KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu cho thấy nâng cao chất lượng
lao động nông thôn là vấn đề quan trọng trong
bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chất
lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại
thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương nhìn chung chưa
cao. Nhiều lao động ra trường chưa đảm đương
ngay được công việc, cần thời gian làm quen, đào
tạo bổ sung, đào tạo lại công việc mới đảm nhiệm
được công việc được giao. Trong đội ngũ công
nhân kỹ thuật được đào tạo còn thiếu nhiều nhóm
có chuyên môn kỹ thuật cao như điện, điện tử,
cơ khí, vật liệu mới. thiếu lao động chuyên môn
khối ngành dịch vụ. Trình độ ngoại ngữ, tác phong
công nghiệp của đội ngũ lao động được đào tạo
còn yếu, điều này ảnh hưởng rất lớn tới công việc
của người lao động ở các doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, giải pháp đặt
ra trong thời gian tới là việc xây dựng chiến lược
phát triển lao động nông thôn trong thời gian tới.
Đồng thời, cần tăng cường công tác đào tạo nghề,
hỗ trợ tìm kiếm việc làm và đa dạng hóa ngành
nghề để có thể thu hút và cải thiện chất lượng lao
động nông thôn trên địa bàn.
9 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 12/01/2022 | Lượt xem: 276 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chất lượng lao động nông thôn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
80
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190. Số 3(62).2018
CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG NÔNG THÔN THỊ XÃ CHÍ
LINH, TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP
KINH TẾ QUỐC TẾ
QUALITY OF RURAL LABOR IN CHI LINH COMMUNE,
HAI DUONG PROVINCE IN THE CONTEXT OF
INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION
Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Huế
Email: tranhang.k48neu@gmail.com
Trường Đại học Sao Đỏ
Ngày nhận bài: 23/7/2018
Ngày nhận bài sửa sau phản biện: 21/9/2018
Ngày chấp nhận đăng: 28/9/2018
Tóm tắt
Thị xã Chí Linh được coi là khu vực trọng điểm trong việc thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực, góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
của tỉnh Hải Dương. Trong những năm qua, tốc độ phát triển các khu công nghiệp và quá trình đô thị
hóa diễn ra ngày càng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng thu hẹp, làm
cho hàng vạn lao động thiếu đất canh tác. Vì vậy, công tác nâng cao chất lượng lao động nông thôn qua
việc đào tạo học nghề, truyền nghề để giúp người lao động nhanh chóng thích ứng với những thay đổi
do quá trình đô thị hóa, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ chiến
lược của thị xã. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiện trạng chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn
thị xã, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế tới nâng cao chất lượng lao động nông thôn, qua đó đưa ra
một vài giải pháp hữu ích giúp nâng cao chất lượng lao động nông thôn phù hợp với bối cảnh hội nhập
kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới.
Từ khóa: Chất lượng lao động; lao động nông thôn; hội nhập kinh tế quốc tế.
Abstract
Chi Linh commune is considered as a key area for improving the quality of human resources, contributing
to the successful implementation of the industrialization and modernization of agriculture and rural areas
in Hai Duong province. Over the past years, the pace of industrial zone development and urbanization
has been accelerating, and the area of agricultural land has been dwindling, resulting in tens of
thousands of landless laborers. Therefore, the improvement of labor quality through vocational training
and job training to help workers quickly adapt to the changes due to the urbanization process and stable
employment, income stabilization is the strategic task of the town. This study aims to assess the current
status of rural labor quality in town, the impact of international economic integration on improving rural
labor quality, thereby introducing several tangible solutions. This will help improve the quality of rural
labor in line with the international economic integration context in the coming period.
Keywords: Labor quality; rural workers; international economic integration.
1. GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh
tế quốc tế, quá trình quốc tế hoá sản xuất và phân
công lao động diễn ra ngày càng sâu sắc, việc
tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị
toàn cầu đã trở thành yêu cầu đối với các nền kinh
tế; chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết
định nâng cao năng lực cạnh tranh và sự thành
công của mỗi quốc gia.
Theo số liệu Tổng điều tra Bộ Kế hoạch và Đầu
tư năm 2017, cả nước có trên 71,7 triệu người từ
15 tuổi trở lên, trong đó có 54,5 triệu người thuộc
lực lượng lao động (LLLĐ). Mặc dù tiến trình đô thị
hóa ở Việt Nam đã và đang diễn ra nhưng đến nay
lao động nông thôn vẫn được xem là đông đảo,
chiếm gần 67,8% LLLĐ.
