Nghiên cứu tôn giáo - Lý trí và niềm tin trong triết học, thần học thomas aquino

Thomas Aquino đánh giá không cao các khoa học kinh nghiệm. Ông cho rằng, các nhà nghiên cứu rất khó khăn và thường xuyên mắc phải sai lầm trong nghiên cứu thế giới vật chất, đưa ra những ý kiến khác nhau, hoài nghi và thường thay đổi quan điểm của mình. Chỉ có chân lý của Kinh Thánh là bất biến. Chúng được những phép mầu và minh chứng khẳng định chữa bệnh một cách siêu nhiên, phục sinh người chết, mặc khải của các nhà tiên tri, hiện tượng bất thường ở trên trời. Việc tiếp cận với tri thức khoa học, theo Thomas Aquino, cũng là nan giải và đòi hỏi một trình độ học vấn căn bản, những nghiên cứu chuyên sâu và quan sát chăm chú. Còn chân lý tôn giáo được mặc khải cho mỗi người có niềm tin thì không đòi hỏi phải được chứng minh và trí tuệ sắc sảo. Mặt khác, việc nắm bắt tri thức khoa học, theo quan điểm của Thomas, cho phép con người tránh khỏi những sai lầm và cảm giác nặng nề; thậm chí còn đưa con người đến những hoài nghi đau khổ về tồn tại của Chúa và tính chân thực của Kinh Thánh. Bởi lẽ, “nhờ những vật khả giác, ta không thể vươn lên để nhận biết các bản thể phân lập, là những bản thể trổi vượt trên trí khôn nhân loại. Thành thử, hạnh phúc tối hậu của con người không thể hệ tại các khoa học trừu tượng”9. Ngược lại, niềm tin thức tỉnh hy vọng và tình yêu trong con người trở thành ngọn đèn dẫn đường tại những ngã ba

pdf11 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 586 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Lý trí và niềm tin trong triết học, thần học thomas aquino, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 – 2014 3 NGUYỄN THỊ THANH HẢI* LÝ TRÍ VÀ NIỀM TIN TRONG TRIẾT HỌC, THẦN HỌC THOMAS AQUINO Tóm tắt: Bài viết tập trung làm rõ quan điểm của Thomas Aquino, một linh mục Dòng Đa Minh, cũng là một nhà thần học và triết học nổi tiếng của chủ nghĩa kinh viện, về mối quan hệ giữa lý trí và niềm tin, mà đằng sau nó là mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo. Giải quyết vấn đề trọng tâm này trên lập trường ôn hòa đã giúp Thomas Aquino triển khai toàn bộ nội dung triết học của mình trên tất cả các bình diện: bản thể luận, nhận thức luận, quan điểm con người và các vấn đề chính trị - xã hội. Từ khóa: Lý trí, niềm tin, triết học, thần học, Thomas Aquino. 1. Dẫn nhập Lịch sử tư tưởng nhân loại là một dòng chảy không ngừng, tuân theo những quy luật nội tại, dù có lúc thu hẹp hay trào dâng. Triết học Tây Âu thời Trung cổ cũng là một giai đoạn làm nên dòng vận động ấy với những sắc thái độc đáo, phản ánh những điều kiện mà trong đó nó nảy sinh, tồn tại và phát triển. Trong bức tranh nhuốm màu sắc tôn giáo trầm buồn ấy, triết học Thomas Aquino (1225 - 1274) có thể coi là một nét chấm phá chứa đựng mầm mống của sự chuyển tiếp giai đoạn lịch sử mới. Với tư cách là sự phản tư đối với bối cảnh văn hóa của thời đại, triết học của ông vừa là sản phẩm của thời đại, vừa là sự nỗ lực cá nhân muốn bảo vệ lập trường xuất phát, đồng thời nó vô tình lại là sợi dây nối liền tư duy thời kỳ Phục hưng. 2. Tổng quan mối quan hệ giữa lý trí và niềm tin trước Thomas Aquino Mối quan hệ giữa lý trí và niềm tin, trong lịch sử triết học Phương Tây, đặc biệt giai đoạn Tây Âu thời Trung cổ, tồn tại các quan điểm hoặc đối lập, tách rời, hoặc dung hòa, bổ sung cho nhau. Điều này xuất phát từ hai tiền đề chính là triết học Hy Lạp vốn dựa trên tình yêu thông thái, * ThS., Trường Đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội. 4 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 