Tìm hiểu các địa danh đông xuyên và Long Xuyên ở tỉnh An Giang

Kết luận Có thể hình dung sự biến đổi từ tên gọi “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên” tại địa bàn tỉnh An Giang như sau: (1) Người Hoa chủ yếu làm nghề buôn bán nên tập trung nhiều ở chợ Đông Xuyên; (2) Do người Hoa phát âm “đ” thành “l” nên họ gọi chợ “Đông Xuyên” là “Long Xuyên”, dẫn đến nhiều người khác cũng gọi theo; (3) Khi người Pháp thiết lập chính quyền đô hộ ở đây thì đã lấy tên chợ “Long Xuyên” để đặt cho đơn vị hành chính là hạt thanh tra “Long Xuyên”; (4) Từ đó, tên gọi “Long Xuyên” ngày càng trở nên thịnh hành, còn tên gọi “Đông Xuyên” thì bị mai một dần. Từ “thủ Đông Xuyên” dưới thời chúa Nguyễn Ánh (1789) đến “thành phố Long Xuyên” ngày nay, thời gian mới hơn 200 năm. Chặng đường lịch sử tuy không dài, nhưng có nhiều đổi thay to lớn. Từ một vùng đất hoang vu, chỉ có một đồn binh nhỏ, đến nay đã trở thành thành phố Long Xuyên - đô thị loại II, trung tâm của tỉnh An Giang. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Long Xuyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu xây dựng thành phố Long Xuyên đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2020. Có thể thấy rằng, mặc dù “Long Xuyên” đã trở thành địa danh chính thức, nhưng địa danh “Đông Xuyên” vẫn còn được lưu giữ trong một số tên gọi ở thành phố Long Xuyên như phường Đông Xuyên, khách sạn Đông Xuyên. Hy vọng rằng, cùng với tên gọi “Long Xuyên”, tên gọi “Đông Xuyên” sẽ được bảo tồn và phát huy trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố Long Xuyên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Ví dụ như: trung tâm thương mại Đông Xuyên, siêu thị Đông Xuyên, nhà hát Đông Xuyên trong tương lai.

pdf11 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 302 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu các địa danh đông xuyên và Long Xuyên ở tỉnh An Giang, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
153 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2019-0056 Social Sciences, 2019, Volume 64, Issue 8, pp. 153-163 This paper is available online at TÌM HIỂU CÁC ĐỊA DANH ĐÔNG XUYÊN VÀ LONG XUYÊN Ở TỈNH AN GIANG Đào Ngọc Cảnh Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ Tóm tắt. Thành phố Long Xuyên là đô thị trung tâm của tỉnh An Giang, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong tiến trình lịch sử, vùng đất này có nhiều tên gọi khác nhau liên quan đến những đơn vị hành chính khác nhau. Trong đó, hai tên gọi quan trọng nhất là Đông Xuyên xuất hiện năm 1789, và Long Xuyên xuất hiện năm 1868. Các tên gọi này đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập, nhưng cũng còn một số vấn đề chưa sáng tỏ. Bài viết này trình bày một số ý kiến trao đổi nhằm góp phần làm rõ nguồn gốc, ý nghĩa của các địa danh nêu trên và các tên gọi liên quan ở tỉnh An Giang. Từ khóa: Đông Xuyên, Long Xuyên, Nam Kỳ, tỉnh An Giang. 1. Mở đầu Địa danh học là ngành khoa học chuyên nghiên cứu về địa danh, tức là tên gọi của các đối tượng tự nhiên hoặc nhân tạo trên bề mặt đất như: sông núi, biển đảo, cầu đường, đình miếu, địa bàn cư trú và đơn vị hành chính. Địa danh luôn bảo lưu các giá trị văn hóa-lịch sử gắn với hoàn cảnh mà nó ra đời. Thông qua địa danh, người nghiên cứu có thể kiến giải nhiều vấn đề về đặc điểm địa lí, lịch sử hình thành một vùng đất, sự giao lưu, biển đổi văn hóa và nhiều thông tin liên quan đến địa danh đó. Vì vậy, địa danh được quan tâm nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau như: địa lí, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, du lịch. Thành phố Long Xuyên là trung tâm hành chính của tỉnh An Giang, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trên địa bàn này đã có nhiều địa danh ra đời như thủ Đông Xuyên, rạch Đông Xuyên, chợ Long Xuyên, hạt Long Xuyên, tỉnh Long Xuyên. Ghi chép về địa danh tỉnh An Giang và thành phố Long