Bàn về vấn đề bảo tồn và khai thác nguồn lợi hải sản từ góc nhìn văn hóa
Trong những năm qua, các cơ quan quản lý
và khoa học của Việt Nam đã có nhiều nỗ
lực nhằm quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường biển. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận
rằng chúng ta còn chưa đáp ứng được đòi
hỏi của thực tiễn khi mà những ưu tiên về
kinh tế là áp lực lên mọi hoạt động của đời
sống xã hội. Hơn nữa, cũng phải thừa nhận
rằng dân tộc Việt Nam hình thành và phát
triển dựa trên nền tảng của nền văn minh
lúa nước và tập trung khai thác thủy sản ven
bờ, ít kinh nghiệm khai thác biển khơi. Cội
nguồn văn hóa này có đóng góp tích cực
cho bảo tồn một số loài bị đe dọa nhưng tác
động tiêu cực đến khai thác hải sản một
cách bền vững. Bảo tồn và khai thác bền
vững tài nguyên yêu cầu chúng ta phải quan
tâm đến khía cạnh văn hóa trong chính sách
quản lý và học hỏi tinh hoa văn hóa của các
dân tộc gắn liền với biển và phát triển nhờ
biển.
5 trang |
Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 611 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bàn về vấn đề bảo tồn và khai thác nguồn lợi hải sản từ góc nhìn văn hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
103
Tuyển Tập Nghiên Cứu Biển, 2015, tập 21, số 1: 103-107
TRAO ĐỔI – COMMUNICATION
BÀN VỀ VẤN ĐỀ BẢO TỒN VÀ KHAI THÁC NGUỒN LỢI HẢI SẢN
TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA
Võ Sĩ Tuấn
Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam
Tóm tắt Việt Nam thời kỳ đương đại là một quốc gia biển với một tỷ lệ lớn cư dân
sống nhờ vào biển. Trong đó, phải kể đến hơn hai triệu ngư dân khai thác
nguồn lợi hải sản trên Biển Đông. Song song với sự tăng trưởng kinh tế, tình
trạng suy thoái các hệ sinh thái và tài nguyên biển do khai thác quá mức,
đánh bắt hủy diệt đang trở thành vấn đề cần quan tâm không chỉ trên phương
diện kinh tế, môi trường mà còn từ góc nhìn văn hóa. Có thể nói rằng cội
nguồn của người Việt là từ nền văn minh lúa nước sông Hồng, việc tiến ra
biển đồng hành cùng quá trình mở mang bờ cõi về phía đông và phía nam.
Dù đã trải qua nhiều trăm năm tiến ra biển, người Việt vẫn mang văn hóa
nông dân trong ứng xử với biển. Người Việt nói chung và ngư dân nói riêng
vẫn có tâm lý coi biển cả là bí hiểm và hung dữ. Vì vậy, việc cúng tế trước
khi ra biển và thờ phụng một số sinh vật biển (cá voi, cá heo, rùa da) rất phổ
biến. Nhờ vậy, một số sinh vật quý hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng được bảo tồn
trên vùng biển Việt Nam. Ngược lại, quan điểm “điền tư, ngư chung”, tư duy
“không có ngày mai”, cuộc sống di cư đã hình thành một số ứng xử tiêu
cực trong bảo tồn và khai thác tài nguyên và tạo nên tính dễ bị tổn thương
của ngư dân Việt Nam. Những khía cạnh văn hóa này cần được quan tâm
trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên
quan đến ngư dân.
