Công nghiệp hoá , hiện đại hoá đất nước là sự nghiệp lớn lao của toàn Đảng , toàn dân. Trong đó chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hoá, bao cấp sang cơ chế thị trường là công việc hết sức to lớn và mới mẻ. Hợp đồng kinh tế không còn đơn điệu mà rất đa dạng, phong phú. Vì vậy, việc giải quyết các tranh chấp kinh tế còn rất khó khăn và phức tạp. Công cuộc đổi mới, cải tổ hệ thống cơ quan tài phán kinh tế nhằm đáp ứng những yêu cầu mới do nền kinh tế thị trường đặt ra mới chỉ ở bước đầu.
Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp kinh tế tại Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá không đủ để rút ra một két luận chung cho toàn bộ hệ thống Toà án kinh tế trong cả nước , song nó phần nào phản ánh thực trạng chung của công tác tài phán trong lĩnh vực kinh tế hiện nay của toà án nước ta. Điều đó đặt ra một yêu cầu cấp bách là không chỉ dừng lại ở thành lập Toà án kinh tế mà phải đảm bảo Toà án kinh tế thực sự hoạt động có hiệu quả, góp phần giáo dục các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những qui tắc của cuộc sống xã hội , ý thức đấu tranh chống các vi phạm pháp luật .
Tóm lại , trong bước chuyển sang nền kinh tế thị trường ở nước ta , việc đổi mới sâu sắc các cơ quan tài phán kinh tế không chỉ dừng lại ở mặt thay đổi cơ cấu tổ chức mà còn phải chú trọng chất lượng hoạt động của Toà án kinh tế. Có làm đựoc như vậy Toà án kinh tế mới thực sự làm tốt chức năng xét xử các vụ án kinh tế và hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cơ quan tài phán , đúng như qui định của pháp luật : " Trong phạm vi chức năng của mình , toà án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa ; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân , bảo vệ tài sản của nhà nước , của tập thể ; bảo vệ tính mạng , tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân "( Điều 1 Luật tổ chức Toà án nhân dân ).
31 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1651 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Chuyên đề Thực trạng giải quyết tranh chấp kinh tế tại Toà án, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mục lục
Lời mở đầu 1
Nội dung
Phần I: Tranh chấp kinh tế và các hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam hiện nay 3
I. Khái niệm 3
1. Tranh chấp kinh tế 3
2. Giải quyết tranh chấp kinh tế 3
II. Các hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam 5
1. Kinh nghiệm tổ chức giải quyết tranh chấp kinh tế ở một số nước trên thế giới 5
2. Các hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam 6
2.1. Trọng tài kinh tế nhà nước thực tiễn và yêu cầu đổi mới 6
2.2. Sự cần thiết thành lập toà án kinh tế ở nước ta 7
2.3. Cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của toà án kinh kế 8
Phần II: Giải quyết tranh chấp kinh tế tại toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá 12
I.Thực trạng 12
II.Nguyên nhân và giải pháp 19
Phần III: Quan điểm về việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay 23
I. Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật kinh tế 23
II. Cơ sở thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam 24
Kết luận 29
Tài liệu tham khảo
Lời mở đầu
Từ năm 1986, Đảng và nhà nước ta đã chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường, chủ trương đó đã làm thay đổi căn bản nền kinh tế nước ta từ hai thành phần kinh tế chính với lối quản lý mang nặng tính hành chính sang nền kinh tế đa thành phần phát triển theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó quan hệ kinh tế trở nên sống động và đa dạng, phức tạp hơn. Mục đích đạt được lợi nhuận tối đa trở thành động lực trực tiếp của các bên tham gia quan hệ kinh tế. Trong điều kiện như vậy, tranh chấp kinh tế không những là vấn đề khó tránh khỏi, mà còn là một vấn đề lớn đòi hỏi phải có sự quan tâm giải quyết một cách thỏa đáng. Đó vừa là một yêu cầu nghiêm ngặt của nguyên tắc pháp chế, vừa là một đòi hỏi bức xúc của nền kinh tế thị trường.
Trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, tính đa dạng và phức tạp trong quan hệ kinh tế cũng trở nên phức tạp về nội dung, gay gắt về mức độ tranh chấp, và phong phú hơn nhiều về chủng loại. Đã vậy xuất phát từ lợi ích kinh tế của mỗi bên tranh chấp, việc giải quyết tranh chấp kinh tế trong điều kiện hiện nay phải đảm bảo các yêu cầu nhanh chóng, dân chủ, đạt hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên
Vì vậy, trong bước chuyển sang nền kinh tế thị trường, ở nước ta đang diễn ra một sự đổi mới sâu sắc trong việc tổ chức các cơ quan tài phán kinh tế nhằm đáp ứng những yêu cầu mới do nền kinh tế thị trường đặt ra. Cho đến nay, sau gần 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, toà kinh tế của các toà án trong cả nước đã bộc lộ những mặt ưu nhược điểm nhất định. Toà kinh tế thuộc toà án nhân dân tỉnh Thanh hoá cũng không nằm ngoài thực tế trên. Trong thời gian về Toà án nhân dân Tỉnh Thanh hoá thực tập tôi đã có dịp tìm hiểu về thực trạng giải quyết tranh chấp kinh tế tại toà án và có một số ý kiến về cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta. Vì thế tôi đã mạnh dạn chọn đề tài:'' Thực trạng giải quyết tranh chấp kinh tế tại Toà án" làm chuyên đề thực tập của mình
Kết cấu của chuyên đề gồm ba phần:
Phần I: Nêu khái quát chung về tranh chấp kinh tế và các hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay
Phần II: Là phần chính của chuyên đề gồm hai phần nhỏ: phần thứ nhất nói về thực trạng giải quyết tranh chấp kinh tế ở Toà án nhân dân Tỉnh Thanh hoá từ ngày thành lập đến nay và phần hứ hai là những vấn đề giải pháp trước mắt cho những vấn đề còn tồn tại
Phần III: Là phần mở rộng của chuyên đề nói lên ý kiến chủ quan cá nhân về xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Với thời gian thực tập ngắn và phạm vi tìm hiểu trong một địa phương nên chuyên đề không tránh khỏi những hiếu sót, suy nghĩ chủ quan kính mong thầy cô chỉ bảo để tạo điều kiện cho những đề tài hoàn thiện hơn sau này.
Phần I
Tranh chấp kinh tế và hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam hiện nay
I. Khái niệm
Tranh chấp kinh tế
Tranh chấp kinh tế là mâu thuẫn hay xung đột về quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp với tư cách là chủ thể kinh doanh. Đây là các tranh chấp phát sinh trong các khâu từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lời. Xét về bản chất, tranh chấp trong kinh doanh phản ánh những xung đột về lợi ích kinh tế giữa các bên.
