Phát triển du lịch di sản dưới góc nhìn khai thác nguồn lực văn hóa

Sự phát triển của du lịch đại chúng tác động lên kinh tế - xã hội và văn hóa mang đến lợi ích song cũng hàm chứa ảnh hưởng tiêu cực. Trong bối cảnh phát triển du lịch di sản của tháp Po Ina Nagar, khai thác nguồn lực văn hóa, xây dựng sản phẩm du lịch vừa là giải pháp tăng sức hút của điểm đến đồng thời là cơ hội để bảo tồn văn hóa. Tuy nhiên, quá trình này cần thiết phải đảm bảo sự tham gia của cộng đồng, trao đổi ý kiến và trình diễn nghi lễ. Nhu cầu trải nghiệm của du khách không chỉ đến từ phong cảnh, kiến trúc mà còn đến từ hoạt động nghi lễ, lễ hội hoặc những diễn xướng dân gian truyền thống giàu tính nghệ thuật. Nghiên cứu này cũng cho thấy xu hướng xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với trình diễn văn hóa của cộng đồng địa phương, đồng thời hạn chế hoạt động nghệ thuật dàn dựng mà để cho diễn xướng, nghi lễ, lễ hội, hành hương diễn ra chân thật. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng gợi mở về cách thức gia tăng sự tham gia của cộng đồng địa phương đối với bảo tồn văn hóa truyền thống.

pdf9 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 236 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển du lịch di sản dưới góc nhìn khai thác nguồn lực văn hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
28 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI PHÁT TRIỂN DU LỊCH DI SẢN DƯỚI GÓC NHÌN KHAI THÁC NGUỒN LỰC VĂN HÓA Nguyễn Thị Thanh Xuyên Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ Tóm tắt: Khai thác sản phẩm du lịch tại một số địa điểm di sản là xu hướng mới trong phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Bên cạnh một số lợi thế của điểm đến như giá trị lịch sử, kiến trúc thì sức hút của điểm đến di sản còn liên quan trực tiếp đến chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch từ nghi lễ diễn xướng dân gian. Nhờ đó thực hành văn hóa truyền thống của cộng đồng lan tỏa đến trải nghiệm của du khách. Nghiên cứu trường hợp tại tháp Po Ina Nagar (thành phố Nha Trang) với mục đích tìm hiểu nguồn lực văn hóa và sản phẩm du lịch đã được tái tạo, xây dựng trong quá trình phát triển du lịch thông qua phương pháp nghiên cứu của ngành Nhân học là quan sát tham gia và phỏng vấn sâu có chủ đích. Tháp Po Ina Nagar là một di tích lịch sử kiến trúc và tôn giáo thờ nữ thần của vùng Nam Trung Bộ. Phát hiện chính bao gồm hai nội dung như sau: nghi lễ, lễ hội và diễn xướng dân gian là một trong những nguồn lực văn hóa phát triển du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch bền vững và hiệu quả dựa trên sự tham gia của cộng đồng địa phương và tộc người. Hàm ý thực tiễn của nghiên cứu là đóng góp quan điểm phát triển du lịch văn hóa dựa vào cộng đồng nhằm đảm bảo tính bền vững và cân bằng trong mối quan hệ giữa kinh tế du lịch và văn hóa. Từ khóa: Nguồn lực văn hóa, sản phẩm du lịch, nghi lễ/lễ hội, du lịch dựa vào cộng đồng, tháp Po Ina Nagar. Nhận bài ngày 20.4.2020; gửi phản biện, chỉnh sửa, duyệt đăng ngày 15.5.2020 Liên hệ tác giả: Nguyễn Thị Thanh Xuyên; Email: xuyenthanh27@gmail.com 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong nhiều năm gần đây, sự phát triển du lịch đã lan tỏa đến không gian di sản, trình diễn nghi lễ, lễ hội như tại một số địa điểm tín ngưỡng của cộng đồng, chẳng hạn như điện Hòn Chén (Huế), tháp Po Ina Nagar (Nha Trang), miếu bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang). Những di tích này vừa là địa điểm hành hương đồng thời là điểm