Niên luận Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam

PHẦN MỞ ĐẦU 1 1. Lý do chọn đề tài 1 2. Tình hình nghiên cứu 2 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 3 5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3 6. Kết cấu của niên luận 3 PHẦN NỘI DUNG 5 CHƯƠNG I: NHO GIÁO VÀ GIÁO DỤC KHOA CỬ 5 1.1. Những tiền đề và nội dung của giáo dục Nho giáo. 5 1.2. Quá trình du nhập và phát triển của giáo dục Nho giáo ở Việt Nam trước thế kỷ XV 11 CHƯƠNG II: ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO DỤC NHO GIÁO TRONG XÃ HỘI PHONG KIẾN VIỆT NAM (THẾ KỶ XV) 16 2.1. Cơ sở kinh tế, xã hội cho sự phát triển nền giáo dục khoa cử Nho học ở nước ta thế kỷ XV 16 2.2. Ảnh hưởng của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam KẾT LUẬN 28

doc33 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2804 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Niên luận Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
điều kiện kinh tế - xã hội cho sự ra đời của giáo dục Nho giáo. + Đánh giá về vai trò, vị trí của giáo dục Nho giáo trong sự phát triển của xã hội phong kiến thế kỷ XV. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu - Cơ sở lý luận: Dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin về lịch sử triết học. - Phương pháp luận: nghiên cứu sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và quan điểm của chủ nghĩa Mác về lịch sử triết học. Ngoài ra, nghiên cứu còn sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp logic - lịch sử. 5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: giáo dục Nho giáo và vị trí, vai trò của nó trong xã hội phong kiến thế kỷ XV. - Phạm vi nghiên cứu: Nền giáo dục khoa cử nước ta thế kỷ XV. 6. Kết cấu của niên luận Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của nghiên cứu gồm 2 chương, 4 tiết. PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG I - NHO GIÁO VÀ GIÁO DỤC KHOA CỬ 1.1. NHỮNG TIỀN ĐỀ VÀ NỘI DUNG CỦA GIÁO DỤC NHO GIÁO. 1.1.1. Nho giáo và tiền đề kinh tế - xã hội cho sự ra đời của giáo dục Nho giáo Nho giáo xuất hiện ở Trung Quốc vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên dưới thời Xuân Thu do Khổng Tử (551 - 479 TCN) sáng lập. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Nho giáo ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện hơn ở những khía cạnh, mức độ khác nhau. Ra đời trong bối cảnh xã hội Trung Quốc bước vào thời kỳ chuyển giao từ hình thái chiếm hữu nô lệ sang chế độ phong kiến kiểu Phương Đông nên Nho giáo thời kỳ này chịu ảnh hưởng của sự biến đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.Giống như các bộ phận của kiến trúc thượng tầng, là một học thuyết chính trị xã hội nên Nho giáo nảy sinh và tồn tại trên một cơ sở hạ tầng, một tồn tại xã hội nhất định. Trên lĩnh vực kinh tế: Thời Xuân Thu, nền kinh tế Trung Quốc có sự chuyển biến từ thời đại đồ đồng sang thời đại đồ sắt. Việc sử dụng đồ sắt trong sản xuất đã đem lại những bước tiến mới cho sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp. Trong sản xuất thủ công nghiệp cũng đạt được nhiều thành tựu thúc đẩy một loạt các ngành nghề thủ công nghiệp ra đời và phát triển như luyện sắt, rèn, đúc… Trên cơ sở phát triển sản xuất thủ công nghiệp, thương nghiệp cũng đạt được nhiều thành tựu. Sự ra đời của tiền tệ đã thúc đẩy các ngành thương nghiệp cùng nhiều trung tâm buôn bán trao đổi hàng hoá được mở rộng hơn. Thành thị xuất hiện và trở thành một cơ sở kinh tế độc lập. Lúc này, trong xã hội hình thành tầng lớp quý tộc mới có thế lực, tranh giành quyền lực với tầng lớp quý tộc cũ. Vì vậy mà nhu cầu cho con em quý tộc học hành và thi đỗ ra làm quan đã trở nên phổ biến. Đây chính là tiền đề cho việc dạy học và đề cao giáo dục đạo đức nhằm duy trì và ổn định trật tự xã hội. Trên lĩnh vực xã hội: Cuối Xuân Thu đầu Chiến Quốc, xã hội Trung Quốc đang bước dần sang chế độ phong kiến sơ kỳ nên Tông pháp của nhà Chu không còn được coi trọng như trước. Các nước Chư hầu nổi lên, thôn tính lẫn nhau lấn át nhà Chu. Mâu thuẫn trong giai cấp thống trị ngày càng trở nên gay gắt dẫn tới tình trạng trật tự lễ, nghĩa, cương thường bị đảo lộn, các quan hệ đạo đức suy đồi "Chư hầu lấn quyền thiên tử, đại phu lấn quyền chư hầu, tôi giết vua, con giết cha, trật tự xã hội rối loạn"[35;4]. Trong bối cảnh loạn lạc đó một vấn đề lớn đặt ra: cách tổ chức và quản lý xã hội theo mô hình nhà Chu không còn phù hợp nữa. Và vấn đề là làm thế nào để thiết lập lại trật tự, kỷ cương đưa xã hội vào thế ổn định để phát triển. Chính trong thời đại lịch sử với những biến động, rối ren như trên đã làm nảy sinh một loạt các nhà tư tưởng, các trường phái triết học khác nhau. Tất cả đều đứng trên lập trường của giai cấp mình để tranh luận, phê phán lẫn nhau về một biện pháp khắc phục tình trạng "vô đạo" của xã hội đương thời. Lịch sử gọi đây là thời kỳ "Bách gia tranh minh", "Bách gia chư tử" (trăm nhà trăm thày). Trong đó, xuất hiện nhiều nhà tư tưởng, nhiều hệ thống, trường phái triết học như Nho giáo, Đạo giáo, Mặc gia, Pháp gia… Một bộ phận hết sức quan trọng của học thuyết Nho giáo là tư tưởng về giáo dục. Tư tưởng giáo dục được coi là một trong những nội dung cơ bản của Nho giáo và nó được xem như một thành tố gắn liền với tư tưởng chính trị, xã hội, đạo đức.. Trong quan niệm của các nhà nho, xã hội lý tưởng chỉ có thể thực hiện được khi mọi người được giáo dục, giáo hoá và có đạo đức. "Giáo dục cũng là một trong những biện pháp chính trị để xây dựng một xã hội ổn định, thái bình, thịnh trị, có trật tự kỷ cương và tạo ra mẫu người lý tưởng" [3; 41]. Muốn cho Nho giáo có thể thấm sâu đến mọi tầng lớp trong xã hội thì không có con đường nào khác ngoài việc truyền bá tư tưởng qua con đường giáo dục cùng với sự thịnh trị của chế độ phong kiến, Nho giáo ngày càng khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Nhờ đó, giáo dục Nho giáo cũng được đẩy mạnh để tuyển lựa những người trung thành với bộ máy cai trị, góp phần vào sự phát triển của chế độ phong kiến. * Quan niệm của Nho giáo về tính người và vai trò của giáo dục Nho giáo trong việc thay đổi bản tính con người. Vấn đề tính người là một trong những nội dung cơ bản của Nho giáo. Nó không chỉ gắn bó, liên quan tới vấn đề nguồn gốc, bản chất con người mà còn đặt cơ sở, nền tảng cho các nhà Nho giáo đề xuất tư tưởng giáo dục của mình. Đây được xem như phương thức hữu hiệu nhất để đưa xã hội từ loạn lạc về thái bình, thịnh trị. Người đầu tiên đề cập tới vấn đề bản tính con người trong phái Nho giáo là Khổng Tử. Trong sách Luận ngữ, có tới 3 lần ông nhắc tới chữ "tính" luận về tính ông nói "Bản tính người ta gần đều giống nhau, nhưng chịu ảnh hưởng khác nhau mà xa nhau" [14; 614]. Theo Khổng Tử, tính của con người khi mới sinh ra là hoàn toàn trong trắng, ngây thơ, tự nhiên, chưa bị thay đổi bởi hoàn cảnh bên ngoài. Vì cái bản tính ấy có được do trời nên mọi người đều có bản tính giống nhau. Nhưng trong quá trình học tập, tiếp xúc, do sự tác động của các yếu tố bên ngoài nên bản tính của con người có thể bị thay đổi. Điều đó làm cho mọi người trở nên khác nhau."Người ta sinh ra vốn ngay thẳng, kẻ cong vạy mà vẫn còn sống chẳng qua nhờ may mắn thoát chết" [14; 332]. Khổng Tử còn khẳng định rằng để giữ được bản tính lành trong mỗi con người thì họ phải được giáo dục, giáo hoá. Mặc dù, chưa bàn nhiều đến vấn đề "tính người" song những tư tưởng, những quan niệm của Khổng Tử đưa ra có ý nghĩa to lớn với các nhà nho sau này. Tiếp thu và kế thừa quan điểm của Khổng Tử, Mạnh Tử cho rằng: "Bản tính người ta vốn thiện cũng như nước chảy xuống thấp vậy" [14; 1193]. Ở đây, Mạnh Tử giải thích về tính người thiên về khía cạnh những giá trị xã hội. Con người ta sinh ra vốn đã thiện đó là điểm phân biệt giữa con người với loài cầm thú. Con người sở dĩ trở thành bất thiện là do vật dục sai khiến, do hoàn cảnh tác động. Tư tưởng này là sự kế thừa và phát triển tư tưởng "tính người" của Khổng Tử. Mạnh Tử cũng đề cao vai trò của giáo dục, giáo hoá trong việc tu dưỡng bản tính thiện của con người. Đối lập với quan niệm của Mạnh Tử, Tuân Tử khẳng định: bản tính con người là ác, thiện là do con người làm ra. Tuân Tử xuất phát từ việc nhìn nhận con người từ bản năng tự nhiên khác với Mạnh Tử xuất phát từ nhìn nhận, xem xét con người từ phương diện đạo đức, xã hội. Tuy coi bản tính con người là ác nhưng Tuân Tử cho rằng có thể uốn nắn được cái bản tính ấy nhờ giáo hoá, giáo dục mà phương thức tốt nhất để loại trừ nó là học tập, rèn luyện. Quan niệm về bản tính con người của Tuân Tử và Mạnh Tử có sự đối lập, trái ngược nhau song đều thống nhất ở chỗ: Có thể giáo hoá giáo dục để hướng con người tới điều thiện. Tuy nhiên, trong học thuyết của mình cả hai ông đều chưa nhận thấy được con người là thực thể thống nhất giữa cái tự nhiên và cái xã hội. Ngoài những quan niệm trên thì con người phải kể đến thuyết tính người của Cáo Tử "Bản tính của con người ta như nước chảy… không phân biệt thiện với bất thiện" [14; 1193]. Trong tư tưởng của Cáo Tử, tính người của con người không thiện cũng không ác nhưng nó có thể thay đổi tuỳ theo sự tác động của hoàn cảnh xã hội và việc giáo dục tu dưỡng của mỗi con người. Mặc dù có sự khác nhau trong quan niệm về bản tính vốn có của con người nhưng các nhà Nho đều khẳng định rằng: Bản tính của con người không phải nhất thành bất biến mà có thể thay đổi thông qua sự tác động của giáo dục, hoàn cảnh. Phương thức tốt nhất để giữ được tính thiện, loại trừ tính ác là con người luôn suy nghĩ và hành động theo điều thiện, tu dưỡng, rèn luyện bằng nhân, lễ, nghĩa, trí,tín. Đó là điều có thể lý giải tại sao Nho giáo lại coi trọng giáo dục, đề cao giáo hoá và coi đây là công cụ cai trị. 1.1.2. Một số nội dung cơ bản của giáo dục Nho giáo Mục đích của giáo dục: Nhằm đào tạo ra lớp người đáp ứng yêu cầu của giai cấp thống trị, bảo vệ đặc quyền lợi của giai cấp phong kiến, duy trì, ổn định trật tự xã hội. Quan trọng hơn, giáo dục Nho giáo có mục đích đào tạo ra những bậc quân tử là những con người mẫu mực có tài trí, đạo đức đem hiểu biết của mình áp dụng vào cuộc sống và cai trị thiên hạn . Ngoài ra giáo dục Nho giáo còn giáo dục đạo lý làm người cho dân chúng để họ tuân theo những quy định phép tắc của lễ giáo phong kiến, khuyên họ an phận thủ thường sống theo đúng danh phận của mình. Tóm lại, tất cả đều nhằm mục đích đưa xã hội từ loạn lạc trở về thái bình thịnh trị để củng cố, bảo vệ quyền lợi địa vị của giai cấp phong kiến. Mục đích của giáo dục Nho giáo không nằm ngoài mục tiêu chính trị. Đối tượng của giáo dục: Trong Luận ngữ Khổng Tử nói "hữu giáo vô loại" tức là giáo dục không phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ cao người thấp. Nho giáo không chỉ coi tầng lớp quý tộc, thống trị là đối tượng của giáo dục mà người dân bình thường cũng là đối tượng của giáo dục, giáo hoá. Nhưng thực tế thì không phải mọi người dân đều là đối tượng của giáo dục, giáo hoá. Bởi vì thứ nhất, trong xã hội phong kiến thì người dân không phải ai cũng có điều kiện để học tập, đặc biệt là người nghèo khổ. Thứ hai, một mặt ông chủ trương “hữu giáo vô loại” nhưng mặt khác, ở chỗ khác thì đối với người nông dân, những người hèn kém về mặt đạo đức thì ông lại áp dụng chính sách ngu dân. Đặc biệt, Nho giáo không tính đến vai trò của người phụ nữ và kẻ tiểu nhân trong việc giáo dục, giáo hoá. . Mạnh Tử cho rằng không phải mọi người dân đều là đối tượng của giáo dục. Theo ông, điểm khác nhau giữa con người và con vật chính là ở tứ thiện tâm: Trắc ẩn, tu ố, cung kính, thị phi. Ở kẻ tiểu nhân thì ngay từ khi lọt lòng mẹ đã mất đi những điều này. Tức là trong quan niệm của Mạnh Tử thì kẻ tiểu nhân không thể là đối tượng của giáo dục. Tuân Tử thì cho rằng kẻ tiểu nhân ngay từ khi sinh ra mãi mãi là kẻ tàn bạo, gian ác thèm muốn của cải mà không biết tu dưỡng rèn luyện và họ không phải là đối tượng của giáo dục. Từ thời Hán trở đi, các nhà Nho cũng có cùng một quan niệm cho rằng thứ dân, kẻ tiểu nhân không phải là đối tượng của giáo dục và cho dù có được học hành thì dưới con mắt của các nhà Nho, người cầm quyền, thì họ cũng chỉ là những kẻ hạ ngu "không nghe theo giáo hoá" khinh nhờn lời dạy của thánh nhân. Như vậy, xét về đối tượng giáo dục, Nho giáo thể hiện tính chất bất bình đẳng, tính chất giai cấp rõ rệt. Chứng tỏ, trong xã hội, mà giai cấp bóc lột là kẻ thống trị thì không có nền giáo dục bình đẳng không phải ai cũng được học hành. Nội dung của giáo dục Nho giáo:không nằm ngoài Tứ Thư, Ngũ Kinh và những lời dạy của bậc thánh hiền tức là không ngoài những nguyên lý đạo đức cơ bản của Tam cương, Ngũ thường. Trong nội dung giáo dục của mình, Nho giáo còn đề cao việc giáo dục đạo trị nước" cho con người. Nho giáo còn chủ trương dùng hình, pháp và luật để giáo hoá, giáo dục nhưng mục đích cuối cùng vẫn là duy trì trật tự xã hội bảo vệ lợi ích giai cấp phong kiến. Nhìn chung, nội dung giáo dục là sát với vấn đề thực tế nhưng hạn chế lớn hất là chưa bao giờ dạy cho con người những tri thức về tự nhiên, khoa học tự nhiên, lao động sản xuất. Vì vậy đã đào tạo ra những con người thuần tuý sách vở chỉ biết nghe theo lời dạy của thánh hiền mà mất đi khả năng chủ động, sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất, thụ động trước những biến đổi của thời cuộc. Phương pháp giáo dục: thứ nhất Nho giáo đề cao phương pháp nêu gương trong giáo dục. Thứ hai là phương pháp "ôn cố nhi tri tân" (ôn cũ biết mới). Thứ ba là phương pháp phân loại học trò. Phương pháp thứ tư mà Nho giáo chú trọng đến là phương pháp "gợi mở vấn đề". Thứ năm là phương pháp học đi đôi với hành. Nho giáo còn đưa ra nguyên tắc cho cả người dạy và người học "học không biết chán, dạy không biết mỏi". Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ và tích cực song xét một cách tổng thể quan niệm về nội dung, mục đích, đối tượng, phương pháp giáo dục của Nho giáo không tránh khỏi những hạn chế do hoàn cảnh xã hội quy định. Với tất cả những gì đã làm thì giáo dục Nho giáo được đánh giá cao và có ảnh hưởng tới giáo dục Việt Nam nói riêng, xã hội phong kiến nói chung và cho tới ngày nay 1.2. QUÁ TRÌNH DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO DỤC NHO GIÁO Ở VIỆT NAM TRƯỚC THẾ KỶ XV Nho giáo vào Việt Nam có thể nói là từ khi người Hán đặt chân lên đất nước ta từ trước công nguyên. Theo Đại Việt sử ký toàn thư vào đầu công nguyên, hai viên thái thú quận Giao Chỉ là Nhâm Diên và Tích Quang đã tích cực "dựng học hiệu dạy lễ" mở trường dạy Nho giáo, nhưng việc truyền bá Nho giáo thực sự có nề nếp là từ thế kỷ I sau công nguyên. “Đến thế kỷ II, khi Sỹ Nhiếp làm thái thú Giao Chỉ thì việc học Nho đã tương đối phổ biến. Nhiều sĩ phu Trung Quốc đến nương nhờ Sỹ Nhiếp đều mở trường dạy Nho học”[22:80]. Tình hình trên làm cho người Giao Châu dần làm quen với Nho giáo và từ đó có sự thay đổi trong nhận thức cũng như trong thái độ với Nho giáo "từ phản ứng đến tiếp thu, từ xa lạ đến gần gũi và từ công cụ của kẻ thống trị người Giao Châu đã biến nó thành công cụ của bản thân mình"[22;81] Trong thời Bắc thuộc, mục đích của việc truyền bá là đào tạo nên những người làm việc cho chính quyền Hán. Vì vậy mà đối tượng giáo dục ở thời kỳ này là con em người Hán làm quan ở Giao Châu và sau đó là những người chạy loạn từ Trung Quốc sang và cuối cùng là con em người Việt thuộc tầng lớp trên của xã hội."Giao Châu lúc này là một vùng đất tương đối ổn định nhiều nhà Nho Trung Quốc chạy sang nương náu và sáng tác học thuật, trong số các viên quan cai trị, những người có học vấn uyên thâm thậm chí có người được liệt vào bậc nhất của Trung Quốc đương thời như Sĩ Nhiếp" [22;81]. Năm 938, với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước sang trang mới - thời kỳ độc lập, thống nhất đất nước, tổ chức chống ngoại xâm. Mặt khác, cũng vì thời gian tồn tại của các triều đại là không dài nên chưa có đủ thời gian ổn định trật tự kỷ cương, thể chế chính trị, tổ chức nhà nước chưa “khớp” với tư tưởng Nho giáo. Vì thế mà ảnh hưởng của Nho giáo trên lĩnh vực chính trị, xã hội ở nước ta hồi ấy còn chưa rõ nét. Thời kỳ này, các triều đại phong kiến đã sử dụng làm hệ tư tưởng của mình. Phật giáo đã ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Số lượng các tăng ni phật tử ngày càng gia tăng, chùa chiền được xây dựng thêm ngày một nhiều. Tầng lớp trí thức của xã hội không phải là Nho sĩ mà là các vị cao tăng. Họ không chỉ am hiểu Phật giáo mà cả Nho giáo và được triều đình phong kiến trọng dụng (nhiều nhà sư giỏi và nổi tiếng như Vạn Hạnh, Ngô Chân Lưu, Sùng Phạm, Đỗ Pháp Thuận). Không chỉ trọng dụng Phật giáo, các triều đại phong kiến thời kỳ này có rất coi trọng Đạo giáo. Trong khi đó, Nho giáo thời kỳ này không có bước phát triển nào, ảnh hưởng của Nho giáo đối với xã hội là triều đình là hết sức mờ nhạt. Đến thời Lý - Trần, Phật giáo được ưa chuộng chiếm vị trí độc tôn trong xã hội. Tuy nhiên, Phật giáo với triết lý cùng cách thức tổ chức lỏng lẻo đã không đáp ứng được yêu cầu trong việc thiết lập, tổ chức, duy trì, phát triển bộ máy Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh. Trong khi đó, Nho giáo với hệ thống lý luận hoàn chỉnh với tư tưởng "Mệnh trời", lý thuyết: Tam cương, Ngũ thường, học thuyết "chính danh", đường lối "tu, tề, trị, bình"… đã đáp ứng yêu cầu trên mà Phật giáo không thể hiện được - chính vì những lý do trên mà triều đại Lý - Trần đã bắt đầu lựa chọn Nho giáo, giáo dục Nho giáo làm nền tảng căn bản của nền giáo dục. Nho giáo thời kỳ này đã có bước phát triển, trở thành hệ tư tưởng của giai cấp thống trị phong kiến Việt Nam. Khi đề cao vai trò Nho giáo, triều đình phong kiến luôn quan tâm chú ý đến việc phát triển, mở mang giáo dục Nho giáo. Biểu hiện, năm 1070 nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu ở Kinh đô Thăng Long, thờ Chu Công, Khổng Tử, và bảy hai người hiền của đạo nho. Đồng thời xây dựng lên tại Văn Miếu trường dạy Nho học cho Hoàng thái tử, Hoàng tử và các quan lại cao cấp. Năm 1075 nhà Lý tổ chức khoa thi Minh kinh đầu tiên, người đỗ đầu là Lê Văn Thịnh, cùng với việc lập Văn Miếu và xây dựng Quốc Tử Giám khoa thi này đã đánh dấu sự ra đời của nền giáo dục thi cử nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Năm 1076, nhà Lý cũng mổ kỳ thi viết, làm toán và luật để chọn người làm lại viên, năm 1195 mở kỳ thi tam giáo đầu tiên. Nhìn chung, giáo dục Nho học thời Lý còn chưa phát triển Sang thời Trần, do yêu cầu chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc và nhu cầu quản lý xã hội, Phật giáo tỏ ra ngày càng lực nhà Trần đã đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục thi cử Nho giáo, nhằm phục vụ cho triều đình. Vì vậy mà số lượng Nho sỹ ngày càng đông đảo, hệ thống giáo dục nhà Trần hoàn thiện và quy củ hơn so với nhà Lý. Quốc Tử Giám với những tên gọi mới đã được củng cố và đối tượng học tập được mở rộng hơn . Năm 1236, đặt chức Thượng thư tri Quốc tử viện, dưa con em văn thần và tụng thần (chức quan tư pháp) vào học. Năm 1253, nhà nước sai sửa sang Quốc học viện, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Mạnh Tử, vẽ tranh thất thập nhị hiền để thờ, lại xuống chiếu vời Nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện giảng Tứ thư lục kinh. Năm 1272, xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư, Ngũ kinh, sung vào hầu nơi vua đọc sách. Năm 1281 nhà Trần cho lập nhà học ở phủ Thiên trường. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, ngoài kinh đô Viện Quốc học triều đình còn có một địa phương mở trường quốc lập. Các khoa thi được tổ chức đều đặn và thường xuyên hơn thời Lý. Năm 1127 nhà vua cho mở khoa thi Tam giáo, năm 1232 Trần Thánh Tông khoa thi thái học sinh, lần đầu tiên chia thành ba hạng (tam giáp). Năm 1246, triều đình ấn định lệ cứ 7 năm thi Hội một lần. Năm 1247 triều đình mở khoa thi tiến sĩ gọi là đệ nhất tam khôi (ba người đỗ đầu: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Đến 1304 nhà nước quy định lại nội dung của thi 4 trường lần lượt là: ám tả cổ văn, kinh nghĩa và thơ phú, chiếu chế biểuvà đối sách (văn sách). Năm 1397, Hồ Quý Ly tiến hành cải tổ quy chế, nội dung thi cử, ấn định phép thi 4 trường bỏ thi ám tả cổ văn thay bằng thi kinh nghĩa. Năm 1396 mở khoa thi hội, đặt thêm kỳ thi hương. Hồ Quý Ly đã cải tổ quy chế thi, nội dung thi, ấn định phép thi bốn trường bỏ thi ám tả cổ văn thay bằng thi kinh nghĩa. Cuối thời Trần, quá trình Nho giáo hoá đời sống chính trị - xã hội đã diễn ra một cách quanh co phức tạp. Một số Nho sĩ đã ra sức truyền bá đạo Nho, bài xích Phật giáo, đòi triều đình phải áp dụng Nho giáo lên mọi mặt của đời sống xã hội. Trương Hán Siêu tuyên bố "Đã là kẻ sĩ đại phu, nếu không phải đạo Nghiêu Thuấn không bày tỏ, không phải đạo Khổng Mạnh, không trước thuật"[98;20]. Tuy vậy, quá trình Nho giáo hoá đã gặp sự phản ứng từ nhiều phía, trước hết là bản thân một số vua nhà Trần. Như vậy, chúng ta cần thấy rằng giáo dục Nho giáo dưới thời Lý - Trần đã tương đối phát triển, nó dần giữ vai trò chủ đạo chi phối lĩnh vực giáo dục khoa cử, phong kiến. Tuy nhiên, do nét đặc thù riêng biệt thời kỳ này bị chi phối bởi từ tưởng "Tam giáo đồng nguyên"( Nho - Phật - Đạo) nên hệ thống giáo dục thời kỳ này có sự kết hợp cả Nho- Phật- Đạo, đặc biệt là thời Lý và nửa đầu thời Trần. Sự phát triển của giáo dục Nho giáo thời kỳ này đã tạo nên đội ngũ nho sỹ đông đảo góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội phong kiến Việt Nam. Cuối thời Trần, trong khuôn khổ những cải cách của mình nhằm xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh, Hồ Quý Ly đã đẩy nhanh quá trình Nho giáo hoá xã hội Đại Việt. Năm 1392, Hồ Quý Ly soạn sách Minh Đạo gồm 14 thiên về Nho học, phê phán Khổng Tử chê trách các nhà Tống Nho, đề cao Chu Công. Năm 1396, Hồ Quý Ly bắt tất cả các nhà sư chưa đến 50 tuổi phải hoàn tục và tổ chức thi giáo lý nhà Phật, ai thông hiểu mới được ở lại làm sư. Ông còn là người có ý thức đề cao chữ Nôm, tự mình dịch thiên "Vô dật"(không lười biếng) trong sách Thượng thư để dạy cho vua. Ông còn soạn sách “Quốc ngữ thi nghĩa tính tự”dựa theo nội dung chính trong Kinh thi cho phi tần, cung nữ. Năm 1396 Hồ Quý Ly cho sửâ đổi chế độ thi cử, đặt kì thi Hương ở các địa phương và thi Hội ở Kinh Thành, bỏ trường thi ám tả cổ văn thay bằng kì thi kinh nghĩa. Năm 1404 Hồ Quý Lý còn đặt thêm kỳ thi viết chữ và thi toán. Trong 7 năm tồn tại triều Hồ tổ chức được 2 khoa thi. Năm 1400 ngay sau khi lên ngôi, ông tổ chức thi lấy đỗ 20 người, năm 1405 lấy đỗ 170 người. Tuy nhiên, Hồ Quý Ly là một người có nhiều thủ đoạn, mất lòng dân, chủ quan duy ý chí. Mặt khác, nhiều cải cách của ông bộc lộ những hạn chế không triệt để đã bị chống đối từ nhiều phía không được nhân dân ủng hộ. Thừa cơ đó năm 1406 nhà Minh tiến hành xâm lược, nhà Hồ sụp đổ. Sau khi đánh bại nhà Hồ, nhà Minh tiến hành chính sách bóc lột, đàn áp đối nhân dân ta. Nhằm đẩy mạnh thủ đoạn đồng hoá, giặc Minh còn bắt nhân dân ta từ bỏ những phong tục tập quán cổ truyền để tuân theo những phong tục tập quán Trung Hoa. Mặt khác, chúng đã mở nhiều trường học dạy chữ Hán để đào tạo tay sai với tinh thần "giáo hoá di tục.đồng thời chúng còn cho tiêu huỷ, cướp bóc sách vở đem về Trung Quốc theo đúng tinh thần của mênh lệnh vua Minh “ một mảnh giấy, một nửa chữ cũng không được giữ lại”. Nhưng chính sách đồng hoá của nhà Minh không kéo dài được bao lâu. Năm 1418 kháng chiến chống quân Minh nổ ra ở khắp nơi cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi (1418) và cuộc kháng chiến chống quân Minh giành thắng lợi lập nên triều đại nhà Lê. Trong các triều đại phong kiến, chỉ vào thời Lê nền giáo dục Nho giáo mới thực sự đạt tới đỉnh cao với sự phát triển toàn thịnh của nhà nước phong kiến Việt Nam. Sự độc tôn của Nho giáo thời kỳ này chứng tỏ nội dung của Nho giáo về cơ bản là phù hợp với xu thế phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. CHƯƠNG II - ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO DỤC NHO GIÁO TRONG XÃ HỘI PHONG KIẾN VIỆT NAM (THẾ KỶ XV) 2.1. CƠ SỞ KINH TẾ, XÃ HỘI CHO SỰ PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC KHOA CỬ NHO HỌC Ở NƯỚC TA THẾ KỶ XV Thế kỷ XV là thế kỷ anh hùng trong chiến tranh giành độc lập dân tộc và trong công cuộc xây dựng đất nước. Thời kỳ này, các nhà vua đều quan tâm đến việc kiện toàn bộ máy Nhà nước quân chủ tập trung mang tính quan liêu chuyên chế. Do nhận thức được vai trò to lớn của Nho giáo trong việc củng cố quyền lực bảo vệ địa vị thống trị của giai cấp phong kiến nên triều đình Lê sơ đã tạo mọi điều kiện cho Nho giáo và giáo dục Nho giáo có điều kiện phát triển. Nho giáo được sử dụng như một công cụ, vũ khí sắc bén trong việc cai trị và quản lý xã hội. Bên cạnh đó tình hình kinh tế - xã hội thế kỷ này tương đối ổn định và tạo điều kiện cho Nho giáo và nền giáo dục Nho giáo có thể đạt tới đỉnh cao của sự phát triển. Về kinh tế, nhà Lê cho khôi phục và phát triển kinh tế trên các lĩnh vực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, triều đình Lê Sơ đã tiến hành tịch thu ruộng đất của giặc Minh bỏ lại và ruộng đất của quí tộc Trần để sung vào ruộng công. Ruộng đất thời Lê sơ bao gồm: ruộng Nhà nước, ruộng làng xã, ruộng tư.Ruộng của Nhà nước bao gồm: ruộng quốc khố, đồn điền và lộc điền.Quốc khố: là loại ruộng do Nhà nước trực tiếp quản lý và sản xuất, sản phẩm thu hoạch được trên diện tích ruộng này được cho vào kho công. Đồn điền là ruộng do Nhà nước tổ chức khai hoang, nông dân sản xuất ở đó chủ yếu là những người bị tù tội, nông dân lưu tán nghèo đói… Lộc điền là loại ruộng của nhà nước ban cho quan liêu cao cấp. Trong đó ruộng bao cấp được phép thừa kế, và có ruộng bao cấp tạm thời có thể thu hồi lại sau khi chết. Chế độ lộc điền thời Lê sơ thay thế cho chế độ ruộng đất điền trang thái ấp thời Trần. Vừa bảo đảm quyền lợi tối đa cho các công thần, quan lại bao cấp, quý tộc tôn thất và ngăn cản khuynh hướng cát cứ đối lập với triều đình. Ruộng công làng xã bao gồm công điền và tư điền. Theo phép quân điền, cứ 6 năm ruộng làng xã được chia lại một lần cho các thành viên trong xã. Nông dân làng xã cấy ruộng nộp tô thuế đầy đủ cho nhà nước. Chế độ quân điền được thực hiện là một bước chuyển biến quan trọng trên con đường phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam. Dưới chế độ quân điền, nông dân làng xã tồn tại với hai tư cách là thần dân của triều đình và tá điền của địa chủ tối cao