Đề tài Tao đàn Chiêu Anh Các trong sự phát triển của văn học Nam Bộ

MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU CHƯƠNG I- HÀ TIÊN TRONG BỐI CẢNH CỦA VĂN HOÁ NAM BỘ 1- Vài nét về lịch sử và tình hình văn học Nam Hà trong một thế kỷ rưỡi mở đất và dựng nước 2- Trấn Hà Tiên - vùng đất mới trên bản đồ Nam Hà - Quê hương của Tao đàn Chiêu Anh Các CHƯƠNG II- TỔNG QUAN VỀ CHIÊU ANH CÁC 1- Sự thành lập Chiêu Anh Các 2- Tổ chức và hoạt động của Chiêu Anh Các 3- Đặc điểm lực lượng sáng tác ở Chiêu Anh Các 4- Tác phẩm và tình trạng văn bản 5- Mạc Thiên Tích và vị trí của ông trong Tao đàn Chiêu Anh Các CHƯƠNG III- NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ VĂN HỌC CỦA CHIÊU ANH CÁC 1- Nội dung sáng tác của thơ văn Chiêu Anh Các 1.1- Đất nước Hà Tiên tươi đẹp 1.2- Một con người - một nhân cách- một tâm hồn- Mạc Thiên Tích 2 - Giá trị nghệ thuật 2.1 - Văn chương chữ Hán 2.2- Văn chương chữ Nôm 3- Vị trí của Tao đàn Chiêu Anh Các trong tiến trình văn hoá dân tộc và trong sự phát triển của văn học Nam Bộ VÀI DÒNG KẾT TÀI LIỆU THAM KHẢO LỜI MỞ ĐẦU Nền văn học Việt Nam là một chỉnh thể được tạo nên từ hai bộ phận: văn học miền Bắc và văn học miền Nam. Thiếu một trong hai bộ phận ấy, văn học Việt Nam không còn là chính mình. Văn học mỗi miền có những đặc trưng riêng, bản sắc riêng nhưng đều không quên đóng góp làm giàu cho nền văn học nước nhà. Thế mà trong khi văn học miền Bắc luôn giành được sự ưu ái, quan tâm thì văn học miền Nam ít được để ý tới. Nó buộc phải chấp nhận sự thiệt thòi cho dù ngay từ buổi đầu, Nam Bộ đã là đất văn chương, đã nỗ lực hết mình, đã cống hiến hết mình, để lại những đóng góp đáng tự hào cho nền văn học dân tộc. Mặt khác, nhắc đến văn học miền Nam, chẳng chần chừ, ngần ngại, mọi người sẽ nghĩ ngay tới Nguyễn Đình Chiểu. Cố nhiên, điều đó có cái lý của nó. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không tự nhiên được sinh ra và cũng chẳng từ trên trời rơi xuống. Nguyễn Đình Chiểu là kết quả tất yếu của cả một quá trình hình thành, vận động, phát triển của dòng văn học phía Nam giữa nguồn chung là nền văn học nước nhà. Không nên quên rằng, trước Nguyễn Đình Chiểu còn có những tác giả khác, những người đã góp công vun trồng mảnh đất văn học Nam Bộ , trong đó không thể không kể đến Tao đàn Chiêu Anh Các. Chiêu Anh Các là một trong những cái mốc hiếm hoi tạo ra sự phát triển đột biến trong nền văn học Nam Bộ. Phải thừa nhận rằng, có không ít công trình nghiên cứu về Chiêu Anh Các nhưng chưa được phổ biến rộng rãi trên khắp mọi miền đất nước. Việc tìm kiếm, sưu tầm tài liệu về Chiêu Anh Các cũng không phải dễ dàng. Chiêu Anh Các có một vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển văn học dân tộc, nhưng ngay cả với không ít sinh viên văn khoa ngoài Bắc ( trong đó có tôi), Chiêu Anh Các vẫn là một cái tên xa lạ, thậm chí có lúc từng bị hiểu oan là một bộ truyện chưởng mới của Kim Dung (! ). Nữ sĩ Mộng Tuyết một con người mà cả cuộc đời gắn bó máu thịt với mảnh đất Hà Tiên, đã từng ngậm ngùi trong một bài thơ lấy tên là Chiêu Anh Các: Đất Việt Nam ta chữ S liền Hải Ninh, Trà Cổ chấm đầu tiên. Hà Tiên điểm cuối cô em út Ngủ giấc hằng nga trong lãng quên. Từ những lý do trên, chúng tôi quyết định chọn Chiêu Anh Các là đối tượng tìm hiểu của bài viết này. Đây là một vấn đề thuộc về văn học sử, cho nên, chúng tôi sẽ nhìn nhận nó từ nhiều góc độ : Lịch sử - Văn hoá - Văn học. Các thao tác nghiên cứu được sử dụng là tập hợp, hệ thống hoá tài liệu, thống kê dựa trên văn bản, đối chiếu so sánh, phân tích - tổng hợp . Trong bài báo cáo này, chúng tôi sẽ giới thiệu một cách tổng quan về Chiêu Anh Các - Tao đàn. Từ đó, chúng tôi muốn góp tiếng nói khẳng định chỗ đứng của Chiêu Anh Các và đặt Chiêu Anh Các ở vị trí xứng đáng hơn, đúng với tầm vóc của nó. Nội dung đề tài “Tao đàn Chiêu Anh Các trong sự phát triển của văn học Nam Bộ” của chúng tôi được chia làm 3 chương : Chương I : Hà Tiên trong bối cảnh của văn hoá Nam Bộ : chúng tôi trình bày vài nét về lịch sử và tình hình văn học Nam Hà trong một thế kỷ rưỡi mở đất và dựng nước ; giới thiệu đôi điều về lịch sử - văn hoá Hà Tiên, quê hương của Tao đàn Chiêu Anh Các. Chương II : Tổng quan về Chiêu Anh Các: chúng tôi giới thiệu một cách khái quát nhất về Chiêu Anh Các : sự thành lập, tổ chức, hoạt động, đặc điểm lực lượng sáng tác, các tác phẩm của Chiêu Anh Các và vài nét về Mạc Thiên Tích - vị chủ soái của Tao đàn. Chương III : Những đóng góp về văn học của Chiêu Anh Các : chúng tôi tìm hiểu các giá trị về nội dung, giá trị nghệ thuật của văn chương chữ Hán và văn chương chữ Nôm của Tao đàn Chiêu Anh Các. Từ đó, chúng tôi nhận xét, đánh giá về vị trí của Tao đàn Chiêu Anh Các trong tiến trình văn hoá dân tộc và trong sự phát triển của văn học Nam Bộ.

doc47 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2500 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Tao đàn Chiêu Anh Các trong sự phát triển của văn học Nam Bộ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
của Nguyễn CưTrinh, 4 bài hoạ của các tác giả Vương Xưởng, Đan Bỉnh Ngư, Nguyễn Nghi, Lý Nhân Trường. - Thụ Đức hiên tứ cảnh được 32 người hoạ cộng 88 bài đã khắc in do Phương Thu Bạch viết bài tựa, nhưng mất mát gần hết. Bốn bài xướng của Mạc Thiên Tích cũng nằm trong số đó. May nhờ Lê Quý Đôn mà ta còn lại 9 bài hoạ của 9 nhà thơ được chép lại trong Kiến văn tiểu lục. - Minh bột di ngư - Ông chài còn sót lại trên biển nhà Minh - là tập thơ phú gồm 30 bài thơ luật và bài phú 100 vần cùng lấy tên Lư Khê nhàn điếu( Rạch Vược câu nhàn) của Mạc Thiên Tích. Bản in sinh thời của Mạc Thiên Tích 1771 đã mất. Bản in thứ hai do Trịnh Hoài Đức đứng ra khắc in vào năm 1821 có tên là Minh bột di ngư trùng bản cũng không còn. Hiện chỉ còn lại bài phú và 7 bài thơ. Tình hình tài liệu như vậy chưa cho phép tìm hiểu một cách toàn diện về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của Minh bột di ngư, nhưng căn cứ vào Lư Khê nhàn điếu phú, ta có thể coi đây như một tuyên ngôn Việt hoá của Mạc Thiên Tích và lớp hậu duệ của các di thần bài Thanh phục Minh từ Hoa Nam qua tỵ nạn chính trị ở Đàng Trong, khi mới quan hệ với không gian xã hội này đã thúc đẩy họ chủ động và vĩnh viễn vùi chôn tâm sự di thần. - Hà Tiên quốc âm thập vịnh gồm hơn 336 câu lục bát gián thất và 88 câu của mười một bài thơ Đường luật, tổng cộng 424 câu sáng tác bằng tiếng Việt - chữ Nôm. Hà Tiên quốc âm thập vịnh hiện có 7 văn bản đáng chú ý. +Bản Nôm trong gia phả Hà Tiên do Trần Đình Quang chép. + Bản Nôm của gia đình Nguyễn Đình Chiểu + Bản quốc ngữ do Lê Quang Chiểu công bố + Bản quốc ngữ do Nguyễn Phương Chánh sao lục + Bản quốc ngữ do La Thành Đầm công bố + Bản quốc ngữ do Đông Hồ công bố trên tạp chí Nam Phong (1926) + Bản quốc ngữ do Đông Hồ bình giảng trong văn học Hà Tiên (1970) -Lư Khê Vãn: Mặc dù không ghi tên tác giả, nhưng căn cứ vào một số đặc điểm và nội dung, phong cách và thể loại, cố giáo sư Ca Văn Thỉnh đã cho rằng Lư Khê Vãn có thể là tác phẩm của Tao đàn Chiêu Anh Các. Hiện nay gần như không còn khả năng văn bản chữ Nôm nào của tác phẩm này chỉ còn bản chép tay quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký . 5- Mạc Thiên Tích và vị trí của ông trong Tao đàn Chiêu Anh Các. Mạc Thiên Tích ( 19/4/1706 - 01/11/1780) tên thật là Mạc Tông sau đổi thành Mạc Tứ, tự Sĩ Lân là con trưởng của tổng binh Mạc Cửu và bà Bùi Thị Lẫm, người Việt. Sau khi cha mất ( 1735) Mạc Thiên Tích được chúa Nguyễn cho kế chân cha tiếp tục coi giữ trấn Hà Tiên, tước Tông Đức hầu. Thừa kế sự nghiệp của cha, Mạc Thiên Tích đưa Hà Tiên lên bước phát triển mới, thăng hoa thành vùng văn hiến rực rỡ nơi biên thuỳ phía Tây Nam. Đến thời ông, Tây Nam đã thực sự thành một vùng đất trù phú, cư dân đông đúc làm phên dậu cho đất nước. Ông cũng có công xây dựng dân binh, nhiều lần đánh bại các cuộc xâm lược của bọn phong kiến Xiêm La và Chân Lạp. Vào khoảng 1776, khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, truy kích bè đảng chúa Nguyễn, Mạc Thiên Tích đã giữ lòng trung với chúa, chạy sang Xiêm xin viện binh về " phục quốc". Nhưng vua Xiêm ( bấy giờ là một thương nhân Hoa kiều tiếm ngôi) tỏ lòng nghi kị cho giam lỏng đoàn cầu viện của họ Mạc. Phẫn uất, ông tự tử tại Băng Cốc. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống văn hoá, nho học, Mạc Thiên Tích là một người học rộng, có tài văn thơ, lại có ý thức mở mang văn hoá trên mảnh đất do mình gây dựng. Mạc Thiên Tích đã sớm quy tụ được nhiều nhà nho từ các nơi về Hà Tiên lập nghiệp và vào năm 1736, ông cùng họ lập lên thi xã Chiêu Anh Các. Điều đó cho thấy, Mạc Thiên Tích rất có uy tín và luôn nhận được sự kính trọng của các danh sĩ đương thời. Không chỉ sáng lập Chiêu Anh Các, ông còn là thủ lĩnh của Tao đàn này. Mọi hoạt động của Chiêu Anh Các đều dưới sự điều khiển, dẫn dắt của ông. Mạc Thiên Tích luôn là người khởi xướng cho mọi hoạt động của Chiêu Anh Các. Ông làm thơ, rồi mời các nhà thơ trong và ngoài thi xã cùng hoạ lại, thậm chí mời cả những nhà thơ quen biết của một thi xã ở Quảng Châu cùng góp lời ngâm hoạ. Không có xướng hẳn sẽ chẳng thể có hoạ. Không có những bài thơ hay của Mạc Thiên Tích hẳn sẽ chẳng thể có được những tập thơ để lại cho đời. Nói như vậy để thấy rằng Mạc Thiên Tích đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng, có một vị trí trụ cột trong Tao đàn Chiêu Anh Các. Bên cạnh đó, Mạc Thiên Tích cũng là người có công lớn trong việc phổ biến, quảng bá văn chương Chiêu Anh Các trong phạm vi cả trong và ngoài nước. Chính Mạc Thiên Tích đã cho khắc in các tác phẩm của Chiêu Anh Các ( rất đáng tiếc đến nay chẳng còn được là bao). Bằng cách ấy, Mạc Thiên Tích đã đưa Chiêu Anh Các trở thành một hoạt động văn hoá, văn học ít nhiều mang tính chất quốc tế. Là thủ lĩnh Tao Đàn, những tư tưởng, tình cảm, những trăn trở, suy tư của Mạc Thiên Tích không thể không ảnh hưởng đến tổng thể thơ văn Chiêu Anh Các. Tư tưởng của Mạc Thiên Tích đóng vai trò chủ đạo, chi phối các tác phẩm của Chiêu Anh Các. Do đó, không chỉ ở các tác phẩm của Mạc Thiên Tích, nhìn vào các sáng tác của những tác giả Chiêu Anh Các khác ta có thể hình dung phần nào chân dung Mạc Thiên Tích. Vị trí quan trọng của Mạc Thiên Tích đối với Chiêu Anh Các còn được thể hiện ở chỗ, Mạc Thiên Tích đã đóng góp một khối lượng tác phẩm lớn và quan trọng vào kho tàng văn học Chiêu Anh Các. Những tác phẩm còn lại của Mạc Thiên Tích là: - 10 bài xướng trong Hà Tiên thập vịnh - Minh bột di ngư ( 1 bài phú và 7 bài thơ) - Hà Tiên quốc âm thập vịnh Có thể nói, đây là những tác phẩm quan trọng bậc nhất trong tổng thể văn chương Chiêu Anh Các. Nhờ có những tác phẩm này và chủ yếu dựa trên những tác phẩm này, chúng ta mới có thể tìm hiểu và khám phá nhiều cái hay, cái đẹp, cái lạ trong thơ văn Chiêu Anh Các. Tóm lại, sẽ chẳng phải quá lời khi khẳng định rằng Mạc Thiên Tích chính là linh hồn, là trái tim của Chiêu Anh Các. Ông xứng đáng là vị chủ soái, một trụ cột vững chắc và không thể thiếu của Tao đàn vô cùng độc đáo này. III- NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ VĂN HỌC CỦA CHIÊU ANH CÁC 1.Nội dung sáng tác của thơ văn Chiêu Anh Các 1.1- Đất nước Hà Tiên tươi đẹp. Chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của Mạc Thiên Tích nói riêng và Chiêu Anh Các nói chung là sự ngợi ca đất nước Hà Tiên, một miền đất tuy mới nhưng ngày càng đơm hoa kết trái. Các tác giả đã dành cho Hà Tiên một sự ưu ái, một tình cảm trìu mến, thương yêu. a- Đến với Hà Tiên, trước hết, chúng ta sẽ chìm đắm ngay vào vẻ đẹp muôn màu, muôn sắc của thiên nhiên xứ này: Thiên nhiên là nguồn cảm hứng muôn thưở cho văn chương. Nhưng trong lịch sử văn học nước nhà, chưa bao giờ chúng ta bắt gặp một số lượng tác phẩm lớn của một đội ngũ đông đảo các tác giả tập trung ca ngợi thiên nhiên như ở Chiêu Anh Các. Thơ văn Chiêu Anh Các đầy ắp thiên nhiên, tràn trề thiên nhiên.Bóng dáng thiên nhiên hiện lên rõ ràng, đậm nét trong những dòng thơ, dòng văn chứa chan tình cảm. Tất cả các tác phẩm Chiêu Anh Các đều thấp thoáng bóng dáng thiên nhiên. Đọc thơ văn Chiêu Anh Các, chúng ta bắt gặp núi, sông, biển, đảo, chúng ta bắt gặp gió, mây, tuyết và không thể thiếu được là trăng. Đọc Chiêu Anh Các, chúng ta biết và thêm yêu những danh thắng trên đất Hà Tiên: Kim Dự lan đào, Bình San điệp thúy, Thạch Động thôn vân, Châu Nham lạc lộ, Đông Hồ ấn nguyệt, Nam Phố trường ba, Lộc Trĩ thôn cư, Lư Khê ngư bạc, Tiêu tự thần chung, Giang thành dạ cổ. Những Kim Dữ ( đảo vàng), Bình San ( núi bằng), những Thạch Động ( hang đá), Châu Nham ( nham thạch đỏ) … vốn chẳng phải tên riêng, nhưng từ khi đi vào thơ chúng đã trở thành những tên gọi thân thương, gần gũi, quen thuộc với và không chỉ với Hà Tiên. Ngần ấy địa danh đủ để chúng ta thấy rằng mọi nơi, mọi chốn trên mảnh đất Hà Tiên đều là những danh thắng quyến rũ, hấp dẫn lòng người. Thơ Chiêu Anh Các đầy ắp núi, mây, sông, nước; đầy ắp trăng, gió bao la. Nhưng điều đáng nói núi ấy là núi Hà Tiên, biển ấy là biển Hà Tiên, gió ấy là gió trời Hà Tiên, không thể lẫn với bất kỳ miền quê nào khác. Thiên nhiên Hà Tiên đa dạng không chỉ bởi có nhiều thắng cảnh, không chỉ bởi có nhiều nét đặc sắc mà còn phong phú bởi vẻ đẹp muôn màu, muôn sắc, đầy biến hoá của nó. Đó là một thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ. Nhất đảo thôi ngôi, điện bích liên Hoành lưu kì thắng tráng Hà Tiên Ba đào thế tiệt Đông Nam hải Nhật nguyệt quang hồi thượng hạ thiên. ( Kim Dự lan đào) ( Một hòn đảo chót vót đặt giữa sóng biển Chắn ngang dòng nước, vẻ đẹp làm hùng tráng Hà Tiên Vùng biển Đông Nam ba đào tắt lặng Trên trời dưới nước, mặt trăng mặt trời sáng rực). Ở những dòng thơ ấy, nổi bật lên là hòn đảo Kim Dữ sừng sững hiên ngang, vững vàng như một người lính vai sắt, mình đồng. Kim Dữ như một viên ngọc được trời cao thả