ở Việt Nam, trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, các tranh chấp kinh tế chủ yếu tồn tại dưới dạng các tranh chấp hợp đồng kinh tế. Trong điều kiện kinh tế thị trường, sự đa dạng phong phú của các quan hệ kinh tế kéo theo sự đa dạng phong phú về các tranh chấp trong kinh doanh. Có những loại tranh chấp mới phát sinh như: tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty, giữa thành viên công ty với nhau trong quá trình thành lập, hoạt động và giải thể công ty; tranh chấp liên quan đến mua bán cổ phiếu, trái phiếu; tranh chấp về liên doanh, liên kết kinh tế; tranh chấp rong các lĩnh vực quảng cáo, bảo hiểm, kiểm toán, tư vấn; tranh chấp liên quan đến hối phiếu, séc; tranh chấp liên quan đến sở hữu công nghiệp... Xét về mức độ, các tranh chấp trong kinh doanh trong điều kiện nền kinh tế thị trường cũng trở nên gay gắt và phức tạp hơn.
Giải quyết tranh chấp kinh tế
Giải quyết tranh chấp kinh tế là hoạt động nhằm khắc phục, loại trừ những tranh chấp kinh tế đã phát sinh nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, bảo vệ trật tự kỷ cương kinh tế xã hội.
Việc giải quyết tranh chấp kinh tế phải thoa mãn các yêu cầu cơ bản như: chính xác, nhanh chóng, thuận lợi, hạn chế tối đa sự gián đoạn trong quá trình kinh doanh, đảm bảo tính dân chủ và quyền tự định đoạt ở mức độ cao của các bên tranh chấp, phán quyết phải có hiệu quả thi hành cao; đảm bảo các yếu tố bí mật trong kinh doanh; uy tín của các bên trên thương trường; chi phí giải quyết thấp...
Các hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế chủ yếu gồm thương lượng, hoà giải, trọng tài và toà án
Trong kinh doanh, giữa các đơn vị kinh tế nảy sinh các quan hệ kinh tế, mà nội dung của nó chính là những quyền và nghĩa vụ kinh tế. Các bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ những quyền và nghĩa vụ đó. Tuy nhiên trên thực tế không phải lúc nào các chủ thể cũng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Do đó các tranh chấp về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ kinh tế( tranh chấp kinh tế) khó có thể tránh khỏi. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, cũng như tạo điều kiện hoạt động đồng bộ cho nền kinh tế, các tranh chấp đó cần thiết phải được giải quyết kịp thời và đúng đắn. Khi tranh chấp kinh tế xảy ra, để đảm bảo các nguyên tắc của kinh doanh, pháp luật cho phép các bên tự gặp nhau tìm cách bàn bạc giải quyết. Trong trường hợp các bên không tự hoả thuận được với nhau, tranh cấp kinh tế cần được giải quyết theo một thủ tục luật định ở cơ quan tài phán kinh tế có thẩm quyền. Quá trình giải quyết một vụ tranh chấp kinh tế theo một thủ tục nhất định trước cơ quan toà án kinh tế gọi là tố tụng kinh tế.
Với tư cách là một chế định của luật kinh tế, tố tụng kinh tế được hiểu là tổng hợp các qui phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp kinh tế, giữa toà án kinh tế với những bên tham gia tố tụng kinh tế và giữa họ với nhau.
Việc giải quyết một vụ án kinh tế phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của nó như nguyên tắc tự định đoạt, nguyên tắc hoà giải, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật...
II. Các hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế
Kinh nghiệm tổ chức giải quyết tranh chấp kinh tế ở một số nước trên thế giới
ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, tuy cách thức tổ chức và tên gọi có khác nhau nhưng nhìn chung việc giải quyết tranh chấp kinh tế đều thuộc thẩm quyền của trọng tài kinh tế- một cơ quan nhà nước thuộc hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước. Và hiện nay, khi các nước này chuyển sang nền kinh tế thị trường, thì họ cũng tiến hành đổi mới cách thức tổ chức giải quyết tranh chấp kinh tế, theo hướng thành lập toà án kinh tế và xác định lại tính chất, cách thức tổ chức của trọng tài kinh tế cho phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Điều đó cho thấy chúnh ta đang thực hiện đổi mới hệ thống các cơ quan giải quyết tranh chấp kinh tế theo xu hướng chung của thời đại.
ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển thì tranh chấp kinh tế (tranh chấp thương mại) được giải quyết thông qua trọng tài thương mại và toà án thương mại hay toà án thường. Trong cách tổ chức và giải quyết tranh chấ thương mại ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển như CHLB Đức, Pháp, Thuỵ Điển... nguyên tắc tự lựa chọn của các bên được bảo đảm, tức là nơi và người đứng ra giải quyết tranh chấp thương mại phụ thuộc vào sự lựa chọn của các bên.
ở rất nhiều nước khác nhau thì việc giải quyết tranh chấp kinh tế bằng trọng tài phi chính phủ là chủ yếu và phổ biến. Tổ chức trọng tài phi chính phủ được thành lập dưới hai hình thức: trọng tài theo vụ việc(ad-hoc) và trọng tài có cơ quan thường trực do phòng thương mại và công nghiệp thành lập. ở một số nước có hiệp hội trọng tài( Nhật, Mỹ) trọng tài giải quyết một lần theo sự lựa chọn hay thoả thuận của các bên tranh chấp.
Các hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam
Trọng tài kinh tế nhà nước thực trạng và yêu cầu đổi mới
Trong mộ thời gian dài ở nước ta nói đến tranh chấp kinh tế thường chỉ nghĩ đến tranh chấp và vi phạm hợp đồng.
Về mặt lịch sử, tranh chấp kinh tế xuất hiện và phát triển cùng với sự phát triển của chế độ hợp đồng kinh tế. Năm 1960, sau khi công cuộc khôi phục kinh tế hoàn thành thắng lợi đã cải tạo cơ bản xong nền kinh tế. Thủ tướng chính phủ đã ban hành NĐ40/ TTG ngày 4/1/1960 về ban hành kèm theo chế độ tạm thời về hợp đồng kinh tế. Mười ngày sau đó, Thủ tướng chính phủ cũng đã ban hành NĐ20/ TTG ngày14/1/1960 về việc tổ chức ngành trọng tài kinh tế, với chức năng chủ yếu là xử lý các tranh chấp hợp đồng kinh tế
Từ năm 1986, Đảng và nhà nước ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường. Chủ trương đó mới đặt ra yêu cầu phải đổi mới những qui định pháp luật về hợp đồng kinh tế.
Về mặt lý luận ai cũng biết rằng đặc trưng của hợp đồng kinh tế trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung là ở chỗ trong quan hệ hợp đồng kinh tế có sự thống nhất của hai yếu tố: yếu tố tài sản và yếu tố tổ chức kế hoạch. Với vai trò như vậy của hợp đồng kinh tế, sự hiện diện của trọng tài kinh tế với tư cách là một cơ quan quản lý nhà nước có chức năng quản lý công tác hợp đồng kinh tế là rất cần thiết.
Tuy nhiên trong cơ chế kinh tế mới- phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa- đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới, đó là bảo đảm dân chủ trong hoạt động kinh tế, sự bình đẳng và cùng có lợi giữa các thành phần kinh tế tong hợp tác cạnh tranh, thừa nhận và bảo hộ quyền sở hữu và những lợi ích hợp pháp của công dân...
