The world ocean, including oceans and marginal seas, covers 71% of the Earth’s
area and has been considered as a supportive system to the Earth’s life. Especially, the ocean
maintains food and energy security for humankind while such sources are being exhausted on the
mainlands. The climate change and its impacts on oceans, coasts and islands have been know more
than ocean change and its impacts on climate system. The scientists have continuously affirmed that
climate change and ocean change are closely related and are considered as two dimensions of the
same problem. The paper presents the ocean change, the role of the ocean in adapting to the
impacts of the climate change and the approaches to respond to the changes worldwide and in
Vietnam.
10 trang |
Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 607 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biến đổi đại dương và biến đổi khí hậu - Hai mặt của một vấn đề, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
119
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển; Tập 15, Số 2; 2015: 119-128
DOI: 10.15625/1859-3097/15/2/6500
BIẾN ĐỔI ĐẠI DƯƠNG VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU -
HAI MẶT CỦA MỘT VẤN ĐỀ
Nguyễn Chu Hồi
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội
E-mail: nchoi52@gmail.com
Ngày nhận bài: 2-4-2015
TÓM TẮT: Đại dương thế giới, bao gồm các đại dương và biển, bao phủ khoảng 71% diện tích
bề mặt Trái đất và được xem là hệ thống duy trì đời sống Trái đất. Đặc biệt, đại dương có chức
năng điều chỉnh cân bằng các cực trị nhiệt độ thịnh hành và có thể làm dịu các ảnh hưởng khốc liệt
của thời tiết - khí hậu trên Trái đất. Đại dương bảo đảm an ninh thực phẩm và an ninh năng lượng
cho loài người khi các nguồn này đang cạn dần trên các đại lục. Chúng ta biết nhiều hơn về biến
đổi khí hậu và tác động của nó đến đại dương, hải đảo và vùng ven biển, nhưng còn ít đề cập đến
biến đổi đại dương (ocean change) và tác động của nó đối với hệ thống khí hậu. Các nhà khoa học
tiếp tục khẳng định: Biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương có liên quan chặt chẽ với nhau và là hai
mặt của một vấn đề thông qua quá trình tương tác giữa chúng trong tự nhiên. Bài viết này giới thiệu
về biến đổi đại dương, vai trò của đại dương trong thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và
cách tiếp cận ứng phó trên thế giới và ở Việt Nam.
Từ khóa: Hệ thống tự nhiên mở, chu trình nước toàn cầu, biến đổi đại dương, axit hóa đại
dương, đại dương ấm lên, đại dương thiếu ôxy, nước biển dâng, ô nhiễm biển và sử dụng quá mức
tài nguyên biển.
VAI TRÒ VÀ SỰ BIẾN ĐỔI CỦA ĐẠI
DƯƠNG
Đại dương thế giới được ví như một “cỗ
máy điều hoà nhiệt độ hai chiều” khổng lồ có
tác dụng điều chỉnh cân bằng các cực trị nhiệt
độ thịnh hành và làm dịu các ảnh hưởng khốc
liệt của thời tiết - khí hậu, cũng như sản sinh ra
ôxy nuôi dưỡng nhịp sống của con người trên
Trái đất [1]. Theo Botkin & Keller (2000) [2]
đại dương thế giới là một hệ thống tự nhiên mở
do thường xuyên trao đổi tương tác mạnh mẽ
giữa nước đại dương với hệ thống khí quyển,
tạo ra chu trình nước toàn cầu (chu trình mưa -
bốc hơi). Vì thế, đại dương thế giới được xem
là một hệ thống tự nhiên hỗ trợ đời sống Trái
đất - ngôi nhà chung của loài người. Đại dương
thế giới chứa đựng các nguồn tài nguyên thiên
nhiên đa dạng với trữ lượng khổng lồ, là chỗ
dựa sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển,
trên các hải đảo và trở thành yếu tố không thể
thiếu trong chiến lược phát triển của các quốc
gia ven biển, quốc đảo. Các chiến lược gia dự
báo rằng: “Biển và đại dương sẽ là nơi dự trữ
cuối cùng của loài người về lương thực, thực
phẩm và các nguồn năng lượng, nguyên nhiên
liệu khác”.
Ngày nay, kinh tế biển thế giới đang bước
vào giai đoạn phát triển mới với các đặc trưng
cơ bản của một thế giới chuyển đổi: khan hiếm
và khủng hoảng nguyên nhiên liệu, tác động
của biến đổi khí hậu (BĐKH) và biến đổi đại
dương ngày càng hiện hữu, an sinh xã hội bị đe
dọa, cạnh tranh thị trường, tranh chấp lãnh thổ
và xung đột quốc gia trên biển thường xuyên và
gay gắt hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh như
vậy, xu thế chung đối với các quốc gia biển
Nguyễn Chu Hồi
120
như Việt Nam là phát triển thích ứng và linh
hoạt, nhấn mạnh đến kinh tế tri thức [3]. Tính
phụ thuộc lẫn nhau trong phát triển và toàn cầu
hóa đòi hỏi các quốc gia có biển phải thay đổi
tư duy phát triển, tăng cường hợp tác và đổi
mới công nghệ để bảo đảm an ninh biển và đại
dương, bao gồm an ninh phi truyền thống,
hướng đến một đại dương khỏe mạnh (healthy
ocean), một nền kinh tế biển xanh lam (blue
marine economy) và thích ứng với BĐKH.
Trái đất và đại dương thế giới đã trải qua
quá trình tiến hóa tự nhiên lâu dài và đầy biến
động. Các tác động tự nhiên trong và đến đại
dương có xu hướng ngày càng gia tăng, và
dường như con người đang chứng kiến và bước
vào một thảm họa sinh thái toàn cầu mới, có thể
diễn ra trong suốt thế kỷ 21 và dài hơn do
BĐKH và biến đổi đại dương gây ra [4]. Khi
nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang
dần cạn kiệt, khó phục hồi hoặc phục hồi chậm
thì tương lai phát triển của loài người lại càng
phụ thuộc nhiều hơn vào việc khai thác các
nguồn tài nguyên từ biển và đại dương. Chính sự
can thiệp lâu dài và tiêu cực của tự nhiên và con
người trong quá trình phát triển nhiều thế kỷ qua
đã ảnh hưởng đến chất lượng và quan hệ tương
tác giữa đại dương và khí quyển đã nói trên.
