Đào tạo nghề cho thanh niên – giải pháp ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh

Xây dựng, hợp tác giữa các bên Thứ nhất, xây dựng mạng lưới hợp tác, phối hợp thực hiện đào tạo nguồn nhân lực kinh tế biển dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa sở, ngành, Ban Quản lí Khu kinh tế, Ban Quản lí Cảng cá tỉnh Trà Vinh với các cơ sở đào tạo nghề xây dựng kế hoạch chiến lược đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế biển cho từng lĩnh vực. Chương trình đào tạo, số lượng lao động theo từng cấp độ từ sơ cấp đến cao đẳng cần thể chế hóa những con số đạt được, mục tiêu đặt ra theo từng năm. Thứ hai, lồng ghép các tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, các hiệp hội chuyên ngành, các nhà khoa học để đánh giá kết quả đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng khoa học kĩ thuật trong giáo dục đào tạo nghề. Đánh giá kết quả tác động của việc đào tạo nghề, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế biển theo từng lĩnh vực tại các huyện, thị trong tỉnh Trà Vinh. Thứ ba, nâng cao năng lực các trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại địa phương, tuyển dụng giáo viên cơ hữu, đội ngũ cán bộ quản lí, phối hợp chặt chẽ với trường đại học, cao đẳng nghề, các hợp tác xã nhằm chủ động trong việc huy động đội ngũ giáo viên thỉnh giảng. Tổ chức khảo sát người học nhằm kịp thời điều chỉnh nâng cao chất lượng đào tạo nghề, theo dõi, thống kê, quản lí, đánh giá kết quả thực hiện.

pdf8 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 312 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đào tạo nghề cho thanh niên – giải pháp ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 203 ĐÀO TẠO NGHỀ CHO THANH NIÊN – GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỈNH TRÀ VINH VOCATIONAL TRAINING FOR YOUNG PEOPLE – SOLUTION OF TECHNOLOGY APPLICATION AND TRANSFER FOR DEVELOPING MARINE ECONOMY IN TRA VINH PROVINCE ThS. Nguyễn Thị Mến1 Tóm tắt: Bài viết phân tích tình hình đào tạo nghề cung cấp nguồn nhân lực phát triển kinh tế biển của tỉnh Trà Vinh. Trong đó, việc thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề là giải pháp nhanh chóng tạo nên một lực lượng lao động có kĩ thuật ở ngay nông thôn, ngư trường, góp phần vào thị trường lao động kinh tế biển. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉnh Trà Vinh đã sử dụng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực tài chính từ các dự án, cùng với sự đầu tư mang tính chiến lược và đồng bộ trong công tác đào tạo nghề cho người dân vùng nông thôn, ngư dân tỉnh Trà Vinh. Bài viết đề xuất một số giải pháp vận dụng những điều kiện thuận lợi, khắc phục những khó khăn, kết hợp nhiều hình thức đào tạo, phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức, liên kết trong và ngoài tỉnh để phát triển đào tạo nghề gắn liền với phát triển kinh tế biển, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới hiện nay. Từ khóa: đào tạo nghề, kinh tế biển, nguồn nhân lực, tỉnh Trà Vinh Abstract: This paper analyzes the situation of vocational training providing human resources for developing marine economy in Tra Vinh Province. Accordingly, the implementation of vocational training development strategy is a prompt solution to create a technical competence labor force in rural and fishing areas, which contributes to the marine economic labor market. The research results show that the effective use of financial resources from the projects, along with the strategic and synchronized investment in vocational training for rural people, fishermen of Tra Vinh Province. Thereby, the paper proposes some solutions to take advantage of favorable conditions, overcome difficulties, combine various forms of training, and coordinate with many domestic and external agencies, organizations for developing vocational training associated with the development of marine economy in order to meet the requirements of the international integration context nowadays. Keywords: human resource, marine economy, vocational training, Tra Vinh Province 1 Trường Đại học Trà Vinh; Email: nguyenmen20@tvu.edu.vn DOI: 