“Hải Dương là một tỉnh nông nghiệp với tỉ lệ gần
80% dân số sống ở nông thôn, trong đó thị xã Chí
Linh là đô thị lớn thứ hai của tỉnh Hải Dương, với
20 đơn vị hành chính gồm 08 phường và 12 xã,
diện tích tự nhiên là 28.292 ha (trong đó: đất nông
Người phản biện: 1. PGS.TS. Nguyễn Thị Bất
2. TS. Phạm Thị Hồng Hoa
81
NGÀNH KINH TẾ
Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190. Số 3(62).2018
nghiệp là 10.580 ha, chiếm 37,4%; đất lâm nghiệp
là 8.110 ha, chiếm 28,7%; đất nuôi trồng thủy sản
là 961 ha, chiếm 3,4%; đất phi nông nghiệp là
8.641 ha, chiếm 30,5%), dân số 168.689 người,
chiếm 17% diện tích và 9,6% dân số của toàn tỉnh”
[2]. Do đó, đây được coi là khu vực trọng điểm
trong việc thực hiện nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực, góp phần thực hiện thành công quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn của tỉnh Hải Dương. Trong những năm
qua, tốc độ phát triển các khu công nghiệp và quá
trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, diện tích
đất sản xuất nông nghiệp của người dân ngày
càng thu hẹp, làm cho hàng vạn lao động thiếu đất
canh tác. Vì vậy, công tác nâng cao chất lượng
lao động nông thôn qua việc đào tạo học nghề,
truyền nghề để giúp người lao động có việc làm,
nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ
chiến lược của thị xã.
Tuy nhiên, lao động nông thôn ở đây vốn quen
với nền sản xuất nông nghiệp trình độ thấp, mang
nặng tính nhỏ lẻ, phân tán, năng lực ứng dụng
khoa học - công nghệ và các tiến bộ khoa học - kỹ
thuật vào thực tiễn còn hạn chế, vẫn còn tâm lý thụ
động, tư duy cạnh tranh kém, tính tự do và manh
mún cao. Trong xu thế hội nhập sâu vào nền kinh
tế thế giới, đòi hỏi thị trường lao động nông thôn
phát triển linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng, nâng
cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thế nhưng,
do mới hình thành và phát triển chưa đồng bộ,
nên thị trường lao động nông thôn Việt Nam nói
chung và tại thị xã Chí Linh còn đang bộc lộ nhiều
điểm yếu lẫn mâu thuẫn, trong đó nghiêm trọng
nhất là mất cân bằng giữa cung và cầu, năng suất
lao động thấp. Với trình độ như vậy, lao động nông
thôn khó có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản
xuất nông nghiệp hiện đại và đủ điều kiện để hội
nhập kinh tế quốc tế.
2. CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG VÀ ĐẶC TRƯNG
CƠ BẢN CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
2.1. Lao động nông thôn
Để hiểu rõ nguồn lao động nói chung, nguồn lao
động nông thôn nói riêng cần hiểu rõ các thuật
ngữ sau:
Sức lao động: “Sức lao động là khả năng lao động,
được biểu hiện ở thể lực và trí lực của từng người
lao động” [8].
Số lượng nguồn lao động nông thôn: “Về nguyên
tắc, đó là tổng số sức lao động xét về mặt thể lực
của người lao động với tư cách là một yếu tố của
quá trình lao động sản xuất ở nông thôn” [9].
Bộ phận quan trọng nhất của nguồn lao động
nông thôn là người lao động trong độ tuổi quy định
gọi tắt là lao động trong tuổi. “Lao động trong độ
tuổi quy định là những người ở trong độ tuổi nhất
định theo quy định của Nhà nước, có nghĩa vụ và
quyền lợi đem sức lao động của mình làm việc
cho mình và cho xã hội, chịu sự điều động phân
bổ của Nhà nước để làm các công việc chung của
xã hội. Theo quy định chung, ở Việt Nam độ tuổi
lao động tính từ 16 đến 60 đối với nam và 16 đến
55 đối với nữ” [9].
Ngoài những người trong độ tuổi quy định, số
lượng nguồn lao động nông thôn còn bao gồm
những người ngoài độ tuổi lao động, chưa đến
hoặc đã quá tuổi lao động quy định của Nhà nước
(Trên độ tuổi quy định: Nam từ 61 tuổi, nữ từ 56
tuổi trở lên; Dưới độ tuổi quy định: Nam, nữ từ 13
tuổi đến 15 tuổi) nhưng thực tế tham gia lao động.
2.2. Chất lượng lao động
Chất lượng nguồn nhân lực: “Là toàn bộ năng
lực của lực lượng lao động được biểu hiện thông
qua ba mặt: thể lực, trí lực, tinh thần” [8]. Ba mặt
này có quan hệ chặt chẽ với nhau cấu thành chất
lượng nguồn nhân lực.
Chất lượng nguồn lao động nông thôn: “Chất
lượng nguồn lao động nông thôn là phạm trù biểu
hiện ở từng người lao động và trên phạm vi vùng
nông thôn trên các mặt như: trình độ văn hóa,
trình độ chuyên môn nghề nghiệp, trình độ tổ chức
cuộc sống, các yếu tố về tâm lý tập quán, trình độ
sức khỏe, phẩm chất đạo đức, trình độ và ý thức
pháp luật” [9].