BĐKH đang hiện hữu và tác động mạnh mẽ
đến toàn bộ đời sống Trái đất, trong đó có biển
và đại dương. Ngược lại, biến đổi đại dương,
tuy chưa được hiểu đầy đủ so với BĐKH,
nhưng chắc chắn cũng tác động trở lại bầu khí
quyển một cách mạnh mẽ. Trước hết, đại
dương thay đổi chức năng và vai trò của nó
trong việc duy trì an sinh cho nhân loại, trong
việc giảm thiểu và thích ứng với tác động của
BĐKH. Những thay đổi của đại dương tác động
trực tiếp đến các cực trị nhiệt độ của khí quyển
Trái đất, gây ra hiện tượng “kẹt nhiệt độ” kèm
theo các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Noone và cộng sự (2005) [1] cho rằng:
“Đại dương thế giới đang phải đối mặt với quá
nhiều đe dọa liên kết với nhau mà còn chưa tiên
đoán được đầy đủ trong lịch sử đương đại. Cho
nên, những hiểu biết về giá trị dịch vụ của đại
dương cần phải được tính đến trong quá trình
lập kế hoạch cho một tương lai đầy rủi ro và
không chắc chắn”. Báo cáo của Ủy ban hỗn
hợp về Đại dương Hoa Kỳ (2009) [5] gửi Văn
phòng Tổng thống Mỹ Obama về những
khuyến nghị chính sách đại dương toàn cầu của
Mỹ đã đưa ra một thông điệp cảnh báo rằng:
“Biến đổi đại dương làm thay đổi Thế giới”.
CÁC ĐE DỌA ĐẾN SỨC KHỎE ĐẠI
DƯƠNG
Biến đổi đại dương không chỉ do tác động
của BĐKH mà còn do các yếu tố tự nhiên và
nhân sinh khác. Kevin Noone và cộng sự
(2005) [1] cho rằng có 6 đe dọa chủ yếu đến
sức khỏe đại dương: axit hóa đại dương, đại
dương ấm lên, đại dương thiếu ôxy, nước biển
dâng, ô nhiễm biển và sử dụng quá mức tài
nguyên biển.
Axit hóa đại dương
Khí quyển và đại dương trao đổi các khí
trên một quy mô rộng lớn và hơn 200 năm qua
đại dương thế giới đã hấp thụ khoảng 20 - 30%
lượng phát thải tích tụ toàn cầu của CO2. Ngoài
CO2 trong khí quyển không ngừng dung nạp
vào đại dương, CO2 trong nước biển còn do núi
lửa phóng thích ra thể khí hoặc thông qua tác
dụng hô hấp của sinh vật giải phóng ra mà
nước biển thu nhận được. Khi thực vật biển sử
dụng CO2 để tiến hành quang hợp, thì lượng
CO2 trong nước biển sẽ giảm xuống. Trong khi
quá trình này một phần cản bớt tác động của
BĐKH, thì sự gây nhiễu hệ thống carbonate
của đại dương - đồng nghĩa với axit hóa đại
dương - đã gây ra hậu quả đối với bản chất hóa
học đại dương, đối với các sinh vật sống trong
đại dương và đối với loài người. Như vậy axit
hóa đại dương là hậu quả trực tiếp của tăng
phát thải CO2. Độ axit trung bình của lớp nước
bề mặt đại dương đã tăng khoảng 30% từ cuộc
cách mạng công nghiệp và theo dự báo nếu
chúng ta tiếp tục phát thải CO2 ở cường độ
tương tự thì độ axit này có thể tăng vào cỡ 150
- 200% vào năm 2100. Cường độ biến đổi như
vậy nhanh hơn khoảng 10 lần so với biến đổi
của bất kỳ sự kiện nào khác đã xảy ra với đại
dương trong khoảng 65 triệu năm qua [1].
Ở một số vùng như là bờ tây bắc của Bắc
Mỹ, axit hóa đang tác động mạnh đến nhóm
động vật biển giáp xác và hai mảnh vỏ - đối
tượng thương mại quan trọng. Ở vùng biển Bắc
Cực, hàng năm thêm khoảng 800 km2 đáy biển
xuất lộ axit hóa nước biển và đang “gậm nhấm”
Biến đổi đại dương và biến đổi khí hậu
121
các vỏ sò không được bảo vệ. Axit hóa đại
dương cũng được dự báo sẽ làm chậm lại khả
năng hấp thụ và lưu giữ cacbon khổng lồ của
đại dương, nghĩa là chúng ta đang bước vào
một tương lai nhiều cacbon trong bầu khí
quyển hơn và “tiếp tay” cho BĐKH. Chúng ta
không thể giải quyết được những biến đổi
nhanh chóng về hóa học đại dương và hậu quả
trực tiếp của nó đối với an ninh nhân loại trong
tương lai. Nếu lượng phát thải CO2 toàn cầu
không sớm cắt giảm được thì sẽ mất hàng chục
ngàn năm để độ pH nước đại dương trở lại như
mức hiện tại [1].
Đại dương ấm lên
Đại dương đã hấp thụ 80% lượng nhiệt bổ
sung cho hệ thống khí hậu hơn 200 năm qua,
khiến cho nhiệt độ trung bình của lớp nước bề
mặt đại dương tăng. Những đợt hoạt động núi
lửa ngầm dưới nước cũng bổ sung thêm các
khí, dung dịch thuỷ nhiệt cho đại dương, đôi
nơi đi kèm là các phản ứng của nước biển bị
hâm nóng cùng với bazan nóng bỏng. Mặc dù,
đại dương có khả năng giữ nhiệt và tạo ra cho
vùng biển khí hậu ôn hoà, thích hợp đời sống
sinh vật biển và con người, nhưng khi nhiệt độ
tăng cao sẽ làm giảm ôxy hoà tan trong nước
biển, ảnh hưởng đến quá trình thay đổi tế bào
của động thực vật, đến tập tính của một số
loàicá hoặc tạo ra sự cạnh tranh giữa các loài
kinh tế và địch hại (thuận lợi cho các loài địch
hại và dịch bệnh phát triển) [6].
