Xác định tài nguyên du lịch đặc thù và đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Phú Yên

Du lịch chuyên đề “Ẩm thực địa phương” Phú Yên có nhiều món ăn, thức uống được du khách đánh giá cao. Du khách đến Phú Yên ngoài mục đích tham quan, ngắm cảnh, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa bản địa còn có nhu cầu thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương. Các đặc sản địa phương có thể được chế biến thành các món ăn, thức uống đặc sắc phục vụ du lịch chuyên đề ẩm thực như: sò mồng, ghẹ đầm Cù Mông; ốc nhảy, gà nướng Sông Cầu; sò huyết, hàu đầm Ô Loan; sứa, cá ngừ đại dương, tôm sỏi, cua huỳnh đế, mực lá, bò một nắng, chả Dông, vịt cỏ Đông Hòa, bánh tráng, cà phê Tuy Hòa, rượu cá ngựa Những đặc sản này không những thưởng thức tại chỗ mà còn có thể mua về làm quà. Mỗi đặc sản góp phần làm nên thương hiệu ẩm thực địa phương: độc đáo, ngon mà rẻ. Người ta nói: cảnh đẹp làm cho ta biết đến một vùng đất nhưng những món ăn ngon sẽ khiến ta nhớ mãi về vùng đất ấy. Phú Yên vừa có cảnh đẹp vừa có món ngon, là lời mời chào thiết tha đến du khách thập phương. Sản phẩm ẩm thực phục vụ cho tất cả mọi đối tượng du khách và tùy vào sở thích của mỗi du khách mà có cách chế biến riêng cho từng thị trường du khách.

pdf10 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 208 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Xác định tài nguyên du lịch đặc thù và đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Phú Yên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 18 * 2018 69 XÁC ĐỊNH TÀI NGUYÊN DU LỊCH ĐẶC THÙ VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ Ở PHÚ YÊN Đoàn Thị Như Hoa* Trường Đại học Phú Yên Tóm tắt Phú Yên là địa phương có nhiều tài nguyên du lịch đặc thù, là cơ sở xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Bài viết xác định giá trị tài nguyên du lịch đặc thù và thực trạng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Phú Yên. Từ khóa: tài nguyên du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch đặc thù, Phú Yên. Abstract Determining specific tourism resources and proposing some solutions to develop specific tourist products in Phu Yen province Phu Yen province has a variety of specific tourist resources, which is a favorable foundation for building and developing specific tourist products. The article determines the values of the specific tourism resources and the realities of building the specific tourism products. Then proposing some solutions to develop the specific tourist products in Phu Yen province. Keywords: specific tourist resources, specific tourist products, Phu Yen province. 1. Đặt vấn đề Phú Yên có lịch sử hơn 400 năm (từ 1611) với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng; trong đó sở hữu 22 di tích - danh thắng quốc gia, 47 di tích - danh thắng cấp tỉnh [4] và nhiều tài nguyên du lịch đặc thù như Gành Đá Đĩa, Mũi Đại Lãnh, Núi Đá Bia, Đảo Nhất Tự Sơn, Đền thờ Lương Văn Chánh, Nhà thờ Mằng Lăng, Chùa Đá Trắng, Chùa Thanh Lương, Đàn đá, Kèn đá; là cơ sở xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. “Sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm du lịch được xây dựng dựa trên giá trị đặc sắc, độc đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện của tài nguyên du lịch tự nhiên-nhân văn cho một lãnh thổ/điểm đến du lịch với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu/sự mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo” [5] Năm 2015, Phú Yên xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù mang tính địa phương đồng thời đảm bảo tính nổi bật để tạo ra sự khác biệt và sức hấp dẫn du khách [1]. Tuy nhiên, ngành du lịch tỉnh hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là chưa khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch đặc thù để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Do đó, cần xác định giá trị tài nguyên du lịch đặc thù, làm rõ thực trạng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Phú Yên. * Email: doanthinhuhoa@pyu.edu.vn 70 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN 2. Phương pháp nghiên cứu Khảo sát, điều tra thực địa để nắm thông tin, số liệu nhằm phân tích, đánh giá làm cơ sở khoa học xác định giá trị tài nguyên du lịch đặc thù. 3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Xác định giá trị tài nguyên du lịch đặc thù ở Phú Yên - Gành Đá Đĩa Gành Đá