Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu - Một không gian trần thế xinh đẹp, đầy sức sống

Xuân Diệu là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất, nổi bật nhất của phong trào thơ mới 1932 - 1945. Thơ Xuân Diệu đắm say, rạo rực một tình yêu mãnh liệt, yêu con người, yêu cuộc đời, yêu trần thế Với cá tính độc đáo và mạnh mẽ, Xuân Diệu đã đem đến góp vào cho thơ Mới một phong cách nghệ thuật thật tiêu biểu, thật nổi bật và cũng thật riêng tư, thật khác biệt. Thơ ông là cả một thế giới nghệ thuật rộn ràng thanh sắc, say đắm tình đời. Không gian nghệ thuật là một bộ phận, một yếu tố hợp thành, là diện mạo của cái thế giới nghệ thuật đó. Thời gian và không gian đều là những thuộc tính phổ biến, những điều kiện tất yếu, những hình thức tồn tại của thế giới. Cùng tương tự như vậy, trong nghệ thuật, thời gian và không gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật chịu tác động có ý nghĩa quyết định của quan niệm về thế giới và con người của nhà văn và phong cách sáng tạo của nhà văn. Đồng thời, chúng phản ánh, bộc lộ, thể hiện các đặc trưng của chính cái phong cách đó. Tìm hiểu thời gian và không gian nghệ thuật giúp ta hiểu sâu sắc hơn, từ những góc độ đặc biệt, cá tính của nhà văn và những đặc sắc của thế giới nghệ thuật mà nhà văn đã sáng tạo nên.

doc41 trang | Chia sẻ: Kuang2 | Lượt xem: 3512 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu - Một không gian trần thế xinh đẹp, đầy sức sống, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
thức nội tại của hình tượng nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật chịu tác động có ý nghĩa quyết định của quan niệm về thế giới và con người của nhà văn và phong cách sáng tạo của nhà văn. Đồng thời, chúng phản ánh, bộc lộ, thể hiện các đặc trưng của chính cái phong cách đó. Tìm hiểu thời gian và không gian nghệ thuật giúp ta hiểu sâu sắc hơn, từ những góc độ đặc biệt, cá tính của nhà văn và những đặc sắc của thế giới nghệ thuật mà nhà văn đã sáng tạo nên. Từ trước đến nay, nói đến thơ Xuân Diệu người ta thường nghĩ ngay đến cảm hứng thời gian, nỗi ám ảnh thời gian, những âu lo, hãi hùng, phiền muộn của nhà thơ trước những bước đi không gì chống lại được của thời gian kéo theo bao nhiêu là tàn phai, úa héo, phôi pha Có thể nói sự than vãn về sức tàn phá của thời gian là một trong những cảm hứng chủ đạo của thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám. Nhưng không gian nghệ thuật cũng là một phương diện thể hiện theo cách khác những cảm hứng và bản sắc sáng tạo của nhà thơ. Trong khuôn khổ của một khoá luận tốt nghiệp, em xin tập trung vào nhiệm vụ tìm hiểu những đặc điểm nổi bật của không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu. Khoá luận được chia làm 2 chương chính, cùng lời mở đầu và kết luận. Chương I có tiêu đề là: "Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu - một không gian trần thế xinh đẹp, đầy sức sống:. Chương II: Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu - Một không gian tồn tại trong những đối cực. Để tránh những từ lặp lại nhiều lần, em xin phép được dùng cụm từ "thơ Xuân Diệu" trong khoá luận này để chỉ thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám 1945. Chương I Không gian nghệ thuật trong thơ xuân diệu - một không gian trần thế xinh đẹp, đầy sức sống Như chúng ta đã biết, trên nền chung của Phong trào thơ mới, của văn học lãng mạn Việt Nam 1932 - 1945, Xuân Diệu chiếm một vị trí đặc biệt. Về quan niệm nghệ thuật, về cách hiểu mối quan hệ giữa các nhà thơ, thơ ca và cuộc đời, Xuân Diệu đều có những cách ứng xử riêng biệt, độc đáo. Thơ của ông thể hiện rõ lòng yêu cuộc sống, thiên nhiên và ham muốn tận hưởng hạnh phúc. Ông là một nhà thơ tình yêu số một của Việt Nam và là người đầu tiên đem đến cho văn chương Việt Nam quan niệm tình yêu mới mẻ của con người hiện đại. Quan điểm của các nghệ sĩ lãng mạn đối với thực tại chủ yếu là phủ nhận, khước từ. Sự phủ nhận khước từ đó được thể hiện rằng những khát vọng và toan tính li khai, thoát ly trên nhiều hướng. Trong thơ mới 1932 - 1945, Huy Thông làm sống dậy những hình bóng hào hùng của một quá khứ xa mờ. Nguyễn Nhược Pháp hồi tưởng lại thủa xưa trong trẻo và vô tư. Vũ Đình Liên cảm thán trước những tàn phai của một thời đại, một lớp người đẹp một vẻ đẹp cổ kính và héo úa. Chế Lan Viên dựng lên cả một thế giới đổ nát, chết chóc, tang thương, đầy sầu hận... Các nhà thơ đó đều là những nhà thơ hoài cổ theo cách riêng của mình, đều tìm ở quá khứ những ánh hồi quang huy hoàng để đối lập với hiện tại đắng cay và xám ngắt. Không chìm sâu vào quá khứ lịch sử xa xăm, Huy Cận lại thoát lên không gian vũ trụ bao la và rợn ngợp: "Một chiếc linh hồn nhỏ Mang mang thiên cổ sầu" (Ê Chề) Còn Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng thì thả hồn trong những thú vui có phần trụy lạc, siêu thoát chờ làm khói đê mê của "nàng tiên nâu". Hàn Mặc Tử lại thành kính tìm thấy ở tôn giáo một sự hứa hẹn giải thoát cho mình khỏi những đớn đau xé buốt khổ đến cả hình hài. Maria linh hồn tôi ớn lạnh Run như run thần tử thấy long nhan Run như run hơi thở chạm tơ vàng Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến Chỗ khác của Xuân Diệu so với những thi sĩ lãng mạn ấy chính là ở cái cách mà ông xác định vị trí của mình trong đời, ở quyết tâm của ông gắn bó với "vườn trần" và hơn thế nữa, ở quan niệm của ông coi trần gian như là cội nguồn của vẻ đẹp vô tận và vĩnh cửu. Xuân Diệu tìm thấy trong cái thực tại " ở đây" và "bây giờ" một nguồn cảm hứng sáng tạo bất tuyệt cho thi ca. Nhà thơ Thế Lữ đã coi Xuân Diệu là " một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian. Ông đã không trốn tránh mà còn quyến luyến cõi đời". Phong cách khá điển hình cho tình yêu vô biên của Xuân Diệu đối với cõi đời được thể hiện đầy đủ qua những câu thơ thật mạnh mẽ và nồng nàn: Ta ôm bó cánh tay ta làm rắn Làm dây da quấn quít cả mình xuân Không muốn đi mãi mãi ở vườn trần Chân hoá rễ để hút mùn dưới đất (Thanh niên) Tình yêu đời của Xuân Diệu thật mãnh liệt. Thi sĩ khao khát tận hưởng cuộc đời trần thế bằng cường độ sống mãnh liệt. Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn Sống toàn thân và thức nhận giác quan Và thức cả trong giấc nồng phải ngủ Sống, tất cả sống, chẳng bao giờ đủ (Thanh niên) Những đam mê đến cuồng nhiệt, những khao khát đến bỏng cháy của nhà thơ hiện hình qua từng động tác " trữ tình" mạnh mẽ; những "ôm" "ôm bó","riết", "say", "thâu", "cắn", "hút", "quấn quít"... " Ta muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn Ta muốn riết mây đưa và gió lượn Ta muốn say cánh bướm với tình yêu Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều Và non nước, và cây và cỏ rạng Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng Cho no nê thanh sắc của thời tươi Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !" (Vội vàng) Trong tốc độ và trong cường độ, từ quan niệm đến tư thế và động tác, tâm hồn Xuân Diệu luôn luôn trẻ trung, sôi nổi, rạo rực. Thơ ông say đắm tình yêu đời, cuồn cuộn, bỏng cháy nỗi khát khao hưởng thụ đến tuyệt đỉnh, đến tận cùng hương sắc muôn màu của trần gian. Tấm lòng yêu đời mãnh liệt ấy, tâm hồn trẻ trung và cường tráng ấy không thể không in đậm dấu ấn trong những hình ảnh không gian của thơ Xuân Diệu. Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu là sự phản chiếu tuyệt vời tình yêu cuộc sống của nhà thơ. Không gian nghệ thuật là diện mạo của thế giới. Người ta cảm thụ về không gian chính nhờ bởi những vật thể lấp đầy nó. Mong muốn và chờ đợi gì ở cuộc đời, nhà thơ sẽ nhìn thấy một không gian tương xứng. "Không gian trần thế trong thơ Xuân Diệu la sự đối lập hoàn toàn với thế giới hư vô, thiên đường và địa ngục. Ông đã tự tay dựng lấy phần không gian của mình sao cho thật vui tươi, chan hoà. Đó là nơi gặp gỡ của những tình cảm yêu đời, yêu người tha thiết, nơi con người có quyền "cảm xúc", "hẹn hò", "yêu" "tương tư", "thở than", "sầu" là thế giới kỳ diệu của thiên nhiên với những "nụ cười xuân", những đêm trăng "huyền diệu", những "sương mờ" Đọc thơ và gửi hương cho gió người ta rất dễ hình dung ra mặt bằng ấm áp và vui tươi trong thơ Xuân Diệu". (Lý Hoài Thu. Sđd, tr-102) Trong không gian thơ Xuân Diệu luôn vằng vặc một vầng trăng. "Thơ Xuân Diệu là cả một thế giới trăng với đủ mọi hình hài, dáng vẻ và mọi trạng thái cảm xúc "Trăng ngà", " trăng ngần", "trăng vàng", " trăng sáng", " trăng xa", "trăng rộng", " trăng ngẩn ngơ", " trăng đẹp", " trăng thánh thót", " trăng thâu", " trăng tàn", " trăng thương", " trăng nhớ":.... có thể nói rằng trong hằng hà sa số những câu thơ viết về thiên nhiên của thơ mới, Xuân Diệu đã góp vào đó nhiều câu thơ vô cùng sáng giá về trăng " (Lý Hoài Thu. Sđđ. Tr 45) Trăng, vú mộng đã muôn đời thi sĩ Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy Trăng, hoa vàng lay lắt cạnh bờ mây Trăng, đĩa ngọc giữa mâm trời huyền bí; .... Trăng, nguồn sương làm ướt cả giá hây, Trăng, võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng, Người ám ảnh hương thơm bằng ánh sáng, Ru màu êm mà gọi thức lòng ngây........." Vầng trăng trong thơ Xuân Diệu không xa thẳm, cách vời mà sinh động, mà phập phồng sự sống. Trong cái nhìn âu yếm của nhà thơ, trăng gần lại với con người, hiển hiện hữu hình hơn. Trăng gợi nhắc đến những biểu tượng của sự sống, thức dậy ở con người tình yêu trần thế, khát vọng tận hưởng những vẻ đẹp trời ban, cái tuyệt mỹ và diệu huyền của tạo hoá. Những cảm xúc thẩm mỹ thức dậy từ vầng trăng tròn đầy trong thơ Xuân Diệu như thế thật khác với những tình cảm u ẩn, những tâm trạng sầu thương hay những ám ảnh có phần nghiêng về nhục cảm kiểu như: " Ngoài kia trăng sáng chảy bao la Ta nhảy vào quay cuồng thôi lăn lộn Thôi ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da..... (Tắm trăng - Điêu tàn) "Trăng nằm sõng xoài bên cành liễu Đợi gió thu về để lả lơi" "Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe" (Hàn Mặc Tử) Vườn là khoảng không gian tràn đầy hương và sắc của trần gian. Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời Sao buổi đầu Xuân êm ái thế! Cánh hồng biếc những nụ cười tươi ánh sáng ôm trùm những ngọn cao Cây vàng rung nắng, lá xôn xao; Gió thơm phơ phất bay vô ý Đem đụng cành mai sát nhánh đào. Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều Bên màu hoa mới thắm như kêu; Nỗi gì âu yếm qua không khí Như thoảng đưa mùi hương mến yêu.... (Nụ Cười Xuân) Vườn cười bằng bướm, hót bằng chim; Dướt nhánh, không còn một chút đêm Những tiếng tung hô bằng ánh sáng Ca đời hưng phục trẻ trung thêm.... (Lạc Quan) Vườn là điểm hội tụ của gió, nắng, chim, hoa, ong, bướm, ánh sáng long lanh và âm thanh náo nức. Tất cả đều tươi rói, sáng rực, phơi phới, rạng ngời trong vẻ hân hoan ban mai và điều này mới là quan trọng, là đặc trưng cho thiên nhiên, cho các vật thể không gian của thơ Xuân Diệu: ở đó muôn vật đều " vừa tầm với bắt của tay người " (Lạc Quan) Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu thường được cảm nhận trong buổi bình minh, trong ánh ban mai, ở đó, tất cả tạo vật đều đẹp một vẻ đẹp tinh khôi, thanh tân, trinh bạch của "buổi ban đầu" của thủa "ban sơ" của mối "tình thứ nhất" của " mùa xuân đầu".... không gian ấy luôn tràn ngập ánh sáng. "Nếu không gian vườn ấy được mô tả dưới ánh sáng ban ngày thì tất cả đều long lanh, rực rỡ vô ngần: Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều Bên màu hoa mới thắm như kêu: (Nụ cười xuân) Son sẻ trời như mười sáu tuổi Má hồng phơn phớt mắt long lanh (Rạo rực) Một tổ hợp từ được huy động để diễn tả sự phát sáng và khả năng khúc xạ của mặt trời: " Nhìn sương chói mặt trời", "tung hô bằng ánh sáng", "ánh sáng ca", "một luồng ánh sáng", "ánh dương vui", "hoa ngang ngửa thắm", "thắm tươi", " vàng tươi", "ửng rạng", "đắm sắc", " trồi biếc", "má hây hây"...(Lý Hoài Thu. Sđd. tr 104). Nhưng ngay cả bóng đêm cũng không hề kéo về cùng nó những ma, quỷ, vong hồn từ âm thế như trong thơ của nhiều thi sĩ lãng mạn khác. Vườn kết hợp với trăng trong thơ Xuân Diệu tạo thành một không gian rất lung linh, huyền ảo, nửa thực, nửa mơ nhưng vẫn tràn đầy nhựa sống và náo nức lòng trần. Không gian đêm có khi còn nồng nàn hương tình ái hơn cả dưới ánh sáng ban ngày. " Gió canh khuya như nghìn ngón tay ôm Trăng mối lái phủ màng tơ mơ mộng..." (Hoa Đêm) Thơ Xuân Diệu đầy hoa. Trong không gian vườn đời lộng lẫy nhan sắc thắm tươi của đủ các loài hoa. " Cánh hồng kết những nụ cười tươi" (Nụ cười xuân) Vàng tươi, thược dược cánh hơi xoà ửng rạng phù dung nghiêng mặt hoa (Lạc Quan) " Chen lá lục, những búp lài mở nửa Hớp bóng trăng đầy miệng nhỏ xinh xinh; Hoa lài xanh dưới ánh nguyệt tuôn trời ánh nguyệt trắng trên hoa lài đúc sữa" (Hoa đêm) " Gió thu hoa cúc vàng lưng dậu Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên (Thu) Trong số các loài cây mà Xuân Diệu đưa vào không gian thơ ông thì hình như liễu được chú ý nhiều hơn cả. Liễu được nhìn nhận như là một biểu tượng của mùa, xanh thắm tốt tươi hay bơ phờ, ủ rủ cùng trời đất và lòng người. Khi thì: "Tóc liễu buông xanh quá mĩ miều" Khi thì: "Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng Liễu được chú ý đặc tả có lẽ một phần vì