Đặc trưng truyện ngắn Lý Lan

MS: LVVH-VHVN031 SỐ TRANG: 179 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2009 CẤU TRÚC LUẬN VĂN LỜI CẢM ƠN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3. Lịch sử vấn đề 4. Đóng góp của luận văn 5. Phương pháp nghiên cứu 6. Cấu trúc của luận văn CHƯƠNG 1: TRUYỆN NGẮN VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN CHƯƠNG CỦA LÝ LAN 1.1. Truyện ngắn 1.1.1. Khái niệm 1.1.2. Đặc trưng 1.2. Lý Lan - Con người và hoạt động văn chương 1.2.1. Con người 1.2.2. Hoạt động văn chương 1.2.3. Khái quát về truyện ngắn Lý Lan CHƯƠNG 2: CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN LÝ LAN 2.1. Tuổi trẻ dấn thân 2.2. Người phụ nữ đi tìm 2.2.1. Người phụ nữ đi tìm hạnh phúc 2.2.2. Người phụ nữ đi tìm bản thể 2.3. Người Hoa hội nhập 2.4. Người già và trẻ em CHƯƠNG 3: TRUYỆN NGẮN LÝ LAN: NHỮNG ĐẶC TRƯNG NGHỆ THUẬT 3.1. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện, kết cấu và tình huống truyện 3.1.1. Cốt truyện đơn giản, chi tiết chọn lọc, hấp dẫn 3.1.2. Kết cấu 3.1.3. Tình huống truyện 3.2. Thủ pháp xây dựng nhân vật 3.2.1. Ngoại hình 3.2.2. Hành động và ngôn ngữ của nhân vật 3.2.3. Tâm lí nhân vật 3.3 Dấu vết tự truyện 3.4 Ngôn ngữ truyện ngắn 3.4.1 Ngôn ngữ sinh động 3.4.2 Ngôn ngữ giàu cá tính (có cả chất nữ tính) 3.4.3. Ngôn ngữ mang đậm phong vị Nam Bộ (có cả tính chất người Hoa) KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO TRÒ CHUYỆN CÙNG NHÀ VĂN LÝ LAN PHỤ LỤC

pdf179 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3659 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đặc trưng truyện ngắn Lý Lan, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ùng thân thể tôi từ thuở còn là bào thai trong bụng mẹ” (Con ma). Lý Lan còn tỏ ra sở trường trong ý thức sử dụng ngôn ngữ: “Từ lâu lắm rồi, Tho không bao giờ để cho bất cứ người đàn ông nào đụng đến thân thể của mình. Cũng không để bất cứ một lời tán tỉnh nào của đàn ông lọt vào tai mình. Đi tới đi lui trong quán, để trông coi mấy đứa nhỏ bưng dọn, để thu tiền, để giải quyết những sự cố xảy ra hàng ngày, Tho nhìn những người đàn ông ăn, uống, nói năng, cãi vã, chúc tụng, khoác lác, miệt thị, tâng bốc, lừa lọc, ép nài, ói mửa, xiểng liểng, bò lê, chửi bới, đánh đấm, trốn chạy, quay lại, ăn, uống, bá cổ, kề vai, tung hô, chửi bới…” (Người đàn bà kể chuyện). Hàng loạt các từ ngữ được liệt kê để diễn tả chính xác cảnh ăn nhậu của những người đàn ông qua cảm nhận của nhân vật. Khi cần diễn tả cảm xúc của nhân vật, ngôn ngữ Lý Lan vừa chân thật vừa biểu cảm sâu sắc: “Tôi nằm nghiêng bên này, vuốt ve từ lườn đến mông rồi đến đùi. Lại nằm nghiêng bên kia, xoa nắn từ đùi lên mông đến lườn. Khi nhắm mắt nằm ngửa ra, tôi mơ màng cảm giác được ôm ấp, như thể mình đã lặn, đã thấm, đã nhập cùng nước. Đôi bàn tay đang vuốt ve thật dịu dàng, trìu mến từng nơi tròn khuyết, âu yếm từng chỗ mỏng dày” (Hồi xuân). Đó còn là thứ ngôn ngữ bộc lộ nội tâm thầm kín của người phụ nữ rất thành thật mà không hề gây cảm giác khó chịu cho người đọc tò mò về giới tính: “Trong đời, ân ái với những người đàn ông khác nhau khi tôi đã là người đàn bà hai mươi, ba mươi, bốn mươi tuổi, tôi đạt được điều mà người ta gọi là cực khoái. Cảm giác hiến dâng tuyệt đối, tự đánh mất mình hoàn toàn, như tan biến, như không tồn tại nữa xác thân, không hiện hữu cả ý thức. Tôi ôm siết tấm thân người đàn ông, ngất ngây cảm giác hòa nhập, là một, thành kẻ khác, được ôm, nuốt, bao bọc trong hình hài kẻ khác. Cảm giác bùng tỏa, tôi chết đi, để nhận kẻ khác sống trong mình. Giây lát đó, dù là những mỹ từ dâng hiến, thụ nhận, troa trọn, gắn bó, thủy chung hay bất cứ động từ nào khác cũng không đủ ý nghĩa diễn đạt. Trong giây lát đó, người đàn ông trong vòng tay tôi là tất cả ý nghĩa, là toàn bộ vũ trụ. Là tình yêu. Là ước mơ lẫn hiện thực. Khát vọng lẫn thỏa thuê. Rồi tôi nới lỏng vòng tay, buông rời một thân xác nhớp nháp mồ hôi. Và rồi nhẹ nhàng, dù không len lén nữa, nỗi vắng lạ lùng ấy chợt hiện ra, chiếm hết khoảng trống người đàn ông ấy để lại bên trong tôi” (Tình chỉ đẹp…) Ngôn ngữ truyện ngắn Lý Lan có sự vận động theo thời gian. Trong tác phẩm đầu tay Chàng nghệ sĩ, các tập truyện ngắn Chút lãng mạn trong mưa, Cỏ hát, ngôn ngữ truyện ngắn Lý Lan trong sáng, trữ tình và thi vị. Cùng với thời gian và tuổi tác, ngôn ngữ truyện ngắn Lý Lan trong các tập Đất khách, Quá chén, Dị mộng, Hồi xuân…ngày càng trở nên sâu sắc, thâm trầm, giàu chiêm nghiệm về lẽ đời, về thân phận con người. Có thể nói, ngôn ngữ truyện ngắn Lý Lan đã trở nên linh hoạt, biến ảo, giàu kỹ thuật. Chẳng hạn, ngôn ngữ của truyện ngắn Cỏ hát, Đêm cuối mùa hè, Nguyệt quý… đầy chất thơ của cảm xúc, suy tư thì đến Dị mộng, Biển như tôi nhớ, Những viên sỏi cầm chơi…đó là thứ ngôn ngữ tự sự “đứt nối, lộn xộn và bột phát”, còn với tập truyện ngắn Hồi xuân, ngôn ngữ Lý Lan đã trở nên nhuần nhị, thấm đẫm sự trải nghiệm cuộc sống của nhà văn: “Đêm chuồi mình trong chăn êm nệm ấm, buông thả cho xương và cơ đã bị vận động quá nhiều được tự do nghỉ ngơi. Chiêm bao lộn xộn, nhưng được cái thức dậy là quên hết. Có lần giựt mình thức giấc lúc nửa đêm. Mồ hôi toát đầm đìa dù máy lạnh vẫn hoạt động tốt. Tôi nhận thức được mình đang ở đâu, hoàn cảnh mình như thế nào. Trấn tĩnh, tôi nhủ mình không sao cả. Dù chỉ còn một mình tôi trong cõi bao la này, cũng không sao” (Hồi xuân). Như vậy, nhà văn đã thể hiện trong truyện ngắn của mình một phong cách ngôn ngữ sinh động bằng cách sử dụng ngôn ngữ hiện đại trên tinh thần tiếp thu truyền thống. 