Đĩa có được 5 yếu tố tự nhiên độc đáo đó là: đặc sắc về giá trị địa chất - địa mạo, di tích địa chất “độc nhất vô nhị” về phun trào bazan dạng cột ven biển Việt Nam; hình thành qua nhiều giai đoạn với những lần phun trào khác nhau; cấu tạo chặt xít xen kẻ cấu tạo bọt trong các khối đá bazan; các khối đá chịu sự tác động phá hủy, mài mòn của các nhân tố ngoại sinh, tạo nên những hình thù đặc biệt và sự đa dạng của cảnh quan thiên nhiên quanh khu vực gành Đá Đĩa. - Mũi Đại Lãnh Mũi Đại Lãnh được xem là điểm cực Đông, một trong những nơi đón ánh bình minh sớm nhất trên đất liền Việt Nam. Danh thắng Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc ngọn hải đăng trên đỉnh núi Đại Lãnh. - Núi Đá Bia Núi Đá Bia cùng khối đá lộ thiên trên đỉnh núi gắn liền với nhiều truyền thuyết và sự tích lịch sử phản ánh hành trình mở mang bờ cõi về phía Nam của Việt Nam cũng như quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Phú Yên từ thế kỉ XV đến XVII. Núi Đá Bia không chỉ có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân bản xứ mà còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, kì thú. - Đảo Nhất Tự Sơn Nhất Tự Sơn là một trong những đảo đẹp nhất vịnh Xuân Đài với diện tích khoảng 6ha, có thế nằm giống chữ “Nhất” trong Hán tự, là tấm bình phong lớn chắn sóng gió cho hai làng chài Mỹ Hải và Mỹ Thành bên cạnh. Điều độc đáo của đảo Nhất Tự Sơn chính là con đường bộ vượt biển ra đảo, nằm chìm dưới làn nước trong xanh và chỉ hé lộ ra theo thủy triều rút xuống tạo nên cảnh quan ngoạn mục đầy kích thích đối với du khách. - Đền thờ Lương Văn Chánh Người dân Phú Yên tôn Lương Văn Chánh là Thành hoàng. Đền thờ Ông xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XVII. Nét đặc sắc của đền thờ không chỉ gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Lương Văn Chánh, với vùng đất Phú Yên mà còn bởi cây bồ đề ba thân được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) xét duyệt và công nhận là cây di sản Việt Nam có tuổi gần 200 năm nằm ở phía trước đền thờ. Theo hồ sơ công nhận, cây bồ đề có tên khoa học là Ficus religiosa và thuộc họ Ficus. Chu vi cây (tính cả 3 thân) khoảng 12m, có bán kính 3,8m và chiều cao khoảng 21m. - Nhà thờ Mằng Lăng Nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam, có trên 120 năm tuổi (1892), nơi lưu giữ cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta năm 1651 tại Roma (Italia). Đó là quyển giáo lý “Phép giảng tám ngày” (tên La-tinh: Catechismus) của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người có công khai sinh chữ quốc ngữ. Tác phẩm văn xuôi phản ảnh văn ngữ và ghi lại cách phát âm tiếng Việt vào thế kỷ XVII. Cuốn sách còn nguyên vẹn, du khách có thể nhìn thấy trang đầu tiên, thể hiện dưới dạng song ngữ gồm TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 18 * 2018 71 tiếng La-tinh bên trái và tiếng Việt bên phải. Nếu du khách có nhu cầu nghiên cứu sâu hơn lịch sử chữ quốc ngữ thì liên hệ với cha cố nhà thờ để xem thêm. - Chùa Đá Trắng Tên chữ của chùa là Bạch Thạch tự, còn gọi là Từ Quang tự, Linh Quang tự, tạo lập từ năm Đinh Tỵ (1797) dưới triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn. Chùa Đá Trắng đặc biệt bởi Quần thể bốn cây xoài “tiến Vua” được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) xét duyệt và công nhận là cây di sản Việt Nam. Tương truyền, khi đánh nhau với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh đã dừng chiến thuyền trên vịnh Xuân Đài và có dịp thưởng thức những đặc sản vùng này, từ đó rất thích xoài Đá Trắng. Vì vậy, dưới triều vua Gia Long, cùng lòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng Phú Yên trở thành “Nhị bảo ngự thiện”. - Chùa Thanh Lương Chùa Thanh Lương là ngôi chùa có giá trị kiến trúc và giá trị tâm linh khá đặc biệt. Về giá trị kiến trúc, chùa Thanh Lương độc đáo và tuyệt đẹp xây dựng từ các sản vật biển của miền đất trùng dương cát trắng đó là san hô và gáo dừa. Về giá trị tâm linh, chùa hiện thờ phụng bức tượng Phật Bà Quan Âm bằng gỗ hóa thạch, được ngư dân làng chài gần đó phát hiện và vớt lên khi đang trôi dạt ngoài biển về phía đảo Hòn Dứa. - Đàn đá So với các bộ đàn đá đã được tìm thấy ở Việt Nam, bộ đàn đá Tuy An (Phú Yên) có các đặc điểm riêng biệt, thể hiện qua các yếu tố: chất liệu đá, số lượng thanh trong một bộ, kích thước, trọng lượng, hình dạng, kỹ thuật chế tác, tính năng âm nhạc; có bộ thang âm hoàn chỉnh