Sau 12 tuần đi thực tập tại Công ty Chứng Khoán Ngân Hàng Đông Nam Á, mặc dù chưa được tiếp xúc đầy đủ các nghiệp vụ do công ty mới chỉ chính thức thực hiện giao dịch, nhưng bước đầu tôi đã được tiếp xúc, tìm hiểu cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của công ty. Quan trọng hơn, tôi đã được trực tiếp tham gia quá trình phân tích cơ bản, chính trong quả trình này đã giúp tôi nảy sinh ý định chọn đề tài này làm chuyên đề tốt nghiệp.Vì để có thể thực hiện các phân tích cơ bản, việc quan trọng đầu tiên chúng ta cần tiến hành là thu thập dữ liệu, dữ liệu đó chính các báo cáo tài chính của công ty trong vài năm trở lại đây. Mặc dù theo các quy định của Pháp luật về chứng khoán thì đó là các thông tin định kì được công bố công khai ra công chúng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên công việc tìm kiếm là vô cùng khó khăn, ngay cả trên website của các TTGDCK thông tin cũng không được đầy đủ. Chính thực tế đó đã cho thấy, tình trạng công bố thông tin trên TTCK ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng dể chúng ta lưu tâm.
Đề tài đã nêu nên những vấn đề cơ bản của hoạt động công bố thông tin, nguyên tắc, phương tiện, các tổ chức có nghĩa vụ công bố thông tin, thấy được thực trạng công bố thông tin của các tổ chức tham gia thị trường (các mặt được và hạn chế). Trên cơ sở đó, đề tài cũng đã đề xuất những kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động công bố thông tin trên TTCK Việt Nam hiện nay.
Một lấn nữa, tôi xin chân thành cảm ơn Công ty Chứng Khoán Ngân Hàng Đông Nam Á đã giúp đỡ tôi trong thời gian thực tập. Xin chân thành cảm ơn Ths. Nguyễn Đức Hiển - Người đã hướng dẫn tôi thực hiện đề tài này!
78 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 1414 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Chuyên đề Hoạt động công bố thông tin trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam Thực trạng và giải pháp, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đó, số liệu trong các BCTC của các công ty niêm yết đều phải được kiểm toán trước khi đưa ra công bố. Thực chất, kiểm toán chỉ đảm bảo các số liệu trong các báo cáo được kiểm toán thông qua những chương trình kiểm toán. Kiểm toán viên không phải chịu trách nhiệm đối với những người sử dụng thông tin đã được kiểm toán. Trách nhiệm ở đây thuộc về nhà quản lý doanh nghiệp trong việc kiểm tra, kiểm soát quá trình xử lý và công bố thông tin, để thông tin chứa đựng những sai sót có ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng thông tin đó. Hiện nay, các nhà đầu tư vẫn không khỏi lo ngại khi tham gia vào các CTNY, vì thông tin mà họ thu nhận được chưa được đảm bảo bởi một quy trình xử lý độc lập, khách quan và có độ chính xác cao. Hiện nay, các công ty niêm yết vẫn chưa xây dựng được một hệ thống xử lý thông tin tài chính trung thực, đáng tin cậy, cụ thể là chưa xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ đối với thông tin trên báo cáo tài chính (Internal control over finalcial reports). Vấn đề kiểm soat nội bộ đối với các BCTC của các CTNY trước khi công bồ ra công chúng là một việc làm rất quan trọng, nhằm thẩm định lại độ chính xác của các thông tin về doanh nghiệp, cung cấp cho nhà đầu tư những dữ liệu trung thực, khách quan về doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin thị trường của chính doanh nghiệp.
- Đa số các Công ty Niêm Yết chưa sử dụng Website như một công cụ đắc lực truyền tải thông tin. Các thông tin trên trang web chưa được sắp xếp, lưu trữ có hệ thống và theo thời gian khiến cho nhà đầu tư khó theo dõi. Đặc biệt là các trang web của các công ty này còn thiếu trầm trọng tin tức bằng tiếng Anh. Đây là kết quả trong Bản nghiên cứu mối quan hệ giữa Ban quản lý công ty niêm yết với các cổ đông thông qua cách thức công bố thông tin ra TTCK do Viện nghiên cứu Thành lập và Phát triển doanh nghiệp (trực thuộc Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt nam) vừa công bố.
Mặc dù, tính minh bạch của các cá nhân và doanh nghiệp tham gia là sự sống còn của TTCK nhưng hiện nó chư được coi trọng đúng mức. Giới đầu tư cũng chỉ biết bất bình khi có công ty giải thích lý do chậm nộp báo cáo quyết toán là do “hỏng máy tính”.
4. Thực trạng công bố thông tin của các tổ chức dịch vụ, kinh doanh CK.
Về nghĩa vụ công bố thông tin của CtyCk, CtyQLQ, và Quỹ đại chúng, tại điều 104.105 Luật chứng khoán quy định: trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có báo cáo tài chính năm được kiểm toán, CtyCk, CtyQLQ phải công bố thông tin định kì về BCTC năm. Luật chứng khoán vũng quy định trường hợp xảy ra một trong số các sự kiện như: có quyết định khởi tố đối với thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám Đốc, Phó giám đốc hoặc Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng; Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên thông qua hợp đồng sát nhập với một công ty khác hoặc công ty bị tổn thất từ 10% giá trị tài sản trở lên... Thì trong thời hạn 24h, CtyCk, CtyQLQ phải công bố thông tin theo yêu cầu của UBCKNN khi có thông tin liên quan đến công ty ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Riêng đối với CtyQLQ còn có nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ, bất thường và công bố thông tin theo yêu cầu của UBCKNN liên quan tới hoạt động của quỹ đại chúng.
Về nội dung công bố thông tin của công ty đầu tư chứng khoán, tại Điều 106 Luật Chứng khoán quy định: Công ty đầu tư chứng khoán chào bán cổ phiếu ra công chúng có nghĩa vụ thực hiện công bố thông tin như đối với công ty đại chúng. Công ty đầu tư chứng khoán có cổ phiếu niêm yết tại SGDCK, TTGDCK phải thực hiện công bố thông tin như đối với các tổ chức niêm yết khác.
Nhìn chung các Tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán thực hiện khá tốt các nghĩa vụ công bố thông tin của mình, thông báo kịp thời cho nhà đầu tư về các thông tin định kì và bất thường.
Tuy nhiên, tình trạng công ty chứng khoán thành viên vi phạm chế độ công bố thông tin cũng khá nhiều, chủ yếu là vi phạm nộp chậm trề và số liệu về tình hình giao dịch của thành viên không chính xác.
Những thông tin về giao dịch trong nội bộ của công ty chứng khoán chưa được công khai, rõ ràng. Điển hình là vụ tổ chức đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty chứng khoán Sài gòn (SSI) cho Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển và xây dựng (Thikeco). Sau 15 ngày kể từ ngày đấu giá, danh tính đối tượng thắng thầu được công bố là Công ty TNHH Dịch vụ giao nhận hàng hoá (VTS) Hà Nội khi đặt giá mua caơ nhất 11.100 đồng/cổ phiếu (các đối tượng khác chỉ đặt giá từ 10.100 đồng đến 10.500 đồng). Xét về lý. việc VTS thắng thầu không có gì bất thường (vì nguyên tắc đấu giá công khai là người nào bỏ giá cao hơn sẽ trúng). Tuy nhiên, điều khiến nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu bất bình là ở chỗ, người đứng đầu doanh nghiệp trúng thầu là ông Vũ Hiền, chồng của bà Phạm Minh Hương, Tổng giám đốc SSI. Mặc dù vụ việc này đã được thanh tra UBCKNN khẳng định là không có giao dịch nội gián nhưng nếu xem xét cách nhìn từ phía nhà đầu tư thì rõ ràng VTS có lợi thế về thông tin hơn so với các nhà đầu tư khác khi tham gia đấu giá mua cổ phần của Thikeco bởi có người nhà trực tiếp thực hiện tổ chức đấu giá.
