Luận văn Đặc điểm của tùy bút, bút kí trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975

MS: LVVH-LLVH016 SỐ TRANG: 102 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2010 DẪN NHẬP 1. Lí do chọn đề tài Trong lịch sử văn học Việt Nam, kí có một dấu ấn khá rõ nét, tuy nhiên tùy theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể mà dấu ấn đó được thể hiện ở những mức độ khác nhau. Sự phát triển của thể kí đã góp phần làm phong phú diện mạo văn học 1930 – 1945. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, thể kí phát triển mạnh mẽ và đến giai đoạn 1954 – 1975 kí thực sự là một thể loại chủ lực, bám sát và phản ánh hiện thực một cách chân thực, rõ nét. Cùng với thơ ca và tiểu thuyết, sự phát triển của thể kí đã làm nên không khí sôi nổi, sinh động cho đời sống văn học lúc bấy giờ. Trong thành tựu kí văn học giai đoạn này, tùy bút và bút kí là hai thể loại tiêu biểu. Đây là hai thể loại đã gặt hái được những thành công đáng kể, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn học cách mạng Việt Nam 1954 – 1975, đặc biệt làm nên tên tuổi của nhiều nhà văn. Nghiên cứu về hai thể loại này, đã có những công trình có giá trị như công trình nghiên cứu về tùy bút giai đoạn 1930 – 1945 hay giai đoạn 1975 – 2000. Nhưng tùy bút, bút kí giai đoạn 1954 – 1975 thì vẫn chưa được chú ý nhiều, chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện. Chính vì thế nghiên cứu tùy bút, bút kí giai đoạn 1954 – 1975 thật sự là một điều cần thiết để có cái nhìn tổng thể về hai thể loại này trong lịch sử văn học Việt Nam. Mặt khác, hiện nay có khá nhiều tác phẩm kí được trích giảng trong chương trình Ngữ Văn Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, là một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, tôi thiết nghĩ việc tìm hiểu tùy bút, bút kí giai đoạn 1954 – 1975 là rất quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn. Vì thế tôi chọn đề tài Đặc điểm của tùy bút, bút kí trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 cho bản luận văn này. 2. Mục đích, phạm vi nghiên cứu Nghiên cứu tùy bút, bút kí giai đoạn 1954 - 1975 nhằm xác định những đặc điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm thuộc hai thể loại này, qua đó thấy được những đóng góp của tùy bút, bút kí đối với văn học cách mạng Việt Nam. Từ đó sẽ có được những tư liệu quan trọng phục vụ công tác giảng dạy. Văn học 1954 – 1975 là giai đoạn văn học gặt hái được nhiều thành tựu ở nhiều thể loại như tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, kí . Đặc biệt là vào thập niên sáu mươi, thể kí với sự nở rộ của nhiều thể loại đã tạo được sự chú ý của đông đảo bạn đọc và giới nghiên cứu. Riêng tùy bút, bút kí, đã có rất nhiều tác phẩm ra đời có giá trị cao cả về nội dung lẫn nghệ thuật định hình được phong cách của nhiều nhà văn. Tuy nhiên trong khuôn khổ của luận văn, người viết không thể bao quát được tất cả những tác phẩm của hai thể loại ra đời trong hơn hai mươi năm mà chỉ tiếp cận những tác phẩm nổi bật, có sức ảnh hưởng lớn đối với đời sống văn học và cũng phần nào làm nên tên tuổi của nhà văn. Đó là những tác phẩm tiêu biểu của những nhà văn như: Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Anh Đức, Bùi Hiển, Thép Mới, Trần Hiếu Minh, Khánh Vân, và một số tác phẩm của các tác giả khác đã in chung ở một số sách. 3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 3.1. Nghiên cứu chung về tùy bút, bút kí giai đoạn 1954 – 1975 Cho đến nay (thời điểm người viết hoàn thành luận văn), chưa có một công trình hay một bài viết nào bàn riêng về tùy bút, bút kí trong văn học giai đoạn 1954 – 1975 mà chỉ xuất hiện những ý kiến trong những bài viết chung về thể kí. Hà Minh Đức trong cuốn Kí viết về chiến tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong mục nói về Bút kí có đề cập đến bút kí của Chế Lan Viên, Thép Mới, và khẳng định có nhiều đóng góp. Còn trong mục Tùy bút, nhắc đến tùy bút Nguyễn Tuân sau cách mạng. Phạm Văn Sĩ trong cuốn Văn học giải phóng miền Nam có những bài viết riêng về các tác giả như Nguyễn Thi, Anh Đức, Trần Hiếu Minh, Nguyễn Trung Thành trong đó khẳng định sự đóng góp của các tùy bút, bút kí trong sự phát triển của kí miền Nam. Trong cuốn Văn học Việt Nam tập hai (1945 – 1975) do Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên viết về một số tác giả tiêu biểu như Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Nguyễn Thi và có những nhận xét, đánh giá về tùy bút, bút kí của họ trong giai đoạn này. Ngoài ra, từ năm 1966 đến 1968, khi Tạp chí Văn học mở đợt trao đổi ý kiến về Thể kí và vấn đề viết về người thật, việc thật đã có rất nhiều bài viết gửi đến. Trong các bài viết, các tác giả đề cập nhiều đến tùy bút và bút kí giai đoạn này. Như bài viết của Phan Nhân – Suy nghĩ về khả năng của thể kí (Qua một số bút kí ghi chép, hồi kí của miền Nam) quan tâm đến bút kí Cửu Long cuộn sóng của Trần Hiếu Minh “đã đạt được yêu cầu trước mắt: ghi nhanh những biến cố, những mẩu chuyện những con người trong một lúc và trình bày có hệ thống cả quá trình chuyển biến của từng sự kiện quan trọng dưới một chủ đề nhất định”[62]. Ông cũng nói đến tùy bút của Nguyễn Trung Thành, “Đọc Đường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành tôi càng tin vào tiền đồ phát triển của thể tùy bút trong văn học cách mạng miền Nam”[62], hay bút kí của Anh Đức, Nguyễn Thi Trong bài viết Phân loại tùy bút đăng trên tạp chí Khoa học xã hội, số 04/2009, tác giả Trần Văn Minh đã phân chia các loại tùy bút, trong đó các tùy bút thuộc giai đoạn văn học 1954 – 1975 được tác giả xếp vào tiểu loại tùy bút chiến tranh và ông nhận xét “Nhưng hình như cứu cánh của những trang tùy bút chiến tranh không ở chỗ phục dựng lại không khí lịch sử. Nó tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến việc giãi bày tâm tư tình cảm của con người Việt Nam đằng sau những biến cố lịch sử ấy. Đó là tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt, là nỗi đau xé lòng trước cảnh loạn li tang tóc, là lòng căm thù giặc sâu sắc, là quyết tâm chiến đấu để giành lại độc lập tự do”[48]. Trong năm 2007, luận văn thạc sĩ của Võ Thị Bích Hiền – Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với đề tài Tùy bút Việt Nam giai đoạn 1975 – 2000, có phác thảo một vài nét về tùy bút giai đoạn 1954 – 1975 trong quá trình phát triển của tùy bút Việt Nam 3.2. Nghiên cứu về từng tác giả 3.2.1. Bút kí Anh Đức Chu Nga trong bài viết bàn về Phong cách trữ tình trong sáng tác của Anh Đức, đã lấy bút kí của Anh Đức làm đối tượng trung tâm để nghiên cứu “Đọc các bút kí của anh, chúng ta luôn luôn có cảm giác như anh đang trực tiếp nói chuyện với ta. Anh kể cho ta nghe về vùng quê anh – Cà Mau – nơi “cuối đất” của Tổ quốc, về những gian nan vất vả mà đồng bào ta trong ấy đã trải qua trên hai mươi năm trời chiến đấu. Nhưng điều chính nhất mà anh kể trong thư có lẽ vẫn là những thắng lợi ngày càng lớn mà đồng bào miền Nam đã giành được kể từ sau ngày đồng khởi”[56]. Diệp Minh Tuyền đánh giá cao bút kí của Anh Đức ở nhiều khía cạnh như nghệ thuật miêu tả, ngôn ngữ. Tác giả kết luận “Các bài bút kí của anh có cái chiều dài rộng lớn của không gian bao la và cái chiều dài của thời gian đằng đẵng”[89]. Trong bài viết về tác giả Anh Đức, tác giả Phạm Văn Sĩ nhận xét “bút kí của Anh Đức giàu tính chất hiện thực và viết khá duyên dáng”[68/253], tiếp đó tác giả phân tích những biểu hiện nội dung, nghệ thuật của các bài bút kí để minh chứng cho nhận định trên. Bàn về thiên nhiên trong tác phẩm của Anh Đức, đặc biệt trong bút kí, tác giả Hoài Anh nhận xét “Anh không những đã có vốn sống viết về những cái thực sự mình nếm trải mà còn có năng lực cảm thụ thiên nhiên, nhạy bén nắm bắt những thay đổi tinh tế trong cảnh sắc thiên nhiên ở vùng đất Rạch Giá, Cà Mau và nói chung là miền Tây Nam Bộ”[2], . 3.2.2. Tùy bút, bút kí Nguyễn Trung Thành Phạm Văn Sĩ đã có những nhận xét rất xác đáng về tùy bút cũng như bút kí của Nguyễn Trung Thành, đặc biệt là về giá trị và sức ảnh hưởng của những tác phẩm này, ông cho rằng “Tùy bút của Nguyễn Trung Thành mang những suy nghĩ của tác giả về cuộc kháng chiến hôm nay, về lịch sử dân tộc hôm qua và nói lên thái độ sắt son khảng khái của nhà văn được bạn đọc chúng ta xem như một tuyên ngôn chống Mĩ, cứu nước của nhà văn miền Nam.”[68/305]. Và “tùy bút của Nguyễn Trung Thành gợi cho người đọc nhận thức đúng về lịch sử của dân tộc mình và tìm cách vận dụng những bài học hay của lịch sử để tăng thêm sức mạnh chiến đấu hôm nay của chúng ta và để làm cho cuộc sống của chúng ta thêm ý nghĩa”[68/305]. Bàn về cách viết của Nguyễn Trung Thành, Phan Nhân viết: “Nguyễn Trung Thành suy nghĩ, lí luận và kể chuyện toàn bằng hình ảnh rút ra từ cuộc sống nên vừa trong sáng vừa chân thật đầy sức thuyết phục. Anh chứng minh bằng những mẩu chuyện, đúng hơn là bằng những tính cách, những nét tiêu biểu có tính chất điển hình trong cuộc sống, nên nội dung càng phong phú, tư tưởng càng cao đẹp.”