Bàn về một chế định trong luật dân sự

Ngoài sự lo ngại về việc quyết định tuyên bố chết, tuyên bố mất tích đối với người đang bị truy nã có thể ảnh hưởng đến hoạt động truy nã, còn có ý kiến lo ngại rằng quyết định tuyên bố chết của tòa án có thể bị các đối tượng lợi dụng để tẩu tán tài sản phạm tội mà có, gây khó khăn cho việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự: khi có quyết định tuyên bố chết thì việc chia thừa kế sẽ được diễn ra, quyền sở hữu tài sản từ người phạm tội được chuyển cho những người thừa kế; và theo nguyên tắc cá thể hóa trong pháp luật hình sự những biện pháp có thể áp dụng với người phạm tội không thể áp dụng đối với những người thân thích của người bị phạm tội. Theo khoản 3 Điều 73 BLDS 2015, khi quyết định tuyên bố chết bị hủy bỏ (sau khi cơ quan điều tra đã bắt được đối tượng và ra quyết định đình nã) người phạm tội có “quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn” [1]. Điểm c khoản 2 Điều 167 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định người bị tố cáo có nghĩa vụ “khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra” [6]. Kết hợp 2 quy định này, có thể thấy người phạm tội không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ yêu cầu người thừa kế phải trả lại tài sản, và những tài sản này (sau khi thuộc quyền sở hữu của người phạm tội) sẽ chịu sự chi phối của Luật thi hành án hình sự và bị sung vào công quỹ. Như vậy, quyết định tuyên bố chết khó có thể bị lợi dụng để tẩu tán tài sản phạm tội mà có như ý kiến lo ngại vừa nêu. Với những lí do trên, thiết nghĩ, để cho việc áp dụng quy định pháp luật đối với trường hợp được đề cập trong bài viết được thống nhất và rõ ràng, bên cạnh những quy định liên quan đã có trong BLDS 2015, BLTTDS 2015, Luật Hộ tịch 2014, BLTTHS 2015 và Luật thi hành án hình sự năm 2010, vấn đề này cần được quy định cụ thể trong một thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ công an với nội dung khẳng định: Quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã không ảnh hưởng đến hoạt động truy nã của cơ quan điều tra.

pdf7 trang | Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 234 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bàn về một chế định trong luật dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
56 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN BÀN VỀ MỘT CHẾ ĐỊNH TRONG LUẬT DÂN SỰ Vũ Hùng Đức* Tóm tắt Trong thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án gặp khó khăn trong giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã. Trong bài viết này, tác giả phân tích những quy định có liên quan, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết vướng mắc nói trên cho Tòa án. Từ khóa: tuyên bố mất tích, tuyên bố chết, truy nã 1. Dẫn nhập Trong thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng xác định được một người còn sống hay đã chết, như trường hợp họ bỏ nhà đi biệt tích; chiến tranh, thiên tai đã kết thúc một thời gian khá lâu nhưng không tìm thấy thi thể, cũng không thấy họ trở về Lúc này, sự vắng mặt lâu ngày của người đó làm gián đoạn các quan hệ mà họ đang tham gia, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan, và tới quyền lợi của chính họ. Để giải quyết tình trạng trên, pháp luật dân sự đặt ra các chế định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, tuyên bố mất tích, tuyên bố chết được quy định tập trung từ Điều 64 tới Điều 73, Mục 5, Chương III, Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015). Dù đã có những quy định như vậy nhưng khi người bị yêu cầu là đối tượng đang bị truy nã, Tòa án đã lúng túng trong việc áp dụng pháp luật vì đây là trường hợp có liên quan đến hoạt động truy nã của cơ quan điều tra. Trong bài viết này, tác giả thông qua một vài vụ việc trong thực tiễn giải quyết của Tòa án để phân tích những quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã; từ đó chỉ ra hạn chế của pháp ____________________________ * CN, Trường Đại học An ninh nhân dân luật hiện hành, khó khăn của Tòa án và đề xuất hướng giải quyết. 