Hoạt động công bố thông tin của các công ty chứng khoán nói riêng và của các tổ chức kinh doanh, cung cấp các dịch vụ chứng khoán nói chung vẫn chưa được chú trọng. Vì vậy, việc đầu tư cho bộ phận này vẫn chưa được coi trọng. Đây là tình trạng phổ biến chung ở hầu hết các công ty chứng khoán hiện nay khi mà 12/22 Website của công ty chứng khoán hiện tồn tại lỗ hổng nghiêm trọng, có thể bị hacker lợi dụng tấn công. Đây là kết quả kiểm tra của Trung tâm an ninh mạng (Bkis) vào tháng 3/2007 đối với 22 website đang hoạt động của các công ty chứng khoán. “Với những lỗ hổng này, hacker có thể thay đổi thông tin kết quả các giao dịch, sửa chỉ số chứng khoán, đưa các thông tin thất thiệt về thị trường trên các Website đó”. Nếu không được phát hiện và nâng cấp kịp thời hệ thống mạng cung cấp và công bố thông tin của các công ty chứng khoán hiên nay thì kẻ xấu có thể lợi dụng gây ra sự biến động trên thị trường chứng khoán vốn đang rất “nóng” đẻ trục lợi và như vậy nhà đầu tư sẽ phải chịu thiệt.
Sự kiện náo loạn ở sàn chứng khoán của Công ty Chứng khoán Ngân hàng công thương (IBS – Hà Nội) sáng 30/3 cũng có thể coi là một lời cảnh báo tới tất cả các CTCK về việc nâng cấp và đầu tư cho hệ thống giao dịch chứng khoán nói chung và hệ thổng thông tin nói riêng khi mà việc giao dịch chứng khoán đang ngày càng quá tải và an ninh mạng của các công ty chứng khoán ngày càng trở nên yếu kém trước sự phát triển và lây lan mạnh mẽ của các loại virút khác nhau.Cụ thể của việc náo loạn trên là do hệ thống máy tính của công ty bị trục trặc khiến nhà đầu tư không được nhập lệnh giao dịch và cũng không xem được diễn biến thị trường. Trong tình trạng thị trường đang diễn biến phức tạp và khó lường thì các số liệu trên bảng điện tử của công ty liên tục nhảy sai hoặc treo cứng khiến các nhà đầu tư rất bức xúc và bất bình.
Trường hợp cố tình công bố thông tin không rõ ràng, cố tình gây hiểu lầm cho các nhà đầu tư như trường hợp của Công ty chứng khoán Thiên Việt. Khi Công ty này tuyên bố họ là “đối tác chiến lược” của tập đoàn tài chính Goldman Sachs nhưng thực tế tin đồn đã bị bóp méo khiến nhà đầu tư mua cổ phiếu Thiên Việt với giá trên trời. Đây cũng là một bài học cho các nhà đầu tư khi lựa chọn danh mục đầu tư. Phải dựa trên sự đánh giá phân tích thực tế chứ không phải dựa trên một vài thông tin tốt nào đó mà sẵn sàng mua chúng với bất kỳ giá nào.
5. Thực trạng công bố thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt nam vào những tháng cuối năm 2006, giữa các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay đang diễn ra cuộc chạy đua nhằm “cung cấp thông tin về chứng khoán”.
Thông tin từ báo chí.
Thị trường chứng khoán thăng hoa, số lượng nhà đầu tư tăng chóng mặt khiến vai trò của thông tin báo chí ngày càng trở nên quan trọng, từ chỗ chỉ có 2-3 tờ báo thường xuyên có tin vè chứng khoán, từ đầu năm 2007 con số trên tăng lên khoảng 10 tờ báo. Có thâm niên cao nhất trong làng báo chứng khoán là tờ Đầu tư Chứng khoán trực thuộc báo đầu tư. Sau 5 năm thăng trầm cùng thị trường, khi số lượng nhà đầu tư bùng nổ báo đã tăng lượng phát hành chóng mặt từ vài nghìn bản mỗi tuần lên 30.000 bản. Từ đầu năm 2007, Đầu tư chứng khoán tăng lên 2 số mỗi tuần, từ in đen trắng sang in màu. Và dĩ nhiên, phí quảng cáo cũng tăng thêm 30% so với biểu giá cũ.
Một đối thủ đáng gờm của báo Đầu tư chứng khoán trong năm tới là sự xuất hiện ssặc san về chứng khoán của Thời báo kinh tế Sài gòn, cũng in màu , cũng có những tiêu chí tương tự đồng nghiệp, TBKTSG có thế mạnh ở đội nhũ chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước thường xuyên cộng tác cho báo.
Sài gòn Giải phóng vốn là một tờ báo nặng về các chủ đề xã hội cùng lên đề án phát hành báo chứng khoán với 1 êkíp riêng, tuần 2 số, in màu. Công tác tuyển dụng phóng viên. biên tập viên đang được gấp rút thực hiện để đầu năm 2007 báo bắt đàu ra mắt bạn đọc.
Với quyết tâm tương tự. Lao Động dự kiến ra hẳn chuyên trang về chứng khoán, tuần 3 số để phản ánh những thông in nóng sốt trên các sàn giao dịch.
Thông tin từ các web.
Nếu như trước đây chỉ có Vietstock gắn bó với chứng khoán thì giờ đây cả nước không có trên dưới 100 trang web về chứng khoán. Ngoài website của các công ty chứng khoán và cơ quan quản lý với mục tiêu chính là công bố thông tin của đơn vị chủ quản, hiện có rất nhiều trang web được lập ra với đề án kinh doanh bài bản. www.vinastock.com.vn của công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông và Công nghệ thông tin Việt Nam (VTIS) là một ví dụ. Ngoài việc cập nhật khá nhiều thông tin nền, phổ cập kiến thức chứng khoán tới độc giả, thế mạnh của trang web này là có hẳn một sàn chứng khoán ảo. Nhà đầu tư có thể thực hành mua bán chứng khoán trong môi trường được mô phỏng như thật. Giao dịch được thực hiện với các mã chứng khoán hiện đang niêm yết tại Tp.HCM, giá thực hiện đều là giá khớp lệnh tại trung tâm trong mỗi phiên.
Thông tin từ đài phát thanh truyền hình.
Nếu như trước đây, các thông tin liên quan đến chứng khoán từ các đài phát thanh truyền hình là hầu như không có thì hiện nay các chương trình về chuyên mục đưa tin về chứng khoán ở các đài truyền hình liên tục gia tăng từ cuối năm 2006, với các thông tin nóng hổi và luôn cập nhật. Đài truyền hình Việt Nam với chuyên mục: Bản tin tài chính, Thị trường 24h, Infotv, thậm chí tổ chức cả các cuộc thi về chứng khoán trên truyền hình giữa các trường đại học trong nước, các chương trình phổ biến kiến thức về TTCK liên tục được phát sóng trên VTV1 và VTV2. Dài truyền hình kĩ thuật số VCTV với các chương trình: Thị trường chứng khoán, Khoảnh khắc vàng, Doanh ngiệp 24 giờ .. và các kênh truyền hình khác. Tuy nhiên, hiện nay các thông tin về chứng khoán trên truyền hình hầu như chỉ manh tính phổ cập, tuyên truyền về “chứng khoán” cho người dân. Việc ra các quyết định đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chứng khoán nhuyên nghiệp thường dựa trên nhiều kênh thông tin khác nhau, như thông tin từ UBCK, từ sàn GDCK, từ các công ty niêm yết, thông tin từ BCTC và thông tin từ các quan sát diễn biến trên thị trường để ra quyết định.