[62]. 3.2.3. Tùy bút, bút kí Nguyễn Thi Phan Nhân trong Suy nghĩ về khả năng của thể kí đã nhận xét về Nguyễn Thi và tùy bút Dòng kinh quê hương của ông “Nguyễn Thi một cây bút vốn giàu chất thơ, trước cảnh quê hương bị tàn phá, đã truyền cho ta tất cả những rung cảm đậm đà tình thương và lòng tự hào bằng những hình ảnh quen thuộc của đất nước rất nên thơ”[62]. Trong bài viết của mình về Nguyễn Thi, tác giả Phạm Văn Sĩ đánh giá chung về khả năng viết tùy bút của Nguyễn Thi, “Trong thể kí thì tùy bút được viết với bút pháp thiên về trữ tình, với những liên hệ về truyền thống, về lịch sử anh hùng của dân tộc”[68/219], sau đó ông tập trung phân tích các tùy bút, bút kí tiêu biểu như Dòng kinh quê hương, Đại hội anh hùng, Những câu nói ghi trong đại hội, Ước mơ của đất Theo Hà Minh Đức, trong bài viết chung về Kí trong thời kì chống Mĩ cứu nước, khi nhắc đến kí Nguyễn Thi, đặc biệt là tùy bút ông viết “Nguyễn Thi có nhiều cảm xúc đẹp trên những trang tùy bút Dòng kinh quê hương, nhưng dường như anh muốn tập trung và ưu tiên dành những trang viết để ghi chép về những người anh hùng đẹp của đất nước quê hương”[16/158] 3.2.4. Bút kí Trần Hiếu Minh Chủ yếu ca ngợi tập bút kí Cửu Long cuộn sóng, các tác giả Phạm Văn Sĩ, Phan Nhân, Hà Minh Đức, Bích Thu đều có những nhận xét xác đáng và đáng ghi nhận về việc ghi chép của Trần Hiếu Minh và giá trị của các tác phẩm: “Cửu Long cuộn sóng của Trần Hiếu Minh đã ghi lại được một khí thế cách mạng chưa từng thấy trong mỗi con người và từng thôn xóm ở mảnh đất Bến Tre”[80]. “Tập bút kí của Trần Hiếu Minh có tác dụng giáo dục tích cực, kịp thời, trước hết là vì những chất liệu mà tác giả khai thác là những chất liệu rất quý giá, rút ra từ trong thực tế máu lửa của chiến tranh và của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, rút ra từ trong ngọn lửa đồng khởi, ngay trên mảnh đất quê hương của đồng khởi. Tập bút kí viết kịp thời nóng hổi không khí cách mạng và khí thế anh hùng của người Bến Tre, đóng góp vào việc thúc đẩy sự nghiệp chống Mĩ của nhân dân miền Nam.”[68/289]. 3.2.5. Bút kí Bùi Hiển Trong quá trình đi lâu dài trên trên vùng tuyến lửa khu 4, Bùi Hiển viết khá nhiều bút kí. Phần lớn những bài viết đó đã được tập hợp trong Đường lớn và tập Trong gió cát (Trong gió cát in chung với một số truyện ngắn). Nguyễn Cương trong bài Đọc Đường lớn, bút kí của Bùi Hiển viết “Ấn tượng sâu nhất còn để lại sau khi đọc tập bút kí này là những bài viết về tội ác đẫm máu của giặc Mĩ. Những bài viết đó tuy chiếm số ít nhưng gây được nhiều xúc động ở người đọc. Đó là Nợ máu và đặc biệt: Chúng nó là một lũ đê hèn”[8]. Tuy nhiên người viết bài này cũng có nhắc đến một vài khuyết điểm của tập bút kí “Nếu như chỗ mạnh của anh là quan sát tỉ mỉ, công phu, sử dụng đến mức cao nhất tiếng nói của bản thân chất liệu cuộc sống thì chỗ yếu của anh lại chính là sự việc có lúc bị đưa vào quá nhiều, chưa thành những điểm tựa để khi đứng cạnh nhau làm bật lên những vấn đề của cuộc sống. Nhược điểm đó làm cho vài bài viết của anh trở nên bằng phẳng và tản mạn”[8]. Tác giả Nguyễn Phan Ngọc lại ấn tượng với năm bài bút kí của Bùi Hiển, đó là Bám biển, Về Đại Phong, Nhật kí Vĩnh Linh, Trong gió cát, Chúng ta chiến đấu và chiến thắng, ông viết “Năm bài bút kí đã giúp tôi hiểu thêm những con người Việt Nam mới, dũng cảm, đầy khí phách anh hùng, đầy tinh thần chiến đấu và chiến thắng; biết rõ thêm cuộc sống mới, cuộc sống mỗi ngày mỗi phát triển vô cùng nhanh chóng và diệu kì.”[60]. 3.2.6. Tùy bút, bút kí Chế Lan Viên. Các bài viết của Phan Hồng Giang, Hoàng Như Mai đều ca ngợi giá trị của tập bút kí Những ngày nổi giận. Đọc xong cuốn sách, Hoàng Như Mai có cảm giác “Tôi thấy lòng mình bình tĩnh, và tôi chắc rằng đó cũng là cảm tưởng của nhiều người” và khẳng định “tập bút kí của Chế Lan viên những điều anh nói, cái cách anh nói đều toát lên điều đó – đánh giặc Mĩ, đánh thắng”[39]. Phan Hồng Giang thì lại suy nghĩ “Đọc xong Những ngày nổi giận, ấn tượng sâu sắc để lại trong lòng người đọc là những trang sách của Chế Lan Viên đã bám sát được thời sự và cuộc sống của chúng ta”[20/47]. Bên cạnh đó, trong bài viết của mình, hai tác giả này cũng đã chỉ ra những tồn tại mà tập bút kí này mắc phải, chủ yếu là ở mặt ngôn ngữ, cách tạo dựng hình ảnh. “Nhưng sao rải rác trong một số trang viết của anh, người đọc vẫn thường bắt gặp một số ý nghĩ chung chung, một số hình ảnh, một số từ đã bị lắp lại hơi nhiều làm cho từng đoạn văn chìm đi, ít khêu gợi”[39] và “Anh vận dụng những kĩ xảo về mặt ngôn ngữ hơi nhiều và nghĩ rằng giá được đọc anh giản dị hơn, tự nhiên hơn còn có cảm tưởng sâu sắc hơn về sức sống anh dồn lên ngòi bút ”[39]. Tương tự như thế, Phan Hồng Giang cho rằng một số bài trong tập bút kí có cái ấn tượng “khách quan lạnh lùng” và “cầu kì kiểu cách”. Tác giả bài viết cho rằng Chế Lan Viên “đã nhìn hiện thực có phần nào lạnh lùng”; hay “có khi Chế Lan Viên lạm dụng những biểu tượng ngôn ngữ, kết quả là những biện pháp tu từ đã che lấp mất cảm xúc thực”[20/65]. Về tập bút kí Thăm Trung Quốc, Nguyễn Xuân Nam trong bài viết Chất thơ và chất suy nghĩ của tập bút kí Thăm Trung Quốc nhận xét “Nhìn chung đây là tập bút kí viết khá đều tay, mang nhiều chất thơ và chất suy nghĩ”[53]. Tác giả bài viết đã phân tích những biểu hiện của chất thơ và chất suy nghĩ đó ở các mặt như hình ảnh, bố cục, lời văn . 3.2.7. Bút kí Thép Mới Thép Mới là nhà văn chuyên viết tùy bút, bút kí, ông viết bút kí từ những năm kháng chiến chống Pháp, trong thời kì chống Mĩ, bút lực của Thép Mới vẫn dồi dào và để lại được ấn tượng đẹp. Vũ Đức Phúc trong bài viết Bàn về các thể kí trong văn học từ cách mạng tháng Tám đến nay có bàn về bút kí của Thép Mới “Thép Mới xuất phát từ những chi tiết nhỏ, đi sâu vào bản chất của các sự kiện; anh cũng nghiên cứu toàn diện vấn đề trình bày những khía cạnh chủ yếu của nó, với một lối văn đanh thép hùng hồn, giàu tính chất trữ tình khỏe mạnh”[66] nhưng bên cạnh đó bút kí cũng có những nhược điểm cơ bản, theo tác giả này là “chỉ mới phác họa được qua loa những nhân vật làm anh chú ý”[66]. Riêng Lê Thị Đức Hạnh thì có một bài riêng nghiên cứu về bút kí Thép Mới, đó là bài Bút kí Thép Mới. Tác giả nhận xét “Sở dĩ những bút kí của Thép Mới có sức truyển cảm khá mạnh là do tác giả có tình cảm cách mạng phong phú, sôi nổi và những tình cảm đó được thể hiện trong mỗi suy nghĩ, mỗi hình tượng mà anh xây dựng”[24]. Cũng như tác giả Vũ Đức Phúc, Lê Thị Đức Hạnh cũng nói đến nhược điểm trong bút kí Thép Mới “Thép Mới viết chưa đều tay, hãy còn những đoạn văn hơi khô, thiếu những hình tượng thật cụ thể, sinh động và có lúc lại quá thiên về triết lí. Đó đây còn nhắc đi nhắc lại một số hình ảnh quá quen. Một ít bài còn ở mức tường thuật.”[24]. 3.2.8. Tùy bút Nguyễn Tuân Có thể nói đây là tác giả mà tác phẩm của ông được giới nghiên cứu quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên tùy bút Nguyễn Tuân trong giai đoạn chống Mĩ thì nổi bật ở một số ý kiến của các nhà nghiên cứu như Nguyễn Đăng Mạnh, Vương Trí Nhàn, Hà Văn Đức Nguyễn Đăng Mạnh trong bài “Con đường Nguyễn Tuân đi đến bút kí chống Mĩ” đã lí giải, phân tích những đổi thay trong quan niệm nghệ thuật cũng như trong tác phẩm tùy bút trước và sau cách mạng. “Đến bút kí chống Mĩ, quả thực cuộc sống xã hội đi vào Nguyễn Tuân có tấp nập hơn, sôi nổi hơn và điều đáng chú ý là những con người trong đó phần nhiều được anh mô tả một cách khách quan hơn.”[43]. Quan tâm đến đặc điểm thể loại, Hà Văn Đức có bài viết “Tùy bút Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám”, ông nhận thấy tùy bút giai đoạn chống Mĩ của Nguyễn Tuân “Chất trữ tình đậm đà được kết hợp với chất trí tuệ sắc sảo, với những liên tưởng phong phú, táo bạo bất ngờ đã làm nên nét độc đáo riêng biệt của Nguyễn Tuân” hay “đặc sắc trong tùy bút của Nguyễn Tuân còn ở cái tài kể chuyện rất vui, rất hóm và có duyên của ông.”[18]. Gần đây, năm 2004, Nguyễn Thị Hồng Hà trong luận án tiến sĩ Ngữ Văn Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, với đề tài Đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân, đã nêu lên toàn bộ đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân cả về nội dung và nghệ thuật, trong đó những tác phẩm tùy bút giai đoạn 1954 – 1975 của Nguyễn Tuân cũng được quan tâm rất nhiều. Đặc biệt về hai tập tùy bút nổi tiếng Sông Đà và Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi, tác giả luận án đã cho rằng: “Nếu Sông Đà là một bộ tranh liên hoàn hoành tráng diễn tả vẻ đẹp độc đáo cùng khí thế mở mang lao động đất nước, với chất men lãng mạn đầy chất thơ; thì Hà nội ta đánh Mĩ giỏi là thiên anh hùng ca của tọa độ lửa kiên cường, do chính một nhà văn gốc Hà Nội viết. Nó thể hiện được bản lĩnh văn hóa cao đẹp của thủ đô nghìn năm văn hiến”[22/33] 4. Phương pháp nghiên cứu Thực hiện đề tài Đặc điểm tùy bút, bút kí trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, chúng tôi đã sử dụng kết hợp những phương pháp nghiên cứu sau: 4.1. Phương pháp khảo sát các tác phẩm tùy bút, bút kí của các tác giả đã nêu trong mục 2, trên cơ sở đó chọn lọc những tác phẩm tiêu biểu để phục vụ những yêu cầu cụ thể của từng chương. 