2.3. Đặc trưng cơ bản của lao động nông thôn
Trên thực tế, lao động nông thôn chủ yếu là lao
động nông nghiệp. Do đặc điểm của sản xuất
nông nghiệp khác với các ngành khác nên lao
động nông thôn cũng có những đặc trưng riêng
như sau:
- Lao động nông thôn mang tính thời vụ: Đây là nét
đặc thù nổi bật của lao động nông thôn. Nguyên
nhân là do đối tượng sản xuất nông nghiệp là cây
trồng, vật nuôi, chúng là những cơ thể sống trong
đó quá trình tái sản xuất tự nhiên và tái sản xuất
kinh tế đan xen nhau.
- Nguồn lao động nông thôn tăng về số lượng:
Dân số được coi là yếu tố cơ bản quyết định số
lượng lao động: qui mô và cơ cấu của dân số có ý
nghĩa quyết định đến qui mô cơ cấu của nguồn lao
động, qua đó quyết định cầu lao động.
- Chất lượng nguồn lao động nông thôn chưa cao:
Trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật nguồn
lao động nông thôn đông về số lượng nhưng sự
phát triển còn nhiều hạn chế, nhiều mặt chưa đáp
ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
- Đào tạo lao động nông thôn chưa bài bản: Việc
nâng cao trình độ chuyên môn của lao động nông
thôn chủ yếu được thực hiện thông qua truyền tải
82
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190. Số 3(62).2018
kinh nghiệm trực tiếp, rất ít được đào tạo bài bản
thông qua trường lớp.
2.4. Đặc trưng khu vực nông thôn tại thị xã Chí Linh
Thị xã Chí Linh là một thị xã trẻ xuất phát từ một
huyện nông nghiệp miền núi, trong đó đất nông
nghiệp còn trên 70%, số hộ dân sống bằng sản
xuất nông nghiệp vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao,
nhất là các xã, phường khu vực miền núi của thị
xã. Theo quy định của Chính phủ thì khu vực nông
thôn tại địa bàn thị xã Chí Linh bao gồm 12 xã, đó
là các xã: Tân Dân, Đồng Lạc, Cổ Thành, An Lạc,
Văn Đức, Hoàng Tiến, Nhân Huệ, Hoàng Hoa
Thám, Bắc An, Lê Lợi, Hưng Đạo và Kênh Giang.
Tổng diện tích tự nhiên của 12 xã là: 17.096,44
ha chiếm 60,62% diện tích của thị xã. Nhờ có
điểm xuất pháp sớm về xây dựng nông thôn mới,
nên cơ sở hạ tầng nông thôn của thị xã, nhất là
về y tế, giáo dục, văn hóa đã được đầu tư phát
huy tác dụng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh
tế, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực và cải
thiện điều kiện sống của người dân khu vực nông
thôn. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tại khu vực
nông thôn của thị xã còn phân tán, manh mún ở
quy mô nhỏ hộ gia đình, kinh tế tập thể với hiệu
quả hoạt động chưa cao. Ngoài ra, tuy cơ cấu cây
trồng, vật nuôi trong nông nghiệp khá phong phú,
đa dạng nhưng không đảm bảo quy mô sản xuất
lớn tạo vùng nguyên liệu ổn định cho công nghiệp
chế biến lương thực, thực phẩm. Những khó khăn
này phần nào ảnh hưởng tới phát triển chất lượng
lao động nông thôn tại khu vực.
3. CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG NÔNG THÔN THỊ
XÃ CHÍ LINH, TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG BỐI
CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
3.1. Thực trạng chất lượng lao động nông thôn
tại thị xã Chí Linh
3.1.1. Quy mô lao động
“Tính đến năm 2017, dân số toàn thị xã tăng 6.941
người. Giai đoạn gần đây, mức tăng dân số dần
ổn định hơn. Dân số khu vực thành thị năm 2013
trên địa bàn chỉ có 88.936 người thì đến năm 2017
đã tăng lên 96.323 người. Ngược lại, dân số nông
thôn giảm từ 70.848 người xuống còn 70.402
người năm 2017” [1].
Bảng 1: Dân số trung bình tại thị xã phân theo
thành thị, nông thôn
Năm Tổng số
Phân bổ
Thành thị Nông thôn
2013 159.784 88.936 70.848
2014 163.434 95.569 67.865
2015 164.930 96.356 68,574
2016 165.652 96.375 69.277
2017 166.725 96.323 70.402
(Nguồn: Cục Thống kê Hải Dương)
Biểu đồ 1. Cơ cấu dân số trung bình tại thị xã
phân theo thành thị, nông thôn
(Nguồn: Cục Thống kê Hải Dương)
Thị xã Chí Linh có 37,4% diện tích đất nông nghiệp
với trên 70% dân số sống bằng nông nghiệp, do
đó việc ưu tiên phát triển nông nghiệp và ngành
nghề nông thôn là vấn đề chính và trọng tâm của
toàn thị xã. Trong giai đoạn 2013-2017, lực lượng
lao động nông thôn trên địa bàn thị xã tăng bình
quân 3,6%/năm. Số người trong độ tuổi lao động
chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 48,68% và có xu
hướng tăng.