nhất. Nó không chỉ là bảo vật địa phương mà còn là bảo vật quốc gia và quốc tế. - Kèn đá Bộ kèn đá Tuy An (Phú Yên) còn có tên là tù và đá hay cóc đá, loại nhạc khí cổ bằng đá thuộc bộ hơi duy nhất tìm thấy ở Việt Nam, được chế tác từ loại đá bazan tại chỗ với kỹ thuật chế tác đá thuần thục. 3.2. Thực trạng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù ở Phú Yên - Du lịch tham quan di tích gắn với không gian văn hóa đá xung quanh khu vực gành Đá Đĩa và gành Đèn Gành Đá Đĩa nằm trong quần thể thiên nhiên lý tưởng. Phía Đông là vịnh Xuân Đài, một trong những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam. Phía Nam là bãi biển dài 3km với dải cát trắng mịn, sạch, nước biển trong xanh và bãi cuội đa sắc màu nằm sát bờ biển. Phía Bắc là ngọn hải đăng sừng sững trên đỉnh cao của gành Đèn, làm nhiệm vụ soi sáng tàu bè ra vào vịnh Xuân Đài. Phía Tây là xóm làng trù phú với những di sản đá nổi tiếng khắp vùng như đường đá, tường đá, giếng đá, mộ đá, chuồng gia súc đá. Mặc dù nơi đây là một điểm du lịch nổi tiếng của địa phương nhưng dịch vụ du lịch bổ sung cho sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Ngoài một số gian hàng bán vật phẩm, đặc sản địa phương và một nhà hàng giới thiệu ẩm thực bản địa thì các dịch vụ khác như tàu thuyền tham quan quanh khu vực gành Đá Đĩa và gành Đèn chưa có, chỉ có một số ít thuyền thúng không đảm bảo an toàn và đủ số lượng chuyên chở du khách tham quan, chưa có dịch vụ mở cửa tham quan ngọn hải đăng gành Đèn, khu vực bãi tắm gần bên tuy đẹp nhưng chưa có lều trại và các dịch vụ tắm biển, phơi nắng, thể thao trên biển, chưa bổ sung hoạt động trải nghiệm thực tế để du khách thử nghiệm cuộc sống gắn với đá của người dân bản địa 72 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN Thêm nữa, công tác bảo tồn di sản đá chưa được chú trọng, mỗi ngày có một số lượng lớn du khách tham quan ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo toàn các đặc trưng bề mặt dạng tổ ong của đá, lâu dần sẽ bị bào mòn và không giữ nguyên trạng như lúc ban đầu. Vấn đề này đang diễn ra trên diện rộng, nhiều khu vực tham quan đá rất trơn và dễ trượt do bề mặt trở nên nhẵn bóng, tính nguyên bản bị phá vỡ khá nhiều. - Du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp với leo núi, tắm biển, cắm trại đêm và đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền tại Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn Mũi Đại Lãnh là mỏm núi nối liền dãy Đèo Cả, chạy dài ra phía Đông, nhô thẳng ra biển, kết thúc bởi một khối đá dựng đứng trước đại dương mênh mông, tạo ra bức tranh phong cảnh non xanh nước biếc kì vĩ. Bãi Môn là bãi biển nhỏ nằm lọt sâu giữa 2 mũi đất đó là mũi Nạy ở phía Bắc và mũi Đại Lãnh ở phía Nam, dưới chân mũi đất và sát mép nước là các bãi đá chồng lên nhau tạo ra nhiều cảnh quan kì thú. Phía Tây Bãi Môn là khu rừng nguyên sinh, tạo ra sự che chắn 3 mặt cho bãi biển, phía trước là vịnh nhỏ mở ra biển Đông. Dạng địa hình bãi biển cùng tài nguyên tự nhiên đẹp như vậy, Bãi Môn dưới chân mũi Đại Lãnh đủ khả năng trở thành một bãi tắm lý tưởng. Tuy nhiên, nơi đây khá hoang sơ, ngoài cảnh đẹp thì dịch vụ du lịch dường như chưa có, chưa có lều trại cố định bên bờ biển, du khách nếu muốn qua đêm đón bình minh phải thuê lều vải phía dưới gần bãi biển hoặc ngủ lều trại phía trên gần mũi Điện không đảm bảo sức khỏe, đặc biệt khi trời gió; chưa kể thiếu các trò chơi trên biển như ca nô, nhảy dù, lướt sóng - Du lịch sinh thái gắn với thể thao biển, rừng và leo núi tại khu du lịch sinh thái Đá Bia - Vũng Rô Hoạt động câu cá, lặn biển tại Vũng Rô rất thú vị, vừa ngắm cảnh đẹp vừa có thể thưởng thức các sản vật tự câu. Câu cá và ăn uống trên những lồng bè hải sản của ngư dân. Vào dịp cuối tuần, các hoạt động du lịch ở Vũng Rô rất sôi nổi. Tại núi Đá Bia, hàng năm Sở Văn hóa Thể Thao Du lịch Phú Yên tổ chức Giải leo núi chinh phục đỉnh Đá Bia cho mọi đối tượng tham gia, vừa góp phần quảng bá du lịch địa phương vừa nâng cao sức khỏe cho người dân. Hoạt động này thu hút đông đảo du khách gần xa, người đầu tiên lên tới đỉnh núi sẽ được trao tặng kỷ niệm chương và tiền thưởng nhằm khích lệ tinh thần thể thao Vũng Rô chưa có những trò chơi thể thao trên biển, hoạt động câu cá còn mang tính ngẫu hứng và chưa trang bị các phương tiện đi câu, lặn biển lại không đảm bảo an toàn vì thiếu đồ bảo hộ Hoạt động du lịch thể thao leo núi tuy thú