hoàng đế. Qua chế độ quân điền cơ sở kinh tế của chế độ quân chủ tập quyền chuyên chế được thiết lập. Và đây là cơ sở để triều đình Lê Sơ tiến hành tập trung mọi quyền lực về tay mình (trong đó vai trò của nhà vua được tuyệt đối hoá, vua trở thành người có quyền lực cao nhất). Thông qua chế độ quân điền, triều đình có thể tìm cách chi phối đời sống văn hoá tư tưởng của làng xã. Như vậy, chế độ quân điền trong thế kỷ XV góp phần tích cực ổn định kinh tế tiểu nông hạn chế sự phân hoá xã hội. Khi nền kinh tế nông nghiệp phát triển đời sống nhân dân ổn định thì họ mới có điều kiện quan tâm tới học hành đây cũng chính là yếu tố thúc đẩy nền giáo dục Nho học thế kỷ này phát triển. Về thủ công nghiệp: các ngành nghề truyền thống như kéo tơ, dệt lụa, đan lát, rèn sắt, dệt chiếu, làm nón, đúc đồng… ngày càng phát triển ở các làng - các làng thủ công chuyên nghiệp nổi lên. Bát Tràng, Nghĩa Đô, Hương Canh. Thăng Long là nơi tập trung nhiều ngành nghề thủ công nhất của cả nước. Bên cạnh sự phát triển của các làng nghề, các công xưởng thủ công do Nhà nước trực tiếp quản lý cũng được mở rộng nhằm phục vụ cho nhu cầu bộ máy quan liêu, quân sĩ như đúc tiền, chế tạo vũ khí đóng thuyền, đồ trang sức… thợ thủ công nhà nước (công trượng) ban đầu là những người thợ có tay nghề giỏi, sau bị trung lập theo chế độ lao dịch, bị cưỡng bức lao động. Trên cơ sở của phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp. Việc lưu thông buôn bán cũng được phục hồi và ngày càng mở rộng. Tuy vậy triều đình nhà Lê đã thực hiện chính sách "ức thương".Thăng Long là một trung tâm thành thị lớn không được mở rộng, phát triển, kinh tế hàng hoá chỉ bó hẹp trong các chợ nông thôn. Ngoại thương không có điều kiện phát triển, cho nên thuyền buôn nước ngoài ra vào thưa thớt. Như vậy, triều đình Lê do ảnh hưởng tư tưởng của Nho giáo "trọng nông ức thương" đã thực hiện các chính sách " bế quan toả cảng" hạn chế phát triển ngoại thương. Điều này cản trở phát triển của nền kinh tế đất nước. Trên cơ sở nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp phải dựa vào biện pháp quan lý hành chính là chính thì hệ tư tưởng Nho có ý nghĩa hỗ trợ tích cực nhất. Về xã hội: Những sự kiện lớn về chính trị, kinh tế, của thế kỷ XV đã làm thay đổi đến kết cấu giai cấp trong xã hội. Có hai giai cấp chính quan liêu và thứ dân (chia thành bốn tầng lớp sĩ, nông, công, thương). Quan liêu là đẳng cấp cầm quyền cai trị đồng thời cũng được coi là tầng lớp ưu tú của xã hội, yêu nuôi và giáo hoá dân chúng. Đội ngũ quan chức thời Lê sơ là những trí thức nho sĩ được tuyển lựa kĩ lưỡng chủ yếu qua khoa cử đã tạo ra bộ máy quan liêu hành chính. Đầu thời Lê Sơ thì các võ tướng nắm quyền cai trị. Từ thời Lê Thánh Tông về sau thì văn thần khoa cử chiếm vị trí quan trọng. Cách tuyển chọn quan lại bằng khoa cử đã tạo điều kiện cho lớp người - kẻ sĩ thậm chí xuất thân chỉ là người bình thường, nghèo khổ cũng có thể tham gia vào bộ máy chính quyền, có địa vị xã hội và quyền lợi kinh tế. Đẳng cấp thứ dân là giai tầng xã hội bị cai trị bao gồm bốn tầng lớp chính: sĩ, nông, công, thương. Nho sĩ thời Lê sơ là cầu nối giữa bình dân và quan liêu. Nông dân là tầng lớp đông đảo nhất, do quan điểm “ức thương”, thương nhân là tầng lớp xã hội bị coi rẻ hơn cả, bị gán cho những tính cách phi nghĩa, bất nhân. Sự phát triển của Nho giáo và giáo dục Nho giáo thời kỳ này còn phải kể đến vai trò của Nhà nước phong kiến. Việc xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền đòi hỏi phải thường xuyên đào tạo, bổ sung đội ngũ quan lại. Chính vì vậy, triều đình phong kiến đã thi hành nhiều chính sách độc tôn Nho giáo và nền nho học. Các nhà vua thời Lê sơ đã từ bỏ chính sách khoan dung tam giáo đồng nguyên của nhà nước thời Lý- Trần để chuyển sang một chính sách văn hoá đơn nguyên quan phương, độc tôn nho giáo và nho học. Ở đây, Tống Nho đã được đề cao như một hệ tư tưởng chính thống làm bệ đỡ tư tưởng cho chế độ quân chủ quan liêu. Văn Miếu- Quốc Tử Giám được mở rộng, giáo dục khoa cử Nho học được kiện toàn. Lê Thánh Tông cho ban bố “24 điều giáo huấn” để củng cố nguyên tắc cơ bản về đạo đức vào lễ giáo Nho giáo. Chính ông đã nói “tất cả đều do cái mũ của nhà Nho mà ra” [20;124]. Đề cao Nho giáo các nhà vua Lê sơ đã hạn chế, kiểm soát những tôn giáo khác như Phật giáo, Đạo giáo. Vì thế, Lê Thái Tổ đã quy định sư tăng trên 50 tuổi phải trải qua kì thi khảo hạch, nếu trượt phải hoàn tục. Ngô Sĩ Liên mạnh mẽ đả kích “ người nào đã học Nho giáo, mà lại học thêm Phật giáo và Đạo giáo...thì có ích gì cho thế đạo, cho nước nhà. Lấy những người ấy đỗ mà làm gì” [20;125]. Với tất cả những điều kiện trên đã thúc đẩy Nho giáo và giáo dục Nho học thời kì này phát triển và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. 2.2. ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO DỤC NHO GIÁO TRONG XÃ HỘI PHONG KIẾN VIỆT NAM 2.2.1. Vài nét về nền giáo dục Việt Nam thế kỷ XV Với tư cách là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị, Nho giáo được các vua Lê sử dụng và đặc biệt đề cao trong việc thực hiện chính sách độc tôn Nho giáo và Nho học. Chính vì thế mà Nho giáo và giáo dục thời kỳ này phát triển cực thịnh với nhiều thành tựu. Việc học hành thi cử đều rập khuôn theo tinh thần Nho giáo nhằm đào tạo nhân tài phục vụ cho bộ máy cai trị của giai cấp thống trị phong kiến. Ngay từ năm 1428 đất nước vừa giải phóng, Lê Lợi đã hạ lệnh dựng ngay Quốc Tử Giám ở Kinh đô và các trường học ở các lộ, phủ, ban chiếu "cầu hiền". Giáo dục được mở rộng cho con em mọi tầng lớp nhân dân. Các giáo quan (những người giảng dạy) được chọn lựa cẩn thận. Năm 1435 dưới triều Lê Thái Tông, các giáo quan ở Quốc Tử Giám và các lộ được tập hợp về kinh thành để khảo hạch, ai yếu kém thì bị sa thải. Hệ thống trường lớp ngày càng được mở rộng hơn với mục tiêu duy nhất là đào tạo tầng lớp Nho giáo đông đảo trung thành với chế độ phong kiến, bộ máy quan liêu. Ngoài những trường công do nhà nước thành lập, trong nông thôn còn có những lớp học tư do các thầy đồ, viên quan lại hưu trí mở ra để thu nạp học sinh thuộc nhiều thành phần khác nhau. So với thời Lý - Trần, chế độ giáo dục Lê sơ có phần rộng rãi hơn. Đối tượng giáo dục được mở rộng, không những con em quý tộc quan lại mà cả con em tầng lớp bình dân có đạo đức cũng được đi học đi thi, không phân biệt giàu sang, nghèo hèn. Từ khi đi học đến khi đi thi, học sinh phải rèn luyện theo khuôn khổ Nho giáo, học tập sách kinh điển của Nho giáo và lịch sử các vương triều phương Bắc. Đối với tầng lớp nho sĩ, làm quan là lý tưởng cao siêu nhất, tất cả lý trí, tình cảm