4 Kinh Thánh vốn dựa trên niềm tin và mặc khải. Với truyền thống văn hóa Hy Lạp, tri thức thu được dựa vào khám phá thế giới vật chất bằng con đường duy lý. Ngược lại, với truyền thống Kitô giáo, thế giới được nhận thức bằng con đường phi lý tính và niềm tin. Ở giai đoạn đầu của xã hội Tây Âu thời Trung cổ, Tertulian (160 - 225), nhà tư tưởng Kitô giáo đầu tiên viết những tác phẩm bằng tiếng Latinh nhấn mạnh sự đối lập giữa niềm tin và tri thức. Theo ông, triết học và các khoa học nhận thức thế giới sự vật hiện tượng quanh con người bằng con đường lý tính, nhưng nó không thể giúp họ đến được với Chúa Kitô. Ông khẳng định: “Hãy dẹp bỏ mọi nỗ lực nhằm tạo một đạo Đấng Christ ít nhiều bị pha trộn với triết lý khắc kỷ, học thuyết Platon và thuyết biện chứng”1. Chỉ có tôn giáo sử dụng công cụ nhận thức là niềm tin mới có thể tìm đến “lẽ thật”. Với tư cách là người hộ giáo nhiệt thành, Tertulian nhấn mạnh sự vượt trội của niềm tin đối với lý trí, tôn giáo đối với khoa học. Ông đưa ra mệnh đề nổi tiếng: “Phải tin vào (cái chết của Con Thiên Chúa) bằng mọi cách, vì đó là chuyện phi lý”, hay “(Chúa Kitô được chôn và sống lại) sự kiện này là chắc chắn, vì không thể xảy ra được”2. Quan điểm tách rời lý trí và niềm tin của Tertulian đã không được ủng hộ rộng rãi trong triết học Tây Âu thời Trung cổ. Nhấn mạnh tính vượt trội của niềm tin và hạ thấp vai trò của lý trí, “Tertulian càng khoét sâu hố ngăn cách giữa triết học Hy Lạp và triết học Kitô giáo. Trong khi đó, hầu hết các nhà triết học Trung cổ thời kỳ giáo phụ luôn mong muốn hòa nhập hai dòng tư tưởng Hy Lạp và Do Thái với nhau”3 trong những thảo luận có lợi cho thần học Kitô giáo. Augustino (334 - 412) tuy coi trọng vai trò của niềm tin hơn lý tính, nhưng ông chủ trương không hoàn toàn phủ nhận lý tính. Mệnh đề nổi tiếng “tin để mà hiểu” của ông khẳng định niềm tin của con người có trước lý trí, niềm tin định hướng và chỉ đạo lý trí; lý trí có nhiệm vụ làm sáng tỏ niềm tin. Có tri thức, con người sẽ hạn chế được những niềm tin sai lầm. Trong tác phẩm Thành đô của Thượng Đế, ông khẳng định: “Khi tôi nhầm lẫn, thì tôi cũng biết rằng tôi là tôi”. 3. Bối cảnh văn hóa Tây Âu thời Trung cổ và nguyên nhân ra đời quan điểm của Thomas Aquino về lý trí và niềm tin Thomas Aquino đặt ra và giải quyết mối quan hệ giữa lý trí và niềm tin mang đậm dấu ấn của thời đại và ẩn tích trí khôn của mình. Sự phát Nguyễn Thị Thanh Hải. Lý trí và niềm tin 5 5 triển của kinh tế nông nghiệp của Tây Âu thế kỷ X làm xuất hiện hàng loạt thành thị sầm uất. Cuộc Thập tự chinh với danh nghĩa giải phóng Thánh địa Jerusalem đưa đến giao lưu văn hóa Đông - Tây. Sự vận động trí tuệ ở các thế kỷ XII - XIII làm gia tăng xu hướng tách biệt khoa học với thần học, lý trí với niềm tin. Vì thế, Thomas Aquino đã “nhìn nhận mối quan hệ giữa niềm tin và lý trí trong một khung cảnh rộng hơn, theo nhiều chiều kích”4. Thật vậy, vào cuối thời Trung cổ ở Tây Âu, triết học Arab, đặc biệt là học thuyết nổi tiếng của Averroes (1126 - 1198) về hai chân lý, đã thâm nhập sang Paris làm xuất hiện trung tâm khoa học Arab tại đây. Nhà phiên dịch, nhà triết học, nhà chiêm tinh học và nhà giả kim Michel Scottus (1175 - 1232?) đã góp phần phổ biến khoa học và triết học Arab tại Tây Âu, cũng như sự tiếp xúc trực tiếp với những sáng tạo của các nhà tư tưởng Hy Lạp đến từ Vidantia5. Robertus Grosseteste (1175 - 1253) đã phiên dịch chúng, đồng thời sáng lập ra trường phái triết học - khoa học ở Oxford. Ông nghiên cứu quang học, hình học, thiên văn học, y học và tiến hành thí nghiệm về khúc xạ ánh