Ngày nay, trên phạm vi toàn thế giới, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa-xã hội và hoạt động kinh doanh du lịch đang phát triển một cách mạnh mẽ, đa dạng và phong phú, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt nam. Hoạt động ngành Du lịch của tỉnh cũng như của các doanh nghiệp du lịch phụ thuộc vào tình hình thị trường du lịch quốc tế và trong nước. Nhiệm vụ của tỉnh Ninh Bình là làm sao thu hút được nhiều khách du lịch, thoả mãn được đầy đủ nhu cầu du lịch và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Để đưa ra những sản phẩm du lịch phù hợp với mục tiêu và phương hướng hoạt động trong ngành Du lịch của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của khách đòi hỏi phải có những hoạch định cụ thể dưới dạng những chính sách cụ thể như: chính sách về thuế, chính sách đầu tư, chính sách về thị trường, chính sách về quản lý đầu tư.
Luôn luôn đẩy mạnh công tác tuyên quảng bá, mở rộng giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế về du lịch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ nhất là năng lực tổ chức quản lý, ý thức trách nhiệm và phong cách văn minh lịch sự trong phục vụ khách cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên làm du lịch.
Trong những nghiên cứu về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình chúng ta thấy được những thành công đáng khích lệ của tỉnh xong cũng thấy được những mặt hạn chế tồn tại cần khắc phục.
65 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1803 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Chuyên đề Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành du lịch Ninh Bình trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
p thời nhu cầu của khách du lịch. Ngành du lịch Ninh Bình cũng không ngừng nâng cấp, xây mới khách sạn, nhà nghỉ phục vụ khách du lịch. Nhìn chung số lượng khách sạn, nhà nghỉ của các thành phần kinh tế tăng nhanh cả về số lượng, quy mô và phương thức hoạt động.
3.2. Hệ thống các cơ sở ăn uống phục vụ du lịch
Hệ thống các cơ sở ăn uống đa dạng và phong phú. Hầu hết các khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ đều có cơ sở ăn uống. Theo thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình, năm 2000 toàn tỉnh có 13 cơ sở phục vụ ăn uống với 2.134 ghế, thì đến năm 2007 đã có 47 cơ sở phục vụ dịch vụ ăn uống cho khách du lịch với sức chứa 8.126 ghế. Các sơ sở này đều phục vụ đa dạng các món ăn từ cao cấp đến bình dân.
Bên cạnh hệ thống các cơ sở dịch vụ ăn uống trong khách sạn, phải kể đến các quán đặc sản của tư nhân. Các cơ sở này chủ yếu phân bố tại các khu du lịch lớn của Tỉnh như Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư, Cúc Phương, Vân Long… Tuy nhiên, một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu đó là vệ sinh thực phẩm, đồ uống, chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên và vấn đề giá cả.
3.3. Khu vui chơi giải trí và các dịch vụ bổ trợ
Trong phạm vi cả nước nói chung và ở Ninh Bình nói riêng, các cơ sở vui chơi - giải trí - thể thao còn rất nghèo nàn. Đó là một nguyên nhân chính không giữ được khách lưu lại dài ngày. Khách du lịch đến Ninh Bình, ngoài việc đi thăm quan các điểm du lịch kể trên, khách du lịch hầu như không có chỗ để vui chơi. Hiện tại, trên địa ban tỉnh mới chỉ có 3 bể bơi, 2 sân tennis, 65 phòng xông hơi - massage…, tất cả các cơ sở này bước đầu đã đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Các vũ trường - sàn nhảy đến nay chưa có, các cơ sở vui chơi giải trí tổng hợp khác mang tính chất quần chúng hầu như không có. Để tạo điều kiện tăng doanh thu của ngành du lịch thì một trong những định hướng quan trọng là phải đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí tổng hợp, công viên v.v... Bổ sung và hoàn thiện các cơ sở dịch vụ du lịch khác như xông hơi - xoa bóp v.v... gần đây tuy có phát triển ở một số nơi, nhưng chất lượng còn kém chưa đáp ứng được yêu cầu.
4. Lao động du lịch
Bảng 9.2. Thực trạng lao động du lịch Ninh Bình giai đoạn 2002-2007
ChØ tiªu
2000
2001
2002
2003
2004
2005
2006
2007
Lao động trực tiếp làm du lịch
338
353
409
470
621
650
916
960
Trình độ đại học, cao đẳng
23
30
45
50
70
85
183
196
Trình độ trung cấp và sơ cấp nghề
121
135
165
195
158
190
322
410
Trình độ đào tạo khác
116
120
160
195
215
255
220
219
Có khả năng giao tiếp 1 trong 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung.
79
90
135
147
180
286
290
315
Số lao động gián tiếp làm du lịch
5500
5510
5500
5620
5700
5750
5900
6150
Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Theo thống kê của ngành, tính đến năm 2007, số lao động trực tiếp trong ngành du lịch là 960 người tăng 2,3 lần so với năm 2002. Số lượng lao động trong ngành có trình độ chuyên môn về du lịch: đại học, cao đẳng 196 người chiếm 20,4%, trung cấp và nghề 410 người chiếm 42,7%. Đào tạo trong các lĩnh vực khác (chưa qua đào tạo về du lịch) là 219 người chiếm 22,8%. Số lao động có khả năng sử dụng một trong 3 ngoại ngữ phổ biến (Anh – Pháp – Trung) là 315 người chiếm 33%. Riêng đối với lao động thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch, ngành đã thực hiện tốt chủ trương thu hút nhân tài về làm việc: Tuyển thẳng 01 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành du lịch, tiếp nhận hơn 10 lao động có trình độ cử nhân về du lịch về công tác tại các phòng ban, đơn vị thuộc Sở. Đưa đội ngũ nhân lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch (biên chế của Sở Du lịch trước khi sát nhập thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có trình độ đại học và trên đại học chiếm 39%, trình độ cao đẳng trung cấp 29%.
