The integrated assessment of natural conditions and resources to orient for the development
of offshore waters and islands is a new field of research that has not been much interested in Vietnam. First of
all, due to the characteristics of offshore waters and islands, applying the assessment process and methods that
was carried out successfully on the territory is also difficult for these sea areas. The study of the scientific basis
and methodology of integrated assessment of natural conditions and resources to orient for the development of
offshore waters and islands should be done first to create a favorable premise for further researches. This
paper presents some fundamental issues in integrated assessment to orient for the development of offshore
waters and islands, apply to Truong Sa archipelago, in which focus on establishing of the system of marine
landscape classification for study area, analyzing of potentials, limitations and important components of the
Truong Sa archipelago that should be considered in the assessment process as well as the establishment of a
system of criteria and assessment process.
11 trang |
Chia sẻ: honghp95 | Lượt xem: 679 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cơ sở khoa học và phương pháp luận đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên phục vụ định hướng phát triển các vùng biển, đảo xa bờ, áp dụng cho quần đảo Trường Sa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
324
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển; Tập 13, Số 4; 2013: 324-334
ISSN: 1859-3097
CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN ĐÁNH GIÁ
TỔNG HỢP ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN PHỤC VỤ
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG BIỂN, ĐẢO XA BỜ,
ÁP DỤNG CHO QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA
Trần Anh Tuấn
Viện Địa chất và Địa vật lý biển - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
18 Hoàn Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Email: tatuan@imgg.vast.vn
Ngày nhận bài: 6-5-2013
TÓM TẮT: Nghiên cứu đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phục vụ định hướng
phát triển các vùng biển, đảo xa bờ là một lĩnh vực nghiên cứu mới và chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam.
Trước hết, do tính đặc thù của các vùng biển, đảo xa bờ nên việc áp dụng quy trình và các phương pháp đánh giá
đã được thực hiện rất thành công trên lục địa cho các vùng biển, đảo này còn gặp nhiều khó khăn. Việc nghiên
cứu cơ sở khoa học và phương pháp luận của công tác đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên
nhiên phục vụ định hướng phát triển các vùng biển, đảo xa bờ cần được thực hiện trước nhằm tạo tiền đề thuận
lợi cho các nghiên cứu tiếp theo. Bài báo trình bày một số vấn đề cơ bản trong đánh giá tổng hợp phục vụ định
hướng phát triển các vùng biển, đảo xa bờ, áp dụng cho quần đảo Trường Sa, trong đó tập trung vào việc xây
dựng hệ thống phân loại cảnh quan biển khu vực nghiên cứu, phân tích các tiềm năng và hạn chế, các hợp phần
quan trọng cần được quan tâm trong quá trình đánh giá cũng như việc xây dựng hệ thống các chỉ tiêu và quy
trình đánh giá.
Từ khóa: Đánh giá tổng hợp, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan biển, quần đảo Trường Sa
MỞ ĐẦU
Nghiên cứu đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên,
tài nguyên thiên nhiên của một lãnh thổ cho mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa to lớn đối với
mọi quốc gia. Điều này đã được khẳng định trong
nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới và ở Việt
Nam. Tuy nhiên, lĩnh vực nghiên cứu này ở các vùng
biển, đảo ven bờ - về cả lý luận và thực tiễn - vẫn
đang tiếp tục phát triển và hoàn thiện. Một số công
trình nghiên cứu các vùng biển, đảo ven bờ Việt Nam
[2, 3] bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan.
Đối với các vùng biển, đảo xa bờ, công tác đánh giá
tổng hợp cho mục đích phát triển là vấn đề mới và
chưa thực sự được quan tâm nghiên cứu.
Trong nghiên cứu cảnh quan ứng dụng cho việc
sử dụng hợp lý lãnh thổ, bảo vệ môi trường hoặc
cho các mục tiêu quy hoạch phát triển kinh tế - xã
hội, vùng nghiên cứu thường được phân chia thành
các địa tổng thể hay các cảnh quan làm cơ sở để
đánh giá [1, 6, 8, 9]. Việc nghiên cứu lập các bản đồ
cảnh quan phục vụ công tác đánh giá tổng hợp đối
với các vùng lãnh thổ trên lục địa thường dựa vào
các hệ thống phân vị cảnh quan, hệ thống này là cơ
sở cho việc sắp xếp trật tự logic và liên kết các cảnh
quan. Đối với các vùng biển, đảo còn thiếu một hệ
thống phân vị thống nhất, do vậy, việc lập bản đồ
cảnh quan biển là hết sức khó khăn. Một vài công
trình nghiên cứu có đề cập đến việc xây dựng các hệ
thống phân vị trong phân vùng tự nhiên và phân loại
Cơ sở khoa học và phương pháp luận
325
cảnh quan áp dụng cho vùng biển [5, 7, 10, 13], song
cũng mới chỉ là bước đầu mang tính khái quát, gợi
mở và vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên
cứu và hoàn thiện.
Về phương pháp đánh giá, cũng phát triển từ
đơn giản đến phức tạp, từ đánh giá thành phần đến
đánh giá tổng hợp và được tiếp cận theo các khía
cạnh khác nhau: thích nghi sinh thái (mức độ thuận
lợi), hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng môi trường và ảnh
hưởng xã hội, trong đó đánh giá thích nghi sinh thái
của các địa tổng thể đối với các mục tiêu phát triển
được áp dụng rộng rãi hơn. Từ những năm 1980,
đặc biệt là từ 1990 đến nay, nghiên cứu tổng hợp và
toàn diện từ tự nhiên đến môi trường, kinh tế và xã
hội đã được xem xét trong nhiều công trình nghiên
cứu [3, 4, 9, 12]. Hiện nay, ngoài các phương pháp
truyền thống còn có nhiều phương pháp đánh giá
mới, hiện đại như: đánh giá đất của FAO; Phương
pháp tích hợp đánh giá đất tự động (ALES) và hệ
thông tin địa lý - GIS; Phương pháp phân tích nhân
tố Bài báo không đề cập đến phương pháp đánh
giá cụ thể mà chỉ trình bày một số vấn đề thuộc về
lý luận, nguyên tắc và các bước tiến hành của công
tác đánh giá.
