Bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện
nay đang đặt ra những yêu cầu ngày càng
cao đối với hướng dẫn viên du lịch. “Hướng
dẫn viên như đại sứ văn hóa cho một quốc gia
chứ không đơn thuần là người giới thiệu điểm
đến”. Vì vậy, hướng dẫn viên phải đảm bảo có
đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết, và có
“thái độ, cách nhìn đúng đắn về nghề nghiệp
của mình” [4].
Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chất
lượng cao là cả một quá trình lâu dài đòi hỏi
một hệ thống giải pháp đồng bộ và sự tham
gia, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo,
doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về du
lịch trong đào tạo và tuyển dụng. Bên cạnh đó,
mỗi hướng dẫn viên tương lai cần phải thực
sự nỗ lực, học tập, rèn luyện để ngày càng đáp
ứng một cách nhanh nhất các tiêu chuẩn của
một hướng dẫn viên du lịch chất lượng cao. Hy
vọng rằng, những giải pháp mà bài viết đưa ra
có thể góp một phần nhỏ bé vào định hướng
quá trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch chất
lượng cao ở Việt Nam, từ đó góp phần nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt
Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
10 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 387 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bàn về đào tạo hướng dẫn viên du lịch chất lượng cao, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Số 30 (Tháng 12 - 2019)100
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
Đặt vấn đề
Du lịch hiện nay đã được khẳng định là một hiện tượng kinh tế xã hội phổ biến bởi nó diễn ra ở mọi nơi,
mọi thời điểm và gần như là ở mọi tầng lớp
trong xã hội. Du lịch được coi là một tiêu chí
quan trọng để đánh giá chất lượng đời sống
trong xã hội hiện đại. Trong những năm gần
đây, du lịch Việt Nam đã có những bước phát
triển mạnh mẽ. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày
16/01/2017 của Bộ Chính trị về Phát triển du
lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã
khẳng định: “Mười lăm năm qua, ngành Du lịch
đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những
kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Tốc độ tăng
trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm,
khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Năm 2016,
số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt
người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách
du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3
lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt
BÀN VỀ ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH
CHẤT LƯỢNG CAO
ĐỖ TRẦN PHƯƠNG
Tóm tắt
Hướng dẫn viên du lịch là một nhân tố rất quan trọng trong ngành kinh doanh du lịch nói chung
và kinh doanh lữ hành nói riêng. Hướng dẫn viên du lịch chính là người đại diện cho hình ảnh của một
quốc qua, một đại sứ không chính thức của đất nước, người trao các dịch vụ du lịch trong chuyến tour
đến du khách. Trong những năm gần đây, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch ở nước ta không ngừng tăng
lên và có đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của ngành Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên những hạn
chế về chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải đổi mới công
tác đào tạo. Trên cơ sở các tiêu chí về hướng dẫn viên du lịch chất lượng cao, soi chiếu vào thực trạng
đội ngũ hướng dẫn viên du lịch hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp đào tạo hướng dẫn viên du
lịch chất lượng cao, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối
cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Từ khóa: Hướng dẫn viên du lịch, đào tạo thực tế, nguồn nhân lực du lịch
Abstract
Tour guides are a very important factor in the tourism business in general and the travel business in
particular. Tour guide is the person who represents the image of a country, an unofficial ambassador,
who offers travel services on a tour to visitors. In recent years, the tour guide in our country has
constantly increased and contributed significantly to the growth of Vietnam’s tourism industry.
However, the limitations in quality of the tour guide team are making an urgent need to renovate the
training. Based on the criteria of high-quality tour guides, reflecting on the current situation of the tour
guide, the article proposes solutions for training high-quality tour guides, to contribute to improving
the quality of Vietnam’s tourism human resources in the context of integration and globalization.
Keywords: Tour guides, practical training, tourism human resources
Số 30 (Tháng 12 - 2019) 101
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
TRAO ĐỔI - NGHIỆP VỤ
6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP”
và “Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang
góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và
xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di
sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều
việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh
quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh
đất nước, con người Việt Nam” [1]. Tuy nhiên,
nhìn sang các nước láng giềng như Thái Lan,
Singapore, có thể nhận thấy rằng, sự phát triển
kinh tế du lịch của chúng ta còn chưa tương
xứng với tiềm năng. Nguyên nhân có rất nhiều:
Cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch đặc thù, chính
sách xúc tiến quảng bá Đặc biệt trong đó có
nguyên nhân thuộc về chất lượng nguồn nhân
lực của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch - một đại
sứ hình ảnh của đất nước, người thay mặt công
ty du lịch chuyển giao, kết nối toàn bộ dịch vụ
du lịch đến với du khách. Thành bại của một
chương trình du lịch phụ thuộc rất nhiều vào
khả năng của hướng dẫn viên du lịch. Vì vậy,
đào tạo hướng dẫn viên du lịch chất lượng cao
đang là vấn đề đặt ra hiện nay.
1. Hướng dẫn viên du lịch chất lượng cao -
Khái niệm và tiêu chí
1.1. Khái niệm
Về khái niệm hướng dẫn viên du lịch, tác
giả Bùi Thanh Thuỷ trong cuốn Nghiệp vụ
hướng dẫn du lịch đã đưa ra khái niệm như
sau: “Hướng dẫn viên du lịch là những người
có chuyên môn làm việc cho các tổ chức kinh
doanh du lịch với nhiệm vụ tổ chức thực hiện
các chương trình du lịch đã được ký kết trên
thực tế nhằm đảm bảo đúng kế hoạch và
đáp ứng các nhu cầu được thoả thuận của du
khách. Chỉ dẫn và cung cấp lời thuyết minh về
các điểm du lịch. Giải quyết những vấn đề phát
sinh trong quá trình thực hiện chương trình du
lịch trong phạm vi, quyền hạn, khả năng của
mình và tạo ra những ấn tượng tích cực cho
khách du lịch” [6, tr.34].
