Luận văn Đóng góp của Phạm Thái trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX

MS: LVVH-VHVN040 SỐ TRANG: 173 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2009 CẤU TRÚC LUẬN VĂN LỜI CẢM ƠN MỞ ĐẦU 1. Mục đích, ý nghĩa của đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Những đóng góp của luận văn 6. Cấu trúc luận văn Chương 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ PHẠM THÁI 1.1. Bối cảnh thời đại 1.2. Chân dung Phạm Thái 1.3. Thơ văn Phạm Thái Chương 2: NỘI DUNG THƠ VĂN VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA PHẠM THÁI 2.1. Thơ văn Phạm Thái và hiện thực xã hội đương thời 2.1.1. Hình ảnh xã hội thời tao loạn 2.1.2. Hình ảnh quan lại đương thời 2.2. Thơ văn Phạm Thái và hình ảnh con người cá nhân 2.2.1. Con người tài hoa, phong lưu, lãng mạn 2.2.2. Con người đa tình và tự do trong tình yêu 2.2.3. Con người ngang tàng, cuồng phóng 2.2.4. Con người tuyệt vọng, chán đời 2.3. Thơ văn Phạm Thái và hình ảnh thiên nhiên 2.3.1. Những bức tranh thiên nhiên mĩ miều 2.3.2. Những bức tranh thiên nhiên ảm đạm 2.4. Thơ văn Phạm Thái và tôn giáo 2.4.1. Nho giáo 2.4.2. Phật giáo 2.4.3. Đạo giáo Chương 3: NGHỆ THUẬT THƠ VĂN VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA PHẠM THÁI 3.1. Thể loại 3.1.1. Truyện thơ 3.1.1.1. Tự truyện 3.1.1.2. Nhân vật 3.1.1.3. Kết cấu truyện 3.1.2. Thơ trữ tình 3.1.2.1. Thơ Đường luật 3.1.2.2. Thơ lục bát và song thất lục bát 3.1.3. Văn xuôi 3.1.3.1. Văn tế 3.1.3.2. Các tờ phả khuyến và bài văn khao thần ôn dịch 3.1.4. Phú 3.2. Từ ngữ 3.2.1. Từ ngữ trau chuốt, điêu luyện 3.2.2. Từ ngữ bình dân, “quảng trường”, “chợ búa” 3.3. Giọng điệu 3.3.1. Giọng điệu cảm thương 3.3.2. Giọng điệu trào phúng 3.3.3. Giọng điệu bi tráng KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO

pdf173 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2734 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Đóng góp của Phạm Thái trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
thì bao giờ cũng phải dè dặt” [54, tr. 91]. Nhưng đến Phạm Thái tiếng cười đả kích, giọng điệu châm biếm đã không còn che giấu dưới một lớp “ngôn từ mờ đục” nào mà bằng câu chữ cụ thể, chỉ đích danh đối tượng rõ ràng. Giọng trào phúng đả kích của Phạm Thái “quả là tiếng cười ngang nhiên thách thức, không biết kiêng nể gì” [54, tr. 94]. Đọc mấy bài thơ yết hậu trong chùm bài Giễu một gia đình hư hỏng ta không giữ nổi nụ cười nhẹ nhàng và ý vị, đồng thời đã thấy rằng “Phạm Thái đã nắm vững vàng bí quyết của nghệ thuật trào phúng và chỉ với một tiếng gọn gàng đã phô diễn đầy đủ bí quyết ấy” [5, tr. 51]. Trong Sơ kính tân trang, đến Hương Tích, Phạm Kim “Khen rằng: Trẻ cũng từ bi lọ già!”. “Từ bi” của nhà Phật thường đi đôi với “vị tha” chứ không phải “vị kỷ”. Thế mà Phạm Thái dùng “từ bi lọ già” thì rõ ràng “từ bi” ở đây là mà vì mình. Đi tu như là dịp để tranh nhau hưởng thụ vậy! Giọng điệu châm biếm trong thơ Phạm Thái là những đòn bút lợi hại vừa sắc nét lại vừa đích đáng. Chế giễu bọn công tử bột tấp tểnh làm thơ mà hạ bút viết “thơ rông chó chạy, chữ nhem cua bò”, nêu lên sự kệch cỡm của ông sư bà vãi mà dán nhãn hiệu “tiểu gái lẳng lơ” “tiểu phong phanh hình”, “sư huynh chải chuốt”, “Sư dịu dàng dạng, “vãi bà đong đưa”… thì quả thật chỉ có giọng điệu thơ của “Bà chúa thơ Nôm” mới sánh kịp! Có vẻ như họ đi tu là để hưởng thụ kiểu như: “Ngày thì cảnh bụt, đêm thì động tiên” (Phan Trần), kẻo qua thì uổng phí tuổi xuân! Chùa vang lên tiếng cười đáng giá nghìn vàng của sư cô! Miêu tả kẻ ăn mặc “đã ưa nâu sồng” mà quả quyết: “Chẳng người tử thất, cũng người hồng lâu” (Sơ kính tân trang) thì rõ ràng trong thơ Phạm Thái có cả tiếng cười đa trị: huỷ diệt và tái sinh! Ông đã dựng lên được nhiều bức tranh biếm họa hiếm có. Cảnh sống chướng tai gai mắt, những cử chỉ “đỏng đảnh”, “lăng nhăng lít nhít” của “đứa dải đào, thằng khăn thắm” (Chiến tụng Tây Hồ phú) chỉ có thể tìm thấy lần thứ hai trong chùm thơ về nhà chùa của “Người Cổ Nguyệt”. Phạm Thái thấy “sư tiên” “đủng đỉnh”, “mơ màng” (Sơ kính tân trang), phục sức cầu kì không kém phần xa hoa mà “thương” cho “tăng ni thơ thẩn khổ tu hành”! (Chiến Tụng Tây Hồ phú). Giọng điệu trào phúng đặc biệt nhất là giọng tự trào. Trong thơ Phạm Thái có một giọng tự trào rất rõ. Nó chủ yếu thể hiện ở “điểm nhìn” của tác giả mà tưởng như một ai đó nhìn vào mà đánh giá. Nó không hẳn chỉ là nói thực đời mình mà còn ở chỗ cái nhìn tếu táo, tự mình đưa mình vào thơ rồi cười cợt chẳng khác nào một kẻ sa đọa nhìn gương ngắm vẻ tiều tuỵ của mình rồi phá lên cười. Phạm Thái tự nói về mình, tự trào, tự thuật: Có ai muốn biết tuổi tên gì, Vừa chẵn ba mươi, gọi chú Lỳ. Năm bảy bài thơ gầy gối hạc, Một vài đứa trẻ béo răng nghê, Tranh vờn sơn thủy màu nhem nhuốc. Bầu dốc kiền khôn giọng bét be (Tự thuật I) Thơ Bà Huyện Thanh Quan không có một cái nhìn nào vào “bản thể” chính mình. Đau đớn, tức giận nhưng không thể khóc, người ta thường cười và trước nhất là cười chính mình. Cười để hạ giá mình nhưng chính thực là nâng cao mình lên, dù mục đích cười là để an ủi một hoàn cảnh bất lực. “Loại thơ tự trào, tự thuật của các nhà nho xưa kia là một kiểu cười nội bộ này.” [54, tr. 85]. ““Tự trào” thực chất cũng là một bước tự phát thế tục hóa nhân cách” [161, tr. 324]. Nhà thơ khi tự trào đã chân thật với chính mình, những cảm xúc cay đắng, cười ra nước mắt, tự chế giễu bản thân không thương tiếc. Cái tôi của bản thân người viết đồng thời là đối tượng của sự châm biếm, mỉa mai. Đối với thơ Phạm Thái giọng điệu tự trào có khi đến từ câu hỏi ngang tàng “Có ai muốn hỏi tuổi, tên gì?” (Tự thuật I) như muốn gây sự với người khác. Phạm Thái tự giới thiệu tuổi, tên mình là “Lỳ” mà phải gọi bằng “chú Lỳ”! Còn tài năng thì đủ cả: làm thi, họa cảnh, uống rượu, tán gái…Thơ thì toàn là “thơ thẩn” “gầy gối hạc”. Vẽ tranh thì vẽ “nhem nhuốc”. Uống rượu thì “bét be”. Tài tán gái thì “Cũng thì duyên phận cũng thì thì” (Tự thuật I). Lúc này, giọng Phạm Thái thật gần gũi với giọng của Cao Bá Quát: “Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái – Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” (Câu đối dán ở nhà dạy học). Trong thơ Phạm toát lên cái giọng tự “giễu nhại” mình…Phạm Thái ngợi ca, tự hào tài thơ “ngâm sang sảng”, tài rượu “ních tì tì”… của mình! Cái tự hào ấy nghe thật sảng khoái nhưng đằng sau cái ngửa mặt lên trời cười hền hệt ấy “Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Giọng điệu thơ Phạm Thái không lẫn vào đâu! Trong cái làng trung đại ngày ấy, nghe cái giọng “bét be” với câu văng tục “đù oả trần gian” từ xa là ta biết ngay Phạm Thái đến! Thơ văn nhà nho chính