CƠ SỞ KHOA HỌC ĐÁNH GIÁ TỔNG HỢP
TIỀM NĂNG QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA PHỤC
VỤ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Việc nghiên cứu cơ sở khoa học bao gồm
nghiên cứu cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn. Đối với
các vùng biển, đảo xa bờ như quần đảo Trường Sa,
nghiên cứu lý luận cần phải có một cách tiếp cận
mới về không gian, mặc dù có thể xuất phát từ
những nguyên tắc chung. Về cơ sở thực tiễn, quần
đảo Trường Sa ngoài vị thế địa kinh tế và địa chính
trị vô cùng quan trọng còn chứa đựng nhiều nguồn
tài nguyên phong phú, song, đây lại là nơi diễn ra
các tranh chấp chủ quyền của nhiều quốc gia, do
vậy, đánh giá tiềm năng của quần đảo ngoài mục
tiêu phát triển còn phải chú ý đến bảo vệ chủ quyền
quốc gia. Những nội dung nghiên cứu cơ sở khoa
học phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế -
xã hội của một lãnh thổ được thể hiện qua sơ đồ
dưới đây.
Hình 1. Sơ đồ nguyên tắc tiếp cận nghiên cứu cơ sở khoa học cho định hướng phát triển
[nguồn: Phạm Hoàng Hải và nnk, 2006] [3]
Những vấn đề lý luận
Sự phân hóa lãnh thổ thành các địa tổng thể
hay các cảnh quan là những đơn vị cơ sở trong
đánh giá tiềm năng lãnh thổ cho mục đích phát triển
Những nghiên cứu địa lý từ trước đến nay, tùy
thuộc vào thế mạnh của từng chuyên ngành đã đề
xuất và ứng dụng các phương pháp đánh giá khác
nhau. Nhìn chung, các phương pháp đánh giá được
đề xuất tùy theo các quan điểm tiếp cận: khoa học
về cảnh quan (Landscape Science), khoa học về lập
địa (Site Science) hay đơn vị đất đai (Land Unit).
Theo đó, đơn vị cơ sở dùng để đánh giá trong khoa
học cảnh quan là các địa tổng thể đầy đủ, trong đó
các hợp phần vô cơ và hữu cơ tác động qua lại lẫn
nhau bởi dòng vật chất và năng lượng. Còn đối với
đơn vị đất đai và đơn vị sinh thái cảnh (Site Unit)
được coi là các địa tổng thể không đầy đủ chỉ bao
gồm các thành phần riêng biệt, hoặc các bộ phận
của các thành phần có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Trên quan điểm tổng hợp, các đơn vị cảnh quan,
đơn vị đất đai, đơn vị sinh thái cảnh như những địa
tổng thể thường được sử dụng để nghiên cứu, đánh
giá các điều kiện tự nhiên cho mục đích sử dụng
hợp lý tài nguyên và bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên
giữa chúng có sự khác nhau cơ bản liên quan đến
hướng ứng dụng: cảnh quan có thể đánh giá cho
nhiều mục đích; còn đánh giá đơn vị đất đai và đơn
vị sinh thái cảnh chỉ phục vụ cho phát triển cây
trồng trong nông - lâm nghiệp [4].
Cơ sở khoa học
Cơ sở lý luận Cơ sở thực tiễn
Định hướng
Phương pháp luận
Các giải pháp
Trần Anh Tuấn
326
Như vậy, theo tiếp cận cảnh quan học, để đánh
giá tiềm năng lãnh thổ cho nhiều mục đích sử dụng
khác nhau, các nhà nghiên cứu đã phân lãnh thổ
nghiên cứu thành các địa tổng thể (diện, dạng địa lý,
cảnh quan tùy theo tỷ lệ) làm cơ sở đánh giá phục
vụ mục tiêu phát triển. Theo đó, đối tượng để đánh
giá cho các mục tiêu phát triển thực chất là các điều
kiện tự nhiên, các dạng tài nguyên thiên nhiên được
phản ánh qua các địa tổng thể - các cảnh quan hay
nhóm các cảnh quan khác nhau.
Khái niệm về cảnh quan biển
Cho đến nay, nghiên cứu cảnh quan đã được
thực hiện và áp dụng rộng rãi trên lục địa. Các
nghiên cứu về cảnh quan biển còn nhiều hạn chế do
tính đặc thù của biển so với lục địa trong việc tiếp
cận nghiên cứu và công tác khảo sát thực địa. Các
yếu tố hợp phần tạo nên cảnh quan trên lục địa và
trên biển có nhiều khác nhau nên việc áp dụng các
hệ thống phân vị trên lục địa trong việc phân loại
các cảnh quan biển đã và đang gặp rất nhiều khó
khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay cảnh quan
biển chưa hoặc không có các thuật ngữ thống nhất.
Do vậy, nghiên cứu cảnh quan biển trong giai đoạn
hiện nay được tiến hành với hai xu hướng chính:
Thứ nhất, nên phát triển các hệ thống phân vị riêng
về cảnh quan cho biển và hải đảo, xu hướng này
được phát triển mạnh ở các nước châu Âu trong
khoảng thời gian từ 2000 đến nay [11, 13, 14], hoặc
thứ hai, trong một chừng mực nào đó các hệ thống
phân vị trên lục địa có thể áp dụng đối với môi
trường biển [5, 7, 10].
Nghiên cứu của Roff và Taylor [13] đã đề xuất
việc sử dụng thuật ngữ ‘seascapes’ tương đương với
thuật ngữ ‘landscapes’ trên lục địa trong nghiên cứu
bảo tồn thiên nhiên biển ở Canada. Tiếp đến dự án
Thí điểm ở Vùng biển Ailen -The Irish Sea Pilot
[14], đã thông qua khái niệm ‘marine lansdcapes’
thay cho ‘seascapes’. Như vậy, việc tiếp cận cảnh
quan biển đã được chấp nhận và được thử nghiệm ở
Vùng biển Ailen rồi sau đó mở rộng cho toàn bộ
lãnh hải của nước Anh trong dự án UKSeaMap [11].
