Luận văn Đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX

Ms: Lvvh-vhvn017 Số trang: 109 Ngành: Văn học Chuyên ngành: Văn học việt nam Trường: đhsp tphcm Năm: 2007 cấu trúc luận văn Lời cảm ơn Mở đầu 1. Lý do chọn đề tài 2. Phạm vi nghiên cứu 3. Lịch sử vấn đề 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Bố cục luận văn Chương 1: Khái quát về thể loại ký trung đại việt nam 1.1. Khái niệm 1.1.1. Khái niệm 1.1.2. Những tiêu chí xác định thể loại ký 1.2. Sự phát triển của ký trung đại việt nam 1.2.1. Ký trung đại việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix 1.2.2. Nhu cầu phát triển của thể loại ký trung đại thế kỷ xviii - xix Chương 2: đóng góp của thể loại ký về phương diện nội dung 2.1. Ký ghi lại các sự kiện lịch sử xã hội 2.1.1. đời sống xã hội 2.1.2. Sự kiện lịch sử 2.2. Ký ghi chép về những chuyện kỳ lạ 2.2.1. Việc nằm mộng, báo mộng 2.2.2. Những điềm báo 2.2.3. Những việc tai dị, quái lạ, kỳ lạ 2.3. Ký ghi chép về những mối tình lãng mạn 2.3.1. Mối tình lê hữu trác và người hứa hôn cũ 2.3.2. Mối tình trịnh sâm - đặng thị huệ 2.3.3. Mối tình nguyễn huệ (nguyễn bình) và công chúa ngọc hân Chương 3: đóng góp của thể loại ký về phương diện hình thức 3.1. Xây dựng kết cấu 3.1.1. Kết cấu kể sự kiện 3.1.2. Kết cấu thời gian 3.2. Ngôn ngữ và giọng điệu 3.2.1. Ngôn ngữ 3.2.2. Giọng điệu 3.3. Những nhận định mang tính chủ quan của tác giả 3.3.1. Ghi chép mang tính chủ quan của tác giả 3.3.2. Ghi chép kết hợp giữa hiện thực và trữ tình Kết luận Tài liệu tham khảo

pdf109 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2141 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Đóng góp của thể loại ký giai đoạn văn học thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
trong tác phẩm không chỉ giúp thể hiện nội dung mà còn góp phần quan trọng tạo nên chất trữ tình cho tác phẩm. Chẳng hạn, những câu văn sử dụng phép so sánh sau: (1) “… bên kia bờ hồ có tiếng kêu lanh lảnh, réo rắt, véo von, thanh khiết, như ve đang uống sương, khi đứt khi nối, trong vắt như sương sa mùa thu” (Thượng kinh ký sự). (2) “… vầng trăng chiếu sáng như bạc, hoa cỏ trước sân hạt sương trĩu nặng, hương đưa ngào ngạt” (Thượng kinh ký sự). (3) “… trông xa ra những làng xóm Dưỡng Hiền bên sông Nhuệ Giang, thấy có chỗ đốt pháo thăng thiên, lốm đốm như sao sa bay lưng chừng trời” (Vũ trung tùy bút). (4) “ Sông Hát Giang vòng quanh phía đông như một dải lụa trắng, … Lác đác như lá tre điểm xuyết trên tấm lụa… lại trông lờ mờ như quả muỗn di động trên bãi cát, ấy là những bóng người đi lại và trẻ chăn trâu” (Vũ trung tùy bút). (5) “Trai gái trong Kinh nghe tin rủ nhau đi xem đông như ngày hội” (Hoàng Lê nhất thống chí). (6) “… các bề tôi mở quan tài vua Lê Chiêu Thống thì thấy da thịt đã nát hết, chỉ có trái tim không nát, mà màu sắc hầu như vẫn còn tươi” (Hoàng Lê nhất thống chí). Bằng sự quan sát tinh tế, khả năng liên tưởng độc đáo các tác giả ký đã đưa ra những hình ảnh so sánh thấm đẫm chất trữ tình. Như ở ví dụ (4) dòng “sông Hát Giang vòng quanh phía đông” được phạm Đình Hổ so sánh như “một dải lụa trắng”. Cách sử dụng biện pháp so sánh cho thấy chủ quan của tác giả. Có thể nói, sự tinh tế, khéo léo trong cách sử dụng hình ảnh so sánh khiến cho ngôn ngữ ký mang đậm chất trữ tình. Như vậy, chất trữ tình trong tác phẩm ký đã tạo ra độ lắng sâu trong lòng người đọc. Và có thể nói, chưa bao giờ cái tôi cá nhân lại bộc lộ mạnh mẽ như lúc này. Đây là một bước phát triển mới trong ký trung đại Việt Nam vì các tác giả ý thức được giá trị của mình, ý thức và chịu trách nhiệm về cái tôi của mình trước cuộc sống.  Ngôn ngữ chính xác khoa học Mục đích của các tác phẩm ký là ghi chép hiện thực, kể lại các sự kiện lịch sử nên ngôn ngữ mang tính chính xác cao. Các tác phẩm ký được viết với nhiều phong cách nhưng trên hết lịch sử vẫn được ghi lại một cách trung thực. Trước hiện thực cuộc sống người ghi chép ký có cái nhìn khách quan và phản ánh chân thực lịch sử. Cách sử dụng ngôn ngữ của y học trong Thượng kinh ký sự đã cung cấp cho người đọc một lượng thông tin quý giá. Chẳng hạn, khi nào phủ chữa bệnh cho cha con Trịnh Sâm, Lê Hữa Trác đưa ra nhận xét khách quan về bệnh tình của thế tử Trịnh Cán “tinh khí khô, rốn lồi to, gân thời xanh, tay chân gầy gò… nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức… mạch lại tế sác… âm dương đều bị tổn hại”. Hơn nữa, Lê Hữu Trác còn cho người đọc hình dung ra một thế tử Cán ốm yếu qua cách kê đơn thuốc: “Sáu mạch tế sác và vô lực, hữu quan yếu, hữu xích càng yếu hơn. Ấy là tì âm hư, vị hỏa quá thịnh, không giữ được khí dương nên âm hỏa đi càn. Vì vậy bên ngoài thì thấy cổ trướng, đó là tượng trưng ngoài thì phù trong thì trống” [59, tr.36]. Bên cạnh đó, Lê Hữu Trác còn sử dụng từ ngữ chân xác để diễn tả sự thật khách quan. Những từ ngữ như: “qua mấy lần cửa nữa”, “những dãy hành lang quanh co nối tiếp nhau”, “đi được vài trăm bước, qua mấy lần cửa nữa mới đến cái điếm Hậu mã quân túc trực” rồi lại “qua dãy hành lang phía Tây… lại qua một cửa nữa”… Cho đến hiện nay những di tích về thời vua Lê chúa Trịnh hầu như không còn giữ lại được mấy thì những nét miêu hoạ mà Lê Hữu Trác ghi lại trong Thượng kinh ký sự là những tài liệu sự học quý giá giúp người đọc có thể hình dung ra khung cảnh phủ chúa Trịnh. Nơi đó có rất nhiều cửa, nhiều lầu gác, những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp. Tác giả phải đi qua mấy lần cửa mới đến cái điếm “Hậu mã quân túc trực”. Qua dẫy hành lang phía tây đến một cái nhà lớn thật cao và rộng. Bắng cách quan sát tỉ mỉ và sử dụng từ ngữ chân xác, Lê Hữu Trác đã ghi lại một cách khách quan về đời sống phủ chúa dưới thời Lê - Trịnh. Cách sử dụng ngôn ngữ trong Vũ trung tùy bút ít nhiều giúp cho người đọc có thể hình dung ra cuộc sống và không khí xã hội những năm tháng cuối cùng của triều đình Lê Trịnh ở Thăng Long. Viết về điều gì Phạm Đình Hổ cũng trình bày cặn kẽ ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan của sự vật. Chẳng hạn như, khi bàn về lối viết chữ Phạm Đình Hổ căn cứ vào những chữ còn sót lại trên bia đá, trên chuông đồng và căn cứ trên thư tịch ông lần lượt nhận xét về các kiểu chữ từ thời Lý Trần, thời Lê sơ, thời Mạc, thời Lê Trung Hưng cho đến thời của ông. “Nước Việt Nam ta, lối chữ viết từ đời Đinh, Lê trở về trước thì không thấy được nữa, còn lối chữ từ đời Lý đời Trần trở về sau, thì bắt chước đời nhà Tống” [21, tr.28]. Hay khi kể