Những thông tin trên web là kênh thông tin mà các nhà đầu tư Ck hay sử dụng nhất so với các kênh thông tin đại chúng khác, bởi tính cập nhật và liên tục của chúng.
Còn đối với kênh thông tin từ các báo (báo điện tử và báo viết) mặc dù có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy nhanh sự phát triển của TTCK và phổ cập kiên thức về chứng khoán cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chưa có được nhiều thông tin về TTCK, nhưng thông tin trên báo chí không phải là tất cả. Nhất là đối với các nhà đầu tư dài hạn, hầu hết thông tin trên báo đều đã được công khai hoá và thường chỉ được đưa ra khi việc đàm phán đã hoàn tất. Đối với các đối tượng này thông tin trên báo chí chỉ mang tính tham khảo.
Thực tế, thời gian gần đây, đã bắt đầu có những lo ngại về chất lượng thông tin của một số tờ báo mà cơ quan chủ quản hay công ty mẹ của tờ báo có cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp đang có cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp đang có cổ phiếu rao bán trên TTCK. Vì vậy, thông tin trên báo chí không phải lúc nào khách quan và chính xác. Gần đây, thường có các bài báo tỏ ý chê trách những người đầu tư thiếu kiến thức, chỉ biết mua bán theo phong trào hay tin đồn. Tuy nhiên, trong hàng loạt các bài báo phong phú sinh động về TTCK, cũng có một số bài báo truyền tải các thông tin sai lệch mà các nhà đầu tư nhỏ, vốn đã thiếu kiến thức lại càng bị nhiễu vì kiến thức sai. Xin đưa ra một số dẫn chứng:
- “ Người chơi cần biết chỉ số P/E, tức thị giá một cổ phiếu chia cho lợi nhuận một cổ phiếu. Thí dụ, thị giá cổ phiếu của FPT là 650.000 đồng, mà FPT chia cổ tức 6%/năm, tức 6% của mệnh giá gốc 10.000 đồng suy ra lợi nhuận cổ phiếu: 600 đồng. Nếu bỏ tiền mua theo thị giá 650.000 đồng thì tỷ số P/E là 1.183” ( báo Phụ Nữ 16/3/2007).
P/E đúng là thị giá cổ phiếu chia cho lợi nhuận nhưng lợi nhuận này là lợi nhuận sau thuế của công ty chia cho tổng số cổ phiếu hiện hành chứ không phải là cổ tức của mỗi cổ phiếu. Hai khái niệm “lợi nhuận sau thuế của mỗi cổ phiếu” và “cổ tức của mỗi cổ phiếu” là rất khác nhau vì đâu phải lợi nhuận sau thuế của công ty đều đem ra chia cổ tức hết. Ví dụ, lợi nhuận của công ty A đạt 100 đồng, họ để 60 đồng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và chỉ chia cổ tức 40 đồng thôi. Lúc đó E tronh hệ số P/E tính trên 100 đồng chứ không phải 40 đồng.
- “Bà ta đặt lệnh mua 14 cổ phiếu đầu tiên, ngay sau hôm cổ phiếu bà mua đã tăng kịch trần, nhẩm tính bà đã có lãi chừng 50.000 đồng, như vậy lãi 10% một ngày” ( báo Sài Gòn Giải Phóng 14/3/2007).
Bởi trước đó, tác giả viết “bà ta đến sàn giao dịch nộp tiền. mở tài khoản” nên ắt tác giả đang nói đến việcgiao dịch cổ phiếu chính thức tại Tp.HCM. Khổ nỗi quy định ở sàn giao dịch là mua bán theo lô, mỗi lô 10 cổ phiếu (sắp tới tăng lên là 100 cổ phiếu/lô), vậy làm sao bà này có thể mua ở mức lẻ 14 cổ phiếu? Hơn nữa, hiện nay biên độ giao dịch chỉ được trong phạm vi cộng, trừ 5%,, làm sao bà này lãi 10% một ngày?
- “...Mua bán ngắn hạn (short sailing- còn gọi là bán khống)...Hình thức này giúp các nhà đầu tư đang sở hữư các cổ phiếu nóng, đang ngóng giá lên một chiều, có thể bán cổ phiếu ở thời điểm đang nóng mà không sợ giảm suất đầu tư của mình khi thị trường trở lại ổn định với giá trị thực” ( báo Tin tức 2/2007).
Phần giải thích một kỹ thuật mua bán chứng khoán nói trên cừa sai ở phần tiếng Anh (short sale chứ không phải short sailing) vừa sai ở phần chính, đọc xong phải thú thiệt không thể hiểu người viết muốn nói gì. Kỹ thuật này thực ra được ghi rõ trong Luật Chứng khoán: “Thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoánvà cho khách hàng vay chứng khoán để bán”.
Một nhà đầu tư tin chắc giá cổ phiếu XYZ sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Cách duy nhất là vay chứng khoán này, bán ra khi giá chưa giảm, ròi đợi khi giá giảm tận đáy, bỏ ra số tiền ít hơn nhiều để mua lại chính cổ phiếu đó và trả lại cho nơi đã cho vay. Chênh lệch giá bán trước và giá mua bây giờ chính là tiền lãi, sau khi trừ chi phí vay chứng khoán và phí giao dịch. Đây là “bán khống”.
- “Chỉ số P/E là tỉ lệ phần trăm giữa thị giá một cổ phiếu và thu nhập trên mỗi cổ phiếu” ( Rất nhiều báo, kể cả trích phát biểu của một số chuyên gia).
P/E là hệ số, tính thành “lần” (ví dụ 30 lần) chứ không phải tỷ lệ phần trăm.
Mặc dù không thể phủ nhận vai trò của báo chí trong việc góp phần vào sự bùng nổ của TTCK hiện nay, thế nhưng thông tin báo chí không phải là tất cả. trước khi ra quyết định, mỗi người cần tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau, không nên lệ thuộc vào nguồn thông tin từ báo chí.
Chương III: Kiến nghị và Giải pháp cho Hoạt động công bố thông tin trên TTCK ở Việt nam hiện nay.
Có thể nói, để tạo cơ sở vững chắc cho TTCK Việt Nam phát triển thì không thể không quan tâm đến việc nâng cao tính minh bạch của từng chủ thể đối tượng, cũng như trong các hoạt động diễn ra trên thị trường. Chúng ta hi vọng nhiều váo tiềm năng phát triển của TTCK Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận một thực tế hiện nay là thị trường vẫn còn thiếu thông tin; việc công khai, minh bạch thông tin đã có nhiều chuyển biến đáng kể nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém. Việc công bố thông tin vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù việc công bố thông tin trên TTCK đã được quy định rõ trong Luật Chứng khoán và các Thông tư Nghị định đi kèm như: 38/2007/TT-BTC, 18/2007/TT-BTC, 17/2007/TT-BTC và 14/2007/ND-CP hướng dẫn chi tiết về việc thi hành Luật Chứng khoán, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng việc công bố thông tin đến các nhà đầu tư. Do đó vẫn còn nhiều hiện tượng giá cổ phiếu biến động bất thường do các “tin đồn”. Chuyện rõ rỉ thông tin từ các nhân vật có trách nhiệm của các công ty sắp niêm yết, những quan chức giữ vị trí quan trọng đang trở thành một vấn nạn. Hiện tượng “làm giá” đối với một số cổ phiếu đang và sắp niêm yết cũng là một vấn đề. Có một thực tế khác là hiện tượng nhân viên của các công ty chứng khoán sử dụng thông tin thị trường, của khách hàng để kinh doanh cho chính mình thay vì cho công ty... Việc nhận thức được những tồn tại trên và có cách đánh giá thẳng thắn sẽ giúp chúng ta đề ra các giải pháp và kiến nghị hữu hiệu để khắc phục và nâng cao hiệu quả của hoạt động công bố thông tin trên TTCK hiện nay.
