Biểu tượng suối từ văn hóa truyền thống đến thơ dân tộc Thái hiện đại vùng Tây Bắc

Kết luận Văn hóa là kết quả của sự lựa chọn trong ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Sống tập trung ở khu vực miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, dân tộc Thái từ bao đời nay đã hình thành và phát triển những nét văn hóa độc đáo của tộc người, trong đó cóp các biểu tượng văn hóa. Từ môi trường sinh sống, biểu tượng suối đã đi vào đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người. Không những thế, nó còn chi phối đến tâm lý, tính cách tộc người với đặc điểm nổi trội là ưa biểu đạt nghiêng về tính trữ tình. Điều này không chỉ được chứng minh bằng những tác phẩm văn học dân gian nổi tiếng mà còn được kế thừa sang sáng tác của các nhà thơ hiện đại. Đây là nét khu biệt thơ Thái với thơ của các tộc người thiểu số khác. Biểu tượng suối ám ảnh thành vào những giấc mơ, đi vào những khúc tình ca mà các nhà thơ Thái đã tiếp thu để từ tinh hoa văn hóa dân tộc mình tiếp tục tỏa sáng trong cuộc sống hiện đại.

pdf8 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 10/01/2022 | Lượt xem: 466 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Biểu tượng suối từ văn hóa truyền thống đến thơ dân tộc Thái hiện đại vùng Tây Bắc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 27 (52) - Thaùng 4/2017 41 Biểu tượng suối từ văn hóa truyền thống đến thơ dân tộc Thái hiện đại vùng Tây Bắc The symbols of streams from traditional culture to modern Thai poetry in the Northwest of Vietnam TS. Nguyễn Thị Thu Thủy Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên Nguyen Thi Thu Thuy, Ph.D. Dien Bien College of Education and Training Tóm tắt Trong dòng chảy của văn học Việt Nam hiện đại, thơ dân tộc thiểu số đã tạo được những dấu ấn riêng nhờ sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo trên nền tảng của cảm quan văn hóa tộc người. Dân tộc Thái với vai trò là nền văn hóa chủ đạo của vùng Tây Bắc đã hình thành và phát triển hệ thống biểu tượng văn hóa, trong số đó có biểu tượng suối. Từ một sự vật cụ thể của môi trường sống tự nhiên, suối đã đi vào văn hóa Thái cả phương diện vật thể và phi vật thể, cả đời sống sinh hoạt lẫn đời sống tinh thần, chi phối đến cả tính cách và quan niệm thẩm mỹ của dân tộc. Điều này đã được các nhà thơ Thái hiện đại kế thừa và kết tinh trong các sáng tác của họ, tạo một diện mạo riêng biệt trong thơ dân tộc thiểu số nói riêng và thơ Việt Nam nói chung. Từ khóa: suối, biểu tượng văn hóa, thơ, dân tộc Thái. Abstract In the flow of modern Vietnamese literature, ethnic poetry has made its own mark thanks to its unique artistic creation on the basis of its ethnic cultural perception. Thai people as the dominant culture of the Northwest have formed and developed a system of cultural symbols, among which are the symbols of streams. From a particular thing of the natural habitat, the stream has entered the Thai culture in both physical and non-physical perspectives, both in life and in spirit, which has governed the people’s character and aesthetic conception. This was inherited and crystallized in modern Thai poets’ compositions, creating a distinctive appearance in poetry of ethnic minority in particular and Vietnamese poetry in general. Keywords: streams, cultural symbols, poetry, Thai ethnicity. 