Sự phát triển đa dạng các loại hình kinh tế với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế thuộc các hình thức sở hữu khác nhau dẫn đến sự khác nhau về hình thức và nội dung của các tranh chấp trong kinh doanh. Sự phát triển đó đòi hỏi phải đổi mới phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế
Trong điều kiện như vậy, sự tồn tại của trọng tài kinh tế với tư cách là một cơ quan quản lý không còn phù hợp nữa, Điều đó đặt ra yêu cầu bức xúc là phải đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của trọng tài kinh tế. Nhận thức sâu sắc yêu cầu đó, nhà nước ta chủ trương xoá bỏ trọng tài kinh tế nhà nước, thành lập toà án kinh tế và trọng tài kinh tế với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp( trọng tài kinh tế phi chính phủ).
Sự cần thiết thành lập toà án kinh tế ở nước ta
Có thể nói sự thành lập toà án kinh tế ở nước ta trong giai đoạn hiện là phù hợp và rất cần thiết. Điều này có thể lý giải như sau:
Thứ nhất sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước làm phát sinh nhiều quan hệ mới giữa các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự thay đổi các quan hệ kinh tế tất yếu dẫn đến sự đổi mới từng bước hệ thống chính trị nói chung, trong đó có tổ chức bộ máy hoạt động của nhà nước. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh cũng được tiến hành trong công cuộc đổi mới này.
Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường, các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng và tự do kinh doanh theo pháp luật. Hoạt động kinh doanh thuộc quyền tự chủ của các doanh nghiệp. Các quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp được xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Do vậy để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp bảo đảm thực sự dân chủ và bình đẳng của các bên, các tranh cấp trong kinh doanh phải do một cơ quan tài phán giải quyết theo một trình tự tư pháp.
Thứ ba, trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, ngoài những tranh chấp hợp đồng kinh tế( những tranh chấp từ trước tới nay thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài kinh tế) còn những tranh chấp khác như tranh chấp liên quan đến giải thể, phá sản doanh nghiệp, tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty, tranh chấp giữa thành viên công ty với nhau trong việc thành lập, hoạt động và giải thể công ty; tranh chấp liên quan đến cổ phiếu trái phiếu... Đây là loại tranh chấp mới mẻ gắn liền với kinh tế thị trưòng và khi các tranh chấp đó đã được các bên yêu cầu nhà nước giải quyết, thì phải do một cơ quan tư pháp đảm nhiệm và giải quyết theo một trình tự và thủ tục bắt buộc.
Thứ tư, xét về mặt bản chất thì các tranh chấp trong kinh doanh là các tranh chấp chủ yếu liên quan đến tài sản như các tranh chấp về tài sản trong các quan hệ dân sự. Mặc dù vậy chúng vẫn có những đặc thù đòi hỏi phải thành lập một toà kinh tế độc lập với toà dân sự và phải có một thủ tục tư pháp giải quyết độc lập.
Từ những luận cứ trên, chúng ta có thể khẳng định một lần nữa rằng: trọng tài kinh tế với tư cách là một cơ quan nhà nước không còn phù hợp vói nền kinh thị trường, mà trong hệ thống toà án nhất thiết phải thành lập toà kinh tế.
Cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của toà án kinh tế
Cơ cấu tổ chức
Trong quá trình nghiên cứu, trao đổi về tổ chức toà án kinh tế, có nhiều ý kiến khác nhau về mô hình tổ của toà kinh tế. Việc tổ chức toà án kinh tế được tiến hành dựa trên những tư tưởng chỉ đạo sau:
Thứ nhất, việc tổ chức toà án kinh tế xuất phát từ tính chất, đặc trung và yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh tế
Thứ hai., việc tổ chức toà án kinh tế phải tính đến thực tế phát triển của nền kinh tế hiện nay và trong những năm tới.
Thứ ba, việc tổ chức toà án kinh tế xuất phát từ chức năng thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế
Thứ tư, việc thành lập toà án kinh tế quán triệt quan điểm mới của các cơ quan tài phán, chủ trương cải cách tư pháp, đồng thời có sự kế thừa những thành quả và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trong những năm qua.
Trên cơ sở những tư tưởmg chỉ đaọ nói trên, toà án kinh tế được tổ chức với tư cách là một toà chuyên trách nằm trong các toà án nhân dân từ cấp tỉnh trở lên.
Theo qui định của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật tổ chức toà án nhân dân, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ tư thông qua ngày28/12/1993, cơ cấu tổ chức của toà án kinh tế gồm:
- Trong toà án nhân dân tối cao, bên cạnh toà án quân sự trung ương, các toà án phúc thẩm, toà hình sự, toà dân sự, có toà kinh tế.
- Trong các toà phúc thẩm toà án nhân dân tối cao có các thẩm phán kinh tế chuyên trách.
- Trong toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bên cạnh toà dân sự, toà hình sự, có toà kinh tế.
Nhìn chung mô hình tổ chức toà án kinh tế như qui định của pháp luật nói trên sẽ đảm bảo thống nhất tổ về tổ chức, cơ quan xét xử, tổ chức bộ máy nhà nước gọn nhẹ, không gây tranh chấp về thẩm quyền.
Chức năng và nhiệm vụ
Theo qui định của pháp luật, toà kinh tế có chức năng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, chức năng xét xử các vụ án kinh tế. Khi thực hiện các chức năng này, toà kinh tế phải căn cứ vào các qui định của pháp luật, cả pháp luật về nội dung và pháp luật về tố tụng. Toà án kinh tế thực hiện chức năng xét xử các vụ án kinh tế của mình bằng việc ra bản án, quyết định. Các bản án, quyết định của toà án kinh tế đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, và mọi công dân ton trọng, những cá nhân và mọi tổ chức kiên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Thứ hai, chức năng tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Khi thực hiện chức năng tuyên bố phá sản doanh nghiệp, toà án kinh tế phải tuân thủ nghiêm túc các qui định của pháp luật phá sản ngày 30/12/1993 nói riêng và những qui định về pháp luật kinh tế nói chung
Nhiệm vụ của toà án kinh tế nói riêng và toà án nhân dân nói chung được qui định trong Đ126 Hiến pháp 1992 và Đ1 Luật tổ chức toà án nhân dân được Quốc hội thông qua ngay6/10/1992.
Theo qui định của pháp luật:" Trong phạm vi chức năng của mình, toà án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của nhân dân". Như vậy có thể nói rằng pháp luật đã qui định một cách cụ thể và rõ ràngnhiệm vụ chính của tòa án nhân dân nói chung và toà án kinh tế nói riêng trong khi thực hiện nhiệm vụ chức năng của mình.
Là một trong những cơ quan tố tụng, toà án phải đảm bảo cho mọi hoạt động tố tụng của mình được tiến hành theo đúng các qui định của pháp luật tố tụng. Các tổ chức cá nhân theo qui định của thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế có quyền khởi kiện vụ án kinh tế để yêu cầu toà án kinh tế bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình. Trong quá trình giải quyết vụ án kinh tế, toà án phải tiến hành các biện pháp để các bên đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án nhằm thoả mãn được lợi ích của các bên có tranh chấp.
Mặt khác theo qui định cảu pháp luật, bằng hoạt động của mình, toà án góp phần giáo dục các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những qui tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh chống các vi phạm pháp luật.