thống hoặc ca ngợi các biểu tượng mẫu mực về nhân cách đạo đức hoặc phê phán nghiêm khắc những trường hợp chà đạp lên luân thường đạo lý. Cả hai đều phải tỏ rõ sự nghiêm túc, cẩn trọng mà trước hết từ chính tư thế của người viết về các trường hợp đó. Do vậy, tiếng cười trào phúng không xuất hiện trong văn chương nhà nho chính thống lại càng không thể gặp tiếng cười tự trào, tiếng cười lấy cái xấu, cái dở, cái kém cỏi của chính mình làm đề tài giễu cợt. Bởi vì “muốn khẳng định đạo lý mà mình đang giáo dục, truyền bá cho người khác thì phải cho thấy sự nghiêm túc, niềm tin chân thành thể hiện chính nơi bản thân mình” [161, tr. 226]. Tuy nhiên, cũng có kẻ, để phản ứng lại hiện thực xã hội đã mượn tiếng tự trào, tự thuật để phẫn uất đến “đâm khùng, muốn phủ định tất cả. Cái gay gắt trong nụ cười tự thuật của Phạm Thái là loại đó” [54, tr. 86]. Lại Ngọc Cang đã đúc kết rằng “văn trào phúng của Phạm Thái (...) bao gồm đủ cả các mức độ gợi cười từ nhẹ nhàng đến cay độc, lại viết bằng một ngôn ngữ rất bình dị, đại chúng. Phần đóng góp của họ Phạm đối với sự phát triển của văn chương trào phúng nước ta là không thể chối cãi.” [5, tr. 52]. 3.3.3 Giọng điệu bi tráng Giọng điệu bi tráng trong thơ văn Phạm Thái được thể hiện tập trung qua hành động, thái độ của những anh hùng thời loạn như Phạm Kim, Trương công, Phạm công, Thanh xuyên hầu Trương Đăng Thụ và cả ở Phạm Thái. Trước khi chấp nhận “làm một kẻ chiến bại”, Phạm Thái có những vầng thơ cháy bỏng căm hờn với giọng điệu hào hùng, mạnh mẽ của những người anh hùng. Đó là giọng đanh thép, rắn rỏi của chí căm thù, của sát khí đằng đằng, của sự giận dữ không đội trời chung cùng “nghịch tặc”: Căm gan, tóc đứng dựng lên, Tuốt gươm chén án đã nguyền một hai. Làm trai cho thoả chí trai, Trong trần ai, chớ luỵ ai tầm thường. Bốn phương hồ thỉ dậy vang, Nhảy từng đào lãng, bắc thang vân cù. Tu mi tỏ mặt trượng phu, Đem trung hiếu để trả thù non sông. (Sơ kính tân trang) Khẩu khí này ta thường thấy ở những anh hùng thời loạn như của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ: “Ta thường tới bữa quên ăn... ”, của Lê Lợi, Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo: “Căm giặc nước thề không cùng sống”. Phạm Thái từng mưu đồ chống Tây Sơn, từng bị nhà Tây Sơn truy nã gắt gao. Bài Chiến tụng Tây Hồ phú lời lẽ chống đối lại Nguyễn Huy Lượng bằng giọng đanh thép, biểu lộ tâm hồn cùng lòng son sắt nhiệt thành với Lê triều của một người dòng dõi trung thần với nhà Lê đến cùng: “Vì Nam tướng phải căm lòng Bắc sĩ; (…), bởi Tây triều mà ghét chí Đông chu”. Phạm Thái nhiều lần đề cập đến trách nhiệm của đấng nam nhi khi nước nhà có biến bằng những lời tuyên bố hùng hồn, đanh thép mang âm hưởng hào hùng như một lời thề thiêng liêng: “thù khấu tặc chí còn chưa thoả”, “nợ quân vương lòng vững chẳng phu”... (Chiến tụng Tây Hồ phú). Những anh hùng xả thân vì “ đại nghĩa” ấy có Thanh Xuyên hầu “Múa gươm liệt nhật, chuốt dòng nghiêm sương. Ra tay nặng sức cần vương” (Văn bia mộ Thanh xuyên hầu), có Trương công với “Một niềm ái quốc trung quân chẳng dời”, có Phạm công với “Giang sơn một gánh, cương thường hai vai” (Sơ kính tân trang)...Giọng điệu của nhân vật rất phù hợp với khẩu khí của những người “Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao” (Chinh phụ ngâm). Ngôn ngữ nhân vật sử dụng nghiêng về ngôn ngữ trang trọng như giang sơn, cương thường, trung nghĩa, quan hà, hoàng đồ, ái quốc... Không phải giọng điệu hào hùng chỉ thể hiện ở những lời “đao to búa lớn”, ở những hành động “chém”, “căm” mà còn thể hiện ở lời tâm niệm như “…thù non sông nghĩ mình chưa trả được, (...), mặt mũi nào mà vui với cảnh ru” (Chiến tụng Tây Hồ phú). Ở Chiến tụng Tây Hồ phú, Phạm Thái nói lên ước mơ hoài bão lớn lao của mình. Lúc ấy, Phạm Thái đã “vươn vai” trở thành người anh hùng với khí thế ngất trời, oai phong lẫm liệt: “Nếu ra tay thì núi lở sông reo,..; Hễ chớp mắt trời xoay đất chuyển, ...”. Người tráng sĩ mang một nguyện vọng lớn lao của cộng đồng dân tộc: “Rửa quan hà sạch dấu tanh hôi,...; Quét thành thị hết loài gai góc; ...”. Nhưng chí khí anh hùng kiêu bạc ấy nhanh chóng cảm nhận rất rõ sự chiến bại của mình, những anh hùng đã cay đắng nhận ra thời thế đã không ủng hộ họ. Phạm Kim đã chôn vùi thanh gươm mà mang theo túi thơ bầu rượu, đi ngao du sơn thủy với giọng buông xuôi mệt mỏi: “Mặc ai thành thị mặc ai công hầu” (Sơ kính tân trang). Trương công cũng “Một non sông phó xuân thu phẩm bình” (Sơ kính tân trang). Đến đây, cái hùng tâm tráng chí hôm nào cũng chỉ còn là một ảo ảnh xa vời. Trong Chiến tụng Tây Hồ phú, bên cạnh những câu chữ thể hiện giọng điệu rắn rỏi, đanh thép là những dòng an ủi, mang tính huyễn hoặc hay chán nản, mệt mỏi: “...nghĩ thời cơ thêm ngán nỗi diêm phù!”. Trong đó, toát lên giọng điệu ngậm ngùi, buồn bã của kẻ thất thế: “Gánh quân thân ai đã mỏi vai rồi, kẻ chí sĩ làm thinh đi chẳng dứt”. Mang nặng tư tưởng trung quân mù quáng, trước những chống đối bất thành triều đại Tây Sơn, tác phẩm của một bộ phận khá đông đảo con người có gắn bó về tình cảm và quyền lợi với triều đình Lê - Trịnh - Nguyễn họ mang nặng tâm lý thất bại chủ nghĩa, “lời thơ thường bi thảm, cay đắng” [168]. Điểm độc đáo ở Chiến tụng Tây Hồ phú là sau mỗi đoạn có tính cách nhận xét về thế tình hoặc tình trạng xã hội, tác giả lại đưa vào một đoạn tả cảnh mơ màng, làm như cái buồn đến từng đợt, lôi cuốn tâm hồn vào một nỗi bi quan, yếm thế không cùng. Trong Văn tế Trương Quỳnh Như cũng toát lên giọng ngao ngán với “chí trai hồ thỉ”. Giai nhân chết, người anh hùng tiêu ma tráng chí! Thơ Phạm Thái có những lúc giọng điệu bi phẫn đến cực độ thành tiếng chửi đổng: “Đù oả trần gian sống mãi chi?” (Tự thuật II) và có giọng điệu“tự thú” ngậm ngùi đáng thương. Trong hằn học có một Phạm Thái đôi khi rất “hiền”, trong cái “phá bĩnh” có cái rất chân thực của một tâm hồn nhuốm màu chiến bại. Giọng điệu của Phạm Thái lúc này gần gũi với giọng điệu của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán:“Tấm thân sáu thước tuổi ba mươi (...) Sách gươm dang dở làm ăn khó, Lần lữa xuân thu tóc bạc rồi...” (Tự thán). Đó là giọng điệu của “con người từ mộng lớn chí cao rơi xuống bờ vực của thất vọng chán nản, từ hùng tâm tráng chí hừng hực ngọn lửa dấn thân cống hiến trôi dần vào hư không, từ cái hùng chuyển sang cái bi...” [190, tr. 63]. Trong văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX có nhiều khuynh hướng sáng tác. Điều đó kéo theo nhiều giọng điệu trong thơ. Nhưng thường mỗi nhà thơ chỉ có một vài giọng chủ đạo như Bà Huyện Thanh Quan là giọng trầm buồn hoài cổ mà nghiêm trang. Hồ Xuân Hương là giọng cợt