Luận văn Sự tha hóa của con người trong sáng tác của Nam Cao trước 1945

MS: LVVH-LLVH014 SỐ TRANG: 101 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2010 DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài: Văn học là loại hình nghệ thuật đặc thù, quan tâm và thể hiện đời sống con người ở nhiều góc độ, nhiều phương diện. Nói cách khác văn học là nhân học, là những câu chuyện về cuộc đời, về những con người cụ thể. Ở mỗi thời kì, mỗi giai đoạn văn học khác nhau, số phận con người cũng được quan tâm khác nhau, như văn học thời kì trung đại quan tâm đến con người xã hội, con người cộng đồng. Trong khi đó văn học hiện đại chuyển xu hướng đó qua từng cá nhân cụ thể. Văn học Việt Nam hiện đại, tiêu biểu là xu hướng văn học hiện thực phê phán, quan tâm, khám phá sâu sắc đời sống vật chất và đời sống tinh thần của từng cá nhân cụ thể, đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm bí ẩn của từng số phận con người. Trong đó, nhà văn Nam Cao – một hiện tượng văn học đặc biệt, ông không chỉ thể hiện nỗi đau của con người trong xã hội hiện tại, ông còn bộc lộ nỗi đau của mình trước sự tha hóa của con người. Nam Cao luôn băn khoăn, trăn trở tìm kiếm lối thoát cho những số phận luôn bị dằn vặt bởi cái nghèo, cái đói. Họ bị biến đổi cả hình hài lẫn nhân tính cũng bởi những lo toan cơm, áo, gạo tiền và cả ý nghĩa cuộc sống. Những bi kịch luôn xảy ra với các tầng lớp trong đời sống xã hội từ người nông dân đến người trí thức. Những trang viết của Nam Cao đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giới nghiên cứu văn học. Họ nghiên cứu về đời sống nhà văn, về nội dung sáng tác, về tư tưởng, phong cách và về bút pháp nghệ thuật. Vì thế, người viết luận văn này mong muốn được khám phá thêm một phương diện trong phong cách sáng tác của Nam Cao. Đó là nỗi đau về sự tha hóa của con người trong giai đoạn trước 1945. 2. Mục đích đề tài: Nhiều công trình nghiên cứu đã khám phá những điều mới mẻ trong sáng tác của Nam Cao cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Mục đích của đề tài này làm rõ thêm khía cạnh tha hóa của con người trong sáng tác Nam Cao. Nhà văn cho thấy xã hội đương thời đã bần cùng hóa con người, làm mất đi tính chủ thể của họ, biến họ thành những dạng tồn tại của xã hội hơn là sống. Nhưng giá trị nhân văn trong sáng tác của Nam Cao cho thấy những sáng tác của ông không chỉ thể hiện sự tha hóa mà còn là hồi chuông thức tỉnh mọi người, là tiếng gọi của sự cảm thông chia sẻ. Những nhân vật của Nam Cao có bần cùng, tha hóa, bi thảm đến đâu nhưng họ không chết trong bi kịch và luôn cố gắng tìm kiếm con đường, lối thoát cho cuộc sống tù túng hằng ngày. 3. Đối tượng nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu về sự tha hóa của con người thể hiện trong các tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết của Nam Cao trước 1945 (khoảng 42 tác phẩm). Nhằm khẳng định thêm một nét riêng về đặc trưng phong cách của Nam Cao trong số các nhà văn cùng khuynh hướng hiện thực phê phán. Đồng thời tham khảo ý kiến của những nhà nghiên cứu – phê bình về sáng tác của Nam Cao. 4. Lịch sử vấn đề: Có thể nói, Nam Cao là một trong những nhà văn lớn của thế kỉ XX được nhiều người nghiên cứu nhất. Nam Cao xuất hiện trên văn đàn khi các trào lưu văn học đã định hình và phát triển, những cây bút tên tuổi đã được khẳng định và có chỗ đứng vững vàng. Còn Nam Cao bắt đầu sự nghiệp sáng tác văn chương từ năm 1936, trong đó từ 1940 đến 1945 là thời gian ông viết nhiều nhất. Tuy nhiên sự nghiệp sáng tác của Nam Cao được chú ý từ năm 1941 với lời tựa của Lê Văn Trương cho tập “Đôi lứa xứng đôi”, do nhà xuất bản “Đời mới” ấn hành 1941 “Ông Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình” {135; 299}. Ý kiến này cho thấy Nam Cao xuất hiện với một phong cách sáng tác mới, táo bạo và có sắc thái riêng. Năm 1952 tác phẩm của Nam Cao đã trở thành đối tượng của khoa văn học với bài “Nam Cao” của Nguyễn Đình Thi in trong “Mấy vấn đề văn học” – ( NXB Văn nghệ – H 1956), và từ đó đến nay đã có gần 200 công trình, bài viết về Nam Cao được công bố. Tô Hoài đã có những bài viết rất sớm về Nam Cao như “Chúng ta mất Nam Cao” (1954), “Người và tác phẩm Nam Cao “ (1956) hay “Những kỉ niệm Nam Cao” (1991) và khẳng định “Nam Cao không che dấu, không màu mè gì hết, nói toạc cái cuộc sống cùng đường tận lối và nhơ nhớp của những người như anh” {44; 227}. Ông khẳng định tác phẩm Nam Cao luôn thể hiện những trải nghiệm từ cuộc sống của tác giả. Nằm trong số những người đầu tiên nghiên cứu về Nam Cao, từ năm 1960, Phong Lê – Huệ Chi có công trình nghiên cứu “Đọc truyện ngắn Nam Cao soi lại những bước đi lên của nhà văn hiện thực”, ông có nhận định “Đọc tập truyện ngắn của Nam Cao trước tiên chúng ta hiểu và yêu mến thêm Nam Cao, nhà văn đã chân thành giãi bày cuộc đời mình, một cuộc đời vốn mang theo bao nhiêu tâm trạng tủi hổ, xót xa nhưng luôn luôn ngoi lên chửi trả lại cuộc sống tối tăm và luôn luôn khao khát tìm đến cho mình và con người của tầng lớp mình một cuộc sống sao cho thật có ý nghĩa nhân đạo và sáng tạo” {13; 79}. Ông nhấn mạnh những sáng tác của Nam Cao có mối quan hệ trực tiếp từ hiện thực cuộc sống. Hà Minh Đức ngoài “Tuyển tập Nam Cao”, ông còn có nhiều chuyên luận về nghệ thuật sáng tạo tâm lý của Nam Cao “Nhiều nhân vật trong Nam Cao đã bị cuộc đời làm biến chất. Cuộc sống của họ là những tiếng kêu cho tình trạng cấp cứu của xã hội Nhân vật của Nam Cao có ý thức chống lại mọi trạng thái tha hóa, làm sai lạc bản chất của mình. Phải biết giữ lại một nhân cách tốt lành giữa cảnh sống tầm thường nhỏ nhặt. Phải chống lại mọi buông thả để có trách nhiệm với cuộc sống gia đình và bản thân mình. Ở mỗi nhân vật loại này của Nam Cao luôn có một đường dây chuẩn mực để đối chiếu, so sánh và tự ngẫm lại mình. Ấy là phút giây tỉnh táo trở về của lương tri và ý thức trách nhiệm Tự phân tích, phê phán với nhiều sắc thái khác nhau là một đảm bảo để nhân vật giữ lại được phẩm chất của mình chống lại mọi sự biến chất, tha hóa” {92; 75 – 76 – 77}. Nguyên Hồng (1960), “Đọc những truyện ngắn của Nam Cao”, trích sách "Sức sống của ngòi bút" Nxb Văn nghệ, H. 1963, ông điểm qua những sáng tác tiêu tiểu của Nam Cao, phát hiện thêm những nét mới trong sáng tác của Nam Cao “Nam Cao để lại cho cuộc sống, chính là những hình ảnh sinh động của một số nông dân ngoi ngóp trong cảnh nghèo đói. Họ đã bị áp bức và bóc lột đến cùng kiệt, và cũng bị phá hoại đến cùng kiệt, thể chất cũng như tinh thần dưới cái chế độ thống trị của bọn cường hào phong kiến” {77; 156}. Bên cạnh đó còn có các bài viết như: “Nam Cao - Con người và xã hội cũ” (1964) của Lê Đình Kị, hay Nguyễn Văn Trung có bài “Con người bị từ chối quyền làm người trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao” (1965). Các bài viết trên tập trung nói đến tư tưởng tiến bộ của nhà văn luôn đứng về phía những người nghèo khổ, đồng thời phản ánh hiện thực xã hội, biểu hiện những bế tắc trong tư tưởng Nam Cao. Trong đó bài viết của Nguyễn Văn Trung đã bàn đến tư tưởng nhân văn Nam Cao qua tấn bi kịch cự tuyệt quyền làm người của nhân vật Chí Phèo, “Người ta từ chối cho những Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo quyền làm người, quyền sống lương thiện như mọi người. Thái độ ngang tàng bạo ngược của chúng chẳng qua là biểu lộ một tâm trạng tuyệt vọng. Lời chửi, tiếng kêu, cái chết vô lý của chúng là sự phản kháng và tố cáo của những con người bị từ chối không được làm người” {137; 343} Từ những năm tám mươi của thế kỉ XX, có nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Nam Cao, các nhà nghiên cứu đã khám phá nhiều lớp ý nghĩa trong tác phẩm ông. Và vị trí văn học sử của Nam Cao ngày càng được khẳng định. Có thể kể ra một số công trình tiêu biểu như: “Nghĩ tiếp về Nam Cao”, Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, “Nam Cao một đời người một đời văn” của Nguyễn Văn Hạnh (1993). Trong công trình nghiên cứu “Nam Cao một đời người một đời văn”, Nguyễn Văn Hạnh đã phân tích những nét khái quát về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nam Cao. Ông đề cập đến đặc điểm