Luận văn Tác động của tín dụng qui mô nhỏ đối với kinh tế hộ trên địa bàn thành phố Huế

PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài Trong những năm gần đây, tín dụng qui mô nhỏ đã có tác dụng lớn trong việc đem lại mức thu nhập cao hơn, xoá đói giảm nghèo, giải quyết những vấn đề mang tính xã hội đối với bộ phận dân nghèo, thiếu vốn. Chương trình tín dụng qui mô nhỏ được bắt đầu từ Bang-la-đét năm 1976 và được kéo dài cho đến nay, hàng năm giúp 120.000 người thoát nghèo.[1],[32] Tín dụng qui mô nhỏ đã được các thể chế tài chính lớn của thế giới xem xét đưa vào chương trình thương mại và coi như là một phương cách để giúp một bộ phận lớn dân cư trên thế giới thoát nghèo và được nhấn mạnh trong chương trình " Thiên niên kỷ " của các quốc gia.[34] Ở Việt Nam chương trình tín dụng qui mô nhỏ đã được áp dụng hàng chục năm trở lại đây đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Nhiều hộ dân đã được vay vốn của chương trình và đã thoát khỏi đói nghèo, tự chủ sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cùng với nhiều lợi ích khác.[54],[63],[64] Hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu đầy đủ nào về kết quả cụ thể do chương trình tín dụng qui mô nhỏ đem lại. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân chính là đặc điểm dân cư của mỗi nước, mỗi vùng khác nhau và việc áp dụng mô hình có sẵn cho từng địa phương không phải khi nào cũng mang lại hiệu quả mong muốn. 2. Tên đề tài Để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề mang tính lý luận và thực tiển của chương trình tín dụng qui mô nhỏ, tác giả chọn tên đề tài nghiên cứu là: "Tác động của tín dụng qui mô nhỏ đối với kinh tế hộ trên địa bàn thành phố Huế". 3. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài - Xác định các sản phẩm của chương trình tín dụng qui mô nhỏ ở địa phương. - Xác định những nhân tố tác động đến sự thành công của chương trình tín dụng vi mô. - Đánh giá hiệu quả của vốn vay đối với từng loại ngành nghề sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của các hộ vay. - Đánh giá vai trò của chính quyền đối với sự thành công của chương trình. Trên cơ sở đó để đánh giá khái quát tác động của việc sử dụng vốn vay trong các chương trình tín dụng qui mô nhỏ của các hộ gia đình ở địa phương và đề ra những định hướng và giải pháp cải thiện chương trình này trong tương lai. Cuối cùng, nghiên cứu này sẽ chỉ ra những điểm tương đồng và khác khác biệt của chương trình tín dụng qui mô nhỏ thực hiện ở thành phố Huế với các chương trình đã được thực hiện ở những địa phương khác. Khái quát hoá những vấn đề mang tính lý luận và thực tiển về việc triển khai chương trình tín dụng vi mô ở Việt Nam. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Phạm vi về nội dung + Đối tượng nghiên cứu là các hộ vay vốn của chương trình tín dụng qui mô nhỏ trên địa bàn thành phố. Các đối tượng này không nhất thiết phải là nông dân mà có thể là thị dân, không chỉ sống ở vùng nông thôn mà có thể ở nội thành. + Nội dung là tìm hiểu cách thức cho vay tín dụng, các tiêu chí có thể đánh giá hiệu quả của chương trình vay, những kết quả và hạn chế của chương trình cho vay, sự khác biệt của các chương trình tín dụng vi mô thực hiện trên địa bàn thành phố. 4.2. Phạm vi về không gian + Địa bàn nghiên cứu là một số địa phương trên địa bàn thành phố, cả nội thành lẫn ngoại thành. Tuy nhiên, chương trình tín dụng với qui mô vốn cho vay thấp, giành cho những hộ sản xuất kinh doanh nhỏ mang tính nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), kinh doanh phi nông nghiệp và làm các nghề khác nên đề tài tập trung nghiên cứu ở các xã như: Hương Long, Hương Sơ, Thuỷ An,Thuỷ Biều, và các phường như: Trường An, Phú Bình, Phú Hậu, Phường Đúc, An Cựu, Vỹ Dạ, Tây Lộc.(Xem thêm phụ lục C) + Tài liệu sử dụng cho đề tài này là tài liệu thứ cấp lấy từ các niên giám thống kê địa phương, các báo cáo của chính quyền địa phương, thông tin của các báo, tạp chí và đặc biệt là sử dụng số liệu tự điều tra ở các địa phương nêu trên qua phiếu trả lời câu hỏi được đính kèm ở phần phụ lục B. Ngoài ra còn có sử dụng tài liệu của các tạp chí, sách báo nước ngoài, tài liệu các trang web site chuyên ngành. 4.3. Phạm vi về thời gian Số liệu và các nội dung điều tra được lấy để phân tích đánh giá trong đề tài được tính từ năm 2003 đến 2005. Định hướng giải pháp được đề xuất đến năm 2015, theo chương trình của thế giới về thiên niên kỷ mới giành cho xoá đói giảm nghèo, mà mục đích của chương trình là đến năm 2015 sẽ giảm 1/2 số người nghèo so với hiện nay. 5. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu: - Phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để xem xét các vấn đề đặt ra một cách khách quan và khoa học. - Luận văn cũng sử dụng các phương pháp điều tra tổng hợp và phân tích số liệu thống kê; phương pháp chuyên gia, phương pháp phân tổ thống kê, phân tích hồi quy logistic (sử dụng hàm phân tích phân lập, hồi quy tương quan) để phân tích thực trạng và đề ra các giải pháp cho hoạt động tín dụng qui mô nhỏ tại địa phương. 6. Kết cấu của đề tài Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm: Chương 1: Cơ sở khoa học của vấn đề nghiên cứu Chương 2: Địa bàn nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu Chương 3: Kết quả nghiên cứu và khảo luận. Chương 4: Định hướng và các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn hiện dịch vụ tín dụng qui mô nhỏ góp phần thúc đẩy kinh tế các hộ gia đình vay vốn phát triển.