sáng và truyền âm thanh. Robertus Grosseteste khẳng định sự cần thiết nhận thức thế giới dựa trên cơ sở quan sát, thí nghiệm và phân tích tiếp theo kết quả nhận được cùng với việc đưa ra những tiên đề và khái quát ban đầu. Sau đó, người nghiên cứu cần kiểm tra những kết luận này dựa trên tư liệu thực tế. Đây là một trong các thử nghiệm đầu tiên nhằm hình thành phương pháp phân tích khoa học. Bên cạnh đó, Robertus Grosseteste còn lý giải sự sáng tạo ra vũ trụ theo cách riêng của mình. Đầu tiên, Thiên Chúa sáng tạo ra một điểm sáng, sau đó nó biến thành một hình cầu. Vật chất dần cô đọng lại ở trung tâm và trái đất đã hình thành ở đây. Đứng trên trình độ tri thức thời đại mình, ông dường như đã vượt lên trước giả thuyết hiện đại về vụ nổ lớn của vũ trụ. Grosseteste đã giả định cơ sở ánh sáng hiện diện trong tâm hồn con người6. Như vậy, theo Grosseteste, Thiên Chúa là nguyên nhân đầu tiên, là Đấng Sáng thế, còn vật chất thực tại phát triển một cách độc lập. Qua đó, các quy luật của tự nhiên có được ý nghĩa độc lập ở bên ngoài chân lý của thần học. Tuy nhiên, ưu điểm của trường phái Oxford thể hiện đầy đủ nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Roger Bacon (1214 - 1294). Đương thời, ông được gọi là “tiến sĩ kỳ lạ” do hiểu biết uyên bác và trí tuệ rõ ràng. Là học trò của Grosseteste, Roger Bacon chú trọng nghiên cứu tự nhiên, chứ 6 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 6 không phải là triết học kinh viện. Theo ông, tri thức mở ra cho con người những khả năng to lớn như có thể đi trên đất liền bằng xe cộ không cần đến ngựa, đi trên biển bằng tàu không cần đến thuyền buồm và tay chèo, bay trên không trung và lặn sâu xuống đáy biển, quan sát những hạt bụi nhỏ li ti và vì sao xa xôi. Roger Bacon hoàn toàn tách biệt phương pháp tôn giáo (căn cứ trên niềm tin và mặc khải) với phương pháp khoa học (tri thức được khẳng định bằng thí nghiệm và quan sát chính xác). Ông coi những bộ phận cơ bản của triết học là toán học, đạo đức học và vật lý học - khoa học về tự nhiên (gồm thiên văn học, quang học, y học, các tri thức kỹ thuật). Trong đó, toán học được ông đánh giá cao, vì nó cho phép nghiên cứu và kiểm tra mọi khoa học khác. Bên cạnh đó, Roger Bacon có thái độ hoài nghi đối với logic học, vì các suy luận logic không dựa vào sự kiện, khả giác, kinh nghiệm. Cho nên, triết học kinh viện, theo ông chỉ là thành tựu của logic học hình thức và là những tri thức hoàn toàn tư biện. Roger Bacon tách biệt ba phương thức nhận thức là niềm tin, suy luận và kinh nghiệm. Niềm tin thuộc lĩnh vực tôn giáo, suy luận tư biện thuộc triết học, tri thức kinh nghiệm thuộc khoa học và khoa học thực nghiệm là hoàn hảo nhất. Vấn đề chân lý tối cao của Kinh Thánh vẫn còn bỏ ngỏ trong học thuyết của Roger Bacon. Ông cho rằng, Kinh Thánh không những đòi hỏi phải được tôn trọng, mà còn cần được phân tích một cách có phê phán. Ông còn phân biệt kinh nghiệm bên ngoài (kinh nghiệm hằng ngày và kinh nghiệm khoa học) với kinh nghiệm bên trong (nhờ giác ngộ và mặc khải). Kinh nghiệm bên ngoài không đạt tới chân lý của Kinh Thánh và hình ảnh tôn giáo. Chúng càng tuyệt mỹ bao nhiêu thì con người càng biết về chúng ít hơn. Dù sao, những quan niệm về tự nhiên của Roger Bacon vào thời đó vẫn mang tính viễn tưởng, không đầy đủ và hiển nhiên trong lập trường triết học của ông, tri thức thần thánh luôn được đề cao. Điều này còn được thể hiện ở niềm tin của ông vào vai trò toàn cầu của Giáo hội Công giáo về việc xây dựng một xã hội lý tưởng trên thế gian. Để có được điều đó, Roger Bacon khẳng định, cần