Tương tự như vậy, dự án MESH (Mapping
European Seabed Habitats) đã cải tiến việc phân loại
và lập bản đồ cho các vùng biển phía Tây Bắc của
châu Âu. Mục tiêu của các nghiên cứu này nhằm mô
tả môi trường biển trong mối quan hệ của các yếu tố
địa vật lý chính của cả đáy biển và khối nước phía
trên. Các nghiên cứu đã xác định ba nhóm chính của
cảnh quan biển [14]. Bao gồm:
Cảnh quan biển ven bờ (Coastal marine
landscape) là nơi đáy biển và khối nước phía trên có
sự liên kết chặt chẽ với nhau. Trong nhóm này, cảnh
quan biển được hiểu là cả đáy biển và khối nước
phía trên, ví dụ như các vịnh hẹp, các cửa song
Cảnh quan đáy biển (seabed marine
landscape) là những nơi đáy biển của các vùng biển
mở nằm ở cách xa bờ biển. Trong nhóm này cảnh
quan biển bao gồm cả đáy biển và lớp nước tiếp xúc
với nền đáy.
Cảnh quan khối nước (Water column marine
landscapes) của các vùng biển mở, trong nhóm này,
cảnh quan biển bao gồm các khối nước phía trên của
lớp nước tiếp xúc với nền đáy.
Hệ thống phân loại cảnh quan biển áp dụng cho
quần đảo Trường Sa
Nghiên cứu phân vùng tự nhiên và phân loại
cảnh quan trên vùng biển và hải đảo Việt Nam bước
đầu đã được thực hiện trong một số công trình
nghiên cứu. Tập thể tác giả Nguyễn Ngọc Khánh và
cộng sự [5] đã đề cấp đến hệ thống phân loại cảnh
quan Việt Nam ở tỷ lệ 1:1.000.000 (đất liền và biển)
với đầy đủ các cấp phân vị từ Hệ thống cảnh quan
đến Loại cảnh quan. Trong nghiên cứu này, ở cấp
kiểu cảnh quan và thấp hơn đã gặp những khó khăn
về chỉ tiêu phân loại đối với vùng biển. Một nghiên
cứu khác đáng chú ý là hệ thống phân loại cảnh
quan biển và hải đảo Việt Nam ở tỷ lệ nhỏ
1:1.000.000 của các tác giả Nguyễn Thành Long và
Nguyễn Văn Vinh [7] bao gồm 4 cấp là: Hệ, Lớp,
Phụ lớp và Kiểu cảnh quan. Với hệ thống phân loại
này, các tác giả bước đầu đã phân chia được 56 kiểu
cảnh quan thuộc 5 phụ lớp, 3 lớp và 1 hệ cảnh quan.
Nghiên cứu của Lê Đức An, 2009 trong cuốn Địa
chất và tài nguyên Việt Nam - Chương 2, Phần I
[10] đã phân vùng địa lý tự nhiên Việt Nam (cả đất
liền và biển) với bốn cấp phân vị chính là Xứ, Miền,
Khu và Vùng. Với tiếp cận này, tác giả đã phân chia
toàn bộ lãnh thổ Việt Nam gồm 2 xứ, 4 miền, 15
khu và 47 vùng địa lý tự nhiên. Trong đó, xứ Biển
Đông gồm hai miền là: Miền Bắc Biển Đông, nhiệt
đới đại dương gồm 5 khu và 12 vùng địa lý tự
nhiên; Miền Nam Biển Đông, á xích đạo đại dương
gồm 4 khu và 11 vùng địa lý tự nhiên. Phạm vi khu
vực quần đảo Trường Sa có 5 vùng địa lý tự nhiên
thuộc khu Trường Sa. Nghiên cứu ở nước ngoài có
thể kể đến công trình của của Roff và Taylor [13]
cho vùng biển Canada đã đề xuất một hệ thống phân
loại áp dụng cho cả khối nước biển cũng như đáy
Cơ sở khoa học và phương pháp luận
327
biển. Hệ thống này được chia thành năm cấp với
mỗi cấp sử dụng một hoặc một số chỉ tiêu nhất định.
Nhìn chung, các nghiên cứu ở Việt Nam được thực
hiện còn mang tính khái quát ở tỷ lệ nhỏ do điều kiện
các nguồn tài liệu còn ít ỏi. Kế thừa các nghiên cứu
trên, bài báo đề xuất một hệ thống phân loại cảnh
quan áp dụng cho quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên,
cũng như các nghiên cứu trước trong điều kiện tài
liệu còn hạn chế, hệ thống này cũng chỉ áp dụng cho
bản đồ ở tỷ lệ 1:1.000.000 với đơn vị cơ sở là cấp
kiểu cảnh quan và phân chia tương đối đầy đủ các
kiểu cảnh quan ở vùng biển nghiên cứu (hình 2).
