Luận văn Văn hóa và con người miền Trung trong truyện Nguyễn Minh Châu những năm 80

MS: LVVH-VHVN063 SỐ TRANG: 107 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2010 CẤU TRÚC LUẬN VĂN LỜI CẢM ƠN MỞ ĐẦU 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ 3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN. 6. BỐ CỤC LUẬN VĂN. CHƯƠNG I: VĂN HOÁ MIỀN TRUNG TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN MINH CHÂU 1.1. Khái niệm văn hoá 1.2 Vài nét về vùng văn hoá miền Trung 1.2.1 Vùng văn hoá miền Trung 1.2.2. Văn hoá xứ Nghệ 1.3. Nguyễn Minh Châu với mảnh đất và con người miền Trung 1.4. Văn hóa miền Trung trong truyện của Nguyễn Minh Châu. 1.4.1. Cái nhìn sâu rộng có tính lịch sử về vùng quê miền Trung. 1.4.2. Nét đẹp văn hóa của làng quê miền Trung 1.4.3. Miền Trung – dải đất tỏa sáng truyền thống đấu tranh cách mạng. CHƯƠNG II: CON NGƯỜI MIỀN TRUNG TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN MINH CHÂU 2.1. Thiên nhiên khắc nghiệt đã hun đúc nên tính cách con người miền Trung 2.2. Con người miền Trung và cách ứng xử với những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. 2.2.1. Con người miền Trung với truyền thống đạo lí thủy chung, tình nghĩa. 2.2.2 Con người gắn bó với đất đai, hài hòa với thiên nhiên xứ sở. 2.3. Con người miền Trung trong lao động và xây dựng quê hương. CHƯƠNG III: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN VĂN HÓA VÀ CON NGƯỜI MIỀN TRUNG TRONG TRUYỆN NGUYỄN MINH CHÂU 3.1. Nghệ thuật xây dựng chân dung nhân vật đa diện, tinh tế 3.1.1. Miêu tả tâm lí và sử dụng độc thoại nội tâm 3.1.2. Khắc họa nhân vật qua những chi tiết ngoại hình sinh động. 3.2. Sử dụng ẩn dụ, biểu tượng một cách sáng tạo. 3.3 Ngôn ngữ mang màu sắc của tâm trạng trở nên một thứ ngôn ngữ đặc biệt. KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO NHỮNG TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN MINH CHÂU ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG LUẬN VĂN

pdf107 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2332 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Văn hóa và con người miền Trung trong truyện Nguyễn Minh Châu những năm 80, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ến con người của thiên nhiên đất đai nhọc nhằn. Cuộc đời lão Khúng đầy cơ cực, “người bạn đời” – bò Khoang của lão ít nhiều là con người lão, con người sinh ra và lớn lên trong vất vả, cực nhọc, chịu đựng nhiều mất mát. Cái nhìn đầy sầu não của lão khi bò Khoang quay trở lại là cái nhìn lặng lẽ, buồn bã với số phận, với chính cái vòng nghiệt ngã của quy luật, không dễ dàng cưỡng lại. Hình ảnh bò Khoang xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, khi thì trong giấc mơ hãi hùng của lão, khi trên chặng đường dài đến chợ cầu Giát, khi trong hồi ức của lão về quá khứ…và dường như bò Khoang là một nỗi ám ảnh, nỗi day dứt khôn nguôi của lão Khúng (nói đúng hơn là của tác giả) về thân phận con người trên vùng đất cỗi cằn và khắc nghiệt miền Trung. Trong suốt chặng đường từ nhà đến chợ cầu Giát, bao suy nghĩ mông lung của lão Khúng đều lấy “tâm điểm” từ con bò Khoang. Nó hiện lên trong lời kể, trong miêu tả hơn ba mươi lần và trong cả giấc mơ của lão Khúng, trong hồi ức của lão, con Khoang cũng hiện hình. Khi thì lão nghĩ về mối gắn bó keo sơn giữa con vật với mọi thành viên cùng những bước thăng trầm của nhà lão, khi thì lão cảm giác rằng cả lão và con bò cùng đi vào cõi chết, khi nhìn lên bầu trời thấy ngôi sao sa lão lại nghĩ đến số phận mỏng manh của con bò sắp đặt dấu chấm hết, nơi mặt đất là đêm tối mịt mùng, là nơi lão và con bò đang đi. Và, trong mơ, có lúc lão lại thấy con bò trong dáng thanh thản, ung dung gặm cỏ nơi khoảng rừng ngập nắng. Đấy là phút giây hồn lão thanh thản nghĩ đến sự giải thoát cho số kiếp nhọc nhằn của con bò. Rồi lão lại tưởng tượng đến cái thời điểm quan trọng của cuộc đời con Khoang đen mà lão sẽ tạo ra cho nó khi xua nó vào rừng. Khi ấy, cái tâm trạng ân hận, áy náy như một kẻ ăn trộm lúc dắt con bò đi bán trong đêm không còn nữa. Song kết thúc thiên truyện này là nỗi sầu não của con bò với cặp mắt nhẫn nhục nhìn lão Khúng và lão Khúng cũng chỉ biết đáp lại bằng cặp mắt phiền muộn của sự cảm thông thân thiết với “người bạn đời” của mình. Cùng với bò Khoang, một âm thanh làm day dứt, theo đuổi từ đầu đến cuối tác phẩm là tiếng xe cút kít. Trong giấc ngủ lơ mơ của mình, lão Khúng nghe thấy tiếng xe. Đó là tiếng xe đã đánh dấu kỉ niệm, một bước ngoặt không thể quên trong cuộc đời của lão. Tiếng xe nghe cũ kĩ, hoang sơ. Tiếng xe đó đã theo lão Khúng suốt một chặng đường dài, từ khi còn là anh thanh niên miền biển xoay vần với một chiếc xe than cho đến khi trở thành một lão nông già cỗi. Sau này khi đã có xe bò, không dùng tới chiếc xe cút kít nữa nhưng những kỉ niệm về nó vẫn ám ảnh lão tưởng như vô tận. Dường như mỗi lần lắng nghe âm thanh kẽo kẹt đến rợn người, lão Khúng lại nhớ về quá khứ. Chiếc xe gắn bó với nhiều giây phút trọng đại trong đời lão. Câu chuyện không thoát ra khỏi âm thanh nặng nề của tiếng xe cút kít. Đó là thứ âm thanh quá đỗi nhọc nhằn, là nỗi ám ảnh, tiếng nói ai oán nặng nề về số phận con người. Cùng với hình ảnh bò Khoang, tiếng xe cút kít góp phần làm sáng rõ hơn hình tượng nhân vật Khúng, là sự minh họa, bổ sung cho những nỗi cực nhọc, là tâm sự kín đáo của Nguyễn Minh Châu về thân phận những con người miền Trung. Hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng bò Khoang và tiếng xe cút kít đã bổ sung cho bức chân dung lão Khúng thêm hoàn thiện. Nếu như lão Khúng trong Khách ở quê ra được tác giả miêu tả khái quát về cốt cách tập quán của người nông dân sản xuất nhỏ miền Trung, hình thành từ ngàn đời thì với lão Khúng trong Phiên chợ Giát, giả thuyết về số phận người nông dân miền Trung được đón nhận ở nhiều khả năng, không chỉ có bóng tối và hoang vu. Cặp đôi giữa lão Khúng và bò khoang là quan hệ lẫn lộn người và bò, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Bò Khoang và lão Khúng gắn bó bịn rịn với nhau tạo nên sức mạnh khai phá “vạch rừng vỡ đất”, tạo dựng cuộc sống. Nhưng cái hình ảnh nửa người nửa bò ấy cũng là sự hóa thân của hình tượng người nông dân miền Trung, luôn phải gánh chịu những cực nhọc, cay đắng. Cho nên giấc mơ cuối cùng của lão Khúng là giấc mơ của một nạn nhân thảm khốc của một cuộc đời cực nhọc: “chính lão bị đánh bằng búa tạ, chính lão là con bò…máu me đầm đìa”… Trong Cỏ lau, không chỉ một mà rất nhiều ẩn dụ, có thể gọi là trùng phức ẩn dụ, biểu tượng. Dường như nhìn đâu nhà văn cũng thấy tâm sự và số phận những con người miền Trung được ẩn giấu bên