đến du lịch di sản TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 40/2020 29 có sức hút đối với du khách trong và ngoài nước. Quá trình phát triển du lịch di sản diễn ra cùng với sự hồi sinh thực hành văn hóa tín ngưỡng, và tục thờ nữ thần là khía cạnh nổi bật của sinh hoạt tín ngưỡng và trọng tâm của động thái kiến tạo văn hóa truyền thống. Việc biến đổi văn hóa trở thành nguồn lực phát triển du lịch thể hiện sự vận dụng giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại hóa. Trong đó, nguồn lực văn hóa gắn liền với chiến lược phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, tôn trọng tính chân thực của văn hóa truyền thống, trao quyền cho cộng đồng để đi đến mức độ tham gia sâu sắc hơn (Theodossopoulos, 2010; Okazaki, 2008). Do vậy, du lịch di sản thể hiện tính tương thích giữa nhu cầu trải nghiệm của du khách với khả năng đáp ứng văn hóa của cộng đồng theo theo hướng gia tăng sự tham gia và trình diễn văn hóa cộng đồng. Nghiên cứu này đặt trong bối cảnh khai thác phát triển du lịch tại tháp Po Ina Nagar (thành phố Nha Trang) với sức hút từ hoạt động nghi lễ, lễ hội và sản phẩm du lịch được xây dựng trên nền tảng nghi lễ diễn xướng dân gian của cộng đồng. Đối tượng nghiên cứu là sự phát triển du lịch di sản thông qua khai thác nguồn lực nghi lễ diễn xướng dân gian tại tháp Po Ina Nagar. Qua đó làm sáng tỏ vai trò của thực hành văn hóa dân gian trong tăng cường sức hút của điểm đến. Đồng thời, nhận diện một số đặc điểm vai trò của cộng đồng đối với khai thác, bảo tồn văn hóa truyền thống trước tác động của phát triển du lịch. Nghiên cứu này giới hạn loại nguồn lực văn hóa là nghi lễ diễn xướng dân gian. Đây là một trong những nguồn lực văn hóa nổi trội và có giá trị trong khai thác phục vụ du lịch tại tháp Po Ina Nagar trong thời gian gần đây, thể hiện hướng đi mới của phát triển du lịch bền vững và bảo tồn văn hóa truyền thống. Nghiên cứu định tính thông qua điền dã tại tháp Po Ina Nagar với công cụ quan sát tham gia và phỏng vấn sâu có chủ đích được xem xét là phương pháp chủ yếu. Quan sát tham gia được thực hiện trong thời gian diễn ra lễ hội tưởng niệm Thiên Y A Na (20-23/3 âm lịch năm 2019) và ngày bình thường. Phỏng vấn sâu có chủ đích được thực hiện với các đối tượng như sau: cán bộ quản lý tháp, thành viên của Ban tổ chức nghi lễ, nghệ nhân trình diễn1. Mục đích phỏng vấn sâu các đối tượng này là thu thập thông tin về nghi lễ, diễn xướng, thực trạng phát triển du lịch, cách thức khai thác nghi lễ diễn xướng, xây dựng sản phẩm du lịch, sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng sản phẩm du lịch, Các tư liệu thu thập bổ sung lẫn nhau và được phân tích theo cách thức do Attride- Stirling (2001) đề xuất, cụ thể là phương pháp phân tích định tính theo chủ đề với ba cấp bậc: chủ đề lớn → tổ chức các chủ đề liên quan → chủ đề cơ bản. Ứng dụng phương pháp phân tích của Attride-Stirling (2001) trong xử lý tư liệu thu thập như sau: 1) nghi lễ/lễ hội và diễn xướng của tháp Po Ina Nagar → nguồn lực trong phát triển du lịch → nguồn lực cụ thể được khai thác; 2) sản phẩm du lịch cụ thể → đặc điểm và tính chất của sản phẩm → thế mạnh và cách thức khai thác; 3) hiệu quả, thành công của sản phẩm du lịch → sự tham gia của cộng đồng → đóng góp bảo tồn văn hóa và du lịch bền vững. Các chủ đề trên được 1 Các đối tượng phỏng vấn sử dụng trong bài viết đã được đổi tên và viết tắt. 30 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI tổng hợp, phân tích, lồng ghép và diễn giải trong ba phần chính của bài viết: Nguồn lực phát triển du lịch; sản phẩm nghi lễ diễn xướng; hiệu quả của sản phẩm du lịch. 2. NỘI DUNG 2.1. Bối cảnh lịch sử và nguồn lực phát triển du lịch Tháp Po Ina Nagar (tên thường gọi là Tháp Bà hoặc Tháp Bà Ponagar Nha Trang) tọa lạc tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định xếp hạng số 54-VHTT/QĐ ngày 29/4/1979 của Bộ Văn hóa Thông tin. Trước năm 1653, tháp Po Ina Nagar là trung tâm tôn giáo của người Chăm ở xứ Kauthara (thuộc vương quốc Champa) (Maspero, 1928; Parmentier, 1902; Schweyer, 2004). Sau năm 1653, người Việt di cư vào Nha Trang và tiếp quản tháp Po Ina Nagar, tiếp đó cư dân làng Cù Lao tham gia tế cúng tại tháp và đình Cù Lao chịu trác nhiệm tổ chức nghi lễ hằng năm. Cho đến thập niên 1990, thực hành múa bóng thờ cúng nữ thần Thiên Y A Na tại khu vực xóm Bóng vang tiếng một thời là biểu trưng cho tôn giáo tín ngưỡng của đất Nha Trang xưa. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích quản lý và tổ chức hoạt động của tháp như bảo tồn, tổ chức nghi lễ/lễ hội dành cho cộng đồng cư dân trong tỉnh và các tỉnh khác thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, bao gồm người Việt (Kinh) và người Chăm. Diễn trình lịch sử của vùng đất Nha Trang và bối cảnh lịch sử của cư dân tiền trú người Chăm và di dân người Việt đã góp phần soi sáng một phần tính chất thờ cúng của tháp Po Ina Nagar. Thờ cúng của tháp Po Ina Nagar ảnh hưởng Ấn Độ giáo thể hiện qua nữ thần Bhagavati, sau đó tích hợp văn hóa thờ nữ thần bản xứ của người Chăm và người Việt (Maspero, 1928; Parmentier, 1902). Quần thể tháp Po Ina Nagar vẫn còn bốn ngôi tháp nguyên vẹn, gồm tháp chính (tháp Đông Bắc), tháp Nam, tháp Đông Nam, tháp Tây Bắc; trong đó ngôi tháp chính thuộc phong cách nghệ thuật chuyển tiếp từ Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định, khoảng giữa thế kỉ 11 (Nguyễn Công Bằng, 2000). Nữ thần được thờ trong ngôi tháp chính, người Việt gọi là Thiên Y A Na, người Chăm gọi là Po Ina Nagar (thần mẹ xứ sở), đồng thờ cũng là nữ thần Bhagavati của Ấn Độ giáo. Trên cái nhìn tổng thể so sánh với các đền tháp Chăm khác ở miền Trung như khu thánh địa Mỹ Sơn, các tháp Chăm ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (trừ Ninh Thuận và Bình Thuận), thì tại tháp Po Ina Nagar Nha Trang, hoạt động tôn giáo tín ngưỡng vẫn còn diễn ra sôi động, chưa có sự ngắt quãng, đặc biệt cả hai tộc người Kinh và Chăm đều cùng có hoạt động hành hương tín ngưỡng hằng năm vào ngày đại lễ của nữ thần Thiên Y A Na. Ngoài ra, hằng tháng diễn ra nghi lễ cúng vào ngày mồng một và rằm. Trong ngày thường, khách hành hương hoặc cư dân khắp nơi trong hoặc ngoài tỉnh có nhu cầu tín ngưỡng đều có thể vào bái lạy và dâng lễ. Như vậy, so với một số di sản dưới dạng phế tích, thì tháp Po Ina Nagar đã vượt ra khỏi cảm quan về một phế tích của người Chăm để lại mà trở nên sống động hơn, thực sự là một trung tâm thờ cúng tôn giáo với hoạt động hành hương, nghi lễ/lễ hội. TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 40/2020 31 Để quản lý và tổ chức nghi lễ/lễ hội, Ban tổ chức nghi lễ gồm đại diện của các bên tham gia khác nhau, như đại diện của cơ quan chức năng, đại diện của đình làng Cù Lao, hào lão người Chăm và người Việt và sư thầy. Ban tổ chức nghi lễ vừa có tính chất quản lý và tổ chức, đồng thời cũng vừa thể hiện tính chất đại diện của các loại hình nghi lễ khác nhau. Trên nền tảng chính là nghi lễ thờ nữ thần của người Chăm (nghi lễ tạ ơn, múa bóng) và thờ nữ thần của người Việt (hầu đồng, múa bóng), là nghi lễ của đình