Qua khái niệm này, tác giả đã khái quát
tương đối đầy đủ những công việc chính mà
hướng dẫn viên phải làm, đó là:
- Tổ chức thực hiện các chương trình đã
được ký kết đáp ứng nhu cầu của du khách;
- Cung cấp lời thuyết minh về các điểm du
lịch;
- Xử lý tình huống phát sinh;
- Tạo được ấn tượng tích cực cho khách du
lịch.
Trên cơ sở đó, có thể đưa ra cách hiểu về
khái niệm hướng dẫn viên du lịch chất lượng
cao như sau: Hướng dẫn viên du lịch chất lượng
cao là hướng dẫn viên du lịch có khả năng đáp
ứng cao nhất các nhu cầu của khách trong
chuyến hành trình của họ từ vấn đề an toàn, an
ninh, thưởng thức các dịch vụ du lịch, vui chơi
giải trí, phục hồi sức khoẻ, thẩm nhận giá trị
văn hoá lịch sử trên tuyến điểm du lịch cũng như
cung cấp hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác về
tuyến, điểm du lịch cùng những thông tin khác
trong chuyến đi và tạo ra ấn tượng tốt đẹp cho
du khách.
1.2. Tiêu chí
Bàn về hướng dẫn viên du lịch chất lượng
cao, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ
(USAID) trong cuốn Hướng tới sự chuyên nghiệp
trong hướng dẫn du lịch đã đưa ra 20 tiêu chí
để tạo nên hướng dẫn viên du lịch chất lượng
cao như sau:
1. Chuẩn bị chu đáo trước chuyến đi
2. Nắm được thông tin về đoàn khách trước
chuyến đi
3. Nhanh chóng cung cấp thông tin cơ bản,
hữu ích liên quan đến vấn đề an toàn, thoải
mái và những thông tin liên quan đến vui chơi
giải trí của chuyến đi
4. Nói to và rõ ràng
5. Sử dụng ngôn ngữ trung tính và hấp dẫn
6. Sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ một
cách có mục đích
7. Lôi kéo du khách vào trong hoạt động
hướng dẫn (cả lời nói và hoạt động)
8. Trong vòng một giờ, hỏi từ 2 đến 3 câu
hỏi kích thích sự suy nghĩ của du khách
Số 30 (Tháng 12 - 2019)102
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
9. Sử dụng chiến lược im lặng ít nhất một
lần trong quá trình hướng dẫn tour
10. Sử dụng những dụng cụ hỗ trợ trong
quá trình hướng dẫn
11. Đưa ra được những chủ đề mạnh, hấp
dẫn trong khi thuyết minh
12. Chuẩn bị cấu trúc của một bài thuyết
minh (phần mở đầu, thân bài, kết luận và
chuyển ý sang nội dung thuyết minh khác)
13. Gợi ý những cuộc trao đổi với du khách
liên quan đến chủ đề trong điều kiện cho phép
14. Luôn trong tư thế sẵn sàng xác định và
thảo luận về những loài chim bản địa và những
loài sinh vật bản địa hoang dã khác
15. Thuyết minh thoát ly khỏi văn bản với
sự thoải mái và tư thế đĩnh đạc
16. Lường trước được những tình huống
phải giảng giải ngoài chủ đề
17. Lường trước và giải quyết được những
câu hỏi khó
18. Luôn mang theo những thiết bị phù
hợp phục vụ cho sự an toàn của du khách và
sự thuyết minh của hướng dẫn viên
19. Luôn luôn tự đánh giá bản thân sau mỗi
chuyến tour
20. Luôn đi kèm du khách trong điều kiện
thích hợp [6, tr.99].
Có thể nói rằng, 20 tiêu chí đối với hướng
dẫn viên du lịch chất lượng cao nói trên, về cơ
bản là tương đối toàn diện. Tuy nhiên, để áp
dụng trong điều kiện ở Việt Nam thì chúng ta
cần thêm một số tiêu chí sau:
1. Sức khoẻ tốt
2. Khả năng xử lý tình huống
3. Khả năng phối hợp với lái xe, trưởng
đoàn, những cơ sở cung cấp dịch vụ và cả
người dân địa phương
4. Khả năng hoạt náo, khả năng tổ chức trò
chơi, tổ chức Team building và Gala Dinner
5. Sự tận tâm, yêu nghề và trung thực trong
công việc.
2. Những khác biệt của đào tạo hướng dẫn
viên du lịch chất lượng cao so với đào tạo
đại trà
Đào tạo có thể hiểu là hoạt động nâng cao
kiến thức, kỹ năng, tay nghề, trình độ chuyên
môn, để người lao động có thể thực hiện hiệu
quả nhiệm vụ nghề nghiệp. Trong Thông tư số
23/2014/TT-BGDĐT quy định về đào tạo chất
lượng cao trình độ đại học đã chỉ ra điều kiện
cần thiết để có thể áp dụng hình thức đào tạo.
Không nằm ngoài quy định đó, đào tạo hướng
dẫn viên du lịch chất lượng cao cũng có một
số điểm khác với đào tạo đại trà, cụ thể như
sau [2]:
- Chất lượng đầu vào cao hơn: Đối với sinh
viên theo học hệ đào tạo hướng dẫn viên chất
lượng cao cần có điểm chuẩn cao hơn sinh
viên đại trà, yêu cầu khả năng ngoại ngữ tối
thiểu IELTS 5.5. Ngoài ra, cũng có thể xét một
số yếu tố khác như: ngoại hình, năng khiếu
- Đội ngũ giảng viên tốt hơn: Giảng viên phải
đạt chuẩn về kiến thức chuyên ngành du lịch,
có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động hướng
dẫn du lịch, có trình độ ngoại ngữ tốt để có thể
giảng dạy bằng tiếng Anh, có trình độ công
nghệ thông tin để có thể sử dụng các thiết bị
hiện đại
- Điều kiện học tập tốt hơn: Nếu như các hệ
đào tạo hướng dẫn viên thông thường một
lớp có sĩ số từ 50 đến 70 sinh viên, thì đối với
đào tạo chất lượng cao, con số này thấp hơn
nhiều, chỉ từ 20 đến 25 sinh viên một lớp. Các
điều kiện về cơ sở vật chất, phòng thực hành
phải đảm bảo.