nhả, xỏ xiên…nhưng riêng giọng “đa thanh”, “đa giọng điệu” như thơ văn Phạm Thái thật hiếm thấy. Thơ văn Phạm Thái có cả giọng điệu cảm thương, giọng điệu trào phúng và giọng điệu bi tráng. Vì vậy, thơ văn Phạm Thái có sự lôi cuốn kỳ lạ bởi tiếng lòng thành thật của một con người “sống hết mình”. Cung bậc tình cảm nào Phạm Thái cũng nổi bật. Thơ Phạm Thái không có cái nhàn nhạt như thơ của thời Hồng Đức. Thơ Phạm Thái là tiếng lòng thổn thức, cảm thương, khổ đau, hào hùng, giận dữ, chán nản... của chàng trai xứ Kinh Bắc tài hoa, giàu tình cảm mà bất đắc chí. Nhìn chung, Phạm Thái viết không nhiều nhưng rất đa dạng về loại thể gồm truyện thơ, thơ, phú và văn xuôi. Ở mỗi loại thể, ông đều có những tác phẩm đạt được “những giá trị nghệ thuật vừa tương đồng lại vừa khác biệt” [13, tr. 167]. Ở truyện thơ, Phạm Thái là người đầu tiên trong văn học Việt Nam mạnh dạn dùng lối “tự truyện”. Cho nên, nét đặc sắc nhất của Sơ kính tân trang là tác phẩm thuần túy Việt Nam, câu chuyện của con người Việt Nam, diễn ra trên khung cảnh đất nước, xã hội Việt Nam. Ngoài ra, Phạm Thái còn có những thành công nhất định, đặc biệt về ngoại hình, nội tâm nhân vật. Ông có tài khắc họa nhân vật rất sắc nét và sinh động qua đối thoại (viên đô đốc). Về kết cấu truyện, Phạm Thái đã thật sự phóng bút thành công thể hiện rõ ở độ dài ngắn, so le khác nhau, sự đảo ngược các chặng đời nhân vật, sự bất ngờ phi lý trong diễn biến cốt truyện. Không những thế, ông mạnh dạn phá cách trong việc sử dụng tổng hợp nhiều loại thể thơ trong truyện Nôm. Về thơ, ở thơ Đường luật, Phạm Thái đều có nét phóng túng, bất ngờ, cách tân so với các nhà thơ đương thời từ đề tài, cấu tứ, cách sử dụng vần, thực hiện chức năng các liên thơ, sử dụng ngôn từ... Không chỉ thế, Phạm Thái còn có thơ chơi (thuận nghịch độc) thể hiện được sự độc đáo, tài tình của mình. Nhưng quan trọng hơn, Phạm Thái đã thật sự tạo được dấu ấn riêng gần như mang tính “độc quyền” trong văn học trung đại Việt Nam với thể thơ yết hậu vừa hợp tính cách của ông vừa phác họa độc đáo nhân vật trữ tình. Cái đáng ghi nhận hơn nữa đối với Phạm Thái là ông đã mạnh dạn sử dụng thể thơ dân tộc và ít nhiều ông đã góp phần đưa tiếng nói dân tộc, thể thơ dân tộc lên một “tầm cao” mới. Ở các thể thơ này, Phạm Thái thường có nét phóng túng trong âm luật, có sở trường độc đáo trong phép tiểu đối và ngắt nhịp đồng thời cũng không lạm dụng phép đối để thoải mái cho việc thể hiện cảm xúc. Phạm Thái có sáng tạo trong việc vận dụng thể Từ (từ khúc) để tạo ra những câu thơ không câu thúc về niêm luật như những câu thơ mới thật sự. Hơn nữa, ông còn dùng phép “lặp lại cả dòng thơ” như những điệp khúc của con tim tự hát, những con sóng lòng dâng tràn trong huyết quản. Ở thể phú, Phạm Thái đã dùng cách gieo vần độc vận với các khuôn âm khá xa, không ngại trùng vần (và trùng vần khá nhiều). Chiến tụng Tây Hồ phú đạt được nghệ thuật cao trong việc sử dụng phép đối, phép nhại, ít dùng điển tích, điển cố, đậm khuynh hướng tả thực, trào lộng. Trong khi đương thời, văn xuôi Nôm hiếm hoi nhưng Phạm Thái đã góp cho văn học nhiều dòng văn xuôi đặc sắc. Ở văn tế, Phạm Thái đóng góp thêm một đề tài mới (khóc người yêu). Tiếng khóc cá nhân của Phạm Thái trở nên hiếm hoi. Văn tế Trương Quỳnh Như có nhiều đặc điểm tân kì như không vần, không niêm luật, không hạn câu, hạn chữ, dùng biền ngẫu cũng thỉnh thoảng và tuỳ nghi, chúng ta thấy văn xuôi Nôm cơ hồ như muốn xuất hiện trong sáng tác văn học. Như vậy, trong bối cảnh văn học chữ Nôm giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX chưa có nhiều văn xuôi nghệ thuật, thơ vẫn là chủ yếu thì Văn tế Trương Quỳnh Như, những bài phả khuyến và khao thần ôn dịch của Phạm Thái là những bài văn xuôi hiếm hoi của thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Về từ ngữ, nói chung, thơ văn Phạm Thái có những lúc trau chuốt, điêu luyện, dùng cả lối “chiết tự”, “ghép từ” rất nghệ thuật nhưng vẫn tự nhiên, sáng rõ. Mặt khác, thơ ông còn sử dụng khá nhiều hư tự nôm na như lời nói thường ngày mà không “quê mùa”, thô ráp lại nhấn mạnh được các phương diện của sự vật, hiện tượng lẫn thái độ của nhân vật, của người cầm bút, nhiều lời ăn tiếng nói hằng ngày (khẩu ngữ) trong đó có một số lời nói tục, một số tiếng địa phương…rất thích hợp trong từng văn cảnh, ngữ cảnh cụ thể. Chúng phát huy tối đa ưu thế, giúp tác giả khắc họa tính cách nhân vật độc đáo. Phạm Thái có sở trường dùng những từ láy rất thông tục, nôm na nhưng tinh tế, không hề gượng ép mà thật phù hợp với đối tượng mô tả. Qua cách dùng từ ngữ, Phạm Thái thể hiện được cá tính và phong cách độc đáo của mình. Thông thường, mỗi nhà thơ chỉ có một vài giọng chủ đạo nhưng riêng giọng “đa thanh”, “đa giọng điệu” như thơ văn Phạm Thái thật hiếm thấy. Thơ văn Phạm Thái có cả giọng điệu cảm thương, giọng điệu trào phúng và giọng điệu bi tráng. Giọng điệu cảm thương của Phạm Thái đã góp một tiếng kêu đau đớn não nuột, góp phần đáng kể vào chủ nghĩa cảm thương trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX. Thơ văn Phạm Thái có giọng điệu trào phúng, nhất là giọng tự trào độc đáo. Ngoài ra, Phạm Thái còn có những vầng thơ cháy bỏng căm hờn với giọng điệu hào hùng, mạnh mẽ của những “người anh hùng” và cũng không kém chua xót, ngậm ngùi của những kẻ chiến bại. Tóm lại, về nghệ thuật, thơ văn Phạm Thái có nét phóng túng trong mọi thể loại, không rập khuôn theo những lối mòn truyền thống. Chính vì vậy, Phạm Thái có những phá cách mạnh mẽ, mở ra cho mình những lối đi rất riêng mà vẫn thể hiện rất đầy đủ hình thức nghệ thuật quan trọng nhất của văn học đương thời – nó là sợi dây liên kết mọi cây bút trong giai đoạn bất kể nó thuộc lập trường chính trị nào. Đó là hình thức nghệ thuật có tính dân tộc, thông tục, bình dân. Qua việc tìm hiểu nghệ thuật thơ văn Phạm Thái, chúng ta rút ra bài học là giá trị của văn học đâu phải chỉ là ở lập trường chính trị của triều đại “tích cực” này hay của triều đại “tiêu cực” kia mà ở những đóng góp mới mẻ về tư tưởng và nghệ thuật của nó trong tiến trình văn học dân tộc. Chính đó mới là sợi dây vô hình gắn kết văn học của mọi thời đại, mọi triều đại, mọi tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo... lại với nhau, cùng làm nên nền văn học thống nhất của một nước Việt Nam thống nhất. Lịch sử văn học dân tộc chính là lịch sử của nền văn học thống nhất đó. KẾT LUẬN Trong cái hoàn cảnh loạn lạc buổi Lê mạt - Nguyễn sơ, hình ảnh Phạm Thái là hình ảnh của một nhân vật nửa thực, nửa mộng. Tài hoa và nhiều tình cảm đó là tất cả con người Phạm Thái. Thơ văn Phạm Thái có tính lãng mạn rất đậm, nẩy nở một cách khác thường gần như lấn át tất cả những đặc tính khác. “Buồn cho thân thế, buồn vì lý do thời đại, địa vị của ông (Phạm Thái – người dẫn) có cái gì giống như địa vị của Chateaubriand trong văn chương Pháp, nghĩa là địa vị dẫn đường cho phong trào lãng mạn.” [12, tr. 317]. Phạm Thái viết tự truyện, tự trào, tự thuật tình cảm đã phơi bày trực tiếp. Phải chăng đó là dấu hiệu của một thời đại trong văn chương Việt Nam? Đồng thời với Phạm Thái, có Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du và sau này có Cao Bá Nhạ, Chu Mạnh Trinh.