Nghiên cứu tôn giáo - Cải cách của Võ Vương Nguyễn phúc khoát thế kỷ XVIII và con đường đến với nho giáo ở đàng trong

Tuy nhiên, càng về sau, tư tưởng Nho giáo càng thể hiện rõ sự ảnh hưởng trong triều đình Đại Việt. Thời Lê (1427 - 1789), đặc biệt là dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Nho giáo được đưa lên địa vị thống trị tuyệt đối với việc tăng cường giáo dục Nho học và khoa cử Nho học43, chuẩn định trang phục và củng cố hoạt động nghi lễ một cách quy củ trong xã hội, đặc biệt là các nghi lễ Nho giáo như tế Văn Miếu44, tế Nam Giao, tế Xã Tắc. Tháng Giêng năm 1462, lễ tế Giao đầu tiên thời Lê được vua Lê Thánh Tông tổ chức. Từ đó, lễ tế này thành lệ thường tổ chức đầu xuân hằng năm. Ngoài ra, nhà Lê cũng tế trời đất vào một số dịp trọng đại của triều đình như lễ đăng quang, lễ đón năm mới, v.v Bên cạnh đó, tư tưởng Nho giáo còn được phản ánh rõ nét qua việc bước đầu thiết lập quy chế về chế độ mũ miện của quan lại và màu sắc trang phục dân chúng được phép mặc. Phan Huy Chú nhận xét: “Nếu văn sức không đủ thì thể cách không tôn, cho nên kẻ vương giả giảng định lễ nghi thì nên trước hết định chế độ mũ miện”45. Theo khảo cứu của nhà sử học này, quy chế về trang phục của thời Lý - Trần còn khá đơn giản, thậm chí “đến Lý Cao Tông mới cấm nhân dân trong nước không được mặc áo sắc vàng, thế thì áo hoàng bào trước kia chưa phải đồ dùng riêng của vua”46. Đến thời Lê, những quy chế về mũ áo thể hiện rõ ảnh hưởng của Nho giáo

pdf16 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 569 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Cải cách của Võ Vương Nguyễn phúc khoát thế kỷ XVIII và con đường đến với nho giáo ở đàng trong, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
62 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 HUỲNH THỊ ANH VÂN* CẢI CÁCH CỦA VÕ VƯƠNG NGUYỄN PHÚC KHOÁT THẾ KỶ XVIII VÀ CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI NHO GIÁO Ở ĐÀNG TRONG Tóm tắt: Sau gần 200 năm kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến Thuận Hóa, các chúa Nguyễn đã giữ vững và không ngừng mở rộng lãnh thổ về phía Nam, đồng thời tự thích ứng với hoàn cảnh mới để tồn tại và phát triển. Cuộc cải cách vào giữa thế kỷ XVIII của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, bộ máy tổ chức nhà nước, v.v với việc thay đổi trang phục, đặt lại niên hiệu và nhất là vận dụng triết lý và nguyên tắc trị nước của Nho giáo là kết quả tất yếu của một quá trình thâm nhập và lan tỏa ảnh hưởng của Nho giáo ở Đàng Trong. Đây là sự lựa chọn mang tính quyết định nhằm khẳng định tính chính danh và hợp pháp của chúa Nguyễn trên toàn bộ lãnh thổ, đặc biệt là ở những vùng đất mới. Từ khóa: Đàng Trong, Nho giáo, Nguyễn Phúc Khoát, thế kỷ XVIII. 1. Dẫn nhập Trong bài viết “Thay đổi trang phục dưới thời Võ Vương hay là sự khủng hoảng về tôn giáo vào thế kỷ XVIII”, Những người bạn cố đô Huế/ BAVH 1915, L. Cadière đã tìm cách lý giải sự kiện Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 -1765) ban bố đạo luật thay đổi trang phục của dân chúng Đàng Trong (An Nam) dựa trên những thông tin mà ông tập hợp được, chủ yếu là ở khía cạnh tôn giáo. Dựa vào một số tài liệu của các linh mục Koffler và Fabre về sự mâu thuẫn giữa những người theo Phật giáo và những người theo Công giáo đương thời. L. Cadière nhận định, những thiên tai như núi lở, động đất, bồi lấp cửa sông1 đều được cho là “sự nổi giận của Trời”, là “tai họa giáng xuống do bởi các thần linh tức giận và ganh ghét đối với con dân của vua đã từ bỏ cúng bái và thiết lập bàn thờ để thờ các thần linh xa lạ của những người Tây * ThS., Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Huỳnh Thị Anh Vân. Cải cách của Võ vương 63 Phương là những người đi xâm chiếm vương quốc”. Trong tình hình ấy, “các nhà sư đã cố gắng để kéo vị vua mới về phía chống lại Công giáo”2. Ông cho rằng, “hình như vào thời đó nước An Nam đang lâm vào một sự khủng hoảng tôn giáo, một cơn sốt về những lời tiên tri. Người ta cứ chờ đợi một việc gì sẽ xảy ra và tất cả sự kiện xảy đến bình thường hay kỳ lạ đều cho là liên quan đến sự chờ đợi sốt ruột ấy”3. Mặt khác, để lý giải vấn đề, L. Cadière nhắc đến một lời sấm truyền “Bát thế hoàn trung đô” như một trong những cơ sở cốt yếu nhất để Võ Vương đưa ra quyết định này. Ông dẫn lời của Johannis Koffler trong một câu chuyện kể về hoàn cảnh Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tiếp nhận lời tiên tri: “Xuất phát từ một lời tiên tri, hay nhiều lời tiên tri được loan truyền trong dân gian nên đã có những cải cách ấy [...]