- Chương trình đào tạo được thiết kế linh
hoạt để có thể bắt kịp với xu hướng của thị
trường du lịch. Lý thuyết phải kết hợp với thực
hành, thời lượng sinh viên được thực hành
hướng dẫn, thuyết minh tại các điểm du lịch
cụ thể phải chiếm tối thiểu 40% tổng thời gian
của môn học. Có thể một nửa thời lượng môn
học sinh viên được học bằng tiếng Anh hoặc
học trực tiếp với người nước ngoài. Điều này
sẽ đảm bảo được khả năng ngoại ngữ của sinh
viên khi ra trường.
Số 30 (Tháng 12 - 2019) 103
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
TRAO ĐỔI - NGHIỆP VỤ
- Chuẩn đầu ra của hệ đào tạo hướng dẫn
viên chất lượng cao cũng cao hơn so với đào
tạo đại trà, sinh viên ra trường có thể trở thành
một hướng dẫn viên với kiến thức chuyên môn
và trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng mềm,
đáp ứng được yêu cầu cao của khách du lịch
nói riêng, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực
du lịch chất lượng cao của thị trường du lịch
trong bối cảnh hội nhập nói chung.
3. Khái quát thực trạng đào tạo hướng dẫn
viên du lịch hiện nay
3.1. Thực trạng đội ngũ hướng dẫn viên
Trong những năm gần đây, đội ngũ hướng
dẫn viên du lịch đã góp phần không nhỏ vào
thành công của ngành Du lịch Việt Nam. Họ là
một trong những nhân tố quan trọng đóng góp
vào sự tăng trưởng của ngành Du lịch và quảng
bá bộ mặt, hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tính
đến cuối năm 2018, cả nước có 23.792 hướng
dẫn viên du lịch, trong đó có 15.080 hướng dẫn
viên du lịch quốc tế, 8.450 hướng dẫn viên du
lịch nội địa và 262 hướng dẫn viên du lịch tại
điểm. Theo website huongdanvien.vn, tính đến
cuối năm 2019, cả nước có 27.100 hướng dẫn
viên du lịch, tăng 12,6% so với năm 2018, trong
đó có 17.230 hướng dẫn viên du lịch quốc tế,
9.146 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 724
hướng dẫn viên du lịch tại điểm [8].
Có thể nhận thấy, số lượng đội ngũ hướng
dẫn viên du lịch ở nước ta tương đối hùng
hậu, tuy nhiên chất lượng vẫn còn nhiều hạn
chế. Xin được đưa ra 2 ý kiến đánh giá từ phía
doanh nghiệp. Tác giả Diệu Linh trong bài báo
“Làm gì để xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên
du lịch đủ và đạt chuẩn” đã dẫn ý kiến của bà
Phạm Thanh Tâm, Trưởng phòng Du lịch nội
địa, Công ty du lịch Vietrantour về thực trạng
hướng dẫn viên: “Hướng dẫn viên không những
phải có kiến thức cơ bản về điểm đến, hiểu biết
giá trị lịch sử văn hóa của điểm du lịch mà con
cần biết giải quyết vấn đề của du khách một cách
linh hoạt, bởi họ là người duy nhất có thể kết nối
trực tiếp với đơn vị tổ chức và công ty lữ hành khi
có những rắc rối xảy ra. Kỹ năng nghề nghiệp
này không phải hướng dẫn viên nào cũng đáp
ứng được, nhất là khi các chương trình đào tạo
hiện hành về nghề nghiệp vụ du lịch còn thiếu,
các trải nghiệm thực tế mang lại những kỹ năng
giải quyết tình huống, giao tiếp, ứng xử cho các
học viên” [4].
Với sự bất cập như trên, yêu cầu về đào
tạo thực tế tuyến điểm cho sinh viên ngay từ
khi còn ngồi trên giảng đường là vô cùng cần
thiết để tạo ra một nền tảng vững chắc tiếp
cận nghề nghiệp sau này.
Trong bài “Hướng dẫn viên du lịch - Thực
trạng và những định hướng nghề nghiệp” trên
Tạp chí Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, ThS.
Phan Đông Nhựt đã đưa ra hai thực trạng rất
đáng lo ngại:
Có rất nhiều lý do khiến tour bị “vỡ”, song lý
do quan trọng nằm ở chính hướng dẫn viên du
lịch. Một hướng dẫn viên chuyên nghiệp cần
biết giải quyết vấn đề của du khách một cách
linh hoạt, bởi họ là người duy nhất có thể kết
nối trực tiếp với đơn vị tổ chức và công ty lữ
hành khi có những rắc rối xảy ra. Thực trạng
hướng dẫn viên không đáp ứng được yêu cầu
của du khách vẫn là bài toán chưa có lời giải
của ngành Du lịch nói chung và các công ty
lữ hành nói riêng. Bởi nhiều hướng dẫn viên
“được” ngoại ngữ, thì lại “trống” hoàn toàn về
nghiệp vụ. Đó là chưa kể, không ít hướng dẫn
viên còn hành nghề “chui”, không có bằng cấp,
không có thẻ hành nghề. Điều này cho thấy,
đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đang “vênh”
giữa cung và cầu.
Tình trạng thiếu hướng dẫn viên du lịch
đến nay vẫn là vấn đề nan giải của ngành Du
lịch và chưa có giải pháp tháo gỡ từ nhiều năm
nay, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du
lịch quốc tế vừa yếu vừa thiếu chuyên nghiệp.
Số lượng khách du lịch tăng cao trong khi
hướng dẫn viên du lịch khan hiếm khiến cho
nhiều đơn vị kinh doanh du lịch buộc phải
“linh động” tuyển những người từng đi xuất
khẩu lao động nước ngoài để đào tạo thành
hướng dẫn viên. Tuy nhiên, những đối tượng
này giỏi ngoại ngữ nhưng lại “trống” về nghiệp
vụ, hổng về kiến thức văn hóa - xã hội, làm ảnh
hưởng đến chất lượng tour [5].