“Chàng tráng sĩ ở chùa Tiêu Sơn đem nỗi lòng rạo rực của mình mà bộc lộ cùng người đồng thời và hậu thế, thật đã mở trong thi văn một chân trời mới lạ: đó là những uẩn khúc và những vẻ đẹp bất ngờ của tâm tình cá nhân” [12, tr. 318]. Thơ Phạm Thái và sau này là thơ Nguyễn Đình Chiểu biểu lộ một sự dứt khoát, yêu ghét rõ ràng, vui buồn rõ rệt, mừng giận phân minh…Không những thế, dù là yêu hay ghét, vui hay buồn, mừng hay giận…đều đạt đến một cường độ rung cảm mạnh mẽ, đều có thể gây cho lòng người những ấn tượng sâu sắc, khó phai mờ. Trong lúc đương thời, kể đến thơ ca có tình cảm mạnh mẽ và rõ rệt, người ta thường nhắc đến “bộ tứ” Phạm Thái, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ. Về mặt nghệ thuật, văn chương của Phạm Thái không đều tay nhưng có nhiều đặc sắc. Người ta có cảm tưởng tác giả chỉ là một thi sĩ chứ chưa phải là một nghệ sĩ. Nhìn chung, câu văn ít được trau dồi nên đôi chỗ còn xù xì, thô ráp. Ngay đến kết cấu truyện cũng không được chú ý đúng mức. Đó là chưa kể những chỗ ép trong thơ bát cú, những đoạn lặp đi lặp lại trong Sơ kính tân trang. Truyện thơ của ông còn mắc nhiều khuyết điểm về mặt kết cấu. Nhưng điều đó thể hiện một cá tính ngang tàng, không thích hợp với khuôn phép quy củ. Phạm Thái táo bạo hơn người, phá cách cũng ở đấy. Phạm Thái cũng không theo một nề nếp nào nhất định trong hành văn, khi thì theo lối diễn tả công thức, tượng trưng của cổ điển, khi thì vượt ra ngoài khuôn khổ hướng mạnh ngòi bút vào hiện thực và trào phúng. Ngòi bút hiện thực của ông đã ghi lại được những phong cảnh thiên nhiên khách quan, những nét sinh hoạt khá linh động. Ngòi bút của Phạm Thái đã vượt qua tất cả các thành kiến thanh tao, quý phái của nề nếp lập ngôn cổ điển mà trực tiếp nói đến những sự việc thông thường với những lời lẽ dân dã. Ở điểm này, ngòi bút Phạm Thái có giá trị hiện thực lớn trong văn chương bấy giờ. Nhưng chủ yếu Phạm Thái thành công về tả tình, trước hết là ái tình từ những băn khoăn vẩn vơ giấu vào những câu thơ lơ lửng đến lòng nhớ thương vời vợi khi xa cách, nỗi hốt hoảng và tiếng khóc bi ai, uất ức khi nghe người yêu liều mình. Tất cả đều là những lời tâm tình vô vàn thắm thiết, nếu không có một tâm hồn đa cảm, một mối tình đã làm xúc cảm chính bản thân mình thì khó mà sáng tạo nổi. Phạm Thái đã đạt đến cái chân thực vô cùng rung cảm và khêu gợi một mối đồng cảm tha thiết. Nhưng Phạm Thái không chỉ ca ngâm ái tình. Ông còn nói đến cái phong thái lãng mạn của kẻ phong lưu giang hồ cũng như chí khí hào hùng của người tráng sĩ. Vần thơ có khi thênh thang, nhẹ nhõm như phong thái của khách nhàn du, có khi lại sát phạt, rắn rỏi như đường gươm dũng mãnh. Nói chung, thơ văn Phạm Thái không phải là thứ thơ văn luôn luôn điêu luyện hay có dụng công của người nghệ sĩ siêng năng. Mặc dù đã từng theo lối học cử tử, đã có lần họa mấy mươi vần phú gay go để bút chiến, Phạm Thái thành công và nổi bật căn bản ở lòng cảm xúc chân thực của mình. Ngày nay, đọc thơ văn Phạm Thái, ta không những thấy tâm sự ông mà còn thấy tâm lý của cả một giai cấp, thấy nhiều bức tranh xã hội thời bấy giờ và quan trọng hơn hết là thông cảm với nỗi đau xót của những trái tim bị giày xéo. Bên cạnh Hồ Xuân Hương, một trong những hiện tượng độc đáo nữa của lịch sử thơ ca Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX phải kể đến là Phạm Thái. Ông được biết đến ở đây với tư cách là “nhà thơ tình số một” của văn Nôm trong thời trung đại. Có lẽ ông là người đạt tới đỉnh cao của loại thơ tình yêu, một cái mốc quan trọng của thơ ca. Phần quan trọng trong văn chương Phạm Thái là một “cái tôi” đa tình, khao khát yêu thương, một tâm hồn lãng mạn vượt mọi khuôn phép của lễ giáo phong kiến đương thời. Thơ văn Phạm Thái là tiếng nói thiết tha, những rung động mãnh liệt, những khao khát cháy bỏng, những yêu cầu chính đáng về quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của tuổi trẻ nói riêng, con người nói chung. Phạm Thái, ngòi bút tài hoa và một trái tim đau khổ, chân thành đã ngân lên những tiếng lòng thống thiết khóc thương cho tài tử giai nhân bất hạnh trong tình yêu. Đó là âm hưởng của một tâm hồn lãng mạn, thấm đẫm chất nhân bản đẹp đẽ. Nhìn chung, về nội dung trữ tình, lãng mạn trong thơ văn Phạm Thái vừa bắt nguồn, vừa là sự phản ánh khát vọng sống, khát vọng tự do, hạnh phúc con người thời đại bấy giờ, thời đại mà trật tự cũng như lễ giáo phong kiến đang rối loạn, bảo thủ. Tiếng nói về nỗi đau thân phận, những bi kịch trong hạnh phúc lứa đôi trong thơ văn Phạm Thái, ở một mức độ nhất định đã đồng vọng, cộng hưởng với thơ văn Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và nhiều nhà nho khác cùng thời. Ngòi bút Phạm Thái khá táo bạo. Có lẽ ông là người mở đầu và duy nhất trong lớp nhà văn trung đại Việt Nam xây dựng truyện thơ bằng chất liệu đời sống dân tộc. Ông lựa chọn những mẫu người có thực giữa cuộc đời để sáng tạo thành tác phẩm truyện thơ mang tính tự truyện độc đáo. Tuy vậy vì cầm bút trong tư thế con người tài tử nên Phạm Thái chưa thật dụng công. Sơ kính tân trang chưa đạt tới những giá trị lớn như Truyện Kiều , Chinh phụ ngâm…Nhưng riêng về mặt ngôn từ, Phạm Thái có những sáng tạo bất ngờ. Phạm Thái có nhiều sáng kiến và đặc biệt đã làm nảy nở bút pháp hiện thực trong văn chương. Đó là những yếu tố làm cho Phạm Thái có một địa vị xứng đáng trong nền văn học nước nhà. Nhìn tổng thể, cả hai mặt sở trường và sở đoản trong thơ văn Phạm Thái không tách rời nhau, khiến cho việc nhìn nhận đánh giá ông không dễ. Tuy cuộc đời ngắn ngủi, sáng tác thơ văn không nhiều nhưng với một số thơ văn viết về tình yêu, nhất là truyện Sơ kính tân trang và bài Văn tế Trương Quỳnh Như, Phạm Thái được coi là một trong những nhà nho tài tử có vị trí đặc biệt trong văn học trung đại Việt Nam - nhà thơ của tình yêu lãng mạn, của sự bộc lộ “cái tôi” báo hiệu thời kỳ cận đại. Thật tiếc cho một con người tài hoa, có dũng khí, có chí lớn như Phạm Thái mà lầm đường lạc lối, đeo một ảo vọng quá lớn mà thời cuộc chưa phù hợp. Dẫu sao, Phạm Thái đã có một chuyện tình vào hàng cảm động nhất và để lại cho hậu