tính cách của Nam Cao, những đóng góp của Nam Cao về tư tưởng nhân đạo, về nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lý nhân vật, về cấu trúc tác phẩm và về ngôn ngữ trong tác phẩm Nam Cao Sau cùng, ông nhận xét “Tầm vóc của Nam Cao chính là ở tấm lòng và tư tưởng của ông . Tấm lòng lớn, tư tưởng lớn. Những vấn đề mà Nam Cao đặt ra cho đến bây giờ vẫn làm nhức nhối chúng ta {29; 25}. Nhiều người viết về Nam Cao, trong đó người viết nhiều nhất là Phong Lê, hơn ba mươi năm nghiên cứu về Nam Cao, nhưng ông vẫn khiêm tốn coi các công trình của mình chỉ là “Phắc thảo sự nghiệp và chân dung” của Nam Cao. Ông tiếp cận tác phẩm Nam Cao từ nhiều góc độ như: “Nam Cao kết thúc vẻ vang phong trào văn học hiện thực”, “Người trí thức kiểu Nam Cao chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực”, “Cấu trúc ngôn ngữ truyện ngắn Nam Cao”, “Tình cảnh người nông dân với cái làng quê tiền Cách mạng trong sáng tác Nam Cao”, “Sự sống và sức sống trong Nam Cao hay đặc trưng bút pháp hiện thực Nam Cao” “Toàn bộ thế giới truyện của Nam Cao là một nỗi đau lớn vì một nỗi khổ – hiện ra trong rất nhiều con người, cũng đồng thời là niềm khắc khoải lớn, vì nhu cầu phát triển con người.” {77; 115}, ông đặc biệt chú trọng đến “Sức chứa và sức mở” từ giá trị của những điển hình sống động trong sự gắn bó với tư tưởng của Nam Cao. “Nam Cao không viết gì khác ngoài cái làng Vũ Đại quê ông. Nhưng rồi tất cả cái làng quê tiền Cách mạng đều được thu nhỏ đâu vào đấy, với sự lưu cữu, sự xếp lớp nhiều tầng các mặt tốt – xấu, vừa trái ngược nhau, vừa bổ sung cho nhau, Những chuyện no đói và sống chết. Ma chay và cưới xin ”{60; 14} Nguyễn Đăng Mạnh có hai bài về Nam Cao viết trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại – chân dung và phong cách”, trong đó ông đề cập đến những nét lớn về phong cách của nhà văn. Đó là những nỗi đau đớn trước tình trạng con người vì miếng cơm manh áo mà không đứng thẳng lên được, không sao giữ được nhân tính, nhân cách và nhân phẩm, Nam Cao là tấm gương của một cây bút luôn luôn tìm tòi, khám phá, sáng tạo, là nhà văn của chủ nghĩa hiện thực tâm lý và luôn có cách kể chuyện biến hóa. Ở bài “Cái đói và miếng ăn trong truyện Nam Cao”, ông kêu gọi hãy cứu lấy nhân phẩm, nhân tính và nhân cách con người trước cái đói và miếng ăn chứ không phải kêu gọi cứu lấy cái đói cho con người như một số nhà văn khác cùng thời “Nhưng nếu như ở tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói, thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính con người đang bị cái đói, miếng ăn làm cho tiêu mòn đi” {70; 12} hay ở một đoạn khác ông viết “Miếng ăn là một thử thách ghê gớm đã phân hóa tính cách theo hai thái cực: hoặc mất cả nhân cách, nhân tính như những nhân vật trong Một bữa no, Trẻ con không biết ăn thịt chó, Chí phèo, Quên điều độ hoặc trở thành những bậc chí thiện như Lão Hạc Cái đói và miếng ăn là cái gông nặng nề đã đè dúi dụi anh tiểu tư sản trí thức xuống sát đất để biến tất cả những ước mơ, những triết lý của anh thành hu huênh hoang, vớ vẩn, giả đối và khôi hài ” {70; 11}. Rõ ràng, ông đã cho thấy cái độc đáo, mới mẻ của nhà văn Nam Cao trong một đề tài không mới. Trong các cuốn sách tập hợp nhiều bài viết về Nam Cao gồm “Nghĩ tiếp về Nam Cao” (NXB Hội nhà văn Hà Nội 1992), “Nam cao về tác gia tác phẩm” ( NXB Giáo dục 1998), “Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc” ( NXB Thông tin văn hóa Hà Nội 2000), “Nam cao – con người và tác phẩm” ( NXB Văn học Hà Nội 2000). Các nhà biên soạn đã xếp vào sáng tác của Nam Cao trước 1945 những bài viết khác nhau đề cập đến vấn đề về nội dung và nghệ thuật qua các sáng tác của Nam Cao. Có thể chia các bài viết đó thành các nhóm sau: Nhóm bàn về nội dung sáng tác của Nam Cao: Về giá trị hiện thực gồm: “Mối quan hệ xã hội trong làng Vũ Đại” của Đức Mậu, “Qua truyện ngắn Chí Phèo bàn thêm về cái nhìn hiện thực của Nam Cao” của Trần Tuấn Lộ, “Có hay không yếu tố tự nhiên chủ nghĩa trong tác phẩm Nam Cao” của Quỳnh Nga, “Nam Cao con người và xã hội cũ “ của Lê Đình Kỵ Về giá trị nhân đạo gồm: “Bi kịch tự ý thức – nét độc đáo trong cảm hứng nhân đạo của Nam Cao”, “Nam Cao và khát vọng về một cuộc sống lương thiện xứng đáng” của Nguyễn Văn Hạnh, “Con người bị từ chối quyền làm người trong Chí Phèo của Nam Cao” của Nguyễn Văn Trung Nhóm bàn về nghệ thuật sáng tác của Nam Cao như: Về nghệ thuật xây dựng nhân vật gồm: “Nam cao và nghệ thuật sáng tạo tâm lý” của Hà Minh Đức, “Nhân vật “hắn” với một nét đặc trưng trong ngôn ngữ nghệ thuật Nam Cao” của Trương Thị Nhàn, “Về các nhân vật dị dạng trong sáng tác của Nam Cao” của Trần Thị Việt Trung Về ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng tác Nam cao gồm: “Chất giọng Nam Cao trong Chí Phèo” của Nguyễn Thái Hòa, “Lối văn kể chuyện của Nam Cao” của Phan Diễm Hương, “Bút pháp tự sự đặc sắc trong Sống mòn” của Nguyễn Ngọc Thiện, “Tìm hiểu chữ “ Nhưng” trong văn Nam Cao” của Phan Trọng Thưởng . Về thi pháp nói chung gồm: “Thời gian và không gian nghệ thuật Nam Cao” của Trần Đăng Suyền, “Phong cách truyện ngắn Nam Cao” của Vũ Tuấn Anh, “Phong cách truyện ngắn Nam Cao trước Cách mạng” của Bùi Công Thuấn, “Một đặc điểm của thi pháp truyện Nam Cao” của Phạm Quang Long, “Đặc trưng bút pháp hiện thực” của Phong Lê, “Nam Cao cuộc cách tân văn học thế kỉ XX” của Lại Nguyên Ân 5. Phạm vi nghiên cứu: Luận văn khảo sát một số tác phẩm tiêu biểu trong những sáng tác của Nam Cao trước 1945 (dựa theo Nam Cao toàn tập, 3 tập do Hà Minh Đức, Nxb Văn học, 2000). Và nghiên cứu vị trí của Nam Cao trong trào lưu hiện thực phê phán gồm các nhà văn như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan và những công trình nghiên cứu trước có liên quan đến đề tài. 6. Phương pháp nghiên cứu: Đề cương đưa ra một số phương pháp nghiên cứu để làm luận văn như: Phương pháp hệ thống: xem xét tác phẩm như một chỉnh thể, toàn bộ tác phẩm của Nam Cao như một hệ thống và là một yếu tố xuyên suốt trong tất cả hệ thống sáng tác của nam Cao. Phương pháp so sánh: ở hai cấp độ So sánh các tác phẩm của Nam cao để thấy sự ổn định, bền vững và sự phát triển phong cách nghệ thuật nhà văn theo hướng vừa thống nhất, vừa đa dạng. So sánh với các tác phẩm của các tác giả khác để thấy được sự độc đáo, mới mẽ của phong cách nghệ thuật Nam cao. Phương pháp phân tích – tổng hợp: đưa ra những dữ kiện để phân tích và tổng hợp. Phương pháp thống kê: để tìm tần số lặp đi đi lặp lại của các yếu tố tạo nên chủ đề và phong cách sáng tác. 7. Ý nghĩa khoa học: Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Nam Cao, luận văn này có sự kế thừa và phát huy những thành tựu rất đáng trân trọng của những người đi trước khi nghiên cứu về Nam Cao. Luận văn nêu lên và đi sâu vào một phương diện trong tư tưởng nhân văn và phong cách sáng tạo của Nam Cao. 8. Ý nghĩa thực tiễn: Người viết mong muốn đề tài nghiên cứu này sẽ góp phần làm tài liệu tham khảo về những đóng góp của nhà văn trong giai đoạn đầu hình thành chủ nghĩa hiện thực phê phán của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nghiên cứu về Nam Cao để tự trang bị cho bản thân trong công tác giảng dạy văn học