4.2. Phương pháp so sánh, chúng tôi sử dụng so sánh lịch đại – so sánh những tác phẩm thời kì trước, so sánh đồng đại – so sánh những tác phẩm của các tác giả cùng thời với nhau từ đó rút ra những đặc trưng chung nhất của tùy bút, bút kí giai đoạn này cũng như nhận ra được nét khác biệt của mỗi tác giả. 4.3. Phương pháp phân tích, người viết sử dụng phương pháp này nhằm đi sâu vào các tác phẩm về mặt nội dung và nghệ thuật. 4.4. Phương pháp nghiên cứu lịch sử nhằm tái hiện những giai đoạn lịch sử dân tộc và những chặng đường phát triển của hai thể loại. 5. Đóng góp của luận văn Với đề tài Đặc điểm của tùy bút, bút kí trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, luận văn kì vọng sẽ có những đóng góp khoa học nhất định. Luận văn khảo sát và xác định những đặc điểm về nội dung và đặc sắc nghệ thuật của tùy bút, bút kí trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975. Trên cơ sở đó, Luận văn ghi nhận những thành công, những đóng góp cũng như những hạn chế của tùy bút, bút kí giai đoạn 1954 – 1975 đối với văn học cách mạng Việt Nam. Từ việc nghiên cứu những thành tựu chung, Luận văn bước đầu tìm hiểu những nét độc đáo riêng trong phong cách tùy bút, bút kí của một số tác giả tiêu biểu của giai đoạn văn học này. 6. Cấu trúc của luận văn Luận văn gồm 139 trang, ngoài phần Dẫn nhập 11 trang, phần Kết luận 4 trang, phần Tài liệu tham khảo 8 trang, Luận văn trình bày thành 3 chương Chương 1. Diện mạo và vị trí của tùy bút, bút kí văn học trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975. Chương 2. Bức tranh hiện thực sinh động, phong phú.(đặc trưng về nội dung) Chương 3. Bút pháp đa dạng, linh hoạt.(đặc trưng về nghệ thuật)

pdf102 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2877 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Đặc điểm của tùy bút, bút kí trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
huộc nay đã bị bom na-pan và chất độc hoá học Mĩ tàn phá. Nhiệt tình tố cáo quyện chặt với tình yêu quê huơng và ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ tổ quốc.”[38/362]. Vì thế chúng ta nhận thấy trong giọng điệu ấy vừa có cái tha thiết khi gặp lại dòng kinh, “Tôi lại đuợc bơi trên dòng kinh quê huơng, nhìn hoa súng chao mình theo dòng nước. Giọng đưa em tình nghĩa vẫn vang lên… nào có ai đếm được đình bao nhiêu ngói để biết được lòng ta thương mình…”[78/50]. Vừa có cái đau đớn, day dứt và uất nghẹn khi thấy quê huơng bị tàn phá, “Thuốc độc cùng với hơi độc chiến tranh và bom đạn của giặc Mĩ vẫn tiếp tục hủy diệt những gì còn lại ở nơi đây, một gốc cây, một con chim nhỏ đang nép mình dưới đó vô tình còn lại”[78/48]. Lại vừa có mạnh mẽ khi cất bước ra đi “Chúng ta quật lại chúng bằng tất cả sức mạnh của chúng ta. Sức mạnh đó mang tiếng nói vững vàng của mẹ ta lúc cho ta ra đi cầm súng mang lẽ sống và cuộc đời của ta, của tất cả mọi nguời”[78/51]. Tiếng nói trữ tình ấy là tiếng nói của một “cái tôi”, đồng thời cũng là tiếng nói của cái ta, đại diện cho nhân dân, cho dân tộc. Đấy cũng là giọng chủ đạo của Đuờng chúng ta đi và Trận đánh bắt đầu từ hôm nay của Nguyễn Trung Thành, cũng cái tha thiết thấm đẫm chân tình ấy, chúng ta còn nhận thấy đó là giọng hào sảng, hùng hồn của quyết tâm của ý chí mà những người con của mảnh đất Việt Nam bé nhỏ chuẩn bị cho ngày mai ra trận. “Chúng ta quyết dành lấy đạo đức, hạnh phúc và sự làm nguời của chúng ta trong cuộc đổ máu này […]. Hãy lao lên đi, đồng chí trinh sát dũng cảm của tôi. Cách mạng đã gọi.” [73/147]. Giọng trữ tình công dân còn được thể hiện ở giọng reo vui, hồ hởi khi nói về niềm vui, sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai của đất nước. Điều này khởi nguồn từ cái nhìn lãng mạn cách mạng – được xem như là một đặc trưng về mặt bút pháp của văn học 1954 – 1975 nói chung và tùy bút, bút kí nói riêng. Trong tùy bút, bút kí 1954 – 1975 các nhà văn đã nhìn về tương lai với một niềm tin mãnh liệt rằng, ngày mai sẽ tất thắng, ngày mai bọn Mĩ xâm lược sẽ cút khỏi nơi đây và đất nước sẽ rộn ràng, nhộn nhịp trong cuộc sống mới, cuộc sống mà chính những con người Việt Nam làm chủ, sẽ sống một cách đường hoàng, bản lĩnh và hội nhập. Đó là chất lãng mạn cách mạng mà chỉ có được khi con người thật sự tin tưởng vào cuộc sống vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh và xây dựng đất nước. “Tính chất lãng mạn chân chính không tô vẽ thực tế mà phải gắn liền với việc nhận thức bản chất anh hùng trong cuộc sống, mô tả cuộc sống trong sự vận động phát triển về tương lai. Bản thân cuộc sống đặt cơ sở cho tính hiện thực của lí tưởng và lí tưởng soi sáng cho ý nghĩa của cuộc đấu tranh ngày hôm nay.”[11]. Đứng giữa thực tại đầy gian khổ - mất mát, đau thuơng nhưng tâm hồn luôn hướng về lí tưởng, về tương lai. Đó là nguồn gốc của mọi sức mạnh để chiến thắng, nên chúng ta gặp giữa mưa bom, bão đạn vẫn có những hình ảnh đầy sức sống, đầy chất thơ. Giữa bộn bề chết chóc, đất nước vẫn nhìn thấy niềm tin vào tương lai tuơi sáng. Sự vận động của cảm xúc vì thế “hầu như đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ đến niềm vui, từ hiện tại đến tuơng lai đầy hứa hẹn.”[72/7]. Đó là lãng mạn cách mạng tích cực rất cần được phát huy. Bởi vì “hình thức lãng mạn cách mạng của chúng ta không phải là một phương pháp, chỉ là những đặc điểm trong bút pháp và phong cách của nhà văn.”[11]. Điều này sẽ “không làm mờ đi những nguyên tắc chủ yếu của hiện thực xã hội chủ nghĩa”[11], trái lại càng tô đậm thêm hiện thực và chúng ta càng thấy đuợc cảm quan cách mạng của các nhà văn – một trong những nguyên tắc mà tính Đảng yêu cầu đối với người nghệ sĩ – chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, văn học. Đối với Nguyễn Tuân, đó là khúc hát hăm hở, phơi phới đầy lạc quan, tin tuởng vào sự thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội khi viết về con người, cảnh vật Tây Bắc: “Rủ nhau ta đi mở đường. Mở đường xã hội chủ nghĩa. Chúng ta với con đường là một…” [86/261]. Cái giọng điệu hối hả, nhộn nhịp ấy cũng là cái hối hả, nhộn nhịp của những con người đang ngày đêm miệt mài lao động để dựng xây đất nước. Còn Chế Lan Viên ca lên rằng: “Hỡi những bạn chiến đấu ở các phương trời! Cuối cùng rồi chúng ta chỉ còn “kiến thiết, vui sống và đấu tranh”. Thắng lợi thấy rõ rồi! Hãy cất tiếng hát bài ca tin tưởng!”[92/30]. Giọng điệu trữ tình còn được thể hiện ở cách miêu tả thiên nhiên đầy chất thơ mà trong lí luận văn học về thơ trữ tình có tác giả gọi là “trữ tình phong cảnh”. Những trang viết về thiên nhiên lung linh đầy màu sắc, dát đầy ngọc và vang vọng mãi âm thanh chính là biểu hiện cho giọng điệu mượt mà, mềm mại của những trang tuỳ bút, bút kí giai đoạn này. Trong giai đoạn chống Mĩ cứu nước, con người luôn tràn ngập một niềm tin vào ngày mai tất thắng, quan niệm thẩm mĩ trong xây dựng hình tượng thiên nhiên cũng đã có sự chuyển biến rất rõ. Trong tùy bút, bút kí thiên nhiên còn được nhìn bằng đôi mắt tươi mới, đôi mắt của sự lạc quan, đôi mắt của niềm hi vọng. Thiên nhiên không chỉ khắc nghiệt mà thiên nhiên còn rất đẹp, thiên nhiên mang hơi thở, âm thanh của cuộc sống, mang cả tâm trạng của con người. Thiên nhiên không còn nhợt nhạt, thiếu sinh khí mà khỏe khoắn, đẹp tươi và hùng vĩ. Thiên nhiên ấy trải dài mọi không gian, suốt chiều dài thời gian của đất nước. Anh Đức, Nguyễn Thi, Trần Hiếu Minh đến với thiên nhiên của vùng sông nước miền Nam với những mùa trái cây trĩu quả, là chằng chịt những sông ngòi, kênh rạch… Nguyễn Tuân về với thiên nhiên của vùng núi Tây Bắc với hoa ban, hoa mận trắng xóa, với những đèo cao và đồi chè, nương ngô xanh mướt. Chế Lan Viên, Bùi Hiển thăm biển miền Trung đầy sóng và ánh bình minh…. Tuy mỗi vùng, mỗi miền với những cảnh sắc khác nhau nhưng điểm chung nhất là thiên nhiên tràn đầy sinh khí, tràn đầy sức sống. Chính con người đã thổi hơi ấm vào cho thiên nhiên, hay thiên nhiên đã tạo cảm hứng mới, sức mạnh mới cho con người. Cả hai đã yêu thương nhau, vỗ về nhau để tạo nên cuộc sống tươi đẹp. Nguồn cảm hứng đó đọng lại ở những trang văn hay, câu văn đẹp trong. Vì thế giọng điệu của những trang viết này từ đó mà trữ tình hơn bao giờ hết. Một buổi bình minh hiện lên rất đẹp trên mặt biển như kêu gọi, như mời mọc những đoàn thuyền ra khơi. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng cũng là vẻ đẹp cuộc sống mới đang đón chào những người lao động mới. “Cảnh hừng đông mặt biển nguy nga, rực rỡ. Phía hai bên những đám mây trắng hồng hầu như dựng đứng, hơi ngả xô về phía trước. Tất cả đều mời mọc lên đường.”[28/123]. Niềm vui của những chiến thắng dường như lan tỏa khắp cả đất trời, Trần Hiếu Minh nhìn đâu cũng thấy “nắng mai ấm áp vàng tươi” và mai, đào đua nhau khoe sắc dù là trong ngày Tết chiến tranh. Thiên nhiên luôn đem đến những xúc cảm trong trẻo, những cảm hứng dạt dào “Tôi đang ngồi kể với các bạn chuyện này cũng dưới bóng xanh một vườn dừa, giữa những cánh đồng mía. Gió chướng lồng lộng, lá mía, lá dừa xạc xào, nắng cuối năm xao xuyến; nắng ánh lên màu mật vàng tươi, và gió ngọt ngào mùi nước đường chín tới…”[46/180]. Thiên nhiên đã được trả lại sự bình yên vốn có của nó, dù chiến tranh chưa dứt, nhưng lòng người luôn sảng khoái, thiên nhiên vì thế mà cũng đẹp hơn. Giọng văn trở nên đằm thắm, bay bổng như những câu thơ tràn đầy cảm xúc, làm cho người đọc có được sự thả hồn sau một chuỗi dài theo đuổi các sự kiện hiện lên trùng điệp trong tác phẩm. Trong bút kí Anh Đức, rất nhiều những hình ảnh của miền Nam hiện lên với đầy đủ đặc trưng của miệt vườn, sông nước. Ông viết cho Nguyễn Tuân rằng bầu trời Cà Mau “chẳng phải lúc nào cũng ong ong tái tái đâu” mà bầu trời ấy có lúc cũng trong trẻo, xanh tươi và dưới cánh đồng kia “Cà Mau vẫn xanh rờn màu mạ cấy, vẫn sáng loáng những đồng lúa vun cao, vẫn đầy khẳm xuồng tôm, xuồng cá”[13]. Những rừng đước mênh mông, những tiếng chim cu tìm bạn, đặc biệt, vạn vật như bừng lên sức sống, vẫy gọi, mời chào khi bước vào mùa nắng “Mùa nắng ở miền Nam là một mùa rất đẹp. Mới vào mùa cảnh vật đã bừng bừng sức sống, sông Cửu Long và mọi kênh rạch phụ lưu lấp lánh ánh mặt trời suốt cả ngày. Chim cu bắt đầu gù gáy không ngừng nghỉ trên ruộng rạ. Các vườn cây thì đẫm nắng từ bình minh cho đến tận chiều hôm” và có khi thiên nhiên mùa nắng còn ban tặng cho con người những thức ngon “Cá lóc lớn nướng trui bằng lửa rơm lúa mới, cốm dẹp trộn dừa, trái xoài thanh ca đầu mùa thơm ngọt.”[12/54]. với Anh Đức, “Thiên nhiên đến với ông với những hình thức cụ thể nhất, những biểu thị đơn sơ nhất và ghi vào tâm trí ông những nét thật sâu sắc, độc đáo thấm vào tâm khảm ông để đượm một thi vị, cái thi vị của cuộc sống.”[2]. Giọng văn của Anh Đức ở những trang viết này là sự kết hợp những thanh âm trong trẻo của thế giới muôn loài đang hiện hữu. Điều này làm cho người đọc cảm nhận được dường như đang có nhiều khúc nhạc reo vui đang cất lên đâu đó, bản hoà tấu ấy càng trở nên rộn rã hơn. Ở tùy bút Nguyễn Tuân, cảm xúc thẩm mĩ về thiên nhiên đã thay đổi rất nhiều so với thời trước cách mạng. Sự thay đổi đó cũng chính là sự thay đổi cái nhìn về cuộc đời, về con người. Trong Tùy bút 1, 2, thiên nhiên là những mảng màu tối, những cơn gió có lúc trở nên ma quái, thiếu sinh khí gợi nên sự chết chóc, tù túng. Giọng văn vì thế mà buồn tẻ, chán chường, Đó là tâm trạng của một chàng Nguyễn đang bất lực trong một cái ao đời bằng phẳng, một nỗi buồn chán cô đơn không ai chia sẻ được. Sau cách mạng, thiên nhiên trong tùy bút của ông trở nên lồng lộng, tươi vui, đầy màu sắc rực rỡ. “Nắng tắm mãi lên rừng thu biên giới. Núi xa núi gần liên miên như trùng dương thạch trận. Sơn hệ nối vây nhau như đá khối đang gò đống kéo lên.”[86/106], bầu trời Tây Bắc về đêm cũng đẹp rực rỡ như bất cứ một thành phố nào vì ở đó những chùm sao như những “vòm pha lê lóe điểm sao chùm đang ngân trả lại mặt đất cái ì ầm của gió núi.”[86/111]. Chúng ta cũng không quên được những câu văn miêu tả con sông Đà thơ mộng, hung dữ đấy nhưng cũng đẹp vô cùng “Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.”[86/74]. Sự vươn dậy của cây cối, trăm hoa biểu hiện cho sự vươn dậy của đất nước. Bức tranh đầy ánh sáng và màu sắc đó chính là bức tranh đã được khúc xạ qua cảm quan của đôi mắt nhà văn cách mạng. Giọng văn của Nguyễn Tuân đầy tươi vui, sảng khoái – như chính cảm xúc của ông vậy. Chúng ta còn bắt gặp những hình ảnh thiên nhiên tươi mát của đất nước bạn như Cu- ba hay Trung Quốc. Ở Cu-ba, thiên nhiên trù phú dâng đầy mật ngọt cho con người. Cái đẹp của những cánh đồng mía bạt ngàn trong đêm trăng, “Trăng tải lên đồng mía mênh mông. Lớp lớp sóng mía xô nhau, lá mía ánh bạc. Trăng Cu-ba thơm gió mía. Đêm trăng mía thở nồng nàn, bốc lên hương ngọt sắc.”[51/139]. Đó là cái đẹp của sự sinh sôi, nảy nở, cái đẹp của một đất nước đang trên đà xây dựng đất nước sau chiến tranh. Những câu văn này đã làm cho những bài bút kí chính luận của Thép Mới bớt khô khan hơn, người đọc có được cảm giác nhẹ nhàng hơn. Thiên nhiên của Trung Quốc cũng đẹp vô cùng, đó là “những dặm liễu dài, ngủ bên cạnh những rừng mai bát ngát”[91/14] hay ở thành phố Hàng Châu, những “con đường liễu dài bất tận, xe đi như rẽ một bức rèm. Những con đường khác ngát mùi hương, xe ở trong một bầu hương mà lướt tới. Hai bên đường trên những cây số dài trồng toàn hoa hồng và hoa lục nguyệt tuyết,hoa hồng đỏ ở dưới thấp, hoa lục nguyệt tuyết thành từng chum tuyết trắng đứng ở đằng sau.”[91/15]. Trong bút kí Thăm Trung Quốc của Chế Lan Viên, chúng ta đã gặp “những hình ảnh sinh động, có khối, có hình có màu sắc.”[53] không những thế “Chất thơ còn ở chất suy nghĩ, chất tư tuởng, gợi cho chúng ta những suy nghĩ vương vấn lan xa, như một bài thơ hàm súc thường đẩy nguời đọc vào những suy nghĩ triền miên, để lại “dư vị” ngọt ngào”[53]. “Rồi sông Tương, sông Tương nữa! Sông Tương “Chàng ở đầu mà em ở cuối”. Sông Tuơng “Quân hướng tiêu Tương ngã hướng Tần”. Ngày xưa kia tôi ngỡ nó rất bé – bé như một dòng nước mắt của chúng ta thì ngờ đâu đôi bờ nó bát ngát thế kia.”[91/9]. Với nhịp điệu chậm, dàn trải, những câu văn tưởng chừng như là những câu thơ ngọt ngào ấy càng làm cho giọng điệu trở nên tha thiết, thảnh thơi hơn bao giờ hết. Những liên tuởng trữ tình – đặc biệt là liên tưởng trữ tình về thiên nhiên luôn làm cho giọng điệu nhẹ nhàng, mượt mà, đằm thắm, giảm đi cái khô khan của bộn bề sự kiện và con số, đầy ắp tính thời sự, không khí của sự kiện cũng vì thế mà tươi mát hơn. Như vậy chúng ta thấy, giọng điệu trữ tình đuợc thể hiện ở nhiều sắc thái khác nhau, khi thì bộc lộ cảm xúc trữ tình của nhà văn trước hiện thực của đất nước, khi lại có những liên tuởng thú vị về thiên nhiên…. Tất cả đó đều chi phối đến ngôn ngữ cũng như bút pháp nghệ thuật trong tác phẩm và cũng từ đó làm nên dấu ấn riêng biệt cho phong cách của từng nhà văn. Sự kết hợp giữa giọng bình luận chính luận và giọng trữ tình là sự kết hợp đặc sắc làm nổi bật đặc trưng riêng biệt cho tuỳ bút, bút kí giai đoạn 1954 – 1975, điều này cũng phù hợp với những nội dung mà nó thể hiện, qua đó chúng ta có thể sử dụng yếu tố giọng điệu để khu biệt giữa tuỳ bút giai đoạn này và tuỳ bút ở giai đoạn trước và sau nó. Nếu như tuỳ bút giai đoạn 1930 – 1945 thể hiện ở giọng nổi trội là trữ tình với những bộc lộ nội tâm cá nhân sâu sắc, trong tuỳ bút sau 1975 (1975 – 2000) là giọng trữ tình có kết hợp bình luận nhưng không gay gắt mà là “giọng bình luận ôn hoà hơn”[27/116], thì giọng điệu của tuỳ bút, bút kí 1954 – 1975 là sự kết hợp của hai giọng điệu bình luận chính luận và trữ tình, đó không phải là sự cộng gộp số học mà là sự pha trộn một cách nhuần nhuyễn để chúng ta có thể gọi chung cho giọng điệu này là trữ tình chính luận. 3.4. Kết cấu linh hoạt Theo Lại Nguyên Ân, kết cấu là “sự sắp xếp, phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật, tức là sự cấu tạo tác phẩm, tuỳ theo nội dung và thể tài.”