thế những áng thơ văn đi cùng năm tháng không dễ gì phai nhòa. Các nhà thơ trong giai đoạn này đã lập nên một chiến tích diệu kì mà dân tộc Việt Nam còn phải biết ơn họ. Đi ngược truyền thống của giai cấp phong kiến thống trị coi trọng chữ Hán - văn chữ Hán giữ địa vị độc tôn - bằng thực tiễn sáng tác, họ đã chứng minh một cách hùng hồn khả năng biểu đạt một cách tuyệt vời của tiếng Việt đối với hiện thực, thế giới tâm hồn, tình cảm. Họ đã “đăng quang” cho thơ Nôm, đưa tiếng Việt lên hàng ngôn ngữ văn học, nghệ thuật. Trong đó, Phạm Thái góp một công không nhỏ. Phạm Thái đã đặt những mốc son trên hành trình văn học trung đại và để lại cho đời một cái tôi hiếm có trong xã hội đương thời. Chế Lan Viên từng quả quyết mạnh mẽ về sức sống của thơ Hàn Mặc Tử: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử” [152, tr.182]. Và chúng ta cũng có niềm tin ấy đối với thơ Phạm Thái: “còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể” đó là Phạm Thái? TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lại Nguyên Ân (1994), Từ điển văn học Việt Nam, Nxb Đại quốc gia, Hà Nội. 2. Lại Nguyên Ân (2004), Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 3. Lê Bảo, Hà Minh Đức, Đỗ Kim Hồi (1998), Giảng văn Văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 4. Hoàng Hữu Bội (1994), Giọng điệu trữ tình của Phạm Thái qua trích đọan “Cảnh chùa chiền” trong “Sơ kính tân trang”, Tạp chí văn học số 3. 5. Lại Ngọc Cang giới thiệu và chú thích (1960), Phạm Thái Sơ kính tân trang, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 6. Bùi Hạnh Cẩn (1996), 101 bài thơ Tây Hồ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 7. Nguyễn Sĩ Cẩn (1984), Mấy vấn đề phương pháp dạy thơ văn cổ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 8. Phong Châu, Nguyễn Văn Phú (2002), Phú Việt Nam cổ và kim, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 9. Nguyễn Đổng Chi (1970), Việt Nam cổ văn học sử, Phủ quốc vụ đặc trách văn hóa tái bản. 10. Nguyễn Huệ Chi (1984), Từ điển văn học, Tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 11. Nguyễn Huệ Chi nghiên cứu, tuyển chọn, hiệu đính (2000), Liêu trai chí dị - Bồ Tùng Linh, tập 2, Nxb Văn nghệ,TpHCM. 12. Hà Như Chi (2000), Việt Nam thi văn giảng luận, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 13. Hồ Thị Kiều Chinh (2007), Phạm Thái trong dòng văn chương nhà nho tài tử, Luận văn Thạc sĩ Trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn, Tp.HCM. 14. Phan Trần Chúc (2001), Việt Nam sử học triều Tây Sơn, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 15. Nguyễn Mạnh Cường dịch (1977), Văn học Việt Nam từ thời trung cổ đến hiện đại thế kỷ X - XIX, N. I. Niculin, Nxb Khoa học, M. 16. Phạm Văn Diêu (1960), Văn học Việt Nam, Nxb Tân Việt, Tp. HCM. 17. Xuân Diệu (1971), Cao Bá Quát, Nxb Tác phẩm mới,Tp.HCM. 18. Xuân Diệu (1982), Các nhà thơ cổ điển, tập II, NxbVăn học, Tp.HCM. 19. Xuân Diệu (1989), Phấn thông vàng, Nxb Thanh niên, Tp.HCM. 20. Ngô Viết Dinh (1997), Đến với thơ Hồ Xuân Hương, sưu tầm và biên tập, Nxb Thanh niên, Hà Nội. 21. Trịnh Bá Dĩnh (2007), Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm, tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, Đà Nẵng. 22. Nguyễn Phi Doanh (1984), Mỹ thuật Việt Nam, Nxb Thành phố.Hồ Chí Minh, Tp.HCM. 23. Lê Chí Dũng (2001), Tính cách Việt Nam trong thơ Nôm luật Đường, Nxb Văn học, Hà Nội. 24. Lê Chí Dũng, Phạm Quang Trung (1999) Một số vấn đề Văn học Việt Nam, Tổ bộ môn văn học Đà Lạt, NxbVăn học, Đà Lạt. 25. Triêu Dương (1960), Một số ý kiến về việc đánh giá Sơ kính tân trang, Nghiên cứu văn học, số 12. 26. Nguyễn Đăng Duy (2001), Đạo giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội, Hà Nội. 27. Phan Cự Đệ (1975), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Tập II, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 28. Cao Huy Đỉnh (1965), Triết lý đạo Phật trong Truyện Kiều, Tạp chí văn học, số 11. 29. Hà Minh Đức (1974), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 30. Hà Minh Đức (2001), Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 31. Nguyễn Thạch Giang (2001), Nguyễn Du cuộc đời và tác phẩm, Trương Chính biên khảo và chú giải, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. 32. Nguyễn Thạch Giang chủ biên (2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 5,quyển II, Văn học thế kỉ XVIII, Nxb Khoa học xã hội, Tp.HCM. 33. Nguyễn Thị Bích Hải (2006), Thi pháp thơ Đường, Nxb Thuận Hoá, Huế. 34. Thích Nữ Trí Hải dịch (2000), Đức Phật đã dạy những gì? Walpola Rahula, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 35. Dương Quảng Hàm (1943), Việt Nam văn học sử yếu, Nha học chính Đông – Pháp xuất bản, Hà Nội. 36. Dương Quảng Hàm (1956) Việt Nam văn học sử yếu (trung học Việt Nam), Bộ quốc gia Giáo dục, Hà Nội. 37. Dương Quảng Hàm (1998), Việt Nam thi văn hợp tuyển, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội. 38. Dương Quảng Hàm (2005), Việt Nam văn học sử yếu, Nxb Trẻ, Tp.TPHCM. 39. Nguyễn Văn Hạnh, Lê Đình Kỵ (1976), Cơ sở lý luận văn học, tập 4 - Phương pháp sáng tác và trào lưu văn học, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 40. Nguyễn Văn Hạnh (2003), Về tính cách người Việt Nam, Nxb Giáo dục, Tp. HCM. 41. Lưu Đức Hạnh, Lê Văn Đình, Lê Huy Trâm, Hoàng Khôi (1988), Án loạn thâm cung, án xưa tích cũ tập 2, Nxb Pháp lý, Tp. HCM. 42. Đặng Thị Hảo (2001), Nhận diện thơ tình cổ trung đại, Tạp chí văn học số 11. 43. Hoàng Ngọc Hiến (1966), Triết lý Truyện Kiều, Tạp chí văn học, số 2. 44. Hồ Sĩ Hiệp (1996), Hồ Xuân Hương, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM. 45. Kiều Thu Hoạch (1993), Truyện Nôm nguồn gốc và bản chất thể loại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 46. Nguyễn Mạnh Hùng (2001), Trên hành trình Văn học trung đại, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội. 47. Cao Xuân Huy (1994), Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học, Tp. HCM. 48. Trần Quang Huy (2002), Thể tài “tài tử giai nhân” trong truyện Nôm Việt Nam, Tạp chí văn học, số 12. 49. Đoàn Hương (2004), Văn luận, Nxb Văn học,Tp.HCM. 50. Trần Đình Hượu (1999), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 51. Đinh Thị Khang (2003), Quan niệm về con người trong truyện Nôm, Tạp chí văn học số 8. 