dáng nét của liễu tha thướt, yêu kiều, rất phù hợp với quan niệm về một vẻ đẹp mong manh sương khói của nghệ sĩ lãng mạn. Nhưng có lẽ một phần còn là vì liễu rất gần với những gì thuộc về thế giới của tình yêu, của ái ân, của phụ nữ. Trong thơ Xuân Diệu liễu gắn bó nhiều hơn cả chính là với người đàn bà cả xưa lẫn nay. "Gót sen vàng liễu yếu chạy về đâu" (Mơ xưa) "Bước đẹp em vừa gởi tới đây Chim hoa ríu rít, liễu vui vầy. (Dâng) Lá liễu dài như một nét mi (Nhị hồ) Cho liễu người khô, ngọc mắt phai (Kẻ đi đày) Tóc liễu gợi nhắc đến tóc người đàn bà: "Tóc liễu buông xanh" "Tóc buồn buông xuống.." Không gian trong thơ Xuân Diệu là một thế giới náo nức âm thanh và ánh sáng. Đó là một không gian dào dạt gió, tưng bừng muôn khúc nhạc thần tiên của trời đất và lòng người. Không gian ấy cũng tràn ngập "tiếng chim vui", tiếng nổ giòn lách tách của hoa đêm, tiếng gió xinh thì thào.... Mơ hồ hơn nhưng cũng không kém phần rạo rực bồi hồi là những khúc nhạc thầm lên tiếng "say mê", "tiếng tung hô bằng ánh sáng", là "dư âm giọng nói đã lâu ngày, một sớm tím bỗng dịu dàng đồng vọng". Đó là cả một bản tấu của những thanh âm dìu dặt, du dương, yên bình và mê đắm. Đó là một không gian ửng rạng ban mai, bừng sáng nắng nhưng cũng nhiều khi mông lung trong sương và mơ hồ huyền diệu dưới ánh trăng. Những luồng ánh sáng đó, những mầu sắc trần gian đó chủ yếu thể hiện sức sống, nét thanh tân, vẻ tươi tắn, dung mạo kiều diễm của tạo vật. "Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời Sao buổi đầu xuân êm ái thế Cánh hồng kết những nụ cười tươi (Nụ cười xuân) Có một điều khá lý thú là trong không gian thơ Xuân Diệu, thấp thoáng một số gương mặt tuổi trẻ, nhưng chủ yếu là gương mặt thiếu nữ. Người ta có thể hiểu vì đây là thơ của một thi sĩ đàn ông, một chàng trẻ tuổi đa tình. Và sự lấn át hẳn về số lần xuất hiện của dung nhan thiếu nữ so với hình bóng nửa kia của nhân loại chứng tỏ rất rõ ràng một lần nữa là tình yêu chiếm một vị trí quan trọng nhất trong tâm hồn nhà thơ Xuân Diệu. Đến mức chỉ còn đối tượng của ái tình là hiện ra thật rõ rệt còn những gương mặt khác, ngoài tầm chú ý cao độ của chủ thể thì nhoè phai, mờ nhạt hẳn. Gương mặt đó khi thì bừng sáng long lanh như buổi bình minh: "Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời" Khi tươi tắn trong niềm vui "Em vui đi răng nở ánh trăng rằm" "Thiếu nữ làm duyên đứng mỉm cười" Khi bâng khuâng "Thiếu nữ bâng khuâng đợi một người" Khi rầu rĩ, mơ màng "ít nhiều thiếu nữ buồn không nói Tựa cửa nhìn song nghĩ ngợi gì" Nhưng đều nhận được những nâng niu, âu yếm của nhà thơ. Và dường như cả tạo vật cũng đẹp một cách đầy nữ tính trong thơ Xuân Diệu. Cả không gian thơ Xuân Diệu tràn ngập những duyên dáng, tình tứ, tha thướt, yêu kiều, tươi thắm, dịu dàng vốn là những đặc tính của một nhan sắc yêu kiều đầy nữ tính. Trăng được hình dung như "vú mộng tràn đầy". Liễu được nhìn như suối tóc dài thiếu nữ: "Tóc liễu buông xanh quá mĩ miều" Và cả trời đất có khi cũng tràn ngập sức quyến rũ của tuổi trăng tròn lẻ: "Son sẻ trời như mười sáu tuổi Má hồng phơi phới mắt long lanh" (Rạo rực) Nhìn chung có thể nhận rõ những đặc điểm sau đây của không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu trước cách mạng: 1. Trong không gian ấy, những hiện tượng và sự vật chủ yếu là trăng, hoa, cây, lá, vườn, nắng, mưa, mây, gió, sương, những con đường những dòng sông, những dẫy núi và thấp thoáng một ít gương mặt tuổi trẻ. Đó chủ yếu là những gì thuộc về thiên nhiên, là một không gian được nhìn từ góc độ của những hiện tượng và sự vật tự nhiên, thiên tạo. Trong không gian ấy hình bóng của con người cụ thể không rõ lắm (trừ một đôi gương mặt tuổi trẻ như đã nói trên). Đó cũng không phải là một không gian gồm chứa những dấu vết, những chứng tích, những thành quả của văn hoá, của lịch sử kiểu như không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Khoa Điềm sau này "Ôi đất nước đi đâu ta cũng thấy Những cuộc đời đã hoá núi sông ta" (Đất nước) Đặc điểm này vốn bắt nguồn từ một quy luật chung của nghệ thuật lãng mạn: chủ nghĩa lãng mạn lý tưởng hoá thiên nhiên, tìm thấy ở thiên nhiên một nơi chốn lý tưởng cho cái đẹp cư ngụ, đặt thiên nhiên trong thế đối lập với xã hội, với loài người, với đô thị. Xã hội loài người là xấu xa và nguy hiểm. Đô thị phồn hoa là nơi dung chứa tội ác và tội lỗi, là sa mạc tinh thần giam hãm những cá nhân cô độc. Ngược lại thiên nhiên là trong sạch và thánh thiện, " là lý tưởng đã hoá đá", là cội nguồn của cái đẹp và là sức mạnh xoa dịu, cứu vớt, an ủi con người bị thương từ xã hội, từ đô thị trở về. Nghiêng hẳn về phương diện thiên nhiên trong tạo dựng không gian nghệ thuật, thơ Xuân Diệu đã thể hiện thật rõ nét một quy luật của văn học lãng mạn. 2. Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu tràn ngập âm sắc quyến rũ của trần gian, phản chiếu một cách sinh động nỗi đam mê lớn lao đối với cuộc đời và khát vọng sống mãnh liệt của thi sĩ. Đây là một không gian của sức sống, của niềm vui, của những giá trị tích cực, của thế giới được nhìn từ phương diện đáng yêu nhất, sung mãn nhất...Không gian nghệ thuật ấy được xây dựng bởi những chất liệu của thực tại, là không gian của những cái " ở đây" và " bây giờ". Thơ Xuân Diệu là một bài ca về trần gian hiện tại trong dung mạo yêu kiều nhất của nó. Đây chính là điểm phân biệt thơ Xuân Diệu với thơ nhiều thi sĩ lãng mạn khác cùng thời, cùng trào lưu với ông. Không gian nghệ thuật hân hoan, tươi rói trong thơ Xuân Diệu thật khác so với không gian tĩnh lặng, cao rộng đến rợn ngợp trong thơ Huy Cận mà ở đó con người chỉ là những chấm nhỏ đơn côi. " Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều Nắng xuống, trời lên sâu chót vót Sông dài, trời rộng, bến cô liêu..." (Tràng Giang) Xét về phương diện này. Xuân Diệu ở vào thế hoà hợp " hữu nghị", tương giao thân ái với không gian. Còn Huy Cận lại thường rợn ngợp, khắc khoải với mặc cảm bị chìm đi, bị khuất lấp, bị bỏ mặc, bị tan biến trong một không gian khổng lồ ở tầm vũ trụ và trống vắng đến mức đe doạ. Không gian nghệ thuật thơ Xuân Diệu bao giờ cũng được cảm nhận từ thời điểm hiện tại, được tạo dựng bởi những vật liệu thực có thể cảm nhận và kiểm chứng rằng các giác quan. Đó là một thế giới sinh động và hiện hữu. Trái lại, trong thơ của một thi sĩ nổi tiếng hoài cổ là Chế Lan Viên, không gian nghệ thuật lại được lấp đầy bởi những đầu lâu và xương cốt, oan hồn và ma quỷ, những đổ vỡ và hoang phế. " Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi Những đền xưa đổ nát dưới thời gian Những sông vắng lê mình trong bóng tối Những