1. Biểu tượng suối trong đời sống văn hóa Thái vùng Tây Bắc 1.1. Suối và môi trường sinh sống của người Thái Môi trường sinh sống là một yếu tố quan trọng hình thành các nền văn hóa. Trong quá trình tiếp xúc với môi trường tự nhiên lâu dài, biểu tượng văn hóa đã được hình thành. Sinh sống chủ yếu dựa vào khe hẹp hay những lòng chảo tương đối bằng phẳng, dân tộc Thái đã phát triển một dạng sinh thái văn hóa mà nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh gọi là “Dạng sinh thái tộc người thung lũng” [5]. Địa hình vùng BIỂU TƯỢNG SUỐI TỪ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐẾN THƠ DÂN T C THÁI HI N ĐẠI VÙNG TÂY BẮC 42 núi Tây Bắc có sự phân hóa lớn: Giữa những dãy núi cao chọc trời là những thung lũng tương đối bằng phẳng. Cầu nối giữa hai dạng địa hình trên chính là những dòng suối chảy từ các khe hẹp trên núi cao xuống vùng thung lũng. Đối với văn hóa thung lũng, suối đóng một vai trò rất quan trọng. Nền nông nghiệp lúa nước phải dựa vào nguồn nước tự nhiên chảy trên bề mặt sườn dốc đồi núi nên người Thái đã sử dụng suối để lấy nước sản xuất. Suối là một thành tố để hình thành nên hệ thống thủy lợi “mương, phai, lái, lín” nổi tiếng trong kỹ thuật canh tác của dân tộc Thái. Hình ảnh những cọn nước, cối giã gạo bằng sức nước trên những dòng suối chảy róc rách đêm ngày là hình ảnh quen thuộc trong đời sống cư dân Thái ở vùng Tây Bắc từ bao đời nay. Văn hóa được hiểu là kết quả sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên được gọi là cái “Tự nhiên ngoài ta” (Trần Quốc Vượng) với hai xu hướng là thích nghi và biến đổi. Nền văn hóa Việt Nam nói chung theo xu hướng thích nghi hơn là biến đổi tự nhiên. Đối với người Kinh với nền nông nghiệp mạnh về trồng trọt sống ở vùng đồng bằng nhiều sông nước, dấu ấn môi trường sống thể hiện từ cơ cấu bữa ăn, sự phát triển của kỹ thuật canh tác, kiến trúc cho đến tâm lý ứng xử. Đối với đồng bào Thái ở vùng núi Tây Bắc cũng vậy, ngoài lợi dụng dòng chảy tự nhiên trên bề mặt sườn dốc để canh tác, suối còn gắn bó với họ trong đời sống sinh hoạt thường nhật. Suối là nơi cung cấp nguồn thức ăn hàng ngày. Người Thái nổi tiếng với món ăn rêu đá vớt từ suối. Suối cũng là nơi họ tắm rửa, giặt giũ Đối với trẻ em người Thái, tắm suối là một hoạt động hàng ngày. Từ đó, nảy sinh trò chơi dân gian gắn liền với văn hóa tộc người như trò chơi “Rái cá ơi” được thực hiện khi đi tắm suối. Một em làm rái cá, những em khác làm người hát và phải chạy hoặc bơi đi. Ai bị rái cá bắt thì phải thay chân làm rái cá. Bài đồng dao được nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh sưu tầm như sau: “Rái cá ơi, rái cá!/ Rái cá nhóc đầu bướu/ Rái cá nhỏ ăn rêu cuối suối/ Ăn quả chuối chín vàng cuối bến” [4; tr42]. Khảo sát địa danh cổ của vùng Tây Bắc, Trần Thị Phương Hằng đã chỉ ra yếu tố “huổi” (suối) xuất hiện khá nhiều ở tỉnh Điện Biên như Huổi Lơi (suối dài, hẹp và cong), Huổi Un (suối nước ấm), Huổi Háp (suối gánh), Huổi Hộc (suối nhau thai), Huổi Phạ (suối trời), Huổi Tấu (khe rùa)[1]. Ngoài ý nghĩa lấy những sự vật từ địa hình tự nhiên trong môi trường sống thì những địa danh trên còn nói lên sự gắn bó mật thiết của suối trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân Thái từ bao đời nay đã hình thành những tên riêng mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người. 