vị nhưng mỗi năm chỉ tổ chức một lần vào mùa giải là điều đáng tiếc; đường lên núi chưa có các dịch vụ ẩm thực, y tế hỗ trợ du khách. Sản phẩm du lịch sinh thái xung quanh khu vực núi Đá Bia hết sức hạn chế, chủ yếu là tham quan, ngắm cảnh, nghỉ dưỡng song đa phần thiếu các dịch vụ thiết yếu. - Du lịch thể thao mạo hiểm kết hợp băng rừng và lặn biển tại đảo Nhất Tự Sơn Đảo Nhất Tự Sơn chỉ cách đất liền khoảng 300m bởi một con đường bộ vượt biển, cho dù nước có ngập hay không thì du khách hoàn toàn yên tâm lội qua để trải nghiệm sự bao la của biển cả, sự hùng vĩ của núi non và sự bí ẩn của hang động Có thể nói đây là tổ hợp các điểm du lịch vô cùng hấp dẫn ở địa phương. Tuy nhiên, nơi này thiếu nhiều thuyền bè chuyên chở du khách tham quan, chưa trang bị các trò chơi thể thao trên biển như nhảy dù, lướt sóng, ca nô; chưa thiết kế và tổ chức teambuliding vượt biển, khám phá hang động; bãi biển thì thiếu lều trại Các doanh nghiệp du lịch chỉ sử dụng tài nguyên sẵn có mà chưa đầu tư đúng mức để có thể khai thác các sản phẩm này TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 18 * 2018 73 hiệu quả, lâu dài và đảm bảo tính bền vững. Các nhà quản lí chưa có chính sách kịp thời để nâng cao giá trị của những sản phẩm du lịch này. - Du lịch chuyên đề “Hoa vàng cỏ xanh” tại Gành Ông - Bãi Xép Sản phẩm du lịch chuyên đề “hoa vàng cỏ xanh” đã khai thác tốt vẻ đẹp “xanh” của Phú Yên với đồi cỏ xanh ngát ở gành Ông và biển nước xanh trong dưới Bãi Xép. Du khách đến đây không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp xanh bất tận của vùng quê thanh bình, tươi đẹp. Tuy nhiên, tour “hoa vàng cỏ xanh” vẫn chưa khai thác tối đa vẻ đẹp “xanh” của Phú Yên với cánh đồng mía xanh mướt ở Sông Hinh, đồi cỏ xanh bao la ở đầm Ô Loan, dòng nước xanh mát ở Đập Đồng Cam, bãi Môn nước biển xanh ngắt, cát trắng mịn màng, cầu tre bắt qua dòng sông xanh, đường đất uốn lượn quanh co trên từng dải đồng lúa xanh mơn mởn... Cảnh sắc và tuổi thơ đẹp nao lòng với khung cảnh lớp học ở trường, ban đêm dưới ánh đèn dầu bên cạnh những tập sách dày ố vàng, đêm Trung thu dưới ánh trăng, khung cảnh đồng quê nước ngập mênh mông mùa lũ lụt, các trò chơi dân gian như đá cỏ gà, thả diều, nhảy dây, các món bánh dân dã, công việc đồng áng, tắm biển, câu cá... chưa được khai thác. Nguyện vọng của nhiều du khách đến Phú Yên là được trải nghiệm và tận hưởng không gian xanh bất tận của làng quê Phú Yên. Thế nhưng, cảnh đẹp Phú Yên trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cách xa nhau và không phải mùa nào cũng xanh như thế đã làm không ít du khách cảm thấy thất vọng. Cảnh quay Bãi Xép chọn làm khung cảnh nền cho bộ phim để du khách tham quan ngoài vẻ đẹp nguyên sơ thì không có dịch vụ nào giúp du khách trải nghiệm một số cảnh quay trong phim như thả diều, nhảy dây, đá cỏ gà - Du lịch thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương So với các tỉnh thành ven biển khác, thủy hải sản Phú Yên vừa ngon vừa rẻ, đặc biệt là cá ngừ đại dương với các cách chế biến độc đáo đã làm nên thương hiệu ẩm thực du lịch Phú Yên. Cần nói thêm rằng, tuy sản lượng đánh bắt cá ngừ của tỉnh Bình Định cao hơn Phú Yên nhưng thương hiệu cá ngừ đại dương Phú Yên lại được thị trường quốc tế biết đến. Điều này cho thấy chất lượng sản phẩm quyết định đến khả năng khai thác, sử dụng lâu dài sản phẩm đó chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng (khả năng cung ứng). Nếu Khánh Hòa nổi tiếng bởi “mực một nắng” thì Phú Yên được biết đến với “bò một nắng” của đồng bào miền núi. Món ăn đã góp phần làm nên nét đặc sắc tinh hoa ẩm thực của người dân bản địa và tôn vinh sự lao động sáng tạo của các dân tộc ở miền núi phía Tây Phú Yên. Tuy nhiên, sản phẩm ẩm thực đặc sản của địa phương chưa được tiêu chuẩn hóa chất lượng cũng như giá cả nên nhiều đơn vị kinh doanh ăn uống còn tùy tiện trong cách chế biến cũng như định giá gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và chất lượng sản phẩm. Cũng cùng một món ăn và thức uống nhưng cách chế biến chưa đúng sẽ làm món ăn và thức uống đó không ngon. Ngoài ra, những cơ sở kinh doanh ăn uống được kiểm định và cấp chứng nhận đủ chất lượng để phục vụ du khách chưa nhiều. Quán ăn bày bán ẩm thực địa phương phát triển tự phát không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa kể chất lượng có nhiều khác biệt. Du khách đến đây không khỏi có sự so sánh về mặt chất lượng, giá cả và vệ sinh. Bên cạnh đó, nguồn cung ứng đặc sản địa phương chưa đồng đều, số lượng hạn chế theo mùa nên việc khai thác các sản phẩm này ở từng thời điểm trong năm còn khá bị động. Thêm nữa, vào mùa mưa bão việc kinh doanh thủy hải sản và các đặc sản khác gặp nhiều khó khăn, doanh thu bị suy giảm không ít. 4. Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở Phú Yên 74 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN 4.1. Giải pháp chung - Tài nguyên - môi trường Bảo tồn triệt để và phát huy giá trị nguồn tài nguyên, không xâm hại và khai thác sai mục đích nguồn tài nguyên; Phát triển sản phẩm du lịch một cách hệ thống và đồng bộ, tránh việc phát triển manh mún, trùng lặp ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của tổng thể và làm mất đi sự bền vững về cấu trúc; Cần chú trọng gìn giữ và bảo vệ môi trường, có nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, tính khả thi của hệ thống xử lí nước thải, chất thải; Sản phẩm được phát triển phải góp phần bảo tồn, tôn vinh giá trị tài nguyên, môi trường của khu vực. - Cơ sở hạ tầng - vật chất kỹ thuật du lịch Với các công trình xây dựng như: khách sạn, nhà hàng, công viên, khu nghỉ dưỡng, công trình cơ sở hạ tầng: Triệt để tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch, quy định hướng dẫn tiêu chuẩn xây dựng chung, đảm bảo tính thẩm mỹ đối với từng thị trường du khách, tạo ra sức hấp dẫn tổng thể cho điểm đến; lưu ý mật độ xây dựng, tỷ lệ tương ứng giữa chiều cao và khoảng cách giữa các công trình, quy định nghiêm ngặt về hạ tầng, hài hòa môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đặc điểm văn hóa bản địa, không làm mất đi nét hấp dẫn riêng có của nó; Đảm bảo tính thuận tiện khi sử dụng kể cả với người tàn tật, người già và trẻ em; Công trình và dịch vụ đi kèm sản phẩm du lịch phải được nghiên cứu tổng thể, đảm bảo tính toàn diện, tạo thuận tiện tối đa cho du khách. - Dịch vụ du lịch Thông qua dịch vụ du lịch, giới thiệu du khách giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch, tạo ấn tượng tốt về sản phẩm du lịch của điểm đến; Với từng loại hình dịch vụ du lịch phải lưu ý một số yếu tố sau: Dịch vụ lữ hành: kết hợp linh hoạt các dịch vụ đơn lẻ thỏa mãn nhu cầu đa dạng của thị trường du khách. Dịch vụ vận chuyển: tạo khả năng tiếp cận tốt nhất tài nguyên, không gây khói bụi, tiếng ồn, chất thải ra môi trường; có quy mô và kiểu dáng hài hòa với cảnh quan. Dịch vụ lưu trú: có số lượng và quy mô phát triển đáp ứng nhu cầu của du khách mà không vượt quá sức chứa môi trường; đảm bảo yêu cầu sử dụng thuận lợi, tiện nghi, vệ sinh. Dịch vụ ăn uống: đảm bảo tiêu chuẩn về mặt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giới thiệu được nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của địa phương. Dịch vụ thể thao, vui chơi, giải trí: gắn với khai thác giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch để tạo nét đặc trưng riêng biệt; vị trí, quy mô công trình phải hài hòa với cảnh quan và không vượt quá khả năng chịu tải của môi trường. Dịch vụ hàng hóa: phù hợp về nội dung, chất lượng, thẩm mỹ, giá cả, mang đậm nét đặc trưng bản địa mà các địa phương khác không có. - Kinh tế - xã hội Cần phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tự nhiên - kinh tế đặc thù của địa phương và khả năng đầu tư của doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí, đem lại lợi nhuận cao; Sản phẩm du lịch được phát triển phải tạo điều kiện cho ngành nghề địa phương phát triển, thu hút người dân tham gia đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho cộng đồng làm du lịch; Đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch của thị trường nhằm đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho điểm đến có chú trọng tới việc phát triển bền vững, không TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 18 * 2018 75 làm suy giảm chất lượng tài nguyên và môi trường trong tương lai. - Nguồn nhân lực du lịch Đội ngũ lao động phải được đào tạo và bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ phục vụ; đảm bảo tính chuyên nghiệp, thể hiện tinh thần tận tụy, chu đáo, thân thiện tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách về điểm đến; Cần nâng cao khả năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ - tin học đáp ứng yêu cầu lao động cao cấp trong thời đại hội nhập kinh tế - du lịch thế giới; mỗi người phải tự xây dựng