Đề tài Mối quan hệ giữa kinh doanh du lịch và kinh doanh dịch vụ vận tải ở Hà Nội

MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU NỘI DUNG I. CÁC KHÁI NIỆM 1. Khái niệm du lịch 2. Khái niệm về giao thông vận tải II. KHÁI QUÁT VỀ TÌNH HÌNH GIAO THÔNG ĐỐI VỚI NGÀNH DU LỊCH Ở HÀ NỘI HIỆN NAY 1. Những thuận lợi của giao thông đối với du lịch 2. Những khó khăn còn tồn tại 3. Tình hình kinh doanh du lịch ở Hà Nội III. KINH DOANH VẬN CHUYỂN VÀ KINH DOANH DU LỊCH CÓ MỐI QUAN HỆ CHẶT CHẼ KHÔNG THỂ TÁCH RỜI IV. GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở HÀ NỘI KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO

doc17 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1664 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Mối quan hệ giữa kinh doanh du lịch và kinh doanh dịch vụ vận tải ở Hà Nội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI NÓI ĐẦU Những năm 90 của thế kỷ XX ngành kinh doanh du lịch ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ. Số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng gia tăng, số khách du lịch nội địa cũng có xu hướng gia tăng một cách đáng kể từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế. Một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch phải kể đến như Hạ Long( Quảng Ninh), cố đô Huế, phố cổ Hội An, Đà Lạt… với một vị thế sẵn có về kinh tế, chính trị, văn hoá cùng với sự phát triển đúng hướng của các ngành lãnh đạo du lịch ở thủ đô Hà Nội cũng là một trong các điểm thu hút số lượng khách trong và ngoài nước đến du lịch. Nhận thấy rằng du lịch là một ngành kinh doanh đang phát triển, có lợi ích kinh tế cao và hơn thế nữa đó là cơ hội để giao lưu với các nền văn hoá, kinh tế bên ngoài nên hàng loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy ngành du lịch đã được đặt ra. Để đáp ừng được các nhu cầu khách du lịch đến thủ đô Hà Nội hàng loạt các chính sách biện pháp của cơ quan chức năng nhằm thu hút ngày càng đông đến với Hà Nội. Hàng loạt các công ty du lịch, lữ hành, khách sạn nhà hàng, các dịch vụ vui chơi giải trí được mở ra với sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp và xây dựng mới nhằm tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho ngành du lịch đã và đang được gấp rút thực hiện. Nói đến phát triển du lịch thì một trong những yếu tố nền tảng không thểthiếu được đó là phát triển giao thông vận tải. Du lịch và giao thông có một mối quan hệ mật thiết với nhau không thể tách rời, ngành này tác dụng bổ trợ cho nghành kia và ngược lại. Cùng với sự phát triển của du lịch ngành giao thông cũng phải thay đổi phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao cuả người dân nói chung và của khách du lịch nói riêng. Mối quan hệ giữa giao thông và du lịch là mối quan hệ rất mật thiết đặc biệt ở những nơi có điểm du lịch phát triển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội …Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều bất cập còn tồn tại giữa hai nghành này. Chính vì vậy, là một sinh viên khoa văn hoá du lịch trường đại học Văn hoá em rất muốn tìm hiểu vấn đề cơ bản xung quanh mối quan hệ giữa hai nghành dịch vụ này. Vì vậy, em đã chọn đề tài “Mối quan hệ giữa kinh doanh du lịch và kinh doanh dịch vụ vận tải ở Hà Nội” để có cái nhìn đúng đắn hơn về giao thông và du lịch. Bởi còn là một sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường với một kiến thức còn hạn chế nên khó tránh khỏi những khiếm khuyết rất mong được sự giúp đỡ chỉ bảo của các thầy cô giáo. NỘI DUNG I. CÁC KHÁI NIỆM 1. Khái niệm du lịch Theo Michael Coltman – Nhà kinh tế Mỹ thì “ Du lịch là một hiện tượng kinh tế phức tạp phát sinh các mối quan hệ kinh tế và phi kinh tế tương tác giữa bốn nhóm thành tố: Khách du lịch, nhà kinh doanh du lịch, chính quyền địa phương và dân bản xứ”. Dưới góc độ nhu cầu của con người “ Du lịch là một hiện tượng con người rời khỏi nơi cư trú thường xuyên đến một nơi khác với nhiều mục đích trừ mục đích kiếm tiền. Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm thoả mãn nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Dưới góc độ một ngành kinh tế ( 28/6/1991 tại Ohawa ): “ Du lịch là hoạt động của con người đi tới một nơi ngoài môt trường thường xuyên trong khoảng thời gian ít hơn khoảng thời gian đã được các tổ chức quản lý du lịch qui định trước mục đích của chuyến đi không phải là để thực hiện các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi nơi đến thăm. Như các khái niệm trên đã nêu thì bản chât của du lịch đó là sự đi lại đến một điểm để nhằm mục đích vui chơi giải trí. Vậy việc đưa đón, di chuyển khach du lịch là một phần quan trọng không thể thiếu được, nó nằm trong các nhu cầu thiết yêú trong chuyến hành trình du lịch cùng với nhu cầu lưu trú và nhu cầu ăn uống. Bởi vận chuyển là nhu cầu thiết yếu nên các nhà du lịch rất cần coi trọng và có những định hưóng kế hoạch để đảm bảo thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn của ngưòi đi du lịch 2. Khái niệm về giao thông vận tải Giao thông vận tải là một ngành kinh tế quan trọng phục vụ cho sự đi lại từ nơi này đến nơi khác của con người cũng như vận chuyển hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng…bằng các phương tiện vận chuyển khác nhau. Ngành giao thông vận tải giúp cho con người đi lại dễ dàng hơn và giúp cho hàng hoá lưu thông một cách nhanh chóng và thuận tiện. Ngày nay khi khoa học kĩ thuật phát triển thì các phương tiện giao thông ngày càng hiện đại và thoả mãn ngày càng cao nhu cầu đi lại của con người, việc kinh doanh vận chuyển khác du lịch cũng từ đó gia tăng. Để đáp ứng được điều này hàng loạt các công ty vận chuyển phục vụ khách du lịch ra đời ở thủ đô Hà nội. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra những điều kiện chung để phát triển hoạt động đi du lịch bao gồm những nhân tố sau: Thứ nhất: Thời gian nhàn rỗi của người lao động Thứ hai: Đó là khả năng chi trả hay thu nhập của khách du lịch. Thứ ba: Là trình độ dân trí, trình dộ dân trí càng cao thì nhu cầu du lịch càng lớn Thứ tư: Tình hình chính trị ở nơi đến du lịch Thứ năm: Sự phát triển của giao thông vận tải. Đối với một điểm du lịch nổi tiếng cùng với sự thuận tiện của giao thông vận tải ắt sẽ có nhiều khách du lịch đến thăm. Với những người đi du lịch thì phải đảm bảo các yếu tố: độ an toàn, sự tiện nghi, tốc độ và giá cả. Các nhà kinh doanh vận chuyển khách du lịch cần nắm bắt được các nhu cầu của khách,tình hình đường xá, chất lượng xe cộ để đảm bảo kết quả cao trong kinh doanh. Muốn phát triển du lịch thì trước hết phải quan tâm đến cơ sở hạ tầng của điểm đến du lịch và đặc biệt là sự phát triển của giao thông vận tải. Hiện nay ở nước ta, đặc biệt là thủ đô Hà Nội thì vấn đề giao thông đang là vấn đề cấp bách, được chính phủ và UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu đưa ra các giải pháp khắc phục. Muốn thúc đẩy hoạt động đi du lịch thì các nhà hoạch định chiến lược cần phải chú ý đến cả năm vấn đề trên. Nhưng ở đề án này chúng ta chỉ xem xét đến mối quan hệ giữa kinh doanh du lịch và kinh doanh vận tải ở Hà Nội. Ảnh hưởng của ngành giao thông đối với ngành du lịch là rất lớn. Từ chất lượng đường xá của điểm du lịch có thuận lợi cho phát triển du lịch tại điểm đó hay không. Đối với điểm du lịch có đường xá tốt thì sẽ tạo cảm giác thoải mái cho khách du lịch khi đi trên xe sẽ khuyến khích tạo động lực cho du lịch phát triển. Còn đối với những điểm đường giao thông khó khăn sẽ cản trở ngành du lịch đi lên. Đến chất lượng của phương tiện đưa đón khách du lịch, khi đi du lịch thì khách du lịch thường có xu hướng tiêu dùng với chất lượng cao hơn mức thường ngày do đó họ đòi hỏi phải có các dịch vụ cao đáp ứng được nhu cầu của họ. Ngày nay chất lượng phương tiện vận chuyển phải đảm bảo được sự an toàn, tính tiện nghi và tốc độ nhanh. Với những tác động của giao thông đối với du lịch thì nó ảnh hưởng đến cả hành trình chuyến đi của khách du lịch, nó có thể tạo ấn tương tốt hay xấu cho chuyến du lịch. Vì thế các nhà kinh doanh du lịch đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng về độ dài chuyến hành trình, lộ trình đi của chuyến, chọn tuyến đường phù hợp với chất lượng đường xá tốt đảm bảo an toàn cho khách, lựa chọn dịch vụ vận chuyển thích hợp. II. KHÁI QUÁT VỀ TÌNH HÌNH GIAO THÔNG ĐỐI VỚI NGÀNH DU LỊCH Ở HÀ NỘI HIỆN NAY 1. Những thuận lợi của giao thông đối với du lịch Trước hết phải nói đến cơ sở hạ tầng ở Hà Nội đặc biệt là chất lượng đường xá của các quận, huyện nội và ngoại thành thủ đô Hà Nội. Với các dự án của bộ giao thông vận tải và UBND thành phố Hà Nội hướng đến 1000 năm Thăng Long- Đông Đô trở thành thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh đương phố ở Hà Nội đã được xây dựng và nâng cấp mới rất nhiều. Mặt đường đã được trải nhựa mới ở hầu hết các đường phố Hà Nội, không còn tình trạng ổ gà, đường xá mấp mô, lỗ trỗ như trước kia nữa. Công ty môi trường và đô thị đã cải tiến và đưa mới vào sử dụng các loại đèn cao áp tạo tầm nhìn thích hợp hơn đối với người điều khiển các phương tiện giao thông. Trồng mới cây xanh tạo bóng mát, không khí trong lành và cảnh quan đương phố đẹp mắt. Tất cả những sự nỗ lực của các cấp nghành tạo cho chất lượng đường xá thành phố Hà Nội dần dần hoàn thiện xứng đáng tầm vóc của một thủ đô ngàn năm văn hiến. Các dự án được tất cả quần chúng nhân dân ủng hộ bởi nó mang lại lợi ích to lớn, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, an toàn hơn. Còn đối với ngành du lịch thủ đô thì đây là một cơ hội mới tạo đà tăng trưởng trong ngành. Hiện nay cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng đã xuất hiện rất nhiều loại hình doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch từng bước đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của các nhà kinh doanh du lịch. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển đã bước đầu mạnh dạn nhập khẩu nhiều loại xe chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày cáng lớn của khách du lịch. Từ các loại xe nhỏ đối với khach du lịch đi theo hình thức gia đình đến các loại xe lớn hàng chục chỗ ngồi đáp ứng cho khách du lịch đi theo hình thức tập thể. Nhưng đa phần hiện nay các doanh nghiệp nhập mới các loại xe lớn với trang thiết bị hiện đại phù hợp với cả khách du lịch nước ngoài và khách du lịch nội địa. Với trang thiết bị hiện đại như máy điều hoà trên xe tạo sự cảm giác thoải mái cho khách du lịch, hệ thống âm thanh hiện đại có thể vừa đi vừa nghe nhạc vừa xem phim, lại thuận tiện cho hướng dẫn viên du lịch bởi vì họ có thể hướng dẫn cho khách du lịch ở trên xe thông qua hệ thống âm thanh. Ghế ngồi tạo cảm giác thoải mái có thể ngồi hoặc ngả lưng phù hợp với chuyến đi trên đoạn đường dài. Gần đây, ở thành phố Hồ Chí Minh doanh nghiệp còn nhập cả loại xe có hệ thống trang thiết bị vệ sinh ngay ở trong xe. Điều này chứng tỏ rằng các doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận chuyển đã nắm bắt được nhu cầu đi lại trong du lịch, họ đã ngày càng nâng cao chất lượng xe cộ đáp ứng các dịch vụ thiết thực của khách du lịch . Do nhiều doanh nghiệp vận chuyển nhìn thấy được lợi nhuận to lớn trong việc kinh doanh vận chuyển khách du lịch nên có nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nhảy vào chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng này. Nhiều doanh nghiệp cạnh tranh trong một thị trường thì điều tất yếu theo qui luật của thị trường giá thuê xe sẽ giảm xuống, giá thuê xe giảm xuống nhưng chất lượng vẫn đảm bảo thì lợi ích của doanh nghiệp du lịch và khách du lịch sẽ tăng lên. Điều này dẫn đến thúc đẩy nghành du lịch và tạo động lực cho lĩnh vực kinh doanh loại hình vận chuyển. Đối với dịch vụ kinh doanh vận chuyển thì các doanh nghiệp ngoài các yếu tố về vấn đề mua sắm trang thiết bị ô tô hiện đại đảm bảo an toàn an ninh cho khách du lịch đi trên đường thì các yếu tố chủ quan là người điều khiển phương tiện giao thông phải có trình độ tay nghề, kinh nghiệm. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải lựa chọn các lái xe lành nghề, có kinh nghiệm, các lái xe đường dài thường ở độ tuổi ngoài 35 bởi những người này đã có nhiều năm đi trên đường, họ xử lý tình huống trên đường đi bình tĩnh đảm bảo sự an tâm cho khách du lịch. Với những chuyến hành trình dài thì thường có hai lái xe thay nhau lái đảm bảo đúng lịch trình và an toàn giao thông. Không chỉ đảm bảo chuyến hành trình kịp với tốc độ của chuyến đi mà đội ngũ lái xe của các doanh nghiệp hiện nay còn được hoàn thiện về tác phong làm việc, họ làm việc nhiệt tình đúng trách nhiệm, có thái độ hoà nhã với khách du lịch, ăn mặc trang phục đàng hoàng, gọn đẹp, không hút thuốc uống rượu bia khi lái xe. Các doanh nghiệp đã chủ động thay đổi lề lối làm việc có trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ khách, nâng cao chất lượng của chuyến du lịch, góp phần hoàn thiện chuyến đi của Hà nội khách. Doanh nghiệp vận chuyển có mối liên hệ mật thiết với các công ty lữ hành. Ở Hà Nội các công ty lữ hành thường liên kết với một số doanh nghiệp vận chuyển và các doanh nghiệp vận chuyển có nhiều mối làm ăn với các công ty lữ hành. Việc này có thuận lợi cho cả hai bên doanh nghiệp bởi tính liên kết chặt chẽ sẽ đảm bảo hợp đồng chắc chắn cả trong và ngoài mùa vụ du lịch tránh gây tổn thất cho các đối tác. 2. Những khó khăn còn tồn tại Song song với các dự án cải tạo nâng cấp đường xá cải thiện tốt được giao thông vận tải ở thành phố Hà Nội thì một số đường phố trong nội thành đã có dấu hiệu xuóng cấp. Có tình trạng này xảy ra đó là do sự quản lí kém trong các dự án, việc ăn bớt nguyên vật liệu xây dựng thường xuyên xảy ra, đội ngũ thi công trình độ còn thiếu. Nhiều dự án còn thiếu tính đồng bộ, chưa qui hoạch tổng thể, chưa đáp ứng được đúng kế hoạch đề ra. Những điểm nút giao thông quan trọng như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng…tiến độ thi công còn chậm, việc giải phóng mặt bằng đền bù thiệt hại cho nhân dân còn chưa thoả đáng nên vẫn còn trong tình trạng bế tắc. Cơ sở hạ tầng một số nơi còn thấp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên vào giờ cao điểm. Việc tắc đường gây nên sự đi lại trong thành phố Hà Nội khó khăn đặc biệt gây thiệt hại lớn đến các chuyến du lịch trong nội thành. Tình trạng khói thải do phương tiện giao thông thải ra gây ô nhiễm môi trường khó chịu cho người dân. Vấn đề giao thông ở thủ đô Hà Nội thức sự bức xúc gây trở ngại cho người nước ngoài đến thăm Hà Nội bởi người điêù khiển phương tiện giao thông không thực hiện đúng luật giao thông, đi lại lộn xộn, phương tiện lạc hậu. Một câu trả lời quen thuộc của người nước ngoài đến Hà Nội đối với câu hỏi vấn đề gì trở ngại khi đến thăm Hà Nội đó là vấn đề giao thông. Gần đây với sự nỗ lực của các cán bộ cảnh sát giao thông thì hiện tượng ùn tắc giao thông đã bớt đi phần nào. Tình trạng ùn tắc giao thông là vấn đề cấp bách của Hà Nội hiện nay gây khó khăn cản trở cho việc phát triển các tour du lịch trong nội thành. Một thực tế hiện nay là các khách quốc tế đến Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong việc tham quan trong nội thành do đường phố chật hẹp mà thông thường họ đi bằng xe lớn nên rất khó khăn trong việc vừa đi xe vừa ngắm quang cảnh thành phố. Chính vì vậy khách quốc tế thường ít sử dụng các chuyến du lịch trong nội thành bằng xe ô tô mà họ thường chọn giải pháp đi tản bộ. Việc này đòi hỏi các nhà kinh doanh vận chuyển khách ở Hà Nội phải có các giải pháp để giải quyết tình thế như mở dịch vụ cho thuê xe đạp, xe máy… Dù đã có các phương tiện vận chuyển khác như máy bay,tàu hoả, tàu thuỷ, cùng tham gia vào hoạt động nhưng với Việt Nam xe ô tô vẫn là phương tiện chủ yếu giải quyết khoảng 80% nhu cầu thăm quan đi lại của du khách. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội ngày càng lớn, du khách trong nước đi du lịch cũng tăng trưởng nhanh chóng. Trong đó du khách đi theo đoàn có xu hướng tăng hơn khách lẻ nên nhu cầu cần xe lớn, nhiều chỗ ngồi trở lên ngày càng trở nên cấp bách. Theo phân tích của các doanh nghiệp lữ hành, xe du lịch lớn bao giờ cũng có công suất phục vụ lí tưởng hơn các xe nhỏ. Với khách du lịch quốc tế, xe lớn đạt công suất phục vụ là 50% vì khách đi xa, hành lí nhiều và đòi hỏi chỗ ngồi rộng rãi; còn khách trong nước là 80% thậm chí lúc thiếu xe hoặc đi gần thì lượng chuyên chở còn cao hơn. Nhưng tại sao lại thiếu xe trong khi nhà nước không cấm đoán chuyện nhập khẩu nếu doanh nghiệp có nhu cầu? Điều cản trỏ hiện nay là biểu thuế nhập khẩu cho các loại xe du lịch lớn dưới 50 chỗ ngồi đã tăng từ 60% lên 100% và theo các doanh nghiệp lữ hành là quá cao. Biểu thuế này được áp dụng từ quý II năm 2000 và đã trở thành nỗi ám ảnh cho đơn vị nào muốn đầu tư xe mới. Bên cạnh đó, quy định của ngành giao thông vận tải là xe đã qua sử dụng 15 năm thì không được phép chạy liên tuyến. Khi chưa có quy định này thông thường ngành vận chuyển trong du lịch cũng sử dụng trong vòng 5 đến 7 năm tuổi vì ngay cả khách du lịch nội địa cũng ngày một khó tính hơn. Nhu cầu đòi hỏi sự tiện nghi, lịch sự, thoải mái như xe đời mới, có máy lạnh… lớn hơn nhiều so với trước đây. Điều bất hợp lí khác là xe du lịch loại nhỏ nếu nhập khẩu thì cũng có mức thuế suất tương tự. Mức thuế này được người sử dụng cho là hợp lí vì trong nước đã có 14 liên doanh lắp ráp xe tại Việt Nam với những tên tuổi lớn trên thế giới như Mitsubishi, Mercedes_Benz, Toyota, Ford… có dư công suất và chủng loại xe đáp ứng cho nhu cầu tại thị trường trong nước. Hiện nay phương tiện vận chuyển trong du lịch đang bị đánh thuế cả hai đầu: thuế nhập khẩu xe và thuế kinh doanh dịch vụ. Nhiều chủ doanh nghiệp thì so sánh tại sao các loại xe tải trong sản xuất, xe công cộng thì được miễn thuế còn xe trong du lịch cũng là phương tiện sản xuất thì thuế cao. Hậu quả là gì, nơi có thế mạnh về du lịch như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đang hiếm dần các loại xe tốt để phục vụ khách du lịch quốc tế hạng sang. Còn nhập xe mới, thuế cao và giá dịch vụ cao thì làm sao chúng ta có thể tính toán cước phí vận chuyển ngang bằng với các nước chung quanh là 30 cent/ km. Vẫn biết hiện nay sự cố gắng của cấp ngành đã góp phần thúc đẩy ngành kinh doanh vận chuyển hơn trước đây, nhưng thé vẫn chưa đủ, đòi hỏi phải có thêm những biện pháp mới tháo gỡ dần các vấn đề cản trở hiện nay. Có như thế thì sản phẩm du lịch của Việt Nam mới tiến lên bằng bạn bè các nước. Một vấn đề cũng gây rất nhiều khó khăn đối với ngành kinh doanh vận chuyển khách du lịch ở Hà Nội đó là các điểm đỗ xe cho các đoàn du lịch ở tỉnh khác đến thăm các điểm du lịch ở Hà Nội. Gần đây một số điểm trông giữ xe ô tô đã được xây dựng nhưng đa số các điểm du lịch vẫn còn thiếu chỗ đỗ xe như Văn Miếu Quốc Tử Giám, di tích lịch sử Hoả Lò…việc xây dựng các bãi đỗ xe ô tô gặp rất nhiều khó khăn do thiếu quĩ đất, do việc qui hoạch đô thị thiếu tầm nhìn xa. Muốn xây một bãi đỗ xe cần rất nhiều diện tích đất do vậy việc đền bù và giải toả nhà dân thực sự là vấn đề bức xúc. Thiếu chỗ đỗ xe gây khó khăn cho các đoàn khách từ xa tới Hà Nội, lái xe đỗ xe ở lòng đường thì gây cản trở ách tắc giao thông và sai quy định pháp luật, còn đỗ đúng nơi qui định thì phải đi xa mất thời gian và chậm chuyến hành trình của khách. Trên đây là một số thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và kinh doanh vận chuyển ở Hà Nội, muốn phát triển được du lịch thì các nhà quản lí phải thúc đẩy, tạo ra thuận lợi và có các biện pháp nhằm giảm các khó khăn trước mắt và lâu dài. 3. Tình hình kinh doanh du lịch ở Hà Nội Theo số liệu báo cáo của sở du lịch Hà Nội, sáu tháng đầu năm 2001 đã có 301.729 khách du lịch quốc tế của 155 nước đến Hà Nội, trong đó có 6.851 Việt Kiều, chiếm 25,5% tổng lượt khách quốc tế của cả nước. Nếu so với cùng kì năm 2000 tăng 55,5% . Khách du lịch Trung Quốc đông nhất 97.156 người, chiếm tỉ trọng 32,95%; tiếp đó là khách Pháp : 42.227 người chiếm tỉ trọng 14,3 %; Nhật Bản: 28..961 người, chiếm tỉ trọng 9,8 %; Mĩ 19 619 người chiếm tỉ trọng 6,7% Austrailia, Anh, Đài Loan, Đức, Đan Mạch, Canada: 4800- 14 600 người, tỉ trọng 1,6-5%. Chỉ tính 10 nước nói trên đã chiếm tỉ trọng 83% tổng lượt khách đến Hà Nội . Trước hết xét về thị trường và tốc độ tăng trưởng, khách du lịch Trung Quốc tăng 194,5%, khách Australia tăng 43,3%, khách