CHAT ON CONSERVATION AND EXPLOITATION OF MARINE LIVING
RESOURCES FROM THE CULTURAL SIGHT
Vo Si Tuan
Institute of Oceanography, Vietnam Academy of Science & Technology
Abstract Vietnam in the recent period is a marine nation with a large number of
population depending on marine resources, including 2 millions of fishermen
who exploit living resources in the Bien Dong. In parallel with economic
development of the country, the degradation of marine ecosystems and living
resources due to over-catching and unreasonable fishing have become more
serious; and should be considered in economic, environmental and cultural
aspects. Having said that Vietnamese originated from the rice field
civilization of Red river and proceeded to the sea on the way of expansion
eastward and southward. Spending hundreds years of marine exploitation
Vietnamese has still behaved toward the sea as farmers' style. They are
frightened in facing to the sea which is considered as a furious and
mysterious force. It is observed popularly sacrifices before sailing to the sea
104
and worship to a number of sea animals such as whale, dolphin and marine
turtle. These behaviors support to conservation of a lot of endangered
species in Vietnamese waters. In contrast, the approach namely "private land
but shared waters", thinking as short-sighted view and life style of migrating
people seem to create a number of negative behaviors in resource
exploitation and then make fishermen more vulnerable. It is critical to
consider these cultural aspects in the planning and performance of
programmes for socio-economic development related to fishermen in
Vietnam.
I. MỞ ĐẦU
Biển Đông có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam
trên nhiều phương diện, trong đó khai thác
hải sản mang lại sản lượng khoảng 1 triệu
tấn/năm, là nguồn cung cấp protein bảo
đảm an ninh thực phẩm cho người dân
trong nước và đóng góp lớn cho xuất khẩu
của quốc gia. Nghề khai thác hải sản không
chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giải
quyết việc làm cho cư dân ở các vùng ven
biển, bao gồm 2 triệu ngư dân và nhiều
thành phần kèm theo như dịch vụ, chế
biến Sự hiện hiện của ngư dân trên biển
góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia
trong tình hình tranh chấp phức tạp trên
Biển Đông hiện nay.
Tuy nhiên, cũng phải nhận thức rằng tài
nguyên và môi trường trên Biển Đông đang
trong tình trạng suy thoái, trong đó suy
thoái hệ sinh thái là vấn đề môi trường ưu
tiên nhất, đặc biệt đối với rừng ngập mặn và
rạn san hô và khai thác thủy sản quá mức
được xếp hạng là vấn đề môi trường ưu tiên
tiếp theo, nhất là đối với khai thác hải sản
(theo báo cáo Đánh giá Chẩn đoán xuyên
Biên giới, Talaue-McManus, 2000). Trước
tình trạng suy thoái tài nguyên, Việt Nam
cùng các quốc gia trong khu vực đã có
nhiều nỗ lực trong sự nghiệp bảo tồn thiên
nhiên, quản lý khai thác bền vững. Tuy
nhiên, hiệu quả chưa đạt như mong muốn
và nhiều chính sách quản lý chưa thực sự đi
vào cuộc sống, do vậy, tình trạng suy thoái
được dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn ra. Một
trong những vấn đề được coi là nguyên
nhân là các nhà quản lý ít quan tâm đến các
vấn đề văn hóa xã hội trong việc thực thi
các giải pháp quản lý. Một số khía cạnh liên
quan đến vấn đề đó được thảo luận trong
bài viết này.
II. VIỆT NAM VÀ BIỂN ĐÔNG
Biển Việt Nam là một thành tố quan trọng
của Biển Đông không chỉ về diện tích vùng
đặc quyền kinh tế (gần 30% tổng diện tích)
mà còn cả về phương diện sinh thái và
nguồn lợi (Bảng 1). Lưu ý rằng ngoài ý
nghĩa về sinh thái học, các hệ sinh thái như
rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển
còn là nơi sinh sản và ương giống của nhiều
thủy sinh vật. Đây chính là nơi cung cấp
nguồn giống bổ sung cho trữ lượng của các
loài khai thác. Điều cần chú ý là các vùng
ương nuôi giống ở vùng biển ven bờ không
chỉ tạo nên trữ lượng cho ngư trường gần
bờ của từng quốc gia mà có thể cho các ngư
trường xa bờ và của các quốc gia khác. Suy
thoái rừng ngập mặn ở Việt Nam có thể ảnh
hưởng đến sản lượng đánh bắt ở các vùng
biển Thái Lan hoặc Malaysia và ngược lại.