Bảng 2. Quy mô lực lượng lao động nông thôn trên địa bàn thị xã giai đoạn 2013-2017
TT Chỉ tiêu ĐVT
Năm
2013
Năm
2014
Năm
2015
Năm
2016
Năm
2017
1 Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động tại khu vực nông thôn Người 26.879 26.966 27.572 29.633 30.921
2 Số người trên độ tuổi lao động có tham gia lao động tại khu vực nông thôn Người 4.207 4.782 5.206 6.021 6.737
3 Tổng LLLĐ nông thôn tại thị xã Người 31.086 31.748 32.778 35.654 37.658
4 Dân số khu vực nông thôn tại thị xã Người 70.848 67.865 68.574 69.277 70.402
5 Tỷ lệ % LLLĐ nông thôn so với dân số khu vực nông thôn % 43,88 46,78 47,80 51,47 53,49
(Nguồn: Cục Thống kê Hải Dương)
83
NGÀNH KINH TẾ
Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190. Số 3(62).2018
Cơ cấu lao động nông thôn chia theo độ tuổi của
LLLĐ nông thôn cho thấy LLLĐ nông thôn có độ
tuổi đa số từ 40 đến dưới 55 tuổi (chiếm khoảng
50% LLLĐ nông thôn), đây là độ tuổi lao động đã
tích lũy được kinh nghiệm tốt, do đó năng suất
lao động sẽ cao. Nhìn chung, tỷ lệ lực lượng
lao động ở nhóm tuổi trẻ (15-24 và 25-34) có xu
hướng giảm và tỷ lệ lực lượng lao động ở các
nhóm tuổi cao (45-54 và 55 tuổi trở lên) có xu
hướng tăng.
Bảng 3. Lực lượng lao động nông thôn phân theo nhóm tuổi
Năm
Tổng
số
Chia ra
Dưới
20 tuổi
Từ
20-30
tuổi
Từ
30-40
tuổi
Từ
40-50
tuổi
Từ
50-55
tuổi
Từ 55-60 tuổi
(Riêng đối với
LĐ nam)
Ngoài độ tuổi
LĐ có tham
gia LĐ
SL
(người)
TT
(%)
SL
(người)
TT
(%)
SL
(người)
TT
(%)
SL
(người)
TT
(%)
SL
(người)
TT
(%)
SL
(người)
TT
(%)
SL
(người)
TT
(%)
2013 31.086 271 0,87 2.377 7,65 5.055 16,26 9.218 29,65 7.039 22,64 2.919 9,39 4.207 13,53
2014 31.748 277 0,87 2.383 7,51 5.047 15,90 9.284 29,24 7.082 22,31 2.893 9,11 4.782 15,06
2015 32.778 300 0,92 2.458 7,50 5.193 15,84 9.308 28,40 7.258 22,14 3.055 9,32 5.206 15,88
2016 35.654 426 1,19 2.801 7,86 5.598 15,70 9.736 27,31 7.503 21,04 3.569 10,01 6.021 16,89
2017 37.658 602 1,60 3.158 8,39 5.937 15,77 9.927 26,36 7.843 20,83 3.454 9,17 6.737 17,89
(Nguồn: Cục Thống kê Hải Dương)
Tuy nhiên, cũng như các tỉnh trong vùng kinh tế
trọng điểm Bắc Bộ, LLLĐ của thị xã Chí Linh, tỉnh
Hải Dương thuộc loại trẻ, số người trong độ tuổi
lao động chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số lên tới
64,6%.
3.1.2. Trình độ học vấn
Trình độ văn hóa của LLLĐ nông thôn tại thị xã
có sự vận động theo xu hướng tích cực. Từ năm
2013 đến năm 2017, số lao động không biết chữ
đã giảm từ 0,14% xuống còn 0,05% và tốt nghiệp
cấp III đã tăng từ 27,00% lên 36,00%. Năm 2017,
trong LLLĐ tỷ lệ lao động tốt nghiệp cấp III của
thành thị là 63,68%, trong khi của nông thôn là
36,00%. Trình độ văn hóa thấp ở một bộ phận lao
động nông thôn thị xã Chí Linh (năm 2017, trong
LLLĐ nông thôn có 12,76% lao động tốt nghiệp
cấp I) có ảnh hưởng đến khả năng tham gia đào
tạo chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng
của lực lượng lao động nông thôn tại địa bàn.