Hình 2. Bản đồ cảnh quan đáy biển khu vực quần đảo Trường Sa
thu nhỏ từ tỷ lệ 1:1.000.000
Trần Anh Tuấn
328
Những vấn đề đặc thù khu vực quần đảo
Trường Sa cần quan tâm trong quá trình đánh giá
tổng hợp
Quần đảo Trường Sa là một vùng biển, đảo xa bờ
chịu sự chi phối và tác động trực tiếp của chế độ hải
dương. Do vậy, cần có những tiếp cận nghiên cứu mới
hơn so với trên lục địa cả những vấn đề về nguyên tắc,
phương pháp đánh giá, sự lựa chọn hệ thống các chỉ
tiêu đánh giá cũng như quy trình đánh giá. Trước hết,
sự khác biệt trong nghiên cứu, đánh giá cần nhấn mạnh
và chú trọng đến một số vấn đề sau đây:
Khi đánh giá tổng hợp tiềm năng quần đảo
Trường Sa cho các mục tiêu phát triển, trước hết,
cần phải xem xét một cách toàn diện không gian
theo chiều thẳng đứng bao gồm: 1) Lòng đất dưới
đáy biển: là nơi chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên
có giá trị, trong đó các tài nguyên dầu, khí và các
dạng khoáng sản. Đặc biệt, một nguồn năng lượng
mới được phát hiện gần đây là băng cháy (gas
hydrat) được xem là nguồn năng lượng thay thế cho
dầu mỏ trong tương lai. Đối với hợp phần này cần
phải nghiên cứu cấu trúc địa chất và tìm kiếm những
nơi có tiềm năng về dầu khí, khoáng sản cũng như
nghiên cứu điều kiện hình thành băng cháy để xác
định các khu vực có tiềm năng. 2) Đáy biển: là một
bộ phận quan trọng, tại đây hình thành những hệ
sinh thái đặc thù như hệ sinh thái san hô, cỏ biển,
các hệ sinh thái này là những môi trường sống lý
tưởng cho các loài sinh vật biển. Bên cạnh đó, đáy
biển cũng là nơi chứa đựng các dạng khoáng sản
biển sâu. Đánh giá đầy đủ tiềm năng đáy biển hết
sức quan trọng trong định hướng khai thác, xây
dựng các công trình biển cũng như định hướng bảo
tồn đa dạng sinh học biển. 3) Khối nước biển: có thể
được chuyển thành nước ngọt và là nguồn dữ trữ
nước ngọt vô cùng to lớn, nước biển còn dùng để
sản xuất muối sinh hoạt và công nghiệp. Bên cạnh
đó, các yếu tố môi trường nước biển như nhiệt độ,
độ muối, sóng và dòng chảy tạo nên môi trường
sống cho các loài sinh vật biển. Nghiên cứu và đánh
giá tổng hợp khối nước biển là cần thiết và quan
trọng để có thể tìm kiếm những ngư trường phục vụ
cho mục đích khai thác, đánh bắt. 4) Điều kiện tự
nhiên trên bề mặt biển: Cùng với ba hợp phần trên
tạo thành một không gian biển hoàn chỉnh. Các điều
kiện địa chất, địa hình, đất, thực vật, nước ngọt và
các yếu tố khí tượng như lượng mưa, gió, nhiệt độ
không khí trên đảo nổi là những điều kiện vô cùng
quan trọng đối với đời sống dân, quân trên đảo. Khi
đánh giá cần phải xem xét đến các yếu tố này nhằm
xác định mức độ thuận lợi hoặc bất lợi đối với việc
xây dựng, bố trí các công trình quân sự, cơ sở hạ
tầng trên đảo, hoặc cho mục đích phát triển ngành
dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, kết
quả đánh giá các điều kiện này cho phép có những
quyết định hợp lý về vấn đề di dân ra quần đảo
Trường Sa.
Về cấu trúc ngang không gian biển, khác với
các lãnh thổ trên đất liền có sự liên kết với nhau
bằng giao thông đường bộ thì tại quần đảo Trường
Sa giữa các đơn vị hành chính như các xã đảo hoặc
các cụm đảo và các đảo hoặc toàn thể quần đảo so
với đất liền được ngăn cách với nhau bằng một vùng
nước rộng lớn cách nhau hàng chục đến hàng trăm
hải lý. Sự gắn kết và giao tiếp bên trong phạm vi
quần đảo cũng như quần đảo với đất liền và các
vùng khác là môi trường nước nhạy cảm và nhiều
biến động. Đây là những hạn chế rất lớn và rất đặc
thù cho một vùng biển, đảo cần được xem xét trong
quá trình đánh giá.
Cùng với các đặc thù về điều kiện tự nhiên và
tài nguyên như đã đề cập, các rủi ro hoặc các dạng
tai biến tự nhiên mang tính chất đặc thù của biển
thường xuyên xảy ra như: sóng to, gió lớn, bão và
áp thấp nhiệt đới, giông tố, lốc xoáy, sóng thần
Đây là những yếu tố bất lợi cần phải đề cập trong
việc đánh giá tổng hợp tiềm năng khu vực quần đảo
Trường Sa để từ đó có thể xác định các khu vực
thuận lợi hoặc thời gian thuận lợi (theo tháng hoặc
mùa) cho vấn đề giao thông, khai thác và đánh bắt
trên biển, đặc biệt trong việc tìm kiếm các khu vực
neo đậu tàu thuyền tránh bão, gió.
Định hướng phát triển khu vực quần đảo Trường
Sa nên tập trung vào các ngành kinh tế gắn với biển
như: khai thác dầu, khí và các khoáng sản biển; khai
thác và đánh bắt hải sản; xây dựng các công trình trên
biển; giao thông và dịch vụ hàng hải; xây dựng các khu
bảo tồn thiên nhiên biển và trong giới hạn cho phép có
thể đề cập đến ngành du lịch và vấn đề di dân. Các
ngành sản xuất, kinh tế khác như nông nghiệp, lâm
nghiệp chỉ mang ý nghĩa tận dụng khai thác tài nguyên,
bảo vệ môi trường sinh thái trên các đảo nổi với diện
tích không lớn, do vậy ở khía cạnh phát triển kinh tế
biển khu vực quần đảo Trường Sa, các ngành kinh tế
này không phải là những ngành chủ đạo.
Bên cạnh các mục tiêu phát triển các ngành
kinh tế biển, cần thiết phải đánh giá cho mục đích an
ninh quốc phòng, chủ quyền trên quần đảo Trường
Sa. Ngoài các tiêu chí về vị thế chiến lược của quần
Cơ sở khoa học và phương pháp luận
329
đảo này trên biển Đông, các yếu tố về điều kiện tự
nhiên, tài nguyên cũng cần được xem xét để đánh
giá về mức độ ảnh hưởng của chúng đối với các
hoạt động quân sự trên biển để đảm bảo các mục
tiêu an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển hài hòa
với các mục tiêu về phát triển kinh tế.
Những vấn đề thực tiễn
Lợi thế, hạn chế và đặc điểm phân bố các đảo,
đá, bãi cạn và bãi ngầm là những yếu tố có vai trò
lớn quyết định đến sự phát triển khu vực quần đảo
Trường Sa
Trong Biển Đông, quần đảo Trường Sa án ngữ
một vị trí trọng yếu của tuyến hàng hải quốc tế cực
kỳ quan trọng trong phát triển thương mại và mở
rộng giao lưu quốc tế. Ngoài ra, vùng biển này là
nơi chứa đựng nguồn tài nguyên quan trọng như dầu
khí, các loại khoáng sản biển, tài nguyên sinh vật
biển và là địa điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo,
tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn
quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Việt
Nam, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước, tạo
thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn
và đẩy lùi các hoạt động xâm chiếm của các thế lực
bên ngoài. Với nhiều tiềm năng to lớn như vậy, song
quần đảo Trường Sa cũng là một khu vực nhạy cảm
và bị tác động của nhiều yếu tố, trong đó các tai
biến tự nhiên thường xuyên xảy ra, đe dọa đến tài
sản và con người hoạt động trong vùng biển này.
