Nghiên cứu tôn giáo - Phật giáo champa từ tư liệu đến nhận thức

Tượng Phật ở Đồng Dương cũng như tượng cùng cách kiểu tìm thấy ở Đông Nam Á như tượng Phật Kô Rạt (Thái Lan), tượng Phật Sikendung (Indonesia), tượng Phật Jember (Indonesia), tượng Phật Angkor Borei (Campuchia),. đều mang phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ. Một số ý kiến cho rằng, tượng Phật ở Đồng Dương giống tượng Phật của Amaradhapura (Sri Lanka). Trên cơ sở đó, họ đưa ra giả định tượng Phật ở Đồng Dương có niên đại khoảng thế kỷ III - IV và được nhập trực tiếp từ Ấn Độ hay Sri Lanka. Đây là bằng chứng về sự ảnh hưởng của Phật giáo Amaravati ở Ấn Độ đối với tôn giáo Champa nói chung và vùng Đồng Dương nói riêng. Đầu thế kỷ XX, hàng chục di tích từ Quảng Bình đến vùng Panduranga (NinhThuận - Bình Thuận) được khai quật với hàng trăm hiện vật mang dấu ấn Phật giáo, trong đó phải kể đến bộ sưu tập tượng Phật Champa tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý trong bộ sưu tập này là một số tượng Phật Champa bằng đồng, tiêu biểu như: Tượng Phật Avalokitesvara ở Đại Hữu (Quảng Bình), cao 0,34m, tư thế đứng, niên đại thế kỷ VII. Tượng Phật ngồi thiền, cao 0,15m, với nét đặc trưng của tượng Phật Ấn Độ, phong cách Amaravati (các thế kỷ II - IX). Tại Lạc Sơn (huyện Tuyên Hòa) có những hang động được người Chăm biến thành nơi thờ Phật. Tại Quảng Khuê phát hiện được một đầu tượng Bồ tát (Boddhisattva) chịu ảnh hưởng sâu sắc của nghệ thuật Trung Quốc, niên đại khoảng các thế kỷ IV - V. Ngoài ra, có tượng Bồ tát Quán Thế Âm nguồn gốc Mỹ Đức, thể hiện trong tư thế đứng, đội mũ chóp nhiều tầng thu nhỏ dần lên cao, gương mặt phúc hậu, một tay cầm hoa sen, một tay cầm bình cam lồ, cổ đeo vòng trang sức, cánh tay đeo vòng tay, y phục là kiểu sampot16. Mới đây phát hiện thêm dấu chân Phật khổng lồ ở biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), kích thước từ 0,3m đến 3m, rộng từ 0,15m đến 0,9m

pdf12 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 548 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Phật giáo champa từ tư liệu đến nhận thức, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
46 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 – 2014 QUẢNG VĂN SƠN* PHẬT GIÁO CHAMPA TỪ TƯ LIỆU ĐẾN NHẬN THỨC Tóm tắt: Tôn giáo là một vấn đề không thể không có trong một quốc gia. Phật giáo Đại thừa từng chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội vương quốc Champa. Bằng nhiều nguồn tư liệu khác nhau, bài viết làm rõ thêm về Phật giáo Champa từ thế kỷ III đến thế kỷ X. Thông qua sử liệu, bia ký, di tích, di vật mang dấu ấn Phật giáo Champa, bài viết phân tích nguyên nhân Phật giáo Champa không còn tồn tại trong đời sống văn hóa xã hội của vương quốc này. Từ khóa: Di tích Champa, Phật giáo Champa, Phật viện Đồng Dương, văn hóa Ấn Độ. 1. Đặt vấn đề Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo đã đóng góp tích cực vào nhiều mặt của đời sống xã hội, trở thành truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, kiến tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc mang tính nhân văn sâu sắc. Cùng chung dòng chảy ấy, sự du nhập và phát triển rực rỡ của Phật giáo ở vùng duyên hải Miền Trung khẳng định vai trò quan trọng của tôn giáo này với vương quốc Champa. Thế nhưng, cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có sự chú ý đúng mức đối với Phật giáo Champa. Bài viết này sẽ góp thêm tư liệu và đánh giá về sự du nhập, phát triển và tiêu vong của Phật giáo Champa. 