MS: LVVH-VHVN068
SỐ TRANG: 101
NGÀNH: VĂN HỌC
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
NĂM: 2010
CẤU TRÚC LUẬN VĂN
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Mục đích nghiên cứu
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát
4. Lịch sử vấn đề
5. Cấu trúc luận văn
Chương I : KHÁI QUÁT VỀ THỂ KÝ VÀ KÝ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
1.1. Khái quát về thể ký
1.2. Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường
1.2.1. Đôi nét về Hoàng Phủ Ngọc Tường
1.2.2. Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường
Chương II : CẢM HỨNG VỀ ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ HUẾ TRONG KÝ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
2.1 Cảm hứng về đất Huế
2.1.1. Cảm hứng về truyền thống lịch sử lâu đời của mảnh đất cố đô
2.1.2. Cảm hứng về một thiên nhiên phong phú, tươi đẹp, thân thiết của Huế
2.1.3. Cảm hứng phê phán trước thực trạng Huế ngày nay
2.2. Cảm hứng về con người xứ Huế
2.2.1. Người Huế anh hùng, bất khuất trong chiến tranh
2.2.2. Nét đẹp văn hóa trong lối sống Huế
Chương III : ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG MẢNG KÝ VIẾT VỀ HUẾ CỦA HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
3.1 . Nghệ thuật phản ánh hiện thực và khai thác tư liệu
3.1.1. Cung cấp thông tin, tư liệu chính xác
3.1.2. Sáng tạo trong khai thác, tuyển chọn tư liệu
3.2 Nghệ thuật trần thuật
3.2.1. Điểm nhìn trần thuật
3.2.2. Nghệ thuật thuật kể
3.3. Ngôn ngữ và giọng điệu
3.3.1. Ngôn ngữ
3.3.2. Giọng điệu
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
101 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2575 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đất và người xứ Huế trong ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
giả cũng khéo léo đan xen rất thích hợp với ngôn ngữ bình dân. Cái
đúng lúc, đúng chỗ, hợp tình, hợp lí đó làm tăng giá trị cho các bài ký của ông. Nó có cả sự
khách quan lẫn chủ quan, cả lí trí lẫn tình cảm, tất cả vừa khéo, tròn trịa trong cảm quan
nghệ thuật của ông. Tìm hiểu về lịch sử đất Huế ở thời kì đầu tiên của văn hóa Phú Xuân –
thời kì thành Châu Hóa, tác giả gọi Huế bằng những từ ngữ giản dị, mộc mạc, thân thuộc:
bài thơ cuộc sống, nếp sinh hoạt, mô tê răng rứa, cái trốc, cái bông, canh lõm, rau trai rau
éo, cách ăn, cách mặc, mộc mạc dân dã… Trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, bên cạnh
hệ thống ngôn ngữ khoa học, những từ ngữ Hán Việt trang trọng, xuất hiện không hiếm các
từ ngữ bình dân, chất phác như tiếng gọi sâu thẳm trong tâm hồn Huế: phóng khoáng, man
dại, bát ngát tiếng gà, linh hồn mô tê xưa cũ, tuổi dại, giọng hò dân gian, chung tình, cỏ lá
xanh biếc, đục ngầu, đen cháy, đáy bùn…
Bên cạnh đó, ông còn sử dụng ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ địa phương của Huế.
Dùng chính ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nơi mình sinh ra và lớn lên khiến Hoàng Phủ Ngọc
Tường như thăng hoa hơn đồng thời cũng đằm thắm hơn trong những trang ký về mảnh đất
ruột thịt của mình. Đặc biệt, điều này được ông thể hiện rõ ràng trong mảng đề tài về văn hóa
ẩm thực Huế. Ông dày công sử dụng nhiều thành ngữ chém to kho mặn; của ngon đem đãi
người phàm; hết nước mắm ngon – hết con mụ khéo; của một đồng, công một nén… và cả sự
so sánh, ví von: cách ăn “đạt đạo”, ăn bằng mắt, món ăn của người nghèo, tâm hồn ăn
uống, mùi hạp nhau, dân ăn mắm ruốc, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cay điếc óc…; từ ngữ
dân dã, địa phương: mệ, nồi bung, nhiêu khê, cái trẹc, o bán cơm, gáo mù u, hon xào, cá thệ
kho tiêu, cháo gạo hẻo rằn, dưa mắm nhà nghèo, cá lẹp – rau mưng (Mấy đặc trưng của
“văn hóa ăn” vùng Huế)…
Sự kết hợp tài tình, nhuần nhuyễn của cả ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân
đem đến những giá trị riêng cho các tác phẩm ký của ông. Nét tài hoa của ông thể hiện khi sử
dụng ngôn ngữ bác học mà không khô khan, cứng nhắc cũng như khi kết hợp, đan xen với
ngôn ngữ bình dân cũng không cảm thấy sự quê mùa, bình thường trong đó. Tất cả hài hòa,
phù hợp tạo thành một giá trị thẩm mĩ đặc sắc.