Đặc biệt, đây là nơi xảy ra tranh chấp chủ quyền của
nhiều quốc gia trong khu vực, nên đã cản trở không
ít đến các hoạt động phát triển kinh tế của vùng
cũng như cả nước.
Hình 3. Sơ đồ phân bố các cụm đảo thuộc quần đảo Trường Sa
Theo các tài liệu nghiên cứu hiện có, quần đảo
Trường Sa có khoảng 146 địa danh đảo, đá, bãi cạn
và bãi ngầm. Trong tổng số đó có 17 đảo thường
xuyên nổi trên mặt nước, có người ở, cây cối và các
công trình quân sự và dân sự, còn lại là các đá và
bãi ngầm, đa số là nửa nổi nửa chìm, các đá và bãi
ngầm nổi lên mặt nước khi thủy triều xuống thấp.
Quần đảo Trường Sa được chia thành 8 cụm đảo
Trần Anh Tuấn
330
(hình 3) bao gồm: Cụm Song Tử, cụm Thị Tứ, cụm
Loại Ta, cụm Nam Yết, cụm Sinh Tồn, cụm Trường
Sa, cụm Thám Hiểm và cụm Bình Nguyên.
Chính sách phát triển kinh tế biển của Việt Nam
là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển
quần đảo Trường Sa
Với tiềm năng về lợi thế cũng như thực trạng
phát triển và yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh
tế biển đã được Đảng và Nhà nước ta chỉ ra trong
nhiều văn bản quan trọng. Trong đó, Nghị quyết của
Bộ Chính trị số 03-NQ/TW "Về một số nhiệm vụ
phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt",
ngày 6 tháng 5 năm 1993 đã khẳng định: “tiến ra
biển trở thành một hướng phát triển của loài người,
một chiến lược lâu dài của nhiều nước trên thế giới”
và “Trở thành một nước mạnh về biển là mục tiêu
chiến lược xuất phát từ yêu cầu và điều kiện khách
quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam”. Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị
ban hành ngày 22/9/1997 về đẩy mạnh phát triển
kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại
hóa. Cùng với việc tiếp tục nhấn mạnh chủ trương
lớn xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về
biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo,
ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước.
Để tiếp tục phát huy các tiềm năng của biển
trong thế kỷ XXI, Hội nghị lần thứ tư ban Chấp
hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị
quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược
biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh
"Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại
dương”. Quan điểm chỉ đạo được nêu trong phần
định hướng Chiến lược biển Việt Nam đến năm
2020 là "nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về
biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm
năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề
biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ
phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm
nhìn dài hạn".
Qua một số văn kiện quan trọng cho thấy, phát
triển kinh tế biển là nhu cầu cấp thiết trong giai
đoạn hiện nay. Việc nghiên cứu đánh giá tổng hợp
điều kiện tự nhiên và tài nguyên cho các mục tiêu
phát triển là nhiệm vụ quan trọng cần phải nghiên
cứu để có cơ sở khoa học đề xuất các định hướng
phát triển cụ thể.
HỆ THỐNG CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ VÀ CÁC
BƯỚC THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ
Các nhóm chỉ tiêu cụ thể áp dụng trong đánh giá
tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên cho mục
đích phát triển quần đảo Trường Sa
Việc lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá phải phản
ánh được tính chất đặc trưng của các hợp phần tự
nhiên, tài nguyên hay kinh tế - xã hội của lãnh thổ
nghiên cứu thông qua các địa tổng thể hay các cảnh
quan đã nghiên cứu trước đó. Đối với quần đảo
Trường Sa, các nhóm chỉ tiêu áp dụng trong đánh
giá bao gồm:
Vị thế: Các thông tin từ việc đánh giá tiềm
năng vị thế có ý nghĩa to lớn trong việc tổ chức, quy
hoạch và định hướng phát triển kinh tế, đặc biệt
trong vấn đề bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia.
Quần đảo Trường Sa với hàng trăm đảo, đá và bãi
ngầm phân bố rải rác, mặc dù các đảo nổi với diện
tích rất nhỏ nhưng do cách xa đất liền nên giá trị vị
thế của nó càng tăng cao vì đó là những vị trí chiến
lược trong kiểm soát các tuyến đường biển, bố trí hệ
thống hải đăng, đặt các trạm quan trắc và các điểm
neo đậu của tàu thuyền trong quá trình di chuyển
qua vùng biển này. Trong hệ thống chỉ tiêu này, cần
đề cập đến vị trí địa lý, đặc trưng phân bố và mối
quan hệ của các đảo, đá, bãi ngầm hoặc các cụm
đảo, đá, bãi ngầm cũng như toàn bộ quần đảo đối
với dải ven biển Việt Nam.
Khoảng cách với đất liền: Về nguyên tắc,
vùng biển, đảo nào càng gần đất liền, càng gần các
vùng kinh tế trọng điểm thì càng có khả năng phát
triển mạnh. Do khoảng cách di chuyển ngắn từ đất
liền ra sẽ có lợi thế trong việc thông thương hàng
hóa, dịch vụ, truyền tải điện, thông tin, nước ngọt và
các vấn đề giáo dục, y tế, du lịch, giải trí
Sức chứa và điều kiện môi trường: Tiêu chí
này nói lên khả năng đáp ứng về điều kiện tự nhiên
và tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội. Khả
năng này có vai trò hết sức quan trọng và quyết định
các định hướng và quy mô phát triển các ngành kinh
tế. Phân tích sức chứa và điều kiện môi trường khu
vực quần đảo Trường Sa có ý nghĩa quan trọng
nhằm xác định giới hạn cao nhất có thể trong việc
khai thác và sử dụng điều kiện tự nhiên, tài nguyên
cho các mục đích phát triển, đặc biệt đối với tiềm
năng phát triển du lịch chưa được khai thác và điều
kiện di dân ra các đảo của một khu vực nhạy cảm
như quần đảo Trường Sa.
