Nghiên cứu tôn giáo - Tọa thiền luận của trần thái tông

Là người Việt Nam, ai mà không phấn chấn khi nghe Trần Hưng Đạo luận về nguyên nhân chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần trước quân Nguyên, đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ: “Đời Đinh Lê, hiền tài được trọng dụng, cõi Nam đang hồi hùng mạnh mà Phương Bắc lại đang lúc suy yếu. Trên dưới đồng lòng, dân tình không ly tán Mới rồi, Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, nhờ vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước dốc sức, cho nên bọn chúng đành phải bó tay chịu trói ”. Đồng lòng và đồng thuận như vậy đó. Sở dĩ được như vậy là vì người dân được tôn trọng về tinh thần và vật chất. Nghĩa là phải xây dựng “một đội quân cha con” và phải “khoan sức cho dân” (Lâm chung di chúc). Tôn trọng, tự do và khoan dung là anh em cùng họ. Nếu Trần Khánh Dư không được khoan dung thì sẽ không có trận thủy chiến đánh chìm toàn bộ lương thảo của quân địch. Nếu Trần Hưng Đạo không chịu bỏ qua những hiềm khích cá nhân, không tự mình tắm cho Trần Quang Khải sẽ không có “đoạt sáo Chương Dương độ”. Nếu người dân không được tôn trọng thì quân lính không bao giờ tự động thích vào cánh tay hai chữ Sát Thát. Nếu đó chỉ là lệnh từ trên đưa xuống thì không thể gọi là Tuệ được. Tuệ khơi dậy sức sống của cả dân tộc, từ những bô lão đến những thiếu niên. Tự họ lựa chọn cuộc sống của chính họ.

pdf12 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 670 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Tọa thiền luận của trần thái tông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
76 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 HÀ THÚC MINH* TỌA THIỀN LUẬN CỦA TRẦN THÁI TÔNG Tóm tắt: Bài viết giới thiệu tư tưởng hòa đồng Tam giáo trên cơ sở Phật giáo và bắt đầu từ tọa Thiền ở bài “Tọa Thiền luận” trong sách “Khóa hư lục” của Trần Thái Tông. Để làm rõ vấn đề này, bài viết so sánh cách thức tọa Thiền của ba tôn giáo tiêu biểu của Phương Đông là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo; tọa Thiền của các tôn giáo Phương Đông với tọa Thiền của các tôn giáo Phương Tây; xu hướng hòa đồng Tam giáo ở Việt Nam với xu hướng hòa đồng Tam giáo ở Trung Quốc; xu hướng hòa đồng Tam giáo ở thời Trần với xu hướng độc tôn Nho giáo ở thời Nguyễn, v.v... Từ khóa: tọa Thiền, “Tọa Thiền luận”, “Khóa hư lục”, Tam giáo, Trần Thái Tông. Trong bài “Tọa Thiền luận” ở sách Khóa hư lục, Trần Thái Tông viết: “Phàm học đạo là cốt ở nhận thức được Tính. Cho dù thực hiện mọi điều giới luật để được thanh tịnh nhưng nếu không tọa Thiền thì (Tâm) cũng không thể Định được. (Tâm) không Định được thì suy nghĩ lung tung chẳng bao giờ dứt. Vậy mà lại muốn nhận thức được Tính thì quả là rất khó! Phật Thích Ca vào Tuyết Sơn nhập định sáu năm, chim chóc làm tổ trên đầu, cỏ mọc xuyên qua bắp vế, thân tâm vẫn bình thản. Tử Kỳ ngồi tựa ghế, hình hài như củi khô, tâm như tro nguội. Nhan Hồi ngồi mà quên hết mọi việc (tọa vong), thư giãn cơ thể, không nghe, không thấy bên ngoài, linh hồn lìa xa thể xác1, hòa đồng với Đạo (đại thông/ 大 通). Thánh hiền Tam giáo ngày xưa đều thành tựu bắt đầu từ ngồi Thiền (tọa định) như vậy đó”. Phật Thích Ca lúc 29 tuổi (có thuyết nói 19 tuổi) đã xuất gia, tìm đến một khu rừng gần Uruvela ở Senani bên bờ sông Nairanjana tọa Thiền trong sáu năm đúng như Trần Thái Tông mô tả, nhưng sau đó không tiếp tục khổ hạnh nữa, vì khổ hạnh như vậy đã đủ rồi, chứ không phải khổ hạnh là không cần thiết. Khổ hạnh liên quan đến tọa Thiền hoặc nhiều, * Nhà Nghiên cứu, Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Thúc Minh. Tọa