5. Về đầu tư phát triển du lịch
5.1. Đầu tư trong lịch vực hạ tầng du lịch
Bảng 10.2: Tổng hợp các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ 2001 - 2007
Đơn vị: Nghìn đồng
Chỉ tiêu
Dự toán
được duyệt
Vốn đã giải ngân đến 2007
Thời gian
thực hiện
I. Nguồn ngân sách địa phương
4.477.338
2.150.000
1. Xây dựng trụ sở làm việc Sở Du lịch
4.375.000
2.000.000
2004-2005
2. QH khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình
102.388
50.000
2004
3. Bổ sung QH KDL Tam Cốc - Bích Động
100.000
2005-2006
II. Nguồn ngân sách trung ương
844.105.000
311.500.000
1. Xây dựng CSHT KDL Vân Long
37.520.000
18.500.000
2002-2007
2. Xây dựng CSHT KDL Tràng An
579.457.000
183.000.000
2003-2008
3. Xây dựng CSHT KDL Tam Cốc - Bích Động
199.850.000
130.500.000
2001-2006
4. Xây dựng CSHT các làng nghề truyền thống
18.965.000
3.500.000
2002-2006
5. Nạo vét tuyến giao thông thủy Bích Động-Hang Bụt
8.313.000
3.000.000
2005-2006
Tổng số
848.582.338
313.650.000
Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình
5.2. Đầu tư của các doanh nghiệp vào du lịch
UBND tỉnh đã ban hành và áp dụng các Quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, năm 2007 đã có 36 doanh nghiệp lập dự án đầu tư phát triển các khu du lịch với tổng số vốn đầu tư được duyệt là 6.576 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú, khách sạn du lịch cao cấp, đầu tư phát triển các khu du lịch và khu vui chơi giải trí hiện đại nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho tỉnh, đầu tư phát triển các trung tâm dịch vụ du lịch. Hiện tại đã có một số dự án đã đưa vào hoạt động, khai thác từng phần như khu nghỉ dưỡng Vân Long, khu dịch vụ du lịch sinh thái Vân Long; một số dự án đang được tích cực triển khai đầu tư xây dựng như khu du lịch nước nóng Kênh Gà, khu dịch vụ trung tâm thuộc khu du lịch Tràng An, khu du lịch tắm ngâm nước khoáng Cúc Phương, khu du lịch sinh thái giải trí Thanh Xuân... Đến nay, việc đầu tư phát triển giai đoạn I của các dự án trên đã hoàn thiện, và đưa vào khai thác đã phần nào đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng của khách du lịch và nhân dân địa phương.
6. Xúc tiến quảng bá du lịch.
Từ năm 2000, Sở Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch và xây dựng quy chế, chương trình hành động về du lịch giai đoạn 2001 - 2007 làm cơ sở cho việc đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Cũng trong năm 2000, Sở đã tổ chức các lớp học tập, nghiên cứu về du lịch, tổ chức đi khảo sát và học tập kinh nghiệm thực tế tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, tham gia triển lãm gian hàng hội xuân Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Vân Hồ - Hà Nội và đã đạt được giải 3 toàn quốc; phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin các các ban ngành trong Tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Trường Yên 2000.
Trong khuôn khổ chương trình hành động về du lịch của Tỉnh, năm 2002 Sở Du lịch Ninh Bình đã chính thức đưa Trung tâm xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch đi vào hoạt động và bước đầu đạt kết quả tốt. Đơn vị này đã phối hợp tích cực với các Doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tích cực triển khai thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Ninh Bình. Tổ chức thành công hội thi “Nấu các món ăn dân tộc Việt Nam ngành du lịch Ninh Bình - 2002”, phát động chương trình Báo chí viết về du lịch Ninh Bình và đã thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.
Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mang đặc trưng Ninh Bình, Sở Du lịch đã tiến hành nghiên cứu, tổ chức thực hiện và đưa vào thử nghiệm đề tài NCKH “Nghiên cứu tổ chức đóng thử tàu chở khách du lịch trên sông”. Cũng trong khuôn khổ đề tài này, lần đầu tiên du lịch Ninh Bình đã tiến hành khảo sát chuyên sâu và công bố kết quả về tuyến du lịch sinh thái chùa Bái Đính - động Sinh Dược, công bố động Sinh Dược dài 1.360m - một tài nguyên du lịch hết sức quý giá. Hiện đang triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và giải pháp khai thác tiềm năng hang động Karst phục vụ phát triển du lịch Ninh Bình” làm cơ sở để xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến tham quan du lịch mới nhằm từng bước đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch và nâng cao sức hấp dẫn cho du lịch Ninh Bình.
Ngành du lịch Ninh Bình cũng đã tổ chức thành công các cuộc thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi toàn ngành”. Thông qua cuộc thi này, ngành đã xây dựng và hoàn thiện được 10 bài thuyết minh tại các điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình và đã được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Hoa làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá và cho hướng dẫn viên làm tài liệu cơ sở để hướng dẫn du khách.
Công tác xúc tiến quảng bá của du lịch Ninh Bình thời gian qua đã có nhiều cố gắng, hoạt động xúc tiến đã được triển khai toàn diện hơn, đã giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch tại Ninh Bình. Tuy nhiên vẫn ở trong phạm vi hẹp, công nghệ chưa cao, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được lợi ích của công tác xúc tiến quảng bá du lịch đối với sự nghiệp phát triển du lịch. Kinh phí dành cho hoạt động này chủ yếu từ nguồn Ngân sách nhà nước nên hoạt động này chưa đáp ứng được so với nhu cầu đặt ra, hiệu quả kinh tế đem lại còn thấp. Vì thế chưa tạo được những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có chất lượng để thu hút khách du lịch.
III. Các thách thức phát triển du lịch của Ninh Bình trong thời gian tới
1. Điểm mạnh.
Điểm mạnh của du lịch Ninh Bình được xác định trên cơ sở phân tích những đặc điểm lợi thế so sánh về các yếu tố chủ yếu có tác động đến hoạt động phát triển du lịch.
Thứ nhất: tính đa dạng về tài nguyên du lịch. Ninh Bình có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú (các di tích lịch sử văn hóa; các danh lam thắng cảnh; làng quê với những sinh hoạt đậm nét văn hoá tiêu biểu cho làng quê vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng, cho làng quê Việt Nam nói chung; nghề truyền thống, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái đất ngập nước lục địa; nguồn nước khoáng nóng, v.v.), trong đó có nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt mà tiêu biểu là thắng cảnh Tam Cốc-Bích Động, khu hang động Tràng An; quần thể di tích lịch sử văn hóa Hoa Lư, vườn quốc gia Cúc Phương; khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long; và làng quê, làng nghề (trạm khắc đá, thêu ren) với những sinh hoạt truyền thống đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Tiềm năng du lịch đa dạng này là một trong những điểm mạnh quan trọng của du lịch Ninh Bình không chỉ so với nhiều địa phương thuộc trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận - một trong 7 trọng điểm du lịch của cả nước, mà so ngay với Hà Nội, trung tâm du lịch của vùng du lịch Bắc Bộ.
Thứ hai: hạ tầng du lịch phát triển. Hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông vận tải, là yếu tố rất quan trọng đối với hoạt động phát triển du lịch. Ninh Bình là một địa phương nằm trên trục giao thông Bắc Nam được Chính phủ quan tâm đầu tư nâng cấp trong thời gian qua cùng với sự phát triển nhanh chóng về mặt đô thị của thị xã Ninh Bình, hạ tầng xã hội nói chung, hạ tầng du lịch nói riêng của Ninh Bình đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.
Là một địa phương có hệ thống sông ngòi tương đối phát triển, giao thông đường thuỷ cũng là thế mạnh của Ninh Bình. Nhiều điểm du lịch ở Ninh Bình có thể tiếp cận bằng đường thuỷ và đây là thế mạnh cần phát huy nhằm tạo ra các tour du lịch hấp dẫn với việc xây dựng các bến thuyền du lịch ở những địa điểm thích hợp.