Mức độ thuận tiện và an toàn giao thông trên
biển: là một trong những tiêu chí thúc đẩy sự phát
triển đối với các khu vực biển đảo xa bờ. Ngoài các
phương tiện tàu thuyền của các nước di chuyển qua
vùng biển này còn phải kể đến một số lượng lớn tàu
Cơ sở khoa học và phương pháp luận
331
của Việt Nam trong đó có nhiều tàu đánh bắt xa bờ
của ngư dân ven biển. Việc đảm bảo được mức độ
thuận tiện và an toàn giao thông trên biển sẽ đảm
bảo được tính mạng và tài sản của những người đi
biển. Tiêu chí này phụ thuộc nhiều vào địa hình đáy
biển, các luồng lạch ra vào cảng, các bến đỗ và nơi
neo đậu tránh bão và gió to, sóng lớn; các đèn tín
hiệu, hải đăng được xây dựng trên các đảo nổi, các
đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa; các điều
kiện khí tượng, hải văn vùng biển giữa các đảo và
giữa quần đảo với đất liền.
Chỉ tiêu về điều kiện tự nhiên: được xem xét
chủ yếu tại các khu vực ngập nước trong đó các điều
kiện tự nhiên thuộc phạm vi đáy biển, lòng đất dưới
đáy biển và các yếu tố vật lý hải dương được cân
nhắc đánh giá cho từng mục tiêu phát triển. Tuy
nhiên, các điều kiện tự nhiên trên đảo có ý nghĩa vô
cùng lớn đối với cuộc sống của dân quân trên đảo,
mặc dù các đảo này có diện tích nhỏ. Khi xây dựng
tiêu chí về điều kiện tự nhiên cần có sự thống nhất
các chỉ tiêu trên đảo nổi và dưới biển để có được độ
đồng nhất tương đối của các tiêu chí cho hai phụ hệ
thống biển và đảo.
Chỉ tiêu về tiềm năng tài nguyên: Tiềm năng
tài nguyên khu vực quần đảo Trường Sa chủ yếu
được khai thác dưới biển. Tài nguyên trên các đảo
không lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng như nước
ngọt, đất, khí hậu. Nguồn tài nguyên quan trọng là
các nguồn lợi hải sản như cá, tôm, thân mềm, rong
biển và các nguồn lợi sinh vật khác; nguồn tài
nguyên rất có giá trị khác là các khoáng sản biển
sâu, tài nguyên lòng đất dưới đáy biển như dầu khí
được đánh giá là rất có tiềm năng ở khu vực quần
đảo Trường Sa. Bên cạnh đó các nguồn tài nguyên
năng lượng mặt trời, gió mới bắt đầu được khai thác
trên vùng biển này cùng với tài nguyên du lịch chưa
được khai thác là những tài nguyên có tiềm năng lớn
cần được đưa vào đánh giá.
Chỉ tiêu về mức độ rủi ro và tai biến tự nhiên:
Mức độ rủi ro và các tai biến tự nhiên được xem là
những chỉ tiêu giới hạn trong quá trình đánh giá
tổng hợp điều kiện tự nhiên và tài nguyên phục vụ
phát triển. Mức độ rủi ro ở đây là điều kiện sóng,
gió thường xuyên, các đảo nhỏ nằm cách xa bờ, đặc
biệt là các hệ sinh thái biển dễ bị tác động và dễ bị
tổn thương. Các tai biến tự nhiên trên biển cũng
thường xuyên xảy ra và gây ra những thiệt hại vô
cùng lớn. Các loại hình tai biến này làm ngăn cản
thậm chí kéo lùi sự phát triển, điển hình là giông,
bão, áp thấp nhiệt đới và lốc xoáy; động đất, sóng
thần; nước dâng; xói lở.
Trên đây là các nhóm chỉ tiêu cụ thể được áp
dụng cho quá trình đánh giá, tuy nhiên đối với mỗi
lĩnh vực hoạt động phát triển sẽ lựa chọn một số chỉ
tiêu trong số các nhóm đã nêu làm cơ sở đánh giá.
Các lựa chọn cụ thể phải dựa vào những phân tích
kỹ càng về lợi thế, hạn chế và điều kiện sinh thái
của từng hoạt động phát triển.
Nội dung các bước tiến hành đánh giá
Đúc kết kinh nghiệm từ các nghiên cứu lý luận
và thực tiễn cho thấy đánh giá tổng hợp bao gồm
các nội dung được thực hiện theo các giai đoạn sau:
Giai đoạn chuẩn bị
Là một giai đoạn khởi đầu quan trọng, trước hết
người nghiên cứu cần xác định rõ mục tiêu, đối tượng
và nội dung nghiên cứu. Đối với quần đảo Trường
Sa, trong giai đoạn này cần phải có hiểu biết nhất
định về khu vực nghiên cứu, các điều kiện tự nhiên
và tài nguyên, ngoài ra cần hiểu rõ các nguồn tài liệu
hiện có, vì việc khảo sát để thu thập và bổ sung tài
liệu mới ở đây là hết sức khó khăn và tốn kém. Thực
hiện tốt những nội dung nêu trên sẽ là tiền đề quan
trọng trong xây dựng kế hoạch nghiên cứu chi tiết.
Giai đoạn thu thập, tổng hợp và phân tích
thông tin
Trong giai đoạn này các dữ liệu cần thiết về khu
vực nghiên cứu được thu thập bằng các nghiên cứu
khảo sát ngoài thực địa và trong phòng. Các nguồn
dữ liệu thu thập được phân chia thành ba nhóm chính
bao gồm: nhóm dữ liệu điều kiện tự nhiên; nhóm dữ
liệu về tài nguyên và nhóm dữ liệu về tai biến tự
nhiên. Các nguồn dữ liệu cần được tổng hợp và xây
dựng thành cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu.
Sau khi thu thập được các dữ liệu cần thiết, các
bước nghiên cứu chủ yếu được thực hiện là:
Nghiên cứu sự phân hóa lãnh thổ: được tiến
hành thông qua việc xây dựng bản đồ cảnh quan
biển (bao gồm cảnh quan đáy biển và cảnh quan
khối nước) cho khu vực quần đảo Trường Sa. Bản
đồ cảnh quan biển là cơ sở phục vụ đánh giá tổng
hợp cho các mục tiêu phát triển.
Phân tích hiện trạng: Nhiệm vụ này được tiến
hành song song với quá trình nghiên cứu sự phân hóa
không gian lãnh thổ, vì nó có quan hệ và có ý nghĩa
quan trọng đối với việc xây dựng bản đồ cảnh quan.