PhầnII
Giải quyết tranh chấp kinh tế tại toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá
Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá thành lập 13/9/1945 tuy nhiên cũng như hệ thống toà án trong cả nước, toà kinh tế- Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá ra đời muộn hơn nhiều. Tháng7 năm1994 Toà kinh tế Thanh Hoá mới chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Từ đó tới nay, sau gần mười năm ra đời, toà kinh tế đã cùng với các toà dân sự, hình sự, hành chính, bằng hoạt động của mình góp phần ổn định trật tự kinh tế- xã hội Tỉnh Thanh Hoá. Đặc biệt toà kinh tế đã góp phần tuyên truyền, giáo dục các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật kinh tế, tôn trọng qui tắc và trật tự xã hội, tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các chủ thể kinh doanh. Song vì án kinh tế là một loại án mới, bước đầu thành lập lại gặp nhiều khó khăn, như việc bổ nhiệm thẩm phán thiếu và chậm, cơ sở vật chất còn chưa đảm bảo, tài liệu và các văn bản pháp luật còn chưa đầy đủ, các thẩm phán còn chưa làm quen với phương cách giải quyết một vụ án kinh tế nên trên thực tế còn rất nhiều vấn đề cần hoàn thiện.
I. Thực trạng giải quyết tranh chấp kinh tế tại Toà kinh tế Tỉnh Thanh Hoá.
Thanh Hoá là một tỉnh lớn với số dân đông vào hàng cao nhất cả nước, song đất đai phần lớn là núi và biển, nền kinh tế chỉ phát triển ở đồng bằng là chủ yếu, các danh nghiệp thường có qui mô vừa và nhỏ tập trung cơ bản ở thành phố, hai thị xã và một số huyện như Đông Sơn, Như Xuân, Nông Cống, Hậu Lộc...
Trên thực tế những tranh chấp kinh tế chỉ xảy ra ở nhiều các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... vì thế sau gần mười năm thành lập và đi vào hoạt động Toà kinh tế Toà án nhân dân Tỉnh Thanh Hoá chỉ thụ lý và giải quyết vụ án kinh tế ở con số hàng chục. Nếu tính bình quân thì mỗi năm Toà kinh tế chỉ thụ lý và giải quyết từ 6 đến 7 vụ một con số ít hơn nhiều so với các vụ án dân sự, hình sự thụ lý và giải quyết trong năm.
Chúng ta có thể bắt đầu từ tháng 7 năm 1994, khi toà kinh tế được thành lập; trong báo cáo tổng kết ngành toà án năm1994 của Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã nêu rõ: Đây là năm đầu tiên toà kinh tế đi vào hoạt động, số vụ Toà kinh tế đang thụ lý và giải quyết là hai vụ.
Bước sang năm 1995- 1996, số vụ thụ lý có tăng lên nhiều. Riêng tháng 10 năm 1995 Toà kinh tế thụ lý 8 vụ, giải quyết 7 vụ. Trong 8 vụ đã thụ lý có hai vụ tranh chấp giữa các thành viên công ty TNHH, sáu vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp với nhau( Báo cáo tổng kết năm 1995 của Toà án và phương hướng, nhiệm vụ năm 1996)
Trong việc giải quyết án kiện kinh tế, tào án đã tăng cường hoà giải, thực hiện nguyên tắc hoà giải là một trong những nguyên tắc cơ bản trong giải quyết án kinh tế. Trong quá trình giải quyết, toà án đã tiến hành các biện pháp để các đương sự có thể thoả thuận với nhau về giải quyết vụ án nhằm thoả mãn lợi ích của các bên tranh chấp.
Trong số 7 vụ thụ lý giải quyết, toà án đã tiến hành hoà giải thành năm vụ, một vụ nguyên đơn rút đơn khởi kiện, chỉ đưa ra xét xử một vụ. Đây là nỗ lực ất lớn của các thẩm phán nhằm giảm bớt căng thẳng giữa các doanh nghiệp, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo quyền lợi và sự bình đăngr giưuã các bên tranh chấp.
Từ năm 1996 đến nay số doanh nghiệp thành lập ngày càng nhiều, các quan hệ kinh tế diễn ra nhanh chóng mạnh mẽ và phức tạp vì thế số vụ án kinh tế cũng có chiêù hướng gia tăng, đã có những vụ án kinh tế lên đến hàng tỉ đồng.
Trong tổng số các vụ án thụ lý giải quyết, số vụ án hoà giải thành vẫn chiém tỉ lệ lớn vì thế chỉ một số ít vụ phải đưa ra xét xử và việc kháng cáo của các đương sự hầu như không có. Tỉ lệ giải quyết án trong năm thường đạt từ 80% đến 100% đây là tỉ lệ cao so với cả nước là 60% đến 70%, án cũ để lại từ năm trước đến năm sau là không có , nếu có thì rất ít.
Phần lớn án kiện kinh tế đều mang tính chất của việc tồn đọng công nợ, dây dưa kéo dài và tranh chấp giữa các thành viên trong một công ty. Nói cách khác đó là sự vi phạm phổ biến về nghĩa vụ thanh toán( một trong những điều khoản của hợp đồng kinh tế thường dễ bị vi phạm).
Các bị đơn đều không có khả năng trả nợ nên bên kia mới khởi kiện. Do vậy việc giải quyết hoà giải để hai bên tiến hành thoả thuận với nhau là rất khó khăn hoặc khi xử xong rất khó thi hành án. Khó khăn nữa là có những vụ án chủ thể là một pháp nhân nhưng bản chất của hợp đồng lại là cá nhân mang danh nghĩa pháp nhân, khi đổ vỡ lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau làm cho việc giải quyết gặp nhiều phức tạp.
Khó khăn nữa là có doanh nghiệp( như công ty tơ tằm xuất nhập khẩu Thanh hoá) bị bên kia gửi đơn yêu cầu tuyên bố phá sản thì qua nghiên cứu hồ sơ và thực tiễn hoạt động của công ty này thấy doanh nghiệp thực sự lâm vào tình trạng phá sản song tài sản của doanh nghiệp không đáng kể( chỉ có một số nhà cấp bốn) làm trụ sở chính. Vì vậy việc giải quyết tài sản của doanh nghiệp trên đang sử dụng như thế nào, nếu không giải quyết đất thì tài sản không đáng kể, nếu giải quyết đất thì vi phạm luật đất đai.
Tóm lại, việc giải quyế những nội dung liên quan đến đất đai đối với doanh nghiệp nhà nước là hết sức khó khăn.
Sau mỗi năm tổng kết, Toà knh tế rút ra được nhiều kinh nghiệm giải quyết hơn, song khó khăn phức tạp cũng không phải là ít, mặc dù số vụ thụ lý vẫn vẫn dừng lại ở con số vài vụ.
Nhiều vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế có đơn đề nghị Toà án giải quyết nhưng do quá thời hạn khởi kiện theo luật định nên không được chấp nhận, thời hiệu khởi kiện đối với án kinh tế sáu tháng là quá ngắn và không phù hợp.