52. Đinh Gia Khánh chủ biên (1999), Văn học Việt Nam thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 53. Vũ Ngọc Khánh (1999), Tiếp cận kho tàng Folklore Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Tp.HCM. 54. Vũ Ngọc Khánh (1999), Hành trình vào xứ sở cười, Nxb Giáo Dục, Hà Nội. 55. Trần Trọng Kim (1960), Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa thông tin, Sài Gòn. 56. Trần Trọng Kim (2005), Việt Nam sử lược, Nxb Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh. 57. M.B.Khrapchenkô (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Nxb Tác phẩm mới, Tp.HCM. 58. Tạ Ký (1994), Việt Nam thi văn trích giảng, Nxb Đồng Tháp, Đồng Tháp. 59. Lê Đình Kỵ (1984), Tìm hiểu văn học, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM. 60. Thanh Lãng (1971), Văn học Việt Nam: Đối kháng Trung Hoa – từ đầu đến 1428, Phong trào văn hóa tái bản, Sài Gòn. 61. Hoàng Vân Lâu (1996), Tuyển tập truyện truyền kì Đường Tông, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 62. Đặng Thanh Lê (1979), “Truyện Kiều” và thể loại truyện Nôm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 63. Đặng Thanh Lê (1961), Thử bàn về vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương, Nghiên cứu văn học, số 4. 64. Nguyễn Hiến Lê dịch (1999), Nhân sinh quan và thơ văn, Lâm Ngữ Đường, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 65. Hà Xuân Liêm sưu tầm và biên soạn (2000), Thơ Việt Nam Thơ Nôm Đường luật, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hoá. 66. Hà Xuân Liêm giới thiệu và tuyển chọn (2002), Thơ Việt Nam thơ Nôm Đường luật từ thế kỷ XV đến hết thế kỷ XIX, Nxb Thuận Hoá, Huế. 67. Mai Quốc Liên (1979), Nhà thơ cơn bão và những cánh chim, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM. 68. Vũ Đình Long (1924), Văn chương Truyện Kiều, Tạp chí Nam phong, số 81, 83, 87. 69. Nguyễn Lộc (1984), Từ điển văn học, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 70. Nguyễn Lộc khảo đính và giới thiệu (1986), Nguyễn Gia Thiều Cung oán ngâm khúc, Nxb Văn học, Hà Nội. 71. Nguyễn Lộc (1992), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, tập 1, Nxb Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội. 72. Nguyễn Lộc (1992), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, tập 2, Nxb Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội. 73. Nguyễn Lộc (1999), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII - hết thế kỉ XIX, tái bản lần 3, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 74. Lê Nguyễn Lưu (1999), Nguồn suối nho học và thơ ca Bạch Vân cư sĩ, Nxb Thuận Hóa, Huế. 75. Phương Lựu (1997), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 76. Phương Lựu (chủ biên) (1997), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 77. Phương Lựu (2005), Lí luận văn học cổ điển phương Đông (tuyển tập) (tập 1), Nxb Giáo dục. Tp HCM. 78. Phương Lựu tuyển tập (2004), Lí luận văn học cổ điển phương Đông - Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 79. Huỳnh Lý (1978), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 80. Đặng Thai Mai (1974), Mấy điều tâm đắc khi đọc lại văn học của một thời đại, Tạp chí văn học, số 6. 81. Nguyễn Đăng Mạnh (1983), Nhà văn, tư tưởng và phong cách, Nxb Văn học, Hà Nội. 82. Nguyễn Đăng Mạnh (1985), Các nhà văn nói về văn, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. 83. Nguyễn Đăng Mạnh (1990), Văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 84. Nguyễn Đăng Mạnh (1994), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 85. Võ Đại Mau (2002), Tìm hiểu văn học văn học cổ điển thế kỉ XIX, phần một: Các thi sĩ trong cung đình nhà Nguyễn, Nxb Đại học quốc gia, Tp. HCM. 86. Võ Đại Mau, Võ Thị Diễm Phương (2003), Tìm hiểu văn học cổ điển Việt Nam thế kỉ XIX (Phần II, nửa đầu thế kỉ XIX, tập 1), Nxb Đại học quốc gia, Tp. HCM. 87. Hà Thúc Minh (2001), Đạo Nho và văn hóa phương Đông, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 88. Lạc Ngọc Minh chủ biên (2000), Văn học sử Trung Quốc, tập 1, Chương Bồi Hoàn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 89. Lê Thị Hồng Minh (2002), Ngôn ngữ nhân vật trong truyện thơ Nôm bác học, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn Trường ĐHSP. Tp.HCM. 90. Lê Hoài Nam (1978) Lịch sử Văn học Việt Nam, tập 3 –Văn học viết, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 91. Nguyễn Nghiệp (1962), Qua những ý kiến khác nhau về Sơ kính tân trang của Phạm Thái, Nghiên cứu văn học số 2. 92. Nguyễn Viết Ngoạn nghiên cứu sưu tầm và tuyển chọn (2001), Nguyễn Công Trứ, Nxb Đại học quốc gia, Tp.HCM. 93. Phan Ngọc (1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 94. Phan Ngọc dịch (1999), Mỹ học F. Hêghen, tập I, Nxb Văn học, Tp. HCM. 95. Phan Ngọc (2001), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”, Nxb Thanh niên, Hà Nội. 96. Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Tp. HCM. 97. Phạm Thế Ngũ (1997), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập I, Văn học truyền khẩu: Văn học lịch triều: Hán Văn, Nxb Đồng Tháp, Đồng Tháp. 98. Phạm Thế Ngũ (1997), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập II, Văn học lịch triều: Việt Văn, Nxb Đồng Tháp, Đồng Tháp. 99. Phạm Thế Ngũ (1997), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập III, Văn học hiện đại:1862 – 1945, Nxb Đồng Tháp, Đồng Tháp. 100. Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Sĩ Cẩn, Hoàng Ngọc Trì (1989), Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XVIII, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 101. Nguyễn Thị Nhàn (2000), Mô hình kết cấu truyện “Sơ kính tân trang” của Phạm Thái, Tạp chí văn học số 8. 102. Phùng Quý Nhâm (1991), Thẩm định văn học, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM. 103. N. I. Niculin (2000), Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 104. Nhà xuất bản Đại học quốc gia (1999), Từ điển thuật ngữ văn học, Hà Nội. 105. Nhà xuất bản Giáo dục (1995), Sách giáo khoa Văn 10 (phần Văn học Việt Nam) Nhóm tác giả trường ĐHSP Hà Nội I. 106. Nhà xuất bản Giáo dục (2003), Tuyển tập mười năm tạp chí văn học và tuổi trẻ. 107. Nhà xuất bản Khoa học xã hội (1977), Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn, Hà Nội. 108. Nhà xuất bản Khoa học xã hội (1984), Từ điển văn học, tập II. 109. Nhà xuất bản Tác phẩm mới (1972), Cá tính sáng tạo của nhà văn, M. Khrápchenkô (bản dịch), Hà Nội. 110. Nhà xuất bản Tân Việt (1951), Sãi vãi, Nguyễn Cư Trinh, Sài Gòn. 111. Nhà xuất bản Thanh niên (1983), Danh ngôn. 112. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh (1999), Tuyển tập 40 tạp chí văn học 1960 – 1999, tập 2, Văn học cổ - cận đại Việt Nam 113. Nhà xuất bản Thông tin (1990), Nhị độ mai, Tp.HCM. 114. Nhà xuất bản Sử học (1960), Việt sử thông giám cương mục, tập XVIII, Hà Nội. 115. Nhà xuất bảnVăn hóa (1960), Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ, Hà Nội. 116. Nhà xuất bản Văn học (1978), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam – thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, Hà Nội. 117. Nhà xuất bản Văn học (1991), Thơ Hàn Mặc Tử. 118. Nhà xuất Văn nghệ Hội nghiên cứu giảng dạy văn học Thành phố.Hồ Chí Minh (1988), Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ, TpHCM. 