3.3.2. Giọng điệu
3.3.2.1. Giọng thâm trầm, triết lí
Viết về bất cứ sự vật, sự việc hay con người Huế, ký Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng
luôn thấm đẫm một giọng điệu thâm trầm, triết lí. Có lẽ mang trong mình hơi thở của Huế,
tính cách Huế ngàn đời nay, nên Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn lặng lẽ chiêm nghiệm, suy tư
trên những trang viết của mình. Từ cỏ cây, sông nước, rừng núi tưởng như vô tri vô giác mà
trở nên có sức sống lạ kì qua đôi mắt và trái tim của ông. Và cứ sau mỗi câu chuyện về thiên
nhiên, con người, ông lại cảm được từ đó bài học lớn về cuộc đời.
“Thiên nhiên trong sự hòa điệu với tâm hồn con người không chỉ là bài ca cuộc
sống mà hơn hết tất cả nó còn là sự chiêm nghiệm các giá trị cuộc đời” [19]. Thiên nhiên
luôn mang đến cho ông những bài học bí ẩn, bất tận mà có lẽ đi hết chiều dài cuộc đời con
người vẫn khó có thể lĩnh hội, khám phá được. Nhưng thực sự phải nói rằng, có được như
vậy là do ông đã sớm nhận ra thiên nhiên là người bạn, ngôi nhà lớn của con người và cũng
hết sức sâu sắc, tinh tế khi ông rất trân trọng mối quan hệ này. Trong các trang viết của ông
luôn có một cuộc lãng du, một cuộc hành trình lớn để lắng nghe, thấu hiểu người bạn lớn này
và chính sự miên man trong chặng đường dài hấp dẫn, kì thú đó mà ông luôn giải mã được
những bí ẩn tưởng chừng như ngủ quên từ lâu. Thiên nhiên cũng hết sức công bằng khi chờ
đúng người tri kỉ đến đánh thức để mở ra từ đấy những thiên truyện dài bất tận.
“Nhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi lại phát hiện ra
rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ” (Miền cỏ thơm) để rồi ông đắm say và mê
mải kiếm tìm trong nhận định “Huế là một cố đô mang linh hồn của cỏ” (Miền cỏ thơm). Đó
là cảm nhận riêng nhưng cũng không kém phần khoa học, đầy thuyết phục qua sự quan sát,
thể nghiệm của ông. Và chứa đựng trong kết luận này là sự thích thú, niềm tự hào, say mê
của ông dành cho Huế. Do đây là thành phố mộc mạc, chất phác, hồn nhiên của cỏ nên nơi
đây thích hợp để trở thành chốn tiêu dao, là nơi “văn nhân của mọi thời, những người theo tư
tưởng tự do thích ở” (Miền cỏ thơm). Trong ngôi nhà rộng lớn đấy, ông luôn tìm được sự
bình yên từ cánh cổng, mái nhà của khu vườn bà Lan Hữu. Là khu vườn nhỏ song lại là nơi
hội tụ của các loài cây cỏ mà ở đó hiện hữu sự tinh tế, sâu sắc, thâm trầm của người chủ
vườn. Nơi đây đem đến cho ông nhiều xúc cảm “như tìm thấy chỗ cư ngụ ở đời của mình
nằm đằng sau cánh cổng ấy”, “mái nhà hơi uốn cong ở các góc mái luôn làm tôi nghĩ đến nụ
cười nhếch miệng của chủ nhân vắng mặt, nụ cười bình an ném vào không gian mênh mông,
quang đãng” (Mái nhà dưới bóng cây xanh)… Trong khu vườn yên bình về đêm đấy, sao
vẫn lắng nghe được bước đi của sự sống để rồi ngỡ ngàng “hình như cỏ cây cũng có một linh
hồn để biết trở giấc nửa chừng đêm” (Mái nhà dưới bóng cây xanh). Sống trong không gian
gần gũi, trầm mặc của khu vườn, ông đã nhận ra “tất cả là một tình bầu bạn lâu dài giữa đại
vũ trụ chính là cây cỏ trong vườn và tiểu vũ trụ chính là cõi nội tâm bà Lan Hữu”, và như đã
là một phần của nơi đây, “bao nhiêu ham muốn vật chất đã lắng xuống (…) nhẹ thênh như
biến thành một chiếc lá ngô đồng” (Mái nhà dưới bóng cây xanh).
Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như rất có duyên nợ với cây cỏ, đặc biệt là hoa.
Trong ký cũng như thơ của ông luôn tràn ngập những xúc cảm, rung động, triết lí về vẻ đẹp
của những loài hoa dại: “Hoa phù dung biểu lộ với tôi tấm lòng ham thích cuộc sống của nó,
mặt khác, hình như nó đã phải sống hụt một đời hoa”, “nhờ hoa ngũ sắc mà tuổi thơ đầy
ràng buộc trong sự giáo dục nghiêm khắc của cha tôi, vẫn có đôi phần hoang dại”,còn “hoa
phong lan khiêm tốn và kiên cố như một chân lý, cứ đúng lúc lại xuất hiện” (Hoa bên trời)…
Sau một thời gian bệnh nặng, ông không đi được đâu, ông đã thực hiện chuyến hành trình dài
bằng tâm tưởng của mình và một “miền cỏ thơm” yêu thương, nhớ nhung, đầy ắp kỉ niệm ra
đời. Để rồi có những vấn vương “đã lâu tôi không nhắc đến hoa, và tôi cảm thấy đã có lỗi
đối với những người bạn tâm tình ấy”, “những cánh hoa nhỏ bé và mong manh ấy đã viền
con đường tuổi trẻ đầy kham khổ của tôi” (Hoa bên trời), “hoa là trí nhớ của đất, và đất này
thì tưới nhiều máu, nên cây nở hoa màu đỏ. Có nhiều điều quan trọng của mảnh đất này mà
con người đã quên đi nên cây cỏ nhắc lại” (Bông hoa ngũ sắc).
Với ông, cỏ cây, thiên nhiên Huế đều có cuộc đời riêng của nó và khi đã đánh thức
nó dậy, chạm đến những mạch ngầm sâu xa nhất, ông đã có trách nhiệm tìm hiểu, trò chuyện
và gắn nó với cuộc đời, trải nghiệm của chính mình… để rồi trong thế giới đấy, tâm hồn của
con người trở nên lắng sâu, tinh tế hơn, chín chắn, trưởng thành hơn trong những khám phá
đầy thú vị… Lạ hơn nữa, dù giọng điệu chủ đạo ở những trang ký này là thâm trầm, triết lí
nhưng người đọc hoàn toàn không thấy sự khô khan, áp đặt hay rao giảng bất kì tư tưởng, lí
lẽ, quan niệm gì một cách cao đạo… mà chỉ là những cảm hoài “hình như”, “tưởng như”,
“có lẽ” đem đến cho độc giả xúc cảm nhẹ nhàng, tươi mát và không kém phần sâu lắng… Từ
những khám phá về thế giới riêng của cây cỏ, ông thấy được sợi dây liên kết với cuộc đời
con người. Trong “Như con sông từ nguồn ra biển”, kể về cuộc đời của một người bạn tên
Giao lúc đầu có tư tưởng yếm thế, nhát hèn trước thời cuộc nhưng về sau có sự biến chuyển
tích cực, ông đã tin tưởng “có những dòng nước rủi ro bị lạc đường… Nhưng khi những
dòng nước đã nhập được vào sông, thì nhất định nó sẽ ra đến biển”. Con sông miệt mài chảy
trôi, hòa chung với dòng nước lớn để trọn vẹn hành trình dài của nó… Và trong cuộc chiến
tranh chống Mĩ khốc liệt, nhiều người Huế đã hi sinh nhưng điều quan trọng là họ đã làm
nên những bản trường ca bất tận cho một thế hệ anh hùng. Nhưng qua những năm tháng dài,
thấm thía những vết thương, tác giả xót xa “có những con đường không còn ai đi nữa, và
những người chết không còn hắt bóng vào đâu nữa… Cỏ lau mọc lên thật nhanh, nhưng
không nhanh bằng trí nhớ bội bạc của con người”. Đấy là “Bản di chúc của cỏ lau”, là tiếng
khóc của cỏ cây hay là nỗi đau của những con người đã đi qua chiến tranh như tác giả. Nói
về những hy sinh, mất mát của con người, sự tồn tại, hiện hữu của họ mờ dần đi qua bao năm
tháng, giọng điệu của ông không tránh khỏi sự xót xa, trăn trở… và cứ thế nó trở thành “bản
di chúc” nhức nhối không nguôi…
Đôi khi đó là những dòng độc thoại, tự vấn chính mình “rồi một ngày kia, tôi sẽ già
đi như tổ tiên của tôi, buổi sáng ngồi thật yên nghe con chim nó hót trong bụi hoa, lòng rỗng