Thứ ba: hình ảnh về du lịch Ninh Bình. Ninh Bình từ lâu đã được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến với những địa danh nổi tiếng như thắng cảnh Tam Cốc - Bích Động; quần thể di tích cố đô Hoa Lư; Cúc Phương - vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam với hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới điển hình còn được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Thứ tư: có vị trí địa lý gần với Thủ đô Hà Nội - Trung tâm phân phối khách chính ở vùng du lịch Bắc Bộ. Trong hoạt động phát triển du lịch “khoảng cách”, đặc biệt là khoảng cách bằng đường bộ cùng với đặc điểm/chất lượng đường giao thông, từ trung tâm phân phối khách đến "điểm đến" được xem là yếu tố quan trọng.
2. Điểm yếu
Bên cạnh những “điểm mạnh”, du lịch Ninh Bình cũng có những "điểm yếu" cần phải được xác định nhằm có được những giải pháp và chiến lược khắc phục phù hợp. Qua phân tích các yếu tố có liên quan đến tình trạng hạn chế trong phát triển du lịch Ninh Bình thời gian qua có thể thấy những “điểm yếu” chủ yếu của du lịch Ninh Bình bao gồm:
Thứ nhất: hạn chế về đội ngũ lao động (quản lý, tác nghiệp). Trong một thời gian, du lịch Ninh Bình tương đối phát triển và cộng vào đó là sự “bung ra” của hệ thống một số nhà khách đã “hình thành” một đội ngũ lao động mà trình độ về quản lý cũng như về nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động du lịch theo cơ chế thị trường. Điều này thể hiện rất rõ ở chất lượng dịch vụ trong nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu điểm tham quan du lịch của Ninh Bình, thậm chí ở những điểm du lịch nổi tiếng như Tam Cốc - Bích Động, Hoa Lư, v.v.
Mặc dù cũng nhận thức được “điểm yếu” này, tuy nhiên thời gian qua hoạt động quản lý, hướng dẫn các doạnh nghiệp và tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ lao động chưa được đẩy mạnh ngang tầm với yêu cầu phát triển.
Thứ hai: hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, các dịch vụ về ngân hàng, vui chơi giải trí. Hiện nay du lịch Ninh Bình đang phải đối mặt với một thực tế là do thực hiện quy hoạch và đặc biệt là quản lý quy hoạch du lịch, còn nhiều bất cập nên Ninh Bình hiện đang gặp khó khăn về mặt bằng trong xây dựng phát triển hệ thống các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nói chung, hệ thống các khu du lịch, khách sạn tiêu chuẩn 3 sao trở lên nói riêng và các khu vui chơi giải trí tầm cỡ. Tình trạng này càng trở nên khó khăn đối với khu vực nội đô thị xã và tại một số trọng điểm du lịch như Tam Cốc – Bích Động, Hoa Lư, Vân Long.
Đây không chỉ đơn thuần là một “điểm yếu” mà còn là thách thức đối với du lịch Ninh Bình trong quá trình phát triển tới đây với vai trò là một “trung tâm bổ trợ” quan trọng của trung tâm du lịch du lịch Hà Nội và phụ cận.
Thứ ba: hạn chế về sản phẩm du lịch; có sự chồng chéo về sản phẩm giữa khu, điểm du lịch và có sự hạn chế trong hoạt động marketing xúc tiến quảng bá du lịch so với yêu cầu phát triển. Hoạt động trong cơ chế thị trường, việc xây dựng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù và hoạt động marketing xúc tiến quảng bá du lịch đến các thị trường du lịch trọng điểm là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công của kinh doanh du lịch. Mặc dù đã ý thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc đầu tư cho xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch đặc thù và hoạt động marketing xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều bất cập.
Việc đầu tư để xây dựng một số sản phẩm đặc trưng của du lịch Ninh Bình được xác định trong các quy hoạch tổng thể như du lịch làng quê, du lịch sinh thái với việc khai thác các giá trị của hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới ở Cúc Phương, hệ sinh thái đất ngập nước Vân Long với việc quan sát Voọc quần đùi trắng; du lịch làng nghề, tham quan nhà thờ đá Phát Diệm ở Kim Sơn, du lịch mạo hiểm tại Cúc Phương, v.v. vẫn chưa có được sự quan tâm thỏa đáng.
Hoạt động marketing xúc tiến quảng bá du lịch của Ninh Bình cho đến nay vẫn chưa có được một chiến lược cụ thể vì vậy các hoạt động trong thời gian qua chỉ mang tính “tình thế” và dựa vào nguồn ngân sách vốn rất hạn hẹp của địa phương cũng như từ sự hỗ trợ của Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch.
Thứ tư: ảnh hưởng của tính mùa vụ trong hoạt động du lịch. Là một địa phương nằm trong vùng Bắc Bộ, hoạt động của du lịch Ninh Bình mang tính “mùa vụ” rất rõ nét do chịu ảnh hưởng sâu sắc của đặc điểm khí hậu á nhiệt đới ở khu vực phía Bắc bên cạnh những ảnh hưởng khác mang tính xã hội như “mùa” lễ hội; “mùa” nghỉ hè của học sinh, sinh viên; “mùa” du lịch của khách du lịch quốc tế, đặc biệt từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Đại dương.
Theo số liệu thống kê, nếu như trong mùa du lịch cao điểm lượng khách du lịch đến Ninh Bình chiếm 67% tổng lượng khách trong năm, công suất sử dụng phòng trung bình của Ninh Bình đạt khoảng 58% thì trong mùa thấp điểm những chỉ tiêu này chỉ đạt trên 30 % và 45%. Tính mùa vụ trong hoạt động du lịch được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến số ngày lưu trú trung bình và mức độ chi tiêu vốn rất thấp của khách du lịch khi đến Ninh Bình.
Nếu xét “tính mùa vụ” từ góc độ các sản phẩm du lịch khi các sản phẩm du lịch chủ yếu hiện nay của Ninh Bình là sản phẩm du lịch thăm quan cảnh quan, các giá trị văn hoá thì ảnh hưởng của “tính mùa vụ” đối với hoạt động du lịch Ninh Bình chưa thực sự “nghiêm trọng” như đối với các sản phẩm du lịch biển. Tuy nhiên đây là vấn đề thực tế đối với các địa phương ở khu vực phía Bắc, trong đó có Ninh Bình, vì vậy khi xem xét các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch ở Ninh Bình, ảnh hưởng này vẫn cần được xem xét một cách nghiêm túc nhằm hạn chế tính hiệu quả thấp của đầu tư.