trong. Hình ảnh cỏ lau, đá vọng phu, những tấm ảnh chụp; thậm chí cả đoạn miêu tả Lực và Quảng đi bắn chim, cái chết của con chim trống, nỗi lo âu thảng thốt của con chim mái ít nhiều cũng mang tính hàm ẩn, là một sự so sánh ngầm. Đất rừng Quảng Trị qua chiến tranh bị tàn phá đến tan hoang. Riêng chỉ có cỏ lau – một màu xanh hoang dại, một sức sống mãnh liệt – không bom đạn nào hủy diệt được. Những lớp cỏ lau cứ sống mãi, tràn lan, nảy sinh từ trong cái chết. Chính cái màu xanh ngút ngàn, chính sức sống dẻo dai từ những thân lau khiến người đọc không thể không liên tưởng đến những con người miền Trung. Cái nắng, cái gió, cái khắc nghiệt của miền Trung đã tôi luyện nên những con người có thể đương đầu với mọi khó khăn, tiềm tàng sức sống mãnh liệt. Ấn tượng về cỏ lau còn là những day dứt không quên về cảnh và người sau chiến tranh ở vùng đất Quảng. Trong dòng hồi tưởng, liên tưởng của Lực, những mảnh ghép cuộc đời giữa hiện tại và quá khứ cứ ngập tràn, day dứt. Cả câu chuyện là những dòng tâm trạng cứ xô đẩy nhau, là bao trăn trở suy tư, là những giây phút điếng lặng trớ trêu, hành hạ Lực. Chiến tranh đã để lại trong Lực một dấu ấn quá sâu. Với Lực, quá khứ như một cơn mơ đẹp đẽ vốn đã không còn, hiện tại là đau thương mất mát và tương lai của người lính năm xưa là một ngôi nhà nhỏ cô quạnh bên chân núi Đợi cùng với người cha già yếu. Câu chuyện buồn như lời hát của đám thanh niên. Gắn với từng lời kể, từng quãng hồi ức của Lực là cánh rừng cỏ lau ngút ngàn, bất tử, khi thì hiện lên trong ánh mặt trời xanh loáng, khi thì bằng một trời hoa tím nhạt, lúc lại là “những triền cỏ lau mới như mang một vẻ hiu hắt, vài đọt hoa hiếm hoi điểm lên giữa hoàng hôn vùng rừng một sắc tím bâng quơ”. Bên cạnh cỏ lau, những hòn vọng phu đứng câm lặng nhan nhản tại vùng núi Đợi lại dựng lên nhóm tượng đài kí ức về những con người bất hạnh, những thân phận nổi chìm trong chiến tranh, trong đó các nhân vật kẻ trước người sau, kẻ mờ người đậm đều quần tụ xung quanh những hình người bằng đá đầy cô đơn giữa trời xanh. Mô típ đá vọng phu là một mô típ quen thuộc trong văn học dân gian với các truyện của người Việt như Sự tích đá vọng phu, Tô thị vọng phu, Sự tích đá Bà Rầu hay của người Chăm như truyện Nai Krao Chao Phò. Môtip đá vọng phu trong những cốt truyện này là một yếu tố sáng tạo độc đáo xuất phát từ sự bênh vực, đề cao người phụ nữ của dân gian Chăm – Việt. Hình ảnh người phụ nữ hóa đá đã trở thành biểu tượng nhân văn cao cả trường tồn mãi mãi trong văn học và trong nhân dân. Họ là biểu tượng cho nỗi đau, cho lòng chung thủy, sự sắt son chờ đợi. Bên cạnh ý nghĩa biểu tượng của mô típ đá vọng phu trong văn học dân gian, ở Cỏ lau, Nguyễn Minh Châu còn thổi vào đó một ý nghĩa và sức sống mới. Đá vọng phu ở đây gắn với hoàn cảnh cụ thể của cuộc chiến tranh, với những số phận nổi chìm, trong sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Rõ ràng những hình người bằng đá đứng cô đơn giữa trời xanh là biểu tượng cho biết bao thân phận trong chiến tranh. Bên cạnh Thai là biết bao những người đàn bà khác nữa. Họ đều là nạn nhân của chiến tranh với những cuộc đời éo le, ngang trái. Chiến tranh như “nhát dao phạt ngang” xé lìa những cuộc đời thành hai nửa không thể gắn liền lại như cũ rồi lại ghép lẫn lộn những nửa đời khác biệt với nhau tạo nên những bi kịch đau đớn nặng nề. Ở Cỏ lau là bộ ba con người Lực – Thai – Quảng, …Có thể nói những biểu tượng ấy đã tạo thành một mô típ số phận – chủ yếu là những số phận bi kịch với nhiều dạng khác nhau: bi kịch của đói nghèo, lạc hậu; bi kịch của chiến tranh li tán; bi kịch của những mất mát, đau khổ…rồi những éo le ngang trái, những lỡ làng dang dở, những cô đơn bất hạnh…Và điều cơ bản là từ những số phận bi kịch này, Nguyễn Minh Châu muốn khái quát về cuộc đời cũng như những tính cách, phẩm chất của con người miền Trung. Trong Mảnh đất tình yêu, hình ảnh dã tràng được lặp đi lặp lại nhiều lần trở thành biểu tượng ám ảnh về thân phận nhỏ nhoi cùng đức tính cần cù, kiên trì nhẫn nại của những con người miền Trung. Xót thương cuộc sống lam lũ của những con người lao động bình thường nơi miền duyên hải quê hương, Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấy tư chất họ ở chính những con dã tràng trên biển. Nhìn những con dã tràng, Quy đã băn khoăn với câu hỏi: “không biết từ đời tổ tông nào đã truyền lại cho con dã tràng bản di chúc lao động đầy kiên nhẫn (…)Suốt một đời lao động lương thiện và không bao giờ ngừng nghỉ lấy một phút. (…). Vị truyền giáo về đức tính kiên nhẫn khôn cùng cho muôn loài trên mặt đất này chính là con dã tràng. Con dã tràng thật là vĩ đại…”[19, tr.765 – 766]. Xuất phát từ hình ảnh lầm lụi của những con dã tràng cứ hàng ngày hàng giờ miệt mài xe cát để rồi những con sóng ào ạt đến cuốn trôi, Nguyễn Minh Châu đã liên tưởng đến những người dân miền Trung. Sống trên mảnh đất khô cằn, liên tiếp phải hứng chịu những đe dọa đến từ thiên nhiên, mỗi người dân miền Trung cũng như thân dã tràng suốt một đời cần mẫn góp nhặt từng con cá, con rạm nhưng rồi chỉ một cơn bão lũ, một con sóng thần bất ngờ ập tới là bao nhiêu công sức đổ ra sông ra biển. Người ông của Quy và ông lão Bờ, sau những biến cố cuộc đời, được miêu tả “y như hai con dã tràng sau một đợt sóng biển, cuộc đời đã bị trời đất cướp mất hết, chỉ còn lại cái tình yêu cuộc sống và hai bàn tay không ngừng làm lụng” [19, tr.812]. Phản chiếu trong hình ảnh dã tràng là hình ảnh những người dân miền Trung cần cù, lam lũ. Nếu dã tràng là biểu tượng cho thân phận những con người miền Trung thì mô típ sóng thần lại là biểu tượng cho những tai họa khôn lường, đầy hiểm nguy của thiên nhiên miền Trung. Trong kí ức đau buồn của người ông ngoại Quy, hình ảnh những con sóng thần đồng nghĩa với tai họa, chết chóc, sự hủy diệt. Chẳng thế mà chỉ qua một cơn sóng thần, cả một thôn làng đã biến mất, tan hòa trong cái nghiệt ngã khôn cùng của thiên nhiên. Người ông của Quy cũng như ông lão Bờ đã trơ trọi sống sót trong sự bơ vơ cùng cực. Nguyễn Minh Châu đã khéo léo sử dụng hai biểu tượng dã tràng và sóng thần trong thế đối nghịch để làm bật lên sức sống kiên cường, mãnh liệt của những người dân miền Trung. Bằng những hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng, ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đã cắm rễ sâu vào nguồn mạch đời sống những con người miền Trung, đào bằng được cho đến đáy của cái thật chứa đầy bí ẩn để cảm thông và hiểu biết được những số phận nhọc nhằn, những cảnh ngộ đau đớn riêng tư và tạo nên sức xoáy sâu trong lòng bạn đọc. Các thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, tượng trưng là một phương diện của tư duy nghệ thuật. Các thủ pháp này tạo ra tín hiệu thẩm mĩ cho tác phẩm, mang lại chiều sâu cho các sáng tác của nhà văn. Nếu cái làm nên sự kì diệu của ngôn ngữ đó chính là các phương tiện, biện pháp tu từ thì ta thấy ở các sáng tác của mình, đặc biệt những sáng tác những năm 80 viết về miền Trung, Nguyễn Minh Châu quả đã làm được “điều kì diệu” đó. Nhắc đến miền Trung trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, người đọc nhớ ngay đến một hệ thống những hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng trong sáng tác như: cỏ lau, đá vọng phu, bò khoang, tiếng xe cút kít, dã tràng, sóng thần… 3.3 Ngôn ngữ mang màu sắc của tâm trạng trở nên một thứ ngôn ngữ đặc biệt. Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ không chỉ biểu hiện phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm, phong cách nhà văn, mà còn là nơi bộc lộ cảm hứng và đặc điểm tư duy văn hóa của người sáng tạo. Nói cách khác, ngôn ngữ không chỉ thể hiện cách tư duy mà còn là cách tư duy về văn hóa. Trong đời viết văn của mình, Nguyễn Minh Châu là người rất coi trọng câu văn, chất văn, cũng như các đặc trưng thể loại. Về vai trò của câu chữ, ông từng ví nhà văn như một người thợ thủ công “bằng một tài nghệ riêng biệt của mình, đập từng chữ ra để tìm cho được cái nghĩa nguyên thủy của nó, rồi lại bằng một cách thức riêng biệt không có ai giống ai và không thể bắt chước được, đem ghép những con chữ ấy lại với nhau thành câu, thành đoạn, thành chương, cuối cùng trở thành một thứ có cả thể xác và tâm hồn: một tác phẩm văn học” [dẫn theo 60, tr.176]. Nghiên cứu ngôn ngữ của nhà văn trong việc thể hiện văn hóa và con người miền Trung, chúng tôi quan tâm đến cách sử dụng ngôn từ của ông trong việc miêu tả, trong khả năng đưa ngôn ngữ văn chương gần với ngôn ngữ của đời sống. Nguyễn Minh Châu là người có biệt tài trong việc miêu tả cảnh sắc thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng. Ông là “người mải miết với cái Đẹp” [85, tr.183], là người “biết say sưa đón lấy mọi vẻ đẹp của đời sống con người...đồng thời rất tinh tế về ngôn ngữ văn học” [59, tr.276]. Ông đã say sưa miêu tả cảnh sắc và con người quê hương bằng niềm rung cảm chân thành, sâu sắc. Chất trữ tình thể hiện rất rõ trong lời tả thiên nhiên. Những đoạn văn miêu tả vẻ đẹp của vùng phá nước của Chiếc thuyền ngoài xa là sự phát hiện chất thơ trong những cái tưởng như bình thường, quen thuộc, khơi dậy ở con người “những khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”: “trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”, “Vùng phá nước có một cái gì đấy thật là phẳng lặng và tươi mát như da thịt của mùa thu đang ấp vào tâm hồn anh. Tôi trở nên ngây ngất vào buổi sang, bầu trời không xanh biếc, cao thăm thẳm mà được một sắc giữa xanh và xám, bầu trời như hạ thấp xuống và như ngưng đọng lại”, “Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh đắt trời cho như vậy (…) đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào” [15, tr.118]. Trong Mảnh đất tình yêu, cảm quan về thiên nhiên đã tạo nên một không gian thực tại vô cùng đặc sắc. Những động cát vàng, những con sóng, bầu trời hoàng hôn, tiếng rì rào của cây cỏ, của biển cả, cả làn hương bay ra từ những nén nhang đang cháy dở…tất cả đều mang màu sắc của tâm trạng, đều trở nên một thứ ngôn ngữ đặc biệt. Ông là một trong số không nhiều nhà văn rất chú ý đến cảnh sắc thiên nhiên và thiên nhiên hiện hữu như là một nhân vật, một thực thể tâm trạng của nhân vật trong truyện. Nỗi hân hoan của cậu bé Quy khi được sống giữa thiên nhiên, được trò chuyện với những người thân yêu đã khuất được miêu tả thật xúc động: …Tôi buông bút đi ra vườn. Sáng nay ngôi vườn sao nhiều gió? Hẳn những ngọn gió này đã từng thổi qua mặt bà tôi, thổi vào cuộc đời đầy đau khổ và cô độc của bà tôi? Tôi đứng nghe tiếng lá reo quanh ào ào. Tôi nhìn lên vòm lá, muốn hỏi từng cái cây trong vườn – loài thảo mộc sống cùng một thời với bà tôi – những cây nào đã từng đổ bóng xuống cái dáng đi đứng một mình trong vườn bà tôi, đã từng để rơi lá xanh hay lá vàng xuống vai bà tôi?... Hình như đất mát lạnh dưới gan bàn chân đang thầm thì với tôi những nguồn cơn mà nó đang chứa đựng trong lòng… [19, tr.823-824]. Rõ ràng, thiên nhiên đã không chỉ là một thứ vật được nhân hóa mà thực sự là một phần đời sống nhân vật. Trong hầu hết các sáng tác của Nguyễn Minh Châu, thiên nhiên được nhìn nhận là tự nhiên với đất đai, sông núi, cỏ cây, vũ trụ. Khi thiên nhiên bình đẳng với con người thì con người trở thành một thực thể của tự nhiên và nhân vật giao hòa cùng tất cả. Người ông ngoại của Quy đã thực sự coi thiên nhiên là người bạn thân thiết gần gũi. Ông có thể trò chuyện cả ngày với biển cả, với cây cỏ, muông thú, với cả con dã tràng. Chẳng thế mà “hễ mỗi lần nghe tiếng bước chân nặng trịch như vồ nện xuống mặt cát ẩm ướt, có không biết cơ man nào những viên cát tròn bé tí như những viên cao đơn hoàn tán trong các cửa hiệu thuốc bắc, là lập tức cánh họ hàng nhà dã tràng liền hoan hỉ phì ra những đám bọt ở miệng và khuơ những chiếc càng cái màu đỏ lên trời: “Như thế là những anh thợ đấu suốt đời nhọc nhằn xe cát biển Đông đang trịnh trọng đón chào ông tôi theo nghi thức cổ truyền của chúng” [19, tr.764]. Trong Phiên chợ Giát, Nguyễn Minh Châu đã mô tả tâm trạng nặng nề của người lão nông cô độc, bé nhỏ giữa màn đêm đen kịt, hoang vắng. Tuy nhiên, lão Khúng đã không những không có cảm giác sợ hãi mà còn trò chuyện với cả các vì sao bằng một thái độ thân mật khác thường. Cách viết và lối xử lí đó của Nguyễn Minh Châu càng chứng tỏ hơn tài hoa của ông trong nghệ thuật miêu tả, nhân hóa tự nhiên sau khi đã tạo thế bình đẳng giữa chủ thể và đối tượng. Màu sắc được Nguyễn Minh Châu sử dụng như là một thứ kí hiệu của tâm trạng con người. Trùm ngập trong Cỏ lau là sắc xanh: “xanh loáng lên dưới ánh mặt trời” của lá lau, là “màu cỏ mới nhú lên xanh xanh nhọn hoắt”…hòa hợp với đó là sắc tím của hoa lau “một trời hoa tím nhạt”. Có thể nói màu sắc ở đây như biểu tượng cho tuổi trẻ, sự thủy chung cũng là nỗi đau của sự chia lìa, xa cách. Đặc biệt màu tối của đêm đen trong Phiên chợ Giát được ông sử dụng với liều lượng cao như “đêm tối thui và sâu”, “cái lòng đất sâu hun hút và tăm tối”, “một khoảng bóng tối đen kịt”, “chìm đắm trong khoảng bóng tối âm u”, “đêm tối sâu thẳm và tĩnh mịch”, “đêm bát ngát và sâu hun hút”, “mặt đất bao la và tăm tối”, “bóng tối dày đặc”…nhằm nói lên tâm trạng vô vọng, nỗi u hoài trong tâm thức của một kiếp người. Có thể nói chỉ giữa đêm tối và trong không gian tĩnh lặng đó, với tâm trạng