Báo cáo thực tập tại Công ty Hoá chất Mỏ (MICCO)

Qua hơn 10 năm đổi mới, phát triển nền kinh tế mở theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước cùng với nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Công ty Hoá chất Mỏ trong những năm qua đã hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao cho, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về VLNCN trong toàn quốc đồng thời không ngừng nâng cao đời sống của người lao động và hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nộp thuế với Nhà nước. Luôn đạt hiệu quả kinh doanh dẫn tới đạt mức lợi nhuận cao thoả mãn tốt những nhu cầu sản xuất trong nước chưa đáp ứng được. Với những thành tựu của công ty góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành khai thác và các công trình lớn được thực hiện nhanh chóng. Để cùng với cả nước phát triển kinh tế từ một nước Việt Nam nông nghiệp còn lạc hậu trở thành một nước Việt Nam công nghiệp hoá, hiện đại hoá trở thành một nước phát triển.

doc16 trang | Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1226 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Báo cáo thực tập tại Công ty Hoá chất Mỏ (MICCO), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời nói đầu Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI - 1986. Bước vào thời kỳ đổi mới phát triển nền kinh tế mở theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật. Tuy vậy những thành tựu đã đạt được chưa đủ để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nhiều mặt hàng trong nước vẫn còn khan hiếm, đặc biệt là những mặt hàng phục vụ cho lĩnh vực sản xuất. Trong đó có vật liệu nổ công nghiệp. Vật liệu nổ công nghiệp là loại hàng hoá đặc thù và quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Vật liệu nổ công nghiệp được sử dụng rộng rãi trong các ngành khai thác mở như khai thác mỏ than, quặng,... và xây dựng những công trình lớn như Nhà máy Thuỷ điện, Nhà máy Xi măng,... Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tốc độ phát triển các ngành xây dựng và khai thác đang tăng nhanh đòi hỏi nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp ngày càng cao và với những yêu cầu về chất, số lượng, kỹ thuật, an toàn,... ngày càng khắc khe hơn. Nhằm đáp ứng nhu cầu đó, Công ty Hoá chất Mỏ (MICCO) là một doanh nghiệp được phép sản xuất cung ứng vật liệu nổ công nghiệp trong toàn quốc. Bằng sự hiểu biết của mình và sau khi thực tập sơ bộ tại Công ty Hoá chất Mỏ (MICCO) tôi xin đưa ra cách nhìn tổng quát của mình về tình hình hoạt động của công ty. Qua thời gian thực tập ở công ty Hoá chất Mỏ tôi xin chân thành cảm ơn các bác, các cô, các chú, các anh chị trong phòng, cũng như giám đốc đã tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành bản báo cáo này. Do sự hiểu biết còn hạn chế, bài viết này không thể tránh khỏi những sai sót mong nhận được nhiều sự đóng góp ý kiến của thầy cô giáo và các bạn. Hà nội, ngày 15 tháng 04 năm 2001 Sinh viên Phạm Thị Tuyết Mai Phần I Giới thiệu chung về công ty hoá chất mỏ thuộc tổng công ty than Việt Nam I. Đặc điểm sản xuất - kinh doanh của công ty hoá chất mỏ 1. Giới thiệu sơ lược về công ty Công ty Hoá chất Mỏ là một doanh nghiệp có biểu tượng riêng (có tên tiếng Việt - Công ty Hoá chất Mỏ - viết tắt là HCM). Công ty Hoá chất Mỏ là doanh