Số 30 (Tháng 12 - 2019)104
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
Từ thực tế nêu ra chúng ta thấy rằng, để cân
đối giữa vấn đề ngoại ngữ và kiến thức chuyên
sâu, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, để cân
đối giữa lý thuyết và thực hành cho sinh viên
luôn luôn là một vấn đề tồn tại lâu dài trong
các cơ sở đào tạo. Nguyên nhân của những tồn
tại hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực du
lịch nói chung, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch
nói riêng đã được Bộ Chính trị chỉ ra rất rõ ràng
trong Nghị quyết số 08-NQ/TW: “Công tác đào
tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa
được quan tâm đúng mức” [1].
3.2. Thực trạng đào tạo hướng dẫn viên
du lịch hiện nay
Nhận biết được nhu cầu đi du lịch ngày
càng tăng cao, lợi ích của ngành Du lịch đóng
góp vào sự phát triển kinh tế của quốc gia ngày
càng lớn, trong những năm gần đây Đảng và
Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho phát triển
du lịch, đặc biệt là đã có những chính sách ưu
tiên cho công tác đào tạo nguồn nhân lực có
chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo thống kê của ngành Du lịch, tính đến năm
2018, trên cả nước có 156 cơ sở đào tạo chuyên
ngành du lịch, bao gồm: 48 trường đại học, 43
trường cao đẳng (trong đó có 10 trường cao
đẳng nghề), 40 trường trung cấp (trong đó có
4 trường trung cấp nghề), 02 công ty đào tạo,
23 trung tâm, lớp đào tạo nghề, 01 trường duy
nhất trực thuộc doanh nghiệp chuyên đào tạo
chuyên ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng;
mỗi năm có khoảng 15.000 sinh viên ra trường
trong đó có khoảng 1/3 được đào tạo chuyên
ngành hướng dẫn viên du lịch [3]. Nhằm nâng
cao chất lượng đào tạo cũng như tạo ra những
tiêu chuẩn chung cho hướng dẫn viên, năm
2013 Tổng cục Du lịch đã đưa ra bộ tiêu chuẩn
nghề VTOS, trong đó quy định những kỹ năng,
kiến thức, hành vi, thái độ mà một hướng dẫn
viên cần có để đáp ứng yêu cầu công việc [7].
Những con số trên cho thấy nỗ lực của các
ban ngành, các cơ sở trong việc đào tạo nguồn
nhân lực du lịch nói chung và đội ngũ hướng
dẫn viên nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày
càng lớn của thị trường du lịch, tuy nhiên trong
quá trình đào tạo còn gặp khá nhiều bất cập:
Chương trình đào tạo: Chương trình đào
tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh
nghiệp du lịch, nội dung đa phần là lý thuyết
mà thiếu về thực hành. Thời gian thực tập của
sinh viên tại các doanh nghiệp quá ít, sinh viên
không có cơ hội tiếp cận thực tế, vì vậy sau khi
ra trường hầu như thiếu những kỹ năng cần
thiết, đặc biệt là ngoại ngữ. Do đó, để sinh viên
tốt nghiệp có thể trở thành hướng dẫn viên,
các doanh nghiệp sử dụng lao động buộc phải
có các chương trình đào tạo bổ sung theo yêu
cầu và mong muốn của doanh nghiệp.
Phương pháp đào tạo: Hướng dẫn viên du
lịch là công việc đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, đặc
biệt là sự nhanh nhạy, linh hoạt trong việc
xử lý các tình hướng trên đường tour. Nhưng
phương pháp đào tạo hiện nay không có sự
đổi mới, đa phần các cơ sở đào tạo đang sử
dụng phương pháp truyền thống, cung cấp
thông tin một chiều, thiếu sự tương tác giữa
giáo viên và sinh viên. Điều này không những
làm mất đi sự chủ động, sáng tạo, làm giảm đi
khả năng biện luận mà còn làm tăng sự ì ạch,
thụ động của sinh viên.
Chất lượng của đội ngũ giảng viên: Hầu hết
đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo được
tốt nghiệp từ các trường đại học thuộc khối
văn hóa, xã hội, quản trị kinh doanh, do đó,
kiến thức chuyên sâu về du lịch không nhiều,
trình độ ngoại ngữ, tin học chưa cao để có thể
ứng dụng những tiến bộ của công nghệ thông
tin vào giảng dạy. Đội ngũ này không tốt
nghiệp từ các trường sư phạm, nên phương
pháp sư phạm, cách thức truyền đạt nội dung
bài giảng cũng không thực sự hiệu quả. Ngoài
ra, các giảng viên chủ yếu là những người
được tiếp nhận vào giảng dạy ngay sau khi tốt
nghiệp ra trường, chưa từng trải qua công việc
của một hướng dẫn viên, trên thực tế, điều này
cũng làm cho bài giảng không thực sự sinh
động và hấp dẫn.
Cơ sở vật chất: Hầu hết cơ sở vật chất kỹ
thuật của các trường ở Việt Nam hiện nay còn
khá sơ sài, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo
chất lượng cao. Ví dụ: Diện tích trường quá nhỏ
hẹp dẫn đến giảng đường ít, số sinh viên/lớp
Số 30 (Tháng 12 - 2019) 105
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
TRAO ĐỔI - NGHIỆP VỤ
học quá đông gây ảnh hưởng đến chất lượng
giảng dạy. Số lượng các cơ sở thực hành tại các
trường rất ít, chủ yếu mới chỉ có ở các trường
dạy nghề, các trường đại học hầu như không
có, do đó sinh viên có rất ít cơ hội để tiếp cận
thực tế.