1.2. Suối với đời sống tâm linh của người Thái Trong văn hóa, suối được thiêng hóa trở thành nơi biểu tượng cho sự trong sạch và may mắn. Dân tộc Thái có một phong tục, tập quán liên quan đến suối rất ý nghĩa. Ngày đầu năm mới, tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, giới tính thường đổ ra suối hoặc các mó nước. Trên đường đi, họ thường bẻ một cành cây. Khi đến suối, mỗi người cúi xuống hớp một ngụm nước súc miệng, sau đó họ nhúng cành cây xuống nước vẩy lên khắp người, vừa vẩy vừa đọc lẩm nhẩm mấy câu ca mang tính chất cầu chúc may mắn, rũ bỏ những điều xúi quẩy, không may mắn như “Ta kéo cái xấu trong người ta ra/ Ta đến đổ cái xấu trong người đi sạch/ Ta phủi nó trôi theo con suối/ Ta giũ sạch cho hết xấu xa”. Trẻ em chưa thể làm được thì người lớn làm hộ. Sau đó, họ NGUYỄN THỊ THU THỦY 43 thả cành lá trôi theo dòng suối, rửa mặt rồi mới ra về, bắt tay vào công việc [2; tr13]. Trong quan niệm tâm linh của người Thái vùng Tây Bắc, suối không chỉ gắn liền với ý nghĩa thanh tẩy mà còn mang lại sự tốt lành. Người ta thường chọn suối làm địa điểm tổ chức trong nghi lễ cầu xin con cái đối với những người hiếm muộn. Phong tục của người Thái là chia của cải và tiễn linh hồn người đã khuất về mường Trời (xin xống khọi). Họ đã để của cải được chia trên một chiếc bè ghép bằng tre rồi mang ra suối thả trôi. Như vậy, suối không chỉ đóng vai trò là vật chuyển động để chở của cải và hồn người chết mà còn tượng trưng cho sự mát mẻ, trong sạch đưa họ về một thế giới khác sống yên vui, không quấy nhiễu hoặc bắt đi con cháu [1]. Chính vì lẽ đó, suối đi vào đời sống tinh thần của họ một cách tự nhiên. Khi khuyên răn con cái, người Thái thường nói “Xuống thuyền nào chèo thuyền ấy/ Theo suối nào theo đến cùng”. Từ kinh nghiệm trong cuộc sống, người Thái đã liên hệ đến những quy luật ứng xử xã hội muôn đời “Không bịt nổi nước nguồn, không gói nổi khói bay”. Trong môi trường sống vừa thơ mộng vừa dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc, người Thái rất coi trọng quan hệ tập thể, cộng đồng. Họ tìm thấy ở những dòng suối khát vọng một cuộc sống tự nhiên tương đồng với cuộc sống của con người: “Tôi muốn thành con cá có đàn/ Ngược suối ăn rêu, uốn đuôi bơi lội” (Bông hoa gạo). 1.3. Suối và truyền thống văn hóa âm tính của dân tộc Thái Đứng từ góc độ văn hóa học, suối là biểu tượng mang tính chất âm tính. Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy đã viết: “Nước từ giếng, khe (biểu tượng âm vật) mang lại sức sống cho con người, làm tươi tốt mùa màng, cây cối” [7; tr.85]. Biểu tượng suối gắn liền với ước mơ cuộc sống no ấm, hạnh phúc gia đình trọn vẹn trong tình ca của người Thái: “Chắn vũng suối thành ao/ Nước ao đời đời không cạn/ Ta thả cá chiên, đầy đàn cá nở/ Cá nở đầy đàn, cá lượn/ Để ta bữa bữa thay rau, mình hỡi” (Đời thanh xuân - Tản chụ xiết xương). So sánh tài ca hát của cô gái Thái, tác giả dân gian khéo gắn hình ảnh suối vào: “Hát cùng suối rộng, cá chảy về đầy/ Hát cùng đồng ruộng, vàng ươm thóc lúa” (Lành đồn xa). Trong đời sống tâm linh, suối được coi “vật nữ tính: con suối (me nặm). Suối là nơi trú ngụ của thần nước, thường ở những đoạn nước cuốn thành vực (vắng nặm). Hàng năm, khi làm lễ cúng bản (xên bản) vào mùa xuân, người ta tổ chức ngay bên bờ vực đó” [8; tr.220]. Biểu tượng suối đi vào văn học dân gian Thái, mang một quan niệm thẩm mĩ độc đáo. Trong truyền thuyết về Nàng Han (dân tộc Thái) có cốt truyện gần giống với truyền thuyết Thánh Gióng của người Việt nhưng chứa đựng cảm quan văn hóa người Thái qua việc xây dựng các chi tiết nghệ thuật. Đáng chú ý là chi tiết Nàng Han về trời “Người ta chỉ thấy thanh gươm của nàng để lại trên bờ khe. Người già bảo rằng nàng Han đã lên trời và thành tiên rồi. Chỗ khe nàng Han tắm, sau này ai cũng gọi là mạch nước nàng Han” [Tuyển tập văn học dân gian, tập I, Nxb Giáo dục, 2007, tr.457]. Nếu như người anh hùng làng Gióng của dân tộc Việt đi vào cõi bất tử ở chân núi thì người nữ anh hùng của người Thái trước khi bay về trời đã ứng xử theo