xuống một vùng biển nước bao la. Giữa cái mênh mông của trời biển, Kim Dữ càng làm cho thiên nhiên Hà Tiên thêm phần tráng lệ, kỳ vĩ. Thiên nhiên ấy có lúc thật hoang vu: Vũ để yên tiêu cộng diểu mang Nhất loan phong cảnh tiếp hồng hoang ( Đông Hồ ấn nguyệt ) ( Mưa tạnh khói tan thảy đều xa vời. Phong cảnh vụng biển đầy vẻ hoang vu. Nhưng có lúc lại thật thơ mộng, hữu tình: Vãn bài thiên trận la phương thụ Tình lạc bình nhai tả ngọc hoa Bội ảnh cộng phiên minh nguyệt tụ Vân quang tế táp dịch dương sa (Châu Nham lạc lộ) ( Chiều buông bầy trận trên trời giăng khắp cây thơm. Trời tạnh đáp xuống lèn núi phẳng trút ra hoa ngọc. Giống bóng thác nước lật lại với ngọn núi đẫm ánh trăng. Tựa ánh mây sáng cùng vòng quanh bãi cát dưới ánh triều). Thiên nhiên đầy ý vị, giao duyên. Hình ảnh của đoá ngọc hoa rơi khắp bãi cồn, hình ảnh ngọn núi ướt đẫm ánh trăng, hình ảnh một buổi chiều tà mà ánh mây tuôn đầy trên cát, tất cả càng làm cho thiên nhiên thêm phần mơ màng, thơ mộng, ấm áp hữu tình. Thiên nhiên ấy còn mang một vẻ đẹp trẻ trung, tràn đầy sức sống. Thợ trời sao khéo tạo hình Đá giăng lưng hạm cây đoanh khúc rồng Lược đông phong chải đầu điệp thúy Lúc mưa xuân rơi phủ muôn cành Rờn rờn trúc lộc thông xanh Chồi xuân non bện lá quỳnh phơi gie Ong với ve om sòm bụi liễu Bướm rập rờn lẽo đẽo chòm hoa ( Bình San điệp thuý) Tràn ngập cảnh sắc thiên nhiên là một màu xanh " chồng chất " trùng điệp, một màu xanh tươi trẻ, màu xanh - nhựa sống trải mãi đến vô tận. Sức sống mãnh liệt còn được nhận ra từ những hình ảnh thơ đầy âu yếm, trìu mến, chan chứa thương yêu: ngọn gió đông như chiếc lược nhẹ nhàng chải lên mái tóc xanh của người thiếu nữ, những giọt mưa xuân tươi mát tắm cho muôn cành và đặc biệt là hình ảnh bướm - ong rủ nhau tìm hoa hút mật gợi nhắc đến tình cảm lứa đôi. Đó còn là một thiên nhiên diệu huyền, đẹp như một tiên nữ. Lục ấm u văn xuyết mộ hà Linh nham phi xuất bạch cầm tà ( Châu Nham lạc lộ) ( Mây râm che rợp điểm xuyết ráng chiều Bầy chim trắng bay chếch ra từ lèn đá thiêng) Và trong sạch, tinh khiết vô cùng: Tình không lãng tịnh huyền song ảnh Bích lạc vân trường tẩy vạn phương ( Đông Hồ ấn nguyệt) ( Trời quang sóng lặng treo hai bóng trăng Biển biếc mây trong rửa cả bốn phương ) Thiên nhiên ấy lung linh như chốn bồng lai, nhưng có lúc lại vô cùng gần gũi với cuộc sống con người: Trúc ốc phong qua mộng thuỷ tinh (tỉnh ) Nha đề thiềm ngoại khước nam thinh ( thính ) Tàn hà đảo quải duyên song tử Mật thụ đê thuỳ tiếp phố thanh ( Lộc Trĩ thôn cư ) ( Gió thoảng qua nhà tre, vừa tỉnh giấc mộng Tiếng quạ kêu rộn trước thềm thật không nghe nổi Ráng chiều treo ngược viền khung cửa tím ngắt Cây dày phủ xuống nối liền với luống rau xanh rờn ) b- Nhưng dù có dành tình cảm yêu mến thiên nhiên đến đâu, Mạc Thiên Tích và các tác giả Chiêu Anh Các cũng không quên gửi vào trong thơ niềm tự hào, ngợi ca về con người và cuộc sống trên mảnh đất Hà Tiên. Hình ảnh của những người dân hiện lên không ít lần trong thơ Chiêu Anh Các. Ngay ở trong bài" Lộc Trĩ thôn cư" (thơ quốc âm ), chữ "dân" được nhắc đi nhắc lại đến bảy lần: + Thú vui bốn thú dân nhàn bốn dân + Dầu muôn dân đợi thời mây gió +Ruộng dân là chốn dân này + Dân bang kỳ ỷ sánh kỳ tây + Có dân làm lụng có làng ăn chơi Đó là chưa kể chữ " dân" và các hình thức khác ( đồng nghĩa hay gần nghĩa ) của khái niệm " dân" ( như người bốn phương…) còn thấp thoáng đây đó trong nhiều bài thơ khác. Những người dân ấy thật hạnh phúc vì họ được sống trong thanh bình, yên ấm. Cuộc sống ấy đẹp tựa những bức tranh thơ: Viễn viễn thương lang hàm tịch chiếu Lư Khê yên lý xuất ngư đăng Hoàng ba yểm ánh bạc cô đĩnh Lạc nguyệt sâm si phù tráo tăng ( Lư Khê ngư bạc) ( Dòng nước xanh xa xa ngậm ánh nắng tàn Trong làn khói ở Rạch Vược đèn chài ló rạng Sóng ngang gợn gợn thuyền lẻ ghé bến Trăng soi thấp thoáng lưới chài bàng bạc ) Cuộc sống ấy tươi vui, rộn rã như khúc nhạc đồng quê: Cách bến khe tiếng ngư ra rả Gõ be thuyền ca vã đòi cung Dưới rừng mấy trẻ mục đồng Lưng trâu thổi địch, gío lồng theo khe Tiều đi về dùng dằng chẳng dứt Cày lân la trưa trặt còn chơi (Bình San điệp thuý- Thơ quốc âm) Có an cư thì mới lạc nghiệp , trong thanh bình những người dân chăm chỉ làm ăn và họ đã có được một cuộc sống ấm no ,giầu đủ: Ruộng dân là chốn dân này Để khi gỏi rượu đến ngày nắng mưa Ba sào trưa hãy còn nghỉ khoẻ Toại tấc lòng già trẻ đều no (Lộc Trĩ thôn cư- Thơ quốc âm) Cuộc sống ấm no, trù phú còn được thể hiện ở cả những bài thơ hoạ khác: Lũng bối lộ phồn tang diệp nộn Sơn đầu phong tế đạo hoa linh …Đắc thất tuý lai tiều mộng phá Đồn quyền kê giá tịch sơ minh ( Lộc trĩ thôn cư- Bài hoạ của Lý Nhân Trường ) ( Dâu non lưng đồi đầy sương đọng Lúa tốt đầu gò nhẹ gió đưa …Được thua hươu chuối say tan mộng Chuồng lợn đàn gà tối đến nơi ) - Lộc tu lưu khách dã trà hắc Đồn túc nghinh thê viên quản thanh ( Nem hươu cầm khách chè quê đặc Giò lợn vợ về rau quả xanh ) Một cuộc sống thanh bình no đủ, một cuộc sống trù phú, ấm êm, đủ để cho ta nghĩ đến một đất nước thái bình, trên thuận dưới hoà, bốn phương phẳng lặng, gợi nhớ đến đất nước của vua Thuấn vua Nghiêu: - Lưới chài phơi trải đầy trời hạ, Gỏi rượu say sưa toại nghiệp hằng Nghề Thuấn hãy truyền bền trác trác Dân Nghiêu còn thấy răng răng ( Lư Khê ngư bạc - Thơ quốc âm) - Báo noãn bất tri thiên tử lực Phong đăng duy tín hải thần linh ( Lộc Trĩ thôn cư- bài hoạ của Nguyễn Cư Trinh ) ( No ấm biết gì uy thánh chúa Dồi dào tin ở biển thần thiêng ) Một thiên nhiên tươi đẹp, một cuộc sống ấm no, một đất nước thái bình, tất cả đều hiện lên rõ nét qua những dòng thơ của các tác giả Chiêu Anh Các. Điều đó cho thấy các tác giả Chiêu Anh Các đã tha thiết yêu đất nước Hà Tiên này đến nhường nào. Nói đến đây, không nên quên rằng, 67/75 tác giả Chiêu Anh Các có dòng dõi Minh Hương, ông cha họ là người nước Tàu. Điều ấy cho phép ta hiểu rằng sống trên đất Việt, nhìn ngắm bầu trời Việt thì cuộc sống Việt, tinh thần Việt đã kết duyên, đã ăn sâu bén rễ trong tâm hồn họ dẫu cho quê cha đất tổ của họ ở một phương trời xa xôi lắm. Và họ đã trở thành những con người mang dòng máu Việt, biết yêu và yêu thiết tha, yêu cháy bỏng mảnh đất này. 1.2- Một con người - một nhân cách- một tâm hồn - Mạc Thiên Tích a- Trước hết đó là người chiến sĩ mà cả cuộc đời ái quốc, trung quân. Trong Châu Nham lạc lộ, mượn hình ảnh bầy chim núi Châu Nham, Mạc Thiên Tích từ trong sâu thẳm đã tỏ bày tới cùng tâm sự: niềm tự hào và sung sướng vì đã tìm được đất lành để đậu, chúa sáng để thờ: Quen cây như thể người quen chúa Dễ đổi nghìn cân một tấc son Gắn bó máu thịt với mảnh đất Việt như bầy chim gắn chặt với cành làm nơi nương đậu, người chiến sĩ ấy ý thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm vẻ vang của mình với đất nước, quê hương. Với tinh thần tự nhiệm cao độ, Sĩ Lân Mạc Thiên Tích đã tự xác định, tự nhận mình là đảo Kim Dự như người lính trấn giữ biên