1. Các kiến nghị để nâng cao hiệu quả của hoạt động công bố thông tin trên TTCK ở nước ta hiện nay.
Những thực trạng trên cho thấy tính minh bạch của hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán hiện nay thực sự là một vấn đề cần được xem xét thấu đáo và cải thiện sớm khi Việt Nam ra nhập WTO và sau đó phải tuân thủ những điều kiện rất gắt gao của tổ chức này đối với các vấn đề liên quan đến vấn đề liên quan đến thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Sau đây là một vài kiến nghị:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp Luật chứng khoán, đảm bảo Luật phải rõ ràng, đầu đủ và phải phù hợp với tình hình thực tế, nhất là về mảng hoạt động công bố thông tin, mảng hoạt động còn chưa được chú trọng hiện nay. Song hệ thống Luật này cũng phải đảm bảo tính ổn định nhất định, tránh thường xuyên thay đổi gây trở ngại cho việc đưa Luật đi vào thục hiện. công tác xây dựng Luật phải đảm bảo tính phù hợp tương thích với các chuẩn mực quốc té.
Thứ hai, Bộ tài chính và các cơ quan chủ quản khác cần phải quy định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của các cá nhân hoạt động trong thị trường chứng khoán, đặc biệt là vấn đề tạo lập thông tin và truyền tải thông tin; Cần quy định và thực hiện nghiêm túc các chế tài đối với các hành vi tạo lập hoặc truyền tải thông tin thiếu minh bạch hoặc vượt quá thẩm quyền.
Thứ ba, mạnh dạn thay đổi triệt để hệ thống kế toán doanh ngiệp theo các chuẩn mực kế toán quốc tế, chú trọng xây dựng tập quán sử dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế trong việc ghi chép và đánh giá các nghiệp vụ kinh tế phát sinh của doanh nghiệp.
Thứ tư, Nhà nước cần có các biện pháp chế tài bắt buộc các công ty đại chúng phải thực hiện kiểm toán hàng năm và công khai ra công chúng, bất kể các công ty này có niêm yết trên sàn giao dịch hay không.
Thứ năm, thông tin của doanh nghiệp được chú ý nhiều là từ các báo cáo kiểm toán. Vì vậy, cần phải chuẩn hoá các công ty kiểm toán theo nguyên tắc quốc tế nhằm nâng cao mặt bằng chất lượng chung của các công ty kiểm toán Việt Nam. Chính vì thế, rất cần tổ chức đánh giá định kì các công ty kiểm toán và cần triệt để loại bỏ các công ty nào không đạt tiêu chuấn. Có như thế mới hi vọng được việc chấm dứt tình trạng “cho thuê con dấu” (tức chỉ phát hành báo cáo kiểm toán nhưng không kiểm toán) của nhiều công ty kiểm toán Việt Nam hiện nay.
Thứ sáu, nâng cao ý thức quản trị trong vấn đề công bố thông tin minh bạch ở các công ty đại chúng vì quyền lợi của cổ đông và các bên có liên quan.Vấn đề này cần được phổ cập thường xuyên tới các công ty đại chúng nhằm xây dựng tập quán kinh doanh đúng đắn và phù hợp với xu hướng chung.
2. Các giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống công bố thông tin trên TTCK VN.
2.1. Giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả củas hoạt động công bố thông tin từ phía cơ quan quản lý
Cơ quan trực tiếp quản lý và giám sát hoạt động của TTCK Việt Nam hiện nay là UBCKNN. Vì vậy, vai trò của UBCKNN là rất quan trọng đối với sự phát triển của TTCK nói chung và của hoạt động công bố thông tin nói riêng. Các giải pháp đối với UBCKNN có tác động rất lớn đến những thành viên khác tham gia thị trường. Vì vậy, UBCKNN phải tích cực tự nhận thức, đấnh giá và sàng lọc những ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện hệ thống thông tin chứng khoán. Có những giải pháp cụ thể sau mà UBCK nên xem xét và áp dụng:
2.1.1. Cần có kế hoạch cụ thể về việc nâng cấp các điều kiện cơ sở hạ tầng kĩ thuật và công nghệ thông tin cho hệ thống thông tin.
Xét về hình thức và chất lượng công bố thông tin, dòng thông tin đầu vào từ các tổ chức niêm yết và kinh doanh, chứng khoán hiện nay chủ yếu nhất vẫn là dạng văn bản do chưa có một hệ thống phần mền thống nhất nối mạng với các tổ chức này.Trong khi đó, dòng thông tin đầu tư còn thiếu đa dạng và với chất lượng thấp. Quy trình xử lý và công bố thông tin trên thị trường còn mất nhiều thời gian. Xét trên tổng thể thị trường, chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất và phần mềm công bố thông tin thông suốt từ các tổ chức phát hành, niêm yết và kinh doanh chứng khoán đền TTGDCK và tới các phương tiện thông tin đại chúng. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà quy mô thị trường lớn mạnh hệ thống công bố thông tin hiện tại khó thể đảm đương được tốt nhiệm vụ của mình do tốn nhiều thời gian công sức để xử lý. Chính vì vậy, vấn đề chủ yếu và cấp bách đặt ra là nhóm giải pháp nhằm nâng cấp các điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ cho hệ thống công bố thông tin. Đảm bảo được yêu cầu này sẽ giúp công tác quản lý theo kịp với đòi hỏi của thị trường, thông qua việc tận dụng tiến bộ công nghệ thông tin. Qua tình hình thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, chuyên đề xin đưa ra các giải pháp sau đây:
- Hướng tới việc xây dựng và phát triển một hệ thống công bố thông tin số hoá sử dụng công nghệ XML bởi vì đây là một giải pháp lớn giải quyết được các tồn tại nêu trên.
- Do thiết kế và xây dựng hệ thống này đòi hỏi chi phí lớn, nên trong điều kiện Việt Nam hiện nay, chúng ta phải tận dụng tối đa các nguồn vốn đầu tư và huy động tối đa nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong nước, ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin vào việc thiết kế và xây dựng từng phần hệ thống công bố thông tin số hoá. Việc xây dựng từng phần này, trước hết, sẽ tập trung vào giải quyết những khâu mất nhiều thời gian nhất hiện nay trong quy trình công bố thông tin. Đồng thời, việc thiết kế cũng đảm bảo tính mở, nghĩa là có thể điều chỉnh để đáp ứng những yêu cầu mới. (trong thời gian trước mắt, nên bắt đầu từ việc xây dựng hệ thống kết nối giữa các TTGDK và các tổ chức niêm yết chứng khoán, các CTCK vì đây là một trong những khâu tốn nhiều thời gian xử lý văn bản nhất).
Đặt vấn đề xây dựng hệ thống thông tin số hoá trên TTCK trong mối liên hệ với các dự án tổng thể xây dựng Chính Phủ điện tử ở nước ta. Điều đó sẽ giúp thống nhất được các điều kiện kĩ thuật, công nghệ và tạo ra được sự liên kết thông tin giữa các cơ quan quản lý TTCK với các cơ quan nhà nước khác, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực công bố thông tin trên TTCK.
2.1.2. Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý về TTCK nói chung và mảng công bố thông tin nói riêng.