tượng chàm lở lói rỉ rên than Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn Muôn ma hời sờ soạng dắt nhau đi......" ( Trên đường về) Đó là một không gian của khổ đau và hờn oán, một không gian được nhìn từ phương diện tan rữa, lụi tàn với những sắc màu tàn khốc nhất. " Chiều hôm nay bỗng nhiên ta lạc bước Vào nơi đây thế giới vạn cô hồn Hơi người chết toả đầy trong gió lướt Tiếng gió kêu dung chuyển cỏ xanh non Trên một nấm mồ tàn ta nhặt được Khớp xương ma trắng tựa não con người Tuỷ đã cạn, nhưng vẫn đầm hơi ướt Máu tuy khô, còn đượm khí tanh hôi" ( Xương Khô) Đó là một không gian " rờn rợn khí yêu ma" được xây dựng lên bởi những chất liệu chắt ra từ hồi ức, từ hoài niệm và chủ yếu là từ tưởng tượng. Đó là một không gian hoang đường và kỳ ảo, khác rất xa với cái cõi đời tươi tắn, nõn nà và ấm nóng, nồng nàn của Xuân Diệu. Ngược lại, cảm hứng chủ đạo ca ngợi vườn trần, xưng tụng sự sống sẽ còn xuyên suốt cuộc đời Xuân Diệu, qua tất cả những chặng đường sáng tạo về sau của nhà thơ. 3. Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu là một không gian " vừa tầm tay với của con người". Trong cái không gian ấy, tất cả đều đáng yêu, tươi tắn, gần gũi và thân thiện. Đó là một không gian cho con người Có nhà nghiên cứu đã nhận xét: " Xuân Diệu, khó lòng làm chủ được những không gian tầng cao như Huy Cận, Hàn Mặc Tử" . Điều này hoàn toàn phù hợp với các tạng riêng của một nhà thơ thích hiện diện ngay ở giữa cõi đời, quyến luyến say mê mọi vẻ đẹp hồng tươi rực rỡ của đời sống, trần thế, Sợ "bóng tối" và " hư vô" Đặc biệt ở những bài thơ có không gian trăng mặt bằng không gian càng rộng, sự lấn át càng lớn. Giữa không gian ấy ông bao giờ cũng trở nên nhỏ nhoi chao đảo. "Trăng sáng trăng xa trăng rộng quá Hai ngưòi nhưng chẳng bớt bơ vơ" "Khắp biển trời xanh, chẳng bến trời Mắt tìm thêm rợn ánh khơi vơi" ( Buồn trăng) ( Lý Hoài Thu. Thơ Xuân Diệu trước CM tháng 8 năm 1945 . tr 107) Trong thơ Xuân Diệu đôi khi cũng có những không gian hoành tráng "Huy hoàng trăng rộng, nguy nga gió Xanh biếc trời cao, bạc đất bằng" ( Buồn trăng) Nhưng những phong cảnh trên không xuất hiện với tần số cao trong thơ ông và ngay trong bài thơ ấy thì rút cục chủ thể trữ tình cũng không tan biến vào khoảng bao la kia mà lại trở về cõi trần nức hương, gần gũi và an bình của mình. Thế Lữ có một tuyên ngôn nghệ thuật " Tôi chỉ là một khách tình si Ham vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ Mượn cây bút nàng ly tao tôi vẽ Và mượn cây đàn ngàn phím tôi ca" Cảnh vĩ đại, sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ Nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay... ( Cây đàn muôn điệu) Trong sự phong phú vô cùng của chất liệu nghệ thuật mà người nghệ sĩ lãn mạn lựa chọn, Xuân Diệu không có thiên hướng đi tìm những cảnh vĩ đại, sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ ", ông nghiêng hẳn về những " nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay" Nếu diễn đạt bằng những từ ngữ mỹ học, ta có thể nói rằng trong không gian nghệ thuật của thơ Xuân Diệu, cái xinh xắn, cái duyên dáng, cái đẹp xuất hiện với số lượng nhiều hơn hơn hẳn so với cái cao cả, cái vĩ đại, cái khổng lồ, cái siêu phàm. Chương II Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu Một không gian tồn tại trong những đối cực Một đặc điểm nổi bật của không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu là nó không thuần nhất, không trong suốt mà chứa đựng những mâu thuẫn, những đối cực - Sự đối lập của những trạng thái rất khác nhau đã tạo nên cái xốn xang, bồn chồn và hối hả rất điển hình cho thơ Xuân Diệu. 1. Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu - một không gian tình ái. Xuân Diệu là nhà thơ thiết tha gắn bó với cuộc đời. Mà đỉnh điểm của lòng yêu đời là khát vọng ái tình. Sự sống ở trạng thái sung mãn nhất sẽ trào lên thành tình yêu, thành nhu cầu giao hoà, ân ái, dâng hiến và chiếm lĩnh Đối với Xuân Diệu, tình yêu là tinh hoa của sự sống, là biểu tượng rực rỡ nhất của tuổi thanh xuân, là nguồn hạnh phúc vô biên cho con người, nguồn thi hứng vô tận cho thơ ca. Phần lớn các bài thơ của Xuân Diệu trong giai đoạn này là thơ tình yêu. Đương thời và mãi về sau, Xuân Diệu luôn được coi là thi sĩ của tình yêu, là hoàng tử của thơ tình Việt Nam thế kỷ XX. "Là một nhà thơ luôn mang trong mình nỗi ao ước được tận hưởng mọi vẻ đẹp của đời sống trần thế, Xuân Diệu đã chọn tình yêu để gửi gắm lòng yêu đời và nỗi khát sống của mình" (Lý Hoài Thu -Sđd. tr.51). "Một nét đặc sắc nữa trong cảm xúc tình yêu của thơ Xuân Diệu là ông đã nâng tình yên lên thành triết lý về sự sống. Nhiều người đã nói về sự đa thanh, đa sắc trong tình yêu của Xuân Diệu. Nhưng có lẽ điều đáng nói nhất ở đây lại chính là ở chỗ Xuân Diệu xem tình yêu cao hơn chính nó, đó không chỉ là tình yêu nữa, mà là sự sống "(Lê Tiến Dũng- Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932- 1945 - NXB Giáo dục - Hà Nội - 1998 - Tr.75) Thế Lữ đã nhận xét từ rất sớm là: "Ham yêu, biết yêu, Xuân Diệu muốn tận hưởng tình yêu vì ông thấy chỉ tình yêu mới gồm được bao nhiêu ý nghĩa". Thế Lữ gọi Xuân Diệu là "Một con người ân ái đa tình". "Bằng những cảm xúc chân thực và khát vọng ân ái chính đáng của mình, Xuân Diệu đã thiết lập nên một thứ "chủ nghĩa yêu đương" hoàn toàn mới mẻ, phù hợp với quan niệm sống và yêu của thế hệ trẻ đương thời" (Lý Hoài Thu, Sdd tr. 52). Thơ tình Xuân Diệu vừa thể hiện đến mức độ cao nhất, mức độ điển hình tâm thế mới, quan niệm sống mới của nghệ thuật lãng mạn, của phong trào thơ mới lại vừa có những nét đặc sắc riêng biệt chỉ riêng thuộc về cá tính sáng tạo của ông. Thơ tình Xuân Diệu phản ánh cái tôi vô cùng mạnh mẽ và độc đáo của nhà thơ. Hơn ai hết, Xuân Diệu đã nâng tình yêu lên thành một triết lý sống, xem tình yêu là tinh hoa, là cốt lõi của sự sống. Ông tôn thờ tình yêu như là một thứ tôn giáo của "vườn trần". Xuân Diệu cũng là nhà thơ đã đem lại cho tình yêu trong thơ những sắc màu trần gian nhất. Nói cho thật chính xác, thơ tình Xuân Diệu đã kết hợp được một cách hài hoà giữa thể xác và linh hồn, giữa tâm linh và nhục thể, giữa dâng hiến và hưởng thụ. Xuân Diệu thần thánh hoá tình yêu nhưng không đi quá xa về phía đạo lý và khắc kỷ theo kiểu lý tưởng hoá. Thơ tình Xuân Diệu tràn trề những cảm giác ấm nóng, đê mê, nồng nàn và đắm đuối mà không trượt dài về phía nhục dục và thô thiển. Có nhà nghiên cứu đã viết " Xuân Diệu là người đưa nhục thể vào thơ một cách đầy tinh tế" Nhục thể trong tình yêu Xuân Diệu là nhục thể của một tâm hồn "mang sắc lòng tươi quá" nhưng lại không thô