Bảng 4. Số lượng và cơ cấu lao động nông thôn tại thị xã phân theo trình độ học vấn
Chỉ tiêu Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017
I. TỔNG SỐ 31.086 31.748 32.778 35.654 37.658
1. Không biết chữ 42 18 17 18 18
2. Chưa tốt nghiệp Tiểu học 972 779 655 586 451
3. Tốt nghiệp Tiểu học (Cấp I) 6.387 7.241 6.560 6.004 4.805
4. Tốt nghiệp THCS (Cấp II) 15.292 14.504 15.713 17.301 18.828
5. Tốt nghiệp THPT (Cấp III) 8.393 9.206 9.833 11.745 13.556
II. CƠ CẤU (%) 100 100 100 100 100
1. Không biết chữ 0,14 0,06 0,05 0,05 0,05
2. Chưa tốt nghiệp Tiểu học 3,13 2,45 2,00 1,64 1,20
3. Tốt nghiệp Tiểu học (Cấp I) 20,55 22,81 20,01 16,84 12,76
4. Tốt nghiệp THCS (Cấp II) 49,19 45,68 47,94 48,52 50,00
5. Tốt nghiệp THPT (Cấp III) 27,00 29,00 30,00 32,94 36,00
(Nguồn: Cục Thống kê Hải Dương)
84
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190. Số 3(62).2018
3.1.3. Trình độ chuyên môn kỹ thuật
Tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo của thị
xã năm 2017 đã đạt tới mức gần 40% LLLĐ, tuy
nhiên lao động ở trình độ từ trung cấp nghề trở
lên vẫn còn khá thấp (gần 10% LLLĐ). Cụ thể
như sau:
Bảng 5. Quy mô và cơ cấu lao động nông thôn phân theo trình độ đào tạo
Chỉ tiêu Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017
I.TỔNG SỐ 31.086 31.748 32.778 35.654 37.658
Phân theo trình độ đào tạo
1. Chưa qua đào tạo 24.221 24.204 24.017 24.924 23.648
2. Đã qua đào tạo nhưng không có chứng chỉ 4.931 4.938 5.181 5.721 6.708
3. Có chứng chỉ đào tạo 323 505 977 1.207 1.564
4. Sơ cấp nghề 1.054 1.202 1.389 1.643 2.365
5. Trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp 133 321 410 961 1.307
6. Cao đẳng nghề 87 104 192 227 407
7. Cao đẳng 230 261 302 432 743
8. Đại học và trên đại học 102 204 301 528 898
9. Khác 5 9 9 11 18
II. CƠ CẤU (%) 100 100 100 100 100
1. Chưa qua đào tạo 77,92 76,24 73,27 69,91 62,80
2. Đã qua đào tạo nhưng không có chứng chỉ 15,86 15,55 15,81 16,05 17,81
3. Có chứng chỉ đào tạo 1,04 1,59 2,98 3,39 4,15
4. Sơ cấp nghề 3,39 3,79 4,24 4,61 6,28
5. Trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp 0,43 1,01 1,25 2,70 3,47
6. Cao đẳng nghề 0,28 0,33 0,59 0,64 1,08
7. Cao đẳng 0,74 0,82 0,92 1,21 1,97
8. Đại học và trên đại học 0,33 0,64 0,92 1,48 2,38
9. Khác 0,02 0,03 0,03 0,03 0,05
(Nguồn: Cục Thống kê Hải Dương)
Theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm của
Tổng cục Thống kê năm 2017 thì lao động nông
thôn vẫn có hơn 86% chưa có chuyên môn kỹ
thuật, còn lại được đào tạo từ mức dạy nghề 3
tháng trở lên. Con số trên cho thấy chất lượng
lao động cung ra thị trường của vùng nông thôn
rất thấp. Vậy so với mức trung bình chung của cả
nước thì chất lượng lao động ở vùng nông thôn
thị xã cao hơn tỷ lệ chung, nhưng để đáp ứng
được yêu cầu và mức phát triển kinh tế của vùng
này còn cần nhiều yếu tố, trong đó nâng cao trình
độ chuyên môn và đào tạo, tự đào tạo ngày càng
phải được nâng cao.
3.1.4. Phân bố lao động
Có ba lĩnh vực chính mà lao động nông thôn tham
gia đó là nông, lâm, thủy sản; công nghiệp và xây
dựng; thương nghiệp, vận tải và dịch vụ khác. Xu
hướng phân bổ lao động nông thôn tại ba lĩnh vực
được thể hiện trong biểu đồ 2.
Biểu đồ 2. Cơ cấu lao động nông thôn phân bổ theo lĩnh vực giai đoạn 2013-2017
(Nguồn: Cục Thống kê Hải Dương)
85
NGÀNH KINH TẾ
Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190. Số 3(62).2018
Biểu đồ cho chúng ta thấy lao động trong lĩnh vực
nông, lâm, thủy sản chiếm ưu thế nhưng có xu
hướng giảm theo thời gian từ năm 2013 đến năm
2017. Cụ thể là từ 71,82% trong cơ cấu lao động
năm 2013 xuống còn hơn 52,8% cơ cấu lao động
2017. Thay vào đó là lao động công nghiệp và xây
dựng tăng mạnh với khoảng 10% từ 17,38% năm
2013 lên đến 27,27% năm 2017.
Biểu đồ 3. Cơ cấu lao động nông thôn phân theo nhóm ngành và khu vực kinh tế năm 2017
(Nguồn: Cục Thống kê Hải Dương)
Có thể thấy khi phân theo nhóm ngành kinh tế thì
so với mức bình quân chung của cả nước (40,5%
năm 2017) thì lao động trong lĩnh vực nông nghiệp
của huyện chiếm một mức cao (50,29%). Trong
khi đó, lao động trong ngành dịch vụ của cả nước
chiếm hơn 34% năm 2017 thì lao động trong lĩnh
vực dịch vụ của huyện chỉ chiếm 7,59%.