. Mới xem qua tình hình như mối liên quan chỉ có trong việc thay đổi trang phục. Nhưng nếu xét kỹ hơn về hai câu nói của nhà viết sử như vừa nêu trên4, cũng như nhận xét về vị trí của hai câu nói đó, sau khi đã kể tên mọi sự thay đổi mà Võ Vương đã làm, thì người ta thấy các thay đổi đó đều có liên quan chặt chẽ đến lời tiên tri. Chính vì lời tiên tri đó mà Võ Vương cũng như dân bắt đầu hình thành một kỷ nguyên mới”5. Những thay đổi, theo cách gọi của L. Cadière là “cải cách”, là “để thay đổi cái tình thế đã xảy ra những đồn đại lan tràn trong vương quốc”6. Đi vào chi tiết, có thể hình dung hình thức trang phục mà Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát yêu cầu dân chúng thay đổi như sau: “Nam nữ sĩ thứ trong nước đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi quần chân áo chít bắt đầu từ đây. Trang phục nhà cửa đồ dùng hơi giống thể chế Minh Thanh, thay đổi hết thói cũ hủ lậu của Bắc Hà, thay đổi quan phục tham khảo chế độ của các triều đại Trung Quốc, chế ra phẩm phục thường triều, đại triều, lấy làm mô thức, ban hành trong nước, văn chất đủ vẻ”7. Tuy nhiên, nhìn lại bối cảnh thời kỳ này, việc Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho thay đổi trang phục và thực hiện cải cách khác trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội không chỉ là sự đối phó nhất thời trước lời tiên tri, mà còn là kết quả tất yếu của một quá trình vận động và biến đổi trong đời sống chính trị, xã hội Đàng Trong đã bắt đầu xuất hiện từ trước đó khá lâu, đặc biệt là về mặt tư tưởng. Sự cải cách thời Võ Vương là sự thay đổi về tư duy chính trị và chuyển hướng sang tư tưởng Nho giáo, thể hiện rõ nét nhất qua việc đổi chính sóc, thay trang phục, đặt lại niên hiệu 64 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 và nhất là bắt đầu vận dụng triết lý và nguyên tắc trị nước của Nho giáo vào việc vận hành chính quyền Đàng Trong. 2. Bối cảnh xã hội Đàng Trong, tiền đề của cuộc cải cách thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát Buổi đầu, chính quyền chúa Nguyễn được hình thành với cơ cấu tổ chức theo hình thức Tam ty (từ năm 1614) khá đơn giản, bao gồm các cơ quan trông coi về việc hình án, thu thuế, phát lương và tế tự lễ tiết. Trong đó, Ty Xá sai coi việc văn án từ tụng, do Đô tri và Ký lục giữ; Ty Tướng thần coi việc trưng thu tiền thóc, phát lương cho quân các đạo, do Cai bạ giữ; Ty Lệnh sử coi việc tế tự lễ tiết và chi cấp lương cho quân chính dinh, do Nha úy giữ. Về nhân viên, mỗi ty có 3 câu kê, 7 cai hợp, 10 thủ hợp, 40 ty lại. Lại đặt Ty Nội lệnh sử kiêm coi các thứ thuế, Tả lệnh sử và Hữu lệnh sử chia nhau thu tiền sai dư ở hai xứ về nộp nội phủ. Các dinh ở ngoài, có nơi chỉ đặt một Ty Lệnh sử, có nơi đặt Ty Xá sai và Ty Tướng thần, có nơi kiêm đặt Ty Xá sai và Ty Lệnh sử để coi việc từ tụng của quân dân, sổ sách đinh điền và trưng thu thuế ruộng sở tại, số nhân viên tùy theo công việc ít nhiều mà thêm bớt8. Nguồn nhân lực cho đội ngũ quan lại phải đến năm 1632, thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, mới bắt đầu lấy từ hệ thống khoa cử, tuy còn ở mức độ đơn giản, thậm chí chỉ cần quyên tiền nộp thóc cũng được tuyển dụng: “Phép thi dùng một bài thơ, một đạo văn sách, hạn trong một ngày làm xong, lấy tri phủ tri huyện làm sơ khảo, ký lục làm phúc khảo. Người thi trúng thì cho làm nhiêu học, miễn thuế sai dư năm năm. Kỳ ấy gọi là “thi quận vào mùa xuân”. Lại thi viết chữ Hoa văn [Hoa văn tự thể]9, người nào trúng thì được bổ làm việc ở ba ty Xá sai, Lệnh sử, Tướng thần. Ba ty có khuyết thì người quyên tiền nộp thóc cũng được sung bổ”10. Có thể thấy, việc đào tạo và tuyển dụng quan lại thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong chưa chú trọng việc vận dụng kinh sách Nho giáo. Việc khoa cử được tổ chức cũng chỉ để tuyển dụng những người giúp việc hoặc làm các quan cấp thấp, còn “từ chức chưởng dinh, chưởng cơ cho đến cai đội thì chuyên dùng người tôn thất và người Thanh Hoa. Đến năm 1628, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho mộ thêm người có sức mạnh và am hiểu võ nghệ ở hai xứ Thuận Quảng bổ làm thân binh ở các cơ đội, người có công cũng được lục dụng”11. Huỳnh Thị Anh Vân. Cải cách của Võ vương 65 Cùng với sự lớn mạnh của chính quyền và sự mở mang lãnh thổ, việc tuyển dụng quan lại thời chúa Nguyễn ngày càng được chú trọng với sự điều chỉnh liên tục về thể chế và quy mô của các khoa thi12. Bên cạnh đó, chúa Nguyễn có chính sách rất cởi mở đối với người Phương Tây, không kể tôn giáo. Vào năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Gia Định tra bắt người theo đạo Hoa Lang và “phàm người Tây Dương đến ở lẫn đều đuổi về nước”13. Điều này cho thấy, mặc dù không ủng hộ về mặt tôn giáo, chúa Nguyễn vẫn sử dụng người nước ngoài làm việc cho mình. Nhiều giáo sĩ Phương Tây làm việc cho chúa Nguyễn như Bartholomeo da Costa với chúa Nguyễn Phúc Tần (1686); Antonio de Arnedo (1704) và De Lima (1724) với chúa Nguyễn Phúc Chu; Neugebauer, Siebert, Slamenski, Koffler, Xavier de Moteiro và Jean de Loureira với chúa Nguyễn Phúc Khoát14. Kể từ sau sự kiện chúa Nguyễn Phúc Nguyên từ chối nhận sắc của triều Lê - Trịnh vào năm 1630, Đàng Trong - Đàng Ngoài chính thức bị chia cắt và rẽ theo hai chiều hướng phát triển càng lúc càng xa nhau. Chúa Nguyễn bắt đầu đắp lũy Nhật Lệ chia hẳn hai miền Nam Bắc, cho đúc súng lớn (1631), thi hành phép duyệt tuyển, định thuế khóa và định phép thi tuyển (1632), bắt đầu cuộc chiến giằng co với Đàng Ngoài trong suốt nhiều thập niên, đồng thời tiến hành công cuộc mở đất về phía Nam. Năm 1697, chúa Nguyễn Phúc Chu bắt đầu đặt phủ Bình Thuận. Năm 1698, bắt đầu đặt phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn, “mở rộng đất được hơn nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, thiết lập xã thôn phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệ thuế tô dung, làm sổ đinh điền”15. Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên. Năm 1732, chia đặt thêm châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ. Năm 1757, đặt đạo Đông Khẩu ở Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang, đạo Kiên Giang ở Rạch Giá, đạo Long Xuyên ở Cà Mau. Hậu duệ của chúa Nguyễn Hoàng không những đứng vững trên mảnh đất Thuận Quảng theo di chiếu của ông, đủ “xây dựng cơ nghiệp muôn đời”16, mà còn tiến xa hơn về phía Nam, mở mang bờ cõi đến tận Cà Mau, “cùng lúc với tác động của đám Minh thần lưu vong và dân Trung Hoa phiêu lưu tìm danh vọng, tiền bạc nơi xứ này”17 khiến tư tưởng Nho giáo càng có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào xã hội Đàng Trong, góp phần hình thành những tiền đề cho sự lựa chọn hướng đi của chúa Nguyễn Phúc Khoát sau này. 66 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 Lãnh thổ càng mở rộng càng đòi hỏi một chính quyền vững mạnh, đủ sức khẳng định chỗ đứng của mình trên những vùng đất mới và đương đầu với những thế lực chống đối ở địa phương cũng như giữ vững kỷ cương trong hàng ngũ nội bộ. Tuy nhiên, trong suốt 30 năm đầu thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn phải chật vật đối phó, dàn xếp những rắc rối cả về dân sự lẫn quân sự, nhưng không phải bằng những công cụ pháp luật, mà bằng thư hòa giải hoặc gửi thư dụ. Năm 1711, Thống suất đạo Lưu Đồn là Trịnh Nghị Lộc sai người đi dò xét tình hình biên giới ở châu Bố Chính, khi qua lũy Trấn Ninh bị Trấn thủ dinh Bố Chính là Tuấn Đức (không rõ họ) bắt. Do đó, Nghị Lộc và Tuấn Đức bất hòa. Chúa cho thư để hòa giải18. Những năm 1713 - 1732, liên tiếp có giao tranh liên quan đến Chân Lạp, Ai Lao ở vùng biên giới. Năm 1714, ác man Cam Lộ quấy rối biên thùy. Năm 1731, người Ai Lao là Sá Tốt đem quân Chân Lạp vào cướp Gia Định. Năm 1732, giặc Ai Lao lại sai quân cướp phá Cầu Nam. Nặc Thâm và Nặc Yêm nước Chân Lạp có chiến tranh. Nặc Yêm cầu viện. Đô đốc Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú báo về. Chúa trả lời: “Việc ở ngoài biên khổn, ủy cả cho hai khanh, phải xét nên đánh hay nên giữ, sao cho yên nơi phiên phục”19. Mặt khác, nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào ngoại thương của Đàng Trong với các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, nay cần được cơ cấu lại theo khuynh hướng phát triển thêm nông nghiệp ở những vùng đất mới khai phá, theo đó là nhu cầu phải có hệ thống điều hành quản lý nền kinh tế đủ mạnh và đáp ứng nhu cầu tiền tệ. Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi về bộ máy quản lý lẫn một ý thức hệ thống nhất theo mô hình trung ương tập quyền đủ sức vượt qua thách thức trước những biến đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội và chính trị thời kỳ này, đặc biệt là việc quản lý đất nước. Năm 1725, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc thêm tiền đồng để giải quyết tình trạng nhiều người hủy tiền để đúc đồ đồng, thâm hụt số tiền cũ và cho giảm người thu thuế. Đợt đúc tiền này và đặc biệt là đợt sau đó (1746) với việc cho phép đúc tiền kẽm đã gây tác động xấu đến nền kinh tế, “dẫn đến những hậu quả tai hại và cuối cùng đã làm chế độ kiệt quệ”20, “vật giá vì đó vụt cao lên”21. Trước những biến động về chính trị, xã hội ấy, chính quyền chúa Nguyễn tất yếu phải trải qua một quá trình chuyến biến nhằm đáp ứng Huỳnh Thị Anh Vân. Cải cách của Võ vương 67 yêu cầu của hoàn cảnh xã hội mới, từ một guồng máy quân sự chuyển sang một nền hành chính dân sự dựa trên xu hướng tư tưởng cần lựa chọn có chiều thiên về Nho giáo. 3. Diễn biến tư tưởng, văn hóa ở Đàng Trong và sự lựa chọn Nho giáo của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát Cùng với sự giao lưu và hội nhập văn hóa với các nhóm người Minh hương đến định cư ở Đàng Trong và sự phổ biến kiến thức từ những văn quan đỗ đạt trong các kỳ thi, kinh điển của Nho giáo đã dần len lỏi vào phủ chúa Nguyễn. Tư tưởng Nho giáo có điều kiện thâm nhập sâu hơn vào xã hội Đàng Trong, trở thành một lựa chọn khả dĩ nhất giúp chúa Nguyễn đứng vững trên những vùng đất mới được mở mang cần khuyến khích lòng trung thành theo tư tưởng Nho giáo, góp phần hình thành những tiền đề cho sự lựa chọn hướng đi của chúa Nguyễn Phúc Khoát sau này. Từ năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chu đã dùng nhiều điển tích và sáo ngữ khi nhắc đến vua Hạ, vua Chu, “dân đời Nghiêu Thuấn”, “lưới pháp Thành Thang” trong huấn điều ban hành cho dân chúng. Chúa Nguyễn cũng cho xây dựng Văn miếu, mặc dù thời điểm xây dựng lần đầu tiên từ khi nào không thấy sử liệu triều Nguyễn nhắc tới, nhưng vào năm 1692 đã thấy ghi “sửa Văn miếu ở Triều Sơn”22. Chúa Nguyễn Phúc Khoát dứt khoát lựa chọn mô hình của Nho giáo khi chính thức lên ngôi vua ở phủ chính Phú Xuân năm 1744 và tuyên bố: “ theo hào bốn quẻ Kiền, rồng hoặc đã nhảy, còn chờ thời nên khiêm tốn; theo hào ba quẻ Khôn, ngựa lợi đi nhanh, nên