Các cơ quan chủ quản cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các văn bản pháp Luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Các cơ quan này hoàn toàn có thể tạo một mối trường pháp lý lành mạnh, hiệu quả nếu như luôn bám sát thị trường, nhìn nhận thị trường một cách khách quan, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước... để tạo được một môi trường pháp lý đồng bộ, không có sự chồng chéo giưã các Luật, đảm bảo được sự ổn định và phát triển bền vững của TTCK. Cụ thể, Luật chứng khoán mới đi vào hoạt đông chưa được bao lâu nhưng cũng đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế. Ví dụ như vụ đấu giá cổ phần của Công ty xuất nhập khẩu Intimex vừa rồi đã gây ra nhiều bức xức trong dư luận do cơ chế công bố thông tin của Công ty khi chào bán ra công chúng chưa rõ ràng, khiến các nhà đầu tư không thể nắm rõ chính xác tình hình hoạt động của công ty cũng như không thể định giá chính xác được giá trị của doanh nghiệp này..Vì vậy, Luật chứng khoán hiện hành cần phải đưa ra một phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp có độ chính xác cao cũng như cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về quy chế công bố thông tin của các công ty cổ phần khi tiến hành chào bán chứng khoán ra công chúng... để các nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân không bị thiệt thòi trong việc xác định giá trị của doanh nghiệp.
2.1.3.Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát hoạt động công bố thông tin trên thị trường.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán phát triển không ngừng cả về quy mô giao dịch và số lượng hàng hoá cũng như các thành viên tham gia thị trường, thì đòi hỏi hoạt động giám sát thông tin trên thị trường từ phía các cơ quan quản lý phải năng động và hiệu quả hơn để đảm bảo quyền lợi của các cá nhân, tổ chức tham gia vào thị trường. Cụ thể:
- Tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động giám sát, để đảm bảo việc tuân thủ việc tuân thủ các nguyên tắc thị trường của các thành viên tham gia.
Hiện tại, số lượng cán bộ làm công tác giám sát tại hai TTGDCK chưa đủ để thực hiện chức năng giám sát thị trường toàn diện. Theo quy định tại Luật chứng khoán, đối tượng giám sát và hành vi vi phạm cũng mở rộng hơn. Do vậy, yêu cầu cấp thiết trước mắt là tăng cường đội ngũ cán bộ giám sát. Thông thường ở các SGD thì bộ phận giám sát thị trường là bộ phận có số lượng nhân viên nhiều nhất. Ví dụ như bộ phận giám sát thị trường NASD (Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Mỹ) chuyên giám sát và quản lý các giao dịch trên thị trường NASD và thị trường phi tập trung, có đến 200 nhân viên là các nhà phân tích, luật sư và cán bộ thanh tra.
Bên cạnh việc tăng thêm nguồn nhân lực, bản thân các cán bộ giám sát cần trang bị và liên tục cập nhật những kỹ năng để có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường, bản thân các cán bộ giám sát cũng phải có khả năng đánh giá được những diễn biến giao dịch trên thị trường và có được những nhận định tổng quát về thị trường . Thứ nhất, cần nâng cao kỹ năng tổng hợp và phân tích. Hai là, nâng cao kỹ năng nhận diện được các hành vi vi phạm. Để có thể nhận biết được các dấu hiệu vi phạm này, bản thân cán bộ giám sát phải đặt mình vào địa vị của một người đầu tư trên thị trường để có thể có được những cảm nhận vê thị trường (sense of market).Ba là coi trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Yêu cầu đạo đức nghề nghiệp ở đây chính là đảm bảo tính bảo mật thông tin về giám sát.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động giám sát.
Đây là một trong những công cụ quan trọng để các cán bộ giám sát có thể thực hiện công tác giám sát các hành vi vi phạm trên thị trường.Các thông tin này có thể cập nhật từ nhiều nguồn, song có 3 nguồn chính là thông tin của TTGDCK, TT LKCK và thông tin từ các công ty chứng khoán. Để có thể cập nhật và xử lý các thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả, cần phải xây dựng một kênh thông tin thường xuyên giữa các cơ quan quản lý và các CTCK, CTNY và các thành viên tham gia thị trường. Cụ thể:
-Thông tin giữa TTGDCK và các CTCK thành viên: Với mô hình quản lý tài khoản giao dịch như hiện nay, thông tin chi tiết về người đầu tư đều tập trung tại các CTCK. Theo quy định về công bố thông tin định kỳ của các CTCK. Luật Chứng khoán không quy định việc CTCK phải báo cáo thông tin định kì về danh sách tài khoản mở/đóng trong kỳ của nhà đầu tư, tuy nhiên đây là thông tin cần thiết để các trung tâm theo dõi và giám sát hoạt động giao dịch của nhà đầu tư, từ đó phát hiện ra các hành vi vi phạm.
-Thông tin giữa TTGDCK và TTLKCK: Thông qua việc quản lý đăng ký người sở hữu chứng khoán và thực hiện cung cấp dịch vụ thực hiện quyền cho người sở hữu chứng khoán, cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, TTLK có thể phối hợp rất hiệu quả với TTGD trong việc phát hiện các hành vi vi phạm trên thị trường như nhà đầu tư mở hai tài khoản, thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
- Thông tin giũa TTGDCK và công chúng đầu tư: Hiện nay, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và công chúng đầu tư là rất mờ nhạt, có thể nói cơ quan quản lý chưa xây dựng được lòng tin trong công chúng đầu tư. Mặt khác, bản thân aơ quan quản lý cũng cần có được các thông tin đa chiều đánh giá về công tác quản lý thị trường để có thể đổi mới phương thức quản lý cho phù hợp. Hướng xây dựng kênh thông tin hai chiều giữa TTGD và công chúng đầu tư có thể dưa trên các phương tiẹn thông tin điện tử, thông tin trực tuyến...
- Đưa thị trường OTC vào vòng kiểm soát
Thị trường này được coi là gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư cũng như làm xáo trộn TTCK nói chung. Bên cạnh Luật Chứng khoán quy định về việc tổ chức thị trường, các nhà quản lý cũng đặt ra nhiệm vụ là trong năm 2007 phải thu hẹp thị trường này, tất nhiên không can thiệp thô bạo bằng hành chính mà sử dụng cơ chế chính sách phù hợp. Thực tể, hiện nay để kiểm soát thị trường OTC, Luật chứng khoán quy định các công ty cổ phần phải nộp hồ sơ đăng ký lại thành công ty đại chúng trong vòng 90 ngày kể từ ngày có số lượng cổ đông đạt từ 100 người trở lên. Sau khi dăng kí, các công ty này sẽ phải thực hiện kiểm toán, công bố thông tin và quản trị công ty theo Luật CK. Bước tiếp theo là các công ty tiến hành lưu ký cổ phiếu, sử dụng các công ty Ck làm đầu mối và chuyển các giao dịch về TTGDCK HN. Đối với các công ty không nộp hố sơ đăng ký công ty đại chúng sẽ bị phạt từ 5-20 triệu đồng nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn các công ty cổ phần không thích trở thành công ty đại chúng vì lợi ích mang lại không tương xứng với những cái mà họ mất đi. Cụ thể, họ e ngại rủi ro bị chia quyền kiểm soát, các ràng buộc về công bố thông tin, nhiều công ty vẫn muốn duy trì các khoản tài chính không rõ ràng, chủ yếu vì lý do đóng thuế...
Nhìn chung, để khuyến khích các công ty cổ phần đăng ký đại chúng, UBCKNN nói riêng và các cơ quan chủ quản nói chung cần có những chính sách khuyến khích các công ty này hơn là ép buộc họ. Chuyên đề xin đưa ra một số chính sách cụ thể như sau:
Thứ nhất, yêu cầu bắt buộc phải tiến hành các phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại trung các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá để họ không phải “ngỡ ngàng” khi chuyển mô hình hoạt động thành công ty đại chúng.
Thứ hai, Chính phủ cần ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể về minh bạch thông tin trong các công ty đại chúng để hạn chế tình trạng mất cân xứng thông tin trên TTCK.
Thứ ba, cần có những quy định chính sách về các hoạt động mua lại, sát nhập và bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ. Xu hướng này sẽ diễn ra khá phổ biến trong tương lai và cần phải được Nhà nước dự báo thấu đáo nhằm đưa ra các chính sách thích hợp để bảo vệ nhà đầu tư.
2.1.4. Thành lập các tổ chức định mức tín nhiệm doanh nghiệp.
Chúng ta biết rằng thông tin hiện nay đóng vài trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nhất là đối với TTCK, thị trường tiền tệ. Có thể khẳng định, ai nắm bắt được thông tin người đó sẽ có được thành công trong kinh doanh và hạn chế được rủi ro. Đối với TTCK trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai thì thông tin về doanh nghiệp và nhất là thông tin về định mức tín nhiệm doanh nghiệp là rất quan trọng.
Thứ nhất: Giúp cơ quan quản lý, điều hành vĩ mô có thêm kênh thông tin tham khảo về hoạt động của các doanh nghiệp đã, đang và chuẩn bị lên sàn giao dịch. Từ đó giúp các cơ quan này đưa ra các chính sách hợp lý để TTCK hoạt đông ổn định hơn, giảm thiểu rủi ro và tránh đuợc những “cú sốc” có thể xảy ra.
Thứ hai: Đối với CTCK, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư...có thông tin để ra các quyết định đâu tư chính xác hơn, giảm thiểu được rủi ro. Các CTCK có thêm nguồn thông tin tham khảo để từ đó tư vấn hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư...
Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, ngoài CIC (Trung tâm phân tích, xếp hạng tin dụng doanh nghiệp của Ngân hàng nhà nước), vẫn chưa có tổ chức đơn vị nào thực hiện việc đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.Hiện nay NHNN đang xây dựng thành lập công ty Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam. Bởi trong tương lai không xa nhu cầu về xếp hạng doanh nghiệp là rất lớn, các doanh nghiệp và các tổ chức đầu tư cần có thông tin phục vụ cho hoạt động kinh doanh và các cơ quan chủ quản của TTCK cũng cần có nguồn dữ liệu để có thể quản lý tốt được thị trường, kịp thời đưa ra các thông tin cảnh báo về các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả hay vi phạn các nguyên tắc hoạt động của TTCK.
2.1.5. Có kế hoạch đào tạo và sử dụng tốt nguồn nhân lực trong công tác công bố thông tin chứng khoán.
Vấn đề con người là vấn đề cốt lõi và nền tảng cho hệ thống thông tin chứng khoán cũng như TTCK. Vì vậy, UBCKNN phải có trách nhiệm cụ thể, đó là các biện pháp đào tạo, phổ biến nâng cao nhận thức cho các thành viên tham gia trên thị trường để họ có kiến thức tốt về hệ thống thonng tin chứng khoán.
Mặc dù hiện nay, UBCK nhà nước cũng đã có Trung tâm nghiên cứu khoa học chứng khoán và bồi dưỡng nghiệp vụ thị trường chứng khoán, trong chương trình giảng dạy của trung tâm cũng có nhiều tiết học giảng về nghĩa hoạt động công bố thông tin trên TTCK nhưng như thế có lẽ là còn quá ít. Bởi hiện nay hoạt động công bố thông tin vẫn chưa trở thành một thói quen bình thường đối với các đối tượng tham gia TTCK. Các buối tập huấn về công bố thông tin gần đây dành cho các tổ chức niêm yết tại UBCKNN và TTGDCK HN cho thấy các công ty niêm yết vẫn chưa hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ công bố thông tin của mình, các công ty niêm yết còn vậy thì làm sao ta có thể đòi hỏi các công ty đại chúng minh bạch hoá thông tin. Về phía các nhà đầu tư, bản thân họ cũng không nhận thức được quyền đòi hỏi được công bố thông tin của mình. Trong khi đó các lớp bồi dưỡng mới chỉ tiến hành đào tạo tại các trung tâm đào tạo chứng khoán ở HN và TP.HCM, mà hiện nay nhu cầu của các lớp học về chứng khoán luôn trong tình trạng quá tải.
Giải pháp trước mắt cho vấn đề này là UBCKNN cho phép các trường đại học liên kết với các trung tâm đào tạo của UBCK để mở các lớp đào tạo cho sinh viên và những người có nhu cầu, nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải tại các lớp đào tạo của UBCK hiện nay, đồng thời mở thêm các điểm đào tạo khác ở các tỉnh thành phố khác để mọi nhười trong cả nước có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các tri thức mới. UBCK cũng có thể tổ chức trực tiếp các lớp bồi dưỡng của các CTCK, CTNY và cho phép khách hàng của các công ty này đến dự. Hơn nữa các hình thức đào tạo cũng nên được đa dạng hoá để cho các đối tượng ở các vùng địa lý khác nhau có thể tiếp cạn được bằng cách sử dụng các công nghệ trong công tác đào tạo như đào tạo từ xa, đào tạo với sự trợ giúp của các thiết bị đa phương tiện, đào tạo hướng dẫn trực tuyến...
Về lâu dài, để tăng cường nguồn nhân lực cho TTCK, chúng ta cần phải quan tâm bằng nhiều giải pháp:
Thứ nhất, cần có cơ chế chính sách cụ thể và thiết thực để ổn định và phát triển nguồn nhân lực, thu hút được nhiều chuyên gia kể cả đối với chuyên gia nước ngoài ;
Thứ hai, đầu tư thoả đáng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành chứng khoán trong đó có cả đầu tư để phát triển các cơ sở đào tạo chuyên ngành , phối hợp đầu tư của nhà nước với các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán và hợp tác quốc tế đa dạng và hiệu quả hơn.
Thứ ba, ban hành tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, coi trọng tính chuyên ngiệp của nghề chứng khoán.
Thứ tư, đầu tư mạnh mẽ công nghệ hiện đại để phát huy chất xàm của những “người làm nghề chứng khoán” sớm hoà nhập với thị trường chứng khoán thể giới.
2.2. Giải pháp phát triển hoạt động công bố thông tin từ các công ty chứng khoán.
Trong thời gian qua cùng với sự biến động thất thường của thị trường, các vi phạm trong giao dịch chứng khoán của các CTCK ngày càng gia tăng. Hàng loạt các vi phạm về giao dịch chứng khoán xảy ra tại các công ty này. Cụ thể là các sai phạm tại các Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), Ngân hàng Á Châu (VCBS), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Công Ty Cổ Phần Chứng Khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Chứng Khoán Tp.HCM (HSC) gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư, chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Để gây dựng lại hình ảnh tốt đẹp của công ty trong con mắt của các nhà đầu tư, các Công ty này cần phải đảm bảo sự tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động của thị trường, tăng cường chất lượng của các dịch vụ đối với nhà đầu tư.. nhằm làm tăng uy tín của mình ngay từ bây giờ trong những giới hạn có thể làm được nhằm đáp ứng được sự phát triển của thị trường trong tương lai.
