Du lịch cộng đồng - Hướng phát triển cho khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm

Kết Luận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đầy tiềm năng với nguồn tài nguyên nhân văn phong phú và sự hấp dẫn của đa dạng sinh học tạo cho Cù Lao Chàm một lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao lựa chọn được giải pháp hữu hiệu nhằm hài hòa giữa công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế. Phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực biển đảo là một hướng đi mới cho du lịch Quảng Nam, không những góp phần giảm tải cho du lịch di sản Hội An mà còn tạo ra một sản phẩm du lịch mới dựa vào Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư địa phương và quảng bá hình ảnh du lịch Việt nam với bạn bè thế giới.

pdf6 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 270 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Du lịch cộng đồng - Hướng phát triển cho khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
UED Journal of Sciences, Humanities & Education – ISSN 1859 - 4603 TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI, NHÂN VĂN VÀ GIÁO DỤC 50 | Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 5, số 1 (2015),50-55 a. Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng b. Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế *Liên hệ tác giả Trương Phước Minh Email: truongphuocminh@gmail.com Điện thoại: 0903575216 Nhận bài: 20 – 10 – 2014 Chấp nhận đăng: 25 – 03 – 2015 DU LỊCH CỘNG ĐỒNG - HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHO KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI CÙ LAO CHÀM Trương Phước Minha*, Đinh Thị Lựub Tóm tắt: Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (KDTSQTG) là nơi có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, đặc thù nổi bật về địa chất, địa mạo; hệ sinh thái rừng và biển đa dạng phong phú về nguồn gen; điều kiện khí hậu thuận lợi; cộng đồng dân cư thân thiện và mến khách là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư nơi đây còn thấp, phát triển du lịch nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Bài báo nêu lên thực trạng phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) và một số định hướng, giải pháp nhằm khai thác tài nguyên hiệu quả cùng với bảo tồn, phát triển bền vững và cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư. Từ khóa: khu Dự trữ sinh quyển thế giới; du lịch cộng đồng; chất lượng cuộc sống; Cù Lao Chàm. 1. Đặt vấn đề Phát triển du lịch biển đảo là một hướng quan trọng có tính động lực bởi “thế kỷ 21 là thế kỷ tiến ra biển”. Cù Lao Chàm là một trong những khu dự trữ sinh quyển tiêu biểu của quốc gia và của thế giới, nơi có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng phong phú, chứa đựng nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm và có văn hóa bản địa hết sức đặc sắc. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh những nỗ lực trong công tác phát triển, bảo tồn thì Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cũng đang chịu những áp lực rất lớn từ các cộng đồng sống xung quanh cũng như các hoạt động phát triển, đặc biệt là hoạt động du lịch. Cuộc sống người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, du lịch phát triển nhưng họ chưa thật sự được hưởng lợi nhiều vì thế họ chưa tích cực trong công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên. Trước các vấn đề khách quan này, việc nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng là một hướng đi mới, không chỉ giải quyết hài hòa các vấn đề cấp thiết đặt ra mà còn giúp giảm áp lực đối với việc sử dụng tài nguyên cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa, đa dạng sinh học của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. 2. Tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch cộng đồng Cù Lao Chàm 2.1. Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng Cù Lao Chàm Cù Lao Chàm có tọa độ: 15 o 52’30’’ đến 16 o 00’00’’B và 108 o 24’30’’ đến 108 o 34’30’’Đ, là một xã đảo có tên hành chính là xã Tân Hiệp, cách thành phố Hội An 18 km về phía biển Đông, gồm có 8 hòn đảo, với tổng diện tích là 15 km2: hòn Lao, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Ông, hòn Tai, hòn Lá. Đảo lớn nhất là hòn Lao và cũng là nơi duy nhất có dân cư sinh sống chia thành 4 thôn: bãi Làng, bãi Ông, bãi Cấm, bãi Hương với khoảng 3000 dân. Theo các nhà địa chất, cụm đảo Cù Lao Chàm là phần kéo dài về phía Đông Nam của khối Bạch Mã – Hải Vân – Sơn Trà được hình thành cách đây khoảng 230 triệu năm. Điểm nổi bật của địa hình là tính bất đối xứng, hướng Tây Bắc – Đông Nam với sườn Đông Bắc hẹp và dốc đứng, sườn Tây Nam rộng và thoải hơn. Bờ biển sườn Đông Bắc với các vách đứng, trơ đá gối còn bờ biển Tây Nam tạo thành các vịnh nhỏ với tích tụ cát lấp đầy tạo nên những bãi biển dài và đẹp. Nơi đây còn có các vách đá kỳ vỹ, hình khối đa dạng có giá trị phát triển du lịch. Cù Lao Chàm có 1.549 ha rừng tự nhiên và 6.716 ha mặt nước. Nơi đây đã được xây dựng thành khu bảo tồn biển với nhiều môi trường sinh thái biển quan trọng: bãi biển, rạn san hô, thảm rong – cỏ biển và sự nổi bật về sự đa dạng sinh học. Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có ISSN 1859 - 4603 - Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 5, số 1 (2015),50-55 51 5.175 ha mặt nước, khoảng 311 ha rạn san hô, với 277 loài san hô tạo rạn thuộc 70 giống, 17 họ. 270 loài cá thuộc 105 giống, 40 họ; 5 loại tôm hùm; 97 loại nhuyễn thể; 500 ha thảm cỏ biển với nhiều loại hải sản có giá trị. Ngoài những nét đẹp tự nhiên, Cù Lao Chàm còn nhiều di tích lịch sử - văn hóa lâu đời. Vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đã có dân cư bản địa thời tiền sử sinh sống, điều này được minh chứng qua cuộc khai quật di chỉ bãi Ông [1] với khá nhiều hiện vật: gốm thô, đá mài Bên cạnh đó có 7 di tích đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng như Chùa Hải Tạng, Giếng Cổ Chăm, Miếu Tổ Nghề Yến nhiều năm qua đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn của du khách. Là một vùng đảo gắn liền với biển với rừng nên các loại rau củ, cây trái mọc quanh đảo và những hải sản ven bờ đã trở thành nét ẩm thực quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Những món ăn được chế biến mang một hương vị rất riêng từ các loại gia vị lấy từ rừng núi của Cù Lao Chàm cộng với cách chế biến khá bài bản của người dân đã hấp dẫn nhiều khách du lịch đến đây. Khi nói đến ẩm thực Cù Lao Chàm người ta không thể nào không nhắc đến nước lá Cù lao, bánh ít, rau rừng luộc, bánh canh cua đá, hay nổi trội hơn cả là món yến sào. Các món ăn hải sản mang đặc trưng của vùng đảo như: gỏi rong biển, ốc vú nàng, bào ngư đã khơi dậy sự tò mò, tìm hiểu của du khách và khi sinh hoạt cùng với người dân thì họ sẽ được hướng dẫn tận tay chế biến những món ăn này tạo nên yếu tố thú vị và làm phong phú thêm những hoạt động du lịch cộng đồng. 2.2. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng Cù Lao Chàm Hiện nay, du lịch cộng đồng được quản lý trực tiếp bởi Ban Quản lý du lịch Cù Lao Chàm có trụ sở đóng tại thôn Cấm. Bên cạnh đó cũng đã thành lập được 1 Ban Quản lý du lịch cộng đồng tại thôn bãi Hương. Ban quản lý này sẽ Quản lý các tổ ngành nghề trong đó có các tổ: Tổ xe thồ, Tổ nấu ăn, Tổ lái thuyền. Các tổ này hoạt động theo phương thức tự quản. Du lịch cộng đồng tại Cù Lao Chàm còn khá mới mẽ, loại hình này khởi sự tại bãi Làng từ những năm 2005 dưới hình thức tự phát; tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động thì đã được cơ quan chức năng tổ chức một cách khá bài bản, đặc biệt là từ sau năm 2009 khi Cù Lao Chàm chính thức trở thành Khu Dự trữ sinh quyển. Ban Quản lý du lịch đã hướng dẫn cho cộng đồng dân cư ở đây phát triển du lịch cộng đồng có tổ chức nhằm nâng cao chất lượng thông qua việc hỗ trợ các trang thiết bị vật chất như: thiết bị nhà vệ sinh, bàn ghế Các hộ còn được tập huấn kỹ thuật nấu ăn, nghiệp vụ buồng phòng để có kỹ năng trong việc đón tiếp khách. Ngoài ra, nhiều hộ còn được cử đi tham dự hội thảo du lịch sinh thái cùng với Ban Quản lý do Đan Mạch phối hợp tổ chức. Thông qua hội thảo, cộng đồng dân cư có cơ hội tiếp xúc, trao đổi học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình đã phát triển thành công loại hình du lịch cộng đồng. Hiện nay chi phí tối đa cho một khách là 260.000 VNĐ/ khách/ đêm, và tối thiểu là 220.000 VNĐ/ khách/ đêm, bao gồm 2 bữa ăn chính và 1 bữa ăn phụ cùng với gia đình. Khách du lịch có thể tham khảo một số dịch vụ với các mức giá như sau: Bảng 1. Các mức giá dịch vụ du lịch tại Cù Lao Chàm (ĐVT: Nghìn đồng) TT Dịch vụ Giá tối đa Giá tối thiểu 1 Ngủ qua đêm tại nhà dân (khách/ đêm) 70 60 2 Tham gia đánh bắt hải sản: kéo lưới, câu Mực (tùy nhu cầu của khách) 100 80 3 Thuyết minh Miễn phí Miễn phí 4 Ăn sáng Ăn trưa Ăn tối 30 80 80 20 70 70 5 Các sản vật địa phương Giá bán niêm yết theo mùa (Nguồn: Ban Quản lý du lịch Cù Lao Chàm, 2014) Trương Phước Minh, Đinh Thị Lựu 52 Hình 1. Tình hình khách tham gia DLCĐ Cù Lao Chàm (ĐVT: Khách) (Nguồn: Ban Quản lý du lịch Cù Lao Chàm, 2014) Bảng 2. Doanh thu DLCĐ tại Cù Lao Chàm (ĐVT: Nghìn đồng) Năm Doanh thu 2010 143.602 2011 198.432 2012 216.375 2013 243.952 Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2013, lượt khách và doanh thu từ hoạt động du lịch cộng đồng tại Cù Lao Chàm tăng liên tục qua các năm. Năm 2010 mới chỉ có 1.682 lượt khách mang về doanh thu 143.602 nghìn đồng, tuy nhiên con số này đã đạt 2.258 lượt khách và 243.952 nghìn đồng vào năm 2013 [3]. Các hoạt động DLCĐ chính du khách có thể tham gia: Ngủ qua đêm tại nhà dân hoặc lều du lịch; tham gia các buổi khai thác hải sản biển (buổi sáng hoặc buổi tối); tham gia các hoạt động thể thao biển: bơi, chèo thuyền thúng; tham gia các công đoạn chế biến hải sản, hoặc làm đồ thủ công; khám phá điểm cao nhất của hòn Lao; tham quan 1 vòng quanh các hòn đảo của Cù Lao Chàm; khám phá đời sống chim yến. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên được xem là hướng đi chính để Cù Lao Chàm vừa phát triển kinh tế vừa giữ gìn đa dạng sinh học. Các hình thức DLCĐ được khai thác tại Cù Lao Chàm hiện nay chủ yếu là khám phá ngắm san hô theo hình thức lặn biển, cắm lều trại và mô hình homestay [2]. Với hình thức homestay, khách du lịch ăn nghỉ tại nhà dân, trải nghiệm cuộc sống dân dã với những sinh hoạt văn hoá và phương thức đánh bắt trên biển truyền thống của dân địa phương... tham quan nghề nấu mắm truyền thống, người dân phơi cá, phơi mực, mùa nào thức ấy để phục vụ du lịch và cuộc sống thường nhật. 3. Định hướng và giải pháp phát triển DLCĐ Cù Lao Chàm 3.1. Định hướng phát triển du lịch cộng đồng Cù Lao Chàm Để du lịch cộng đồng Cù Lao Chàm phát triển bền vững thì cần phải có một lộ trình phù hợp, thể hiện ở các định hướng cụ thể sau: - Lựa chọn và ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên được xem là hướng đi chính để Cù Lao Chàm vừa phát triển kinh tế vừa giữ gìn đa dạng sinh học. - Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương. - Quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; từng bước hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch trên đảo. - Phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết các tuyến, điểm du lịch và các địa phương trong đất liền, hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch. 3.2. Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng Cù Lao Chàm - Giải pháp thứ nhất: Giải pháp cộng đồng Thúc đẩy và hỗ trợ người dân sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm bằng các chất liệu tận dụng trong quá trình sinh hoạt hàng ngày như vỏ sò, điệp, ốc... các sản phẩm này vừa có giá cả phải chăng, đẹp và rất hữu ích trong sinh hoạt của mọi người. Công việc này vừa góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch lại có thể tận dụng được tài nguyên và nguồn lao động tại chỗ. Tuy nhiên, việc khai thác cũng cần phải đi kèm với bảo tồn. Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển cần liên kết với lãnh đạo thành phố Hội An mở các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn cho người dân về kỹ thuật phục vụ nhà hàng, nấu ăn, buồng phòng nhằm tạo cho người dân có nhiều kỹ năng hơn trong phục vụ khách du lịch. Các lớp tập huấn này cũng cần phải được đánh giá rút kinh nghiệm để cải tiến, điều chỉnh. - Giải pháp thứ hai: Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng Hỗ trợ và khuyến khích nâng cấp, mở rộng quy mô chất lượng cho các cơ sở phục vụ du lịch như nhà hàng, nhà nghỉ và một số cơ sở vui chơi giải trí phù hợp với tự nhiên, phù hợp với các tiêu chuẩn của du lịch cộng đồng. Phát triển cơ sở vật chất đủ tiêu chuẩn cho phép, phù hợp với nhu cầu thực tế về số lượng cũng như khả năng chi trả của du khách, nhất là khách nội địa. ISSN 1859 - 4603 - Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 5, số 1 (2015),50-55 53 Ngoài ra, cần quy hoạch và xây dựng các cửa hàng thương nghiệp đáp ứng nhu cầu về hàng hóa của du khách, các quầy bán hàng lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ. Việc cung cấp năng lượng cũng là yêu cầu cấp thiết. Có rất nhiều giải pháp lựa chọn để mang lại nguồn sáng thường xuyên như thiết lập hệ thống mặt trời, hệ thống điện gió, trong đó giải pháp cấp điện lưới quốc gia cho Cù Lao Chàm bằng cáp ngầm là giải pháp tối ưu và phấn đấu đến năm 2020 Cù Lao Chàm sẽ được sử dụng điện lưới quốc gia. - Giải pháp thứ ba: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường Vấn đề rác thải ở Cù Lao Chàm là vấn đề bức xúc nhất, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, du khách, mỹ quan của Khu Dự trữ sinh quyển. Ngay từ bây giờ, tiếp tục thực hiện chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông”. Sau đó, cần xây dựng những điểm thu gom và xử lí rác thải. Đầu tiên cần đặt những thùng rác tại những điểm phù hợp như: cầu cảng, nhà đón tiếp... Các thùng rác được thiết kế sao cho bắt mắt, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, sau đó quy hoạch một bãi rác cho Cù Lao Chàm với những đặc điểm: cách xa khu dân cư, có diện tích hợp lí, cách ly với nguồn nước tự nhiên. Vận động và tập huấn cho mọi người (cả khách du lịch) cách phân loại rác thải tại nguồn. Trong đó rác thải được phân cụ thể thành 2 loại và được xử lí như sau: + Rác nhà bếp như các thức ăn thừa, rác thải trong quá trình nấu nướng gọi chung là rác phân hủy sinh học, đề nghị những nhà có đất làm