nghiệp Nhà nước có tư cách pháp nhân đầy đủ, có con dấu riêng, được đăng ký kinh doanh, thực hiện chế độ hoạch toán độc lập được mở tài khoản nội và ngoại tệ ngân hàng, được giao tài sản và cấp vốn lưu động, vốn vay ngân hàng và huy động vốn trong và ngoài nước cho các mục đích kinh doanh và phát triển công ty theo pháp luật Nhà nước và qui định của Tổng công ty Than Việt Nam, có trách nhiệm bảo toàn vốn được giao, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và chịu sự quản lý của Tổng công ty Than Việt Nam. Công ty Hoá chất Mỏ có trụ sở chính tại phường Phương Liệt - quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ là: 20.568.100.000đ Trong đó: - Vốn cố định là: 11.324.900.000đ - Vốn lưu động là: 9.234.200.000đ (Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 8/4/1995 của UBKH thành phố Hà Nội). 2. Quá trình hình thành và phát triển Cùng với sự phát triển của các ngành, ngành hoá chất mỏ cũng được hình thành và phát triển bắt đầu từ ngày 20/12/1965 với tên là Tổng kho 3, thuộc Cục Vật tư với nhiệm vụ chủ yếu là tiếp nhận, dự trữ và cung ứng vật liệu nổ cho ngành than. Ngày 07/01/1975, Bộ Điện than đã có Quyết định số 49 ĐT/QTKT chuyển Tổng kho 3 thành Xí nghiệp Hoá chất Mỏ thuộc Công ty Vật tư Bộ Điện than. Ngày 10/2/1988, Bộ Năng lượng có Quyết định số 139 NL/TCCBLĐ cho phép Xí nghiệp Hoá chất Mỏ là đơn vị hạch toán độc lập trong nội bộ công ty, có tư cách pháp nhân đầy đủ, phần nào để chủ động trong sản xuất kinh doanh cung ứng vật liệu nổ. Từ năm 1993, lượng tiêu thụ vật liệu nổ tăng, và trước yêu cầu sử dụng và quản lý vật liệu nổ của nền kinh tế quốc dân, Chính phủ đã có văn bản số 44/TB ngày 29/3/1995 cho thành lập Công ty Hoá chất Mỏ. Bộ Năng lượng có Quyết định số 204 NL/TCCBNL ngày 01/04/1995 thành lập doanh nghiệp Nhà nước có tên Công ty Hoá chất Mỏ, và từ đó ngành hoá chất mỏ chính thức trở thành doanh nghiệp Nhà nước hạch toán độc lập. 3. Chức năng, nhiệm vụ của công ty Công ty có chức năng, nhiệm vụ, các hình thức hoạt động như sau: - Tổ chức mạng lưới cung ứng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) cho các đơn vị được phép và có điều kiện sử dụng VLNCN trong cả nước theo qui định của Nhà nước. - Tổ chức sản xuất, liên doanh sản xuất VLNCN với các đơn vị trong và ngoài nước theo pháp luật hiện hành. - Sản xuất, phối chế, thử nghiệm vật liệu nổ (VLN). - Xuất nhập khẩu, bảo quản, cung ứng VLN. - Sản xuất dây nổ mìn, dây điện dân dụng, giấy và bao bì VLN, giấy sinh hoạt. - May hàng bảo hộ lao động, hàng may mặc xuất khẩu. - Vận tải quá cảnh. Vận chuyển nguyên vật liệu, hoá chất để sản xuất VLN và các vật tư thiết bị hàng hoá khác bằng đường bộ, đường thuỷ. - Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị phục vụ ngành, nguyên liệu may mặc, nhập khẩu nguyên vật liệu, hoá chất để sản xuất VLN. - Dịch vụ nổ mìn cho mọi nhu cầu trong cả nước. - Dịch vụ ăn nghỉ cho khách. - Dịch vụ cung ứng xăng dầu và vật tư hàng hoá khác. 4. Cơ cấu bộ máy tổ chức và hoạt động của công ty Công ty Hoá chất Mỏ sản xuất kinh doanh, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và chịu sự quản lý của Tổng công ty Than Việt Nam. Công ty Hoá chất Mỏ chịu sự quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước. Để thực hiện các hoạt động kinh doanh trên, công ty Hoá chất Mỏ có Bộ máy quản lý bao gồm: 01 Giám đốc; 03 Phó giám đốc (kinh tế, sản xuất, kỹ thuật); 01 kế toán trưởng. Đứng đầu công ty là giám đốc công ty chịu trách nhiệm quản lý điều hành công ty. Giám đốc công ty do Hội đồng quản trị của Tổng công ty Than bổ nhiệm, miễn nhiệm. Tổng số cán bộ công nhân viên của công ty: 1.596 người. Văn phòng công ty 84 người được bố trí 7 phòng ban. Các phòng ban này chính là bộ máy quản lý, tham mưu giúp việc cho giám đốc trong việc điều hành hoạt động của toàn công ty. Các phòng ban giúp việc: + Phòng kế hoạch và chỉ huy sản xuất. + Phòng kế toán tài chính thống kê. + Phòng kỹ thuật an toàn. + Phòng tổ chức nhân sự. + Phòng thương mại. + Văn phòng. + Phòng thanh tra pháp chế. Do đặc điểm của ngành Hoá chất Mỏ, Công ty có các đơn vị trực thuộc, hạch toán không đầy đủ, có trụ sở đặt tại các địa phương trong cả nước để sản xuất, cung ứng VLN cho nền kinh tế. Các đơn vị này gắn bó với nhau một cách chặt chẽ về lợi ích kinh tế, công nghệ sản xuất, cung ứng, tiêu thụ, dịch vụ, thông tin, đào tạo,... nhằm tăng cường quản lý chuyên môn hoá sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh của mỗi đơn vị và của công ty, quản lý, khai thác sử dụng các nguồn lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ của Tổng công ty giao, đáp ứng nhu cầu sản phẩm cho nền kinh tế. Chức năng, nhiệm vụ của các phòng ban: 1. Phòng kế hoạch và chỉ huy sản xuất: Tham mưu giúp việc cho Giám đốc công ty về công tác kế hoạch: + Chủ trì tổ chức xây dựng kế hoạch sản xuất kỹ thuật - tài chính và xã hội hàng năm. + Tổ chức triển khai, điều hành công tác kế hoạch trong toàn công ty; hàng tháng, quí thực hiện kế hoạch nhập, sản xuất, kế hoạch cho các bộ phận và đồng thời xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm. 2. Phòng kế toán - tài chính thống kê: Tham mưu cho Giám đốc về công tác quản lý các nguồn vốn, các số liệu về tài chính kế toán, quyết toán, tổng kết (kiểm kê tài sản theo qui định của Nhà nước). Báo cáo tài chính lên cơ quan cấp trên và nộp các khoản ngân sách theo qui định, làm thủ tục bảo toàn và phát triển nguồn vốn do cấp trên cấp. 3. Phòng kỹ thuật an toàn: Tham mưu giúp việc cho Giám đốc công ty về công tác kỹ thuật an toàn. Phòng kỹ thuật an toàn có nhiệm vụ và chức năng sau: Kiểm tra giám sát các đơn vị thực hiện đúng qui trình và hướng dẫn ban hành các định mức kỹ thuật an toàn các tiêu chuẩn cấp bậc chuyên môn, tổ chức nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất mới, xử lý các biến động trong sản xuất. Đồng thời là người tham mưu giúp việc cho quá trình sản xuất và kinh doanh của công ty. 4. Phòng tổ chức nhân sự: Tham mưu cho Giám đốc để bố trí sắp xếp bộ máy tổ chức và công tác cán bộ công ty nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kinh doanh của đơn vị, chịu trách nhiệm trước giám đốc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh tế của các cơ sở, thực hiện các chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kịp thời, chịu trách nhiệm trước giám đốc về chính sách thị trường, bạn hàng nước ngoài. 5. Phòng thương mại: Theo sự chỉ đạo chung của giám đốc, được phép kinh doanh các mặt hàng trong giấy phép kinh doanh của công ty, được Uỷ ban kế hoạch thành phố cho phép; Bộ Thương mại cấp giấy phép. 6. Văn phòng: có nhiệm vụ giúp giám đốc lưu giữ và xử lý công văn giấy tờ. Chịu trách nhiệm trước giám đốc về tổ chức lễ tân và công tác đối ngoại. 