119. Hoàng Ngọc Phách, Kiều Thu Hoạch (1988), Giai thoại Văn học Việt Nam, Nxb Văn học, Tp.HCM. 120. Nghiêm Phái, Thư Linh (1994), Phạm Thái Quỳnh Như, Nxb Văn hóa thông tin, Tp.HCM. 121. Vũ Ngọc Phan dịch và giới thiệu (2001), Văn học cổ điển Pháp, Truyện T’rixtăng và Y Dơ, Nxb Văn học, Tp.HCM. 122. Hoàng Phê chủ biên (1992), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Trung tâm từ điển ngôn ngữ học, Tp. HCM. 123. Phan Diễm Phương (1997), Về giá trị chức năng của thể thơ lục bát và song thất lục bát trong thơ ca Việt Nam trung – cận đại, Tạp chí văn học số 8. 124. Trần Triều Xử Sĩ Hồ Huyền Qui (1950) , Truyện Trinh thử, Nxb Tân Việt, Sài Gòn. 125. Vũ Dương Quỹ (1993), Trên đường bình văn, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 126. Vũ Dương Quỹ tuyển chọn và biên sọan (1999), Phạm Thái – Nguyễn Công Trứ - Cao Bá Quát, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 127. Vũ Tiến Quỳnh (1994), Nguyễn Dữ - Lê Hữu Trác - Ngô gia văn phái – Phạm Thái - Lê Thánh Tông, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM. 128. Vũ Tiến Quỳnh tuyển chọn (1998), Lê Hữu Trác, Lê Ngọc Hân…Nguyễn Hữu Chỉnh, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM. 129. Vũ Tiến Quỳnh tuyển chọn (1998), Phan Trần - Nhị độ mai - Quan âm thị kính - Hoàng Trừu - Truyện Lý Công, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM. 130. Vũ Tiến Quỳnh tuyển chọn (1998), Ngô gia văn phái - Nguyễn Gia Thiều - Lý Văn Phức – Nguyễn Miên Thẩm – Ngô Thì Nhậm, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM. 131. Vũ Tiến Quỳnh tuyển chọn và giới thiệu (1999), Phạm Thái, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Nguyễn Huy Hổ…Phạm Đình Toái, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM. 132. Vũ Tiến Quỳnh (1999), Tống Trân Cúc Hoa – Phạm Tải Ngọc Hoa – Phương Hoa – Thạch Sanh, Nxb Văn nghệ, Tp.HCM. 133. Đặng Đức Siêu (1998), Ngữ liệu văn học, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 134. Nguyễn Khắc Sính (2006), Phong cách thời đại nhìn từ một thể lọai văn học, Nxb Văn học, Hà Nội. 135. Nguyễn Hữu Sơn, Trần Đình Sử, Huyền Giang, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn, Đoàn Thị Thu Vân (1997), Về con người cá nhân trong văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Tp. HCM. 136. Nguyễn Hữu Sơn giới thiệu và tuyển chọn (2000), Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế, N. I. NICULIN, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 137. Nguyễn Hữu Sơn (2005), Cao Bá Quát và những suy tưởng trong thơ, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 2. 138. Nguyễn Hữu Sơn - Đặng Thị Hảo tuyển chọn và giới thiệu (2007), Cao Bá Quát về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Đà Nẵng. 139. Trần Đình Sử (1987), Lý luận văn học, tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 140. Trần Đình Sử, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội. 141. Trần Đình Sử (1999), Lý thuyết giọng điệu nghệ thuật của Bakhtin và chủ nghĩa cảm thương của Truyện Kiều, Tạp chí văn học, số 2. 142. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 143. Trần Đình Sử (2001), Tư tưởng tự do trong truyền thống văn học cổ Việt Nam, Tạp chí văn học số 1. 144. Trần Đình Sử chủ biên (2003), Tự sự học một số vần đề về lý luận và lịch sử, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội. 145. Trần Đình Sử (2003), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 146. Bùi Duy Tân (1999), Khảo và luận một số tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam - tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 147. Bùi Duy Tân (2001), Khảo và luận một số thể loại tác gia tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội. 148. Vũ Khắc Tiệp (1931), Phú Nôm, Vĩnh Hưng Long thư quán, Hà Nội. 149. Cao Tự Thanh dịch (2001), Ẩn sĩ Trung Hoa, Nxb Trẻ, Tp.HCM. 150. Cao Tự Thanh dịch (2001), Lịch sử tuyển chọn người đẹp, Lưu Cự Tài, Nxb Trẻ, TpHCM. 151. Hoài Thanh (1960), Phê bình và tiểu luận, Nxb Văn học, Hà Nội. 152. Hoài Thanh, Hoài Chân (1988), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học Hà Nội và Hội nghiên cứu giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM. 153. Trần Thị Băng Thanh (1998), Thơ Bà huyện Thanh Quan – niềm vui và nỗi buồn, Tạp chí văn học, số 1. 154. Trần Thị Băng Thanh (1999), Những nghĩ suy từ văn học trung đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 155. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 156. Đoàn Cầm Thi (2008), Tương lai tự truyện Việt Nam còn ở phía trước, Văn nghệ số 42, 43. 157. Vô Danh Thị (1954), Truyện Trê Cóc, Nxb Tân Việt, Sài Gòn. 158. Vô Danh Thị (1968), Bích câu kỳ ngộ, Nxb Tân Việt, Sài Gòn. 159. Nguyễn Ngọc Thiện tuyển chọn và giới thiệu (2003), Nguyễn Đình Chiểu về tác gia tác phẩm, Nxb Giáo Dục, Hà Nội. 160. Trần Nho Thìn (1994), Mối quan hệ giữa cái tôi nhà nho và thực tại trong văn chương thời cổ, Tạp chí văn học số 2. 161. Trần Nho Thìn (2003), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 162. Trần Nho Thìn giới thiệu và tuyển chọn (2003), Nguyễn Công Trứ về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo Dục, Hà Nội. 163. Phan Ngọc Thu (1988), Sổ tay người yêu thơ, Sở VHTT Bình Trị Thiên, Bình Trị Thiên. 164. Nguyễn Khắc Thuần (2000), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập II, Nxb Giáo dục, Tp. HCM. 165. Nguyễn Khắc Thuần (2007), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập III, Nxb Giáo dục, Tp. HCM. 166. Nguyễn Khắc Thuần (2006), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập IV, Nxb Giáo dục, Tp. HCM. 167. Nguyễn Cẩm Thúy, Nguyễn Phạm Hùng (1997), Văn thơ Nôm thời Tây Sơn, Nxb Khoa học xã hội, Tp. HCM. 168. Lê Thước - Trương Chính (1971), Tìm hiểu dòng văn học tiến bộ thời Tây Sơn, Tạp chí văn học, số 6. 169. Phan Trọng Thưởng, Trịnh Bá Dĩnh, Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn (1999), Tuyển tập 40 năm tạp chí văn học 1960 - 1999, tập 2, Văn học cổ cận đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 170. Ngô Tất Tố (1942), Thi văn bình chú, Tủ sách tao đàn xuất bản, Hà Nội. 171. Lê Ngọc Trà, Phùng Quý Nhâm (1997), Lý luận văn học, Trường đại học sư phạm Tp.HCM. 172. Lê Ngọc Trà tập hợp và giới thiệu (2003), Văn hóa Việt Nam đặc trưng và cách tiếp nhận, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 173. Nguyễn Quảng Tuân khảo đính và chú giải (1997), Tổng tập văn học Việt Nam, 13A, Nxb Khoa học và xã hội, Hà Nội. 174. Lê Tuyên (1961), Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày, Nxb Đại học Huế, Huế. 175. Nguyễn Văn Tỵ (1972), Điêu khắc gỗ dân gian thế kỉ XVI- XVII- XVIII, Tác phẩm mới, số 18, tháng 3- 4. 