pdf101 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 8192 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Sự tha hóa của con người trong sáng tác của Nam Cao trước 1945, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đó là sự an ủi cho người trí thức chân chính luôn biết trân trọng yêu quý cái đẹp. Dù rằng, ít ai hiểu được điều đó và chia sẻ những cảm xúc đó với y. Trong hoàn cảnh khó khăn, người ta chỉ thấy được giá trị kinh tế của “Giăng”, “ đỡ tốn hai xu dầu” chứ không thấy được giá trị thẩm mỹ của chúng “Ánh giang xanh huyền ảo”. Ngày nay cũng vậy, người ta nhìn nghệ thuật ở góc độ đồng tiền, các sáng tác nghệ thuật phải nhạy cảm, giật gân gây sự tò mò, sự chú ý hay tính hiếu kì để cốt đem lại nhiều lợi nhuận mà chẳng quan tâm nó để lại ý nghĩa gì cho cuộc sống. Chẳng hạn, thị trường âm nhạc, điện ảnh, các hội thi nghệ thuật, thời trang, tranh ảnh… Chỉ có giá trị tức thời, không để lại ấn tượng cho độc giả. Nhất là sự chi phối của đồng tiền, tư tưởng ép phe làm thui chột đi nhiều tài năng và độc giả không được thưởng thức các sản phẩm tinh thần thật sự có giá trị thẩm mỹ. Đã đến lúc phải phân biệt nghệ thuật với đời sống, bởi đời sống luôn bị chi phối từ đồng tiền, tư tưởng chính trị, giai cấp. Trong khi, nghệ thuật chân chính biểu dương cho cái chân, thiện, mỹ. Có thể, chúng được bắt nguồn từ đời sống “Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” {18; 112} nhưng khi thưởng thức chúng phải độc lập với cuộc sống, với sự chi phối của tư tưởng giai cấp. Từ đó, mới có cái nhìn khách quan, toàn diện về giá trị thẩm mỹ của những sản phẩm tinh thần. Thậm chí, ngay trong hoàn cảnh say của nhân vật, Nam Cao cũng có thể khái quát thành những triết lý sâu sắc khác với quan niệm chung khi say con người luôn bộc lộ những tính xấu và làm ảnh hưởng đến nhiều người xung quanh “Hai bố con ở với nhau trong một cái lều ở bờ sông. Mỗi buổi tối những người phải đi qua, nghe tiếng chúng cười như những thằng điên. Bởi chúng say, mà trong khi người ta say, người ta quên cả những lầm than của kiếp người, nghĩa là người ta sướng lắm” {18; 116}. Với lập luận cho rằng “Trong khi người ta say, người ta quên cả những lầm than của kiếp người, nghĩa là người ta sướng lắm”. Cha Trạch Văn Đoành vợ chết, nghèo khổ, sống bằng nghề đi câu, hai cha con sống trong cái lều nhỏ ở bờ sông. Cũng giống Chí Phèo “Ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say”, nên Chí Phèo không thấy khổ. Những cơn say sẽ hướng con người suy nghĩ theo một cách khác, họ không còn suy nghĩ nhiều đến cơm áo và như thế họ quên đi cái khổ sở hằng ngày. Nhưng không thể người ta cứ say mãi để trốn tránh thực tại, cái khổ sở lầm than vẫn tồn tại, có chăng những lúc say để người ta không còn nghĩ đến nó. Vì thế, cơn say như liều thuốc an thần, tạm thời xua tan, đánh lạc hướng suy nghĩ của con người. Và nếu con người xem nó là cứu cánh họ sẽ nghiện ngập, hủy hoại cuộc sống của mình, tha hóa, hư hỏng. Thoáng đọc qua, giọng văn có vẻ hài hước nhưng rất nhiều phương châm sống được đúc kết từ nó. Trong một số truyện ngắn của Nam Cao, có những triết lý có chất hài nhưng không hoàn toàn để gây cười mà mang âm điệu chua chát về cuộc đời được đúc kết từ những suy nghĩ bi quan, những thất bại trên đường đời. Chẳng hạn như nỗi thất vọng của Nhu (Ở hiền) về người chồng vong ơn bội nghĩa “Nhưng giống người vốn là giống mau quên” {18; 244}. Hay lời than thở chán chường của bà cái Tý (Một bữa no). “Chao ôi! nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao? Thức ăn không bao giờ tự nhiên chạy vào mồm” {18; 226 – 227}. Còn phản ứng của ông Cữu Hòa (Nửa đêm) về việc hàng xóm bàn tán về gia đình ông khi mà mọi chuyện chưa rõ ràng. “Việc đời cứ vậy: ông trời muốn người trong nhà bao giờ cũng phải nghe chuyện nhà mình, ở môi miệng một người ngoài ngõ. Có thế mới vui. Nếu không những cái miệng đàn bà đã chỉ dùng vào hai việc: ăn và uống” {18; 312-313}. Trên đây là những triết lý chung chung, phản ánh sự việc chưa cụ thể. Ngoài ra, có những triết lý đi vào từng cảnh ngộ, hoàn cảnh cụ thể. chẳng hạn khi đề cập đến những con người bất hạnh, một đời đau khổ như bà ngoại của Ngạn trong (Nhìn người ta sung sướng). “Bởi suốt một đời khổ sở nên bà ngoại Ngạn không thấy một người nào thật khổ. Trong nhà bà toàn những người sung sướng quá” {18; 94}. Có lẽ cả một đời khổ sở vất vả nên bà cho rằng: bà là người khốn khổ nhất. Cũng giống như bà ngoại của Thứ trong (Sống mòn), “Bà già chưa bao giờ được ăn ngon, không thể quan niệm rằng người ta có thể ăn ngon; chưa bao giờ được nghỉ ngơi, không thể tin rằng người ta có quyền được nghỉ ngơi; chưa bao giờ được vui vẻ, yêu đương, không bằng lòng cho kẻ khác yêu đương và vui vẻ”. {18; 633 – 634} Cái suy nghĩ cực đoan đó, biểu thị cho những quan niệm sống có phần tha hóa, áp đặt. Tự xem mình là tiêu chuẩn, “Đạo đức kế” để giới hạn quyền tự do của người khác. Cố nhiên, đây không phải là phát ngôn của hai người bà. Mà là triết lý của Ngạn và Thứ rút ra từ suy nghĩ của hai người bà khốn khổ, họ đã ganh tị với con cháu khi nhìn thấy chúng tự do, sung sướng. Lẽ ra, họ phải mừng vì “Con hơn cha là nhà có phúc” nhưng cái tính hẹp hòi, ích kỷ đã làm giảm đi phần kính trọng của con cháu, để chúng phải sống giả tạo trước mặt mình, cho mình được vui vẻ. Nam Cao có nhiều triết lý xoay quanh đời sống của những người trí thức tiểu tư sản, những ông giáo, văn sĩ. Cuộc sống họ luôn diễn ra những cuộc đấu tranh tư tưởng với những dằn vặt, nghiền ngẫm, trăn trở không ngừng. Ông giáo trong (Lão Hạc) đã ngán ngẫm với suy nghĩ của vợ về cách cư xử ở đời. “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… Toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương… Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ đến ai được nữa. Cái bản chất tốt của người ta bị nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất.” {18; 255}. Ông giáo thương lão Hạc nhưng tình thương đó không thể chia sẻ với ai dù đó là vợ ông. Bà khổ quá nên suy nghĩ bà cũng tha hóa dần. Với cuộc sống nghèo khó, một số người luôn tính toán chi li cho từng bữa ăn, từng khoản tiêu dùng, xem tiền của quan trọng hơn mạng sống. Những thực trạng đó, Nam Cao đã mạnh mẽ phản ánh qua nhân vật tôi nói về bà bác của mình trong “Điếu văn”. “Khi người ta đã rỏ từng giọt máu ra để kiếm đồng tiền thì lẽ tự nhiên người ta phải quý tiền ngang với máu. Chồng bà mất sớm. Đã nhiều lần bà toan đi bước nữa nhưng chỉ vì tiếc tiền, lại thôi… Bà cam chịu phận lẻ loi để khư khư giữ lấy tiền ở chính tay bà, không muốn để lọt tay ai”{18; 218}. Bên cạnh đó, có những gia đình luôn mâu thuẩn, lục đục, đay nghiến nhau vì ai đó không làm ra tiền. Hoặc kiếm đồng tiền vất vả quá nên họ luôn cấu xé nhau như trong “Nước mắt”. “Nhà ông chẳng lúc nào yên, đàn trẻ khóc như ri. Mẹ chồng nghiến rứt con dâu. Cô dâu cãi lại mẹ chồng. Cô em mỉa mai: chỉ vì người nào cũng khổ cả và người nọ cứ tưởng vì người kia mà khổ” {18; 386}. Với đời sống nghèo khổ, khó khăn, con người đã không giúp đỡ cho nhau mà họ còn tạo khó khăn cho nhau, làm ảnh hưởng đến đời sống yên bình của gia đình. Triết lý về sống chết trong sáng tác của Nam Cao có quan hệ biện chứng với nhau. Sống và chết là hai mặt của vấn đề, chúng vừa đối lập nhau, vừa thống nhất với nhau. Cái sống và cái chết vừa hoán vị cho nhau vừa đan xen với nhau. Nhân vật tôi trong “Mua nhà” đã bộc lộ rõ quan niệm sống chết. “Không làm nhà không được. Vậy thì chẳng cần phải nghĩ. Chúng tôi tính việc mua tre, mua nứa và thuê thợ. Không có tiền thì vay nợ lãi. Không vay không được thì vay cũng không ân hận. Rồi tôi lại cố làm việc nhiều hơn trước nữa. Tôi sẽ giết tôi nhanh hơn trước nữa. Trước sau thì cũng chết. Ai cũng chết. Mà ai cũng chỉ chết một lần mà thôi. Sống sẻn so làm gì?” {18; 145}. Giọng điệu nhân vật như giận dỗi, phẩn uất trước những khó khăn, những ngang trái của cuộc đời. Anh nói như không cần quan tâm đến sự sống “Trước sau gì cũng chết. Ai cũng chết”. Nhưng trong đấu tranh tư tưởng thì mong muốn được sống vẫn chiến thắng. Y cưỡng lại cái chết, khi cho rằng “sống sẻn so làm gì” có nghĩa là không thể sống xa xỉ được nữa. Còn nếu “Trước sau thì cũng phải chết” sao lại không dám sống xa xỉ. Vì thế, nhân vật không có sự thống nhất giữa tư tưởng và lời nói. Miệng nói sự sống không đáng quan tâm nhưng quyết tâm sống thì rất mạnh mẽ. Cũng liên quan đến triết lý về sống chết, nhân vật tôi trong “ Cười” thể hiện thái độ rất rõ ràng. “Người ta chết được thì cũng khó. Vả lại chết vì bệnh không đáng sợ. Ta nên sợ cái chết trong lúc sống; cái chết đáng buồn của những người sống sờ sờ ra đấy, nhưng chẳng biết dùng sự sống mình vào công việc gì” {18; 362 – 363}. Nhân vật suy ngẫm nhiều về lẽ sống: sống mòn hay chết mòn. Đặc biệt chết khi còn đang sống mới đáng sợ. Sự sống ấy mang nghĩa tồn tại, sống thể xác, còn tâm hồn và lòng người đã chết từ lâu rồi. Nam Cao đã phân biệt giữa hai cái chết, cái chết thể xác và cái chết tinh thần. Trong đó, cái chết tinh thần là sự tha hóa. Sự tha hóa đó hiện nay diễn hằng ngày qua lối sống vô