Sự suy thoái của các rạn san hô, thảm cỏ
biển còn có thể ảnh hưởng đến du lịch biển
và làm mất nơi sống theo từng giai đoạn
của các loài di cư như rùa biển, dugong.
Có thể thấy rằng Việt Nam đương đại là
một quốc gia biển và Biển Đông đóng vai
trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển
hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh.
Mặt khác, cũng phải nhận thức rằng nếu
Việt Nam không quản lý hiệu quả tài
nguyên và môi trường biển thì hậu quả
không chỉ Việt Nam gánh chịu mà còn ảnh
hưởng đến các quốc gia khác. Tương tự suy
thoái tài nguyên môi trường biển của các
nước lận cận cũng sẽ gây tác động tiêu cực
cho nước ta (Võ Sĩ Tuấn, 2008).
105
Bảng 1. Vai trò Biển Đông đối với Việt Nam
Table 1. Role of the Bien Dong to Vietnam
Thông số so sánh Biển Đông Việt Nam Tỷ lệ (%)
Diện tích vùng biển (triệu km2)* 3,5 1,0 <30
Các con sông lớn chảy vào Biển Đông* 19 3 <15
Dân số ở đới bờ (triệu người)* 200 50 25
Sản lượng thủy sản đánh bắt (triệu tấn)* 5 1 20
Diện tích rừng ngập mặn (ngàn ha)** 1.798,4 156,6 <10
Diện tích rạn san hô (không tính vùng biển khơi;
ngàn ha)**
750 110 15
Diện tích thảm cỏ biển (ngàn ha)** 80,3 14,4 <20
Số khu bảo tồn biển và ven biển* 120 22 >20
Chú thích: Các dẫn liệu được tham khảo từ UNEP (2005)*; UNEP/GEF/SCS (2007)**
III. VĂN HÓA VIỆT VÀ VẤN ĐỀ BẢO
TỒN KHAI THÁC HỢP LÝ TÀI
NGUYÊN HẢI SẢN
Lực lượng ngư dân bám biển hiện nay của
Việt Nam chủ yếu là người Kinh, vì vậy,
nhìn nhận về văn hóa liên quan khai thác tài
nguyên biển được định hướng theo cội
nguồn dân tộc Việt. Mạo muội nói rằng cội
nguồn của người Việt là từ nền văn minh
lúa nước sông Hồng với đặc trưng là sản
xuất nông nghiệp với mảnh đất thửa ruộng
do tự gia đình quản lý và khai thác. Việc
tiến ra biển của người Việt đồng hành cùng
quá trình mở mang bờ cõi về phía đông và
phía nam trong nhiều trăm năm qua, mà
Nguyễn Công Trứ (1778–1858) có thể được
coi là một trong những người tiên phong.
Ông đã có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo,
quai đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện
Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay),
Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay).
Dù đã trải qua nhiều trăm năm tiến ra
biển, người Việt nói chung và ngư dân nói
riêng vẫn có tâm lý coi biển cả là bí hiểm
và hung dữ. Đi biển được coi là việc mạo
hiểm và đầy rủi ro, vì vậy, việc cúng tế
trước khi ra biển và thờ phụng một số sinh
vật biển (cá voi, cá heo, rùa da) rất phổ biến
ở hầu hết làng xã ngư dân dọc theo chiều
dài đất nước. Hầu hết các loài thuộc những
nhóm sinh vật này là sinh vật quý hiếm, bị
đe dọa tuyệt chủng trên phạm vi khu vực và
toàn cầu như được chỉ ra trong Sách Đỏ của
Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế và
Việt Nam. Gần như tuyệt đối là ngư dân
không khai thác các nhóm sinh vật nói trên,
nếu chúng bị đánh bắt không chủ đích ngư
dân sẽ phóng thích trở lại biển. Khi cá voi
hay cá heo bị thương dạt vào bờ, ngư dân tự
giác cứu hộ và đưa về biển. Trong trường
hợp gặp các cá thể đã chết, ngư dân cùng
nhau chôn cất và lập lăng miếu để thờ. Hiện
nay, các lăng Ông tồn tại ở rất nhiều địa
phương, nhiều nhất là ở Khánh Hòa với 60
lăng, sau đó có thể kể đến Bình Thuận (26
lăng), Kiên Giang (14 lăng), Bà Rịa – Vũng
Tàu (11 lăng) và rải rác ở nhiểu tỉnh miền
Nam (Nguyễn Thanh Lợi, 2014). Bảo tàng
Hải dương học đang lưu trữ bộ xương cá
voi lưng gù lớn nhất Việt Nam và nhiều tư
liệu liên quan đến phong tục này của người
Việt (Võ Sĩ Tuấn và cs., 2014).