Thiền luận 77 hoặc ít. Khổ hạnh có nghĩa là tự luật, tự hạn chế, tự làm chủ bản thân. Nói cách khác, tự luật là hướng đến tự do chứ không phải hướng đến nô lệ. Tọa Thiền là phương pháp giải thoát từ hướng nội. Cho nên, Phật Thích Ca tiếp tục tọa Thiền dưới gốc cây Bồ Đề, trở thành Đấng Giác ngộ (Buddha) không phải không có công của thời kỳ khổ hạnh. Phật Thích Ca ngồi Thiền là lẽ đương nhiên, nhưng Tử Kỳ và Nhan Hồi ngồi Thiền như thế nào có lẽ cần xem lại. Tử Kỳ là nhân vật được miêu tả trong thiên “Tề vật luận”, sách Trang Tử: “Nam Quách Tử Kỳ ngồi dựa ghế, ngửa mặt hà hơi, bơ phờ như người mất hồn. Nhan Thành Tử Du đứng hầu trước mặt thấy vậy bèn hỏi: “Sao mà hình hài giống như cây khô, còn lòng thì như tro lạnh? Nay người ngồi trên ghế đó có còn phải là người ngồi trên ghế trước đây nữa không?”. Tương truyền, Tử Kỳ2 (子 綦) người nước Sở, sống ở phía Nam của thành nên gọi là Nam Quách Tử Kỳ (南 郭 子 綦). Trong sử sách không thấy ghi chép gì về nhân vật này, cho nên người ta ngờ rằng, đó là do Trang Tử hư cấu. Nhưng dù sao có thể xem Tử Kỳ là nhân vật tiêu biểu cho Đạo gia hay Đạo giáo gì đó. Còn Nhan Hồi vốn là học trò của Khổng Tử, là một nhà nho chính cống, xưa nay chưa từng thấy Khổng Tử hay Nhan Hồi ngồi Thiền hay ngồi quên (tọa vong) bao giờ. Tuy nhiên, đối với Trang Tử, một con người không biết lúc nào là hư lúc nào là thật, thì điều đó chẳng có gì quan trọng. Trang Tử đã biến Nhan Hồi thành Nam Quách Tử Kỳ thứ hai: “Nhan Hồi nói: Hồi đã tiến hơn trước. Trọng Ni nói: Nghĩa là sao? Hồi nói: Tôi quên mất Nhân, Nghĩa rồi! Trọng Ni nói: Được lắm, nhưng vẫn còn thiếu. Hôm khác lại gặp và nói: Hồi đã tiến hơn trước. - Nghĩa là sao? - Hồi quên hết Lễ, Nhạc. - Được lắm, nhưng vẫn còn thiếu. Hôm khác lại gặp và nói: Hồi đã tiến hơn trước. - Nghĩa là sao? - Hồi ngồi quên (tọa vong). Trọng Ni ngạc nhiên hỏi: Ngồi quên là thế nào? 78 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 Nhan Hồi nói: Thư giãn cơ thể, loại bỏ thông minh, lìa xa ngu dốt, hòa đồng với Đạo, như vậy gọi là ngồi quên. Trọng Ni nói: Hòa đồng với Đạo thì sẽ không còn ham muốn riêng tư nữa, thay đổi, biến hóa cùng với vạn vật thì sẽ không cứng nhắc, cố chấp nữa. Nhà ngươi đúng là một người hiền rồi! Khưu này chắc phải theo học ngươi thôi!”. Tử Kỳ là nhân vật hư cấu, nhưng Nhan Hồi là người thực, việc thực, một nhà nho lại được nhào nặn theo hình ảnh Trang Tử như vậy kể cũng hơi quá đáng. Thực ra thì Trang Tử đang đề cao Nhan Hồi đấy chứ? Nhan Hồi đạt được cảnh giới đại thông, nghĩa là hòa đồng với tự nhiên vĩ đại rồi đó. Có lẽ Trần Thái Tông chẳng cần quan tâm việc Nhan Hồi ngồi quên (tọa vong) là thật hay giả. Thật thì càng tốt mà giả cũng chẳng việc gì, miễn làm sao để người học đạo lĩnh hội được tầm quan trọng của tọa Thiền, có thế thôi3. Hơn nữa, theo Trần Thái Tông: “Người chưa hiểu mới phân chia thành Tam giáo một cách sai lầm”. Thực ra, Tam giáo “đều ngộ một chữ Tâm” (phổ khuyến phát Bồ Đề tâm). Kể cũng lạ, xu hướng hòa đồng Tam giáo ở thời Trần không những không làm loãng hệ tư tưởng, mà còn tăng tính thống nhất, tăng sức mạnh của dân tộc. Khác với thời Trần, xu hướng kỳ thị ở thời Nguyễn ngày càng rõ nét. Tự Đức khẳng định, ngoài Nho giáo, không có tôn giáo nào đáng được gọi là Đạo (Đạo biện). Khác với Trần Thái Tông, Tự Đức nhìn thấy cái khác biệt nhiều hơn là cái giống nhau của Tam giáo. Trần Thái Tông lại hòa đồng Tam giáo trên cơ sở tọa Thiền và cái Tâm. Thực ra, trước Trần Thái Tông hơn sáu thế kỷ đã có bóng dáng của Tử Kỳ và Nhan Hồi. Thiền uyển tập anh chép về Thiền sư Pháp Hiền (? - 626), thế hệ thứ nhất Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi như sau: “Sư đi thẳng vào núi tu tập Thiền định, hình như cây khô, vật ngã đều quên, chim bay đến chầu, dã thú vây quanh. Người đương thời nghe tiếng đến học không thể đếm xiết”. Truyền thống Thiền định ở Việt Nam có lẽ xuất hiện từ đầu thế kỷ III. Những trước tác Phật giáo ảnh hưởng sớm nhất là trước tác về Thiền định, chẳng hạn như Tứ thập nhị chương kinh hay An ban thủ ý, Lục độ tập kinh do Khương Tăng Hội biên tập. Còn xu hướng hòa đồng Tam giáo ít ra có thể tìm thấy ở thế kỷ II trong Lý hoặc luận của Mâu Tử (Xe và thuyền khác nhau nhưng cùng đưa người tới chốn). Hà Thúc Minh. Tọa Thiền luận 79 Ở Trung Quốc cũng có xu hướng hòa đồng Tam giáo nhưng hơi khác ở Việt Nam. Ở Trung Quốc, Nho giáo và Đạo giáo là sản phẩm bản địa, Phật giáo mới là ngoại nhập. Ở Việt Nam cả ba đều là ngoại nhập, cho nên hòa đồng có phần thông thoáng hơn. Ở Trung Quốc, Phật giáo du nhập từ đầu Công nguyên và ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội quốc gia này thông qua Huyền học thời Ngụy - Tấn, Nam - Bắc triều. Ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo và Huyền học thể hiện sự cọ xát, chọn lọc và tiếp nhận giữa hai nền văn hóa không phải không có nhiều khó khăn. Chẳng hạn thời Ngụy - Tấn, Phật giáo chủ yếu là thuyết Bát nhã tính Không (般 若 性 空), kinh điển dịch thuật chưa được chính xác, rõ ràng, hơn nữa lại lý giải tính Không của Bát nhã từ quan niệm Hữu (有), Vô (无) vốn có của Huyền học, cho nên xảy ra nhiều bất đồng về kiến giải thế nào là tính Không, hình thành cái gọi là Lục gia Thất tông4. Người ta cho rằng, quá trình đó bắt đầu từ Huyền học và kết thúc ở Tống Nho (độc tôn Nho giáo chứ không phải hòa đồng). Nhà Nguyên tiếp tục đề cao Tống Nho và thực hiện pháp luật nhà Hán. Sau khi lên ngôi, đích thân Hốt Tất Liệt đã thỉnh các đại nho sĩ giảng dạy về Tam cương Ngũ thường, Chính tâm thành ý, Tu tề trị bình, Vua Nhân Tông (nhà Nguyên) tuyên bố: “Minh tâm kiến tính của Phật giáo rất uyên thâm, nhưng tu thân, trị quốc của Nho giáo mới là cấp thiết”, “Phải đề cao Nho giáo thì mới có thể duy trì được đạo Tam cương Ngũ thường” (Nguyên sử, Nhân tông bản kỷ). Như vậy, giao tranh giữa nhà Trần và nhà Nguyên là giao tranh giữa chống xâm lược và xâm lược, giữa Tam giáo hòa đồng với độc tôn Nho giáo. Trần Thái Tông hòa đồng Tam giáo trên cơ sở Phật giáo và bắt đầu từ tọa Thiền. Tọa Thiền ở Trần Thái Tông đương nhiên không phải chỉ là phương pháp tu tập thông thường. Nếu tính từ Pháp Hiền thì Trần Thái Tông có hơn sáu trăm năm kinh nghiệm. Còn nếu tính xa hơn từ Khương Tăng Hội thì Trần Thái Tông có hàng nghìn năm kinh nghiệm. Ngay đối với Khương Tăng Hội, Thiền học đối với ông “không phải chỉ là những phương pháp hành đạo mà còn có cả một căn bản triết học về tâm học”5. Thiền học Đại Thừa được Khương Tăng Hội truyền bá dựa vào công trình biên dịch An ban thủ ý và Lục độ tập kinh được Nguyễn Lang tóm lược trong Việt Nam Phật giáo sử luận. Theo Nguyễn Lang, Thiền học Đại Thừa ở Việt Nam bắt đầu từ Khương Tăng Hội: “Từ Thông Biện Thiền sư đời Lý cho đến nay, chúng ta có khuynh hướng cho rằng, Thiền học là từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam, lần đầu tiên là do Thiền sư Tỳ 80 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 Ni Đa Lưu Chi, học trò của Tăng Xán, tổ thứ ba của Thiền tông Trung Hoa, vào hạ bán thế kỷ thứ sáu. Thực ra, Thiền học Việt Nam đã khởi đầu từ thế kỷ thứ ba và chính Tăng Hội của Giao Châu đã sang truyền bá Thiền pháp tại Trung Hoa”6. Người thực sự khai sáng Thiền tông ở Trung Quốc là Huệ Khả (487 - 593). Nhưng theo Nguyễn Lang: “Kinh Lăng già (Lankavatara) mà