Thứ năm: tính liên kết của Ninh Bình với các địa phương phụ cận, đặc biệt với Hà Nội trong hoạt động du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Với vai trò là một trọng điểm quan trọng trong trung tâm du lịch của vùng du lịch Hà Nội và phụ cận, việc liên kết giữa du lịch Ninh Bình với du lịch các địa phương trong vùng, đặc biệt với du lịch Hà Nội là rất quan trọng. Sự liên kết này không chỉ góp phần thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển mà còn có ý nghĩa đối với hoạt động du lịch các địa phương trong vùng, làm tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch mang tính vùng. Tuy nhiên thời gian qua, du lịch Ninh Bình chưa chủ động tạo ra sự liên kết này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế các dòng khách đến Ninh Bình, đặc biệt từ Hà Nội cũng như các tours du lịch trong không gian du lịch Hà Nội và phụ cận chưa được hình thành một cách rõ nét; chưa tạo được hình ảnh du lịch chung của vùng, trong đó Ninh Bình là một điểm đến quan trọng.
Thứ sáu: hạn chế trong quản lý, thực hiện quy hoạch du lịch. Ninh Bình được xem là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về công tác quy hoạch phát triển du lịch. Ngay từ năm 1995, Ninh Bình đã thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình thời kỳ 1996 - 2010. Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng đã tham gia thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận thời kỳ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Tuy nhiên, việc quản lý thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch còn có nhiều bất cập, chưa được như mong muốn. “Điểm yếu” này của du lịch Ninh Bình thể hiện ở việc “bê tông hóa” nhiều hạng mục công trình của khu du lịch quốc gia Tam Cốc-Bích Động - một trọng điểm du lịch của Ninh Bình với thế mạnh về du lịch sinh thái, nơi cảnh quan và môi trường được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhiều du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, rất thất vọng với “cách” đầu tư xây dựng những hạng mục thiếu sự hài hoà với cảnh quan thiên nhiên ở khu du lịch này.
Tình trạng hạn chế trong thực hiện quy hoạch còn thể hiện trong việc hình thành một cách thiếu cân nhắc về vị trí, về quy mô và công năng sử dụng của hệ thống cơ sở lưu trú trong không gian khu du lịch Vân Long, một khu du lịch sinh thái được đánh giá là có triển vọng nhất không chỉ đối với du lịch Ninh Bình mà còn đối với trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận cũng như du lịch Bắc Bộ.
3. Cơ hội
Đối với bất cứ sự phát triển nào, việc xác định đúng và nắm bắt được cơ hội cho sự phát triển là rất quan trọng bởi điều đó cho phép phát huy được nhiều nguồn lực một cách có hiệu quả cho sự phát triển.
Nhu cầu du lịch (quốc tế và nội địa) ngày một tăng cùng với sự ổn định về an ninh, chính trị.
Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng, hiện đang đứng trước cơ hội to lớn khi nhu cầu du lịch trên thế giới nói chung và khu vực nói riêng đang ngày một tăng. Các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam và của Ninh Bình nói riêng đều có sự gia tăng về số lượng khách du lịch. Khách du lịch đến từ thị trường Pháp hiện tăng khoảng 12,3%/năm; tương tự từ thị trường Trung Quốc là 9,7%/năm, thị trường Nhật là 10,2%/năm… Do tình hình an ninh, chính trị ổn định, Việt Nam đã và đang thu hút được sự quan tâm của khách du lịch quốc tế khi quyết định lựa chọn điểm đến du lịch cho kỳ nghỉ của mình.
Đối với thị trường khách du lịch nội địa, nhu cầu du lịch cũng tăng nhanh cùng với sự gia tăng về nhu cầu đi hành hương, lễ hội; tăng thời gian nghỉ cho người lao động; sự cải thiện về mức sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy không chỉ trong mùa du lịch mà ngay trong những ngày nghỉ cuối tuần, lượng khách du lịch nội địa từ Hà Nội về các tỉnh phụ cận, trong đó có Ninh Bình là rất lớn. Hà Tây với các khu du lịch ở Đồng Mô, Ba Vì; Vĩnh Phúc với các khu du lịch ở Tam Đảo, Đại Lải… là những thí dụ điển hình trong việc thu hút khách du lịch nghỉ cuối tuần từ Hà Nội. Nếu Ninh Bình biết tổ chức tốt và xây dựng được những sản phẩm du lịch phù hợp thì đó sẽ là cơ hội lớn để Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch lý tưởng của khách du lịch từ Hà Nội.
Sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Chỉ còn hai năm nữa sẽ diễn ra sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một sự kiện trọng đại có tính quốc gia, trong đó Hà Nội, Phú Thọ và Ninh Bình là 3 địa phương tâm điểm của sự kiện này. Với tư cách là Cố đô nước Đại Việt trước khi Lý Công Uẩn rời kinh về Thăng Long, Ninh Bình là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị đặc biệt liên quan đến một thời kỳ phát triển rực rỡ của đất nước. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và các di tích mới được phát hiện trong quần thể thắng cảnh Tràng An với chùa Bái Đính - một ngôi chùa có vị trí quan trọng trong lịch sử phật giáo Việt Nam, là những giá trị văn hoá sẽ được tôn vinh trong hoạt động kỷ niệm nhân sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
4. Thách thức
Du lịch Ninh Bình phát triển trong thế cạnh tranh rất lớn, trước hết là với Hà Nội và một số địa phương như Hà Tây, Vĩnh Phúc, trong điều kiện du lịch Ninh Bình còn phát triển ở mức thấp: Song hành với những thuận lợi và cơ hội khi Ninh Bình nằm trong trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận là những thách thức rất lớn khi sự phát triển của du lịch Ninh Bình phải đối mặt với sự cạnh tranh của du lịch Hà Nội và một số địa phương có tiềm năng khác trong vùng như Hà Tây, Vĩnh Phúc. Sự cạnh tranh này là tất yếu đối với mọi hoạt động phát triển trong cơ chế thị trường. Tuy nhiên thách thức này đối với du lịch Ninh Bình càng trở nên to lớn khi hình ảnh du lịch Ninh Bình còn mờ nhạt, sản phẩm du lịch của Ninh Bình nhìn chung còn đơn điệu, phát triển ở mức thấp và chưa phát huy được hết những tiềm năng đặc thù của địa phương.
Tác động của hoạt động phát triển đô thị và công nghiệp: Một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình là phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng với trọng tâm là sản xuất xi măng và vật liệu đá xây dựng trên cơ sở khai thác tiềm năng tài nguyên to lớn về đá vôi. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị của Ninh Bình cũng sẽ được đầu tư mở rộng, đặc biệt là việc phát triển thị xã Ninh Ninh lên thành phố, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tương xứng với vị trí của Ninh Bình trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng Bắc Bộ.