Thứ nhất, cần quán triệt đầy đủ các nguyên tắc về thông tin chứng khoán. Khi thông tin cho khách hàng của mình cũng như khi thông tin rộng rãi ra ngoài công chúng, các công ty này cần phải phản ánh trung thực các thông tin về chứng khoán, về các tổ chức chào bán, đại chúng hay niêm yết. Nếu có thông tin tốt về các công ty này cần phải xác minh một cách rạch ròi bằng khả năng phân tích của các cán bộ chuyên môn, tránh tình trạng đưa ra các thông tin không chính thống trôi nổi trên thị trường, đó là điều rất nguy hiểm. Nếu có không tin không tốt về các công ty đại chúng hay niêm yết, cần phải thông báo cho khách hàng của mình... không nhất thiết phải thông báo rộng rãi khi còn e dè... Đối với các thông tin định kì, bất thường hay theo yêu cầu cần đảm bảo thông tin được công bố đầy đủ, kịp thời và chính xác, không nên che giấu hoặc bóp méo thông tin, cố tình gây hiểu lầm cho nhà đầu tư. Cần đảm bảo có sự đối xử công bằng giữa những nhà đầu tư nhỏ và các “đại gia”. Khi việc công bố thông tin từ các công ty này đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng, kịp thời thì khách hàng sè trở thành các khách hàng trung thành của công ty, hơn nữa họ cũng sẽ chính là người quảng cáo hiệu quả uy tin của các công ty trên thị trường, đó mới chính là mòn quà lớn.
Thứ hai, phát huy hơn nữa những năng lực hiện có của công ty để phát triển hệ thống thông tin. Các Công ty chứng khoán hiện nay hầu như đều là các pháp nhân kinh doanh ra đời từ các pháp nhân đã từng hoạt động tốt trên thị trường như các ngân hàng, các tổng công ty, các tổ chức này đã trang bị cho mình hệ thống thông tin khá hoàn chỉnh như nối mạnh diện rộng giữa các chi nhánh...Như vậy, với những thế mạnh sẵn có này, các công ty chứng khoán nên có các giải pháp riêng cho mình. Chẳng hạn tiếp nhận thêm, thu hút thêm các nhà đầu tư từ các chi nhánh và thông qua hệ thống mạng máy tính này khâu xử lý lệnh của công ty sẽ trở nên đơn giản hơn chứ không như các công ty không có mạnh diện rộng phạm vi hoạt động là rất hẹp.
Có một hực tế hiện nay là, tính bảo mật trong các Website của các công ty chứng khoán còn yếu, theo thống kê của Trung tâm an ninh mạng BKIS có tới hơn 50% các Website của CTCK có lỗi bảo mật và có nguy cơ bị các hacker chiếm dụng bất cứ lúc nào. Vấn đề đặt ra hiện nay là các CTCK phải tìm cách khăc phục sự cố nêu trên thông qua việc nâng cao chất lượng của dội ngũ cán bộ thông tin thông qua các lớp huấn luyện với các chuyên gia trong lĩnh vực thông tin ở trong và ngoài nước, tránh lặp lại tình trạng “náo loạn” tại sàn chứng khoán của CTCK Công thương như trong tháng ba vừa rồi, làm ảnh hưởng không tốt tới quyền lợi cũng như hình ảnh công ty trong con mắt các nhà đầu tư khi mà công ty này thông báo cho các nhà đầu tư nguyên nhân của tình trạng treo máy ở công ty là do virut.
Thứ ba, về lâu dài các CTCK nên duy trì hoạt động tư vấn của mình. Bởi hiện nay doanh thu từ hoạt động tư vấn ở các CTCk ở nước ta là còn rất thấp. mà nghiẹp vụ này thì được coi là rất có giá trị ở các TTCK phát triển mà nguyên nhân chủ quan là phát sinh từ những yếu kém của hệ thống thông tin. Các CTCK nên duy trì hoạt động này bằng cách đầu tư công tác thông tin chứng khoán như xây dựng các bộ phần mềm dữ liệu chứng khoán phù hợp với đặc thù TTCK Viẹt Nam. Từng bước chuyên nghiệp hoá bộ phạn tư vấn chứng khoán cho nhà đầu tư, như có kế hoạchđào tạo công nghệ thông tin cho nhân viên tư vấn chứng khoán, đào tạo kiến thức về chứng khoán cho các cán bộ đang làm công tác thông tin có như vậy hoạt động công bố thông tin mới phát triển được.
2.3. Chuyên nghiệp hoá thông tin chứng khoán của các công ty niêm yết.
Hiện nay các CTNY đã bị lên án rất nhiều là họ làm hạn chế sự lành mạnh của hệ thống thông tin, việc công bố thông tin của họ vi phạm các quy chế của UBCKNN, vi phạm các nguyên tắc của thong tin chứng khoán. Muốn các nhà đàu tư không quay lưng lại với công ty và để bản thân công ty không bị lên án thì nhất thiết họ phải tự cứu lấy mình ngay từ lúc này. Khi các CTNY chấp hành tót các quy đinh về thông tin và công bố thông tin chứng khoán thì hệ thống thông tin chứng khoán Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể.
Thứ nhất, các CTNY phải chấp hành các quy chế về công bố thông tin. Hiện nay Luật Chứng khoán đã dành hẳn một chương về Công bố thông tin và hiện nay cũng đã có thông tư hướng dẫn chi tiết về nghĩa vụ công bố thông tin của các tổ chức tham gia thị trường được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 38/2007/TT-BTC ban hành ngày 18/4/2007 và sẽ có hiệu lực trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố. Các thông tin khi công bố rộng rãi ra công chúng phải đồng thời báo cáo với UBCKNN, SGDCK hoặc TTGDCK. Các công ty niêm yết phải tự chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin đuợc công bố.
Thứ hai, Các CTNY phải quản triệt các nguyên tắc về thông tin chứng khoán. Ta biết các thông tin chứng khoán phải rõ rãng công khai và minh bạch. Nếu thông tin không rõ ràng, đầy đủ, hoặc cố tình gây hiểu lầm thì bản thân công ty sẽ mất đi một bộ phận các nhà đầu tư dài hạn. Hơn nữa, khi thông tin ra thị trường về các báo cáo tài chính, các phương án kinh doanh các công ty cần phải hết sức thận trọng bởi khi thông tin được công bố thì đó sẽ là thông tin chính thức, bất kể sự thay đổi thông tin nào đều gây ra nhứng ảnh hưởng đến giá chứng khoán và ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của công ty. Các CTNY cần phải nhận thức được rằng sự trung thực về thông tin của công ty không phải là việc công khai bí mật của công ty mà là nghĩa vụ và quyền lợi của chính bản thân công ty, các nhà đầu tư sẽ tìm đến với những công ty nào làm ăn thật sự hiệu quả và có thông tin minh bạch rõ ràng, đây chính là cách để công ty tồn tại lâu dài trên thị trường , hơn nữa sẽ là đối tượng rót vốn mở rộng sản xuất của các nhà đàu tư nước ngoài trong tương lai.
Thứ ba, các công ty niêm yết cần phải quan tâm hơn đối với việc đầu tư cho hoạt động công bố thông tin hiện nay. Cụ thể các website của hầu hết các công ty chứng khoán vẫn chưa được sử dụng hữu hiệu như một công cụ để truyền tải thông tin tới các nhà đàu tư, các thông tin trên trang web còn sơ sài, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư khi họ cần đến thông tin về công ty, thậm chí có các website của công ty chưa hề đi vào hoạt động. Chính vì vậy các CTNY hiện nay cần phải chú trọng đầu tư, nâng cấp hơn nữa các trang web của mình. Đây không chỉ là cách để đáp ứng nhu cầu thông tin của các nhà đầu tư mà còn là cách để công tư quảng bá hình ảnh của mình thu hút thêm các nhà đàu tư nước ngoài, các đối tác chiến lược đồng thời cũng giúp ngăn chặn các tin đồn xấu về công ty.