7. Phòng thanh tra pháp chế: Tham mưu giúp việc cho giám đốc về Luật định những qui định của Nhà nước. Đồng thời chịu trách nhiệm trước giám đốc về chính sách thị trường, kiểm tra hoạt động kinh doanh. 8. Các chi nhánh và xí nghiệp: Có chức năng nhiệm vụ giống phòng thương mại và giúp công ty mở rộng thị phần trên phạm vi cả nước. Sơ đồ bộ máy của công ty Hoá chất Mỏ Phó Giám đốc kinh tế Phó Giám đốc sản xuất Phó Giám đốc kỹ thuật Các đơn vị thành viên chịu sự quản lý trực tiếp Phòng TK - KT TC Phòng tổ chức nhân sự Văn phòng công ty Phòng thương mại Phòng KH chỉ huy - SX Phòng kỹ thuật an toàn Phòng thanh tra bảo vệ pháp chế Giám đốc công ty Các đơn vị trực thuộc: 1. Xí nghiệp Hoá chất Mỏ (HCM) Quảng Ninh. 2. Xí nghiệp Hoá chất Mỏ - Ninh Bình. 3. Xí nghiệp Hoá chất Mỏ - Bắc Thái. 4. Xí nghiệp Hoá chất Mỏ - Đà Nẵng. 5. Xí nghiệp Hoá chất Mỏ - Bà Rịa - Vũng Tàu. 6. Xí nghiệp Vận tải sông biển Hải Phòng. 7. Xí nghiệp Dịch vụ Hà Nội. 8. Xí nghiệp Dịch vụ và vận tải HCM Hà Bắc. II. Thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty thời gian qua. Công ty Hoá chất Mỏ là công ty được Chính phủ cho phép chính thức việc kinh doanh sản xuất thuốc nổ phục vụ ngành công nghiệp mỏ, khai thác và các công trình dân dụng. Tuy nhiên không thể coi là độc quyền vì hiện nay còn rất nhiều Nhà máy sản xuất cung ứng thuốc nổ phụ kiện nổ của Bộ Quốc phòng với những ưu thế riêng. Do mặt hàng kinh doanh chính mang tính độc quyền cao và tổ chức sản xuất kinh doanh tương đối tốt cho nên mặc dù mới đi vào hoạt động được hơn 5 năm nhưng công ty Hoá chất Mỏ đã đạt được mức tăng trưởng tốt, thu được hiệu quả kinh tế cao. Theo Quyết định thành lập công ty, công ty Hoá chất Mỏ, Quyết định 240/NL-TCCB-LĐ của Bộ Năng lượng thì tình hình tài chính của công ty như sau: Tổng số vốn kinh doanh ngày 1/4/2001 (chưa tính vốn vay) là: 25.990 triệu đồng. Trong đó: + Vốn cố định: 14.325 triệu đồng. + Vốn lưu động: 11.665 triệu đồng. Phân bố theo nguồn vốn: + Vốn NSNN cấp 22.532 triệu đồng. + Vốn tự bổ sung: 3.468 triệu đồng. Sau 5 năm hoạt động kinh doanh, vốn của công ty không ngừng được bổ sung. Do đạt được hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh nên công ty không ngừng tự bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh của mình: + Năm 1996 vốn trên 25 tỷ đồng. + Năm 1997 vốn trên 30 tỷ đồng. + Năm 1998 vốn trên 40 tỷ đồng. + Năm 1999 vốn trên 43 tỷ đồng. + Năm 2000 vốn trên 47 tỷ đồng. Doanh thu của công ty tăng liên tục trong các năm, từ đó nâng cao lợi nhuận của công ty. Bảng 1: Mức doanh thu, chi phí, lợi nhuận của công ty các năm qua Đơn vị: tỷ đồng Năm Chỉ tiêu 1995 1996 1997 1998 1999 2000 Doanh thu 279 307 416 437 472 532 Chi phí 181,6 263,4 263,4 263,4 266,5 271,2 Thuế các loại 88,6 130 141,4 157,3 184,1 228,7 Lợi nhuận 3,8 3,6 11,2 16,3 21,4 32,2 Qua số liệu ở bảng trên cho ta thấy, công ty đã đạt được hiệu quả tốt trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là năm 2000, công ty đã nâng được doanh thu trong khi mức chi phí không thay đổi lớn so với năm 1997 từ đó nâng cao được lợi nhuận. Điều này cho thấy công ty tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh rất có hiệu