Bồ Đề Đạt Ma trao cho Huệ Khả (vào đầu thế kỷ thứ sáu) chỉ mới xuất hiện vào thế kỷ thứ tư”7. Cho nên, “sự liên hệ giữa văn hệ Bát nhã và Thiền học ở Giao Châu đã có sớm hơn ở Trung Hoa tới một thế kỷ”8. Nhận xét của Nguyễn Lang có lẽ cần phải bàn thêm9, nhưng “Tọa Thiền luận” của Trần Thái Tông chắc chắn đã có bề dày lịch sử không phải tính bằng thế kỷ mà bằng thiên niên kỷ. Nhưng đó không phải là tất cả. Người đẹp ngủ trong rừng có thể thức dậy hoặc không bao giờ thức dậy nếu không gặp được hoàng tử. Ở Phương Tây, tọa Thiền thường được dịch là Meditation, Contemplation,... được xem là hiện tượng phổ biến ở nhiều tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo, Ấn Độ giáo, Islam giáo, Công giáo Thực ra, Meditation ở Phương Tây chỉ là một dạng thực hành thư giãn (relaxation), một trạng thái tư duy logic tĩnh tại theo chiều sâu, không giống như tọa Thiền hoặc tọa vong của Phương Đông. Meditations của Marcus Antonius (121 - 180) là một dạng như vậy. Tọa Thiền hay tọa vong Phương Đông không phải thuộc dạng tư duy logic, khái niệm, thậm chí cũng chẳng cần đến ngôn ngữ hoặc tư duy triết học theo kiểu Phương Tây. “Tọa Thiền luận” của Trần Thái Tông thời Trần là như vậy. Bảy trăm năm đã qua, nhân loại đang bước sang thế kỷ XXI. Hiện đại hóa đang nhường chỗ cho hậu hiện đại hóa. Tuy nhiên, bề ngoài có vẻ phồn vinh này lại được xem là “giai đoạn già và chết của văn hóa, là giai đoạn chuyển từ văn hóa sống sang văn minh chết”. Lấy gì để cứu vãn nền văn minh chết hậu hiện đại? S. Kornev cho rằng, lấy chủ nghĩa hậu hiện đại Phương Đông, có nghĩa là lấy Thiền tổng hợp của Phật giáo và Đạo giáo để cứu nền văn minh chết! Bởi vì, “chủ nghĩa hậu hiện đại Phương Đông là hình thức cứu thế đặc biệt, đó là khả năng đặt vào tâm hồn Phương Tây ý chí Phương Đông”10. Không biết có phải vì để cứu nền văn minh chết hay không mà gần đây ở Anh, người ta đưa những tôn giáo lớn trên thế giới, trong đó có Phật giáo và Đạo giáo, vào chương trình giáo dục cấp phổ thông. Đương Hà Thúc Minh. Tọa Thiền luận 81 nhiên, người Anh không phải muốn biến trường học thành nơi tọa Thiền hay tọa vong, mà chỉ muốn khai thác những gì hợp lý của ngày xưa cho ngày nay mà thôi. Nếu vậy, “Tọa Thiền luận” của Trần Thái Tông cũng như Thiền học của thời Lý - Trần đâu phải chỉ có giá trị quá khứ! Hậu hiện đại đã lắm chuyện rồi, nay mai còn hậu của hậu hiện đại nữa chắc còn rắc rối to. Không biết có phải vì vậy mà ngày nay thiên hạ đang có xu hướng phục cổ? Tháng 5/2009, Phạm Tăng với bài diễn thuyết ở Liên Hợp Quốc kêu gọi hãy trở về với tự nhiên, trở về với cổ điển nghe ra rất có lý: “Ở thế kỷ trước có hai nhà lịch sử vĩ đại của Anh và Đức là Toynbee và Spengler đã phanh phui những tệ hại của tư bản. Ngày nay, sau nửa thế kỷ, oái ăm thay những điều đó đã được phơi bày. Trí tuệ siêu việt của các học giả thật đáng kinh ngạc. Khi mà khoa học kỹ thuật ngày càng tiến vượt bậc cùng với nhu cầu vô hạn độ của con người thì đó là ngày nguy hiểm của quả đất và con người đã cận kề”. Phạm Tăng ca ngợi văn hóa cổ điển là tĩnh lặng, phong nhã, thuần phác, thành kính Những tính từ đó đều hội tụ trong “Tọa Thiền luận” của Trần Thái Tông. Có vàng trong nhà mà không biết, lại phải lặn lội tha hương suốt năm tháng để kiếm sống, quả thật là nghịch lý làm sao! Phương Tây đánh giá cao Thiền học không phải vì nó là tôn giáo kêu gọi từ bi, mà quan trọng hơn là tư duy triết học vượt thời gian của Phật giáo. Triết học Phật giáo, đúng ra nên gọi là siêu triết học, bởi vì triết học Phật giáo không phải thuộc loại tư duy tuyến tính (Linear thinking), tư duy logic, khái niệm, mà là sản phẩm