làng (tế thần, hát tuồng), và nghi lễ của Phật giáo (lễ cầu an)1. Sự hình thành hoạt động nghi lễ/lễ hội của tháp Po Ina Nagar hiện nay chịu ảnh hưởng của bốn quá trình chính như sau: Quá trình “Việt hóa” tín ngưỡng thờ thần mẹ xứ sở của người Chăm trở thành Thiên Y A Na của người Việt: quá trình này đã tích hợp biểu tượng thần linh và nghi lễ của người Chăm, trở thành nghi lễ múa bóng của người Việt. Khi làng Cù Lao được thành lập vào năm 1683, đình làng quản lý trực tiếp tháp Po Ina Nagar, nữ thần Thiên Y A Na được thờ cúng bởi nghi thức tế thần của đình làng đồng thời kết hợp với diễn xướng múa bóng của các đoàn hành hương. Quá trình dung hợp giữa đạo Mẫu và đạo Phật tại tháp Po Ina Nagar: đây là quá trình dung hợp văn hóa, tín ngưỡng giữa hai biểu tượng thần linh Thiên Y A và Quan âm bồ tát. Thiên Y A Na cũng được xem là Phật mẹ với hệ thống “kinh văn” chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Về nghi lễ, có sự chuyển biến rõ rệt về lễ vật dâng cúng vào trong ngôi tháp chính, đó là lễ vật chay, hoa quả, không sử dụng lễ vật mặn. Quá trình chuyển đổi cơ cấu quản lý: Từ thập niên 1990 cho đến nay, tháp Po Ina Nagar không còn thuộc vào sự quản lý của đình làng, mà trở thành di tích lịch sử văn hóa trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Quá trình phục hồi văn hóa truyền thống tộc người và sự tôn vinh của UNESCO dành cho thực hành nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ của người Việt: quá trình này đã góp phần tạo thêm tính đa dạng của văn hóa tộc người, cụ thể là nghi lễ hầu đồng tứ phủ của người Việt bắt đầu xuất hiện tại tháp Po Ina Nagar trong thời gian gần đây góp phần làm sôi động không khí nghi lễ/lễ hội của tháp. 2.2. Một số nghi lễ, lễ hội thờ nữ thần tại tháp Po Ina Nagar Như vậy, sự tổng hợp của các loại hình nghi lễ tại tháp Po Ina Nagar là kết quả của quá trình dung hợp văn hóa, tôn giáo và động thái kiến tạo tính liên kết tộc người, bảo tồn văn hóa truyền thống và tôn vinh giá trị nội sinh của đạo Mẫu. Hiện nay, sự đa dạng của nghi lễ trong lễ hội hàng năm vào tháng 3 âm lịch hoặc trong những sự kiện đặc biệt tạo nên sắc thái và dấu ấn riêng của tháp. Tại một điểm đến du lịch, tính chất đa màu sắc của nghi lễ là một trong những điểm nhấn tạo sức hút mạnh mẽ. Với tính chất đa dạng về nguồn gốc tộc người, văn hóa, tháp Po Ina Nagar sớm trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng của vùng Nam Trung Bộ. Đồng thời, tháp Po Ina Nagar cũng là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của thành phố Nha Trang. 1 Phỏng vấn sâu thành viên Ban tổ chức nghi lễ (ông H.) 32 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI Đặc điểm lịch sử, kiến trúc, văn hóa và tôn giáo của tháp Po Ina Nagar là những khía cạnh nổi trội và có sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Hoạt động hành hương và du lịch đại chúng theo thời gian đã phát triển đan xen vào nhau. Trong bối cảnh phát triển du lịch, diễn xướng nghi lễ được xem như một nguồn lực quan trọng phục vụ cho quá trình khai thác để tạo dấu ấn và sức hút cho điểm đến. (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ tư liệu điền dã) 2.3. Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa Tháp Po Ina Nagar là một trong những di tích tôn giáo nổi trội nhờ vị trí địa lý và giá trị văn hóa, đồng thời là một trong những điểm đến di sản có sức thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh giá trị kiến trúc, lịch sử, thực hành tín ngưỡng, sức hút của điểm đến này còn liên quan đến một sản phẩm du lịch được xây dựng từ quá trình khai thác diễn xướng văn hóa dân gian của người Chăm. Hiện nay, hai địa điểm du lịch hấp hẫn của thành phố Nha Trang là tháp Po Ina Nagar và Hòn Chồng thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa có doanh thu và lượt khách khá cao. Theo số liệu thống kê và lượt khách và doanh thu của tháp Po Ina Nagar, lượt khách qua 10 năm (2009 - 2018) tăng 6,8 lần và doanh thu tăng 11 lần1. Nguồn doanh thu này chủ yếu từ hoạt động bán vé. Sự phát triển du lịch của tháp Po Ina Nagar trong bối cảnh chung của thành phố Nha Trang là minh chứng cho sức hấp dẫn của điểm đến du lịch. Việc xây dựng sản phẩm du lịch của tháp Po Ina Nagar phụ thuộc vào việc xác định dấu ấn văn hóa đặc trưng, cụ thể nhất là văn hóa thờ nữ thần của người Chăm và người Việt. Tuy nhiên, việc xây dựng sản phẩm du lịch không thuần túy dựa trên nguyên bản của một hình thức nghi lễ nào đó, mà có xu hướng tách yếu tố thiêng ra khỏi sản phẩm du lịch. Có thể thấy rằng, nếu như xu hướng xây dựng biểu trưng văn hóa chấp nhận tính dung hợp 1 Phỏng vấn sâu cán bộ quản lý di tích (ông D.) TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 40/2020 33 đa tộc người, đa tôn giáo, thì sản phẩm du lịch phải là hoạt động cụ thể, dễ nhận biết, giàu tính thẩm mĩ và giải trí. Từ bối cảnh và quan điểm trên, cho thấy xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa, tín ngưỡng là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu du khách, tránh sự nhàm chán, thu hút du khách quay lại, xa hơn là nhận diện giá trị và bảo tồn văn hóa. 2.3.1. Sản phẩm du lịch diễn xướng dân gian Quá trình khai thác văn hóa dân gian của người Chăm trở thành sản phẩm du lịch đã khởi đầu từ năm 2004 theo chủ trương phục hồi văn hóa truyền thống, tôn trọng tính đa dạng của văn hóa và đoàn kết dân tộc. Không chỉ tại tháp Po Ina Nagar, diễn xướng văn hóa Chăm còn được phục dựng và trình diễn tại nhiều địa điểm tham quan khác như khu đền tháp Mỹ Sơn, cụ thể là chương trình ca múa nhạc dân gian của người Chăm như múa Apsara do người Việt trình diễn. Năm 2004 và 2005 là thời điểm tháp Po Ina Nagar có sự chuyển đổi về cơ cấu nhân sự và chủ trương khai thác, phát triển du lịch theo nhu cầu thị trường1. Do đó, yêu cầu về sản phẩm du lịch mang đậm sắc thái văn hóa địa phương trở nên rất cấp thiết. Trong lúc này, đại diện Ban quản lý tháp đã nhận định rằng sự hiện diện của văn hóa Chăm tại tháp Po Ina Nagar phản ánh bản sắc văn hóa của khu vực Nam Trung Bộ, cụ thể là Nha Trang (Khánh Hòa), nơi có sự giao thoa văn hóa giữa người Chăm và người Việt2. Bên cạnh những đoàn hành hương người Chăm mang đến những hoạt động trình diễn nghi lễ ấn tượng và sinh động với lễ vật dâng cúng, điệu múa của bà bóng người Chăm và âm nhạc tế lễ; văn hóa dân gian Chăm cần được quảng bá cho du khách trong và ngoài nước bằng những sản phẩm du lịch thực sự. Với chủ trương này, Ban quản lý tháp đã hướng đến một số sản phẩm văn hóa cụ thể như gốm Bàu Trúc, thổ cẩm (dệt vải) để mang về trưng bày tại tháp, đồng thời tạo điều kiện cho người Chăm đến tháp mở cửa hàng bán sản phẩm. Thế mạnh về nghi lễ diễn xướng cũng là một nguồn lực để khai thác sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để xây dựng một sản phẩm du lịch từ nghi lễ diễn xướng là một công việc rất khó khăn. Do đó, sản phẩm du lịch hướng đến nghệ thuật ca múa dân gian Chăm nhằm để phục vụ du khách trong thời gian ngắn, hướng đến sự giải trí và thu hút cái nhìn mới lạ. Ban quản lý tháp đã mời một số thành viên đại diện trong cộng