phải có các linh mục khai sáng am hiểu sâu sắc về khoa học và tôn giáo. Vào thế kỷ XIII, nhiều nhà tư tưởng Tây Âu khác đánh giá rất cao ưu điểm của khoa học kinh nghiệm và phủ nhận vai trò hàng đầu của tôn giáo đối với triết học. Chẳng hạn, Siger of Brabant (1240 - 1280), giáo sư Nguyễn Thị Thanh Hải. Lý trí và niềm tin 7 7 Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Paris, khẳng định nhiều luận điểm trái với tín điều Công giáo: Lý tính của mọi người giống nhau và là một, chỉ có duy nhất con người biết tư duy. Mọi thứ diễn ra trong thế giới này đều phụ thuộc vào các thiên thể. Thế giới là vĩnh hằng. Không bao giờ có con người đầu tiên. Linh hồn của con người đi liền với thể xác và chết cùng với sự phá hủy của nó. Bị cái chết tách rời khỏi thể xác, linh hồn không biết đến đau khổ xác thịt. Ý chí tự do là thụ động và do nguyện vọng điều khiển. Thiên Chúa không nhận thức những sự vật riêng biệt. Hành vi của con người không phải do sự tiền định của Thiên Chúa. Siger of Brabant còn thừa nhận chiêm tinh học, điều bị coi là tà giáo theo quan điểm thần học, vì nó hạ thấp ý chí và sự toàn năng của Thiên Chúa. Nói chung, Thượng Đế trong quan niệm của Siger of Brabant rất hạn chế về hành động và khả năng vì những điều tưởng tượng của lý tính hữu hạn của con người về siêu ý thức của Thiên Chúa ngay từ đầu đã mang tính chất hoài nghi. Vì vậy, Siger of Brabant và các môn đệ của ông bị Tòa án Dị giáo La Mã kết án, những tác phẩm của ông bị cấm. Như vậy, những thử nghiệm nhằm đem tri thức khoa học đối lập với chân lý tôn giáo, hay nói cách khác, đem con đường nhận thức về thế giới và con người bằng lý trí thay thế niềm tin đều là còn sớm đối với văn hóa Châu Âu thời Trung cổ. Điều này do trạng thái thơ ấu của đa số khoa học, những nhu cầu của xã hội Châu Âu thời Trung cổ còn xa lạ với chủ nghĩa cá nhân, sự cần thiết có sự cố kết để đấu tranh chống lại Islam giáo và những loại hình tôn giáo được cho là tà giáo nhằm bảo vệ Công giáo. 4. Quan điểm của Thomas Aquino về lý trí và niềm tin Triết học Thomas Aquino nói chung và quan điểm của ông về quan hệ giữa lý trí và tôn giáo và khoa học ra đời trong bối cảnh như vậy. Những thành tựu của giáo dục và sự tiếp cận gần gũi với tư tưởng khoa học, triết học Arab đã làm gia tăng nguy cơ phổ biến tự do tư tưởng. Việc cản trở điều đó đòi hỏi phải củng cố cơ sở triết học của Công giáo. Các đại diện của Dòng Dominico, tiêu biểu là Alberto và Thomas Aquino, đã hoàn thành công việc này. Thomas Aquino là người rất am hiểu các tác phẩm của Aristotes, cũng như biết tới tác phẩm của các nhà triết học Arab và các nhà triết học Công giáo Phương Đông7. Tuy vậy, ông dành ưu tiên không phải cho nhận thức tự nhiên, mà cho triết học kinh viện, kiên trì và nhất quán bảo vệ quan điểm của Công giáo. Vì thế, ông sử dụng toàn bộ logic học hình thức của Aristotle và trí tuệ uyên bác của mình để tạo ra 8 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 8 một sự tổng hợp có quy mô, luận chứng cho hệ giáo lý và triết học Công giáo. Điều này được thể hiện tập trung trong bộ Tổng luận thần học, một tác phẩm lớn bộc lộ rõ đường lối ôn hòa khi giải quyết mối quan hệ giữa lý trí và niềm tin. Thomas Aquino phân biệt khá rành mạch giữa lý trí và niềm tin. Lý trí làm sáng tỏ các quy luật của thế giới vật chất tồn tại một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý thức con người. Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại, con người vẫn phải đối diện những “chân lý thầm kín” mà họ không thể đạt tới bằng con đường lý tính. Trong trường hợp ấy, con người chỉ còn biết tin vào chúng. Những chân lý ấy được mở ra trong trực giác, trong cảm hứng cao độ, trong sự linh ứng và được đem lại cho con người trong mặc khải. Tuy nhiên, Thomas Aquino không thừa nhận các mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo. Do hạn chế về phương pháp và lý trí của con người, khoa học không thể có kỳ vọng nhận thức được chân lý tối cao. Nhiệm vụ chủ yếu của triết học là lý giải những luận điểm của tôn giáo dựa trên lý tính và vạch ra những khiếm khuyết của các suy luận phê phán niềm tin chân thực. Thomas Aquino chứng minh rằng, một bộ phận thần học có thể phân tích được về mặt logic (sự tồn tại của Chúa, hoạt động của Chúa, sự bất tử của linh hồn, v.v...). Một bộ phận khác không chứng minh được là giáo lý về Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm về nhập thể của Chúa Kitô, sự sáng tạo ra thế giới từ hư vô, tội tổ tông, việc phục sinh người chết, ngày phán xét cuối cùng, hạnh phúc vĩnh hằng và sự trừng phạt. Những luận điểm này là bất khả tri đối với lý tính con người và chỉ được mặc khải cho các thực thể tối cao. Trong trường hợp đó, niềm tin sẽ hướng dẫn con người đạt đến chân lý. Và chân lý ấy là vĩnh cửu, bất biến và không sai lầm. Thomas Aquino khẳng định: “Niềm tin của người tín hữu không liên hệ với hình bánh, hình rượu, ở đây hay ở đó, nhưng liên hệ với điều là thân thể thực sự của Chúa Kitô hiện hữu dưới hình bánh, bánh này được giác quan chúng ta trông thấy khi nó được truyền phép cách đúng. Do đó, nếu bánh này không truyền phép đúng, không phải niềm tin chứa đựng cái gì sai lầm”8. Quan điểm trên đây, theo Thomas, không những kìm hãm lòng kiêu hãnh của con người khi quá đề cao lý trí, mà còn đưa “nguyên tắc Sokrates” vào nhận thức. Nhà thông thái vĩ đại từng nói, ông hiểu biết không nhiều hơn các nhà triết học khác. Nhưng ông biết sự không hiểu biết của mình, và chính điều này đem lại Nguyễn Thị Thanh Hải. Lý trí và niềm tin 9 9 ưu thế cho ông. Nó đồng thời cũng xác định vai trò quan trọng của niềm tin trong thực hành tâm linh của mỗi người. Thomas Aquino đánh giá không cao các khoa học kinh nghiệm. Ông cho rằng, các nhà nghiên cứu rất khó khăn và thường xuyên mắc phải sai lầm trong nghiên cứu thế giới vật chất, đưa ra những ý kiến khác nhau, hoài nghi và thường thay đổi quan điểm của mình. Chỉ có chân lý của Kinh Thánh là bất biến. Chúng được những phép mầu và minh chứng khẳng định chữa bệnh một cách siêu nhiên, phục sinh người chết, mặc khải của các nhà tiên tri, hiện tượng bất thường ở trên trời. Việc tiếp cận với tri thức khoa học, theo Thomas Aquino, cũng là nan giải và đòi hỏi một trình độ học vấn căn bản, những nghiên cứu chuyên sâu và quan sát chăm chú. Còn chân lý tôn giáo được mặc khải cho mỗi người có niềm tin thì không đòi hỏi phải được chứng minh và trí tuệ sắc sảo. Mặt khác, việc nắm bắt tri thức khoa học, theo quan điểm của Thomas, cho phép con người tránh khỏi những sai lầm và cảm giác nặng nề; thậm chí còn đưa con người đến những hoài nghi đau khổ về tồn tại của Chúa và tính chân thực của Kinh Thánh. Bởi lẽ, “nhờ những vật khả giác, ta không thể vươn lên để nhận biết các bản thể phân lập, là những bản thể trổi vượt trên trí khôn nhân loại. Thành thử, hạnh phúc tối hậu của con người không thể hệ tại các khoa học trừu tượng”9. Ngược lại, niềm tin thức tỉnh hy vọng và tình yêu trong con người trở thành ngọn đèn dẫn đường tại những ngã ba cuộc đời; dẫn con người tới hạnh phúc vĩnh cửu nơi Nước Chúa. Thomas Aquino kết luận, tôn giáo quan trọng hơn khoa học, niềm tin ưu việt hơn lý trí, khoa học và