Xuyên sớm nhất là các bộ sách sử dưới triều Nguyễn như: Gia Định thành thông chí [1]; Đại Nam nhất thống chí [2]. Còn nghiên cứu về địa danh tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên, cũng như địa danh vùng Nam Bộ, chủ yếu diễn ra trong những năm gần đây. Công trình nghiên cứu tiêu biểu về địa danh Nam Bộ là Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ do Nguyễn Đình Tư biên soạn năm 2008 [3]. Đây là một công trình nghiên cứu công phu, tổng hợp nhiều tư liệu về các địa danh hành chính ở vùng Nam Ngày nhận bài: 19/6/2019. Ngày sửa bài: 29/7/2019. Ngày nhận đăng: 1/8/2019. Tác giả liên hệ: Đào Ngọc Cảnh. Địa chỉ e-mail: dncanh@ctu.edu.vn. Đào Ngọc Cảnh 154 Bộ, trong đó có địa danh An Giang. Các nghiên cứu của Nguyễn Hữu Hiệp (2010) [4], Nguyễn Thanh Lợi (2017) [5] cũng đề cập đến các địa danh Nam Bộ qua những khía cạnh văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ. Nghiên cứu về địa danh tỉnh An Giang có thể kể đến các tác giả Sơn Nam [6], Nguyễn Rạng [7], Nguyễn Thị Thái Trân [8]. Trong sách Tìm hiểu đất Hậu Giang và lịch sử đất An Giang, Sơn Nam đã đề cập đến các địa danh ở tỉnh An Giang, trong đó có bàn về việc chuyển đổi từ tên gọi Đông Xuyên thành Long Xuyên [6]. Tác giả Nguyễn Rạng đã mạn đàm về những địa danh ở tỉnh An Giang như Tầm Phong Long, An Giang, Tịnh Biên, Thoại Sơn [7]. Tác giả Nguyễn Thị Thái Trân đã thống kê 1033 địa danh hành chính tỉnh An Giang và phân tích về đặc điểm văn hóa của các địa danh này [8]. Nghiên cứu về địa danh Long Xuyên đã được đề cập trong nhiều báo cáo tham luận tại hội thảo “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến thành phố Long Xuyên” được tổ chức tại thành phố Long Xuyên năm 2019 như: Dấu ấn Đông Xuyên cảng đạo của Vĩnh Thông [9]; Tên gọi thành phố Long Xuyên của Huỳnh Công Tín [10]; Mạn đàm về từ nguyên “Long Xuyên” của Chau Mô Ni Sóc Kha [11]; Địa giới hành chính Long Xuyên thời thuộc Pháp của Dương Văn Triêm [12]; Duyên cách hành chính vùng đất Long Xuyên của Phan Văn Kiến [13]; Làng ở Long Xuyên dưới triều Nguyễn của Trần Hoàng Vũ [14]. Nhìn chung, các nghiên cứu về địa danh Long Xuyên khá phong phú, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa sáng tỏ, nhất là về nguồn gốc, ý nghĩa của các tên gọi “Đông Xuyên”, “Long Xuyên” và mối quan hệ giữa hai tên gọi này. Xuất phát từ thực trạng nêu trên, bài viết này trình bày một số ý kiến trao đổi nhằm làm rõ hơn nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh Long Xuyên và sự biến đổi địa danh từ “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên” cùng với các địa danh liên quan ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Khái quát sự hình thành thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, cũng như toàn vùng Nam Bộ, xưa là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam – một quốc gia cổ đại hình thành vào đầu Công nguyên ở khu vực Đông Nam Á. Trong thời kỳ Phù Nam cường thịnh đã có nhiều nước nhỏ thần phục với tư cách là những thuộc quốc hoặc chư hầu, trong đó có Chân Lạp. Vào đầu thế kỉ VII, nhân lúc Phù Nam suy yếu, Chân Lạp đã tấn công và chiếm lấy [15]. Dưới thời vương quốc Chân Lạp, vùng đất An Giang có tên là Tầm Phong Long. Năm 1757, vua Chân Lạp dâng đất này cho chúa Nguyễn. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Tỉnh An Giang: Xưa là đất Tầm Phong Long, năm Đinh Sửu (1757) Thế Tông thứ 19, quốc vương Chân Lạp Nặc Tôn dâng đất này, đặt làm đạo Châu Đốc. Vì đất ấy nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân đến ở gọi là Châu Đốc tân cương” [2]. Năm Kỉ Dậu (1789), chúa Nguyễn Ánh cho đặt một đồn nhỏ gọi là thủ Đông Xuyên tại vàm (Vàm theo phương ngữ Nam Bộ có nghĩa là cửa sông, cũng có nghĩa là con sông) sông Tam Khê (tục danh Ba Rạch) nhằm tăng cường phòng thủ cho đạo Châu Đốc, đồng thời tạo điều kiện cho người dân đến làm ăn sinh sống [13]. Tìm hiểu các địa danh Đông Xuyên