tất cả đều tôn phò đổi mới mệnh trời ở người có đức, để chở cơ đồ Hậu Tắc Công Lưu; dìu dắt thiên hạ đến cõi thái bình, mong thấy cảnh đời Thành Chu Ngu Thuấn”23, đổi gọi nơi phủ ở là điện, đổi chữ “thân” làm chữ “tấu”, văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê, nhưng với các thuộc quốc thì xưng là Thiên vương. Bắt đầu gọi chính dinh là đô thành, gọi thân quân là quân vũ lâm, đổi Ký lục làm Lại Bộ, Nha úy làm Lễ Bộ, Đô tri làm Hình Bộ, Cai bạ phó đoan sự làm Hộ Bộ, đặt thêm Bộ Binh và Bộ Công để chia chức chưởng; đổi Văn chức làm Hàn lâm Viện; lấy Nguyễn Đăng Thịnh làm Lễ Bộ kiêm Lại Bộ, Lê Quang Đại làm Hộ Bộ kiêm Binh Bộ; lấy Nguyễn Thừa Tự làm Cai bạ dinh Quảng Nam; đổi y phục, thay phong tục, định triều phục văn võ (văn từ chức quản bộ đến chiêm hậu, huấn đạo; võ từ chưởng dinh đến cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dùng mãng bào hoặc gấm đoạn, theo cấp bậc). Theo Lê Quý Đôn, hình thức trang 68 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 phục mà chúa Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh phải đổi mới “đều theo thể chế Trung Quốc”24. Những gì mà chúa Nguyễn Phúc Khoát làm có thể coi là sự “Hán hóa triều đình của ông tại Phú Xuân (Huế), thay đổi y phục quan chức và cấu trúc hành chính, khi ông tuyên bố triều đình này ngang hàng và độc lập với triều đình của vua Lê/ chúa Trịnh tại Miền Bắc trở thành một trường phái Miền Nam về chính quyền và tư tưởng kiểu Trung Hoa”25. Các sự kiện lớn về văn hóa, tư tưởng thời chúa Nguyễn cho thấy, mặc dù có tư duy khá cởi mở trong tôn giáo, nhưng chính các chúa cũng có những khuynh hướng khá phức tạp trong việc xác định tôn giáo nào là quốc giáo thời kỳ này, mỗi người có một đạo hiệu riêng (Quốc chúa, Tiên chúa, chúa Sãi, Thiên túng đạo nhân, Từ tế đạo nhân), cho dựng đàn, đảo vũ, bản thân tự cầu đảo mỗi khi thiên tai. Bên cạnh việc ảnh hưởng Đạo giáo, việc cầu đảo khi có tai ương có thể có nguồn gốc từ Nho giáo, vì theo sách Chu Lễ, hễ trong nước bị nắng hạn to thì rước đồng bóng múa hát cầu mưa26. Năm 1641, trời hạn, lúa khô héo, dân chết đói nhiều, chúa [Nguyễn Phúc Lan] trai giới khấn thầm rồi được mưa, mùa lại được. Năm 1667, mùa đông, tháng 10, ở kinh kỳ bị nạn châu chấu. Chúa [Nguyễn Phúc Tần] sai dựng đàn làm lễ nhương trừ. Châu chấu ùa xuống biển chết. Mùa lại được to. Năm 1668, trời đại hạn, chúa sai đảo vũ, được một tuần thì mưa to. Năm 1670, tháng 6, núi Ngọc Trản [Hòn Chén] lở, dài 6 - 7 trượng, rộng 7 thước. Chúa [Nguyễn Phúc Trăn] sai quan cầu đảo. Các năm 1689, 1690, trời hạn, chúa cũng đích thân cầu đảo, “ngự một chiếc thuyền con không che tán lọng gì hết, đứng ở giữ trời thầm khấn. Ngày mai mưa xuống như trút. Chúa đứng ở giữa mưa trông lên trời mà vái, áo bào ướt hết”27. Mặc dù vậy, tôn giáo được chúa Nguyễn chú trọng nhất vẫn là Phật giáo. Gần như dưới thời vị chúa nào cũng xây dựng hoặc tu sửa chùa chiền, khởi đầu bằng việc chúa Nguyễn Hoàng dựng chùa Thiên Mụ ở xã Hà Khê, huyện Hương Trà (1601); tiếp đó là xây chùa Long Hưng ở huyện Duy Xuyên; sửa chùa Sùng Hóa ở xã Triêm Ân, huyện Phú Vang (1602); dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu, Quảng Nam (1607); dựng chùa Kính Thiên ở Quảng Bình (1609). Năm 1667, chúa Nguyễn Phúc Tần Huỳnh Thị Anh Vân. Cải cách của Võ vương 69 dựng chùa Hòa Vinh. Năm 1688, chúa Nguyễn Phúc Trăn dựng chùa Thuận An. Năm 1714, chúa Nguyễn Phúc Chu trùng tu chùa Thiên Mụ “rực rỡ chói lọi, làm tới một năm mới xong”28. Năm 1716, sửa chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, ban cho hoành phi câu đối ngự chế. Năm 1721, chúa cho dựng chùa Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ, huyện Phong Điền, lại còn chế biển vàng ban cho, v.v Năm 1749, theo kể lại của Pierre Poivre, chỉ ở xung quanh kinh đô của Đàng Trong, người ta đếm được tới gần 400 ngôi chùa, nếu ở xa hơn thì còn nhiều hơn nữa29. Tuy nhiên, sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đoạn tuyệt hẳn với Đàng Ngoài (năm 1630), từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần bắt đầu thấy việc “tế cáo trời đất tôn miếu, phong cho các vị linh thần trong cõi” sau khi đánh thắng quân Trịnh và nghỉ việc binh đao (năm 1673)30. Phải chăng đây là một trong những việc làm mang tính chính trị có tính toán để khẳng định quyền lực tối cao trong vùng của chúa Nguyễn ở một mức cao hơn, hoặc là một hình thức “chế ngự tinh thần” như cách nói của Whitmore31? Việc phong thần trong cõi thường thuộc thẩm quyền của vua mà thôi, như sách Lễ Ký, thiên “Khúc lễ hạ” ghi rõ: “Thiên tử tế thiên địa, tế tứ phương, tế sơn xuyên, tế ngũ tự: chư hầu phương tự, tế ngũ tự; đại phu tế ngũ tự; kẻ sĩ tế kỳ tiên”32. Các chúa Nguyễn sau đó đều thấy gia phong cho các vị linh thần (chúa Nguyễn Phúc Trăn 1687, 1688; chúa Nguyễn Phúc Chu 1691, 1693, v.v). Những năm cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn đã ba lần dời đổi nơi đóng đô, từ thủ phủ Phú Xuân (1687 - 1712) thời chúa Nguyễn Phúc Trăn đến thủ phủ Bác Vọng (1712 - 1738) thời chúa Nguyễn Phúc Chu, rồi lại về Phú Xuân (1738) thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đối