Việc xây dựng nhà máy xi măng Vina-KanSai cùng với việc khai thác đá ở các dãy núi thuộc xã Gia Hòa trên một diện tích tổng cộng tới hơn 200ha liền kề với khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long - một điểm du lịch sinh thái cảnh quan có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với du lịch Ninh Bình mà còn đối với du lịch của trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận cũng như du lịch Bắc Bộ, đã tác động rất lớn đến hoạt động phát triển du lịch ở khu vực này. Trước hết đó là sự thay đổi cảnh quan vốn là yếu tố hấp dẫn quan trọng của khu du lịch. Tiếp đến, việc nổ mìn phá đá đã và đang là nguyên nhân trực tiếp của nguy cơ mất đi đàn Voọc quần đùi trắng, yếu tố đặc biệt quan trọng thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến với Ninh Bình. Và một tác động không nhỏ do hoạt động của nhà máy xi măng này đến môi trường du lịch Vân Long là nguy cơ ô nhiêm không khí (chủ yếu là tiếng nổ, tiếng động và bụi) do vị trí của nhà máy ở hướng Đông Nam, gần kề với khu du lịch.
Để có thể hạn chế được tác động của thách thức này, cần thiết phải có sự điều chỉnh phương án quy hoạch tổng thể, đặc biệt là về tổ chức các không gian kinh tế chức năng, phù hợp trên cơ sở những phân tích khoa học khách quan nhằm hạn chế những tác động đến môi trường du lịch của Ninh Bình.
Sự xuống cấp của tài nguyên, môi trường du lịch mà trong đó tình trạng “chồng chéo” trong quản lý là một bất cập lớn. Đây là thách thức không chỉ của Ninh Bình mà còn là thách thức chung của du lịch Việt Nam. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở nhiều điểm tài nguyên du lịch có giá trị của Ninh Bình với sự xuống cấp của nhiều điểm di tích lịch sử văn hoá, suy giảm đa dạng sinh học ở các khu tự nhiên do hoạt động khai thác không được quản lý, cảnh quan bị xâm hại do khai thác đá…Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, tuy nhiên một trong những nguyên nhân cơ bản chính là tình trạng “chồng chéo” trong quản lý tài nguyên. Du lịch Ninh Bình phát triển trong bối cảnh chịu sức ép về trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hoá và tự nhiên: Cúc Phương - được công nhận là vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam; Vân Long được công nhận là khu bảo tồn đất ngập nước lục địa đầu tiên ở khu vực phía Bắc với việc bảo tồn loài Voọc quần đùi trắng còn tồn tại duy nhất trên thế giới; Hoa Lư, Tràng An với các di tích lịch sử văn hoá đặc biệt có giá trị cấp quốc gia. Với sự công nhận đó, nhiều địa danh ở Ninh Bình đã và đang là điểm đến du lịch nổi tiếng không chỉ của Ninh Bình mà còn của du lịch Việt Nam và khu vực thu hút ngày càng đông khách du lịch. Kết quả của sự gia tăng lượng khách đến những địa điểm này sẽ là sức ép đến cảnh quan, môi trường, đến sự tồn tại của các công trình di tích, trong khi sự phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động du lịch, ở địa điểm này sẽ phải tuân thủ những quy định bảo vệ có tính pháp lý theo tinh thần các Luật hiện hành của Việt Nam cũng như của quốc tế mà Việt Nam đã cam kết. Đây chính là một thách thức không nhỏ của du lịch Ninh Bình trước mâu thuẫn giữa cơ hội và mong muốn tăng lượng khách với nhiệm vụ bảo tồn các giá trị văn hoá, tự nhiên cho phát triển bền vững.
Nhận thức của xã hội về du lịch còn bất cập: Mặc dù thời gian qua đã có những thay đổi về nhận thức đối với tầm quan trọng của hoạt động phát triển du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tuy nhiên thực tế cho thấy nhận thức này của xã hội, đặc biệt của các nhà quản lý, còn có những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của du lịch Ninh Bình tương xứng với vị trí, vai trò. Điều này thể hiện rõ trong sự phát triển công nghiệp với việc khai thác đá làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; trong những chính sách chưa thoả đáng đối với hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, và đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt vai trò quản lý nhà nước về du lịch của Sở Du lịch Ninh Bình cũng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển.
CHƯƠNG III. NHỮNG GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH TỈNH NINH BÌNH
I. Quan điểm phát triển du lịch
Đứng trước những cơ hội thuận lợi và khó khăn thách thức của tình hình thế giới và trong nước, trong hoàn cảnh sự phát triển của du lịch còn ở giai đoạn đầu, du lịch Ninh Bình cần xác định các quan điểm phát triển như sau:
1. Phát triển du lịch nhanh và bền vững, gúp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Để du lịch Ninh Bình phát triển tương xứng với tiềm năng và hội nhập khu vực, cần đưa du lịch Ninh Bình phát triển với tốc độ nhanh và bền vững. Phát triển du lịch phải gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái - đây là một trong những quan điểm quan trọng trong phát triển du lịch Ninh Bình; phát triển du lịch phải đảm bảo sự bền vững về môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa xã hội để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thế hệ tương lai. Muốn vậy hoạt động du lịch phải có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa xã hội từ đó đặt ra các kế hoạch và cơ chế quản lý phù hợp với việc tôn tạo, khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhân văn, sao cho cảnh quan môi trường tự nhiên không bị xâm hại và được bảo tồn phát triển. Để phát triển du lịch Ninh Bình nhanh và bền vững trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài cần tập trung phát triển theo hướng:
- Phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng gắn với việc bảo vệ môi trường;
- Phát triển du lịch văn hóa, tâm linh gắn với các lễ hội truyền thống;
- Phát triển du lịch thể thao, mạo hiểm gắn với hệ thống các hang động;
2. Phát triển du lịch gắn với an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Phát triển du lịch phải luôn dựa trên phương châm bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt đối với Ninh Bình. Quan điểm này cần được quán triệt đầy đủ trong việc đưa ra các định hướng mang tính chiến lược và các đề xuất, giải pháp về tổ chức quản lý, thiết kế, quy hoạch, tổ chức không gian, phân tích đánh giá thị trường… để hình thành và phát triển các loại hình sản phẩm du lịch phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh.
3. Phát triển du lịch phải gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo tồn các giá trị cảnh quan.
Gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như bảo tồn giá trị cảnh quan là những yếu tố mang lại sự bền vững cho hoạt động du lịch. Du lịch Ninh Bình đã xác định các giá trị về văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc đang sinh sống tại đây, hệ thống các di tích văn hóa lịch sử, các lễ hội, phong tục tập quán truyền thống… là các động lực quan trọng để thu hút khách. Phát triển du lịch đồng thời với việc bảo vệ môi trường xã hội, ngăn chặn và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ các hoạt động du lịch tác động đến môi trường xã hội, thuần phong mỹ tục.