3.4.2 Ngôn ngữ giàu cá tính (có cả chất nữ tính) Mỗi nhà văn có một phong cách, một tiếng nói riêng. Với các nhà văn nữ họ rất có ý thức cá tính hóa về mặt ngôn ngữ. Ngôn ngữ truyện ngắn Lý Lan có nét độc đáo riêng là rất có duyên, rất có cá tính. Điều này có thể lý giải được do điều kiện sống và văn hóa của gia đình. Là một người Việt gốc Hoa, sinh trưởng và gắn bó phần lớn cuộc đời ở miền Nam nên nhà văn đã chọn được một cách nói trong văn chương bằng giọng hơi ngang tàng, hơi mộc, không làm dáng, nhưng không khô cứng, không lên gân mà vẫn rất biểu cảm. Cái duyên dáng và cá tính mà văn chương Lý Lan đem đến cho người đọc nằm trong cách kể chuyện. Người kể chuyện trong truyện ngắn Lý Lan thường xưng tôi, kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Khi đó, câu chuyện thường được kể từ một cái tôi phụ nữ bằng một giọng kể tự nhiên và thường đưa người đọc đến những liên tưởng bất ngờ. Có khi là một cô giáo đi coi thi kể chuyện về đứa nhỏ ăn xin (Suối Sim), là cô giáo kể chuyện về anh sinh viên thực tập (Chuyện kinh dị), kể về đưá trẻ ăn xin (Một thằng nhỏ)… hoặc đó là người phụ nữ kể chuyện mình (Con ma, Đêm thảo nguyên, Hồi xuân, Đường dài hạnh phúc, Biển trong mưa, Dị mộng, Những viên sỏi cầm chơi…). Chẳng hạn trong Chuyện kinh dị, sau khi kể về chàng sinh viên tên Đăng đã khao khát được xin việc ở thành phố, đã đắm say trong tình yêu với hồn ma và câu chuyện về lối sống và cái chết của người bạn tên Du Thảo, người kể chuyện xưng tôi kể: “Tôi thắp nén nhang cho bạn mình, Hương trầm thoảng đưa, khói nhang phảng phất trong đôi mắt thăm thẳm trùng trùng sóng đại dương. Tôi quay lại không thấy Ðăng đâu nửa. Tôi cũng chẳng quan tâm đến anh ta làm chi. Chỉ ngậm ngùi thương bạn mình. Chắc thế giới kia cũng chẳng có gì vui lắm, nên mày quay lại cõi này ghẹo thằng nhỏ đỡ buồn. Nhè thằng nhỏ dở quá, mới thấy ma đã té đái trong quần” (Chuyện kinh dị). Người đọc vừa cảm thấy ngậm ngùi thương cảm nhân vật vừa cảm thấy vui vui vì được nghe một câu chuyện hư cấu như thật. Nhà văn có cách kể chuyện rất hóm hỉnh về tình yêu và hạnh phúc của hai người bạn nữ. Sau đây là đoạn đối thoại trong Đường dài hạnh phúc: “ - A lô? - Tui nè. Đang ở New York, kỳ này qua đây đi học, cực quá mà cũng học được nhiều cái hay quá. Bà sao? - Tui học xong rồi. Hai vợ chồng vừa lái xe từ bờ Đông băng qua lục địa bắc Mỹ về nhà ở bên bờ Tây. Nhà tụi này có một khu vườn nhỏ, một năm trời không người chăm sóc nên đủ thứ cây cỏ mọc tùm lum. Bây giờ tui đang nhổ cỏ trồng bông đây. - Trời! Sao bà sướng vậy! Tôi không cãi lại. Ng hỏi tôi thấy cuộc sống vợ chồng ra sao? Thiệt là một câu hỏi hay. Từ lúc mẹ tôi mất cho đến khi tôi lập gia đình là khoảng thời gian 37 năm tôi sống tự do phóng khoáng, muốn gì làm nấy, suy nghĩ độc lập, trong nhà chuyện cơm nước áo quần có em gái lo, ra đường chỗ nào vui, bạn bè rủ, thì tới. Chơi chán thì đi. Bây giờ thỉnh thoảng nửa đêm trở mình, đụng phải thân thể một người đàn ông, giật mình thức giấc, định thần mới nhớ ra đó là chồng mình!”. Ngôn ngữ đối thoại chân thật, không thi vị hóa, không sống sượng. Có được điều này, nhà văn Lý Lan đã chọn lựa và nhào nặn ngôn ngữ đời thường thành ngôn ngữ văn chương khá điêu luyện. Trong cách dẫn chuyện, Lý Lan thường cố tách mình ra khỏi lời kể. Sự khách quan đó thể hiện trong việc nhà văn hay sử dụng cách nói: “Nhưng cứ nghe phong thanh tin đồn, lời xì xầm, từ nhiều luồng nhiều phía, có thể tóm tắt ba luồng như sau: (Chim nhạn); Một trong câu chuyện họ nói qua nói lại có thể tóm tắt như vầy: (Người đàn bà kể chuyện); Sự thật như vầy: (Phương pháp hiện thực); Cuộc sống của Yên bây giờ như thế này: (Tháng chạp)…Rõ ràng, nhà văn muốn rút ngắn một đoạn đời nhân vật nhưng bằng một giọng kể tưng tửng, ngang ngang của một người kể chuyện khách quan để câu chuyện tự nói hơn là đưa ra những lời nhận xét, bình phẩm về nhân vật. Điều đặc biệt so với các giọng nữ trong văn chương hiện đại Việt Nam là văn chương Lý Lan luôn gợi ra cảm giác trẻ trung, chắc chắn, chững chạc, không lên gân, không làm điệu, làm ồn. Chẳng hạn, đọc truyện ngắn Con ma, người đọc sẽ cảm nhận được tâm hồn đằm thắm của một người phụ nữ thấu hiểu và giàu chiêm nghiệm về cuộc sống: "Tôi đi tới chỗ thằng em. Mặt nó đã đỏ nhừ. Cả bàn đang om sòm tranh cãi. Ai bắt cá Irak thắng? Vấn đề là cầm cự được bao lâu? Israel nhảy vô là Mỹ thua. Cá hai ăn một Israel đứng ngoài . Chiến tranh hiện đại, ba ngày là xong. Cá ba ăn một vùng Vịnh còn đánh dài dài, ít ra một trăm ngày mới cúng cơm. Những bình luận gia, những nhà chiến lược, những con bạc hay một lũ say?” Hoặc khi bày tỏ tình yêu với cuộc sống, ngôn ngữ Lý Lan vẫn chân thật và giản dị vô cùng trong truyện ngắn Thả diều: “Và cũng bằng sự nhạy bén kỳ lạ, Viễn truyền cho cánh diều những mệnh lệnh không thành lời: Hãy chao sang trái, lượn sang phải. Hãy bay lên, cao hơn nữa. Rồi hãy thở, hãy hít. Hãy hít thở dùm tao thật sâu, thật đã luồng không khí mát lành trên cao. Rồi hãy nhìn, hãy ngó, hãy thu hết vào tầm mắt những gì phía dưới cánh mày: những mái tôn cũ kỹ chen với những mái lá nhấp nhô, con sông chỗ đen ngòm màu nước, chỗ xanh biếc sắc rau, những con đường hãnh diện nhô cao hai hàng cây dầu cổ thụ, những dòng người ngược xuôi với xe cộ nườm nượp nối nhau…hãy múa niềm vui được bay lên, hãy ca tình yêu của tao đối với tất cả những gì của và không của tao trong thành phố này”. Không những giàu cá tính, ngôn ngữ truyện ngắn Lý Lan còn bộc lộ chất nữ tính riêng qua những trang văn đằm thắm, dạt dào cảm xúc, thể hiện những kinh nghiệm, chiêm nghiệm của nhà văn, một người phụ nữ thích quan sát đời sống, đi nhiều và có sự pha trộn nhiều nền văn hóa trong người. Khi kể chuyện, ngôn ngữ người kể chuyện có những đoạn văn gợi cảm đem lại cảm xúc cho người đọc: “Bây giờ đang mùa mưa, lối mòn biến thành con suối một nửa. Ba với bác Diệp mang đồ lên nghĩa địa trên đỉnh đồi cúng A San. Ba hay bác Diệp là người đã chọn nơi này cho A San yên nghỉ ? Khi quăng nắm đất lên nắp quan tài gỗ tạp - của bố thí - ba nhìn cây cỏ chung quanh vỗ về : " A San nắm đây, cảnh cũng giống như quê nhà ". Bác Diệp ngẩng đầu nhìn trời, thở ra một tiếng to " ayda ". Bỏ cha mẹ, bỏ anh em, bỏ làng xóm họ hàng vượt mấy ngàn cây số biển khơi, tới đây chỉ ăn một bữa cơm rồi chết. Làm người không lẽ chỉ đem thân đi gởi nơi đất khách cho dòi bọ đục sao!” (Đất khách). Ngôn ngữ truyện ngắn đôi khi rất cô đúc, giàu chất thơ của đời sống thường nhật: “Tại sao ba không ra đi ? Ông không nói về điều này. Thông thường một mảnh đất giử được một người khi nơi đó ta đã chôn cất người bạn thân, hay nơi đó đang sống người đàn bà mình yêu thương. Có thể cả hai đều đúng với ba tôi. Ba ít nói về mẹ. Hai người đã yêu nhau, cưới nhau, sanh ra tôi, rồi mẹ qua đời. Ba không nói khi người đàn ông mất đi trong đời người đàn bà mình yêu thương thì cuộc sống còn mang ý nghĩa gì ? Nhưng tôi lớn dần theo năm tháng, nỗi bất hạnh ngấm từ từ vào xương thịt, đến một lúc đủ cho tôi hiểu mất mẹ là một mất mát lớn lao đến nổi về sau nhưng mất mát tiền bạc, bạn bè, tình yêu... chẳng qua là những mất mát lặt vặt. Hai ông già đứng đậy. Xa xăm trong mắt nhìn của ba có khóm trúc xanh mà cậu bé nào ngàn năm trước đã bẻ một nhành làm ngựa cởi quanh gường đùa với cô bạn gái của tuổ thơ. Lối mòn nào Lỗ Tấn đã đi qua thành đường. Và vầng trăng nào Lý Bạch đã ngẩng đầu nhìn rồi cúi đầu nhớ cố hương” (Đất khách).. Sở trường của Lý Lan là kể chuyện. Tiếp thu cái chất tự nhiên, mộc