3.2. Điểm mạnh, điểm yếu của lao động nông
thôn tại thị xã
3.2.1. Điểm mạnh
Thứ nhất, nguồn lao động nông thôn dồi dào
Tính đến năm 2017, dân số toàn thị xã tăng 6.941
người. Dân số khu vực thành thị năm 2013 trên
địa bàn chỉ có 88.936 người thì đến năm 2017
đã tăng lên 96.323 người. Trong giai đoạn 2013 -
2017, lực lượng lao động nông thôn trên địa bàn
thị xã tăng bình quân 3,6%/năm. Số người trong
độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ trung bình khoảng
48,68% và có xu hướng tăng.
Thứ hai, trình độ học vấn của lao động nông thôn
ngày càng được cải thiện
Theo số liệu thống kê ta thấy, hàng năm số lao
động biết chữ và tốt nghiệp các cấp học không
ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Bên
cạnh đó, nhờ việc mở rộng không ngừng các loại
hình bồi dưỡng văn hóa cho người lao động như
mạng lưới các trường bổ túc văn hóa đã tạo điều
kiện cho những người lao động nâng cao trình độ
văn hóa của mình. Đây là điều kiện thuận lợi để
người lao động nông thôn có thể tiếp thu các kiến
thức chuyên môn nghề nghiệp, phục vụ cho công
việc hiện tại và tăng cơ hội tìm kiếm việc làm trong
tương lai.
Thứ ba, quy mô lao động qua đào tạo của lao
động nông thôn ngày càng tăng
Năm 2013, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm
22,08%, thì đến năm 2017 tỷ lệ tương ứng là
37,20% và so với mức trung bình chung của cả
nước thì chất lượng lao động ở vùng nông thôn
thị xã Chí Linh cao hơn tỷ lệ chung, nhưng để đáp
ứng được yêu cầu và mức phát triển kinh tế của
vùng này còn cần nhiều yếu tố, trong đó nâng cao
trình độ chuyên môn và đào tạo, tự đào tạo ngày
càng phải được nâng cao.
Thứ tư, lao động nông thôn tại thị xã có nhiều đức
tính quý báu
Lao động nước ta nói chung và lao động nông
thôn tại thị xã Chí Linh nói riêng có nhiều đức tính
quý báu như: cần cù, chịu khó, khéo tay, dó đó
dễ tiếp thu được những kiến thức trong sản xuất
để tạo nên sự thuận lợi ban đầu cho việc tiếp thu
những thành tựu khoa học kỹ thuật. Khi có sự
hướng dẫn thì họ luôn có tinh thần hợp tác, phối
hợp để hoàn thành công việc được giao.
3.2.2. Điểm yếu
Bên cạnh những ưu điểm trên, chất lượng nguồn
lao động nông thôn trên địa bàn thị xã còn có
những hạn chế sau:
86
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190. Số 3(62).2018
Thứ nhất, trình độ học vấn của lao động nông
thôn tại khu vực chưa tương xứng với mục tiêu
phát triển lao động nông thôn hiện nay. Do đó, cần
xây dựng chiến lược để định hướng cho các hoạt
động phát triển phát triển lao động nông thôn.
Thứ hai, trình độ tay nghề của lao động nông thôn
chưa cao. Hiện trạng có nhiều lao động chưa đảm
đương ngay được công việc, cần thời gian làm
quen, đào tạo bổ sung, đào tạo lại mới đảm nhiệm
được công việc được giao. Điều này dẫn tới năng
suất lao động của nông thôn tại thị xã còn thấp,
gây khó khăn trong việc tìm kiếm các lao động có
tay nghề phù hợp với công việc.
Thứ ba, nguồn lao động nông thôn có hạn chế
nhất định về kỷ luật lao động, về các phẩm chất
mới của người lao động trong quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với lao động
khu vực và thế giới như trình độ về ngoại ngữ, tin
học, tác phong công nghiệp, kỷ luật, công nghệ,
thể lực.
Thứ tư, các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn
và khu vực FDI thu hút lao động của nông thôn
chưa cao, có nguyên nhân từ cơ cấu đào tạo theo
ngành nghề và chất lượng nguồn lao động.
3.3. Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế tới
phát triển chất lượng lao động nông thôn – cơ
hội và thách thức
Toàn cầu hóa và hội nhập đang là xu hướng phát
triển chủ yếu trong các quan hệ quốc tế trên tất
cả các phương diện, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế,
thông qua các cam kết, các hiệp định. Việt Nam
đã trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế
ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do (FTA)
giữa EU và Việt Nam, tham gia vào CPTPP, các
định chế quốc tế sẽ thúc đẩy dòng chu chuyển
tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, công nghệ
và lao động, nhất là lao động có kỹ năng có cơ
hội di chuyển trong thị trường lao động của khối
AEC. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs)
giữa các nước ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ
năng nghề nghiệp là những công cụ quan trọng
cho việc tự do di chuyển lao động có chất lượng,
có kỹ năng. Xuất khẩu tăng được xem là yếu tố
quan trọng để tạo việc làm. Bên cạnh đó, đầu tư
trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ góp
phần thay đổi bộ mặt kinh tế và tạo ra hàng triệu
công ăn việc làm.