cho bản thân hình ảnh của một đại sứ du lịch, đại diện cho quốc thể trước bạn bè quốc tế. - Thị trường du lịch - du khách Phát triển sản phẩm du lịch phải có nét đặc thù riêng biệt để tạo ra thương hiệu và tăng sức cạnh tranh trong thị trường khu vực; Sản phẩm du lịch sau khi được phát triển phải đáp ứng toàn diện nhu cầu đa dạng một số thị trường mục tiêu (nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần, khả năng chi trả, khả năng tiếp cận); Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhu cầu thị trường du khách với khả năng cung cấp sản phẩm du lịch của điểm đến. 4.2. Giải pháp cụ thể - Du lịch trải nghiệm không gian văn hóa đá Nếu các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng và khai thác không gian văn hóa cồng chiêng phục vụ hoạt động phát triển du lịch toàn vùng thì tỉnh Phú Yên với quy mô một địa phương có thể hình thành không gian văn hóa đá gắn liền với di sản văn hóa đá có giá trị đang được bảo tồn cho hoạt động du lịch, bao gồm di sản đá trong tự nhiên (gành Đá Đĩa, núi Đá Bia), di sản đá trong đời sống xã hội (đường đá, tường đá, giếng đá, mộ đá ), di sản đá trong tôn giáo tín ngưỡng (nhà thờ Mằng Lăng, chùa Đá Trắng, chùa Thanh Lương) và di sản đá trong văn hóa lễ hội (đàn đá, kèn đá). Nâng cao tính hấp dẫn cho sản phẩm bằng cách giới thiệu giá trị đặc sắc của các điểm tài nguyên du lịch đặc thù trên lộ trình tham quan. Mỗi nơi làm nổi bật nét đặc trưng của sản phẩm như: Chùa Đá Trắng với cây di sản và câu chuyện về xoài tiến vua - Nhà thờ Mằng Lăng với cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta - Gành Đá Đĩa với đặc điểm kiến tạo địa chất và địa mạo có một không hai ở Việt Nam - Gành Ông và Bãi Xép với phân cảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - Chùa Thanh Lương với tượng Phật bà Quan Âm bằng gỗ. Nâng cấp tuyến đường đến Chùa Đá Trắng, từ Nhà thờ Mằng Lăng đi Gành Đá Đĩa, Bãi Xép và Chùa Thanh Lương. Thiết kế những tuyến đường cho xe chuyên dụng di chuyển từ Gành Đá Đĩa qua Gành Đèn. Khu vực nào không sử dụng được xe chuyên dụng phải có hệ thống cầu vượt hay thuyền thúng tham quan từ xa, tuyệt đối không giẫm đạp trực tiếp lên di tích. Xây dựng thước phim tư liệu cho mỗi địa điểm tham quan ứng với các giai đoạn kiến tạo nên gành Đá Đĩa. Hình thành hệ thống cáp treo vượt biển - núi từ Vũng Rô đi Mũi Đại Lãnh và đến Núi Đá Bia. Phát triển các homestay thiết lập không gian văn hóa đá cho du khách trải nghiệm cuộc sống hoang sơ như ở trong nhà vách đá, ăn cơm được nấu trên bếp đá, thưởng thức nghệ thuật dân ca, bài chòi kết hợp nhạc cụ, nhạc khí đá... Tổ chức tập huấn cho người dân địa phương làm du lịch hiểu được giá trị du lịch cộng đồng đem lại nhằm phục vụ một cách tốt nhất và chuyên nghiệp nhất cho du khách. Tăng cường bổ sung dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động leo núi, tắm biển, câu cá như 76 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN trang thiết bị leo núi, lều trại, giường phơi nắng, đồ bơi, nước ngọt, phương tiện đi câu... đồng thời bổ sung các trò chơi như đi tìm báu vật, câu cá có thưởng, hoạt động trải nghiệm như một ngày làm người rừng, một ngày làm ngư dân... cho du khách trải nghiệm cuộc sống hoang sơ, dân dã tại núi rừng, làng chài. Phát triển thêm những nhà hàng ẩm thực đặc sản địa phương như cá ngừ đại dương, cua huỳnh đế, tôm hùm, mực cơm, hàu sữa, sò huyết, ốc nhảy, sứa... kết hợp chế biến các món ăn từ sản vật du khách câu, chế biến trước mặt du khách hoặc để du khách tự chế biến. Phát triển đa dạng làng nghề làm trang sức, quà lưu niệm sử dụng các nguyên liệu tại chỗ như dừa, vỏ ốc... khuyến khích các hộ dân làm dược liệu từ dứa dại, tạo ra hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Dùng đá nhân tạo làm nên mô hình gành Đá Đĩa, núi Đá Bia, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Đá Trắng, chùa Thanh Lương hoặc in hình ảnh di sản đá trên móc chìa khóa, ốp điện thoại, miếng kê chuột máy tính... Đối tượng du khách: có ba dòng du khách cần nhắm đến đó là du khách thuần túy tham quan, ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm. Dòng khách thứ hai leo núi, câu cá, tắm biển và tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống người dân bản địa. Dòng khách thứ ba tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu di sản văn hóa đá. Do vậy, tiến hành ngay dự án xây dựng công viên địa chất quốc gia và phim tư liệu