2. Phật giáo Champa qua sử liệu Đối với sử liệu Trung Hoa, những ghi chép đầu tiên về Phật giáo Champa vào thế kỷ VII sau Công nguyên của Thiền sư Nghĩa Tịnh: “Nghĩa Tịnh (I-Tsing) đã kể về Champa thời đó vào danh sách các quốc gia kính mến học thuyết Phật Thích Ca”1. Năm 605, quân nhà Tùy do * Trung tâm UNESCO Nghiên cứu & Bảo tồn Văn hóa Chăm, Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam. Quảng Văn Sơn. Phật giáo Champa 47 47 tướng Lưu Phương chỉ huy đánh chiếm kinh thành của Lâm Ấp mang về những chiến lợi phẩm, trong đó có 1.350 pho kinh Phật2. Sử liệu Đại Việt đề cập đến Phật giáo Champa qua sự kiện vua Lê Đại Hành trong cuộc bình Chiêm đưa về nước nhà sư người Ấn Độ đang hành đạo tại Champa. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua (Lê Hoàn) thân chinh đi đánh Chiêm Thành thắng được trước đây vua sai Từ Mục và Ngô Tử Cảnh sang sứ Chiêm Thành bị họ bắt giữ. Vua giận mới đóng thuyền chiến sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém được Paramesvaravarman tại trận, Chiêm Thành thua to, bắt được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể, bắt được kỹ nữ trong cung trăm người và một thầy tăng Thiên Trúc, lấy các đồ quý thu được mang về”. Về sau, nhiều ý kiến cho rằng, “thầy tăng” bị bắt đưa về là Thiền sư Thảo Đường. Năm 1069, Thiền sư Thảo Đường cũng được vua Lý Thái Tông đưa về Đại Việt khi ông từ Trung Hoa sang Champa hành đạo3. Sử liệu Trung Hoa và Đại Việt cho thấy, Phật giáo đã từng tồn tại và phát triển ở vương quốc Champa. Đây là điều phù hợp với quy luật truyền bá Phật giáo ở thời kỳ này. Bởi vì, đương thời, Phật giáo ra sức truyền bá khắp mọi nơi, nhất là Đông Nam Á, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều quốc gia trong khu vực. Vương quốc Champa không nằm ngoài ảnh hưởng đó. 3. Phật giáo Champa qua bia ký Trong 128 bia Champa được tìm thấy, có 7 bia Phật giáo, 92 bia liên quan đến Shiva, 5 bia đề cập đến Brahma, 3 bia đề cập đến Vishnu, 21 bia chưa xác định rõ4. Như vậy, bia Phật giáo Champa chiếm số lượng khiêm tốn, nên chưa đủ cơ sở khoa học để đoán định dấu ấn Phật giáo ở Champa. Để biết được điều này, chúng ta phải tìm đến nội dung bia có văn khắc liên quan đến Phật giáo Champa, tiêu biểu như: bia Võ Cạnh (Khánh Hòa), bia An Thái (Quảng Nam), bia Đại Hữu và bia động Phong Nha (Quảng Bình), bia Phú Quý (Phan Rang), bia Bakul (Phan Rang), bia Nhan Biểu (Quảng Trị), bia Đồng Dương (Quảng Nam). Những bia Phật giáo này phân bố đều trong vương quốc Champa, nhất là vùng Amaravati. Trong số bia Phật giáo Champa, bia Võ Cạnh (làng Võ Cạnh, thành phố Nha Tranh, tỉnh Khánh Hòa ngày nay) rất có giá trị. Bia này làm bằng đá hoa cương, niên đại cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III. Nội dung bia 48 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014 cho biết thời điểm Phật giáo du nhập vào Champa. Bên cạnh đó, theo L. Finot, nhà vua dựng bia thể hiện ý thức về sự bất thường của cuộc đời, lòng trắc ẩn đối với chúng sinh, sự hy sinh của cải của mình cho lợi ích người khác theo tinh thần Phật pháp5. Theo dẫn chứng nêu trên, Phật giáo có thể truyền bá vào Champa khoảng thế kỷ I sau Công nguyên, song song với sự du nhập và nở rộ của văn hóa Ấn Độ vào Nam Á. Duyên hải Miền Trung khi ấy vốn có điều kiện thuận lợi về hàng hải với các cửa biển tự nhiên là nơi trú ngụ an toàn của tàu thuyền. Cùng với sự phát triển phồn thịnh, tính ưu việt của văn hóa Ấn Độ làm biến chuyển văn hóa bản địa tiền Champa, đưa đến một văn hóa Champa. Sự tác động mạnh mẽ đó ảnh hưởng nhất định đến tôn giáo ở Champa thời kỳ này. George Coedès cho rằng, vào thế kỷ III sau Công nguyên, Phật giáo là tôn giáo chủ đạo ở quanh khu vực Nha Trang. Như vậy, thời điểm Phật giáo có dấu ấn mạnh mẽ ở Champa trùng với thời gian mà tôn giáo này lên ngôi ở Luy Lâu (Bắc Ninh). Hình ảnh bà mẹ xứ sở Po Ina Nagar cho chúng ta một điểm mở, nếu thật sự là một người giác ngộ hay một Phật tử thuần thành mới có một tư tưởng độc đáo. Không chấp nhận việc người chồng thường xuyên đưa quân xâm lấn các nước lân bang, sau nhiều lần ngăn cản nhưng