thuỳ, chở che cho nước Việt. Kim Dự này là núi chốt then Xanh xanh dành trấn cửa Hà Tiên Ngăn ngừa nước giữ không vùng vẫy Che chở dân lành khỏi ngả nghiêng Và dù có khiêm cung rất mực, thì Mạc Thiên Tích cũng dõng dạc khẳng định vị thế của mình: Thế vững kềnh càng trên Bắc hải Công cao đồ sộ giữa Nam thiên Và với tấm lòng tri kỷ, tri tâm với Mạc Thiên Tích, Đạm Am Nguyễn Cư Trinh cũng đã viết trong bài hoạ thơ Kim Dự lan đào: Vua giận Dương hầu phạm cõi biên Đảo vàng đem đến trấn của Hà Tiên Điều mà Mạc Thiên Tích không tiện nói, chỉ ngụ ý trong thơ thì Đạm Am xác nhận như một khẳng định: việc Mạc Thiên Tích có mặt ở đây để trấn giữ Hà Tiên là một mệnh trời, là sự sắp đặt của tạo hoá. Thiên Tích tả đảo vàng chắn sóng, thơ Đạm Am hoạ lại rằng: " Di tương tiên đảo trấn tiền xuyên". Mạc Thiên Tích như hòn đảo vững chãi, hiên ngang, như tiền đồn bảo vệ non sông, đất nước. Chẳng những thế, Nguyễn Cư Trinh còn nhận ra Mạc Thiên Tích là " kình thiên vật" - cột chống trời để sóng biển muôn đời dội mãi: Tri quân diệc thị kình thiên vật Kim cổ thao thao độc nghiễm nhiên Gánh trên vai tinh thần tự nhiệm, có nhiều lúc, Mạc Thiên Tích không khỏi trăn trở, lo âu vì chưa trả được nợ chúa: Phiêu linh tự tiếu uông dương ngoại Dục phụ ngư long khước vị năng ( Lư Khê ngư bạc) ( Nổi trôi lại tự cười mình nơi biển lớn Muốn theo giúp cá rồng lại chưa thể được ) Niềm lo lắng liệu mình có làm tròn được bổn phận, nỗi băn khoăn liệu có báo đáp tình minh chúa là có thật bởi lẽ Mạc Thiên Tích luôn phải đối mặt với kẻ địch mạnh luôn nhòm ngó bờ cõi. Nhưng dù có thế, Mạc Thiên Tích vẫn biểu hiện mình là một trang anh hùng và khẳng định tấm lòng sắt son, trước sau như nhất, không đổi thay, phai nhạt. Trạm khoát ứng hàm thiên đăng dạng Phiêu linh bất hận hải thương lương Ngư long mộng giác xung nan phá Y cựu băng tâm thượng hạ quang ( Đông Hồ ấn nguyệt) ( Rộng lớn chứa đựng trời xa bát ngát, Nổi trôi không hận biển cả lạnh lẽo Cá rồng tỉnh giấc xông vào khó mà phá vỡ được Tấm lòng băng vẫn sáng quắc trên trời dưới nước) Hết lòng vì chúa, vì đất nước giang sơn, Mạc Thiên Tích sẵn sàng chấp nhận và bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí cả hiểm nguy: Yêu nước nhà phải gài then chốt Dự phòng khi nhảy nhót binh đao Đêm hằng canh trống chuyền lao Miễn an đất chúa, quản nào thân tôi Dụt vạt sôi, bốn phương thanh phước Phép nhà binh một chước một hay ( Giang thành dạ cổ- thơ quốc âm) Và chính lòng yêu nước thiết tha đến cháy bỏng đã biến những trăn trở, suy tư thành ý chí, thành quyết tâm, thành hành động. Vững cơ đồ khoẻ phò thế nước Mở đường đi khỏi bước chông gai Sắt đinh là chí con trai Dành người điều vạc để ai chống thành (Giang thành dạ cổ -thơ quốc âm) Hành động của một người lính phò vua, giúp nước còn được thể hiện ở bài thơ chữ Hán: Khánh nhưng cảnh dạ toả kim giáp Nhân chính can thành ủng cẩm bào Vũ lược thâm thừa anh chủ quyến Nhật Nam cảnh vũ lại an lao (Giang thành dạ cổ) (Nghiêm ngặt suốt đêm, khoá chặt giáp sắt Bảo vệ nhân chính, giúp đỡ người áo gấm Đem lược thao đáp tình minh chúa yêu thương Giữ cho biên cương nước Việt được yên ổn) Mạc Thiên Tích yêu nước Việt, hết lòng thờ chúa Việt. Điều đó ta không phủ nhận, nhưng không thể vì thế mà vô tình hay cố ý lờ đi điều này: tâm tưởng của Mạc Thiên Tích với quê cha. Có làm rõ điều này thì mới càng thấy được tấm lòng của Mạc Thiên Tích với quê hương đất nước Việt, con người Việt. Người ta thường nói theo thói quen Mạc Thiên Tích là di thần của nhà Minh. Nhưng thực ra đấy chỉ là một khái niệm tương đối, vì lẽ ngay khi Mạc Cửu mới sinh ra thì nhà Minh đã mất rồi. Mạc Cửu là kẻ vong quốc. Vì thế, ở Mạc Thiên Tích, một con người mang nửa dòng máu Hán lại sinh ra nơi đất khách quê người thì nhà Minh chỉ còn là một hoài niệm xa vời. Nhà Minh được chuyển hoá thành quê cha, thành nguồn cội. Ở bài phú Buông câu trên Lư Khê ( Lư Khê nhàn điếu ) ta sẽ gặp một ông chài còn sót lại trên biển nhà Minh ngoảnh đầu ngoái về nước cũ: Tưởng Người đẹp chừ đang vò võ phương nào Nhớ nước cũ chừ chỉ chăm chăm ngoái cổ Muốn bữa ăn muộn chừ mà cúng giỗ Không ít người chẳng tán đồng việc họ Mạc hướng về nhà Minh, không ít người nghi ngờ mưu đồ vương bá của Mạc Thiên Tích. Phải chăng họ muốn Mạc Thiên Tích phải và chỉ trở thành một con người vô tình, vô nghĩa. Phải nói lại rằng, chính ở điều này Mạc Thiên Tích mới chính là một con người đích thực. Bởi lẽ biết hướng về quê cha đất tổ, biết ngóng về nơi cắt rốn chôn rau là những tình cảm tự nhiên cần có và không thể không có ở một con người. Tuy nhiên, chỉ có điều ở Mạc Thiên Tích, ta chẳng hề tìm thấy một ý thức phục Minh. Nước cũ chỉ còn là một hoài cảm mênh mang và sâu thẳm về quê cha, về cái nguồn cội một đi không trở lại. Giờ đây đất nước của Mạc Thiên Tích là đất nước Việt, quê hương của ông là quê hương Việt, cụôc sống của ông là cuộc sống Việt. Trên mảnh đất ấy, Mạc Thiên Tích đã biết sống, biết yêu. Và nhờ tình yêu ấy, ông đã ngợi ca không dứt về đất nước Hà Tiên của mình. Bởi thế không hoàn toàn vô cớ khi có người cho rằng: "Thơ Thiên Tích viết về Hà Tiên còn đẹp hơn cả Hà Tiên nữa". Có thể nói chính Mạc Thiên Tích là người vừa phát hiện, vừa sáng tạo ra cảnh đẹp Hà Tiên. Thực lòng mà nói thì những Kim Dự, Đông Hồ, rồi Châu Nham, Thạch Động cũng chẳng phải bồng lai, tiên cảnh gì so với những kì sơn, dị thuỷ khác, nhưng sở dĩ được nhiều người biết rồi ngợi khen chính vì họ đọc thơ trước khi nhìn thấy cảnh. Nhiều người gắn bó với Hà Tiên nói rằng, Hà Tiên còn nhiều cảnh đẹp khác như Mo So ( núi Đá Trắng), chùa Hang, hòn Phụ Tử nhưng ít người biết vì chưa may mắn được Mạc Thiên Tích viết thành thơ. Trong khi đó, Châu Nham không còn cò đậu, con rạch Lư Khê bị lấp lâu rồi mà vẫn sống mãi trong lòng người. Xem vậy mới thấy thơ của Mạc Thiên Tích có vai trò lớn như thế nào đối với Hà Tiên. Và để có được những dòng thơ ấy, không thể thiếu một tấm lòng chân thành, một tình cảm thiết tha gắn bó máu thịt với mảnh đất trước đây vốn chỉ là quê người nay đã trở thành quê mình, mãi mãi không gì có thể cắt chia, ngăn cách. b- Không chỉ thế, đọc thơ Mạc Thiên Tích - Chiêu Anh Các, chúng ta còn cảm phục một tấm lòng nhân ái, chan chứa yêu thương. Là người gây dựng Hà Tiên, Mạc Thiên Tích không thôi lo lắng, trăn trở cho cuộc sống của dân. Ông dành cho dân một tình cảm ưu ái đặc biệt, một tình cảm chỉ có thể có ở những người ruột thịt: Nỗi buồn vui mặc lòng nhộn nhã Gối chưa êm, chưa hả sự lòng ( Tiêu tự thần chung - thơ quốc âm) Ông nguyện là một chiến sĩ chở che, bao bọc cho cuộc sống của dân, để dân được sống trong thanh bình: " Che chở dân lành khỏi ngả nghiêng" ( Kim Dự lan đào). Ông sung sướng hạnh phúc khi chứng kiến cảnh dân được sống trong ấm no, giầu đủ, trong tiếng nói cười: Riêng một phương cày mây cuốc nguyệt Ba tháng xuân chưa thiệt một ngày Đồng Châu nội vũ ra tay Khi câu nước trị, khi cày nhà an ( Lộc Trĩ thôn cư) Thương