đúng văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cách lựa chọn chi tiết nghệ thuật này nói lên quan niệm thẩm mỹ của dân tộc. Trong tâm linh của đồng bào, dòng suối là nơi tẩy trần, thanh lọc tâm hồn và nơi linh thiêng để con người có thể thoát BIỂU TƯỢNG SUỐI TỪ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐẾN THƠ DÂN T C THÁI HI N ĐẠI VÙNG TÂY BẮC 44 tục bước vào một thế giới vĩnh cửu. Người nữ anh hùng của dân tộc Thái thành tiên nơi mà các cô gái Thái thường tụ tập sau ngày lao động vất vả. Suối trở thành biểu tượng âm tính trong tâm thức đồng bào từ trong truyền thống. Tính âm tính của văn hóa Thái được thể hiện qua nhiều phương diện. So với các tộc người khác, dù gia đình người Thái vẫn là gia đình phụ quyền nhưng tương đối dân chủ đối với người phụ nữ. Họ thể hiện thái độ tôn trọng nữ giới trong việc coi trọng quan hệ lùng ta (họ bên ngoại), cô dâu về nhà chồng vẫn được lập một bàn thờ riêng cho họ ngoại với ý nghĩa người phụ nữ khi đi lấy chồng vẫn cần có vía của bố mẹ, tổ tiên mình theo sát để vững tâm hơn. Có lẽ vì đặc tính văn hóa này, người Thái nổi tiếng với những tình ca giàu tính trữ tình như Xống chụ sôn sao, Tản trụ xiết xương 2. Biểu tượng suối trong thơ dân tộc Thái hiện đại vùng Tây Bắc 2.1. Suối và cội nguồn dân tộc Vào văn học hiện đại, suối là quê hương, là gia đình, nguồn cội “Vắng anh buồn cái nhà, cái cửa/ Em thương anh xa con suối, khoảng nương” (Thương anh - Cầm Thị Lả), suối là tình cảm gắn bó khăng khít của con người“ Em tắm suối giữa mường/ Tắm trong mối yêu thương” (Em tắm - Bạc Văn Ùi), suối mang khao khát cháy bỏng trở về “Ta mơ nhìn Pha - mó, Ăm - poi đá tảng xanh mượt/ Bàn Huông kia, mỏ nước trong lành vẫn tắm/ Dòng suối nọ, Bó - luông lối cũ đi về/ Nước nguồn Bó - hẩu ngày lại ngày tuôn chảy đều chăng/ Rêu Nong - hót ngọt bùi dịu mát/ Bạn vẫn thường lội vớt cùng ta” (Nghĩ về Mường Muội - Cầm Liên). Biểu tượng suối là biểu tượng cho quê hương mà tình yêu đối với quê hương là cảm xúc chủ đạo của thơ DTTS thời kỳ kháng chiến. Trên nền tảng vững vàng đó, các nhà thơ dân tộc Thái sau năm 1986 đã phát triển biểu tượng con suối mang chiều sâu văn hóa tộc người và sáng tạo thêm nhiều ý nghĩa mới mẻ, hiện đại hơn. Nhà thơ Lò Cao Nhum đã viết rất hay về cội nguồn, về những lớp văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trên dòng suối quê hương bằng một bài thơ văn xuôi: “Bất chợt mùa xuân./ Tôi vùng dậy, nhảy ba bậc cầu thang, bươn bả lao ta nơi ngã ba suối Mùn. Tôi ôm bờ suối lay lay: suối ơi dậy, suối ơi thức, chỉ cho tôi đâu hòn cuội trắng lăn từ bản nhót đến, hòn cuội đỏ lăn từ bản Tòng về. Tôi căng mười làn mi, ngóng chằm chằm vào bờ cát. Những hạt cát lấp lánh như triệu triệu vì sao. Rồi từ từ hiện lên ngôi sao ông ngoại. Rồi từ từ hiện lên ngôi sao ông nội. Rồi bố tôi, mẹ tôi dung dăng dung dẻ. Tôi chồm lên nhảy vào bãi cát, níu áo mẹ tôi, giằng ống quần bố tôi. Tôi cùng múa, cùng nhón chân say sưa sang bên trái, nhảy chân tung tăng sang bên phải, lon tôn trước mặt bố tôi, lon ton sau mẹ tôi. Hòn cuội trắng tung lên lăn dọc má. Hòn cuội đỏ ào xuống lặn vào môi. Tôi nhai, tôi nuốt, đắng cay, ngọt ngào nghẹn thở” (Ngã ba suối Mùn). Mùa xuân, mùa của lễ hội, mùa của đời sống tâm linh và mùa của tâm thức về hồn dân tộc trỗi dậy. Sống trong không khí huyền ảo, mơ mơ thực thực giữa quá khứ và hiện tại, giữa những người còn sống và những người đã mất, giữa truyền thống và hiện đại, Lò Cao Nhum đã viết thành một giấc mơ tuyệt vời trong “Ngã ba suối Mùn”. Là người uống nước suối Mùn từ thủa thơ ấu “Xuôi dọc con