với việc ổn định dân chúng và điều hành một vùng lãnh thổ ngày càng được mở rộng, thì việc dời đổi thủ phủ là hết sức hệ trọng, đặc biệt về phong thủy liên quan đến vận mệnh của triều đại. Vì vậy, việc ba lần đổi dời thủ phủ trong giai đoạn này cho thấy sự trăn trở của chúa Nguyễn về sự lựa chọn một hướng đi mới, một mô hình mới, kỳ vọng vào sự thay đổi mang tính chất cải cách để xứng tầm với vận hội mới trên vùng lãnh thổ đang ngày càng mở rộng. Buổi đầu, khi chúa Nguyễn Hoàng bỏ về Thuận Hóa vào năm 1600 sau tám năm ở Đông Đô đánh dẹp bốn phương, ngay năm sau (1601), 70 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 ông đã cho xây chùa Thiên Mụ dựa trên một truyền thuyết địa phương về một bà già mặc áo đỏ quần xanh (Thiên Mụ/ Linh Mụ) như để tìm kiếm một sự che chở từ thần linh bản địa. Năm 1636, sau khi lên ngôi, chúa Nguyễn Phúc Lan đã bắt đầu khẳng định sự tự chủ, tự tôn của mình bằng việc dời thủ phủ sang xã Kim Long (huyện Hương Trà), gần chùa Thiên Mụ. Có ý kiến cho rằng, với vị trí này, “trung tâm thế tục và trung tâm tôn giáo bày tỏ quyền lực chung ở một nơi”33. Ở giai đoạn này, chúa Nguyễn bắt đầu xây dựng và mở mang cơ nghiệp, nên cần tìm kiếm một chỗ dựa về mặt tinh thần. Trong trường hợp đó, chùa Thiên Mụ được coi là “một ví dụ nổi bật về sự kết liên nhiều trường phái tôn giáo và chứng tỏ rằng từ thời Nguyễn Hoàng trở đi, các nhà cầm quyền mới đã biết điều chỉnh các trào lưu tôn giáo để biến nó thành một mô hình tín ngưỡng địa phương, thích ứng với hoàn cảnh trong nước và sự hỗ trợ cho quyền lực riêng của họ”34. Vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, sự lựa chọn vị trí mới cho thủ phủ xứ Đàng Trong lại một lần nữa được cân nhắc, đánh dấu bước chuyển biến mới của sự phát triển chính quyền chúa Nguyễn, không chỉ dừng ở mức độ ổn định chính quyền, mà còn phát triển cao hơn, tìm kiếm sự vững bền trong sự tự tin về thực lực, dựa trên sự cân nhắc lựa chọn nơi đắc địa về phong thủy. Trong bối cảnh ấy, Phú Xuân hai lần được chọn làm thủ phủ. Lần thứ nhất, năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Trăn cho dời dựng phủ mới sang Phú Xuân, “lấy núi đằng trước (núi Ngự Bình) làm án; đắp tường thành, xây cung điện, trước mặt đào hồ lớn, trồng hoa cỏ cây cối, thể chế rất tráng lệ. Lại thấy nước sông ở thượng lưu chảy xói vào phía hữu, sai xây tháp ở bờ sông để trấn áp”35. Lần thứ hai, năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Khoát trở lại lập phủ chính ở Phú Xuân, bên tả phủ cũ, tạo tiền đề để năm 1744, chúa lên ngôi, phủ Phú Xuân trở thành đô thành Phú Xuân. Mặt khác, điểm đặc trưng nhất của sự chuyển hướng sang Nho giáo thời chúa Nguyễn thể hiện rõ ở việc tế đàn Nam Giao, một nghi lễ đặc trưng của Nho giáo. Các nhà nghiên cứu ở Huế tìm được bằng chứng cho thấy đã từng tồn tại ít nhất một Giao đàn thời chúa Nguyễn. Điều thú vị là, ngay từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan, khi dời phủ chính từ Phúc Yên (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) vào Kim Long vào thời điểm năm 1636, ông đã bắt đầu tổ chức tế Giao. Những gì biết được từ ghi chép của giáo sĩ Bénigne Vachet đến Đàng Trong năm 1671 cho thấy, nghi lễ tế Huỳnh Thị Anh Vân. Cải cách của Võ vương 71 Giao khi ấy chưa thực sự quy củ và chưa có công trình xây dựng kiên cố nào cho nghi lễ này36. Các nhà nghiên cứu ở Huế tìm được một số bản văn khế cổ có niên đại 1742, 1795, 1814, 1853, 1855, 1891, 1893 và 1897, trong đó tờ văn khế có niên đại sớm nhất ghi ngày 18 tháng 6 năm Cảnh Hưng thứ ba (tức 19/7/1742), nội dung có đoạn: “Chúng tôi là thủ xã chính Phong, lão Bỉnh, mụ Voi, con Dừa, con Chi người ở xã Phú Xuân, huyện Hương Trà, xin kê khai rằng: Nguyên vào năm trước đây, ông thủ xã Tỷ và vợ lẽ tên Dẫn có vỡ một khoảnh rừng làm đất tư, ở gần đất đàn Nam Giao...”37. Đối chiếu với thực địa và một số bản văn khế khác có cùng nội dung về một ngôi nhà kèm khu vườn được mua đi bán lại hơn 150 năm nhắc đến trong tờ văn khế nói trên, nhóm nghiên cứu đã xác định ngôi nhà vườn và khoảnh đất ghi tiếp giáp với một “Giao đàn”, “viên hậu đàn ở mặt nam” không phải là đàn Nam Giao ngày nay, hai nơi cách nhau khá xa tuy cùng nằm trên trục thần đạo Bắc Nam của kinh thành Phú Xuân, mà là một địa điểm ở phía tây đường Phan Bội Châu hiện nay, mé trên đường xe lửa, khuôn viên bao trùm gần cả gò Bình An. Tại vị trí ức đoán chỉ còn thấy một ngôi đình thờ thần với một biển ngạch đắp bốn chữ “Trường Giang miếu vũ”, địa thế cao hơn so với xung quanh, ngay trên trục thần đạo của đô thành Phú Xuân38. Có lẽ dấu tích đàn Nam Giao thời chúa Nguyễn được nhắc đến trên đây là đàn Nam Giao được lập thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, nhưng vì còn tôn trọng nhà Lê về mặt hình thức nên không ghi vào sử sách chăng? Ngay sau khi đổi làm vương năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát mặc dù trong văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê, nhưng với các thuộc quốc xưng là Thiên vương. Việc đầu tiên ông làm sau khi xưng vương là truy tôn huy hiệu các đời và dựng tôn miếu. Riêng đối với thờ tổ tiên ở tôn miếu, ngoài ý nghĩa theo truyền thống văn hóa Việt nói chung khi từ “buổi quốc sơ, các phủ đều dựng miếu để thờ các vị thánh vương đời trước”39, thì việc các chúa Nguyễn dựng miếu thờ riêng, tế cáo trời đất tôn miếu (1673, 1687, 1744) hoặc đặt chức Từ thừa ở miếu (1695) cho thấy, đây còn là những biểu hiện đặc trưng của tư tưởng Nho giáo: “Trời sinh dân chúng, mọi việc đều có phép tắc; vua làm cha mẹ, ban lời dạy bảo đạo thường”40. Trong đó, chúa Nguyễn nêu gương cho việc giữ đạo hiếu trong dân chúng. 