[6/167]. Theo đó chúng ta thấy kết cấu thuộc mặt hình thức của tác phẩm, nó gắn kết các yếu tố nhỏ còn lại của hình thức và phối thuộc chúng với tư tưởng, làm cho hình thức với nội dung tác phẩm thống nhất với nhau. Có nhiều kiểu kết cấu khác nhau, tuỳ theo từng thể loại mà tác giả lựa chọn cho tác phẩm của mình một kết cấu phù hợp. Sự đa dạng của kết cấu sẽ tạo cho tác phẩm có văn phong đa dạng, phong phú, không nhàm chán. Kết cấu luôn làm cho tác phẩm trở nên mạch lạc, người đọc vì thế cũng rất dễ theo dõi mạch đi của tác giả. Đặc biệt đối với những tác phẩm dài hơi có sức chứa nội dung, tư tưởng lớn thì kết cấu trở thành yếu tố vô cùng quan trọng trên con đường chinh phục người đọc. Kết cấu cũng là yếu tố tạo thành và liên kết các bộ phận khác trong bố cục tác phẩm, vì thế qua kết cấu, chúng ta sẽ thấy được các yếu tố nghệ thuật khác như nhân vật, chi tiết, tình tiết nghệ thuật có được làm nổi bật hay không. Nhưng để hấp dẫn người đọc, mặt khác không muốn đi vào sự nhàm chán hay lặp lại thì đòi hỏi các nhà văn phải có một “tay nghề” vững chắc để tạo ra được một kết cấu lạ, phù hợp, đặc biệt kết cấu đó phải chuyển tải được ý đồ của nhà văn. Vì thế vai trò của kết cấu không nhỏ, nó thực hiện nhiệm vụ đối với các yếu tố nội dung như tư tuởng, chủ đề, cảm hứng… và lựa chọn kết cấu nào là phụ thuộc rất nhiều vào đối tượng phản ánh, tài năng của tác giả để làm sao cuối cùng nó khẳng định tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, góp phần bộc lộ những thông điệp mà các tác giả muốn gửi gắm. Tùy bút, bút kí giai đoạn 1954 – 1975 có kết cấu khá đa dạng, thành công ở đây chính là qua các kiểu kết cấu này, các yếu tố nghệ thuật khác và tư tuởng, tình cảm của nhà văn hiện lên rõ nét. Kiểu kết cấu dễ gặp nhất là kết cấu tuyến tính – đây là kiểu kết cấu quen thuộc và phù hợp với nhiều thể loại. Chính vì quen thuộc và dễ cấu tạo nên nó khó hay, khó tạo được ấn tượng với nguời đọc. Nhưng các nhà viết tuỳ bút, bút kí giai đoạn này đã vượt qua được cái khó ấy để tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm. Đặc trưng của kiểu kết cấu này là các sự kiện được miêu tả một cách có trật tự theo trình tự thời gian. Sự kiện nào diễn ra truớc, miêu tả trước, sự kiện nào diễn ra sau miêu tả sau. Tổ chức sắp xếp tác phẩm theo trình tự, diễn biến của thời gian như vậy phù hợp với những bút kí chi chép sự kiện. Vì thế tôn trọng thời gian dường như là quy định bắt buộc khi sử dụng kết cấu tuyến tính. Chủ yếu sử dụng phương thức trần thuật, kết cấu này hầu như dựa theo hoàn cảnh khách quan – với trình tự không gian, thời gian, giữa các sự kiện có đan xen cảm xúc nhưng cảm xúc này cũng theo dòng chảy của sự kiện mà bộc lộ. Trong hai thể loại tùy bút và bút kí giai đoạn 1954 – 1975, kiểu kết cấu này không nhiều nhưng cũng đã tạo ra được sự lôi cuốn riêng nhờ vào dòng sự kiện được miêu tả khá hấp dẫn, cảm xúc mà các tác giả bộc lộ có sức truyền cảm mãnh liệt. Chúng ta có thể thấy qua các bút kí như: Bám biển của Bùi Hiển, Mùa xuân trên nền cũ một khu trù mật – Trần Hiếu Minh, hay Ước mơ của đất – Nguyễn Thi…. Sự kiện gắn với các nhân vật được miêu tả theo chiều thẳng tiến với thời gian, cả hai tỉ lệ thuận với nhau, do đó người đọc dễ nắm bắt được chặng đường của nhân vật cũng như cảm xúc của tác giả. Trong Bám biển, Bùi Hiển đã miêu tả công việc của đồng chí Lễ qua một hành trình ra khơi mà tác giả có dịp đi cùng. Cuộc hành trình ấy bắt đầu từ lúc “trưa hè trên biển, ai ngờ có lúc lại oi bức được đến thế”[28/114] của ngày đầu tiên cho đến “giữa khuya” và “cảnh hừng đông của mặt biển nguy nga, rực rỡ”[28/123] của ngày hôm sau, hôm sau nữa cho đến ngày kết thúc của cuộc hành trình. Kết cấu tuyến tính này không đơn thuần là việc miêu tả sự kiện theo chiều thẳng tiến của thời gian mà quan trọng hơn cái nhịp điệu đều đặn của thời gian, của công việc giúp người đọc hình dung được sự khó khăn vất vả và cả niềm vui của người lao động diễn ra từ ngày này qua ngày khác, cũng từ đó ý chí, sự cần cù, nhẫn nại của con người được làm nổi bật. Một dạng kết cấu khác được sử dụng gần như phổ biến nhất trong tùy bút, bút kí giai đoạn 1954 – 1975 là kết cấu đồng hiện – đặc trưng của kiểu kết cấu này là các sự xuất hiện cùng lúc các sự kiện dù không gian cách xa nhau. Điều này đòi hỏi các nhà văn có sự hiểu biết rộng về các sự kiện khác nhau ở những nơi khác nhau. Kết cấu đồng hiện phù hợp với nội dung mà các tùy bút, bút kí phản ánh đó là cuộc chiến đấu anh dũng chống Mĩ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Khí thế đó diễn ra ở khắp nơi trên các vùng miền, trên khắp đất nước nên nhà văn có điều kiện miêu tả, thể hiện…. Nổi bật cho kiểu kết cấu này phải kể đến Măng tầm vông, Khi giặc Mĩ đến nhà, Sóng Cửu Long, Chuyện Thạnh Phú… của Trần Hiếu Minh hay bút kí Chuyện Quảng Bình, Tội ác im lìm, tội ác sắc trắng … của Chế Lan Viên. Kiểu kết cấu này giúp người đọc hình dung ra sự kiện diễn ra trên quy mô rộng lớn và có sự ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân. Trong Măng tầm vông của Trần Hiếu Minh, không chỉ nói về hành động yêu nước cũng như cái ngộ nghĩnh, hồn nhiên của bé Một mà còn nói về lòng yêu nước, cái vô tư trẻ con của rất nhiều bé Một nữa, đó có thể là bé Hùng, bé Bình, bé An, bé Xoài và rất nhiều những em bé chăn trâu khác, đang cùng độ tuổi đánh khăng đánh đáo nhưng đã sớm có ý thức đánh giặc trả thù cho người thân cho đất nước mà Trần Hiếu Minh đã có dịp gặp. Không chỉ là những em bé, những người phụ nữ tưởng chừng như chỉ có cuộc sống quanh bếp núc nhưng “khi giặc đến nhà” họ cũng hăng hái đánh giặc như bất kì người đàn ông nào, ở nơi này là cô Út Tiết, nơi khác gặp cô Mười Lí, nơi khác nữa là cô Hoa, cô Xuân, cô Tươi, cô Thắm… đều yêu nước, anh hùng như nhau. Những mẩu chuyện về họ có thể giới thiệu riêng từng bài một nhưng dụng ý của Trần Hiếu Minh khá rõ, đó là “Anh muốn ghi lại và giới thiệu với chúng ta một số nét lớn của cuộc kháng chiến lần thứ hai ở Nam Bộ thông qua câu chuyện những cuộc đấu tranh ở một vài địa phương tiêu biểu nhất […]. Anh muốn kể thật nhiều các biến cố có tính chất là sự kiện lịch sử quan trọng bậc nhất”[62]. Tuơng đồng với kết cấu đồng hiện là kết cấu xâu chuỗi, trong những thủ pháp kết cấu của thi pháp văn xuôi, kết cấu xâu chuỗi được hiểu là dạng kết cấu mà nhà văn móc xích các sự kiện, các yếu tố kế tiếp nhau, theo một đường thẳng không chồng chéo lên nhau và thường gặp trong truyện cổ tích hoặc trong tiểu thuyết chương hồi. Trong tùy bút, bút kí với đặc trưng thể hiện cảm xúc của nhà văn trước các sự kiện vốn không phù hợp với dạng kết cấu này nhưng không phải vì thế mà không có, với số lượng ít ỏi nhưng các nhà văn đã tạo nên một hiệu quả nghệ thuật không nhỏ từ các tác phẩm ấy. Cũng vẫn là các mẩu chuyện, các sự kiện được phản ánh nhưng không phải xuất hiện cùng lúc mà là có sự liên hệ móc xích với nhau. Chính vì thế nên nảy sinh ra việc các nhà văn sử dụng luận đề, luận điểm, đề mục cho từng mẩu chuyện, từng sự kiện để người đọc dễ theo dõi. Tên đề mục đó có thể xuất phát từ bản chất của của sự kiện cũng có thể xuất phát từ cảm xúc của nhà văn. Điện Biên Phủ, một danh từ Việt Nam của Thép Mới tiêu biểu cho việc sử dụng kết cấu này. Toàn bộ những bài bút kí trong tập bút kí này đều được phân chia theo đề mục rõ ràng, mạch lạc (trừ Mùa thu cây lúa và cây súng; Hà Nội mà chúng ta yêu; Tấm gương của anh Trỗi) chẳng hạn như: Bút kí Đâu có giặc là ta cứ đi, gồm: - Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình - Đâu có giặc là ta cứ đi - Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu Bút kí Nhân nghe nói về bọn “cọp đen” và “ó đỏ”, gồm - Hãy nói chút ít về chúng nó - Định nghĩa của Nava về chiến thắng - Lính Tây, lính lê dương và Nguyễn Khánh - Đến khi chúng ta quạt vào mặt chúng nó - Cơn mê sảng của quan năm pháo binh Pirôt - Bút kí Hakin nên ra mà xem Bảo tàng Điện Biên Phủ, gồm - “Hakin nên ra mà xem…” - Đô la Mĩ và Điện Biên Phủ - Trí khôn Mĩ và Điện Biên Phủ - Aixenhao: ưu tiên số một cho Điện Biên Phủ - Đalét cuồng lên vì Điện Biên Phủ - Chiến thắng Điện Biên Phủ đá phốc hạm đội thứ bảy Mĩ - Kennơđi 1954 chửi Kennơđi 1961 Bút kí Chiếc ca rỗng chứa sóng ngầm, gồm - Tại sao các cô đầm ấy ôm cầm thuyền khác - Quy luật giá tụi trong hầm lính Đờ cát - Củ cà rốt trước mũi Đờ cát - “Mẹ kiếp! cái ca rỗng tuyếch” - Sóng ngầm, sóng ngầm ở miền Nam, sóng ngầm trong nước Mĩ Bút kí Điện Biên Phủ, một danh từ Việt Nam, gồm - Định nghĩa của từ điển Laruxơ về Điện Biên Phủ - Một chút hơi thở tàn thu để bán vào đĩa hát - Hôm đó là một buổi chiều thứ sáu như hôm nay - Điện Biên Phủ trở thành một động từ chỉ hành động Bút kí Chiến công tháng Tám, gồm - Từ Kim Sơn – Phát Diệm - Đến sát khu giới tuyến Vĩnh Linh - Ở quê hương mẹ Tơm - Chiến quả lớn: niềm tin - Một tình cảm rất Việt Nam Bùi Hiển cũng có kiểu kết cấu này trong bút kí Trên một nông trường miền bể, gồm hai đề mục: Anh hùng nuôi vịt và Khi đã ủ thành sức sống. Hình thức của những đề mục này được tác giả viết theo văn phong khoa học khi trình bày vấn đề, đó là viết in hoa nhằm đánh dấu đề mục, kiểu kết cấu này chúng ta hay gặp trong tiểu thuyết chương hồi. Trong bút kí Thép Mới, sự hấp dẫn nằm ngay ở hệ thống đề mục rất hóm hỉnh, lại ẩn chứa những cảm xúc sâu sắc của tác giả đối với đất nước thì thiết tha, đối với kẻ thù thì khinh bỉ. Hệ thống sự kiện trình bày theo kiểu kết cấu này cũng trở nên rõ ràng hơn, người đọc có thể tự xâu chuỗi hay tự tìm ra được mối liên hệ giữa các sự kiện lại với nhau được một cách dễ dàng. Các sự kiện ấy khi được xâu chuỗi với nhau trở thành một hệ thống trọn vẹn, thống nhất với nhau cả về mặt nội dung lẫn hình thức. Tuy nhiên trong luận văn này, người viết muốn đề cập nhiều nhất, sâu sắc nhất là kiểu kết cấu liên tưởng, đây là kiểu kết cấu đặc trưng nhất, phù hợp nhất của hai thể loại tùy bút và bút kí. Yếu tố quan trọng nhất ở tùy bút, bút kí là cảm xúc của nhà văn trước sự kiện nào đó, cảm xúc không tuân thủ theo phép tắc, khuôn khổ nào, cảm xúc được tự do nên tính tùy hứng vì thế cũng phát huy rõ rệt, điều này lí giải cho việc các tác giả chủ yếu sử dụng kết cấu liên