doc117 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1774 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tác động của tín dụng qui mô nhỏ đối với kinh tế hộ trên địa bàn thành phố Huế, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ơng, đoàn thể hay nhóm vay. Tuy nhiên theo kết quả của những câu trả lời thì 98% số người trả lời rằng những người vay tiền là đúng đối tượng. Theo chúng tôi đây là một kết quả hợp lý tất yếu, do việc lựa chọn người được vay được tiến hành qua những bước khá chặt chẽ và được giám sát bởi nhiều đoàn thể và chính quyền địa phương. Cho nên có thể kết luận về độ tin cậy của số liệu thống kê nêu trên. Quá trình nghiên cứu, chúng tôi cho rằng chương trình TDQMN như một hình thức mang ngân hàng tới người dân để phục vụ họ, không bắt người dân phải tới ngân hàng (như cách nói của ông Yunus người thành lập Ngân hàng Grameen)[60]. Đây là một bước tiến mới của tiến trình cải thiện chất lượng dịch vụ tín dụng nhỏ, đáp ứng được mong muốn và nguyện vọng của người dân. Đó là một sự biếu hiện của quá trình dân chủ hoá xây dựng một thể chế "do dân, vì dân". Vì suy cho cùng, mọi hoạt động liên quan đến lợi ích của được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam, đều được sự đồng ý và chỉ đạo tập trung của Đảng Cộng Sản Việt Nam và các tổ chức chi bộ đảng các cấp. Khi điều tra chúng tôi đã có những câu hỏi về nguyện vọng của người dân muốn gửi tới nhà nước thì thu được những kết quả như sau: Bảng 3.25. Nguyện vọng của người dân đối với hỗ trợ của nhà nước Mong muốn Hỗ trợ CT xây dựng HTCS Hỗ trợ CSSK Hỗ trợ NVL NN giá rẻ Xây dựng chợ gần khu vực sinh sống % 53,50 55,50 55,00 58,00 Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra của tác giả Có 58% số người có nguyện vọng được nhà nước qui hoạch xây dựng chợ gần khu vực sinh sống. Qua đây chúng ta biết rằng nhu cầu buôn bán trao đổi hàng hoá của người dân là rất cao và họ mong muốn có nhiều địa điểm như vậy gần khu vực họ sinh sống để thuận lợi cho việc giao thương, tiết kiệm thời gian đi lại. Đây cũng là một mong muốn lợp lý trong hoàn cảnh phát triển kinh tế của thành phố Huế ngày nay. Mong muốn được nhà nước hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cũng được 55,5% số người được hỏi đề cập đến. Như chúng ta biết, do môi trường sống thay đổi, chất lượng thức ăn - thực phẩm có tính an toàn giảm đi, nhịp sống của con người ngày càng nhanh hơn...do vậy bệnh tật ngày càng phát triển. Chi phí cho thuốc thang chữa bệnh, khi một người trong gia đình bị mắc bệnh nhiều khi làm cho kinh tế gia đình bị kiệt quệ. Nhiều nông dân phải bán trâu bò, vật dụng gia đình để chữa bệnh cho người thân. Bệnh tật là điều không ai muốn nó giống như một sự rủi ro gây hậu quả cao, trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, nhà nước ta đã bỏ những khoản bao cấp trong y tế và giáo dục. Việc xây dựng chính sách giúp đỡ hỗ trợ người dân - đặc biệt là đối với những đối tượng dễ đổ vỡ về kinh tế là điều nhà nước nên quan tâm. Có như vậy sự nghiệp xoá đói giảm nghèo của nhà nước ta mới đạt được những kết quả bền vững. 3.5. Một số vấn đề cần cải tiến trong việc thực hiện chính sách tín dụng qui mô nhỏ tại thành phố Huế Qua khảo sát thực tế và phỏng vấn điều tra hộ vay vốn TDQMN trên địa bàn thành phố Huế cho thấy hoạt động tín dụng tại địa bàn nghiên cứu có một số hạn chế nhất định như sau: Đối tượng vay vốn Tín dụng ngân hàng và của các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, nhiều giải pháp tín dụng còn mờ nhạt, kém hiệu quả. Đối với các nguồn vốn cho vay từ nguồn tự có, nguồn tự huy động thì các TCTDQMN đều không phân biệt chính sách đối với các đối tượng vay vốn. Điều kiện cơ bản để các TCTD có thể quyết định cho vay thường theo quy dịnh cụ thể của từng tổ chức tín dụng. Tuy nhiên việc xác định đúng đối tượng là một vấn đề khá khó khăn và đôi khi còn bất cập. Một số đối tượng thực nghèo (thường là dân vạn đò, dân sống trên các khu di tích hoàng thành, một số bị rơi vào hoàn cảnh nghèo do bị thiên tai, đau ốm...). Vì vậy, vấn đề đặt ra là tuỳ theo mục tiêu và cơ chế cho vay của nguồn vốn và từng dự án mà lựa chọn đối tượng vay cho phù hợp. Lựa chọn đối tượng cho vay trong chính sách vay vốn cần xét đến các điều kiện chủ quan và khách quan tác động đến quyết định của người vay, khả năng hoàn trả vốn vay và đặc biệt cần có các giải pháp trợ giúp các đối tượng vay có khả năng tiếp cận được nguồn vốn vay. Lãi suất cho vay Đánh giá chung về lãi suất thì phần lớn các hộ vay vốn còn cho rằng lãi suất của Ngân hàng và các tổ chức tín dụng là khá hợp lý, tuy nhiên đối với khu vực điều tra là vùng ven (xã) thuộc thành phố Huế thì nhiều người cho rằng lãi suất vẫn còn khá cao đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp là ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp và nhiều rủi ro, người vay khó có khả năng trả lãi. Nếu áp dụng khung lãi suất thị trường đối với lĩnh vực SXNN sẽ là không hợp lý. Tuy vậy tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thường có chi phí cao do món vay nhỏ, phân tán và rủi ro lớn (rủi ro thị trường, thiên tai, dịch bệnh, khoảng cách di chuyển của cán bộ tín dụng dài...) Vì vậy, về nguyên tắc lãi suất tín dụng nông thôn thường cao hơn đô thị, trong khi thu nhập của nông dân thường thấp và dể bị tổn thương, cần phải có chính sách như thế nào để hỗ trợ cho nông dân và đảm bảo cho hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả trong môi trường kinh doanh đặc thù như vậy. Vì vậy để hỗ trợ cho nông dân, Nhà nước nên hạ lãi suất vay và giữ mức lãi suất cho sản xuất nông nghiệp trong khoảng 60% đến 70% lãi suất của thị trường. Kỳ hạn cho vay Đa số người được phỏng vấn đều mong muốn được kéo dài kỳ hạn trả nợ. Vì đặc trưng trả nợ của CTTDQMN là trả góp hàng tháng. Do đặc thù của tín dụng nông nghiệp cần có thời gian dài trong khi thời hạn vốn huy động thường rất ngắn, hoặc là kinh doanh phi nông nghiệp thường có những khoản thu không lớn nên việc trả nợ trong thời hạn ngắn sẽ gây khó khăn cho người vay. Phần lớn các Ngân hàng thương mại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thiếu vốn trung dài hạn. Các tổ chức TDQMN thì tuân thủ mục tiêu đặt ra từ ban đầu là vay theo dạng trả góp, thời hạn trả nợ thường dưới 24 tháng. Hiện nay, các hộ sau quá trình vay vốn CTTDQMN vài năm thường có nhu cầu vay vốn dài hạn (với số vốn tăng lên) nhưng không đủ nguồn để cung ứng. Đây là một bất cập cần được các Ngân hàng và các TCTDQMN quan tâm giải quyết . Phương thức cho vay và hình thức thu hồi vốn vay Vấn đề đơn giản hoá thủ tục vay vốn đối với hộ vay vốn và giải quyết tình trạng quá tải khối lượng công việc của cán bộ tín dụng hoạt động trên địa bàn thành phố được dư luận xã hội quan tâm trong nhiều năm qua, các tổ chức tín dụng đã cố gắng tìm nhiều giải pháp nhưng kết quả thu được còn nhiều hạn chế. Thực tế tại địa phương các TCTDQMN khác nhau áp dụng hình thức cho vay và thu hồi vốn vay khác nhau. Thủ tục, thể lệ cho vay Qua tìm hiểu cơ chế hoạt động một số TCTDQMN trên địa bàn thấy hiện nay việc thực hiện thủ tục vay vốn ở một số các TCTDQMN cho vay theo chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Trong khu vực nông nghiệp nông thôn việc thực hiện các điều kiện đảm bảo tiền vay là hết sức khó khăn. Đây là môi trường kinh doanh rủi ro lớn, trình độ dân trí thấp, kinh nghiệm quản lý yếu kém, giá trị tài sản đảm bảo rất nhỏ và cơ sở pháp lý không rõ ràng. Nhà nước ta đã có những qui định để làm đơn giãn hoá thủ tục cho vay vốn tín dụng kể cả tín dụng qui mô nhỏ, tuy nhiên trên thực tế người vay còn bị ràng buộc nhiều thủ tục theo qui định của ngân hàng và TCTDQMN cho vay. Theo chúng tôi các ngân hàng và TCTDQMN cần phải nghiên cứu để đơn giãn hoá thêm nữa thủ tục cho vay, giảm bớt phiền phức và thời gian đi lại hoàn thành thủ tục vay của người dân. Việc thực thực hiện chính sách cho vay kết hợp với một số giải pháp trợ giúp kỹ thuật Chính sách này thực sự là một sự tiến bộ đã được áp dụng thử nghiệm thành công ở một số địa phương tại thành phố Huế trong khuôn khổ một số dự án của các Tổ chức phi chính phủ. Thành phố Huế là địa phương có nhiều dự án phát triển của các tổ chức phi chính phủ về xoá đói giảm nghèo như Tầm nhìn Thế Giới (World Vision), Tổ Chức Plan (Plan International), SNV (Phát triển Hà Lan), JASS (Nhật), BAJ (Nhật), NAV (Bắc Âu).... Các dự án này tổ chức các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật khá qui mô. Hàng trăm lớp tập huấn về kỹ thuật khuyến nông, tạo việc làm, xoá mù chữ được tổ chức và thu hút hàng ngàn người tham gia. Hiệu quả về hỗ trợ kỹ thuật đã được khẳng định nhưng vấn đề hiện nay được đặt ra là các Dự án phi chính phủ đang bị thu hẹp dần trong khi các TCTDQMN chưa sẵn sàng để tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho người vay. Do vậy, trước mắt các TCTD phải nên có sự phối hợp và lồng ghép với các cơ quan chuyên ngành, các chương trình xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao năng lực và bình đẳng về giới... để trợ giúp kỹ thuật cho người vay vốn TDQMN nhằm tăng hiệu quả sản xuất và đảm bảo an toàn về khả năng thu hồi vốn. Trong dài hạn, các TCTDQMN nên có chiến lược cụ thể để thực hiện chính sách này. CHƯƠNG 4 ĐỊNH HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM HOÀN HIỆN DỊCH VỤ TÍN DỤNG QUI MỐ NHỎ GÓP PHẦN THÚC ĐẨY KINH TẾ CÁC HỘ GIA ĐÌNH VAY VỐN PHÁT TRIỂN 4.1. Định hướng 4.1.1. Quan điểm mở rộng chương trình tín dụng qui mô nhỏ Quan điểm mở rộng phát triển chương trình TDQMN về nguyên tắc phải bám sát quan điểm phát triển kinh tế xã hội 2006-2015 và kế hoạch 5 năm 2006-2010 của thành phố. Các chính sách TDQMN có tác dụng rất mạnh mẽ đến kinh tế và đời sống của các hộ gia đình hiện tại đang có mức thu nhập trung bình. Với thực trạng về chính sách tín dụng hiện hành; cơ chể tổ chức và hoạt động tín dụng trên địa bàn hiện nay mặc dù đã và đang có những đóng góp tích cực cho địa phương theo hướng xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đô thị nhưng việc tổ chức các hoạt động tín dụng, chính sách tín dụng qui mô nhỏ vẫn còn một số điều bất cập cần nghiên cứu và chỉnh lý. Hoạt động TDQMN trên địa bàn thành phố Huế đã phát triển mạnh mẽ trong 10 năm qua, nằm trong chính sách ưu tiên của thành phố trong chương trình phát triển kinh tế chung của toàn thành phố do sản xuất và kinh doanh cũng như nhu cầu về đồng vốn của các hộ gia đình ngày càng tăng cao theo tốc độ phát triển kinh tế, do vậy việc cải tiến và hoàn thiện dịch vụ cho vay của các CTTDQMN có vai trò rất quan trọng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của thành phố. Điều này đòi hỏi các cơ chế chính sách về vay vốn TDQMN phải từng bước được điều chỉnh, hệ thống tín dụng cần được cải tiến và tự hoàn thiện để có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình và hướng tới là các hộ gia đình có thu nhập trên trung bình, và toàn bộ khách hàng có nhu cầu vay vốn. Trong tương lai hoạt động TDQMN và các chính sách tín dụng cần phải hướng tới khả năng đáp ứng tối đa các nhu cầu về vốn bằng việc đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, các loại sản sản phẩm tín dụng, tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát huy hết năng lực sản xuất của mình, kích thích đầu tư, tăng cường tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hiện có của hộ gia đình. Các tổ chức tín dụng và các NGOs hoạt động liên quan đến tín dụng trên địa bàn thành phố cần phải hướng đến mục tiêu tự hoàn thiện mình về cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực, bổ sung nguồn vốn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn của các hộ gia đình cần vay vốn của CTTDQMN trên địa bàn thành phố. 4.1.2. Mục tiêu Với những cơ sở lý luận và thực tiễn đã được phân tích qua quá trình nghiên cứu về tác động của tín dụng QMN đối với kinh tế hộ gia đình trên địa bàn thành phố Huế, chúng tôi thấy rằng hoạt động tín dụng nói chung và chính sách tín dụng nói riêng cần xác định những mục tiêu và giải pháp của mình theo các định hướng cơ bản sau đây: Thứ nhất, tiếp tục khai thác tối đa các nguồn vốn để mở rộng các chương trình cho vay, đối tượng cho vay và mở rộng các loại hình sản phẩm tín dụng. Thông qua việc thực hiện các giải pháp tín dụng để đạt được những mục tiêu cụ thể về tăng doanh số huy động vốn, tăng doanh số cho vay, dư nợ vay, các loại hình vay... Thứ hai, theo xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế thì các tổ chức hoạt động trên lĩnh vực tín dụng qui mô nhỏ cần giải quyết được các vấn đề mâu thuẫn giữa hai kiểu hoạt động là hoạt động tín dụng phục vụ cho mục tiêu chính sách xoá đói giảm nghèo và hoạt động tín dụng phục vụ cho mục tiêu kinh doanh tiền tệ theo cơ chế thị trường. Hoạt động TDQMN thuộc dạng chính sách có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách được ưu tiên. Hoạt động tín dụng theo cơ chế thị trường sẽ đảm bảo một thị trường vốn rộng rãi và cạnh tranh bởi các tổ chức TDQMN khác nhau, tăng nhu cầu vốn cho xã hội và bảo đảm được tính có lãi của hoạt động tín dụng. Thứ ba, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách và kiện toàn các tổ chức tín dụng QMN với định hướng kinh doanh theo cơ chế thị trường nhằm nâng cao năng lực thực sự cho các tổ chức tín dụng và đồng thời tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và tăng tốc độ giải ngân hấp thụ một cách có hiệu quả nhất. 4.2. Các giải pháp cụ thể để mở rộng hoạt động tín dụng QMN nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hộ gia đình trên địa bàn thành phố 4.2.1. Nhóm giải pháp về chính sách tín dụng ưu đãi 4.2.1.1. Ngân hàng và các tổ chức TDQMN phải xây dựng chiến lược, chương trình tín dụng ưu đãi Ngân hàng và các tổ chức TDQMN cần phải xây dựng chiến lược này trên cơ sở chiến lược tín dụng của riêng mình, hoạch định kế hoạch tín dụng cụ thể cho loại hình TDQMN theo từng thời kỳ từ đó xây dựng nguồn lực để đáp ứng theo nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình trong phạm vi thành phố. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng có thể tham gia đấu thầu để được làm uỷ thác giải ngân các nguồn vố ưu đãi của nhà nước trên địa bàn thành phố. Nhà nước cũng cần có những chính sách ưu đãi riêng cho các ngân hàng và các TCTDQMN có hoạt động cho các hộ gia đình vay để cải thiện đời sống hộ gia đình. Những chính sách tín dụng ưu đãi thể hiện: Về đối tượng vay, việc cho vay theo tín chấp nên được mở rộng cho các đối tượng là các hộ cực nghèo, vì đối tượng này tài sản thế chấp không có giá trị cao, lại không được UBND Phường Xã bảo lãnh để cho vay do chưa hoàn thành các nghĩa vụ với địa phương như nghĩa vụ tài chính, công ích, an ninh quốc phòng... Các hộ gia đình có tiềm lực kinh tế nhưng cần vốn khẩn cấp trong một thời gian ngắn cũng cần lưu ý để cho vay. Vì đối với các hộ này khi vay được vốn họ thường mở rộng khả năng thu lợi một cách chắc chắn, khả năng thu lãi nhanh và cao hơn các hộ nghèo có thể giúp chương trình có thêm lãi để bù đắp vào những trường hợp rủi ro không thể thu hồi được vốn và lãi. Về lãi suất ưu đãi nên được thực hiện theo từng loại đối tượng vay. Lãi suất là giá cả mua bán vốn trên thị trường. Do có tính nhạy cảm cao nên lãi suất ảnh hưởng đến qui mô và tốc độ giao dịch tín dụng. Trong quá trình phát triển kinh tế và phân hoá giàu nghèo xảy ra mạnh mẽ như hiện nay thì việc các TCTDQMN áp dụng lãi suất thị trường thường gây áp lực cho việc trả lãi và vốn gốc của các hộ gia đình có thu nhập trung bình, chứ chưa nói đến các hộ nghèo. Do vậy cần phải có áp dụng khung lãi suất hạ để tăng cường số người vay được vốn của chương trình này. Về mức thuế, hiện nay các TCTDQMN đang phải chịu mức thuế Giá trị gia tăng như các tổ chức tín dụng khác, đã làm làm hạn chế khả năng tài chính, không khuyến khích các tổ chức TDQMN mở rộng hoạt động tín dụng dạng này, và thực chất là chi phí tín dụng (cho chương trình hoạt động có hiệu quả là khá cao) vì số người vay nhiều và thường là các khoản vay nhỏ. Về thủ tục cho vay, cần đơn giản hoá hơn nữa các thủ tục vay vốn, phương thức giải ngân, cho vay. Để đơn giản hoá tối đa thủ tục cho vay vốn đối với các hộ gia đình nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tính pháp lý về quan hệ dân sự ràng buộc trách nhiệm của người đi vay đối với người cho vay, ngân hàng và các TCTDQMN nên thực thiện như sau: Sử dụng sổ vay vốn sử dụng nhiều lần, có giá trị như một hợp đồng tín dụng có hiệu lực thường xuyên trong nhiều năm. Người giữ sổ này có thể được Ngân hàng và các tổ chức tín dụng miễn các bước thẩm định khi có nhu cầu vay vốn mới. Khi muốn vay, chủ hộ chỉ cần nộp đơn xin vay được cộng tác viên tín dụng xác nhận tình hình kinh tế hộ bình thường (chứ không cần UBND Phường, Xã xác nhận), vì trong quan hệ dân sự cộng tác viên tín dụng có thể tham gia giải quyết tranh chấp tại toà với tư cách là người làm chứng. Bên cho vay nên lập một phiếu giải ngân kiêm giấy nhận nợ và kiêm phiếu chi hoặc phiếu chuyển khoản trên đó có đầy đủ chữ ký của các bên liên quan. Cơ chế cho vay, việc bảo đảm tiền vay, hồ sơ thủ tục vay vốn của TCTDQMN cần thường xuyên điều chỉnh và cải tiến cho phù hợp với điều kiện thực tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình cho vay. Việc tìm những giải pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo tăng doanh số vay vừa bảo đảm an toàn cho vốn vay là rất cần thiết. Tranh thủ sự hợp tác và quan tâm chỉ đạo của chính quyền phường xã nơi cho vay vốn và kết hợp với các ngành để để đa dạng hoá các hình thức cho vay (trực tiếp, thông qua các tổ chức đoàn thể, thông qua tổ nhóm vay, thông qua cộng tác viên tín dụng của chính quyền địa phương). Qua khảo sát và đánh giá chúng tôi thấy rằng việc thông qua các cộng tác viên tín dụng của địa phương kết hợp với việc hình thành các nhóm vay mang lại hiệu quả rất khả quan: các thành viên trong nhóm nâng cao được ý thức trách nhiệm, giám sát giúp đỡ lẫn nhau, góp ý xây dựng cho những nhóm viên thực hiện không đúng các cam kết vay vốn. Hình thức cho vay theo nhóm cho phép giảm thiểu lực lượng cán bộ tín dụng trong việc thực hiện chức năng đôn đốc khách hàng sử dụng vốn vay trả nợ và trả lãi vay đúng hạn. Thực hiện kéo dài thời hạn tham gia vay bằng cách tạo nhiều vòng vay với những khoản tiền tăng dần qua mỗi vòng vay mới. Làm điều này sẽ thu hút và giữ chân người vay, làm cho họ không có ý định từ bỏ chương trình này để sang chương trình khác. Vì nguyên tắc cho vay của TDQMN là bắt đầu với những khoản vay nhỏ sau đó tăng dần lên. Ưu điểm của việc này là cán bộ tín dụng sẽ biết rõ khách hàng của mình hơn do vậy các thủ tục, thẩm định, thu tiền...sẽ được rút gọn làm giảm thời gian cũng như chi phí cho vay. Về việc cho vay kết hợp với hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn vay vốn: thực hiện chính sách này phải lưu ý rằng làm sao việc hỗ trợ - tập huấn kỹ thuật phải thực sự mang lại hiệu quả chứ không phải làm qua loa chiếu lệ cho có. Cần thực hiện chính sách này thông qua sự phối hợp giữa các tổ chức tín dụng với các ngành chức năng, các chương trình dự án được tài trợ. Mục đích là tăng hiệu quả sử dụng vốn vay, tăng khả năng thu hồi vốn 4.2.2. Nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực cho các tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực TDQMN Mục tiêu của nhóm giải pháp này là nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ năng lực tổ chức hoạt động tín dụng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu giao dịch vốn với qui mô và tốc độ ngày càng cao. Thứ nhất, tăng cường đầu tư phương tiện, thiết bị và công nghệ ngân hàng, đặc biệt công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng và tổ chức các hoạt động tín dụng. Việc đầu tư công nghệ ngân hàng cho phép mở rộng giao dịch tín dụng và cắt giảm biên chế hành chính tín dụng để đầu tư cho cán bộ chuyên trách của từng tổ chức tại các địa bàn cho vay vốn. Thứ hai, thực hiện chính sách bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ, phẩm chất nghề nghiệp cho cán bộ tín dụng, đặc biệt là cán bộ trực tiếp giao dịch với người vay vốn, tạo ra sự mối quan hệ mật thiết, thông hiểu lẫn nhau giữa người vay và cho vay, giúp người vay vốn đủ tự tin để tham gia các hoạt động tín dụng. 4.2.3. Các giải pháp mở rộng TDQMN trên địa bàn thành phố 4.2.3.1. Tăng khối lượng đầu tư tín dụng QMN Các ngân hàng thường đầu tư cho vay những khoản tiền lớn đi kèm theo thế chấp và lãi suất cao mà chưa chú trọng tới TDQMN cũng đang được các thiết chế tài chính lớn quan tâm. Vì đây cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng mang lại lợi nhuận trong kinh doanh tín dụng. Do vậy các ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng cần tăng cường mở rộng các chi nhánh tại các khu vực ven thành phố tăng khối lượng đầu tư tín dụng cho vay với quy mô nhỏ. 4.2.3.2. Kéo dài thời gian cho vay Việc kéo dài thời gian cho vay là một trong những mối quan tâm mà người vay phần đông đã trả lời. Nói chung các hộ vay vốn tín dụng qui mô nhỏ đều có thu nhập trung bình. Việc kéo dài thời gian cho vay có nghĩa là số tiền trả cho mỗi lần trả góp giảm đi phù hợp với năng lực kinh tế của người vay, tránh sự đổ vỡ về tài chính gia đình do phải vay nặng lãi khi gặp thiên tai, đau ốm hay những rủi ro khác. 4.2.3.3. Đẩy mạnh huy động vốn nhằm chủ động đáp ứng cho nhu cầu tín dụng của người vay Hộ gia đình muốn tăng thu nhập phải mở rộng đầu tư, nhưng để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, chăn nuôi...thì phải có vốn, vốn là yếu tố đầu tiên. Mục tiêu của nhóm giải pháp này là tăng khả năng tiếp cận các tổ chức tín dụng, các nguồn vốn tín dụng cho các đối tượng vay vốn. Thứ nhất, trên địa bàn thành phố Huế hiện nay, không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận một cách đầy đủ, dễ dàng với các tổ chức tín dụng để có thể lựa chọn nguồn vốn vay. Việc mở rộng mạng lưới các ngân hàng thương mại đến rộng khắp các địa bàn vùng ven (xã) tạo ra một thị trường vốn phong phú và đa dạng cũng như cho phép rút ngắn khoảng cách về thời gian, không gian trong việc thực hiện các thủ tục giao dịch vốn cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn. Thứ hai, trong điều kiện các NHTM chưa có điều kiện mở rộng mạng lưới đến tận các phường xã thuộc thành phố thì việc khuyến khích thành lập và mở rộng các tổ chức tín dụng nhân dân, các hoạt động tín dụng phối hợp với NGOs có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra thị trường vốn để thực hiện nhu cầu tại chỗ. Thứ ba, tiếp tục khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, các thương nhân, nhà hảo tâm, Việt kiều có khả năng đầu tư hỗ trợ các dự án TDQMN trên địa bàn. Thứ tư, đa dạng hoá hình thức và phương pháp khuyến khích huy động vốn từ nguồn vốn nhàn rỗi của dân cư như tiết kiệm tại nhóm, tiết kiệm mua xe máy, tiết kiệm mua bò, tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm hỗ trợ... 4.2.4. Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng 4.2.4.1. Coi trọng công tác đào tạo cán bộ tín dụng có đủ năng lực và phẩm chất, đủ điều kiện để đánh giá phân tích hiệu quả nguồn vốn cho vay Đội ngũ cán bộ tín dụng phải được đào tạo có hệ thống, am hiểu và có kiến thức về kinh tế thị trường, nắm vững các văn bản pháp qui liên quan đến hoạt động tín dụng. Có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng kiến thức cập nhật cho CBTD trong giai đoạn hội nhập kinh tế đang chuyển động với tốc độ nhanh, có khả năng thích ứng với mọi thay đổi của nền kinh tế thị trường. Nâng cao chất lượng tín dụng, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành, hội, đoàn thể liên quan để mở rộng cho vay và xử lý thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, và các khoản nợ khó đòi. 4.2.4.2. Áp dụng chính sách lãi suất cho vay linh hoạt có khuyến khích và có phân biệt Lãi suất cho vay hợp lý sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho địa phương, kích thích kinh tế hộ gia đình phát triển đáp ứng lợi ích của Ngân hàng, tổ chức tín dụng, nhà nước và người vay là khách hàng. Cần có chính sách lãi suất cho vay ưu đãi khác nhau cho khách hàng thường xuyên của chương trình, khách hàng có uy tín, có nguồn trả nợ chắc chắn.... Xem xét đến vấn đề phân biệt đối tượng vay để xác định khung lãi suất và mức cho vay linh hoạt cho từng đối tượng người vay, mục đích vay phù hợp với từng phường xã khác nhau trên địa bàn thành phố. 4.2.4.3. Tăng cường hiệu quả của hệ thống thông tin phòng ngừa rủi ro tín dụng Để đạt được mục tiêu thu thập đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động của khách hàng cần phải có thông tin đa chiều và tập trung về trung tâm phòng ngừa rủi ro, thông tin này thường xuyên được cập nhật và trao đổi giữa các tổ chức tín dụng và ngân hàng với nhau. 4.2.5. Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính TDQMN ở cấp vĩ mô Mục tiêu của giải pháp này là nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính ở những vùng nông thôn của thành phố. Qui mô thành phố Huế sẽ được mở rộng và sáp nhập thêm nhiều vùng nông thôn lân cận vào địa giới hành chính của thành phố. Hệ thống tài chính đặc biệt là tài chính vi mô hay qui mô nhỏ ở nông thôn còn bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy trong thời gian tới chúng ta cần có những hoạch định chính sách tài chính mới về thể chế nhằm khuyến khích hệ thống tài chính nông thôn phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính đặc biệt là tài chính vi mô ở khu vực này. Thứ nhất, nên khuyến khích sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng. Để tiến hành được việc này, Chính phủ và NHNN nên có những chính sách phù hợp để tạo ra một sân chơi công bằng cho tất cả những tổ chức tín dụng QMN. Mô hình các tổ chức tín dụng theo nhóm vay vốn cần được nghiên cứu để nhân rộng, xây dựng mạng lưới đến tận các vùng ven thành phố để gắn kết giữa người vay và người cho vay nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận và vay vốn của khách hàng. Thứ hai, trong giai đoạn hình thành ban đầu của các TCTD nhà nước nên có sự hỗ trợ có thời hạn về vốn cũng như lãi suất đối với những địa bàn gặp khó khăn so với mặt bằng chung của thành phố. Thứ ba, cần phân cắt thị trường để phát triển đồng đều thị trường tài chính ở nông thôn. Mỗi tổ chức tín dụng có một lợi thế và sức mạnh riêng, do vậy cần phải phân cắt thị trường tín dụng theo hướng phát huy tốt nhất lợi thế của mỗi tổ chức tín dụng. 4.3. Nhóm giải pháp cấp vĩ mô - Hoàn thiện và tạo lập môi trường pháp lý đầy đủ cho hoạt động của các tổ chức TCQMN, nên có một văn bản luật qui định thay thế cho nghị định hiện tại - do phạm vi điều chỉnh của nghị định 28/2005 hẹp và tính pháp qui không cao. - Chính phủ cần tổ chức đánh giá tình hình thực hiện và điều chỉnh một cách kịp thời các chính sách tín dụng liên quan đến xoá đói giảm nghèo, trong chương trình mục tiêu tổng thể của chương trình thiên niên kỷ, có những chính sách ưu đãi đồng bộ với loại hình TDQMN. Thứ nhất, cải cách chính sách tín dụng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không ổn định cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn về lãi suất và chu chuyển vốn TDQMN trên thị trường. Thứ hai, việc trợ cấp tín dụng một cách thái quá cho các đối tượng chính sách xã hội trong phạm vi rộng sẽ làm cho người được trợ cấp có tư tưởng thụ động, ỷ lại vào nhà nước, điều này có thể dẫn tới việc làm tê liệt hoặc giảm tính hiệu quả của các của các hoạt động mang tính thương mại. Thứ ba, can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính cần phải được thay thế dần bằng một hệ thống điều hành gián tiếp phù hợp với hoạt động tín dụng. Thứ tư, cải cách chính sách tín dụng phải được tiến hành đồng thời với việc cải cách hệ thống tài chính trong đó chủ yếu là ngân hàng TW, các TCTD và các định chế tài chính khác. Các ngành chức năng về quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành cần có những chính sách cụ thể trong việc gia tăng các hỗ trợ về kỹ thuật, mở rộng hành lang pháp lý cho việc thành lập các tổ chức TDQMN như hiện nay (khá cứng nhắc) để thủ tục thành lập các tổ chức TDQMN được đơn giản và nhanh chóng, dễ dàng hơn qui định hiện hành. Chúng tôi cũng mong rằng các TCTD trên địa bàn thành phố sẽ tham khảo và sử dụng kết quả nghiên cứu này để điều chỉnh chính sách tín dụng của mình, phù hợp với tình hình thực tiễn đang có nhiều đổi thay. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. Kết luận Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá tác động của TDQMN đối với kinh tế hộ gia đình trên địa bàn thành phố Huế, trong luận văn này chúng tôi có thể rút ra một số kết luận sau đây: Thu nhập của các hộ gia đình tham gia tín dụng phần lớn đã tăng lên do có sự tác động của việc vay vốn, tạo cho hộ gia đình có điều kiện để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, kinh doanh phi nông nghiệp hoặc các nghề khác. 100% con cái của người vay trong độ tuổi tới trường đều được đến trường, không phải bỏ học do thiếu tiền đóng học phí, các cháu cũng đã được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Các hộ vay vốn sau một thời gian đã có tích luỹ và đã mua sắm được một vài tài sản có giá trị trong gia đình. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện sau một quá trình tham gia vay vốn. Phụ nữ có khuynh hướng tham gia nhiều vào các quyết định trong gia đình và đã mạnh dạn tham gia vào các hoạt động cộng đồng, đây cũng là một kết quả đáng khích lệ nằm ngoài kế hoạch của các nhà tài trợ và các tổ chức cho vay vốn… Tính tự lập xây dựng kế hoạch để làm ăn của người vay đã trở nên tự chủ hơn. Việc tập huấn vay vốn đã mang lại những kết quả tích cực và cần phải duy trì khi cho vay. Việc tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chưa mang lại những kết quả như mong muốn là góp phần nâng cao thu nhập của người dân, cần được cải thiện để việc tập huấn mang tính thực chất hơn. Khách hàng vay vốn của chương trình TDQMN phần lớn là phụ nữ, đa số họ có ý thức tốt trong việc tiết kiệm, tìm cách gây lãi để trả nợ, giữ uy tín, đây cũng chính là một thành công của chương trình giúp người vay có ý thức tự lập, không trông chờ ỷ lại vào vốn tài trợ của nhà nước như trước đây. Nạn bạo hành gia đình và bình đẳng nam nữ đã có sự cải tiến đáng kể, vợ chồng con cái sống sum vầy hạnh phúc và có ý nghĩa hơn vì họ đã phần nào tự lập được cuộc sống và hiểu rõ giá trị lao động của mình. Các tổ tương trợ là nồng cốt của tình làng nghĩa xóm góp phần xây dựng tình đoàn kết và đời sống mới trong các khu dân cư. Các tổ viên vay vốn trong tổ tương trợ gần gũi nhau hơn và sẵn sàng giúp nhau trả nợ vay khi một thành viên của tổ gặp sự cố rủi ro. Nạn cho vay nặng lãi ở địa phương giảm đi đáng kể do việc tiếp cận với nguồn vốn vay rất đơn giản, thuận lợi, dễ dàng hơn. Sức khoẻ cộng đồng được cải thiện một bước do thu nhập tăng và hộ gia đình có thể sử dụng một phần thu nhập để mua thực phẩm dinh dưỡng hoặc mua thuốc khi đau ốm. Sức khoẻ được cải thiện giúp người vay có cơ hội để kiếm thêm việc làm nhằm tăng thu nhập. Người dân sau khi vay vốn TDQMN có thể đủ tự tin để vay vốn ở các NHTM với số vốn lớn hơn để dùng cho những kế hoạch làm ăn lâu dài mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Nếu xét trong một chỉ tiêu tổng thể về sự tác động của TDQMN đối với kinh tế hộ gia đình thì chỉ tiêu này sẽ bao gồm thu nhập tăng lên, trẻ em được tới trường học, chăm sóc y tế được cải thiện, bình đẳng nam nữ có bước tiến bộ...và ta thấy rằng tất cả những chỉ tiêu nhỏ trong chỉ tiêu tổng hợp có sự cải thiện đáng kể do đó có thể kết luận rằng TDQMN đã có tác động tích cực đối với kinh tế hộ gia đình. 2. Kiến nghị Trong khi thế giới có chương trình thiên niên kỷ để xoá đói giảm nghèo thì hoạt động của chương trình tín dụng qui mô nhỏ ở các nước đang phát triển có một vai trò rất quan trọng đối với chương trình giảm nghèo này. Nhà nước Việt Nam đã có chương trình mang tên "Chương trình nghị sự 21" [34] định hướng phát triển kinh tế đất nước theo chương trình Thiên niên kỷ của thế giới, trong đó có nội dung sẽ cùng hợp tác với các nước khác và chia sẽ kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bực và đã được các thể chế tài chính quốc tế như WB, ADB,... đánh giá cao và xem đó như là một mẫu mực để các nước đang phát triển khác noi theo. Theo đánh giá của một số chuyên gia về tài chính thì việc nhà nước Việt Nam nâng cao chuẩn nghèo đói đã làm cho tỉ lệ người nghèo của Việt Nam tăng cao, do vậy quốc gia cần phải có một quyết sách mới, một sự phấn đấu mới để nâng cao mức sống của người dân lên một tầm cao mới - sự cải thiện đáng kể về chất lượng sống. Đây cũng thể hiện quyết tâm cao của chính phủ trong việc xây dựng một nước Việt Nam " Độc lập - Dân chủ - Phồn vinh" xã hội "Công bằng - Dân chủ - Văn minh". Để cải thiện tình trạng nghèo đói của một cộng đồng dân cư, cần phải có một loạt các giải pháp ở tầm vĩ mô và vi mô, của địa phương và cả trung ương, của sự nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách cũng như những người được hưởng lợi. Trong phạm vi của luận văn nghiên cứu cao học, chúng tôi mạnh dạn xin nêu một số kiến nghị liên quan đến hoạt động của tín dụng qui mô nhỏ để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, nhất là cải thiện đời sống nâng cao thu nhập của các hộ nghèo, hoặc có khả năng tái nghèo nếu không có những sự hỗ trợ kịp thời. + Đối với nhà nước - Quốc hội cần ban hành một văn bản luật chi qui định rõ hoạt động của tín dụng qui mô nhỏ. Phải tính tới các hoạt động cho vay theo kiểu họ, hụi và các phương án giải quyết tranh chấp khi thực sự có tranh chấp xảy ra. Nền kinh tế Việt Nam ngoài nền kinh tế công khai còn có nền kinh tế ngầm. Được hiểu là những giao dịch hoặc thu nhập không quản lý được. Việt Nam có gần 3 triệu kiều bào sống ở nước ngoài, một lượng lớn kiều hối được chuyển về nước không nằm trong sự kiểm soát của nhà nước Việt Nam. Để đưa nguồn vốn này vào hoạt động tài chính chính thức, nhà nước nên có chính sách thông thoáng hơn về việc thành lập các tổ chức tín dụng qui mô nhỏ (về lãi suất, điều kiện thu hút tiết kiệm, bộ máy quản lý, cơ chế giải quyết tranh chấp....). Nếu làm được điều này chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có kế hoạch thành lập ngân hàng tín dụng qui mô nhỏ tại Việt Nam. Cơ hội cạnh tranh với các ngân hàng trong nước sẽ tăng lên. Và đây cũng sẽ là một khuynh hướng của Việt Nam chuẩn bị các điều kiện để gia nhập WTO. - Chính phủ cần thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động của các ngân hàng tín dụng qui mô nhỏ, phát hiện các vấn đề vướng mắc nảy sinh, các nguy cơ có thể làm cho nhà đầu tư, tài trợ rút vốn...và có những điều chỉnh kịp thời đảm bảo cho hoạt động loại này được tiến hành một cách bình thường và phát triển vững chắc. - Thực hiện triệt để cải cách hành chính trong việc cho phép thành lập các ngân hàng tín dụng qui mô nhỏ. Theo ý kiến của chúng tôi, nếu các ngân hàng này hoạt động trong phạm vi địa phương thì Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc TW có thể ký quyết định cho thành lập là đủ. Nếu phạm vi hoạt động vượt ra phải địa giới hành chính của một tỉnh thì cũng nên cho phép thành lập chi nhánh và được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc TW nơi ngân hàng tín dụng đặt chi nhánh là đủ thủ tục. Việc qui định Thống đốc NHNNVN quản lý và ra quyết định thành lập là chặt chẽ, nhưng nếu giao cho địa phương thì sẽ hợp lý hơn vì địa phương là nơi quản lý trực tiếp hoạt động thường ngày của ngân hàng tín dụng hoặc chương trình tín dụng qui mô nhỏ. + Đối với bộ ngành liên quan - Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể, khuyến khích các tổ chức và cá nhân, các nhà hảo tâm tài trợ thành lập các tổ chức các hoạt động tín dụng qui mô nhỏ trên cơ sở cung cấp các số liệu về nhu cầu nguồn vốn quốc gia trong các lĩnh vực cần thu hút vốn qua kênh tín dụng qui mô nhỏ. Công khai những báo cáo về tài khoản quốc gia theo luật định một cách kịp thời để cung cấp thông tin và củng cố lòng tin của những ai muốn thu lợi trong hoạt động cung cấp tín dụng qui mô nhỏ. - Ngân hàng NNVN cần có những chính sách khuyến khích các địa phương cùng với các trung tâm đào tạo, mở các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ về tín dụng cho các đối tượng có dự định thành lập các tổ chức TDQMN hoặc những người đang hoạt động trong lĩnh vực tín dụng qui mô nhỏ. NHNNVN cũng nên ban hành các biểu bảng và qui chế báo cáo theo qui chuẩn và có cơ chế giám sát, phạt hành chính những tổ chức hoạt động tín dụng không tuân thủ chế độ báo cáo hoặc ghi chép sổ sách theo qui định. Nhà nước phải xây dựng một cơ sở dữ liệu chuẩn để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách mang tính quốc gia. - Để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng cho các hộ vay vốn đặc biệt là các hộ thuộc diện nghèo (theo chuẩn qui định của nhà nước) vai trò của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức quần chúng cũng đặc biệt quan trọng trong các khâu tuyên truyền, tổ chức và thành lập mạng lưới tín dụng, cơ chế đánh giá các hộ nghèo ở địa phương để cho vay với lãi suất ưu đãi, cơ chế phối hợp với các tổ chức tín dụng đặc biệt là thủ tục hành chính phải đảm bảo đơn giản, gọn nhẹ mang tính công khai và dân chủ: cơ chế giám sát chặt chẽ... + Đối với các hộ vay vốn TDQMN, đặc biệt