Nhật Bản tăng 36,5%, khách Đức tăng 34,9%, khách Mỹ tăng 32,3%, khách Pháp, khách Canada, Anh, Đan Mạch tăng 12,7%-29,7% so với cùng kì năm trước. Lượng khách của 10 nước đứng đầu chiếm tới 83,1% tổng số khách của 155 nước( cùng kì tỉ trọng của 10 nước đứng đầu là 78,75% của 150 nước). Mở rộng diện xem xét nhận thấy rằng: khách du lịch Hàn Quốc tăng 70,8% và xếp thứ 11 ( cùng kì xếp thứ 16), Thailand tăng 56,3% xếp thứ 12 (cùng kì xếp thứ 14), Singapore tăng 20,9% xếp thứ 16( cùng kì xếp thứ 13). Như vậy thị trường khách du lịch quốc tế của Hà Nội giữ vững và tiếp tục phát triển. Thị trường các nước Đông Nam Á đang dần dần trở lại mức của những năm trước cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và chiếm tỉ trọng trên 50% tổng số lượng khách quốc tế đến Hà Nội. Tiếp đến là Châu Âu trên 30%. Xét về mục đích có 283 122 người đến Hà Nội với mục đích du lịch chiếm tỉ lệ 80,7%. Khách thương mại và đầu tư chỉ chiếm 12,8%. Khách Trung Quốc chủ yếu đến Hà Nội để du lịch( 93,8%). Khách Châu ÂU( Pháp, Anh, Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Italia, Thuỵ Sĩ), khách Mĩ, Canada , Australia đến Hà Nội du lịch chiếm tỉ lệ trên 70%. Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore thì lại khác, chỉ có phân nửa đến Hà Nội du lịch. Trên 40% khách du lịch Nhật Bản, 43,6% khách Hàn Quốc, 39,2% khách Singapore, 23,4% khách Thailand, 17% khách Mĩ…đến Hà Nội với mục đích thương mại và đầu tư. Như vậy, về định hướng thị trường khách du lịch của Hà Nội phải chú ý đến thị trường khách Trung Quốc, các nước Tây Âu, Australia, Mĩ, Canada. Xét về phương tiện để khách đến Hà Nội có 104 873 người đến bằng đường hàng không qua sân bay TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, chiếm tỉ lệ 35,5%; 64,5% khách còn lại đến bằng các phương tiện khác, có lẽ là đường bộ qua cửa khẩu Trung Quốc, Lào, Campuchia. Trong đó, có 92 061 khách Trung Quốc( chiếm tỉ lệ 94,8% tổng số khách Trung Quốc) đến Hà Nội bằng đường bộ. Khai thác khách quốc tế phải tính đến mối quan hệ hợp tác về du lịch với các nước láng giềng có cửa khẩu với Việt Nam. Đây cũng là hướng thu hút khách du lịch quan trọng. Mục tiêu của sở du lịch Hà nội trong những năm tới: Năm Khách du lịch đến Hà nội Khách du lịch nội địa Khách du lịch quốc tế 2005 5.000.000 1.500.000 2010 7.000.000 2.000.000 III. KINH DOANH VẬN CHUYỂN VÀ KINH DOANH DU LỊCH CÓ MỐI QUAN HỆ CHẶT CHẼ KHÔNG THỂ TÁCH RỜI Theo các nhà nghiên cứu nhu cầu khách du lịch ngày nay thì các nhu cầu của khách du lịch bao gồm: (1). Nhu cầu vận chuyển . (2). Nhu cầu lưu trú và ăn uống. (3). Nhu cầu thụ cảm cái đẹp và giải trí. (4). Các nhu cầu khác. Nhu cầu (1) và (2) là các nhu cầu thiết yếu là điều kiện tiền đề để thoả mãn nhu cầu (3). Nhu cầu (3) là nhu cầu đặc trưng của du lịch. Nhu cầu (4) là các nhu cầu phát sinh tuỳ thuộc thói quen tiêu dùng, mục đích chuyến đi của khách du lịch. Dịch vụ vận chuyển sinh ra là do nhu cầu vận chuyển của khách. Nhu cầu vận chuyển trong du lịch được hiểu là sự tất yếu phải di chuyển từ nơi ở thường xuyên tới điểm du lịch nào đó và ngược lại, sự di chuyển ở nơi du lịch trong thời gian du lịch của khách. Vì rằng thứ nhất, hàng hoá dịch vụ du lịch đến với người tiêu dùng không giống như sản phẩm tiêu dùng bình thường, mà muốn tiêu dùng du lịch theo đúng nghĩa của nó buộc người ta phải rời chỗ thường xuyên của mình đến điểm du lịch, nơi tạo ra các sản phẩm và điều kiện tiêu dùng du lịch. Thứ hai, từ nơi ở thường xuyên tới điểm du lịch thường có khoảng cách xa, vị trí và khoảng cách của các đối tượng du lịch tại nơi du lịch. Bản chất của du lịch là sự đi lại. Do đó điều kiện tiên quyết của du lịch là phương tiện và sự tổ chức các dịch vụ vận chuyển. Khi đi du lịch,vận chuyển không phải là nhu cầu chính mà du khách mong muốn nhận được trong chuyến đi. Tuynhiên nó là một thành phần không thể thiếu được trong một chương trình du lịch. Hơn nữa đối tượng kinh doanh của các công ty du lịch chủ yếu là dịch vụ do vậy bất cứ một thành phần nào cấu thành dịch vụ đó có chất lượng kém thì chất