Đánh giá sinh viên trong quá trình đào tạo:
Tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn đè nặng lên
hệ thống giáo dục Việt Nam. Do đó, việc đánh
giá quá trình học tập của sinh viên chưa thực
sự khách quan và công bằng. Một số trường
cấp bằng loại khá, giỏi tràn lan, trong khi
những đối tượng này ra trường lại không có
khả năng tác nghiệp trên đường tour, không
thích nghi với thực tế công việc nhiều áp lực
của một hướng dẫn viên, điều này gây bức xúc
cho doanh nghiệp và làm giảm uy tín của cơ
sở đào tạo.
Liên kết giữa nhà trường và các đơn vị sử
dụng lao động: Hầu hết các trường đại học, cao
đẳng ở Việt Nam đang thiếu tính chủ động
trong việc tạo mối quan hệ với các doanh
nghiệp, các đơn vị tuyển dụng dẫn đến tình
trạng đào tạo không đáp ứng được các yêu
cầu mà doanh nghiệp đề ra, các doanh nghiệp
rất thờ ơ với các sinh viên vừa tốt nghiệp.
Tóm lại, dù đã có nỗ lực nhưng công tác
đào tạo hướng dẫn viên du lịch hiện nay còn
tồn tại nhiều bất cập. Thực trạng đó đặt ra yêu
cầu bức thiết phải đổi mới công tác đào tạo
để tạo những tiền đề cơ bản giải quyết vấn đề
nan giải này. Để có được lực lượng lao động
chất lượng cao đáp ứng được với yêu cầu và
nhu cầu xã hội, có thể cạnh tranh được với thị
trường khu vực và thế giới, thì cần có những
giải pháp đồng bộ và cụ thể.
4. Một số giải pháp đào tạo hướng dẫn viên
du lịch chất lượng cao
Để trở thành một hướng dẫn viên chất
lượng cao đòi hỏi một quá trình tích luỹ lâu
dài cả về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm
trên các đường tour của một hướng dẫn viên
chuyên nghiệp. Không một cơ sở đào tạo nào
có thể đào tạo một hướng dẫn viên sau khi ra
trường trở thành một hướng dẫn viên du lịch
chất lượng cao ngay được. Vấn đề quan trọng
ở đây chính là cơ sở đào tạo cần nhận thức
được những yêu cầu, điều kiện, tiêu chí để trở
thành một hướng dẫn viên chất lượng cao và
xây dựng các chương trình đào tạo hướng vào
những mục tiêu đó. Về cơ bản, các chương
trình đào tạo của các cơ sở đào tạo du lịch
đang tập trung chuyên sâu vào các mảng đào
tạo kiến thức cho hướng dẫn viên. Đây là một
hoạt động rất đúng nhưng chưa đủ. Kiến thức
đối với hướng dẫn viên du lịch vô cùng quan
trọng, nhưng những kiến thức đó cần phải
được thể hiện trên thực tế và những kiến thức
này cũng cần phải được kết hợp bền chặt với
những kỹ năng mềm khác. Theo chúng tôi, để
đào tạo ra những hướng dẫn viên du lịch chất
lượng cao, các cơ sở đào tạo cần chú trọng đào
tạo chuyên sâu thêm 5 mảng thuộc về kiến
thức và kỹ năng chuyên sâu dưới đây:
4.1. Học tập thực tế
Có thể nói, đây là vấn đề khó nhất trong
các cơ sở đào tạo hiện nay, bởi học tập thực tế
gắn liền với chi phí mà hầu như sinh viên phải
tự đóng góp thêm. Thực tế là tất cả các giảng
viên, sinh viên, nhà tuyển dụng đều nhận thức
sâu sắc được tầm quan trọng của học tập thực
tế trên các đường tour trong vấn đề nâng
cao khả năng của sinh viên. Tuy nhiên, vấn
đề vướng mắc lớn nhất đó là kinh phí. Trong
khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đưa ra một
số gợi ý những tour thực tế dành cho các cơ
sở đào tạo hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội
như sau:
* Tour 1 ngày:
a. Hà Nội - Bắc Ninh: Hà Nội - Chùa Dâu -
Chùa Bút Tháp - Làng Tranh Đông Hồ - Đền Đô
- Đình Bảng - Chùa Phật Tích - Hà Nội.
b. Hà Nội - Nam Định: Hà Nội - Đền Trần -
Chùa Phổ Minh - Chùa Cổ Lễ - Phủ Giầy - Hà
Nội.
c. Hà Nội - Ninh Bình: Hà Nội - Chùa Bái
Đính - Khu sinh thái Tràng An - Hà Nội;
Hoặc: Hà Nội - Bái Đính - Đền Vua Đinh, Lê -
Nhà thờ Đá Phát Diệm - Hà Nội.
d. Hà Nội - Hà Tây (cũ): Hà Nội - Chùa Hương
- Hà Nội;
Số 30 (Tháng 12 - 2019)106
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
Hoặc: Hà Nội - Thành cổ Sơn Tây - Chùa Mía
- Đền Và - Làng cổ Đường Lâm - Hà Nội.
* Tour dài ngày:
a. Hà Nội - Hải Dương - Quảng Ninh: Hà Nội
- Côn Sơn - Kiếp Bạc - Yên Tử - Hạ Long - Hà Nội
(3 ngày/2 đêm).
b. Hà Nội - Lào Cai: Hà Nội - Sapa - Bắc Hà -
Hà Nội (4 ngày/3 đêm).
c. Hà Nội - Thanh Hóa: Hà Nội - Sầm Sơn - Hà
Nội (2 ngày/1 đêm).
d. Hà Nội - Nghệ An: Hà Nội - Cửa Lò - Quê
Bác - Hà Nội (3 ngày/2 đêm).
e. Hành Trình di sản miền Trung: Hà Nội -
Quê Bác - Ngã Ba Đồng Lộc - Khu mộ Đại tướng
Võ Nguyên Giáp - Phong Nha, Kẻ Bàng - Nghĩa
Trang Liệt sĩ Trường Sơn - City tour Huế - City
tour Đà Nẵng - Phố cổ Hội An - Thánh địa Mỹ
Sơn - Hà Nội (7 ngày/6 đêm).
