Ngũ thường trong triết học nho giáo với việc xây dựng gia đình văn hóa ở thừa thiên Huế hiện nay

Ngũ thường trong triết học nho giáo với việc xây dựng gia đình văn hóa ở thừa thiên huế hiện nayMỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 2. Tình hình nghiên cứu của đề tài . 3. Mục đích và đối tượng nghiên cứu của đề tài . 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của đề tài . 5. Đóng góp của đề tài 6. Kết cấu của đề tài . CHƯƠNG 1. QUAN ĐIỂM NGŨ THƯỜNG TRONG TRIẾT HỌC NHO GIÁO 1.1. Sơ lược sự hình thành và phát triển của Nho giáo 1.1.1. Sự ra đời và phát triển của Nho giáo ở Trung Quốc 1.1.2. Qúa trình du nhập và phát triển của Nho giáo ở Việt Nam . 1.2. Những nội dung cơ bản của tư tưởng Nho giáo về Ngũ thường 1.2.1. Tư tưởng về đức Nhân 1.2.2. Tư tưởng về đức Lễ 1.2.3. Tư tưởng về đức Nghĩa . 1.2.4. Tư tưởng về đức Trí 1.2.5. Tư tưởng về đức Tín . CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA Ở THỪA THIÊN HUẾ HIỆN NAY . 2.1. Quan niệm về gia đình văn hóa . 2.1.1. Quan niệm về văn hóa và gia đình 2.1.2. Quan niệm về gia đình văn hóa . 2.2. Thực trạng xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay . 2.2.1. Xây dựng đạo đức gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay . 2.2.2. Xây dựng nếp sống gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay 2.2.3. Giáo dục gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay 2.3. Các giải pháp nhằm xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay 2.3.1. Thiết lập quan hệ bình đẳng nam - nữ trong gia đình gắn liền với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế 2.3.2. Phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình và nâng cao dân trí gắn liền với việc xây dựng gia đình văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình ở Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay . 2.3.3. Xác lập tình yêu đúng đắn trong quan hệ vợ chồng để xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. 2.3.4. Xây dựng gia đình văn hóa gắn liền với việc tăng cường giáo dục ý thức nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên đối với gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay. KẾT LUẬN . DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .

doc69 trang | Chia sẻ: thanhnguyen | Lượt xem: 2047 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Ngũ thường trong triết học nho giáo với việc xây dựng gia đình văn hóa ở thừa thiên Huế hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nh viên trong gia đình Huế được xem là con người có Lễ, Nghĩa thì phải đi "thưa" về "trình", đi đâu thì phải cho cha mẹ biết, làm gì cũng phải lo cho sự nghiệp của mình, không vào chỗ nguy hiểm để cha mẹ lo lắng, không lên chỗ cao, xuống chỗ sâu, không nghe lén người khác nói chuyện, không nhận ban thưởng..., ăn nói phải giữ ý giữ tứ. Chính ảnh hưởng của tư tưởng này làm cho người dân ở chốn Cố Đô có một phong cách mà người ta thường gọi là "đài các", tức là sự giữ kẽ và ý tứ trong mỗi con người. Khuôn vào trong đạo đức gia đình nên ta thấy các gia đình ở Huế thường có hiện tượng "kín cửa" hay là "kính cổng cao tường" là đều ta dễ bắt gặp. Như vậy, tư tưởng Ngũ thường với năm đức cơ bản thuộc về đạo đức mỗi con người, đã giúp cho bản thân của mỗi thành viên trong gia đình tự kiểm điểm, hoàn thiện bản thân, hoàn thiện nhân cách của mình. Nó làm cho mỗi cá nhân gạt bỏ được thói hư tật xấu và xây dựng được những đức tính tốt. Chính thông qua sự kiểm điểm mà lòng nhân ái, tinh thần thượng nghĩa, đức hiếu kính cũng như đức khiêm nhường được nâng cao. Giữa con người với con người trong gia đình và trong xã hội hòa đồng tiến tới xây dựng gia đình Thừa Thiên Huế ấm no, hạnh phúc. Để xây dựng đạo đức gia đình tiến bộ, lành mạnh góp phần xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế. Trước hết, về mặt nhận thức, cần xem việc xây dựng đạo đức gia đình là công việc quan trọng, có ý nghĩa của mỗi một cá nhân, mỗi gia đình và toàn thể nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa, cần phải kế thừa những giá trị đạo đức trong tư tưởng Ngũ thường của Nho giáo như tôn kính, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ. Đồng thời phải loại bỏ những hủ tục làm anh hưởng đến phong trào xây dựng đạo đức gia đình. 2.2.2. Xây dựng nếp sống gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay Nếp sống gia đình là "cách tổ chức cuộc sống, sinh hoạt ổn định của các thành viên trong gia đình, bao gồm cả hoạt động nghề nghiệp, vui chơi, giải trí, giáo dục con cái ăn, ngủ cũng như những ngày lễ tết. Đó là toàn bộ sự phân công thực hiện các nhiệm vụ khác nhau giữa các thành viên nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển của mỗi một gia đình" [6, 57]. Theo tiến trình của sự đổi mới và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, thiết chế gia đình Việt Nam nói chung và thiết chế gia đình Thừa Thiên Huế nói riêng đang có sự chuyển biến từ truyền thống sang hiện đại. Trong những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI có nêu: “Xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu phải có môi trường rèn luyện phong cách làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam” [77, 37]. Có người cho rằng, con người ta muốn thành người theo đúng nghĩa của nó thì cần trải qua ba lần xã hội hóa. Lần thứ nhất là gia đình, lần thứ hai là nhà trường, lần thứ ba là ngoài đời. Trong ba lần xã hội hóa ấy thì gia đình là khâu đầu tiên có tầm quan trọng đặc biệt. Đạo Khổng xem một trong ba khâu không thể thiếu của hoạt động con người đó là: tu thân, tề gia, trị quốc. Mà cả ba khâu tu thân, tề gia, trị quốc đều có cơ sở từ gia đình. Cho nên, những mối quan hệ cơ bản nhất, cốt thiết nhất theo Nho giáo là Tam cương và Ngũ luân, nhưng để thực hiện tốt những mối quan hệ đó phải dựa trên cơ sở của Ngũ thường tức là phải thực hiện được: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Hơn nữa, theo các bậc thánh hiền đạo Nho các đức tốt trong lĩnh vực chính trị - xã hội, điều quyết định nhất tới chỗ trị quốc bình thiên hạ cũng bắt đầu từ các đức cơ bản trong đời sống gia đình. Nho giáo đặt ra những yêu cầu mang tính quy phạm đạo đức tương ứng với từng mối quan hệ trong gia đình. Đã là gia đình thì phải có quan hệ vợ - chồng, cha - con, anh - em. Trong gia đình thì vợ chồng phải hòa thuận, "phu xướng phụ tùy"; là cha thì phải hiền từ, biết thương yêu và nuôi dạy con cái, biết làm gương cho con cái học tập. Ngược lại phận làm con phải ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đã là anh em thì phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau; là anh chị phải biết nhường nhịn, là em phải biết nghe lời, lễ phép... Những yêu cầu đạo đức, những