Kỹ năng đánh giá thông tin của thanh thiếu niên Việt Nam

Nhìn chung kỹ năng đánh giá thông tin của thanh thiếu niên Việt Nam được khảo sát trong nghiên cứu này vẫn chưa được trang bị tốt. Đồng thời, họ cũng vẫn chưa nhận thức được đúng năng lực đánh giá thông tin của chính bản thân mình. Chính vì thế, nhu cầu cải thiện kỹ năng đánh giá thông tin của các học sinh là có thật và rất cần thiết. Những người làm công tác giáo dục cần phải chú trọng đến việc phát triển kỹ năng này trong những hướng dẫn/ chương trình đào tạo kỹ năng thông tin để hỗ trợ học sinh trở thành những người có khả năng học tập và làm việc độc lập.

pdf8 trang | Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 453 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỹ năng đánh giá thông tin của thanh thiếu niên Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 23THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 1/2018 ThS Ngô Thị Huyền Trường Đại học KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh KỸ NĂNG ĐÁNH GIÁ THÔNG TIN CỦA THANH THIẾU NIÊN VIỆT NAM Tóm tắt: Trình bày kết quả nghiên cứu kỹ năng đánh giá thông tin của thanh thiếu niên Việt Nam (tuổi từ 15 đến 18) nhằm cung cấp một cái nhìn mới nhất về khả năng đánh giá thông tin của người trẻ Việt Nam ở độ tuổi này. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng cần nhiều nỗ lực hơn nữa để cải thiện kỹ năng đánh giá thông tin của thanh thiếu niên Việt Nam. Từ khóa: Kỹ năng đánh giá thông tin; thanh thiếu niên; Việt Nam. Information evaluation skills of Vietnamese teenagers Abstract: The article introduces the result of the study on information evaluation skills of Vietnamese teenagers (aged from 15 to 18 years old) which provides an updated overview on the information evaluation skills of Vietnamese teenagers at this age range. The result shows that more efforts are needed to improve those skills for Vietnamese teenagers. Keywords: Information evaluation skills; teenagers; Vietnam. Giới thiệu Đo lường kỹ năng đánh giá thông tin là cần thiết để giúp xác định được năng lực của người dùng tin, nhận diện được những gì cần cải thiện để nâng cao năng lực của họ. Khám phá kỹ năng đánh giá thông tin của học sinh đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới. Nghiên cứu này giúp hiểu về kỹ năng đánh giá thông tin của thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 15 đến 181. 1 Trong bài viết này, tác giả dùng cả hai từ “thanh thiếu niên” và “học sinh” để chỉ đến cùng một nhóm đối tượng người dùng tin từ 15 đến 18 tuổi. 1. Đánh giá thông tin Kiến thức thông tin (tiếng Anh là Infomartion Literacy) là kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết mà mỗi cá nhân cần có để có thể nhận diện được nhu cầu tin của chính mình, tìm tin thành công và sử dụng thông tin tìm được một cách hiệu quả và có đạo đức. Trong quá trình đó, có nhiều quan điểm hiện đại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá thông tin tìm được. Cùng với sự phát triển của thông tin số, NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 24 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 1/2018 có rất nhiều tài liệu và thông tin không đáng tin cậy tồn tại trên Internet (Bartlett & Miller, 2011). Ngoài ra, trên thực tế do thiếu những người chọn lọc thông tin nên nhiều trang Web không đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu cần có để phục vụ cho người dùng tin. Chính vì thế, mỗi cá nhân phải tự mình trở thành một người có khả năng tự đánh giá thông tin. Theo Williams & Rowlands (2007), đánh giá thông tin bao gồm hai khía cạnh: chất lượng và sự thích hợp. Đánh giá kỹ năng thông tin nói chung và kỹ năng đánh giá thông tin nói riêng là cần thiết để hiểu năng lực của các cá nhân cũng như xác định những gì cần cải thiện đối với chương trình đào tạo hiện tại (Chang et al., 2012). Kỹ năng đánh giá thông tin của học sinh đã được khám phá trong một số nghiên cứu trước đây. Các nghiên cứu chỉ ra rằng kỹ năng đánh giá thông tin là điểm yếu của học sinh (Adams, 1999; Godwin, 2006; Knight, 2006; Williams & Rowlands, 2007; Ali, Abu-Hassan, Daud, & Jusoff, 2010; Chang et al., 2012; Pickard, Shenton, & Johnson, 2014). Họ có khuynh hướng sử dụng những nguồn tin chưa được thẩm định hơn là cố gắng để đánh giá và lựa chọn ra những nguồn tin phù hợp và có chất lượng tốt nhất (Hirsh, 1999; Grimes & Boening, 2001; Knight, 2006; Pickard et al., 2014). Học sinh sử dụng những kỹ thuật đơn giản để đánh giá thông tin (Pickard et al., 2014). Các kỹ thuật khác nhau được học sinh sử dụng để đánh giá thông tin có thể được tìm thấy trong nhiều nghiên cứu được thực hiện trước đây như Gross & Latham (2007), Williams & Rowlands (2007), Harris (2008), Wynne et al. (2009), Duffy, Liying, & Ong (2010), Pickard, Gannon-Leary, & Coventry (2011), và Walton, Pickard, Dodd, & Hepworth (2016). 2. Phương pháp nghiên cứu Để khám phá kỹ năng đánh giá thông tin của thanh thiếu niên Việt Nam, hoạt động thu thập dữ liệu của nghiên cứu này được chia thành hai giai đoạn: - Giai đoạn 1: Đo lường kỹ năng đánh giá thông tin của học sinh bằng cách sử dụng phiếu hỏi. - Giai đoạn 2: Khám phá phương pháp được học sinh sử dụng để đánh giá thông tin thông qua phỏng vấn bán cấu trúc. Trong giai đoạn 1, nghiên cứu khảo sát bằng phiếu hỏi đã được thực hiện với 183 học sinh có độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi tại hai trường Trung học phổ thông trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Bảng hỏi được chia thành ba phần: - Phần 1: Dữ liệu nhân khẩu học của mẫu như tên, trường, bậc học và giới tính. - Phần 2: Các câu hỏi nhiều lựa chọn được dùng để đo lường kỹ năng đánh giá thông tin của học sinh liên quan đến khả năng xác định nguồn tin phù hợp, đáng tin và có thẩm quyền, và đánh giá nội dung thông tin. Mỗi câu trả lời đúng nhận được một điểm và mỗi câu hỏi chỉ có một câu trả lời đúng. Mỗi câu hỏi bao gồm một phần giải thích về trường hợp cần đánh giá thông tin và một số đáp án khả thi. Học sinh cần lựa chọn một trong số những đáp án này để giải quyết vấn đề thông tin. - Phần 3: Tự đánh giá kỹ năng đánh giá thông tin của bản thân. Thang đo năm điểm đã được sử dụng để giúp học sinh tự đánh giá năng lực của chính mình (chọn 5 cho mức cao nhất và 1 cho mức thấp nhất). Trong giai đoạn 2, sáu học sinh đã được mời tham gia vào các buổi phỏng vấn bán cấu trúc một cách ngẫu nhiên và được mã hoá như sau BS74, BS55, BS10, CS91, CS55 và CS28. Phân tích dữ liệu: dữ liệu định lượng từ NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 25THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 1/2018 bảng hỏi được phân tích bằng phần