Theo Noone (2005) [1], đại dương ấm lên
sẽ gây ra hai loại tác động: tác động vật lý liên
quan tới các hiện tượng thời tiết cực đoan và
hậu quả sinh học bao gồm một loạt thay đổi
trong các quần thể cá. Các quan sát và mô hình
đều cho thấy thay đổi nền nhiệt của đại dương
ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tương tác
biển - khí quyển, tăng tần xuất bão, lốc tố, lũ
lụt ven biển và xói lở bờ biển. Phần trăm các
cơn bão mạnh nhất tăng từ khoảng 20% trong
các năm 1970 - 1974 lên đến 35% trong các
năm 2000 - 2004. Nhiệt độ nước đại dương
tăng còn liên quan tới El-nino mà hậu quả là lụt
lội và hạn hán.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy
làm tăng các tác động xấu đối với các hệ sinh
thái (HST), cũng như các quần thể biển - ven bờ
trên phạm vi toàn cầu; gây thiệt hại nghiêm
trọng cho những khu vực đông dân cư ven biển
và trên các hải đảo, nơi người dân dễ bị tổn
thương nhất vì họ thiếu năng lực để ứng phó với
các hiện tượng như vậy. Thí dụ, san hô tạo rạn
trong các HST rạn san hô bị tẩy trắng do nhiệt
độ tăng, ảnh hưởng đến chức năng dịch vụ quan
trọng của HST này [7]. Đại dương ấm lên còn
tác động tiềm năng đến năng suất nghề cá biển
và đến an ninh thực phẩm toàn cầu. Đáng kể là
những thay đổi về cấu trúc chuỗi thức ăn và sự
tái phân bố của các loài hải sản kinh tế theo
hướng: di chuyển ra các vùng biển sâu hơn và
lên các vùng cực [8]. Các biến đổi như vậy
đương nhiên ảnh hưởng xấu đến khả năng cung
cấp hàng hóa và dịch vụ cho nền kinh tế của các
quốc gia ven biển trong tương lai.
Đại dương thiếu ôxy
Ôxy được bổ sung vào nước biển và đại
dương nhờ sự hoà trộn với khí quyển, sự quang
hợp, và bị mất đi (tiêu thụ) do sự hô hấp của
sinh vật và do ôxy hoá các hợp chất hoá học
khác nhau. Ôxy từ khí quyển hoà tan trong nước
biển ở lớp bề mặt, còn ở dưới sâu của đại dương
nước thiếu ôxy, bị ôxy hoá (mất ôxy) vì ở đây
nước bắt đầu lạnh. Nitơ cực kỳ quan trọng đối
với tất cả các sinh vật, bởi vì nó cùng với các
nguyên tố khác hợp thành phân tử protit phức
hợp, là chất dinh dưỡng không thể thiếu đối với
sinh trưởng, sinh sản của sinh vật biển. Ôxy là
yếu tố duy trì sự tồn tại và tăng trưởng của các
loài sinh vật biển. Tuy nhiên, khi nitơ và các
chất dinh dưỡng khác quá giàu, còn ôxy lại quá
nghèo thì kéo theo nhiều hậu quả xấu [6].
Díaz (2013) [4] cho rằng tăng trưởng kinh
tế và dân số trong hơn 60 năm qua đã làm gia
tăng các chất dinh dưỡng và hữu cơ ở các
vùng biển và đại dương ven bờ trên phạm vi
toàn cầu. Hậu quả là các HST biển bị “quá
tải”, nồng độ ôxy giảm, nitơ và phốtpho tăng,
còn CO2 thay đổi rõ rệt. Môi trường biển bị
yếm khí do thiếu ôxy, các vùng biển ven bờ bị
phì dưỡng, bùng phát vi tảo biển gây hại và
xuất hiện thủy triều đỏ ngày càng nhiều.
Trong các vùng biển như vậy, cá và các loài
hải sản khác bị chết, bị nhiễm độc tố, cộng
đồng ven biển mất chỗ dựa sinh kế, an ninh
thực phẩm quốc gia và sức khỏe con người bị
ảnh hưởng nặng nề.
Nguyễn Chu Hồi
122
Hiện tượng thiếu ôxy (hoặc khử ôxy) là
một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất
của sự phì dưỡng do vùng biển quá giàu nitơ,
phôtpho và chất hữu cơ, đặc biệt từ các chất
thải nói trên. Sự phân huỷ vật chất hữu cơ dẫn
tới tiêu thụ ôxy trong lớp nước sát đáy ít lưu
thông, nước bị yếm khí (anoxic) hoặc nồng độ
ôxy giảm xuống rất thấp. Trong vùng nước
biển và đại dương không được lưu thông, đặc
biệt ở vùng biển gần núi lửa hoặc vùng thiếu
ôxy còn có chứa H2S, như ở Địa Trung Hải và
một số khu nuôi trồng thủy sản tập trung ở ven
biển nước ta [6].
Đến nay có trên 500 “vùng biển chết” do
thiếu ôxy trong đại dương thế giới đã được
đánh giá [9]. Ở những nơi này việc cung cấp
hạn chế ôxy hòa tan đã ngăn cản sức tăng
trưởng và tái sản xuất của sinh vật biển và số
lượng các vùng biển như vậy đang tăng nhanh
ở các nước đang phát triển. Hiện tượng này
cũng là mối nguy đối với các HST biển - nguồn
cung cấp thực phẩm quan trọng cho cộng đồng
địa phương. Ngoài ra, do những biến đổi môi
trường toàn cầu và sự ấm lên của đại dương, số
lượng các vùng biểu hiện thiếu (cực tiểu) ôxy
tự nhiên cũng ngày càng tăng.
Các kịch bản tương lai đối với hiện tượng
thiếu ôxy của đại dương thế giới sẽ phụ thuộc
vào các yếu tố đan xen: biến đổi môi trường
toàn cầu, sử dụng đất, tăng trưởng dân số (đặc
biệt ở ven biển), nông nghiệp và tải lượng dinh
dưỡng. Dự báo lượng nitơ chuyển vào đại
dương sẽ tăng khoảng 50% vào năm 2050 dẫn
đến tăng tần suất, mật độ và thời hạn của hiện
tượng thiếu ôxy ở các vùng biển ven bờ [1]. Do
quy mô toàn cầu của hiện tượng thiếu ôxy,
cũng như mối nguy của nó đối với sức khỏe
con người và các giá trị dịch vụ của HST, đòi
hỏi phải ngăn chặn khẩn cấp và xử lý kịp thời,
trong khi năng lực thể chế còn chưa đủ giải
quyết các vấn đề xuyên cắt từ đất liền vào biển
(from ridge to reef).