không vì đã quên hết chuyện đời” (Sử thi buồn), “tôi ngồi nhớ lại tất cả trong một nỗi trầm
tư dài (…) tất cả cuộc sống đầy những hùng tráng và bi thương (…) giờ đã bị xóa sạch dấu
tích trong sự câm nín của lau lách (…) tôi thấy buốt lòng như lên một cơn đau dạ dày trong
ý nghĩ” (Bản di chúc của cỏ lau), “những ý niệm hình thành trong tuổi thơ của tôi chiếm một
vai trò quan trọng trong vốn liếng văn hóa của đời người, đến nỗi tất cả những gì tôi học hỏi
được trong cuộc sống sau này, ngẫm lại cũng không làm tôi khác đi”, “để gánh lấy cuộc
“tang thương ngẫu lục” quá nhọc nhằn này, thần tiên đi đâu hết. Chỉ còn một cây lau tóc
trắng đứng bạt gió trên đỉnh núi bây giờ, là tôi” (Ngọn núi ảo ảnh)… Những dòng tâm trạng
của tác giả đan xen giữa vô vàn những phức điệu cảm xúc vui, buồn, bình yên, nhẹ nhõm,
lúc lại chua xót, đắng cay, thảng thốt… và vẫn là những triết lí, trăn trở, chiêm nghiệm đầy
xúc động về những trải nghiệm, va chạm của ông với cuộc đời.
Đó còn là lời đối thoại với cây cỏ như những dòng triết lý, cảm hoài về thế giới vô
cùng của vạn vật, tạo hóa. Tất cả bềnh bồng trong những câu hỏi không lời đáp, bâng
khuâng, vấn vương, sâu thẳm trong cảm xúc suy tư, đầy triết lý và cũng rất đỗi trữ tình.
Những khát khao muốn khám phá, lí giải, đi đến tận cùng thế giới bí ẩn của thiên nhiên luôn
trăn trở trong ông. Cầm trên tay viên gạch cổ, ông hoàn toàn bất ngờ về sức nặng của nó
“Mày đã bao nhiêu tuổi, hỡi viên gạch cổ?” (Ai đã đặt tên cho dòng sông?); hay đó là những
ngạc nhiên trước loài hoa dại chỉ nở hoa một lần rồi chết “Hỡi những bông hoa nhỏ! Hãy cho
ta biết, ngươi ước vọng gì trong cuộc sống vô tư của ngươi?” (Sử thi buồn); vào hè, hoa
phượng “nở thật dữ dội (…) hết mình, giống như máu chảy trong huyết quản” khiến ông
bâng khuâng “Hoa phượng thì có định mệnh gì mà người ta phải đa mang đến vậy?” (Khói
và mây)… Thiên nhiên không vô tri vô giác như bao người nghĩ. Trong lối sống, suy nghĩ
của người Huế nói chung và tận sâu thẳm trong trái tim của tác giả nói riêng luôn ôm ấp một
thế giới tâm hồn rộng lớn thuộc về thiên nhiên. Tâm sự, trò chuyện với cỏ cây luôn chiếm
một phần quan trọng trong đời sống phong phú, tinh tế của ông. Trước những phẩm chất
diệu kỳ từ thiên nhiên, ông không giấu được những dòng tâm trạng của mình: bồi hồi, xúc
động, ngạc nhiên, suy tư đầy triết lí… Và những câu hỏi của ông thốt lên hết sức ngắn gọn,
cô đọng nhưng chứa đựng bao tâm sự, nỗi niềm, sự trăn trở, thắc mắc trước cuộc đời…
Ngẫm như lời đối thoại với cỏ cây nhưng thực chất kiểu câu hỏi tu từ đó lại như chính lời
độc thoại nội tâm của tác giả. Bao suy tư dồn nén, chất chứa trong đó để rồi vỡ òa lên những
chiêm nghiệm triết lí ở đời: về chiều dài, sức mạnh của lịch sử mà viên gạch cổ mang trong
nó; về sự cống hiến, hy sinh cho cuộc đời của loài hoa rừng bé nhỏ; về những dòng cảm xúc
trào dâng, những nỗi niềm, lý tưởng gửi gắm trong sắc đỏ của hoa phượng… Đấy vốn là
hình ảnh rất đỗi bình thường của thiên nhiên: viên gạch nâu bị lãng quên, những bông hoa
nhỏ xíu, màu đỏ quá quen mắt của phượng… khiến mấy ai có thể bước chậm lại để quan
tâm, nghĩ suy trên chặng đường quá nhanh, quá dài và cũng quá mệt mỏi của cuộc đời mỗi
người. Vậy mà, tác giả của chúng ta đã luôn tìm đến chúng với tất cả trách nhiệm, tấm lòng.