mềm SPSS 22. Hệ số p được cài đặt ở giá trị 0,05 cho tất cả các phép thử. Dữ liệu được phân tích ở hai mức độ: thống kê mô tả và thống kê suy luận. Dữ liệu phỏng vấn được phân tích bằng phần mềm Nvivo với kỹ thuật phân tích chủ đề. 3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Về kỹ năng đánh giá thông tin Điểm số đã được chuyển thành điểm phần trăm để thuận tiện cho việc đánh giá và so sánh. Điểm phần trăm được chia thành ba nhóm: ít hơn hoặc bằng 30%, cao hơn 30% và ít hơn 70%, và cao hơn hoặc bằng 70%. Những nhóm này sau đó được mã hoá lần lượt thành các giá trị: thấp, trung bình và cao. Kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ học sinh đạt điểm cao, trung bình và thấp tương ứng là 6,6%; 61,7% và 31,7%. Học sinh đạt điểm thấp nhất trong việc xác định nguồn tin phù hợp 11,5% và cao nhất cho việc đánh giá nội dung thông tin 77,6% (Bảng 1). Số điểm trung bình chung cho kỹ năng đánh giá thông tin là 38,36. Số điểm này thấp hơn so với số điểm trung bình mong đợi là 50. Điều này chứng tỏ rằng kỹ năng đánh giá thông tin của học sinh vẫn chưa tốt. Bảng 1. Điểm phần trăm cho các kỹ năng đánh giá thông tin Kỹ năng Điểm (%) Đánh giá nguồn tin phù hợp 11,5 Đánh giá nguồn tin có thẩm quyền 44,8 Đánh giá nội dung thông tin 77,6 Kỹ năng đánh giá thông tin của các bậc học: Khi so sánh điểm kỹ năng đánh giá thông tin giữa các bậc học, kết quả đáng ngạc nhiên là học sinh lớp 10 đạt điểm cao hơn so với hai bậc học còn lại. Trong khi học sinh lớp 10 đạt 41,59 thì lớp 11 và 12 lần lượt đạt được số điểm là 32,36 và 40,31. Phân tích thống kê đã được sử dụng để khám phá mối quan hệ giữa kỹ năng đánh giá thông tin và bậc học. Kết quả chỉ ra rằng, không có mối quan hệ nào mang tính thống kê giữa kỹ năng đánh giá thông tin và bậc học của học sinh (p>0.05). Kỹ năng đánh giá thông tin của nam và nữ: Kết quả khảo sát cho thấy, kỹ năng đánh giá thông tin của nữ tốt hơn so với học sinh nam (38,99 vs. 37,62). Tuy nhiên, kết quả phân tích thống kê chỉ ra rằng không có sự khác biệt mang tính thống kê về điểm trung bình giữa học sinh nam và học sinh nữ (p>0,05). Tự đánh giá kỹ năng thông tin: Học sinh đã được yêu cầu tự đánh giá kỹ năng đánh giá thông tin của họ dựa trên những gì họ đã làm trong phiếu hỏi. Thang đo năm điểm sau đó đã được mã hoá. Cụ thể, từ 1 đến 2, 3, và từ 4 đến 5 lần lượt được mã hoá với các giá trị thấp, trung bình và cao. Kết quả thu về cho thấy, học sinh khá tự tin với kỹ năng đánh giá thông tin của chính mình với 26,8% nghĩ kỹ năng của mình cao. Trong khi đó, 49,2% học sinh nghĩ kỹ năng của mình ở mức độ trung bình, còn 24% cho rằng là ở mức độ thấp. Tương quan giữa dữ liệu nhân khẩu học và kỹ năng đánh giá thông tin: Phân tích thống kê tương quan đã được sử dụng để khám phá mối quan hệ giữa các biến. Theo Cohen (1988), giá trị thống kê ‘r’ chỉ ra mức độ tương quan của các biến: • Yếu nếu r = 0,10 - 0,29 • Trung bình nếu r = 0,30 - 0,49 • Mạnh nếu r = 0,50 - 1,00 NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 26 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 1/2018 Kết quả phân tích số liệu chỉ ra rằng, không có mối tương quan giữa các biến nhân khẩu học (giới và bậc học) và kỹ năng đánh giá thông tin (r = -.033 cho phân tích tương quan giữa giới và điểm đánh giá thông tin; r = -.024 cho phân tích tương