và hành vi đều phải theo đúng "đạo của thánh hiền". Lối đào tạo đó tất nhiên hạn chế đầu óc suy nghĩ độc lập, bóp nghẹt lý trí phê phán của con người. Tầng lớp nho sĩ nhà Lê đào tạo ra khá đông nhưng không phải không có những người xuất sắc về học vấn và năng lực. Từ giáo dục khoa cử đã xuất hiện nhiều nhà Nho, nhà chính trị, ngoại giao, nhà sử học nổi tiếng làm rạng danh đất nước một thời. Cùng với sự phát triển của nền giáo dục, chế độ thi cử được tổ chức thường xuyên và quy định thành lệ. Trong buổi đầu của thời kỳ độc lập (Ngô - Đinh - Tiền Lê) chế độ nhiệm cử và tiến cử là hai phương sách bổ sung quan lại chủ yếu. Từ thời Lý, nhà nước bắt đầu mở khoa thi để kén chọn người tài nhưng chưa tổ chức thường xuyên. Sang thời Lê, chế độ thi cử thịnh đạt và giáo dục trở thành một trong những phương sách để xây dựng trật tự xã hội ổn định có trật tử kỷ cương và tạo ra mẫu người lý tưởng. Năm 1434 nhà Lê bắt đầu quy định các thể lệ thi cử và bàn định mở khoa thi tiến sĩ. "Kể từ năm Thiệu Bình thứ 5 (1438) sẽ mở kỳ thi Hương ở các đạo, năm sau sẽ mở khoa thi Hội ở Kinh đô để tuyển lựa tiến sĩ". Từ đó về sau cứ 3 năm lại mở một kỳ thi như vậy. Nhưng đến 1442 triều đình mới mở khoa thi đầu tiên, lấy đỗ 33 người đỗ tiến sĩ trong đó có nhà sử học Ngô Sĩ Liên. Quy chế thi cử thời kỳ này rất nghiêm ngặt và quy củ. Triều đình coi trọng việc tổ chức các kỳ thi khảo khoá. Trong thi cử, triều đình cử ra các chức để trông coi thi nghiêm ngặt và yêu cầu các quan coi thi phải thi hành đúng với nhiệm vụ chuyên môn của mình: thu quyển, dọc phách, giữ phách các quyển thi, soạn tư liệu... Thí sinh thi phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế thi cử, nếu phạm tội thì tuỳ vào mức độ vi phạm mà chịu tội. Càng về sau quy chế thi cử càng được đề cao. Đây là cách để tuyển chọn được nhiều người thực học giúp việc cho đất nước. Với quan niệm "muốn có nhân tài thì trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử làm đầu" [5;10] Thông qua con đường giáo dục khoa cử, nhà Lê sơ đã đào tạo được đội ngũ quan lại có đạo đức và thực học giúp vua trị nước an dân. Vì vậy mà chế độ khoa cử thời kỳ này đạt đỉnh cao nhất. Như vậy, ngay từ buổi đầu cai trị, nhà Lê đã mở nhiều khoa thi để tuyển dụng nhân tài. Nhưng lúc này chế độ thi cử vẫn còn thất thường, khi nào cần người thì nhà nước mới mở khoa thi quy chế thi cử chưa rõ ràng. Từ thời Lê Thái Tông về sau, việc thi cử mới đi vào nề nếp quy củ. Từ năm 1442 trở đi, chế độ khoa cử đã được hoàn chỉnh hơn. Cứ 3 năm mở một kỳ thi hương và một kỳ thi hội. Số học trò đi học ngày nhiều, số đi thi ngày càng đông. Năm Nhâm Tuất (1442) triều đình mở khoa thi Hội đầu tiên. Kỳ thi này có 150 thí sinh; trúng tuyển 33 người. Đến thời Nhân Tông, Thánh Tông chế độ khoa cử ngày càng phát triển với những kỳ thi Hội, có hàng ngàn sĩ từ tham gia. Khoa thi Hội năm 1448 có 720 thi đến khoa thi Hội 1463 số người thi tăng lên 1400 người, đến năm 1475 con số đố tăng lên 3.200 người. Dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497) chế độ khoa cử Việt Nam đạt đến đỉnh cao nhất của mình. Trong thời kỳ này số lượng khoa cử diễn ra nhiều và thường xuyên hơn trước. Lê Thánh Tông đã tổ chức được 12 khoa thi Hội, số sĩ tử lên tới 4,5 nghìn người. Năm 1449 có hơn 5000 người dự thi. Nếu kể từ thời Lý với khoa thi Nho học đầu tiên (1075) cho tới khoa thi cuối cùng có 2.335 tiến sĩ, trong đó có 30 trạng nguyên thì riêng thời Lê Thánh Tông trong 38 năm đã có 501 tiến sĩ và 9 trạng nguyên chiếm 1/5 tổng số tiến sĩ và 1/3 tổng số trạng nguyên của cả nước. Thời gian này quy chế thi cử tỏ ra khá nghiêm ngặt. Năm 1462, Thánh Tông đặt lệ “bảo kết thi Hương” bắt các xã phải chịu trách nhiệm về tư cách của người đi thi và “lệ cung khai tam đại” bắt người đi thi phải khai rõ lý lịch ba đời. Hễ là con cháu nhà xướng ca hay có tội với triều đình thì nhất thiết không được dự thi. Năm 1467, Thánh Tông đặt ra chức bác sĩ dạy ngũ kinh, mỗi người nghiên cứu một kinh để giảng dạy cho giám sinh Quốc Tử Giám. Ở thời Lê Thánh Tông, các trường học được mở rộng, chỉnh đốn lại có quy củ hơn trước. Năm 1483 nhà vua sai xây dựng lại Văn Miếu và mở rộng Thái học viện. Đây là cơ quan giáo dục cao nhất trong nước thời kỳ bấy giờ. Nhà Thái học có giảng đường học tập có ký túc xã và kho tàng trữ sách... Năm 1472, triều Lê sơ tiếp tục tổ chức thi Hội và đưa ra những nội dung thi mới. Vua ra đề văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ. Kỳ này có Vũ Kiệt, Nguyễn Toàn An, Vương Khắc Thuật đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ. Từ năm 1473 đến năm 1481 tổ chức được 4 lần thi. Năm 1484, thi Hội các cử nhân trong cả nước. Vua ra đề thi văn sách hỏi về nhà Triệu Tống dùng Nho sĩ. Kỳ này có Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Giác, Mai Duy Tĩnh đỗ tiến sĩ. Trong năm này vua cho dựng bia tiến sĩ từ khoa thi năm Nhâm Tuất 1442 đến nay. Từ năm 1487 đến 1496, triều Lê sơ đã tổ chức được 5 kỳ thi Hội chọn sĩ nhân trong cả nước để lấy tiến sĩ bổ sung vào bộ máy quan lại của triều đình. Ngoài những kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình diễn ra thường lệ, thỉnh thoảng triều Lê sơ còn mở thêm các kỳ thi đặc biệt kiểm tra quan lại với môn toán và viết chữ. Năm 1467 Thánh Tông mở khoa thi Hoành Từ cho viên quan từ tứ phẩm trở xuống dự thi để kén chọn người trúng tuyển cho học tại Bí thư giám. Những kỳ thi này có tính chất khảo hạch các quan lại để định việc thăng thưởng qua đó đã khuyến khích sự học của các tầng lớp sĩ phu. Thế kỷ XV, triều đình phong kiến cũng khuyến việc học tập bằng cách đặt các lệ xướng danh, ban mũ áo, phẩm tước, dựng bia tiến sĩ, lệ vinh qua bái tổ, cho mở nhà Thái học, lấy thêm nhiều học trò, bổ sung nhiều điều thi cử như bảo kết thi hương.... Những biện pháp nói trên đã góp phần quan trọng phát triển giáo dục thế kỷ này. Có thể xem thế kỷ XV (thời Lê sơ), đặc biệt là triều vua Lê Thánh Tông là thời phát triển cực thịnh của giáo dục thi cử phong kiến. Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét "Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức (1470 - 1497). Cách lẫy đỗ rộng rãi, cách chạn người công bằng, đời sau càng không thể theo kịp... Trong nước không để sót nhân tài, triều đình không dùng người làm kém" [6;12] Như vậy, với quy chế thi cử khá nghiêm minh, chế độ giáo dục thời Lê Sơ (thế kỷ XV) đã đào tạo ra hàng loạt người bổ sung vào bộ máy phong kiến quan liêu đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời sản sinh ra nhiều nhà văn thơ, nhà sử học lỗi lạc của dân tộc. 2.2.2. Đánh giá về vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo đối với sự phát triển của kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam thế kỷ XV Nền giáo dục khoa cử thế kỷ XV với giai đoạn cực thịnh của nó dưới triều Lê Thánh Tông đã đạt được nhiều thành tựu có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội. Nền giáo dục cùng với chế độ khoa cử thời kỳ này phát triển đã đào tạo ra một đội ngũ trí thức đông đảo chưa từng thấy trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Số lượng nho sĩ đông đảo có thực lực Nho học giúp triều đình ổn định về mọi mặt. Nho sĩ là những người có vốn hiểu biết, đồng thời lại là những người truyền giáo đem đạo đức và giáo lý Nho giáo phổ biến rộng rãi đến mọi người dân. Mặt khác, họ là những người hoạt động tích cực về chính trị, xã hội đa số họ đều tham gia tầng lớp quan liêu và trở thành bề tôi trong thành của nhà vua. Họ là tầng lớp trung gian gian, vừa có điều kiện để đi với quần chúng, nói lên tiếng nói của nhân dân, vừa có điều kiện trở thành thành viên của giai cấp thống trị, phục vụ đắc lực cho giai cấp thống trị. Như vậy, thông qua giáo dục khoa cử, triều đình phong kiến đã tuyển chọn được nhiều người tài giỏi, có đạo đức giúp vua trị nước, an dân. Giáo dục là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong việc truyền bá hệ tư tưởng Nho giáo. Chính vì thế mà giáo dục phát triển đã tạo điều kiện cho Nho giáo ngày càng thâm nhập sâu vào quần chúng nhân dân. Triều đình phong kiến đã thông qua giáo dục và pháp luật để ban những điều giáo huấn, những quy định về nghi lễ để phổ biến Nho giáo vào tận thôn xóm. Các xã trưởng phải có trách nhiệm giảng giải, đọc những điều giáo huấn này vào những dịp lễ, tết để cho nhân dân thấm nhuần những lễ giáo phong kiến. Bằng việc phát triển giáo dục khoa cử, trật tự xã hội ngày càng được duy trì, quyền lực của giai cấp thống trị ngày càng được bảo vệ vững chắc hơn. Ở thế kỷ XV, Nho giáo chiếm địa vị độc tôn. Sự phát triển của giáo dục góp phần quan trọng vào việc phổ cập Nho giáo, củng cố chế độ quân chủ tập trung ở nước ta. Khi nhà nước trung ương tập quyền phát triển sẽ có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ đê điều, bảo đảm giao lưu giữa các vùng và tổ chức một quân đội lớn mạnh. Giá dục Nho giáo không chỉ có tác dụng tích cực thúc đẩy việc phát triển của chính trị, xã hội mà còn có vai trò trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Không ít những nho sĩ đã tham gia vào hoạt động sản xuất góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Hàng ngũ nho sĩ, ngoài số xuất thân từ tầng lớp trên còn có những người xuất thân từ tầng lớp trug gian, tầng lớp dưới). Nền giáo dục thế kỷ XV, với số lượng Nho sĩ đông đảo chưa từng thấy trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam chính là điều kiện để văn hoá, nghệ thuật và khoa học phát triển. Về văn học: Thời kỳ này văn thơ chữ Hán tiếp tục chiếm ưu thế, xuất hiện hàng loạt tập thơ nổi tiếng. Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi nói lên lòng tự hào, ý chí bất khuất của một đất nước có bề dày lịch sử, văn hoá. Đặc biệt, văn hoá chữ Hán thời kỳ này còn để lại một số tác phẩm thộc loại truyện có giá trị như: Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái do Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu đính. Bên cạnh thơ văn chữ Hán thì văn hoá chữ Nôm cũng đã phát triển với các tác giả: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông. Cùng với văn học yêu nước, dòng văn học cung đình cũng phát triển với những nội dung, hình thức mới. Điển hình là hội Tao Đàn do Lê Thánh Tông thành lập với tác phẩm Quỳn Uyển Cửu ca. Dòng văn học này đã thể hiện rõ quan điểm giáo huấn “văn dĩ tải đạo”, trong đó yếu tố trữ tình, cá nhân; những sáng tác cá thể có tính sáng tạo bị hạn chế do ảnh hưởng của triết lý Nho giáo. văn học thời kỳ này chủ yếu được sáng tác bởi các nho sĩ. Để phục vụ cho việc xây dựng nhà nước phong kiến tập quyền và thể hiện tinh thần dân tộc, các tác phẩm lịch sử, địa lý thời kỳ này khá đa dạng như: Lam sơn thực lục, Thiên nam dư hạ tập. Đặc biệt là bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên soạn dựa trên việc phát triển các bộ sử gốc Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu trước đó, là một tác phẩm quý giá. Về địa lý, có Dư địa chí của Nguyễn Trãi và tập văn đồ hành chính quốc gia soạn dưới thời Lê Thánh Tông. Về toán học có Đại hành toán pháp của Lương Thế Vinh và Lập thành toán pháp của Vũ Hựu. Về nghệ thuật sân khấu có công trình Hí phường phả lục của Lương Thế Vinh. Như vậy, Nho giáo với tư cách là một học thuyết chính trị và đạo đức, lấy văn chổ đạo, quan tâm đến lĩnh vực địa lý, thiên văn, lấy sử ký để giáo hóa con người đã được triều đình phong kiến sử dụng như công cụ để phục vụ cho sự phát triển của văn hoá, nghệ thuật dân tộc. Bên cạnh những mặt tích cực thì giáo dục Nho giáo thế kỷ XV cũng bộc lộ nhiều hạn chế của mình. Chủ nghĩa giáo điều và bệnh khuôn sáo đã phát triển mạnh trong lối học thi và phương pháp thi cử. “Từ vua cho đến giới nho sĩ đều lấy sách kinh điển của Nho giáo làm “khuôn vàng thước ngọc” cho mọi suy nghĩ, hành động của mình, lấy xã hội thời Nghiêu - Thuấn làm khuôn mẫu cho mọi tình trạng xã hội; lấy những sự tích và điều phạm trong Kinh thư làm tiêu chuẩn để bình giá mọi sự việc” [ 437; 19]. Điều đó đã cản trở tính sáng tạo, chủ động của người học. Bệnh giáo điều và khuôn sáo này còn ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật đặc biệt là trong lĩnh vực văn chương khiến cho sự sáng tạo trong lĩnh vực này bị dập khuôn theo những cái đã cho sẵn “giỏi văn chương cũng là hay chữ. Hay chữ là nhớ nhiều, nhớ kinh điển, nhớ điển tích, nhớ nhiều thơ văn xưa và khi viết có thể nhanh chóng nhớ ra và viết đúng chỗ những cái đó vào bài của mình… Những câu tuyệt diệu là những câu lấy chữ sẵn” [39, 12]. Trong xã hội phong kiến, những chế độ đãi ngộ, ân điển của nhà vua với những người thi đỗ đã tạo ra tâm lý: con đường khoa cử là con đường duy nhất để tiến thân. Con đường ấy không chỉ gây ra trong xã hội tâm lý chạy theo danh, lợi mà còn tạo ra sự ganh đua trong rèn luyện kỹ xảo viết văn. Do ảnh hưởng của từ Nho giáo nên nghệ thuật cũng dần mất đi vị trí xã hội của mình. Nhà vua khinh miệt, coi nghệ sĩ là thằng hề mua vui, xã hội cũng theo đó mà xem họ là hạng “xuống ca vô loài”. Người ta đua nhau học viết thư phú tìm đường làm quan, không ai mất công học tập trao dồi nghệ thuật để chuốc lấy khinh miệt. Như vậy Nho giáo và giáo dục Nho giáo đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của văn học, nghệ thuật. Nội dung của giáo dục Nho