72 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 Trong lịch sử Việt Nam, việc thay đổi trang phục lớn nhất diễn ra vào thời Lê thể hiện sự khủng hoảng về tư tưởng trong một xã hội đang chuyển dần sang Nho giáo hóa. Trước đó, mặc dù các triều Lý, Trần đều có những thực hành Nho giáo nhất định (lập Văn Miếu, dựng tượng Khổng Tử, đặt khoa thi, chỉnh đốn quy cách về trang phục, v.v...), nhưng ảnh hưởng của Phật giáo vẫn còn đậm nét. Thời Lý, đến năm 1048 mới thấy vua cho lập đàn Xã Tắc41; mãi đến năm 1153 mới cho đắp đàn Viên Khâu42, nhưng Phật giáo vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội thời kỳ này. Bằng chứng là sau khi lập đàn Xã Tắc, nhà Lý cũng dựng thêm chùa Diên Hựu/ chùa Một Cột vào năm sau. Tuy nhiên, càng về sau, tư tưởng Nho giáo càng thể hiện rõ sự ảnh hưởng trong triều đình Đại Việt. Thời Lê (1427 - 1789), đặc biệt là dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Nho giáo được đưa lên địa vị thống trị tuyệt đối với việc tăng cường giáo dục Nho học và khoa cử Nho học43, chuẩn định trang phục và củng cố hoạt động nghi lễ một cách quy củ trong xã hội, đặc biệt là các nghi lễ Nho giáo như tế Văn Miếu44, tế Nam Giao, tế Xã Tắc. Tháng Giêng năm 1462, lễ tế Giao đầu tiên thời Lê được vua Lê Thánh Tông tổ chức. Từ đó, lễ tế này thành lệ thường tổ chức đầu xuân hằng năm. . Ngoài ra, nhà Lê cũng tế trời đất vào một số dịp trọng đại của triều đình như lễ đăng quang, lễ đón năm mới, v.v Bên cạnh đó, tư tưởng Nho giáo còn được phản ánh rõ nét qua việc bước đầu thiết lập quy chế về chế độ mũ miện của quan lại và màu sắc trang phục dân chúng được phép mặc. Phan Huy Chú nhận xét: “Nếu văn sức không đủ thì thể cách không tôn, cho nên kẻ vương giả giảng định lễ nghi thì nên trước hết định chế độ mũ miện”45. Theo khảo cứu của nhà sử học này, quy chế về trang phục của thời Lý - Trần còn khá đơn giản, thậm chí “đến Lý Cao Tông mới cấm nhân dân trong nước không được mặc áo sắc vàng, thế thì áo hoàng bào trước kia chưa phải đồ dùng riêng của vua”46. Đến thời Lê, những quy chế về mũ áo thể hiện rõ ảnh hưởng của Nho giáo. Tuy nhiên, điều khác biệt lớn nhất giữa hai thời kỳ là ở chỗ, dưới thời Lê, sự thay đổi trang phục chỉ diễn ra ở tầng lớp quý tộc, chủ yếu là trang phục dành cho nghi lễ, cụ thể là nghi lễ Nho giáo (trang phục tế Giao). Trong khi đó, ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã thay đổi toàn Huỳnh Thị Anh Vân. Cải cách của Võ vương 73 diện bộ mặt xã hội, dân chúng phải thay đổi trang phục để phân biệt với Đàng Ngoài. Như vậy, về cơ bản, vấn đề trang phục không chỉ dừng lại ở hình thức, mà còn phản ánh tư tưởng độc lập và khuynh hướng của chúa Nguyễn muốn tạo dựng một chính quyền độc lập về mọi mặt với triều Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài. 4. Kết luận Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đánh dấu sự lựa chọn, chuyển biến lớn lao về mặt tư tưởng, thiên về Nho giáo với mục tiêu thông qua Nho giáo để khẳng định tính chính danh và hợp pháp của chúa Nguyễn trên toàn bộ lãnh thổ phía Nam, đặc biệt là ở những vùng đất mới mở sau này. Tuy nhiên, những gì mà chúa Nguyễn ở Đàng Trong trông đợi ở tính hợp pháp và chính danh thông qua các nghi lễ Nho giáo cũng không thể giúp họ thoát khỏi cơn khủng hoảng đến từ nhiều phía và tránh khỏi hiểm họa của sự sụp đổ vào cuối thế kỷ XVIII./. CHÚ THÍCH: 1 Năm 1708, núi An Sinh ở Quảng Bình lở dài 30 trượng. Ở Gia Lộc ngoại châu Bố Chính có động đất. Tháng 7 năm 1713, núi La Chử lở dài hơn 10 trượng. Tháng 3 năm 1715 ở hai phủ Thăng Hoa và Quy Ninh động đất. Năm 1732, núi Hải Vân lở, v.v Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội: 116. 2 L. Cadière (1997), “Thay đổi trang phục dưới thời Võ vương hay là sự khủng hoảng về tín ngưỡng vào thế kỷ XVIII”, trong: Những người bạn cố đô Huế/ BAVH 1915, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 406. 3 L. Cadière (1997), “Thay đổi trang phục dưới thời Võ vương hay là sự khủng hoảng về tín ngưỡng vào thế kỷ XVIII”, bđd: 405 - 406. 4 Tức các linh mục Koffler và Fabre. 5 L. Cadière (1997), “Thay đổi trang phục dưới thời Võ vương hay là sự khủng hoảng về tín ngưỡng vào thế kỷ XVIII”, bđd: 409. 6 L. Cadière (1997), “Thay đổi trang phục dưới thời Võ vương hay là sự khủng hoảng về tín ngưỡng vào thế kỷ XVIII”, bđd: 408. 7 Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục, quyển 8: 3. Dẫn theo: Trần Quang Đức (2013), Ngàn năm áo mũ, Nxb. Thế giới - Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam: 260. Sau khi quân Trịnh chiếm Phú Xuân, trang phục nhân dân vùng Thuận Hóa được thay đổi một lần nữa theo yêu cầu của triều đình Lê - Trịnh. 