Tất cả các tour này đều là những tour rất
quan trọng và đang được kinh doanh một
cách hiệu quả trên thị trường tour. Tuỳ theo
điều kiện về chương trình khung, tuỳ theo khả
năng kinh tế mà các trường có thể lựa chọn
những đường tour cho phù hợp. Tuy nhiên, dù
chọn nhiều hay chọn ít, mỗi chuyến đi thực tế,
các cơ sở đào tạo phải xác định được những
điều sinh viên trực tiếp thu nhận được qua mỗi
chuyến đi thực tế như sau: Nắm bắt được cung
đường của tuyến du lịch, những điểm nhấn
cần giới thiệu trên tuyến; giúp sinh viên giới
thiệu được những điểm đặc sắc trên tuyến,
hiểu được những giá trị văn hoá của các điểm
du lịch; nắm bắt được những cơ sở dịch vụ
phục vụ khách trên tuyến và tại điểm du lịch;
tổ chức được các hoạt động hoạt náo trên xe;
so sánh được những phong cách hướng dẫn
của hướng dẫn viên suốt tuyến và hướng dẫn
viên tại điểm; tiếp cận với phương pháp xử lý
tình huống.
4.2. Đào tạo kỹ năng hoạt náo, tổ chức
Gala dinner, team building
Du khách trong quá trình đi du lịch, ngoài
mục tiêu là thẩm nhận giá trị văn hoá vật thể
và phi vật thể đặc sắc, còn mong muốn được
nghỉ ngơi giải trí trong chuyến hành trình du
lịch. Bởi vậy, khả năng hoạt náo, tổ chức Team
Building và Gala Dinner của hướng dẫn viên
dành cho du khách góp phần không nhỏ vào
sự thành công của chuyến tour.
Các cơ sở đào tạo phải có chương trình
đào tạo cụ thể cho hướng dẫn viên về kỹ năng
hoạt náo trên phương tiện di chuyển (mà cơ
bản là trên xe ô tô). Thời gian ngồi trên xe ô tô
Bảng 1. Một số tuyến du lịch cần được đào tạo về tiếng Anh chuyên ngành
Thời gian Nội dung
Buổi 1 - 3 Những câu thông dụng thường dùng khi giao tiếp với khách: Gặp mặt, trên xe, nhà hàng, khách sạn, thông báo
Buổi 4 - 5 Một số kỹ năng mềm trong hoạt động hướng dẫn du lịch (thuyết trình, ngôn ngữ cơ thể, chọn vị trí, quan sát đoàn khách)
Buổi 6 - 7
Tour 1: City tour: Xây dựng bài thuyết minh, tập thuyết minh các điểm:
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hồ Tây - Chùa Trấn Quốc, Hồ Hoàn Kiếm - Đền
Ngọc Sơn, Phố cổ - Bảo tàng Dân tộc học, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh -
Phủ Chủ tịch
Buổi 8 – 9 Tour 2 Xây dựng bài thuyết minh, tập thuyết minh tuyến: Hà Nội - Chùa Hương (1 ngày)
Buổi 10 - 11 Tour 3: Xây dựng bài thuyết minh, tập thuyết minh tuyến Hà Nội - Ninh Bình (1 ngày)
Buổi 12 - 13 Tour 4: Xây dựng bài thuyết minh, tập thuyết minh tuyến Hà Nội - Mộc Châu (2 ngày/1 đêm)
Số 30 (Tháng 12 - 2019) 107
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
TRAO ĐỔI - NGHIỆP VỤ
của du khách trong quá trình đi du lịch ở Việt
Nam thường là khá dài. Vậy làm thế nào để cho
du khách ngồi trên xe không cảm thấy nhàm
chán, mệt mỏi bởi thời gian di chuyển quá
lâu thì ngoài những lời thuyết minh, hướng
dẫn trên tuyến, kỹ năng hoạt náo đan xen của
hướng dẫn viên là vô cùng quan trọng. Hướng
dẫn viên phải được đào tạo về những vấn đề
sau để đảm bảo kỹ năng hoạt náo tốt:
- Khả năng hát
- Khả năng kể chuyện cười
- Khả năng tổ chức trò chơi
Đối với kỹ năng tổ chức Team Building và
Gala Dinner thì đây gần như là một yêu cầu bắt
buộc đối với một hướng dẫn viên du lịch chất
lượng cao khi tổ chức cho khách những tour
đi biển trong dịp hè. Ngoài tắm biển, khi tham
gia vào các chương trình du lịch theo tập thể,
du khách còn mong muốn được tham gia vào
những trò chơi mang tính tập thể để được giao
lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các thành
viên. Hiện nay, gần như các cơ quan, nhà máy,
xí nghiệp đều tổ chức cho cán bộ công nhân
viên đi du lịch vào các dịp hè nên các hướng
dẫn viên cũng phải được đào tạo đa dạng hoá
về kỹ năng hoạt náo, trò chơi Team Building
và các kịch bản Gala Dinner để tránh trùng
lặp. Ngoài sự hướng dẫn, đào tạo của giảng
viên, mỗi hướng dẫn viên tương lai cũng phải
tự nghĩ những trò chơi, kịch bản Gala Dinner
mang dấu ấn cá nhân, phù hợp nhất với khả
năng của mình để tránh trùng lặp với những
hướng dẫn viên khác.
4.3. Kỹ năng thuyết trình
Đây là vấn đề cũng khá quan trọng. Lượng
kiến thức mà hướng dẫn viên biết chỉ được coi
là điều kiện cần. Vấn đề hướng dẫn viên thể
hiện những kiến thức đó như thế nào mới là
quan trọng. Trên thực tế có rất nhiều hướng
dẫn viên có kiến thức uyên thâm nhưng vì
không có kỹ năng thuyết trình dẫn đến bài
nói của hướng dẫn viên trở nên khô khan,
gây nhàm chán, thậm chí còn gây ức chế cho
du khách bởi phải nghe quá nhiều thứ mà họ
không cảm thấy hấp dẫn.
