Tiểu luận Lí luận thẩm mĩ Hy Lạp cổ đại

MỞ ĐẦU 1 Cái Đẹp là phạm trù cơ bản, trung tâm của mĩ học, do đó, việc vạch ra toàn bộ bản chất của cái Đẹp có một ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc nghiên cứu các qui luật khác của đời sống thẩm mĩ. Cái Đẹp không chỉ là thước đo hoạt động của con người mà còn là cái chuẩn để đo phẩm chất người. Cái Đẹp gắn với bản chất sáng tạo của con người, gắn với quá trình hoàn thiện hoàn mĩ của con người, gắn với sự tự sản sinh ra chính con người. Xét về mặt lịch sử, từ xưa đến nay, quan niệm về cái Đẹp được các nhà mĩ học bàn luận rất nhiều, song chưa đi đến một quan điểm thống nhất. Các nhà mĩ học đã xuất phát từ cơ sở triết học khác nhau về cái Đẹp. Đó là quan điểm duy vật hay duy tâm, trong đó còn thể hiện rõ quan điểm duy vật biện chứng hay duy vật máy móc, duy tâm chủ quan hoặc duy tâm khách quan. NỘI DUNG 2 1. Những đặc điểm cơ bản 2 2. Những tính chất cơ bản của lí luận thẩm mĩ Hy Lạp cổ đại 4 3. Sự biểu hiện của cái Đẹp trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại 7 4. Quan niệm về cái Đẹp 9 4.1. Pi-ta-go-rơ (580 – 500 trCN) và phái Pi-ta-go-rơ (thế kỉ VI đến V trCN) 9 4.2. Hê-ra-clit thành Ê-phe-dơ (khoảng 540 – 480 trCN) 10 4.3. Đê-mô-crit (khoảng 450 – 370 trCN) 10 4.4. Xô-crat (469 – 399 trCN) 11 4.5. Platon (427 – 347 trCN) 12 KẾT LUẬN 15 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 16

doc14 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3089 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Lí luận thẩm mĩ Hy Lạp cổ đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU Cái Đẹp là phạm trù cơ bản, trung tâm của mĩ học, do đó, việc vạch ra toàn bộ bản chất của cái Đẹp có một ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc nghiên cứu các qui luật khác của đời sống thẩm mĩ. Cái Đẹp không chỉ là thước đo hoạt động của con người mà còn là cái chuẩn để đo phẩm chất người. Cái Đẹp gắn với bản chất sáng tạo của con người, gắn với quá trình hoàn thiện hoàn mĩ của con người, gắn với sự tự sản sinh ra chính con người. Xét về mặt lịch sử, từ xưa đến nay, quan niệm về cái Đẹp được các nhà mĩ học bàn luận rất nhiều, song chưa đi đến một quan điểm thống nhất. Các nhà mĩ học đã xuất phát từ cơ sở triết học khác nhau về cái Đẹp. Đó là quan điểm duy vật hay duy tâm, trong đó còn thể hiện rõ quan điểm duy vật biện chứng hay duy vật máy móc, duy tâm chủ quan hoặc duy tâm khách quan. Những thành tựu thẩm mĩ của phương Đông với các nền văn hóa và nghệ thuật nổi tiếng của Ai Cập, Babilon, Ấn Độ, Trung Quốc…đã làm tiền đề cho sự khái quát lí luận thẩm mĩ. Các nhà thẩm mĩ học phương Tây cổ đại cũng thừa nhận họ đã học được nhiều điều của phương Đông. Tuy nhiên, một trong những cơ sở có ảnh hưởng sâu sắc. trực tiếp nhất đến sự phát triển của văn minh nhân loại vẫn phải kể đến đời sống thẩm mĩ của người Hy Lạp cổ đại. Công lao to lớn của họ ở chỗ họ đã tạo ra được một nền nghệ thuật sáng chói với nhiều loại hình, loại thể. Trên cơ sở đó, họ lại tiến hành đúc kết thành lí luận về những bước đi của nghệ thuật, tạo thành điểm tựa, thành sức mạnh trực tiếp cho cuộc đấu tranh vì tinh thần tiến bộ và tâm hồn cao cả của con người. Đánh giá vai trò của Hy Lạp cổ đại, Ăngghen đã viết: “Không có cái cơ sở do Hy Lạp và La Mã xây nên thì không thể có Châu Âu hiện đại…những hình thức huy hoàng của nó đã dẹp tan những bóng ma của thời kì Trung cổ, ở nước Ý đã xuất hiện một thời