10.35382/18594816.1.4.2020.419 Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 204 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trà Vinh là tỉnh có vị trí quan trọng trong chiến lược biển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là địa phương có chiều dài bờ biển hơn 65 km, có hai cửa sông quan trọng là Cung Hầu và Định An, dân số hơn 1,28 triệu người [1]. Tỉnh Trà Vinh là một trong những địa phương thuộc vùng công nghiệp phía Tây Nam được xác định phát triển, bố trí các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, điện tử và công nghiệp phụ trợ. Đồng thời, tỉnh Trà Vinh là trung tâm về giao thông vận tải thủy, bộ của khu vực ĐBSCL và là cửa ngõ xuất nhập khẩu của vùng, thuận lợi trong vận chuyển, tập kết hàng hóa, nguyên liệu; Khu kinh tế Định An có cảng biển, khu phi thuế quan, kho vận logistics, sân bay vừa đáp ứng nhu cầu xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến hàng hóa vừa phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, giao thương của doanh nghiệp, các chuyên gia, người lao động [2]. Xác định tầm quan trọng và tiềm năng kinh tế biển, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trương ương Đảng khóa XII đề ra Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, trong đó Đảng ta xác định: “Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển”; “phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao” [3] là khâu đột phá chủ yếu để triển khai thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. A. Smith (1723-1790), C. Mác (1818-1883) đã phản ánh trong lí thuyết kinh tế của mình về kinh tế biển, tạo điều kiện để sử dụng nguồn nhân lực, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Nguồn nhân lực là tổng thể về số lượng và chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực, những phẩm chất đạo đức, sức sáng tạo được xã hội đã, đang và sẽ huy động vào quá trình lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội. Nguồn nhân lực được, đã qua đào tạo là một yếu tố tiềm năng, một đầu vào tạo nên các hoạt động kinh tế của mỗi tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, mỗi vùng và rộng hơn là quốc gia [4]-[5]. Trà Vinh là một trong 28 tỉnh, thành phố của Việt Nam có biển, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Tỉnh Trà Vinh có luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Điều này đã tạo cho tỉnh Trà Vinh nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển và giao lưu quốc tế. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển trong điều kiện hội nhập quốc tế ở tỉnh Trà Vinh khá dồi dào. Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh năm 2018, lực lượng lao động trong độ tuổi có khả năng lao động thông qua đào tạo là 380.035 người (trong đó, kết quả tuyển sinh và đào tạo nghề 19.432 người; cao đẳng đạt 1.297 người, trung cấp đạt 502 người, còn lại là lao động qua đào tạo sơ cấp và bồi dưỡng nghề) [6]. Nguồn cung lao động phục vụ nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp kinh tế biển trong điều kiện hội nhập quốc tế của tỉnh hiện nay khá lớn, nhưng số lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển trong hội nhập quốc tế còn rất ít, do thiếu kĩ năng, tay nghề, chất lượng đào tạo, dạy nghề của một số cơ sở đào tạo trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Như vậy, để phát triển kinh tế biển bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, tỉnh Trà Vinh cần có nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển đáp ứng đầy đủ về số lượng, chất lượng cao để đảm bảo khai thác Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 205 hiệu quả tiềm năng kinh tế biển trong điều kiện hội nhập quốc tế. Với những lí do như trên, trong bài viết này, chúng tôi trao đổi về vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên với những giải pháp ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển kinh tế biển của tỉnh Trà Vinh. 2. TỔNG QUAN THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO NGHỀ TẠI TỈNH TRÀ VINH 2.1. Cơ sở đào tạo nghề Giai đoạn 2015 – 2019, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều cố gắng đầu tư xây mới, nâng cấp các trường học, cơ sở đào tạo, dạy nghề. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Trà Vinh có 17 cơ sở đào tạo nghề (16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trong đó có 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 07 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp), giảm 01 đơn vị trung tâm dạy nghề trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh như trình bày tại Bảng 1 [6]. Bảng 1: Cơ sở đào tạo nghề tại tỉnh Trà Vinh STT Cơ sở đào tạo Số lượng 1. Trường Cao đẳng Nghề Trà Vinh 01 2. Trường Cao đẳng Y tế 01 3. Trường Trung cấp Nghề Dân tộc Nội trú 01 4. Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Thể thao 01 5. Cơ sở giáo dục hoạt động giáo dục nghề nghiệp 07 6. Trung tâm Khuyến nông 01 7. Cơ sở đào tạo thuộc Trường Đại học Trà Vinh 04 8. Doanh nghiệp tư nhân Ái Liên 01 (Nguồn: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, 2018 [6]) Trong đó, cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế biển trong điều kiện hội nhập quốc tế như kinh tế thuỷ sản, du lịch biển, kinh tế hàng hải, công nghiệp – xây dựng biển, sản xuất vật liệu xây dựng, thương mại, dịch vụ biển còn hạn chế. Phần lớn các cơ sở đào tạo tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, điện, cơ khí, nuôi trồng thủy sản, cùng với đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn như chăn nuôi thú y, xây dựng, trồng rau màu dưới đồng. 2.2. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lí nhà giáo, người dạy nghề Cuối năm 2018, toàn tỉnh có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí tại các cơ sở giáo dục nghề là 155 người, bao gồm 59 cán bộ quản lí ở các cơ sở đào tạo nghề, 09 cán bộ quản lí cấp Phòng Lao động – Thương binh Xã hội thực hiện kiêm nhiệm, 12 cán bộ quản lí ở cấp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 75 giáo viên, người dạy nghề. Số lượng giáo viên, người dạy nghề cơ hữu chiếm 36% và thỉnh giảng theo hợp đồng khoán chiếm 57%, đội ngũ giáo viên, người dạy nghề từ nguồn thỉnh giảng là nghệ nhân, kĩ sư, cán bộ kĩ thuật, người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề [6]. Đội ngũ giảng viên cơ hữu thuộc các khối ngành kĩ thuật (điện, cơ khí, công nghệ thông tin), chăn nuôi thú y, thủy sản số lượng giáo viên nghề khối ngành kinh tế, logistics, quản lí biển còn hạn chế. Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 206 2.3. Kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề Số liệu Bảng 2 cho thấy, công tác đào tạo nghề cho thanh niên luôn được chú trọng. Việc tổ chức thực hiện đào tạo các mô hình đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn được thực hiện ngay tại các xã hoặc cụm xã. Đây là điểm thuận lợi cho thanh niên tham gia học nghề. Đội ngũ lao động qua đào tạo nghề có sự biến động lớn vào năm 2017, đạt gần 50% so với năm 2016. Ngoài ra, kết quả thực hiện hỗ trợ đào tạo lao động từ nguồn xã hội hóa thông qua doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất theo hình thức kèm cặp nghề, tập nghề, truyền nghề trong đào tạo thường xuyên là 48.771 lượt lao động do doanh nghiệp tự đào tạo tay nghề (năm 2015 có 10.174 lượt lao động; năm 2016 có 13.629 lượt lao động; năm 2017 có 9.923 lượt lao động và năm 2018 có 15.045 lượt lao động) [7]. Nhìn chung, nhóm lao động nông nghiệp sau khi học nghề thường tìm được việc làm ngay hoặc trực tiếp sản xuất tại gia đình, trong khi nhóm lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường việc làm tại chỗ không có nhu cầu; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn, do người học nghề chưa nắm được kiến thức khởi sự doanh nghiệp hoặc không tìm được đối tác để bán sản phẩm làm ra. Bảng 2: Kết quả thực hiện hỗ trợ đào tạo lao động từ nguồn ngân sách Trung ương Năm Nhóm nghề đào tạo Số lượng (lao động) Tỉ lệ 2015 - Lĩnh vực phi nông nghiệp 1.453 32,81% - Lĩnh vực nông nghiệp 3.050 67,19% 2016 - Lĩnh vực phi nông nghiệp 1.037 45,24% - Lĩnh vực nông nghiệp 1.255 54,76%. 2017 - Lĩnh vực phi nông nghiệp 620 59,28% - Lĩnh vực nông nghiệp 426 40,72%. 