Nước biển dâng
Mực nước biển trung bình toàn cầu đã dâng
lên khoảng 25 cm từ những năm 1800 và đang
tăng tốc nhanh. Mức tăng khoảng 1,8 mm/năm
trong suốt 50 năm qua, tăng lên mức
3,1 mm/năm vào năm 1990 và 2,5 mm/năm vào
giai đoạn 2003 - 2007. Các dự báo nước biển
dâng đến năm 2100 rất khác nhau: tối thiểu 0,2
m và tối đa đạt đến 2 m. Nước biển dâng khiến
nhiều đảo nhỏ sẽ chìm dưới mực nước biển, các
vùng đất thấp ven biển bị ngập chìm, tăng ngập
lụt ven biển, thâm nhập mặn sâu vào nội đồng,
tăng xói lở bờ biển, ngập lụt đô thị ven biển và
phá hủy các habitat ven biển. Các vùng rủi ro
cao đối với nước biển dâng là các vùng ven biển
có dân cư tập trung đông đúc, đói nghèo, dân trí
thấp và thiếu năng lực thích ứng chủ động (còn
gọi là vùng dễ bị tổn thương), trong đó có Việt
Nam. Trên thế giới có khoảng 145 triệu người sẽ
sống trong các vùng ngập nước trung bình 1 m,
trong đó hơn 70% là ở châu Á [4].
Cần nhấn mạnh rằng, nước biển dâng do
các nguyên nhân khác nhau và gây ra các tác
động khác nhau đối với các quốc gia đảo nhỏ
và vùng ven biển, tùy thuộc khả năng chống
chịu cụ thể. Trong thực tế có 3 loại nước biển
dâng: nước biển dâng liên quan tới BĐKH (do
tan băng ở các cực của Trái đất, các mũ băng
trên các đỉnh núi cao, lớp phủ băng của đảo
Greenland); nước biển dâng chân tĩnh (do hàng
triệu con sông cần cù trên Trái đất mang trầm
tích ra và vật liệu trong lòng đất dưới đáy đại
dương phun lên lấp đầy đáy đại dương); và
nước biển dâng tương đối (do sụt lún địa động
lực khiến ta cảm giác mực nước biển dâng) [6].
Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà
khoa học Mỹ đã phát hiện ra rằng, khối băng
khổng lồ ở tây Nam Cực có diện tích bằng cả
bang Texas và Colorado của Mỹ cộng lại
(932.000 km2) đang dần tan chảy với tốc độ
5 cm/năm và có thể biến mất hoàn toàn trong
7.000 năm tới. Khi ấy, mực nước biển trên toàn
thế giới sẽ tăng lên 4,8 m so với ngày nay, đủ
để nhấn chìm vô số hòn đảo và rất nhiều vùng
đất thấp ven biển, trong đó có thủ đô của không
ít quốc gia. Kết quả đo đạc địa chất cho thấy
khối băng này đã bắt đầu tan chảy liên tục từ
10.000 năm trước đây, trong khi Trái đất nóng
lên do hiệu ứng nhà kính chỉ bắt đầu thời gian
gần đây cùng với quá trình công nghiệp hoá
trên thế giới [6].
Đại dương là nơi tiếp nhận và lắng đọng
cuối cùng của nhiều sản phẩm của các quá trình
ngoại sinh (phong hóa) và nội sinh, cũng như
các chất thải từ các hoạt động của con người từ
Biến đổi đại dương và biến đổi khí hậu
123
đất liền và ngay trong đại dương. Lượng lớn
vật liệu này góp phần làm thay đổi thể tích đại
dương, gây ra hiện tượng dâng “chân tĩnh” của
mực nước biển như nói trên. Theo Turkian
(1979) [10] lượng phù sa bổ sung hàng năm từ
lục địa đưa vào đại dương qua các con sông
trên toàn Trái đất khoảng 12 km3 và 5,4 tỷ tấn
các chất tan với tốc độ lắng đọng trầm tích
xuống đáy đại dương trung bình 15 mm/1000
năm; khoảng 20% vật liệu do băng hà chuyển
tới, do bụi lắng xuống (thành phần sét) với tốc
độ tích tụ khoảng 1,0 - 2,5 mm/1000 năm; một
lượng đáng kể sản phẩm “phong hoá dưới
nước” quanh khu vực đỉnh sống núi giữa và các
núi lửa trong đại dương; vật liệu trầm tích do
phá hủy bờ các đại lục và hải đảo; vật liệu do
các phản ứng “tại sinh” trong lòng đại dương
(khối nước) tạo ra. Ngoài ra, các hoạt động tự
nhiên dưới đáy và từ trong lòng đất dưới đáy
biển và đại dương cũng đưa lên một lượng vật
liệu đáng kể từ các hoạt động núi lửa.
Rõ ràng, BĐKH khiến cho nước biển dâng
lên, nhưng nước biển dâng lại không chỉ do
BĐKH, mà còn có 2 loại khác như nói trên:
nước biển dâng “chân tĩnh” và nước biển dâng
“tương đối”. Đây là vấn đề cần lưu ý khi lựa
chọn các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với
tác động của nước biển dâng cho các vùng ven
biển cụ thể. Con người sống trong các vùng bờ
biển rủi ro như vậy chỉ có 2 sự lựa chọn quan
trọng để ứng phó với nước biển dâng: chống
chọi hoặc chạy trốn. Chống chọi bao gồm củng
cố hoặc xây dựng các công trình bảo vệ bờ -
đập ngăn biển, đê biển và các cơ sở hạ tầng
khác, kể cả các giải pháp công trình mềm
(trồng rừng ngập mặn, ). Chạy trốn bao gồm
chuyển chỗ ở (tị nạn hoặc tái định cư) của
người dân và chuyển các công trình dài hạn từ
vùng trũng thấp lên vùng đất cao. Cộng đồng
quốc tế khuyến cáo cần ưu tiên giải pháp thích
ứng, giải pháp phi công trình và xem các HST
biển - ven biển là cơ sở hạ tầng “tự nhiên”.