của tư duy phi tuyến tính (Non - linear thinking). Nói cách khác, triết học Phật giáo không phải là sản phẩm của tư duy logic mà là sản phẩm của Thiền định. Nhà nghiên cứu Phật giáo Nhật Bản Kimura cho rằng: “Mọi luận điểm của tư tưởng Phật giáo đều liên quan đến Thiền định. Toàn bộ tư tưởng Phật giáo đều là kết quả được khảo sát từ Thiền định” (Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận)11. Thiền là từ gọi tắt của Thiền Na, Sanskrit gọi là Dhyãna, Pali gọi là Jhãna, phiên âm chữ Hán là Thiền Na (禅 那) là phương pháp rèn luyện tư duy (tư duy tu/ 思 维 修), làm cho Tâm được yên tĩnh, sáng suốt (tĩnh lự/ 静 虑)12. Tọa Thiền hay ngồi Thiền chủ yếu là Thiền chứ không phải là ngồi. Nhưng ngồi là tư thế thích hợp nhất để Định. Trần Thái Tông giải thích: “Đi đứng ngồi nằm cũng đều là Thiền, không chỉ có ngồi. Chỉ vì đi thì rảo bước, đứng thì mỏi mệt, nằm thì mờ tối dễ buông thả, buông thả thì suy tư, suy tư thì mọi lo âu trỗi dậy. Cho nên muốn dứt mọi suy tư thì nên ngồi Thiền”. 82 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 Trần Thái Tông chia Thiền thành bốn loại: ngoại đạo Thiền, phàm phu Thiền, Tiểu thừa Thiền và Đại thừa Thiền13. Đại thừa Thiền là Thiền đạt được cảnh giới xem sự vật bên ngoài (pháp/ 法) và bản thân (nhân/ 人) đều là Không (空/ Sũnya/ Sũnyata). Hư (虚) của Khóa hư lục là từ đồng đẳng của Không (không hư/ 空 虚). Khóa hư là bài khóa về tâm Không. Đại thừa Thiền là Thiền mà Trần Thái Tông hướng tới, thuộc hệ Bát nhã chứ không phải hệ Niết Bàn. Trần Thái Tông giảng giải rất rõ về quan hệ giữa Định và Tuệ: “Tuệ phát sinh là nhờ có Định. Tâm định thì ánh sáng của Tuệ mới phản chiếu, nếu Tâm loạn thì ánh sáng của Tuệ cũng mất. Cũng như chiếc gương đồng, nhờ mài giũa lau chùi mới nhẵn bóng, sáng sủa. Nếu không mài giũa lau chùi thì cáu bẩn làm cho mờ đi. Đã bị cáu bẩn làm cho mờ đi thì làm sao có thể sáng được! Thế mới biết Tuệ xuất hiện được là nhờ ở Định, Định có được cũng là nhờ ở Tuệ. Định, Tuệ dựa lẫn nhau, không thể thiếu cái nào”. Tuệ là trí tuệ (智 慧). Trí tuệ có được từ tư duy logic cũng gọi là trí tuệ. Trí tuệ do Thiền định mà có cũng gọi là trí tuệ. Prajnã ở Sanskrit là trí tuệ Thiền định, trực giác. Cho nên, để tránh lẫn lộn, Prajnã không dịch là trí tuệ, mà thường phiên âm là Bát nhã (般 若). Tuệ mà Trần Thái Tông đề cập đến chính là Bát nhã. Bát nhã không dựa vào lý luận suy diễn, phân tích mà dựa vào trực giác để nhận thức hết thảy đều là Không (nhân không, pháp không, vật không, ngã không). Cho nên, Định (Samãdhi) là tiền đề không thể thiếu của Tuệ cũng như ngôn ngữ là điều kiện không thể thiếu của tư duy logic. Khoa học vật lý địa cầu đo được sóng điện ly của quả đất thường từ 8 đến 14 hertz. Khi thiền sư nhập định thì sóng điện ở người cũng từng ấy. Có nghĩa là con người và tự nhiên hòa đồng. Trạng thái hòa đồng này là điều kiện để con người quên hết mọi thứ, loại bỏ stress ở bên ngoài cũng như ở bên trong, làm cho cơ thể được điều chỉnh tự nhiên, khí huyết điều hòa, loại trừ nhiều bệnh tật, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ; thậm chí có thể tăng thêm chiều dày mô bì phía trước của bộ não, đặc điểm cơ sở tư duy của những nhà tư tưởng lỗi lạc. Người ta xác nhận rằng, nếu như thức cả đêm, chỉ cần 40 phút tọa Thiền cũng đủ để bù đắp giấc ngủ. Trạng thái hòa đồng này giúp con người có thể nhận thức những điều mà cho dù dựa vào khoa học hay kỹ thuật tân tiến nhất cũng không thể hiểu được. Nhà triết học Immanuel Kant đã chỉ ra nhiều khiếm khuyết của giác quan con người. Con người Hà Thúc Minh. Tọa Thiền luận 83 chỉ có thể dựa vào giác quan khiếm khuyết đó để nhận thức thế giới, cho nên cái tự nó luôn tồn tại, luôn thách thức, cho dù được hỗ trợ bằng dụng cụ để tăng cường khả năng của giác quan. Đó là nói về nhận thức bên ngoài. Nếu nói về nhận thức nội tâm, nhận thức chiều sâu tâm lý của con người thì tâm lý học hiện đại, kể cả phâm tâm học của Sigmund Freud cũng phải nhường bước. Đặc biệt là tọa Thiền của Phật giáo hay tọa vong của Đạo giáo đều khước từ ngôn ngữ. Ngôn ngữ, khái niệm là sản phẩm của lao động, là công cụ giao tiếp của cộng đồng, có tính quy định, có tính tất yếu, là di sản văn hóa phi vật thể của quá trình lịch sử văn minh của nhân loại. Tuy nhiên, ngôn ngữ có những hạn chế mà Phật giáo gọi là trở ngại của nhận thức (sở tri chướng). Tự do mà Phật giáo gọi là giải thoát (Vimukta/ Mukti/ Moksa), Đạo giáo gọi là hà hữu chi hương (何 有 之 乡) là điểm giao nhau giữa tọa Thiền và tọa vong. Tọa Thiền và tọa vong hòa lẫn, nhưng tỷ lệ lại tùy người sử dụng. Có lẽ thấy hàm lượng của tọa vong nhiều hơn, nên Hồ Thích mới cho rằng: “Thiền của Trung Quốc không phải từ Yoga hay từ Thiền Na của Ấn Độ. Ngược lại, nó là cuộc cách mạng đối với Yoga hay Thiền Na”. Suzuki cũng đồng tình: “Cái mà ngày nay chúng ta gọi là Thiền, không có ở Ấn Độ”. Không biết Suzuki muốn nói đến Thiền của Nhật Bản hay của Trung Quốc? Còn Thomas Merton thì có vẻ lấp lửng hơn: “Thiền sư đời Đường mới là những người kế thừa chân chính ảnh hưởng của Trang Tử”14. Tự do bắt đầu từ tự do, nghĩa là bắt đầu từ loại bỏ rào cản của ngôn ngữ, phương tiện chuyển tải những tư tưởng vĩ đại cũng như những thành kiến, định kiến bảo thủ của xã hội từ quá khứ đến tương lai. Ai mà không khiếp sợ trước quân Nguyên? Điều đó đã trở thành định kiến lúc bấy giờ. Tuy nhiên, quân dân nhà Trần lại vượt khỏi định kiến đó. Thậm chí, quân Nguyên càng hung dữ, càng muốn tốc chiến tốc thắng thì càng dễ chế ngự (Lâm chung di chúc). Vượt qua mọi tư duy tuyến tính, tư duy nhị nguyên, mà Phật giáo gọi là bất nhị pháp môn (不 二 法 门); không nhất thiết không phải ngày tức là đêm, không phải trắng tức là đen, không phải bạn tức là thù, v.v Tuệ giác đó từ Thiền định mà ra. Thiền định là chỉ quán, là quán chiếu bên trong, là kiến tính, là tự lực chứ không phải tha lực. Có nghĩa là không hòa tan cá nhân vào xã hội, không đánh mất cá nhân, không để cá 84 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 nhân bị tha hóa bởi chính nó. Nhan Hồi quên cả Nhân, Nghĩa, Lễ, Nhạc. Những chuẩn mực này trở thành thiên kinh, địa nghĩa của xã hội mà lại dám quên. Có gì đâu! Thiên hạ sống cũng nhờ ở Nhân, Nghĩa, Lễ, Nhạc, mà chết cũng tại vì chính những thứ đó. Vậy là quên hóa ra có giá trị ở lĩnh vực cái Chân, cái Thiện và cả cái Mỹ cũng càng cần đến nó. Hãy quên mình rồi tìm lại mình trong đó. Tuy nhiên, cái quên (vong/ 忘) của Nhan Hồi và cái không nhớ (vô ký/ 无 记) trong “Tọa Thiền luận” cũng như trong “Tuệ giáo giám luận” (Bàn về gương tuệ)15 của Trần Thái Tông xem ra không phải là một. Trần Thái Tông nắm được bí quyết về Định, Tuệ mà ngay giới nghiên cứu Phật giáo ở Trung Quốc cho rằng đó là pháp môn hy hữu không phải ai cũng quan tâm lĩnh hội. Trần Thái Tông trích lời của Tổ sư: “Tĩnh lặng nhưng vẫn thường chiếu sáng, chiếu sáng nhưng vẫn thường tĩnh lặng (...). Lặng lẽ im lìm là không ghi nhớ. Im lìm lặng lẽ là loạn tưởng. Lặng lẽ im lìm, im lìm lặng lẽ là thuốc”16. Tổ sư mà Trần Thái Tông nhắc đến là Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác (665 - 713). Thiền sư là đệ tử của Lục Tổ, nghe đâu chỉ một đêm thụ giáo mà đã giác ngộ, cho nên mới có biệt danh là Nhất Túc Giác. Bí quyết chỉ quán của Thiền sư một phần tiếp thu của Thiên Thai tông. Bí quyết hy hữu