2018 - Lĩnh vực phi nông nghiệp 983 38,00% - Lĩnh vực nông nghiệp 1.605 62,00% (Nguồn: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, 2018 [7]) Bên cạnh đó, đội ngũ lao động nghề có trình độ trung cấp, cao đẳng được trình bày tại Bảng 3 cho thấy lực lượng lao động nghề có sự dịch chuyển rất lớn, số lượng lao động nghề cao đẳng được đào tạo tăng liên tục và đột biến qua các năm, cụ thể năm 2015 là 86 người, năm 2019 là 1.500 người. Đây là thành quả rất lớn sau năm năm thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề tại tỉnh Trà Vinh. Song song đó, ở chiều ngược lại đội ngũ lao động nghề có trình độ trung cấp không có sự biến động lớn từ năm 2015 là 258 người, đến 2019 là 500 người. Kết quả trên chỉ ra rằng nguồn lực lao động nghề tại tỉnh Trà Vinh hằng năm được nâng cao trình độ đào tạo, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực phát triển kinh tế biển hiện tại và trong tương lai. Bảng 3: Kết quả thực hiện đào tạo nghề có trình độ trung cấp, cao đẳng Năm Nhóm nghề đào tạo Số lượng (lao động) Tỉ lệ (%) 2015 - Lao động nghề cao đẳng 86 25% - Lao động nghề trung cấp 258 75% Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 207 2016 - Lao động nghề cao đẳng 245 26% - Lao động nghề trung cấp 699 74% 2017 - Lao động nghề cao đẳng 1.452 69% - Lao động nghề trung cấp 656 31% 2018 - Lao động nghề cao đẳng 1.279 72% - Lao động nghề trung cấp 502 28% 2019 - Lao động nghề cao đẳng 1.500 75% - Lao động nghề trung cấp 500 25% (Nguồn: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, 2019 [8]) 3. ĐÀO TẠO NGHỀ – MỘT TRONG NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN LÀM ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỈNH TRÀ VINH 3.1. Dạy nghề cho ngư dân thực chất là chuyển giao công nghệ Nhiều quan điểm cho rằng việc đào tạo nghề cho ngư dân là một phương pháp chuyển giao công nghệ nhanh nhất, rẻ nhất và hiệu quả [9]. Thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề là giải pháp nhanh chóng tạo nên một lực lượng lao động có kĩ thuật ở ngay nông thôn, ngư trường, góp phần vào thị trường lao động kinh tế biển. Mặt khác, điểm xuất phát về mặt bằng dân trí khu vực ven biển của tỉnh thấp, dân cư sống phân tán khắp vùng biển, bờ biển, khó tập trung cho đào tạo, có vị trí cách xa các trung tâm thành phố, giao thông không thuận lợi (cách ngăn bởi kinh đào); ngân sách đầu tư cho sự nghiệp đào tạo nghề nông thôn tại tỉnh Trà Vinh trong thời gian qua được các cấp, các ngành tích cực huy động từ các nguồn lực: (1) dự án tăng cường năng lực dạy nghề; (2) dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (3) chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn lực khác để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Kết quả là giai đoạn 2011 – 2015 có tổng số tiền huy động từ các nguồn lực là 294.646 triệu đồng; giai đoạn 2016 – 2018, tổng số tiền huy động từ các nguồn lực là 98.042 triệu đồng [8]. Qua phân tích trên, cùng với các nguồn vốn có thể huy động từ các nguồn trong những giai đoạn tiếp theo, hoạt động dạy nghề cần tiếp tục được triển khai theo chiều sâu, phân loại nhóm đối tượng đào tạo nghề theo các lĩnh vực đáp ứng kịp thời trong phát triển kinh tế biển. Thứ nhất, lựa chọn nghề đào tạo cần: - Phù hợp với các lĩnh vực phát triển kinh tế biển theo khai thác, đánh bắt hải sản như: (1) Đối với ngư dân khai thác hải sản nghề lưới kéo, lưới rê, nghề câu. (2) Đối với ngư dân nuôi trồng thủy hải sản. (3) Đối với lao động phi nông nghiệp phục vụ phân loại, bảo quản. - Phù hợp với các lĩnh vực phát triển kinh tế biển theo ngành chế biến thủy sản. - Phù hợp với các lĩnh vực phát triển kinh tế biển là du lịch biển. Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 208 - Các dịch vụ khác gắn liền với phát triển kinh tế biển như chuỗi cung ứng thủy sản, chuỗi cung ứng nuôi thủy hải sản. Thứ hai, xây dựng chương trình đào tạo nghề theo từng mục tiêu, lĩnh vực. Thứ ba, phải đào tạo cho nông thôn vùng biển một đội ngũ cán bộ kĩ thuật, công nhân lành nghề có trình độ phù hợp để tổ chức và phát triển kinh tế biển. 3.2. Mô hình đào tạo nguồn nhân lực Vai trò của thị trường lao động đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo cho quá trình sản xuất được nhịp nhàng và có tổ chức như kế hoạch của cơ sở kinh doanh. Để đáp ứng nhu cầu đó, từng khu vực phát triển kinh tế biển phải xây dựng mô hình đào tạo nghề một cách hợp lí, tỉ lệ lao động là công nhân kĩ thuật và kĩ thuật viên cao cấp phải thích hợp, từ đó tạo nên một sự phối hợp đồng bộ trong việc phát triển ngành thủy sản trong phát triển kinh tế biển. Một là, lao động là công nhân kĩ thuật có thời gian đào tạo theo chương trình từ 3 đến dưới 12 tháng. Đây là lực lượng lao động dồi dào tại địa phương. Khi được đào tạo, người lao động có tay nghề vững vàng để có thể tự mình sản xuất hoặc tham gia vào hoạt động sản xuất tại các cơ sở. Ví dụ, để phát triển chuỗi cung ứng hải sản, chúng ta cần đào tạo cho ngư dân biết gắn mã vạch và nhật kí khai thác dưới dạng nhập cơ sở dữ liệu, hướng dẫn ngư dân cách bảo quản các sản phẩm khai thác, sử dụng máy móc. Hai là, lao động là kĩ thuật viên cao cấp được đào tạo từ trình độ cao đẳng, đại học có trình độ cao về kĩ thuật, vận hành công nghệ. Như vậy, việc huy động và phân bổ có hiệu quả hai nguồn lao động trên là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phối hợp với cơ chế thị trường, tạo nên một hệ thống có quy mô toàn tỉnh. 3.3. Vai trò của Trường Đại học Trà Vinh và cơ sở đào tạo nghề Trường Đại học Trà Vinh trải qua hơn 10 năm tham gia hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong và ngoài tỉnh. Trên cơ sở và nguồn lực hiện có, Trường Đại học Trà Vinh hoàn toàn đủ khả năng tham gia có hiệu quả vào chuỗi đào tạo nguồn nhân lực tại tỉnh Trà Vinh nói riêng và tham gia với vai trò cố vấn, xây dựng các chương trình đào tạo, cung cấp nguồn lực giảng viên đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác đào tạo góp phần tạo ra nguồn lực lao động tham gia phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Nhiệm vụ quan trọng của Trường Đại học Trà Vinh và các cơ sở đào tạo nghề sẽ là: - Xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với từng lĩnh vực; - Biên soạn giáo trình giảng dạy, xây dựng giáo cụ giảng dạy; - Định hướng phương pháp giảng dạy nghề cho thanh niên; - Bồi dưỡng giáo viên dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề tại địa phương. Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 209 4. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN 4.1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nghề phục vụ kinh tế biển Thứ nhất, tăng cường cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ giáo viên dạy các ngành nghề kinh tế biển gắn liền với các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh như nghề cá (khai thác, nuôi trồng hải sản), du lịch biển (khai thác tuyến du lịch từ sông ra biển, tắm biển, tham quan khu rừng phòng hộ biển, phát triển một số cây chịu mặn thích ứng biến đổi khí hậu). Theo từng giai đoạn phát triển, các cơ sở đào tạo nghề mạnh dạn cải tiến liên tục nội dung chương trình, giáo trình về kinh tế biển. Thứ hai, tăng cường đào tạo lao động nghề chất lượng cao cho các ngành kinh tế biển mà tỉnh Trà Vinh có lợi thế như lao động phục vụ kinh tế thuỷ sản, du lịch biển, cảng biển; lao động vận dụng khoa học công nghệ trong quá trình đánh bắt, khai thác, bảo quản và sơ chế thông thường hải sản, lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng kinh tế biển và các ngành dịch vụ cảng biển. Công tác đào tạo nghề phải tạo ra lực lượng lao động trực tiếp, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lí có kiến thức và kĩ năng cần thiết để tham gia vào thị trường lao động kinh tế biển hiện tại và trong những năm tới. Thứ ba, các sở ban ngành của tỉnh cần xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ các trường cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh tổ chức nhiều lớp học mang tính trải nghiệm trên biển, để vừa học lí thuyết, vừa quan sát thực tế trên biển, phấn đấu để tỉnh Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển của miền Tây Nam Bộ. Thứ tư, đổi mới hoạt động đào tạo. Đó là xây dựng giáo trình giảng dạy theo hướng từ mục tiêu chủ yếu nhằm trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển năng lực hành nghề cho người học và giúp người học nhận ra năng lực bên