và Long Xuyên ở tỉnh An Giang 155 Năm 1805, vua Gia Long chia vùng Nam Bộ thành 5 trấn: Biên Trấn (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định), Định Trấn (Định Tường), Vĩnh Trấn (Vĩnh Long, An Giang), Hà Tiên Trấn (Kiên Giang, Cà Mau). Địa bàn thành phố Long Xuyên khi ấy thuộc Vĩnh Trấn, sau đổi thành trấn Vĩnh Thanh [2]. Năm 1818, Thoại Ngọc Hầu phụng chỉ vua Gia Long tổ chức đào vét sông Đông Xuyên nối với Rạch Giá tạo thành tuyến đường thủy thông suốt từ bờ tây sông Hậu đến vùng biển Kiên Giang. Công việc hoàn thành, Thoại Ngọc Hầu cho vẽ họa đồ dâng lên, vua Gia Long rất vui mừng đã ban cho sông này là Thoại Hà và ngọn núi Sập bên bờ sông là Thoại Sơn để thưởng công cho Thoại Ngọc Hầu. Sách Gia Định thành thông chí chép: “Thoại Hà tục gọi là Ba Rạch, rộng 8 tầm, sâu 14 thước ta, cách trấn lỵ [Vĩnh Thanh] về phía tây 214 dặm. Ở bờ phía tây 4 dặm rưỡi đến ngã ba sông, hợp với sông Cần Đăng; qua tây nam 59 dặm đến cửa sông Lạc Dục; từ đấy đi về nam 57 dặm rưỡi đến ngòi nhỏ Song Giang, bùn ứ, cây cỏ ngăn lấp, thuyền bè không đi được. Tháng 11 niên hiệu Gia Long thứ 16, vua sai Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc Hầu điều dân Việt và dân Thổ 1.500 người, cấp cho gạo tiền để đốn chặt cây cối, đào vét cho thông, bề ngang sông là 12 tầm, sâu 4 thước ta, trong 1 tháng thì xong, ăn thông với thủy đạo Kiên Giang, nhân dân Việt, Thổ đi lại đều tiện lợi. Vua ban tên là Thoại Hà để ghi nhớ công của người bề tôi” [1]. Năm 1832, trong một cuộc cải cách hành chính sâu rộng trên toàn quốc, vua Minh Mạng cho thành lập tỉnh An Giang với 2 phủ, 4 huyện. Đó là, phủ Tuy Biên gồm hai huyện Tây Xuyên và Phong Phú; phủ Tân Thành gồm hai huyện Đông Xuyên và Vĩnh An. Lỵ sở của tỉnh An Giang được đặt tại Châu Đốc. Địa bàn thành phố Long Xuyên bấy giờ là trung tâm huyện Tây Xuyên. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Huyện Tây Xuyên: đông tây cách nhau 33 dặm, nam và bắc cách nhau 71 dặm, phía đông đến địa giới huyện Đông Xuyên 5 dặm, phía tây đến địa giới huyện Hà Dương 28 dặm, phía nam đến địa giới huyện Long Xuyên 62 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Đông Xuyên 8 dặm. Nguyên là đất huyện Vĩnh Định và đất thổ huyện Ngọc Luật ở về phía tây Hậu Giang” [2]. Giữa thế kỉ XIX, thực dân Pháp đưa quân xâm lược nước ta. Năm 1862, triều đình Nguyễn ký hòa ước nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Năm 1867, thực dân Pháp đưa quân chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Trong thời kỳ này, chính quyền Pháp tạm giữ cấp tỉnh của triều Nguyễn và lập ra dưới cấp tỉnh một cấp hành chính là hạt thanh tra (Inspections). Tỉnh An Giang gồm có ba hạt thanh tra là: Tuy Biên (Châu Đốc), Tân Thành (Sa Đéc), Bãi Xàu (Ba Xuyên). Địa bàn thành phố Long Xuyên bấy giờ thuộc hạt thanh tra Châu Đốc [12]. Ngày 21/8/1868, Pháp cho tách từ hạt thanh tra Châu Đốc tại khu vực phía dưới sông Vàm Nao để lập ra hạt thanh tra Long Xuyên (Inspections de Long Xuyên). Ngày 5/1/1876, hạt thanh tra Long Xuyên được đổi tên thành hạt tham biện Long Xuyên, gồm 8 tổng, 54 làng [12]. Cuối năm 1899, Chính quyền Pháp xóa bỏ hệ thống cấp tỉnh của triều Nguyễn và ra văn bản quy định: kể từ ngày 01/01/1990, hạt tham biện được đổi thành tỉnh. Tỉnh An Giang cũ (triều Nguyễn) được chia thành 5 tỉnh mới: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Địa bàn thành phố Long Xuyên ngày nay chủ yếu thuộc tổng Định Đào Ngọc Cảnh 156 Phước và Định Thành Hạ của tỉnh Long Xuyên với 4 làng là Mỹ Phước, Mỹ Thạnh, Thới Tây Trung (tổng Định Phước) và làng Bình Đức (tổng Định Thành Hạ). Tại tỉnh Long Xuyên, ngày 07/11/1916, chính quyền Pháp giải thể làng Mỹ Quới nhập vào làng Mỹ Phước thuộc tổng Định Phước; nhập các làng Mỹ Hội Tiểu (tổng Định Thành Hạ), Hưng Châu (tổng Định Hòa), và một phần làng An Hòa (tổng An Phú) thành làng Mỹ Hòa Hưng thuộc tổng Định Thành Hạ. Ngày 01/4/1917, Pháp