giáo thế kỷ này chỉ thiên về dạy đạo đức khuyến khích mọi người học hành thi đỗ với tư tưởng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nên những nho sĩ ngày càng thoát ly sản xuất, xa rời lĩnh vực sinh hoạt kinh tế. Họ chỉ biết tới đạo trị nước, tu thân, tề gia chứ không đếm xỉa gì tới những tri thức về khoa học tự nhiên và các ngành sản xuất, lưu thông. Chính vì thế mà Nho giáo và giáo dục Nho giáo thời kỳ này đã cản trở tới sự phát triển lực lượng sản xuất trong xã hội. Thông qua thi cử, địa vị của tầng lớp nho sĩ ngày càng được đề cao (nhất sĩ, nhì nông) làm rường cột của nhà nước phong kiến. Chính vì vậy mà nó thường dẫn người ta tới tư tưởng coi thường, khinh rẻ lao động chân tay. Chỉ coi trọng những người có chức vụ mà không chú ý tới những người giỏi về chuyên môn, tới sự hăng hái học tập để làm chủ khoa học kỹ thuật. Tư tưởng ấy đã khuyến khích con người ta rời bỏ lao động sản xuất chạy theo danh lợi tìm đường cầu kiến bằng con đường khoa cử để có một địa vị trong xã hội. Phần lớn những nho sĩ khi tham gia bộ máy quan liêu đều trở nên độc đoán, chuyên quyền, tìm cách xa rời, đối lập với quần chúng. Như vậy, việc xây dựng một nền giáo dục hoàn chỉnh và phát triển rực rỡ ở thế kỷ XV đã có ý nghĩa to lớn trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Việc thành lập một nền giáo dục khoa cử có hệ thống từ nội dung, mục đích, đối tượng, phương pháp... chứng tỏ giai cấp phong kiến ngày càng củng cố được ngôi vị vững chắc của mình và đạt tới sự thịnh trị. Với sự đánh giá, phân tích trên, chứng tỏ giáo dục Nho giáo có tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội của chế độ phong kiến Việt Nam thế kỷ XV. Những ưu điểm và hạn chế của nó do điều kiện lịch sử quy định. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xuất phát từ xã hội hiện nay để nhìn nhận xem xét để thấy được những giá trị truyền thống mà nền giáo dục Nho học đã đem lại. Một truyền thống lớn như giáo dục Nho học cần có sự kế thừa và phát huy những giá trị tích cực góp phần vào sự nghiệp giáo dục ở nước ta hiện nay. KẾT LUẬN Giáo dục khoa cử thế kỷ XV được hình thành trong bối cảnh lịch sử nhà Lê đánh thắng quân Minh xâm lược và tiến hành xây dựng đất nước theo mô hình quân chủ chuyên chế. Do những nhu cầu tất yếu của thời đại mà vào thế kỷ này triều đình phong kiến đã đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn với việc tổ chức bộ máy quan liêu chủ yếu qua con đường giáo dục và khoa cử Nho học. Nho giáo chỉ có thể xây dựng được xã hội bình trị, có trật tự kỷ cương khi các nhà Nho tiến hành công cuộc giáo hoá, giáo dục đến các tầng lớp nhân dân giáo dục cho con người sống đúng với danh phận của mình. Tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi địa vị của giai cấp phong kiến. Như vậy, giáo dục là bộ phận quan trọng không thể thiếu trong học thuyết Nho giáo để truyền bá hệ tư tưởng một cách sâu rộng cũng như bảo vệ chính bản thân nó. Nền giáo dục khoa cử thế kỷ này chịu ảnh hưởng rõ rệt của tư tưởng giáo dục Nho giáo. Điều này thể hiện trên các mặt: nội dung, mục đích, phương pháp giáo dục... Sự phát triển của giáo dục thời kỳ này đã góp phần thúc đẩy kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội phát triển. Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng giáo dục của Nho giáo, song với bản tính thông minh người Việt đã tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với tâm thức và lối sống của mình. Chính vì thế khi sang Việt Nam, Nho giáo Trung Hoa không còn nguyên những đặc điểm của nó mà mang màu sắc riêng của Nho giáo Việt Nam tạo ra nền giáo dục Nho học đậm đà bản sắc dân tộc. Việc nghiên cứu vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến không chỉ hiểu thêm vấn đề của quá khứ mà quan trọng hơn từ vấn đề đó có thể chỉ ra hạn chế, thiếu sót để khấưc phục và tìm thấy giá trị hợp lý, tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hoá hiện hoá của nước ta. Mặc dù đã rất cố gắng song do hạn chế kiến thức của tác giả và điều kiện thời gian nên nghiên cứu không tránh khỏi những thiếu sót sai lầm.Trong hướng phát triển tiếp theo của đề tài tác giả sẽ khắc phục những thiếu sót đó. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thanh Bình (2000), Đôi điều suy nghĩ về đối tượng và nội dung giáo dục, giáo hoá của Nho giáo", Tạp chí giáo dục lý luận (số 10) 2. Nguyễn Thanh Bình (2000), Nho giáo với vấn đề phát triển kinh tế và hoàn thiện con người", Tạp chí giáo dục lý luận (số 5, tr. 35 - 38). 3. Nguyễn Thanh Bình (2001), Quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng, tạp chí Triết học (số 3, tr. 38 - 42). 4. Doãn Chính (2004), (Chủ biên), Đại cương lịch sử triết học Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 5. Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Nxb Khoa học xã hội. 6. Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 3, Tổ dịch viện sử học, Nxb Sử học, Hà Nội. 7. Nguyễn Tiến Cường (1991), Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử ở Việt nam thời phong kiến, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 8. Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập 1, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. 9. Đại Việt sử ký toàn thư (2004), tập 2, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. 10. Nguyễn Hùng Hậu (2003), Đặc điểm của Nho Việt, Tạp chí Triết học (số 3, tr. 41 - 43). 11. Nguyễn Duy Hinh (1986), Hệ tư tưởng Lê, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử (số 3, tr. 42 - 52). 12. Trần Đình Hượu (1998), Nho giáo và Văn học trung cận đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 13. Trần Trọng Kim (2001), Nho giáo, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội. 14. Chu Hy (1998), Tứ thư tập chú, (Nguyễn Đức Lân dịch), Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. 15. Phan Huy Lê (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 16. Nguyễn Thế Long (1995), Nho học ở Việt Nam giáo dục và thi cử, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 17. Luận ngữ (1950), Đoàn Trung Còn (dịch), Nxb Sài Gòn, 18. Nguyễn Quang Thắng (1993), Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. 19. Lê Sĩ Thắng (chủ biên) (1993), Nho giáo tại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 20. Nguyễn Quang Ngọc(2001), (Chủ biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội 21. Nguyễn Tài Thư (1997), Nho giáo và Nho học ở Việt Nam, Viện Triết học Hà Nội. 22. Nguyễn Tài Thư (1997), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam (31 trang) MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBC1701.doc