sự việc Phạm Đình Hổ thường gởi gắm những nỗi niềm tâm sự, những suy nghĩ về nhân tình thế thái. Viết về sản vật nội địa trong nước Phạm Đình Hổ không những chỉ ra những sản vật trong nước mà còn so sánh với Trung Hoa để đưa ra nhận xét: “Nếu người cầm quyền nước biết nhân cái sản vật tự nhiên mà khéo dùng nó, chế biến ra những thứ cần dùng, thì so với Trung Hoa ta cũng chẳng kém gì mấy” [21, tr.37]. Với tư cách là nhà nghiên cứu ông còn tìm hiểu đặc điểm thể văn, thể thơ ở từng thời đại. “Nước ta thơ đời Lý già dặn, súc tích, thơ đời Trần tinh vi, trong trẻo, đều có sở trường tột bực” [21, tr.113]. Bằng lối viết nhẹ nhàng để từ đó đưa ra những kết luận cụ thể mang tính khách quan, Phạm Đình Hổ đã tạo nên một diện mạo mới cho ký trung đại Việt Nam. Ngôn ngữ trong Hoàng Lê nhất thống chí cũng đã để lại cho người đọc một ấn tượng khó quên. Sự kiện kiêu binh nổi loạn lật đổ Trịnh Cán phò Trịnh Tông lên ngôi chúa được các tác giả thuật lại: “Trong lúc gấp vội không có kỷ sập, họ phải dùng tạm chiếc mâm vẫn bày cỗ lộc làm ghế, đặt Thế tử ngồi lên, rồi tám người kề vai vào khiêng. Chốc chốc họ lại nâng bổng chiếc mâm lên trên đầu mà đội; đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi vai mỏi lại nâng lên trên đầu. Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật. Mỗi lần thế tử được nhô cao, quân lính lại vỗ tay reo hò vang lên một chặp” [39, tr.45]. Hay khi nói về việc Trịnh Sâm tìm mọi cách buộc thái tử Duy Vỹ vào tội chết cũng được các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí ghi chép tường tận: “Ngày hành hình, bầu trời tự nhiên tối tăm, giữa ban ngày mà chỉ cách nhau gang tấc cũng không trông rõ. Chừng hơn một khắc mới lại sáng sủa. Già, trẻ, trai, gái trong thiên hạ, không ai là không rơi nước mắt. Họ đều cho rằng đó là việc trái ngược nhất, bi thảm nhất từ xưa tới nay” [39, tr.60]. Các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí còn thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ, lời nói để làm nổi bật tính cách nhân vật. Qua ngôn ngữ, các nhà văn họ Ngô đã cho thấy một Nguyễn Hữu Chỉnh đầy bản lĩnh và tài năng. “Người tài ở Bắc Hà chỉ có một Chỉnh này mà thôi” [39, tr.94]. Một Nguyễn Huệ anh hùng với tài cầm quân khiến Sầm Nghi Đống phải tự tử, Tôn Sĩ Nghị một phen mất mật “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo”. Có lẽ, chứng kiến một thời đại có quá nhiều thăng trầm, biến động các tác giả họ Ngô không thể không trung thành với ngòi bút của mình. Cách sử dụng ngôn ngữ chính xác khoa học đã để lại dấu ấn sâu đậm cho người đọc trong từng chi tiết của tác phẩm. 3.2.2. GIỌNG ĐIỆU Giọng điệu là một trong những phạm trù thẩm mỹ của văn học. Giọng điệu đã tạo nên dấu ấn riêng cho nhà văn trong tác phẩm nghệ thuật. Đặc điểm của ký là tính xác thực trong việc miêu tả cuộc sống và con người có thật trong đời sống. Nguyên tắc tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả không cho phép người viết ký có thể bổ sung, gia tăng thêm những yếu tố và những thành phần khác nhau của hiện thực để tạo nên bức tranh tổng hợp về cuộc sống. Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút, Hoàng Lê nhất thống chí không chỉ đáp ứng được nhu cầu phản ánh hiện thực của thời đại mà còn là những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Có thể nói, thông qua cách kể sự kiện và thái độ, tình cảm của nhà văn trước hiện thực mỗi tác phẩm ký mang một giọng điệu riêng.  Giọng điệu phê phán Các tác giả họ Ngô viết về hiện thực của một giai đoạn lịch sử rối ren và nhiều biến động nhất. Mặc dù Hoàng Lê nhất thống nhất chí được viết theo tư tưởng “trung quân” nhưng các tác giả đã khách quan trong khi miêu tả lịch sử. Có thể nói giọng điệu phê phán đã tạo nên tiếng nói riêng cho tác phẩm. Bằng giọng điệu phê phán, các tác giả họ Ngô không nói nhiều nhưng cũng không quên để cho những người dân thường nhận xét về vua của mình “Nước Nam ta từ khi có đế có vương, chưa có một ông vua nào hèn hạ đến thế!” [39, tr.344]. Cũng bằng giọng điệu phê phán các tác giả đã viết về cảnh lên ngôi của Trịnh Tông. Có thể nói đoạn rước Trịnh Tông về phủ chúa là một trò hề lố bịch mà tác giả không thể nói khác được. Trong buổi lễ đăng quang lại phải dùng tạm đến chiếc mâm vẫn bày cỗ lộc đặt Thế tử ngôi lên để đám kiêu binh kề vai vào khiêng, “chốc chốc họ lại nâng bổng chiếc mâm lên trên đầu mà đội, đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi vai mỏi lại nâng lên trên đầu. Cứ thế, lên lên xuống xuống y như người ta dỡn quả cầu hoặc rước pho tượng phật” [39, tr.45]. Trong Hoàng Lê nhất thống nhất, giọng điệu phê phán còn thể hiện ngay trong những lời nói của nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh về người này người nọ. Chẳng hạn như trong đoạn đối thoại giữa Nguyễn Hữu Chỉnh với người em rể là thuyết khách của chúa Trịnh, Nguyễn Hữu Chỉnh căn vặn đủ điều để rồi cuối cùng cười mà rằng: “Chú là đứa ngu, ta thực không thèm chấp. Song ta chỉ ghét cái đứa sai chú đến đây dám khinh nhờn ta. Vậy ta kết quả tính mạng cho chú, nếu có oan ức thì xuống âm phủ mà kiện cái đứa đã sai chú ấy?” [39, tr.88]. Hay trong lần nói chuyện, Đỗ Thế Long thành thực luận bàn và tỏ ra biết tâm địa của Nguyễn Hữu Chỉnh thì Nguyễn Hữu Chỉnh vẫn làm ra vẻ mặt tươi cười nhưng khi Long vừa đi khỏi thì lại bảo với mọi người xung quanh: “Rồng (Long) thì phải đưa xuống nước, không nên cho ở trên cạn để nó làm mê hoặc thiên hạ” [39, tr.112]. Như vậy, từ những ghi chép về hiện thực lịch sử, các tác giả họ Ngô đã tạo ra trong tác phẩm của mình một giọng điệu riêng thể hiện thái độ, tình cảm của nhà văn trước hiện thực lịch sử.  Giọng điệu giãi bày Giọng điệu giãi bày được xây dựng trên cơ sở của cái tôi cá nhân. Nó là những suy nghĩ, cảm xúc của nhà văn được cụ thể hóa thành những lời tâm sự, giãi bày. Lê Hữu Trác đã kể chuyện của chính mình từ khi nhận được lệnh lên kinh đô cho tới lúc trở về bằng giọng điệu rất tự nhiên và chân thật. Thượng kinh ký sự mang nặng cảm xúc của tác giả. Trong từng câu chữ của ông người đọc vẫn luôn cảm nhận được sự từ chối công danh để quay về gắn bó với tự nhiên thanh cao. Khi nhận được lệnh vào kinh đô Lê Hữu Trác “lo sợ vô cùng, người cứ như ngẩn như ngơ mất nửa giờ” và tâm sự: “kẻ hiểu cho thì lo thay cho tôi. Kẻ không hiểu thì mừng thầm cho tôi”. Rồi đâm ra ân hận: “Sao mình đã đi ở ẩn mà còn chưa ẩn cho kín?” [59, tr.9]. Giọng kể trong Thượng kinh ký sự chân thật, chất chứa những tâm sự cần được giãi bày. Tác giả coi thiên nhiên như người bạn, người thân cùng chia sẻ tâm sự đồng thời mượn cảnh để thỏa mãn cảm hứng về cái đẹp và phô bày tâm sự của chính mình. “Đêm hôm ấy, tôi ngồi một mình buồn bã. Lòng lại nhớ đến vầng trăng sáng ở quê nhà nên tôi ngồi ở cửa sổ mà vẫn băn khoăn, không sao nguôi trong tấc dạ. Đêm đã khuya tôi mỏi mệt nằm ở phía trong cửa sổ nhưng vẫn không sao ngủ được” [59, tr.53]. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào tâm hồn Lê Hữu Trác cũng hướng về thiên nhiên nên giọng điệu những bài thơ viết về thiên nhiên trong Thượng kinh ký sự cũng mang nặng cảm xúc của tác giả. Chẳng hạn trong đêm thanh nghe tiếng sáo tác giả đã kể lại tâm trạng của mình bằng một bài thơ hết sức trữ tình. Ngọc địch thanh du du, Thanh tiêu hứng chuyển u, Xuy lai thiên lý nguyệt Tán tác mãn thành thu. Lạc cực thùy gia thú? Tình đa lữ khách sầu. Tiêu tiêu thiên lại phát Cấm cổ xuất tiều phu. Dịch: Tiếng sáo ngọc vi vu đâu tới, Giữa đêm thanh, hứng lại càng thanh. Mảnh trăng nghìn dặm thênh thênh Thổi dồn, đưa khắp đầy thành cảnh thu Nhà ai đó! xiết bao vui thú, Khách đa tình ở ngụ thêm sầu, Hiu hiu gió thổi từ đâu, Chú tiều nghe tiếng trống lầu ra đi. Bên cạnh đó, giọng văn trong tác phẩm còn chất chứa những suy tư trăn trở về cuộc đời. Lê Hữu Trác từng có cái phân vân của một người tôi trung, không biết nên về Lê hay theo Trịnh. Cuối cùng tác giả quay về gắn bó với tự nhiên thanh cao, trốn tránh sự mời mọc lợi danh của giai cấp thống trị. Mặc dù xem công danh là vật bỏ nhưng lệnh chúa là lệnh trời. Lãn Ông không thể không lên đường. Chỉ trong một đoạn văn ngắn người đọc nhận ra tác giả đi với chủ động trong ý nghĩ, trong tình cảm của mình. “Mình lao tâm, tiều tứ về đường y học đã ba mươi năm nay mới viết được một bộ “Tâm lĩnh”. Mình không dám truyền thụ riêng cho ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết. Nhưng việc thì nặng, sức lại mỏng, khó mà làm được. Quỷ thần hiểu thấu lòng mình, chuyến này đi có chỗ may mắn đây, cũng chưa biết chừng!” [59, tr.10]. Thời gian ở kinh đô là thời gian tác giả đấu tranh với chính mình, chống lại mọi cám dỗ, tìm mọi cách sớm được trở về. Với bản chất là con người có tâm hồn nhạy cảm, bản tính trung thực, ngay thẳng thì có lẽ giọng điệu thổ lộ tình cảm là cách thể hiện mình phù hợp nhất của tác giả trong lúc này. Tác giả không thể không chữa bệnh tận tình cho chúa nhưng chữa rồi lại lo lắng sợ được đề cử. “Cả đêm, tôi cứ băn khoăn, không sao chợp mắt. Trong lòng tự nghĩ: được đề cử như thế này thì người ta không tha mình đâu. Đã chịu mệnh thì sau này muốn từ chối cũng không được nữa. Chi bằng ta cáo ốm không vào” [59, tr.38]. Giọng điệu cuối tác phẩm cũng chính là lời tâm sự của tác giả. Ông mừng cho bản thân và thấy con đường ông chọn là đúng: “Mình ẩn thân nơi rừng suối, chẳng đoái hoài gì đến lợi danh. Bỗng chốc bị triệu, phải chống gậy lên Kinh ngót một năm trời. Xin xỏ năm lần bảy lượt, mới được buông tha. Vạn nhất mình không kiên quyết, mang lấy một chức quan thì bây giờ danh lợi đã chẳng thành, mà cái thân lại bị nhục, hối thí đã muộn” [59, tr.143]. Từ những tâm sự, những ghi chép thường ngày, Lê Hữu Trác đã tạo ra trong tác phẩm của mình một giọng điệu rất riêng. Vì thế, đọc Thượng kinh ký sự, người đọc bắt gặp ở đó một Lê Hữu Trác hoàn toàn làm chủ ngòi bút, tự do bộc lộ tâm trạng của mình đối với thời cuộc.  Giọng điệu bình luận, khái quát Giọng điệu bình luận, khái quát đã tạo nên dấu ấn riêng cho nhà văn trong tác phẩm nghệ thuật. Trong Thượng kinh ký sự, khi Lê Hữu Trác trở lại kinh thành thì cảnh vật đã có nhiều đổi thay. Lê Hữu Trác kể lại sự đổi thay đó bằng giọng điệu bình luận, khái quát. Tác giả xem phong cách cũ “tuy núi, hồ vẫn như cũ, nhưng điện phật, đình, đài, chỗ ở các quan và các trại lính đều khác ngày xưa” [59, tr.27]. Cũng bằng giọng điệu ấy, Lê Hữu Trác kể về quan cảnh phủ chúa Trịnh “thực chẳng khác gì một cảnh tiên”. Tác giả không viết nhiều nhưng người đọc vẫn nhận ra sự xa hoa lộng lẫy nơi phủ chúa Trịnh. Trong Hoàng Lê nhất thống nhất, các tác giả họ Ngô viết về sự ăn chơi sa đọa của chúa Trịnh Sâm bằng một giọng bình luận, khái quát. Việc Trịnh Sâm rất sợ nắng gió và phải ở luôn trong thâm cung khiến cho “Việc của phủ chúa, bên ngoài người ta đồn đại như là việc của Thiên Tào” [39, tr.27]. Để rồi đến một lúc náo đó, điều tất yếu phải xảy ra “bệnh của chúa lại càng nguy kịch” không thể qua khỏi, “thế là Thịnh Vượng qua đời” [39, tr.31]. Hay khi nói về việc lên ngôi của trịnh Tông, các tác giả cũng chỉ đưa ra một câu nói “Kinh kỳ hôm ấy vì thế phải nghỉ phiên chợ” [39, tr .46]. Mỗi câu chuyện trong Vũ trung tùy bút đều có nhận xét, đánh giá của tác giả. Qua cách khảo về Hoa thảo, phải chăng Phạm Đình Hổ muốn chúng ta hãy tôn trọng bản tính tự nhiên vốn có của loài vật đừng nên tỉa tót, uốn éo mà phá đi tính tự nhiên của chúng bởi “bàn tay nhân tạo càng khéo, thì cái thú thiên nhiên lại càng kém”. Vũ trung tùy bút mang một nét riêng trong phong cách ký của Phạm Đình Hổ. Lời văn của Phạm Đình Hổ thường nhẹ nhàng, chất chứa những suy tư thâm trầm. Qua tác phẩm người đọc vẫn luôn cảm nhận được sự ấm áp nhân hậu của tấm lòng yêu thương con người, tha thiết với cuộc đời. “Khoảng năm Cảnh Hưng, ở Tô Châu có chế ra một thứ hỏa lò và một thứ than tàu đem sang bên ta bán, đều là những đồ dùng của khách uống chè cần đến, người ta đua nhau mua. Song gần đây đã có người biết cách chế ra, cũng bắt chước luyện than mà hầm lửa, nắm đất mà nặn lò so với kiểu của Trung Hoa chẳng khác gì, người ta cũng ưa chuộng, ta nhân thế lại tiếc cho người cầm quyền nước, xưa nay không biết lưu ý đến việc công nghệ dân ta” [21, tr.35]. Hay khi viết về sản vật nội địa, thì giọng điệu của ông lại nghiêng về bình luận “Nếu người cầm quyền nước biết nhân cái sản vật tự nhiên mà khéo dùng nó, chế biến ra những thứ cần dùng, thì so với Trung Hoa ta cũng chẳng kém gì mấy” [21, tr.37]. Với những bài ký ngắn gọn, Phạm Đình Hổ còn đưa ra những lời nhận xét mở để người đọc còn suy ngẫm. Chẳng hạn khi viết về Phép thi nghiêm mật, Phạm Đình Hổ cho rằng: “Những chuyện ấy đều là ghe lỏm được thôi, nhưng cũng đủ biết thế đạo một ngày một kém” [21, tr.86]. Có thể nói giọng điệu bình luận, khái quát là một nét riêng trong bút pháp của Phạm Đình Hổ. 3.3. NHỮNG NHẬN ĐỊNH MANG TÍNH CHỦ QUAN CỦA TÁC GIẢ Các tác phẩm ký viết về hiện thực nhưng không vì thế mà các tác giả ghi chép