suối Mùn, ngược theo suối Xia, hai bên bờ suối là cánh đồng bậc thang vừa phải, hoặc có những cánh đồng tương đối bằng phẳng như Chiềng Sại, Chiềng Châu, Mai Hạ. Những cánh NGUYỄN THỊ THU THỦY 45 đồng không rộng đó chạy sát hai bên chân núi thung lũng. Dưới chân núi cách độ quãng một, hai cây số lại gặp những bản Thái thanh bình với những hàng cau, bụi chuối, cây muỗm, cây me cổ thụ và những ngôi nhà sàn ẩn mình dưới bóng lá” [3; tr.17], suối Mùn đối với nhà thơ vừa là một địa danh cụ thể vùa là một biểu tượng của văn hóa, của quê hương. Nhà nghiên cứu văn học Đoàn Hương đã khái quát một nguyên tắc bao trùm cho sự thể hiện của nghệ thuật phương Đông là “một cách nhìn tâm linh, một con mắt văn hóa tâm linh khi nhận thức sự vật và cuộc sống” [Văn luận (Văn học Việt Nam và tư tưởng văn hóa phương Đông), Nxb Văn học, 2004, tr.495]. Suối Mùn trong thơ Lò Cao Nhum không phải là con suối cụ thể mà là con suối của tâm linh, con suối của dòng thời gian vĩnh cửu chảy trong suốt đời người. Cái tài của anh là trên nền văn hóa độc đáo của dân tộc, anh đã phát triển chất thơ bằng khả năng liên tưởng đa tầng lớp. Theo dòng suối hay dòng ký ức để gặp lại những người thân yêu, hạnh phúc khi được trở về làm cậu bé hồn nhiên, ngây thơ theo chân bố mẹ trong mùa xuân của ngày xưa. Hòn sỏi trắng, hòn sỏi đỏ nằm giữa dòng suối quê hương trở thành hình ảnh của sự trường tồn, vĩnh cửu, khơi gợi cảm xúc của nhà thơ giữa dòng chảy của thời gian. Sử dụng hòn sỏi (gốc từ đá) để tìm về quá khứ là một dạng cổ mẫu trong văn hóa Việt nói chung và văn hóa Thái nói riêng. Nó mở ra giấc mơ thời thơ ấu rồi khép lại giấc mơ đó trong sự hòa trộn nhiều cảm xúc. Theo quan điểm của các nhà phân tâm học thì rằng “giấc mơ biểu lộ sự trá hình của một ham muốn bị lãng quên - hoặc ít nhất là một thử nghiệm để hoàn thành - nỗi ham muốn ấy đến nảy mầm trên việc thực hiện một mong ước thời sự hơn, bằng cách sử dụng các yếu tố và sự kiện của ngày hôm trước” [6; tr.97]. Nói cách khác, giấc mơ là những dồn nén trong vô thức những khát vọng hoặc những ám ảnh được bung ra khi chúng ta đang trong trạng thái không ý thức. Vì thế, chuỗi hình ảnh kỳ lạ trong bài thơ là những ký hiệu mà ẩn chứa trong đó xuyên suốt là sự dẫn lối cảm xúc của tác giả với khao khát trở về. Cái ham muốn bị lãng quên đã dẫn lối cho nhà thơ Lò Cao Nhum tìm về nguồn cội trên dòng chảy mát rượi của Suối Mùn quê hương anh. Vì thế, dù đặt chân đến chân trời góc bể nào, tiếng gọi sâu thẳm ấy thúc giục trở về “Và bất chợt mùa xuân, tôi nhảy ùm xuống biển, bươn trải lao về bến cũ. Phía trăm ghềnh, nghìn thác trên kia là ngã ba suối Mùn”. Suối trong bài thơ của Lò Cao Nhum hàm chứa trong đó sức mạnh của tâm hồn Thái trong đời sống tâm linh, là dòng chảy của thời gian nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai, của không gian trong mối quan hệ thân tộc gắn bó giữa thế hệ này với thế hệ khác, hòa trộn thế giới của những người đang sống và những người đã khuất Với các nhà thơ dân tộc Thái, biểu tượng suối nằm sâu trong đời sống tinh thần, thành trở một mẫu gốc trong văn hóa của tộc người này. Nó là một biểu tượng mang ý thức tập thể, “chứa đầy một công suất năng lượng lớn Biểu tượng mẫu gốc nói liền giữa cái phổ quát với cái cá thể” [6; tr.21]. So sánh mới thấy sự khác biệt. Biểu tượng suối không chỉ xuất hiện trong thơ Thái hiện đại mà còn được các nhà thơ của tộc người khác khai thác nhưng trong thơ họ, suối chỉ là hình ảnh của một sự vật cụ thể gắn liền với cuộc sống con người miền núi. Suối là hình ảnh của vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc thật gợi cảm và sống động như qua cái nhìn của nhà thơ dân tộc Giáy Lò Văn Chiến: “Suối sâu róc rách gọi trăng về/ BIỂU TƯỢNG SUỐI TỪ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐẾN THƠ DÂN T C THÁI HI N ĐẠI VÙNG TÂY BẮC 46 Núi rừng xanh rợp ánh trăng khuya” (Ánh trăng vùng cao). Nhà thơ dân tộc Tày Mai Liễu trong sáng tác của mình cũng xây dựng biểu tượng suối như biểu tượng của quê hương, một quê hương trong chiều dài lịch sử và trong nội lực sống mang văn hóa Tày: “Những bánh xe mặt trời/ Lăn trên gập ghềnh con suối/ Suối qua gập ghềnh đồi núi/ Bản làng từ đó sinh sôi” (Những bánh xe mặt trời). Con suối trong thơ ông mang tâm hồn của con người: “Nghe thầm thào con suối nói vòng vo” (Chiều quê). Trong tâm thức của nhà thơ, dòng suối hóa thành người mẹ, người mẹ của quê hương dịu dàng mà vĩ đại: “Cái ngọt ngào chan chứa vành nôi/ Là tiếng suối lẫn vào lời mẹ hát/ Lời mẹ dịu dàng lời suối trong tha thiết/ Quên mọi thác ghềnh, cung bậc thẳm sâu” (Quê hương). Đi xa quê, suối hiện lên trong hồi ức, trong những kỷ niệm thủa ấu thơ “Tuổi thơ tôi/ Tháng ba theo mẹ hái búp dớn mập/ Trưa hè cùng bạn tắm dòng suối trong/ Dòng suối lượn cong cong/ Búp dớn uốn cong cong/ Cho tôi nên người thẳng” (Rau dớn tháng ba). Y Phương khi đi chiến đấu xa nhà, nghe tiếng suối chảy mà như nghe thấy hơi thở của quê hương Cao Bằng “Con suối như đàn gẩy bài then” (Bếp nhà trời). Suối theo họ đi muôn nơi, chảy ra biển lớn mang sắc màu thân thuộc của núi rừng như con người dù đi xa đến đâu vẫn luôn sống cùng quê hương, nguồn cội “Biển xanh như nước chàm pha/ Chắc ai đó trên nguồn/ Đổ vại chàm xuống suối/ Để biển hôm nay nhuộm màu xanh của núi” (Những đứa con của núi - Lâm Quý)... Như vậy, cùng là biểu tượng suối nhưng với các nhà thơ dân tộc Thái, suối đi vào đời sống tinh thần của con người, ám ảnh thành những giấc mơ cùng với những yếu tố tâm linh mang đặc trưng văn hóa. Một điều thú vị là thơ Tày xuất hiện rất nhiều hình ảnh của sông tượng trưng cho quê hương như sông Bằng (thơ Y Phương), sông Năng (thơ Dương Thuấn) thì với thơ dân tộc Thái, hình ảnh sông gần như vắng bóng. Điều đó nói lên vai trò của biểu tượng suối trong tâm thức văn hóa tộc người này, tạo nên tính độc đáo, khu biệt với các tộc người khác. 2.2. Suối và cội nguồn sáng tạo Suối là cội nguồn sáng tạo nghệ thuật và là trở thành biểu tượng cho đặc điểm của thơ dân tộc Thái nói riêng và thơ dân tộc thiểu số nói chung như Inrasara đã viết “Những trái hoa tinh khiết rất cần cho người thành phố hái mang về, không như một vật lạ để làm quà lưu niệm, mà phải được xem là tặng vật của suối nguồn, thanh tẩy bụi bặm hay khỏa lấp khoảng trống sa mạc trong tâm hồn con người thời đại” [Song thoại với cái mới, Nxb Hội nhà văn, 2008, tr.167]. Đặc biệt từ sau năm 1986 đến nay khi mà ý thức tự tôn, tự hào sắc tộc tạo nên một diện mạo độc đáo, mới lạ mà bộ phận thơ này. Nhà thơ dân tộc Thái Lò Cao Nhum luôn mang dòng suối mát lành và trong xanh của cội nguồn văn hóa trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Trong vô thức sâu thẳm, tiếng suối nguồn luôn tha thiết gọi anh: “Tỉnh giấc/ Nghe réo rắt bên tai/ Tiếng suối/Suối nguồn trách chi lời mát lành/ Suối nguồn nói điều gì trong xanh/ Đường mưa gió/ Tôi thở có mặn hơi biển vỗ/Tóc vàng pha sóng đỏ trăm sông/ Suối ơi/ Như suối về biển sông/ Như mưa về đất/ Tôi ca bài ca tám phương trời/ Từ mỏ nguồn suối trong của đời tôi” (Tiếng suối). Vẫn lồng ghép dưới dạng thức giấc mơ, bài thơ là lời tâm sự mang đầy trải nghiệm trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ. Hệ thống biểu tượng suối, biển cùng với những biến thể của NGUYỄN THỊ THU THỦY 47 chúng được Lò Cao Nhum dùng để diễn tả quan niệm của nhà thơ về con đường sáng tác của mình với lời khẳng định về sự trung thành với cội nguồn dân tộc trong cuộc sống hiện đại đầy biến động. Sau năm 1986, quá trình hội nhập văn hóa diễn ra khá mạnh mẽ. Suối đồng nghĩa với sự trong trẻo và vững bền giá trị của văn hóa truyền thống – yếu tố quan trọng của sáng tạo nghệ thuật: “Những lời ngọc chuốt lên từ suối/ Trong veo nước tận nguồn/ Thẳm sâu đáy bể, đáy trời/ Gói vào tâm can/ Và tôi đi./ Vừa đi vừa nâng niu hòn ngọc nhặt lên từ suối/ Lời dân gian như đay nghiến con người” (Bài VI- Lò Cao Nhum). Thơ Lò Cao Nhum gắn suối trong những giấc mơ mà những tiếng nói thì thầm bên trong luôn nhắc nhở nhà thơ nhớ về nguồn cội. Theo các nhà phân tâm học, giấc mơ “là con đường hoàng đạo dẫn đến vô thức” [6; tr96]. Suối trong thơ anh chảy trong vô thức, ảo mà lại thực. Điều này khác với các nhà thơ người Tày. Mai Liễu đã gọi nguồn thơ của ông là “Suối làng trong trẻo” với sức sống khỏe khoắn như dòng suối trên quê hương ông: “Ôi mạch ngầm mỏng manh như sương/ Như tia nắng mặt trời buổi sớm/ Chảy trong lá trong cây trong đất/ Trong mêng mông vũ trụ giao hòa/ Nhũ đá vô tri bỗng căng muôn bầu sữa/ Mạch sống trào dâng bền bỉ ngọt ngào”. Suối đã nói hộ ông tình yêu tha thiết với quê hương trong sáng tạo nghệ thuật: “Núi đầy cỏ hoa/ Suối qua ngọt lịm/ Nhớ rừng không nguôi/ Suối quanh co mãi” (Suối). Hình ảnh suối trong thơ ông trước hết là hình ảnh thực của mảnh đất quê hương mà nhà thơ luôn đau đáu nhớ về khi sinh sống ở nơi khác. Hình ảnh suối nằm trong hệ thống những hình ảnh gợi nhớ về tuổi thơ, về mẹ, về quê hương như hình ảnh núi, mây, cây ngô chứ không xuất hiện như một tiếng gọi từ sâu thẳm vô thức trong sáng tác của Lò Cao Nhum. 2.3. Suối và những khúc tình ca về tình yêu đôi lứa Biểu tượng suối đi vào trong thơ Thái hiện đại với những cung bậc cảm xúc phong phú trong tình yêu. Tâm hồn Thái giàu chất trữ tình cất lên những bài ca về tình yêu đôi lứa kế thừa những bản tình ca nổi tiếng của dân tộc này như Tản chụ xiết xương, Xống chụ sôn sao, Thơ tình của các nhà thơ dân tộc Thái hiện đại có nét chung là da diết, sâu lắng chứ không dữ dội, mãnh liệt như các nhà thơ thuộc tộc người khác. Như một dòng suối hiền hòa, róc rách chảy, cảm xúc là thế mạnh của họ. Biểu tượng suối được khai thác biểu đạt vẻ đẹp trong một mối tình nên thơ, mang cái nhìn tinh tế và lãng mạn. Thiên nhiên với con người hòa quyện với nhau, suối cùng với bóng hình của tình yêu là tồn tại vĩnh viễn trong ký ức đẹp đẽ : “Bên suối/ Có hai người/ Bóng lồng nhau trong đáy nước/ Nước ngừng trôi/ Cá không dám quẫy đuôi/ Sợ sóng làm tan mất/ Có một chiều/ Em đi/ Bóng dần khuất/ Suối tím/ Nước ngừng trôi/ Tiếng nhạc thôi thánh thót/ Suối vắng/ Bóng hai người” (Bên suối - Lò Vũ Vân). Bài thơ mang vẻ đẹp về tình yêu trong trẻo như nước suối nguồn của đôi trai gái Thái với những âm điệu ngọt ngào, êm dịu. Tất cả đặt trong một không gian tĩnh lặng để tình yêu gảy lên khúc nhạc du dương trong lòng người. Lò Cao Nhum mượn suối để miêu tả tinh tế tâm trạng con người với nhiều cung bậc khác nhau của sự chờ đợi trong tình yêu “Có câu hát đợi/ Chùng chình cầu mây/ Có ngọn gió đợi/ Thở dài rừng cây/ Suối xanh động sóng/ Cầu thanh nét cầu/ Bóng ai hút bóng/ Vời vợi về đâu?” (Câu hát đợi), “Tiếng khèn hát cầu van/ Ngày một ngày BIỂU TƯỢNG SUỐI TỪ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐẾN THƠ DÂN T C THÁI HI N ĐẠI VÙNG TÂY BẮC 