nông nghiệp thì ủ phân để bón lại cho cây vì đây là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho đất. Nếu nhà nào không có đất thì phân loại, thu gom và mang lên bãi rác để xử lý. Hoặc có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. + Rác tái chế như các loại chai nhựa, giấy vụn, tạp chí, sách báo cũ thì tổ chức thu gom cho những người thu mua phế liệu sau đó vận chuyển vào đất liền theo tuần hoặc theo tháng. - Giải pháp thứ tư: Xây dựng các tuyến điểm du lịch cộng đồng. Cần tập trung khai thác các tuyến điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng, nhằm khai thác tốt tài nguyên thiên nhiên cũng như tạo ra được các sản phẩm mới thu hút du khách. Tuyến số 1: Cửa Đại - Hòn Lao (bãi Làng) thuộc tiểu vùng trải nghiệm văn hóa và dịch vụ. Các điểm thu hút du lịch: Khu đón tiếp giới thiệu lịch sử văn hóa Cù Lao Chàm; Trung tâm truyền Thông bảo tồn biển; chùa Hải Tạng; âu thuyền; trạm Hải đăng. Sản phẩm du lịch đặc trưng: Tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử với các giá trị của nền văn minh Champa; thắng cảnh biển và nghỉ dưỡng biển đảo; tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển, các nét sinh hoạt truyền thống của cộng đồng làng biển. Tuyến số 2: Các đảo hòn Dài, hòn Mồ, hòn Lá, hòn Tai: thuộc tiểu vùng trải nghiệm thiên nhiên dễ tiếp cận. Các điểm thu hút du lịch: rạn san hô thuộc khu vực hòn Dài, rạn san hô khu vực hòn Tai, các rạn đá ngầm và các loài thủy sinh ven bờ thuộc khu vực các hòn Mồ, hòn Lá, hòn Dài, hòn Tai, hang Bà, thảm cỏ trên đỉnh hòn Dài. Sản phẩm du lịch đặc trưng: Leo núi ngắm cảnh biển, rừng: khám phá đời sống sinh vật trên đảo, khám phá đời sống sinh vật dưới biển với việc lặn nông, lặn có khí tài. Tuyến số 3: Cửa Đại, hòn Lao, bãi Làng, bãi Chồng, hòn Ông Các điểm thu hút du lịch: Khu đón tiếp giới thiệu lịch sử văn hóa Cù Lao Chàm, chợ Tân Hiệp, hòn Chồng, rạn san hô và các loại sinh vật biển. Sản phẩm du lịch đặc trưng: Tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử của nền văn minh Champa, lặn ngắm san hô, ẩm thực biển. Tuyến số 4: Các khu vực triền núi phía Đông Hòn Lao. Các điểm thu hút du lịch: mũi Trấn Quỷ, các vách đá hiểm trở. Sản phẩm du lịch đặc trưng: Ngắm cảnh quan núi hòn Lao, ngắm cảnh biển, leo núi. Tuyến số 5: Các đảo hòn Khô, hòn Lao về phía Nam, hòn Ông. Các điểm thu hút du lịch: hang Yến tại hòn Khô, Tò Vò. Các dải đá ven bờ phía Đông Nam hòn Lao. Sản phẩm du lịch đặc trưng: ngồi thuyền quan sát và chụp ảnh các hang động có chim yến sinh sống và làm tổ, tìm hiểu nghề khai thác yến, khám phá đời sống cua đá, leo núi ngắm cảnh biển, rừng, lặn ngắm san hô Những hoạt động du lịch trái tuyến này cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Xây dựng chương trình tham quan chi tiết với những sản phẩm du lịch đặc trưng, ví dụ tuyến số 3 có nội dung như sau: Chương trình du lịch Cù Lao Chàm – Đảo xanh quyến rũ (Thời gian: Sáng đi, chiều về) 7h30: Xe và hướng dẫn viên du lịch đón khách tại điểm hẹn (khách sạn hoặc nhà riêng) khởi hành đi Hội An (đến bến Cửa Đại). 08h00: Ca nô khởi hành đi Cù Lao Chàm. 08h30: Ca nô đến Cù Lao Chàm, quý khách tham quan khu bảo tồn biển, khu dân cư Bãi Làng, chợ Tân Hiệp và mua sắm đặc sản địa phương. 10h00: Ca nô đưa khách đến khu du lịch sinh thái bãi Chồng tắm biển, tắm nước suối, thư giãn nghỉ ngơi. Tổ chức cho khách lặn ngắm san hô (Snorkeling), khám phá sự đa dạng phong phú của hệ động thực vật trong lòng biển xanh tại khu vực hòn Tai. 11h30: Ăn trưa với các món hải sản đặc sắc, nghỉ ngơi tận hưởng không gian yên tĩnh thanh bình với môi trường xanh sạch của thiên nhiên Cù Lao Chàm. Trương Phước Minh, Đinh Thị Lựu 54 13h30: Leo núi tham quan hòn Chồng. 