kì phồn vinh chưa từng có về nghệ thuật…”[1;39] NỘI DUNG 1. Những đặc điểm cơ bản Cư trú trên một bán đảo lớn gồm vô số các đảo nhỏ, đất nước Hy Lạp nhìn ra Địa Trung Hải, đối diện với các quốc gia nổi tiếng ở vùng Tiểu Á, Tế Á và Bắc Phi. Các bộ lạc và liên minh bộ lạc Hy Lạp sống trong các thung lũng, ở đây thiên nhiên đã khéo ngăn cách họ bằng những dãy núi cao đâm từ lục địa ra biển, tạo thành những đồng bằng vừa tầm với khả năng tổ chức và quản lí các quốc gia trong trình độ văn minh đầu tiên. Mô hình quốc gia khá độc đáo của Hy Lạp lúc đó là thành bang (bao gồm một thành trì với số dân cư khá đông đúc với một công trình văn hóa lớn và một nông thôn phụ cận). Sự áp bức giai cấp ở Hy Lạp cũng không đến mức tột cùng khủng khiếp. Ngay từ buổi đầu lập nghiệp, nhà nước dân chủ chủ nô Hy Lạp được tạo nên trước hết bằng công luận, bằng cách giơ tay tán thành thủ lĩnh. Nhờ hình thức tổ chức đó, chình thể dân chủ chủ nô Hy Lạp có những nét tiến bộ độc đáo. Ở đây, những công dân tự do: người làm ruộng, thợ thủ công, nhà trí thức…trở thành lực lượng quan trọng góp phần trực tiếp trong công cuộc phát triển văn hóa xã hội. Chính những nguyên tắc dân chủ này đã góp phần quan trọng khẳng định vai trò vị trí của con người. Con người được khẳng định về mặt tầm vóc, trí tuệ và tâm hồn. Nhờ vai trò tích cực của cuộc sống, của nhân dân mà nghệ thuật Hy Lạp đã mang tính xã hội công dân. Nghệ thuật nói riêng và đời sống thẩm mĩ cổ đại Hy Lạp nói chung thấm nhuần lòng tin vào vẻ đẹp và sự cao cả của con người tự do biết đón nhận trách nhiệm. Những tác phẩm của nghệ thuật Hy Lạp cho đến nay vẫn làm chúng ta ngạc nhiên về tính hiện thực, tính hài hòa, nhân tố hoàn chỉnh, tinh thần lạc quan anh hùng và lòng tôn trọng phẩm chất của con người. Ở đây, lần đầu tiên vẻ đẹp toàn diện của con người trở thành lí tưởng thẩm mĩ trong sáng, thành nguồn cảm hứng chủ yếu của văn học nghệ thuật. Hơn ở đâu hết, ở Hy Lạp cổ đại, nhà nước dân chủ chủ nô vừa đề cao vai trò của các võ tướng như Héc-to, Asin, lại vừa đề cao vẻ đẹp trí tuệ của các nhà hiền triết như Đêmôcrít, Aristot…Vẻ đẹp thể chất của con người được trọng vọng, người ta mở hội đua tài ở Olempic, người ta tạc tượng để tưởng niệm những dũng tướng, những người trí tuệ uyên bác và cả dựng tượng, vẽ tranh ngợi ca những người đoạt giải quán quân thể thao. Thoát ra khỏi thời kì mông muội dã man, con người bắt đầu hướng đôi mắt đầy khát vọng của mình vào thế giới của những cái cao đẹp. Họ chiêm ngưỡng thế giới ấy bằng một trực giác hình tượng, bằng triết học thô sơ; họ giải thích cuộc đời bằng cảm quan, nhưng sự cảm quan này đã có dấu vết của cái nhìn khoa học luận lí. Tôn giáo của Hy Lạp cổ đại cũng rất khác với các tôn giáo của các dân tộc khác cùng thời. Các vị thần của họ cũng có cuộc sống y như con người dưới trần thế. Thần linh cũng cần ăn mặc, cũng thích múa hát, mở hội, tiệc tùng, cũng yêu đương vụng trộm, cũng ghen tuông, khích bác. Vẻ đẹp của cá vị thần cũng không khác là mấy so với vẻ đẹp của con người. Chính vì thế, thực chất của Thần thoại Hy Lạp là sự phối hợp giữa trí tuệ và hồn thơ, nói như C. Mác, nó không chỉ là “Lò phát sinh, mà còn là nguồn nuôi dưỡng nghệ thuật”. Nghệ thuật Hy Lạp cổ đại đã thành tựu trên tất cả các mặt đó của đời sống xã hội. Một phía, nó trực tiếp mô tả cuộc đời có thực: những cảnh làm ăn, buôn bán và chiến trận. Phía kia, nó ngợi ca cái thế giới do trí tưởng tượng phong phú của con