về quá trình hình thành, kiến tạo gành Đá Đĩa qua nhiều lần phun trào núi lửa của cao nguyên Vân Hòa, tổ chức chuyến đi mạo hiểm chinh phục núi Đá Bia. Việc này giúp du khách hiểu rõ hơn giá trị các di sản đá đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên du lịch đặc thù của quốc gia. - Du lịch trải nghiệm đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Nâng cao tính hấp dẫn cho sản phẩm chính bằng cách kết hợp một số điểm du lịch lân cận trên lộ trình tham quan. Mỗi một nơi giới thiệu từng nét đặc sắc của sản phẩm như: Di tích Vũng Rô với huyền thoại những con Tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn 1964-1965 - Mũi Đại Lãnh với tọa độ điểm cực Đông Việt Nam - Núi Đá Bia với bút tích vua Lê Thánh Tông trong hành trình Nam tiến thời kỳ 1470-1471. Nâng cấp tuyến đường từ Vũng Rô đi Mũi Đại Lãnh và đến Núi Đá Bia. Thiết kế một hệ thống cáp treo vượt biển từ Vũng Rô qua Bãi Môn và cáp treo vượt núi từ Đại Lãnh đến Đá Bia. Tu bổ đoạn đường dốc từ Bãi Môn lên Mũi Đại Lãnh và các bãi khác dưới chân núi Đại Lãnh. Bổ sung cầu tre bắt qua suối từ Mũi Đại Lãnh xuống tới Bãi Môn. Nâng cấp hải đăng Mũi Đại Lãnh, đài quan sát biển đảo và cột mốc phía Đông. Phát triển lều trại cố định bên bãi biển để du khách cắm trại đêm và đón bình minh trên đất liền, thiết lập các không gian để tổ chức teambuilding và những hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời. Tăng cường bổ sung dịch vụ hỗ trợ hoạt động câu cá, tắm biển, thể thao trên biển, leo núi... như các phương tiện đi câu, lều trại, giường phơi nắng, đồ bơi, nước ngọt, ca nô, ván trượt, dù bay... đồng thời bổ sung các trò chơi như câu cá có thưởng, đua ca nô tốc độ cao, lướt sóng..., tổ chức hội thi leo núi Mũi Đại Lãnh, hội thi săn ảnh đẹp... Phát triển thêm một số nhà hàng ẩm thực đặc sản địa phương như cá ngừ đại dương, tôm hùm, cua huỳnh đế, mực cơm, hàu sữa, sò huyết, ốc nhảy, sứa... Có kết hợp chế biến các món ăn từ các sản vật mà du khách câu được, có thể chế biến trước mặt du khách hoặc để du khách tự chế biến. TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 18 * 2018 77 Phát triển đa dạng các làng nghề làm trang sức, quà lưu niệm sử dụng nguyên liệu tại chỗ như dừa, vỏ ốc... khuyến khích các hộ dân làm đặc sản từ đát như đát tươi, đát sấy, đát rim... tạo nhiều hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách. Có thể dùng cát tạo nên tranh cát Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn hay những cảnh đẹp khác của Phú Yên hoặc in hình ảnh danh thắng trên móc chìa khóa, ốp điện thoại, miếng kê chuột máy tính... Đối tượng du khách: có ba dòng du khách cần nhắm đến đó là du khách thuần túy tham quan, ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm. Dòng khách thứ hai đến câu cá, tắm biển, chơi các trò chơi thể thao trên biển, cắm trại đêm, leo núi và đón bình minh trên đất liền. Dòng khách thứ ba vẽ tranh cát, săn ảnh Mũi Đại Lãnh lúc bình minh. Do vậy cần bổ sung các dịch vụ hỗ trợ việc vẽ tranh, chụp ảnh, thiết kế các ki-ôt phục vụ sản phẩm tranh ảnh... - Du lịch chuyên đề “Hoa vàng cỏ xanh” Nâng cao tính hấp dẫn cho sản phẩm chính bằng cách kết hợp một số điểm du lịch lân cận trên lộ trình tham quan. Mỗi một nơi giới thiệu từng nét đặc sắc của sản phẩm như: Chùa Thanh Lương với bức tượng Phật bà Quan âm bằng gỗ trôi dạt từ đại dương vào biển Hòn Dứa - Gành Ông và Bãi Xép với phân cảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - Núi Thơm (Đồi Thơm) với câu chuyện Giáo sư - Tiến sĩ Trình Quang Phú tìm về nguồn cội và khai phá khu vực đồi dứa dại trở thành khu nghỉ dưỡng 5 sao cao cấp. Nâng cấp tuyến đường tham quan từ Chùa Thanh Lương đi Bãi Xép và Đồi Thơm. Thiết kế tuyến đường chuyên đề “Hoa vàng cỏ xanh” với các cảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đầy ắp không gian “xanh” bạt ngàn của đồng lúa, triền mía, đồi cỏ... hòa lẫn trong dòng nước, biển cả, cát trắng... mênh mông tạo nên một màu xanh bất tận. Phát triển tổ hợp khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp và khép kín phục vụ du khách sành điệu đồng thời thiết lập không gian “xanh” cho du khách hoài cổ trải nghiệm một số cảnh quay trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” như việc đồng áng, câu cá, tắm biển, thả diều, nhảy dây, đá cỏ gà... Tăng cường bổ sung dịch vụ hỗ trợ hoạt động câu cá, tắm biển, thể thao trên biển như các phương tiện đi câu, lều