triết học là “đồ đệ” của thần học. Thần học Công giáo cần đến khoa học, triết học để luận chứng một số tín điều ở tầng bậc nhận thức thấp, tại những sự vật khả giác, hữu hạn và biến đổi. Còn niềm tin đưa con người đến với sự khôn ngoan tối cao, chân lý vĩnh hằng, hạnh phúc đời đời. Do vậy, mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo cần được giải quyết một cách có lợi cho tôn giáo. Tất cả kết luận rút ra từ việc nghiên cứu tự nhiên cần phải được làm cho phù hợp với Kinh Thánh. Vào thế kỷ XIII, Thomas Aquino còn phải đối diện với truyền thống coi tồn tại của Chúa là sự hiển nhiên hình thành từ thời giáo phụ học. Theo truyền thống này, mỗi linh hồn đều cảm nhận thấy sự hiện diện của Chúa bằng niềm tin không cần chứng minh. Thomas Aquino nhận thấy luận điểm đó là kẽ hở cho những quan điểm dị giáo, vì mỗi người đều tự 10 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 10 do lý giải cảm giác của mình theo cách riêng. Khi đó, thần học trở thành bộ môn không bắt buộc, bất đồng về các vấn đề chủ yếu của thần học sẽ bắt đầu xuất hiện. Mặt khác, trước bối cảnh văn hóa của thời đại, trước xu thế thế tục hóa đang lan rộng trong xã hội Tây Âu, với tư cách là sự phản tư, triết học Thomas phải tính đến sự gia tăng vai trò của khoa học. Vì vậy, thần học Công giáo càng không nên thỏa mãn với luận điểm Chúa tồn tại. Nhiệm vụ của nó là phải vạch rõ thực chất tồn tại Chúa, chứng minh sự hiện diện và hoạt động của Người trong thế giới này. Thomas Aquino đưa ra năm phương thức chứng minh tồn tại Chúa nhờ vào quan điểm của các bậc tiền bối, đó là: Con đường thứ nhất và minh bạch nhất căn cứ trên sự chuyển biến10. Con đường thứ hai căn cứ trên nguyên nhân tác thành11. Con đường thứ ba căn cứ trên vật khả hữu và tất hữu12. Con đường thứ tư căn cứ trên những cấp bậc hoàn bị có nơi các vật13. Con đường thứ năm căn cứ trên sự cai quản vạn vật14. Tất cả luận chứng này có logic và xác đáng xét từ lập trường triết học. Thomas Aquino đã dùng nhiều chứng cứ (vũ trụ luận, mục đích luận, chuỗi nguyên nhân, chuỗi vận động hoặc các thang bậc giá trị) để chứng minh sự tồn tại của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta có thể bác bỏ mỗi luận chứng trong đó, mặc dù những luận chứng này không phải đã hết giá trị. Một sự phản bác (từ chính quan điểm của Thomas) dưới dạng chung nhất đã xuất hiện. Bất kỳ chứng minh nào về tồn tại Chúa cũng căn cứ trên tri thức và năng lực hữu hạn của con người. Vậy làm sao có thể kỳ vọng đạt tới sự nhận thức đầy đủ về tự nhiên và Chúa? Sự không hiểu biết của con người về các bản chất tối cao này lớn gấp nhiều lần tổng số tri thức. Do vậy, những phán đoán về chúng chỉ có thể là mang tính ưa thích. Trong trường hợp đó, theo ông, tôn giáo tỏ rõ sự ưu việt. Thomas Aquino lý giải bản chất của các khái niệm (thuộc tính/dấu hiệu/đặc điểm chung) theo cách của mình. Theo ông, chúng tồn tại trong các vật đơn nhất cụ thể, nhưng cũng hiện diện trong ý thức con người như những thứ được rút ra từ sự vật cụ thể (các khái niệm tưởng tượng). Cuối cùng, chúng nằm trong ý Chúa trước khi được thể hiện trong vật. Trong thế giới quan như vậy, vật chất là cái thụ động, đứng im, là vật liệu ban đầu cho hành vi sáng tạo biến khả năng thành hiện thực. Chúa điều tiết quá trình lý tưởng và quá trình vật chất nhờ sử dụng các nguyên nhân tự nhiên như công cụ của mình. Theo ông, Chúa là Đấng Quan phòng. Nguyễn Thị Thanh Hải. Lý trí và niềm tin 11 11 Như vậy, Thomas đã né tránh được mối nguy hiểm của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa phiếm thần, khác với Aristotle