Trong thực tiễn giải quyết vụ án kinh ở toà án nhân dân Tỉnh Thanh hoá còn có một thực tế nữa đó là số vụ án bị ra quyết định tạm đình chỉ quá nhiều, có năm số vụ án bị tạm đình chỉ chiếm 80%- 90% tổng vụ án thụ lý giải quyết. Có nhiều lý do tạm đình chỉ như : nguyên đơn ốm, đương sự yêu cầu thay đổi thẩm phán, hay bị đơn ốm( vụ Công ty Hải đăng- Kho bạc nhà nước); tạm dình chỉ do hai bên chưa nghiệm thu, quyết toán công trình nên toà án tạm đình chỉ để yêu cầu hai bên làm việc này( vụ công ty xây duựng hợp lực- Trường cấp ba như thanh).
Có vụ án kinh tế thụ nhưng xét thấy có dấu hiệu của vụ án hình sự nên quyết định đình chỉ để gửi công văn cho cơ quan điều tra đề nghị khởi tố vụ án hình sự.
Cũng bắt đầu từ những năm gần đây, các vụ án bắt đầu bị kéo dài, các năm 99, 2000 liên tục có án cũ tồn đọng, tỉ lệ giải quyết vụ án giảm. Điều đặc biệt ở Toà kinh tế Toà án nhân dân Tỉnh Thanh hoá là hầu như có rất ít vụ phải giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Đây cũng là tình trạng chung tại các toà kinh tế cấp tỉnh trong cả nước, chỉ trừ một số Thành phố lớn như Hà nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh...
Sở dĩ ở Toà kinh tế Tỉnh Thanh hoá ít giải quyết các vụ án kinh tế theo thủ tục phúc thẩm và giám đốc thẩm vì toà án cấp huyện chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng. Trong hoạt động kinh tế đây là những loại hợp đồng nhỏ, nếu có phát sinh tranh chấp các bên đương sự cũng rất dễ hoà giải hoặc thanh toán được với nhau, ít xảy ra kiện tụng. Vì thế hầu hết các vụ án kinh tế hiện nay do Toà án nhân dân tỉnh giải quyết theo trình tự sơ thẩm.
Trong năm 2001, Toà kinh tế Thanh Hoá đã thụ lý 9 vụ, giải quyết 8 vụ, trong đó di lí 1 vụ, Tạm đình chỉ và đình chỉ 6 vụ, chỉ đưa ra xét xử một vụ.
So với cả nước số vụ án do Toà kinh tế Thanh Hoá thụ lý không nhiều chỉ chiếm 7- 8% tổng số vụ thụ lý trong năm của cả nước. Tuy nhiên so với đã số tỉnh, thành phố trong cả nước thì con số trên quả là không nhỏ. Có địa phương cả năm không thụ lý một vụ nào.
So với những năm trước đây, mấy năm gần đây Toà kinh tế Thanh Hoá đã có nhiều cố gắng để khắc phục những hiếu sót, chất lượng xét xử của các Thẩm phán được nâng cao, có nhiều vụ án kinh tế phức tạp song cũng được giải quyết dứt điểm, nhanh chóng.
Nếu như trong cả nước, hai năm gần đây số vụ án kinh tế khởi kiện ra tòa án có giẩm nhiều thì ở Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Toà kinh tế vẫn thụ lý ngày càng nhiều vụ án kinh tế có giá trị lớn, phức tạp. Tính đến tháng 6- 2002, số vụ án Toà kinh tế đã thụ lý và giải quyết khoảng 80 vụ. Vụ gần đây nhất là tranh chấp giữa công ty mía đường Việt Nam- Đài Loan với ông Đỗ Văn Bảng( đại lý bột ngọt) về việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán của hợp đồng, sẽ xử vào ngày 21/6/2002. Tuy án nhiều song chủ yếu là giải quyết bằng con đường hoà giải, chỉ số rất ít vụ dưa ra xét xử. Vì thế kinh nghiệm xét xử án kinh tế ở Thanh Hoá cũng không nhiều. Tính từ tháng 7- 1994 đến nay Toà án tỉnh đã thụ lý 80 vụ không phải là con số lớn( cả ước là trên 3600). Trong số đó khoảng 50% là tạm đình chỉ và đình chỉ, số còn lại củ yếu giải quyết theo thủ tục hoà giải. Như vậy dù thành lập đã gần 10 năm nhưng nếu tính bình quân số vụ án đưa ra xét xử hàng năm chỉ khoảng vài vụ. Từ thực tế trên ta thấy ngay trình độ của các Thẩm phán khó có thể được nâng cao bởi ít được cọ sát với thực tế. Các vụ án đưa ra xét xử lại thường có giá trị nhỏ( thường chỉ vài trăm triệu đồng).
Các vụ án kinh tế giải quyết tại toà là không nhiều, và có thể có chiều hướng giảm xuống, điều này có thể ký giải bởi nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là bởi các doanh nghiệp không muốn khởi kiện các vụ án kinh tế tại tào án vì việc giải quyết vu án qua nhiều cấp xét xử và trên thực tế việc giải quyết của tào án còn rất chậm trễ, phức tạp, thậm chí có vụ án kéo dài tới một vài năm.
Ngay cả khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì việc thi hành án cũng không được giải quyết nhanh. Mặt khác trình độ hiểu biết pháp luật của các doanh nghiệp cũng ngày càng được nâng cao, các hợp đồng kinh tế được soạn thảo ngày càng chặt chẽ và việc thực hiện các điều khoản trong hợp đồng kinh tế cũng được các bên tực hiện tốt hơn. Như vậy pháp luật kinh tế đã phát huy được tác dụng điều chỉnh trong lĩnh vực hoạt động của các tổ chức kinh tế.
Tuy số lượng các vụ án kinh tế không nhiều song tính chất của các tranh chấp vẫn rất phức tạp và ngày càng phức tạp hơn. Các tranh chấp thường xảy ra rong các lĩnh vực như hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển hàng hoá, hợp đồng xây dựng, hợp đồng uỷ thác, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thuê tài sản... các tranh chấp giữa các thành viên công ty với công ty, và giữa thành viên với nhau...
Nhìn chung chất lượng xét xử các vụ án kinh tế chưa đạt hiệu quả cao. Các sai sót dẫn tới các bản án bị huỷ, bị sửa vẫn còn. Các sai sót trong việc giải quyết các vụ án kinh tế chủ yếu là việc bỏ sót người tham gia tố tụng, xét xử không đúng với hồ sơ vụ án đã phản ánh, nhầm lẫn về thẩm quyền xét xử, xác định không đúng thời hiệu khởi kiện...
Một số thiếu sót thường thấy là khi tiến hành hoà giải giữa các đương sự, toà án chỉ chú trọng đến nội dung của các thoả thuận mà không thẩm tra xem tài sản của các bên thiếu nợ cam kết dùng để trả nợ cho chủ nợ có đúng là còn hật hay đã dùng để trả nợ toàn bộ hay một phần cho chủ nợ khác. Thiếu sót này dẫn đến việc bỏ sót người tham gia tố tụng với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan vì sau khi có quyết công nhận thoả thuận của chủ nợ và người vay, họ chứng minh được tài sản mà các bên thoả thuận đã dùng bảo đảm thanh toán nợ cho họ từ trước. Như vậy các quyết định công nhận thoả thuận đó phải bị huỷ.