dân, mến dân, ông đã thi hành một chính sách" khoan dân": Đã no say lại tình nhân nhượng Vì ở nơi cư thượng hữu khoan Thảnh thơi đất phẳng bừa an Có dân làm lụng có làng ăn chơi ( Lộc Trĩ thôn cư - thơ quốc âm) Bởi thế ông tự hào vì cuộc sống ấy có một phần đóng góp của ông, ông tự hào vì mình là tác giả của bức tranh ấm no ấy: Đâu no thì đó là an lạc Lựa phải chen chân chốn thị thành Bên cạnh đó, ông cũng luôn khao khát ước mơ và phấn đấu đến cùng vì một cuộc sống ấm no, một đất nước thái bình và tình hoà hiếu giữa các dân tộc. Ở một vị thế có nhiều thuận lợi, Hà Tiên thường xuyên bị ngoại bang nhòm ngó và đã không ít lần phải chạy giặc Xiêm. Vì thế, hơn nơi nào hết, Hà Tiên rất sợ chiến tranh. Những người dân Hà Tiên hiểu rằng chiến tranh là tàn phá, quan quân chẳng thể ngồi yên hưởng cảnh thái bình: Hết ruổi rong gặp ngày ca khải Thu quân về cảng hải dưỡng dân Mơ ước một cuộc sống ấm no, thái bình, Mạc Thiên Tích luôn ôm ấp một hoài bão xây dựng tình hoà hiếu giữa các dân tộc: Kẻ gió mây người thì non nước Hai phía đều chiếm được thu thanh ( Đồng Hồ ấn nguyệt) Đất nước có vững vàng, bình yên, phẳng lặng thì dân mới yên ổn làm ăn, mới được sống trong vui vẻ, an lạc. Và tất cả những ước mơ, hoài bão, khát khao ấy, suy cho cùng, đều xuất phát từ một tấm lòng nhân ái bao la, biết trân trọng hoà bình, biết nâng niu sự sống. Bên cạnh Mạc Thiên Tích, một võ tướng tận trung hết mực, còn có một Mạc Thiên Tích nặng lòng yêu thương, bao dung, trìu mến. c- Cuối cùng, giở những trang thơ, trang văn của Mạc Thiên Tích, chúng ta còn bắt gặp một tâm hồn thi nhân, một trái tim nghệ sĩ. Trước hết, thi sĩ ấy đã gửi vào trong thơ những tâm sự, những suy tư, trăn trở, những nỗi niềm đau đáu bâng khuâng trước dâu bể cuộc đời. Trong cái mênh mang vô cùng, vô tận của đất trời, trong cái bát ngát vô thủy, vô chung của vũ trụ, Mạc Thiên Tích đã nhận thức được một cách sâu sắc những quy luật khắc nghiệt của cuộc đời, đã thấm thía đến cùng sự hữu hạn, mong manh của thân phận con người- vạn vật: Bạc phù sinh như âu vân; Thị vạn vật như hào dĩnh Thương hoàng hoa hề dã vong; Bi phiêu linh hề độc cảnh (Đời người như mây bay; Vạn vật xem như gió thoảng Xót hoa vàng chừ úa tàn; Buồn nổi trôi chừ hốt hoảng) Trước cảnh: Hải khoát thiên không;Vân cao thuỷ dung Thời hoa nhược cựu; Thế sự vô cùng (Bể rộng trời quang, mây cao nước trong Hoa mùa như cũ, việc thế không cùng) thì con người thật bé nhỏ, cô đơn: Hải thượng tà đầu thời độc tiếu Di dân thiên ngoại hữu ngư ông (Thơ Lư Khê nhàn điếu , bài I) (Trước biển lúc chiều buông, mỉm cười một mình Dân còn sót lại ngoài trời có một ngư ông) Buông câu trên dòng Lư Khê, Mạc Thiên Tích phát hiện ra rằng cuộc đời chẳng khác nào việc giong thuyền đánh cá. Con ngưòi ấy đã ý thức sâu sắc hai mặt của cuộc đời: buồn-vui; sướng-khổ; sóng gió, bão táp-phẳng lặng, bình yên. Hữu thời ngộ ư phong cao lãng chấn hề, đa sử nhân ư hãn hãi hồn kinh Hữu thời khám hồ cốc văn liên y hề, đa sử nhân hồ tâm khoáng thần thanh Hữu thời đổ hồ ngư được diên phi hề, đa sử nhân hồ đạo niệm hưu minh Hữu thời cảm ư bạch vân lưu thuỷ hề, đa sử nhân ư vật ngã vong tình (Có khi gặp sóng vùi gió dập chừ, khiến người nhiều phen phách lạc hồn kinh Có khi thấy trời trong bể lặng chừ, khiến người nhiều phen tâm khoáng thần thanh Có khi nhìn diều bay cá nhảy chừ, khiến người nhiều phen lòng dạo mênh mông Có khi cám mây bay nước chảy chừ, khiến người nhiều phen trước cảnh quên tình) Mạc Thiên Tích cũng nhận thức được rằng mọi giá trị vật chất chỉ như cơn gió thoảng; phú quý, lợi danh chẳng phải là đích đến của cuộc đời: -Bất tri vinh phú,nhiệm lạc khang trang (Không lòng so phú quý, mặc ý thoả khang trang) -Trói ai lợi chuốc danh mua Vui nghề chài lưới tôm cua tháng ngày (Thơ Lư khê nhàn điếu -bài II) Nhận thức cuộc đời là hưũ hạn, thân phận con người là mong manh,lợi danh phú quý chỉ là ảo ảnh, con người thi sĩ trong Mạc Thiên Tích luôn băn khoăn tìm kiếm giá trị cuộc đời. Ông khát khao một cuộc sống tự do để vẫy vùng thoả chí. Thi nhân đã đắm mình vào thiên nhiên, thả hồn với thiên nhiên, bầu bạn cùng thiên nhiên, tìm ở thiên nhiên một tấm lòng tri kỷ: - Mãn chu phong nguyệt kham ngu xứ Tiếu đảo thương minh nhập tửu chung (Thuyền đầy gió trăng chở cả một nơi vui sướng Cười hạt mưa lạnh nhỏ lại rơi vào bầu rượu) Ông hoà mình và tìm thấy niềm vui thú từ cuộc sống của những người dân: Bến Vược nhà ngư chật mấy từng Trong nhàn riêng có việc lăng xăng Lưới chài phơi trải đầy trời hạ Gỏi rượu say sưa toại nghiệp hằng ( Lư Khê ngư bạc) Ông ước mơ một cuộc sống bình dị nơi thôn dã, một lối sống tự do thích thảng để vẫy vùng thoả chí.Ông hiểu được giá trị của chữ "nhàn". Thậm chí, ở Mạc Thiên Tích, nhàn đã trở thành một tư tưởng, một triết lý sống. Tuy nhiên, "cái nhàn" của Mạc Thiên Tích không hề giống với Nguyễn Trãi hay Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Trãi buộc phải ở ẩn bởi triều đình phong kiến thối nát tranh giành, đấu đá không có chỗ cho ông. Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm đến cuộc sống nhàn bởi ông bất lực trước thực tại. Trước tình thế rối loạn mà không thể nào cứu vãn nổi, ông đành treo mũ từ quan ra về dù lòng vẫn đầy mặc cảm: "Trí trạch vị thù ngô túc chí. Khu khu thập quý lão phi tài"( Giúp nước thương dân chưa thoả lòng ta hồi trước. Băn khoăn rất thẹn già không có tài ). Còn Mạc Thiên Tích ước ao một cuộc sống nhàn bởi đơn giản ông tìm thấy ở đó một niềm tự do vui thích và sự thanh thản nhẹ nhõm trong tâm hồn. Nhàn với Mạc Thiên Tích không phải là biện pháp phương tiện để thoát khỏi sự bế tắc bất lực trước thực tại. Nhàn với Mạc Thiên Tích là cách sống, là phương châm sống, là khát khao bởi ông hiểu rằng cuộc đời là ngắn ngủi và chẳng hề bình yên lặng gió: Cảnh lành như đợi người lành Mua nhàn một khắc giá đành nghìn cân. Thấy tinh thần tấm lòng phơi phới Cảnh vẽ vời xui lại nguồn tham. Nhưng nhàn không phải là sự thờ ơ, bàng quan trước những vấn đề xã hội. Dù có vui thích đến đâu, Mạc Thiên Tích vẫn không bao giờ quên trách nhiệm,bổn phận của mình với minh chúa. Tinh thần tự nhiệm đã đánh thức ông, thôi thúc ông. Ngay sau những dòng thơ viết về cuộc sống nhàn,Mạc Thiên Tích hạ bút: Khuyên ai chưa trả áo cơm Đã say thế nước lại ôm thế trời Bởi thế, nhàn với Mạc Thiên Tích sẽ mãi mãi là ước mơ khao khát. Tóm lại, nhìn vào tác phẩm của Chiêu Anh Các chúng ta hiểu hơn về Mạc Thiên Tích-một con người-một tâm hồn-một nhân cách. 2- Giá trị nghệ thuật: 2.1- Văn chương chữ Hán Nhiều nhà nghiên cứu trong khi đề cao thơ Nôm Mạc Thiên Tích - Chiêu Anh Các đã coi nhẹ phần thơ chữ Hán. Bởi họ cho rằng thơ chữ Hán Chiêu Anh Các có phần ngoại lai, chưa thực Việt, là" Văn chương của ông Chệt lại được xướng hoạ cùng mấy ông Tầu thứ thiệt". Ngay đến Đông Hồ, một người cũng quê ở Hà Tiên, yêu thơ văn Chiêu Anh Các, giới thiệu thơ văn Chiêu Anh Các nhưng cũng chỉ đề cao thơ chữ Hán ở phần phụ lục