và Averroes - những người xem thế giới vật chất như một bản chất độc lập, sống theo các quy luật riêng. Theo Thomas, Chúa tích cực cai quản vũ trụ và Người có thể tác động đến các vật đơn nhất, vì phép lạ của tôn giáo là không thể trong trường hợp ngược lại. Những tín đồ Công giáo đầu tiên và Augustino có thái độ khinh thường của cải vật chất, chỉ quan tâm đến linh hồn. Tuân theo xu hướng của thời đại, Thomas Aquino cố phục hồi danh dự cho thể xác. Vả lại, ở Châu Âu, dưới thời thống trị của Công giáo, nhiều người giàu có quan tâm đến phúc lợi của bản thân đã xuất hiện. Việc khinh thường của cải và nhu cầu của thể xác bây giờ có thể xúc phạm đến những kẻ mạnh nhất thế gian này. Dường như đáp lại bối cảnh đã đổi thay và cố né tránh sự đối lập giữa thể xác và linh hồn, Thomas khẳng định sự hài hòa và sự thống nhất của chúng. Chỉ trong trường hợp như vậy, con người mới có đầy đủ giá trị; linh hồn tự thân nó là một thực thể không đầy đủ, mặc dù bất tử. Thomas Aquino được gọi là “tiến sĩ thiên thần” có thể vì trí tuệ của ông phát triển vượt lên trên khả năng của con người. Bản thân nhà triết học kinh viện này cũng đề cao lý tính hơn ý chí. Căn cứ vào mức độ lý tính, ông đã phân loại các thực thể trên thế gian và trên trời, và cho rằng, năng lực cảm tính làm cho con người trở nên giống với động vật, còn năng lực tư duy làm cho con người trở nên giống với thiên thần. Thomas thừa nhận tự do ý chí của con người. Con người có khả năng lựa chọn giữa cái thiện và cái ác, giữa Chúa và quỷ dữ. Nếu không, con người chỉ là con rối trong tay Chúa. Tự do ý chí của con người hoàn toàn không hạn chế sự toàn năng của Chúa, khả năng hiểu biết tất cả và định trước tương lai của Chúa, cho dù thông qua các quy luật chi phối thế giới, Chúa dẫn dắt con người đi theo con đường đúng đắn. Thomas Aquino coi chế độ dân chủ là hình thái xấu xa nhất của nền bạo chính, khi dân đen cầm quyền và gán ép lý tưởng thấp hèn của mình cho những người khác. Chế độ tốt nhất là chế độ quân chủ. Nếu như quốc vương vi phạm nguyên tắc công bằng và cái thiện, nếu ông ta chống lại Giáo hội, thì khi đó thần dân có quyền đứng dậy lật đổ bạo chúa. Đứng trên nhà cầm quyền thế tục là các chủ nhân tinh thần/các giáo chủ và Giáo hoàng. 12 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 12 Như vậy, cần tuân theo luật của Chúa, luật của tự nhiên và luật của con người. Khi đó, linh hồn mới lên được Thiên Đường. Giáo hội tha tội cho những kẻ sai lầm (sau khi sám hối). Nhưng nếu họ kiên trì theo tà giáo, thì Giáo hội buộc phải xử tội và giao cho chính quyền thế tục trừng phạt họ. Tóm lại, mối quan hệ giữa lý trí và niềm tin, giữa khoa học và thần học được Thomas Aquino giải quyết trong bối cảnh vừa phải tính đến giá trị của tư duy lý tính và thành tựu bước đầu của khoa học trong xã hội thế tục ở Tây Âu các thế kỷ XII - XIII, tìm hiểu và sử dụng thành tựu trong triết học Hy Lạp, tiếp cận tư tưởng của một số nhà triết học Islam giáo từ Phương Đông; vừa phải ra sức bảo vệ những tín điều của Giáo hội Công giáo từ lập trường cá nhân. Giải pháp ôn hòa nhưng đặt lý trí phục tùng niềm tin, triết học là đồ đệ của thần học đã giúp Thomas Aquino trở thành một tuyên truyền viên khôn ngoan cho Giáo hội Công giáo, mặc dù không phải mọi người đương thời đều có thể nhận ra. Quan niệm của Thomas Aquino chỉ ra mối quan hệ phức tạp, đa chiều giữa tôn giáo và khoa học. Quan niệm này cho thấy, không nên phiến diện, đối lập tuyệt đối tôn giáo và khoa học theo kiểu cái này hưng thịnh thì cái kia suy vong. Càng không nên đơn giản quy kết rằng, trong thời