Đại dương bị ô nhiễm
Ô nhiễm biển biểu hiện ở các dạng rất khác
nhau, bao gồm: các hóa chất độc, chất thải rắn,
chất thải lỏng, chất dinh dưỡng và trầm tích
đưa vào biển từ các hoạt động của con người
(ví dụ như, nông nghiệp, phá rừng, xả thải
không qua xử lý, nuôi thủy sản, ), chất phóng
xạ, sự cố tràn dầu và các tàn tích như lưới đánh
cá và đồ nhựa plastic đã vứt bỏ. Gần đây, sự
trải rộng khắp đại dương của các loài ngoại lai
đang tăng và được biết đến như là một loại “ô
nhiễm sinh học”. Ô nhiễm biển là loại ô nhiễm
không rõ nguồn (non-point source) do sự kết
hợp của các dạng chất ô nhiễm khác nhau nói
trên [6].
Ô nhiễm biển làm thay đổi các đặc trưng
vật lý, hóa học và sinh học của đại dương và
vùng biển ven bờ, đe dọa đa dạng sinh học và
tác động đến chất lượng, năng suất và sức
chống chịu của các hệ sinh thái biển. Nên mặc
dù tác động trực tiếp của ô nhiễm biển thường
chỉ mang tính cục bộ, nhưng Chương trình Môi
trường của Liên hiệp quốc (UNEP) vẫn xác
định ô nhiễm biển là mối quan tâm cốt lõi trong
các vùng đại dương ven bờ. Tác động của biến
đổi môi trường toàn cầu đến sự phân bố ô
nhiễm và nhiễm bẩn còn chưa biết. Các nghiên
cứu cũng chỉ ra sự cần thiết phải chú ý nghiên
cứu mối quan hệ này, đặc biệt là giữa các mô
hình bốc hơi và tác động của các chất ô nhiễm
ở các quy mô khác nhau. Từ một vài đặc điểm
quan trọng nhất của các chất hóa học và sự phụ
thuộc của nhiệt độ cho thấy mức độ ô nhiễm
môi trường có thể bị ảnh hưởng bởi sự dao
động và BĐKH. Các chất ô nhiễm cũng có thể
có tác động tiêu cực đến khả năng sinh vật
thích nghi với BĐKH, thí dụ bằng sự phá hoại
dần dần các hệ thống miễn dịch và tái sinh của
sinh vật, và có thể làm yếu đi sức chống chịu
của các HST biển đối với các tác nhân khác,
như axit hóa.
Đại dương đang bị khai thác quá mức
Con người khai thác tài nguyên biển từ lâu
đời, trước hết là hàng hải và nghề cá, sau này
phát triển các ngành công nghiệp khai thác dầu
khí và các khoáng sản rắn khác ở đại dương.
Để bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển
kinh tế con người vẫn tiếp tục hướng ra đại
dương, và nguồn tài nguyên thiên nhiên biển và
đại dương nhanh chóng bị suy kiệt, đặc biệt đối
với nguồn lợi hải sản.
Đánh cá biển và đại dương là nghề và
phương thức cổ điển để lấy thực phẩm phục vụ
thương mại. Ngày nay xuất khẩu thủy sản đang
đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát
Nguyễn Chu Hồi
124
triển và trong nhiều trường hợp thu được lợi
nhuận cao hơn xuất khẩu gạo và đường. Theo
FAO (2012) [11], thủy sản cung cấp 20%
nguồn cấp protein cho 1,5 tỷ người và 15% cho
3 tỷ người. Ở các quốc gia đảo nhỏ đang phát
triển và các vùng bờ biển nghèo hơn, bức tranh
này có thể đến 90%. Ớ cấp độ toàn cầu, tổng
giá trị kinh tế của nghề khai thác hải sản dự
tính khoảng 225 - 235 tỷ đôla/năm. Đa số ngư
dân và người nuôi thủy sản sống tập trung ở
châu Á (85,5%), tiếp theo là châu Phi (9,3%),
trong khi chỉ riêng ở các nước đang phát triển
trên 200 triệu dân phụ thuộc vào nghề đánh cá
quy mô nhỏ, lạc hậu. Nghề cá quá quan trọng
cả về mặt kinh tế và an ninh thực phẩm, đặc
biệt khi dân số toàn cầu dự tính tăng hơn 9 tỷ
người vào năm 2050 và hầu hết vẫn tập trung
vào các quốc gia đang phát triển.
Nghề đánh bắt hải sản của thế giới đang
nằm trong tình trạng rất khó khăn: dự báo 85%
các quần đàn cá bị khai thác triệt để, khai thác
quá mức và cạn kiệt hoặc thu hồi từ sự cạn kiệt.
Tình trạng vượt quá năng lực đánh bắt vẫn tiếp
tục diễn ra, các tổ chức quốc tế và khu vực về
quản lý nghề cá gắn với xóa đói, giảm nghèo
vẫn rất khó khăn trong việc thực thi các quy
định về nghề cá có trách nhiệm. Lượng tài
chính bòn rút hàng năm cấp cho các hoạt động
như vậy khoảng 50 tỷ đôla, nhưng không thay
đổi được tình thế và vẫn đe dọa sự ổn định dài
hạn của các nguồn tài nguyên quan trọng này.
Những mất mát về đa dạng sinh học sẽ bị
trầm trọng thêm do các tác động của biến động
môi trường toàn cầu. Những đe dọa toàn cầu
nói trên đều trực tiếp tác động đến sự phân bố
quần đàn và các loài hải sản kinh tế theo cả
chiều rộng và sâu, tạo ra những rủi ro và tính
không chắc chắn đối với các cộng đồng người
dân ven biển và trên các đảo có sinh kế phụ
thuộc vào nguồn lợi hải sản. Nguyên nhân sâu
xa là các đe dọa nói trên (axit hóa, thiếu ôxy và
nước đại dương ấm lên) đã tác động tiêu cực
đến thực vật phù du (phytoplankton) - nền tảng
của chuỗi thức ăn trong đại dương. Các tác
động xấu như vậy ảnh hưởng đến nhu cầu và
năng lực thích ứng với BĐKH và đại dương
của cộng đồng ven biển, đảo do tính dễ bị tổn
thương của họ tăng lên, đặc biệt ở châu Phi và
Đông Nam Á [1].