người thêu dệt nên – thế giới viễn tưởng, nghĩa là một thiên đường trên đỉnh Olanhpơ. Đồng thời, họ cũng không khéo và thực tế khi đan kết hai thế giới ấy vào nhau. Tuy nhiên trong sự đan kết đó, bao giờ con người cũng là nhân vật trung tâm, nét hiên thực vẫn là nét chủ đạo. Sự chú ý ngợi ca một loạt những mẫu người trong lí tưởng thẫm mĩ Hy Lạp cổ đại gắn bó với những ước vọng lớn lao của con người ấy về cái Đẹp hoàn thiện, hoàn mĩ, về một con người toàn thiện, toàn bích cả về sức mạnh cơ bắp lẫn sức mạnh tài trí rời chuyển núi sông. Song song với sự phát triển của nghệ thuật, các khoa học như: triết học, chính trị học, đạo đức học, khoa học vũ trụ, mỹ học…cũng được chú ý. Sự tạo lập một lí thuyết mĩ học đã có tác dụng tổng kết đời sống thẩm mĩ và có tác dụng hướng dẫn nghệ thuật phát triển. Từ Pitago đến Đêmôcrit, từ Xôcrat đến Platon, Aristốt, các quan hệ giữa thực tại và thẩm mĩ, cái xấu và cái đẹp, cái chân và cái thiện luôn được đặt ra song song và hòa nhập với các vấn đề của vũ trụ và nhận sinh. Không những có tác dụng trực tiếp ở thời đại đó, các lí thuyết thẩm mĩ của Hy Lạp cổ đại còn đóng góp vào việc mở đường cho những tìm tòi của các thời đại kế tiếp làm cho sự phát triển của xã hội loài người thêm phong phú. 2. Những tính chất cơ bản của lí luận thẩm mĩ Hy Lạp cổ đại 1.1 Trước hết, họ coi sự khái quát đời sống thẩm mĩ thành lí luận là sự khái quát có tính triết học. Do đặc trưng của tư duy cổ đại là loại tư duy còn chưa phân ngành triệt để nên mỹ học chỉ được coi là một bộ phận của triết học, Trong hình thái sơ khai của nó, những tri thức thẩm mĩ đan chéo với các quan điểm triết học, chính trị và khoa học mà tạo thành một khối không phân tách. Ưu điểm cơ bản của các nhà mỹ học cổ đại Hy Lạp là biết tập trung vào các vấn đề có liên quan đến thế giới quan và phương pháp sáng tác nghệ thuật, biết xới các ván đề cốt tủy của mối quan hệ giữa khách thể thẩm mĩ và chủ thể sáng tạo. 1.2. Bằng lối nói riêng, các nhà lí luận thẩm mĩ Hy Lạp cổ đại thông qua học thuyết “Bắt chước” để lí giải nguồn gốc và chức năng của văn học nghệ thuật. Nhìn chung họ chia ra làm hai phái rõ rệt. Phái duy vật cho rằng nghệ thuật có bản chất là “bắt chước thực tại”. Cuộc sống hiện thực là cái có trước, con người dùng tài khéo của mình để phản ánh lại những cái đã có và sẽ có theo luật cảm hứng. Đại diện cho phái này có Đê- mô- crit, Aristot…Phái duy tâm cũng thừa nhận nghệ thuật là sự bắt chước thần linh, nhờ thần nhập mà nghệ sĩ mới có được cảm hứng trong sáng tác. Tiêu biểu cho phái này là Platon. 1.3. Các nhà mỹ học Hy Lạp cổ đại cũng rất chú trọng đến xây dựng một hệ thống các phạm trù mỹ học như cái Đẹp, cái Bi, cái Hài, cái Hòa điệu, cái Mức độ, cái Trác tuyệt…Nhìn chung, họ cho rằng các phạm trù này là có tính phổ biến. Ở những mức độ khác nhau, các phạm trù trên đều là kết quả của sự khái quát hiện thực và thực tiến nghệ thuật. Các phạm trù mỹ học thời cổ đại đồng thời còn là phạm trù của đạo đức, của phép biện chứng mộc mạc và của triết học tự nhiên nữa, bởi vì với người Hy Lạp cổ đại, mọi hình thái hoạt động đều được coi là đối tượng của nhận thức thẩm mĩ. Các phạm trù mĩ học Hy Lạp cổ đại mặc dù là kết quả của sự trừu tượng hóa, của sự khái quát hóa nhưng nó không rơi vào tình trạng siêu hình. Bởi lối tư duy lí luận của các nhà mỹ học cổ đại vừa mang tính chất cụ thể vừa có xu hướng bám sát sự vật mà khái quát lên những vấn đề chung. 