cho đổi tên tổng Định Thành Hạ thành tổng Định Thành [12]. Bảng 1. Thống kê các chợ của tỉnh Long Xuyên năm 1924 [12] TT Chợ Làng Tổng doanh thu (đồng Đông Dương) 1. Mỹ Phước Mỹ Phước 7.100 2. Thốt Nốt Thạnh Hòa Trung Nhất 2.850 3. Lấp Vò Bình Ninh 1.400 4. Chợ Mới Long Điền 785 5. Tấn Đức Tấn Đức (Cù lao Giêng) 655 6. Mỹ Chánh Mỹ Chánh 490 7. Núi Sập Thoại Sơn 415 8. Hương Cả Tình Mỹ Luông 400 9. Chợ Thủ Long Điền 385 Đầu thế kỉ XX, hoạt động kinh tế ở tỉnh Long Xuyên phát triển mạnh, dẫn đến nhiều chợ ra đời. Trong đó, chợ Mỹ Phước ở trung tâm tỉnh lỵ Long Xuyên là chợ lớn nhất trong tỉnh, đứng đầu về tổng doanh thu (Bảng 1). Cũng trong thời gian này, Pháp cho lập cấp quận làm trung gian giữa tỉnh và tổng, xã. Theo đó, tỉnh Long Xuyên có ba quận được thành lập là: Châu Thành, Thốt Nốt, Chợ Mới. Trong đó, quận Châu Thành tương ứng với địa bàn thành phố Long Xuyên ngày nay, bao gồm 2 tổng, 5 làng, 21 ấp (Bảng 2). Bảng 2. Thống kê các đơn vị hành chính ở quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên năm 1924 [12] Tổng Làng Ấp Định Phước Mỹ Phước Đông An, Đông Bình, Đông Thạnh, Mỹ Quới, Tây Khánh Mỹ Thạnh Đông Thạnh, Long Thạnh, Tây Thạnh Thới Tây Trung Thới An, Thới Thạnh Định Thành Bình Đức Bình Hòa, Bình Khánh, Bình Long, Bình Thạnh, Bình Thới Mỹ Hòa Hưng Mỹ An, Mỹ Hiệp, Mỹ Khánh, Mỹ Long, Mỹ Thạnh, Mỹ Thuận Tìm hiểu các địa danh Đông Xuyên và Long Xuyên ở tỉnh An Giang 157 Ngày 27/11/1934, chính quyền Pháp cho hợp nhất làng Mỹ Thạnh với làng Thới Tây Trung thành làng Mỹ Thới thuộc tổng Định Phước. Địa bàn thành phố Long Xuyên khi ấy gồm 2 tổng, 4 làng; tổng Định Phước có 2 làng: Mỹ Phước, Mỹ Thới; tổng Định Thành có 2 làng: Bình Đức, Mỹ Hòa Hưng [12]. Ngày 31/5/1935, chính quyền Pháp ban hành Nghị định cải biến trung tâm tỉnh lỵ Long Xuyên thành thị xã Long Xuyên dưới quyền quản lí của Thị trưởng do Chủ tỉnh Long Xuyên kiêm nhiệm. Ranh giới thị xã Long Xuyên là ranh giới trung tâm thị tứ (centre urbain), trên một phần diện tích làng Bình Đức và làng Mỹ Phước. Như vậy, địa bàn thị xã Long Xuyên dưới thời Pháp thuộc nhỏ hơn nhiều so với thành phố Long Xuyên ngày nay [12]. Sau Hiệp định Genève (1954), ở miền Nam nước ta có hai hệ thống chính quyền song song tồn tại, thường gọi là chính quyền Sài Gòn và chính quyền Cách mạng. Dưới chế độ chính quyền Sài Gòn, tên gọi và địa giới tỉnh An Giang có nhiều lần thay đổi: có khi tách thành hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc, có khi sáp nhập lại thành tỉnh An Giang, hoặc tách ra thành tỉnh Châu Đốc và An Giang (tương ứng với tỉnh Long Xuyên cũ). Về phía chính quyền cách mạng, năm 1954, Xứ ủy Nam Bộ lập lại hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Đến giữa năm 1957, hai tỉnh này lại được hợp nhất thành tỉnh An Giang. Cũng trong năm 1957, thị xã Long Xuyên được thành lập. Sau đó, địa bàn tỉnh An Giang có sự thay đổi linh hoạt theo tình hình thực tế với các tên gọi như: Long Châu Tiền, Long Châu Hậu, Long Châu Sa, Long Châu Hà. Thị xã Long Xuyên thuộc tỉnh Long Châu Hà cho đến ngày miền Nam giải phóng. Sau ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975), tỉnh An Giang được tái lập trên cơ sở nhập hai tỉnh Châu Đốc và An Giang cũ, trừ huyện Thốt Nốt tách về tỉnh Hậu Giang (nay là quận Thốt Nốt thuộc thành phố Cần Thơ). Ngày 01/3/1999, Chính phủ ra Nghị định thành lập thành phố Long Xuyên. Đến ngày 14/4/2009, thành phố Long Xuyên được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang. Hiện nay, thành phố Long Xuyên có diện tích tự nhiên 115,36 km2, dân số 286.287 người (2017), bao gồm 13 đơn vị hành chính cấp phường, xã. Trong đó, có 11 phường (Bình Đức, Bình Khánh, Đông Xuyên, Mỹ Bình, Mỹ Hòa, Mỹ Long, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Xuyên) và 2 xã (Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Khánh). 