đó, lão Khúng mới có dịp nhìn rõ nhất tất cả những gì gắn bó và liên quan đến cuộc đời của lão. Nguyễn Minh Châu là nhà văn rất có ý thức trong việc nâng cấp nghệ thuật cho ngôn ngữ tác phẩm của mình. Văn ông giàu hình ảnh với từ ngữ trau chuốt sống động và kết cấu câu đa dạng. Câu văn của ông chủ yếu là câu đơn. Nếu như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao rất chú ý đến việc sử dụng động từ thì trong văn Nguyễn Minh Châu hình dung từ lại có một vai trò quan trọng. Khác với các nhà văn như Sơn Nam, Võ Hồng, Bình Nguyên Lộc, khi viết về quê hương thường sử dụng hệ thống tiếng địa phương như một dấu ấn riêng đầy bản sắc của phong vị quê hương. Và rõ ràng, trong văn, phương ngữ là phong vị, là nếp sinh hoạt của một làng quê, là “tiếng mẹ gọi lên từ yêu thương”. Nhưng nghệ thuật sử dụng phương ngữ trong văn xuôi không đơn giản là đưa tiếng nói thô mộc ngoài đời thường trực tiếp vào tác phẩm, mà là sự tái hiện sống động đời sống văn hóa và quá trình giao tiếp, là sự gắn bó của con người với một vùng đất. Khắc họa văn hóa và con người miền Trung, Nguyễn Minh Châu không sử dụng hệ thống tiếng địa phương nhưng ông lại có cách đưa hình ảnh quê hương miền Trung vào trang văn qua những so sánh, liên tưởng dân dã độc đáo. Lối ví von, so sánh của Nguyễn Minh Châu thường bao giờ cũng phù hợp với đề tài của truyện. Ông sử dụng những hình ảnh, sự vật ngay trong môi trường cảnh quan mà nhân vật sống. Ví như trong Khách ở quê ra, người đọc gặp những so sánh: Trong con mắt người nông dân thì vẻ ngoài của người thành phố “y như ngâm lâu ngày trong bể nước mới vớt lên. Da thịt người nào người nấy cứ mềm oặt, mềm như sợi bún”. Người nông dân nhìn người hàng xóm vốn không ưa “Đã già, mặt mũi lại đen nhẻm y như đít cái nồi đất kho cá”. Miêu tả người nông dân suốt đời chỉ lo làm ăn nơi rừng rú, nhà văn để Khúng hiện lên: “Khúng y như con bọ hung từ dưới đất chui lên, vừa đen vừa gầy vừa già vừa xấu”, “Bàn tay lão giống y như một tòa rễ cây”. Hoặc “thoạt nhìn, giữa người cháu dâu và Khúng chẳng có gì ăn nhập với nhau y như trên cái ngôi đền linh thiêng hắn vừa cất lên ngôi lều”, “chả khác gì chiếc cốc pha lê bày bên một chiếc cối giã cua”, “khuôn mặt ông cháu y như những tảng đất cày đắp lên”… Trong Chiếc thuyền ngoài xa, ông miêu tả hình dáng người dân miền biển: tấm lưng rộng và cong như chiếc thuyền”, “những món tóc vàng hoe có chỗ đỏ quạch như mớ lưới tơ đã bợt bạt”, cô gái miền biển “cặp mắt thật đen gợi cho tôi nghĩ đến con mắt người ta vẽ trên đầu mũi thuyền”. Trong Mảnh đất tình yêu, một loạt những hình ảnh, những sự vật thân thuộc của làng quê miền Trung được đưa vào trong sự so sánh: “ông lão Bờ và ông tôi, y như hai con dã tràng sau một đợt sóng biển” [19, tr.812]; “Một thân hình người dài nghêu, cong queo như cái gọng vó chui ra từ trong một cái túp lợp bằng những mảnh ny lông hoa, như một cái nơm úp trên mặt trảng cát khô” [19, tr.842] – đó là hình ảnh ông lão Bờ. Miêu tả Hoa – cô bé Mỹ lai: Nói tóm lại, chúng tôi coi “con Mỹ trắng” giống như một con cá nóc bị người ta thường vứt lăn lóc trên bãi cát. Khi Hoa bị bọn trẻ đánh thì “toàn thân nó run lẩy bẩy, tay chân cứ quờ quạng không biết bấu víu vào đâu, y như một con dã tràng bị lật ngửa phơi bụng lên trời” [19, tr.849]. Hình ảnh người ông ngoại trong tư thế chuẩn bị bắt cá qua mắt nhìn của Quy: “ôm tấm lưới trước bụng, cẳng chân co lên thu về sau, đang đứng im thít ngoài mép phá giữa bờ bụi đằng xa, như một con chim bói cá gầy guộc và đen đúa” [19, tr.856]. Ngay với những cảm nhận mang tính trừu tượng cũng được “hiện thực hóa” bằng những hình ảnh rất đỗi thân thuộc: “giữa hai con người ấy của đời tôi có một mối dây tình cảm đặc biệt còn sâu nặng hơn cả tình cha con, một niềm cô quạnh như bãi cát vắng bao trùm lên số phận đầy bi đát của cả hai…” [19, tr.893]; “Như một mối tình đã cắm rễ vào bãi cát từ thuở thơ bé, Hoa chỉ yêu tôi” [19, tr.992]; “Ngôi nhà chúng tôi tuy vẫn đứng nguyên một chỗ ấy nhưng trong ý niệm và dưới cái nhìn của tôi khi từ thành phố trở về, nó chẳng khác nào một chiếc thuyền đi trên dòng thời gian ào ạt và trắng xóa những lớp sóng biến cố ngoài năm mươi năm nay của những đời người thân của tôi” [19, tr.973]. Bút kí Những vùng trời khác nhau, trong những dòng khắc họa nhân vật Lê- một người con của đồng đất sông Lam, nhà văn như đã mang cả quê hương yêu dấu vào trong dáng nét con người: “Đôi gò má Lê sớm sạm nắng và nhô cao như một nhát đất cày. Tính tình Lê cũng thế, anh không quen thói viển vông, lãng mạn. Cái nhìn của Lê bao giờ cũng nghiêm khắc như một cơn gió Lào” [23, tr.59]. Nhìn vào lớp hình ảnh sự vật được đưa ra so sánh, người đọc dễ dàng nhận ra sắc thái và hương vị của làng quê miền Trung. Nói cách khác, quê hương ở đây đã được định vị bằng ngôn ngữ hình ảnh. Nhà văn đã sử dụng lớp ngôn ngữ mộc mạc, có khả năng gợi lên những đặc trưng văn hóa vốn đã ăn sâu trong tâm thức của người dân miền Trung. Đưa sự vật này so sánh với sự vật kia chủ yếu bằng chất liệu ngôn ngữ đời thường, một mặt Nguyễn Minh Châu đã nâng cấp tính bác học cho câu văn của mình, mặt khác chính ông kéo gần các sáng tác đó lại với đời sống, đó là lí do khiến cho ngôn ngữ trong tác phẩm của ông giàu tính biểu cảm. Mặt khác, chính từ thói quen quan sát, suy ngẫm mà ông đã vượt qua lối sao chụp bình thường, để khám phá trong đời sống của làng quê miền Trung những “luật sống”, “luật đời” có ý nghĩa phổ quát. Và sáng tác của ông thường đậm chất triết lí trong nội dung nói chung, trong câu văn nói riêng, lắm khi như một phát hiện bất ngờ: “Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!” [15, tr.132]. “Vị truyền giáo về đức tính kiên nhẫn khôn cùng cho muôn loài trên mặt đất này chính là con dã tràng. Con dã tràng thật là vĩ đại nếu nó chữa được tính cả sợ” [19, tr.766]. “Chiến tranh làm người ta hư đi hơn là làm người ta tốt lên” [15, tr.478]. Sâu sắc, lắng đọng bởi những câu mang ý nghĩa triết lý, văn Nguyễn Minh Châu còn sâu sắc và lắng đọng bởi nhịp điệu trần thuật mang đầy chất chiêm nghiệm, suy tư. Nếu trước đây ở thời kì đầu, ở những tác phẩm như Cửa sông, Dấu chân người lính, văn ông thường đi theo nhịp điệu nhanh của dòng thời gian trần thuật, phù hợp với việc phản ánh hiện thực thông qua tiến trình thì ở giai đoạn cuối, mạch trần thuật đã bị giãn cách, được tăng thêm những yếu tố phân tích, giải thích để chỉ ra sự không đồng nhất muôn thuở giữa con người và cuộc sống, để khám phá những tầng sâu bí ẩn trong tâm linh và nhân cách con người. Mảnh đất tình yêu là một khúc tráng ca về cuộc sống dữ dội và những con người nhân hậu, bất khuất ở một vùng đất khắc