8 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 38-39 9 Hoa văn: chữ Trung Hoa, tức chữ Hán. 10 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 49. 74 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 11 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 44. 12 Từ năm 1632, chúa Nguyễn Phúc Nguyên thi hành chính sách duyệt tuyển: 3 năm một lần tuyển nhỏ, 6 năm một lần tuyển lớn. Năm 1646, chúa Nguyễn mở khoa thi Thu đầu tiên, gọi là Thu vi hội thí (Thi hội mùa thu). Từ đó, định ra lệ thi 9 năm 1 lần, chia làm 2 khoa Chính đồ (tương tự như thi Hương, thi Hội ở Đàng Ngoài - để lấy người thi đỗ ra làm quan) và Hoa văn. Năm 1660, chúa Nguyễn Phúc Tần cho mở kỳ thi Hội, lấy đỗ 5 người thi Chính đồ và 15 người thi Hoa văn. Những người thi đỗ được vào chính dinh (Phú Xuân) thi Đình để thi tiếp một luật thơ nữa định hạng cao thấp và bổ chức quan. Sau khi lấy đỗ những người thi Chính đồ và Hoa văn, chúa Nguyễn Phúc Tần lại tổ chức thêm kỳ thi Thám phỏng. Năm 1679, chúa Nguyễn lại cho mở thi Nhiêu học, nhưng chỉ thi Chính đồ mà không thi Hoa văn. Năm 1683, khôi phục thi Hoa văn, nhưng tới năm 1684 trong dịp duyệt tuyển lớn, chúa Nguyễn Phúc Tần lại bãi bỏ thi Nhiêu học. Sang thời chúa Nguyễn Phúc Trăn, do nhu cầu nhân tài, nên năm 1689 phục hồi thể lệ hạn chế thi cử thời trước. Từ đó, thi Nhiêu học mới được tiến hành đều đặn. Tới năm 1695, Đàng Trong mới chính thức có việc thi Đình, nhưng lại chỉ dành cho quan lại đương chức mà không cho người mới dự thi để tuyển dụng. Năm 1740, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho định lại phép thi mùa Thu và quyền lợi của người đỗ. Theo đó, kỳ 1 thi Tứ lục, ai trúng gọi là Nhiêu học, được miễn tiền sai dư 5 năm. Kỳ 2 thi thơ phú, kỳ 3 thi kinh nghĩa, ai trúng được miễn thú dịch. Kỳ 4 thi văn sách, ai trúng gọi là Hương cống, được bổ làm tri phủ, tri huyện và huấn đạo. 13 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 112. 14 Nguyễn Thanh Nhã (1970), Tableau esconomique du Vietnam, Editions Cujas: 203. Xem thêm: C.B. Maybon, Histore moderne du pays d’Annam: 140-141; Phan Phat Huon, Viet Nam giao su, tập 1: 166. Dẫn theo: Li Tana (1992), “The Inner Region”: A Social and Economic History of Nguyen Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Century, Luận án Tiến sĩ Triết học tại Đại học Quốc gia Australia: 76 - 77. 15 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 111. 16 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 37. 17 Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, Người và đất Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội: 205. 18 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 126. 19 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 127 - 133. 20 Li Tana (Nguyễn Nghị dịch, 1999), Xứ Đàng Trong: lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb. Trẻ: 146. 21 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 154. 22 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 106. Huỳnh Thị Anh Vân. Cải cách của Võ vương 75 23 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 151. 24 Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội: 82. 25 Whitmore, K. John (2009), Religion and Ritual in the Royal Courts of Đại Việt, Asia Research Institute Working Paper Series, No. 128, National University of Singapore, tháng 12/2009: 14. 26 Lê Quý Đôn (Tạ Quang Phát dịch, 1995), Vân đài loại ngữ, tập 2, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội: 10. 27 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 102. 28 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 130. 29 P. Poivre, “Journal de voyage du vaisseau de la compagnie le Machanlt à la Cochinchine depuis le 29 aout 1749, jour de notre arrivée, au 11 février 1750” (Nhật ký hành trình của con tàu thuộc Công ty Machault đến Nam Kỳ từ 29/8/1749 đến 11/2/1750), do H. Cerdier dẫn trong: Revue de l’Extrême Orient III (1885): 381. Ngày nay, ở Huế có hàng trăm ngôi chùa, được gọi là kinh đô của Phật giáo/ Thiền kinh. Xem: Thanh Tùng (1989), Thăm chùa Huế, Hội Văn nghệ thành phố Huế: 3. 30 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 88. 31 Whitmore, K. John (2009), Religion and Ritual in the Royal Courts of Đại Việt, tlđd: 8. 32 Trần Trọng Kim (1992), Đại cương triết học Trung Quốc - Nho giáo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh: 42. 33 Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, Người và đất Việt, sđd: 211. 34 Li Tana (2001), “Xứ Đàng Trong thế kỷ XVII và XVIII: một mô hình khác của Việt Nam”, trong: Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh: 188. 35 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 137. 36 Bửu Kế (1990), Chuyện triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 154. Dẫn theo: Lê Văn Thuyên chủ biên (2008), Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 74. 37 Lê Văn Thuyên chủ biên (2008), Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế, sđd: 72. 38 Lê Văn Thuyên chủ biên (2008), Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế, sđd: 75. 