là các hộ nghèo & tổ chức cho vay tín dụng Việc được vay vốn là quan trọng, nhưng việc sử dụng vốn vay có hiệu quả để trả được nợ gốc và lãi càng quan trọng hơn. Điều này đảm bảo cho hoạt động của tổ chức tín dụng không bị phá sản, phát triển bền vững và ngày càng mở rộng; hoạt động giao dịch dân sự không phải giải quyết thông qua toà dân sự, cản trở sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước các cấp nếu có sự tranh chấp xảy ra do khách hàng không trả được nợ. Cũng cần phải tránh tình trạng vỡ nợ theo dây chuyền vì người vay cho rằng không trả được nợ thì có nhà nước bao cấp trả thay, họ quá nghèo không thể có dư tiền để trả nợ (như từng đã xảy ra rất nhiều trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam). Để hoạt động TDQMN mang lại hiệu quả tích cực, về phía người vay cần đảm bảo các điều kiện sau: - Tham gia tập huấn vay vốn trước khi vay. Việc tập huấn phải đạt được mục đích tối thiểu sau đây: Hiểu được việc vay thì phải có trách nhiệm trả được cả gốc và lãi như cam kết. Biết được nguồn vốn cho vay là của ai, tổ chức nào, cách trả số lãi gốc và hàng tháng là bao nhiêu, thời gian vay là bao nhiêu và số tiền, lãi suất vay. Những ràng buộc khi vay vốn: ví dụ phải có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mua sắm tài sản...trước khi vay: tham gia Tổ tương trợ để chia sẻ trách nhiệm trong quá trình vay; việc thế chấp, tín chấp khi vay... Những thủ tục giải quyết tranh chấp và hậu quả khi không trả được vốn vay... - Hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ có kế hoạch sản xuất rõ ràng đặc biệt là trong làng nghề, hoặc là phát triển một nghề mới ở một địa phương có nhiều người vay (ví dụ nghề trồng nấm, nuôi ba ba, lươn, trồng sắn cao sản...) - Hướng dẫn các hộ vay cách ghi chép thu chi hàng ngày, cách phát triển các ý tưởng kinh doanh, cách lập kế hoạch xin vay vốn kinh doanh (với mức vốn cao hơn chương trình tín dụng) làm cơ sở cho việc hạch toán lỗ, lãi và định hướng ngành nghề kinh doanh có hiệu quả mà chương trình TDQMN cần khuyến khích phát triển, nhân rộng. - Một vấn đề cần lưu ý là, tác động của CTTDQMN đối với hộ gia đình không chỉ giới hạn ở phạm vi kinh tế mà còn mở rộng ra ở phạm vi xã hội đó là bình đẳng nam nữ, trao quyền cho phụ nữ tham dự nhiều hơn vào các quyết định của cộng đồng, giảm bạo lực trong gia đình, chăm sóc con cái chu đáo hơn, sức khoẻ các thành viên trong hộ được tăng lên...đây cũng là một khía cạnh không kém phần quan trọng nếu so với chỉ số giảm nghèo, thoát nghèo, nâng cao thu nhập...của hộ gia đình. Chính vì vậy, cùng với các tổ chức đoàn thể thì Cán bộ của chương trình TDQMN cần phải tuyên truyền., lồng ghép các chương trình về môi trường, y tế, bình đẳng về giới vào các chương tình tập huấn về cho vay, tập huấn về kỹ thuật. Theo chúng tôi, đây là những công việc rất quan trọng góp phần tạo nên sự thành công chung của chương trình TDQMN. Con người, không phân biệt thân phận, có lòng tự trọng rất cao. Không ai muốn mình là người tụt hậu trong một cộng đồng có tính tổ chức, chú trọng tới các vấn đề liên quan đã nêu trên sẽ giúp cho người vay tăng tính tự lập, tự chủ trong làm ăn, phát huy những tiềm năng sẵn có trong cá nhân mỗi người, không những thoát khỏi cảnh nghèo khó mà còn vươn lên mở rộng sản xuất, kinh doanh trong một xã hội có nhiều chính sách cởi mở, đã tạo mọi điều kiện người dân yên tâm làm ăn, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, thái độ chính trị. Chúng ta hy vọng vào tương lai của một nước Việt Nam mới đó là tương lai mà mọi người chí thú làm ăn theo năng lực và đức tính chịu khó của mình, nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ phát huy tối đa khả năng, vừa làm giàu cho bản thân, vừa gia tăng sự phồn vinh cho đất nước. 3. Hạn chế của đề tài nghiên cứu Do thời gian nghiên cứu không dài, năng lực nghiên cứu có hạn nên đề tài nghiên cứu có nhiều điểm hạn chế sau: 1) Chưa đánh giá được đặc điểm và tác động của từng loại tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng người nghèo, các NGOs và các tổ chức tín dụng khác hoạt động trên địa bàn thành phố. 2) Chưa tiếp cận được một cách tổng thể các nguồn cho vay để nắm số liệu về dư nợ, tình hình huy động vốn...qua đó hình dung được bức tranh tổng thể về tỉ lệ của vốn TDQMN so với các nguồn vốn phát triển khác. 3) Các hộ điều tra ngẫu nhiên chưa phải là hộ nghèo thực sự theo chuẩn qui định của chính phủ (do tình hình kinh tế của thành phố được cải thiện mạnh trong những năm qua) nên chưa thể đánh giá được tác động giảm nghèo của các chương trình TDQMN. 4) Các tiêu chí đánh giá hiệu quả của tín dụng qui mô nhỏ chưa có tính khái quát hoá cao. Do vậy áp dụng cho các vùng có đặc điểm KT-XH khác thành phố Huế nhiều lúc chưa phù hợp. 5) Do điều kiện kinh tế của người vay vốn ở mức khá nên không thể áp dụng mô hình cho vay như các thiết chế tài chính đã sử dụng ở các quốc gia nghèo khác, ví dụ kết hợp cho vay tín dụng kết hợp với tiết kiệm (tự nguyện và bắt buộc), cho vay vốn khẩn cấp, bảo hiểm vốn vay...chưa được triển khai phổ biến tại thành phố Huế. Kết quả là tính đa dạng của sản phẩm tín dụng đang nghiên cứu không phong phú như dự đoán ban đầu của tác giả. 6) Chưa đánh giá được sự tác động của chính sách lãi suất của các tổ chức tài chính đối với tình hình biến động vay vốn của các hộ gia đình. Ví dụ như đề tài có đưa ra câu hỏi về việc vay thêm của khách hàng khi mức lãi suất tăng 0,3%/tháng thì đa số trả lời là muốn vay thêm, chúng tôi chưa có điều kiện để đưa ra thêm nhiều mức tăng lãi suất khác để biết phản ứng của khách hàng. 7) Đề tài chưa loại trừ được các ảnh hưởng tích cực ngoài ảnh hưởng của tín dụng qui mô nhỏ, theo chúng tôi đây là những ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế hộ như: sự phát triển kinh tế chung của địa phương, hạ tầng cơ sở được chỉnh trang và xây dựng mới, chính sách xã hội ưu tiên cho các đối tượng có thu nhập thấp. 8) Chúng tôi thấy một hạn chế lớn nhất của đề tài là chưa có điều kiện để điều tra "đối chứng" các hộ không vay vốn TDQMN để việc đánh giá tác động của TDQMN đến kinh tế hộ được toàn diện hơn, có sức thuyết phục hơn. Tác giả hy vọng rằng các hạn chế này sẽ được khắc phục trong một nghiên tiếp theo khi điều kiện cho phép. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt 1. Alex Counts (2/2004)." Tài chính siêu nhỏ và thách thức đối với sự phát triển toàn cầu". 2. Ban chấp hành Trung ương.Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VIII và IX,NXB chính trị quốc gia. 3. Bethesda (2000)," Các sản phẩm mới cho tài chính vi mô" 4. Bộ Tài chính (1996), Từ điển thuật ngữ Tài chính tín dụng, NXB Tài chính, Hà nội . 5. Phạm Đỗ Chí - Đặng Kim Sơn - Trần Nam Bình - Nguyễn Tiến Triển (2003), " Làm gì cho NÔNG THÔN Việt Nam?" NXB TP HCM. 6. Craig Churchill (2003), "Vốn vay khẩn cấp: Mặt khác của tín dụng vi mô" 7. David Blake (2001), Phân tích thị trường tài chính, NXB Thống kê. 8. David Colman & Trevor Young-Nguyên lý kinh tế nông nghiệp, NXB Nông nghiệp, Hà nội 1994. 9. Đào Minh Dân (2001), "Lãi suất cơ bản nhìn từ góc độ lãi suất huy động", Tạp chí ngân hàng, (số 09). 10. Nguyễn Trí Dũng (2004),"Những giải pháp tín dụng ngân hàng góp phần phát triển nghề nuôi tôm nước lợ ở huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế". Luận văn Thạc sỹ kinh tế. 11. Phạm Vũ Định (1998), Tìm hiểu về Tín dụng và Hối đoái, NXB Trẻ TP HCM năm 2001. 12. Frak Ellis(1993), "Kinh tế hộ gia đình nông dân và phát triển nông nghiệp". NXBNN. 