2. Thực tiễn giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã của Tòa án Trong thực tiễn giải quyết đơn yêu cầu, Tòa án đã ra nhiều quyết định tuyên bố một người mất tích, hoặc đã chết. Tuy nhiên, khi nhận được đơn yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã thì Tòa án lại có sự lúng túng, và rốt cuộc là trả lại yêu cầu, từ chối thụ lý. Trường hợp bà M gặp là một ví dụ. [10] Theo bà M, trước đây chồng bà cùng một số người khác thực hiện nhiều vụ cướp giật tài sản, bị công an truy bắt. Sợ phải vào tù, chồng bà đã gom toàn bộ tài sản quý giá trong nhà rồi bỏ đi biệt tăm. Không muốn kéo dài thêm cảnh chờ đợi, bà M muốn ly hôn với người chồng này. Tuy nhiên, sau khi nhận và nghiên cứu đơn yêu cầu tuyên bố mất tích đối với ông chồng của bà M, Tòa án nhân dân Quận X (Thành phố Hồ Chí Minh) đã trả lại đơn, từ chối thụ lý với lý do chồng bà thuộc trường hợp trốn hoạt động truy bắt của công an chứ không phải là trường hợp mất tích thông thường được quy định tại Khoản 1 Điều 68 BLDS 2015. Một trường hợp khác vào năm 2008, trong quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích đối với vợ anh Đ, ngay trước ngày mở phiên họp, Tòa án nhận được quyết TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 15 * 2017 57 định truy nã vợ anh Đ (có từ hai năm trước) của công an tỉnh. Do đó, Tòa án đã đình chỉ giải quyết yêu cầu của anh Đ [10]. Trong cả hai vụ việc trên, lí do Tòa án trả lại đơn đều liên quan tới việc người bị yêu cầu đang là đối tượng bị truy nã, và trường hợp này không được coi là mất tích thông thường. Thực tiễn này gợi lên hai vấn đề: Một là, quyết định tuyên bố người đang bị truy nã mất tích, hoặc tuyên bố người đó là đã chết của Tòa án có ảnh hưởng tới hoạt động truy nã của cơ quan điều tra không? Hai là, nếu có ảnh hưởng thì sự ảnh hưởng này có được coi là căn cứ để Tòa án từ chối thụ lý đơn hay không? Xoay quanh hai câu hỏi này có ba hướng trả lời khác nhau: Hướng thứ nhất, xuất phát từ quan điểm quyết định tuyên bố mất tích (hoặc tuyên bố chết) không ảnh hưởng đến hoạt động truy nã, cho rằng: Tòa án không được quyền từ chối yêu cầu tuyên bố mất tích (hoặc tuyên bố chết) đối với người đang bị truy nã [11]. Hướng thứ hai, xuất phát từ quan điểm quyết định tuyên bố mất tích (hoặc tuyên bố chết) sẽ làm dừng hoạt động truy nã, cho rằng: Tòa án phải từ chối yêu cầu tuyên bố mất tích (hoặc tuyên bố chết) đối với người đang bị truy nã (như thẩm phán trong vụ việc của bà M và anh Đ đã nêu). Hướng thứ ba, cũng xuất phát từ quan điểm quyết định tuyên bố mất tích (hoặc tuyên bố chết) sẽ làm dừng hoạt động truy nã, nhưng cho rằng: Tòa án không được quyền từ chối yêu cầu tuyên bố mất tích (hoặc tuyên bố chết) đối với người đang bị truy nã (Theo Thẩm phán Trương Công Huấn, Tòa án nhân dân Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, Điều 78 BLDS 2005 về Tuyên bố một người là mất tích không hề phân biệt người bị tuyên bố mất tích đã biệt tích vì lý do gì nên không loại trừ trường hợp biệt tích do trốn lệnh truy nã, do đó Tòa án không được từ chối giải quyết yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan) [10]. 3. Quy định pháp luật hiện hành liên quan giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã Căn cứ từ chối Đơn yêu cầu tuyên bố mất tích, Đơn yêu cầu tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã trong pháp luật về tố tụng dân sự Trước đây, quy định về việc từ chối đơn yêu cầu tuyên bố mất tích, đơn yêu cầu tuyên bố chết trong pháp luật tố tụng dân sự hiện hành được thể hiện rõ tại Khoản 2 Điều 332 và Khoản 1 Điều 337 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 (BLTTDS 2011): Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố mất tích, đơn yêu cầu tuyên bố chết [2]. Hiện nay, dù 2 điều luật tương ứng trong BLTTDS 2015 là Điều 389 và Điều 393 không còn giữ lại quy định này nhưng về mặt nguyên tắc, đơn yêu cầu tuyên bố mất tích, đơn yêu cầu tuyên bố chết cũng có thể bị từ chối như các đơn yêu cầu khác, và khi Tòa án không chấp nhận đơn, đơn sẽ được trả lại cho đương sự. Theo Điều 361 BLTTDS 2015, những quy định liên quan tới trả lại đơn khởi kiện tại Điều 192 và Điều 193 BLTTDS 2015 cũng có thể là căn cứ áp dụng cho việc trả lại đơn yêu cầu. Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của Bộ luật này. Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự [3]. 58 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN Trong các căn cứ được liệt kê ở những điều luật vừa nêu, không có căn cứ nào đề cập tới trường hợp người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết là đối tượng đang bị truy nã, và cũng không tìm thấy căn cứ nào có thể áp dụng đối với trường hợp này. Như vậy, có thể khẳng định: theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành (cụ thể là BLTTDS 2015), không có căn cứ cụ thể để từ chối yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã. Quy định về căn cứ đình nã đối với người đã bị tuyên bố mất tích, tuyên bố chết trong pháp luật về tố tụng hình sự Khi một người bỏ đi hoặc vì một lí do nào đó mà không ai rõ người đó đang ở đâu thì người có quyền, lợi ích liên quan được quyền yêu cầu Tòa án tiến hành thủ tục thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Trong trường hợp người này là bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì theo những quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 60, Điểm b Khoản 1 Điều 247, Điểm a Khoản 3 Điều 61, Khoản 1 Điều 290 và Khoản 3 Điều 364 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015), cơ quan điều tra có trách nhiệm ra quyết định truy nã để tiến hành việc tìm kiếm đối tượng. BLTTHS không đưa ra định nghĩa về người bị truy nã, nhưng thông qua những quy định trên, có thể hiểu người bị truy nã là người bị cơ quan điều tra ra quyết định truy nã. Khi nào hoạt động tìm kiếm này sẽ chấm dứt? Hay nói cách khác, trong những trường hợp nào cơ quan điều tra phải ra quyết định đình nã? Theo quy định tại Khoản 2 Điều 114 BLTTHS 2015, “Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã” [4]. Căn cứ này cũng được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT- BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC [8] và thể hiện trong Mẫu số 31a QĐ sửa đổi theo Thông tư số 22/2014/TT-BCA [9]. Trường hợp người đang bị truy nã trong quá trình bỏ trốn phạm tội mới và bị bắt giữ thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã sẽ ra quyết định đình nã và phối hợp điều tra với Cơ quan điều tra thụ lý vụ án mới theo Khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP- VKSNDTC-TANDTC [8]. Ngoài các căn cứ trên, đối tượng bị truy nã chết cũng là một căn cứ làm chấm dứt hoạt động truy nã, thông qua thủ tục đình chỉ điều tra. Theo khoản 7 Điều 157 BLTTHS 2015, khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì không được khởi tố vụ án hình sự (trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác) [4], và đây cũng là căn cứ để Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra theo Điểm a Khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015. Khi đó hoạt động truy nã sẽ chấm dứt khi quyết định này có hiệu lực. Khi một người biệt tích, việc tìm kiếm người đó có thể được thực hiện bởi người có quyền lợi liên quan theo thủ tục tố tụng dân sự, có thể bởi cơ quan điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự, hoặc có thể bởi đồng thời cả hai chủ thể này. Vấn đề là, khi việc tìm kiếm theo thủ tục tố tụng dân sự chấm dứt (khi Tòa án ra quyết định tuyên bố mất tích, tuyên bố chết) thì hoạt động tìm kiếm của cơ quan điều tra (truy nã) có chấm dứt theo hay không? Trong các văn bản pháp luật tố tụng hình sự về truy nã nêu ở trên, chúng ta không thấy đề cập đến những trường hợp “tuyên bố mất tích”, “tuyên bố chết”. Do đó, nếu chỉ căn cứ vào pháp