1.4. Lí luận thẩm mĩ Hy Lạp cổ đại còn thể hiện tính “bề mặt” của sự nhận biết đối tượng và tính “cơ thể” của sự biểu hiện. Vì thế, tính “mực thước”, “hài hòa” của cơ thể con người đã trở thành một nguyên tắc cơ bản của sự sáng tạo nghệ thuật. “Tính bề mặt” của ý thức thẩm mĩ và của sáng tạo nghệ thuật dẫn đến hiện tượng các nhà thẩm mĩ Hy Lạp mới chỉ kịp làm cho ngạc nhiên và khâm phục trước cái tinh xảo, chau chuốt của vẻ đẹp hoàn mĩ trước vóc dáng của con người, thông qua đó mà nói bản chất chứ chưa đi sâu vào đời sống bên trong, chưa khắc họa được nội tâm nhân vật. Chính vì người Hy Lạp chưa đạt tới trình độ phân tích, mổ xẻ tự nhiên và con người nên họ mới chỉ dừng lại ở quan niệm giới tự nhiên và con người là một chỉnh thể, một khối thống nhất. Đó cũng là kết quả của lối trực giác lí trí và tâm hồn gắn liền với vật thể của người Hy Lạp cổ đại. 1.5. Tính hoàn chỉnh nhiều vẻ của các loại hình, loại thể trong nghệ thuật và sự phân loại nghệ thuật trong lí luận thẩm mĩ đã đạt đến mức độ chuẩn xác, chữa đựng những mầm mống của những dạng thế giới quan cơ bản nhất và một phương pháp sáng tác hiện thực thô sơ làm tiền đề cho các giai đoạn sáng tác sau này. 1.6. Các quan niệm thẩm mĩ Hy Lạp cổ đại không chỉ là những khái quát trí tuệ về thực tiễn nghệ thuật, mà còn phản ánh những cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt giữa chủ nô và nô lệ, cuộc đấu tranh chính trị giữa những kẻ giàu và người nghèo trong đám dân tự do của xã hội, cuộc đấu tranh giữa những người tiến bộ trong tầng lớp dân chủ chủ nô và bọn chủ nô phản động. 1.7. Ưu điểm rõ nét nhất của các quan niệm thẩm mĩ Hy Lạp cổ đại là: dù duy tâm hay duy vật, các nhà lí luận lúc đó không bị rơi vào cái nhìn chết cứng. Ở họ, tuy mức độ khác nhau, nhưng đều có mầm mống của thế giới quan biện chứng tự phát. Họ rất quan tâm đến việc tìm hiểu những mâu thuẫn của tư duy và thường đem những hiểu biết đối lập ra cọ sát tranh luận để tìm kiếm chân lí. Nhìn chung, đời sống thẩm mĩ của người Hy Lạp cổ đại rất phong phú, nó thể hiện tính chất tìm tòi, sáng tạo, khả năng vô tận của con người. 3. Sự biểu hiện của cái Đẹp trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại Truyền thống nổi bật của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại là ngợi ca con người và thế giới tự nhiên. Đó cũng chính là sự biểu hiện quan niệm về cái đẹp mà người Hy Lạp hướng tới. Cái Đẹp trong thần thoại Hy Lạp là cái đẹp đẽ được chắp cánh bởi trí tưởng phóng túng và ước mơ tràn đầy tình yêu cuộc sống. Trong lịch sử nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, Anh hùng ca, Hài kịch đều nằm trong phạm vi khái quát mỹ học của các nhà lí luận đương thời. Do đó, khi nghiên cứu mỹ học Hy Lạp cổ đại phải vạch ra sự biểu hiện của cái Đẹp ở các hình tượng thần thoại Hy Lạp trong mối quan hệ với các hình tượng ở bi kịch và hài kịch. Thần thoại Hy Lạp thường vận dụng khái niệm Đẹp để nhận thức tự nhiên, đồng thời cũng để biểu hiện ước vọng chinh phục tự nhiên của con người. Về mặt quan hệ với tự nhiên, người Hy Lạp cổ đại thấy rõ cái Đẹp nảy sinh từ sức sáng tạo và sự vận động của muôn vật. Họ cho rằng, từ cõi hỗn mang, trời đất mới dần dần xuất hiện và đem lại ánh sáng cho cái Đẹp. Đẹp cũng là cuộc sống đầy đủ, đầy cảnh sắc trên đỉnh Olanhpơ. Đẹp là hình dáng của những vị thần và những con người cụ thể với thân hình và vẻ mặt trác tuyệt. Apolong là vị thần có cái vẻ đẹp ấy, chàng hào hoa, phong