quan giữa bậc học và điểm đánh giá thông tin). Điều này chứng tỏ rằng giới và bậc học không được dùng để dự đoán kỹ năng đánh giá thông tin của học sinh. 3.2. Về phương pháp đánh giá thông tin Kết quả phỏng vấn chỉ ra rằng học sinh thường sử dụng bảy phương pháp sau để đánh giá thông tin. - Quen thuộc: Học sinh ưu tiên cho những nguồn tin mà họ thường sử dụng. Khi em sử dụng Google để tìm tin thì em thường để ý tên của mấy trang Web đó. Nếu là Wikipedia hay Violet, em sẽ ưu tiên sử dụng trước. Nếu chúng không cung cấp thông tin em cần thì em mới truy cập những trang Web khác (BS74). Khi truy cập Internet, em thường tìm những thông tin mới nhất trên báo Tuổi Tré hoặc Dân Trí (CS51). Em tin những nguồn tin mà em thường sử dụng hoặc có kinh nghiệm với nó rồi (CS28). Học sinh tin những nguồn tin mà các em thường sử dụng hoặc biết trước đó. Họ tin rằng những trang Web, ví dụ Wikipedia, Violet, Tuổi Trẻ hay Dân trí, có thể cung cấp những thông tin đáng tin cậy. - Kết quả đầu tiên: Học sinh có thói quen là cái nào tìm được trước thì dùng trước, do đó họ ưu tiên những kết quả tìm được đầu tiên. Thông thường nếu em dùng Google để tìm tin, em thường tìm thông tin trong những trang kết quả đầu tiên từ 1 đến 3. Những kết quả ở những trang sau đó thì không còn đáng tin nữa (BS74). Học sinh tin rằng những kết quả tìm đầu tiên truy xuất được thì đáng tin hơn. Những kết quả đầu tiên có thể là những kết quả có liên quan nhất, nhưng dù là như thế không có điều gì có thể bảo đảm rằng chúng là những nguồn tin đáng tin cậy và có chất lượng tốt. - Lặp lại: Thông tin được lặp lại nhiều lần được xem là một tiêu chuẩn giúp học sinh đánh giá là nguồn tin có đáng tin cậy hay không. Các tờ báo lớn của Việt Nam thường đăng những thông tin giống nhau, vì vậy chúng ta có thể tin những tờ báo đó (BS74). Học sinh tin những nguồn tin mà thông tin có thể được tìm thấy ở những nguồn tin khác. Tuy nhiên, việc dễ dàng công bố thông tin và những vấn đề xoay quanh việc vi phạm bản quyền có thể dẫn đến tình trạng các thông tin giống nhau được tìm thấy ở những nguồn tin khác nhau. Chính vì thế, thông tin được lặp lại nhiều lần có thể không xuất phát từ những nguồn tin đáng tin cậy. Có một điều đáng lo ngại là nếu học sinh tiếp tục đánh giá các nguồn tin theo cách này và nếu những thông tin sai lệch được cung cấp, học sinh có thể không tìm được những thông tin chất lượng tốt. - Tên tác giả: Nghiên cứu tìm ra rằng, học sinh đánh giá thông tin dựa trên tên của tác giả. Những tờ báo lớn thường đặt tên tác giả ở cuối mỗi bài báo. Ở Việt Nam, mọi người thường viết tắt tên tác giả sử dụng hai chữ cái, vì vậy em không có tin những bài báo đó (BS74). Học sinh cảm thấy tự tin hơn khi sử dụng NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 27THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 1/2018 những nguồn tin cung cấp tên đầy đủ của tác giả. Sử dụng tên tác giả để đánh giá thông tin được sử dụng trong nhiều trường hợp, ví dụ, những bài viết được xuất bản bởi những tên tuổi lớn và nổi tiếng. Tuy nhiên, sử dụng tên đầy đủ của tác giả vẫn còn là một kỹ thuật cần phải đặt dấu chấm hỏi khi đánh giá thông tin/nguồn tin. - Thông tin phản hồi từ người dùng tin khác: Học sinh tin rằng thông tin phản hồi từ người dùng tin khác có thể giúp họ đánh giá nguồn tin/thông tin. Em