48 hai ngóng sang cửa liếp/ Chẳng nguồn mạch đâu, suối còn có khúc/ Nỡ cạn rồi trời soi cùng ai.” (Tiếng khèn), “Từ buổi ấy, chia tay ướt vòng đời/ Anh đây, em kia đó/ Xa thế, thể đo bằng trăm suối/ Tính bằng nghìn ngọn núi cách nhau.” (Buổi ấy) Biểu tượng suối gắn với tình yêu chung thủy, son sắt đã trở thành truyền thống trong văn hóa Thái “Chết ba năm cũng còn hình bóng/ Biến ra nước anh vốc nước ăn/ Hóa ra đất, cuốc đất giồng trầu/ Hóa ra củ ấu ở cùng ao/ Hóa ra môi cùng múc chung nồi/ Chết ra ma, hồn chung nhà ở” (Xống chụ sôn sao) được các nhà thơ hiện đại Thái tiếp tục kế thừa. Tình yêu trong sáng của đôi trai gái Thái cũng gắn liền với dòng suối chảy từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành với hạnh phúc ngày càng căng đầy trong thơ Tòng Văn Hân: “Biết nhớ anh mong cho mặt trời mau lặn/ Biết thương em muốn cho mặt trăng lâu mờ/ Bụi tre to mãi nhờ năm tháng/ Con suối to dần nhờ những khe/ Tổ ong to dần nhờ hoa rừng rực rỡ” (Tình đôi ta). So sánh với thơ của nhà thơ người Giáy Lò Ngân Sủn ta thấy rõ rệt sự khác biệt. Thơ tình của Lò Ngân Sủn hấp dẫn người đọc nhờ cách diễn tả trạng thái tình yêu rất táo bạo, mãnh liệtÔng thể hiện quan niệm này qua một bài thơ với hình ảnh Suối hôn rất độc đáo: “Lúc dồn dập dữ dội/ Khi âm thầm lặng lẽ/ Khẽ hôn lên cồn đất/ Khẽ hôn lên cồn cát/ Hôn đến cả sạt cả núi/ Hôn đến mòn cả đá/ Là cái hôn của suối/ Hôn không dừng không dứt/ Hôn không dứt không thôi/ Cái hôn hình uốn khúc/ Cái hôn dài chân thung”. 3. Kết luận Văn hóa là kết quả của sự lựa chọn trong ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Sống tập trung ở khu vực miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, dân tộc Thái từ bao đời nay đã hình thành và phát triển những nét văn hóa độc đáo của tộc người, trong đó cóp các biểu tượng văn hóa. Từ môi trường sinh sống, biểu tượng suối đã đi vào đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người. Không những thế, nó còn chi phối đến tâm lý, tính cách tộc người với đặc điểm nổi trội là ưa biểu đạt nghiêng về tính trữ tình. Điều này không chỉ được chứng minh bằng những tác phẩm văn học dân gian nổi tiếng mà còn được kế thừa sang sáng tác của các nhà thơ hiện đại. Đây là nét khu biệt thơ Thái với thơ của các tộc người thiểu số khác. Biểu tượng suối ám ảnh thành vào những giấc mơ, đi vào những khúc tình ca mà các nhà thơ Thái đã tiếp thu để từ tinh hoa văn hóa dân tộc mình tiếp tục tỏa sáng trong cuộc sống hiện đại. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hội thảo khoa học quốc gia Ngôn ngữ và văn học vùng Tây Bắc, Trường Đại học Tây Bắc, tháng 4 năm 2014. 2. Hỏi đáp về văn hóa độc đáo các dân tộc Việt Nam (2008), Nxb Quân đội nhân dân. 3. Lò Cao Nhum (2008), Bếp trong đời sống người Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 4. Tô Ngọc Thanh (1994), Đồng dao Thái Tây Bắc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 5. Ngô Đức Thịnh (2003), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 6. Đỗ Lai Thúy (2004), Phân tâm học và văn học nghệ thuật, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 7. Đỗ Lai Thúy (2010), Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Nxb Văn học, Hà Nội. 8. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Chí Bền, Lâm Mỹ Dung, Trần Thúy Anh (2004), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Ngày nhận bài: 19/02/2017 Biên tập xong: 15/4/2017 Duyệt đăng: 20/4/2017

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfbieu_tuong_suoi_tu_van_hoa_truyen_thong_den_tho_dan_toc_thai.pdf
Tài liệu liên quan