tưởng trong tác phẩm của mình. Các sự kiện được gợi ra theo cảm xúc của nhà văn, sự kiện này xen lẫn sự kiện kia, cảm xúc này xen lẫn cảm xúc kia, thì hiện tại có thể được trộn lẫn với thì quá khứ hoặc tương lai, hoặc có lúc cả ba thì được dồn nén lại trong một số ít câu văn…. Sự không trật tự, không lôgic này lại đạt hiệu quả nghệ thuật cao hơn bất cứ một kiểu kết cấu nào. Nó đòi hỏi trình độ nghệ thuật của nhà văn phải cao tay, có kinh nghiệm đặc biệt có khả năng miêu tả và biểu cảm một cách hấp dẫn, tuy nhiên để đạt được điều đó, các nhà văn cần sử dụng nhiều thao tác như quan sát, liên tưởng và tưởng tượng - tưởng tượng ở hình ảnh nghệ thuật chứ không phải tưởng tượng sự kiện… nó cũng đòi hỏi ở người đọc sự tinh ý mới nắm bắt được mạch cảm xúc của tác giả. Trong tùy bút của văn học Việt Nam nói chung và tùy bút giai đoạn 1954 – 1975 nói riêng, người viết không bao giờ đơn thuần kể về một câu chuyện hay thể hiện đơn thuần một dòng cảm xúc mà thường chuyện lồng trong chuyện, cảm xúc gợi cảm xúc, cái này liên tưởng cái kia một cách phong phú, sinh động. Tiêu biểu cho việc sử dụng kết cấu này phải kể đến nhà văn tài hoa – nổi tiếng với thể tùy bút là Nguyễn Tuân. Kết cấu này được sử dụng hầu như trong hai tập tùy bút Sông Đà và Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi và trở thành đặc trưng cho phong cách nghệ thuật của ông. Phân tích hai tác phẩm tiêu biểu trong hai tập tuỳ bút đó chúng ta thấy rõ – với Nguyễn Tuân, chuyện này gợi chuyện kia, cảm xúc bao giờ cũng có sự chuyển hướng nhờ vào thao tác liên tưởng hết sức thú vị. Trong Có ba phi công Mĩ đi bộ trong chợ hoa sơ tán ( trong tập Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi) Trong tùy bút này, nguời đọc không chỉ biết trong một buổi chợ hoa sơ tán Hà Nội có ba phi công Mĩ đi bộ, người đọc còn biết nhiều hơn nữa. Bắt nguồn từ sự việc có ba người Mĩ bị ta bắt sống “nhưng mà ở chợ hoa sơ tán Đường Thành sắp sửa đón cái tết tưng bừng Mậu Thân, tôi đã thấy ba người khách lạ của chợ hoa.”[84/110], Nguyễn Tuân đã dẫn dắt người đọc qua biết bao sự kiện, biết bao cảm xúc. Ông giúp ta nhớ đến tội ác của giặc Mĩ đã rải xuống trên khắp đất nước Việt Nam, lại nhớ đến những đêm xuân ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, đến những ngày “Xuân lửa Mậu Thân Sài Gòn cháy to vào đêm 31 tháng giêng 1968”[84/115], và mùa xuân cách đó 179 năm, mùa xuân mà quân Tôn Sĩ Nghị “chết vô thiên lủng”. Lịch sử của những mùa xuân đó khiến cho nhà văn “cũng ít muốn ngủ” và “trong lòng thấy thật sự có một nỗi niềm hồi xuân”. Không dừng lại đó, Nguyễn Tuân đưa người đọc đến cái khí thế sục sôi của những người dân Mĩ chống Mĩ – những sự kiện trên đất nước Mĩ xa xôi ấy lại làm dấy lên những dòng cảm xúc mới. Quá khứ trôi qua, ông lại đưa người đọc trở về với hiện tại – về với ba tên giặc vẫn đang đi bộ trong chợ hoa sơ tán Hà Nội, nhà văn dành rất nhiều câu hỏi để hỏi về hiện tại – tương lai của ba con người ấy “Đang làm gì? Đang hô gì? Đang nghĩ gì?”[84/120], nhưng dòng cảm xúc của tác giả không phải là băn khoăn, trăn trở mà đó là sự giễu cợt, mỉa mai về tình cảnh bi hài của ba kẻ cướp nước. Cảm xúc nhà văn lại chuyển hướng về đất nước, về cái Tết cổ truyền, về những hi vọng của tương lai tươi sáng…. Sự việc này cứ gợi liên tưởng đến sự việc kia, làm cho mạch cảm xúc tuởng như không bao giờ dứt, tuy nhiên đó không phải là sự tản mạn, lan man mà các sự kiện được nói đến có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Quá khứ - hiện tại – tương lai cứ thế đan xen, cài lẫn vào nhau vô cùng chặt chẽ mà cũng rất sinh động. Chúng ta nhận ra cảm xúc của nhà văn cũng được định hướng rất rõ ràng, cảm xúc đó không phải chỉ bắt nguồn từ trái tim mà chính các sự việc khách quan đang được nói đến đã làm lay động tình cảm của tác giả. Trong Người lái đò sông Đà (trong tập Sông Đà), kết cấu liên tưởng được sử dụng ở chỗ nhà văn miêu tả con sông Đà bằng nhiều liên tưởng thú vị giữa thiên nhiên với thiên nhiên, thiên nhiên với con người. Miêu tả cảnh sông Đà hung dữ nhưng nhân văn hơn, nhà văn muốn gợi lên ở người đọc suy nghĩ về sức mạnh của con người “Con sông Đà thật dữ, thật lớn và lớn hơn nữa là những người lao động chở đò, kéo đò thắng cái thiên nhiên không bình thường của một con sông Tây Bắc hiểm trở.”[86/69]. Nhìn theo đoàn thuyền khảo sát trên sông Đà, nhà văn lại càng “vấn vương với sông Đà, với tất cả những triển vọng sông Đà, với tất cả những người lái đò năm xưa và năm sau đây của sông Đà”[86/82], cũng từ đó gợi cho nhà văn suy nghĩ rất ý nghĩa, rất sâu sắc “Ở đâu có sông có nước lớn thường trội lên những dấu hiệu của cuộc sống văn hóa, trội lên những hình ảnh của văn minh”[86/83]… Qua hai ví dụ trên ta thấy, đối với Nguyễn Tuân việc sử dụng kết cấu liên tưởng như là một đòi hỏi tất yếu về mặt nghệ thuật để phù hợp với mạch nguồn cảm hứng của ông. Ông sử dụng kết cấu liên tưởng bằng cách kết hợp, đan cài thời gian quá khứ - hiện tại - tương lai, khi lồng ghép, khi dồn nén, khi dàn trải để cho sự việc này kết nối sự việc kia, cảm xúc vì thế cũng trở nên tự nhiên, không gượng ép, không lộ liễu, người đọc cũng không bị hụt hẫng khi tác giả thay đổi cảm xúc. Nguyễn Tuân cũng hay sử dụng thao tác liên tưởng để câu văn nói riêng, mạch văn nói chung trở nên hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn. Kiểu kết cấu liên tưởng cũng trở thành kết cấu chủ đạo trong tuỳ bút Nguyễn Trung Thành trong Đường chúng ta đi, từ một điệu dân ca nghe được trong đêm trước ngày ra trận, tác giả liên tưởng đến sức mạnh của dân tộc, bản lĩnh dân tộc, về nỗi đau dân tộc, lòng căm thù và cả về ý chí vươn lên của con người Việt Nam. Hay từ một mái tóc thề của một người con gái, Nguyễn Trung Thành đã đưa người đọc trở về với những tháng ngày đau thương của mẹ con Hoa, của những người dân vô tội, nhưng tha thiết hơn, sâu sắc hơn đó là những suy nghĩ, những lí giải của tác giả về cuộc chiến đấu này – cuộc chiến đấu cho lẽ phải, cho sự sống còn của một dân tộc và gần gũi hơn là cho cả những mái tóc thề. Bởi một lẽ “Chúng ta ra đi từ giữa bùn đen và đau thương. Chúng ta ra đi từ chỗ chưa phải là con người”, thế nên “Muốn làm người thì phải đổ máu. Bởi vì muốn làm người thì nhất thiết phải chiến thắng.” Để rồi tác giả phải thốt lên “Kì diệu thay là cuộc chiến đấu của chúng ta.”[73/145]. Những tùy bút trong tập Hôm nay chúng ta ra trận của Khánh Vân cũng sử dụng kiểu kết cấu liên tưởng. Kết cấu này cũng giúp cho các tùy bút của Khánh Vân có một bề sâu trong cách nhìn sự việc, con người. Với dòng cảm xúc đa dạng được bộc lộ của tác giả đã tác động một cách mạnh mẽ lên người đọc, giúp người đọc hiểu được hơn những tâm tư, tình cảm của nhà báo tài năng này. Một điều người viết muốn nói thêm, trong các tùy bút, bút kí 1954 – 1975, rất ít khi các tác giả sử dụng độc nhất một kiểu kết cấu mà thường có sự kết hợp các kiểu kết cấu khác nhau. Lấy một kiểu kết cấu làm kết cấu chính, các tác phẩm có thể triển khai thêm hai hay ba kiểu kết cấu nữa để triển khai sự việc hay bộc lộ cảm xúc. Điều này được thể hiện rất rõ trong các bút kí của Chế Lan viên, Anh Đức, Nguyễn Thi, trong tùy bút Nguyễn Tuân… qua đó tạo được hiệu quả nghệ thuật rõ nét, đồng thời thấy được tài năng của nhà văn. Nói tóm lại, kết cấu thuộc mặt hình thức của tác phẩm, đó là sự tổng hợp các hình thức nghệ thuật để tạo thành một hệ thống. Nhờ kết cấu mà các yếu tố nghệ thuật được làm nổi bật, cũng từ đó người đọc tiếp cận được với nội dung tác phẩm một cách dễ dàng. Lựa chọn kết cấu là kết quả của nhận thức thẩm mĩ, phản ánh những liên hệ bề sâu của thực tại, tùy thuộc vào nguồn cảm hứng, cảm xúc của tác giả, đối tượng khách quan,… Vượt qua được cái khó của thể loại, các nhà văn đã lựa chọn được những kết cấu phù hợp tạo cho các tùy bút, bút kí giai đoạn 1954 – 1975 có một sức hấp dẫn riêng và có dấu ấn trong văn học cách mạng Việt Nam. *** Những đặc sắc nghệ thuật này đã giúp nhà văn chuyển tải đầy đủ, trọn vẹn những nội dung, những thông điệp muốn gửi tới bạn đọc. Có thể nói, đây là những yếu tố đã làm nên sự khác biệt của tùy bút, bút kí 1954 – 1975 so với các tác phẩm cùng thể loại giai đoạn trước và sau nó. Với quan điểm Đảng đề ra - văn học phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu, nhưng các tác phẩm không hề khô khan, sống sượng, trái lại rất hấp dẫn, sinh động nhờ vào những yếu tố nghệ thuật trên, qua đó cũng phủ nhận một số ý kiến cho rằng văn học 1954 – 1975 đã phải hi sinh tính nghệ thuật, hi sinh cá tính nghệ sĩ để phục vụ cách mạng. Thời gian trôi đi, những tùy bút, bút kí nói riêng, văn học cách mạng 1954 – 1975 nói chung vẫn khẳng định được giá trị của mình trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc. KẾT LUẬN Với tất cả những gì đã nghiên cứu, sau đó trình bày, phân tích, nhận xét, đánh giá về tùy bút, bút kí