nhã, nhiều tài nghệ mà anh hung, đó chính là vẻ đẹp lí tưởng của người Hy Lạp cổ đại. Vẻ đẹp của phụ nữ trong thần thoại Hy Lạp có quan hệ với cái duyên dáng, cái xinh xắn, sức hấp dẫn của hình thể, nét mặt và tâm hồn đẹp. Nhưng qua thần thoại, người Hy Lạp quan niệm đường nét đẹp của cơ thể con người là cái đặc điểm cần được chú ý. “Cái gì mà tính hài hòa đập vào mắt là đẹp”. Do đó, lối tạo hình các nhân vật dù là các nhân vật thần thoại thì vẻ đẹp của nó vẫn mang những nét con người cụ thể đầy cảm xúc. Cái đẹp của người Hy Lạp gắn liền với những biểu tượng về biển, nước, sóng…Do người Hy Lạp sống cạnh biển, sinh hoạt, buôn bán, chiến trận nên quan niêm thẩm mĩ của họ liên kết với các biểu tượng về biển. Đối với họ, đường nét lượn của mặt biển là đường đẹp nhất. Mái tóc đẹp là mái tóc uốn theo làn sóng biển. Cái đẹp vật thể chỉ là một bộ phận không đáng kể, cái chủ yếu trong Thần thoại nói chung và trong Thần phổ của Hê-ri-ốt nói riêng là cái đẹp của con người, đặc biệt của phụ nữ và biển cả. Tuy nhiên vẻ đẹp phụ nữ không phải lúc nào cũng là cơ sở phát hiện của sự ngợi ca. Trong quan hệ xã hội, người ta đã phát hiện ra những đối nghịch, vì vậy trong quan hệ thẩm mĩ, người ta đã sáng tạo ra một cách biểu hiện rất đặc sắc cái đối nghịch ấy. Bên cạnh cái Đẹp (kalos) của người phụ nữ, ta thấy có khái niệm cái ác đẹp đẽ (kalon kakon). Trong thần thoại Hy Lạp, khái niệm cái ác đẹp đẽ được sử dụng rất rộng rãi. Trong thầ thoại Hy Lạp, cái Đẹp còn được khai thác cùng với cái Thiện. Đẹp còn là hành động và là hành động có phẩm giá. Trước hết, hành động đẹp là hành động có công lao to lớn của cá vị thần tốt bụng có công lao giúp đỡ con người. Cái Đẹp trong thần thoại Hy Lạp được gắn với cái có ích, cái có ích là một khía cạnh của quan hệ giữa cái Đẹp và cái Thiện. Đẹp ở đây được phát hiện như một sung thể mang ý nghĩa một phương tiện để đạt được mục đích. Một sự vật đẹp là một sự vật phải tốt với người này và tốt với người kia. Có sự khác nhau về tính tích cực của chủ thể trong quan hệ thiện và quan hệ đẹp. Ở đây, những phát hiện tinh tế của người Hy Lạp là ở chỗ, họ nhận ra cái Thiện cần có một trung gian để biểu hiện, còn cái Đẹp thì có tính trực tiếp. Tuy có phần còn mờ nhạt nhưng cũng đủ cho ta khẳng định rằng, qua thần thoại, người Hy Lạp cổ đại đã nhận thức được tính chất cực kì quan trọng của sự cảm thụ cái Đẹp là tính chất trực tiếp, không vụ lợi của nó. Tuy thế, trình độ thẩm mĩ của người Hy Lạp còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Ngay trong sự phát hiện những giá trị của cái đẹp, họ còn có cái nhìn quá trực quan, chưa vươn đến khái niệm hoàn chỉnh của vẻ đẹp tinh thần, chưa gắn bó đung đắn cái Đẹp và cai Chính trực, Cái đức hạnh đẹp, lại chưa đánh giá nhất quán là cái khí chất trọng yếu của kẻ hành động, chưa được coi là một bộ phận cơ bản của chủ thể với tư cách là một con người chứa đựng cái hoàn thiện. Chính vì thế, ở đây chưa có sự phát hiện sâu sắc tính đối lập không thể dung hòa được giữa cái Đẹp và cái Xấu. Nhưng dù sao thần thoại Hy Lạp xét về phương diện thẩm mĩ, đã là tiếng nói tích cực đòi hỏi giải phóng con người ra khỏi sự phụ thuộc vào tự nhiên, là sự thắng thế của con người trước số mệnh, là sự điều hòa đẹp đẽ giữa con người và thiên nhiên mà trước đó còn thù địch lẫn nhau, là sự phát hiện quan hệ giữa con người với con người, đó cũng là hoạt động có mục đích của con người góp vào sự phát triển của xã hội, làm