lượng toàn bộ chương trình du lịch đó sẽ bị khách du lịch đánh giá là thấp. Vận chuyển được thoả mãn là tiền đề cho sự phát triển hàng loạt những nhu cầu mới. Đối tượng thoả mãn nhu cầu này là do: Khoảng cách: khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi du lịch, khoảng cách giữa các điểm trong chuyến hành trình du lịch. Mục đích của chuyến đi: vui chơi giải trí, lễ hội, thể thao…phân loại từng mục đích nhằm thoả mãn tốt nhất nhu cầu của phách du lịch. Khả năng thanh toán: khách du lịch có thu nhập nhiều hay ít. Thói quen tiêu dùng: họ thích đi loại xe đắt tiền( điều hoà, xe đời mới…) hay đi xe bình thường. Xác suất an toàn của phương tiện, uy tín, nhãn hiệu, chất lượng, sự thuận tiện và tình trạng sức khoẻ của khách. Khi tổ chức dịch vụ vận chuyển cho khách các nhà kinh doanh du lịch phải cân nhắc tính toán các yếu tố nói trên để bố trí phương tiện giao thông phù hợp, lên lịch trình khoa học nhằm thoả mãn tối đa nhu cầu của khách du lịch và có chiến lược thu hút khách lâu dài. Kinh doanh vận chuyển là một trong những tiền đề quan trọng để hình thành phát triển kinh doanh du lịch. Không một doanh nghiệp nào kinh doanh du lịch mà lại không quan tâm đến vận chuyển vì đây là vấn đề cốt lõi của một chuyến hành trình du lịch. Các nhà kinh doanh vận chuyển ở Hà Nội thường đáp ứng các nhu cầu vận chuyển khách du lịch đến những nơi ngoài thành phố bởi vận chuyển trong thành phố cho khách đi du lịch là rất khó khăn hạn chế. Do vậy họ thường xuyên hợp tác với các công ty lữ hành tổ chức các chuyến đi xa. Tất nhiên các nhà kinh doanh vận chuyển thông qua các công ty lữ hành tổ chức vận chuyển khách đi tham quan trong thành phố nhưng mục tiêu của các nhà kinh doanh vận chuyển đó là mở rộng thị trường ra cả ngoài TP Hà Nội. Có thế họ mới đứng vững trên thị trường và nâng cao chất lượng phục vụ. Vì vậy muốn thúc đẩy nghành du lịch thì phải có sự phát triển của ngành giao thông nói chung. Ngược lại với sự phát triển của du lịch thì cũng là động lực để phát triển giao thông bởi vì các tuyến điểm du lịch được phát hiện và đưa vào thực hiện thì chất lượng cơ sở hạ tầng ở nơi đó sẽ được cải thiện. Các tuyến đường sẽ được nâng cấp và xây mới để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Nhà kinh doanh vận chuyển ở nơi đó sẽ nhận được cơ hội làm ăn và đầu tư vào lĩnh vực vận chuyển khách du lịch như mua thêm xe mới, nâng cao đội ngũ lái xe… Để thu hút được lượng khách đông đảo trong và ngoài nước đến tham quan du lịch nhằm tăng nguồn thu từ du lịch, một nguồn thu đáng kể cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho một số lượng người lao động thì các cấp ngành liên quan phải quy hoạch tổng thể địa bàn của mình. Như vậy giữa du lịch và giao thông có mối quan hệ chặt chẽ gắn bó mật thiết với nhau, cái này bổ trợ giúp đỡ cái kia và ngược lại. Chính thế nên sự phát triển của ngành này tạo điều kiện cho sự phát triển ngành kia. IV. GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN ĐỐI VỚI GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở HÀ NỘI Trước hết muốn du lịch Hà Nội trở thành một trong những điểm thu hút đông đảo khách du lịch nội địa và quốc tế thi các cơ quan chức năng có thẩm quyền như uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, công ty môi trường và Đô Thị…phải qui hoạch một cách tổng thể cơ sở hạ tầng. Đặc biệt đối với các dự án nâng cấp và đổi mới đường xá thì phải tiến hành một cách nhanh chóng, giải quyết thoả đáng đối với các hộ bị giải toả. Quản lí, thanh tra chặt chẽ chất lượng và tiến độ thi công của công trình tránh để tình trạng mất lòng tin cho nhân dân như các công trình gần đây. Hiện nay, quĩ đất giành cho giao thông ở Hà Nội là quá khiêm tốn vì vậy các cấp ngành cần hoạch định các chính sách cho tương lai nhằm mục tiêu hệ thống đường xá trong nội thành ngày càng được nâng cấp và mở rộng xứng đáng với một thủ đô. Cảnh sát giao thông có trách nhiệm quản lí số lượng và chất lượng xe nói chung đang lưu hành trong Hà Nội để có các biện pháp giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Đối