cảm, lạnh cảm xung quanh ta và cả những nơi cần nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Ví như cuộc đời của anh cu Lộ trong “Tư cách mõ”, anh vốn là một nông dân hiền lành, chăm chỉ, sống lương thiện bổng trở thành một thằng mõ chính danh, đánh mất tư cách, đê tiện, tham lam, lì lợm, lầy là… Quá trình biến đổi anh rất lô gích và nghiệt ngã, ngay bản thân anh cũng không kịp nhận ra. Sự thay đổi ấy biến anh thành một người khác hoàn toàn so với con người ban đầu của anh. Tác giả có vẻ xót xa ngậm ngùi khi nhận xét về anh: “Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hửng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng. Chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người ta là một cách rất điệu để khiến người ta sinh đê hèn” {18; 216}. Có thể thấy nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa tính cách của anh cu Lộ do những tác nhân bên ngoài. Và thái độ sống bất cần dư luận của anh. Ngoài ra còn có nguyên nhân tự thân con người làm họ trở nên đớn hèn và thua thiệt. Tóm lại, qua những trang viết của Nam Cao người đọc dễ nhận ra những suy nghiệm và triết lý về các hạng người: giàu nghèo, sang hèn, quan hệ cha con, chủ tớ và các quan niệm về: tiếng cười, miếng ăn, sự sống, chết… Những triết lý đó xuất phát từ những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống của những người xung quanh và những trải nghiệm trong cuộc đời tác giả. Ngôn ngữ triết lý được sử dụng rất linh hoạt, đan xen trong từng giọng điệu khi ở vị trí người kể chuyện, khi là người quan sát, lúc là những tâm tư, trăn trở của nhân vật. Với giọng văn vừa nhất quán, vừa biến hóa, hài hước nhưng rất cay đắng và xót xa từ những dằn vặt, suy ngẫm của tác giả. Trong đó, có những triết lý vươn tới gần những chân lý, quy luật. Bởi chúng là một phần trong quan niệm của tác giả, một phần còn lại để người đọc suy ngẫm. Đặc biệt là những triết lý xoay quanh sự tha hóa của con người, những mảnh đời nghèo đói cơ cực, những mối quan hệ đổ vỡ và những cách cư xử mất tính người. Có thể kết lại bằng nhận định của Giáo sư Phong Lê: “Đọc văn Nam Cao, ngay những trang viết kể vô tư nhất, những trang kể mà nhà văn hoàn toàn khép kín lòng mình, vẫn thấy một cái gì cuộn lên. Nếu không là một cảm giác lo lắng, buồn thương, phẩn uất, kinh rợn trước các cảnh đời, thì cũng là một tâm trạng nôn nóng, muốn được bình luận, chia sẽ, trao đổi cùng tác giả. Những trang viết trong lặng lẽ mà làm ta không yên. Nó hối thúc đòi gọi một thái độ…” {63; 75} 3.3.2. Ngôn ngữ thể hiện sự lạ hóa: Lạ hóa (Tiếng Nga: Ottrannenie): Toàn bộ những thủ pháp trong nghệ thuật (nghịch dị, nghịch lí…) được dùng để đạt đến một kết quả nghệ thuật, theo đó hiện tượng được miêu tả ra bên ngoài như ta đã quen biết, hiển nhiên là như một cái gì mới mẽ, chưa quen, “ Khác lạ”. Khái niệm “Hiệu quả lạ hóa” do B. Brếch đưa vào Mỹ học, căn cứ vào lý thuyết và thực tiễn sân khấu của ông. Theo B. Brếch, lạ hóa gây nên ở chủ đề tiếp nhận sự “Ngạc nhiên và hiếu kì” trước một góc nhìn mới làm nảy sinh một thái độ tiếp nhận tích cực đối với cái thực tại được lạ hóa kia. Khái niệm này cũng được trường phái hình thức Nga những năm 20 đầu thế kỉ XX (Sơ – clốp – xki, I – a – cu – bin – xki, Vi – nơ – cua, I – a- cốp – xơn, Tư – nha – nốp…) nêu lên. Họ coi lạ như một nguyên tắc nghệ thuật phổ quát thể hiện trong mọi cấp độ của cấu trúc nghệ thuật, có tác dụng phá vỡ tính tự động máy móc của sự cảm thụ bằng cách tạo ra” một cái nhìn mới” – “khác lạ” – đối với sự vật và hiện tượng quen thuộc, chứ không phải là nhận ra cái đã biết, tức là phá vỡ những “khuôn hình” đã quen để người ta có thể nhận ra các ý nghĩa mới của sự vật và nhân sinh.” {37; 172). Trong sáng tác của Nam Cao, khi miêu tả tính cách, lời nói, cử chỉ của nhân vật thì sự lạ hóa là một thủ pháp nghệ thuật. Nó làm cho hình tượng nhân vật thêm mới mẻ, sinh động. Các chi tiết không khô khan mà luôn uyển chuyển. Tạo nên những dáng vẻ cho từng nhân vật, nhiều chi tiết có phần hư cấu nhưng vẫn có nét chân thật trong từng đường nét. Chẳng hạn, khi miêu tả giọng kể của Mô cũng thấy được sự lạ hóa trong cử chỉ kể chuyện. “Mô vẫn kể. Nó kể bằng một cái giọng ngắc ngứa, lúng túng, ấp úng, có khi ngọng nghịu vì e thẹn và sung sướng. Nhưng Thứ hiểu chuyện của nó một cách rất rõ ràng. Chỉ vì những lời nói của Mô được tô điểm bằng những kỉ niệm của y. Chính y cũng đã nghe câu chuyện của vợ chồng Mô đối đáp với nhau đêm hôm ấy.” {18; 558}. Chỉ giọng kể của Mô thôi mà tác giả đã miêu tả bằng nhiều cung bậc như “Nó ngắc ngứa, lúng túng, ấp úng, ngọng nghịu, e thẹn, sung sướng”, biểu hiện cái cảm xúc khó nói của người khốn khổ. Hay cách sắp xếp từ ngữ biểu thị tính cách khá độc đáo của nhân vật, đó là biệt tài của Nam Cao “Trong khi nói, bà cụ giơ cánh tay, che cái mồm móm mém, ngửa cổ ra cười: bà cười đôi tai nghễnh ngãng của bà. Rồi bà sửa soạn một câu, nghẹo đầu, nghẹo cổ, thưa với hai ông giáo...” {18; 597}. Chỉ một câu nói mà bà phải “Sửa soạn, nghẹo đầu, nghẹo cổ ”, cách trả lời của bà cụ có phần trịnh trọng với cái vẻ khó khăn khi thể hiện. Sự lạ hóa trong cách thể hiện của nhân vật thể hiện tình huống cư xử, nét duyên dáng, đáng yêu và tâm trạng chất chứa niềm sung sướng khó tả. Thủ pháp lạ hóa không chỉ thể hiện qua các chi tiết mà còn thông qua kết cấu tác phẩm tạo nên sự bất ngờ, thay đổi dòng suy nghĩ của người đọc. Tính bất ngờ đó đem đến cho tác phẩm những kết thúc mới mẻ không theo lối mòn quen thuộc. Trong tác phẩm “Lang Rận”, Nam Cao triển khai bằng giọng kể của ngôi thứ ba – giọng của vợ và em gái ông cựu Đẩu. Người đọc có thể thông cảm với số phận của lang Rận và mụ Lợi nhưng cũng có phần đồng tình với thái độ của bà cựu và em chồng. Điều đó làm người đọc bị cuốn hút vào cách hành động tò mò, vạch trần cái xấu ở hai nhân vật khốn khổ kia, bởi những kẻ nửa người nửa gợm kia làm gì có tình yêu. Tuy không ai đồng tình với việc làm của họ nhưng vẫn bị lôi cuốn theo. Đến lúc sự nghịch lý đã phơi bày, hành động của họ dẫn đến cái chết tức tưởi của lang Rận. Người đọc nhận thức được sự thay đổi của kết cấu, tình tiết đảo lộn, và tạo ra sự bất ngờ của kết thúc truyện. Thủ pháp lạ hóa đã đảo lộn dòng nhận thức, người đọc đồng cảm, xót thương cho cái chết của lang Rận và lên án việc làm tai ác của bà cựu và em chồng. Cũng trong truyện Chí Phèo hai nhân vật thừa của làng Vũ Đại là Chí Phèo và thị Nở, được xem là vật thải trên bãi rác người đời. Họ là sự tổng hợp của những nét xấu nên theo quy luật tự nhiên họ cũng đáng thương. Nhưng với bản chất hung ác của Chí Phèo, cái nhìn của dân làng Vũ Đại và người đọc đều đồng tình với tác giả về tên gọi “Quỷ dữ”. Nhưng với thủ pháp lạ hóa những nhân vật đáng ghét kia đã xoay chuyển để người đọc phải thừa nhận tính NGƯỜI ở họ vẫn còn. Rồi, cảm giác gớm ghét về nhân vật biến dần thay vào đó lòng cảm thương, buồn não nề. Bắt đầu từ sự thức tỉnh đến khát vọng trở về làm người và cuối cùng là tiếng thốt khẩn thiết “Ai cho tao lương thiện”. Không ai có thể đoán trước được kết thúc của Chí Phèo. Kết thúc lạ hóa ấy thay đổi nhận thức của người đọc, giá trị nhân đạo của tác phẩm cũng được bộc lộ. Và khẳng định tính nhân văn trong sáng tác của Nam Cao. Nếu chỉ liệt kê, phơi bày những thực trạng của xã hội thì nhiều nhà văn hiện thực đã làm nhưng dấu ấn của Nam Cao là cái nhìn mới lạ về nhân vật, nhân vật có thể chết nhưng cái chết không vô nghĩa mà dấy lên hồi chuông thức tỉnh nhận thức của mọi người. Sự lạ hóa trong sáng tác của Nam Cao là cách sáng tạo hình tượng dựa trên sự kết hợp giữa cái hư ảo và cái thực. Trong đó, có một dạng tồn tại của sự vật, dạng méo mó xệch xạc. Dạng tồn tại ấy là sự lạ hóa ở sự vật hiện tượng. Tức chúng không còn bị giam hãm trong cái vẻ thông thường đã quá quen thuộc, cái nhìn hằng ngày của chúng ta, mà chúng thể hiện đột ngột, bất ngờ, gây sự ngỡ ngàng và ngạc nhiên trong cảm nhận. Những truyện như Lang Rận, Nửa đêm, Một đám cưới… tạo ra cái thế giới nghịch dị mà vẫn tự nhiên. Nó không phải thế giới thần thánh xuất quỷ nhập thần như trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Cái lạ hóa là những