luật về tố tụng hình sự, có thể khẳng định: Quyết định TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 15 * 2017 59 tuyên bố người bị truy nã mất tích (hoặc là đã chết) của Tòa án không phải là căn cứ để cơ quan điều tra ra quyết định đình nã. Quyết định của một cơ quan tố tụng dân sự không ảnh hưởng gì đến hoạt động của một cơ quan tố tụng hình sự. Vì vậy, Tòa án vẫn ra quyết định theo yêu cầu của đương sự, và cơ quan điều tra vẫn tiếp tục tiến hành hoạt động truy nã. Đây cũng là ý kiến của hầu hết điều tra viên và giáo viên giảng dạy môn Luật tố tụng hình sự. Biến động về hộ tịch khi có Quyết định tuyên bố mất tích, Quyết định tuyên bố chết Khi có đơn yêu cầu và đơn yêu cầu thỏa mãn các điều kiện BLTTDS quy định, Tòa án sẽ phải ra quyết định tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết đối với người bị yêu cầu. Quyết định này sẽ tạo ra những hệ quả pháp lý tác động đến các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị tuyên bố. Những thay đổi này là khác nhau giữa trường hợp tuyên bố mất tích (Điều 69 BLDS 2015) với trường hợp tuyên bố chết (Điều 72 BLDS 2015). Ngoài những hệ quả pháp lý khác nhau trong lĩnh vực dân sự, Quyết định tuyên bố mất tích và Quyết định tuyên bố chết cũng tạo ra những hệ quả pháp lý khác nhau về hộ tịch của người bị tuyên bố. Trước đây Quyết định tuyên bố chết của Tòa án có giá trị thay thế cho Giấy báo tử và là cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy chứng tử đối với người đó theo quy định tại các Điều 21, 22 và 24 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP [7]. Như vậy, Quyết định tuyên bố chết sẽ tạo ra những thay đổi trong hộ tịch của người bị tuyên bố tương tự như trường hợp người đó chết. Kết hợp với những quy định liên quan đến vấn đề này trong pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật tố tụng hình sự vừa trình bày ở trên, chúng tôi có thể khẳng định: Quyết định tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã của Tòa án có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình nã. Đối với trường hợp bị tuyên bố mất tích, Nghị định 158 không đề cập nên chúng ta không rõ đơn yêu cầu tuyên bố mất tích đối với người đang bị truy nã nên được giải quyết theo hướng nào mới đúng quy định pháp luật. Hiện nay, Luật Hộ tịch năm 2014 đã thay thế Nghị định 158 và có những thay đổi nhất định góp phần giải quyết những vướng mắc trên: trường hợp khai tử được quy định tại Khoản 1 Điều 3, trong khi trường hợp bị tuyên bố mất tích, bị tuyên bố là đã chết được quy định tại Khoản 2 Điều 3 [5]. Theo quy định này, chúng ta sẽ không tiến hành thủ tục khai tử đối với trường hợp bị tuyên bố chết như trước đây mà chỉ ghi nhận biến động về hộ tịch, và trường hợp tuyên bố mất tích cũng đã được quy định chứ không bị „lờ đi‟ như trước đây. Do đó Quyết định tuyên bố chết cũng như Quyết định tuyên bố mất tích đối với người đang bị truy nã của Tòa án tạo nên những biến động về hộ tịch nhưng không ảnh hưởng tới hoạt động truy nã của Cơ quan điều tra. 4. Khó khăn của Tòa án và hướng khắc phục Hạn chế của pháp luật trước đây Như đã phân tích ở phần 3., trong thời gian áp dụng BLDS 2005, Nghị định 158 và BLTTHS 2003 (2011), có thể khẳng định: Quyết định tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã thông qua Giấy chứng tử và Quyết định đình chỉ điều tra sẽ làm phát sinh căn cứ đình nã đối với người này. Điều này dẫn tới một hệ quả nguy hiểm là người thân của đối tượng đang bị truy nã có thể lợi dụng quy định về tuyên bố chết để ngăn cản hoạt động truy nã của cơ quan điều tra. Chúng ta có thể phần nào 60 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN thấy được khó khăn của Tòa án khi nhận được thông báo của cơ quan công an về việc người bị yêu cầu tuyên bố chết là đối tượng đang bị truy nã, bởi quyết định của Tòa án có thể gây ra khó khăn cho hoạt động điều tra. Khi gặp phải tình huống này, các Tòa án đều chọn giải pháp từ chối thụ lý đơn yêu