phong phú con người lên mãi mãi. 4. Quan niệm về cái Đẹp 4.1. Pi-ta-go-rơ (580 – 500 trCN) và phái Pi-ta-go-rơ (thế kỉ VI đến V trCN) Dựa trên quan niệm về thuyết hòa điệu, phái Pi-ta-go-rơ cho rằng: cái Đẹp là dấu hiệu hòa điệu của các sự vật. Nó là sự thống nhất của cái đa dạng. Thế giới là hòa điệu nên thế giới là đẹp. Hòa điệu là qui luật cơ bản của sự vật nên cái Đẹp cũng có tính chất muôn thuở. Đẹp là bất biến. Cơ sở của cái Đẹp là tính tỉ lệ đúng đắn giữa các bộ phận so với cái toàn thể, là tính hợp qui luật của các con số, nhất là trong điêu khắc. Cái đẹp là sự khỏe mạnh. Ưu điểm của phải Pi-ta-go-rơ là đã gắn khái niệm đẹp với bức tranh chung của thế giới. Chính vì vậy, mặc dù có xu hướng quá nhấn mạnh tính hòa hợp của sự vật, nhưng khi đặt các sự vật trong bức tranh chung thế giới, phái Pi-ta-go-rơ đã phần nào thấy được tính chất phổ biến của các mặt đối lập của sự vật. 4.2. Hê-ra-clit thành Ê-phe-dơ (khoảng 540 – 480 trCN) Tính chất duy vật và biện chứng trong tư tưởng triết học của Hê-ra-clit quán xuyến trong toàn bộ quan niệm về cái Đẹp và đời sống thẩm mĩ. Xu hướng của Hê-ra-clit là ông muốn phác học một bức tranh tổng quát về thế giới. Trước ông thừa nhận tính khách quan của cái Đẹp. Cái Đẹp có nguồn gốc ở sự vật nhưng nó không phải là cái gì khác, mà chính là kết quả của vận động của sự vật. Như thế, Hê-ra-clit cho rằng cái Đẹp có cơ sở không phải ở trong quan hệ số lượng mà ở ngay trong tính chất của các đối tượng vật chất; cái Đẹp không phải là một hiện tượng đứng yên, chết cứng mà thường xuyên biến đổi. Ông hướng nhận thức cái Đẹp về phía tự nhiên, ở trong bản thân tự nhiên và cho rằng nghệ thuật phải gắn với thiên nhiên. Bản chất của cái Đẹp, theo Hê-ra-clit vừa có tính chất cụ thể lại vừa có tính chất tương đối. Ông đã nói một câu điển hình về luận điểm này: “Con khỉ đẹp nhất cũng là xấu nếu so với loài người, và con người hoàn thiện nhất khi so với thần thánh cũng như một con khỉ”. Như vậy, cái Đẹp trong quan niệm của Hê-ra-clit đã được nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau, dựa theo sự phát triển biện chứng của sự vật. Những quan điểm mỹ học của Hê-ra-clit là những quan điểm đầu tiên đại diện cho xu hướng duy vật trong sự phát triển của các học thuyết mỹ học. 4.3. Đê-mô-crit (khoảng 450 – 370 trCN) Là nhà nguyên tử luận, Đê-mô-crit đã đi đến những kết luận duy vật khách quan về cái Đẹp. Theo ông, lối kết hợp nguyên tử trong sự vật có liên quan đến vẻ đẹp của sự vật đó. Như vậy, cơ sở khách quan của cái Đẹp mang tính vật chất. Một vật được coi là đẹp khi nó nằm trong một trật tự, có mức độ nhất định phù hợp với bản thân nó, có sự hài hòa và cân xứng về tất cả các mặt. Đê-mô-crit không chỉ quan tâm đến tính vật chất của cái Đẹp, ông còn thấy ở trong đó cái tinh thần của vẻ đẹp. Như vậy ông đã gắn cái Đẹp với cái Thiện. Ông nhìn thấy cái Đẹp có ảnh hưởng đến cả cách sống của con người. Như vậy có thể thấy, cong lao to lớn của Đê-mô-crit là đã đặt cơ sở duy vật cho quan niệm về cái Đẹp và các quan niệm về nghệ thuật. Ông còn kiên trì đấu tranh cho các nhân tố hiện thực trong mỹ học nhằm chống lại chủ nghĩa duy tâm và phản hiện thực. 4.4. Xô-crat (469 – 399 trCN) Quan điểm thảm mĩ của Xô-crat là quan điểm gắn cái Đẹp với cái Thiện, tìm cách lí giải cái Đẹp trên cơ sở cái Thiện. Ông cho rằng, cái Đẹp là có tính chất cụ thể, muốn xác định “vẻ đẹp là cái gì?” ta phải xét sự vật trong từng mối quan hệ khác