một cách khô khan cứng nhắc. Người viết ký luôn bám sát hiện thực, phản ánh trực tiếp những sự kiện, con người xung quanh nhưng không giống với một nhà viết sử. Trong khi ghi chép hiện thực các tác giả ký thường đưa vào những lời nhận định mang tính chủ quan của mình. 3.3.1. GHI CHÉP MANG TÍNH CHỦ QUAN CỦA TÁC GIẢ Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác không chỉ mang nặng cảm xúc của tác giả khi phải rời quê lên kinh đô mà còn là những nhận xét riêng của tác giả khi bước chân vào phủ chúa Trịnh. Quang cảnh trong phủ chúa Trịnh được ông miêu tả rất tỉ mỉ. “Đồ nghi trượng đều sơn son thiếp vàng… Ở đây, cột đều sơn son thiếp vàng” [59, tr.32]. Tác giả kể và nêu nhận xét riêng của mình khi quan Chánh đường “san mâm cơm cho tôi ăn. Mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ, tôi bấy giờ mới biết cái phong vị của nhà đại gia” [59, tr.34]. Đến lúc bắt mạch cho thế tử Cán, Lê Hữu Trác lại đưa ra nhận xét: “… theo ý tôi, đó là vì thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi. Vả lại, bệnh mắc đã lâu, tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, tay chân gầy gò. Đó là vì nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức” [59, tr.35]. Cách tác giả bình luận, nêu nhận xét cho thấy cuộc sống giàu sang nơi phủ chúa không khác gì cung vua và chính sự giàu sang đó là nguyên nhân gây ra căn bệnh cho thế tử. Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ là một nét riêng trong phong cách ký của ông. Viết về điều gì Phạm Đình Hổ cũng giải thích cặn kẽ và đưa ra những lời nhận xét để người đọc cùng suy ngẫm. Bài ký về Hoa thảo, tác giả viết: “Đời xưa gọi lan là vương giả hương, vì hoa lan thanh nhã bất phàm; những thứ hoa kỳ quái dễ làm cho người ta say mê không thể ví với nó được”. Phạm Đình Hổ còn giải thích thêm: “Xưa kia, ông Khuất Nguyên đi trên bờ đầm mà hát, kết hoa lan để đeo; đức Khổng Phu Tử dừng xe trước một hẻm núi, cũng đàn hát thương cho cây lan có vẻ thơm tho mà đời không ai biết, từ đó lan mới nổi tiếng là quốc hương” [21, tr.23]. Viết về Hoa thảo phải chăng Phạm Đình Hổ muốn chúng ta hãy tôn trọng bản tính tự nhiên vốn có của loài vật đừng nên tỉa tót, uốn éo mà phá đi tính tự nhiên của chúng bởi “bàn tay nhân tạo càng khéo, thì cái thú thiên nhiên lại càng kém!” [21, tr.26]. Khi nói tới hôn lễ, Phạm Đình Hổ khảo từ đời Phục Hy cho tới ngày nay. Ông còn đưa ra nhận xét “Đời nay lắm kẻ đình hoãn việc tang lại mà đón dâu, gọi là cưới chạy tang. Thói ấy thực là thương luân bại lý, các bực tiên hiền từng đã biện bác đi rồi. Còn như cái thói tiền cưới không đủ, bắt phải viết văn khế xin cưới, thường sinh ra kiện tụng lôi thôi” [21, tr.55]. Nói về Cách uống chè, Phạm Đình Hổ không chỉ miêu tả khá tỉ mỉ mà còn đưa ra những nhận xét và kinh nghiệm uống chè. Ông viết: “Chè tàu thú vị ở chỗ tinh nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục” [21, tr.33]. Phạm Đình Hổ không chỉ đưa ra nhận xét mà ông còn nhìn ra được vấn đề, thấy cái được và chưa được của dân tộc. Ông tiếc cho người cầm quyền nước không biết lưu ý đến việc công nghệ, sản vật của đất nước. Sản vật nước ta thật phong phú nhưng dân ta vẫn còn nghèo đó cũng là điều mà Phạm Đình Hổ luôn trăn trở. “Nếu người cầm quyền nước biết nhân cái sản vật tự nhiên mà khéo dùng nó, chế biến ra các thứ cần dùng thì so với Trung Hoa, ta cũng chẳng kém gì mấy” [21, tr.37]. Là người luôn lo lắng cho thời cuộc, Phạm Đình Hổ đã đưa ra phương án cải tổ. “Ta thường muốn kén chọn những người thiếu niên anh tuấn ở những làng đã quen làm nghề nghiệp như làng La Khê, Yên Thái, Bát Tràng, Trúc Khê và các xã duyên sơn, cho cạo đầu hoá trang theo khách buôn sang Trung Hoa đem tiền bạc đi mà học lấy những nghề khéo… khi nào xem xét đã tinh rồi thì trở về nước, phân cho mỗi người coi một việc mà chế tạo ra đồ dùng. Hết thảy các đồ mặc đều cứ theo lệ ấy mà cho người đi học để phát minh thêm ra, tưởng độ mười năm thì người nước ta, về các nghề nghiệp, cũng đã tinh xảo” [21, tr.38]. Thế nhưng tư tưởng tiến bộ của Phạm Đình Hổ lại không được người cầm quyền nước quan tâm tới bởi “Kẻ gặp thời làm được thì không có chí, những kẻ có chí thì không gặp thời. Ta e rằng việc thiên hạ không phải là việc kẻ hèn mọn được nói leo” [21, tr.38]. Mỗi tác giả có một cách nhận xét riêng nhưng đều hướng đến một mục đích tăng giá trị chuyện kể. Hoàng Lê nhất thống chí phản ánh cuộc tranh ngôi đọat quyền giữa tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh và cuộc nổi dậy đầy khí thế của phong trào Tây Sơn. Tác phẩm phản ánh khá trung thực các sự kiện lịch sử đồng thời qua đó các tác giả cũng đưa vào những lời nhận xét của mình. Những lời mở đầu cho một hồi đều mang tính chủ quan của tác giả. Chẳng hạn như ở hồi 1, tác giả họ Ngô viết: Đặng Tuyên phi được yêu dấu, đứng đầu hậu cung Vương thế tử bị truất ngôi, ra ở nhà kín. Có thể nói, việc cho nhân vật Đặng Thị Huệ xuất hiện ngay từ hồi đấu không phải là ngẫu nhiên. Chính sự kiện nàng được yêu dấu có tác dụng như một cú hích đã gây ra việc bỏ con trưởng lập con thứ và nhiều chuyện rắc rối khiến cho “phủ chúa dần dần sinh ra bè nọ cánh kia” [39, tr.12]. Khi nói đến việc Trịnh Tông lên ngôi chúa là nhờ vào đám kiêu binh tác giả còn nói rõ tấn hài kịch chúa ngồi trên một cái mâm vẫn bày cỗ lộc để đám kiêu binh chốc chốc lại nâng lên đặt xuống cho mọi người xem (hồi 2). Vậy mà khi nhận xét về việc lên ngôi chúa của Trịnh Tông các tác giả chỉ đưa ra một câu nói: “Kinh kỳ hôm ấy vì thế phải nghỉ phiên chợ” [39, tr.46]. Viết về nhân vật Nguyễn Huệ các tác giả không chỉ ghi chép người thật, việc thật mà còn cho người đọc thấy một anh hùng vừa lớn lao mà cũng thật gần gũi. Thế quân do Nguyễn Huệ lãnh đạo đã khiến cho quân Thanh đại bại. “Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy. Quân sĩ các danh nghe tin, đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau qua cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa” [39, tr.361]. Tóm lại, ngoài cách ghi chép sự kiện các tác giả còn đưa ra những lời nhận xét với lối viết riêng. Chính những nhận định mang tính chủ quan thể hiện cái tôi trữ tình đã làm cho những trang viết không rơi vào sự đơn điệu nhàm chán thường thấy ở những bài ký vốn mang tính chất phản ánh người thật, việc thật. Tác phẩm ký không chỉ hấp dẫn người đọc ở tính hiện thực mà còn ở giá trị chuyện kể. 3.3.2. GHI CHÉP KẾT HỢP GIỮA HIỆN THỰC VÀ TRỮ TÌNH Sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và