không hiệu quả, bà quyết định đưa hai người con vượt biển về quê xưa Nha Trang xây dựng nên một vương triều tại đây6. Điều đó chứng tỏ, tư tưởng từ bi, khoan dung, tôn trọng sự sống và tự do của các nước lân bang trong bà luôn được đánh thức. Sự đánh thức này thấm đượm tinh thần Phật giáo. Vì thế, bà quyết định bỏ hạnh phúc riêng tư để cảnh tỉnh người chồng. Trong bài văn hát dâng vị thần này vào các ngày lễ, chúng tôi phát hiện ra “bà được sinh ra từ gốc cây Bồ Đề”7. Điều này có nghĩa là, người Chăm quan niệm, bà là hiện thân của sự giác ngộ, một sợi dây vô hình ràng buộc và ám chỉ về tính chất Phật giáo trong con người bà ở câu hát này. Như vậy, theo sử liệu và truyền thuyết, Kauthara ngoài là một trung tâm giao thương với các nước láng giềng từ đầu Công nguyên, còn là địa điểm đầu tiên Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang, trở thành một trung tâm Phật giáo phồn thịnh và ảnh hưởng mạnh mẽ tới các trung tâm Phật giáo Champa nổi tiếng sau này như Inrapura, Amaravati. Phật viện Đồng Dương được vua Indravarman II lập vào năm 875. Đây là kinh đô Indrapura, một dòng họ thấm đượm tinh thần Phật giáo, như đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu. Khi lên nắm quyền, dòng họ này Quảng Văn Sơn. Phật giáo Champa 49 49 đã phát triển các Phật viện trong khắp vương quốc của mình. Nội dung một tấm bia ghi lại lời nói của vị vua sáng lập ra Phật viện Đồng Dương như sau: “Mọi thành quả của ông tạo được ngày hôm nay không phải do sự kế thừa nào cả, mà do phước đức của ông tạo được nhiều đời nhiều kiếp tụ tập mới kiến tạo nên”8. Điều đó cho thấy, lòng tin và tính thuần thành của người phụng sự Phật giáo Champa một cách lớn lao. Từ khi thành lập, song tồn tại với kinh đô Indrapura, Phật viện Đồng Dương chú trọng hoằng pháp và trở thành một trung tâm đào tạo tăng tài nổi tiếng. Nền Phật giáo Đại thừa thực sự được nghiên cứu và truyền bá từ đây. Sử liệu ghi lại việc vua Lê Đại Hành bình Chiêm, đưa về nước nhà sư Ấn Độ đang hành đạo tại Champa. Năm 1069, Thiền sư Thảo Đường được vua Lý Thánh Tông đưa về Đại Việt khi ông từ Trung Hoa sang Champa hành đạo9. Sự kiện sư tổ Trúc Lâm Yên Tử cùng tăng sĩ Đại Việt ghé thăm Phật viện Đồng Dương và thắng cảnh của Champa năm 1301, được ông vua Phật tử tài hoa là Jaya Simhavarman III (Chế Mân) tiếp đón nồng hậu nói lên tầm vóc quan trọng của trung tâm Phật giáo Đồng Dương đối với Phật giáo các nước trong khu vực. Tầm quan trọng đó khiến Phật viện này tồn tại gần 600 năm bất chấp nhiều cuộc chiến tranh xảy ra. Bia An Thái (Quảng Nam) do Hòa thượng Sthavira Nagapuspa, Viện trưởng Phật viện Pramadita - Lokesvara lập nên (Phật viện này do vua Bhadravarman II xây dựng vào năm 902) có đoạn ca ngợi Avalokitesvara (Bồ tát Quán Thế Âm) xuất hiện như một đấng đại từ bi cho phép tất cả người phạm tội thoát khỏi Địa Ngục để Vajrapani đưa họ đến với Phật. Bia Kon Klor, tạo dựng năm 914, của triều thần Mahindravaman, nói về một cơ sở Phật giáo của ông có tên là Mahindra - Lokesvara. Nội dung bia này cho biết, Phật giáo trở thành quốc giáo của vương triều Indrapura. Phật giáo thời điểm này là Phật giáo Đại thừa, với việc thờ Lokesvara (Bồ tát). Bia Đại Hữu (Quảng Bình) nói về việc thành lập đền Ratna - Lokesvara, thờ thần Lokesvara jaya - Sinhavarman10. Theo C. Paris, ở động Phong Nha có 97 bia Champa. Vì dạng chữ bất thường và việc dập thời đó không ghi được chính xác, nên các bia Champa ở Phong Nha vẫn chưa dịch được. Một số từ cho thấy rõ tính chất Phật giáo trong các bia ở động Phong Nha11. Rất tiếc, hiện vật vật chất không còn, bi ký thì không đọc được, cho nên khó xác định được 50 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014 niên đại của những bệ thờ, tượng thờ và bia Phật giáo Champa ở động Phong Nha. Nhưng trước thế kỷ VII, ảnh