Nhìn thiên nhiên, cây cỏ, ông thấy đằng sau đó là sức nặng của những bài học cuộc đời. Ẩn
sau giọng điệu triết lý tâm sự về nhân tình thế thái là chuyện ứng xử giữa con người với nhau
trong nhịp sống hàng ngày. Để rồi cái nghĩa, cái tình cứ đọng mãi, vấn vương trong từng câu
chuyện…
3.3.2.2 Giọng yêu thương, trìu mến
Trước tiên, với loài cỏ cây vô tri vô giác, ông đã dành tình cảm yêu thương,
ngưỡng mộ, trân trọng cho chúng như với người thân, người tri kỷ. Thật vậy, với ông, mối
quan hệ giữa người Huế với thiên nhiên là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Bên cạnh đó, tấm lòng nặng ân tình đấy vẫn luôn lấp lánh trong những trang ký viết về người
Huế.
Mỗi lần đến với rừng, trong ông luôn vẹn nguyên cảm giác được trở về với ngôi
nhà quen thuộc, ấm áp của mình. Vượt qua một chặng đường dài, ông bất ngờ gặp lại cây
tùng ngự trị ở nơi cao nhất của núi rừng. Tồn tại một mình. Vĩnh cửu. Dáng ngay thẳng của
tùng từ trong bài thơ “Tùng” và lí tưởng sống của Nguyễn Trãi từ lâu đã đưa đến cho mọi
người cảm giác kính trọng. Vì lẽ đó, tận mắt chứng kiến thân cây cao vút, bất khuất trong
mọi thời tiết khắc nghiệt, trường tồn qua bao biến động, tác giả “vẫn giữ một tình cảm kính
trọng riêng về cái dáng đứng trên đầu núi (…) thân rễ cổ xưa như nguồn cội (…) bao giờ
cũng mơ hồ sương khói” (Đời rừng). Ông không tiếc lời ngợi khen, tuyệt đối hóa những giá
trị tinh thần cao đẹp và cũng đầy bí ẩn của nó: “cây tùng luôn luôn thuộc về thế giới nhân
văn đẹp đẽ. Cây tùng biểu hiện trí tuệ và bản lĩnh, và là ước mơ giải phóng” (Đời rừng). Và
cũng luôn say mê trước vẻ đẹp của rừng: “rừng già luôn luôn xuất hiện trong tôi như một thế
giới đầy cảm hứng, lộng lẫy trong vẻ đẹp tổng hợp của tri thức và huyền thoại” (Đời rừng).
Vì vậy mà giọng điệu luôn chứa đựng niềm thành kính, trân trọng thiết tha “tôi thường chăm
chú lắng nghe...” và cũng không kém phần yêu thương, trìu mến, gắn bó sâu nặng “sau này,
tôi ra khỏi rừng, nhưng rừng vẫn ở lại trong tôi và in cái dấu ấn sâu đậm của nó xuống mọi
suy nghĩ, buồn vui của tôi đến suốt đời người” (Đời rừng).
Không chỉ yêu thương, kính trọng với những “bậc tiền bối lão làng” nơi rừng già
mà ngay cả những loài hoa dại ven đường cũng được tác giả hết sức nâng niu, ngưỡng vọng.