tục. Ông đã diễn tả bao nhiêu sắc độ của tình yêu với những trạng thái mạnh mẽ như muốn "ôm", muốn "siết", muốn "say", muốn "cắn", muốn "ngoàm", muốn "hút" mà không gợi lên sự sống sưọng của xác thịt, trái lại chỉ gợi cảm giác nồng nàn, tha thiết của tình yêu" (Lê Tiến Dũng. Sđd. tr.72). Tình yêu như là cảm hứng chủ đạo trong thơ Xuân Diệu sẽ nhào nặn không gian nghệ thuật của thơ ông. Đó là một không gian tràn ngập tình yêu, thấm đẫm hương vị tình ái. Đó là một không gian phản chiếukhát vọng tình yêu mãnh liệt của nhà thơ đến mức tự nó cũng trở nên gợi tình và khát tình ở mọi nơi và mọi lúc. Chúng ta đều biết rằng thời gian là nỗi ám ảnh lớn nhất trong thơ Xuân Diệu. Thời gian trôi chảy một cách vô tình và không thể nào cưỡng lại được. Mọi vật trên thế gian này đều bị cuốn trôi đi cùng với dòng chảy của thời gian. Theo Xuân Diệu, chỉ có thể chống lại thời gian bằng cách sống hết mình trong hiện tại, sống tối đa trong cương độ và tốc độ, sống ở trạng thái sung mãn và mãnh liệt nhất: yêu đương. Trong cuộc đấu tranh chống lại thời gian của Xuân Diệu, ông lấy không gian làm một đồng chí, một đồng loã của mình. Không gian trong thơ Xuân Diệu chan chứa hương tình yêu. "Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều Bên màu hoa mới thắm như kêu Nỗi gì âu yếm qua không khí Như thoảng đưa mùi hương mến yêu" (Nụ cười xuân) Chỉ trong thơ ông người ta mới được tận hưởng cái mùi vị nội tâm rất đặc biệt ấy: mùi hương mến yêu. Trong bầu khí quyển đậm đặc tình áiđó, mọi vật đều trở nên tình tứ và duyên dáng. Cả những hiện tượng tưởng như là tự nhiên nhất, vô tình nhất cũng hoá ra không phải là vậy, hoá ra là đầy ngụ ý, đầy ám ảnh và tất cả đều gợi nhắc đến những ý tứ, những động tác của tình yêu. "ánh sáng ôm trùm những ngọn cao Cây vàng rung nắng lá xôn xao. Gió thơm phơ phất bay vô ý Đem đụng cành mai sát nhánh đào" (Nụ cười xuân) "Là một tâm hồn khao khát tình yêu, Xuân Diệu, luôn luôn tiếp cận thiên nhiên qua lăng kính ái ân. Nhà thơ thường mang cái cảm xúc trẻ trung, sôi nổi của tâm hồn mình trải lên cảnh vật. Ông nhìn thấy trong sắc nắng mùa xuân những hồi hộp xao xuyến của một thứ tình yêu ngây thơ, non trẻ Và cũng chỉ Xuân Diệu mới nhìn thấy nét gợi tình lạ lùng này: "Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần" (Lý Hoài Thu. Sđd. tr.47) Thiên nhiên đồng dạng với tâm hồn đa tình của nhà thơ. Trong văn học lãng mạn, người ta hay nói đến thiên nhiên nhưlà người chứng giám, như là kẻ thứ ba tham gia vào những cuộc tình tự. Trong thơ Xuân Diệu, thiên nhiên dường như tiến xa hơn nhiều vai trò chở che và chứng kiến đó: nó cũng trở nên đắm say như chính bản thân tác giả đang yêu. Khi nhà thơ ở trong trạng thái ngây ngất. "Với bàn tay ấy ở trong tay" đến độ có thể nguôi quên hận tháng ngày, mỗi sầu hận ám ảnh dai dẳng nhất và sâu sắc nhất tâm hồn con người: thì thiên nhiên cũng lạc vào trạng thái căng tràn những khát khao giao hoà và ân ái. Cảnh vật không đứng yên, không tĩnh lặng. Chúng mải miết tìm kiếm và quyết luyến nhau. " Một tối bầu trời đắm sắc mây Cây tìm nghiêng xuống nhành hoa gầy Hoa nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy Những lời huyền bí toả lên trăng Những ý bao la rủ xuống trần Những tiếng ân tình hoa bảo gió. Gió đào the thẻ bảo hoa xuân" (Với bàn tay ấy) Em đã được xem bức tượng Mùa xuân vĩnh cửu của nhà điều khắc người Pháp Rôđanh. ở tác phẩm đó, tư thế ái ân âu yếm của một đôi tình nhân được mô tả như là vẻ đẹp lý tưởng và vĩnh cửu của nhân loại. Người đọc cũng có một cảm tưởng tương tự, dường như trong bài thơ này của Xuân Diệu, hoa, cỏ, rêu, cây, gió, mây, trăng cũng đang ở vào tư thế ái ân, đang quấn quýt, giao hoà với nhau đầy âu yếm trong một niềm hoan lạc vô biên. Và đólà một trạng thái yêu đương ở tầm không gian, ở tầm vũ trụ, ở quy mô tổng thể vì không chỉ những sự vật cụ thể mới tham gia vào vũ điệu tình ái đó, mà là cả trời và đất, cả không gian và trần gian. Những thông điệp của tình yêu được gửi từ dưới đất "lên trăng" và từ bao la" rủ xuống trần". Đến "Hoa đêm" thì đã là cả một cuộc tình tự đắm say mà gió và hoa trở thành những nhân vật chính. Không gian và thời gian đêm trong thơ Xuân Diệu khác nhiều so với không gian và thời gian đêm trong thơ của nhiều nhà thơ lãng mạn khác. Trong thơ Huy Cận hay thơ Chế lan Viên, đêm thường đồng nghĩa với những gì là buồn bã, âm u, hoặc rùng rợn, ma quái. Đêm ám ảnh con người. Đêm đem lại bao nhiêu là cảm nhận day dứt hơn về cái nhỏ nhoi của kiếp người, về sự trống vắng và bao la của không gian đối lập với những chấm nhỏ cá thể bơ vơ và đơn côi. Đêm ảo não với bao nhiêu hồn ma, bóng quỷ hiện về Ngược lại, đêm trong thơ Xuân Diệu là thời khắc của tình ái. Hình như bóng đêm, bóng trăng đều trợ lực, đồng loã với những cặp tình nhân. Trong đêm, hương tình còn có phần nồng nàn hơn cả ban ngày. Đây là không gian yên lành và mơ mộng của "Hoa đêm" "Chen lá lục, những búp lài mở nửa Hớp bóng trăng đầy miệng nhỏ xinh xinh Vì gió im và đêm cứ làm thinh. Đoàn giây phút cũng lần khân, nghỉ đã. Trăng ở đó đất vườn thêu bóng lá Trời trên kia vàng mạ, sáng như băng. Lá lim dim trên mấy ngọn bằng bằng. Cành lả lả chờ tay ai đón đẩy" (Hoa đêm) Các cô gái hoa đêm xuất hiện với dung mạo thật yêu kiều, rất nồng nàn và khát khao tình ái mà cũng rất trắng trong, tinh khiết: "Bông hoa lài thức dậy, sánh từng đôi Hoa lài xanh dưới ánh nguyệt tuôn trời ánh nguyệt trắng trên hoa lài đúc sữa Sao họ khéo nõn nà mà bợ ngợ Những nàng hoa chờ đợi gió phong lưu! Đáng yêu thay trong vẻ khẽ nghiêng đầu Lá xanh đỡ yêu yêu thân tuyết bạch Nguyệt lác đác tiếng nở giòn lách tách Lòng phơi phơi chừng đợi cái ong châm Miệng thở ra hương, hương toả tình ngầm Hoa kỹ nữ đã mở lời trêu ghẹo" Chàng gió được mô tả như là một công tử phiêu lãng và phong tình: "Chàng gió lạ đi khuya ngoài khuất nẻo Nghe tiếng thơm liều liệu đếm tìm hương Cánh du lang tha thướt phấn qua tường áo công tử dải là vương não nuột" Và cuộc tình tự của họ mới thần tiên làm sao, rất đắm đuối nồng nàn mà cũng rất mơ màng, bay bổng: Này hoa ngọc đã giật mình trắng muốt Thoảng tay tình gió vuốt, bỗng lao đao Hương hiu hiu nên gió cùng ngọt ngào Hôn nho nhỏ mà đầu hoa nặng chĩu Là màu sắc hay chỉ là âm điệu Là hương say hay ấy chính rượu thơm (Hoa đêm) Cả không gian trong "hoa đêm" rạo rực ham muốn ái tình. ánh trăng "Mối lái phủ màng tơ mơ mộng" càng làm cho cuộc tình tự trở nên hoang đường và kỳ ảo, như nhuốm màu sắc của những mối tình "Liêu trai". Cuộc ái ân dường như đã đi quá quan hệ tài tử - giai nhân, chớm đến chiều "lả lơi ông bướm" kiểu kỹ nữ và khách phong