nghiệt với thiên tai, địch họa, với những gian truân, phức tạp trong cả hiện tại, quá khứ và tương lai. Tất cả những điều đó đã được Nguyễn Minh Châu thể hiện trong sự đan xen những lớp thời gian nghệ thuật khác nhau. Những biến cố lớn (từ vụ “nổ cửa” khủng khiếp đến việc người ông câu được con cá lớn, từ việc “sang ngang” của người mẹ tới cái chết của những người thân,…) không được chú trọng tới việc trần thuật theo tiến trình sự kiện mà được đặt trong sự chồng chéo của hồi ức, của suy tư và chính cách trần thuật đó đã làm chậm nhịp điệu trần thuật, dãn cách mạch trần thuật, gieo vào lòng người những trăn trở day dứt kể cả khi dòng trần thuật đã kết thúc. Với Cỏ lau, Phiên chợ Giát, mạch trần thuật chậm lại bởi những lớp thời gian nghệ thuật chồng chéo giữa hiện tại với quá khứ, giữa thực tế và giả tưởng, những hồi ức trùng điệp…làm hiện lên những số phận cá nhân, khắc họa những thân phận đời tư cùng bao éo le, chìm nổi. Thời gian trần thuật trong Phiên chợ Giát thực tế chỉ độ năm, sáu giờ đồng hồ, từ lúc lão Khúng thức dậy cho đến khoảng 7 giờ sáng , không gian cũng chỉ hữu hạn từ nhà lão đến chợ cầu Giát, nhưng truyện ngắn đã mở ra trong bề dày trùng điệp của những lớp thời gian trong cõi tâm linh mụ mị, u ẩn của lão Khúng, trong những không gian mênh mông của suy tư và giả tưởng…Nhịp điệu trần thuật miên man trong mộng mị, trong những suy ngẫm triết lí, những hồi tưởng “hỗn tạp và lộn xộn” đầy cay đắng, nhọc nhằn của cuộc đời lão Khúng. Xuyên qua lớp thời gian trần thuật là lịch sử nặng nề của cả một số phận, một gia đình, là những năm tháng đầy máu và nước mắt của cộng đồng, và trùm lấp lên hết cả là sự tuần hoàn bức bối của số phận con người, của những kiếp người. Chính nhờ sự làm chậm lại và giãn cách nhịp điệu trần thuật, Nguyễn Minh Châu đã đem đến cho tác phẩm của ông một sức mạnh mới, đó là sự tác động vào thế giới nội tâm của người đọc, buộc người đọc không chỉ chứng kiến câu chuyện xảy ra mà phải can thiệp bằng cách tìm hiểu, suy ngẫm những vấn đề đặt ra trong tác phẩm với tất cả trái tim và trí tuệ của mình, huy động những năng lực sâu xa nhất của suy tư, chiêm nghiệm, lí giải,…Người đọc phải đọc tác phẩm không chỉ bằng mắt mà bằng cả tâm linh để cùng tác giả khám phá những bề sâu bí ẩn của cuộc sống, con người miền Trung. Ngôn ngữ trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu được nuôi dưỡng trong lòng tiếng nói của đời sống nên gần gũi với cuộc sống dầu rằng đó là một thứ ngôn ngữ được tinh lọc. Nhà văn đã diễn tả sinh động khung cảnh quê hương và lưu giữ được linh hồn vùng đất miền Trung qua việc sử dụng ngôn ngữ. Nói cách khác, ngôn ngữ ở đây đã bao chứa cái nhìn và sự thấu hiểu máu thịt về vùng đất quê hương. Tiểu kết Thể hiện văn hóa và con người miền Trung, Nguyễn Minh Châu đã không đi theo lối kể truyền thống là bám vào cốt truyện và nhân vật, trình bày hiện thực một cách đơn giản mà đã có những đổi mới phá cách đáng kể; để tác phẩm vừa là những câu chuyện chân thực, vừa có những đặc trưng thẩm mĩ và giá trị nghệ thuật nhất định. Những trang đi sâu vào miêu tả tâm lí nhân vật, khắc họa nhân vật qua những độc thoại nội tâm, thậm chí những nét vẽ ngoại hình cũng nhằm khắc họa rõ hơn nét tính cách bên trong của nhân vật đã khiến con người miền Trung hiện lên thật sắc nét và ám ảnh. Việc xây dựng nhân vật thể hiện phẩm chất văn hóa, cách lựa chọn ngôn ngữ mang sắc thái văn hóa …chính là nỗ lực của Nguyễn Minh Châu trong việc khắc họa và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất và con người quê hương. Dù vậy, đặc điểm nghệ thuật đáng lưu ý nhất của nhà văn là nghệ thuật làm mới những ẩn dụ, biểu tượng. Nguyễn Minh Châu đã nâng cấp và biến những biểu tượng, ẩn dụ quen thuộc như hòn vọng phu, dã tràng, cỏ lau…thành như một thứ “đặc sản”, có giá trị biểu trưng cho nét đẹp văn hóa và con người của vùng đất quê hương. Đây thực sự là những đóng góp đáng trân trọng và tự hào của nhà văn. Quan trọng hơn nữa, giá trị những tác phẩm những năm 80 viết về miền Trung của Nguyễn Minh Châu không chỉ nằm ở ngôn ngữ hay nhân vật hay những ẩn dụ biểu tượng mà bao la hơn là những gì ở đằng sau nó: là linh hồn, truyền thống văn hóa miền Trung, là vẻ đẹp căn cốt và bền vững của đất và người nơi đây. KẾT LUẬN 1. Nguyễn Minh Châu viết về văn hóa và con người miền Trung không phải như một nhiệm vụ bắt buộc mà hoàn toàn do kí ức văn hóa tồn tại rất riêng tư và tình cảm tự nhiên của chính nhà văn chi phối. Biểu hiện cụ thể của cảm hứng văn hóa trong tác phẩm Nguyễn Minh Châu là sự nhất quán trong việc lựa chọn đề tài thể hiện nhân vật, bối cảnh hiện thực…gắn liền với đặc trưng văn hóa miền Trung. Nhà văn Nguyễn Kiên từng nhận xét về mối dây gắn kết đặc biệt giữa Nguyễn Minh Châu với dải đất miền Trung: “Anh đặc biệt rung động trước những số phận gắn bó với mảnh đất miền Trung khắc khổ, thi vị, anh hùng. Ở đây có những kỉ niệm quê hương của bản thân anh” [59, tr.124]. Có thể nói, thổ ngơi, mùi vị, cuộc sống, nếp sinh hoạt của vùng đất miền Trung là đề tài, là nguồn cảm hứng dường như không bao giờ cạn cho những trang viết của Nguyễn Minh Châu. Chính ông từng tâm sự về niềm say mê viết về vùng đất Quảng Trị và mảnh đất xứ Nghệ quê hương. Đây chính là nguyên nhân để văn chương ông còn lưu giữ được hình ảnh con người và những nét đẹp văn hóa của vùng đất miền Trung trong dòng chảy mải miết của thời gian. Bằng sự khám phá ra vẻ đẹp của thiên nhiên, đặc điểm lịch sử, những khác biệt trong sinh hoạt, tập quán của người dân qua tác phẩm, Nguyễn Minh Châu đã định vị được quê hương ruột thịt của mình trên bản đồ văn chương và trong lòng công chúng. Cũng giống như khi nhắc đến Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, nhắc đến tên nhà văn Nguyễn Minh Châu là người đọc có thể liên tưởng đến đặc trưng văn hóa vùng đất miền Trung - xứ Nghệ. Dù bản thân các giá trị văn hóa dân tộc hay tấm lòng tha thiết với quê hương không làm nên tên tuổi nhà văn hay quyết định cho sự thành công của tác phẩm nhưng riêng với Nguyễn Minh Châu, vai trò của kí ức văn hóa và ý thức lưu giữ văn hóa miền Trung của nhà văn có ý nghĩa quan trọng. 