thường xem đánh giá của những người khác liên quan đến những gì em đang tìm kiếm. Em xem họ nói gì và sau đó quyết định là có sử dụng thông tin đó hay không (BS55). Chúng ta có thể nói là thông tin có đúng hay không dựa trên ý kiến đánh giá của người khác (BS10). Trên thực tế, ý kiến phản hồi được sử dụng khá phổ biến trong nhiều trường hợp, ví dụ, đánh giá sách. Việc sử dụng ý kiến đánh giá của người khác có thể mang lại nhiều lợi ích cho học sinh khi đánh giá thông tin, ví dụ như, hiểu hơn về nguồn tin và chất lượng của thông tin. Tuy nhiên, có một điểm quan ngại là làm cách nào học sinh có thể quyết định những ý kiến đánh giá nào là đáng tin khi xem xét một khối lượng lớn và những ý kiến trái chiều về nguồn tin/thông tin nào đó. - Lượng truy cập: Lượng truy cập cũng được xem là yếu tố giúp học sinh nhận diện một nguồn tin đáng tin cậy hay không. Em thường sử dụng các trang Web được nhiều người truy cập (BS10). Học sinh có xu hướng sử dụng những trang web được truy cập bởi nhiều người. Điều này có nghĩa rằng, học sinh tin rằng tỷ lệ truy cập càng cao thì chất lượng nguồn tin càng tốt. Trên thực tế, số lượng người sử dụng có thể được xem là nhân tố phản ánh tầm ảnh hưởng của một trang Web. Tuy nhiên, không phải trang Web nào cũng cung cấp thông tin về lượng người truy cập. - Bên thứ ba: Học sinh sử dụng bên thứ ba để đánh giá nguồn tin/thông tin. Nếu giáo viên của em truy cập vào trang Web nào thì có nghĩa là nó đáng tin cậy Chúng ta có thể kiểm tra một cách dễ dàng thông tin trên Internet bằng cách hỏi người lớn tuổi hơn để giúp chúng ta tìm kiếm được thông tin chính xác (BS10). Có thể thấy rằng, học sinh tin những nguồn tin được sử dụng bởi giáo viên của họ. Họ cũng có thể tìm kiếm lời khuyên từ những người lớn tuổi hơn như cha mẹ hay anh chị để tìm kiếm được những nguồn tin chất lượng tốt. Điều này có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho học sinh trong việc xác định những nguồn tin đáng tin cậy. Tuy nhiên, nếu họ tin dùng những nguồn tin được sử dụng bởi giáo viên của mình mà không hiểu lý do tại sao thì họ có thể biến thành những người tìm tin thụ động. Điều này cũng dẫn đến mối lo là khi học sinh rời khỏi ghế nhà trường và không còn cơ hội để nhận được sự giúp đỡ của các giáo viên nữa, làm cách nào họ có thể xác định được nguồn tin/thông tin phù hợp cho bản thân. Như vậy có thể thấy rằng, học sinh xem một nguồn tin/thông tin là đáng tin cậy nếu chúng có tính quen thuộc, là những kết quả truy xuất đầu tiên, có tính lặp lại, có tên tác giả đầy đủ, nhận được ý kiến phản hồi tích cực từ người dùng tin khác, có lượng truy cập cao, và được sử dụng hoặc đề xuất bởi một bên thứ ba. Quan điểm của học sinh về một nguồn tin/thông tin đáng tin cậy được thể hiện trong Sơ đồ 1. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 28 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 1/2018 Sơ đồ 1. Quan điểm của học sinh về nguồn tin/thông tin đáng tin cậy 4. Thảo luận Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, kỹ năng đánh giá thông tin của học sinh vẫn chưa tốt như mong đợi để giúp họ nhận diện những nguồn tin phù hợp. Kết quả này củng cố quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu khác, ví dụ như Godwin (2006), Williams & Rowlands (2007), Pickard et al. (2014), và Walton et al. (2016). Các nhà nghiên cứu này đều nhận định rằng, đánh giá thông tin không phải là thế mạnh của thanh thiếu niên. Điểm yếu trong kỹ năng đánh giá thông tin cũng được chứng minh trong một loạt các nghiên cứu thực hiện ở những bậc học khác nhau, ví dụ như Adams (1999), Knight (2006), Ali et al. (2010) và Chang et al. (2012). Adams (1999) tìm ra rằng các học sinh lớp 12 gặp nhiều vấn đề trong việc đánh giá các nguồn tin khoa học. Kết quả này được củng cố bởi Knight (2006) khi tác giả này chứng minh rằng sinh viên năm nhất có kỹ năng đánh giá thông tin không tốt bằng tìm kiếm hay sử dụng thông tin. Ali et al. (2010) phát hiện ra rằng, các sinh viên thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để đánh giá thông tin trên Internet. Trong khi đó, Chang et al. (2012) đề xuất rằng các học sinh trung học của Singapore cần phải cải thiện các kỹ năng đòi hỏi tư duy cao hơn như đánh giá, tổng hợp và sử dụng thông tin khi so sánh với những kỹ năng khác. Có thể thấy rằng, các học sinh Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi chưa thể hiện được một trình độ tốt trong việc đánh giá thông tin. Kỹ năng đánh giá thông tin chưa tốt có thể bị gây ra bởi một số nguyên nhân. Thứ nhất, sự thật là việc đánh giá thông tin thì khá phức tạp và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với một số kỹ năng khác, ví dụ như tìm tin (Pickard et al., 2014). Bên cạnh đó, việc đánh giá thông tin trong môi trường số cũng gặp nhiều thách thức hơn (Andretta, 2005). Đồng thời, trên thực tế tầm quan trọng của việc đánh giá thông tin vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng mực bởi những người làm công tác giáo dục (Pickard et al., 2014). Theo Godwin (2006), các trang Web hướng dẫn kỹ năng thông tin chủ yếu tập trung vào kỹ năng tìm kiếm hơn là đánh giá thông tin. Học sinh chủ yếu sử dụng những kỹ thuật đơn giản để đánh giá thông tin như: sử dụng những trang Web quen thuộc, sự lặp lại, kết quả truy xuất đầu tiên, tên tác giả, đánh giá từ người dùng tin khác, tỷ lệ truy cập và bên thứ ba. Điều này cho thấy rằng, học sinh ít nỗ lực trong việc đánh giá thông tin để tìm ra nguồn tin/thông tin có chất lượng tốt. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của một số nhà nghiên cứu như Hirsh (1999), Grimes & Boening (2001), Buschman & Warner (2005), Knight (2006), Pickard et al. (2014), và Walton et al. (2016). Những nhà nghiên cứu này chỉ ra rằng học sinh có khuynh hướng đánh giá thông tin một cách cẩu thả và thậm chí còn sử dụng những nguồn tin chưa được đánh giá và thẩm định để phục vụ cho mục đích của mình. Pickard et al. (2014) NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 29THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 1/2018 cho rằng, mặc dù trong môi trường thông tin số, chúng ta không thể hoàn toàn khẳng định nguồn tin/thông tin nào là đáng tin cậy, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta dễ dàng chấp nhận những thông tin mà mình tìm được. Những nghiên cứu trước đây chỉ ra một số chỉ thị học sinh thường sử dụng để đánh giá thông tin. Các nhân tố này được thể hiện trong mô hình i-Trust của Pickard et al. (2011), bao gồm các nhân tố bên ngoài (tài chính, sự tín nhiệm) và các nhân tố bên trong (sự chính xác, thẩm quyền, tính khách quan, tính mới, tính bao phủ, trình bày và hình thức, nguồn gốc của