Có một thực tế là mặc dù các CTNY hiện nay đều đã có bộ phận công bố thông tin, theo yêu cầu của UBCKNN, nhưng do các công ty chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc công bố thông tin nên đã gây ra nhiều bất cập, vậy nên các CTNy nên quan tâm hơn đến hoạt động công bố thông tin, không để cho các cán bộ thông tin làm việc kiêm nhiệm như khiện nay, mà phải có các cán bộ thực sự làm việc trên, họ hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của việc cung cấp thông tin , hiểu được các nguyên tắc thông tin, cũng như thời điểm để đưa ra các cnguồn thông tin khác nhau, thông tin định kì, bất thường và theo yêu cầu ... Hơn nữa là người phụ trách thông tin chuyên nghiệp trong tổ chức họ biết rõ đâu là thông tin chính thức, không chính thức vầ đấu tranh chống các thông tin lá cải và các thông tin không trung thực về tổ chức họ.
2.4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các phương tiện thông đại chúng
Trên thị trường tài chính nói chung và TTCK Việt nam nói riêng, vai trò cầu nối thông tin giữa thị trường và nhà đầu tư của các phương tiên truyền thông đại chúng là rất quan trọng. Tuy nhiên mức độ niềm tin của nhà đầu tư vào các thông tin do các đơn vị truyền thông cung cấp thường quá cao hoặc quá thấp.Vì vậy, thách thức của đơn vị truyền thông hiện nay là phải xác lập một “niềm tin” hợp lý từ phía những người sử dụng thông tin của mình, góp phần minh bạch hoá hệ thống thông tin và góp phần thúc đẩy TTCK phát triển ổn định. Giải pháp đặt ra là:
Các phương tiện truyền thông phải “chuyên nghiệp hoá” và “chủ động hoá” đội ngũ phóng viên về tài chính. Đảm bảo các thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng là khách quan và trung thực, đúng với tình hình thực tế của các tổ chức công bố .Các phóng viên của các hãng truyền thông dứt khoát không thể là “diễn viên chính” trong “trò chơi chứng khoán”, dẫn dắt thị trường hoặc thổi phồng những thông tin không có thực từ các nhà công bố thông tin, mà phải là “người đứng ngoài” đưa tin về cuộc chơi. Mặt khác các phóng viên này luôn phải duy trì tư duy về phản biện thông tin, có thêm các ý kiến độc lập phân tích chuyên sâu của riêng mình, thậm chí là lật ngược lại các phân tích của người khác. Để làm được như vậy, các phóng viên chứng khoán phải là người có kiến thức tốt và am hiểu thị trường. Vì vậy,các hãng truyền thông nên đầu tư để đào tạo phóng viên hoặc thuê các chuyên gia giỏi làm việc cho mình. Như vậy, niềm tin của nhà đầu tư với các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tăng, và các phương tiện truyền thông sẽ trở thành kênh thông tin hiệu quả trong việc đưa các thông tin được công bố nói riêng và các thông tin chứng khoán khác nói chung dến với các nhà đầu tư.
2.5. Nâng cao nhận thức thông tin về chứng khoán cho nhà đầu tư
Nhà đầu tư là cá nhân nên thận trọng khi tiếp nhận các thông tin trên thị trường, muốn vậy họ phải có các kiến thức nhất đinh về chứng khoán và đặc biệt là thông tin về chứng khoán, nhận biết được các thông tin lá cải và các thông tin không trung thực khác trên thị trường...
Thứ nhất, nhà đầu tư phải hiểu rõ về Luật chứng khoán, nhận thức được quyền lợi về quyền yêu cầu được công bố thông tin của mình và không ngừng đào tạo cho mình các kiến thức về chứng khoán nói chung và hệ thống thông tin chứng khoán nói riêng bằng nhiều hình thức: qua mạng, báo chí và mạng internet...
Thông tin trên mạng thật sự hữu ích với các cá nhân riêng lẻ, chỉ cần có một máy tính cá nhân với phần cứng đủ mạnh, điện thoại , modem, nối mạng internet, nhà đầu tư sẽ có rất nhiều nguồn thông tin và các kiến thức về chứng khoán thông qua rất nhiều các trang web trong nước và quốc tế.
Thứ hai, nhà đàu tư nên thận trọng trong việc tiếp nhận các thông tin thị trường. thông tin trên thị trường chứng khoán là thông tin nhiều chiều, thông tin chính thống và các nguồn thông tin bị buông lỏng.
Thứ ba, khi chưa có đủ thông tin và các kiến thức về thị trường các nhà đầu tư nên tham khảo ý kiến tư vấn của các CTCK có uy tín hay đầu tư vào các quỹ đầu tư chứng khoán để vừa có thể đa dạng hoá được danh mục đầu tư, vừa tận dụng được kinh nghiệm và phương thức đầu tư của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Kết luận
Sau 12 tuần đi thực tập tại Công ty Chứng Khoán Ngân Hàng Đông Nam Á, mặc dù chưa được tiếp xúc đầy đủ các nghiệp vụ do công ty mới chỉ chính thức thực hiện giao dịch, nhưng bước đầu tôi đã được tiếp xúc, tìm hiểu cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của công ty. Quan trọng hơn, tôi đã được trực tiếp tham gia quá trình phân tích cơ bản, chính trong quả trình này đã giúp tôi nảy sinh ý định chọn đề tài này làm chuyên đề tốt nghiệp.Vì để có thể thực hiện các phân tích cơ bản, việc quan trọng đầu tiên chúng ta cần tiến hành là thu thập dữ liệu, dữ liệu đó chính các báo cáo tài chính của công ty trong vài năm trở lại đây. Mặc dù theo các quy định của Pháp luật về chứng khoán thì đó là các thông tin định kì được công bố công khai ra công chúng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên công việc tìm kiếm là vô cùng khó khăn, ngay cả trên website của các TTGDCK thông tin cũng không được đầy đủ. Chính thực tế đó đã cho thấy, tình trạng công bố thông tin trên TTCK ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đáng dể chúng ta lưu tâm.
Đề tài đã nêu nên những vấn đề cơ bản của hoạt động công bố thông tin, nguyên tắc, phương tiện, các tổ chức có nghĩa vụ công bố thông tin, thấy được thực trạng công bố thông tin của các tổ chức tham gia thị trường (các mặt được và hạn chế). Trên cơ sở đó, đề tài cũng đã đề xuất những kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động công bố thông tin trên TTCK Việt Nam hiện nay.
Một lấn nữa, tôi xin chân thành cảm ơn Công ty Chứng Khoán Ngân Hàng Đông Nam Á đã giúp đỡ tôi trong thời gian thực tập. Xin chân thành cảm ơn Ths. Nguyễn Đức Hiển - Người đã hướng dẫn tôi thực hiện đề tài này!
Danh mục tài liệu tham khảo
Sách:
Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân (2002), Giáo trình Thị trường chứng khoán.
2. Vũ thị Minh Luận (2002), Hoàn thiện hệ thống thông tin cho Thị trường Chứng khoán, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học KTQD
3. Trần Thăng Long (2004), Giải pháp hình thành và phát triển thị trường phi tập trung (OTC) ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại Học KTQD.
Báo:
Tạp chí Chứng Khoán Việt Nam (2005,2006,2007).
Thời báo Kinh tế Sài gòn (2007)
Tạp chí Tài chính (2006)
Websites:
www.saigontimes.com.vn
www.ckvn.com
www.vir.cm.vn
www.vinastock.com.vn
www.vinastock.com.vn
Danh mục các từ viết tắt
TTCK : Thị trường chứng khoán.
UBCKNN : Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước.
SGDCK : Sở Giao Dịch Chứng Khoán.
TTGDCK : Trung tâm giao địch chứng khoán.
CTCK : Công ty chứng khoán.
CTNY : Công ty niêm yết.
CTQLQ : Công ty quản lý quỹ
TTLK CK : Trung tâm Lưu Ký Chứng Khoán
MỤC LỤC
Trang
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 36704.doc