với các doanh nghiệp vận chuyển trong du lịch thì phải đảm bảo ổn định số lượng và chất lượng phục vụ nhu cầu của khách. Tránh tình trạng vào vụ mùa du lịch thì mới thiếu xe, chất lượng không đảm bảo với nhu cầu gây mất lòng tin đối với khách du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động hiện nay đều cho rằng mô hình lí tưởng cho hoạt động du lịch hiện nay là chúng ta nên có các công ty chuyên kinh doanh xe du lịch như các nước có nền công nghiệp du lịch phát triển. Công ty lữ hành sẽ chuyên tâm hơn trong việc phát triển thị trường du khách mà không cần phải bận tâm đến những dịch vụ khác. nhiều nhà kinh doanh du lịch đã có mối liên kết với nhiều cá nhân và hãng tư nhân nên cùng một lúc có thể huy động được hàng chục xe cỡ lớn để phục vụ cho các đoàn lớn nhưng họ vẫn cho rằng cần phải có đội xe cơ hữu. Thế thì biện pháp còn lại để hạn chế sự thiệt hại trong kinh doanh của các doanh nghiệp vì có lúc phải từ chối khách hàng do thiếu xe là cần phải có biện pháp giảm thuế suất cho loại hình kinh doanh dịch vụ này. Các doanh nghiệp cho rằng cần phải xem phương tiện vận chuyển trong kinh doanh du lịch như là thiết bị công nghệ trong công nghiệp. Du lịch là sản phẩm của ngành dịch vụ thì phải được đối xử công bằng như sản phẩm cả ngành sản xuất. Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch thì từng bước nâng cao chất lượng xe,nâng cao đội ngũ lái xe chuyên nghiệp dần đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp. Các yếu tố về an toàn, tiện nghi, giá cả, tốc độ là các yếu tố mà các doanh nghiệp chú trọng lưu tâm khi kinh doanh lĩnh vực này bởi đây không phải là nhu câù đi lại bình thường mà khi khách đi du lịch thì đòi hỏi chất lượng phục vụ cao hơn để thoả mãn nhu cầu khi đi du lịch. Cần đưa ra các qui hoạch cho tương lai: Hiện nay thành phố Hà Nội đang có chủ chương cấm các phương tiện giao thông như xe máy, ô tô vào một số các đường phố. Đây là một chủ trương nhằm giảm lượng lưu thông xe cộ trên đường, tạo quang cảnh yên tĩnh, môi trường trong sạch tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Các dự án tầm cỡ quốc gia như làm cầu vượt, tầu điện ngầm … cũng đang được khẩn trương thi công và đưa vào sử dụng. Bên cạnh việc mở rộng đường xá, giảm bớt phương tiện lưu thông trên đường thì thành phố Hà Nội cũng nên thay thế một số phương tiện hiện đại bằng các phương tiện thô sơ nhưng có đầy tính thẩm mỹ như: xích lô lọng vàng, xe ngựa, xe đạp hay đi bộ … trong nội thành vừa giữ cho môi trường sạch sẽ vừa không gây mất trật tự an toàn giao thông mà tạo ra một quang cảnh đẹp. KẾT LUẬN Ngành du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước: là nguồn thu ngoại tệ lớn, hơn thế nữa nó đem nền văn hoá của Việt nam ra thế giới và nhận các giá trị văn hoá tinh hoa của nhân loại qua các khách du lịch nước ngoài. Song song với sự phát triển của du lịch đó là sự phát triển của cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là giao thông. Chỉ khi giao thông đạt chất lượng cao đảm bảo an toàn, an ninh thì mới thu hút đựơc khách du lịch trong và ngoài nước. Với Hà nội thì nâng cấp giao thông: Đường xá, phương tiện giao thông… không chỉ có ý nghĩa thuận lợi cho sự phát triển du lịch mà còn xứng đáng là bộ mặt của Thủ đô. Ngược lại sự lôi cuốn hấp dẫn khách du lịch đến Hà nội tham quan cũng buộc ngành giao thông vận tải phát triển theo để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Như vậy mối quan hệ giữa giao thông và du lịch là mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau giúp đỡ nhau cùng phát triển. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1) PTS Nguyễn Văn Đính, Nguyễn Văn Mạnh – Tâm lý và nghệ thuật giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh du lịch. 2) PGS.TS. Nguyễn Văn Đính – Thạc sỹ. Phạm Hồng Chương – Hướng dẫn du lịch. 3) Tạp chí Giao thông vận tải 3/2002. 4) Tạp chí du lịch Việt nam 3,4/2002. Mối quan hệ giữa kinh doanh du lịch và kinh doanh dịch vụ vận tải ở Hà Nội (TL; 3)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docDL47-.DOC