14h30: Quý khách lên tàu về lại bến Cửa Đại. Kết thúc chương trình. Hình 2. Lược đồ định hướng tuyến điểm du lịch cộng đồng Cù Lao Chàm - Giải pháp thứ năm: Xúc tiến công tác quảng bá du lịch. Hiện nay rất nhiều du khách trong nước, đặc biệt là các vùng lân cận chưa có thông tin về du lịch tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, thậm chí còn có bộ phận không biết địa danh KDTSQTG Cù Lao Chàm là ở đâu. Vì vậy cần xúc tiến quảng bá hình ảnh Cù Lao Chàm đến với du khách có thể qua internet, qua sách báo, qua các tờ rơi với những nét riêng của Cù Lao Chàm. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành, hoặc từng nhóm doanh nhiệp dưới nhiều hình thức như Hiệp hội du lịch, Hiệp hội các khu bảo tồn,... để tạo mối quan hệ hỗ trợ liên hoàn trong việc thu hút và quảng bá du lịch giữa các doanh nghiệp với nhau. 4. Kết Luận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đầy tiềm năng với nguồn tài nguyên nhân văn phong phú và sự hấp dẫn của đa dạng sinh học tạo cho Cù Lao Chàm một lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao lựa chọn được giải pháp hữu hiệu nhằm hài hòa giữa công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế. Phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực biển đảo là một hướng đi mới cho du lịch Quảng Nam, không những góp phần giảm tải cho du lịch di sản Hội An mà còn tạo ra một sản phẩm du lịch mới dựa vào Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư địa phương và quảng bá hình ảnh du lịch Việt nam với bạn bè thế giới. Tài liệu tham khảo [1] Phòng Thương mại Du lịch (2010), dự án: “Lợi ích cộng đồng trong hoạt động du lịch tại khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An”, thành phố Hội An. [2] Phòng Thương Mại Du Lịch (2013), chương trình: “Phát triển du lịch xã đảo Tân Hiệp từ nay đến năm 2013 định hướng đến năm 2020”, thành phố Hội An. [3] Võ Quế (2005), Du lịch cộng đồng - lý thuyết và vận dụng, NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội [4] Chu Mạnh Trinh (2010), Lợi ích cộng đồng trong hoạt động du lịch tại Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam. [5] Trần Quốc Vượng, Lâm Thị Mỹ Dung (2000), Cuộc khai quật di chỉ bãi Ông, Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích Hội An. COMMUNITY-BASED TOURISM - A NEW DIRECTION FOR THE DEVELOPMENT OF CHAM ISLAND WORLD BIOSPHERE RESERVE Abstract: As a World Biosphere Reserve, Cham Island possesses unspoilt natural scenery and striking distinctive features in geology, geomorphology, forest and marine ecosystems with diverse genetic resources, favourable climatic conditions as well as a hospitable and friendly residential community. These are good conditions for the development of community-based tourism. However, ISSN 1859 - 4603 - Tạp chí Khoa học Xã hội, Nhân văn & Giáo dục, Tập 5, số 1 (2015),50-55 55 the life quality of the local community here is still poor and the tourism sector has not been well developed in correspondence with its potential.This paper presents the status quo of community-based tourism development and puts forward some orientations and measures for the effective exploitation of natural resources as well as conservation, sustainable development and the improvement of the local people community‘s living conditions. Key words: World Biosphere Reserve; community-based tourism; life quality; Cham Island.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfdu_lich_cong_dong_huong_phat_trien_cho_khu_du_tru_sinh_quyen.pdf