đại hiện nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, thì tôn giáo tiêu vong. Sự thức tỉnh của tôn giáo từ cuối thế kỷ XX trở lại đây ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam, càng minh chứng nhiều vấn đề không thể giải quyết chỉ bởi một mình lĩnh vực khoa học, mà cần có sự hỗ trợ từ lĩnh vực tôn giáo và các lĩnh vực khác của hoạt động con người./. CHÚ THÍCH: 1 Cảnh giác về triết lý của thế gian, 2 Điều nghịch lý ở Tertulian, 3 Nguyễn Quang Hưng (2013), Tôn giáo và khoa học: Đối kháng hay tương hỗ, trong Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Khoa học Tư duy, Hội thảo: Khoa học tư duy từ nhiều hướng tiếp cận khác nhau. 4 Nguyễn Quang Hưng (2013), Tôn giáo và khoa học: Đối kháng hay tương hỗ, bđd. 5 D. Geneviere Haucourt (Dương Linh dịch, 2002), Đời sống thời Trung cổ, Nxb. Thế giới, Hà Nội: 300 - 316. 6 D. Geneviere Haucourt (Dương Linh dịch, 2002), Đời sống thời Trung cổ, sđd: 206 - 209. 7 Đỗ Minh Hợp (2011), Lịch sử triết học đại cương, Nxb. Giáo dục, Hà Nội: 210 - 224. Nguyễn Thị Thanh Hải. Lý trí và niềm tin 13 13 8 Thomas Aquino (Trần Ngọc Châu dịch, 2012 - 2013), Tổng luận thần học, quyển II, phần II, tập 1: Niềm tin - đức cậy: 13. 9 Thomas Aquino (Nguyễn Văn Liêm và một số cộng tác viên dịch, 2006), Tổng luận thần học, phần I - II, vấn đề 1 - 5: Về hạnh phúc con người: 254 - 255. 10 Thomas Aquino (Nguyễn Văn Liêm dịch, 2002), Tổng luận thần học, quyển I - 1: Thiên Chúa nhất thể, phần I: vấn đề 1 - 26: 137 - 138. 11 Thomas Aquino (Nguyễn Văn Liêm dịch, 2002), Tổng luận thần học, quyển I - 1: Thiên Chúa nhất thể, sđd: 139. 12 Thomas Aquino (Nguyễn Văn Liêm dịch, 2002), Tổng luận thần học, quyển I - 1: Thiên Chúa nhất thể, sđd: 141. 13 Thomas Aquino (Nguyễn Văn Liêm dịch, 2002), Tổng luận thần học, quyển I - 1: Thiên Chúa nhất thể, sđd: 141. 14 Thomas Aquino (Nguyễn Văn Liêm dịch, 2002), Tổng luận thần học, quyển I - 1: Thiên Chúa nhất thể, sđd: 143. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thomas Aquino (Nguyễn Văn Liêm dịch, 2002), Tổng luận thần học, quyển I - 1: Thiên Chúa nhất thể, phần I: vấn đề 1 - 26. 2. Thomas Aquino (Nguyễn Văn Liêm và một số cộng tác viên dịch, 2006), Tổng luận thần học, phần I - II, vấn đề 1 - 5: Về hạnh phúc con người. 3. Thomas Aquino (Trần Ngọc Châu dịch, 2012 - 2013), Tổng luận thần học, quyển II, phần II, tập 1: Niềm tin - đức cậy. 4. Cảnh giác về triết lý của thế gian, 5. Điều nghịch lý ở Tertulian, 6. D. Geneviere Haucourt (Dương Linh dịch, 2002), Đời sống thời Trung cổ, Nxb. Thế giới, Hà Nội. 7. Đỗ Minh Hợp (2011), Lịch sử triết học đại cương, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 8. Nguyễn Quang Hưng (2013), Tôn giáo và khoa học: Đối kháng hay tương hỗ, trong Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Khoa học Tư duy, Hội thảo: Khoa học tư duy từ nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Abstract REASON AND FAITH IN PHILOSOPHY AND THEOLOGY OF THOMAS AQUINO This article clarified views of Thomas Aquino, who was both a Dominican priest and a reputable theologian and philosopher of the Scholasticism, on the relationship between reason and faith but behind it that was the relationship between science and religion. Solving this key issue on the moderate stance that helped Thomas Aquino totally deployed his philosophical content on aspects such as ontology, epistemology, human point of view on socio-political issues. Key words: Reason, faith, philosophy, theology, Thomas Aquino.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf25303_84801_1_pb_3717.pdf