trữ tình đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Thể ký của văn học trung đại so với văn học hiện đại có sự khác biệt nhưng đặc trưng cơ bản thì giống nhau: đó là tính xác thực của sự việc, con người, địa chỉ mà tác giả ghi lại trong tác phẩm. Bằng những thủ pháp nghệ thuật tài hoa của mình Lê Hữu Trác đã dựng lại được một bức tranh sống động và chân thực về phủ chúa Trịnh. Thượng kinh ký sự đã đem đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mỹ bởi sự kết hợp nhiều bút pháp nghệ thuật. Đặc biệt Lê Hữu Trác đã chọn lọc những chi tiết rất điển hình, giàu sức gợi tả tạo cảm giác thú vị nơi người đọc. Những chi tiết “vừa nói vừa thở”, “chạy như ngựa lồng”, “thánh thượng đang ngự ở đây, xung quanh có phi tần chầu chực, nên chưa thể yết kiến”, “ở trong tối om, không thấy có cửa ngõ gì cả”… với ngòi bút hiện thực Lê Hữu Trác đã khắc họa lại bức tranh xã hội kinh kỳ vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Bên cạnh bút pháp hiện thực thì Lê Hữu Trác cũng có bộc lộ suy nghĩ của mình. Ngay khi mới vào đến ngoại ô Thăng Long, vừa trông thấy hào thành tác giả đã bồi hồi xúc động. “Nơi này xưa kia tôi đã từng du học, ở trọ ở đây. Tôi chống gậy đi bách bộ bốn phía để ngắm xem cảnh cũ, nhưng điện phật, đình, đài, chỗ ở các quan và các trại lính đều khác ngày xưa. Tôi càng thêm cảm khái, làm một bài thơ để tỏ lòng mình: Lạc phách giang hồ tam thập niên, Ngẫu tùy đan phượng nhập Trường Yên (An). Y quan, văn vật sinh trung thổ; Lâu quán, đình đài tiếp viễn thiên. Thô suất nhiễm thành sơn dã tính; Xu bồi tu đối ngọc đường tiên. Thiếu thời lịch lịch hy du xứ Kim nhật trùng lai bán bất nhiên. Dịch: Ba chục năm giang hồ phiêu bạt Vâng chiếu trời vào đất Tràng An. Trung châu văn vật y quan; Lâu, đài, đình, quán tột làn mây xanh. Tính sơn dã đã thành thô tục; Tiên ngọc đường thẹn lúc xu bồi. Kìa nơi tuổi trẻ đùa chơi Ngày nay phần nửa khác thời năm xưa!” [59, tr.27] Bút pháp trữ tình còn được thể hiện ở những bài thơ mà Lê Hữu Trác viết về thiên nhiên. Ông luôn coi thiên nhiên như người bạn để chia sẻ tâm sự nhưng ông không coi việc ngắm cảnh và say mê ngắm cảnh là mục đích sống, mục đích nghệ thuật mà chỉ mượn cảnh để giãi bày tâm sự của bản thân. Chính tâm hồn nhạy cảm trước cảnh và tình nên những bài thơ trong Thượng kinh ký sự mang đậm chất trữ tình và tâm sự của ông. Tỉnh hậu vị qui khứ Giai tiền, nguyệt hựu sinh. Bình hồ khởi thu sắc; Độc điểu tác ly thanh. Mỗi đắc du sơn mộng; Y nhiên tại đế thành. Nhược ngu nguyên thả trí Hà ngã lộng hư danh! Dịch: Tỉnh giấc dậy đi về chưa toại, Trước thềm nhà trăng lại mọc ngay Hồ bằng thu sắc rạng đầy, Một chim réo rắt tiếng bay lìa đàn, Chơi núi cũ mơ màng nằm thấy. Nơi đế thành mình hãy còn đây! Kìa ai khôn giả làm ngây, Hư danh quấy mãi thân này làm chi?” [59, tr.54] Thời gian ở kinh đô chữa bệnh trong phủ chúa tâm hồn Lê Hữu Trác luôn hướng về quê nhà. Cách ghi chép trong Thượng kinh ký sự cho thấy Lê Hữu Trác là một nhà văn có tâm hồn, giàu cảm xúc trước thiên nhiên tạo vật. Những bài thơ trong tác phẩm đều mang tâm trạng, có sự quyện chặt giữa cảnh và tình. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào tâm hồn Lê Hữu Trác cũng hướng về thiên nhiên. Trông thấy vầng trăng ông lại nhớ “Di chân đường”, nơi thường ngồi chơi đàn uống rượu, thưởng trăng nơi quê nhà. Bút pháp trữ tình còn thể hiện khá rõ trong bài ký Về thăm cố hương. Đó là cảm giác buồn rầu trước sự biến đổi của xóm làng. Rồi ông gặp lại bà con trong làng, trong đó có nhiều người “phải nói đến tên cúng cơm của cha ông, nói đến họ hàng thân thuộc như thế nào, và nghĩ mãi tôi mới nhận ra. Thấy cái cảnh xa cách như thế, tôi bỗng khóc oà lên” [59, tr.113]. Mặc dù xa quê đã lâu nhưng khi trở về Lê Hữu Trác luôn nghĩ đến tổ tiên, đến những người đã khuất, đến những phong tục và tín ngưỡng ở làng quê. Tác giả “sửa soạn một cái lễ cáo yết nhà thờ”, rồi tiếp khách, chuyện trò, sau đó “đi thăm mộ và lễ ở các nhà thờ họ, lễ các vị thần linh tại miếu làng”. Công việc xong xuôi tác giả mới đi du chơi, thăm thú cảnh vật. Lê Hữu Trác ghi lại ba địa chỉ mà mình đến thăm: thăm lại những nơi có in dấu vết kỷ niệm tuổi thơ: cây cầu nối liền hai xóm, thăm chùa Từ Vân, thăm chùa Liêu Xuyên. Cả ba địa điểm mà Lê Hữu Trác đến thăm cho thấy ông là một ẩn sĩ thanh cao, sống gần gũi với thiên nhiên, đúng như lời nhận xét của sư chùa Liêu Xuyên: “Thanh nhàn tự tại, thú vị như thế nên công danh không thay đổi được lòng cũng là phải” [59, tr.118]. Trước cuộc sống của giai cấp thống trị trong Thượng kinh ký sự thì Lê Hữu Trác có cái nhìn khách quan, tính hiện thực nổi bật trên ngòi bút của ông. Nhưng khi sống lại những kỷ niệm thân thiết ngày xưa thì ngòi bút của ông in sâu những giá trị trữ tình. Hai mặt hiện thực và trữ tình quyện chặt vào nhau tạo nên một phong cách độc đáo trong nghệ thuật Thượng kinh ký sự. Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ là thiên ký giàu tính hiện thực nhưng vẫn thấm đượm chất trữ tình. Vũ trung tùy bút đã ghi lại được những hình ảnh chân thực của một đoạn đường lịch sử với nhiều biến động xã hội phức tạp của xã hội phong kiến Việt Nam ở giai đoạn khủng hoảng và tan vỡ. Nhưng bên cạnh tính hiện thực thì lối viết của Phạm Đình Hổ đã tạo chất trữ tình cho tác phẩm. Ở bài ký Tự thuật đó là những lời cảm thán biểu hiện tình cảm xót xa. “Nay đến bước cùng lận đận, biết còn đội gạo vì ai, chỉ than thở cùng trời xanh, chứ biết gởi lòng mình vào ai nữa?” [21, tr.9]. Tình cảm đó đã thực sự làm xúc động người đọc và tạo nên chất trữ tình cho tác phẩm. Trong Vũ trung tùy bút, ở một số truyện tác giả miêu tả và thưởng ngoạn thiên nhiên với con mắt của nhà nghệ sĩ. Cách sử dụng biện pháp so sánh không chỉ tạo nên chất trữ tình cho tác phẩm mà còn cho thấy chủ quan của tác giả. Cảnh chùa Sơn Tây được tác giả khắc họa với dáng vẻ sinh động. “… Chùa ở trong một hốc đá, trước nhà tiền đường, bên tả bên hữu, có gian thờ Phật và vị long thần; gian giữa treo một bức mành mành rủ xuống tận đất; lại có xây một toà hoa sen cao đến vài trùng. Hoa tâm là một hòn đá dài hơn một trượng, trông lởm chởm, kỳ quặc hết sức, nhìn kỹ thì phảng phất như hình người nằm ngửa, không biết tự đâu đem lại”. Còn chùa Viễn Sơn khi «trèo lên nhìn ra bốn bên thì làng mạc xa gần trông như tranh vẽ » [21, tr.17]. Phạm Đình Hổ miêu tả và khắc họa thiên nhiên với nhiều màu sắc và dáng vẻ sinh động. Thiên nhiên và con