4. Phát triển du lịch dựa trên sự phát huy nội lực, sức mạnh của các ngành, các thành phần kinh tế, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất cho du lịch nhằm phát huy các tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, vì vậy cần tranh thủ phát huy nguồn nội lực (trong đó đáng chú ý là nguồn lực của các doanh nghiệp trong tỉnh và nguồn lực từ trong dân) cũng như tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
5. Phát triển du lịch phải đặt trong mối quan hệ của sự phát triển du lịch của các tỉnh lân cận và khu vực như các tỉnh thuộc vùng miền núi Tây Bắc, các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và đặc biệt là mối liên hệ với thủ đô Hà Nội…
Để đảm bảo tính liên kết vùng để tạo nên những thị trường khách ổn định, phù hợp với sản phẩm du lịch mà Ninh Bình có thể phát triển. Ninh Bình có mối quan hệ lâu năm với các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Nam Định…, sự phát triển của du lịch Ninh Bình không thể tách rời mối quan hệ liên vùng để tạo thành một chương trình du lịch hoàn chỉnh và liên tục theo những nội dung khác nhau.
II. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch trong kỳ hội nhập
1. Về thực hiện quy hoạch
Tiến hành việc xác định ranh giới quy hoạch du lịch trên địa bàn các trọng điểm (cụm) du lịch đã được xác định, sau khi đã có sự bàn bạc thống nhất với Cơ quan tham mưu giúp UBND Tỉnh về quản lý quy hoạch, xây dựng như Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, các ban, ngành và chính quyền địa phương các huyên, xã có liên quan.
Nhanh chóng thiết lập mối quan hệ mật thiết về hoạt động du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, qua đó sẽ tạo ra được những sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn lớn đối với du khách, tạo ra sự thúc đẩy tương hỗ nhằm phát triển du lịch các trọng điểm du lịch nói riêng và toàn tỉnh Ninh Bình nói chung.
Cần sớm xác lập và hình thành những nhân tố tích cực trong chuyên môn hóa theo ngành và chuyên môn hóa theo lãnh thổ, tránh sự trùng lặp trong quản lý và khai thác phát triển giữa các ngành kinh tế trên cùng một lãnh thổ, đặc biệt giữa nagnhf công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và du lịch nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển du lịch đứng từ goc độ đảm bảo cảnh quan, tài nguyên và môi trường du lịch.
Xây dựng các dự án có khả năng thực thi cao nhằm bảo vệ, tôn tạo và khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch của Ninh Bình. Sớm hình thành các trọng điểm (cụm) du lịch và tuyến du lịch với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc và hấp dẫn, mang bản sắc riêng của Ninh Bình.
Có chính sách đầu tư thỏa đáng từ ngân sách địa phương kết hợp với sự hỗ trợ của ngân sách trung ương nhằm hoàn thiện việc nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội. ở đây cần có sự quan tâm đặc biệt đối với việc nâng cấp giao thông nối các điểm du lịch khu vực Tam Điệp và đường nối TX. Ninh Bình với huyện Kim Sơn nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch làng nghề và điểm du lịch đặc thù của Ninh Bình là nhà thờ đá Phát Diệm..
2. Giải pháp về cơ chế đầu tư
Đầu tư phát triển du lịch là một hướng đầu tư có hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội. Tuy nhiên do những đặc thù riêng của ngành cũng như trong điều kiện cụ thể của du lịch Việt Nam nói chung, của Ninh Bình nói riêng, cơ cấu đầu tư phát triển du lịch ở Ninh Bình cần bao gồm những nội dung cơ bản sau:
Một là: đầu tư xây dựng khu du lịch. Đây là một hướng đầu tư hết sức quan trọng tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động phát triển du lịch không chỉ đối với du lịch Ninh Bình mà còn đối với du lịch cả nước.
Hai là: đầu tư pháp triển hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch. Trong xu thế du lịch Việt Nam hội nhập với du lịch khu vực và thế giới thì các tiêu chuẩn về dịch vụ khách du lịch phải được nâng cao phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Chính vì vậy việc đầu tư nâng cấp và xây mới hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ như tổ hợp thể thao, khu hội chợ, hội nghị, hội thảo, các nhà hàng là hết sức quan trọng.
Về hướng đầu tư phát triển không gian hệ thống khách sạn thì cần ưu tiên xem xét các dự án đầu tư khách sạn cao cấp thương mại ở những đô thị lớn và ở trung tâm du lịch quan trọng là thành phố Ninh Bình. Hệ thống khách sạn cao cấp cũng cần được xem xét xây dựng trong một số khu du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế của địa phương bao gồm quần thể khu du lịch Hoa Lư,Tam Cốc Bích Động, Tràng An và khu du lịch Vân Long. ở các trọng điểm du lịch khác của tỉnh chỉ nên đầu tư xây dựng các khách sạn chuyển tiếp với tiêu chuẩn trung bình để đảm bảo tính hiệu quả trong kinh doanh.
Ba là: đầu tư pháp triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí. Một trong những khâu còn hạn chế trong hoạt động phát triển du lịch của Ninh Bình là sự nghèo nàn của hệ thống các công trình vui chơi giải trí. Điều này đã hạn chế đáng kể thời gian lưu trú của khách và hiệu quả kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Bốn là: đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch. Một trong những mục đích chính của khách du lịch đến Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng là để tìm hiểu về nền văn hóa Việt Nam, về lịch sử phát triển dựng nước và giữ nước của dân tộc. Do đó việc đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và các lễ hội truyền thống không chỉ có ý nghĩa giáo dục những thế hệ sau về những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc, về những hy sinh và kỳ tích của các thế hệ cha ông trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động phát triển du lịch.
Năm là: đầu tư cho công tác đào tạo nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ du lịch của đội ngũ cán bộ và lao động trong ngành du lịch. Đây là một lĩnh vực đầu tư quan trọng, đặc biệt trong điều kiện du lịch Ninh Bình đang có những hoạt động để “hội nhập” với hoạt động phát triển du lịch của vùng du lịch Bắc Bộ cũng như du lịch cả nước và khu vực.
3. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
Cũng như đối với mọi ngành kinh tế khác, vấn đề con người, trình độ nghiệp vụ là những vấn đề quan trọng có tính then chốt đối với sự phát triển của ngành du lịch. Du lịch là một ngành kinh tế đòi hỏi có sự giao tiếp rộng và trực tiếp hơn đối với khách, đòi hỏi trình độ nghiệp vụ, phong cách và thái độ giao tiếp của cán bộ, nhân viên trong ngành, đặc biệt là hướng dẫn viên, lễ tân... rất cao.
Ở Việt Nam nói chung và ở Ninh Bình nói riêng, trong thời gian qua do sự bức xúc trong phát triển cũng như do những tồn tại của lề lối làm ăn bao cấp một thời đã phải tạm thời chấp nhận một đội ngũ cán bộ nhân viên với trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, hiện nay do yêu cầu phát triển ngành, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đã gia nhập ASEAN, du lịch Việt Nam hội nhập với du lịch của các nước trong khu vực và trên thế giới, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành cần phải được nâng lên để đạt được những chuẩn mực quy định của quốc gia và quốc tế. Để đáp ứng được yêu cầu bức xúc trên, Ninh Bình cần phải có một Chương trình đào tạo toàn diện với những kế hoạch cụ thể về đào tạo mới và đào tạo bổ túc, nâng cao kiến thức và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên hiện đang công tác trong ngành thuộc các khu vực Nhà nước, liên doanh và tư nhân.