II. Nguyên nhân và giải pháp
Tổng kết 10 năm thành lập và đi vào hoạt động của toà kinh tế toà án nhân dân tỉnh Thanh hoá, có thể thấy quá trình giải quyết các vụ án kinh tế còn một số thiếu sót phổ biến, đây cũng là những thiếu sót chung của các toà kinh tế trong cả nước, đó là:
- Trong khi giải quyết án kinh tế, các Thẩm phán còn xác định sai tư cách người tham gia tố tụng hoặc còn bỏ sót người tham gia tố tụng.
- Trong quá trình giải quyết, nghiên cứu hồ sơ vụ án còn chưa sâu, phân tích đánh giá chứng cứ không đúng đắn dẫn đến công nhận những thoả thuận hay những hợp đồng không hợp pháp
- Ra quyết định không đúng với thẩm quyền theo qui định của pháp luật
- Không cẩn trọng, thiếu kiểm tra để nhầm lẫn dẫn đến quyết định vi phạm pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế
- Quá trình giải quyết vụ án còn bị dây dưa kéo
* Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những thiếu sót trên:
- Do trình độ, khả năng chuyên môn của các Thẩm phán kinh tế, đặc biệt các Thẩm phán ở các toà án địa phương còn non yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết chính xác một vụ án, đặc biệt những vụ án kinh tế phức tạp, có giá trị lớn.
- Thẩm phán, cán bộ nghiên cứu được phân công giải quyết vụ án còn chưa tận tâm tận lực đề cao vai trò trách nhiệm khi làm việc nên trách nhiệm lầm việc chưa cao.
Ví dụ: Có những chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án nhưng không phát hiện ra hoặc không có phương pháp làm việc khoa học, khả năng nghiên cứu tổng hợp chưa tốt dẫn đến nhận định không đúng với sự thật khách quan của vụ án
- Hệ thống pháp luật kinh tế của nước ta chưa hoàn chỉnh, các hoạt động kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào các văn bản hướng dẫn dưới luật. Các văn bản hướng dẫn thường chậm có trường hợp lại chưa cụ thể, chồng chéo, rất khó vận dụng và rất khó áp dụng trong thực tế. Toà án lại thiếu thốn về tài liệu để phân phát cho các Thẩm phán.
Nhưng tồn tại, thiếu sót hiện nay có nhiều nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. Cần đánh giá nhìn nhận đúng để có biện pháp khắc phục.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là sự nghiệp lớn lao của toàn đảng toàn dân. Trong đó chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hoá, bao cấp sang cơ chế thị trường là công việc hết sức to lớn và mới mẻ. Hợp đồng kinh tế không còn đơn điệu, mà rất đa dạng phong phú. Vì vậy việc gải quyết các vụ án kinh tế càng khó khăn, phức tạp hơn.
Những vướng mắc, khó khăn hiện nay của Toà kinh tế tỉnh Thanh hoá cần báo cáo lên toà án nhân dân tối cao để Chánh án Toà án nhân dân tối cao có ý kiến đề nghị Uỷ ban thường vụ quốc hội xem xét.
Trong khi chờ đợi có sự thay đổi căn bản, Toà án kinh tế Thanh hoá cần có sự nắm vững văn bản pháp luật hiện hành, cùng các thông tư, chỉ thị hướng dẫn của liên ngành cũng như của Toà án nhan dân tối cao để vận dụng tốt vào công tác. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà đi lên, việc giải quyết tranh chấp kinh tế của Toà án nhân dân tỉnh Thanh hoá không chỉ dừng lại ở xét xử các vụ án kinh tế mà còn hướng dẫn các doanh nghiệp vận dụng và tuân thủ pháp luật, đem lại sự vận hành thông suốt cho nền kinh tế hàng hoá. Muốn làm được như vậy cần phải chú ý những vấn đề sau:
- Nâng cao trình độ chuyên môn cho các Thẩm phán thông qua các lớp đào tạo, lớp tập huấn về Luật kinh tế, phá sản doanh nghiệp... Đây là loại án mới, các Thẩm phán cần tìm tòi và tự tìm ra cho mình kinh nghiệm để giải quyết án.
- Cần nắm vững và nhận thức đầy đủ pháp luật kinh tế, và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Toà án nhân dân tối cao cũng như hướng dẫn tại các thông tư liên ngành. Khi giải quyết các vấn đề cần phải so sánh tổng hợp giữa các tài liệu chứng cứ, phát hiện được những mâu thuẫn, từ đó đưa ra những phán quyết đúng đắn.
- Xác định đúng thẩm quyền và tránh nhầm lẫn giữa các quan hệ tranh chấp kinh tế và tranh chấp dân sự.
- Chú ý nghiên cứu đối chiếu các văn bản đã hướng dẫn với luật chuyên ngành để vận dụng đúng trong quá trình giải quyết vụ án, tránh tình trạng có những quyết định sai lầm, bị huỷ, bị sửa.
Chẳng hạn: nếu chỉ vận dụng thời hạn khởi kiện vụ án kinh tế là sáu tháng theo qui định của pháp luật tố tụng giải quyết các vụ án kinh tế cho mọi trường hợp kể cả hợp đồng tín dụng, thương mại hàng hải, thì sẽ dẫn tới việc đua ra những quyết định không đúng như quyết định đình chi giải quyết vụ án( vì lý do hết thời hạn khởi kiện) vì trong các luật chuyên ngành lại qui định thời hạn khiếu nại, khởi kiện khác với pháp luật tố tụng giải quyết các vụ án kinh tế.
- Trong quá trình công tác cần có những quan điểm đóng góp vào việc xây dựng hệ thống pháp luật, hoàn thiện những qui định của pháp luật vốn đã rất chồng chéo, và không đúng với thực tiễn. Ví dụ: Đ31 pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế 16/3/1994 qui định thời hiệu khởi kiện vụ án kinh tế là sáu tháng là quá ngắn. Trong nhiều trường hợp các bên tranh chấp đã mất quyền khởi kiện vì trong thời gian sáu tháng họ đang đi tìm những cách thức khác nhau để giải quyết tranh chấp. Hơn nữa thời điểm phát sinh tranh chấp để từ đó tính thời hiệu nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất.
- Khi giải quyết vụ án phải đảm bảo được tính tranh tụng và quyền tự định đoạt, quyền bình đẳng của các đương sự phải thực sự được tôn trọng.
- Chú ý tránh hiện tượng dây dưa kéo dài, làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làm giảm tính khách quan và tính vi phạm nguyên tắc xét xử nhanh chóng, liên tục, đúng pháp luật.
Phần III
Quan điểm về việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
I. Sự cần thiết phải hoàn thiện Pháp luật kinh tế
Từ thực tiễn giải quyết vụ án kinh tế tại Toà án tỉnh Thanh hoá, chúng ta có thể thấy tố tụng kinh tế tại toà án trong cả nước đang đặt ra một số vấn đề sau đây :
Theo Đ12- Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế ngày16/3/1994 Toà án có thẩm quyền xét xử các vụ án kinh tế: các tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa pháp nhân với pháp nhân, cá nhân có đăng kí kinh doanh với pháp nhân… Vì thế có một số tranh chấp hợp đồng được ký giữa những người kinh doanh với nhau nhưng do cả hai bên không phải là pháp nhân nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án kinh tế.