đồng người Chăm ở huyện Ninh Phước, Phan Rang để cộng tác cùng xây dựng và tập luyện đội múa dân gian Chăm. Làng Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) là nơi đội múa và đánh trống được chọn lựa. Đây là làng Chăm vẫn còn gìn giữ nét văn hóa truyền thống lâu đời. Với yêu cầu của Ban quản lý tháp, cộng đồng làng Chăm Mỹ Nghiệp đã thống nhất và đồng thuận trong việc chọn lựa thành viên của đội múa Chăm, gồm các cô gái người Chăm và nghệ nhân đánh trống, thổi kèn. Hình thức cộng tác là thông qua hợp đồng của Trung tâm Bảo tồn Di tích với một số nghệ nhân biểu diễn múa và đánh trống ghi-năng, thổi kèn sanarai. Đội múa người Chăm thực hiện hợp đồng ngắn hạn theo mỗi 1 Phỏng vấn sâu cán bộ quản lý di tích (ông Ng.) 2 Phỏng vấn sâu thành viên Ban tổ chức nghi lễ (bà H.) 34 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI năm, vào năm 2019, mức lương của nghệ nhân khoảng 3 triệu/tháng và được cung cấp chỗ ở1. Đội múa biểu diễn hằng ngày, nhất là khi có đoàn khách du lịch đến tham quan. Ngoài tiền lương hằng tháng, thỉnh thoảng đội múa còn nhận được tiền tip của du khách. Một số điệu múa đã được trình diễn từ năm 2005 cho đến nay là múa đội lu, múa quạt và múa Apsara2. Đây là những điệu múa dâng lên cho nữ thần xứ sở của người Chăm, vừa có tính chất nghi lễ vừa giàu tính nghệ thuật dân gian. Vì vậy, các cô gái Chăm múa dưới chân tháp thờ nữ thần Po Ina Nagar là một hình ảnh đẹp phản ánh giá trị văn hóa truyền thống của người Chăm. Mặt khác, những điệu múa này không nặng về yếu tố tín ngưỡng thuần túy, có thể trình diễn ở không gian đền tháp hoặc trong không gian làng Chăm. Ngoài ra, những điệu múa do nghệ sĩ dân gian Chăm sáng tạo cũng giàu tính nghệ thuật và giải trí. Thời gian trình diễn là 15 phút/tiết mục trên sân trải tấm bạt (không trang trí sân khấu) nhằm đảm bảo tính chân thực khi tái hiện tiết mục múa dân gian Chăm3. 2.3.2. Hiệu quả của sản phẩm du lịch Một số sản phẩm du lịch của người Chăm ở tháp Po Ina Nagar góp phần lan tỏa văn hóa truyền thống của người Chăm ra khỏi không gian làng Chăm và hội nhập vào không gian du lịch. Đây được xem là một cách thức bảo tồn văn hóa truyền thống rất hiệu quả trong bối cảnh xã hội đương đại. Bên cạnh đó, phương pháp bảo tồn này còn có ý nghĩa thực tiễn là khẳng định thương hiệu của sản phẩm du lịch như gốm Chăm, thổ cẩm Chăm và múa dân gian Chăm. Trong bối cảnh phát triển du lịch, văn hóa truyền thống đứng trước hai xu thế, hoặc là hội nhập, biến đổi để phát triển hoặc tự tách ra khỏi bối cảnh hiện đại với nỗ lực bảo tồn trong không gian truyền thống. Sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch của người Chăm đã đáp ứng xu hướng thứ nhất, đã vươn ra khỏi không gian truyền thống làng Chăm để du khách chiêm ngưỡng tại một địa điểm thiêng. Ông Th. là người đi đầu trong chủ trương và thực hiện kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch, cho rằng việc xây dựng sản phẩm du lịch mang lại hai lợi ích cơ bản là phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Chăm, nuôi dưỡng văn hóa Chăm trong hoàn cảnh mới và tạo điều kiện thu nhập cho nghệ nhân để họ dành tâm huyết bảo tồn văn hóa bằng chính hoạt động nghệ thuật của mình. Sự tham gia của cộng đồng với tư cách là người cộng tác và hưởng lợi đã phản ánh cụ thể trong quá trình gắn bó với hoạt động trình diễn sản phẩm du lịch trong suốt thời gian dài với một mức thù lao vừa phải. Mức thù lao hợp đồng dành cho nghệ nhân biểu diễn tăng dần qua nhiều năm, đáp ứng một phần nhu cầu việc làm trong hoàn cảnh khó