Vấn đề quan trọng nhất cần chú ý trong
đào tạo thuyết trình cho sinh viên là phải tập
trung vào mấy vấn đề:
- Nói cái gì? (Nội dung thuyết trình)
- Nói cho ai? (Đối tượng người nghe)
- Nói như thế nào? (Cách thức truyền tải)
Về nội dung thuyết trình, vì đây là đào
tạo hướng dẫn viên du lịch nên nội dung các
bài thuyết trình nên xây dựng những chủ đề
thuyết minh theo tuyến, điểm du lịch; thuyết
minh về giá trị văn hoá của một vùng, một dân
tộc; phong tục, tập quán, ẩm thực; hay những
vấn đề chung như tình hình kinh tế, chính
trị, tôn giáo, giáo dục, y tế ở Việt Nam. Đây là
những chủ đề du khách rất quan tâm. Giảng
viên hướng dẫn sinh viên xây dựng bài nói
theo lộ trình từ ngắn đến dài, từ cơ bản đến
chuyên sâu về những vấn đề trên.
Về cách thức truyền tải, giảng viên hướng
dẫn tập rèn cho sinh viên những kỹ năng:
- Giọng nói: to, rõ ràng, có sự thay đổi (âm
lượng, cao độ, cường độ) để tránh sự đơn điệu
trong giọng nói.
- Ngôn ngữ cơ thể: cử chỉ điệu bộ, thế đứng,
dáng đứng, giao tiếp bằng mắt.
4.4. Đào tạo Ngoại ngữ và Hán Nôm
* Ngoại ngữ
Nếu hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp
muốn làm hướng dẫn viên cho khách Inbound
và khách Outbound thì nhất thiết phải thành
thạo ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói
riêng.
Hiện nay, các cơ sở đào tạo hầu hết đều
có những học phần ngoại ngữ chuyên ngành
dành cho đào tạo hướng dẫn viên du lịch. Các
học phần này đã góp phần nâng cao trình độ
tiếng Anh cho hướng dẫn viên. Tuy nhiên, các
chương trình này vẫn thiên nhiều về lý thuyết.
Để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường
hướng dẫn viên du lịch Inbound, nhà trường
nên kết hợp với các công ty du lịch, mời những
hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, kết
hợp cùng với giảng viên đào tạo những kiến
thức thực tế về hướng dẫn du lịch trên những
Số 30 (Tháng 12 - 2019)108
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
đường tour cụ thể chắc chắn sẽ tạo ra được
những hứng thú và hiệu quả cho sinh viên
trong việc nâng cao chất lượng học ngoại ngữ
chuyên ngành. Ở đây, chúng tôi đề xuất một
số tuyến cơ bản cần được đào tạo về tiếng Anh
chuyên ngành, được trình bày trong Bảng 1.
* Hán Nôm
Nếu chuyên sâu vào khách du lịch nội địa,
hướng dẫn viên du lịch cần phải có khả năng
Hán Nôm nhất định. Lý do là bởi trong các
chương trình du lịch nội địa, ngoài các tháng
hè sôi động từ khoảng tháng 6 đến tháng 9
cho các tour du lịch biển, những tháng còn lại,
các hoạt động du lịch tập trung chủ yếu vào
các chương trình du lịch văn hoá, tham quan
các di tích lịch sử văn hoá như đình, chùa, đền,
miếu, lăng tẩm. Hầu hết các di tích này đều
có hệ thống hoành phi câu đối bằng chữ Hán
Nôm (chủ yếu là chữ Hán). Tuy nhiên, hầu hết
hướng dẫn viên không thể đọc được. Mà đã
không đọc được thì không thể chuyển tải giá
trị văn hoá của di tích đến với du khách bởi giá
trị lịch sử, văn hoá của di tích kết tinh một hàm
lượng rất lớn trong hệ thống hoành phi câu đối
này. Xin đơn cử một ví dụ, hầu hết hướng dẫn
viên du lịch khi đưa khách đến Văn Miếu, dừng
trước cửa tam quan của Văn Miếu chỉ đọc được
3 chữ “Văn Miếu Môn” bởi chữ này đã cố định ở
vị trí đó, dễ nhận ra và được các tài liệu đề cập
khá nhiều. Còn những câu đối rất hay ở tứ trụ
nhằm tôn vinh đức Khổng Tử, đạo Nho và Văn
Miếu thì hầu như hướng dẫn viên không đọc
được. Chẳng hạn, một câu đối rất hay ở Tứ Trụ:
Đạo nhược lộ nhiên, đắc kỳ môn nhi nhập
Thánh tức thiên dã, bất khả giai nhi thăng.
Tạm dịch:
Đạo học (ý chỉ đạo Nho) như con đường, ai
tìm thấy cửa (tìm thấy phương pháp học tập
đúng đắn) thì nhập được vào đạo học này
Thánh (chỉ đức Khổng Tử) là trời cao, không
thang nào có thể với tới được (ý là không ai có
thể sánh với ngài được).
Nếu đọc được một câu đối này và giới thiệu
được cho du khách thì chắc chắn bài thuyết
minh về Văn Miếu của hướng dẫn viên sẽ sâu
sắc và hấp dẫn hơn. Điều đó cho thấy, đào tạo
Hán Nôm cho hướng dẫn viên du lịch là hết
sức cần thiết. Hơn nữa, việc hiểu và đọc được
một số từ tiếng Hán cơ bản giúp hướng dẫn
viên sử dụng tiếng Việt trong sáng hơn, chuẩn
mực hơn.