Thời hiệu khởi kiện vụ án kinh tế được qui định tại Đ31- Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế sáu tháng là quá ngắn. Trong nhiều trường hợp các bên đã mất quyền khởi kiện vì trong thời hạn sáu tháng họ đang đi tìm những cách thức khác nhau để giải quyết tranh chấp. Hơn nữa từ thời điểm phát sinh tranh chấp để từ đó tính thời hiệu khởi hiện nay vẫn chưa có cách hiêut thống nhất.
Tố tụng kinh tế( cũng như các loại tố tụng khác) chưa phải là tranh tụng vì vậy quyền tự định đoạt, quyền bình đẳng của các đương sự chưa thật sự được tôn trọng
Có những trường hợp Toà án không giải quyết theo yêu cầu của đương sự mà lại tập trung vào việc xem xét vấn đề các bên có đăng ký kinh doanh hay không, người ký có đúng thẩm quyền không để tuyên bố hợp đồng vô hiệu
Quá trình xét xử một vụ án kinh tế thường bị dây dưa kéo dài không thể dứt điểm được do nhiều nguyên nhân. Toà kinh tế thuộc Toà án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm. Bản án này bị kháng cáo và Toà phúc thẩm thuộc toà án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm. Bản án của toà phúc thẩm có thể bị kháng nghị. Toà phúc thẩm thuộc toà án nhân dân tối cao xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà kinh tế cấp tỉnh bị kháng nghị và trong nhiều trường hợp hồ sơ vụ án bị trả lại cho toà án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm lại. Thiết nghĩ, đối với một vụ án kinh tế có thể áp dụng thủ tục rút gọn thì phù hợp hơn.
II. cơ sở thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam
Để góp phần thúc đẩy các quan hệ kinh tế phát triển, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế cũng như xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế phù hợ với nền kinh tê thị trường
1. Nền kinh tế của nước ta hiện nay là nền kinh tế thị trường có sự điều tiết theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường với cơ chế vốn có của nó đặt ra một loạt các đòi hỏi về cơ cấu kinh tế, về cơ chế quản lý, về tổ chức bộ máy. Ngoài những đòi hỏi chung của cơ chế thị trường, với cơ chế kinh tế hiện nay ở nước ta còn có nhiều đòi hỏi riêng của nó.
Đòi hỏi quan trọng đầu tiên của nền kinh tế thị trường là nền kinh tế đa thành phần của nền kinh tế. Không thể có kinh tế thị trường phát triển nếu quan hệ tiền tệ, hàng hoá chỉ vận động trên quĩ đạo khép kín của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể theo kế hoạch tập trung. Tính đa dang của nền kinh tế bao trùm tính đa dạng của hình thức sở hữu. Như vậy xét dưới góc độ kết cấu chủ thể của nền kinh tế thì cơ chế thị trường đòi hỏi phải coi các tổ chức kinh té thuộc các hình thức sở hữu khác nhau, là những chủ thể bình đẳng trong quan hệ kinh tế thị trường.
Trong cơ chế trước đây, pháp luật không có vai trò lớn vì các vấn đề liên quan trực tiếp tới sản xuất kinh doanh như cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm lao động… đều thông qua chỉ tiêu pháp lệnh. Ngược lại trong cơ chế hiện nay pháp luật tất yếu phải trở thành nhân tố quan trọng không thể thiếu. Sự vận hành của cơ chế thị trường phải được thực hiện trên cơ sở pháp luật. Nhận thức được tính tất yếu này, nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật kinh tế. Các văn bản này đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra những biến đổi tích cực, những thành tựu khá quan trọng trong nền kinh tế cảu đất nước. Tuy nhiên hệ thống pháp luật của chúng ta còn thiếu. Nhiều vấn đề cần được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện. Hệ thống pháp l;uật kinh tế hiện hành chỉ mới góp phần tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho sự chuyển đổi cơ chế chú chưa thực sự tạo ra được môi trường pháp lý thích hợp cho sự phát triển của quan hệ kinh té thị trường. Vì vậy một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là phải xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, có khả năng giải quyết thoả đáng các vấn đề của nền kinh tế thị trường.
Nếu hệ thống pháp luật kinh tế được hoàn thiện thì vấn đề giải quyết các vấn đề kinh tế phát sinh cũng sẽ tránh được nhiều thiếu sót.
2. Về xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt nam trong giai đoạn hiện nay theo tôi phải được đặt ra trên cơ sở nhận thức mới về các nguyên lý của kinh tế thị trường, về tính chất của các tranh chấp, về một loại tố tụng đảm bảo sự tự định đoạt của các đương sự .
2.1 Sự đa dạng phong phú của các chủ thể kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, hình thức sở hữu khác nhau và các nguyên lý chung của kinh tế thị trường, tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền là những yếu tố cần được coi trọng khi xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế. Tự do kinh doanh không chỉ được hiểu ở nghĩa các doanh nghiệp, các chủ thể kinh doanh có quyền lựa chọn ngành nghề, qui mô kinh doanh, thuê mướn lao động, cách thức huy động vốn, giao kếy hợ đồng… mà còn được hiểu với nghĩa rộng hơn ở quyền tự do lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp và đuực đảm bảo quyền tự định đoạt trong qua trình giải quyết tranh chấp kinh tế.
Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp kinh tế không nên tạ ra tình trạng độc quyền của một cơ quan nào, tổ chức nào. Nhà nước và xã hội cần tạo ra nhiều hình thức giải quyết để các chủ thể kinh doanh lựa chọn phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của mình.
2.2.Tính chất của các tranh chấp do tính chất tính chất của các quan hệ kinh tế quyết định. Các quan hệ kinh tế mà chúng ta đang xem xét là những quan hệ diễn ra trong hoạt động kinh doanh. Đây là những quan hệ có tính chất tài sản. Các chủ thể kinh doanh có quyền tự do trong việc thiết lập các giao dịch phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Quan hệ kinh doanh là quan hệ ngang của đời sống xã hội được thiết lập giữa các chủ thể ở vào điạ vị pháp lý bình đẳng với nhau. Một khi các bên có quyền tự do xác lập giao dịch, xác lập hợp đồng thì nếu có tranh chấp xảy ra họ cũng hoàn toàn có quyền tự mình thương lượng hoặc qua trung gian hoà giải hoặc đưa vụ tranh chấp ra trọng tài hay toà án giải quyết.