trong văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, chúng tôi đưa ra những kết luận sau: Hiện thực lịch sử đất nuớc Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 với nhiều biến động đã khơi nguồn cho các sáng tác văn học nói chung, thể loại tùy bút, bút kí nói riêng. Hiện thực lịch sử đã tạo nên diện mạo tùy bút, bút kí văn học giai đoạn này, có thể phân chia ở hai phạm vi: tùy bút, bút kí những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội và tùy bút, bút kí viết về chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Thừa nhận vai trò, vị trí của tùy bút, bút kí trong văn học cách mạng Việt Nam. Là hai thể loại chủ lực của kí, với tính chất nhanh nhạy, kịp thời, và giàu cảm xúc, tùy bút, bút kí đã làm nổi bật hiện thực đất nước trong suốt hơn hai mươi năm với tinh thần phản ánh hiện thực một cách trung thực nhất, đồng thời các tác phẩm mang đậm dấu ấn nghệ thuật của văn học cách mạng giai đoạn này. Trong tùy bút, bút kí 1954 -1975 bức tranh hiện thực hiện lên vô cùng phong phú và sinh động, trở thành đặc điểm nội dung lớn nhất, được biểu hiện qua các phương diện: Hiện thực đất nước, Hiện thực con người và Sự hiện diện của cái tôi trần thuật. Trong bức tranh hiện thực đất nước, các tác giả đã miêu tả nổi bật một đất nước hoà bình với niềm vui dựng xây. Không dừng lại ở đó, đất nước còn hiện lên với nỗi đau trước sự xâm lược của Mĩ – thể hiện một cách nhìn mới, chân thật về đất nước, khác với những thể loại khác. Nhưng đồng thời cũng thấy được bản lĩnh, sức mạnh anh hùng, sự hồi sinh của đất nước. Trong bức tranh hiện thực con người, các nhà văn đã tập trung hướng ngòi bút của mình vào con người anh hùng trong lao động xây dựng xã hội chủ nghĩa, con người anh hùng trong đấu tranh. Một hình ảnh đặc biệt cũng rất được các nhà văn quan tâm và thể hiện, trở thành hình ảnh đặc trưng trong tùy bút, bút kí viết về chiến tranh đó là bộ mặt của kẻ thù hiện lên rất sinh động, đối lập hoàn toàn với con người anh hùng của đất nước Việt Nam. Thể hiện cái tôi trần thuật gắn với đặc trưng của tùy bút, bút kí, các nhà văn đã thể hiện được cái tôi của mình, đó là một cái tôi trải nghiệm trên mọi chặng đường và cái tôi tràn đầy những cung bậc cảm xúc trước cuộc đời, trước con người. Tất cả những nội dung ấy được chuyển tải với những hình thức nghệ thuật đa dạng và phong phú. Trước hết các tác giả đã sử dụng một nguồn tư liệu phong phú, khai thác bằng nhiều cách nhưng điểm chung của những tư liệu ấy chính là tính chính xác, đa dạng về không gian và thời gian, đáng tin cậy và đặc biệt là phù hợp với nội dung mà các nhà văn muốn chuyển tải. Việc sử dụng ngôn ngữ một cách sinh động được biểu hiện qua việc các tác giả sử dụng lớp từ ngữ chính trị xã hội dày đặc, lớp từ ngữ xưng hô đậm tính biểu cảm và sử dụng đa dạng các kiểu câu, các biện pháp tu từ làm cho lời văn cũng như những hình tượng nghệ thuật của tùy bút, bút kí trở nên có duyên và hấp dẫn nguời đọc. Một trong những nét làm nên sự khác biệt giữa tùy bút, bút kí của văn học giai đoạn 1954 – 1975 và giai đoạn truớc và sau đó chính là ở yếu tố giọng điệu, ở đây có sự kết hợp giữa giọng bình luận chính luận và giọng trữ tình. Cả hai giọng điệu này khi kết hợp với nhau rất phù hợp để diễn tả những vấn đề hiện tại của đất nước cũng như sự thể hiện cảm xúc của nhà văn. Về mặt kết cấu, các tác giả đã sử dụng một cách linh hoạt các kiểu kết cấu như kết cấu tuyến tính, kết cầu đồng hiện, kết cấu xâu chuỗi nhưng quan trọng nhất và phù hợp nhất, phổ biến là kết cấu liên tưởng. Kiểu kết cấu liên tưởng là kết cấu đặc trưng của tùy bút, bút kí, với kết cấu này, các tác giả đã tạo nên sự phong phú đa dạng trong cách miêu tả sự kiện cũng như trong việc bộc lộ mạch cảm xúc, từ đó người đọc vừa nhìn thấy tài năng của nhà văn, đồng thời lại thấy những tư tưởng tình cảm rất chân thật của họ. Cũng qua sự phân tích, nhìn nhận các tác phẩm của các tác giả, chúng tôi nhận thấy ở mỗi nhà văn có một phong cách viết tùy bút, bút kí khác nhau. Nguyễn Tuân là sự tài hoa uyên bác trong cách sử dụng ngôn ngữ, tạo hình ảnh và liên tưởng độc đáo. Ở Chế Lan Viên – đó là chất trí tuệ kết hợp với chất thơ tạo cho bút kí có được không khí của thời sự, lại vừa có chất tươi mát của một tác phẩm nghệ thuật. Giọng văn Anh Đức là cái giọng thủ thỉ, tâm tình rất gần gũi qua những bài bút kí dưới hình thức những bức thư mà nhà văn gửi cho Nguyễn Tuân các anh chị văn nghệ sĩ ở miền Bắc, tạo nên một cách viết bút kí rất riêng mà ấn tượng. Nguyễn Thi và Nguyễn Trung Thành viết tùy bút bằng một lối viết giản dị, nhẹ nhàng mà da diết, sâu lắng, còn bút kí thì thấm đầy chất truyện vừa giúp người đọc dễ theo dõi lại vừa có hiệu quả nghệ thuật cao khi viết về những nhân vật anh hùng. Bút kí Trần Hiếu Minh và Bùi Hiển ngồn ngộn sự kiện với giọng văn mộc mạc hơn, có những đoạn văn, những bài tưởng chừng như là những đoạn, những bài báo tường thuật, cung cấp tin tức nhưng sự khô khan đó lại được lấp đầy bằng những tình cảm hồn nhiên, trong sáng và sự tỉ mỉ, chân thật của nhà văn. Thép Mới với những tác phẩm thấm đầy chất chính luận tạo ra một lối viết sắc sảo, lập luận chặt chẽ khi bình luận các sự kiện nên có sự hấp dẫn, lôi cuốn riêng. Nhưng bên cạnh đó ông cũng có những liên hệ trữ tình, có những tác phẩm rất trữ tình như Cây tre nên dễ nhận ra sự phong phú đa dạng trong ngòi bút. … Trên hai mươi năm đồng hành với sự đấu tranh, xây dựng của đất nước, đồng hành với văn học cách mạng, tùy bút, bút kí đã có những đóng góp nhất định trong việc đáp ứng yêu cầu của Đảng về văn học nghệ thuật và có một dấu ấn riêng về mặt nghệ thuật trên chặng đường phát triển của tùy bút, bút kí nói riêng, thể loại kí nói chung. Quan trọng hơn, tùy bút, bút kí 1954 - 1975 sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển của hai thể loại này ở những giai đoạn sau. Những gì mà Luận văn trình bày cũng mới chỉ là bước đầu, hi vọng sẽ có thêm những công trình mới tìm hiểu, nghiên cứu về tùy bút, bút kí 1954 – 1975 để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hoài Anh (2003), “Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi”, (In trong Nguyễn Tuân về tác gia và tác phẩm, Tôn Thảo Miên tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục. 2. Hoài Anh (2006), “Anh Đức với con người và cảnh sắc thiên nhiên trong tác phẩm”, (In trong Anh Đức, Về tác gia và tác phẩm, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Năm Hoàng tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục). 3. Phương Anh (1967), “Một vài nhận xét về sự phát triển của các thể loại văn xuôi từ sau 1945”, Tạp chí Văn học, (số 4– 1967). 4. Vũ Tuấn Anh (2001) tuyển chọn và giới thiệu, Chế Lan Viên về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục. 5. Lại Nguyên Ân (2001), “Giọng văn xuôi tiểu luận Chế Lan Viên” (In trong Chế Lan Viên về tác gia và tác phẩm, Vũ Tuấn Anh tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục). 6. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 7. Nhị Ca (1962), Từ cuộc đời vào tác phẩm, Nxb Văn học, Hà Nội. 8. Nguyễn Cương (1967), “Đọc Đường lớn, bút kí của Bùi Hiển”, Tạp chí Văn học, (số 12 – 1967). 9. Xuân Diệu (1966), “Cần làm cho một dòng bút kí chảy xiết”, (Trích lại trong Tạp chí Văn học, (số 8 – 1966)). 10. Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường viết văn Nguyễn Du, Tạp chí Văn nghệ quân đội (1996), 50 năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 11. Phan Cự Đệ (2006), “Về phong cách lãng mạn của Anh Đức”, (In trong Anh Đức, Về tác gia và tác phẩm, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Năm Hoàng tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục). 12. Anh Đức (1969), Giấc mơ ông lão vườn chim, Nxb Giải phóng. 13. Anh Đức, (2006), “Bức thư Cà Mau”, (In trong Anh Đức, Về tác gia và tác phẩm, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Năm Hoàng tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục.). 14. Anh Đức (2006), Hòn đất, Nxb Văn học. 15. Hà Minh Đức (1962), Những nguyên lý về Lý luận văn học Loại thể văn học, Nxb Giáo dục. 16. Hà Minh Đức (1980), Kí viết về chiến tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nxb Quân đội nhân dân. 17. Hà Minh Đức chủ biên (2000), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục. 18. Hà Văn Đức (1996),“Tùy bút Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám”, Nam (In trong 50 năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường viết văn Nguyễn Du, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.) 19. Bảo Định Giang (1966), “Từ tuyên ngôn của Hội văn nghệ giải phóng đến giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu”, Tạp chí Văn học, (số 7 – 1966). 20. Phan Hồng Giang (1996), Ghi chép về tác giả và tác phẩm, Nxb Văn học. 21. Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thị Bình (1995), Quan niệm nghệ thuật về con nguời trong văn xuôi Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Chương trình KHCN cấp nhà nước KX – 07, Hà Nội. 22. Nguyễn Thị Hồng Hà (2004), Đặc trưng tùy bút Nguyễn Tuân, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. 23. Lê Mậu Hãn chủ biên (1998), Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 3), Nxb Giáo dục. 24. Lê Thị Đức Hạnh (1964), “Bút kí Thép Mới”, Tạp chí Văn học, (số 9 – 1964). 25. Nguyễn Văn Hạnh (2001), “Nhà thơ của thế kỉ” (In trong Chế Lan Viên về tác gia và tác phẩm, Vũ Tuấn Anh tuyển chọn và giới thiệu, , Nxb Giáo dục. 26. Nguyễn Văn Hạnh (2004), Chuyện Văn chuyện đời, Nxb Giáo dục. 27. Võ Thị Bích Hiền (2007), Tùy bút Việt Nam giai đoạn 1975 – 2000, Luận văn Thạc sĩ Ngữ Văn, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. 28. Bùi Hiển (1965), Trong gió cát, Nxb Văn học. 29. Đỗ Đức Hiểu chủ biên (2005), Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới. 30. Nguyễn Kim Hoa (1966), “ “Hư” và “thực” với giá trị của thể kí”, Tạp chí Văn học, (số 10 – 1966). 31. Tô Hoài (1966), “Bước phát triển mới của các thể kí”, Tạp chí Văn học, (số 8 – 1966). 32. Tô Hoài (1966), “Truyện và bút kí”, (Trích lại trong Tạp chí Văn học, (số 8 – 1966)). 33. Đỗ Kim Hồi (1998), “Người lái đò sông Đà”, (In trong Giảng văn văn học Việt Nam, Nhiều tác giả, Nxb Giáo dục). 34. Trần Ngọc Hưởng (1999), Luận đề về Nguyễn Tuân, Nxb Thanh niên. 35. Lê Đình Kị (1967), “Một số vấn đề đáng quan tâm trong việc thể hiện nhân vật anh hùng”, Tạp chí Văn học, (số 9 – 1967). 36. Mai Quốc Liên ((2003), “Nguyễn Tuân – bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ Việt Nam” (In trong Nguyễn Tuân về tác gia và tác phẩm,Tôn Thảo Miên tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục.) 37. Nguyễn Văn Long (1996), “Về cách tiếp cận để đánh giá văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám”, Nam (In trong 50 năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường viết văn Nguyễn Du, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.) 38. Phương Lựu chủ biên (1997), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục. 39. Hoàng Như Mai (2001), “Những ngày nổi giận – tập bút kí của Chế Lan Viên” (In trong Chế Lan Viên về tác gia và tác phẩm, Vũ Tuấn Anh tuyển chọn và giới thiệu, , Nxb Giáo dục. 40. Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên (1990), Văn học Việt Nam (1945 – 1975 ) (tập 2), Nxb Giáo dục. 41. Nguyễn Đăng Mạnh (1996), “Đặc điểm cơ bản của nền văn học mới Việt Nam (In trong 50 năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường viết văn Nguyễn Du, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.) 42. Nguyễn Đăng Mạnh (2000), Nhà văn Việt Nam hiện đại – Chân dung và phong cách, Nxb Trẻ, TP. HCM. 43. Nguyễn Đăng Mạnh (2003), “Con đường Nguyễn Tuân đi đến bút kí chống Mĩ” (In trong Nguyễn Tuân về tác gia và tác phẩm,Tôn Thảo Miên tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục). 44. Tôn Thảo Miên tuyển chọn (2002), Nguyễn Tuân tác phẩm và dư luận, Nxb Văn học. 45. Tôn Thảo Miên tuyển chọn và giới thiệu (2003), Nguyễn Tuân về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục. 46. Trần Hiếu Minh (1965), Cửu Long cuộn sóng, Nxb Văn học. 47. Trần Hiếu Minh (1970), Sài Gòn ta đó, Nxb Giải phóng. 48. Trần Văn Minh (2009), “Phân loại tùy bút”, Tạp chí Khoa học xã hội,(số 04 – 2009). 49. Nam Mộc (1965), “Đọc lại Cửu Long cuộn sóng của Trần Hiếu Minh”, Tạp chí Văn học, (số 7 – 1965). 50. Nam Mộc (1967), “Thể kí và vấn đề viết về người thật việc thật”, Tạp chí Văn học, (số 6 – 1967). 51. Thép Mới (1962), Hiên ngang Cu – ba, Nxb Văn học. 52. Thép Mới (1965), Điện Biên Phủ - một danh từ Việt Nam, Nxb Văn học. 53. Nguyễn Xuân Nam (1964), “Chất thơ và chất suy nghĩ của tập bút kí “Thăm Trung Quốc”, Tạp chí Văn học, (số 11 – 1964). 54. Nguyễn Xuân Nam (1965), Điện Biên Phủ, một danh từ Việt Nam, Những trang bút kí chính luận đầy niềm tự hào”, Tạp chí Văn học, (số 12 – 1965). 55. Nguyễn Xuân Nam (2001), “Vẻ đẹp của văn Chế Lan Viên” (In trong Chế Lan Viên về tác gia và tác phẩm, Vũ Tuấn Anh tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục). 56. Chu Nga (2006), “Phong cách trữ tình trong sáng tác của Anh Đức”, (In trong Anh Đức, Về tác gia và tác phẩm, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Năm Hoàng tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục). 57. Nhiều tác giả (1972), Không có gì quý hơn độc lập tự do, Nxb Thanh niên. 58. Nhiều tác giả (1998), Giảng văn văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục. 59. Lê Thành Nghị (2001), “Văn học viết về chiến tranh cách mạng, đòi hỏi và thách thức của thời gian”, Nhà văn, (số 12 – 2001). 60. Nguyễn Phan Ngọc, “Năm bài bút kí giàu sức sống của Bùi Hiển”, Tạp chí Văn học, (số 12 – 1967). 61. Vương Trí Nhàn (2004), “Nguyễn Tuân và thể tùy bút”, Nhà văn, (số 5 – 2004). 62. Phan Nhân (1966), “Suy nghĩ về khả năng của thể kí”(Qua một số bút kí ghi chép, hồi kí của miền Nam), Tạp chí Văn học, (số 7 – 1966). 63. Phan Nhân (1968), “Con người đẹp nhất”, Tạp chí Văn học, (số 8 – 1968). 64. Hoàng Phê chủ biên (2002), Từ điển văn học, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học. 65. Nguyễn Khắc Phi tổng chủ biên (2002), Ngữ Văn 6 (tập 2), Nxb Giáo dục. 66. Vũ Đức Phúc (1966), “Bàn về các thể kí trong văn học từ cách mạng tháng Tám đến nay”, Tạp chí Văn học, (số 8 – 1966). 67. Vũ Dương Quỹ tuyển chọn và biên soạn (1999), Nguyễn Tuân, nhà văn và tác phẩm trong nhà trường, Nxb Giáo dục. 68. Phạm Văn Sĩ (1976), Văn học giải phóng miền Nam, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. 69. Phạm Văn Sĩ (2006), “Anh Đức”, (In trong Anh Đức, Về tác gia và tác phẩm, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Năm Hoàng tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục). 70. Phạm Văn Sĩ (1967), “Mấy suy nghĩ về chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua các tác phẩm văn học cách mạng miền Nam”, Tạp chí Văn học, (số 7 – 1967). 71. Trần Đình Sử (2001), Văn học và thời gian, Nxb Văn học. 72. Trần Đình Sử tổng chủ biên (2008), Ngữ Văn 12 nâng cao (tập 1), Nxb Giáo dục. 73. Nguyễn Trung Thành (1969), Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Nxb Giải phóng. 74. Nguyễn Trung Thành (1969), Dũng sĩ núi Chư-pông, Nxb thanh niên. 75. Ngô Thảo (2001), Văn học về người lính, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 76. Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Năm Hoàng tuyển chọn và giới thiệu (2006), Anh Đức, Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục. 77. Nguyễn Đình Thi (2002) “Nguời đi tìm cái đẹp cái thật”, (In trong Nguyễn Tuân tác phẩm và dư luận, Tôn Thảo Miên tuyển chọn, Nxb Văn học). 78. Nguyễn Thi (1969), Truyện và kí, Nxb Giải phóng. 79. Nguyễn Thi (1977), Ước mơ của đất, Nxb Quân đội nhân dân. 80. Bích Thu (2005), “Sức mạnh của thể kí trong văn học chống Mĩ cứu nước ở miền Nam”, Nhà văn, (số 4 – 2005). 81. Lê Quang Trang (1996), Dọc đường văn học, Nxb Văn học. 82. Cù Đình Tú (2002), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 83. Nguyễn Tuân, (1998), Tùy bút viết trước 1945, (Vương Trí Nhàn tuyển chọn), Nxb Hải Phòng. 84. Nguyễn Tuân (1976), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi, Nxb Văn học giải phóng. 85. Nguyễn Tuân (1998), Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập 1, Lữ Huy Nguyên tuyển chọn), Nxb Văn học, Hà Nội. 86. Nguyễn Tuân (1998), Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập 2, Lữ Huy Nguyên tuyển chọn), Nxb Văn học, Hà Nội. 87. Nguyễn Tuân (1998), Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập 3, Lữ Huy Nguyên tuyển chọn), Nxb Văn học, Hà Nội. 88. Sơn Tùng (1961), “Các thể kí”, Tạp chí Văn học, (số 8 – 1961). 89. Diệp Minh Tuyền (2006), “Anh Đức và những truyện ngắn bút kí xuất sắc của Anh”, (In trong Anh Đức, Về tác gia và tác phẩm, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Thị Năm Hoàng tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục). 90. Khánh Vân (1972), Hôm nay chúng ta ra trận, Nxb Thanh niên. 91. Chế Lan Viên (1963), Thăm Trung Quốc, Nxb Văn học. 92. Chế Lan Viên (1966), Những ngày nổi giận, Nxb Văn học. 93. Chế Lan Viên (1966), “Hãy xây dựng một nền văn học cân đối và toàn diện”, Tạp chí Văn học, (số 8 – 1966). 94. Viện văn học (1979), Văn học Việt Nam chống Mĩ cứu nước, Nxb Khoa học xã hội. 95. Hoàng Việt (1967), “Xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng là vấn đề trung tâm của nghệ thuật ta”, Tạp chí Văn học, (số 6 – 1967). 96. Trần Ngọc Vượng (1996), “Văn học 50 năm, nhìn từ 1000 năm văn học”, (In trong 50 năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường viết văn Nguyễn Du, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHLLVH016.pdf
Tài liệu liên quan