trong của mình. Đa dạng hóa phương pháp giảng dạy cho từng nội dung theo hướng tích hợp kiến thức, kĩ năng, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Thứ năm, gắn kết giữa giáo dục nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề nghiệp với thị trường lao động, đảm bảo cho các hoạt động đào tạo nghề hướng vào việc đáp ứng phát triển kinh tế – xã hội của từng ngành, từng lĩnh vực của địa phương theo định hướng phát triển kinh tế biển, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người học nghề. 4.2. Xây dựng, hợp tác giữa các bên Thứ nhất, xây dựng mạng lưới hợp tác, phối hợp thực hiện đào tạo nguồn nhân lực kinh tế biển dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa sở, ngành, Ban Quản lí Khu kinh tế, Ban Quản lí Cảng cá tỉnh Trà Vinh với các cơ sở đào tạo nghề xây dựng kế hoạch chiến lược đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế biển cho từng lĩnh vực. Chương trình đào tạo, số lượng lao động theo từng cấp độ từ sơ cấp đến cao đẳng cần thể chế hóa những con số đạt được, mục tiêu đặt ra theo từng năm. Thứ hai, lồng ghép các tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, các hiệp hội chuyên ngành, các nhà khoa học để đánh giá kết quả đào tạo nghề, chuyển giao ứng Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 210 dụng khoa học kĩ thuật trong giáo dục đào tạo nghề. Đánh giá kết quả tác động của việc đào tạo nghề, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế biển theo từng lĩnh vực tại các huyện, thị trong tỉnh Trà Vinh. Thứ ba, nâng cao năng lực các trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại địa phương, tuyển dụng giáo viên cơ hữu, đội ngũ cán bộ quản lí, phối hợp chặt chẽ với trường đại học, cao đẳng nghề, các hợp tác xã nhằm chủ động trong việc huy động đội ngũ giáo viên thỉnh giảng. Tổ chức khảo sát người học nhằm kịp thời điều chỉnh nâng cao chất lượng đào tạo nghề, theo dõi, thống kê, quản lí, đánh giá kết quả thực hiện. 5. KẾT LUẬN Với sự đầu tư mang tính chiến lược trong thời gian qua, sự phát triển mạnh và đồng bộ trong công tác đào tạo nghề cho người dân vùng nông thôn, ngư dân tỉnh Trà Vinh là một việc rất cấp thiết trong tình hình hiện nay. Dạy nghề cho ngư dân, thanh niên nông thôn cũng có nghĩa là con đường nhanh nhất chuyển giao quy trình, công nghệ có trình độ tiên tiến vào sản xuất vi mô nhỏ. Điều đó sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống người dân, tăng cường khả năng tự tích lũy trong nông thôn và làm thay đổi cơ cấu nghề nghiệp ở từng địa phương theo định hướng phát triển kinh tế biển. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh. Báo cáo tổng điều tra dân số; 2019. [2] Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; 2009. [3] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Hà Nội: Văn phòng Trung ương Đảng; 2018. [4] C.Mác và Ph.Ăng-ghen. Toàn tập (tập 4, tập 6). Hà Nội: Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia; 1995. [5] Phạm Văn Quang. Kinh tế biển ở Vùng Tây Nam của Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế [Luận án Tiến sĩ]. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; 2019. [6] Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh. Báo cáo kết quả thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2018 và kế hoạch công tác năm 2019; 2018. [7] Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh. Báo cáo kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2015 – 2018 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; 2018. [8] Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh. Báo cáo tình hình thực hiện Chiến lược phát triển nghề thời kì 2011 – 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; 2019. [9] Đặng Thị Thanh Quyên. Đào tạo nghề – Giải pháp chuyển giao công nghệ để phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre. Kỉ yếu Hội thảo “Các trường đại học kĩ thuật với hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh Bến Tre”. Nhà Xuất bản Khoa học Kỹ thuật. 2019; tr. 610-618.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfdao_tao_nghe_cho_thanh_nien_giai_phap_ung_dung_va_chuyen_gia.pdf
Tài liệu liên quan