2. Đối với sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu những năm 80, những nét đặc sắc của văn hóa và con người miền Trung vừa là cảm hứng vừa là bản chất của văn chương ông. Qua hệ thống các tác phẩm, ông đã thể hiện tình yêu và sự gắn bó tha thiết với mảnh đất quê hương, nhất là thể hiện được tầm nhìn, tầm am hiểu hết sức lịch lãm và uyên bác về văn hóa và con người miền Trung. Miguel de Cervantes Saavedra, một nhà văn lớn của Tây Ban Nha đã từng nói: “những gì mà chúng ta học được từ tuổi thơ thì sẽ còn mãi”. Điều này cũng có nghĩa là những gì mà kí ức văn hóa lưu giữ được thì sẽ khó phai tàn. Những gì lưu giữ được từ tuổi thơ, từ sinh hoạt gia đình, tập tục làng xóm…trở nên sống động và thôi thúc nhà văn tái hiện lại qua tác phẩm. Những tác phẩm như Mảnh đất tình yêu, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, Cỏ lau…chính đã được viết ra từ sự thôi thúc đó. Nguyễn Minh Châu viết về miền quê ruột thịt của mình khi đang sống và làm việc tại Hà Nội. Trong khoảng cách về không gian và thời gian ấy, tâm tưởng nhà văn thường xuyên quay về với mảnh đất quê hương để thương nhớ, để chiêm nghiệm và phát hiện ra những thứ thú vị về văn hóa của địa phương mình. Việc lưu giữ trong tác phẩm mình những đặc điểm văn hóa, nếp sinh hoạt của người dân với nhà văn không chỉ là trách nhiệm với quê hương mà có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì, tiếp nối truyền thống. Nguyễn Minh Châu dù xa quê hương nhưng luôn mang theo trong kí ức hình ảnh quê hương và những đặc trưng văn hóa miền Trung. Những bức tranh sống động về cảnh vật và con người quê hương trong Mảnh đất tình yêu, Cỏ lau, Khách ở quê ra… chính là vẻ đẹp của đời sống văn hóa. Sức hấp dẫn vững bền của tác phẩm không chỉ xuất phát từ dòng cảm xúc chân thành tha thiết của nhà văn mà còn ở phong vị văn hóa, truyền thống văn hóa quê hương mà nhà văn thấm nhuần từ máu thịt. Cái không khí rộn ràng mà thiêng liêng, thành kính trong những ngày giỗ trận ở làng Hiền An hay hình ảnh những con người vật lộn với cỏ lau, với sóng gió, với đất đai, với hoang vu để sinh tồn đã gây ấn tượng cho người đọc về cuộc sống và nếp sinh hoạt ở các làng quê miền Trung. Như vậy, quê hương và môi trường văn hóa của quê hương đã có tác động quan trọng đến cảm hứng văn hóa của Nguyên Minh Châu, đó cũng là cơ sở để nhà văn tận dụng khai thác từ kí ức văn hóa của bản thân thành một nguồn tư liệu sống cho sáng tác. Cảm hứng văn hóa hay kí ức văn hóa có ý nghĩa đối với sự thành công của Nguyễn Minh Châu. Việc nhà văn khắc họa những con người đời thường, mộc mạc gắn với đất đai, quê kiểng, gắn với tự nhiên hoang sơ và tập quán nông nghiệp lâu đời cũng đồng nghĩa với việc khẳng định sự tồn tại của những giá trị tinh thần, mang tính căn bản và truyền thống. Cảm hứng văn hóa dồi dào, phong phú, tư tưởng nghệ thuật nhất quán cộng với tài năng sáng tạo đã khiến Nguyễn Minh Châu làm mới được tác phẩm của mình; đem đến điều căn bản nhất ngoài tình quyến luyến với quê hương là những giá trị văn hóa vững bền của dải đất miền Trung. Giá trị văn hóa không chỉ tồn tại trong kí ức qua sự lưu giữ tự nhiên của nhà văn để biến thành cảm hứng sáng tác. Giá trị văn hóa tồn tại trong tác phẩm mang vẻ đẹp của nghệ thuật văn chương, tác động đến nhận thức, thẩm mĩ của người đọc, đem đến cho người đọc cảm nhận về cái đẹp tự nhiên, giản dị, thân thuộc của văn hóa dân tộc. Nguyễn Minh Châu dường như có quan niệm giá trị văn hóa nằm trong cuộc sống bình dân, thường nhật. Cái đẹp của văn hóa, của con người miền Trung trong tác phẩm Nguyễn Minh Châu chính là phần nguyên sơ, phần thô hơn là phần tinh, phần được chọn lựa, chắt lọc từ cuộc sống. Con người trong tác phẩm không thiên về tài hoa cá biệt hay phẩm cách độc đáo, cũng không đại diện hay tiêu biểu cho cộng đồng, số đông; mà họ là sự tiếp nối tự nhiên với những quan hệ có sẵn, hướng đến việc giữ gìn những quan hệ ấy. Những người như ông ngoại bé Quy, Thai, Lực, Khúng…là hiện thân cụ thể, giản dị của đời sống nông thôn, của văn hóa làng xã miền Trung. Nguyễn Minh Châu là một nhà văn quân đội và tên tuổi ông khởi đầu gắn với nhân vật người lính nhưng cái làm nên sự bất tử cho ngòi bút của ông lại chính là những nhân vật nông dân quê mùa gắn với đất đai, làng xóm. Ngoài lão Khúng trật trưỡng, ngất ngưởng trong hai thiên tuyệt bút cuối đời của Nguyễn Minh Châu thì đó còn là ông ngoại bé Quy, là Thai, là Lực – người nông dân mặc áo lính…Khi viết về những con người dân dã, bình thường Nguyễn Minh Châu đã thể hiện sự nhận thức về cái đẹp có giá trị của văn hóa dân tộc, của tình quê đậm đà. Lặp đi lặp lại trong các tác phẩm là chuyện trồng trọt, cấy hái, chuyện đi khơi, đi biển, chuyện thờ cúng, mồ mả…đó chính là cái đẹp tự nhiên của con người mang phong vị làng quê. Vẻ đẹp của vùng đất miền Trung hiển hiện trên trang viết Nguyễn Minh Châu là vẻ đẹp của một truyền thống văn hóa cũng là của một bản lĩnh văn hóa đầy kiêu hãnh. Thành công của Nguyễn Minh Châu trong việc thể hiện con người miền Trung là khẳng định được những phẩm chất văn hóa truyền thống qua con người, coi con người là một hiện tượng văn hóa, cụ thể hơn là biểu hiện độc đáo của văn hóa bản địa. Con người miền Trung trước hết được nhìn nhận như là sản phẩm của môi trường văn hóa, chịu tác động bởi những yếu tố tự nhiên, xã hội. Ở phương diện này nhà văn đã lí giải hết sức thuyết phục về sự tác động của điều kiện tự nhiên tới sự hình thành tính cách của những con người miền Trung. Nét tính cách cần cù, gan góc đôi khi đến thành táo bạo, liều lĩnh hay bản tính chất phác, bộc trực, mạnh mẽ của người dân nơi đây chính là sản phẩm của môi trường thiên nhiên tồn tại quá nhiều khắc nghiệt. Bên cạnh đó, con người gắn bó mật thiết với vùng đất quê hương, tiếp nhận và lưu giữ các giá trị văn hóa tồn tại trên vùng đất ấy một cách tự nhiên. Trong tư cách chủ thể văn hóa, con người miền Trung được nhà văn soi chiếu trong mối quan hệ đa chiều giữa cá nhân và con người trong quan hệ gia đình, cộng đồng, làng xã, trong quan hệ với những giá trị truyền thống, với cả những thách thức của cuộc sống hôm nay…Trong những mối tương quan đó, hiện thực trong tác phẩm càng được nới rộng hơn, nó bao gồm cả hiện thực xã hội, hiện thực tâm lí và hiện thực tâm linh. Và vì vậy cuộc đời và con người miền Trung trong sáng tác Nguyễn Minh Châu được hiện lên với tất cả tầng sâu nhân bản và những vấn đề được đặt ra trong tác phẩm đạt tới tầm của những triết lí nhân sinh. 3. Nói đến tác phẩm văn chương là nói tới những đóng góp về nghệ thuật. Trong việc khám phá văn hóa và con người miền Trung, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đã đạt được một số thành công nhất định về nghệ thuật xây dựng nhân vật, về hệ thống hình ảnh ẩn dụ tượng trưng, về ngôn ngữ. Những nét vẽ ngoại hình sinh động cùng những trang miêu tả tâm lí, những dòng độc thoại nội tâm đã khiến những nhân vật như Lực, như lão Khúng trở nên bất tử. Đặc biệt ấn tượng trên trang viết Nguyễn Minh Châu là những ẩn dụ, tượng trưng. Đây thực sự là những tín hiệu thẩm mĩ để thể hiện cảm hứng văn hóa của nhà văn, thể hiện con người và những đặc trưng văn hóa của dải đất miền Trung. Những biểu tượng như cỏ lau, hòn vọng phu, dã tràng, bò khoang, tiếng xe cút kít… đi vào trang viết Nguyễn Minh Châu như nói bao điều về vùng đất và con người miền Trung, có sức ám ảnh và đạt được tầm cao của triết lí TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Duy Anh (2002), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 2. Toan Ánh (2002), Văn hoá Việt Nam- những nét đại cương, Nxb Văn học. 3. Toan Ánh (1999), Hương nước hồn quê, Nxb Thanh niên, Tp.HCM. 4. Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. 5. Trần Lê Bảo (2009), Giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học, Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc, Số 2-2009. 6. Nguyễn Duy Bắc (2006), Cảm nhận về văn hoá và văn học trong hành trình đổi mới, Nxb Văn hoá dân tộc, Hội VHNT Lạng Sơn. 7. Bakhtin.M (1990), Các vấn đề của khoa học văn học, Nxb KHXH, Hà Nội. 8. Bakhtin.M (1992), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Bộ văn hoá thông tin, Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản, Hà Nội. 9. Bakhtin.M (1993), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 10. Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb Tp.HCM (tái bản). 11. Nguyễn Minh Châu (1967), Cửa sông, Nxb Văn học. 12. Nguyễn Minh Châu (1977), Miền cháy (tiểu thuyết), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 13. Nguyễn Minh Châu (1983), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (tập truyện ngắn), Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. 14. Nguyễn Minh Châu (1995), Trang giấy trước đèn- Tập phê bình tiểu luận, Nxb KHXH, Hà Nội. 15. Nguyễn Minh Châu (1999), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn học, Hà Nội. 16. Nguyễn Minh Châu (2001), Dấu chân người lính, Nxb Văn học, Hà Nội. 17. Nguyễn Minh Châu (2001), Lửa từ những ngôi nhà, (trích từ Nguyễn Minh Châu toàn tập, Tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội. 18. Nguyễn Minh Châu (2001), Những người đi từ trong rừng ra, (trích từ Nguyễn Minh Châu toàn tập, Tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội. 19. Nguyễn Minh Châu (2001), Mảnh đất tình yêu, (trích từ Nguyễn Minh Châu toàn tập, Tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội. 20. Nguyễn Minh Châu (1994), Tuyển tập Nguyễn Minh Châu, Nxb Văn Học, Hà Nội. 21. Nguyễn Minh Châu toàn tập (2001), tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội. 22. Nguyễn Minh Châu toàn tập (2001), tập 3, Nxb Văn học, Hà Nội. 23. Nguyễn Minh Châu toàn tập (2001), tập 4, Nxb Văn học, Hà Nội. 24. Nguyễn Minh Châu toàn tập (2001), tập 5, Nxb Văn học, Hà Nội. 25. Nguyễn Minh Châu (2010), Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội. 26. Nguyễn Từ Chi (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 27. Trường Chinh (2006), Về văn hoá văn nghệ (Kỉ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh), Nxb Văn học, Hà Nội. 28. Nguyễn Văn Dân (2004), “Tiếp cận văn học bằng văn hóa học”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 11/2004. 29. Chu Xuân Diên (2002), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb ĐHQG, Tp.HCM. 30. Nguyễn Đăng Duy (2001), Văn hóa tâm linh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 31. Nguyễn Đăng Duy (2005), Một số vấn đề văn hóa Việt Nam – truyền thống và hiện đại, Nxb Lao động, Hà Nội. 32. Phạm Văn Đồng (2006), Về văn hóa và văn học nghệ thuật, Nxb Văn học, Hà Nội. 33. Hà Minh Đức (2007), “Giá trị văn hóa, nhận thức và chuyển đổi”, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2007. 34. Tiêu Minh Đương (2002), Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện Nguyễn Minh Châu, Luận văn thạc sĩ, ĐHSP Tp.HCM. 35. M.Gorki (1976), Bàn về văn học, Nxb Văn học, Hà Nội. 36. Ninh Viết Giao (2008), Câu đố Việt Nam, Nxb Sử Địa, Hà Nội. 37. Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Thị Bình (1995), Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Hà Nội. 38. Lê Thị Đức Hạnh (1999), Mấy vấn đề trong văn học hiện đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 39. Nguyễn Văn Hạnh (1993), Nguyễn Minh Châu những năm 80 và sự đổi mới cách nhìn về con người, Tạp chí văn học số 3/1993. 40. Nguyễn Văn Hạnh – Huỳnh Như Phương (1995), Lý luận văn học – Vấn đề và suy nghĩ, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 41. Nguyễn Văn Hạnh (2002), Văn học và văn hóa – Vấn đề và suy nghĩ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 42. Nguyễn Văn Hạnh (2007), “Văn hóa như là nguồn mạch sáng tạo và khám phá văn chương”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 1/2007. 43. Hoàng Ngọc Hiến (2006), Văn học…gần và xa, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 44. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên) (2004), Từ điển văn học, Nxb Thế giới. 45. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện (lí luận), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 46. Nguyễn Trọng Hoàn (2002), Tiếp cận văn học, Nxb KHXH. 47. Nguyễn Trọng Hoàn (2007), Nguyễn Minh Châu - về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 48. Võ Hồng (2003), Tuyển tập Võ Hồng, Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Văn nghệ, Tp.HCM. 49. Đoàn Hương (1996), “Thử giải mã văn học Việt Nam theo tinh thần văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Đông”, Tạp chí Văn học số 3/1996. 50. Mai Hương (tuyển chọn) (2001), Nguyễn Minh Châu- tài năng và sáng tạo nghệ thuật, Nxb VHTT, Hà Nội. 51. Lê Thị Hường (2008), Chuyên đề dạy- học ngữ văn 12: Chiếc thuyền ngoài xa, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 52. Trần Đình Hượu – Lê Chí Dũng (1988), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900- 1930, Nxb Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội. 53. Nguyễn Xuân Kính (2006), “Văn hóa cổ truyền, văn hóa truyền thống và truyền thống văn hóa”, Tạp chí văn hóa dân gian số 4/2006. 54. Nguyễn Văn Kha (2004), Nguyễn Minh Châu – Nhà văn chiến sĩ, Nxb Trẻ- Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp.HCM. 55. Nguyễn Văn Kha (2006), Đổi mới quan niệm về con người trong truyện Việt Nam 1975- 2000, Nxb ĐHQG Tp.HCM. 56. Nguyễn Khải (1993), Một thời gió bụi, Nxb Lao động. 57. Khrapchencô M.B (1984), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người, Nxb KHXH, Hà Nội. 58. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (1993), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 59. Tôn Phương Lan- Lại Nguyên Ân (biên soạn) (1991), Nguyễn Minh Châu- con người và tác phẩm, Nxb Hội nhà văn. 60. Tôn Phương Lan (2002), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu, Nxb KHXH. 61. Phong Lê (1994), Văn học trong hành trình tinh thần của con người, Nxb Lao động, Hà Nội. 62. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (2006), Văn học Việt Nam sau 1975- Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 63. PGS. Nguyễn Văn Long, TS. Trịnh Thu Tuyết (2007), Nguyễn Minh Châu và công cuộc đổi mới văn học Việt Nam sau 1975, Nxb ĐHSP, Hà Nội. 64. Trường Lưu (1999), Văn học trong hành trình văn hoá, Viện văn hoá, Nxb VHTT. 65. Phương Lựu (1997), Tiếp nhận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 66. Mác-Ăngghen-Lênin (1997), Về văn học nghệ thuật, Nxb Sự thật, Hà Nội. 67. Nguyễn Đăng Mạnh (1994), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 68. Lê Thị Hồng Minh (2002), Ngôn ngữ nhân vật trong truyện thơ Nôm bác học, Luận án tiến sĩ Ngữ Văn, ĐHSP Tp.HCM. 69. Sơn Nam (2003), Hương rừng Cà Mau (tập truyện ngắn), Nxb Trẻ, Tp.HCM. 70. Phùng Quí Nhâm (2002), Cơ sở văn hoá Việt Nam, trường ĐHSP Tp.HCM. 71. Phùng Quý Nhâm (2003), Văn học và văn hóa – từ một góc nhìn, Văn học và Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Tp.HCM. 72. Trần Thị Mai Nhi (1994), Văn học hiện đại – Văn học Việt Nam – Giao lưu gặp gỡ, Nxb Văn học, Hà Nội. 73. Nhiều tác giả (1984), Lịch sử Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ Tĩnh, Vinh. 74. Nhiều tác giả (1995), Kỉ yếu hội thảo nhân 5 năm ngày mất Nguyễn Minh Châu, Hội văn nghệ Nghệ An, Nghệ An. 75. Nhiều tác giả (1998), Văn miền Trung thế kỉ XX, Tập 1, 2, Nxb Đà Nẵng. 76. Nhiều tác giả (1999), 50 năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, NXB ĐHQG, Hà Nội. 77. Nhiều tác giả (2000), Phác thảo chân dung văn hoá Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 78. Nhiều tác giả (2004), Đất và người duyên hải miền Trung, Nxb Tp.HCM, Tạp chí Xưa và nay, Nxb Tổng hợp Tp.HCM. 79. Nhiều tác giả (2006), Vẻ đẹp văn học cách mạng, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 80. Nguyên Ngọc (1991), “Văn xuôi sau 1975 – Thử thăm dò đôi nét về quy luật phát triển”, Tạp chí văn học số 4/1991. 81. Phan Ngọc (1994), Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb Văn hóa- Thông tin, Hà Nội. 82. Phan Ngọc (1998), “Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa”, Tạp chí văn học số 9/1998. 83. Phan Ngọc (1999), Một cách tiếp cận văn hóa, Thanh niên, Hà Nội. 84. Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Văn hóa thông tin, Hà Nội. 85. Lê Thành Nghị (1994), Văn học – Sáng tạo và tiếp nhận, Nxb QĐND, Hà Nội. 86. Lê Bá Thảo (2003), Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 87. Lê Bá Thảo (2002), Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lí, Nxb Thế giới. 88. Ngô Thảo (2003), Văn học về người lính, Nxb QĐND, Hà Nội. 89. Đào Thản (1994), “Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong văn xuôi”, Tạp chí văn học số 2/1994. 90. Tuấn Thành, Vũ Nguyễn (tuyển chọn) (2007), Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu- tác phẩm và lời bình, Nxb Văn học, Hà Nội. 91. Bùi Việt Thắng (1991), Văn xuôi gần đây và quan niệm về con người, Tạp chí văn học số 6/1991. 92. Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Tp.HCM. 93. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 94. Trần Nho Thìn (2007), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 95. Đỗ Lai Thúy (1999), Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 96. Phan Trọng Thưởng (2001), Văn chương tiến trình, tác giả- tác phẩm, Nxb KHXH, Hà Nội. 97. Lê Ngọc Trà (Tập hợp và giới thiệu) (2001), Văn hoá Việt Nam- Đặc trưng và cách tiếp cận, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 98. Lê Ngọc Trà (2002), Thách thức của sáng tạo – Thách thức của văn hóa, Nxb Thanh niên, Tp.HCM. 99. Lê Ngọc Trà (2005), Lí luận và văn học, Nxb Trẻ, Tp.HCM (tái bản). 100. Lê Ngọc Trà (2007), Văn chương, thẩm mỹ và văn hóa, Nxb Giáo dục, Tp.HCM. 101. Hoàng Trinh (chủ biên) (1993), Phương pháp luận về vai trò của văn hóa trong sự phát triển, Nxb KHXH, Hà Nội. 102. Cù Đình Tú (2003), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 103. E.B.Tylor (2001), Văn hóa nguyên thủy, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bản dịch của Huyền Giang). 104. Chu Văn Sơn (1993), “Đường tới Cỏ lau”, Báo văn nghệ số 42, 16.10.1993. 105. Trần Đình Sử, Lê Bá Hán (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 106. Trần Đình Sử (1993), Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Vụ Giáo viên, Hà Nội. 107. Trần Đình Sử (Chủ biên) (2004), Tự sự học- Một số vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb ĐHSP, Hà Nội. 108. Lê Thị Văn (2001), Đặc trưng truyện ngắn Việt Nam từ 1975 đến đầu thập niên 90, Luận án tiến sĩ, ĐHSP Tp.HCM. 109. Lê Trí Viễn (2006), Một đời dạy văn, viết văn, Tập 5, Nxb Giáo dục. 110. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (1998), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục. 111. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb VHDT, tạp chí Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội. 112. Trần Quốc Vượng (2005), Môi trường, con người và văn hoá, Nxb VHTT và Viện văn hoá. 113. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2007), “Đi tìm cổ mẫu trong văn học Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2007. 114. Nguyễn Văn Xuân (2002), Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Nxb Đà Nẵng. NHỮNG TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN MINH CHÂU ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG LUẬN VĂN. 1. Cửa sông (tiểu thuyết, Nxb Văn học, Hà Nội, 1967). 2. Miền cháy (tiểu thuyết, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội,1977). 3. Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (tập truyện ngắn, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1983). 4. Trang giấy trước đèn (tập phê bình tiểu luận, Nxb KHXH, Hà Nội, 1995). 5. Tuyển tập truyện ngắn (Nxb Văn học, Hà Nội, 1999). 6. Dấu chân người lính (Nxb Văn học, Hà Nội, 2001). 7. Những người đi từ trong rừng ra (trích từ Nguyễn Minh Châu toàn tập, Tập 2 (từ tr.283 – tr.760), Nxb Văn học, 2001). 8. Mảnh đất tình yêu (trích từ Nguyễn Minh Châu toàn tập, Tập 2 (từ tr.763 – tr.1103), Nxb Văn học, 2001). 9. Nguyễn Minh Châu toàn tập ( tập 1, Nxb Văn học, 2001). 10. Nguyễn Minh Châu toàn tập (tập 3, Nxb Văn học, 2001). 11. Nguyễn Minh Châu toàn tập (tập 4, Nxb Văn học, 2001). Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) Vợ chồng nhà văn Nguyễn Minh Châu thời trẻ Cảng cá Lạch Quèn – quê hương nhà văn .

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHVN063.pdf
Tài liệu liên quan