nguồn/trang Web, trích dẫn và động cơ của nguồn tin) và nhận thức của người dùng tin. Harris (2008) tìm ra rằng học sinh thường đánh giá thông tin/nguồn tin dựa vào cách thiết kế và trình bày của các trang Web. Trong khi đó, Pickard et al. (2014) chỉ ra rằng học sinh chủ yếu dựa trên ngữ pháp và chính tả, tính thời sự, dễ xác minh và hợp thời điểm. Wynne et al. (2009) tổng kết năm dấu hiệu được dùng để đánh giá kết quả tìm bao gồm: sự xuất hiện của thuật ngữ tìm trong nhan đề và nội dung, nguồn và uy tín của thông tin, độ đáng tin của nguồn, loại xuất bản phẩm và tính mới của tài liệu. Duffy et al. (2010) chứng minh rằng, thông tin trên Internet được đánh giá dựa trên tốc độ, tính cập nhật và sự đa dạng của các quan điểm. Walton et al. (2016) tìm thấy rằng, thanh thiếu niên đặt niềm tin vào những thông tin có nhiều hơn một tác giả. Có thể thấy rằng, không có bất kỳ kỹ thuật hay phương pháp nào được đề cập đến trong những nghiên cứu ở trên được sử dụng bởi các học sinh tham gia vào nghiên cứu này khi đánh giá thông tin/nguồn tin. Mặc dù học sinh cũng dựa trên tác giả của nguồn tin nhưng lại sử dụng theo một cách khác biệt. Họ cảm thấy tự tin hơn khi sử dụng những nguồn tin cung cấp tên đầy đủ của tác giả. Nghiên cứu này tìm ra rằng, học sinh đánh giá kỹ năng đánh giá thông tin của họ cao hơn so với thực tế. Kết quả này tương ứng với những nghiên cứu trước đây bởi các nghiên cứu chỉ ra rằng thanh thiếu niên không đánh giá chính xác năng lực thông tin của mình và có khuynh hướng đánh giá kiến thức và kỹ năng thông tin của mình cao hơn so với thực tế (Buschman & Warner, 2005; Gross & Latham, 2007). Việc đánh giá quá cao khả năng của mình trong thực tế có thể làm giảm động lực để phát triển kỹ năng của chính bản thân (Freund & Kasten, 2012). Chính vì thế, giúp học sinh nhận thức được năng lực thật của bản thân là rất cần thiết (Ackerman & Wolman, 2007). Kết luận Nhìn chung kỹ năng đánh giá thông tin của thanh thiếu niên Việt Nam được khảo sát trong nghiên cứu này vẫn chưa được trang bị tốt. Đồng thời, họ cũng vẫn chưa nhận thức được đúng năng lực đánh giá thông tin của chính bản thân mình. Chính vì thế, nhu cầu cải thiện kỹ năng đánh giá thông tin của các học sinh là có thật và rất cần thiết. Những người làm công tác giáo dục cần phải chú trọng đến việc phát triển kỹ năng này trong những hướng dẫn/ chương trình đào tạo kỹ năng thông tin để hỗ trợ học sinh trở thành những người có khả năng học tập và làm việc độc lập. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ackerman, P., & Wolman, S. (2007). Determinants and validity of self-estimates of abilities and self-concept measures. Journal of Experimental Psychology: Applied, 13(2), 57-78. 2. Adams, S. (1999). Critiquing claims about global warming from the world wide web: a comparison of high school students and specialists. Bulletin of Science, Technology and Society, 19(6), 539-543. NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI 30 THÔNG TIN VÀ TƯ LIỆU - 1/2018 3. Ali, R., Abu-Hassan, N., Daud, M., & Jusoff, K. (2010). Information literacy skills of engineering students. IJRRAS, 5(3), 264-270. 4. Andretta, S. (2005). Information literacy: a practitioner's guide. Oxford: Chandos. 5. Bartlett, J. & Miller, C. (2011). Truth, lies and the Internet: a report into young people's digital fluency. London: Demos. 