người luôn trong sự gắn bó hài hoà với nhau. Viết về thiên nhiên đó cũng là những tình cảm sâu nặng với quê hương đất nước của tác giả. “Đến nay, thấm thoát hơn ba mươi năm, phong cảnh nước non vẫn còn như phảng phất ở trước mắt ta vậy” [21, tr.17]. Đọc Vũ trung tùy bút ta còn thấy bức chân dung tự họa của Phạm Đình Hổ - một nhà nho ưu thời mẫn thế, luôn thở dài ngao ngán trước thời cuộc. Trong bài ký Mẹo lừa, Phạm Đình Hổ đưa ra những lời nhận xét “Nếu kẻ nhà giàu kia không hâm mộ quan tân khoa, muốn cho con mình được làm bà quan, cầu lấy cái phúc mà mình chẳng hề có, thì dẫu mẹo tai quái đến đâu cũng không thể lừa được” [21, tr.72]. Hay trong bài ký bàn về Việc thi cử ông viết: “Ôi cái tệ khoa cử đến thế là cùng! Văn vận với thế đạo càng ngày càng kém. Thực đáng than thay!” [21, tr.93]. Ở Phạm Đình Hổ phong cách của nhà nho chính thống được thể hiện khá rõ nét trong bài ký Tự thuật. Đó là một cậu bé con nhà sang trọng, có nền nếp và truyền thống giáo dục. Ngay từ thuở ấu thơ đã có thiên hướng muốn nổi danh với đời bằng thơ văn “để cho người ta biết là con cháu nhà nọ nhà kia, chí tôi chỉ như thế mà thôi” [21, tr.9]. Phạm Đình Hổ cũng có một tuổi thơ như bao trẻ khác thời bấy giờ nhưng lại ghét cờ bạc mà chỉ thích đọc sách. Phạm Đình Hổ được đào tạo theo khuôn mẫu của các nho gia: học sử, học kinh, học thơ Đường… Nhưng ông lại sinh nhằm thời kỳ suy thái của Nho giáo Việt Nam. Ông đã không thực hiện được hoài bão hành đạo của mình nhưng về phương diện văn chương ông cũng đã nổi tiếng ở đời. Có thể nói Vũ trung tùy bút là tác phẩm ký đặc sắc của Phạm Đình Hổ. Chính sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và trữ tình đã tạo nên nét độc đáo của tác phẩm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na có nhận xét “Đọc tác phẩm của Phạm Đình Hổ, ta thấy có chiều sâu của người uyên thâm Hán học, có chất thiệp liệp của người trải đời, có cái ngạo nghễ, hóm hỉnh của bậc hàn nho thanh bạch, có cái tinh tế của trí thức kinh kỳ biết thưởng thức ăn chơi… Đấy là nét riêng trong phong cách ký của Phạm Đình Hổ mà các tác giả ký khác không có được” [35, tr.57]. Ở Hoàng Lê nhất thống chí, các tác giả họ Ngô ghi lại khá tỉ mỉ lịch sử xã hội Việt Nam khoảng ba mươi năm cuối thế kỷ XVIII và mấy năm đầu thế kỷ XIX. Song, không vì mục đích ghi chép một cách chân thực lịch sử và xã hội mà các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí khắc họa một cách cô đọng, khô khan, cứng nhắc. Các tác giả họ Ngô đã biết kếp hợp tương đối hài hòa giữa chân lý lịch sử với chân lý nghệ thuật để tạo nên một tác phẩm văn học độc đáo. Hoàng Lê nhất thống chí đã khắc họa khá sinh động bức tranh xã hội Việt Nam nhưng đồng thời qua tác phẩm người đọc bắt gặp những con người có đời sống nội tâm phức tạp. Bằng ngòi bút sắc bén, tinh tế các tác giả họ Ngô đã dựng nên được những tính cách, những hình tượng đậm nét, sâu sắc khó quên trong lòng người đọc. Một Nguyễn Văn Bình (Nguyễn Huệ) rất gần gũi, giản dị khi ngồi hầu chuyện vua Lê trên sập mà một chân bỏ thõng xuống đất, khi nghe Ngọc Hân công chúa nói: “chỉ riêng thiếp có duyên lấy được lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời, được sa vào chốn lâu đài như thế này là sự may mắn của thiếp mà thôi. Nguyễn Bình lấy làm thích thú lắm” [39, tr.122]. Thế nhưng trước tình huống nhà Thanh đem hơn 20 vạn quân tràn sang nước ta thì phẩm chất anh hùng của Nguyễn Bình có dịp bộc lộ đầy đủ nhất. Đánh đuổi giặc Thanh cũng là để mưu cầu hoà bình, hạnh phúc dài lâu cho dân tộc. “Vua Quang Trung lại nói: - Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mười ngày, có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nỡ nào mà làm như vậy. Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao, không phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được. Chờ mười năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh, thì ta có sợ gì chúng?” [39, tr.357]. Như vậy, tác giả họ Ngô rất chú ý đến phương diện ngôn ngữ, lời nói để làm nổi bật năng lực của nhân vật. Sự bản lĩnh trong quân sự, tinh tế trong ngoại giao của nhân vật đều được bộc lộ bằng ngôn ngữ và hành động giàu sức thuyết phục. Tóm lại, Hoàng Lê nhất thống chí cũng như các tác phẩm ký khác đã ghi lại khá rõ nét hiện thực lịch sử xã hội Việt Nam. Bên cạnh khả năng đáp ứng được những yêu cầu của thời đại thì những tác phẩm ký này vẫn giữ được tiếng nói của nghệ thuật. Chính sự kết hợp giữa hiện thực lịch sử và bút pháp nghệ thuật đã tạo cho các tác phẩm Thượng kinh ký sự, Vũ trung tùy bút và Hoàng Lê nhất thống chí vừa có giá trị về mặt sử học vừa có giá trị về văn học. Có thể nói đây là những thiên ký tiêu biểu xuất sắc của mảng văn xuôi hiện thực của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. KẾT LUẬN 1. Trong lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, ký có một vị trí đặc biệt quan trọng. Do nguyên tắc tôn trọng tính xác thực của đối tượng miêu tả nên ký có những mối liên hệ chặt chẽ với hiện thực xã hội. Tuỳ theo hình thức khác nhau của đối tượng miêu tả mà ký có cách tái hiện riêng cho phù hợp. Có thể nói ký là thể loại cơ động, linh hoạt trong việc phản ánh hiện thực một cách sinh động nhất. 2. Ở Việt Nam thời trung đại, cũng như truyện ngắn và tiểu thuyết chương hồi, ký chủ yếu được viết bằng chữ Hán dưới hình thức các văn thể Trung Hoa. Giai đoạn đầu (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV), văn xuôi tự sự chưa tách khỏi văn học dân gian và văn học chức năng. Ký phải dựa hoàn toàn vào văn học chức năng mà đa phần là văn học chức năng lễ nghi. Sang thế kỷ XV - XVII mặc dù ký dưới dạng tự bạt phát triển hơn trước nhưng ký chưa thành một thể riêng mà chỉ là một phần nhỏ nằm trong tác phẩm tự sự nhiều thiên. Sang thế kỷ XVIII, các hình thức văn xuôi tự sự đã phong phú hơn. Ngoài các thể loại ra đời trước đó, nay còn có thêm thể ký và tiểu thuyết chương hồi. Do yêu cầu phản ánh hiện thực của thời đại nên đến thế kỷ XVIII thể loại ký trung đại Việt Nam thực sự ra đời. Và nó chỉ thực sự ra đời khi người cầm bút trực diện trình bày đối tượng được phản ánh bằng cảm quan của chính mình. Thành tựu của thể ký giai đoạn này đã để lại một dấu ấn trong nền văn học Việt Nam. Điều này chúng ta có thể thấy rõ qua các tác phẩm ký viết bằng chữ Hán tiêu biểu như Thượng kinh ký sự, Vũ trung tuỳ bút, Hoàng Lê nhất thống chí … Tuy nhiên để phân biệt giữa truyện và ký vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi tính đa chức năng của văn học trung đại là đặc điểm phổ quát của văn học trung đại từ Đông sang Tây. Giai đoạn đầu thật khó để xác định ranh giới giữa truyện và ký nhưng đến thế kỷ XVIII đã bắt đầu xuất hiện những tác phẩm ký nghệ thuật đích thực. Ký khác truyện không chỉ ở chức năng và kết cấu tác phẩm mà điều làm nên sự phân biệt giữa truyện và ký về bản chất là thái độ người cầm bút. 3. Về phương diện nội dung, các tác phẩm ký nói trên có nhiều điểm tương đồng nhau. Thế kỷ XVIII - XIX là một giai đoạn lịch sử đầy rối ren và biến động. Thể loại ký ra đời phản ánh một cách chân thực lịch sử xã hội. Chưa bao giờ người dân lại gánh chịu một chính quyền hết sức quái gở: vừa có vua lại vừa có chúa. Các tác giả ký đã ghi lại một cách chân thực sống động về đời sống xã hội và những sự kiện lịch sử. Hiện thực cuộc sống nơi cung vua phủ chúa phần lớn là sự ăn chơi sa đọa, tranh quyền đọat lợi. Trái ngược với cuộc sống xa hoa hoang phí nơi cung vua phủ chúa là đời sống cùng cực của người dân. Giai cấp phong kiến thống trị đàng ngoài lao nhanh vào con đường ăn chơi xa xỉ khiến cho đời sống của người dân ngày một tồi tệ hơn. Chưa bao giờ nạn đói kém xảy ra khủng khiếp và liên tục như trong thế kỷ XVIII mà đặc biệt nghiêm trọng nhất là nạn đói năm 1741 mà Phạm Đình Hổ đã thu thập lại trong Vũ trung tuỳ bút. Không chỉ trong sử sách mà qua các tác phẩm ký cuộc sống của người dân hiện lên đầy bi thương. Ký không phải là lịch sử nhưng ký ghi lại các sự kiện lịch sử đã làm nhức nhối người đọc vì “những điều trông thấy” của các tác giả cùng thời. Bên cạnh sự kiện lịch sử những nhân vật lịch sử trong tác phẩm ký cũng phản ánh hiện thực lịch sử xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Nhân vật trong các tác phẩm ký là những nhân vật có thật trong lịch sử nên hành động, tiếng nói, suy nghĩ của nhân vật gắn liền với thời cuộc. Các tác giả ký đều hướng ngòi bút về hiện thực lịch sử để thể hiện sự nhận thức và tình cảm của mình. Ngoài những vị vua, chúa thì hình tượng Nguyễn Văn Bình (Nguyễn Huệ) và Nguyễn Hữu Chỉnh là những nhân vật phản ánh lịch sử rõ nét. Hai nhân này hiện lên rõ nét không nhờ vào diện mạo mà chủ yếu qua hành động và ngôn ngữ. Tuy cũng mang dấu ấn của con người văn học trung đại nhưng những nhân vật trong các tác phẩm ký đã phản ánh phần nào lịch sử xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Những nhân vật đó đã đi vào tác phẩm văn học và trở thành những nhân vật mang tính lịch sử rõ nét. Chính vì điều này mà mỗi tác phẩm ký đều có thể là những tài liệu quí giá để các nhà văn học cũng như sử học nghiên cứu. Trong khi ghi chép hiện thực các tác giả ký còn ghi chép về những chuyện kỳ lạ diễn ra trong đời sống hiện thực. Mặc dù ghi chép về những chuyện kỳ lạ nhưng những tác phẩm ký vẫn bảo đảm tính xác thực của lịch sử. Bên cạnh đó, những mối tình trong các tác phẩm ký phần nào cũng nói lên được đời sống hiện thực lúc bấy giờ. Các tác phẩm ký viết về những mối tình có thật đã đem đến cho người đọc những cảm xúc thẩm mỹ. Đọc Thượng kinh ký sự người đọc càng hiểu hơn một Lê Hữu Trác sống có tình có nghĩa. Đọc Vũ trung tuỳ bút, Hoàng Lê nhất thống chí người đọc thấy rõ sự say mê của chúa Trịnh Sâm đối với Đặng Thị Huệ. Các tác giả họ Ngô còn ghi lại mối tình thật đẹp giữa Nguyễn Huệ và công chúa Ngọc Hân. 4. Về phương diện hình thức, thể ký trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII đã đánh dấu bước phát triển mới trong văn xuôi tự sự Việt Nam. Mỗi tác phẩm ký có một lối kết cấu riêng nhưng hiện thực lịch sử vẫn hiện lên rõ nét. Bên cạnh thời gian chính xác và chi tiết đến từng ngày thì thời gian trong tác phẩm ký còn có sự kết hợp đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Ở Hoàng Lê nhất thống chí, các tác giả ghi thời gian không theo trật tự cụ thể mà theo một cách riêng. Nhìn chung, về phương diện xử lý thời gian trong tác phẩm, các tác giả đã phản ánh đúng đặc trưng thời gian nghệ thuật của thể ký. Đến giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX ngôn ngữ của các tác phẩm ký có một bước phát triển mới. Tuy vẫn mang nét chung của ngôn ngữ nghệ thuật phương đông, Hán tự luôn giữ vị trí quan trọng trong các sáng tác văn học nhưng các tác giả ký đã tách tác phẩm của mình khỏi lối viết truyện như trước đây. Ngôn ngữ trong tác phẩm ký không chỉ mang đậm chất trữ tình mà đó còn là một ngôn ngữ chính xác khoa học. Mặc dù tác phẩm ký đều phản ánh hiện thực một cách sinh động nhưng ký không phải là lịch sử nên bản thân ký vẫn mang những nét đặc trưng của nghệ thuật. Bên cạnh đó, giọng điệu phê phán, giọng điệu giãi bày và giọng bình luận, khái quát cũng góp phần làm nên sự đa dạng về bút pháp của các tác phẩm ký giai đoạn này. Bên cạnh việc ghi chép hiện thực các tác giả ký còn đưa vào những lời nhận định mang tính chủ quan của mình. Tác phẩm ký không chỉ hấp dẫn người đọc ở tính hiện thực mà còn ở giá trị chuyện kể. Chính sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và trữ tình đã tạo cho các tác phẩm ký vừa có giá trị về sử học vừa có giá trị về văn học. 5. Nói tóm lại, thể ký giai đoạn thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX đã có đóng góp không nhỏ vào nền văn học trung đại Việt Nam nói riêng và nền văn học dân tộc nói chung. Các tác phẩm ký không chỉ có giá trị đặc biệt khi miêu tả hiện thực lịch sử mà những con người trong tác phẩm đã trở thành những nhân vật mang tính lịch sử rõ nét. Cuối thế kỷ XVIII loại hình ký nghệ thuật đích thực đã ra đời và là mực thước cho lối viết ký hiện đại về sau. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Duy Anh (2003), Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB KHXH, Hà Nội. 2. Lại Nguyên Ân (1997), “Các thể tài trước thuật và sáng tác nghệ thuật ở văn học trung đại Việt Nam”, Tạp chí Văn học số 4. 3. Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội. 4. B. L RipTin (1984), “Hoàng Lê nhất thống chí và truyền thống của tiểu thuyết Viễn Đông”, Tạp chí Văn học số 2. 5. Lê Bảo, Hà Minh Đức, Đỗ Kim Hồi … (1998), Giảng văn Văn học Việt Nam, NXB Giáo dục. 6. Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng (1971), Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội. 7. Phạm Tú Châu (1978), “Những nhân vật nữ trong Hoàng Lê nhất thống chí”, Tạp chí Văn học số 1. 8. Phạm Tú Châu (1979), “Đọc lại Hoàng Lê nhất thống chí”, Tạp chí Văn học số 2. 