Phong tục trên đây không tồn tại ở một
số quốc gia có truyền thống về biển như
Nhật Bản, nước đã khai thác cá voi từ thế
kỷ 12 và phát triển thành ngành công
nghiệp săn cá voi từ 1890 với ngư trường ở
cả vùng biển Nhật Bản và quốc tế
(
apan#Pelagic_whaling). Văn hóa ứng xử
của người Việt đối với các sinh vật bị đe
dọa tuyệt chủng đã đóng góp quan trọng
cho việc bảo tồn các loài này ở vùng biển
Việt Nam và được các tổ chức bảo tồn thiên
nhiên quốc tế đánh giá cao. Đây là điều mà
các cơ quan nhà nước và tổ chức bảo tồn
cần quảng bá rộng rãi và khuyến khích ngư
106
dân tham gia vào các chương trình chính
thống về bảo tồn và sử dụng hợp lý các sinh
vật bị đe dọa tuyệt chủng cho mục tiêu phát
triển, nhất là trong du lịch biển.
Ngược lại, văn hóa nông dân mang lại
nhiều tác động tiêu cực trong ứng xử với
biển và gây nhiều bất cập trong bảo tồn
thiên nhiên, khai thác hợp lý nguồn lợi hải
sản. Mọi người đều biết người Việt có quan
điểm “điền tư, ngư chung” với cách hiểu là
đất đai luôn có chủ quản lý nhưng ngư
trường là của chung, của tất cả mọi người.
Điều này dẫn đến hệ lụy là không cá nhân
hay nhóm người nào có trách nhiệm quản lý
mặt nước và việc khai thác tài nguyên trong
thủy vực là quyền của bất cứ ai. Do vậy, đối
với nguồn lợi hải sản, nhiều ngư dân có suy
nghĩ rằng nguồn lợi biển là của chung,
không phải của mình thì không cần giữ gìn,
mình không khai thác thì người khác khai
thác mất. Vì vậy, ngư dân tranh thủ khai
thác nguồn lợi bằng mọi cách, kể cả sử
dụng hình thức khai thác hủy diệt như đánh
chất nổ, dùng chất độc gây mê và khai thác
mọi đối tượng, gồm cả con non chưa trưởng
thành. Nguy hiểm hơn, một số ít còn có
kiểu ứng xử “ăn không được thì đạp đổ”,
dẫn đến phá phách thành quả lao động của
người khác, vụ việc cướp ngao ở một số
vùng nuôi trên biển là một ví dụ. Cuộc sống
di cư ở vùng đất mới và đánh bắt ở những
vùng biển xa nơi sinh sống cũng làm cho
ngư dân ít trách nhiệm hơn trong khai thác
tài nguyên. Thực trạng này không dễ khắc
phục trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi
các cơ quan quản lý phải có chiến lược lâu
dài để nâng cao tính cộng đồng, sự hợp tác
và trách nhiệm công dân của ngư dân, gắn
kết giữa quyền lợi và trách nhiệm của người
khai thác nguồn lợi. Đồng thời, cần có giải
pháp nâng cao ý thức của người dân trong
tuân thủ luật pháp quốc gia và quốc tế.
Tư duy nông dân còn thể hiện ở cách
làm việc theo cảm hứng và thiếu tính kế
hoạch trong phát triển nghề nghiệp và định
hướng cuộc sống của cá nhân và gia đình.