của Thiền sư được ghi ở Thiền tông Vĩnh Gia tập (Đại chính tạng, quyển 48). Trong quan hệ giữa tĩnh lặng (tịch tịch) và tỉnh táo (tinh tinh), thì tỉnh táo mới là mục đích hướng tới17. Như vậy, Trần Thái Tông và Thiền sư Vĩnh Gia đều lên án tình trạng không nhớ (vô ký) trong khi tọa Thiền. Tọa Thiền hướng về bên trong, hướng về tuệ giác của cá nhân, hướng về giải thoát, tự do, tự chủ chứ không phải áp đặt. Đồng thuận xã hội không phải là xã hội trên bảo dưới nghe, cá nhân có nhân cách không phải là thiên lôi chỉ đâu đánh đó. Sức mạnh của nhà Trần là sức mạnh tổng hợp từ những cá thể năng động chứ không phải thụ động. Không phải ngẫu nhiên mà một nhà nho chính cống như Huỳnh Thúc Kháng lại hết lời ca ngợi tinh thần tự do của thời Trần: “Nước ta sau lúc độc lập, trong khoảng trên dưới 300 năm (từ Đinh đến Trần) về học hành thi cử, từ trên đến dưới, đối với hai nhà giáo tổ (Khổng, Phật) vẫn sùng bái như nhau, không phải thiên về một đạo Nho, tức là có cái vẻ tín giáo tự do. Tín giáo được tự do nên tư tưởng có chiều phát triển; trên lịch sử nước Nam ta về đời Trần, không những võ công trác tuyệt mà nói đến học giới có vẻ cao hơn Tống Nho nhiều (...). Xem đó, học giới đời Trần có vẻ đặc sắc, lúc bấy giờ tín giáo còn tự do (...). Học giới nước ta sau ngày tự Hà Thúc Minh. Tọa Thiền luận 85 lập mà có nảy ra học phong tốt như đời Trần đã nói trên, chính nhờ cái khoảng tư tưởng có chiều tự do ấy” (Lối học khoa cử và lối học của Tống Nho có phải là học đạo Khổng Mạnh không?). Là người Việt Nam, ai mà không phấn chấn khi nghe Trần Hưng Đạo luận về nguyên nhân chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần trước quân Nguyên, đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ: “Đời Đinh Lê, hiền tài được trọng dụng, cõi Nam đang hồi hùng mạnh mà Phương Bắc lại đang lúc suy yếu. Trên dưới đồng lòng, dân tình không ly tán Mới rồi, Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, nhờ vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước dốc sức, cho nên bọn chúng đành phải bó tay chịu trói”. Đồng lòng và đồng thuận như vậy đó. Sở dĩ được như vậy là vì người dân được tôn trọng về tinh thần và vật chất. Nghĩa là phải xây dựng “một đội quân cha con” và phải “khoan sức cho dân” (Lâm chung di chúc). Tôn trọng, tự do và khoan dung là anh em cùng họ. Nếu Trần Khánh Dư không được khoan dung thì sẽ không có trận thủy chiến đánh chìm toàn bộ lương thảo của quân địch. Nếu Trần Hưng Đạo không chịu bỏ qua những hiềm khích cá nhân, không tự mình tắm cho Trần Quang Khải sẽ không có “đoạt sáo Chương Dương độ”. Nếu người dân không được tôn trọng thì quân lính không bao giờ tự động thích vào cánh tay hai chữ Sát Thát. Nếu đó chỉ là lệnh từ trên đưa xuống thì không thể gọi là Tuệ được. Tuệ khơi dậy sức sống của cả dân tộc, từ những bô lão đến những thiếu niên. Tự họ lựa chọn cuộc sống của chính họ. Có cái Tuệ nào cao hơn cái Tuệ về con người, về lẽ sống và cái chết, về sự tồn tại và sống còn của cả dân tộc? Định sinh ra Tuệ và Tuệ tác động đến Định, Trần Thái Tông đã nói như vậy, Hồ Chí Minh cũng chẳng phải đã nói như vậy sao? Tinh thần bất khuất của Trần Bình Trọng là ý chí “thà chết không chịu làm nô lệ” của dân tộc Việt Nam ở bất cứ lúc nào. Tuệ ở thời Trần và Tuệ cũng ở cả thời đại Hồ Chí Minh./. CHÚ THÍCH: 1 Tác giả bài viết dựa vào thiên “Đại tông sư” của sách Trang Tử, xin được sửa đổi và dịch lại. 2 Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989 không đọc là Tử Kỳ mà đọc là Tử Cơ. 86 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 3 Trong “Tọa Thiền luận”, về Tử Kỳ và Nhan Hồi, Trần Thái Tông trích dẫn gần như nguyên văn ở thiên “Tề vật luận” và thiên “Đại tông sư” của sách Trang Tử: “Tử Kỳ ẩn kỷ nhi tọa, hình như khô mộc, tâm tự tử khôi. Nhan Hồi tọa vong, đọa chi thể, truất thông minh, ly ngu trí, đồng ư đại thông” (子 綦 隐 几 而 坐,形 如 枯 木,心 似 死 灰。