Việc phân tích cho thấy rõ những thuận lợi và hạn
chế vốn có của khu vực nghiên cứu đối với các hoạt
động phát triển đang diễn ra, đồng thời, trên cơ sở
Trần Anh Tuấn
332
phân tích đó có thể định hình được các tiêu chí đánh
giá phục vụ cho giai đoạn nghiên cứu tiếp theo.
Giai đoạn đánh giá tổng hợp
Đây là quá trình xác định mức độ thích nghi hay
sự phù hợp của các yếu tố tự nhiên hay các địa tổng
thể và các yếu tố tài nguyên đối với các hoạt động
phát triển.
Hình 4. Sơ đồ tóm tắt nội dung các bước
tiến hành đánh giá
Tính thích nghi có thể được đánh giá theo điểm
dựa vào nhu cầu sinh thái của các loại hình sử dụng
và tiềm năng của các địa tổng thể. Trong giai đoạn
này, các nội dung chính cần thực hiện là:
Thống kê đặc trưng của các địa tổng thể: Dựa
vào các kết quả nghiên cứu thành lập bản đồ cảnh
quan biển, cần lập bảng thống kê về tính chất của
các địa tổng thể. Khi lập bảng thống kê, cần thiết
phải phân tích, so sánh và đặc biệt chú ý đến các đặc
trưng của các địa tổng thể thể hiện mối liên hệ với
các nhu cầu sinh thái, yêu cầu kỹ thuật của các đối
tượng nghiên cứu dự kiến phát triển trong phạm vi
nghiên cứu (các dạng sử dụng hay hoạt động phát
triển). Ngay trong quá trình lập bảng, có thể sơ bộ
đánh giá được tiềm năng lãnh thổ cho các mục tiêu
phát triển.
Xác định nhu cầu sinh thái của các hoạt động
phát triển: Mỗi dạng sử dụng cảnh quan hay mỗi
một hoạt động phát triển đều yêu cầu một tập hợp
các điều kiện sinh thái nhất định. Nhu cầu sinh thái
có thể được rút ra từ các nghiên cứu, tuy nhiên, cần
được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với điều
kiện tự nhiên của khu vực. Tùy từng tỷ lệ nghiên
cứu khác nhau mà mức độ chi tiết về nhu cầu sinh
thái khác nhau: tỷ lệ càng lớn thì yêu cầu càng chi
tiết [4]. Các điều kiện sinh thái chính là cơ sở để lựa
chọn và phân cấp chỉ tiêu đánh giá.
Lựa chọn và xây dựng các chỉ tiêu đánh giá:
Trên cơ sở các đặc trưng của địa tổng thể và nhu cầu
sinh thái của các dạng sử dụng tiến hành lựa chọn
các chỉ tiêu phản ảnh những tính chất của địa tổng
thể có ảnh hưởng nhất và thực sự cần thiết nhất đối
với chủ thể đánh giá là các hoạt động phát triển.
Việc lựa chọn các chỉ tiêu cần được tuân thủ ba
nguyên tắc sau: 1) chỉ tiêu lựa chọn cần có sự phân
hóa rõ rệt trong không gian ở tỷ lệ nghiên cứu; 2)
chỉ tiêu lựa chọn phải phản ánh mối quan hệ và có
ảnh hưởng rõ rệt lên chủ thể nghiên cứu (các dạng
sử dụng); 3) số lượng các chỉ tiêu lựa chọn phải ít
hơn hoặc bằng số lượng các tính chất của địa tổng
thể đã biết [4]. Bước tiếp theo trong quá trình này là
xác định các chỉ tiêu giới hạn, khi một địa tổng thể
chứa dựng yếu tố giới hạn thì nó bị liệt vào hạng địa
tổng thể bất lợi mặc dù các yếu tố khác của địa tổng
thể đó có thể là tốt hoặc trung bình.
Đánh giá tổng hợp: bao gồm các quá trình
sau: 1) đánh giá thành phần hay còn gọi là đánh giá
riêng: quá trình này cần thiết phải xây dựng một
thang điểm đánh giá, sau đó thực hiện đánh giá
riêng dựa trên cơ sở so sánh các đặc trưng của từng
địa tổng thể với thang điểm đánh giá đã xây dựng.
2) đánh giá chung là đánh giá địa tổng thể theo từng
dạng hoạt động phát triển (hay dạng sử dụng).
Trong quá trình này người ta thường sử dụng các
phương pháp tính điểm trung bình cộng hoặc trung
bình nhân của các điểm đánh giá thành phần có tính
đến trọng số của các chỉ tiêu đánh giá. 3) cuối cùng
là đánh giá tổng hợp thích nghi sinh thái hay đánh
giá mức độ thích nghi (phù hợp) của các địa tổng
thể đối với tất cả các chủ thể nghiên cứu với mục
tiêu lựa chọn các địa tổng thể phù hợp nhất với từng
mục tiêu phát triển cụ thể. Kết quả cuối cùng được
thể hiện trên bản đồ đánh giá.
Giai đoạn kiến nghị sử dụng
Trong giai đoạn này các kết quả đánh giá cần
được miêu tả và phân tích từ đó kiến nghị các định
hướng sử dụng hợp lý lãnh thổ và các giải pháp quản
lý phù hợp đối với khu vực quần đảo Trường Sa.
Cơ sở khoa học và phương pháp luận
333
KẾT LUẬN
Cho đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên
cứu từ lý thuyết đến việc áp dụng vào thực tiễn
trong lĩnh vực đánh giá tổng hợp tiềm năng lãnh thổ
phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù đã đạt
được nhiều thành tựu to lớn, song đối các vùng biển,
đảo xa bờ của Việt Nam, công tác này hầu như chưa
được quan tâm nghiên cứu.
Nghiên cứu bước đầu đã đề xuất một hệ thống
phân loại cảnh quan đáy biển áp dụng cho khu vực
quần đảo Trường Sa ở tỷ lệ 1:1000.000 với 28 kiểu
cảnh quan, 6 phụ lớp cảnh quan, hai lớp cảnh quan
và 1 phụ hệ cảnh quan thuộc Hệ thống cảnh quan
biển nhiệt đới gió mùa Việt Nam. Nghiên cứu cũng
đã nêu được một số vấn đề đặc thù khu vực quần
đảo Trường Sa cần quan tâm trong quá trình đánh
giá tổng hợp và bước đầu đề xuất một số nhóm chỉ
tiêu cụ thể áp dụng trong đánh giá tổng hợp điều
kiện tự nhiên, tài nguyên cho mục đích phát triển
quần đảo Trường Sa. Bên cạnh đó là quy trình đánh
giá áp dụng cho quần đảo Trường Sa nói riêng và
các vùng biển, đảo xa bờ của Việt Nam nói chung.