quy tắc xử sự như vậy đã tạo nên nếp sống văn hóa trong gia đình Việt Nam. Huế là thành trì cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam nên sự ảnh hưởng đó càng sâu sắc và rõ nét hơn. Đây là vùng đất có bề dày của truyền thống Nho giáo, lịch sử đã để lại cho Thừa Thiên Huế không chỉ là những di sản văn hóa vật thể mà còn cả hệ thống văn hóa phi vật thể, trong đó có các giá trị chuẩn mực gắn với đạo đức, nếp sống văn hóa gia đình Thừa Thiên Huế. Về cơ bản, gia đình truyền thống ở Thừa Thiên Huế là mẫu gia đình phổ biến có ba thế hệ (ông bà, cha mẹ, con cái) cùng chung sống duới một nếp nhà. Tính nề nếp, gia phong trong quá khứ vẫn tồn tại một cách bền vững trước những biến đổi ngoài xã hội. Chính vì vậy, việc xây dựng nếp sông gia đình ở Huế hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là nền tảng để nối kết các thành viên trong gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa gia đình vững mạnh, hạnh phúc. Để xây dựng gia đình hòa mục, tư tưởng Ngũ thường chủ trương, dùng Lễ, Nghĩa để thể chế hóa, làm cho mỗi thành viên theo đó mà cư xử, tự kiềm chế không xẩy ra xích mích trong gia đình. Theo Ngũ thường, trong gia đình phải có người chủ, người trên, người dưới. Trong ba mối quan hệ: cha - con, vợ - chồng, anh - em được quy định trên dưới rõ ràng và đặt ra nghĩa vụ người dưới phải nghe theo lời người trên để làm cho gia đình có thứ bậc, có trật tự chặt chẽ. Mạnh Tử nói: "Sinh ra ai chẳng yêu cha mẹ, ai chẳng kính anh, theo anh và đó là mầm móng của cái thiện trong mỗi con người". Do sự ảnh hưởng của tư tưởng Ngũ thường, nên trong nếp sống gia đình người dân Thừa Thiên Huế có đặc trưng nổi bật là trong quan hệ ứng xử người Huế rất nhạy cảm với cảnh sướng khổ, vui buồn của người xung quanh. Vì vậy, họ luôn sẵn sàng chia sẻ với người khác, chữ "tâm" là cái gốc để hình thành nên lối ứng xử như vậy của người Huế. Từ cái "tâm" con người chứa đựng tất cả tình yêu thương, sự bao dung, lòng nhân ái, vị tha. Tinh thần lá lành đùm lá rách được đề cao, hàng xóm láng giềng quan tâm giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khó khăn. Có người đã nhận xét rằng: "Xứ Huế còn là xứ đạo nghĩa ân tình giữa mẹ con, cha con, vợ chồng, anh em, thầy trò, làng xóm, chủ khách gắn bó với nhau trong tình nghĩa thủy chung". Theo nếp sống văn hóa gia đình Thừa Thiên Huế, thì nếu "trong nhà có chuyện gì sai trái thì đóng cửa bảo nhau chứ đừng đem ra nói với người ngoài". Họ thường đề cao trách nhiệm với gia đình hơn hạnh phúc riêng tư cá nhân. Từ "tình" mà thành "nghĩa" đã tạo nên ý thức trách nhiệm của mọi người trong gia đình. Trong tư tưởng Ngũ thường Lễ, Nghĩa đối với các thành viên trong gia đình cũng rất được quan tâm, nó được quy định là cách đối xử cụ thể chi tiết trong từng trường hợp: Thăm viếng, đứng ngồi, xưng hô, thưa gửi lễ phép, dạ thưa, có ý tứ, từ tốn, nhường nhịn mọi người. Với bản chất hiền lành, bình dị của mình, người Huế đánh giá cao sự hồn nhiên, sự tế nhị, dịu dàng và sâu sắc trong tính tình, trong giao tiếp. Họ rất khó chịu về sự khiếm nhã, suồng sã, thô bạo, gian dối. Chỉ một sự dửng dưng, lạnh nhạt, khách sáo, giả tạo cũng làm phiền lòng những con người vốn nhạy cảm ấy. Nhưng, sự phiền lòng nhiều khi cũng rất kín đáo hay là sự biểu lộ rất nhẹ nhàng, đặc biệt là từ "dạ" - một từ thể hiện sự khiêm tốn của người Huế. Thâm trầm, trầm tĩnh, trầm lắng là phong cách đặc biệt của con người xứ Huế, từ đó cũng tạo nên nếp sống đặc biệt trong gia đình của cư dân Huế. Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín cũng tạo ra nếp sống gia đình Huế là lối sống trọng lễ nghi trong gia đình, tức là cách biểu đạt lòng yêu thương, sự hòa mục, thái độ tôn kính, thương yêu lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Từ những chuyện bình dị nhất trong cuộc sống như rót một chén nước, xới một bát cơm, thăm hỏi mọi người lúc ngủ, lúc dậy, đứng ngồi, nói chuyện với nhau..., cũng kèm theo nghi thức thể hiện tình cảm chu đáo, trên dưới phân minh. Mỗi thành viên trong gia đình đều biết nhiệm vụ lễ tiết và nghi thức đối với từng trường hợp, tự giác làm theo tạo thành nếp sống của gia đình. Theo tư tưởng của Ngũ thường thì Nghĩa là tiêu chuẩn, là chuẩn mực đạo đức để ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ giữa vợ và chồng trong gia đình. Theo đó đức Nghĩa yêu cầu vợ chồng phải thương yêu và có trách nhiệm với nhau. Tuy nhiên, trong quan niệm của Ngũ thường nói riêng và Nho giáo nói chung trong gia đình và ngoài xã hội người phụ nữ nói chung được đánh giá thấp hơn so với nam giới. Đây chính là điều làm cho vai trò người chồng, người con trưởng trong gia đình trở thành quan trọng và có ảnh hưởng đến việc xây dựng đạo đức gia đình ngày nay. Từ thời Phong kiến, đức Nghĩa trong Ngũ thường đã có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ làm cho gia đình ở Thừa Thiên Huế có cấu trúc vững chắc và được liên kết bởi những mối quan hệ có trên dưới rạch ròi tạo ra một xã hội có trật tự, tôn ti tuyệt đối. Từ việc thiết lập các mối quan hệ trong gia đình có tôn ti trật tự, người đàn ông là chủ gia đình chịu trách nhiệm về mọi người trong gia đình với làng, với nước, đồng thời chịu trách nhiệm cả về vật chất lẫn tinh thần đối với gia đình mình. Đó là cơ sở tạo nên sự vững chắc trong kết cấu gia đình ở Thừa Thiên Huế. Bên cạnh vai trò của người chồng, người cha trong gia đình thì vai trò của người vợ, người mẹ trong gia Thừa Thiên Huế cũng được quan tâm đúng mức. Bởi, con người xứ Huế quan niệm rằng người đàn ông phải gánh vác những công việc lớn lao ngoài xã hội những việc nhỏ nhặt thuộc về "bếp núc" là việc riêng của người phụ nữ. Ngày nay, ngoài việc chăm lo xây dựng gia đình mình theo những tiêu chuẩn của xây dựng gia đình văn hóa, thì người phụ nữ ở Thừa Thiên Huế đã vươn ra tham gia các hoạt động xã hội để được tôn vinh là người "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Biểu hiện ở việc người phụ nữ Huế hiện đại vẫn được buộc chặt với "tứ đức" và được xem là chuẩn mực đạo đức căn bản của người phụ nữ. "Tứ đức" gồm: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Về "Công", người phụ nữ ở Huế hơn hẳn những người khác trong nữ công gia chánh. Phụ nữ Huế đứng đầu về sự đảm đang, khéo léo đặc biệt là tài nội trợ. Một trong những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật nấu ăn của các bà, các mẹ, các chị nội trợ Huế là thể hiện biệt tài về sự phối hợp nhiều loại thực phẩm để tạo ra những món ăn nổi tiếng làm nên phong vị ẩm thực xứ Huế. Đây là cơ sở để người phụ nữ Huế xây dựng và vun đắp những chuẩn mực đạo đức gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Về "Dung", nét nổi bật của phụ nữ Thừa Thiên Huế là ăn mặc kín đáo, giản