2.2. Về các địa danh Đông Xuyên và Long Xuyên ở tỉnh An Giang 2.2.1. Địa danh “Đông Xuyên” Xét về nguồn gốc, địa danh “Đông Xuyên” hình thành từ tên gọi “thủ Đông Xuyên” do chúa Nguyễn Ánh lập ra năm 1789 ở vàm sông Ba Rạch (Tam Khê). Xét về ngữ nghĩa, tên gọi “Đông Xuyên” là từ Hán Việt, có hai thành tố: thành tố “đông” thường dùng để chỉ phương hướng (phía mặt trời mọc). Còn thành tố “xuyên” có nhiều nét nghĩa; trong đó, nét nghĩa thích hợp ở đây là “dòng nước, con sông”. Như vậy, tên gọi “Đông Xuyên” có nghĩa là “ở phía đông dòng sông”. Nhưng, đó là dòng sông nào? Tác giả Huỳnh Công Tín khẳng định: “Tất nhiên con sông cả đó phải là con sông Hậu (Hậu Giang)”. Để chứng minh cho ý kiến này, tác giả đã dẫn sách Đại Nam nhất Đào Ngọc Cảnh 158 thống chí có ghi rằng: “Huyện Tây Xuyên nguyên là đất huyện Vĩnh Định và đất thổ huyện Ngọc Luật ở về phía tây Hậu Giang”, “Huyện Đông Xuyên nguyên là đất huyện Vĩnh Định ở về phía đông Hậu Giang” [10]. Rất đáng tiếc, nhận định trên là một sự nhầm lẫn, bởi vì thủ Đông Xuyên nằm ở phía tây sông Hậu nên thuộc huyện Tây Xuyên, chứ không phải thuộc huyện Đông Xuyên. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Thủ Đông Xuyên cũ: ở đường lạch bờ phía tây Hậu Giang thuộc địa phận huyện Tây Xuyên, đặt từ năm Kỉ Dậu (1798), đầu đời Trung hưng, sau bỏ; năm Minh Mạng thứ 18 đổi làm sở thuế quan, nay bỏ” [2, tr. 217]. Như vậy, có thể khẳng định rằng việc xác định vị trí thủ Đông Xuyên theo sông Hậu là không hợp lí. Hơn nữa, xét quy mô và tính chất của thủ Đông Xuyên cũng cho thấy việc đặt tên thủ này theo sông Hậu là không phù hợp. Trên thực tế, thủ Đông Xuyên chỉ là một đồn nhỏ ở phía đông sông Ba Rạch, nên việc đặt tên thủ theo sông Ba Rạch là hoàn toàn phù hợp. Như vậy, “thủ Đông Xuyên” có nghĩa là: “đồn binh nằm ở phía đông sông Ba Rạch”. Sau khi thủ Đông Xuyên ra đời thì sông Ba Rạch lại được gọi theo tên thủ là sông Đông Xuyên. Ngoài ra, thủ Đông Xuyên còn có tên gọi dân gian là “thủ Thảo” hay “Thủ Thảo đồn” (đồn Thủ Thảo), có nghĩa là một đồn nhỏ, đơn sơ, có nhiều cây cỏ. Theo đó, sông Đông Xuyên cũng được gọi là “Thủ Thảo đà” (rạch Thủ Thảo). Trong sách Petit cours de géographie de la Basse-Cochinchine, Trương Vĩnh Ký có ghi nhận “Thủ-thảo-đà, tức vàm Long-Xuyên” [14, tr. 40]. Theo địa bạ thôn Bình Đức do Thôn trưởng Võ Văn Yến và Dịch mục Nguyễn Văn Thành khai thời Minh Mạng cho biết địa bàn thôn này trải dài trên 5 xứ: Đông Xuyên, Trà Ôn, Cần Say (Cần Xây), Trà Mạn và Cù lao Cau. Trong đó, xứ Đông Xuyên có địa giới như sau: - Đông giáp sông lớn (sông Hậu) - Nam giáp Đông Xuyên đà (rạch Đông Xuyên) - Tây giáp Tầm Vu đà (rạch Tầm Vu) và địa phận thôn Vĩnh Thuận - Bắc giáp xứ Trà Ôn và rừng. Với ranh giới như vậy, xứ Đông Xuyên dưới triều Nguyễn tương ứng với hai phường Bình Khánh và Mỹ Bình của thành phố Long Xuyên ngày nay [14]. 2.2.2. Địa danh “Long Xuyên” Địa danh “Long Xuyên” lúc ban đầu được dùng cho xứ Cà Mau với tên gọi là “đạo Long Xuyên”, thuộc trấn Hà Tiên, do Mạc Thiên Tứ đặt ra năm 1757. Sách Gia Định thành thông chí chép: “Năm Đinh Sửu (1757), vua Chân Lạp đem đất 5 phủ là Vũng Thơm, Cần Bột, Chân Sum, Sài Mạt và Lình Quỳnh biếu Mạc Thiên Tứ Thiên Tứ đặt xứ Rạch Giá làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên” [1]. Đến năm Gia Long thứ 7 (1808), đạo Long Xuyên được đổi ra huyện Long Xuyên, thuộc trấn Hà Tiên. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), huyện Long Xuyên thuộc phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Huyện Long Xuyên: ở cách phủ hơn 150 dặm về phía đông nam; đông tây cách nhau 35 dặm, phía đông giáp địa giới huyện Phong Thịnh tỉnh An Giang 18 dặm, phía tây vượt qua núi Bạch Thạch ra đến biển 17 dặm, phía bắc giáp lâm phận huyện Kiên Giang 18 dặm” [2]. Tìm hiểu các địa danh Đông Xuyên và Long Xuyên ở tỉnh An Giang 159 Địa danh “Long Xuyên” ở tỉnh An Giang được người Pháp lập ra năm 1868 dưới tên gọi là “hạt thanh tra Long Xuyên”. Bàn về mối quan hệ giữa hai địa danh “Đông Xuyên” và “Long Xuyên” ở tỉnh An Giang có nhiều ý kiến khác nhau. Tác giả Huỳnh Công Tín cho rằng, xét về mặt từ ngữ chữ “long” là thành tố Hán Việt có các nét nghĩa cơ bản sau: 1. con rồng, nét nghĩa này thích hợp trong các địa danh “Cửu Long” (chín rồng), “Thăng Long” (rồng bay)...; 2. thịnh, dày, nét nghĩa này thích hợp trong các địa danh “Đức Long” (đức thịnh, lâu dài), “Vĩnh Long” (sự thịnh vượng bền lâu)...; 3. họp lại, nét nghĩa này thích hợp với địa danh “Long Xuyên” (các con sông họp lại, gặp nhau). Như vậy, địa danh “Long Xuyên” là một địa danh hành chính, được chính quyền đặt, để chỉ một vùng đất có nhiều sông rạch gặp nhau [10, tr. 105]. Với cách lí giải này thì “Long Xuyên” và “Đông Xuyên” là hai địa danh cùng ở tỉnh An Giang nhưng có nguồn gốc khác nhau. Cụm từ “chính quyền đặt” cũng khá mơ hồ, có thể hiểu là chính quyền nhà Nguyễn đặt hoặc chính quyền bảo hộ Pháp đặt. Nếu cho rằng, chính quyền nhà Nguyễn đặt ra địa danh mới “Long Xuyên” ở tỉnh An Giang thì khó chấp nhận. Bởi vì, vùng đất này trước đó đã có tên gọi “Đông Xuyên” gắn với tên gọi “thủ Đông Xuyên” được lập ra dưới thời chúa Nguyễn Ánh. Tên gọi “Đông Xuyên” đã ăn sâu trong ý thức người dân và quan lại triều Nguyễn. Vì vậy, không thể ngẫu nhiên mà chính quyền nhà Nguyễn lại thay bằng một từ Hán Việt khác là “Long Xuyên” (vốn đã dùng cho xứ Cà Mau). Hơn nữa, sử sách triều Nguyễn không hề ghi chép về sự kiện đặt ra địa danh “Long Xuyên” ở tỉnh An Giang. Nếu cho rằng, chính quyền Pháp đặt ra địa danh mới “Long Xuyên” theo nghĩa Hán Việt thì cũng không thể chấp nhận được. Bởi vì, nếu người Pháp muốn dùng một địa danh Hán Việt thì dĩ nhiên họ sẽ lấy tên gọi “Đông Xuyên” đã có sẵn, mà không cần đặt ra một địa danh Hán Việt mới là gì nữa. Trên thực tế, người Pháp có xu hướng lấy các tên gọi dân gian (tục danh) để đặt cho các địa danh hành chính như Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: “Đông Xuyên” và “Long Xuyên” thực ra là cùng một nguồn gốc, sự khác nhau giữa hai tên gọi này là do biến âm mà ra; nghĩa là, “Long Xuyên” là một biến thể của từ nguyên “Đông Xuyên”. Trong sách Tìm hiểu đất Hậu Giang và lịch sử đất An Giang, nhà văn Sơn Nam đã viết: “Chợ Đông Xuyên, mà lúc đầu công văn chính thức Pháp vẫn gọi, đổi ra Long Xuyên vào thời điểm nào, chẳng rõ; điều chắc chắn là năm 1873 đã gọi là Long Xuyên, qua báo cáo của chủ tỉnh về cuộc khởi nghĩa của Trần Văn Thành (1867-1873). Sự thay đổi này có lẽ do quan cai trị Pháp khi phát âm: Đông Xuyên giống như Long Xuyên” [6, tr. 269]. Trên bản đồ An Nam Đại Quốc họa đồ (Bản đồ nước An Nam), xuất bản năm 1838 bởi Giám mục Jean-Louis Taberd, có ghi rất rõ chữ “Đông Xuyên” dọc theo sông Đông Xuyên, tức sông Long Xuyên ngày nay (Hình 1). Trong bài Dấu ấn Đông Xuyên cảng đạo, tác giả Vĩnh Thông cho biết, trước khi chiếm ba tỉnh miền Tây, người Pháp đã vẽ bản đồ Nam Kỳ vào năm 1863, trên đó có ghi “chợ Long Xuyên” tại vị trí chợ Đông Xuyên [9, tr. 107]. Đào Ngọc Cảnh 160 Hình 1. Trích “An Nam Đại quốc họa đồ” do Taberd xuất bản năm 1838 [17] Tác giả Võ Nguyên Phong dẫn ra trường hợp trên bản đồ Nam Kỳ (Carte de la Cochinchine) do người Pháp in năm 1874 (hiện lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp) vẫn còn sử dụng tên gọi “Dong Xuyen” (Đông Xuyên) cho khu vực trung tâm Long Xuyên ngày nay [15, tr. 89]. Tác giả Dương Văn Triêm trích Monographie de la province de Long-xuyen một đoạn mô tả về việc thành lập hạt thanh tra Long Xuyên, trong đó nhấn mạnh vai trò của chợ Long Xuyên như sau [12, tr. 18]: “En 1868, le Gouvernement, considérant l’importance exceptionnnelle de ‘Cho- Long-Xuyen’ à l’entrée du Rachgia, decida d’y créer une inspection comprenant tous les villages de la province de Chaudoc situés au-desous de Vàm-nao, entre les limites des inspections Rachgia, Cantho, et Sadec”. (Dịch: Năm 1868, Thống đốc nhận thấy được tầm quan