TIẾP CẬN ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI ĐẠI
DƯƠNG
Đại dương là môi trường sống quan trọng
của sinh vật và cũng được xem là một hệ thống
động lực có khả năng điều chỉnh linh hoạt các
tác động của những biến đổi môi trường toàn
cầu. Các nhà khoa học cho rằng các hệ sinh thái
(HST) ven biển, biển và đại dương đóng vai trò
quan trọng trong việc điều chỉnh “sức khỏe của
đại dương”, là “nguồn vốn tự nhiên” và “cơ sở
hạ tầng tự nhiên” cho vùng ven biển, nhưng
cũng dễ bị tổn thương. Cho nên, một đại dương
khỏe mạnh có thể làm dịu bớt những “cú sốc”
từ và có khả năng giảm thiểu và thích ứng đối
với các biến động toàn cầu, trong đó có biến
đổi khí hậu (BĐKH).
Các hệ thực vật trong biển và đại dương có
khả năng thu - giữ một lượng cacbon thừa của
bầu khí quyển do hiệu ứng nhà kính, như rừng
ngập mặn (RNM), các hệ thực vật khác, kể cả
nhóm thực vật phù du biển. Donato và nnk
(2011) [12] cho rằng RNM là một trong những
kiểu rừng giàu trữ lượng cacbon nhất ở vùng
nhiệt đới, chứa bình quân 1.023 mgC/ha. RNM
có khả năng tích luỹ một lượng lớn cacbon cả
trong thân cây và rễ cây, tạo bể chứa cacbon
làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Sự
tích luỹ cacbon trong cây ngập mặn và trong
đất rừng chịu ảnh hưởng của các yếu tố như:
mật độ cây, loài cây, tuổi cây, sự phân giải vật
chất hữu cơ trong đất và mức độ thường xuyên
ngập nước thuỷ triều. Trong đó, mức độ ngập
nước thuỷ triều thường xuyên và mức độ phân
huỷ vật chất hữu cơ trong môi trường yếm khí
là các yếu tố chủ đạo tạo điều kiện cho đất
RNM trở thành “bể chứa” khí nhà kính. Trên
toàn cầu, RNM cung cấp hơn 10% lượng
cacbon hữu cơ hòa tan cần thiết mà đất liền
cung cấp cho đại dương, nhưng chỉ có một
lượng rất nhỏ (dưới 1%) RNM được bảo vệ
hiệu quả và trong nửa thế kỷ qua diện tích
RNM toàn cầu giảm 30 - 50% do hoạt động
phát triển. Đây là lý do tại sao chúng ta phải
bảo vệ các “kho cacbon” khổng lồ trong các
khu RNM và trên các vùng đất than bùn ven
biển ở Việt Nam và châu Á. Nếu không, việc
mất thêm RNM sẽ tăng khả năng phát thải một
lượng lớn cacbon tạo ra đioxit cacbon và
methan - là các khí nhà kính góp phần gây ra
BĐKH.
Biến đổi đại dương và biến đổi khí hậu
125
Hoạt động của con người bổ sung khoảng
7.000 tỷ tấn cacbon vào bầu khí quyển mỗi
năm. Thực vật phù du biển (phytoplankton) có
thể cố định được 35.000 - 50.000 tỷ tấn, vì vậy
nó có tác động đáng kể đến chu trình cacbon
toàn cầu, nhất là so với lượng con người bổ
sung vào. Theo các nhà khoa học, thực vật phù
du biển hàng năm đã giúp giảm hơn 50 tỷ tấn
cacbon thông qua việc hấp thụ khí CO2, một
loại khí góp phần gây nên hiện tượng nóng lên
của Trái đất. Vì thế, người ta đã nghĩ đến việc
bổ sung dinh dưỡng vào biển để kích thích tăng
trưởng thực vật phù du nhằm tăng khả năng thu
giữ khí CO2 và giảm hiệu ứng nhà kính [13].
Hiện nay đại dương thế giới có thể thu giữ
30% lượng cacbon thừa của bầu khí quyển, và
nếu chủ động tác động để các HST và thực vật
biển phát triển mở rộng thì khả năng này của
đại dương còn tăng cao hơn nữa. Gần đây, các
nhà khoa học thế giới đã làm các thí nghiệm về
khả năng rải bột sắt lên biển với tên gọi là “bón
phân” cho đại dương (ocean fertilizing), nhằm
phục hồi “vành đai xanh”, kích thích sự phát
triển của thảm thực vật dưới biển, bao gồm hệ
thực vật phù du, rong biển, thảm cỏ biển và
RNM [13]. Tuy nhiên, lưu ý rằng việc bón
phân cho đại dương cũng có thể có những hệ
quả phụ, như làm phát triển quá mức hệ phù du,
bùng phát tảo biển gây hại. Vì thế biện pháp cụ
thể “bón phân” cho đại dương phải bảo đảm
nguyên tố bổ sung đó không tồn dư và không
gây tác động xấu tới môi trường biển. Nhiều
nhà khoa học cho rằng sự tích tụ của sắt dưới
đại dương đã kích thích sự phát triển của tảo và
những sinh vật phù du khác. Những sinh vật
này hấp thu khí CO2 để phát triển và như vậy
có lợi cho bầu khí quyển của chúng ta. Ngoài
ra, một số nhà khoa học còn nghĩ đến việc lợi
dụng một số “bẫy địa tầng” và các cấu trúc
“rỗng” sau khai thác mỏ dưới lòng đất của đáy
biển và đại dương để “chôn” khí cacbon thừa
của bầu khí quyển, hỗ trợ giảm thiểu hiệu ứng
khí nhà kính trên quy mô toàn cầu. Bên cạnh đó
sẽ sử dụng thiết bị kỹ thuật thu lượng nhiệt
thừa của bầu khí quyển do hiệu ứng nhà kính
để sử dụng cho cuộc sống dân sinh [3].
Không chỉ các nhà kỹ thuật, các nhà chính
trị cũng đã vào cuộc với sự họp mặt lần đầu
tiên tại Manado, Indonesia trong khuôn khổ
Hội nghị Đại dương Thế giới lần thứ I (5/2009)
[14]. Trong nhiều kết quả, có hai kết quả nổi
bật: (i) Tuyên bố Đại dương Manado với 21
điểm, được gần 100 quốc gia ký cam kết thực
hiện, trong đó có Việt Nam; (ii) Báo cáo về
“Đại dương và BĐKH: Các vấn đề và Khuyến
nghị đối với các nhà hoạch định chính sách và
phục vụ Thương thuyết về BĐKH (gồm 196
trang A4 và được thông qua tại Diễn đàn
“Ngày Đại dương tại Manado”). Ngày 26 tháng
11 năm 2009, Đại hội biển Đông Á lần thứ IV
tại Manila, Philippines đã ra Tuyên bố Manila
[15] với 20 điểm về “Tăng cường thực hiện
Quản lý tổng hợp vùng bờ biển để phát triển
bền vững và Thích ứng với BĐKH”. Tuyên bố
nhấn mạnh đến giải pháp lồng ghép các vấn đề
BĐKH vào lập kế hoạch quản lý tổng hợp vùng
bờ khu vưc Đông Á và các quốc gia thành viên.