tình với những "lòng phơi phơi", "tay tình gió vuốt" những "hôn nho nhỏ", "lao đao", "đầu nặng trĩu" và "nghìn ngón tay ôm ".. Những cuộc tình tự được đẩy lên đến độ nồng nàn và đắm say nhất mà tuyệt nhiên chưa hề gợi khắc gì đến những cảm xúc nhục thể. Tất cả vẫn còn dừng lại trong e ấp, trong chừng mực, trong nâng niu và trân trọng lẫn nhau. Thơ tình Xuân Diệu là như thế, như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét: "Vượt lên trên tất cả những cảm giác nhục thể, Xuân Diệu muốn vươn tới cái lý tưởng của tình yêu: Sự hoà hợp tuyệt vời giữa tâm linh và thân thể. Thơ Xuân Diệu chưa bao giờ dừng lại ở khoái cảm bản năng mà ở cái kết thúc của mỗi bài thơ ông thường thâu tóm toàn bộ tư tưởng tình yêu và nâng thêm một tầng nghĩa mới. Thơ tình Xuân Diệu, vì vậy vừa bộc lộ được những khát khao lành mạnh của nhịp sống trần thế, vừa hết sức thanh tao, mơ mộng" (Lý Hoài Thu - Sđd tr.65). "Cảm xúc nhục thể trong thơ Xuân Diệu hiện ra với tất cả sự cao cả và trần thế của nó, là biểu hiện của một khát vọng sống, của chất sống chứ không phải là một cảm giác "xác thịt" thuần tuý" (Lê Tiến Dũng, Sđd, tr.73) 2. Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu bị ám ảnh bởi sự tàn phá của thời gian: Văn học lãng mạn có cách nhìn về thời gian khác hẳn so với nhiều nền văn học khác. Ngay trong cùng thời điểm xuất hiện của thơ Mới, Tố Hữu, nhà thơ cách mạng trẻ tuổi đã có một quan niệm khoẻ khoắn và đầy lạc quan về bước đi của thời gian. Trong cách hiểu của Tố Hữu, sự vận động của thời gian về cơ bản là một quá trình tích cực. Từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai là sự phát triển, sự sinh trưởng, sự nảy nở, sự đổi thay về hướng tươi sáng, tốt đẹp. Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài Thơm như hương nhụy hoa lài Sạch như nước suối ban mai giữa rừng Ngày mai gió mới ngàn phương Sẽ đưa cô đến một vườn đầy xuân Ngày mai trong giá trắng ngần Cô thôi kiếp sống đầy thân giang hồ. Ngày mai bao lớp đời dơ. Sẽ tan như đám mây mờ đêm nay. Cô ơi tháng rộng ngày dài. Mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng (Cô gái Sông Hương) Tố Hữu thường tâm niệm: "Rồi mai đây tất cả sẽ là chung Tất cả sẽ là vui và ánh sáng" Cái ngày mai ấy thật tốt đẹp, thật hứa hẹn và hơn hẳn cái hiện tại "đêm nay". Ngược lại, văn học lãng mạn quan niệm sự vận động của thời gian là đồng nghĩa với những gì thuộc về mất mát, suy tàn, phôi phai, huỷ diệt. Quá khứ là vàng son. Hiện tại so với quá khứ là một sự suy đồi, sa đoạ. Còn tương lai hiện ra thật mịt mù, thật bất định và không hề hứa hẹn một chút gì tốt đẹp. Chế Lan Viên viết: "Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa thành Và hiện tại, biết cùng chăng hỡi bạn Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh Trong nắng hè lá tươi đà đổi sắc Dệt mùa thu sắp đến. Tựa đời ta Chuỗi ngày xanh, hùa theo nhau phai nhạt Dệt tấm màn, quàng liệm tấm hồn ta! (Những nấm mồ) Huy Cận hay hồi tưởng lại "thời muôn năm trước" "Đêm mơ lay ánh trăng tàn Hồn xưa gửi tiếng thời gian, trống dồn" (Chiều xưa) Nhưng trong thơ ông, cũng như trong thơ của nhiều nhà thơ lãng mạn khác thời kỳ thơ mới, những gì đẹp đẽ, vàng son đều bay vèo, ngược chiều thời gian vào cõi xưa, vào hư vô nên nhà thơ cảm thán: "Màu năm tháng cũng ngậm ngùi thế nhỉ" (Trò chuyện) Vũ Hoàng Chương thì run rẩy và buông xuôi bất lực từ rất sớm trước những bước đi tàn nhẫn của thời gian. "Mưa lùa gian gác xép Ngày trắng theo nhau qua Lá rơi đầy ngõ hẹp Đời hiu hiu xế tà" " Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết Một ván cờ thua ngả bóng chiều" Nhưng có lẽ người cảm thán thường xuyên nhất và day dứt nhất trước dòng thời gian trong thơ Mới chính là Xuân Diệu . Trong thơ Xuân Diệu, không một cái gì trên cõi đời này chống trả lại được sức mạnh tàn phá của thời gian, dù đó là trời, đất, mây, nước, núi sông hay một cọng lá, một nhành hoa, một sắc xuân son sẻ, một nét thu mơ màng và cả lòng người, tình yêu, tuổi trẻ. Trong thơ ông, thế giới biến đổi khôn lường và không ngừng như một dòng sông. "Thuyền qua, mà nước cũng trôi Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay Tôi đi trên chiếc thuyền này Giòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi. Cái bay không đợi cái trôi Từ tôi phút trước, sang tôi phút này" (Đi thuyền) Điều đáng nói ở đây là trong dòng chảy trôi vô tận đó, người ta dễ dàng nhận ra xa hướng chung của vận động là sự xấu đi, sự phai tàn, sự mất mát. Đời người là thế: "Tóc ngời mai mốt không đen nữa Tuổi trẻ khô đi, mặt xấu rồi". (Hư vô) Tình yêu là thế: "Tình thổi gió, màu yêu lên phơi phới Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ Tình yêu đến tình yêu đi ai biết. Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt" (Giục giã) Lòng người là thế "Ai nói trước lòng anh không phản trắc Mà lòng em sao lại chắc trơ trơ?" (Giục giã) Và tạo vật cũng là thế: " Hoa nở để mà tàn Trăng tròn, để mà khuyết Bèo hợp để chia tan Người gần để li biệt Hoa thu không nắng cũng phai màu Trên mặt người kia in nét đau" (Hoa nở để mà tàn) Nét riêng đầu tiên của Xuân Diệu là nhà thơ cảm nhận sự thay đổi, sự chảy trôi của thời gian không chỉ trên những nét tổng thể, trên toàn khối không - thời gian như ở nhiều nhà thơ khác mà ngay trong từng phiến đoạn của dòng trôi, từng khoảng khắc nhỏ nhất của thời gian. Nghĩa là trong thơ Xuân Diệu, thời gian không chỉ là đã trôi qua, mà nó đang trôi qua. " Thong thả, chiều vàng thong thả lại Rồi đi đếm xám tới dần dần. Cứ thế mà bay cho đến hết Những ngày những tháng những mùa xuân" (Giờ tàn) "Vừa xịch gối chăn, mộng vàng tan biến Dung nhan xê dịch, sắc đẹp tan tành Vàng son đương lộng lẫy buổi chiều xanh. Quay mặt lại cả lầu chiều đã vỡ" (Giục giã) Mổ xẻ, phân tích cái sự trôi đó, nhà thơ nhìn thấy ẩn hoạ tàn phai ở ngay trong lòng sự vật, tiềm tàng từ những trạng thái sơ khởi, những "sẽ" và "đang" "Trong gặp gỡ có mầm li biệt.." (Giục giã) "Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già" (Vội vàng) Nét đặc biệt thứ hai trong cảm nhận thời gian của Xuân Diệu là nhà thơ không can tâm cúi đầu trước sự tàn phá của thời gian, không chỉ ngậm ngùi và than khóc. Ông chống trả quyết liệt sự cuốn trôi của thời gian bằng nhiệt tình cháy bỏng, bằng cách bám chắc vào vườn trần, níu kéo lấy hiện tại, sống đến tận cùng cái hiện tại trong cả tốc độ và cường độ. Nét đặc biệt thứ ba trong cảm nhận thời gian của Xuân Diệu là có lẽ không ai thấm thía, xót xa trước những bước đi không gì cưỡng lại nổi của thời gian bằng ông. Vì lẽ càng chống trả, càng níu kéo, càng vật vã mà rốt cục vẫn chỉ là bất lực, là buông trôi thì càng day dứt và tiếc nuối. Toàn bộ những cảm nhận về thế giới đang trôi, về trạng thái bất an vĩnh hằng của tạo vật, về sức tàn phá của thời gian trong thơ Xuân Diệu như vừa nói đã in dấu lên không gian nghệ thuật của thơ ông. Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu là một không gian bị đe doạ và ám ảnh bởi thời gian. Trong không gian ấy, mọi vật đều mong manh, phù phiếm, bèo bọt trước thời gian. Hoa vốn là một biểu tượng rực rỡ của sự sống, của vẻ đẹp trần thế. Nhưng hoa cũng chịu chung số phận của muôn loài trong thơ Xuân Diệu là phải tàn phai, héo úa. Hoa càng đẹp, càng long lanh, càng tiêu biểu cho sự sống bao nhiêu thì đến khi rớt cánh, rụng cành càng tạo nên cảm xúc xót xa bấy nhiêu. Thơ Xuân Diệu rất hay nhắc đến những cánh hoa rơi, hoa phai, hoa héo. "Hoa thu không nắng cũng phai màu" (Hoa nở để mà tàn) "Bông hoa dứt cánh rơi không tiếng Chẳng hái mà hoa cũng hết dần" (ý Thu) "ừ nhỉ! Sao hoa lại phải rơi" (ý Thu) "Ngọn gió thời gian không ngớt thổi Gió ttàn như những cánh hoa rơi" (Cưỡi đàn) "Và giữa vườn im, hoa run sợ hãi Bao nỗi phai phôi, khô héo, rụng rời" (Tiếng gió) Nhưng hoa không phải là thực thể duy nhất phải chịu số kiếp tàn phai. Số phận của hoa có tính cách tiêu biểu cho muôn loài trong tạo hoá. Người ta thường hay nhắc đến những trạng thái băn khoăn, day dứt, bất an trong thơ Xuân Diệu. Người ta cũng thường nhắc đến những tiếc nuối, những vội vàng và hớt hải sống trong thơ ông. Bao nhiêu tâm trạng đó nhuốm cả lên không gian. Có một cái gì đó như là bất an, hoảng hốt bao trùm khắp không gian trong thơ Xuân Diệu. Đang thắm tươi, long lanh, bừng sáng, muôn vật bỗng chợt đã lại tê tái, âu lo, run rẩy khi nghĩ đến thời gian, thời khắc của tàn phai. Định mệnh phải tiêu vong đã nằm sẵn trong lòng nỗi sự vật, đã hứa hẹn từ thời điểm đỉnh cao của viên mãn. ý thức được điều này cũng có nghĩa là không còn sự thanh thản sống, hân hoan hưởng thụ, vô tư giữa hiện tại nữa. Khi nhà thơ nói: "Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi " (Vội vàng) Là ông hiểu rằng nắng chắc chắn rồi cũng sẽ phai nhạt như màu và gió mang hương đến cũng là thứ gió đuổi hương đi. Khi nhà thơ rền rĩ tiếc than " Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật Không cho dài thời trẻ của nhân gian Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại Còn trời đâtá nhưng chẳng còn tôi mãi. Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời!! (Vội vàng) Thì muôn bài cũng run rẩy và tiếc nuối như nhà thơ - Gió âu lo như thế Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc Phải chăng vì sợ nỗi phải bay đi Chim hoảng hốt như thế Chim vội vàng bỗng dứt tiếng reo thi Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa Và bản hoà tấu bị ai đó bao trùm lên khắp không gian: Mùi tháng, năm đều sớm vị chia phôi. Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt (Vội vàng) "Vội vàng" là bài thơ thể hiện cố gắng của Xuân Diệu lấy cường độ sống trong hiện tại để chống trả lại sức cuốn trôi của thời gian. Nhưng cũng chính ở "vội vàng", ở bên dưới tất cả những cố gắng đến tối đa của nhà thơ người ta vẫn nhận thấy một ý thức, một sự mặc cảm không thể lẩn tránh được về định mệnh hữu hạn của muôn loài trên trần thế, về cái nhỏ nhoi và đáng thương của bao nhiêu bấu víu của con người vào hiện tại trước dòng sông thời gian cuồn cuộn chảy. Tâm trạng não nề của nhà thơ trước sự tàn phá của thời gian còn nhiều lần được thể hiện bằng những hình ảnh không gian trong thơ Xuân Diệu . Khung cảnh mùa đông giá buốt được nhà thơ cảm nhận như là bức tranh bi thương về sự úa tàn. " Trong khung xám của mùa đông bằng sắt Gió qua rồi còn lưu lại tiếng ngân Cây bên đường trụi lá, đứng tần ngần Khắp xương phánh chuyển một luồng tê tái. Và giữa vườn im, hoa run sợ hãi. Bao nỗi pha phôi, khô héo rụng rời!! (Tiếng gió) Không riêng gì Xuân Diệu mà hầu như tất cả các nhà thơ lãng mạn đều vốn rất nhạy cảm với những gì "nổi nênh, xiêu đổ, tan tác, tứ ly", những biến dịch, chuyển dời Sự biến đổi, sự chia ly bao giờ cũng đượm buồn. Mà trong nghệ thuật lãng mạn cái đẹp thường buồn. Vì thế trong thơ mới nói chung và trong thơ Xuân Diệu nói riêng, một mặt các nhà thơ buồn bã, thở than, cảm thán trước dòng sông thời gian, ngọn gió thời gian nhưng mặt khác các ông lại đặc biệt nhạy cảm và hay thi vị hoá những khoảng khắc chuyển dời ấy. Điều này được thể hiện rất rõ trong những bài thơ Thu của Xuân Diệu . Không gian mùa thu trong thơ Xuân Diệu được thể hiện bằng những đường nét và màu sắc thật tinh tế và mơ màng. Dường như bao nhiêu nét, sắc nhọn, khô cứng của mùa đông còn chưa đến. Mà không gian chói loá đến thiêu cháy, nung chảy tất cả của mùa hè thì lại đã qua. Không gian thu hiện ra với những màu trung gian, dìu dịu, mơ hồ và những hình khối có phần hơi nhoè phai. Rặng liễn đìu hiu đứng chịu tang, Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng: Đây mùa thu tới - mùa thu tới Với áo mơ phai dệt lá vàng. Hơn một loài hoa đã rụng cành Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh; Những luồng run rẩy rung rinh lá Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh. Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ Non xa khởi sự nhạt sương mờ Đã nghe rét mướt luồn trong gió Đã vắng người sang những chuyến đò (Trích đây mùa thu tới) Tóc liễu là ấn tượng lung linh chứ không hẳn là rõ trong từng chiếc là. Lá vàng dệt thành một chiếc áo mơ phai huyền ảo. Hoa có nhưng đã rụng cành. Ranh giới giữa màu xanh hay màu đỏ cũng không còn thật nổi bật vì chúng đang chen lấn, đang giao tranh, đang " rũa" nhau. Non xa nhạt trong sương mờ làm thành một viễn cảnh mơ hồ của không gian thu. Giá rét đã đến nhưng chưa thật hiện diện, chưa sắc đến cứa vào thịt da rõ rệt như mùa đông mà còn "luồn trong gió" và mới chỉ được "nghe" thấy một cách tinh tế và nhẹ nhàng. Chính gió cũng không cuồn cuộn mà chỉ còn là những luồn run rẩy, chỉ đủ sức làm những làm rung rinh lá, làm nhoè nốt cả "đôi nhánh khô gầy xương mong manh - những đường nét lẽ ra có thể là cứng rắn nhất trong không gian mùa thu. Cảnh vật thật đẹp vì tất cả đều vô cùng tinh tế, mơ màng và huyền ảo. Và cũng vì tất cả thật buồn, nỗi buồn của thời khắc giao mùa. Nhà thơ cứ nhắc đi nhắc lại nỗi sầu muộn thu tàn: Khí trời u uất hận chia ly Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng ít nhiều thiếu nữ buồn không nói (Đây mùa thu tới) Những chút hồn buồn trong lá rụng . Chắc rằng gió cũng đau thương chứ Gió vỡ ngoài kia, thu có nghe". (ý thu) Vẻ đẹp và nỗi buồn quyện lẫn vào nhau, đã tạo nên những hình ảnh không gian đẹp