4. Giải pháp về thị trường, xúc tiến phát triển du lịch
Để có được tính hiệu quả cao trong kinh doanh du lịch, cần xem xét lựa chọn chiến lược sản phẩm và thị trường phù hợp:
Chiến lược sản phẩm cũ, thị trường cũ: Trong thời gian qua thị trường khách quốc tế của Ninh Bình phần lớn là khách Pháp, Trung Quốc. Mặc dù phần lớn khách thuộc những thị trường này thuộc nhóm khách có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ và các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ, đặc biệt là khách Pháp đã phần nào chấp nhận và quen với những sản phẩm du lịch của địa bàn. Với chiến lược này, cần thiết phải có những biện pháp thích hợp và đầu tư thỏa đáng nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có của địa phương. Ngoài ra cũng cần có những chính sách giá cả phù hợp để khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm du lịch.
Chiến lược sản phẩm mới, thị trường cũ: Đây là chiến lược có nhiều khả năng thực thi hơn cả vì chỉ có đa dạng hóa sản phẩm du lịch mới có khả năng hạn chế được sự nhàm chán và giảm sút của thị trường khách truyền thống, đồng thời có sức hấp dẫn thu hút đối với những thị trường khách mới. Trong việc thực hiện chiến lược này cần chú trọng nghiên cứu phát triển những sản phẩm mà thị trường cần.
Một trong những hạn chế của hoạt động du lịch trong thời gian qua ở Ninh Bình là công tác xúc tiến tuyên truyền quảng cáo. Mặc dù thời gian qua, công tác tuyên truyền quảng bá du lịch đã được chú trọng đẩy mạnh với sự hỗ trợ nhất định của Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch và hoạt động du lịch của địa phương, tuy nhiên, những kết quả đạt được bước đầu này còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Điều này đã hạn chế đáng kể hiệu quả kinh doanh du lịch của tỉnh.
Hiện nay, đa số khách du lịch đến Ninh Bình còn thiếu thông tin về du lịch địa phương. Các nguồn thông tin chính thức được phát hành không được phong phú và hạn chế. Những thông tin không chính thức qua kinh nghiệm và truyền khẩu của khách hiện nay được đánh giá là những nguồn thông tin quan trọng để khách du lịch biết được và đến với Ninh Bình.
Để góp phần đẩy nhanh sự phát triển của ngành du lịch nâng cao hiệu quả kinh doanh, trong thời gian tới đây phải có đầu tư công tác xúc tiến tuyên truyền quảng cáo du lịch để công tác này thực sự trở thành một nội dung hoạt động quan trọng. Những nội dung định hướng lớn đối với công tác này bao gồm :
Một là: nhanh chóng phát hành những ấn phẩm có chất lượng và thông tin chính thức về du lịch Ninh Bình để giới thiệu với khách du lịch hình ảnh về con người Ninh Bình; những thông tin cần thiết cho khách như các điểm lưu trú, hệ thống các điểm tham quan du lịch, các nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí, giá cả sinh hoạt, đi lại, ăn uống... và địa chỉ Trung tâm thông tin tư vấn cung cấp thông tin cho khách du lịch. Đối với các tờ chỉ dẫn và thông tin sơ lược, có thể kết hợp với các ngành giao thông vận tải cung cấp miễn phí cho khách trên các lộ trình đến với các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Hai là: xúc tiến việc xây dựng và phát hành rộng rãi các phim ảnh tư liệu về lịch sử văn hóa, các công trình kiến trúc, di tích, các danh lam, thắng cảnh, các làng nghề, lễ hội... và cả những cơ hội, khả năng đầu tư phát triển Ninh Bình để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Những thông tin này là hết sức bổ ích không chỉ đối với du khách có mục đích tham quan nghỉ dưỡng mà còn là cần thiết đối với nhiều nhà đầu tư, kinh doanh muốn đến để hợp tác ở địa phương Ninh Bình.
Ba là: du lịch Ninh Bình cần tận dụng các cơ hội để tham gia vào các hội nghị, hội thảo và hội chợ du lịch quốc tế để có điều kiện tuyên truyền tiếp thị những sản phẩm đặc sắc của du lịch địa phương mình.
Bốn là: trong những điều kiện thuận lợi, có thể mở văn phòng đại diện du lịch tại các thị trường phân phối khách như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để thực hiện các chức năng về dịch vụ lữ hành du lịch và xúc tiến tiếp thị du lịch. Điều này cho phép thực hiện có hiệu quả hơn công tác quan trọng này.
5. Giải pháp về cơ chế chính sách
Cơ chế chính sách về thuế phù hợp đặc thù địa phương trong đó có sự ưu tiên, miễn giảm thuế, không thu thuế có giới hạn nhằm thay đổi cơ cấu đầu tư vào các khu vực còn hoang sơ, đặc biệt ở Kim Sơn, Tam Điệp; các hình thức và kinh doanh du lịch mới mẻ có khả năng tăng thời gian lưu trú của khách, tăng vốn đầu tư, hấp dẫn với cộng đồng dân cư.
Cơ chế và chính sách đầu tư : Trên cơ sở luật pháp và tình hình thực tế của địa phương tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, các chủ thể địa lý hành chính, chủ thể có quyền sử dụng đất, tài nguyên du lịch được trực tiếp hoặc cùng phối hợp khai thác, đầu tư, kinh doanh du lịch không giới hạn ở các ngành nghề chuyên môn. Cần có chính sách khuyến khích đảm bảo an toàn về vốn cho người đầu tư và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút được các nhà đầu tư.
Một trong những nội dung quan trọng của cơ chế chính sách này là đảm bảo được sự công bằng và điều hòa quyền lợi trong quá trình đầu tư khai thác kinh doanh giữa các chủ đầu tư, chủ thể quản lý lãnh thổ hành chính, chủ thể có quyền quản lý sử dụng tài nguyên du lịch, tài nguyên đất, rừng... và cộng đồng dân cư địa phương đảm bảo được sự thống nhất về quản lý khai thác tài nguyên theo quy hoạch du lịch đã được phê duyệt.
Ngoài ra cơ chế chính sách này còn đảm bảo có được cơ chế đặc biệt và hành lang pháp lý không chỉ phù hợp với luật pháp Việt Nam, mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế. Có như vậy, du lịch Ninh Bình nói riêng, du lịch cả nước nói chung mới có được môi trường thuận lợi để hội nhập với sự phát triển chung về du lịch ở các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cơ chế chính sách về thị trường: Đối với thị trường nước ngoài, trước mắt cần phối hợp với các địa phương trong vùng nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh hải quan đối với thị trường tiềm năng là Châu Á-Thái Bình Dương mà trước mắt là các nước, lãnh thổ trong khu vực này như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN và Trung Quốc…
Đối với thị trường nội địa cũng cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả thị trường khách ở các đô thị, trước mắt là Hà Nội, khu công nghiệp tập trung nơi người dân có thu nhập cao hơn và có thời gian nhàn rỗi nhiều hơn. Ngoài ra thông qua chính sách và cơ chế phù hợp với giá cả và các điều kiện kèm theo để khai thác tốt thị trường khách hết sức lớn ở các vùng nông thôn vốn chiếm hơn 80% tỷ lệ dân số cả vùng.