3.3.1. Cơ hội
Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế tạo tiền đề để
phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo ra nhiều cơ
hội trong việc hợp tác lẫn nhau giữa các cơ sở
giáo dục nghề nghiệp; cơ hội học tập, bồi dưỡng,
trao đổi nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo và
cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; sẽ có thêm
nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực
giáo dục nghề nghiệp
Thứ hai, người học có nhiều cơ hội hơn trong học
tập, tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến
của nước ngoài và dễ dàng hơn trong việc tìm
kiếm việc.
Thứ ba, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của dòng
chảy đầu tư quốc tế, giúp tăng những dự án đầu
tư mang tính tiên phong về công nghệ hoặc quy
mô lớn giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất
lao động, tăng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài,
cùng với nâng cao trình độ quản lý, đào tạo nguồn
nhân lực, góp phần tạo ra nhiều việc làm mới cho
người lao động
3.3.2. Thách thức
Thứ nhất, di chuyển lao động sẽ tạo nên môi
trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh và gay gắt.
Thách thức lớn nhất là tính cạnh tranh trong thị
trường nhân lực sẽ rất cao trong việc cung cấp
nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng đòi
hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải
thiện đáng kể.
Thứ hai, yêu cầu về kỹ năng thực hành, ý thức và
tác phong công nghiệp ngày càng cao. Hiện nay,
thị trường lao động trong nước và thế giới đòi hỏi
người lao động phải đạt được chuẩn nghề nghiệp,
những hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia
đang xây dựng và bước đầu hướng tới chuẩn khu
vực và thế giới.
Thứ ba, cạnh tranh về nhân lực chất lượng
cao sẽ diễn ra mạnh mẽ trên bình diện thế giới,
khu vực và quốc gia. Việc mở ra khả năng di
chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi người
lao động phải có kỹ năng nghề cao, có năng lực
làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu
chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.
Thứ tư, yêu cầu về năng suất và chất lượng việc
làm tăng cao. Chất lượng việc làm còn thấp trong
khi khả năng tạo việc làm của nền kinh tế trong
giai đoạn suy giảm, tăng trưởng kinh tế không cao
đã ảnh hưởng đến kết quả giải quyết việc làm cho
người lao động.
87
NGÀNH KINH TẾ
Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190. Số 3(62).2018
Có thể thấy hội nhập kinh tế quốc tế có tác động
tích cực tới phát triển chất lượng lao động nông
thôn tại thị xã khi mở ra cơ hội học tập nâng cao
kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, không thể tránh
khỏi thách thức lớn khi trình độ tay nghề của lao
động nông thôn chưa cao, điều này có ảnh hưởng
nhất định đến tạo nguồn cho đào tạo lao động
trình độ chuyên môn kỹ thuật cao phục vụ cho quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặt khác, rào
cản khó khăn lớn hiện nay với lao động nông thôn
tại thị xã là kỹ năng thực hành, ý thức và tác phong
công nghiệp tại khu vực còn thấp gây ra hạn chế
trong mở rộng thị trường lao động trong nước và
nước ngoài.
3.4. Giải pháp nâng cao chất lượng lao động
nông thôn tại thị xã Chí Linh trong bối cảnh hội
nhập kinh tế quốc tế
Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển lao động
nông thôn
Việc xây dựng một chiến lược phát triển lao động
nông thôn tổng thể về cả thể chất lẫn trình độ sẽ tạo
nên một yếu tố tích cực, năng động, sáng tạo trong
sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và sự
nghiệp phát triển kinh tế của toàn thị xã. Việc làm
này cần được sự ủng hộ của tỉnh và các ngành dọc
liên quan như y tế, giáo dục, kế hoạch hóa gia đình
và các ngành kinh tế nói chung. Điều này được
thực hiện bởi ủy ban nhân dân huyện, kết hợp với
phòng thống kê, phòng giáo dục, y tế
Thứ hai, tăng cường công tác giáo dục, đào tạo
nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác giáo
dục, đào tạo nghề bằng cách triển khai các công
việc: (1) nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên
truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao
động nông thôn; (2) nâng cao chất lượng các cơ
sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa
bàn; (3) hoàn thiện công tác tổ chức quản lý của
cơ quan nhà nước các cấp; (4) tăng cường các
hình thức hỗ trợ cho lao động nông thôn sau đào
tạo nghề.
Thứ ba, nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp
cho lao động nông thôn
Trong thời gian tới, để giúp người lao động nông
thôn tại thị xã nhận thức được điều này, cần chú
ý các vấn đề sau: (1) các doanh nghiệp cần thực
hiện nhiều biện pháp xây dựng cho họ tinh thần,
tác phong công nghiệp; (2) người lao động nông
thôn cũng cần nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, nâng
cao trình độ học vấn, tay nghề, khẳng định năng
lực để thăng tiến, nâng cao thu nhập và rèn
luyện cho mình tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Thứ tư, tăng cường chất lượng khám chữa bệnh
và các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người
lao động
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó
có nâng cao thể lực lao động nông thôn cần chú ý
các vấn đề: (1) nâng cao hiệu quả của hoạt động
y tế dự phòng; (2) tăng cường chất lượng khám
chữa bệnh và các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho
người lao động.