39 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 110. 40 Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd: 140. 41 Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (Viện Khoa học xã hội Việt Nam dịch, 1993), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 102. 42 Phan Huy Chú (Nguyễn Thọ Dực dịch, 1973), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn: 732. 43 Năm 1442, triều đình cho lập bia tiến sĩ đầu tiên. Tháng Giêng năm 1483, nhà Thái học được tu sửa, không chỉ là nơi thờ tự ông tổ của Nho giáo, mà còn là nơi lưu giữ và đề cao tên tuổi những người có trình độ Nho học uyên thâm của đất nước. Hệ thống Văn miếu ở các thừa tuyên, phủ, huyện cũng được tu tạo hoặc 76 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 xây mới. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội: 1161. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông cho truy tìm, biên soạn họ tên, khoa thi những người đỗ tiến sĩ của 9 khoa từ năm 1442 đến năm 1484 để khắc vào bia đá. 44 Từ trước, việc tế Đình ở Văn miếu chỉ được tiến hành ở cấp lộ và chưa có thời hạn nhất định. Đến năm 1465, triều đình cho định lệ tế Khổng Tử (tế Đình) ở tận các phủ, huyện để tôn vinh ông tổ của Nho giáo vào ngày thượng đinh tháng 2 và tháng 8, đặt chức Ngũ kinh bác sĩ để dạy Ngũ kinh, mỗi người chuyên nghiên cứu một kinh để dạy học trò. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông ban hành 24 huấn điều đến các làng xã củng cố trật tự gia đình, tông tộc, làng xóm theo chuẩn mực Lễ, Nghĩa, Trung, Hiếu, Tam tòng của Nho giáo. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Việt sử thông giám cương mục, tập 1, sđd: 1108 - 1123, 1036 - 1038. 45 Phan Huy Chú (Viện Sử học dịch, 2006), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội: 703. 46 Phan Huy Chú (Viện Sử học dịch, 2006), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, sđd: 703. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. L. Cadière (1997), “Thay đổi trang phục dưới thời Võ vương hay là sự khủng hoảng về tín ngưỡng vào thế kỷ XVIII”, Những người bạn cố đô Huế/ BAVH 1915, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 2. Phan Huy Chú (Nguyễn Thọ Dực dịch, 1973), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn. 3. Lê Quý Đôn (Tạ Quang Phát dịch, 1995), Vân đài loại ngữ, tập 2, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 4. Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 5. Trần Quang Đức (2013), Ngàn năm áo mũ, Nxb. Thế giới - Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội. 6. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (Viện Khoa học xã hội Việt Nam dịch, 1993), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 7. Bửu Kế (1990), Chuyện triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 8. Trần Trọng Kim (1992), Đại cương triết học Trung Quốc - Nho giáo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 9. Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong: lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 10. Li Tana (1992), “The Inner Region”: A Social and Economic History of Nguyen Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Century, Luận án Tiến sĩ Triết học tại Đại học Quốc gia Australia. 11. Li Tana (2001), “Xứ Đàng Trong thế kỷ XVII và XVIII: một mô hình khác của Việt Nam”, trong: Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 12. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 13. Quốc sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2004), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 14. Lê Văn Thuyên chủ biên (2008), Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế. Huỳnh Thị Anh Vân. Cải cách của Võ vương 77 15. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, Người và đất Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 16. Thanh Tùng (1989), Thăm chùa Huế, Hội Văn nghệ thành phố Huế, Huế. 17. Whitmore, K. John (2009), Religion and Ritual in the Royal Courts of Đại Việt, Asia Research Institute Working Paper Series, No. 128, National University of Singapore, tháng 12/2009. Abstract THE REFORM OF LORD NGUYỄN PHÚC KHOÁT IN THE 18TH CENTURY AND THE WAY TO CONFUCIANISM IN COCHINCHINE Arriving to Thuan Hoa for nearly 200 years, Nguyen lords protected and gradually expanded the territory to the South. They also adapted to new condition for existing and developing. In the middle of 18th century, Lord Nguyễn Phúc Khoát carried out the reform in politics, economics, society, state’s administration, etc. with the change of clothes, rename of his reign’s title, especially the application of Confucius philosophy and principles in ruling the Nation. It was the result of the process in penetrating and disseminating of the Confucianism in Cochinchin. It was a crucial choice in order to confirm the legitimation of the Nguyễn lords in the whole territory, especially in the new land. Keywords: Cochinchine, Confucianism, Nguyễn Phúc Khoát, 18th century.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfcai_cach_cua_vo_vuong_nguyen_phuc_khoat_the_ky_xviii_va_con_duong_den_voi_nho_giao_o_dang_trong_9993.pdf