9. Phạm Tú Châu (1982), “Bàn thêm về Ngô Thì Chí - Ngô Thì Du, tác giả của Hoàng Lê nhất thống chí”, Tạp chí Văn học số 6. 10. Phạm Tú Châu (1997), Hoàng Lê nhất thống chí, văn bản, tác giả, nhân vật, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 11. Nguyễn Huệ Chi (1964), “Mấy suy nghĩ về thơ văn Lê Hữu Trác”, Tạp chí Văn học số 9. 12. Nguyễn Huệ Chi (1970), “Lê Hữu Trác và con đường của một người trí thức trong cơn phong ba dữ dội nửa cuối thế kỷ XVIII”, Tạp chí Văn học số 6. 13. Nguyễn Huệ Chi (1971), “Mấy đoạn văn hay của Lê Hữu Trác”, Tạp chí Văn học số 2. 14. Nguyễn Đình Chú (2002), “ Hiện tượng văn sử triết bất phân trong văn học Việt Nam thời trung đại”, Tạp chí Văn học số 5. 15. Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Sử học, Hà Nội. 16. Đỗ Đức Dục (1968), “Tính cách điển hình trong Hoàng Lê nhất thống chí”, Tạp chí Văn học số 9. 17. Hà Minh Đức (chủ biên) (1998), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Tây. 18. Nhiều tác giả (2004), Từ điển Văn học (bộ mới), NXB thế giới. 19. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1998), Lý luận văn học - vấn đề suy nghĩ, NXB Giáo dục, Hà Nội. 20. Lê Bá Hán (chủ biên) (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 21. Phạm Đình Hổ (1989), Vũ trung tùy bút, NXB Trẻ, Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TP Hồ Chí Minh. 22. Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (1972), Tang thương ngẫu lục, NXB Văn học, Hà Nội. 23. Kiều Thu Hoạch (1981), “Góp phần xác định tác giả Hoàng Lê nhất thống chí”, Tạp chí Văn học số 4. 24. Nguyễn Văn Hoàn (1973), “Phong trào khởi nghĩa nông dân và văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Văn học số 4. 25. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục, Hà Nội. 26. Nguyễn Phạm Hùng (2001), Trên hành trình văn học trung đại, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. 27. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân … (1997), Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XIX, NXB Giáo dục, Hà Nội. 28. Nguyễn Trung Khiêm (1958), “Thân thế và sự nghiệp cụ Hải Thượng Lãn Ông”, Tạp chí Đông y số 1,2. 29. Mai Quốc Liên, Kiều Thu Hoạch (1966), “Tìm hiểu giá trị hiện thực của Hoàng Lê nhất thống chí”, Tạp chí Văn học số 11. 30. Nguyễn Lộc (1978), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, tập 2, NXB Đại học và THCN, Hà Nội. 31. Nguyễn Lộc (1999), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX, NXB Giáo dục, Hà Nội. 32. Phương Lựu (1997), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại, NXB Giáo dục, TP Hồ Chí Minh. 33. Nguyễn Đăng Na (1998), “Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại - những bước đi lịch sử”, Tạp chí Văn học số 7. 34. Nguyễn Đăng Na (1999), Văn xuôi thời trung đại, tập 1: Truyện ngắn, NXB Giáo dục. 35. Nguyễn Đăng Na (2001), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 2: Ký, NXB Giáo dục, Hà Nội. 36. Nguyễn Đăng Na (2003), Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại - Những vấn đề văn xuôi tự sự, NXB Giáo dục, Đà Nẵng. 37. Nguyễn Đăng Na (2003), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 3: Tiểu thuyết chương hồi, NXB Giáo dục, Hà Nội. 38. Phạm Thế Ngữ (1996), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, NXB Đồng Tháp. 39. Ngô Gia Văn Phái (2002), Hoàng Lê nhất thống chí, NXB Văn học, Hà Nội. 40. Vũ Đức Phúc (1974), “Hoàng Lê nhất thống chí và sự thật lịch sử chung quanh việc Quang Trung phá quân Thanh”, Tạp chí Văn học số 3. 41. Vũ Đức Phúc (2001), Bàn về văn học, NXB KHXH, Hà Nội. 42. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. 43. Trần Đình sử (2001), Giảng văn chọn lọc Văn học Việt Nam Văn học dân gian và văn học cổ, cận đại, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội. 44. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học Trung đại Việt Nam, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội. 45. Bùi Duy Tân (1976), “Vấn đề thể loại trong văn học Việt Nam thời cổ”, Tạp chí Văn học số 3. 46. Bùi Duy Tân (1992), “Mối quan hệ về thể loại giữa văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam thời Trung đại: Tiếp nhận - cách tân - sáng tạo”, Tạp chí Văn học số 1. 47. Bùi Duy Tân (2001), Khảo và luận một số tác gia, tác phẩm văn học Trung đại Việt Nam, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội. 48. Nguyễn Minh Tấn (1988), Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam. 49. Văn Tân (1973), “Ngô Thì Nhậm, một nhà trí thức sáng suốt và dũng cảm đã đi theo nông dân khởi nghĩa Tây Sơn”, Nghiên cứu lịch sử số 148. 50. Văn Tân (1974), “Mấy vấn đề Ngô Thì Nhậm, một mưu sỹ lỗi lạc của Quang Trung”, Nghiên cứu lịch sử số 154. 51. Trần Thị Băng Thanh (1999), “Hành trình nghiên cứu văn học trung đại”, Tạp chí văn học số 1. 52. Trần Thị Băng Thanh (1999), Những suy nghĩ từ văn học Trung đại, NXB KHXH, Hà Nội. 53. Trần Nho Thìn (2003) “Thử phác họa tiến trình văn học trung đại Việt Nam (Theo quan điểm của một tác giả trung đại)”, Tạp chí Văn học số 5. 54. Trần Nho Thìn (2003), Văn học Trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục. 55. Nguyễn Khắc Thuần (1998), Danh tướng Việt Nam, NXB Giáo dục, TP Hồ Chí Minh. 56. Nguyễn Khắc Thuần (1998), Thế thứ các triều vua Việt Nam, NXB Giáo dục, TP Hồ Chí Minh. 57. Mai Trân (1960), “Đọc Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ”, Nghiên cứu Văn học số 7. 58. Tảo Trang (1973), “Bước đầu tìm hiểu về một số nhà văn trong Ngô Gia văn phái”, Tạp chí Văn học số 5. 59. Lê Hữu Trác (1989), Thượng kinh kí sự, Phan Võ dịch, NXB Thông tin. 60. Đinh Phan Cẩm Vân (2001), Sự tiếp nhận văn xuôi tự sự Trung Quốc trong văn học trung đại Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Viện KHXH, TP Hồ Chí Minh. 61. Lê Trí Viễn (1996), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội. 62. Lê Trí Viễn, Lê Thu Yến, Đoàn Thị Thu Vân… (1997), Văn học trung đại Việt Nam, Giáo trình lưu hành nội bộ, ĐHSP TP Hồ Chí Minh. 63. Lê Trí Viễn (1999), Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam, NXB Giáo dục. 64. Trần Đình Việt (1994), “Nguyễn Án qua tác phẩm Tang thương ngẫu lục”, Tạp chí Văn học số 3. 65. Lê Thu Yến, Đoàn Thị Thu Vân, Lê Văn Lực… (2000), Văn học Việt Nam - Văn học trung đại: Những công trình nghiên cứu, NXB Giáo dục, Hà Nội. 66. Hoàng Hữu Yên, Trần Thị Băng Thanh, Lê Bảo, Lã Nhâm Thìn (1994), Giảng văn Văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHVN017.pdf
Tài liệu liên quan