mạc, nói và viết như mình nghĩ của bút pháp kể chuyện trong văn mạch Nam Bộ từng được khởi phát đi từ Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng…cho đến tận ngày nay, Lý Lan đã đem lại sắc thái mới, giọng điệu mới cho truyện ngắn của mình. Đó là lối kể chuyện tự do, giọng kể mộc mạc, không mang tiếng trau chuốt, đẽo gọt công phu. Lý Lan thường mạnh về kể hơn là tả. Nhà văn kể về những sự kiện và cảm xúc nhiều hơn là tả hình ảnh. Với cách kể lững thửng, khúc chiết, hóm hỉnh, mà lại pha chút chua cay, nhà văn khiến cho câu chuyện đọng lại trong lòng người đọc những dư vị khó quên. Nhà văn thích quan sát tỉ mỉ những sinh hoạt đời sống và thổi vào cảnh vật, con người hơi thở riêng của chính mình. Lý Lan kể chuyện Thả diều của một thằng bé trên những nóc nhà ọp ẹp của một xóm lao động nghèo, chuyện kiếm việc làm thêm của một thằng bé (Thằng nhỏ cu-ly), chuyện một gia đình người bạn lo lắng khi phải bán mảnh vườn cao su mình đã gầy dựng bao công sức (Mùa lá chín), chuyện một chuyến xe về Cần Giuộc, chuyện đám dân nghèo nghĩa tình (Nghĩa người dưng, Chị ấy lấy chồng chưa), Chuyện một cô gái tan vỡ giấc mộng làm nhà thơ (Tình thơ), chuyện một cô gái khác ân hận vì chuyện không giúp đỡ được những người bạn nghèo trong một đêm khốn khó (Tiếng gõ cửa đêm)…Toàn là những câu chuyện vặt vãnh ngày thường, nhưng Lý Lan dốc sức vào kể chuyện hơn là mô tả sự kiện, hành động cốt để trao cho người đọc những băn khoăn, những mối quan tâm xã hội. Từ đó, nhà văn muốn đánh động con người xã hội của độc giả. Truyện ngắn Lý Lan dù được kể bằng giọng tác giả hay giọng nhân vật đều mang đậm những suy tư, chiêm nghiệm những một người phụ nữ từng trải, hiểu đời, có cái nhìn cảm thông và tin tưởng. 3.4.3. Ngôn ngữ mang đậm phong vị Nam Bộ (có cả tính chất người Hoa) Lý Lan có lối viết chân phương, dung dị của người miền Nam, đặc biệt là có pha lẫn tính chất của người Hoa trong cách kể chuyện và trong ngôn ngữ nhân vật. Bằng lối hành văn giản dị, mộc mạc, không cầu kỳ chữ nghĩa nhưng sắc sảo, thông minh, văn phong của bà toát lên ý thức sử dụng ngôn ngữ đời thường làm một phương thức biểu đạt nghệ thuật để đưa tác phẩm của mình đến với số đông bạn đọc, nhất là những người bình dân. Trong truyện ngắn Lý Lan, việc sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ toát lên từ cảnh trí, sinh hoạt của con người. Đây là cảnh một khu phố lao động nghèo: “Nắng dịu, gió lớn. Những trái dầu khô thi nhau nhảy dù xuống mặt lộ và té lăn lóc trên những mái tôn. Trong những hẻm nhỏ, gió cũng thỉnh thoảng chịu khó luồn vào. Và rác rưởi, cát bụi cũng được một hai cơ hội bốc lên mù mịt trong chốc lát. Bên khu chung cư, đám con nít lượm những trái dầu, leo lên tầng bốn rồi quăng vào không gian. Một lần nữa, loài thực vật lãng mạn ấy lại được xoay tít mê say giữa những tiếng hoan hô, cãi vã và cười nói hồn nhiên của lũ trẻ. Có lần Viễn đã mon men leo lên cầu thang chung cư, nhưng thiện chí hòa bình của nó bị hiểu lầm. Và nó, thân cô, thế yếu, vừa chạy thục mạng vô con hẻm nhỏ vừa hét với ra sau: - Mấy bay ngon thì qua xóm tao… Tụi kia chứng tỏ mình ngon bằng cách không thèm rượt theo nó vào con hẻm ngoằn nghoèo lầy lội. Từ đó đến nay, hai bên còn tiếp tục kênh nhau” (Thả diều). Còn đây là cảnh sinh hoạt ở một khu chợ quê miền Nam rất có không khí: “Chợ huyện thỉnh thoảng cũng có ăn xin, ăn cắp hay sơn đông mãi võ. Nhưng người ta biết mánh nhau hết. Hôm ấy cũng là một ngày trống trải như hôm nay, tôi đứng lại xem. Bà già bán bánh tráng phồng cản người đàn ông một giò. “Thì kệ nó. Thằng Tư mày im cho nó hát coi”. Thằng bé hát vọng cổ: “Bà con ơi; Tôi ở Suối Sim đi qua chợ Mía, người lạ người, cảnh chưa quen cảnh, sông dài không biết chỗ đục trong. Bà con cô bác hỏi thăm, tôi nói mình không cha không mẹ, có người bắt bẻ chứ ai đẻ mày ra. Bà con ơi, (vô vọng cổ) Nếu tôi có cha có mẹ thì đâu đến nỗi bơ vơ côi cút xó chợ ven…đường!”. “Hay!”. Ông chủ nhiệm hợp tác xã tương chao gật đầu khen thằng bé mà mắt liếc, môi cười, đầu gật gù với cô Phượng tiệm uốn tóc. “Một bước chân đi một bước ngại ngùng!” “Chậc! Giọng thằng nhỏ nghe mùi thiệt” (Suối Sim). Tuy sử dụng ngôn ngữ phổ thông, nhưng cách kể chuyện của Lý Lan lại mang cái hồn Nam Bộ thông qua tâm trạng của nhân vật: “Bao giờ vạn thọ nở bông. Là Tết. Tôi đã lẽo đẽo theo má tôi đi quơ tàu cau về tước lá bó chổi để dành bán, tết nhứt ai cũng cần chổi mới quét dọn nhà cửa đón ông bà. Bao giờ Tết hở má? Má tôi phơi củ cải trắng trên mấy cái nia xếp ngoài sân. Khi củ cải khô quắt lại,nhận vô hủ, rót nước mắm đường vào đậy kính, tết đem ra ăn với bánh tét nhưn đậu xanh thịt mỡ” (Bông vạn thọ). Cái hồn Nam Bộ cũng toát lên qua bối cảnh câu chuyện: “Thằng Nhứt, dù xấp xỉ bốn chục tuổi, cả trong xóm lẫn ngoài chợ vẫn gọi nó là thằng Nhứt, gọi vợ nó là con vợ thằng Nhứt, bé na là con gái thằng Nhứt. Cả nhà nó ban ngày sống ngoài chợ. Con vợ nó bán rau muống, nó khiêng vác xách đẩy mướn, con cái nó đi vơ vẩn trong chợ, không hẳn ăn xin hay ăn cắp, ai cho gì ăn nấy, thấy cái gì rớt thì lượm. Đứa lớn lớn một chút thì bưng cái rổ có mấy cọng hành lá, ớt hiểm, chanh, tỏi…đi bán ngoài rìa chợ” (Phương pháp hiện thực). Ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Lý Lan là ngôn ngữ bình dân, sâu sắc, sử dụng nhiều khẩu ngữ, phương ngữ Nam Bộ. Điều đặc biệt là ngôn ngữ đối thoại chân thật, không thi vị hóa, không sống sượng với cách nói ngắn gọn, dí dỏm của người Nam Bộ. Cây bút nữ này đã chọn lựa ngôn ngữ phù hợp với tính cách từng nhân vật từ kiểu nói Nam Bộ, từ ngữ Nam Bộ được chủ ý sử dụng đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao. Khi đọc Trăm con hạc trắng, nhân vật Tấn, dù là nhân vật phụ, vẫn để lại ấn tượng sâu sắc thông qua ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Đây là lời đối đáp của Tấn với họa sĩ Tùng: “ - Tạm ổn. Hy vọng ông tổng lãnh sự X sẽ đến cho buổi khai mạc xôm tụ. Tôi đã gạ thằng cha ngân hàng gắn nơ một bức, rồi sau anh sẽ mở trương mục ở chi nhánh ngân hàng thằng chả sắp khai trương. Thằng cha Xinh Xinh cũng đồng ý mua của anh một bức rồi bán cho anh một bộ lư cùng giá. Chậc! Anh đừng ngắt lời tôi. Khai mạc triển lãm tranh cá nhân lần đầu tiên mà rủi không bán được bức nào hay không ai nói tới hết thì xui bỏ mẹ. Tùng nói: - Lúc nãy ký giả Minh Châu… - Ai? Minh Châu báo Diễn Đàn hả? Sao? Nó coi tranh chưa? Nó nói gì không? Báo nó và nó đều có uy tín trong giới. Chỉ cần Diễn Đàn đăng một mẩu tin là… - Ảnh nói đã viết một bài rồi, ngắn thôi. Bài báo còn