Trong Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa án ngữ những khu vực biển trọng yếu
trong việc kiểm soát các tuyến đường biển và có vị
thế chiến lược trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên
biển, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên
liệu cho tàu bè, khai thác tài nguyên ... Đánh giá
được đầy đủ tiềm năng tự nhiên của các vùng biển
này sẽ góp phần to lớn trong việc phát triển nền kinh
tế đất nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần phải
nghiên cứu để có cơ sở khoa học đề xuất các định
hướng phát triển cụ thể.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Hoàng Hải, Nguyễn Thượng Hùng, Nguyễn
Ngọc Khánh, 1997. Cơ sở cảnh quan học vủa việc
sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi
trường lãnh thổ Việt Nam. Nxb. Giáo dục. Hà Nội.
149 tr.
2. Phạm Hoàng Hải, 2006. Phân vùng sinh thái cảnh
quan dải ven biển Việt Nam để sử dụng hợp lý tài
nguyên, bảo vệ môi trường. Tạp chí Các khoa học
về trái đất. 1 (T. 28)/2006, Hà Nội. Tr. 34-42.
3. Phạm Hoàng Hải và nnk, 2006. Đánh giá tổng
hợp tiềm năng tự nhiên, kinh tế - xã hội; thiết lập
cơ sở khoa học và các giải pháp phát triển kinh tế -
xã hội bền vững cho một số huyện đảo. Tuyển tập
các kết quả chủ yếu của chương trình: Điều tra cơ
bản và nghiên cứu ứng dụng công nghệ biển (Mã
số KC.09), quyển IV , Hà Nội. Tr. 159-277.
4. Nguyễn Cao Huần, 2005. Đánh giá cảnh quan
(theo tiếp cận kinh tế sinh thái). Nxb. Đại học
Quốc gia Hà Nội. Hà Nội. 178 tr.
5. Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Cao Huần, Phạm
Hoàng Hải, 1996. Nghiên cứu các đơn vị phân
loại cảnh quan Việt Nam tỷ lệ 1:1.000.000 (đất
liền và biển). Tạp chí Khoa học, ĐH QGHN,
Chuyên san Địa lý, số kỷ niệm 30 năm ngành
Địa lý, Hà Nội. Tr 15-21.
6. Nguyễn Thành Long (chủ biên) và nnk, 1993.
Nghiên cứu xây dựng bản đồ cảnh quan các tỷ lệ
trên lãnh thổ Việt Nam. Xí nghiệp in Viện KHVN,
Hà Nội. 90 tr.
7. Nguyễn Thành Long, Nguyễn Văn Vinh, 2012.
Bước đầu phân loại cảnh quan biển và hải đảo
Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị khoa học Địa lý
toàn quốc lần thứ 6, Huế 30/9/2012. Nxb.
KHTN&CN, Hà Nội. Tr. 107-115.
8. Mai Trọng Thông, Nguyễn Trọng Tiến, Huỳnh
Nhung, 1994. Ứng dụng phương pháp đánh giá
tổng hợp các đơn vị tự nhiên trong công tác quy
hoạch và tổ chức lãnh thổ. Tuyển tập các công
trình nghiên cứu địa lý. Nxb. KH&KT, Hà Nội.
Tr. 124 -133.
9. Phạm Quang Tuấn, 2003. Nghiên cứu, đánh giá
điều kiện sinh thái cảnh quan phục vụ định
hướng phát triển cây công nghiệp dài ngày và
cây ăn quả khu vực Hữu Lũng - tỉnh Lạng Sơn.
Luận án tiến sĩ địa lý, Hà Nội. 174 tr.
10. Trần Văn Trị, Vũ Khúc (đồng chủ biên) và nnk,
2009. Địa chất và tài nguyên Việt Nam. Nxb.
KHTN&CN, Hà Nội. 590 tr.
11. Connor D. W., Gilliland P. M., Golding N,
Robinson P., Todd D., & Verling, E, 2006.
UKSeaMap: the mapping of seabed and water
column features of UK seas. Joint Nature
Conservation Committee, Peterborough.
12. FAO, 1993. Guidelines for land use planning.
Development Series 1, FAO, Rome. 96 p.
13. Roff, JC, & Taylor, M E, 2000. Viewpoint;
National frameworks for marine conservation -
a hierarchical geophysical approach. Aquatic
Conserv: Mar. Freshw. Ecosyst. 10, p. 209-223.
14. Vincent, M A, Atkins, S, Lumb, C M, Golding,
N, Lieberknecht, L M and Webster, M, 2004.
Marine nature conservation and sustainable
development - the Irish Sea Pilot. Report to
Defra by the Joint Nature Conservation
Committee, Peterborough.
Trần Anh Tuấn
334
THE SCIENTIFIC BASIS AND METHODOLOGY FOR
INTEGRATED ASSESSMENT OF NATURAL CONDITIONS
AND RESOURCES FOR ORIENTATION OF THE
DEVELOPMENT OF OFFSHORE WATERS AND ISLANDS,
APPLY TO TRUONG SA ARCHIPELAGO
Tran Anh Tuan
Institite of Marine Geology and Geophysics-VAST
ABSTRACT: The integrated assessment of natural conditions and resources to orient for the development
of offshore waters and islands is a new field of research that has not been much interested in Vietnam. First of
all, due to the characteristics of offshore waters and islands, applying the assessment process and methods that
was carried out successfully on the territory is also difficult for these sea areas. The study of the scientific basis
and methodology of integrated assessment of natural conditions and resources to orient for the development of
offshore waters and islands should be done first to create a favorable premise for further researches. This
paper presents some fundamental issues in integrated assessment to orient for the development of offshore
waters and islands, apply to Truong Sa archipelago, in which focus on establishing of the system of marine
landscape classification for study area, analyzing of potentials, limitations and important components of the
Truong Sa archipelago that should be considered in the assessment process as well as the establishment of a
system of criteria and assessment process.
Keywords: Integrated assessment, natural conditions, natural resources, marine landscape, Truong Sa
archipelago
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 3540_11977_1_pb_4389_2079602.pdf