13. Mai Văn Hai - Jean Phipp Fortellnene(2004), "Tín dụng chính thức và phi chính thức". 14. Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2002), "Dự án tín dụng Việt Bỉ". 15. Phạm Thị Khanh (2003), "Phát triển thị trường tín dụng nông thôn Việt Nam" 16. Cầm Hiếu Kiên (2001),"Vấn đề đơn giản hoá thủ tục vay vốn đối với hộ vay không phải thực hiện thế chấp tài sản; “Phương thức cho vay thích hợp nhất đối với đa số hộ nông dân” Tạp chí ngân hàng, ( số 09 & chuyên đề 2002). 17. Kim Wilson - Craig Churchill (2003), " Phát triển sản phẩm". 18. Chu Hữu Ký - Nguyễn Kế Tấn (2001), Con đường Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, NXB Chính trị quốc gia, Hà nội. 19. Dương Thị Bình Minh - Vũ thị Minh Hằng (1997), Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, NXB Giáo dục. 20. Ngân hàng thế giới(9/1994). " Việt Nam - Đánh giá nghèo và chiến lược". 21. Ngân hàng NN&PTNT Việt nam (1993), "Qui định về biện pháp nghiệp vụ cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông, lâm, ngư, diêm nghiệp", Văn bản số 499/A-TDNT ngày 02.9.1993. 22. Phòng thống kê, Tổng cục thống kê(7/1994)." Thống kê về sử dụng vốn cho các hộ gia đình". 23. Samuelson (1997), Kinh tế học tập 1.2, NXB Chính trị quốc gia, Hà nội . 24. Lê Văn Tề (1992), Tiền tệ-Ngân hàng, NXB thành phố Hồ Chí Minh. 25. Thành uỷ Huế(2005), Tài liệu Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Huế lần thứ IX, nhiệm kỳ 2005-2010. 26. Thống đốc NHNN Việt nam Lê Đức Thuý (2001), "Quá trình đổi mới, phát triển của hệ thống Ngân hàng Việt nam và một số vấn đề liên quan đến tín dụng, chính sách tín dụng đối với nông nghiệp –nông thôn.”, Tạp chí Ngân hàng, (số chuyên đề ISSN-0866-7462). 27. Thống đốc Ngân hàng nhà nước (2001), " Về qui định mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với QTDND các cấp", Quyết định Số 991/2001/QĐ-NHNN. 28. Thống đốc Ngân hàng nhà nước (1990). Quyết định 37,38 LTC/ HDNN, 27/5/1990 quy định về hoạt động của ngân hàng nhà nước Việt Nam và các ngân hàng, các công ty tài chính khác. 29. Thống đốc Ngân hàng nhà nước (1993). Quyết định 260/TTG, 02/6/1993 về việc thành lập các hội tín dụng, và quyết định 525/TTG, 31/8/1995 về Ngân hàng phục vụ người nghèo(nay là ngân hàng Chính sách xã hội). 30. Thống đốc Ngân hàng nhà nước (2001). Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 về Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng. 31. Thống đốc NHNNVN,(19/4/2005), Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN về việc ban hành "Qui định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong các hoạt động của tổ chức tín dụng". 32. Thời báo tài chính 05/7/2004. "Hoạt động tài chính vi mô: Góp phần thức đẩy tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo" . 33. Thủ tướng Chính phủ, "Quyết định số 69/2005/QĐ-TTg về việc ban hành qui chế xử lý nợ rủi ro của Ngân hàng Chính sách Xã hội". 34. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 153/2004/ QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành "Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam " (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam). 35. Thủ tướng Chính phủ (1999), "Phê duyệt chương trình nuôi trồng thuỷ sản 10 năm 2000 - 2010", Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg. 36. Thủ tướng Chính phủ (1991), "Về việc cho vay vốn để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đến hộ sản xuất", Chỉ thị số 202/CT/TTg . 37. Thủ tướng chính phủ (1993), "Về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và kinh tế nông thôn", Nghị định của chính phủ - số 14/CP. 38. Thủ tướng Chính phủ (1999)," Một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ Phát triển NNNT",Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg . 39. Thủ tướng Chính phủ(1999)," Nghị định hướng dẫn việc cho phép dùng tài sản bảo hình thành từ vốn vay để bảo đảm tiền vay", Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999. 40. Thủ tướng Chính phủ (2005), Nghị định số 28/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính qui mô nhỏ tại Việt Nam được Thủ tướng chính phủ ban hành vào ngày 9/3/2005. 41. Thủ tướng Chính phủ (2000).Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. 42. Thủ tướng Chính chủ, Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn thì ngành nghề sản xuất kinh doanh. 43. Doãn Hữu Tuệ. "Tài chính vi mô và một số khuyến nghị đối với hoạt động tài chính vi mô ở nước ta". Tạp chí nghiên cứu Kinh tế số 329 tháng 10-2005. 44. Đào minh Tú (2001), “Giải pháp đổi mới chính sách tín dụng theo cơ chế thị trường", Tạp chí Khoa học đào tạo ngân hàng, (Số 06). 45. Đào Minh Tú (2001), "Một số kinh nghiệm xây dựng và điều hành chính sách Tín dụng ở các nước trong khu vực và Châu á", Tạp chí ngân hàng, ( số 12). 46. Uỷ ban Kế hoạch nhà nước - Tổng Cục thống kê (1993)." Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam". 47. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2000), "Qui hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2001-2010". 48. UNDP - CGAP (December, 1995) "Công trình phối hợp nghiên cứu Tài chính vi mô tại Việt Nam". 49. UNDP-Uỷ ban kế hoạch nhà nước(10/1994)." Báo cáo về thu nhập, tiết kiệm và tín dụng năm 1994 của Việt Nam". 50. Văn phòng Tỉnh uỷ. Văn kiện đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XII nhiệm kỳ 2001-2005, NXB Thuận hoá. 51. Nguyễn Quang Việt (2001),"Lãi suất cho vay Phát triển NNNT", Tạp chí khoa học và đào tạo ngân hàng, (Số 03). Tiếng Anh 52. ADB TA 3772-VIE. Vietnam: Capacity building for central region poverty reduction. 53. Armado Castela Pinheiro - Célia Cabral (December, 1998), "CREDIT MARKETS IN BRAZIL". 54. Bobbaulch (August, 2002), "Poverty monitoring and targeting using ROC curves: examples from Vietnam". 55. Dean S.Calan(2005), "Microfinance impact assessment". 56. Jeams Copestake. "Impact Assessement of Microfinace and Organizatioanal learning". 57. Linda Mayoux ( July, 2004), "Gender Issues in Developing Poverty Assessment Tools". 58. Mark Schreiner(June 11, 2002), "Scoring: the Next Break throught in Microcredit?". 59. Mark Schreiner (October 4, 2001), "Seven Aspects of Loan Size". 60. Muhamad Yunus, (January 2003), "What is Microcredit?" . 61. Report Submitted to IRIS and USAD as part of the Developing Poverty Assessment Tools Project (February 6, 2004). 62. Reprinted from Crafts News Spring/Summer 1995 Vol. 6, Issue 241001 Connecticut Ave NW, Suite 1138Washington DC 20036.Micro Credit Lending Experiences. 63. Ruth Cardoso (2004), "MICROCREDIT: THE EXPERIENCE OF GRAMEEN BANK". 64. Simeon Nichter - Lara Goldmark - Anita Fiori (July 2002 PDI/BNDES),"Understanding Microfinance i nthe Barazilian Context". 65. Sussex - BenNkuna (June, 2000), "Overcoming the Obtascles of identifying the poorest families". 66. The IRIS Center at the University of Maryland(January 30, 2004). Developing Certification Criteria Workshop: Final Workshop Report. 67. The IRIS Center(June 2, 2005), Note on Assessment and Improvement of Tool Accuracy. 68. The IRIS Center (April 25, 2006), "Constructing an International Poverty Assessment Tool: Methodologycal Note with Illustrations". 69. NAV Evaluation report(2005) - The Integrated Rural Development 1994-2004 Thua Thien Hue - Province. 70.Các trang website:

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc09 Tc 2737897ng c7911a tn d7909ng qui m nh7887 2737889i v.doc
Tài liệu liên quan