sự dây dưa, hình hài dị hợp, méo mó xéo xọ… như trong “Cái mặt không chơi được, Dì Hảo, Nhỏ nhen, Cười”. Cảm giác về sự kỳ dị nảy sinh khi tác giả tạo nên một loạt các hình tượng nghệ thuật độc đáo như Chí Phèo, Trạch Văn Đoàn, lang Rận, Thiên Lôi… Tuy lạ hóa nhưng không xa lạ vì tất cả mang sắc thái của con người Việt Nam trước Cách mạng với bao khốn khổ, đói khát, tù đày, bần cùng... cho ra những con người dị dạng cả hình hài lẫn tính cách. Lã Nguyên trong bài “Khả năng phản ánh đời sống của truyện ngắn Nam Cao” đã so sánh yếu tố bất ngờ trong kết cấu truyện ngắn của Nam Cao với các nhà văn khác. “Lấy sự cố làm “sườn” cho truyện ngắn. Các nhà văn thường chọn những sự kiện được tạo thành bởi mối quan hệ nhân quả ở chính thời điểm có biến cố, tức là lúc “nhân” đang chuyển nhanh thành “quả” làm cho tình trạng cân bằng của thế giới nghệ thuật bị phá vở, số phận của nhân vật hoàn toàn đổi thay “Nhân” to ắt “Quả” sẽ lớn. Và “Quả” càng to thì cái cảm giác về “Nhân” to ở người đọc càng rõ. Nam Cao ít sử dụng loại sự kiện và biến cố như thế. Cây ra hoa tất hoa sẽ thành quả. Nhưng lẽ tự nhiên, bên cạnh những bông hoa đơm trái thế nào cũng có hoa điếc. Phần lớn sự kiện và biến cố trong sáng tác của Nam Cao chính là những cái “Hoa điếc” của đời sống.” {81; 22}. Lã Nguyên muốn nhấn mạnh đến yếu tố lạ hóa trong sáng tác của Nam Cao, không phải chỉ có hoa trái tốt mà còn có hoa điếc, không phải chỉ có kết quả theo quy luật chung mà còn có những cách điệu, đột phá, bất ngờ. Chẳng hạn, cuộc đời của Chí Phèo thoáng nhìn ai cũng thấy giống cuộc đời của Năm Thọ, Binh Chức. Nếu cứ kết thúc như vậy thì còn đâu sự bất ngờ nên việc Chí Phèo tự sát sau khi giết Bá Kiến đã làm cho mọi người ngỡ ngàng “Cả làng Vũ Đại nhao lên, họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy” {18; 62} Có thể kết lại sự lạ hóa trong sáng tác của Nam Cao qua sự nhận định của Vương Trí Nhàn qua bài viết “Những biến hóa của chất nghịch dị trong truyện ngắn của Nam Cao” như : “Theo lôgích thông thường, sự vật luôn biến chuyển, bĩ cực thái lai, sau những ngày đen tối sẽ tới thời kì tươi sáng của hi vọng. Một thứ lãng mạn đậm màu sắc nhân gian mà cũng phù hợp với lối suy nghĩ trung dung của đạo Khổng thường được các nhà văn ở ta tự nguyện noi theo. Họ biện bạch rằng viết thế mới là nhân bản, là tin tưởng ở con người. Nhưng Nam Cao không hoàn toàn nghĩ thế hoặc kinh nghiệm sống của ông không cho phép ông nghĩ thế” {84; 31} 3.3.3. Ngôn ngữ biểu thị tinh thần lạc quan: Chủ nghĩa lạc quan rất có thể được khởi nguồn từ Thời kỳ Khai sáng cuối thế kỷ XVII khi một nhà hiền triết người Đức tên là Leibniz lần đầu tiên đưa ra ý tưởng gây xôn xao dư luận rằng “Hy vọng có thể tồn tại trong một thế giới không có Chúa trời”. Như vậy, “Lạc quan” là một từ hiện đại thể hiện thái độ tích cực đối với thế giới, bộc lộ niềm tin vào thành quả đầy hứa hẹn, đó là cuối cùng cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Chủ nghĩa lạc quan có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với một từ bắt nguồn từ ngôn ngữ Latinh mang nghĩa “Hy vọng”. Có một câu nói rằng: “Hy vọng thăng hoa bất diệt trong mỗi con người.” Tuy nhiên, lạc quan được sinh ra một cách vô thức, và trong khi khái niệm “Hy vọng” xưa như lịch sử loài người, thì chủ nghĩa lạc quan lại mới mẻ và trường cửu. Tinh thần lạc quan hay chủ nghĩa lạc quan – đó là lòng tin vào tương lai tốt đẹp hơn vào khả năng thắng lợi của cái thiện đối với cái ác, của chính nghĩa đối với phi nghĩa. Còn thái độ bi quan hay chủ nghĩa bi quan thì biểu hiện trong những quan điểm cho rằng các sự biến đi đến chỗ tồi tệ hơn. Biểu hiện cho những tâm trạng chán nản không tin vào sự thắng lợi của cái thiện, chính nghĩa. Những người theo thuyết cải thiện cho rằng: “Chỉ có thể cải thiện thế giới bằng cách hoàn thiện cá nhân”, bằng sự khai sáng. Xét về bản chất của mình, chủ nghĩa Mác là lạc quan, bởi vì nét nổi bật của nó là lòng tin tưởng vào sự tiến bộ vô hạn của và những khả năng của con người. Đối lập với thuyết cải thiện, học thuyết Mác – xít xuất phát từ chỗ cho rằng cái quyết định sự phát triển đi lên của xã hội là hoạt động cách mạng của quần chúng, phù hợp với những quy luật phát triển xã hội đã được nhận thức”. {150; 300}. Lạc quan đã trở thành một triết lý sống hiện đại. Chúng ta vẫn sử dụng từ “Lạc quan” để nói về con đường phía trước, thậm chí khi cuộc sống rơi vào khó khăn. Nếu lạc quan bắt đầu được hiểu đơn giản là sự không chấp nhận thất bại, một khi nó xứng đáng với tên gọi “Lạc quan” thì nó sẽ đơm hoa kết trái, trở thành quyết tâm kiên định và hợp với lẽ phải hướng tới trong tương lai. Luôn bất chấp những thất bại và trở ngại phải đối mặt, một người lạc quan với đầy đủ hiểu biết về những nỗi gian truân tiềm ẩn sẽ tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn. Những hứa hẹn của tương lai là niềm an ủi của chủ nghĩa lạc quan. Chủ nghĩa lạc quan, sẽ xây dựng nền tảng trực tiếp từ sự chấp nhận quá khứ để có thể tạo dựng tương lai. Chủ nghĩa lạc quan khẳng định vai trị của các nghệ sĩ đương đại. Theo đuổi những ước mơ riêng, hành động đại diện cho tất cả chúng ta, các nghệ sĩ mang đến cho chúng ta niềm vui, những suy nghĩ, nhận xét, sự hài hước và trên tất cả là niềm hi vọng. Cái nghèo làm cho người ta cảm thấy nhục nhã, chán nản với hiện tại và bi quan ở tương lai. Vì thế, có lần Thứ tự nhủ với lòng mình “Y không thể cất đầu lên được. Y đã cố bảo y rằng: Y cũng có học, cũng thông minh không kém gì những ông ký, ông phán, những thanh niên nhà giàu vào trạc tuổi y; hơn thế nữa, y lại biết trọng nhân cách và có những ước vọng cao, nghĩa là y chẳng có một cái gì đáng cho người ta có thể khinh; y đã cố bảo y rằng có quyền nhìn thẳng vào mặt người ta mà chẳng thẹn thùng, y vẫn thấy nhút nhát và sợ sệt. Y ngấm ngầm đau khổ vì mình.” {18; 564}. Sự bi quan và lạc quan đan xen với nhau trong dòng suy nghĩ của các nhân vật. Cuộc sống nghèo khó làm các nhân vật mất đi sự tin tưởng ở bản thân, cùng với xã hội thực dân phong kiến tối tăm không cho phép họ hi vọng vào tương lai tươi sáng. Thế nhưng, một số nhân vật vẫn hi vọng vào sự đổi đời, vào cuộc sống sẽ tươi sáng dần lên. Thứ hi vọng một ngày không xa y sẽ làm hiệu trưởng, quản lý và đề ra nhiều kế hoạch đổi mới cái trường y đang dạy. Dù không tin tưởng nhưng lão Hạc vẫn lạc quan hi vọng một ngày không xa con lão sẽ về vì thế lão đã gởi tiền bán chó và giấy tờ vườn cho ông giáo chuyển cho con trai lão. Một Chí Phèo đã tha hóa - quỷ dữ làng Vũ Đại, ai cũng sợ hắn nhưng Chí vẫn hi vọng sẽ làm hòa với mọi người, hi vọng thị Nở sẽ sống với y và mở đường cho y, mẹ cái Tý cũng hi vọng sẽ kiếm được một bữa ăn thật no sau nhiều ngày vật vả vì đói khát… Tuy nhiên với thói quen trong cuộc sống, thật khó thay đổi. Nhưng Thứ vẫn không chấp nhận quan điểm cho rằng thói quen không thể thay đổi. Trong lúc ghen tuông, ngờ vực về vợ mình, Thứ đã suy nghĩ rất nhiều về thói quen, tư tưởng, tình cảm con người: “Mọi người cười, Thứ cũng cười, Y hơi đỏ mặt. Y tin vào những lý lẽ của y lắm; nhưng y vẫn ghen, vẫn thắc mắc như thường. Tại sao như vậy? Y suy nghĩ một cách buồn rầu, rồi bảo: - Đó là thói quen. Không phải cái thói quen của riêng mình, nhưng mà là cái thói quen lưu truyền đã mấy đời, đến nỗi nó đã nhập vào máu của chúng ta. Tư tưởng, tình cảm, cảm giác, hành động của chúng ta đều khuôn theo những thói tục. Những lời nói sẵn trong thời đại của chúng ta. Thời thế đổi, lòng người đổi. Thế kỷ sau, sẽ lọc cho máu chúng ta trong trẻo lại. - Y thở dài nghĩ bụng “nhưng tại sao người ta lại không thể nghĩ đến chuyện lọc máu ta ngay từ giờ?” {18; 687}. Với thời gian, các thói tục có thể thay đổi. Nhưng theo Thứ ta vẫn có thể làm thay đổi nó, đó là cuộc Cách mạng lọc máu. Nghe có vẻ mơ hồ nhưng đó là một ý tưởng mới mẻ, táo bạo, là cách thay đổi con người thoát khỏi các thói tục đã ăn sâu vào trong suy nghĩ, tình cảm, hành động của con người bao đời nay. Ý tưởng thay đổi con người bằng cách lọc máu vừa mới mẻ, vừa triệt để, khi mà các biện pháp, các chủ chương tác động từ ngoài đã không còn tác dụng. Ngày nay, những thói quen tiêu cực