khăn về sinh kế. Trong trường hợp nghệ nhân C. (Phan Rang, Ninh Thuận) là người đã gắn bó với đội múa Chăm hơn 10 năm, phụ trách chơi trống ghi-năng, vốn xuất phát từ niềm say mê với văn hóa, nghệ thuật dân gian Chăm và mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống đang mai một, do đó đã tham 1 Phỏng vấn sâu nghệ nhân (ông C.) 2 Tư liệu quan sát tham gia tại tháp Po Ina Nagar (2019) 3 Tư liệu quan sát tham gia (đã dẫn). TẠP CHÍ KHOA HỌC − SỐ 40/2020 35 gia đội múa để đưa làn điệu dân gian của dân tộc mình đến với du khách trong và ngoài nước. Ông C. cho rằng thu nhập hằng tháng khá thấp nhưng khoản tiền tip của du khách khá lớn đã đóng góp thêm vào thu nhập, cùng với niềm say mê và trách nhiệm bảo tồn văn hóa truyền thống đã giúp ông trụ vững cùng đội múa hơn một thập kỉ qua. Múa Chăm, gốm Chăm và thổ cẩm Chăm là những sản phẩm du lịch đầu tiên và thành công tại tháp Po Ina Nagar tính đến thời điểm hiện nay. Trong đó, múa Chăm là sản phẩm diễn xướng độc đáo nhất tạo nên hiệu quả giải trí và tái tạo cảm xúc cho du khách. Hơn thế, múa Chăm diễn ra trong không gian tín ngưỡng kết hợp với nghi lễ tạ ơn của người Chăm hành hương thực sự đã kiến tạo hình ảnh văn hóa của cộng đồng người Chăm. Đây cũng là hàm ý quảng bá văn hóa trong phát triển du lịch, cụ thể là du khách không cần phải đến các làng Chăm cũng có thể chiêm ngưỡng và tìm hiểu văn hóa Chăm trong một điểm đến du lịch vốn đã biểu hiện một cách chân thực nghi lễ diễn xướng truyền thống, cùng với sự tăng cường hỗ trợ và minh họa của sản phẩm du lịch. Mặc dù trải qua 15 năm hình thành và phát triển, song các sản phẩm du lịch của người Chăm đã đạt đến trạng thái bão hòa về lượng và chất, chỉ diễn ra sự thay đổi về nhân sự. Đối với vấn đề này, tồn tại nhiều quan điểm tranh luận khác nhau, một là quan điểm của nhà quản lý trước đây cho rằng sản phẩm du lịch của người Chăm được xây dựng với mục đích chính là bảo tồn văn hóa và lan tỏa cái đẹp của văn hóa đến du khách, tạo thêm sức hấp dẫn cho điểm đến, nhưng không phá vỡ tính chất ổn định, cổ kính của không gian thiêng; hai là quan điểm của những nhà quản lý hiện nay cho rằng cần tăng cường thêm sản phẩm du lịch bên cạnh sản phẩm du lịch của người Chăm đã tồn tại nhiều năm nay. Cả hai quan điểm trên đều hướng đến mục tiêu bảo tồn văn hóa. Trong chủ trương phát triển du lịch ở điểm thiêng các nhà quản lý hiện nay ở Khánh Hòa đều thống nhất không thương mại hóa, không phát triển du lịch bằng mọi giá. Thành công tiếp theo của sản phẩm du lịch của người Chăm đó là tính hiệu quả của mô hình du lịch dựa trên sự tham gia của cộng đồng, trong đó các thành viên của cộng đồng được tham gia và hưởng lợi từ hoạt động này, thể hiện qua một số đặc điểm như sau: cộng đồng có quyền thảo luận để lựa chọn người tham gia (giai đoạn đầu), người tham gia là nghệ nhân dân gian với khả năng chơi trống hoặc những cô gái có niềm đam ca múa được cộng đồng tuyển chọn; chính sách thù lao và ràng buộc trách nhiệm; thu nhập từ hoạt động biểu diễn được chia sẻ cho các thành viên trong đội múa; hỗ trợ về chỗ ở và chế độ nghỉ phép. Tóm lại, thông qua những phát hiện của nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của khai thác nguồn lực văn hóa trong phát triển song cần phải đảm bảo tính bền vững của văn hóa và du lịch. Mặc dù sản phẩm văn hóa giàu tính giải trí và thẩm mĩ song sự chân thực của trình diễn văn hóa vẫn luôn tạo sức hút đối với trải nghiệm của du khách. Do vậy, đối với những địa điểm di sản giàu giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống, cần thiết phải vận dụng chính sự phát triển của du lịch trở thành cơ hội bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đồng thời việc khai thác cần dựa trên quá trình tham gia của cộng đồng địa phương. 