hưởng nghệ thuật Ấn Độ (phong cách Gupta và phong cách Amaravati) còn rất đậm trong điêu khắc Chăm12. Chùa hang Phong Nha cùng di vật ở đó là những bằng chứng vật chất về sự có mặt rất sớm của Phật giáo ở vùng cực bắc của vương quốc Champa. Đến thế kỷ X, tôn giáo chủ đạo của vùng phía bắc Champa vẫn là Phật giáo. Một trong những bằng chứng cụ thể là bia Ròn (khoảng thế kỷ IX hoặc X). Bài minh văn khắc trên một tảng đá nằm ở cánh đồng Bắc Hạ nói về việc cúng tiến cho một tự viện: “Tôn kính thần Sri Damaresvara. Những cánh đồng Til - vit, Par, Tradvad... - tất cả những khu đất này là do vị vua hùng mạnh Sri... dâng cúng cho tu viện... Ngài là người có... là người đã hủy diệt...”. Xin lưu ý, vị thần Damaresvara mà vua Sri... tôn kính là thủ lĩnh các Daramas hoặc Hutas (yêu tinh), một trong vô vàn tên hiệu của Avalokitesvara có nguồn gốc từ thần Shiva13. Như vậy, nhiều cơ sở Phật giáo được người dân hoặc quan lại Chăm có tiền xây dựng chứ không cần vào ngân sách của nhà nước. George Coedèr dựa vào văn bia cùng thời với bia Võ Cạnh (Nha Trang) cho rằng, vào thế kỷ III, Phật giáo là tôn giáo chủ đạo quanh khu vực Panduranga. Nội dung các bia tìm thấy ở Phú Quý (Phan Rang) cho biết, năm 889, Daramesvaravarman cho xây tự viện mang tên vợ một vị lãnh chúa ở Đồng Dương là Rajaka, người đã quyên cúng cho tự viện. Tác giả bia Bakul (Phan Rang), niên đại 829, tự nhận là Sthavira Buddhanirvana, con một vị thượng thư đời vua Vikratavarman III, đã xây hai tự viện, hai ngôi đền thờ Phật và thần Siva. Như vậy, Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến xứ Panduranga, mà Ninh Thuận có thể là trung tâm lớn thứ hai sau Nha Trang. Triết lý Phật giáo đã thấm vào người dân Champa thời kỳ đầu sau Công nguyên và phát triển một cách rực rỡ từ thế kỷ III. Bia Nhan Biểu (Quảng Trị), niên đại 911, nói về sự kính trọng Siva và Lokesvara. Đặc biệt, nội dung bia Đồng Dương là lệnh của vị vua đầu tiên vương triều Indrapura. Năm 875, nhà vua cho xây dựng một ngôi đền và một ngôi chùa, chứng tỏ ông tôn sùng cả Phật giáo lẫn Bà La Môn giáo. Đồng thời, bài minh văn này còn đề cập đến một chi tiết quan trọng về dấu ấn Phật giáo: “Vua Sry Jaya Indravarman Maharajadhiraja, người Quảng Văn Sơn. Phật giáo Champa 51 51 trở thành vua Champa nhờ kết quả của những công trạng riêng tích tụ lại được từ những việc tu hành khổ hạnh của nhiều kiếp trước...”14. Những sử liệu nêu trên cho thấy, Phật giáo có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị xã hội của vương quốc Champa lúc bấy giờ. Phật giáo thời kỳ này là Phật giáo Đại thừa với hình tượng Bồ tát (Lokesvara) được nhắc thường xuyên ở bia ký và sự kiện Thiền sư Thảo Đường hành đạo ở Champa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ở Champa không có Phật giáo Nguyên thủy. Bên cạnh đó, nội dung bia ký còn phản ánh việc Phật giáo và Bà La Môn giáo được tôn sùng như nhau nhằm củng cố quyền lực của nhà vua. Điều này thể hiện năng lực tiếp nhận của văn hóa Champa, cũng như sự dung hợp tôn giáo. 4. Phật giáo Champa: từ di tích đến di vật Để làm rõ thêm việc hình thành Phật giáo Champa, chúng tôi điểm qua các di tích khảo cổ liên quan đến Phật giáo, nhất là ba địa điểm dấu chân Phật ở Hưng Ấn (Bình Thuận), núi Địa Điểm và hòn Santcô (Bình Định). Phật viện Đồng Dương là một biểu tượng của Phật giáo Champa, cũng là một trung tâm Phật giáo Đại thừa quan trọng ở Đông Nam Á vào các thế kỷ IX - X. Cơ sở Phật giáo này được vua Indravarman II cho xây dựng tại Indrapura, lấy tên là Laskmindra Lokeskvara Svabhyada vào năm 875. Theo công bố của L. Finot, ở Đồng Dương có bảy hiện vật Phật giáo (trên tổng số 229 hiện vật), trong đó có ba tượng Phật rất lớn (một tượng đúc bằng đồng được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1960, tại di tích này, các nhà