颜 回 坐 忘,坠 支 体,黜 聪 明,离 愚 智,同 于 大 通). Khô mộc (枯 木) hoặc kháo mộc (槁 木) đều được, nhưng ly ngu trí (离 愚 智) nên sửa lại là ly hình khứ trí (离 形 去 智). 4 Lục gia thất tông (六 家 七 宗) gồm: Bản vô gia, Tức sắc gia, Tâm vô gia, Thức hàm gia, Huyễn hóa gia, Duyên hội tông. Bản vô gia lại chia ra Bản vô dị gia, hợp lại thành Lục gia thất tông. 5 Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội: 91. 6 Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, sđd: 104. 7 Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, sđd: 97. Nhưng Kinh Lăng già mà Huệ Khả dựa vào là Kinh Lăng già gồm bốn quyển khác với Kinh Lăng già mười quyển lúc bấy giờ. Khác nhau cơ bản giữa hai bộ kinh ở chỗ, Kinh Lăng già (bốn quyển) đồng nhất Phật tính với Tâm, còn bộ kia (mười quyển) cho rằng có Tâm thanh tịnh và Tâm ô nhiễm. 8 Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, sđd: 144. 9 Có ý kiến cho rằng, An Thế Cao ở cuối thời Đông Hán (cuối thế kỷ II) từng dịch nhiều kinh liên quan đến sổ tức của Thiền học. Cho nên, Thiền học ở Trung Quốc không phải từ Bồ Đề Đạt Ma mà là từ An Thế Cao ở cuối thế kỷ II. Thực ra, cuối thế kỷ II hoặc đầu thế kỷ III cũng chẳng cách nhau là mấy. 10 S. Kornev, “Chủ nghĩa hậu hiện đại Phương Tây và Phương Đông”, Tia sáng (báo điện tử), ngày 16/06/2009. 11 Trích theo: Trần Trọng Huy (Trung Quốc), Thiền định và triết học Phật giáo. 12 Từ điển Bách khoa bách độ giải thích: Tĩnh (静) là Định (定), Lự (虑) là Tuệ (慧), hài hòa giữa Định và Tuệ gọi là Thiền hay Tham Thiền (参 禅). Đào Duy Anh dịch Lự trong “Tham Thiền luận” của Trần Thái Tông là Lo, có nghĩa Lự không phải là Tuệ? 13 Nguyên văn chữ Hán trong “Tọa Thiền luận” của Trần Thái Tông: Ngoại đạo, Phàm phu, Tiểu giáo và Đại giáo. Tông Mật Thiền sư chia Thiền làm năm loại: Ngoại đạo, Phàm phu, Tiểu thừa, Đại thừa, Tối Thượng thừa. Du già, quyển 11, ở mục Tam ma địa chia bốn loại Thiền: Tĩnh lự, Giải thoát, Đẳng trì và Đẳng trí. 14 Trích theo từ điển Bách khoa bách độ. 15 Thực ra “Tuệ giáo giám luận” là phần tiếp theo của “Tọa Thiền luận”. 16 Đoạn này trích từ bản dịch trong Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989. Có lẽ bản chữ Hán chép sai nên bản dịch tối nghĩa. Xin phép đối chiếu với nguyên văn trong Thiền tông Vĩnh Gia tập để chỉnh lý lại. Đào Duy Anh chú Tổ sư ở đây là Bồ Đề Đạt Ma e rằng không phải. Tổ sư ở đây là Thiền sư Vĩnh Gia chứ không phải Bồ Đề Đạt Ma. Nguyên văn lời của Tổ sư Vĩnh Gia trong Thiền tông Vĩnh Gia tập như sau: “惺 惺 寂 寂 是, 惺 惺 妄 想 非。寂 寂 惺 惺 是,寂 寂 无 记 非。既 寂 之 中 不 容 无 记,惺 惺 中 Hà Thúc Minh. Tọa Thiền luận 87 不 用 乱 想,所 有 妄 心 如 何 得 生?”. Nghĩa là, tỉnh táo tĩnh lặng là đúng, tỉnh táo vọng tưởng là sai. Tĩnh lặng, tỉnh táo là đúng, tĩnh lặng không nhớ là sai. Tức là trong tĩnh lặng không được không nhớ, trong tỉnh táo không được suy tư bậy bạ. Như vậy thì vọng tâm làm sao có thể phát sinh được? TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. S. Kornev, “Chủ nghĩa hậu hiện đại Phương Tây và Phương Đông”, Tia sáng (báo điện tử), ngày 16/06/2009. 2. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội. 3. Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển Thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989. 4. Trần Trọng Huy (Trung Quốc), Thiền định và triết học Phật giáo. Abstract

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf26503_89124_1_pb_5677.pdf
Tài liệu liên quan