quả, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Số lao động của công ty Hoá chất Mỏ ở mức trung bình. Nhờ bố trí lao động phù hợp và hiệu quả kinh doanh cao cho nên người lao động trong công ty có mức thu nhập tốt. Bảng 2: Số lao động và mức thu nhập bình quân/đầu người Năm Chỉ tiêu Đơn vị 1995 1996 1997 1998 1999 2000 Số lao động người 1.010 1.121 1.250 1.275 1.293 1.308 Thu nhập bình quân đầu người 1.000đ/tháng 750 925 1.050 1.120 1.134 1.223 Trong khi đó, mức thu nhập bình quân người lao động của Tổng công ty Than Việt Nam năm 1997 là 956.000đ/người/tháng. Do công ty không ngừng mở rộng qui mô kinh doanh, mở rộng thị trường nên đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Việc tăng thêm lao động trong công ty đồng thời tăng thu nhập của người lao động cho thấy công ty đã bố trí sắp xếp lao động và tổ chức hoạt động một cách hợp lý, khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động. Căn cứ vào số liệu tổng hợp từ năm 1995 đến năm 2000 đã thể hiện được thành tựu đáng kể của công ty. Sản phẩm bán ra tăng cả về số lượng và chất lượng, tốc độ tăng trưởng từ 15-35%. Công ty làm đủ nghĩa vụ với Nhà nước như nộp thuế, thu nhập của người lao động ổn định và không ngừng được nâng cao. Công ty đã tạo được niềm tin với khách hàng và tạo tiền đề tốt cho sự phát triển lâu dài bền vững. Phần III Những thuận lợi và khó khăn có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty hoá chất mỏ 1. Thuận lợi + Do đặc thù của mặt hàng VLNCN đã tạo ra một vị trí cực kỳ thuận lợi cho công ty trong việc sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Công ty là doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu VLNCN (trừ nhập khẩu cho mục đích quân sự) và hoạt động kinh doanh VLNCN cùng với những lĩnh vực dịch vụ có liên quan của công ty mang tính chất độc quyền trên thị trường nội địa. Do đó việc tiêu thụ hàng nhập khẩu không phải là vấn đề lớn đối với công tác kinh doanh nhập khẩu VLNCN của công ty. + Công ty mở rộng thị trường nên phá vỡ thế duy nhất của thị trường nhập Trung Quốc. Từ đó tạo ra lợi thế về chất lượng cũng như giá của hàng nhập khẩu của công ty, có được nguồn hàng dồi dào phục vụ cho nhu cầu nhập của công ty. + Công ty có sự tín nhiệm của bạn hàng, cả bạn hàng bán cũng như bạn hàng tiêu thụ. + Có kế hoạch hoạt động giao dịch và tổ chức thực hiện hợp đồng được thực hiện tương đối trôi chảy và hiệu quả, phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình thực tế của nhu cầu khách hàng và của công ty. + Công ty có đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trình độ chuyên môn tương đối vững vàng, có tinh thần trách nhiệm. + Công ty Hoá chất Mỏ được sự chỉ đạo sát sao của Tổng công ty Than Việt Nam và Bộ Công nghiệp, có sự chỉ bảo tạo điều kiện của các Bộ liên ngành có liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Nội vụ,... đã giúp đỡ công ty đạt được hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 2. Khó khăn Bên cạnh những thuận lợi công ty còn tồn tại một số khó khăn: + Do công tác nghiên cứu thị trường của công ty còn nhiều hạn chế, tuy đội ngũ cán bộ có trình độ tương đối vững vàng nhưng chưa có những cán bộ chuyên sâu vào vấn đề này. Nên việc nghiên cứu những tài liệu quan trọng, cần thiết và gặp gỡ các đối tác khác nhau vẫn còn rất hạn chế. + Mặc dù công ty mở