đã thâm nhập vào các lĩnh vực, các ban ngành và trở thành một phần trong giao tiếp, ứng xử làm ăn, hợp đồng. Để thay đổi chúng, tiến đến một xã hội văn mình thì “Lọc máu” là phương cách hữu nghiệm nhất. Thứ luôn cho rằng, chính cái thói quen đã bó buộc con người và làm cho con người không dám thay đổi, chấp nhận cuộc sống tù túng mãi. Và cái thói quen này đã trở thành nếp nghĩ, nếp sống cam chịu của con người bấy giờ. “Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc, những khóm xanh xanh kia, có biết bao nhiêu người sống như y, nhưng không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc sống rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen. {18; 747}. Thứ đã từng rời xa quê nhà để làm một cuộc phiêu lưu vào Sài Gòn, rồi lại trở về Hà Nội, anh đi nhiều, trải nghiệm nhiều nhìn cảnh sống của con người cam chịu, bằng lòng với thực tại, cũng như con trâu kia không dám bức sợi dây thừng để đến đám cỏ xanh. Điều đó giải thích vì sao dân tộc ta ngàn năm chịu sự đô hộ của giặc Phương Bắc, hay cách mà tầng lớp địa chủ, thực dân đè đầu cưỡi cổ dân ta từ nhiều đời nay. Cũng vì họ đã cam chịu số phận, quen sống kiếp tù đày như con trâu, con bò chỉ biết kéo cày, ăn cỏ và chịu đòn roi. Không mấy ai mạnh mẽ, dám đứng lên chống lại chúng như chị Dậu trong Tắt đèn hay bỏ trốn để tự giải thoát bản thân như Mị, A Phủ trong Vợ chồng A Phủ. Thứ đã tìm ra nguyên nhân ngăn con người đến cuộc sống tốt đẹp hơn hay con trâu đến với đồng cỏ xanh tươi chính là thói quen. Cái thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt họ bao đời nay rồi. Cái sự lệ thuộc vô hình ấy, làm cho con người không dám nghĩ đến cái mới, chấp nhân trong cái thực tại đó để được yên thân, yên phận. Cái thói quen không tiếp cận, chấp nhận những cái mới dẫn đến đời sống tụt hậu dần, bảo thủ, trì trệ. Sống trong vòng luẫn quẩn u mê. Thói quen biểu hiện cho tư tưởng chủ quan, quan liêu, duy ý chí. Ngoài ra, với bề dày thời gian, nó trở thành hệ tư tưởng của cả cộng đồng người, của tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị. Cái nếp xã hội ấy cứ lặp đi lặp lại từ đời này qua đời kia. Đây không thể được xem là xã hội phát triển bền vững, mà đúng hơn, nó đang suy thoái. Vì các mâu thuẩn xã hội vẫn còn đó, chúng được bảo vệ bởi thói quen muôn đời. Mâu thuẩn không được giải quyết thì quan hệ cũ sẽ không được phá vỡ để thay vào đó những quan hệ mới, cái mới tiến bộ hơn phù hợp với thực tiễn xã hội. Nam Cao đã có tầm nhìn khái quát mang tính vĩ mô, muốn thay đổi thói quen dọn đường cho cái mới ra đời, trước tiên phải thay đổi về chất “Lọc máu”. Những triết luận của ông không khô khan, không nặng nề màu sắc chính trị mà bằng những hình ảnh văn học rất đời thường, giản dị mà thâm thúy. Đem đến người đọc sự cảm nhận phong phú, đa dạng, gần gũi, đặc biệt tâm tư, ước vọng đổi mới xã hội của tác giả, nhưng để đổi mới xã hội trước hết phải đổi mới con người, như câu nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Bởi hệ thống thượng tầng kiến trúc của xã hội vẫn là những quan niệm, thói quen, tư tưởng, tôn giáo… ngấm sâu vào ý thức của con người. Thói quen cam chịu, an phận hạn chế hi vọng, mơ ước của con người. Sự lạc quan của nhân vật có cơ sở để hi vọng nhưng rất mơ hồ, phần nhiều họ chết rồi mà những điều họ mong muốn vẫn chưa đến. Hi vọng có khi không đến với bản thân nhân vật nhưng sẽ đến với xã hội khi nhân vật không còn. Lạc quan vào tương lai là niềm tin tưởng ở cuộc sống hiện tại. Thế nên, các nhân vật trong sáng tác của Nam Cao dù sống trong vòng luẫn quẩn, bần cùng bế tắc nhưng niềm tin của họ vào cuộc sống vẫn không tắt. Một Hộ nghèo khó, con nay ốm mai đau, nhà không có gạo để ăn, nợ nần chồng chất nhưng niềm say mê văn chương và ước mơ viết tác phẩm để đời vẫn không dứt. Hay một Điền nghèo đói lắm, cơm gạo có thể thiếu, còn lòng tin tưởng vào nghệ thuật sẽ không bao giờ cạn. Tinh thần lạc quan giúp cho nhân vật cầm cự với cuộc sống quá đói khổ bế tắc và thực tế cho thấy có những hi vọng thái quá, lí tưởng, phi thực tế. Tuy nhiên, người ta luôn tôn trọng niềm tin và hi vọng của con người dù họ ở bất cứ hoàn cảnh sống nào. Đó là khát vọng của tự do và lẽ sống của con người. Tiểu kết: Đi tìm nghệ thuật thể hiện sự tha hóa trong sáng tác của Nam Cao sẽ không dừng lại và tôi thiết nghĩ sẽ còn nhiều công trình nghiên cứu phát hiện thêm. Chương này chỉ tìm hiểu một vài yếu tố nghệ thuật về miêu tả, giọng điệu và ngôn ngữ. Với sự trình bày còn nhiều hạn chế này mong góp phần làm rõ thêm các giá trị nghệ thuật mà Nam Cao đã đem đến cho nền văn học dân tộc. Bên cạnh những nhà văn hiện thực xuất sắc như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… đã phản ánh những vấn đề lớn lao trong xã hội, những đấu tranh giai cấp thì Nam Cao đã tìm cho mình một hướng đi riêng trong việc tiếp cận và phản ánh hiện thực qua sự xung đột trong thế giới nội tâm nhân vật. Với những chuyện hằng ngày, riêng tư, nhỏ nhoi… mà đã khái quát lên những vấn đề lớn trong cuộc sống như triết lí sống, sự sống chết, cuộc đời đổi thay, con người tha hóa… Tư tưởng nhân đạo thấm nhuần trong các trang viết của Nam Cao, ông luôn đồng tình với khát vọng sống lương thiện và khát vọng được phát huy đến tận cùng tài năng của con người. Nên ngoài việc phê phán xã hội thực dân phong kiến hủy hoại cuộc sống con người, phê phán nhiều hình thức tha hóa của con người, đặc biệt đòi hỏi xã hội phải tạo điều kiện để con người được sống một cuộc sống thật sự ý nghĩa. KẾT LUẬN Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Số lượng tác phẩm của ông trước 1945 không đồ sộ như các nhà văn cùng thời, với một tiểu thuyết “Sống mòn” và bốn mươi mốt truyện ngắn, truyện vừa (Theo tuyển tập Nam Cao, NXB Văn học, 2005). Nhưng giá trị thì rất lớn lao, ngoài những cách tân về mặt nghệ thuật, ông còn đề ra nhiều quan điểm về cuộc sống, nhà văn, nghề văn. Đặc biệt, tác giả xoáy sâu vào nỗi đau về sự tha hóa của con người trong xã hội đương thời. Phần nhiều các nhà văn hiện thực tập trung khai thác nhiều những xung đột xã hội, mâu thuẩn giai cấp, phong tục tập quán. Nói chung, đó là đời sống bên ngoài của con người. Còn Nam Cao lại đi sâu vào đời sống bên trong, thế giới tâm hồn của con người để phản ánh những phương diện tha hóa của họ. Ngoài việc nêu ra những hiện tượng tha hóa, nguyên nhân và hệ quả của chúng như quy luật tất yếu của xã hội. Tác giả muốn đánh thức mọi người trước những băng hoại về tinh thần, những hệ lụy của những suy nghĩ và hành động tha hóa đem lại. Trong quá trình khắc họa hình ảnh con người bị tha hóa, Nam Cao đã sử dụng nhiều thủ pháp thể hiện như miêu tả, giọng điệu, ngôn ngữ. Từ đó, tác giả khái quát thành những triết lí, quy luật của cuộc sống. Âm hưởng của những trang Nam Cao làm nhức nhối lòng người bao thế hệ về các số phận bi thảm. Cuộc sống nghèo khó cơm áo, tù túng dẫn đến nhiều thân phận cùng cực, bế tắc, nhiều người phải chết. Cái chết cũng đa dạng: chết vì đói, chết no, chết nhục, chết vì danh dự… Cái chết nào cũng uất ức, thê thảm và đấu tranh tư tưởng gay gắt trước khi phải chết. Người chết đã rồi, người sống càng cùng quẩn hơn, sống mà như đang chết mòn về thân xác và tâm hồn. Nam Cao đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh cho con người bao thế hệ về một thời kì đen tối trong lịch sử dân tộc. Bước đầu tìm hiểu về “Sự tha hóa của con người trong sáng tác của Nam Cao trước 1945”. Người viết chỉ muốn khẳng định thêm một nét riêng về đặc trưng phong cách của Nam Cao trong số các nhà văn cùng khuynh hướng hiện thực phê phán. Những tìm hiểu trên chỉ dừng lại ở một chừng mực nhất định, hẳn còn nhiều hạn chế, rất mong nhận được sự góp ý của các bậc thầy (cô) cũng như những đồng nghiệp. Trong thời gian không xa, khi có điều kiện thuận lợi, bản thân sẽ tiếp tục tìm hiểu về “Sự tha hóa của con người trong văn học hiện thực phê phán trước 1945” mà Nam Cao đã đặt cột mốc đầu tiên để nghiên cứu. TƯ LIỆU THAM KHẢO 1. Lại Nguyên Ân, 1984, Văn học và phê bình. Nxb mới - Hội nhà văn Việt Nam 2. Lại Nguyên Ân, 1992, Nam Cao cuộc cách tân văn học thế kỉ 20, TCVH 1992, số 1, tr 40 3. Vũ Tuấn Anh, 2000, Nam Cao - con người và tác phẩm. Nxb Văn học Hà Nội 4. Vũ Tuấn Anh, 1992, Phong cách truyện ngắn Nam Cao, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 108, 115. 