Thứ năm, hỗ trợ tìm kiếm việc làm và đa dạng
hóa ngành nghề để thu hút và cải thiện chất lượng
lao động nông thôn
Chính sách ưu tiên giới thiệu, tư vấn việc làm miễn
phí, thông qua hội chợ việc làm, hỗ trợ tìm việc cũng
là một hướng mở tích cực tạo ra cơ hội có việc làm
cho lao động nông thôn, bên cạnh đó để lao động
nông thôn thực sự phát triển bền vững theo hướng
công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải: (1) phát
triển mạnh kinh tế học gia đình và doanh nghiệp vừa
và nhỏ, trong đó có làng nghề và kinh tế trang trại,
nơi tạo ra thu nhập cao và ổn định hơn; (2) phát triển
các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn.
Thứ sáu, xây dựng chính sách đãi ngộ và thu
hút, tuyển dụng cho lao động nông thôn chất
lượng cao
Chính sách đãi ngộ với lao động gắn với chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể cho từng
đối tượng có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng
và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Do
đó cần xây dựng chế độ đãi ngộ để khuyến khích
cả về vật chất lẫn tinh thần đối với các lao động
nông nghiệp có chất lượng chuyên môn cao,
năng suất lao động cao; tạo ra môi trường lành
mạnh trong công tác tuyển dụng, thu hút lao động
chất lượng cao; xây dựng một môi trường làm
việc thân thiện trong tổ chức doanh nghiệp. Qua
đó giúp nâng cao sức cạnh tranh cho lao động
nông thôn và tăng năng suất của người lao động,
thúc đẩy phát triển bền vững chất lượng lao động
nông thôn trong dài hạn.
4. KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu cho thấy nâng cao chất lượng
lao động nông thôn là vấn đề quan trọng trong
bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chất
lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại
thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương nhìn chung chưa
88
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Đại học Sao Đỏ, ISSN 1859-4190. Số 3(62).2018
cao. Nhiều lao động ra trường chưa đảm đương
ngay được công việc, cần thời gian làm quen, đào
tạo bổ sung, đào tạo lại công việc mới đảm nhiệm
được công việc được giao. Trong đội ngũ công
nhân kỹ thuật được đào tạo còn thiếu nhiều nhóm
có chuyên môn kỹ thuật cao như điện, điện tử,
cơ khí, vật liệu mới... thiếu lao động chuyên môn
khối ngành dịch vụ. Trình độ ngoại ngữ, tác phong
công nghiệp của đội ngũ lao động được đào tạo
còn yếu, điều này ảnh hưởng rất lớn tới công việc
của người lao động ở các doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, giải pháp đặt
ra trong thời gian tới là việc xây dựng chiến lược
phát triển lao động nông thôn trong thời gian tới.
Đồng thời, cần tăng cường công tác đào tạo nghề,
hỗ trợ tìm kiếm việc làm và đa dạng hóa ngành
nghề để có thể thu hút và cải thiện chất lượng lao
động nông thôn trên địa bàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Báo cáo số 94/BC-UBND (2016). Sơ kết 5 năm
thực hiện Quy hoạch Phát triển nhân lực giai đoạn
2001-2020 tỉnh Hải Dương.
[2]. Báo cáo số 685/BC-UBND (2017). Kết quả thực
hiện “hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn
mới” năm 2017 của Ủy ban nhân dân thị xã Chí
Linh, tỉnh Hải Dương.
[3]. Kế hoạch số 2826/KH-UBND (2016). Kế hoạch
Tiếp tục thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng đào
tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai
đoạn 2016-2020.
[4]. Nguyễn Văn Chính (1997). Biến đổi kinh tế - xã
hội và vấn đề di chuyển lao động nông thôn - đô
thị ở miền Bắc Việt Nam. Tạp chí Xã hội học thực
nghiệm, số 2, tr.25-41.
[5]. Nguyễn Văn Đại (2012). Nghiên cứu các vấn đề
về phân công lao động xã hội và sự cần thiết đào
tạo nghề cho lao động nông thôn. Luận án tiến sĩ,
Đại học Kinh tế quốc dân.
[6]. Trần Minh Ngọc (2001). Sử dụng nguồn nhân lực
nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Viện Kinh tế
học - Trung tâm KHXH và nhân văn Quốc gia.
[7]. Nguyễn Văn Thanh (2014). Nghiên cứu lao động
khu vực nông thôn huyện Kinh Môn, tỉnh Hải
Dương. Luận văn thạc sĩ, Học viện Nông nghiệp
Việt Nam.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- chat_luong_lao_dong_nong_thon_thi_xa_chi_linh_tinh_hai_duong.pdf