Hoa ngũ sắc với ông có những kỉ niệm rất đẹp “bông của chúng nở đầy ký ức, giống như nụ
môi chúm chím của những bầy trẻ con đứng chào tôi bên đường” (Bông hoa ngũ sắc), vì vậy
mà ông không chấp nhận cái tên gọi mà mọi người vẫn gán cho nó một cách vô tâm – hoa
cứt lợn, ông phản ứng mạnh mẽ “nó chẳng có gì là “cứt lợn” cả, rằng tôi đã hút mật ngọt
của nó suốt thời thơ ấu; và gọi thế là “xúc phạm thiên nhiên” (Bông hoa ngũ sắc)… Tình
yêu của ông rộng lớn đến nỗi trong trái tim yêu thương của mình luôn đủ chỗ dành cho
những loài hoa dại bé nhỏ. Với ông, tuổi thơ của mỗi con người luôn để lại dấu ấn sâu đậm,
khó phai trong quãng đời về sau. Và thời thơ ấu của ông cũng vậy. Nó được tô màu sặc sỡ,
sinh động của hoa ngũ sắc và đem đến cho ông tình cảm yêu mến lạ thường. Để sau này, nhớ
về hoa, đi đâu ông cũng dõi mắt tìm nó và khi chợt bắt gặp loài hoa này ở nơi xứ lạ, ông vui
mừng, ngạc nhiên, bồi hồi như gặp lại một cố nhân xưa cũ. Yêu thương đi liền với thái độ,
tình cảm ở cung bậc cao hơn là trân trọng, giữ gìn mãi mãi những nét đẹp đó.
Đặc biệt, giữa muôn vàn danh lam thắng cảnh đẹp của Huế thì riêng dòng sông
Hương thơ mộng luôn đem đến cho tác giả những cung bậc cảm xúc yêu thương, tự hào. Và
cũng không quá đáng khi nói rằng qua ký của ông, ta như thấy được cội nguồn, truyền thống,
giá trị văn hóa, nét đẹp ngàn đời của Huế được bồi đắp ở đây. Đó là cảm giác tận hưởng vẻ
đẹp của thiên nhiên, thú an nhàn của cuộc đời khi gạt bỏ những vang động tất cả ngoài kia để
lắng lòng lại giữa chiếc nôi xanh của dòng sông “tôi đọc sách trong trạng thái vừa thích thú,
vừa lơ đãng, miên man trong vẻ đẹp của dòng sông đang đổi sắc không ngừng (…) Chính
trong những giờ phút bồng bềnh giữa cõi thực và cõi thơ ấy, tôi đã cảm nhận ra cái âm
hưởng sâu thẳm của Huế trên mỗi trang truyện Kiều” (Ai đã đặt tên cho dòng sông?). Đấy là
niềm tự hào, xúc động khôn nguôi “trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường
nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất” (Ai đã đặt tên
cho dòng sông?). Nhận định này là sự khám phá của cảm xúc, thoạt nghe tưởng như giọng
điệu mang tính chất trung tính nhưng ngờ đâu nó ẩn chứa và hé mở bao tình yêu thương. Từ
ngữ tương đối “hình như” dẫn ngay đến một từ tuyệt đối “chỉ” và kết thúc là cao trào “thuộc
về một thành phố duy nhất”. Chẳng ai bắt bẻ và trách móc được ông khi nó tuyệt vời thay là
nỗi niềm đáng yêu của một người con nặng lòng với Huế. “Thuộc về một thành phố duy
nhất” là điểm đặc biệt, ấn tượng của dòng sông để ông mở ra bao điều diệu kỳ về nó “rừng
già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng (…) sông
Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa”,
“nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua
thành phố. Đấy là điệu Slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Và đúc kết lại trong sự ngân
vang bất tận của lời ca “sông Hương đã sống những thế kỷ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử
của nó”, “là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc”,
“nó tự cách biết hiến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình
thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước” (Ai đã đặt tên cho dòng sông?).
Đó còn là tình yêu thương dành cho con người xứ Huế. Với bạn bè trong chiến
tranh khi họ vượt qua được những thử thách của cuộc đời, ông xúc động chia sẻ “tôi sung
sướng thấy Giao đã tìm thấy lại niềm tin giữa nhân dân, và chính tôi cũng tìm thấy niềm tin
ở bạn bè” (Như con sông từ nguồn ra biển); nghe kể về anh Hoàng – người anh hùng của đất
Huế trong cuộc chiến tranh chống Mĩ và tận mắt chứng kiến cuộc tìm kiếm ngôi mộ của anh,
tác giả cảm hoài “cái chết đầy bi tráng của anh Hoàng (…) vẫn mãi mãi chấn động tâm hồn
tôi bằng sức mạnh quyết liệt của nó (…) con người phải chiến đấu một mình, sống một mình
và chết một mình, bằng tất cả nhân phẩm trước tổ quốc” (Bản di chúc của cỏ lau)… Trở về
với thời bình, ông vẫn giữ mãi trong mình những tình cảm đặc biệt với người Huế. Ông yêu
thích khu vườn An Hiên và luôn tìm thấy ở đó sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn. Đặc
biệt, với bà Lan Hữu – chủ vườn An Hiên, ông lại càng kính mến, khâm phục nhiều hơn “với
bà Lan Hữu, vườn An Hiên không chỉ là nơi ở, mà còn là một cuốn tự truyện viết bằng nét
chữ của cây cỏ (…) bà chăm chút khu vườn với tất cả ý thức văn hóa (…) và đã nhận lại từ
cây cối những lời ngụ ngôn thầm lặng (…) lòng biết ơn đối với cây trái ở nơi bà mang một
nét đôn hậu thật là dân gian (…) Con người lịch sử và văn hóa tồn tại ở nơi bà hình như
luôn luôn đòi truyền hơi thở của mình qua các mạch gỗ của cây cối đến tận gốc rễ, để được
cắm đời mình sâu bền trong đất” (Hoa trái quanh tôi); với người dân Huế trong quá trình đi
gìn giữ nét đẹp của quê hương, ông hãnh diện và vui thích trước huyền thoại “vì yêu quý con
sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống lòng
sông, để làn nước thơm tho mãi mãi (…) gửi gắm vào đấy tất cả những ước vọng muốn đem
cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử” (Ai đã đặt tên cho dòng sông?).