trọng của ‘Chợ-Long- Xuyên’, là cửa ngõ vào Rạch Giá, đã quyết định thành lập một hạt thanh tra cho tất cả các làng của tỉnh Châu Đốc, từ vị trí phía dưới Vàm Nao đến giáp ranh các hạt thanh tra Rạch Giá, Cần Thơ, và Sa Đéc). Đáng lưu ý, trên bản đồ tỉnh Long Xuyên của Nam Kỳ thuộc Pháp năm 1901, địa danh “LONG XUYEN” được ghi không có dấu, nhưng các địa danh có chữ “Đ” lại được ghi với dấu tiếng Việt rất rõ ràng: “ĐỊNH PHƯỚC”, “ĐỊNH THÀNH HẠ”, “ĐỊNH HÒA”, “ĐỊNH MỸ” (Hình 2). Tìm hiểu các địa danh Đông Xuyên và Long Xuyên ở tỉnh An Giang 161 Hình 2. Bản đồ tỉnh Long Xuyên của Nam Kỳ thuộc Pháp năm 1901 [18] Như vậy, có thể khẳng định rằng, người Pháp không ghi âm hay phát âm nhầm chữ “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên”. Trên thực tế, trong các bản đồ và văn bản, người Pháp sử dụng cả hai tên gọi “Đông Xuyên” và “Long Xuyên” là do họ ghi nhận từ cách phát âm của người dân địa phương. Theo các tác giả Nguyễn Hữu Hiệp [4] và Chau Mô Ni Sóc Kha [11], sự xuất hiện địa danh Long Xuyên là sự nói trại từ “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên” do nói đớt “đ” thành “l” (Nước “đá” thành nước “lá”). Có thể thấy rằng, sự nói trại hay nói đớt “đ” thành “l” nêu trên thường xảy ra đối với nhóm dân cư người Hoa. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, người Hoa có đủ đông để tạo nên ảnh hưởng đến cộng đồng tại địa bàn hay không? Theo tác giả Trần Thị Ngọc Giàu, dưới thời Pháp thuộc ở Long Xuyên có số lượng người Hoa sinh sống rất đông. Đa số người Hoa ở Long Xuyên làm nghề buôn bán và tiểu thủ công. Trong báo cáo Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ năm 1880 của người Pháp có ghi: “Người Hoa đã định cư trong xứ, nắm trong tay những thương điếm chính” [16, tr. 139-140], Như vậy, có thể khẳng định rằng người Hoa tập trung nhiều ở chợ Đông Xuyên và giữ vai trò khá nổi bật trong đời sống xã hội, nhất là trong kinh doanh thương mại. Khi những người Hoa buôn bán ở chợ Đông Xuyên gọi chợ này là “Long Xuyên” thì nhiều người khác cũng gọi theo. Từ đó, tên gọi chợ Long Xuyên đã trở nên phổ biến. Nếu căn cứ vào bản đồ Nam Kỳ do người Pháp vẽ năm 1863 thì tên chợ Long Xuyên đã xuất hiện dưới triều Nguyễn, trước khi quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ năm Đào Ngọc Cảnh 162 1867 [9]. Trên cơ sở đó, chính quyền Pháp đã lấy tên chợ “Long Xuyên” để đặt cho hạt thanh tra “Long Xuyên” vào năm 1868. 3. Kết luận Có thể hình dung sự biến đổi từ tên gọi “Đông Xuyên” thành “Long Xuyên” tại địa bàn tỉnh An Giang như sau: (1) Người Hoa chủ yếu làm nghề buôn bán nên tập trung nhiều ở chợ Đông Xuyên; (2) Do người Hoa phát âm “đ” thành “l” nên họ gọi chợ “Đông Xuyên” là “Long Xuyên”, dẫn đến nhiều người khác cũng gọi theo; (3) Khi người Pháp thiết lập chính quyền đô hộ ở đây thì đã lấy tên chợ “Long Xuyên” để đặt cho đơn vị hành chính là hạt thanh tra “Long Xuyên”; (4) Từ đó, tên gọi “Long Xuyên” ngày càng trở nên thịnh hành, còn tên gọi “Đông Xuyên” thì bị mai một dần. Từ “thủ Đông Xuyên” dưới thời chúa Nguyễn Ánh (1789) đến “thành phố Long Xuyên” ngày nay, thời gian mới hơn 200 năm. Chặng đường lịch sử tuy không dài, nhưng có nhiều đổi thay to lớn. Từ một vùng đất hoang vu, chỉ có một đồn binh nhỏ, đến nay đã trở thành thành phố Long Xuyên - đô thị loại II, trung tâm của tỉnh An Giang. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Long Xuyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu xây dựng thành phố Long Xuyên đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2020. Có thể thấy rằng, mặc dù “Long Xuyên” đã trở thành địa danh chính thức, nhưng địa danh “Đông Xuyên” vẫn còn được lưu giữ trong một số tên gọi ở thành phố Long Xuyên như phường Đông Xuyên, khách sạn Đông Xuyên. Hy vọng rằng, cùng với tên gọi “Long Xuyên”, tên gọi “Đông Xuyên” sẽ được bảo tồn và phát huy trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố Long Xuyên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung. Ví dụ như: trung tâm thương mại Đông Xuyên, siêu thị Đông Xuyên, nhà hát Đông Xuyên trong tương lai. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trịnh Hoài Đức, 2005. Gia Định thành thông chí. Nxb Tổng hợp Đồng Nai, Biên Hòa. [2] Quốc Sử quán triều Nguyễn, 2006. Đại Nam nhất thống chí, tập 5. Nxb Thuận Hóa, Huế. [3] Nguyễn Đình Tư, 2008. Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [4] Nguyễn Hữu Hiệp, 2010. Tìm hiểu một số địa danh cổ ở An Giang qua truyền thuyết: dấu ấn văn hóa - lịch sử địa phương. Nxb Lao động, Hà Nội. [5] Nguyễn Thanh Lợi, 2017. Lược khảo nghiên cứu về địa danh Khmer ở Nam Bộ. Địa chỉ truy cập: ve-dia-danh-khmer-o-nam-bo.html [6] Sơn Nam, 2005. Tìm hiểu đất Hậu Giang và lịch sử đất An Giang. Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. [7] Nguyễn Rạng, 2018. Mạn đàm về những địa danh ở An Giang. Địa chỉ truy cập: [8] Nguyễn Thị Thái Trân, 2017. Đặc điểm văn hóa qua địa danh hành chính tỉnh An Giang, Tạp chí khoa học Đại học An Giang, số 14, tr. 86-90. Tìm hiểu các địa danh Đông Xuyên và Long Xuyên ở tỉnh An Giang 163 [9] Vĩnh Thông, 2019. Dấu ấn Đông Xuyên cảng đạo. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến thành phố Long Xuyên”, tr. 107-109. [10] Huỳnh Công Tin, 2019. Tên gọi thành phố Long Xuyên. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến thành phố Long Xuyên”, tr. 104-106. [11] Chau Mô Ni Sóc Kha, 2019. Mạn đàm về từ nguyên “Long Xuyên”. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến thành phố Long Xuyên”, tr. 60-61. [12] Dương Văn Triêm, 2019. Địa giới hành chính Long Xuyên thời thuộc Pháp. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến thành phố Long Xuyên”, tr. 17-26. [13] Phan Văn Kiến, 2019. Duyên cách hành chính vùng đất Long Xuyên. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến thành phố Long Xuyên”, tr.7-12. [14] Trần Hoàng Vũ, 2019. Làng ở Long Xuyên dưới triều Nguyễn. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến thành phố Long Xuyên”, tr. 40-45. [15] Vũ Minh Giang, 2015. Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ. Địa chỉ truy cập: dat-nam-bo/. [16] Võ Nguyên Phong, 2019. Khảo sát sự biến đổi địa dư khu vực cù lao Ông Hổ, thành phố Long Xuyên. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến thành phố Long Xuyên”, tr.86-93. [17] Trần Thị Ngọc Giàu, 2019. Tìm hiểu hoạt động kinh tế người Hoa Long Xuyên dưới thời Pháp thuộc (1868-1945). Kỷ yếu hội thảo khoa học “Lịch sử 230 năm từ thủ Đông Xuyên đến thành phố Long Xuyên”, tr. 138-143. [18] Taberd, 1838. An Nam Đại Quốc họa đồ (Bản đồ nước An Nam). Địa chỉ truy cập: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%A2u_%C4%90%E1%BB%91c. Bản đồ tỉnh Long Xuyên của Nam Kỳ thuộc Pháp năm 1901. Địa chỉ truy cập: https://vi.wikipedia.org/wiki/Long_Xuy%C3%AAn_(t%E1%BB%89nh)#/media/T %E1%BA%ADp_tin:LongXuyen.jpg. ABSTRACT A study on landmarks of Dong Xuyen and Long Xuyen in An Giang province Dao Ngoc Canh, Faculty of Social Sciences and Humanities, Can Tho University Long Xuyen city is the central city of An Giang province, playing an important role for the provincial socio-economic development. In the historical process, this land has many different names related to different administrative units. In particular, the two most important names are Dong Xuyen, which appeared in 1789, and the name Long Xuyen in 1868. These names have been mentioned by many researchers, but there are still some issues unclear. This article presents some ideas to contribute to clarifying the origin and meaning of the above mentioned landmarks and the related names in An Giang province. Keywords: Dong Xuyen, Long Xuyen, Nam Ky, An Giang province.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftim_hieu_cac_dia_danh_dong_xuyen_va_long_xuyen_o_tinh_an_gia.pdf
Tài liệu liên quan