Tuy nhiên, rất nhiều cơ sở đào tạo cho rằng
Hán Nôm rất khó và với một thời lượng tương
đối ít ỏi từ 3 - 5 tín chỉ thì học chỉ mang tính
“cưỡi ngựa xem hoa”. Thực ra điều đó chưa
hoàn toàn đúng. Chúng ta không yêu cầu
hướng dẫn viên du lịch phải đọc được tất cả
hệ thống câu đối, nhưng những hoành phi
hay một số nội dung cơ bản ở bài văn bia (tên
bia, niên đại, người soạn bia) thì hoàn toàn
người học chỉ cần vốn tiếng Hán từ 700 - 1.000
chữ là hoàn toàn có thể đọc được. Vấn đề đặt
ra ở đây là cơ sở đào tạo thiết kế chương trình
học Hán Nôm phải là Hán Nôm du lịch, các chữ
Hán Nôm trong chương trình học phải được
hệ thống hoá từ hệ thống hoành phi, câu đối
ở đình, chùa, lăng, miếu,... đang được khai thác
trong kinh doanh du lịch, đang là điểm đến hấp
dẫn du khách. Bên cạnh đó, một phương pháp
giảng dạy kết hợp với những công cụ như máy
chiếu, hệ thống từ điển về Hán Nôm Online,
chắc chắn trong vòng từ 3 - 5 tín chỉ, sinh viên
có thể nắm bắt được một số chữ Hán Nôm cơ
bản, từ đó làm nền tảng để sinh viên tự học
thêm dựa vào phương pháp tra cứu từ điển.
4.5. Đào tạo kiến thức chung về lịch sử văn
hoá Việt Nam
Trong quá trình tác nghiệp, hướng dẫn viên
du lịch gặp rất nhiều những câu hỏi, những
mối quan tâm của khách về lịch sử - văn hoá
Việt Nam. Để khỏi bị động, hướng dẫn viên cần
được đào tạo kiến thức chung và được chuẩn
bị những chủ đề cơ bản về lịch sử văn hoá Việt
Nam (theo hướng càng nhiều càng tốt). Dưới
đây là một số chủ đề gợi ý để hướng dẫn viên
Số 30 (Tháng 12 - 2019) 109
NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA
TRAO ĐỔI - NGHIỆP VỤ
tương lai chuẩn bị: Thông tin tổng quan về Việt
Nam (diện tích, dân số, kinh tế, chính trị, văn
hoá, xã hội); Tiến trình lịch sử Việt Nam; Ngôn
ngữ và chữ viết ở Việt Nam; Hệ thống tôn giáo,
tín ngưỡng ở Việt Nam; Tục thờ cúng tổ tiên;
Giáo dục ở Việt Nam; Văn minh nông nghiệp
lúa nước; Áo dài; Cây tre trong văn hoá Việt
Nam; Tết cổ truyền của người Việt; Múa rối
nước; Trống đồng và văn hoá Đông Sơn; Nghệ
thuật gốm Việt Nam; Tranh dân gian; Nghề và
làng nghề truyền thống Việt Nam; Đặc trưng
của lễ hội Việt Nam; Đặc trưng văn hoá của một
số tộc người (Mông, Dao, Thái, Mường...),v.v.
Kết luận
Bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện
nay đang đặt ra những yêu cầu ngày càng
cao đối với hướng dẫn viên du lịch. “Hướng
dẫn viên như đại sứ văn hóa cho một quốc gia
chứ không đơn thuần là người giới thiệu điểm
đến”. Vì vậy, hướng dẫn viên phải đảm bảo có
đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết, và có
“thái độ, cách nhìn đúng đắn về nghề nghiệp
của mình” [4].
Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chất
lượng cao là cả một quá trình lâu dài đòi hỏi
một hệ thống giải pháp đồng bộ và sự tham
gia, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo,
doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về du
lịch trong đào tạo và tuyển dụng. Bên cạnh đó,
mỗi hướng dẫn viên tương lai cần phải thực
sự nỗ lực, học tập, rèn luyện để ngày càng đáp
ứng một cách nhanh nhất các tiêu chuẩn của
một hướng dẫn viên du lịch chất lượng cao. Hy
vọng rằng, những giải pháp mà bài viết đưa ra
có thể góp một phần nhỏ bé vào định hướng
quá trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch chất
lượng cao ở Việt Nam, từ đó góp phần nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt
Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Đ.T.P
(ThS., Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐHVHHN)
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết số 08-NQ/
TW ngày 16/01/2017 về Phát triển du lịch trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Thông tư số
23/2014/TT-BGDĐT Ban hành Quy định về đào tạo
chất lượng cao trình độ đại học.
3. Bộ Giáo dục và đào tạo (2020), “Số liệu
thống kê giáo dục đại học năm học 2018 - 2019”,
https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ko-
giao-duc-dai-hoc.aspx?ItemID=6636
4. Diệu Linh (2014), “Làm gì để xây dựng
đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đủ và đạt
chuẩn”,
dung-doi-ngu-huong-dan-vien-du-lich-du-va-
chuan-349878.vov
5. Phan Đông Nhựt (2016), “Hướng dẫn viên
du lịch - Thực trạng và những định hướng nghề
nghiệp”,
php/su-kien-du-lich/van-de-trao-doi/5423-
huong-dan-vien-du-lich-thuc-trang-va-nhung-
dinh-huong-nghe-nghiep
6. Bùi Thanh Thuỷ (2009), Nghiệp vụ hướng
dẫn du lịch, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
7. Tổng cục Du lịch (2013), “Tiêu chuẩn
VTOS - Nghiệp vụ Hướng dẫn du lịch”, http://
vietnamtourism.gov.vn/esrt/default.aspxportali
d=1&tabid=344&itemid=88.htm
8. Tổng cục Du lịch (2019), “CSDL trực tuyến
hướng dẫn viên du lịch”,
vn/index.php/guide/cat/05
9. USAID (2012), Toward Professionalism in
Tour Guiding, Publishing: The Unieted States
Agency for International Development, 119p.
Ngày nhận bài: 18 - 12 - 2019
Ngày phản biện, đánh giá: 20 - 12 - 2019
Ngày chấp nhận đăng: 27 - 12 - 2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- ban_ve_dao_tao_huong_dan_vien_du_lich_chat_luong_cao.pdf