cầu dù có thể họ biết việc từ chối là không có căn cứ pháp lý rõ ràng. Đối với trường hợp tuyên bố mất tích, hệ quả tương tự không xảy ra vì Quyết định tuyên bố mất tích không thể tạo ra biến động về hộ tịch, cũng không tạo ra căn cứ tạm đình chỉ hay đình chỉ điều tra như Quyết định tuyên bố chết. Do đó, khi Tòa án ra Quyết định tuyên bố mất tích đối với người đang bị truy nã, cơ quan điều tra vẫn được tiếp tục tiến hành hoạt động truy nã đối tượng. Tuy nhiên, vì sự không rõ ràng của pháp luật và với tâm lý „nhầm còn hơn bỏ sót‟ để tránh ảnh hưởng đến hoạt động truy nã nên trong thực tiễn, Tòa án từ chối cả yêu cầu tuyên bố mất tích đối với người đang bị truy nã. Việc Tòa án từ chối đơn yêu cầu sẽ không làm gián đoạn hoạt động truy nã của cơ quan điều tra, đảm bảo nguyên tắc „hình hoãn hộ‟, tức là khi có sự giao thoa giữa quan hệ pháp luật hình sự với quan hệ pháp luật dân sự thì việc giải quyết vấn đề phát sinh trong quan hệ pháp luật dân sự sẽ phải hoãn lại để ưu tiên cho việc giải quyết vấn đề phát sinh từ quan hệ pháp luật hình sự. Tuy nhiên, việc từ chối đơn yêu cầu mà không có căn cứ rõ ràng như vậy không phải là một giải pháp được khuyến khích vì nó không đảm bảo được quyền lợi của người yêu cầu, trái với quy định về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tại Điều 2 BLDS 2015, đi ngược với nguyên tắc cơ quan nhà nước khi từ chối yêu cầu của người dân phải có căn cứ rõ ràng do pháp luật quy định, chứ không thể là một căn cứ mang tính chủ quan. Khó khăn trên xuất phát từ sự không tách bạch trường hợp „chết pháp lý‟ với trường hợp „chết tự nhiên‟ trong các tất cả các văn bản pháp luật có liên quan, và hạn chế này đã đặt Tòa án vào tình huống phải lựa chọn khi nhận được đơn yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã mà lựa chọn theo hướng nào cũng không thể đồng thời thỏa mãn hai nguyên tắc vừa nêu. Hạn chế của pháp luật hiện hành So với BLDS 2005, chế định tuyên bố mất tích, tuyên bố chết trong BLDS 2015 không có nhiều thay đổi. Thay đổi đáng chú ý liên quan đến phạm vi bài viết này là BLDS 2015 đã bổ sung thêm quy định tại khoản 3 Điều 68, khoản 4 Điều 70, khoản 3 Điều 71 và khoản 5 Điều 73 với nội dung: quyết định tuyên bố mất tích, tuyên bố chết hay quyết định hủy bỏ các quyết định trên của Tòa án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch [1]. Tuy nhiên, sự thay đổi này chưa thể giải quyết được khó khăn của Tòa án. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, BLTTHS 2015 hiện nay cũng như BLTTHS 2003 trước đây chưa từng một lần đề cập đến trường hợp „bị tuyên bố mất tích‟, „bị tuyên bố chết‟, nghĩa là những trường hợp liên quan đến „tuyên bố mất tích, tuyên bố chết‟ vẫn là một khoảng trống trong pháp luật tố tụng hình sự hiện hành. Trong văn bản về hộ tịch, những thay đổi của Luật Hộ tịch năm 2014 đã góp phần giải quyết được vướng mắc nói trên. Tuy nhiên, kết luận quyết định tuyên bố chết của Tòa án không ảnh hưởng đến hoạt động truy nã của cơ quan điều tra chỉ được rút ra trên cơ sở kết hợp các quy định TẠP CHÍ KHOA HỌC SỐ 15 * 2017 61 trong Luật hộ tịch với các quy định khác có liên quan trong pháp luật về dân sự, pháp luật về tố tụng dân sự, pháp luật về hộ tịch và pháp luật về tố tụng hình sự. Do đó, cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có quy định nào trực tiếp khẳng định mối liên hệ giữa quyết định tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã với hoạt động truy nã. Thông thường, cán bộ điều tra chỉ tập trung vào các văn bản pháp luật về tố tụng hình sự, thành viên hội đồng xét xử vụ việc dân sự cũng tập trung vào các văn bản pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự; trong khi đó, để giải quyết vấn đề đang được đề cập cần sự kết hợp quy định trong những văn bản thuộc các lĩnh vực pháp lý trên và cả văn bản pháp luật về hộ tịch. Do đó, trong thực tiễn áp dụng pháp luật, Tòa án vẫn từ chối thụ lý và trả lại đơn yêu cầu tuyên bố mất