176. Trần Trung Viên sưu tập (tái bản 2004), Văn đàn bảo giám, Nxb Văn học, Tp. HCM. 177. Lê Trí Viễn (1987), Đặc điểm lịch sử văn học Việt nam, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 178. Lê Trí Viễn (1999), Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 179. Lê Trí Viễn (2001), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nxb Văn Nghệ, Tp. HCM. 180. Nguyễn Khắc Viện (2000), Bàn về đạo Nho, Nxb Thế giới, Hà Nội. 181. Phạm Tuấn Vũ (2002), Thể phú trong văn học Việt Nam trung đại, Luận án Tiến sĩ, Khoa Ngữ Văn, ĐHSP. Hà Nội. 182. Trần Ngọc Vương (1999), Loại hình tác gia văn học, nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội. 183. Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam (2005), Tổng tập văn học dân gian người Việt, Tập 2 – Truyện Nôm bình dân, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 184. Hoàng Xuân (1959), Chiêu Lỳ Phạm Thái thi tập, Nxb Anh Phương, Sài Gòn. 185. Nguyễn Văn Xuất (1995), Thi pháp trữ tình, Tài liệu học tập của sinh viên ĐHSP – ĐHQG Tp.HCM. 186. Nguyễn Văn Xung (1970), Phạm Thái một bộ diện đặc biệt trong văn học cuối Lê đầu Nguyễn, Tạp chí Văn, Sài Gòn, số 167. 187. Hoàng Hữu Yên (1999), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 188. Phạm Du Yên (2007), Thơ Hồ Xuân Hương, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai. 189. Lê Thu Yến (1999), Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Thanh niên. 190. Lê Thu Yến tuyển chọn (2000), Văn học Việt Nam - Văn học trung đại những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 191. Philippe Lejeune (1975), Le pacte autobiographique, Paris: Seuil. MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cảm ơn Mục lục MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 Chương 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ PHẠM THÁI 1.1. Bối cảnh thời đại..............................................................................................8 1.2. Chân dung Phạm Thái ...................................................................................16 1.3. Thơ văn Phạm Thái........................................................................................19 Chương 2: NỘI DUNG THƠ VĂN VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA PHẠM THÁI 2.1. Thơ văn Phạm Thái và hiện thực xã hội đương thời .....................................22 2.1.1. Hình ảnh xã hội thời tao loạn .................................................................22 2.1.2. Hình ảnh quan lại đương thời.................................................................24 2.2. Thơ văn Phạm Thái và hình ảnh con người cá nhân .....................................29 2.2.1. Con người tài hoa, phong lưu, lãng mạn ................................................30 2.2.2. Con người đa tình và tự do trong tình yêu .............................................36 2.2.3. Con người ngang tàng, cuồng phóng .....................................................45 2.2.4. Con người tuyệt vọng, chán đời .............................................................51 2.3. Thơ văn Phạm Thái và hình ảnh thiên nhiên.................................................54 2.3.1. Những bức tranh thiên nhiên mĩ miều....................................................54 2.3.2. Những bức tranh thiên nhiên ảm đạm ....................................................61 2.4. Thơ văn Phạm Thái và tôn giáo.....................................................................66 2.4.1. Nho giáo .................................................................................................66 2.4.2. Phật giáo .................................................................................................70 2.4.3. Đạo giáo .................................................................................................78 Chương 3: NGHỆ THUẬT THƠ VĂN VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA PHẠM THÁI 3.1. Thể loại ..........................................................................................................92 3.1.1. Truyện thơ ..............................................................................................92 3.1.1.1. Tự truyện ....................................................................................92 3.1.1.2. Nhân vật......................................................................................96 3.1.1.3. Kết cấu truyện...........................................................................101 3.1.2. Thơ trữ tình...........................................................................................109 3.1.2.1. Thơ Đường luật.........................................................................109 3.1.2.2. Thơ lục bát và song thất lục bát................................................114 3.1.3. Văn xuôi ...............................................................................................122 3.1.3.1. Văn tế........................................................................................122 3.1.3.2. Các tờ phả khuyến và bài văn khao thần ôn dịch ....................126 3.1.4. Phú........................................................................................................127 3.2. Từ ngữ..........................................................................................................133 3.2.1. Từ ngữ trau chuốt, điêu luyện ..............................................................133 3.2.2. Từ ngữ bình dân, “quảng trường”, “chợ búa”......................................136 3.3. Giọng điệu....................................................................................................141 3.3.1. Giọng điệu cảm thương... .....................................................................142 3.3.2. Giọng điệu trào phúng..........................................................................143 3.3.3. Giọng điệu bi tráng...............................................................................148 KẾT LUẬN ............................................................................................................154 TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................158

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHVN040.pdf