Kèm theo đó là các cơ chế chính sách về dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng v.v... nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất đối với khách du lịch quốc tế khi đến Ninh Bình.
Cơ chế chính sách về tổ chức quản lý : Đảm bảo sự quản lý có hiệu quả, sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa hệ thống cơ chế chính sách với quá trình tổ chức năng lực thực thi của bộ máy quản lý và đội ngũ công chức địa phương.
6. Giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Đối với bất kỳ ngành kinh tế nào, sự phát triển bền vững cũng gắn liền với vấn đề môi trường. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành du lịch, nơi môi trường được xem là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại của các hoạt động du lịch. Thực trạng môi trường du lịch ở Việt Nam nói chung, ở Ninh Bình nói riêng hiện mặc dù chưa có những vấn đề nghiêm trọng song từng lúc, từng nơi đã có sự suy thoái và ô nhiễm môi trường gây những tác động tiêu cực đến các hoạt động phát triển du lịch. Chính vì vậy, để đảm bảo cho việc ngăn chặn sự suy thoái môi trường và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của du lịch trên quan điểm môi trường, cần thiết phải xem xét một số giải pháp cơ bản sau:
Về quy hoạch: Để tránh sự chồng chéo trong khai thác tài nguyên lãnh thổ giữa các ngành kinh tế, dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường cần thiết phải xây dựng quy hoạch tổng thể với đầy đủ ý nghĩa của nó trên quan điểm khai thác tối đa và có hiệu quả nhất những tiềm năng về tài nguyên của địa phương Ninh Bình, đồng thời phải đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái. Mọi phương án khai thác tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đều phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở những luận cứ khoa học vững chắc có tính đến mối quan hệ với các ngành kinh tế có liên quan và các tác động đến môi trường tự nhiên và kinh tế-xã hội của khu vực. Đây sẽ là một giải pháp tương đối toàn diện và có hiệu quả nếu như việc quy hoạch được tiến hành nghiêm túc cũng như việc tổ chức thực hiện quy hoạch được đảm bảo.
Hiện nay, thực tế phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng đã có những tác động đến phát triển du lịch, thể hiện sự chưa đồng bộ trong thực hiện quy họach chung.
Về đào tạo: Trong mọi trường hợp, yếu tố con người có vị trí quan trọng hàng đầu nếu không nói là quyết định. Chính vì vậy, để đảm bảo cho một chiến lược phát triển môi trường bền vững, cần thiết phải có chiến lược tuyên truyền giáo dục, nâng cao dân trí, tạo điều kiện để toàn dân biết và tham gia phát triển ngành kinh tế du lịch, đồng thời có chiến lược đào tạo bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ có trình độ và hiểu biết cao về các vấn đề môi trường, về mối quan hệ giữa môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, pháp luật về du lịch cũng như về các chính sách, quy định của Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi việc tổ chức các khoá đào tạo môi trường với sự tham gia của các giảng viên, các nhà khoa học và quản lý môi trường, các chuyên gia có kinh nghiệm nước ngoài trong lĩnh vực môi trường.
Lâu dài, cần tiến tới việc tiêu chuẩn hoá trình độ và hiểu biết các vấn về môi trường đối với cán bộ quản lý các cấp.
Về tuyên truyền quảng bá và giáo dục dân trí: Đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao dân trí trong việc bảo vệ môi trường. Bằng các hình thức tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng như đài báo, truyền hình, những hiểu biết về lợi ích của việc bảo vệ môi trường đối với đời sống sinh hoạt và sức khoẻ cộng đồng sẽ dần dần được nâng cao trong nhận thức của người dân. Chính những hành động cụ thể, tuy rất nhỏ nhưng có ý thức của người dân về môi trường sẽ là sự đảm bảo hết sức lớn đối với sự phát triển bền vững của môi trường.
Bên cạnh những hình thức trên, trong những điều kiện thuận lợi có thể tổ chức những buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề môi trường, đặc biệt ở các vùng nông thôn, bản làng dân tộc miền núi.
Về kinh tế: đây là giải pháp có tính xã hội cao và có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với dân cư ở khu vực có tiềm năng du lịch như vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn Vân Longv.v... Việc nâng cao đời sống cộng đồng và tạo công ăn việc làm của người dân gắn với các hoạt động phát triển du lịch tại các điểm này sẽ là yếu tố đảm bảo để người dân tham gia tích cực vào việc bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường khu vực.
KẾT LUẬN
Ngày nay, trên phạm vi toàn thế giới, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa-xã hội và hoạt động kinh doanh du lịch đang phát triển một cách mạnh mẽ, đa dạng và phong phú, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt nam. Hoạt động ngành Du lịch của tỉnh cũng như của các doanh nghiệp du lịch phụ thuộc vào tình hình thị trường du lịch quốc tế và trong nước. Nhiệm vụ của tỉnh Ninh Bình là làm sao thu hút được nhiều khách du lịch, thoả mãn được đầy đủ nhu cầu du lịch và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Để đưa ra những sản phẩm du lịch phù hợp với mục tiêu và phương hướng hoạt động trong ngành Du lịch của tỉnh, đáp ứng nhu cầu của khách đòi hỏi phải có những hoạch định cụ thể dưới dạng những chính sách cụ thể như: chính sách về thuế, chính sách đầu tư, chính sách về thị trường, chính sách về quản lý đầu tư.
Luôn luôn đẩy mạnh công tác tuyên quảng bá, mở rộng giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế về du lịch; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ nhất là năng lực tổ chức quản lý, ý thức trách nhiệm và phong cách văn minh lịch sự trong phục vụ khách cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên làm du lịch.
Trong những nghiên cứu về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình chúng ta thấy được những thành công đáng khích lệ của tỉnh xong cũng thấy được những mặt hạn chế tồn tại cần khắc phục.
Với những kiến thức lí luận đã được học và thời gian thực tập ở Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình tôi mong muốn phần nào được đóng góp ý kiến của mình vào mục tiêu và hoạt động trong ngành Du lịch của tỉnh Ninh Bình.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
_ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2007 – 2015 và tầm nhìn đến 2020.
_ Định hướng chiến lược phát triển bền vững tỉnh Ninh Bình.
_ Niên gián cục thống kê Ninh Bình
_ Niên gián Sở du lịch Ninh Bình.
_ google
_ Các báo cáo, chuyên đề về phát triển bền vững của các ngành, các chuyên gia.
_ Văn kiện đại hội đại biểu tỉnh Ninh Bình lần thứ 19
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 21477.doc