khoa học phát hiện thêm mười hiện vật, trong đó có năm tượng thần giữ cửa (Dharmapala). Theo Henri Parmentier, toàn bộ kiến trúc Đồng Dương kéo dài hơn 1.330m. Khu vực Phật điện là một vành đai hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m với hệ thống tường thành bao bọc kiên cố xung quanh. Từ Phật điện mở ra một con đường dài 763m dẫn vào một thung lũng hình chữ nhật có diện tích 1.080 m2. Phần nơi thờ chính được bảo lưu khá nguyên vẹn cùng các bức tượng bằng đá và bằng đồng phát hiện quanh đó. Ngày nay, khu di tích Đồng Dương gồm 30 kiến trúc bị hư hại hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng cùng các tượng đá và bàn thờ Phật trưng bày trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Quảng Nam). Phật viện này cho thấy vai trò to lớn cũng như quy mô phát triển mạnh mẽ của Phật giáo Champa đương thời. 52 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014 Di tích Đại Hữu (Quảng Bình) với các tượng Phật và Bồ tát bằng đồng là dấu ấn rõ rệt của Phật giáo Đại thừa ở vùng phía bắc vương quốc Champa. Câu hỏi đặt ra là, Phật giáo Đại thừa vùng phía bắc vương quốc Champa từ đâu truyền đến và truyền bằng con đường nào? Chúng tôi cho rằng, Phật giáo Đại thừa chủ yếu truyền qua đường bộ từ Trung Hoa đến Champa, tuy không loại trừ truyền qua đường biển. Bên cạnh đó, chúng ta cần làm rõ thêm vấn đề Phật giáo Nguyên thủy có tồn tại ở vương quốc này không? Theo chúng tôi, Phật giáo Nguyên thủy có tồn tại ở Champa, nhưng không ảnh hưởng lớn. Di tích động Phong Nha (Quảng Bình) và di tích Nhan Biểu (Quảng Trị) đều có hiện vật Phật giáo Đại thừa. Bên cạnh đó, một hiện vật quan trọng khác thể hiện sự hiện diện của Phật giáo ở Champa là các tượng Phật. Trong bộ sưu tập tượng đồng Chăm của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh các thế kỷ VII - X có một tượng đồng bốn tay cao 0,64m tìm được ở Bình Định. Bên cạnh đó, một tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đồng cũng được tìm thấy ở Bình Định. Tóm lại, vương triều Indrapura đã sụp đổ, nhưng Phật giáo vẫn được các vua Chăm ở Bình Định (Vijaya) tôn sùng. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 1,22m là pho tượng nổi tiếng nhất của vương triều Đồng Dương, niên đại thế kỷ III, tạc theo tư thế đứng thuyết pháp gốc từ Sanath (Lộc Uyển). Tượng được nghệ nhân khắc họa với khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng đang nhìn vào cõi xa xăm, muốn giải thoát con người khỏi dục vọng trần thế, với một tay trong dáng điệu bắt ấn, một tay cầm cà sa phủ kín một vai, đôi chân đứng trên bệ sen15. Năm 1978, nhân dân địa phương đào được pho tượng Laskmindra - Lokesvara bằng đồng thau, cao 1,14m, ở gần khu đền thờ chính. Tượng được tạo tác trong tư thế đứng thẳng, hai cánh tay để dọc theo thân, hai bàn tay cầm hai đóa sen đưa về phía trước, thân trên để trần, lộ ra bộ ngực lớn và tròn; thân dưới mặt một sarong dài chấm mắt cá chân, tấm choàng ngoài sarong xếp nếp hình luống cày, cuộn vào trong để lật một múi ra ngoài. Gương mặt tượng mang đậm phong cách Đồng Dương; hai hàng lông mày rậm và giao nhau, cánh mũi to, môi dày; giữa trán có con mắt thứ ba hình thoi, có lẽ được khảm bằng một hạt ngọc (đã bị mất từ lâu); mái tóc được búi cao hình chóp, phía trên có hình Phật A Di Đà. Pho tượng này không những là tượng đồng lớn nhất trong nghệ thuật Quảng Văn Sơn. Phật giáo Champa 53 53 Champa, mà còn là một trong những tượng đồng Tara quan trọng nhất ở vùng Đông Nam Á, theo quan điểm của J. Boisselier. Tượng Phật ở Đồng Dương cũng như tượng cùng cách kiểu tìm thấy ở Đông Nam Á như tượng Phật Kô Rạt (Thái Lan), tượng Phật Sikendung (Indonesia), tượng Phật Jember (Indonesia), tượng Phật Angkor Borei (Campuchia),... đều mang phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ. Một số ý kiến