Tuyên bố này đã được Bộ trưởng Môi trường
10 nước Đông Á, gồm Việt Nam ký cam kết
thực hiện.
Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Phát
triển bền vững họp ở Rio de Janeiro, Brasil
(Rio+20) vào tháng 6 năm 2012 đã khuyến
nghị 6 vấn đề trọng tâm mà thế giới cần quan
tâm giải quyết để đạt được phát triển bền vững
là: tăng trưởng xanh, nguồn vốn tự nhiên, đại
dương, đô thị xanh, cảnh quan và năng lượng
bền vững. Bên cạnh đó, Diễn đàn Đại dương
toàn cầu tại Rio+20 đã ra Tuyên bố Đại dương
Rio [16], trong đó tiếp tục khẳng định: BĐKH
đã tác động đến đại dương khiến cho sức khỏe
đại dương thay đổi. Ngược lại, biến đổi đại
dương cũng đang làm thay đổi sâu sắc trạng
thái của hệ thống khí hậu. Diễn đàn Đại dương
cũng đã thông qua Chương trình Nghị sự Đại
dương toàn cầu (Ocean Agenda) và bắt đầu
triển khai kế hoạch giai đoạn 2012 - 2016 ở các
cấp độ hậu Rio+20.
Các nỗ lực đầu tiên hậu Rio+20 là các nhà
quản lý với sự hỗ trợ của các nhà khoa học đã
tiến hành xây dựng một “Bộ chỉ số” để đánh giá
sức khỏe đại dương với thông điệp “Một đại
dương thế giới khỏe mạnh sẽ đem lại lợi ích lâu
dài cho con người hôm nay và mai sau” [9].
Trên cơ sở 10 mục tiêu chính liên quan tới chức
năng dịch vụ của đại dương (cung cấp thực
phẩm, cơ hội cho nghề cá thủ công, sản phẩm tự
nhiên, lưu giữ cacbon, bảo vệ bờ biển, sinh kế
Nguyễn Chu Hồi
126
và kinh tế, du lịch và giải trí, các loài biểu tượng
văn hóa, các vùng biển sạch và đa dạng sinh
học biển) bằng cách đánh giá theo trọng số của
chỉ thị (Index), các nhà khoa học đã thử đánh giá
các vùng biển ven bờ và cho điểm trung bình
(tối đa là 100) đối với 171 quốc gia ven biển.
Kết quả cho thấy chỉ số toàn cầu là 60, chỉ số
đánh giá quốc gia chỉ có 5% số đạt điểm trung
bình trên 70 và 32 quốc gia dưới 50, Việt Nam
vừa đạt đúng 50 điểm. Chương trình hành động
toàn cầu về quản lý ô nhiễm biển từ nguồn đất
liền (GPA) đã đưa ra cách tiếp cận “kết nối lục
địa - biển” và đã thành lập các mạng lưới các đối
tác ở cấp độ toàn cầu, khu vực và đang kêu gọi
thành lập ở cấp quốc gia.
Ở Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã ban
hành các chính sách, các kế hoạch hành động
và đang triển khai bước đầu để ứng phó với tác
động của BĐKH. Các vấn đề biến đổi đại
dương hầu như không được nhắc đến kể cả
trong tuyên truyền, trong điều tra nghiên cứu,
lẫn trong kế hoạch hành động cụ thể. Tuy vậy,
Chính phủ đã tăng cường quản lý khu bảo tồn
biển; ban hành Luật biển Việt Nam (6/2012);
ban hành Chiến lược và Kế hoạch hành động
2014 - 2020 về tăng trưởng xanh; ban hành
Chiến lược quốc gia ứng phó với BĐKH; thực
hiện Chiến lược Phát triển bền vững biển Đông
Á tại Việt Nam từ năm 2004; thực hiện Chương
trình Quản lý tổng hợp vùng bờ biển miền
Trung (Chương trình 158) giai đoạn 2007 -
2010, định hướng 2020; ban hành Chiến lược
khai thác tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi
trường biển và hải đảo đến năm 2020; xây dựng
kịch bản nước biển dâng ở Việt Nam (2012);
triển khai dự án khu vực về “Rừng ngập mặn
cho tương lai” và Dự án của Ngân hàng Thế
giới và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về “Nguồn lợi ven bờ vì sự phát triển bền
vững”; [3]. Tuy nhiên, quá trình triển khai
còn không ít bất cập và mới đạt được kết quả
bước đầu, góp phần giảm thiểu và thích ứng với
BĐKH và biến đổi đại dương.
KHUYẾN NGHỊ CHUNG
Trong bối cảnh loài người đang phải đối
mặt và nỗ lực ứng phó với những tác động
khôn lường của BĐKH, thì biển và đại dương
một lần nữa lại chứng tỏ vai trò quan trọng toàn
cầu của nó trong việc giảm thiểu và thích ứng
với các tác động của BĐKH. Đặc biệt khi con
người đang sống vượt ra khỏi năng lực tải của
môi trường tự nhiên và đang mang những “món
nợ sinh thái” mà các thế hệ tương lai sẽ không
thể trả được.
Ở nước ta, BĐKH và tác động của nó đang
hiện hữu và ngày càng khốc liệt. Chính phủ đã
quan tâm và có những cam kết chính trị mạnh
mẽ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia
ứng phó với biến đổi khí hậu (2008). Cộng
đồng quốc tế đã và đang quan tâm hỗ trợ Việt
Nam ứng phó với tác động của BĐKH ở cả cấp
độ quốc gia và địa phương và đã thu được
những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên,
trên thực tế nhận thức còn rất khác nhau về
BĐKH và các tác động liên quan, trong đó có
nước biển dâng, đề cập nhiều đến mặt hại, mà
chưa thấy hết mặt lợi của nó trong một số
trường hợp cụ thể.