định đăng bức tranh hạc ở trang nhất, nhưng ảnh nói ảnh không phải là người đi lấy quảng cáo… - Bao nhiêu? Tôi thấy kỳ quá. - Trời ơi, sao anh lù đù quá vậy? Anh không hiểu cái khỉ mốc gì hết! Báo Diễn Đàn hả, số điện thoại đâu? Trời ơi! Tên anh và tranh anh sẽ đăng ngay trang nhất số báo ra ngày khai mạc triển lãm. Sao anh ngu vậy? Gọi điện thoại cho nó mau lên. Không thôi tôi vục mẹ hết vụ này. Tấn hấp tấp quay số, áp ống nghe vô tai Tùng: - Anh nói lại đi. Giá bao nhiêu cũng ừ. Quảng cáo là chân chính không có gì kỳ cả. Tranh anh phải thế nào họ mới đăng chớ. Có phải ai cũng được quảng cáo ở trang nhất đâu. Không có Minh Châu thì… có hả? Nói đi, nói đi…”. Tấn là một ông bầu, người lo coi sóc, tổ chức triển lãm tranh cho Tùng nên ngôn ngữ của anh là ngôn ngữ của đời sống, của “con buôn” nên trần trụi, toan tính, thực dụng hơn ngôn ngữ của Tùng. Còn đây là ngôn ngữ của một ông cán bộ xã nông dân chân chất: “ - Đồng chí này ở trên quốc tế xuống. Chủ tịch xã nhìn tôi đầy cảnh giác, bảo viên thư ký: - Rót nước mầy. …Ông hất hàm về phía viên thư ký: - Xã mình chỗ nào nhiều muỗi nhứt mậy? - Dạ, đâu mà hổng có muỗi chú Tư? - Mà cô dám đi tới ổ muỗi không? - Dám. - Tám, mày lo cơm nước rồi đưa đồng chí quốc tế này về ấp Bò Tỏ bắt muỗi” (Nghĩa người dưng). Cuộc đối thoại giữa Hương và người khách trên chuyến xe đò về miền tây chân thật như cuộc chuyện trò ngoài đời sống: “Vừa ngồi xuống bà đã bĩu môi: - Tội nghiệp! Thằng cha đó điên. Hương ngạc nhiên ngoái nhìn ông già mờ dần phía sau trên con đường ghồ ghề thăm thẳm. - Ổng điên mà bị xuống đây thì làm sao tới Cần Giuộc? - Tới Cần Giuộc chi? Lát nữa có xe lên Chợ Lớn ổng quá giang về. Rồi mai ổng lại đòi đi Cầm Giuộc, nửa chừng lại xuống. - Ngày nào cũng vậy? Để chi? - Trời đất! Để chi? Ổng điên mà! Bà Mập khẳng định, giọng chắc nịch” (Cần Giuộc). Cách đối thoại trong truyện ngắn Hạnh phúc chơn kinh sử dụng nhiều từ ngữ và cách nói của người phụ nữ miền Nam “Chị thấy nó giống chồng chị không?” Nhàn ngắm kỹ đứa bé vô tư nhận xét: “Con nít nhỏ quá khó nói giống ai, nhưng môi, mũi, chân mày thì quả là giống anh Tuấn”. “Con của ảnh mà”. … “Vậy sao?” Người đàn bà bật khóc: “Hồi đó ảnh đục tường qua với tôi. Tại chồng tôi có mèo, có khi đi vắng hai ba đêm. Ảnh nói ảnh cũng không hạnh phúc với chị. Rồi ảnh nói chị đòi dọn nhà đi. Rồi sau khi tôi li dị, ảnh nói chị không chịu li dị. Tôi cũng cam làm bé. Bây giờ vỡ ra là ảnh đang bao một con khác”. Ngoài ra, ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn Lý Lan còn được cá thể hóa, phù hợp với từng loại người, được thể hiện ở nhiều nhân vật khác nhau. Ngôn ngữ của cậu Tư Hiệp (Chim nhạn) lúc nào cũng lên giọng của kẻ bề trên, bộc lộ bản chất của một nhà giàu tỉnh lẻ học đòi làm sang. Ngôn ngữ của trẻ em trong sáng, hồn nhiên (Mùa lá chín, Trăm con hạc trắng, Tóc tiên). Ngôn ngữ của Charles Huỳnh (Diễn viên hạng ba) lịch sự, khách khí dài dòng và rào trước đón sau, phù hợp với sự tính toán, sắp đặt của một người giàu có, vốn trưởng thành ở nước ngoài muốn mướn một diễn viên chăm sóc cho cha mình ở quê nhà. Ngược lại, lời lẽ đối đáp của Vương Chí (Diễn viên hạng ba) lại bộc lộ bản chất của một kẻ cơ hội, tranh thủ thời cơ. Ngôn ngữ của Biên (Phượng) bộc lộ tâm trạng vừa lo lắng cho vợ, vừa hoang mang chống chếnh, cần một người để tâm sự, để lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Ông già (Cần Giuộc) nói năng lảm nhảm, không ra đầu ra đuôi, không rõ phàn nàn hay lẩm bẩm lại mang cả giọng giễu cợt phù hợp với một người trí thức lớn tuổi đang lạc lõng trước sự đổi thay của cuộc sống. Tóm lại, ngôn ngữ truyện ngắn sinh động, vừa tiếp thu vốn ngôn ngữ truyền thống của dân tộc vừa rất hiện đại, giàu cá tính, mang đậm phong vị Nam Bộ… là những đặc điểm tạo nên sức thu hút bạn đọc lâu bền của truyện ngắn Lý Lan. KẾT LUẬN 1. Hoạt động văn chương của Lý Lan đa dạng và phong phú. Với hơn ba mươi năm theo đuổi nghiệp văn, Lý Lan đã dành phần lớn tâm huyết của mình cho truyện ngắn. Có thể nói, Lý Lan là một trường hợp chuyên nghiệp, một người viết truyện ngắn mang đậm bản sắc phương Nam. 2. Về phương diện nội dung, truyện ngắn Lý Lan qua các thời kì đều mang đậm dấu ấn của thời đại. Mảnh đất và con người Nam Bộ thời hiện đại là nguồn cảm hứng mãnh liệt chi phối ngòi bút truyện ngắn Lý Lan. Nét riêng của truyện ngắn Lý Lan là nhà văn luôn thể hiện cuộc sống và con người ở những điều bình thường, thậm chí là nhỏ, sâu kín trong tâm hồn con người, đặc biệt là người phụ nữ. Do vậy, đó là những trang truyện ngắn thấm đẫm tinh thần nhân bản. Bà đã cặm cụi, âm thầm ghi nhận và thể hiện chân dung của thanh niên miền Nam sau ngày đất nước giải phóng, chân dung những người phụ nữ hiện đại trong hành trình đi tìm và khám phá chính bản thân mình trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Sống hòa nhập giữa những người bình dân, Lý Lan có điều kiện quan sát cuộc sống thường nhật của họ và nhận ra vẻ đẹp tâm hồn cao quý của họ qua chân dung người già và trẻ em, chân dung người Hoa hội nhập cùng thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh từ sau chiến tranh cho đến đổi mới với những xáo trộn và đổi thay từng ngày. 3. Về phương diện nghệ thuật, có thể nói, Lý Lan đã khẳng định được phong cách riêng của mình trong truyện ngắn bằng những đóng góp đáng kể. Trước hết là ở nghệ thuật xây dựng cốt truyện. Cốt truyện tuy đơn giản nhưng chi tiết chọn lọc và hấp dẫn, giàu chất đời thường. Bà có những sáng tạo trong việc xây dựng kết cấu truyện ngắn, tình huống độc đáo, tính cách nhân vật rõ nét và sinh động. Ngôn ngữ truyện ngắn sinh động, giàu cá tính và đậm đà phong vị Nam Bộ. Đặc biệt, truyện ngắn Lý Lan cũng thể hiện dấu vết tự truyện khá rõ nét. 4. Trong dòng chảy của văn học Nam Bộ đương đại, Lý Lan có một chỗ đứng khiêm nhường nhưng chắc chắn. Truyện ngắn của Lý Lan chứa đựng những thông điệp về văn hóa, thời đại, tư tưởng nữ quyền sâu sắc. Trong những nỗ lực nhằm tự đổi mới chính mình, nhà văn đã không ngừng sáng tạo truyện ngắn ngày một chuyên nghiệp, đậm đà bản sắc riêng từ đề tài sáng tác, nội dung phản ánh cho đến những đổi mới kỹ thuật viết. Đó cũng là những cống hiến đáng ghi nhận của bà đối với thể tài truyện ngắn nói riêng và nền văn học hiện đại nói chung. Lý Lan từng tâm sự: “Cái duy nhất mà nghề viết có thể lấy đi ở một người phụ nữ là sự im lặng. Khi phụ nữ mất đi sự im lặng, cam chịu nhẫn nhịn, họ sẽ thay đổi thế gian này”. Hơn ba mươi năm cầm bút, trên lĩnh vực văn xuôi nói chung và truyện ngắn nói riêng, Lý Lan đã làm được một điều đáng ghi nhận là: truyện ngắn của bà đã phản ánh chân thật chân dung con người bình dân Nam Bộ.