cho rằng, tượng Phật ở Đồng Dương giống tượng Phật của Amaradhapura (Sri Lanka). Trên cơ sở đó, họ đưa ra giả định tượng Phật ở Đồng Dương có niên đại khoảng thế kỷ III - IV và được nhập trực tiếp từ Ấn Độ hay Sri Lanka. Đây là bằng chứng về sự ảnh hưởng của Phật giáo Amaravati ở Ấn Độ đối với tôn giáo Champa nói chung và vùng Đồng Dương nói riêng. Đầu thế kỷ XX, hàng chục di tích từ Quảng Bình đến vùng Panduranga (NinhThuận - Bình Thuận) được khai quật với hàng trăm hiện vật mang dấu ấn Phật giáo, trong đó phải kể đến bộ sưu tập tượng Phật Champa tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý trong bộ sưu tập này là một số tượng Phật Champa bằng đồng, tiêu biểu như: Tượng Phật Avalokitesvara ở Đại Hữu (Quảng Bình), cao 0,34m, tư thế đứng, niên đại thế kỷ VII. Tượng Phật ngồi thiền, cao 0,15m, với nét đặc trưng của tượng Phật Ấn Độ, phong cách Amaravati (các thế kỷ II - IX). Tại Lạc Sơn (huyện Tuyên Hòa) có những hang động được người Chăm biến thành nơi thờ Phật. Tại Quảng Khuê phát hiện được một đầu tượng Bồ tát (Boddhisattva) chịu ảnh hưởng sâu sắc của nghệ thuật Trung Quốc, niên đại khoảng các thế kỷ IV - V. Ngoài ra, có tượng Bồ tát Quán Thế Âm nguồn gốc Mỹ Đức, thể hiện trong tư thế đứng, đội mũ chóp nhiều tầng thu nhỏ dần lên cao, gương mặt phúc hậu, một tay cầm hoa sen, một tay cầm bình cam lồ, cổ đeo vòng trang sức, cánh tay đeo vòng tay, y phục là kiểu sampot16. Mới đây phát hiện thêm dấu chân Phật khổng lồ ở biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), kích thước từ 0,3m đến 3m, rộng từ 0,15m đến 0,9m. Tại khu vực Bình Định phát hiện tượng Lokesvara bằng đồng, niên đại các thế kỷ IX - X, hiện trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; đầu tượng Phật hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng; tượng Phật ngồi bán già, không còn phần đầu, niên đại thế kỷ XII, đang trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Champa Đà Nẵng. Những năm gần đây, một số tượng Bồ tát, tượng Phật được 54 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014 phát hiện và bảo quản ở các chùa thuộc huyện An Nhơn và thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Chùa Giác Hoàng (huyện An Nhơn) hiện lưu giữ một bức phù điêu lá đề tạc hình Bồ tát ngồi bán già, niên đại các thế kỷ XII - XIV. Chùa Hàm Long (thị trấn Tuy Phước) đang lưu giữ một cột đá hình rắn xòe tán che cho Đức Phật, niên đại khoảng thế kỷ XII. Chùa Phước Sa (thành phố Quy Nhơn) hiện lưu giữ hai pho tượng Phật bằng đồng, trong đó một pho là tượng Bồ tát Quán Thế Âm, niên đại các thế kỷ IX - X. Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đang lưu giữ sáu tiêu bản điêu khắc Phật giáo Champa Bình Định: một tượng đất nung và năm phù điêu sa thạch đều có kích thước nhỏ. Những tác phẩm Phật giáo Champa Bình Định cho thấy, ngoài sự ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ, còn có ảnh hưởng rất lớn của Phật giáo Campuchia thuộc phong cách nghệ thuật tiền Angkor. Mặt khác, những phát hiện điêu khắc Phật giáo Champa ở Bình Định góp phần chứng minh, Phật giáo chiếm vai trò quan trọng trong một thời kỳ dài ở cộng đồng người Chăm. Nói cách khác, Phật giáo từng hưng thịnh một thời kỳ dài ở vương quốc Champa. 5. Nguyên nhân sự tiêu vong của Phật giáo Champa Sau một thời kỳ dài hưng thịnh, Phật giáo Champa dần bị tiêu vong. Sự tiêu vong của Phật giáo Champa, theo chúng tôi, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan sau đây: Về nguyên nhân chủ quan: Thứ nhất, nhà nước Champa được tổ chức theo thể chế liên bang, mà nhiều nhà khoa học gọi là Mandala, chứ không trung ương tập quyền như Đại Việt và Trung Hoa. Vì vậy, sự thay đổi vị trí của các tiểu vương trong việc nắm quyền lãnh đạo vương quốc Champa dẫn đến tư tưởng có thể thay đổi. Điều này thể hiện cụ thể trong lịch sử vương quốc này. Nếu như thời kỳ Indrapura, Phật giáo chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống chính trị xã hội, thì đến thời kỳ Vijaya, tôn giáo này mất dần ảnh hưởng và đi đến tiêu vong. Thứ hai, cộng đồng xã hội người Chăm bị chi phối rất lớn bởi tôn giáo. Điều kiện này góp phần dẫn đến việc Phật giáo chấm dứt sự tồn tại của mình. Người dân có thể theo Phật giáo, Bà La Môn giáo hoặc Islam giáo. Thứ ba, Phật giáo Champa không có vai trò to lớn như Bà La Môn giáo trong việc củng cố sự thống trị của vương quyền và thần quyền. Bà La Môn giáo chủ trương phân chia đẳng cấp nhằm duy trì sự ổn định xã hội, trong khi đó Phật giáo quan niệm ngược lại, nên xảy ra sự mâu thuẫn giữa hai tôn giáo này. Sự mâu thuẫn làm cho hai tôn giáo không thể chung sống một cách hòa Quảng Văn Sơn. Phật giáo Champa 55 55 bình, dẫn đến sự tiêu vong của Phật giáo. Thêm nữa, người Chăm có sự nhạy bén trong tiếp nhận văn hóa ngoại lai, bởi họ là cư dân biển, thương nghiệp phát triển chứ không như văn hóa Đại Việt tĩnh tại. Nền văn hóa Chăm mang tính chất động như vậy, cho nên năng lực tiếp nhận rất lớn và dễ thay đổi. Về nguyên nhân khách quan: Các cuộc chiến tranh với Đại Việt góp phần làm mất dần vai trò Phật giáo Champa. Champa và Đại Việt trong lịch sử đã nhiều lần xung đột với nhau, làm cho vương triều Indrapura bị xóa sổ, dẫn đến việc Phật giáo Champa không còn chiếm địa vị thống trị nữa. Bên cạnh đó, sự xâm nhập của Islam giáo làm cho trung tâm Phật giáo lớn ở Đông Nam Á là Indonesia sụp đổ. Phật giáo Champa cũng nằm trong xu hướng nêu trên. Việc tiêu vong của Phật giáo Champa còn do sự chấn hưng Bà La Môn giáo ở Ấn Độ và sự tác động mạnh mẽ của tôn giáo này đến Champa. Ngoài ra, Phật giáo đưa vào người Chăm những triết lý cao siêu, phong cách nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo độc đáo, nhưng cũng làm tăng thêm tính bảo thủ, thụ động và an phận vốn có ở tộc người này. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho vương quốc Champa dần suy thoái, Phật giáo ở vương quốc này cũng dần tiêu vong. 6. Kết luận Phật giáo từng đóng vai trò quan trọng trong đời sống người Chăm, tồn tại và phát triển song song với Bà La Môn giáo từ đầu Công nguyên đến thế kỷ IX. Phật giáo tạo ra sự cân bằng giữa thế giới con người và thế giới thiên nhiên, mang tới một chiều sâu tinh thần cho con người. Vì vậy, Phật giáo góp phần làm nên văn hóa Chăm phát triển rực rỡ. Sau nhiều biến cố của lịch sử, Phật giáo Champa dần tiêu vong, nhưng không có nghĩa là không còn dấu vết. Chúng ta hôm nay hiểu thêm về sự phát triển rực rỡ của Phật giáo Champa trong quá khứ thông qua tượng Phật, tượng Bồ tát, di tích Phật giáo, tài liệu thành văn, sử liệu bia ký, v.v Đặc biệt, Phật giáo Champa để lại một di sản văn hóa quốc gia đó là tượng Phật Đồng Dương. /. CHÚ THÍCH: 1 Phan Xuân Biên (1991), Văn hóa Chăm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 277. 2 Phan Xuân Biên (1991), Văn hóa Chăm, sđd: 277; Thông Thanh Khánh (1999), Dấu ấn Phật giáo Champa, Nxb. Mũi Cà Mau: 31 - 38. 56 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6 - 2014 3 Thông Thanh Khánh (1999), Dấu ấn Phật giáo Champa, sđd. 4 Phan Xuân Biên (1991), Văn hóa Chăm, sđd: 278. 5 Phan Xuân Biên (1991), Văn hóa Chăm, sđd: 278; Thông Thanh Khánh (1999), Dấu ấn Phật giáo Champa, sđd. 6 Bản chép tay về truyền thuyết Po Ina Nagar của cụ Thanh Cái, làng Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Thông Thanh Khánh (1999), Dấu ấn Phật giáo Champa, sđd. 7 Bản chép tay của ông Thành Sâm, làng Mưli, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Người Chăm gọi cây Bồ Đề là cây Bodhi (nguyên văn Phạn ngữ). Thông Thanh Khánh (1999), Dấu ấn Phật giáo Champa, sđd. 8 L. Finot (1901), “La religion des Chams d'après les monuments”, BEFEO I: 12- 26; Thông Thanh Khánh (1999), Dấu ấn Phật giáo Champa, sđd. 9 Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội. 10 Phan Xuân Biên (1991), Văn hóa Chăm, sđd: 279. 