tích, tuyên bố chết khi biết người bị yêu cầu là đối tượng đang bị truy nã. Ngoài sự lo ngại về việc quyết định tuyên bố chết, tuyên bố mất tích đối với người đang bị truy nã có thể ảnh hưởng đến hoạt động truy nã, còn có ý kiến lo ngại rằng quyết định tuyên bố chết của tòa án có thể bị các đối tượng lợi dụng để tẩu tán tài sản phạm tội mà có, gây khó khăn cho việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự: khi có quyết định tuyên bố chết thì việc chia thừa kế sẽ được diễn ra, quyền sở hữu tài sản từ người phạm tội được chuyển cho những người thừa kế; và theo nguyên tắc cá thể hóa trong pháp luật hình sự những biện pháp có thể áp dụng với người phạm tội không thể áp dụng đối với những người thân thích của người bị phạm tội. Theo khoản 3 Điều 73 BLDS 2015, khi quyết định tuyên bố chết bị hủy bỏ (sau khi cơ quan điều tra đã bắt được đối tượng và ra quyết định đình nã) người phạm tội có “quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn” [1]. Điểm c khoản 2 Điều 167 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định người bị tố cáo có nghĩa vụ “khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra” [6]. Kết hợp 2 quy định này, có thể thấy người phạm tội không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ yêu cầu người thừa kế phải trả lại tài sản, và những tài sản này (sau khi thuộc quyền sở hữu của người phạm tội) sẽ chịu sự chi phối của Luật thi hành án hình sự và bị sung vào công quỹ. Như vậy, quyết định tuyên bố chết khó có thể bị lợi dụng để tẩu tán tài sản phạm tội mà có như ý kiến lo ngại vừa nêu. Với những lí do trên, thiết nghĩ, để cho việc áp dụng quy định pháp luật đối với trường hợp được đề cập trong bài viết được thống nhất và rõ ràng, bên cạnh những quy định liên quan đã có trong BLDS 2015, BLTTDS 2015, Luật Hộ tịch 2014, BLTTHS 2015 và Luật thi hành án hình sự năm 2010, vấn đề này cần được quy định cụ thể trong một thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ công an với nội dung khẳng định: Quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã không ảnh hưởng đến hoạt động truy nã của cơ quan điều tra. Trên đây là một số ý kiến cá nhân về vấn đề tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ luật dân sự năm 2015. [2] Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011. 62 TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN [3] Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. [4] Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. [5] Luật hộ tịch năm 2014. [6] Luật thi hành án hình sự năm 2010. [7] Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về Đăng ký và quản lý hộ tịch. [8] Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật thi hành án hình sự về truy nã. [9] Thông tư số 22/2014/TT-BCA ngày 03/6/2014 sửa đổi, bổ sung biểu mẫu về truy nã, đình nã ban hành kèm theo Quyết định số 789/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 12/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an để sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự và thi hành án hình sự của lực lượng Công an nhân dân. [10] Hoàng Yến, Bị truy nã nên không thể xác định mất tích, xem 227788.html, truy cập lúc 21h34‟ ngày 24/4/2017. [11] Vũ Thị Trang Nhung, Có được tuyên bố mất tích, tuyên bố chết đối với người đang bị truy nã, mat-tich-tuyen-bo-chet-doi-voi-nguoi-dang-bi-truy-na-khong-n1237.htm , truy cập ngày 18/02/2017. Abstract Thinking about an institution in the Civil Laws In reality of resolving civil cases, the courts meet difficulties in resolving the requests to declare missing, or death to the wanted person. In this article, the author analyzes the involving provisions, points out the reasons and suggests the solutions to the above- mentioned problems for the courts. Keywords: declaration of missing, declaration of death, wanted

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfban_ve_mot_che_dinh_trong_luat_dan_su.pdf
Tài liệu liên quan