trại, giường phơi nắng, đồ bơi, nước ngọt, ca nô, ván trượt, dù bay... đồng thời bổ sung những trò chơi như câu cá có thưởng, một ngày làm nông dân...; tổ chức hội thi kéo co, thả diều, hội thi săn ảnh đẹp...; xây dựng phòng chiếu phim nhằm giới thiệu du khách về bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và những bộ phim khác. Phát triển tổ hợp khách sạn - nhà hàng cao cấp phục vụ những chính sách, du khách hội nghị - hội thảo và tổ chức sự kiện ẩm thực đặc sản địa phương với cá ngừ đại dương và các món ăn chế biến từ thủy hải sản đặc trưng vùng miền như hàu sữa , sò huyết, ốc nhảy... kết hợp chế biến những món ăn từ các sản vật mà du khách câu được. Phát triển đa dạng các làng nghề làm trang sức, quà lưu niệm sử dụng nguyên liệu tại chỗ như dừa, vỏ ốc... khuyến khích những hộ dân đầu tư mạnh mẽ vào nuôi yến, cấy ngọc trai... tạo ra nhiều hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của du khách. Đối tượng du khách: có ba dòng du khách cần nhắm đến đó là du khách thuần túy tham quan, ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm. Dòng khách thứ hai là các chính sách - thương gia, du khách hội nghị - hội thảo và du khách sành điệu đến với khu nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí cao cấp. Dòng khách thứ ba là du khách hoài cổ đến không gian “xanh” tận hưởng cảm giác yên bình ở vùng quê bình dị và trải nghiệm một số cảnh quay trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. 78 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN - Du lịch chuyên đề “Ẩm thực địa phương” Phú Yên có nhiều món ăn, thức uống được du khách đánh giá cao. Du khách đến Phú Yên ngoài mục đích tham quan, ngắm cảnh, tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa bản địa còn có nhu cầu thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương. Các đặc sản địa phương có thể được chế biến thành các món ăn, thức uống đặc sắc phục vụ du lịch chuyên đề ẩm thực như: sò mồng, ghẹ đầm Cù Mông; ốc nhảy, gà nướng Sông Cầu; sò huyết, hàu đầm Ô Loan; sứa, cá ngừ đại dương, tôm sỏi, cua huỳnh đế, mực lá, bò một nắng, chả Dông, vịt cỏ Đông Hòa, bánh tráng, cà phê Tuy Hòa, rượu cá ngựa Những đặc sản này không những thưởng thức tại chỗ mà còn có thể mua về làm quà. Mỗi đặc sản góp phần làm nên thương hiệu ẩm thực địa phương: độc đáo, ngon mà rẻ. Người ta nói: cảnh đẹp làm cho ta biết đến một vùng đất nhưng những món ăn ngon sẽ khiến ta nhớ mãi về vùng đất ấy. Phú Yên vừa có cảnh đẹp vừa có món ngon, là lời mời chào thiết tha đến du khách thập phương. Sản phẩm ẩm thực phục vụ cho tất cả mọi đối tượng du khách và tùy vào sở thích của mỗi du khách mà có cách chế biến riêng cho từng thị trường du khách. 5. Kết luận Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đặc thù thật sự nổi bật, Phú Yên có nhiều điều kiện phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mang tính khác biệt, độc đáo. Trong những năm qua, thực trạng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù ở Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển du lịch của địa phương. Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cần phải gắn với việc gìn giữ cảnh quan tự nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm đảm bảo phát triển du lịch bền vững TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ban chỉ đạo phát triển du lịch Phú Yên – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên. (2010). Chiến lược và Kế hoạch Phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 2011-2015 [2] Ban chỉ đạo phát triển du lịch Phú Yên – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên. (2012). Kỷ yếu Hội thảo Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch Phú Yên [3] Ban chỉ đạo phát triển du lịch Phú Yên – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên. (2015). Chiến lược và Kế hoạch Phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 2016-2020 [4] Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên. (2017). Thống kê Danh mục di tích - danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh ở Phú Yên [5] Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam. (2017). Đề án Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Ngày nhận bài: 28/3/2018; ngày phản biện:27/04/2018; ngày nhận đăng: 08/06/2018)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfxac_dinh_tai_nguyen_du_lich_dac_thu_va_de_xuat_giai_phap_pha.pdf
Tài liệu liên quan