Nước ta là một quốc gia biển và biển đóng
vai trò cực kỳ quan trọng đối với chiến lược
bảo vệ và phát triển đất nước, nhưng vấn đề
biến đổi đại dương chưa được chú ý đúng mức.
Các nguyên nhân gây ra BĐKH và biến đổi đại
dương có thể khác nhau, nhưng tác động của
chúng luôn cộng hưởng. Biến đổi đại dương do
tác động từ khí quyển (BĐKH) làm tan băng,
do tác động từ đất liền qua sông đưa phù sa và
chất ô nhiễm ra biển, do tác động từ lòng đất
dưới đáy đại dương đưa vật chất nóng bỏng lên
và do các phản ứng hóa học tạo hợp chất mới
ngay bên trong đại dương. Vì thế, chúng ta cần
phải nhìn nhận các tác động của BĐKH và biến
đổi đại dương như hai mặt của một vấn đề và
phân tích chúng theo quan hệ nhân-quả, không
thiên vị.
Thời gian tới cần chú ý lồng ghép các vấn
đề của biến đổi đại dương vào kế hoạch ứng
phó với BĐKH. Việt Nam đã ký các tuyên bố,
cam kết về đại dương nhưng hầu như không
tuyên truyền và tổ chức thực hiện. Vấn đề
BĐKH và biến đổi đại dương là rất lớn và
không của riêng quốc gia nào, ảnh hưởng đến
an ninh quốc gia và an ninh biển (an ninh phi
truyền thống). Hơn nữa đây lại là những vấn đề
mới mẻ cần phải hợp tác quốc tế để giải quyết.
Trước hết, cần tiến hành đánh giá các hiện
tượng liên quan tới sức khỏe đại dương trong
phạm vi vùng biển Việt Nam (axit hóa, ấm lên
Biến đổi đại dương và biến đổi khí hậu
127
của đại dương, ô nhiễm và suy thoái môi
trường biển,).
Cho nên, Chính phủ cần ưu tiên triển khai
nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực để giải
quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi đại
dương (kể cả các công cụ như quản lý tổng hợp
vùng bờ, quy hoạch không gian biển, ). Trong
đó, cần huy động tối đa lực lượng từ các đơn vị
trong nước có liên quan và tranh thủ sự hỗ trợ
quốc tế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực
chất lượng cao cho các lĩnh vực chuyên ngành
và liên ngành về khoa học biển, về quản trị và
quản lý biển, đảo và vùng ven biển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Noone, K., Sumaila, R., and Diaz, R., 2012.
Valuing the Ocean. Stockholm: Stockholm
Environment Institute (SEI).
2. Botkin, D. B., and Keller, E. A., 2000.
Environmental Science: Earth as a Living
Planet. Third Edition, New York-
Chichester-Weinheim-Brisbane-Singapore-
Toronto.
3. Nguyễn Chu Hồi và nnk, 2012. Quy hoạch
không gian biển và vùng bờ biển. Nxb.
Nông nghiệp, Hà Nội.
4. Robert J Díaz, 2013. The Coast and Oceans:
Home of the Excess Nutrients! Report in
2nd Global Conference on Land-Ocean
Connections, Jamaica.
5. The US Joint Ocean Commission, 2009.
Changing Oceans, Changing World: Ocean
Priorities for the Obama Administration
and Congress. Recommendations from the
Joint Ocean Commission Initiative,
Washington D.C., USA.
6. Nguyễn Chu Hồi, 2005. Cơ sở Tài nguyên
và Môi trường biển. Nxb. Đại học quốc gia
Hà Nội.
7. Wilkinson, C. R. (chief editor), 2008. Status
of Coral Reefs of the World in 2002.
Australian Institute of Marine Science,
Townsville.
8. Cheung, W. W. L., Lam, V. W. Y., Sarmiento,
J. L., Kearney, K., Watson, R., Zeller, D.,
and Pauly, D., 2009. Redistribution of Fish
Catch by Climate Change. Ocean Science
Series, The PEW Environment Group,
Washington D.C.
9. UNEP, 2012. Report on Ocean Health Index
in 2012. Nairobi, Kenya.
10. Turekian, K. K., 1979. Các đại dương. Nxb.
Khoa học, Vacsava (tiếng Ba Lan).
11. FAO, 2012. The State of World Fisheries
and Aquaculture 2012. Rome, Italy.
12.Donato, D. C., Kauffman, J. B., Murdiyarso,
D., Kurnianto, S., Stidham, M., and
Kanninen, M., 2011. Mangroves among the
most carbon-rich forests in the tropics.
Nature Geoscience, 4(5): 293-297.
13. Cicin-Sain B. (ed.), 2009. Oceans and
Climate Change: Is sues and
Recommendations for Policymakers and
for the Climate Negotiations. Brief Ocean
Policy of Global Ocean Forum.
14. World Ocean Conference, 2009. Manado
Ocean Declaration. Ministerial/High Level
Meeting, Manado, Indonesia.
15. The Third Ministerial Forum East Asian
Seas Congress, 2009. Manila Declaration
on Strengthening the Implementation of
Integrated Coastal Management for
Sustainable Development and Climate
Change Adaptation in the Seas of East Asia
Region. Manila, Philippines.
16. Rio+20, 2012. Rio Ocean Declaration on
“Calling for strong and immediate action to
meet the sustainable development goals for
oceans, coasts, and small island developing
States (SIDS) at Rio+20 and beyond”. Rio
de Janeiro, Brasil.
Nguyễn Chu Hồi
128
OCEAN CHANGE AND CLIMATE CHANGE -
TWO DIMENSIONS OF A PROBLEM
Nguyen Chu Hoi
VNU University of Science
ABSTRACT: The world ocean, including oceans and marginal seas, covers 71% of the Earth’s
area and has been considered as a supportive system to the Earth’s life. Especially, the ocean
maintains food and energy security for humankind while such sources are being exhausted on the
mainlands. The climate change and its impacts on oceans, coasts and islands have been know more
than ocean change and its impacts on climate system. The scientists have continuously affirmed that
climate change and ocean change are closely related and are considered as two dimensions of the
same problem. The paper presents the ocean change, the role of the ocean in adapting to the
impacts of the climate change and the approaches to respond to the changes worldwide and in
Vietnam.
Keywords: Open natural system, global water cycle, ocean change, ocean acidification, ocean
warming, hypoxia, sea level rise, marine pollution and overuse of marine resources.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 6500_23969_1_pb_1742_2079679.pdf