Cũng do tư duy ruộng nhà ai nhà nấy làm
nên tính hợp tác lẫn nhau trong khai thác tài
nguyên trên biển cũng có nhiều hạn chế mà
bằng chứng là sự không chia sẻ thông tin về
ngư trường cho nhau và thiếu hỗ trợ lẫn
nhau khi đánh bắt trên biển. Mặt khác, tính
thiếu kế hoạch cộng với tâm lý sợ rủi ro,
ngại mạo hiểm dẫn đến tư duy không quan
tâm nhiều đến tương lai và thường các gia
đình ngư dân không có tích lũy phòng khi
thời tiết không thuận lợi hoặc gặp rủi ro.
Cách sống như vậy dẫn đến một thực trạng
là các gia đình ngư dân luôn có thu nhập tốt
hơn so với nông dân và cao hơn các chuẩn
nghèo nhưng cuộc sống của họ rất dễ bị tổn
thương. Những hạn chế này có thể được
khắc phục khi người dân có được học vấn
tốt hơn và các cơ quan quản lý có được
chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội
với định hướng tham gia thực hiện một các
tích cực của các nhóm xã hội liên quan đến
nghề khai thác thủy sản.
IV. THAY LỜI KẾT
Trong những năm qua, các cơ quan quản lý
và khoa học của Việt Nam đã có nhiều nỗ
lực nhằm quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường biển. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận
rằng chúng ta còn chưa đáp ứng được đòi
hỏi của thực tiễn khi mà những ưu tiên về
kinh tế là áp lực lên mọi hoạt động của đời
sống xã hội. Hơn nữa, cũng phải thừa nhận
rằng dân tộc Việt Nam hình thành và phát
triển dựa trên nền tảng của nền văn minh
lúa nước và tập trung khai thác thủy sản ven
bờ, ít kinh nghiệm khai thác biển khơi. Cội
nguồn văn hóa này có đóng góp tích cực
cho bảo tồn một số loài bị đe dọa nhưng tác
động tiêu cực đến khai thác hải sản một
cách bền vững. Bảo tồn và khai thác bền
vững tài nguyên yêu cầu chúng ta phải quan
tâm đến khía cạnh văn hóa trong chính sách
quản lý và học hỏi tinh hoa văn hóa của các
dân tộc gắn liền với biển và phát triển nhờ
biển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Talaue-McManus L., 2000. Transboundary
diagnostic analysis for the South China
107
Sea. EAS/RCU Technical Report Series
No. 14, UNEP, Bangkok, Thailand.
Nguyễn Thanh Lợi, 2014. Tín ngưỡng
thờ cá voi ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Tạp
chí Bảo tàng và Nhân học, 2 (6): 66-
76.
UNEP, 2005. Wilkinson C., Devantier
L., Talaue-McManus L., Lawrence
D., & D. Souter. South China Sea,
GIWA Regional Assessment 54.
University of Kalmar, Kalmar,
Sweden.
UNEP/GEF/SCS, 2007. Revised draft
strategic action programme. The
UNEP/GEF project “Reversing
environment degradation trends of
the South China Sea and Gulf of
Thailand”.
Võ Sĩ Tuấn, 2008. Môi trường Biển
Đông và ưu tiên hợp tác về môi
trường biển của Việt Nam. Kỷ yếu
Hội nghị Khoa học Quốc gia “Biển
Đông – 2007”, Nha Trang, 12-
14/9/2007. Nhà Xuất bản Khoa học
Tự nhiên và Công nghệ, tr. 59-76.
Võ Sĩ Tuấn, Bùi Quang Nghị, Nguyễn
Thị Mỹ Ngân, 2014. Bảo tàng Hải
dương học – Điểm đến của những
người yêu thiên nhiên biển. Tạp chí
Bảo tàng và Nhân học, 2 (6): 77-82.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 13_vosituan_trang103_107_6852_2070881.pdf