6. Buschman, J., & Warner, D. (2005). Researching and shaping information literacy initiatives in relation to the web: some framework problems and needs. Journal of Academic Librarianship, 31(1), 12-18. 7. Chang, Y., Zhang, X., Mokhtar, I., Foo, S., Majid, S., Luyt, B., & Theng, Y. (2012). Assessing students' information literacy skills in two secondary schools in Singapore. Journal of Information Literacy, 6(2), 19-34. 8. Cohen, J. (1988). Statistical power analysis for the behavioral sciences (2nd ed.). Hillsdale, N.J: L. Erlbaum Associates. 9. Duffy, A., Liying, T., & Ong, L. (2010). Singapore teens' perceived ownership of online sources and credibility. First Monday, 15(4), NP-NP. 10. Freund, P., & Kasten, N. (2012). How smart do you think you are? A meta-analysis on the validity of self-estimates of cognitive ability. Psychological Bulletin, 138(2), 296-321. 11. Godwin, P. (2006). Keeping up with the Google generation: the challenge for information literacy teachers. In G. Walton & A. Pope (Eds.), Information literacy: recognising the need (pp. 33-39). Oxford: Chandos Publishing. 12. Grimes, D., & Boening, C. (2001). Worries with the Web: a look at student use of Web resources. College and Research Libraries, 62(1), 11-23. 13. Gross, M., & Latham, D. (2007). Attaining information literacy: an investigation of the relationship between skill level, self- estimates of skill, and library anxiety. Library and Information Science Research, 29(3), 332- 353. 14. Harris, F. (2008). Challenges to teaching credibility assessment in contemporary schooling. In M. Metzger & A. Flanagin (Eds.), Digital media, youth, and credibility (pp. 155- 180). Cambridge, MA: MIT Press. 15. Hirsh, S. (1999). Children's relevance criteria and information seeking on electronic resources. Journal of the American Society for Information Science, 50(14), 1265-1283. 16. Knight, L. (2006). Using rubrics to assess information literacy. Reference Services Review, 34(1), 43-55. 17. Pickard, A., Gannon-Leary, P., & Coventry, L. (2011). The onus on us? Stage one in developing an i-Trust model for our users. 35(111), 87-104. 18. Pickard, A., Shenton, A., & Johnson, A. (2014). Young people and the evaluation of information on the World Wide Web: principles, practice and beliefs. Journal of Librarianship and Information Science, 46(1), 3-20. 19. Walton, G., Pickard, A., Dodd, L., & Hepworth, M. (2016). Not "born digital": enabling teens to question information sources. CILIP UPDATE, 42-45. 20. Williams, P., & Rowlands, I. (2007). Information behaviour of the researcher of the future: the literature on young people and their information behaviour. org.uk/wayback/archive/20140614113317/ programmes/reppres/ggworkpackageii.pdf 21. Wynne, B., Wong, W., Stelmaszewska, H., Barn, B., Bhimani, N., & Barn, S. (2009). JISC user behaviour observational study: user behaviour in resource discovery - Final report. wayback/archive/20140615234228/http:// www.jisc.ac.uk/media/documents/publications/ programme/2010/ubirdfinalreport.pdf (Ngày Tòa soạn nhận được bài: 25-10-2017; Ngày phản biện đánh giá: 4-12-2017; Ngày chấp nhận đăng: 20-12-2017).

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfky_nang_danh_gia_thong_tin_cua_thanh_thieu_nien_viet_nam.pdf