5. Đào Tấn Anh, 1992, Tesekhop và Nam Cao - một sáng tác hiện thực kiểu mới, TCVH 1992, số 1, tr 48 6. Lê Huy Bắc, 1998, Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại, TCVH 1998, số 9, tr 66. 7. Vũ Bằng, 1969, Nam Cao - Nhà văn không biết khóc, tạp chí văn học Sài Gòn, số 95, 1969 8. Lê Bảo, 1997, Giảng văn Việt Nam. Nxb Giáo dục 9. Chim Văn Bé, 1998, Luận án Thạc sĩ, Thi pháp nhân vật trong truyện ngắn trước 1945 của Nam Cao. 10. Hoàng Cao, 1997, Những mẫu chuyện xoay quanh các nhân vật trong "Đôi lứa xứng đôi", TCVH 1997, số 10. 11. Nguyễn Minh Châu, 1987, Nam Cao. Báo Văn nghệ 1987, số 29. 12. Phan Tú Châu, 1992, Đôi điều so sánh giữa Chí Phèo và AQ, TCVH 1992, số 1 tr 44. 13. Huệ Chi - Phong Lê, 1960, Đọc truyện ngắn Nam Cao soi lại những bước đi lên của nhà văn hiện thực. TCVN 1960, số 8. 14. Huệ Chi - Phong Lê, 1961, Con người và cuộc sống trong tác phẩm Nam Cao, TCVH 1961, số 1, tr 63. 15. Doãn Chính - Đinh Ngọc Thạch, 2008, Vấn đề Triết học trong tác phẩm của C. Mac - Ph. Anghen - V. Lenin. Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 16. Vũ Khắc Chương, 2000, Nghệ thuật kể chuyện trong truyện ngắn Nam Cao. Nxb Văn học Hà Nội 17. Phạm Vĩnh Cư, 1992, M.Bakhtin - Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Nxb Bộ văn hóa thông tin và thể thao, trường viết văn Nguyễn Du Hà Nội 18. Nguyễn Cừ, 2005, Tuyển tập Nam Cao, Nxb Văn học 19. Nguyễn Văn Dân, 1998, Lý luận văn học so sánh. Nxb Khoa học xã hội. 20. Đỗ Đức Dục, 1964, Tìm hiểu chủ nghĩa hiện thực phê phán, TCVH 1964, số 2 21. Trần Ngọc Dung, 1992, Luận án Phó Tiến sĩ, Ba phong cách truyện ngắn trong Văn học Việt Nam . thời kì đầu những năm 1930 - 1945: Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Nam Cao. Hà Nội 22. Trần Ngọc Dung, 1992, Gặp gỡ giữa M. Gorki và Nam Cao, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 211, 215. 23. Lê Tiến Dũng, 2000, Nam Cao một đời văn. Nxb Trẻ - Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp Hồ Chí Minh. 24. Đinh Trí Dũng, 1992, Bi kịch tự ý thức – nét độc đáo trong cảm hứng nhân đạo của Nam Cao, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 33, 39. 25. Phạm Huy Dũng, 1992, Bàn thêm về ý nghĩa thẩm mỹ của cái gọi là "Yếu tố tự nhiên chủ nghĩa" trong tác phẩm Nam Cao, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 97, 107. 26. Văn Giá, 1992, Nói thêm về nhân vật Thị Nở, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 153, 159. 27. Văn Giá, 1993, Gánh nặng mặc cảm trong đời sống và đời viết của Nam Cao. Tạp chí văn nghệ Nha Trang số 18, 1993 28. Lê Thị Đức Hạnh, 2000, Nguyễn Công Hoan về tác gia tác phẩm. Nxb Giáo dục. 29. Nguyễn Văn Hạnh, 1993, Nam Cao - Một đời người một đời văn. Nxb Giáo dục Hà Nội. 30. Nguyễn Văn Hạnh, 1965, Mối quan hệ giữa hiện tại thế giới quan đối với quá trình sáng tác văn học, TCVH 1965, số 3, tr 19. 31. Nguyễn Văn Hạnh, 1966, Tác dụng phức tạp của thế giới quan đối quá trình sáng tác,VH 1966, số 1, tr 37. 32. Nguyễn Văn Hạnh, 1966, Suy nghĩ về truyện ngắn, TCVH 1966, số 7, tr 13. 33. Nguyễn Văn Hạnh, 1971, Ý kiến của Lê Nin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống, TCVH 1971, số 4, tr 91. 34. Nguyễn Văn Hạnh, 1987, Nội dung về khái niệm của chủ nghĩa hiện thực trong văn học, TCVH 1987, số 1, tr 57. 35. Nguyễn Văn Hạnh, 1992, Nam Cao và khát vọng về cuộc sống lương thiện, xứng đáng, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 20, 28. 36. Lê Thị Đức Hạnh, 1993, Chất hài trong truyện ngắn Nam Cao. Tạp chí tác phẩm mới số 3, 1993 37. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, 2007, Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb Giáo dục. 38. Trần Văn Hiếu, 2006, Ba phong cách trào phúng trong Văn học Việt Nam thời kì 1930 - 1945 Nguyễn Công Hoan - Vũ Trọng Phụng - Nam Cao. Nxb Quốc gia Hà Nội 39. Đỗ Đức Hiểu, 1992, Hai không gian sống trong "Sống mòn", trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 187, 196. 40. Đinh Ngọc Hoa, 2001, Luân án Tiến sĩ, Những phương diện chủ yếu của thi pháp văn xuôi tự sự của Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. 41. Đỗ Kim Hồi, 1990, Chí Phèo của Nam Cao, TCVH 1990, số 3, tr 30 42. Trần Thị Hồng, 2006, Chuyện chưa biết về nhà văn Nam Cao. Nxb Công an Nhân dân. 43. Nguyên Hồng1960, Đọc những truyện ngắn của Nam Cao. Trích sách "Sức sống của ngòi bút" Nxb Văn nghệ, H. 1963. 44. Tô Hoài, 1956, Người và tác phẩm Nam Cao. Tạp chí Văn nghệ 1956, số 145. 45. Tô Hoài, 1954, Chúng ta mất Nam Cao. In trong báo văn nghệ số 61, 1954 46. Nguyễn Thái Hòa, 1992, Chất giọng Nam Cao trong Chí Phèo, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 164, 172. 47. Hoàng Thị Hương, 1996, Vẻ đẹp con người. Trích sách: "Tiếng nói tri âm" tập 2 Nxb trẻ TPHCM, 1996 48. Đặng Tấn Hướng, 2000, Nam Cao - Chí Phèo, Tủ sách tác phẩm dung trong nhà trường, Nxb Đồng Nai. 49. Phùng Ngọc kiếm, 1992, Những đổi mới trong thế giới nghệ thuật của Nam Cao sau 1945, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 46, 56 50. Lê Đình Kị, 1964, Nam Cao - con người và xã hội cũ. Báo Văn nghệ 1964, số 54 51. Kim Lân, 1997, Tôi là nhân vật của anh. In trong tuyển tập Kim Lân Nxb văn học, H., 1997 52. Phong Lê, 1997, Nam Cao phác thảo sự nghiệp và chân dung. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 53. Phong Lê, 1997, Nam Cao kết thúc vẻ vang phong trào Văn học hiện thực. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 54. Phong Lê, 1986, Người trí thức kiểu Nam Cao, chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực, TCVH 1986, số 6, tr 117. 55. Đoàn Lê, 1992, Người làm phim về Nam Cao, TCVH 1992, số 2, tr 35 56. Phong Lê, 1997, Đọc lại và lại đọc "Sống mòn". TCVH 1997, số 10. 57. Phong Lê, 1992, Lời bạt Nam Cao, năm 1991. TCVH 1992, số 1 58. Phong Lê, Cấu trúc ngôn ngữ truyện ngắn Nam Cao TCVNQĐ, số 10, Tr 117. 59. Phong Lê, 1987, Tình cảnh người nông dân và cái làng quê Việt Nam tiền Cách mạng trong sáng tác của Nam Cao. TCVH 1987, số 5, tr 84. 60. Phong Lê, 1992, Sự sống và sức sống trong Nam Cao, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 10, 19 61. Đoàn Lê, 1992, Làng Vũ Đại ngày ấy, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 256, 264. 62. Phong Lê, 1997, Nam Cao - Nhìn từ cuối thế kỉ. Trích sách "Văn học trên hành trình của thế kỉ XX". Nxb địa ốc quốc gia, H., 1997 63. Phong Lê, 1997, Đặc trưng bút pháp hiện thực Nam Cao. Trích sách: "Nam Cao - Phác thảo sự nghiệp và chân dung”. Nxb Khoa học xã hội, H.,1997 64. Phong Lê, Thanh Vân, 2000, Tô Hoài về tác gia tác phẩm. Nxb Giáo dục. 65. NicuLin, 1992, Tác phẩm Nam Cao ở Liên Xô, TCVH 1992, số 2 Tr 39. 66. Trần Tuấn Lộ, 1964, Qua truyện ngắn Chí Phèo bàn thêm về cái nhìn hiện thực của Nam Cao, TCVH 1964, số 4, tr 28. 67. Phương Lựu, 1997, Lý luận Văn học. Nxb Giáo dục. 68. Phạm Quang Long, 1994, Một số đặc điểm của thi pháp truyện Nam Cao, TCVH 1994, số 2, tr 20. 69. Đức Mậu, 1992, Các mối quan hệ xã hội trong làng Vũ Đại, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 159, 164. 70. Nguyễn Đăng Mạnh, 1991, Cái đói và miếng ăn trong truyện Nam Cao. Kiến thức ngày nay, Tp HCM, số 71, 1991. 71. Nguyễn Đăng Mạnh, 1997, Nhớ Nam Cao và những bài học của ông. Trích sách "Văn học trên hành trình của thế kỉ XX". Nxb địa ốc quốc gia, H., 1997 72. Nguyễn Đăng Mạnh, 1997, "Một đám cưới". Trích sách giảng văn Văn học Việt Nam. Nxb Giáo dục, H., 1997 73. Nguyễn Đăng Mạnh, 1979, “Nhà văn tư tưởng và phong cách”. Nxb Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam. 74. Đặng Anh Đào, 1991, Khả năng tái sinh của Chí Phèo. Báo Văn nghệ, số 51. 75. Phan Cư Đệ, 2000, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Nxb Giáo dục Hà Nội. 76. Quỳnh Nga, Có hay không yếu tố tự nhiên trong chủ nghĩa sáng tác của Nam Cao, TCVH 1991, số 3, tr 28. 77. Phương Ngân, 2000, Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc. Nxb Thông tin Hà Nội. 78. Nguyễn Lương Ngọc, 1991, Văn Nam Cao, báo Văn nghệ, 1991, số 51. 