung, đó là sở hữu tư nhân về ruộng đất của người trực tiếp sản xuất. Hầu hết những người trực tiếp sản xuất ra lương thực thực phẩm nuôi sống xã hội đã bị mất tư liệu sản xuất chính tức là ruộng đất, cho nên đang yêu cầu ruộng đất. Tóm lại, trong nửa đầu thế kỉ XIX dưới triều Nguyễn thống trị, ruộng đất tư hữu nói chung dường như không được chú trọng bằng công điền công thổ và ở một số trường hợp nào đó thậm chí còn bị nhà nước cắt xén, nhưng thực ra nó đã phát triển khá mạnh mẽ, lấn át các loại ruộng đất công nói chung. Quyền tư hữu ruộng đất được xác nhận ở điều kiện về mua bán và về nghĩa vụ thuế tô trong khuôn khổ một quyền hành vô thượng của vua chúa và nhà nước phong kiến tập quyền chuyên chế. Các ruộng đất tư hữu nói chung đã phát triển đến trình độ phân chia thành hai bộ phận đối lập nhau: bộ phận ruộng đất địa chủ chiếm địa vị và vai trò quyết định quan hệ sản xuất, bộ phận ruộng đất của nông dân tiểu tư hữu tự canh. Vì vậy không phải sở hữu tư nhân nói chung mà chỉ bộ phận sở hữu nhỏ tự canh trở thành yêu cầu lịch sử của sự phát triển kinh tế xã hội đầu thế kỉ XIX. Nói cách khác nhân tố tiến bộ trong quan hệ sản xuất thời kì này chỉ còn là một bộ phận đang chịu nguy cơ phá hoại trong sở hữu tư nhân nói chung, tức là sở hữu nhỏ tự canh của nông dân lao động. Nhìn chung ở nửa đầu thế kỉ XIX, chế độ ruộng đất Việt Nam vẫn đang ở chặng đường đầu của quá trình phát triển tiến hóa. Tư hữu hóa vẫn còn là một xu thế dù nó đã ở những bước đi cuối cùng. Phân hóa và tập trung ruộng đất dù nơi này hay nơi khác đã đạt trình độ khá cao nhưng trên bình diện cả nước vẫn chưa đạt đến mức triệt để và sâu sắc. Một thực trạng ruộng đất như vậy vừa phản ánh kết quả của toàn bộ quá trình phát triển của chế độ ruộng đất Việt Nam đến lúc này vừa là kết quả của hàng loạt các nhân tố nửa đầu thế kỉ XIX, trong đó không thể không tính đến tác động của chính sách nhà nước. Sự ra đời, tồn tại và phát triển sở hữu tư nhân về ruộng đất là thuộc tính của chế độ phong kiến. Sự mở rộng sở hữu lớn của tư nhân về ruộng đất là bản chất, là chỉ tiêu đánh giá tính điển hình của phương thức sản xuất phong kiến. Sở hữu tư nhân có xu thế áp đảo nên triều Nguyễn gần như thất bại trong chính sách củng cố và công hữu hóa ruộng đất. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn Trương Hữu Quýnh - Đỗ Bang (chủ biên) NXB Thuận Hóa 2. Tìm hiểu chế độ ruộng đất Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX Vũ Huy Phúc NXB KHXH. HN 1979 3. Đại cương lịch sử Việt nam Tập II Đinh Xuân Lâm (chủ biên) NXB Giáo dục 4. Đại Nam liệt truyện. QSQ triều Nguyễn – Huế MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLsu19t.doc
Tài liệu liên quan