và nói rằng nó " Tàu quá". Một điều tưởng thừa nhưng không thể không nhắc lại là, hàng ngàn năm trước khi dân tộc ta sáng tạo ra thứ chữ của mình, chữ Hán đã là quốc ngữ, không chỉ dùng trong văn bản hành chính mà còn đi vào đời sống nhân dân, ăn sâu vào máu thịt của mọi người. Với chữ Hán, chúng ta tự hào có được một nền văn học rực rỡ từ Lý-Trần đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… Trong dòng chảy văn học dân tộc, thơ văn Chiêu Anh Các là bộ phận không thể tách rời và nó xứng đáng là những áng thơ, áng văn đẹp, có giá trị. Chẳng phải ngẫu nhiên, vô cớ mà Quế Đường Lê Quý Đôn đã thốt lên trong Kiến văn tiểu lục: " Văn chương nhiều bài hay lắm, tôi đã chép trong Phủ biên tạp lục" " Không thể bảo ở hải ngoại không có văn chương được". Thu hút các thi nhân có tiếng Trung Quốc tham gia hoạ thơ, phẩm đề, nhưng cũng chính nhờ đó mà thơ văn Mạc Thiên Tích và Chiêu Anh Các đã tiếp thu, học hỏi được những tinh hoa trong bút pháp của những thi sĩ Trung Quốc đương thời. Và cũng không hề vội vàng khi nhận định rằng: văn chương chữ Hán Chiêu Anh Các là những áng thơ bác học đạt tới phẩm chất cổ điển của văn chương truyền thống phương Đông, hàm súc trong ý tứ, tao nhã về ngôn từ, phong phú sâu sắc trong nhiều tầng nghĩa… Nhưng bên cạnh đó, thơ văn Chiêu Anh Các vẫn có nét đặc trưng riêng, thể hiện một phong cách riêng là sự khoẻ khoắn mang sức sống vươn lên của vùng đất mới và sự hồn nhiên của một cuộc sống thời mới tạo lập. Có thể dẫn ra đây bài Kim Dự lan đào: Nhất đảo thôi ngôi điện bích liên Hoành lưu kỳ thắng tráng Hà Tiên Ba đào thế tiệt Đông Nam Hải Nhật nguyệt quang hồi thượng hạ thiên Đắc thuỷ ngư long tuỳ biến hoá Bàng nhai thụ thạch tự liên phiên Phong danh lãng tích ưng trường cứ Nùng đạm sơn xuyên dị quốc huyền ( Một dãy non xanh nước biếc liền Giăng ngang cho mạch đẹp Hà Tiên Đông Nam sông biển bằng trang cả Trên dưới trăng trời sáng rực lên Rồng cá vẫy vùng trong cõi nước Đá cây san sát khắp ven miền Nghìn thu tiếng gió quanh chân sóng Đậm nhạt trăng treo nét lạ nhìn ) ( Đông Hồ dịch ) Kim Dự lan đào phảng phất phong vị của những áng thơ Đường, thơ Tống. Chỉ bằng vài nét chấm phá, phác hoạ nhưng đầy phóng túng, Mạc Thiên Tích đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, hài hoà cả nước trí với non nhân. Thi nhân cũng sử dụng triệt để những thi liệu của văn chương cổ điển như" hoành lưu kỳ thắng" " đắc long ngư thủy"… tạo cho bài thơ một vẻ đẹp cổ điển. Nhưng không hề chung chung, sáo mòn, bởi đó là bức tranh sinh động và chân thực về Hà Tiên: Kim Dự là hòn đảo chắn ngang trên cửa biển Hà Tiên, gắn bó gần gũi nhất với Phương Thành. Đã có lần quân giặc xâm lăng, bị pháo ở Kim Dự chặn lại, chúng phải vòng chiếm núi Tô Châu để từ đó đặt pháo mà bắn vào thành Hà Tiên. Kim Dự như một người lính đứng sừng sững, ngăn sóng gió, giữ bình yên cho đất Hà Tiên. Như thế, bức tranh thiên nhiên ấy đẹp một vẻ đẹp phương Đông, nhưng nó cũng mang những nét chân thực, khoẻ khắn, mang sức sống vươn lên của một vùng đất mới. Nhưng đằng sau bức tranh thiên nhiên ấy là những lời tâm sự, nỗi niềm của thi nhân. Chẳng phải tình cờ mà Mạc Thiên Tích chọn đưa Kim Dự lan đào lên đầu tiên. Bởi đó là cảnh mà ông tâm đắc nhất. Nó như một biểu tượng của chính ông vậy. Mạc Thiên Tích đã thác vào đó tất cả nỗi lòng mình. Ca ngợi hòn đảo trấn giữ cửa biển, bảo vệ giang sơn, ông cũng ngầm ý nói lên công lao và lòng trung của cha con, dòng họ mình với chúa Nguyễn, với đất Việt. Như vậy Kim Dự lan đào đích thực là một áng thơ bác học đạt tới phẩm chất cổ điển của những áng thơ Đường, nhưng nó cũng mang hơi thở còn nóng hổi của một cuộc sống mới tạo lập. Và sự kết hợp giữa phong vị cổ điển truyền thống, với sự khoẻ khoắn, vươn lên của một miền đất tuổi còn rất trẻ không chỉ có ở Kim Dự lan đào mà còn xuất hiện ở không ít những bài thơ khác ( Bình San điệp thuý, Lộc Trĩ thôn cư, Lư Khê ngư bạc…) mà chúng tôi, do phạm vi của bài viết, chưa thể khảo sát được. Trong thơ Chiêu Anh Các, chúng ta cũng bắt gặp không ít những hình ảnh thơ đẹp, lạ, có sức ám ảnh và gợi liên tưởng. ( Hình ảnh của những con thuyền chở mây, chất đầy trăng gió, hình ảnh của ánh trăng vàng chảy tan trong dòng nước khuya bên khe…). Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, thơ văn Chiêu Anh Các cũng có khá nhiều bài ý tứ chung chung, hình ảnh và ý tình cũng rất khuôn sáo công thức. Điều này có phần dễ hiểu vì trong số hơn 300 bài thơ trong Hà Tiên thập vịnh, thì phần nhiều của người chưa hề đến Hà Tiên mà chỉ căn cứ vào 10 bài thơ xướng của Mạc Thiên Tích rồi hoạ vần, nên khó tránh khỏi ý tứ chung chung tình cảm khiên cưỡng. Một số bài thơ trong Thụ Đức hiên tứ cảnh cũng ở tình trạng tương tự như tả tuyết lạnh mùa đông, trái vải mùa hè… giá trị của những bài thơ này, có người đã ví von "nó giống như những cái lá làm đẹp cho bó hoa". 2.2- Văn chương chữ Nôm Nhiều người cho rằng một trong những thành tựu to lớn, thậm chí là thành tựu lớn nhất của Chiêu Anh Các chính là sự xuất hiện của các tác phẩm viết bằng chữ Nôm mà cụ thể là Hà Tiên quốc âm thập vịnh. Mặc dù không có những cứ liệu chính xác để xác định bản quyền tác giả, nhưng không ít người đã cố gắng chứng minh, đi tìm tác giả Hà Tiên quốc âm thập vịnh. Dùng các phương pháp loại trừ, thi pháp học, dựa vào phong cách, thậm chí tầm vóc, tầm tư tưởng của người viết, có ý kiến cho rằng, Mạc Thiên Tích chính là tác giả của Hà Tiên quốc âm thập vịnh. Nếu quả thực như vậy thì điều đó chứng tỏ Mạc Thiên Tích rất giỏi tiếng Việt. Giá trị đầu tiên, giá trị chủ yếu của Hà Tiên quốc âm thập vịnh cũng là điều khiến nó bị nghi ngờ chính là nghệ thuật thơ tiếng Việt mà nó đạt được. Nhiều đoạn đọc lên có cảm giác như lối thơ Lục Văn Tiên, Chinh Phụ Ngâm, và cả Truyện Kiều nữa. Thí dụ, mấy câu thơ sau đây trong bài Kim Dự lan đào: Thú màu quyến rũ lòng ai Say sưa biển rộng dùi mài non tiên Thế tự nhiên gành câu vịnh lưới Nước cùng non trên dưới cùng ưa Muốn cho sáng cảnh sơn khê Đáp trong nguyên vận hoạ đề một thiên Thơ rằng: Kim Dự này là chốn chốt then Xanh xanh dành trấn cửa Hà Tiên Ngăn ngừa nước dữ không vùng vẫy Che chở dân lành khỏi ngả nghiêng Câu kết đoạn thơ song thất lục bát bằng chữ "thiên", câu đầu bài thơ luật hạ chữ " then", vần thật sít sao, chặt chẽ. Tât cả 10 bài đều như thế cả. Thật lạ là tại nơi hoang vu góc biển chân trời lại xuất hiện tập thơ tiếng Việt mà chữ và vần điêu luyện sánh ngang với những áng thơ Nôm nổi tiếng cùng thời chốn kinh kỳ. Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc Mạc Thiên Tích đã đưa những từ ngữ, những lối nói nôm na gần gũi với đời sống vào trong thơ: Cách bên khe tiếng ngư ra rả Gõ be thuyền ca vã đòi cung Dưới rừng mấy trẻ mục đồng Lưng trâu thổi địch gió lồng theo khe ( Bình San điệp thuý) Ăn thức ăn không kèm với cơm, người Việt gọi là ăn vã; ca hát không có phách đệm theo gọi là ca vã. Nếu không hiểu được từ ngữ nôm na loại này, nếu không lăn lộn trong cuộc sống bình dân thì khó mà sử dụng những từ ngữ như thế trong thơ mình. Lại có những từ địa phương lần đầu tiên được Mạc Thiên Tích đưa vào tác phẩm góp phần làm giàu thêm cho kho từ vựng dân tộc và phần nào cho ta hiểu thêm về cuộc sống của những người dân Nam Bộ: mảng còn, chẳng bạ, tòng tụ, trống lổng, chang bang…Đọc Hà Tiên quốc âm thập vịnh, nhiều người nghiên cứu ngôn ngữ hẳn sẽ rất thú vị khi tìm thấy ở đây khá nhiều từ cổ mà đến nay không được sử dụng nữa hoặc được sử dụng với một ý nghĩa hoàn toàn khác. Ví dụ: -Vật dựa: Thuyền ai vật dựa bên sông Riêng than mấy tiếng não nùng nửa đêm ( Tiêu tự thần chung) Ở đây "vật dựa" là từ Nôm cổ, trong Đại Nam quốc âm tư vị ( ĐNQATV) Paulus Của giải thích rằng: vật dựa là " đụng đâu, dựa đó, nằm im". - Chớn chở: Dẫu quỷ thần cũng âu chớn chở Khách thoạt nhìn chợt nhớ bồng lai ( Kim Dự lan đào) Trong các bộ từ điển hiện đại hai chữ "chớn chở" không còn nữa, nhưng trong ĐNQATV từ này có nghĩa là " bộ có tầng có ngăn mà cao lắm" -Lừa: E khi nổi trận nắng mưa Sức lăm đánh Bắc, tài lừa phò Nam ( Kim Dự lan đào) Xưa chữ lừa có nghĩa là " nhóng chừng" (Paulus Của). Nay, từ điển tiếng Việt giải thích đến 13 nghĩa khác nhau nhưng không có nghĩa nào là " nhóng chừng" cả. Điều đáng ngạc nhiên khác nữa là số lượng phong phú những từ láy đôi mà Mạc Thiên Tích đã dùng trong 10 khúc ngâm (đấy là chưa kể việc tạm gạt sang một bên số lượng từ thuần Việt). Trong khoảng 424 dòng thơ liên ngâm, mà ông đã dùng tới 108 từ láy đôi như: rỡ ràng, chập chồng, ranh ranh, thinh thinh, ra rả, chớn chở…tỉ lệ từ láy đôi này có lẽ chỉ nhường bước một số bài thơ trong Hồng Đức quốc âm thi tập. Qua sự khảo sát dù mới chỉ sơ lược trên đây, cũng có thể thấy rằng nghệ thuật sử dụng tiếng Việt trong Hà Tiên quốc âm thập vịnh nhuần nhị đến điêu luyện. Bởi thế không ít người đã nghi ngờ về bản quyền tác giả tập thơ này. Nhưng nếu quả thật đây đúng là những dòng thơ của Mạc Thiên Tích thì điều ấy hoàn toàn không phải không có cơ sở. Gốc Minh Hương nhưng mẹ của Thiên Tích lại là người Việt. Thiên Tích lại được sinh ra và lớn lên trên đất Việt, sống giữa cộng đồng người Việt. Vì lẽ đó, tiếng nói của ông dùng giao tiếp hàng ngày là tiếng Việt. Tiếng Việt lúc này có một bước tiến đáng kể. Nhiều áng thơ Nôm từ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm… hẳn đã theo chân các sĩ phu Bắc Hà tới được nơi đây. Với một người có tư chất thông minh, có chí như Thiên Tích thì việc học chữ Nôm chẳng hề khó khăn. Bởi thế, ta có thể hình dung: sau khi thành công với thơ chữ Hán, Mạc Thiên Tích đã diễn Nôm thơ chữ Hán của mình một cách nghệ thuật dưới dạng những bài hoạ vần. Vì thế những ý tứ của thơ chữ Hán đã được chuyển một cách tài tình, đầy cảm hứng sang chữ Việt. Thậm chí, thi nhân đã bổ sung vào giữa những bài thơ luật những khúc ngâm cho phép mình bộc lộ những tâm sự mà thơ luật không sao chứa nổi. Hơn nữa cần phải nói rằng, Mạc Thiên Tích đã sử dụng thể lục bát gián thất- thể thơ của dân tộc- rất thành công. Người Việt chính gốc ở nửa đầu thế kỷ XVIII cũng chưa phải đã dễ dàng làm được. Thế kỷ XVIII là thế kỷ phát triển mạnh mẽ của văn học chữ Nôm, nhưng sự phát triển đó chỉ diễn ra vào nửa sau thế kỷ, chứ không phải là nửa đầu. Thế mới thấy, sự xuất hiện những dòng thơ song thất lục bát trong Hà Tiên quốc âm thập vịnh vào nửa đầu thế kỷ XVIII là điều đáng kinh ngạc và kính nể và càng có ý nghĩa hơn là qua những dòng thơ ấy, ta bắt gặp một tâm hồn rất Việt, rất Nam Bộ. Bởi lẽ, không có một tâm hồn Việt, một tư duy Việt, không có đầy đủ cái chất Việt thì khó lòng sử dụng được ngôn ngữ Việt, và một thể thơ Việt đến mức độ nhuần nhị đến thế. Thêm một lý do nữa để khẳng định rằng, thơ văn Mạc Thiên Tích - Chiêu Anh Các không phải và không thể là " sản phẩm ngoại lai". Nó xứng đáng là một bộ phận trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam. Cuối cùng không thể không nói đến sự Việt hóa trong thơ chữ Nôm của Mạc Thiên Tích. Một điều thú vị là ông dùng rất ít điển cố. Cả khúc ngâm dài hơn 400 câu mà chỉ dùng không quá 19 điển cố và nhiều điển cố đã được Nôm hoá để trở nên dễ hiểu. - Trải nghìn thu con vua ngậm đá ( điển Tinh Vệ ngậm đá dưới biển) - Dành 10 điều vạc để ai chống thành ( điển vua Cao Tông nhà Ân có tể tướng Phó Duyệt điều hành việc nước khéo như muối mặn mơ chua, điều hoà làm nên món canh ngọt). Ngoài ra Mạc Thiên Tích cũng có ý thức dịch Nôm các từ Hán để dùng trong thơ mình như: chí con trai ( chí nam nhi) cầy mây cuốc nguyệt ( nguyệt nậu canh yên ), gỏi rượu rau thuần ( thuần canh lô khoái), lông thu ( thu hào )… rồi nhiều thành ngữ chéo sau này được dùng phổ biến trong thơ Nôm các thế kỷ sau cũng đã thấy dùng trong thơ Mạc Thiên Tích như: lợi chuốc danh mua, lừa kình nhử ngạc, rơi ngân rớt phấn… Với những nỗ lực ấy, Mạc Thiên Tích đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển tiếng Việt và thơ Việt. 3- Vị trí của Tao Đàn Chiêu Anh Các trong tiến trình văn hoá dân tộc và trong sự phát triển của văn học Nam Bộ. Để thấy được vị trí Tao đàn Chiêu Anh Các trong tiến trình văn hoá dân tộc cần phải có một sự so sánh. Mùa đông 1495, dưới sự chủ xướng của vua Lê Thánh Tông, Hội Tao đàn đầu tiên của nước ta ra đời. Tao đàn này tập hợp xung quanh vị nguyên suý của của nó 28 nhà thơ hoạ 9 bài thơ của vua Lê với nội dung ca ngợi thời thái bình thịnh trị và đức anh minh của nhà vua. Trong 2 năm tồn tại ( 1495-1497) thành tựu của Tao đàn là tập Quỳnh uyển cửu ca ( 9 bài ca nơi vườn quỳnh) gồm khoảng 250 bài thơ luật. Đây là một hội thơ cung đình, nhưng nó có ý nghĩa mở ra chương mới cho văn học dân tộc Việt. Các thế hệ sau nhìn về hội thơ này với con mắt chiêm ngưỡng. Nhưng sau Hội Tao đàn của vua Lê, suốt gần hai thế kỷ rưỡi, không thấy Tao đàn nào khác được nhắc đến. Có thể có những hội thơ, thi xã xuất hiện trong thời gian đó, nhưng không đủ sức toả sáng nên bị chìm đi và rơi vào quên lãng. Chiêu Anh Các ra đời là một bất ngờ lớn. Nó không phải xuất hiện trong cung đình già cỗi Lê- Trịnh mà cũng chẳng ở Phú Xuân nơi giang sơn mới mở mang của chúa Nguyễn, mà ở hải ngoại nơi biên viễn Hà Tiên. Hoàn toàn không phải sự ngẫu nhiên, Chiêu Anh Các ra đời là hệ qủa của truyền thống nhân văn phương Đông. Và trong điều kiện lịch sử lúc đó, không nơi nào có được điều kiện thuận lợi như Hà Tiên. So với Tao đàn của vua Lê, Chiêu Anh Các có nhiều điều mới mẻ: Thứ nhất: nó là hội thơ rộng rãi, quy tụ 75 người xướng hoạ. Số thành viên này không hạn chế trong bộ phận quan lại cận thần của Thiên Tích mà mở rộng tới những trí thức bình dân, không chỉ người Việt mà cả người nước ngoài, không phân biệt nguồn gốc, tín ngưỡng. Thứ hai: về nội dung, thơ văn Chiêu Anh Các vượt qua phẩm chất xưng tụng của thơ xướng hoạ cung đình. Chưa bao giờ trong lịch sử văn học, số tác phẩm tập trung ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi đất nước, ca ngợi năng lực chinh phục của con người lại xuất hiện một cách ồ ạt với một tình cảm sâu sắc và mãnh liệt đến thế. Thứ ba: không chịu ràng buộc trong phạm vi chật hẹp của triều đình như Hội Tao đàn, Chiêu Anh Các có những ảnh hưởng mạnh mẽ, vượt ra ngoài biên giới của xứ Đàng Trong và cả nước ta. Nhiều tác giả Trung Quốc chưa từng đặt chân tới Hà Tiên, nhưng cũng đã hào hứng gửi thơ họa của mình đến Tao đàn Chiêu Anh Các. Nhưng phải nói ngay rằng, sự nhiệt liệt hưởng ứng của nho sĩ Trung Quốc đương thời bằng hình thức viết và gửi các bài hoạ của mình tới Hà Tiên chỉ phản ánh và khẳng định ảnh hưởng lớn lao và sức cuốn hút mạnh mẽ của Chiêu Anh Các chứ không hề chứng tỏ rằng Chiêu Anh Các là của nước Tàu. Để tiện theo dõi chúng tôi lập bảng so sánh sau đây: Hội Tao Đàn Chiêu Anh Các 1 Môi trường Xuất hiện trong cung đình. Xuất hiện nơi biên viễn Hà Tiên 2 Thời gian tồn tại -2 năm ( 1495- 1497 ). 