nhau. Tuy nhiên,Xô-crat đã phá vỡ niềm tin vào sự hoàn mĩ, sự hài hòa của sự vật mà các nhà mĩ học cổ đại, trong đó có cả Đê-mô-crit đều ca ngợi. Bởi vì, Xô-crat cho rằng có những vật như nhau, nhằm mục đích giống nhau, nhưng là đẹp với người này mà lại xấu với người khác. Cái mộc là đẹp khi dùng để phòng ngự, nhưng là không đẹp vì bất tiện trong lúc tiến công. Cái gì tốt khi dạo chơi thì lại không tốt trong lúc chiến đấu. Xô-crat đã ân dụng sự quan sát và đi tới quan niệm cho rằng vẻ đẹp khi kết hợp với phẩm chất tâm hồn là vẻ đẹp tâm hồn chứ không phải thể chất nữa. Tuy thế, Xô-crát rất nhiều lúc đã rơi vào cực đoan khi ông đứng trên cái Thiện để lý giải cái Đẹp, đặc biệt rơi vào chủ nghĩa “công lợi”, một thứ mĩ học vụ lợi khi ông qui mọi cái Đẹp đều phải là cái Có ích: “một chàng trai nhảy múa là đẹp hơn một chàng trai ngồi yên, vì chưng thể thao là có ích cho cơ thể anh ta”. Xô-crat tự đẩy học thuyết của mình đến chỗ cực đoan. Đối với ông, ngay cả những thứ gì xấu cũng có thể là đẹp nếu như thứ đó là có ích; và ở đây buộc ông phải tự mâu thuẫn và rơi vào chủ nghĩa tương đối trong mỹ học. 4.5. Platon (427 – 347 trCN) Khi trả lời vấn đề “cái đẹp là gì?”, nó có tính chất vật chất hay có tính chất tinh thần, các nhà mỹ học cổ thường hay tách chúng ra để nghiên cứu, mà tùy theo quan điểm của họ mà đi tới kết luận về tính thứ nhất của cái này hoặc tính thứ nhất của cái kia. Platon cũng vậy, ông cũng tách cái Đẹp ra để nghiên cứu ở hai góc độ: vật chất và tinh thần, nhưng với mục đích là bác bỏ cái Đẹp vật chất, và khẳng định cái Đẹp tinh thần. Ông cho rằng: chỉ cáo cái Đẹp của “Ý niệm” của tâm hồn, của thần linh mới là cái Đẹp gốc, cái Đẹp bản chất, cái Đẹp vĩnh hằng. Quan điểm về cái Đẹp của Platon chủ yếu được trình bày trong tác phẩm “Bữa tiệc”, trong tác phẩm này, ông đã đưa ra một định nghĩa nổi tiếng về cái Đẹp: “Cái Đẹp tồn tại vĩnh viễn, nó không tự nhiên xuất hiện, không mất đi, không tăng thêm, không giảm đi, thậm chí nó không đẹp ở nơi đây mà lại xấu ở nơi kia, không đẹp ở quan hệ này mà lại xấu ở điểm khác, không đẹp đối với cái này mà lại thô kệch đối với cái kia. Cái Đẹp không hiện ra như một vẻ mặt hoặc như một cánh tay, cũng không ở bất cứ phần nào cơ thể, Đẹp cũng không hiện ra như một lập luận hoặc như một khoa học nào; cái Đẹp là tự nó…” Đẻ nhận thức được “cái Đẹp ý niệm” người ta phải kích thích linh hồn cho nó hồi tưởng lại cái hoàn thiện, tinh khôi mà đã từng chiêm ngưỡng khi nó còn ở thế giới thần linh. So sánh ta thấy, nếu Xô-crat cho cái Đẹp có tính chất tương đối và ở trong các quan hệ cụ thể, thì Platon cho cái Đẹp là tuyệt đối, và cái Đẹp “ý niệm” là cái Đẹp chung, bất biến. Chỗ giống nhau của thầy trò Platon là cùng thừa nhận cái bản nguyên tinh thần có trước, mà ở đó có cơ sở vững chắc nhất của cái Đẹp. Tuy thế, Platon có nhiều điểm vượt xa Xô-crat. Trong khi Xô-crat mới dừng lại ở quan niệm cái Đẹp gắn với cái Thiện và cái có ích thì Platon đã đề cập đến những tính chất đặc biệt của cái Đẹp. Trong khi mỹ học của Xô-crat là thứ mỹ hocjcuar nội dung thì mỹ học của Platon đã nhận thấy tính chất đặc biệt của hình thức trong đời sống thẩm mĩ. Trong khi Xô-crat hiểu cái Đẹp là phải hướng tới sự tu thiện thì Platon quan niệm cái Đẹp phải gắn liền với tình chất “thanh lọc”, tính chất làm “trong sạch” tâm hồn của nghệ thuật. Ông cho rằng tất cả những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người đều là cái Đẹp, cái