nhất trong thơ Xuân Diệu . Như vậy, ta đã thấy không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu không thuần nhất mà bao hàm những đối cực. Một phía là không gian căng tràn sức sống, không gian tràn ngập hương sắc ái tình. Một phía lại là không gian đầy âu lo, run rẩy, sầu muộn vì bị thời gian đe doạ và tàn phá. Sự tương phản giữa hai đối cực, sự chuyển đổi của những trạng thái cảm xúc khác nhau khi tiếp nhận những không gian rất tương phản đó thể hiện những mâu thuẫn không dễ dung hoà trong nội tâm của chính nhà thơ, một con người vừa vui đời vừa hay sầu muộn, vừa hy vọng vừa thất vọng - con người cá nhân của văn học lãng mạn. Kết luận Cách mạng tháng tám 1945 vĩ đại đã mở đầu một kỷ nguyên phát triển rực rỡ của lịch sử dân tộc ta đồng thời cũng là điều kiện quyết định để nền văn học Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mạnh mẽ và hoàn toàn mới. Những đổi thay lớn lao của đời sống và xã hội đã cho phép con người - trong đó có các nhà thơ của phong trào thơ Mới lãng mạn - xác lập nên một kiểu tồn tại khác mà ở đó quan hệ giữa cái riêng và cái chung, tôi và ta được giải quyết theo một kiểu khác hẳn. Trên cơ sở sự thống nhất, sự hoà hợp giữa cá nhân và xã hội, giữa cái tôi và cái ta, Xuân Diệu cũng như nhiều nhà thơ của cách mạng, của nền văn học mới đã sống và sáng tác bằng những cảm hứng nghệ thuật mới mẻ. Trong thơ Xuân Diệu sau cách mạng Tháng Tám cái tôi trữ tình mở rộng tấm lòng ra để đón nhận muôn ngàn hương sắc của cuộc đời đã thay thế cái tôi cô đơn, bé nhỏ trong thơ ông trước cách mạng. Và khi mà nhà thơ đã biết lấy sự phong phú của cuộc sống chung để làm giàu đôi mắt và tâm hồn mình thì những âu lo, những mặc cảm vốn bủa vây con người cá nhân đã nhường chỗ cho niềm tin phơi phới vào sức sống bất diệt của cộng đồng, của xã hội mới, của cuộc đời. Thời gian không còn là sức mạnh dọa dẫm con người nữa. Thời gian bây giờ đồng nghĩa với sự sinh sôi, sự nảy nở, sự phát triển. Trong không gian nghệ thuật cũng tươi mới lại của thơ Xuân Diệu sau cách mạng, màu sắc ấm áp của cuộc sống con người trở nên nổi bật, như màu ngói mới trong một bài thơ cùng tên của ông. Trong không gian ấy, dẫu có bao nhiêu là thử thách, kể cả lắm khi đầy rẫy những kẻ thù tự nhiên và xã hội, những màu sắc lạc quan trở thành màu chủ đạo bởi vì "cây đời mãi mãi xanh tươi" và "sự sống chẳng bao giờ chán nản". Cái màu lạc quan ấy, thơ Xuân Diệu trước cách mạng không phải lúc nào cũng có . Nhưng không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu sau cách mạng về một mặt nào đó vẫn thể hiện một sự tiếp nối liên tục với thời kỳ lãng mạn của thơ ông trước cách mạng. Thơ Xuân Diệu ở thời nào cũng dào dạt chảy một dòng cảm xúc mãnh liệt về tình yêu cuộc đời và con người. "Anh không xứng làm biển xanh Nhưng cũng xin làm sóng biếc Để hát mãi bên gành một tình chung không hết Để những khi bọt tung trắng xoá Và gió về bay toả muôn nơi Như hôn mãi ngàn năm không thoả Bởi yêu bờ lắm lắm em ơi!" ở trong một loạt những hình ảnh rất không gian ấy người ta vẫn thấy nguyên vẹn những gì thật là Xuân Diệu: sự mãnh liệt và tươi rói của cảm xúc, khát vọng muốn dãi bày đến tận cùng tấm lòng tha thiết với đời, với người của nhà thơ. Và đó cũng chính là bí quyết làm nên những không gian nghệ thuật trước sau lúc nào cũng chứa chan nhựa sống vốn là một nét đặc trưng của phong cách thơ Xuân Diệu . Tài liệu tham khảo * Nghiên cứu, lý luận, phê bình: Xuân Diệu. Những bước đường tư tưởng của tôi. NXB Văn học - 1958. Lê Tiến Dũng. Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932 - 1945. NXB Giáo dục - 1998. Lê Tiến Dũng. Thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932- 1945: Cái nhìn nghệ thuật mới về thế giới con người. T CVH số 9 - 1997. Phạm Cự Đệ. Văn học lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945.NXB Văn học - Hà Nội 2002. (Tái bản lần thứ tư). Phan Cự Đệ. Phong trào thơ mới. NXB khoa học - 1966. Nguyễn Đăng Điệp, Giọng điệu thơ Xuân Diệu trước 1945. Tạp chí văn học số 2 - 2001. Hà Minh Đức - Lời giới thiệu "Thơ tình Xuân Diệu". NXB Giáo dục - 1994 Nguyễn Văn Long (chủ biên). Thơ Xuân Diệu. NXB-GD 1993 Lữ Huy Nguyên (tuyển chọn). Xuân Diệu thơ và đời. NXB văn học - 1996 Hữu Nhuận. Xuân Diệu con người và tác phẩm. NXB Hội nhà văn Việt Nam 1987. Bùi Việt Thắng. Văn học Việt Nam 1954 - 1975. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 1990 (Viết chung) Bùi Việt Thắng. 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng 8- NXB ĐHQG Hà Nội - H.1996 ( Viết chung) Hoài Thanh - Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam. NXB Văn học - Hà Nội 1988. Hoàng Trung Thông. Xuân Diệu từ nhà thơ lãng mạn đến như thơ hiện thực. NXB Văn học, 1986. Lý Hoài Thu. Thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng 8. NXB Giáo dục - 1998. Lý Hoài Thu. Tình yêu và nguồn cảm hứng mới trong thơ Xuân Diệu sau Cách mạng tháng 8-1945. Tạp chí Văn học số 3 - 2002 Đỗ Lai Thuý. Con mắt thơ. NXB Lao động, Hà Nội 1992. Nguyễn Quốc Tuý. Thơ mới - bình minh thơ Việt Nam hiện đại. NXB Văn học. Nhiều tác giả. Tinh hoa thơ mới - thẩm bình và suy ngẫm. NXB Giáo dục 1998. * Tác phẩm văn học Xuân Diệu - Thơ thơ, NXB Đời nay, 1938 Xuân Diệu. Riêng chung, NXB Văn học, 1960. Xuân Diệu. Tuyển Tập Xuân Diệu, T1 NXB Văn học, 1986 Xuân Diệu Toàn tập, T1 Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Sở Văn hoá và Thông tin Nghĩa Bình. XB 1987. Lời cảm ơn! 1 Mở đầu 2 Chương I 4 Không gian nghệ thuật trong thơ 4 xuân diệu - một không gian trần thế 4 xinh đẹp, đầy sức sống 4 1. Trong không gian ấy, những hiện tượng và sự vật chủ yếu là trăng, hoa, cây, lá, vườn, nắng, mưa, mây, gió, sương, những con đường những dòng sông, những dẫy núi và thấp thoáng một ít gương mặt tuổi trẻ. 14 2. Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu tràn ngập âm sắc quyến rũ của trần gian, phản chiếu một cách sinh động nỗi đam mê lớn lao đối với cuộc đời và khát vọng sống mãnh liệt của thi sĩ. 15 3. Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu là một không gian " vừa tầm tay với của con người". Trong cái không gian ấy, tất cả đều đáng yêu, tươi tắn, gần gũi và thân thiện. Đó là một không gian cho con người 17 Chương II 19 Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu 19 1. Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu - một không gian tình ái. 19 2. Không gian nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu bị ám ảnh bởi sự tàn phá của thời gian: 26 Kết luận 37 Tài liệu tham khảo 39

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docV0296.doc
Tài liệu liên quan