Đó còn là những trang văn ăm ắp những trăn trở, suy tư của nhà văn về cuộc sống, tuổi trẻ và thời đại, về nhân sinh, về văn hóa dân tộc, đặc biệt là công cuộc đấu tranh không ngừng cho bình đẳng giới là những giá trị quý báu mà nhà văn đã đem lại cho độc giả yêu quý của mình. Lý Lan không chỉ thành công về truyện ngắn, mà còn đạt những giải thưởng văn học khác. Phong cách nghệ thuật Lý Lan đã và đang phát triển, hứa hẹn những tìm tòi và đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam đương đại. Nhà văn đang trên đường đi tới “có thể tin là trước mắt chúng ta, một phong cách đã hình thành, một mạch văn đã khơi nguồn và đang chảy xiết” [88, tr12] để góp phần đưa văn học nước nhà hòa mình vào văn học thế giới. 5. Đọc văn Lý Lan dễ nhận thấy bà là người lịch duyệt, từng trải và có vốn văn hóa sâu rộng nhưng văn phong giản dị, trong sáng với lối đặt câu, dùng từ chuẩn xác và giàu sức biểu cảm. Thiết nghĩ, trong tình trạng hiện nay không ít những nhà văn còn cẩu thả tùy tiện trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt thì những trang văn trong sáng của Lý Lan nên đưa vào nhà trường để các em có cơ hội tiếp cận những tác phẩm đương đại mới mẻ và trong sáng. Công trình tuy còn nhiều hạn chế và khiếm khuyết nhưng chúng tôi hy vọng luận văn góp một phần nhỏ bé trong việc tìm hiểu hoạt động văn chương của Lý Lan, một trong những cây bút nữ tiêu biểu của văn học phía Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Văn Ái (1994), Từ điển phương ngữ Nam Bộ, Nxb T.p Hồ Chí Minh. 2. Trần Thùy An (2007), “Người phụ nữ hiện đại trong sáng tác của các cây bút nữ”, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm, T.p Hồ Chí Minh 3. Nguyễn Kim Anh, Vũ Ngọc, Hà Thanh Vân, Hoàng Tùng (2001), Thơ văn nữ Nam Bộ thế kỷ XX, Nxb T.p Hồ Chí Minh. 4. Phan Thị Vàng Anh (1995), Hội chợ, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh. 5. Phan Thị Vàng Anh (1999), “Lời giới thiệu truyện ngắn Lý Lan”, Sài Gòn giải phóng thứ bảy, số 444, ra ngày 14-08- 1999. 6. Phan Thị Vàng Anh (1995), Khi người ta trẻ, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh. 7. Lê Huy Bắc (2004), Truyện ngắn, lý luận, tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 8. Lê Huy Bắc (1998), “Giọng và giọng điệu trong văn xuôi Việt Nam hiện đại”, Tạp chí văn học, (Số 9). 9. M. Bakhtin (1992), (Phạm Vĩnh Cư dịch), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết,Nxb Bộ văn hóa thông tin và thể thao - Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. 10. Simone De Beauvoir (1996), (Nguyễn Trọng Định và Đoàn Ngọc Thanh dịch), Giới nữ, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội. 11. Ngọc Bích (2007), “Ước mơ lớn của Lý Lan”, Báo Tuổi trẻ, 20-04-2007 12. William Boyd (2005), (Ngọc Phương dịch), “Mỗi truyện ngắn như một viên Polivitamin”, Báo Văn nghệ , ( Số 4 ). 22/01/2005. 13. Encyclopedia Britannica, Brief fictional prose narrative, ồ Kim Phụng dịch) 14. Nguyễn Minh Châu (1994), Trang giấy trước đèn, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 15. Lily Chiu, “Phỏng vấn và giới thiệu ba truyện ngắn: Tai nạn, Con ma, Chị ấy lấy chồng chưa của Lý Lan”, www.vietnamlit.org.com 16. Ngô Thị Kim Cúc (1994), Những người uống trà, Nxb Trẻ, Tp.HCM. 17. Ngô Thị Kim Cúc (1996),Thảm cỏ trên trời, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 18. Ngô Thị Kim Cúc (2000), “Góp nhặt những nỗi buồn”, BáoThanh niên, (69). 19. Nguyễn Văn Dân (2006), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 20. Nguyễn Văn Dân (viết chung, sưu tập chuyên đề), (2001), Văn học so sánh- lý luận và ứng dụng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 21. Đỗ Duy, “Nhà văn Lý Lan, Văn chương còn “chơi” được”, Thể thao và văn hóa cuối tuần, tr. 39. 22. Trùng Dương (1969), Cơn hồng thủy và bông hoa quỳ, Nxb Trình Bầy, Sài Gòn. 23. Hồ Dzếnh (1990), Chân trời cũ, Nxb An Giang. 24. Đặng Anh Đào (2001), Tài năng và người thưởng thức, NxbVăn nghệ, T.p Hồ Chí Minh. 25. Phan Cự Đệ (2007), (chủ biên), Truyện ngắn Việt Nam lịch sử - Thi pháp - Chân dung, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 26. Trần Thanh Địch (1988), Tìm hiểu truyện ngắn, Nxb Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam. 27. Hoàng Thị Hồng Hà (2003), “Những đặc điểm nghệ thuật của văn xuôi Việt Nam cuối những năm 1980 đầu những năm 1990”, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Khoa Học Xã Hội – Nhân Văn, T.p HCM. 28. Thúy Hà (2001), “Nhà văn Lý Lan: Viết một cách có trách nhiệm vì những độc giả tin cậy mình”, Báo Đại Đoàn Kết, số, ra ngày 11-02-2001, tr16. 29. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 30. Nguyễn Văn Hạnh (1995), Huỳnh Như Phương, Lý luận văn học - vấn đề và suy nghĩ, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 31. Hoàng Ngọc Hiến (1998), Năm bài giảng về thể loại: kí, bi kịch, anh hùng ca, trường ca và tiểu thuyết, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 32. Đỗ Đức Hiểu (1993), Đổi mới phê bình văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 33. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 34. Đỗ Đức Hiểu (2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới. 35. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 36. Trang Thế Hy (2006), Truyện ngắn Trang Thế Hy, Nxb Văn hóa Sài Gòn. 37. Đỗ Đức Hiểu, (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 38. Phạm Thị Hoài, (1989), Mê lộ, Nxb Tổng hợp Phú Khánh. 39. Túy Hồng (1964), Thở dài, Thời mới xuất bản, Sài Gòn. 40. Dương Thu Hương (1981), Những bông bần ly, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. 41. Nguyễn Thu Hương (1982), “Đọc “Bụi phấn” nghĩ về những nhà giáo trẻ”, Văn nghệ TP.HCM, (53). 42. Lê Thị Hường (1995), “Những đặc điểm cơ bản của truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975-1995”, Luận án phó tiến sĩ khoa học ngữ văn; Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Hà Nội. 43. Lê Minh Khuê (1994), Truyện ngắn Lê Minh Khuê, Nxb Văn học 44. M.B. Khrapchenko (1979), (Lê Sơn, Nguyễn Văn Minh dịch), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. 