79. Phạm Thị Ngọc, 2000, Nam cao - Sống mòn tác phẩm và dư luận. Nxb Giáo dục. 80. Nguyễn Lương Ngọc, 1992, Thử sống trong Nam Cao, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 28, 33. 81. Lã Nguyên, Khả năng phản ánh đời sống của Nam Cao TCVNQĐ, số 10, Tr 121. 82. Phạm Xuân Nguyên, 1992, Nam Cao và sự lựa chọn một chủ nghĩa hiện thực mới, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 66, 78. 83. Phùng Quý Nhâm, 1998, Tinh thần phân tích tâm linh, một đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực, TCVH 1998, số 4 84. Phùng Quý Nhâm, Lâm Vinh, 1998, Tiếp cận Văn học. Nxb Trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh. 85. Phùng Quý Nhâm, Lâm Vinh, 1991, Thẩm định Văn học. Nxb Trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh. 86. Phong Nhã, 1997, Cùng với Nam Cao làm học trò trường Đảng, TCVH 1997, số 10. 87. Vương Trí Nhàn, 1992, Những biến hoá của chất nghịch dị trong truyện ngắn Nam Cao trước 1945, TCVH 1992, số 1. 88. Trương Thị Nhàn, 1992, Nhân vật "Hắn" với một nét đặc trưng trong ngôn ngữ nghệ thuật Nam Cao, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 138, 144. 89. Cao Đắc Điểm, Ngô Thanh Lịch, 2008, Ngô Tất Tố việc làng và các tập phóng sự. Nxb Văn hóa thông tin. 90. Nguyễn Tri Niên, 1992, Chí Phèo tỉnh, Chí Phèo không say, TCVH 1992, số 1, tr 35. 91. Hà Minh Đức, 2000, Lý luận văn học. Nxb Giáo dục 92. Hà Minh Đức, 1982, Nam Cao đôi nét nghệ thuật sáng tạo tâm lý, TCVH 1982, số 6, Tr 71, 78, 102. 93. Hà Minh Đức1992, Nam Cao phê phán và tự phê phán, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 39, 45. 94. Hà Minh Đức, 1999, Nam Cao toàn tập, Nxb Văn học Hà Nội. 95. Hà Minh Đức, 1997, "Đôi lứa xứng đôi" tập truyện sớm xác định phong cách độc đáo của Nam Cao. Báo văn nghệ số 18, 1997 96. Hà Minh Đức, 1997, Tầm quan trọng của hoàn cảnh trong tác phẩm của - Nam Cao. In trong Nam Cao đời văn và tác phẩm, NXB văn học, H., 1997 97. Thặng Ngọc Pho - Trần Quang Vinh, 1992, Làng Đại Hoàng và sáng tác của Nam Cao, trong"Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 242, 251. 98. Phan Diễm Phương, 1962, Ngôn ngữ người kể chuyện trong truyện ngắn Nam Cao, TCVH 1962, số 1, tr 35, 37. 99. Huỳnh Như Phương, 2007, Trường phái hình thức Nga. Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. 100. Pham Diễm Phương, 1992, Lối văn kể chuyện của Nam Cao, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 132, 138. 101. Vũ Đức Phúc, 1962, Bàn về thuyết tính người trong văn học, TCVH 1962, số 5, tr 1. 102. Phạm Văn Phúc, 1998, Cái "Tứ" trong những truyện ngắn xuất sắc của Nam Cao, TCVH 1998, số 4, tr 99. 103. Nguyễn Duy Quý1999, Giáo trình Triết học Mac _Lenin. Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội. 104. Vũ Dương Quỹ, 1955, Những nhân vật, những cuộc đời và nẻo đường đi tìm nhân cách. Trích sách: "Những nhân vật, những cuộc đời, tập 1, Nxb Giáo dục 1955. 105. Trần Thị Sen (Vợ Nam Cao), 1997, Những dòng kỉ niệm, TCVH 1997, số 10. 106. Chu Văn Sơn, 1996, Nghệ thuật văn xuôi của truyện ngắn Lão Hạc. Trích sách: "Tiếng nói tri âm" tập 2 Nxb trẻ TPHCM, 1996 107. Trần Đình Sử, 2008, Tự sự học - một số vấn đề Lý luận lịch sử. Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội. 108. Trần Đình Sử, 1998, Cấu trúc đối thoại trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, TCVH 1998, số 12, Tr 42. 109. Trần Đình Sử, 1997, Lý luận và phê bình Văn học. Nxb Giáo dục. 110. Vũ Thăng, 2001, Một vài đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nam Cao. Nxb Quân đội Nhân dân Hà Nội. 111. Sông Thai, 1969, Nam Cao, nhà văn hiện thực của cách mạng và kháng chiến. Tạp chí văn học Sài Gòn số 95 112. Tuấn Thành, Lan Hương, Anh Vũ- Nam Cao - Chí phèo: tác phẩm - dư luận. Nxb Văn học Hà Nội. 113. Phạm Phương Thảo, 2000, Luận án Thạc sĩ, Bút pháp xây dựng nhân vật trí thức trong truyện ngắn Nam Cao và Lỗ Tấn. Tp Hồ Chí Minh. 114. Nguyễn Đình Thi, 1952, Nam Cao, Trích sách "Mấy vấn đề văn học" NXB Văn nghệ, H. 1956 115. Nguyễn Ngọc Thiện, 2000, Vũ Trọng Phụng về tác gia, tác phẩm. Nxb Giáo dục. 116. Nguyễn Ngọc Thiện, 1997, Tuyển tập phê bình Văn học Việt Nam, tập 1, 2, 3, 4, 5. Nxb Văn học Tp. Hồ Chí Minh. 117. Nguyễn Ngọc Thiện, 1992, Bút pháp tự sự đặc sắc trong " Sống mòn", trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 177, 187. 118. Đỗ Ngọc Thống, 1991, Thêm một lời "Bào chữa" cho Nam Cao qua nhân vật thị Nở. In trong báo nhân dân chủ nhật, 6, 10, 1991 119. Hoàng Trung Thông, 1987, Một lần gặp Nam Cao. In trong báo người Hà Nội, 1987 120. Đỗ Đình Thọ, 1992, Thiên duyên của Nam Cao với làng Vũ Đại, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 251, 256. 121. Phan Trọng Thưởng, 1997, Tìm hiểu chữ "Nhưng" trong văn Nam Cao. TCVH 1997, số 10, tr 31. 122. Bích Thu, 1999, Nam Cao về tác gia, Tác phẩm. Nxb Giáo dục. 123. Bùi Công Thuấn, 1997, Phong cách truyện ngắn Nam Cao trước cách mạng. Tạp chí văn học số 2, 1997 124. Đỗ Lai Thúy, 1990, Thứ nhất sợ kẻ anh hùng (Đi tìm ẩn số nghệ thuật truyện "Chí Phèo"). In trong tạp chí ngôn ngữ số 4, 1990 125. Nguyễn Duy Từ, 2004, truyện ngắn của Nam cao từ lãng mạn đến hiện thực. Nxb Thuận Hóa. 126. Phan Văn Thông, 2004, Luận án Tiến sĩ, Phong cách nghệ thuật Nam Cao. Tp Hồ Chí Minh. 127. Nguyễn Huy Tưởng, 1987, Tưởng nhớ Nam Cao. In trong báo văn nghệ số 29, 1987 128. Lê Ngọc Trà, 1991, Lý luận và văn học. Nxb Trẻ 129. Hà Bình Trị, 1996, Nam Cao nghĩ về nghề văn. TCVN QD số 8, 1996. Tr 108 - tr 112. 130. Hà Bình Trị, 1996, Luận án Phó Tiến sĩ, Những vấn đề trong sáng tác của Nam Cao qua thực tiễn nghiên cứu về nhà văn. Hà Nội. 131. Hà Bình Trị, 1996, Chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ độc đáo của Nam Cao, sự ý thức về cá nhân, TCVH 1996, số 9, tr 45. 132. Hà Bình Trị, 1997, Truyện ngắn nưã đêm của Nam Cao hiện thực chủ nghĩa hay tự nhiên chủ nghĩa, TCVH 1997, số 4, tr 59 133. Hà Bình Trị, 1996, Một tác phẩm đặc sắc của Nam Cao chưa được chú ý "Truyện người hàng xóm". - Trích từ những vấn đề sáng tác của Nam Cao qua thực tiễn nghiên cứu về nhà văn: Luận án PTS khoa học Ngữ văn 1996 134. Hà Bình Trị, 1997, Bàn thêm về Chí Phèo, Thị Nỡ, TCVH 1997, số 10, tr 51.- 135. Lê Văn Trương, 1941, Tựa Đôi lứa xứng đôi. Trích sách đôi lứa xứng đôi. NXB Đời mới, H., 1941 136. Trần Thị Việt Trung, 1992, Về các nhân vật dị dạng trong sáng tác của Nam Cao, trong "Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 192, 97. 137. Nguyễn Văn Trung, 1969, Con người bị từ chối làm người trong truyện "Chí Phèo" của Nam Cao. Tạp chí văn học Sài Gòn số 95, 1969 138. Nguyễn Quang Trung, 1988, Tính chất lưỡng hóa trong nhân vật Chí Phèo. Tập san phổ thông trung học - khoa học xã hội số 1, 1988 139. Trần Thị Thanh Trúc, 2004, Luận án Thạc sĩ: Số phận tinh thần của con người trong sáng tác Nam Cao. Tp Hồ Chí Minh. 140. Chu Văn, 1992, Chỉ một lần gặp Nam Cao, trong " Nghĩ tiếp về Nam Cao", Nxb Hội nhà văn Hà Nội 1992, Tr 235, 241. 141. Chu Văn, 1991, Chỉ một lần gặp Nam Cao. In trong văn nghệ Hà Nam Ninh số 4, 1991 142. Lâm Vinh, 1998, Quy luật chủ thể hóa nghệ thuật. TCVH 1998, số 4 143. Nguyễn Thị Thanh Xuân, 1996, Bi kịch của Lão Hạc. Trích sách: " Tiếng nói tri âm" tập 2 Nxb trẻ TPHCM, 1996 144. Trần Đăng Xuyền, 1991, Thời gian, không gian trong thế giới nghệ thuật Nam Cao. TCVH 1991, số 5. 145. Trần Đăng Xuyền, 1991, Nam Cao và những vấn đề của cuộc sống hôm nay, Văn nghệ1991, số 51. 146. Trần Đăng Xuyền, 1998, Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. TCVH 1998, số 6, tr 63 147. Trần Đang Xuyền, 1998, Nam Cao qua những công trình một nhà nghiên cứu, TCVH 1998, số 9, tr 61 148. Trần Đang Xuyền, 1991, Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao TCVNQĐ 1991, số 10, Tr 94 149. Mai Thị Hảo Yến, 2001, Luận án Tiến sĩ, Hội thoại trong truyện ngắn Nam Cao. Hà Nội. 150. M.M. Ðoçíịặÿ, 1986, Từ điển Triết học. Nxb Tiến bộ Mát - XCơ –Va 151. Nguyễn Như Ý, 1998, Đại từ điển Tiếng Việt. Nxb Văn hóa thông tin

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHLLVH014.pdf
Tài liệu liên quan