34 năm ( 1736-1770) 3 Đặc điểm tác giả - 28 tác giả - Nhị thập bát tú - Là từ thần, quan lại triều đình -Nhiều tác giả bao gồm cả quan lại, cận thần và trí thức bình dân, cả người Việt và người nước ngoài, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng. 4 Tác phẩm -Tập Quốc âm thi tập: khoảng trên dưới 250 bài. -9 tập sách, nay còn khoảng 4 tập. 5 Âm hưởng chủ đạo -Khẳng định chế độ, ca ngợi triều đình, nhà vua, đạo đức lễ giáo phong kiến, bầy tỏ tấm lòng trung nghĩa với vương triều. -Ca ngợi thiên nhiên, tự hào về đất nước, cảm phục trước sự nghiệp kiến tạo cuộc sống mới của con người trên đất Hà Tiên . 6 Quy mô và sức ảnh hưởng -Chỉ bó hẹp là một hội thơ cung đình, chưa đủ sức để vượt ra khỏi phạm vi vủa triều đình phong kiến. - Có ảnh hưởng mạnh mẽ, vượt ra ngoài biên giới của nước Việt. Chiêu Anh Các là một hoạt động ít nhiều mang tính quốc tế. Có thể nói, Chiêu Anh Các xứng đáng là Tao đàn thứ hai trong tiến trình văn học dân tộc, và là Tao đàn đầu tiên trong lịch sử văn học Nam Bộ. Việc xuất hiện một Tao đàn như Chiêu Anh Các không chỉ là sự tiếp nối truyền thống văn chương Việt mà nó còn có tác dụng khích lệ hình thành những thi xã sau này. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, Bình Dương thi xã với Gia Định tam gia ( Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định) và giữa thế kỷ XIX Bạch Mai thi xã với hàng loạt những tác giả nổi tiếng của dòng văn học yêu nước chống Pháp ( như Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt…) được thành lập. Đất Nam Bộ ngày càng cống hiến cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị. Và, tình cảm yêu nước, ý chí quyết tâm chống Pháp của các tác giả sau này được hình thành một cách tự nhiên từ chính những trang thơ Chiêu Anh Các. Như thế, có thể nói, Chiêu Anh Các đã gieo mầm khai mở cho văn học miền Nam. Cùng với Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Hào- những sĩ phu Bắc Hà đi chinh phục miền đất mới, Chiêu Anh Các là một cái tên xứng đáng được ghi lên hàng đầu trong lịch sử văn học Nam Bộ. Từ Chiêu Anh Các mạch văn được mở rộng hơn, cuộn trào hơn rồi chảy tiếp, chảy mãi qua những nhà văn trẻ Nam Bộ hôm nay. Sẽ thật là khiên cưỡng khi cho rằng, mọi thành tựu của văn học Nam Bộ các giai đoạn sau đều là kết quả gieo mầm của Chiêu Anh Các. Nhưng cũng sẽ thật là sai lầm và vô ơn nếu không nhìn thấy hay cố ý bỏ qua những ảnh hưởng đa dạng và lâu dài của Chiêu Anh Các đối với lực lượng sáng tác của văn học Nam Bộ sau này. Bởi thế, Chiêu Anh Các xứng đáng là một trong những mốc hiếm hoi trong sự vận động, phát triển của văn học Nam Bộ và trong lịch sử văn học nước nhà. VÀI DÒNG KẾT Việc sáng lập Chiêu Anh Các, Tao đàn thứ hai trong lịch sử văn hóa dân tộc, là cống hiến lớn lao của Hà Tiên cho đất nước. Văn chương Chiêu Anh Các toả sáng nơi biên thuỳ phía Tây Nam đất Việt là tài sản vô giá, đóng góp quan trọng vào nền văn học nước nhà. Văn chương Chiêu Anh Các là kết quả hoà nhập của những người mang truyền thống văn hoá lớn Trung Hoa đến định cư tại miền đất linh tú với cộng đồng người Việt mang những bản sắc riêng. Thơ văn truyền thống Trung Hoa đến đây được phát triển hết mức trong sự Việt hoá đến tận cùng. Không chỉ được Việt hoá trong ý tưởng trung với vua Việt, yêu đất nước Việt, yêu nhân dân Việt mà còn Việt hoá đến cả ngôn ngữ: Văn chương được sáng tạo bằng thứ ngôn ngữ Việt điêu luyện đứng vào hàng những tác phẩm hay nhất, xuất sắc nhất thời đó. Vì thế, văn chương Chiêu Anh Các hoàn toàn đủ tư cách là văn chương có giá trị lớn của dân tộc Việt Nam. Để ghi nhớ công ơn của tiền nhân đã để lại cho văn học nước nhà một nền văn hiến xa xôi nơi biên cảnh, chúng tôi đã thật sự cố gắng mang đến một hình dung khái quát nhất về Tao đàn Chiêu Anh Các. Nhưng dù muốn, dù đã nỗ lực; chúng tôi vẫn chưa thể, trong khuôn khổ bài viết này, đi sâu, tìm hiểu hết những vấn đề cụ thể về Chiêu Anh Các. Xung quanh Tao đàn này, còn không ít điều thú vị đáng được và cần phải được làm sáng tỏ. Bởi thế, trên chặng đường của mình, chúng tôi mong mỏi và sẵn sàng đón nhận những cánh tay chia sẻ, những người bạn đồng hành, cho dù, vẫn biết rằng những tiếng nói không phải bao giờ cũng là những đường thẳng đồng quy. TÀI LIỆU THAM KHẢO Lại Nguyên Ân, Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2001. Vũ Thế Dinh, Hà Tiên trấn, Hiệp trấn, Mạc thị gia phả, bản dịch và chú thích của Nguyễn Khắc Thuần, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2002. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục (trong Lê Quý Đôn toàn tập, tập II), bản dịch của Phạm Trong Điêm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục (trong Lê Quý Đôn toàn tập, tập I) Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo (3 tập : thượng, trung, hạ) , Nxb Văn hoá, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn học xuất bản, Sài Gòn, 1972. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2002. Đông Hồ , Văn học Hà Tiên, Nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1996. Đông Hồ và Mộng Tuyết, Hà Tiên thập cảnh và Đường vào Hà Tiên, nxb Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2003. Phan Khoang, Việt sử ở Đàng Trong, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000. Lê Thị Mai, Tao đàn Chiêu Anh Các, Nxb Văn hoá Thông, Hà Nội, 2003. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Quốc học tùng thư , Sài Gòn, 1965. Bùi Duy Tân, Khảo và luận tác giả, tác phẩm văn học Trung đại, Nxb Giáo dục 1997. Cao Tự Thanh, Nghiên bút mười năm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2002. Cao Tự Thanh, Nho Giáo ở Gia định . Nxb Đồng Nai , 1997. Hà Văn Thuỳ, Trấn Hà Tiên và Tao đàn Chiêu Anh Các, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb Văn học, Hà Nội, 1978. Lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001. Tổng tập văn học Việt Nam (tập 6), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997. Từ điển văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docvhoc06.doc