Quá yêu thương, tự hào về thiên nhiên và con người Huế nên giọng điệu chủ đạo
của ông là tuyệt đối hóa vẻ đẹp của nó. Dấu chân ông in đậm qua nhiều vùng đất nhưng có lẽ
chẳng nơi nào đẹp và khơi gợi nhiều xúc cảm ở ông như xứ Huế thân yêu. Ông nhận xét về
con người xứ Huế vừa khách quan lại vừa thấm đẫm giọng điệu chủ quan không che giấu:
“người Huế lấy “cái tâm” làm gốc (…) cái tâm có sức chứa đựng tất cả (…) là tấm lòng tốt
muốn đem tâm hồn mình làm quà tặng” (Tính cách Huế); người Huế “cố gắng nâng cao vốn
liếng dân tộc của mình lên chuẩn mực của cái Đẹp (…) rất sành ăn và kiên định trên lập
trường ăn uống của mình” (Tính cách Huế). Và ông đã thú nhận trong niềm say mê của mình
“xin lỗi, hình như tôi đã nói hơi nhiều về những gì tốt đẹp trong tính cách Huế. Có lẽ vì tôi là
người Huế (…) thích nói những điều tốt đẹp về xứ sở của mình” (Tính cách Huế).
Với Huế, ông luôn dâng trào những cảm xúc yêu thương: “qua những dâu bể cuộc
đời tưởng là đủ để quên đi tất cả, hóa ra tôi không quên nổi điều gì về trời đất ở Huế” (Khói
và mây), “tôi nhận ra ở mỗi con người quanh tôi, trĩu nặng một nỗi lòng thương cây nhớ cội,
và nét điềm tĩnh của mảnh đất mà họ đã cày cuốc và gieo hạt” (Hoa trái quanh tôi). Sâu
thẳm và da diết trong cảm giác nhớ thương vì “Huế là nơi tôi sinh ra, lớn lên, đã tranh đấu
và chiến đấu, đã yêu thương, đã sống một đời công dân và một cuộc đời riêng tư” (Đôi điều
về văn hóa Huế). Hoàng Phủ Ngọc Tường đã bộc bạch những nỗi niềm yêu thương, trìu mến
– một tình cảm sâu nặng của mình với mảnh đất đã chắt chiu những hoa thơm trái ngọt để
nuôi dưỡng cả thể xác và tâm hồn của ông. Tất cả những cảm xúc đó lúc sâu lắng, lúc trào
dâng dữ dội nhưng tựu trung lại nó xuất phát từ trái tim gắn bó nặng ân tình của tác giả.