Trong mọi phương thức giải quyết tranh chấp đều phải tôn trọng quyền tự định đoạt của chủ thể kinh doanh. Không một cơ quan, tổ chức nào có quyền can thiệp vào quyền tự định đoạt của các chủ thể kinh doanh. Vụ án kinh tế khác với vụ án hình sự ở chỗ tội phạm đã xảy ra thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà không phụ thuộc vào ý muốn của người bị ahị có muón trừng tị kẻ phạm tội hay không. Trái lại vụ án kinh tế chỉ là việc tranh chấp và xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các đương sự cho nên tào án chỉ giải quyết khi có đơn khởi kiện của nguyên đơn. Không có cơ quan nào, tổ chức nào có quyền hhởi kiện vụ án kinh tế. Nay cả khi đã khởi kiện, nguyên đơn vẫn có quyền rút đơn khởi kiện, thay đổi nội dung khởi kiện hoặc hoà giải với nhau.
2.3.Tính chất các tranh chấp đòi hỏi thủ tục kinh tế phải là tranh tụng. Tố tụng kinh tế là một dạng của tố tụng dân sự được tiến hành theo những nguyên tắc chung: bảo đảm quyền tự định đoạt của các đương sự, nghĩa vụ cung cáp chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình của các đương sự, trách nhiệm hoà giải của toà án, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự, xét xử nhanh chóng kịp thời các vụ án… Trong tố tụng kinh tế các đương sự muốn bảo vệ quyền lợi của mình thì phải cung cấp chứng cứ và phải chứng minh. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại thì phải đưa ra được những chứng cư về tổn thất, mất mát hư hỏng và những khoản lợi bị mất… và phải chứng minh được những thiệt hại này là do bị đơn gây ra. Bị đơn muốn không phải bồi thường thiệ hại thì phải chứng minh là mình không có lỗi hoặc những tổn thất không phải do vi phạm hợp đồng gây nên. Như vậy tính chất của tranh chấp kinh tế đòi hỏi phải coi trọng phần tranh luận trong thủ tục giải quyết vụ án kinh tế. Các bên có nghĩa vụ và có quyền đưa ra chứng cứ và chứng minh cho quyền lợi của mình. Toà án không có nghĩa vụ và không nên tự mình đi điều tra, thu thập chứng cứ. Vấn đề là ở chỗ tất cả các chứng cứ mà các bên đưa ra phải được toà án xem xét kỹ lưỡng hội đồng xét xử lắng nghe và ghi nhận ý kiến của cả hai bên. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không chứng minh được những thiệt hại thì toà án cần bác đơn hại. Đối với những khoản thiệt hại đã được nguyên đơn chứng minh và bị đơn không có chứng cứ để bác bỏ thì toà án thoả mãn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết tranh chấp kinh tế nếu các bên thương lượng hoà giải được với nhau thì toà án tôn trọng và chấp nhận thương lượng đó.
Nếu quyền tự định đoạt của đương sự được thực sự tôn trọng. Sự thật khách quan của vụ án được làm sáng tỏ và tố tụng được tiến hành theo đúng nghĩa là tranh tụng thì hoàn toàn có thể được những bản án công bằng, hợp lý với tình tiết từng vụ án.
2.4 Việc xác lập cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế cũng phải tính đến một yếu tố nữa- trình độ phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
Trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam khác với trình độ phát triển kinh tế của các nước trong khu vực. Thêm vào đó Việt nam còn có những nét đặc thù về truyền thống, thói quen tâm lý vừa ngại kiện tụng vừa muốn sử dụng những phương thức hành chính- hình sự dể bảo vệ quyền lợi của mình.
Sự phát triển kinh tế ở những vùng tỉnh , thành phố ở nước ta là không đều. ở những nơi có kinh tế phát triển dương nhiên các quan hệ kinh tế cũng sẽ diễn ra rất đa dạng, phong phú. Sự phong phú đa dạng cảu các quan hệ kinh tế kéo theo sự đa dạng phong phú của các tranh chấp kinh tế. Ngược lại ở những địa phương kinh tế chậm phát triển thì tranh chấp kinh tế hầu như không đáng kể. Kết luận rút ra là: Không nên và không cần thành lập toà kinh tế ở tất cả các tỉnh. Việc thành lập toà kinh tế ở tất cả các tỉnh, thành phố là không cần thiết chỉ nên thành lập toà kinh tế theo khu vực thay cho theo đơn vị hành chính như hiện nay. Việc thành lập các trung tâm trọng tài kinh tế cũng cần tính kỹ nhu cầu giải quyết tranh chấp kinh tế tại các địa phương ở nước ta.
Kết luận
Công nghiệp hoá , hiện đại hoá đất nước là sự nghiệp lớn lao của toàn Đảng , toàn dân. Trong đó chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hoá, bao cấp sang cơ chế thị trường là công việc hết sức to lớn và mới mẻ. Hợp đồng kinh tế không còn đơn điệu mà rất đa dạng, phong phú. Vì vậy, việc giải quyết các tranh chấp kinh tế còn rất khó khăn và phức tạp. Công cuộc đổi mới, cải tổ hệ thống cơ quan tài phán kinh tế nhằm đáp ứng những yêu cầu mới do nền kinh tế thị trường đặt ra mới chỉ ở bước đầu.
Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp kinh tế tại Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá không đủ để rút ra một két luận chung cho toàn bộ hệ thống Toà án kinh tế trong cả nước , song nó phần nào phản ánh thực trạng chung của công tác tài phán trong lĩnh vực kinh tế hiện nay của toà án nước ta. Điều đó đặt ra một yêu cầu cấp bách là không chỉ dừng lại ở thành lập Toà án kinh tế mà phải đảm bảo Toà án kinh tế thực sự hoạt động có hiệu quả, góp phần giáo dục các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tôn trọng những qui tắc của cuộc sống xã hội , ý thức đấu tranh chống các vi phạm pháp luật .
Tóm lại , trong bước chuyển sang nền kinh tế thị trường ở nước ta , việc đổi mới sâu sắc các cơ quan tài phán kinh tế không chỉ dừng lại ở mặt thay đổi cơ cấu tổ chức mà còn phải chú trọng chất lượng hoạt động của Toà án kinh tế. Có làm đựoc như vậy Toà án kinh tế mới thực sự làm tốt chức năng xét xử các vụ án kinh tế và hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cơ quan tài phán , đúng như qui định của pháp luật : " Trong phạm vi chức năng của mình , toà án có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa ; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân , bảo vệ tài sản của nhà nước , của tập thể ; bảo vệ tính mạng , tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân "( Điều 1 Luật tổ chức Toà án nhân dân ).
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp Việt Nam 1992
2. Luật tổ chức Toà án nhân dân 1992
3. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.
4. Giáo trình lý luận chung Nhà nước và Pháp luật - ĐHLHN
5. Giáo trình Luật kinh tế - ĐHLHN
6. Tạp chí Toà án nhân dân số 4, 10 năm 1995
7. Tạp chí Toà án nhân dân số 1, 2 năm 1997
8. Tạp chí Toà án nhân dân số 12 năm 1999
9. Tạp chí Toà án nhân dân số 3, 10, 11 năm 2000
10. Tạp chí Toà án nhân dân số 11 năm 2001
11. Tạp chí Toà án nhân dân số 2, 3 năm 2002
12. Báo cáo công tác ngành Toà án 2001 - 2002
13. Báo cáo tổng kết công tác ngành toà án của Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá
14. Hồ sơ vụ án kinh tế - Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá
15. Sổ thụ lý vụ án kinh tế - Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 29978.doc