3. KẾT LUẬN 36 TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI Sự phát triển của du lịch đại chúng tác động lên kinh tế - xã hội và văn hóa mang đến lợi ích song cũng hàm chứa ảnh hưởng tiêu cực. Trong bối cảnh phát triển du lịch di sản của tháp Po Ina Nagar, khai thác nguồn lực văn hóa, xây dựng sản phẩm du lịch vừa là giải pháp tăng sức hút của điểm đến đồng thời là cơ hội để bảo tồn văn hóa. Tuy nhiên, quá trình này cần thiết phải đảm bảo sự tham gia của cộng đồng, trao đổi ý kiến và trình diễn nghi lễ. Nhu cầu trải nghiệm của du khách không chỉ đến từ phong cảnh, kiến trúc mà còn đến từ hoạt động nghi lễ, lễ hội hoặc những diễn xướng dân gian truyền thống giàu tính nghệ thuật. Nghiên cứu này cũng cho thấy xu hướng xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với trình diễn văn hóa của cộng đồng địa phương, đồng thời hạn chế hoạt động nghệ thuật dàn dựng mà để cho diễn xướng, nghi lễ, lễ hội, hành hương diễn ra chân thật. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng gợi mở về cách thức gia tăng sự tham gia của cộng đồng địa phương đối với bảo tồn văn hóa truyền thống. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Attride-Stirling (2001), “Thematic networks: An analytic tool for qualitative research”, Qualitative Research1 (3): 385 – 405. 2. Maspero, Georges (1928), Le royaume de Champa, Les Edition G. Van Oest, Paris et Bruxelles. 3. Nguyễn Công Bằng (2000), Khái quát về văn hóa tiền - sơ sử Khánh Hòa, Khánh Hòa diện mạo một vùng đất (tập 2), Phân Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Khánh Hòa. 4. Okazaki, E. (2008), “A Community-Based Tourism Model”, Journal of Sustainable Tourism16 (5): 511 – 530. 5. Parmentier, Henri (1902), “Le sanctuaire de Po – Nagar ở Nha trang”, Bulletin de l'Ecole franҫcaise d'Extrême-Orient (2), pp.17 – 54. HERITAGE TOURISM DEVELOPMENT AS SEEN FROM EXPLOITING CULTURAL RESOURCES Abstract: In heritage tourism, exploiting cultural products is a new trend of community- based tourism development. The attraction of heritage tourism is not only historical, architecture values but also tourism products based on folk performing and ceremonies. This thereby helps to spread the traditional cultural practices of the community to the visitors. This is a case study conducted in Po Ina Nagar Tower (Nha Trang City, Khanh Hoa Province, Vietnam). Po Ina Nagar Tower is a historical and architectural heritage that worship the Goddess in the Southern Central. The purpose of this research is identifying cultural resources and tourism products constructed during tourism development by qualitative method including participant observation and in-depth interview. The main findings are as follows: festivals and folk performances are one of the cultural resources for tourism development; building sustainable and effective tourism products with the local communities as participants. The research was expected to bring recommendations to community-based tourism development to sustain and balance the relationship between tourism and culture. Keywords: Cultural resources, tourism products, ritual/festival, community-based tourism, Po Ina Nagar Tower.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfphat_trien_du_lich_di_san_duoi_goc_nhin_khai_thac_nguon_luc.pdf