dị. Hình ảnh của họ gắn liền với chiếc áo dài truyền thống và chiếc nón bài thơ. Áo dài Huế trang trọng và kín đáo. Vẫn là chiếc áo dài Việt Nam có gốc gác từ áo năm thân cổ truyền nhưng trong dòng cải biến, cách tân chung ấy phụ nữ Huế cũng tạo cho mình phong cách riêng bởi cách may, kiểu mặc, màu sắc...,phụ nữ Huế chọn vải cho chiếc áo dài truyền thống của mình với những gam màu nhẹ nhàng như tím phớt, xanh lơ, vàng mơ, hồng nhạt. Màu được ưa chuộng nhất là màu trắng, các cô gái Huế xem đó là tượng trưng cho sự thanh bạch, trong trắng. Còn các bà, các chị đã có chồng thì thích chọn cho mình màu tím vì theo họ màu tím tượng trưng cho sự thủy chung, sâu sắc, chín chắn. Về "Ngôn", phụ nữ Huế được mọi người khen là ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng. Dường như giọng nói của họ luôn được thể hiện qua hai tiếng "dạ", "thưa" nhẹ nhàng, lại rất mực ngọt ngào hiền thực. Phụ nữ Huế kín đáo, ít bày tỏ; song, giọng nói đủ làm nổi bật phong thái đặc biệt của phụ nữ chốn Thành kinh này. Đó là sự nghiêm trang giữ gìn lễ tiết, dù cả trong lời nói. Về "Hạnh", của phụ nữ Thừa Thiên Huế cũng khá đặc biệt, nơi đây có bài ca "Mười thương" theo điệu tình tang để nói lên phẩm hạn của người con gái Huế. Cái "duyên" của họ trân trọng yêu quý nhất bao hàm phẩm hạnh hay cái đạo nghĩa thông thường thì mái tóc của người con gái tượng trưng cho những gì cao cả để tôn thờ, để cúi đầu bái lạy trước phụ mẫu, tổ tiên và gia đường hương hỏa. Gọi "tóc thề" khi cắt một ít tóc ấy làm tin cho mối tình sâu nặng với ai đó người con gái Huế coi như đã thể hiện một lời thề hết sức lớn lao và có ý nghĩa, đó cũng là chữ "Hạnh" của đạo nghĩa luân thường và chung thủy. Trên cơ sở kế thừa những tư tưởng về Ngũ thường của Nho giáo, trong phong trào xây dựng nếp sống gia đình văn hóa, Hội phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế đã ý thức được tầm quan trọng và vai trò của người phụ nữ trong việc xây dựng nếp sống gia đình. Vì vậy, hàng năm hội phụ nữ tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hội thi về "Tứ đức" kịp thời biểu dương và nêu gương tiêu biểu để phát huy được vai trò của người vợ, người mẹ trong xây dựng đạo đức gia đình lành mạnh, bền vững. Đồng thời, trong tư tưởng đạo đức Ngũ thường còn ràng buộc người phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân. Bởi Ngũ thường xem việc dựng vợ gả chồng cho con là việc hệ trọng, nó không chỉ liên quan đến hạnh phúc của con mà còn liên quan tới hạnh phúc của cả gia đình, dòng họ. Hôn nhân với nhiều nghi lễ, không chỉ làm cho việc lấy vợ, lấy chồng trở thành nghiêm trang, trọng thể mà còn nhằm giáo dục cho vợ chồng sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Nhờ vậy, "dù ở bất cứ loại hình nào, gia đình Huế tồn tại khá vững chắc, ít có trường hợp ly hôn, ly thân, ly dị. Các thành viên thường luôn yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau tạo nên mái ấm gia đình có nề nếp, văn hóa. Nhờ phong trào xây dựng gia đình văn hóa này mà chúng ta thấy không ít gia đình thành đạt trong lĩnh vực học vấn, trong lĩnh vực kinh doanh, hay trong lĩnh vực chính trị..., tạo nên truyền thống riêng. Ngày xưa, do các quan niệm cổ truyền như "đông con là nhà có phúc"..., nên gia đình thường có nhiều thành viên chung sống với nhau "Tam đại đồng đường", "Tứ đại đồng đường". Nhưng ngày nay, với phong trào xây dựng gia đình văn hóa tình hình ấy giảm dần nhất là trong phạm vi thành phố Huế [26, 31]. Việc xây dựng nếp sống gia đình trên nền tảng coi trọng tổ tiên, coi trọng tình nghĩa là những chuẩn mực văn hóa của gia đình truyền thống được giữ gìn, phát huy và khẳng định nó như những chuẩn mực giá trị chính cho các thành viên trong gia đình Thừa Thiên Huế hiện đại. Tuy nhiên, thực trạng xây dựng nếp sống gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, như tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào trong nhận thức của con người. Trong Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, thì đức Nghĩa được xem là chuẩn mực đạo đức để ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình với nhau. Vợ phải yêu thương, chăm sóc, thủy chung, và có trách nhiệm với chồng. Tuy nhiên, địa vị xã hội và vai trò của người phụ nữ được nhìn nhận và đánh giá thấp hơn người đàn ông. Xuất phát từ quan niệm coi trọng huyết thống và xem thường phụ nữ, Khổng Tử đã cho rằng đàn bà và bọn tiểu nhân là những kẻ khó dạy "Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vi nan dưỡng dã" [19, 706]. Thậm chí tư tưởng này còn đặt tình nghĩa anh em cao hơn tình nghĩa của vợ chồng. Phụ nữ là tầng lớp đã chịu nhiều thiệt thòi do chế độ hà khắc trong xã hội và gia đình gây nên. Phụ nữ không bao giờ là người chủ gia đình bởi họ bị buộc chặt với "Tam tòng" không thể thoát ra được: "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" và người phụ nữ còn bị bủa vây bởi lưới của "Tứ đức" gồm Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Như vậy, người phụ nữ chỉ biết chịu sự sai khiến của chồng và gia đình bên chồng. Không những thế phụ nữ còn phải biết "vâng dạ", "tùy" và "tòng" theo người đàn ông suốt đời cho dù người đó là cha, chồng, hay là con trai mình. Nếu như chồng mất thì người phụ nữ phải giữ gìn danh tiết, còn đối với đàn ông thì họ tự cho mình cái quyền năm thê bảy thiếp và tiết liệt của họ cũng chẳng có gì để mà giữ gìn. Việc giáo dục đạo lý Tứ đức cho người phụ nữ không phải để tôn vinh đức tính cao đẹp của người phụ nữ mà để phục vụ Tam tòng và cột chặt người phụ nữ với gia đình. Làm cho phụ nữ tự kiềm chế và tước bỏ ham muốn cá nhân, chịu giáo dục để vâng lời, để hy sinh vì chồng con, vì gia đình nhà chồng. Phụ nữ dưới con mắt của các nhà Nho quả là không có nhân cách độc lập, chỉ thấy và chỉ biết khai thác vai trò của người phụ nữ trong gia đình mà chưa thấy hay cố tình không thấy vai trò của người phụ nữ ở trong xã hội. Nhà với nam giới là gốc của nước và thiên hạ thì đối với phụ nữ là ngục tối âm u, cách ly họ với xã hội bên ngoài. Rõ ràng đó là một thứ đạo đức lạc hậu, nó "Như người ngược đầu xuống đất, chân chổng lên trời" (Hồ Chí Minh toàn tập; tập 6, 320). Ở Thừa Thiên Huế người phụ nữ trong gia đình có nhiệm vụ sinh con đẻ cái và chăm lo chuyện bếp núc để phục vụ chồng con. Trong việc sinh con đẻ cái: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Do tư tưởng trọng nam khinh nữ mà nhiều gia đình cố sinh cho được người con trai để nối dõi tông đường, để làm đích tôn cho dòng họ. Ở Thừa Thiên Huế người dân thường sử dụng từ "vô hậu" để chỉ những gia đình không có con trai. Điều đó cho thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày và có ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay. Trong xã hội cũ chuyện người đàn ông lấy vợ lẽ là chuyện bình thường, thậm chí còn được khuyến khích "Trai khôn năm bảy vợ", người phụ nữ phải biết thủ tiết với chồng "Gái chính chuyên một chồng". Các lĩnh vực học hành, thi cử, quan trường, chính trị, đều là lãnh địa cấm đối với người phụ nữ. Huế là thành trì cuối cùng của chế độ phong kiến nước ta nên định kiến xã hội vẫn còn chi phối đến đời sống của người dân nơi đây. Ngày nay, tuy các phong trào vận động, tuyên truyền cũng được tổ chức thường xuyên nhưng sự phân biệt, đối xử giữa nam và nữ là một thực tế không thể phủ nhận được. Trong gia đình người đàn ông là trụ cột còn vai trò của người phụ nữ rất mờ nhạt. Đặc biệt một số huyện vùng núi như Nam Đông, A Luới, một số huyện ven biển như Phú Lộc, Quảng Điền... tư tưởng này còn ảnh hưởng khá nặng nề. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, ở Thừa Thiên Huế tư tưởng trọng nam khinh nữ đã trở thành lực cản đối với người phụ nữ. Nếu phong trào xây dựng gia đình văn hóa chưa xóa bỏ được tư tưởng này thì chưa thể tạo cơ sở để người phụ nữ phát huy khả năng thúc đẩy sản xuất và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Điều đó tạo ra tâm lý tự ti, không dám thể hiện, thậm chí còn là sự khúm núm, sợ sệt của nhiều phụ nữ. Tư tưởng trọng nam khinh nữ còn kéo theo nhiều hậu quả khác của xã hội như: Sự mất cân bằng dân số, nạn nạo phá thai, mâu thuẫn, bất hòa trong đời sống hôn nhân - gia đình dẫn đến tình trạng ly hôn. Bởi vậy, công tác giải phóng phụ nữ là rất quan trọng và trở nên cấp thiết để xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay. 2.2.3. Giáo dục gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay Hơn bất cứ một tư tưởng, một học thuyết cổ đại nào thì tư tưởng Ngũ thường trong Nho giáo rất coi trọng nghi thức, coi trọng việc giáo dục. Trong quan niệm của Ngũ thường, mục đích cao nhất trong việc giáo dục là tạo ra những con người đủ đức, đủ tài để ra làm quan giúp đời và để biết trật tự kỷ cương xã hội mà tuân theo. Ngũ thường cho rằng, điều quan trọng bậc nhất của tu thân là học tập, vì "muốn làm cho cái đức tính của mình sáng tỏ ra trong thiên hạ, trước phải lo sửa trị nước mình. Muốn sửa trị nước mình trước hết phải sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề, trước hết phải tu tập lấy mình. Muốn tu tập lấy mình, trước hết phải giữ cho lòng dạ ngay thẳng, trước phải làm cho cái ý mình thành thật. Muốn cái ý mình thành thật, trước phải có cái tri thức thấu đáo. Muốn cho tri thức thấu đáo, ắt phải nghiên cứu sự vật" (Đại học, Trung dung, 7). Đồng thời, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín cũng chứa đựng nhiều giá trị mà người dân Thừa Thiên Huế cần phải vận dụng trong quá trình giáo dục gia đình văn hóa hiện nay. Ngày xưa, đa số dân cư Thừa Thiên Huế suốt đời quanh quẩn với gia đình, làng xóm. Trong tình hình cư trú, làm ăn nông nghiệp gia đình bất biến ấy, con cái nhà ai hay dở là tiếng đồn khắp đầu làng, cuối xóm. Gia đình nào có con hư hỏng, trộm cắp, cha mẹ không dám váng mặt ra đường, ra chốn đình trung, con cái nhà ai bị nhiếc móc là con nhà "vô gia giáo" đó là điều sỷ nhục. “Ngày nay, gần 80% dân số sống bằng nghề nông, dù có phát triển lên thị trấn hay thị tứ thì vẫn phố làng, con cái hay dở thế nào cũng dễ nhận thấy” [10, 47]. Cùng với phong trào khôi phục và xây dựng bản sắc văn hóa của dòng họ, gia tộc thì việc giáo dục gia đình "trong ấm - ngoài êm" có ý nghĩa quan trọng trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay. Hòa chung với nền giáo dục nước nhà, ở Thừa Thiên Huế, việc giáo dục trí, đức, thể, mỹ tạo nên trí tuệ cho mỗi một cấp học, bậc học từ trẻ mầm non cho đến giáo dục ở Đại học đều do vai trò của nhà trường đảm nhiệm. Tư tưởng Ngũ thường của Nho giáo đặt ra cho việc giáo dục gia đình theo: "Cha từ con khắc hiếu, anh rộng lượng em kính trọng"; "Có nên anh nên em trong nhà mới dạy được người trong nước"; "Nhà mình chẳng dạy được nhau mà dạy người ngoài là không có", (Đại học). Những khía cạnh đặt ra cho giáo dục gia đình ở Thừa Thiên Huế ngày nay - Gia đình văn hóa, trước hết là gương tốt, lao động sáng tạo về trí tuệ, tài năng, về thái độ chính trị đúng đắn của các bậc cha mẹ, anh chị có tác dụng giáo dục gương mẫu quan trọng đối với các thành viên trong gia đình người Huế. Ngày xưa, trong mối quan hệ này, các thành viên trong gia đình có quan hệ liên đới với nhau. Con cái có lỗi thì cha mẹ bị trách cứ, em có lỗi thì anh cũng bị mắng. Người Huế có câu: "Con dại cái mang" là như vậy. Người Huế xưa cha được gọi là Nghiêm đường còn mẹ được gọi là Từ đường. Việc giáo dục gia đình được thực hiện bằng giáo dục tình cảm, Nghiêm cha và Từ mẹ. Nghiêm cha nên con không dám làm bậy, Từ mẹ thương con nên không nỡ làm sai. Nhưng Nghiêm cha mà không có tình cảm thì con cái sợ cha mà dấu lỗi, Từ mẹ mà không biểu lộ tình cảm đúng mức mà con nhờn không biết lỗi, không nhận lỗi. Nghiêm cha và Từ mẹ hòa hợp tốt đẹp, sẽ tạo thành tình cảm tự nhiên cho con cái hướng đến cái chân, cái thiện, cái mỹ, tạo nên nét riêng trong giáo dục gia đình ở Thừa Thiên Huế. Trong giáo dục gia đình tư tưởng Ngũ thường của Nho giáo cho rằng: Nhà nhà hòa mục, cả nước dấy lên hòa mục. Trong gia đình, nếu mỗi thành viên ai cũng nghĩ tới bản thân mình, lúc nào cũng so đo, tỵ nạnh thì làm sao diễn ra cảnh hòa mục, yên vui. Sự so đo tỵ nạnh này, chỉ có thể khắc phục bằng yêu thương, nhường nhịn, đùm bọc "Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển", "Chị ngã, em nâng", trong tình cảm gia đình như thế có ý nghĩa thật thiêng liêng. Bởi thế, để tạo nên nếp sống gia đình người Huế thường cho rằng "Thuận vợ thuân chồng tát biển đông cũng cạn" hay "Anh em hòa thuận, chân tay vui vầy", có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người hòa hiếu, hướng thiện bắt đầu từ trong giáo dục gia đình. Trong giáo dục gia đình, Ngũ thường còn quan tâm đến chữ "Lễ" cho con người. Theo tư tưởng Ngũ thường: "Nhà nhà lễ nhượng, cả nước dấy lên lễ nhượng". Đồng thời, Lễ cũng là một trong năm đức cơ bản để mọi người giao tiếp, cư xử theo đúng trật tự, trên, dưới cũng là thực hiện đúng hành vi chính trị, mà trong xã hội phong kiến cho đó là Lễ trị. Do tính đặc thù của gia đình Huế, mỗi gia đình là một đơn vị sản xuất, nuôi dưỡng, dạy dỗ nên những con người, trong quan hệ không phải là bình đẳng, dân chủ mà là uy quyền chặt chẽ, có trên có dưới tức là tạo ra Lễ đã hình thành sẵn trong gia đình. Đồng thời môi trường này, quyền uy không phải biểu hiện ra bằng pháp chế, mà bằng tình nghĩa, bằng nêu gương. Trong mỗi gia đình, cha mẹ luôn nêu gương và luôn nhắc nhở con cái phải chấp hành đúng pháp luật thực hiện đầy đủ những quy ước của làng xóm, đường phố. Trong gia đình kính trên nhường dưới, kính già, yêu trẻ, đi thưa về gửi, ăn uống mời chào..., Lễ làm cho nghĩa tình gia đình, làng xóm được biểu đạt đẹp đẽ, ấy là gia đình lễ nhượng, cả nước dấy lên lễ nhượng. Ngoài ra, trong việc giáo dục gia đình ở Thừa Thiên Huế ngày nay, chúng ta cần tiếp thu thái độ, tinh thần học tập và đề cao việc học của tư tưởng Ngũ thường. Đó là tinh thần "học không biết chán, dạy không biết mỏi", học phải đi đôi với hành. Việc học tập phải được tiến hành trong cuộc đời của mỗi người. Bản thân Khổng Tử là người đầy nhiệt huyết với việc học tập "học quên cả ăn, học quên cả già". Có truyền thống hiếu học từ lâu đời người dân Thừa Thiên Huế cũng đề cao việc học. Bởi, muốn giáo dục gia đình thì các bậc cha mẹ ở Thừa Thiên Huế thường nhắc nhở con mình: "Nhân bất học bất tri lý" nghĩa là người mà không được học hành sẽ không hiểu biết gì và cũng không làm được việc gì cả. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ, đều lấy sự đỗ đạt của con cháu làm niềm tự hào. Vì vậy, dù khó khăn về kinh tế thì các gia đình Huế vẫn cố gắng xoay xở cho các con đi học đại học. Có những gia đình chỉ làm nông nhưng vẫn nuôi ba, bốn người con đi học đại học cùng một lúc. Các bậc làm cha làm mẹ ở Huế cho rằng, dù vất vả đến mấy cũng cố gắng lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, để sau này nở mày nở mặt với thiên hạ. Chính quan niệm về giáo dục gia đình của người Huế như vậy đã tạo ra truyền thống "tôn sư trọng đạo", "không thầy đố mày làm nên". Học trò luôn kính yêu, quý trọng, lễ phép với thầy nên ít xẩy ra hành vi "lỗi đạo". Nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề và người thầy giáo luôn được người dân quý trọng vì: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Dù ở bất kỳ thời đại nào, người dân Thừa Thiên Huế cũng luôn coi trọng vấn đề giáo dục trong gia đình. Tuy nhiên, thực trạng việc giáo dục đạo đức gia đình còn gặp phải hạn chế như trong xây dựng gia đình, Nho giáo đặc biệt đề cao quyền uy của người gia trưởng. Trong đó người gia trưởng là người hướng dẫn con em sống có nề nếp, giữ gìn trật tự trong gia đình, kỷ luật chặt chẽ, gia pháp nghiêm ngặt. Có thể nói bệnh gia trưởng ở Thừa Thiên Huế xuất phát từ sách lễ ký, ở thiên Tang phục tiểu ký có viết: "Biệt tử là tổ, người thừa kế biệt tử là tông, có tông trăm đời không đổi, có tông năm đời đã đổi. Biệt tử là con thứ, không được thừa kế chính thống nhưng hậu duệ tôn làm tổ. Dòng đích của biệt tử gọi là tông, không phải dòng đích nhưng lại thừa kế cha mình nên gọi là tiểu tông. Từ đó tư tưởng gia trưởng của gia đình người Huế càng biểu hiện rõ nét. Ở Huế, những vùng nông thôn - nơi hình thành các mối quan hệ gọi là gia đình, dòng tộc, gia tộc, gia tộc có nghĩa là một đại gia đình thì bệnh gia trưởng còn biểu hiện trầm trọng hơn. Trong các gia đình ở Thừa Thiên Huế thường dạy con theo chữ Lễ theo kiểu áp đặt, gò bó, không có môi trường cho sự sáng tạo phát triển. Ở trong gia đình người Huế chúng ta dễ dàng bắt gặp dạy con kiểu "cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư", hoặc là "Tre non dễ uốn, bé chẳng vững cành, cả gãy cành". Phương pháp giáo dục này thiên về sử dụng quyền gia trưởng, áp đặt một chiều. Cha mẹ ít quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của con mình, cách giáo dục nặng về chủ nghĩa vị kỷ gia đình. Đồng thời, phương pháp giáo dục của người Huế dễ tạo nên thói quen con cháu bắt chước ông bà, cha mẹ mình, tuân theo một chiều ý kiến không bàn cãi, theo khuôn sáo có sẵn, trì trệ ít phát huy được suy nghĩ độc lập trong những gia đình có bệnh gia trưởng. Ngày nay, ở Huế tư tưởng và tác phong gia trưởng không chỉ tồn tại trong phạm vi gia đình mà đã và đang có nguy cơ lây lan như một căn bệnh trong các cơ quan, trường học, trong các tổ chức chính trị - xã hội. Bệnh gia trưởng thường xuất hiện ở những người được giao nhiệm vụ, chức danh lãnh đạo quản lý, nhất là những người đứng đầu một cơ quan, đơn vị, tổ chức. Người mắc bệnh gia trưởng luôn tìm những công việc có lợi cho bản thân, đùn đẩy hoặc thoái thác những công việc khó khăn hoặc không có lợi cho người khác, sợ khuyết điểm ưa thành tích. Bệnh gia trưởng là tư tưởng "Thâm can cố đế"trong đời sống của mỗi gia đình Việt Nam nói chung và gia đình ở Thừa Thiên Huế nói riêng. Trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa thì ảnh hưởng của căn bệnh này cần được xóa bỏ. Thế kỷ XXI, với bao hứa hẹn tốt đẹp cho tương lai phát triển của nhân loại đang đòi hỏi hơn lúc nào hết sự ổn định, vững mạnh của gia đình - tế bào của xã hội. Do đó, trách nhiệm của việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế là mỗi gia đình cần chú trọng việc nuôi dạy, giáo dục thế hệ trẻ trở thành những người con ngoan, trò giỏi. Có đủ phẩm chất năng lực là nhân tố quyết định cho sự thành công của Thừa Thiên Huế trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời góp phần đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. 2.3. Các giải pháp xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay 2.3.1. Thiết lập quan hệ bình đẳng nam - nữ trong gia đình gắn liền với việc xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế - Bình đẳng nam - nữ trong gia đình về lĩnh vực kinh tế Xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay, yếu tố cần thiết để đảm bảo xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đó là thiết lập mối quan hệ bình đẳng nam, nữ trên mọi lĩnh vực trong gia đình cũng như ngoài xã hội, trước hết là trên lĩnh vực kinh tế. Ngày nay, người phụ nữ được trao quyền sử dụng đất, được vay vốn, được nghe phổ biến các thông tin, tham dự các lớp tập huấn...như nam giới. Phụ nữ đã có cơ hội để nâng cao hiểu biết, nâng cao năng lực các mặt, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng gia đình, từ đó nâng cao vị thế, vai trò của mình ngang bằng với nam giới. Tuy nhiên, xã hội chưa đánh giá đúng phần lao động chưa tạo thu nhập của người phụ nữ. Do đó nam giới cần chia sẻ những công việc không mang lại thu nhập bằng tiền như: công việc dọn dẹp nhà cửa, công việc nội trợ, chăm sóc con cái nhằm tạo điều kiện cho cả nam và nữ kết hợp hài hòa công việc chuyên môn, công việc xã hội và công việc gia đình để cả hai cùng phát triển, tiến bộ. C Mác cho rằng tiền đề đầu tiên để giải phóng phụ nữ là làm cho nữ giới trở lại tham gia lao động sản xuất xã hội. Trong xã hội, lao động nữ và nam làm như nhau thì thu nhập cũng như nhau đây là một quy định mang tính nguyên tắc, phản ánh sự bình đẳng giữa nam và nữ trong lao động kinh tế. Hiện nay tỷ lệ lao động thất nghiệp ở Thừa Thiên Huế còn cao, trong đó lao động nữ chiếm 40%. Tỉnh đã có chính sách dành riêng cho phụ nữ, giúp họ phát triển kinh tế gia đình như: vay vốn xóa đói giảm nghèo, chương trình quỹ tiết kiệm hàng tháng hổ trợ cho chị em vay vốn để sản xuất kinh doanh, chăn nuôi nhằm xóa đói, giảm nghèo. Chương trình này có ý nghĩa to lớn trong việc thực hiện công bằng xã hội, sự bình đẳng giữa nam và nữ. Khi người phụ nữ đã có nghề nghiệp để tự nuôi sống mình và góp phần nuôi sống gia đình sẽ tạo mối quan hệ vợ chồng, mẹ con rất khác. Bởi có đồng tiền tự chủ do mình làm ra, người phụ nữ mới làm chủ được bản thân mình và cảm thấy mình đã có vị trí ở trong xã hội, từ đó người phụ nữ mới có vị trí trong gia đình. Người vợ sẽ không bị chồng mình coi thường, đứa con sẽ không nhìn mẹ là kẻ ăn theo hầu hạ việc nhà mà là người có đóng góp kinh tế vào gia đình, là người có kiến thức, có hiểu biết. Người chồng cũng không thể xem thường vợ, là người đã cùng chồng chăm lo, vun đắp cho tổ ấm thân yêu của mình. Từ mối quan hệ vợ chồng, mẹ con trong gia đình mà người phụ nữ được tôn trọng, kính nể thì đối với họ hàng, làng xóm và ra xã hội người phụ nữ cũng được kính nể, tôn trọng. - Bình đẳng nam - nữ trong gia đình về lĩnh vực văn hóa xã hội bên cạnh bình đẳng nam - nữ trong kinh tế, thì xây dựng gia đình ở Thừa Thiên Huế cần phải xác lập bình đẳng trong văn hóa - xã hội. Phụ nữ ngày nay bình đẳng với nam giới trong gia đình và ngoài xã hội. Trong gia đình phụ nữ bình đẳng với nam giới trong việc chăm sóc nuôi dạy con cái. Ngoài xã hội phụ nữ ngày càng có điều kiện để học tập nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia ngày càng nhiều vào công tác quản lý xã hội. Tuy tham gia ngày càng nhiều vào công tác xã hội, người phụ nữ vẫn làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình là chăm sóc và nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc "giỏi việc nước đảm việc nhà", phát huy tốt vai trò của người phụ nữ ở Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, hiện nay tư tưởng trọng nam khinh nữ chưa được xóa bỏ, nhiều gia đình người phụ nữ vẫn bị đối xử bất công, bệnh gia trưởng, xem thường phụ nữ vẫn còn tồn tại. Tư tưởng hẹp hòi của nam giới không muốn phụ nữ hơn mình, hành vi gia trưởng độc đoán, lấn át vợ trong gia đình, bạo lực gia đình đối với phụ nữ vẫn còn diễn ra. Mặt khác, phần nhiều phụ nữ vẫn còn tư tưởng tự ti, an phận. Tiến tới bình đẳng nam nữ là một cuộc cách mạng hết sức khó khăn, bền bỉ. Bởi, tư tưởng này đã ăn sâu vào đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp trong xã hội. Tiến tới vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ hôn nhân; có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực gia đình; bình đẳng với nhau trong việc lựa chọn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Trong gia đình, con trai hay con gái cũng được chăm sóc, giáo dục, và tạo điều kiện như nhau để học tập, phát triển và lao động. Các thành viên nam nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ với nhau công việc gia đình. Do đó, cần nâng cao nhận thức cho mọi người, mọi giai đình và xã hội về bình đẳng giới. Nâng cao trình độ dân trí và kĩ thuật nghề nghiệp cho phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội mà vẫn làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục truyền thống làm thay đổi suy nghĩ, thói quen và hành vi ứng xử của người chồng đối với vợ trong gia đình. Giải phóng phụ nữ trong xã hội bắt đầu từ việc giải phóng phụ nữ trong gia đình, tạo điều kiện cho người phụ nữ đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà, đưa lại quyền bình đẳng, tự do hạnh phúc cho chính mình. 2.3.2. Phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình và nâng cao dân trí gắn liền với việc xây dựng gia đình văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình ở Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay. Góp phần thực hiện Nghị Quyết XIV Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có mục tiêu: "Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội bảo đảm an sinh xã hội". Xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay cần giải quyết tốt vấn đề nâng cao dân trí với phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình nhằm tạo điều kiện cho kinh tế phát triển bền vững góp phần nâng cao trình độ dân trí cho mọi thành viên trong gia đình. Nói đến trình độ dân trí là bao hàm cả kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật, sự hiểu biết về y tế, giáo dục, pháp luật và giao tiếp. Đó là toàn bộ tri thức cần thiết tạo nên năng lực tư duy, ứng xử, hoạt động thực tiễn của con người. Tri thức là vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư cho giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định hạnh phúc, tương lai của con người, tạo ra cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập. Thu nhập thấp của gia đình một phần là do trình độ học vấn thấp, không có kỹ năng nghề nghiệp. Những gia đình có trình độ học vấn cao hơn có khả năng ứng dụng công nghệ mới và tăng năng suất lao động, tăng thu nhập. Hiện nay, trình độ dân trí của người dân Thừa Thiên Huế có sự không đồng đều giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa gia đình người kinh và các giai đình dân tộc thiểu số, giữa nam và nữ; tỉ lệ trẻ em đang độ tuổi đi học không được đến trường còn cao, số học sinh bỏ học năm học 2009 - 2010 là 800 em. Trong số các em bỏ học này đều rơi vào những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Thực tế cho thấy những gia đình có trình độ dân trí thấp và điều kiện kinh tế khó khăn thì hầu như không có cơ hội để hưởng thụ và nâng cao các giá trị về tinh thần. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chính sách giáo dục đào tạo được tỉnh quan tâm. Tiếp tục duy trì phổ cập giáo dục tiểu học và Trung học cơ sở, phấn đấu 96% học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông. Để đổi mới công tác quản lý và tổ chức giáo dục, mở rộng hệ thống giáo dục nhằm tạo điều kiện cho mọi người có thể học tập, nâng cao trình độ dân trí, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nâng cao trình độ dân trí bằng cách tạo điều kiện cho mọi người nâng cao trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, sức khỏe, môi trường sống và làm việc, trong đó cần quan tâm đến phụ nữ. Khi phụ nữ được giáo dục, đào tạo đầy đủ, trình độ mọi mặt được nâng lên họ sẽ là người lao động giỏi, biết tính toán làm ăn và xử lý tốt hơn những tình huống xẩy ra trong cuộc sống, họ nhận thức và thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, có kiến thức nuôi dạy con tốt, họ sẽ là người vợ đảm đang và biết giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đồng thời, cần chú ý đến giáo dục đào tạo, bồi dưỡng trẻ vị thành niên - những người cha người mẹ tương lai. Tiếp tục công tác xóa mù chữ, giảm