45. Milan Kundra (1998), (Nguyên Ngọc dịch), Nghệ thuật tiểu thuyết, Nxb Đà Nẵng. 46. Đinh Trọng Lạc (chủ biên), Phong cách học Tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 47. Lý Lan (2002), Ba người và ba con vật, Nxb Kim Đồng, Hà Nội. 48. Lý Lan (2009), Bày tỏ tình yêu, Nxb Văn nghệ, T.p Hồ Chí Minh. 49. Lý Lan (1996), Bí mật của tôi và thằn lằn đen, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh 50. Lý Lan (1983), Cỏ hát, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội. 51. Lý Lan (1994), Chân dung người Hoa, Nxb Văn hóa, Hà Nội 52. Lý Lan (1991), Chiêm bao thấy núi, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh 53. Lý Lan (1987), Chút lãng mạn trong mưa, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh. 54. Lý Lan (1999), Dặm đường lang thang, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh. 55. Lý Lan (2000), Dị mộng, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh. 56. Lý Lan (1995), Đất khách, Nxb Văn nghệ , T.p Hồ Chí Minh. 57. Lý Lan (2009), Hồi xuân, Nxb Văn nghệ , T.p Hồ Chí Minh 58. Lý Lan (1991), Hội lồng đèn, Nxb Kim Đồng, Hà Nội. 59. Lý Lan (1999), Khi nhà văn khóc, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh. 60. Lý Lan (2005), Là mình, NxbVăn nghệ, T.p Hồ Chí Minh. 61. Lý Lan (1998), Lệ Mai, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh 62. Lý Lan (2007), Lý Lan tám Harry Potter, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh. 63. Lý Lan (1997), “Làm sao viết văn”, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Mục Hoa Hàm tiếu, số 12 , năm 1997, tr.11. 64. Lý Lan (2008), Miên man tùy bút, Nxb Văn nghệ, T.p Hồ Chí Minh. 65. Lý Lan ( 1993), Mưa chuồn chuồn, Nxb Kim Đồng, Hà Nội. 66. Lý Lan (1984), Ngôi nhà trong cỏ, Nxb Văn nghệ, T.p Hồ Chí Minh 67. Lý Lan (1986), Nơi bình yên chim hót, Nxb Cà Mau. 68. Lý Lan (2006), Người đàn bà kể chuyện, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh. 69. Lý Lan (1992), Những người lớn, Nxb Kim Đồng, Hà Nội. 70. Lý Lan (2001), Một góc phố Tàu, Nxb Văn học ,Hà Nội. 71. Lý Lan (2001), Quán bạn, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh. 72. Lý Lan (2000), Quá chén, NxbVăn nghệ, T.p Hồ Chí Minh. 73. Lý Lan (1998), Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh. 74. Lý Lan (2008), Tiểu thuyết đàn bà, NxbVăn nghệ T.p Hồ Chí Minh. 75. Lý Lan (1992), Truyện Lý Lan, Nguyễn Hải Chí, Nguyễn Thị Minh Ngọc, NxbVăn nghệ T.p Hồ Chí Minh. 76. Trần Thị Ngọc Lan, (1995), Phương ngữ Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 77. Hồ Thị Liễu (2002), “Khảo sát truyện ngắn của các nhà văn nữ từ 1986 đến 1996”, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Tp.HCM. 78. Mỹ Linh (2008), “Phỏng vấn Lý Lan”, Văn hóa, sự kiện và nhân vật, VTV3 Đài truyền hình Việt Nam, tháng 3 năm 2008. 79. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình (2004), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 80. Lưu Thị Lương (1996), Lương hoa, Nxb Trẻ, Tp. HCM. 81. Thiên Lương (1997), “Nhà văn Lý Lan: Tôi chỉ muốn mở một cánh cửa”, Báo Người lao động, 17-05-1997. 82. Trần Thùy Mai (2003), Biển đời người, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 83. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Văn học ,Hà Nội. 84. Sơn Nam (2005), Đất Gia Định, Bến Nghé xưa, và người Sài Gòn, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh. 85. Sơn Nam (2006), “Lời giới thiệu”, Chiêm bao thấy núi, Nxb Giáo dục, TP.HCM. 86. Sơn Nam, (2005), Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh. 87. An-tô-nôp (1960), (Bùi Hiển dịch), Viết truyện ngắn, Nxb Văn học, Hà Nội. 88. Vương Trí Nhàn (1998), Sổ tay truyện ngắn, NxbVăn nghệ, Tp.HCM. 89. Vương Trí Nhàn (2001), “Lời giới thiệu”, Một góc phố Tàu, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 90. Vương Trí Nhàn (2006), Cánh bướm và đóa hướng dương, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. 91. Hoàng Nhân (2009), “Tôi không muốn cưa sừng để "ve vãn" độc giả trẻ”, Thể thao và Văn hóa, www.vietkieu.biz 92. Dạ Ngân (1995), Dạ Ngân – Truyện ngắn chọn lọc, Nxb Văn học, Hà Nội. 93. Dạ Ngân (1993), Quãng đời ấm áp, Nxb Phụ nữ. 94. Nguyễn Thị Minh Ngọc, (1994), Ngọn nến bên kia gương, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh. 95. Nguyễn Thị Minh Ngọc, (1996), Cạn duyên, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội 96. Thanh Nguyên (2000), “Quá chén và những tâm cảnh”, Báo Sài Gòn giải phóng, 25- 04- 2000, tr.5. 97. G.N. Pôpêlốp, (chủ biên), (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 98. Hoàng Phê (1998), (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng. 99. Hồ Kim Phụng (người thực hiện luận văn), “Trò chuyện cùng nhà văn Lý Lan”, tháng 3 năm 2008, Phụ lục của luận văn. 100. Huỳnh Như Phương (1994), Những tín hiệu mới, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 101. Huỳnh Như Phương, Trường phái hình thức Nga và văn xuôi tự sự, Tự sự học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 102. Phạm Viêm Phương (dịch và chú giải), (2004), Truyện ngắn phân tích, NxbVăn nghệ , T.p Hồ Chí Minh. 103. Marina Prevot (2006), “Lời giới thiệu”, Chiêm bao thấy núi, Nxb Giáo dục, TP.HCM. 104. Minh Quân (1974), Những ngày cạn sữa, Nxb Trí Đăng, Sài Gòn. 105. Trần Đình Sử, (2000), (chủ biên), Tự sự học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 106. Đào Thản (1994), “Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong văn xuôi”, Tạp chí ngôn ngữ, Hà Nội, (số 2). 107. Minh Thi, phỏng vấn Lý Lan, Lao động chủ nhật, ra ngày 24.11.1996, số 126. 108. Bùi Việt Thắng, (1990), Bình luận truyện ngắn, Nxb Văn học ,Hà Nội. 109. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn - Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội. 110. Bùi Việt Thắng (2002), “Tứ tử trình làng”, Truyện ngắn bốn cây bút nữ, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội. 111. Minh Thi (1996), "Phỏng vấn Lý Lan", Lao động chủ nhật, ra ngày 24.11.1996, (số 126). 112. Lê Ngọc Trà (2005), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh. 113. Thanh Vân (2001), “Dịch giả Lý Lan “Hạnh phúc nhất là được trở về nhà”, www.evan.com.vn. 114. Nguyễn Thị Thụy Vũ (1967), Mèo đêm, Kim Chi xuất bản, Sài Gòn. 115. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2004), Tiếng vọng những mùa qua, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo một số bài phỏng vấn trên truyền hình và trên các báo, trên mạng internet viết về sáng tác của Lý Lan nhưng tập trung ở các mảng kí, tiểu thuyết và dịch thuật tập truyện Harry Potter. TRÒ CHUYỆN CÙNG NHÀ VĂN LÝ LAN Khi thực hiện đề tài này, tôi không có điều kiện gặp gỡ nhà văn Lý Lan vì chị hiện đang sống tại Mỹ. Tôi thường xuyên liên lạc với chị bằng thư điện tử. Đầu năm Mậu Tý, nhà văn Lý Lan đã ở lại Việt Nam trong sáu tháng. Một buổi sáng tháng ba đẹp trời, tôi đã có dịp trò chuyện cùng nhà văn. Trước đó, tôi đã gửi trước câu hỏi cho chị, thật bất ngờ chị hẹn tôi 8 giờ sáng nhưng ngay từ 7 giờ chị đã trả lời sẵn một số câu hỏi của tôi trên máy tính. Tiếp tôi tại căn hộ trên lầu ba của chung cư 295 Nguyễn Tri Phương, Lý Lan vui lòng trả lời hơn 40 câu hỏi của tôi đến tận 10 giờ sáng. Ngoài ra, chị còn tặng tôi cuốn sách mới “Tiểu thuyết đàn bà” của chị vừa được in để chuẩn bị ra mắt độc giả trong hội sách thành phố ngày 10/03/2008. Trong buổi gặp gỡ thân mật này, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn một số vấn đề chính như sau: NTHLV: Điều gì thôi thúc Chị đi vào con đường văn chương? NV Lý Lan: Chẳng gì cả, hoàn toàn ngẫu nhiên. NTHLV: Xin chị cho biết tác phẩm đầu tay của chị? Tác phẩm được in báo đầu tiên? NV Lý Lan: “Chàng Nghệ sĩ” trên báo Tuổi Trẻ năm 1978. NTHLV: Thời gian thử bút của Chị là bao lâu? Và có thử viết nhiều thể loại khác nhau? NV Lý Lan: Không rõ, hình như không có thử bút, viết ra cái đầu tiên là được xuất bản. Khi bắt đầu viết, tôi không bận tâm thể loại. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình đã viết thơ, truyện ngắn, tùy bút, ký sự, kịch bản phim, truyện vừa, truyện dài, tiểu thuyết, nghiên cứu, phê bình. NTHLV: Chị đã đến với tản văn như thế nào? Chị có chọn cho mình một phong cách viết tản văn không? NV Lý Lan: Tôi không “đến” với tản văn. Tôi viết, và người ta gọi cái đó là “tản văn”, “tạp văn”, “tùy bút” … gọi sao cũng được. Tôi chỉ “tùy bút” mà viết ra quan sát, cảm xúc, suy nghĩ. Ai có thể chọn được phong cách? Phong cách tự hình thành thôi. NTHLV: Rất nhiều người đọc yêu thích giọng điệu văn xuôi Lý Lan ở tản văn, hơn cả truyện ngắn, chị thấy thế nào? NV Lý Lan: Tôi cám ơn những bạn đọc đó. NTHLV: Phải chăng với tản văn, chị thể hiện ung dung hơn thế mạnh của mình: vốn văn hóa, khả năng ghi nhận đời sống, giọng điệu riêng và các suy tưởng bất ngờ? NV Lý Lan: Cám ơn Phụng về nhận xét này. NTHLV: Trong hoạt động văn chương của mình, chị có làm thơ và thơ của chị có lẽ bộc lộ một Lý Lan rõ nét hơn trong truyện ngắn. Chị đến với thơ như thế nào? NV Lý Lan: Tôi cũng không đến với thơ. Tôi làm thơ khi điều muốn thể hiện bật ra thành thơ. NTHLV: Vì sao chị khởi nghiệp bằng truyện ngắn? Chị quan niệm gì về truyện ngắn? NV Lý Lan: Khi viết “Chàng Nghệ Sĩ” tôi chỉ định kể lại câu chuyện mình đi lao động ở biên giới, trong quá trình viết câu chuyện được dặm thêm những chi tiết hư cấu và biến thành một truyện ngắn. Tôi cho là viết truyện ngắn cũng như mặc một cái áo đẹp đi dạ hội. Truyện ngắn phải thực sự mới lạ, khác với những gì mình đã viết trước đó cả trong đề tài và cách thể hiện. NTHLV: Kiến thức từ nhà trường hay sách vở về văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng có ý nghĩa như thế nào với Chị? NV Lý Lan: Quan trọng. Đó là nền tảng cho cách viết và sử dụng ngôn ngữ. NTHLV: Việc đọc sách và dạy học có vai trò gì trong đời văn của Chị? NV Lý Lan: Đọc sách là hoạt động thường xuyên, là một nhu cầu hàng ngày, từ khi tôi biết đọc đến bây giờ, và có lẽ đến khi chết. Việc dạy học trước đây là một hoạt động mưu sinh và một lý tưởng “truyền bá tri thức” mà tôi đeo đuổi thời trẻ. Về sau , buồn về nền giáo dục nước nhà tôi nghỉ dạy, nhưng có lẽ sắp tới tôi sẽ trở lại công việc mà tôi cho là rất quan trọng trong xã hội. NTHLV: Chị nghĩ là mình chịu ảnh hưởng ai / cái gì nhiều nhất? NV Lý Lan: Tôi không rõ lắm, chắc là tất cả những ai tôi từng gặp từng đọc đều có ảnh hưởng ở mức độ nào đó, tích cực hoặc tiêu cực. NTHLV: Thường chị viết một truyện ngắn như thế nào? NV Lý Lan: Nghĩ thấu đáo rồi viết ra một mạch, nếu đọc lại hài lòng thì coi như xong, nếu không thì bỏ. NTHLV: Khi viết truyện ngắn, chị thường dồn sức (hoặc có thiên hướng đầu tư) vào phương diện nào (cốt truyện, tình huống, ngôn ngữ, hay chất văn…)? Tại sao? NV Lý Lan: Bắt đầu phải có được giọng văn phù hợp với ý đồ kể chuyện. Vì cái hồn của chuyện bị ảnh hưởng rất nhiều bởi giọng kể chuyện NTHLV: Chị thường viết hồn nhiên hay viết kỹ thuật? NV Lý Lan: Kỹ thuật cao mới đạt được giọng kể hồn nhiên. NTHLV: Một truyện ngắn hay, theo chị? NV Lý Lan: Giống một cái áo dạ hội đẹp, gây được ấn tượng và nổi bật trong đám đông. NTHLV: Trong số tác phẩm của mình, Chị hài lòng truyện ngắn nào nhất? Tại sao? NV Lý Lan: Con Ma. Vì tôi tự thấy nó hay. NTHLV: Sức mạnh của truyện ngắn, theo Chị, là ở đâu? NV Lý Lan: Ý đồ của người viết (hay chủ đề của câu chuyện). NTHLV: Truyện ngắn của chị có sự phát triển theo thời gian và càng ngày càng hiện đại hơn, sắc sảo hơn và mất dần chất trữ tình so với những sáng tác ban đầu, chị có thấy thế không? NV Lý Lan: Tôi không để ý. Có thể, vì tôi mỗi ngày một già hơn? NTHLV: Có thể nói là truyện ngắn của Chị đã đi từ chất trữ tình sang chất hiện thực và chất trí tuệ được chăng? NV Lý Lan: Rất có thể. NTHLV: Trong sáng tác của chị, những nhân vật đàn ông dường như thường không nổi bật? Tại sao? Chị có dự định tiếp tục với những nhân vật nữ trẻ tuổi của đời sống đương đại hôm nay không? NV Lý Lan: Tôi không dụng ý kể chuyện đàn ông. Nhân vật nữ là đối tượng nghiên cứu và chủ thể sáng tạo của tôi. NTHLV: Chị có thể nói thêm về đề tài người Hoa rất độc đáo trong các sáng tác của chị không, kể cả về người Việt sống ở nước ngoài và cả những dự định sắp đến? NV Lý Lan: Tôi đang có tham vọng viết một bộ sách về hành trình người Hoa trên đất Việt – đây là một kế hoạch lâu dài, tôi đã bắt đầu 18 năm trước và sẽ kéo dài đến hết đời tôi. NTHLV: Khi viết, chị có chú ý đến phong cách vùng miền? NV Lý Lan: Có. Tôi không cố tình tạo phong cách hay cố ý dùng phương ngữ, nhưng khi tôi viết về vùng đất nông thôn hay đô thị miền Nam, thì phong cách tự hình thành từ những nét đặc sắc của miền Nam. NTHLV: Nếu có nhận xét: qua truyện ngắn của chị có thể đoán chị là một người phụ nữ độc lập, tự chủ, kiệm lời nhưng sâu sắc, có đúng không? Chị nghĩ sao về điều này? NV Lý Lan: Đó là hình ảnh Lý Lan qua các sáng tác văn học. Con người văn chương chỉ là một phần của con người thực. NTHLV: Nhìn chung trong truyện ngắn của chị, chị đã bộc lộ xu hướng văn học nữ quyền trong cả bút pháp lẫn nội dung, chị có chủ ý về điều này không? NV Lý Lan: Tôi có ý thức về nữ quyền khi sáng tác, nhứt là trong khoảng 10 năm sau này. NTHLV: Chị nghĩ gì về xu hướng sex trong văn học nữ? Sex là một khái niệm được hiểu khác nhau trong những xã hội khác nhau, và “xu hướng sex” trong văn học ở Việt Nam vẫn chưa rõ nét. Tôi nghĩ đề tài dục tính trong văn học nữ ở Việt Nam chưa được khai thác đúng đắn. Một phần do quan niệm xã hội, còn việc dịch tác phẩm có đề cập đến dục tính là do nhà xuất bản kinh doanh. Và tôi nghĩ nên nhìn nhận vấn đề này đơn giản, người đàn ông có thể kể về việc rượu chè, thậm chí ăn chơi, chửi thề… thì người phụ nữ cũng có quyền nói về dục tính bình thường như thế. Không có gì là quan trọng. NTHLV: Có lẽ chị không chú ý lắm điều này trong truyện ngắn của mình? Tôi không quan tâm đến sex bằng những vấn đề khác trong cuộc sống. NTHLV: Một vài truyện ngắn của chị có bóng hình và kỉ niệm liên quan đến cuộc đời chị nhưng vẫn nhận ra một cá tính sáng tạo độc đáo? Chị có xử lý thế nào mối tươg quan giữa nguyên mẫu và hư cấu trong những tác phẩm đó? NV Lý Lan: Người viết luôn luôn thể hiện bản thân mình trong sáng tác, dù có ý thức hay một cách vô thức, nhưng đó là một cái-tôi-tác-giả. Mối liên quan giữa nguyên mẫu và hư cấu là vấn đề kỹ thuật. NTHLV: Ngay trong sáng tác của mình, chị luôn có một thái độ bình thản trước mọi sự đổi thay và luôn giữ được bản sắc riêng, có bao giờ chị nghĩ mình cần thay đổi, “làm mới mình” hơn trong tác phẩm không? NV Lý Lan: Tôi không chủ trương tự làm mới hay có nhu cầu tìm tòi thay đổi trong viết lác. Bản thân tôi sống đến ngần này tuổi tôi thấy mình có thay đổi trong cách nhìn, cách nghĩ, cách sống, nhưng bản chất, tính cách con người mình vẫn vậy. Nếu trong những gì tôi viết ra có thay đổi theo thời gian thì có lẽ điều đó phản ánh sự thay đổi trong cách sống cách nghĩ cách nhìn, và tôi hy vọng “bản chất” của tôi vẫn còn trong trang viết của tôi. NTHLV: Đa số nhiều nhà văn viết truyện ngắn nhưng truyện ngắn không phải là đích họ muốn tới. Ý kiến của chị thế nào? Trong tương lai, chị sẽ phát triển truyện ngắn hay chú tâm hơn tiểu thuyết? NV Lý Lan: Như tôi đã nói ở trên, điều tôi muốn viết tự chọn hình thức thể hiện, cái gì bật ra là thơ thì là thơ, cái gì ngắn gọn thì thành truyện ngắn, cái gì cần dài hơi thì thành truyện dài hay tiểu thuyết. NTHLV: Chị là một nhà văn chuyên nghiệp, có phong cách riêng độc đáo, nhưng tác phẩm của Chị không tạo nên sự kiện, (như sách Chị dịch) và chưa được các nhà phê bình viết nhiều như lẽ ra phải có, chị nghĩ gì về điều này ? NV Lý Lan: Không sao cả. NTHLV: Theo chị đâu là những thuận lợi và khó khăn nào của một nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài? NV Lý Lan: Thuận lợi hay khó khăn tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng người - đối với tôi ở đâu tôi cũng làm việc được. NTHLV: Thời gian học tại đại học Iowa đã ảnh hưởng đến Chị ra sao? NV Lý Lan: Đối với tôi, chuyến tham gia chương trình viết văn tại đại học Iowa chính là lúc tôi được trao chìa khóa để tiếp tục đi tìm hiểu và khám phá ra bản đồ bí ẩn của văn chương. NTHLV: Vấn đề chị quan tâm nhất hiện nay trong văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng? NV Lý Lan: Tạo được giá trị lâu dài cho tác phẩm văn học trong một thị trường tiêu thụ “nhanh” NTHLV: Cho đến hôm nay là hơn ba mươi năm cầm bút, chị suy nghĩ gì về nghề văn? NV Lý Lan: Đó là một nghề bình thường, có người làm tốt, có người không, nên có sản phẩm tốt có sản phẩm không. NTHLV: Là một người viết văn tự do, không thuộc hội nhà văn nào, chị thấy có những thuận lợi và khó khăn gì không? NV Lý Lan: Nhà văn cần có độc lập về tư tưởng và tài chánh để sáng tác, có thể cần hổ trợ của đồng nghiệp. Nếu hội nhà văn đáp ứng được các yêu cầu đó thì sẽ là một thuận lợi, nếu không thì sẽ trở thành trở ngại cho nhà văn. NTHLV: Từ những trải nghiệm của riêng mình, Chị có thể chia sẻ chút ít về những thuận lợi/ khó khăn trong môi trường hiện tại, của người viết văn, của người cầm bút là phụ nữ, của nhà văn là người Việt Nam? NV Lý Lan: Trở ngại của người viết là phụ nữ trong xã hội VN là ý thức nữ quyền chưa rõ, chưa rộng. Nhà văn là người Việt Nam hiện nay có trở ngại là sáng tác trong sự “quản lý văn hoá văn nghệ”. NTHLV: Chị nghĩ gì về truyện ngắn hiện đại và hậu hiện đại? Tôi cho rằng ở Việt Nam không có hiện đại và hậu hiện đại trong văn học, mà phải dùng khái niệm đương đại. Ở VN, chúng ta từng có văn học thực dân và văn hậu thực dân, xét cho cùng thì Thơ Mới, Tụ Lực Văn Đoàn, ngay cả phê bình của Hoài Thanh chẳng hạn đều chịu ảnh hưởng của Pháp nặng nề một cách ý thức và vô thức, sau này tại miền Nam, có văn học hậu thực dân tức là các nhà văn ý thức về văn hóa dân tộc, cố gắng viết để chống lại ảnh hưởng của văn học Pháp. Ở nước ta, do ảnh hưởng của chính trị, hai miền Nam Bắc có một khoảng thời gian dài văn học khác trào lưu nhưng về sau thì thống nhất. Chúng ta chỉ có văn học dân tộc, văn học đương đại thôi, không nên ngộ nhận về điều này. Còn thì hiện nay trên thế giới khái niệm văn học hiện đại (modern) chính là nền văn học đế quốc tư bản, chẳng hạn nền văn học hiện đại này nặng về nam tính, đề cao người đàn ông da trắng trong thế giới kỹ thuật hiện đại, xem mọi thứ trong thế giới này đều to lớn… Còn văn học hậu hiện đại tức là ra đời sau, là tương lai so với văn học hiện đại, chẳng hạn sáng tác của Lessing, thế giới được nhìn từ những điều bé nhỏ, từ góc nhìn của người đàn bà da đen, từ người đàn ông da vàng, từ đứa bé con lai… Do đó, tôi nghĩ điều này chưa được các nhà văn ý thức nhiều trong sáng tác. NTHLV: Tham gia chương trình viết văn ở Mỹ, Chị có thu nhận được điều gì mới mẻ cho mình không? NV Lý Lan: Chương trình này làm cho tôi vỡ ra nhiều ngộ nhận về kiến thức, ngôn ngữ, văn hóa và văn học. NTHLV: Vì sao chị quyết định nghỉ dạy học? NV Lý Lan: Bản thân tôi đặt quá nhiều kì vọng vào thiên chức nhà giáo, một khi điều đó không còn là lý tưởng của mình, chỉ đeo đuổi để kiếm tiền thì tôi nghỉ dạy. NTHLV: Chị có thể nói thêm về công việc dịch thuật và phổ biến văn chương Việt Nam mà chị đã, đang và sẽ làm không? NV Lý Lan: Tôi sẽ tiếp tục dịch. NTHLV: Nếu một người muốn đi vào con đường viết văn cần xin lời khuyên của Chị, chị sẽ khuyên gì? NV Lý Lan: Cứ viết, nhưng đừng kỳ vọng gì ở văn chương cả. NTHLV: Chị dự đoán gì về tương lai văn chương Việt Nam? NV Lý Lan: Không dám. Điều này thật to tát. NTHLV: Hiện nay thời gian phân bố cho việc viết lách của Chị ra sao? NV Lý Lan: Tôi dành toàn thời gian cho đọc và viết. Xin cám ơn chị về buổi trò chuyện thú vị này. PHỤ LỤC Nhà văn Lý Lan trong buổi giới thiệu sách : “Tiểu Thuyết Đàn Bà” tháng 3/2008

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHVN031.pdf