rộng thị trường nhập khẩu nhưng thị trường nhập khẩu vẫn bị bó hẹp trong ba thị trường là Trung Quốc, Australia và ấn Độ, chưa được đặt quyền quan hệ đối với thị trường lớn và tiên tiến như Mỹ, Canada. Điều này dễ gây ra bị động trong nguồn hàng nhập và công ty chưa có sự so sánh đánh giá rộng rãi về mặt hàng VLNCN trên thị trường thế giới để có sự lựa chọn đối tác mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất nên công ty dễ bị đối tác ép giá. + Cách tính giá và giá bán hàng VLNCN nhập khẩu do Nhà nước qui định, nên cơ chế giá này rất cứng nhắc dẫn tới có thể sẽ giảm lợi nhuận kinh doanh. + Do mặt hàng VLNCN mang tính đặc thù, Nhà nước quản lý nhập khẩu bằng hạn ngạch và các qui định chính sách, thủ tục xin giấy phép nhập khẩu phải qua nhiều khâu đoạn. Phần IV Phương hướng hoạt động trong tương lai 1. Đối với mặt hàng VLNCN là mặt hàng có tính đặc thù, có tính chất đặc biệt đòi hỏi tính an toàn cao nên công ty không ngừng nâng cao chất lượng, và bảo quản để đảm bảo an toàn tuyệt đối và có kế hoạch để lượng hàng nhập cũng như tiêu thụ cân đối vừa đáp ứng được nhu cầu sản xuất vừa đem lại hiệu quả ngày càng cao. 2. Đối với mối quan hệ với nước ngoài Do sự phát triển của nền kinh tế nhu cầu về VLNCN của ngành khai thác và xây dựng không ngừng tăng lên công ty Hoá chất Mỏ có 3 nguồn hàng cơ bản. Nguồn tự sản xuất, nguồn nhập khẩu và nguồn từ quốc phòng chuyển sang (do các nhà máy quốc phòng sản xuất). Tỷ trọng của 3 nguồn này là tương đương nhau: do vậy hoạt động nhập khẩu VLNCN là hết sức quan trọng trong công tác bảo đảm nguồn hàng cho công ty. Trong những năm tới công ty cần phải không ngừng tăng cường và đẩy mạnh nhập khẩu. Công ty tiếp tục duy trì và củng cố mối quan hệ với các bạn hàng: Trung Quốc, ICI (Anh), IDL (ấn Độ) và từng bước mở rộng mối quan hệ với các bạn hàng khác. Công ty tăng cường lĩnh vực hoạt động xuất khẩu các sản phẩm sản xuất của công ty, mở rộng thị trường tiêu thụ sang Lào để có thể chuyển khẩu, quá cảnh vật liệu nổ công nghiệp. 3. Đối với mối quan hệ với khách hàng trong nước Công ty đẩy mạnh tốc độ tiêu thụ hàng ngày tránh tình trạng ứ đọng chậm lưu chuyển. Công ty mở thêm các chi nhánh đại diện ở các vùng lãnh thổ để mở rộng thị trường tăng lượng tiêu thụ cho công ty. Kết luận Qua hơn 10 năm đổi mới, phát triển nền kinh tế mở theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước cùng với nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Công ty Hoá chất Mỏ trong những năm qua đã hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao cho, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về VLNCN trong toàn quốc đồng thời không ngừng nâng cao đời sống của người lao động và hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nộp thuế với Nhà nước. Luôn đạt hiệu quả kinh doanh dẫn tới đạt mức lợi nhuận cao thoả mãn tốt những nhu cầu sản xuất trong nước chưa đáp ứng được. Với những thành tựu của công ty góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành khai thác và các công trình lớn được thực hiện nhanh chóng. Để cùng với cả nước phát triển kinh tế từ một nước Việt Nam nông nghiệp còn lạc hậu trở thành một nước Việt Nam công nghiệp hoá, hiện đại hoá trở thành một nước phát triển.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBC171.doc
Tài liệu liên quan