tỉ lệ bỏ học, nâng cao trình độ dân trí ở vùng nông thôn, vùng sâu và vùng đồng bào dân tộc. Chỉ khi trình độ dân trí được nâng cao thì mọi người sẽ hiểu rõ nguyên nhân của đói nghèo, lạc hậu. Phát triển kinh tế hiện nay, cần tăng cường phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng kinh tế hộ gia đình. Bởi mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế. Vì thế, các chính sách phát triển kinh tế của tỉnh phải chú ý tới phát triển kinh tế hộ gia đình, khuyến khích sản xuất kinh doanh tạo thu nhập để nuôi sống gia đình, mang lại cho gia đình cuộc sống ấm no và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống xã hội. Phát huy vai trò kinh tế hộ gia đình sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho quá trình xây dựng gia đình văn hóa theo hướng ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Cần tăng cường đầu tư cho các gia đình mở rộng sản xuất bằng cách cho các gia đình nghèo vay vốn tín dụng, vốn ưu đãi, hướng dẫn các gia đình về kĩ thuật, khôi phục các nghề truyền thống như nghề nón, nghề mây tre đan, nghề mộc, nghề rèn...; đào tạo nghề cho người lao động để người lao động có thu nhập ổn định, tạo điều kiện cho các gia đình vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo. Cần chú ý tới những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các gia đình neo đơn, phụ nữ nghèo, các gia đình ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc. Thực hiện thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, giao đất giao rừng đến từng hộ gia đình. Tập trung giải quyết việc làm và ổn định đời sống của nhân dân ở các khu tái định cư dân vạn đò sông Hương và cư dân vùng đầm phá. Thực hiện tốt các chính sách xóa đói giảm nghèo, bởi chính sách này có ý nghĩa to lớn trong việc thực hiện tốt các chính sách công bằng xã hội, góp phần cải thiện điều kiện sống cho những gia đình nghèo. Tạo ra những ngành nghề mới nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, tranh thủ lao động nhàn rỗi ở vùng nông thôn, đồng thời áp dụng kỹ thuật mới vào trong sản xuất giảm sự nặng nhọc trong lao động thủ công, lao động nặng nhọc của phụ nữ và trẻ em. Khi đó gia đình có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động xã hội, có thời gian chăm sóc con cái, có điều kiện tham gia các sinh hoạt văn hóa tinh thần, học tập nâng cao trình độ văn hóa, khoa học đời sống, nâng cao năng lực đảm nhiệm công việc gia đình và xã hội. Chỉ khi kết hợp tốt chính sách phát triển kinh tế với nâng cao trình độ dân trí là điều kiện tốt để Thừa Thiên Huế xây dựng gia đình văn hóa thành công. 2.3.3. Xác lập tình yêu đúng đắn trong quan hệ vợ chồng để xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Tình yêu, sự chân thành, chung thủy giữa vợ chồng luôn là cơ sở đảm bảo cho gia đình bền vững, hạnh phúc. Ăng ghen đã từng nói: "Chỉ có hôn nhân được xây dựng trên tình yêu mới là hợp đạo đức". Văn hóa khởi đầu giữa hai con người kết hợp với nhau thành một gia đình chính là văn hóa trong quan hệ vợ chồng, trước tiên phải nói đến tình yêu. Tình yêu mới là văn hóa quán xuyến toàn bộ cuộc sống gia đình, là ngọn lửa chiếu sáng và sưởi ấm gia đình. Bất kể sự hòa đồng nào giữa nam giới và phụ nữ để trở thành một gia đình mà không có tình yêu làm nền tảng thì gia đình đó sớm hay muộn cũng sẽ rạn nứt và đổ vỡ. Trong mối quan hệ vợ chồng khi có tình yêu chiếu sáng thì đó không bao giờ có sự tranh đua, tị nạnh lẫn nhau. Đời sống gia đình nếu thiếu tình yêu làm cơ sở thì chỉ là vô hồn và tạo nên sự trống rỗng ghê gớm trong quan hệ gia đình. Tự do lựa chọn tình yêu không phải là tự do của một xúc cảm nhất thời mà tình yêu phải được xây dựng với tinh thần trách nhiệm cao đối với người kia và đối với xã hội. Thiếu điều đó sẽ mất hết cơ sở đạo đức và trở thành một thứ tình yêu ích kỷ, lừa dối. Do vậy, để xây dựng gia đình hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc thì phải xác lập tình yêu đúng đắn, gắn liền với lý tưởng, xây dựng tình yêu trên cơ sở hòa hợp về tâm hồn, cảm thông chia sẻ ước mơ, hoài bão của nhau. Xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế hiện nay, cần giáo dục mọi người đặc biệt là trẻ vị thành niên, hiểu biết về tình yêu chân chính, biết cách chăm sóc và bảo vệ mình không rơi vào các tệ nạn xã hội. Mỗi người xây dựng cho mình cuộc hôn nhân đúng đắn trên cơ sở tình yêu chân chính, sự hiểu biết và cảm thông chia sẻ thật sự, biết vun đắp cho tình yêu, xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, cùng nhau chăm sóc nuôi dạy con cái và xây dựng cuộc sống vợ chồng hòa hợp về tâm sinh lý. 2.3.4. Xây dựng gia đình văn hóa gắn liền với việc tăng cường giáo dục ý thức nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên đối với gia đình ở Thừa Thiên Huế hiện nay. Góp phần khắc phục những hạn chế và khuyết điểm được nêu ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI về: "Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em" [230, 37]. Vì vậy, xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế cần tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm của các thành viên đối với gia đình. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc giáo dục con cái, các yếu tố quan trọng có tính quyết định trong việc giáo dục con cái đó là ý thức trách nhiệm, sự quan tâm thường xuyên đến việc giáo dục không kém phần quan trọng so với việc lo cho chúng học hành. Trong gia đình nuôi dưỡng, giáo dục là nghĩa vụ và trách nhiệm đồng thời là quyền lợi thiêng liêng của gia đình và của các thành viên gia đình đối với nhau. Nuôi dưỡng, giáo dục là trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ, ông bà đối với con cháu. Ngược lại, con cháu phải hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình là chăm sóc, kính trọng, biết ơn sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục của họ. Trong gia đình anh chị có trách nhiệm chăm sóc em, yêu thương em khi em chưa thành niên, chưa có nghề nghiệp. Các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm đối với nhau, người trên phải gương mẫu trong việc làm, trong lời ăn tiếng nói, cách ứng xử cho người dưới noi theo. Cha mẹ giáo dục con cái bằng tình cảm nhưng có sự nghiêm khắc của người cha và từ ái của người mẹ. Tình cảm yêu thương của cha mẹ giúp con thêm tin yêu, quý mến gia đình mình. Trách nhiệm của cha mẹ đối với con là phải ý thức đầy đủ về vai trò của giáo dục gia đình, tìm mọi hình thức và biện pháp tác động đến con một cách có hiệu quả, thông qua các hoạt động gia đình, ông bà, cha mẹ chuyển tải những nội dung văn hóa truyền thống cho con cháu như giáo dục nề nếp gia đình, gia phong, gia giáo, mong muốn thế hệ con cháu duy trì và phát huy truyền thống văn hóa gia đình, nêu cao truyền thống nhân nghĩa, ăn ở hòa thuận, hiếu đễ, lễ phép. Qua đó con cháu ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình. Có như vậy, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế mới đạt được kết quả cao, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy sự và hướng đến mục tiêu Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. KẾT LUẬN Nho giáo từ khi ra đời cho đến nay đã trên hai nghìn năm trăm năm. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, Nho giáo có lúc thịnh lúc suy, có lúc ngự trị trên đỉnh cao của hệ tư tưởng thống trị phong kiến Trung Quốc và phong kiến Việt Nam, ngược lại có lúc bị phê phán và loại bỏ một cách không thương tiếc. Dù bị phê phán hay loại bỏ đi chăng nữa thì Nho giáo vẫn cứ tồn tại trong xã hội ngày nay. Sự tồn tại đó chứng tỏ Nho giáo vẫn có những yếu tố hợp lý, với những nội dung trong tư tưởng Ngũ thường đã có tác dụng giáo dục đạo đức luân lý và trật tự kỷ cương, phép tắc lễ giáo trong mối quan hệ giữa người với người, trong gia đình và ngoài xã hội. Hiện nay, vẫn còn đó những quan điểm khác nhau khi đánh giá về Nho giáo. Nho giáo là tích cực hay lạc hậu? Quan điểm thứ nhất xem Nho giáo có tính tích cực là chủ yếu thì cho rằng, mọi vấn đề tiêu cực của xã hội mà chúng ta đang gánh chịu chính là do chúng ta xa rời những tư tưởng của Nho giáo. Ngược lại, quan điểm thứ hai thì xem các tệ nạn xã hội chính là hệ quả của những tư tưởng Nho giáo còn rơi rớt lại. Trung hòa giữa hai quan điểm đó, quan điểm thứ ba cho rằng, trong tư tưởng Nho giáo vừa có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Vấn đề là phải biết hạn chế những tác hại do mặt tiêu cực của Nho giáo gây ra, đồng thời biết kế thừa và phát huy những mặt tích cực. Đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin với phương pháp biện chứng, có cách nhìn hợp lý khoa học khi xem xét một vấn đề phải đặt nó trong những điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể, từ đó gạt bỏ những hạn chế và tiếp thu, phát triển những giá trị. Đó là cách đánh giá khoa học và hiệu quả nhất. Có thể khẳng định rằng, sự tác động của tư tưởng Nho giáo trong đó có tư tưởng của Ngũ thường dù trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống ở Thừa Thiên Huế đặc biệt trong phong trào "xây dựng gia đình văn hóa", đó là tinh thần xây dựng gia đình, giữ gìn lễ nghĩa, hiếu đễ, kỷ cương trong gia đình và xã hội. Trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở Thừa Thiên Huế việc kế thừa và phát triển những giá trị đạo đức của Ngũ thường với nội dung Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, con cháu phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; anh em phải hòa thuận; làm người học trò thì phải "tiên học lễ, hậu học văn"; là người cán bộ thì phải cần, kiệm, liêm, chính. Quan hệ xóm làng thì “tối lửa tắt đèn có nhau”, phải biết "bán anh em xa, mua láng giềng gần"; "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân". Đó là những giá trị mà chúng ta không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, việc xây dựng gia đình văn hóa, là một vấn đề khó khăn và phức tạp. Đây không phải là việc làm tự phát, phong trào mà cần phải có một chiến lược lâu dài, có kế hoạch và có tiêu chí cụ thể, cần được quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền, cần sự hưởng ứng của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Với khả năng và ý nghĩa thiết thực của phong trào này thì chắc chắn sẽ thực hiện thành công phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phan Thuận An - Huế đẹp Huế thơ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1999. [2] Lê Ngọc Anh - Vấn đề giáo dục đạo đức và nếp sống Văn hóa gia đình truyền thống trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, Tạp chí cộng sản, số 1,tháng 1, 2002. [3] Nguyễn Thanh Bình - Học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam, Nxb CTQG, 2007 [4] Nguyễn Văn Bình - Quan niệm về Lễ của Nho giáo và những bài học của chúng ta ngày nay, Tạp chí triết học, số 4, tháng 8, 2000 [5] Nguyễn Cảnh Chắt - Tập bài giảng tư tưởng triết học Nho giáo, ĐHKH Huế, 2011 [6] Bùi Đình Châu - Văn hóa gia đình, Nxb VHTT, 2002 [7] Doãn Chính (CB) - Đại cương triết học Trung Quốc, Nxb CTQG, 2004 [8] Nguyễn Trọng Chuẩn, Phạm Văn Đức, Hồ Sỷ Qúy (CB) - Tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb CTQG, 2001 [9] Phan Đại Doãn - Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 1998 [ 10] Hà Lê Dũng – Khóa Luận tốt nghiệp, ĐHKH Huế, 2003 [11] Quang Đạm - Nho giáo xưa và nay, Viện KHXHNV, 1994 [12] Phạm Văn Đồng - Văn hóa đổi mới, Nxb CTQG, Hà Nội, 1994 [13] Bộ giáo dục đào tạo - Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb CTQG, 2006 [14] Phạm Minh Hạc - Phát triển giáo dục, phát triển con người phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Nxb KHXH, Hà Nội, 1996 [15] Nguyễn Thị Thanh Hải - LVTS, ĐHKH, 2004 [16] Lê Văn Hảo - Huế, Nxb Văn hóa, 1985 [17] Lê Văn Hảo - Huế giữa chúng ta, Nxb Thuận Hóa, 1984 [18] Trần Khiết Hưng - Lễ ký, Nxb Đồng Nai, 1996 [19] Chu Hy (Lê Phục dịch) - Luận ngữ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1980 [20] Lê Thị Hương - KLTN, ĐHKH Huế, 2009 [21] Trần Trọng Kim - Nho giáo, Nxb VHTT, Hà Nội, 2001 [22] Nguyễn Thị Khoa - Đạo đức gia đình trong nền kinh tế thị trường, Tạp chí triết học, số 4, tháng 4, 2002 [23] Vũ Ngọc Khánh - Văn hóa gia đình Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 1998 [24] Nguyễn Hiến Lê - Khổng Tử, Nxb Văn hóa, TPHCM,1991 [25] Nguyễn Hiến Lê - Chu dịch và giới thiệu, Khổng Tử, Nxb Văn hóa thông tin, 1996 [26] Khúc Xuân Lễ (Công Văn Tùng dịch) - Khổng Tử, Nxb Văn nghệ, TPHCM, 2002 [27] Lê Nguyên Lưu - Văn hóa Huế xưa, Nxb Thuận Hóa, tập 1, 2006 [28] Nguyên Văn Mạnh - Văn hóa làng và làng văn hóa ở Quảng Ngãi, Nxb Thuận Hóa, 1999 [29] Hà Thúc Minh - Đạo Nho và văn hóa phương Đông, Nxb Giáo dục, 2001 [30] Nguyễn Tôn Nhân - Kinh Lễ, Nxb Văn học, 2002 [31] Lê Thị Quý - Suy nghĩ về việc xây dựng chiến lược gia đình hiện nay, Tạp chí cộng sản, số 30, tháng 10, 2003 [32] Phùng Qúy Sơn (dịch) - Mạnh Tử linh hồn của nhà Nho, Nxb Đồng Nai, 1995 [33] Nguyễn Hồng Sơn - Văn hóa phát triển sự nhận thức và vận dụng vào thực tiễn, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004 [34] Trần Ngọc Thêm - Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb giáo dục, 1999 [35] Lê Thi - Văn hóa gia đình và vấn đề giáo dục con cái xưa và nay, Tạp chí triết học, số 7, tháng 7, 2003 [36] Huỳnh Khái Vinh - Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội, Nxb CTQG, 2001 [37] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docKL-ThuyVan.doc
  • docTT-ThuyVan.doc
Tài liệu liên quan