Cao thượng, sự Dũng cảm. Tất cả những cái đó đều là quả của quá trình đã được “thanh lọc” được làm sạch. Như vậy, Platon cũng coi nghệ thuật là phương tiện để sửa chữa, uốn nắn con người về mặt đức hạnh. 4.6. A-rít-xtốt (384 – 322 trCN) A-rit-xtốt cho rằng cái Đẹp chân chính mà nghệ thuật cần tập trung để bắt chước là cái Đẹp của con người. Cái Đẹp không tách rời thực tại Đẹp, ý muốn về cái Đẹp dựa trên đặc tính của vẻ đẹp thực tại. A-rít-xtốt là một trong những người đầu tiên thấy rõ tính chất chủ quan và tính chất khách quan của cái Đẹp. Ông khẳng định rằng, Đẹp chỉ có thể xác lập tính chất khách quan trong mối tương quan của những đặc tính của vật thể với sự cảm thụ của con người. Qua đó, A-rít-xtốt nghiên cứu cái Đẹp tĩnh và cái Đẹp động. Cái Đẹp tĩnh là cái Đẹp của các vật thể bất động như hòn đảo, núi non, phong cảnh…Còn cái Đẹp động là cái Đẹp của con người, cái Đẹp gắn với cái Thiện, vì Thiện bao giờ cũng được biểu hiện qua hành động, mà cái Đẹp nằm trong hành động đó. Nếu trong “Siêu hình học”, A-rít-xtốt định nghĩa cái Đẹp bao gồm các thuộc tính như trật tự, hài hòa, cân xứng, tính tỉ lệ, thì trong cuốn “Thi pháp” ông còn gắn cái Đẹp với tính hữu hạn, tính thống nhất, với cái Thiện. Như vậy ông đã nhìn thấy cả mặt toán học và mặt xã hội của cái Đẹp. A-rít-xtốt không coi cái Đẹp và cái Thiện chỉ là những phạm trù thực tiễn hoặc kĩ thuật, ông còn gán cho chúng một giá trị vũ trụ. Một trong những vấn đề chính trong mỹ học A-rít-xtốt là mối quan hệ giữa cái Đẹp với cái Thiện hoặc là cái Có ích. Các khái niệm này ở ông không bị đồng nhất, trong khi đó ở Platon còn có một sự lẫn lộn. Trong mối quan hệ giữa cái Đẹp và cái Thiện, cái Tốt với cái Đẹp, ông phân biệt cái Đẹp tinh thần và cái Đẹp hình thức. KẾT LUẬN Cái Đẹp của Hy Lạp cổ đại qua nghệ thuật tràn đầy trong sựu trân trọng lao động. Nghệ thuật tạo hình Hy Lạp cổ đại, nổi bật lên là cái Đẹp đầy đặn, phúc hậu, với khói hình tròn trịa, với những đường nét mềm mại và không bị đột ngột gấp khúc; các hình tượng nghệ thuật mang những nét tạo hình phóng khoáng, hiện thực nhưng cũng ước lệ rất cao. Nhìn bao quát, có thể thấy nói rằng, đời sống thẩm mĩ của Hy Lạp cổ đại mang nét đặc thù là: Có sự hy sinh của chủ thể thẩm mĩ, có sự hòa nhập của cái Đẹp chủ thể vào cái Đẹp của tự nhiên và vũ trụ, nghĩa là sự hòa nhập của chủ thể thẩm mĩ vào khách thể thẩm mĩ. Lí tưởng thẩm mĩ ở đây đã được biểu hiện thành ước vọng của con người muốn hiến mình cho một cái Đẹp vươn lên trên bản than mình. Khi cơ sở kinh tế phát triển vượt ra ngoài hình thái chiếm hữu nô lệ, khi những tiền đề xã hội đủ để con người thoát khỏi thế cân bằng cũ, thì cái Đẹp có tính chất nhị nguyên luận Hy Lạp đã phải nhường chỗ cho cái Đẹp có tính chất nhị nguyên luận, cái Đẹp quá thiên về sự hài hòa, sự thuần khiết và hoàn thiện hoàn mĩ thời cực thịnh Hy lạp sẽ phải nhường bước cho cái Đẹp biết nhìn nhận con người ở cả hai phía: phía ngoại hình và phía tâm linh. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ăngghen: Phép biện chứng của tự nhiên – NXB Sự thật, 1963 2. Aristốt: Thi pháp Tạp chí văn học nước ngoài – Hội nhà văn Việt Nam, 1998 3. Đỗ Văn Khang: Lịch sử mỹ học – NXB Văn hóa, 1983 4. Đỗ Văn Khang: Mỹ học đại cương – NXB Giáo dục, 1997 5. Đỗ Văn Khang: Nghệ thuật học – NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2001 MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMyhoc (31).doc
Tài liệu liên quan