11 R. C. Majumdar (1927), Ancient Indian Colonies in the Far East, Vol. 1, Lahore: 259. 12 J. Boisselier (1963), “La Statuaire du Champa”, BEFEO, Paris. 13 R. C. Maijumdar (1976), The Inscriptions of Champa, New Delhi: 225 - 226. 14 Ngô Văn Doanh (2002), Văn hóa cổ Champa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội: 266. 15 Quảng Văn Sơn (2012), “Về những bức tượng đồng Champa trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh”, trong: Đặc san Tagalau 13: Tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu văn hóa Chăm, Nxb. Văn học, Hà Nội: 180-188. 16 Quảng Văn Sơn (2012), “Về những bức tượng đồng Champa trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh”, bđd. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phan Xuân Biên (1991), Văn hóa Chăm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 2. J. Boisselier (1963), “La statuaire du Champa”, BEFEO, Paris. 3. Ngô Văn Doanh (1995), Văn hóa Chăm, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 4. Ngô Văn Doanh (2002), Văn hóa cổ Champa, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. 5. Ngô Văn Doanh (2003), Thánh địa Mỹ Sơn, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 6. Phan Văn Dốp (1984), Dân tộc Chăm, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 7. L. Finot (1901), “La religion des Chams d'après les monuments”, BEFEO I: 12 - 26. 8. Robert F. Fisher (1996), Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo, Nxb. Mỹ thuật. 9. Arlo Griffiths, Amandine Lepoutre, William A. Southworth, Thành Phần (2012), Văn khắc Champa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 10. Karl Heinz Golzio (2004), Inscription of Champa, Shaker Verlag, Aachen. Quảng Văn Sơn. Phật giáo Champa 57 57 11. Thông Thanh Khánh (1999), Dấu ấn Phật giáo Champa, Nxb. Mũi Cà Mau. 12. Thông Thanh Khánh (2013), “Từ Phù Nam đến Champa qua cái nhìn của Phật giáo”, Nghiên cứu Văn hóa Chăm, số 1: 58-65. 13. Trần Phương Kỳ (1979), “Tượng Bồ tát mới phát hiện tại Đồng Dương”, Khảo cổ học, số 2: 61 - 63. 14. Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội. 15. R. C. Maijumdar (1976), The Inscriptions of Champa, New Delhi. 16. R. C. Majumdar (1927), Ancient Indian Colonies in the Far East, Vol. 1, Lahore. 17. R. C. Majumdar (1963), Champa: History and Culture of An Indian Colonial Kingdom in the Far East 2 ND -16th century AD (Book I, II, III), Gian Publishing House, Sakati Nagar, Delhi: 155, 235. 18. Lương Ninh (2004), Lịch sử vương quốc Champa, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội. 19. Quảng Văn Sơn (2012), “Về những bức tượng đồng Champa trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh”, trong: Đặc san Tagalau 13: Tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu văn hóa Chăm, Nxb. Văn học, Hà Nội: 180 - 188. 20. Nguyễn Khắc Thuần (2004), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 2, Nxb. Giáo dục. Abstract THE BUDDHISM IN CHAMPA KINGDOM FROM HISTORICAL DOCUMENT TO COGNITION Religion is an issue of every country. The Mahayana Buddhism played an important role in culture and society of the Champa Kingdom. Basing on many historical documents, this article clarified the Buddhism in Champa Kingdom from the 3rd to the 10th century. Through historical documents such as steles and relics, this article analyzed the cause which had led to the disappearance of the Buddhism in culture and society of the Champa Kingdom. Keywords: Champa Buddhism, Champa relic, Đồng Dương Monastery, Indian culture.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf25256_84612_1_pb_8503.pdf