3.3.2.3 Giọng trăn trở, xót xa
Viết về thực trạng Huế ngày nay, Hoàng Phủ Ngọc Tường không tránh khỏi những
xót xa, trăn trở. Điều đau đớn nhất của ông là chứng kiến cảnh con người đang dần dần tàn
phá thiên nhiên, môi trường trong “Thành phố và chim”, “Báo động về môi trường Huế dưới
góc nhìn văn hóa”…
Yêu thiên nhiên, ông luôn mong muốn được sống trong một môi trường gần gũi,
thân thiết với người bạn lớn này. Ước vọng của cuộc đời ông là sáng sớm, mở cửa sổ ra có
thể trải lòng mình với những thanh âm vui vẻ, rộn ràng của các loài chim và tối đến, chợt
ngỡ ngàng, mê đắm thức dậy trong hương vị ngọt ngào của cỏ… Nhưng khoảng thời gian
đẹp đấy dường như giờ đây chỉ tồn tại trong tiềm thức. Nỗi ngậm ngùi, xót xa tấy lên đau
đớn của những vết thương mãi không lành: “Đó là một khuôn mặt vô vàn của thiên nhiên
Huế ba bốn mươi năm về trước”, “bây giờ thì tất cả đã bay về phương trời nào không biết
(…) bay vù qua ký ức tuổi thơ của tôi, mê hoặc như ảo ảnh”, “bây giờ thành phố vắng bóng
chim, hầu như chim chóc đã bỏ Huế mà đi” (Thành phố và chim)… Huế bây giờ không còn
mang trong nó “một mêlôđy của riêng mình” – một dàn đồng ca âm nhạc của tiếng chim –
mà thay vào đó là sự ô nhiễm âm thanh nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình
trạng trên nhưng tác giả cũng hết sức tỉnh táo khi nhận ra lí do chính ở đây là do con người:
“điều đáng giận nhất là chính vì người đời đã quên chim, để mặc cho những kẻ vụ lợi tha hồ
tàn phá môi trường sinh sống và nỗi bình yên của chúng” (Thành phố và chim).
Nỗi buồn, sự xót xa cho thiên nhiên Huế đang ngày bị hủy diệt luôn thấm đẫm
trong những trang ký chất chứa tâm sự, trách nhiệm của ông: “Điều đáng buồn là từ hôm có
tiếng súng nổ, bầy chim sẻ đã không trở lại trước cửa sổ phòng tôi nữa (…) Mong sao lũ
chim nhỏ đáng yêu của tôi đừng giữ một kỉ niệm xấu về tôi”. Và ngay cả sau này, niềm vui
nhỏ nhoi tìm về bầy chim anh vũ cũng sớm tan vỡ “tai họa đã đến với chúng, ngay trước mắt
tôi (…) thật bất hạnh cho chúng…”. Ông đã đau đớn, phẫn nộ lên tiếng “Trời ơi! Ước chi có
một luật pháp nào của nền văn minh cho tôi quyền tước súng của hai kẻ dã man, và chính tôi
sẽ đưa họ ra tòa về tội tàn sát thiên nhiên” và càng bế tắc, trăn trở, day dứt hơn khi ông nhận
ra rất rõ một điều “tôi bất lực (…) có lẽ đàn anh vũ cuối cùng đã bỏ Huế mà đi” (Thành phố
và chim). Tất cả dồn nén trong tâm trạng mất mát…
Trước hiện tượng sông Hương và núi Kim Phụng đang dần bị hủy diệt, ông cũng
hết sức bất bình “sông Hương đã chưa bao giờ lâm vào cảnh cùng đường như thế, và nó sắp
rơi vào số phận đó nếu chúng ta không tìm cách cứu vãn nó”, “sự cạn dần của mức nước
(…) kéo theo những tai họa mới của sông Hương (…) tình trạng ô nhiễm tăng nhanh và đậm
đặc của nước sông, độ nhiễm mặn dâng cao”, “tôi lên lại núi Kim Phụng, than ôi, tất cả chỉ
là một trái núi đá trơ trụi, chỉ độc nhất một cây đa cổ thụ còn sống sót”, “đáng buồn là chính
con người đã tiếp tục sự hủy hoại rừng”, “tôi vô cùng thương tiếc khi nghĩ rằng do rừng bị
hủy diệt, con chim Trĩ và cả con Cu đất đã tuyệt chủng” (Báo động về môi trường Huế dưới
góc nhìn văn hóa)… Ngoài ra, Huế còn đang ở trong tình trạng báo động về nạn “ô nhiễm
âm thanh” “do nhạc Rock từ những quán cà phê dày đặc trên địa bàn thành phố Huế gây ra,
suốt ngày đến tận nửa đêm”, “thành phố đinh tai nhức óc trong tiếng nhạc Rock” (Báo động
về môi trường Huế dưới góc nhìn văn hóa)… và điều đáng quan tâm nhất chính là vấn nạn
này đang thay đổi nhanh chóng diện mạo của Huế, khiến nó không còn là thành phố yên bình
của các loài chim, côn trùng bé nhỏ. Nó tách rời, chia cắt đầy đau đớn mối thân tình gắn kết
từ lâu giữa con người với thiên nhiên. Không thể “bưng tai bịt mắt” làm ngơ trước thực trạng
đau lòng đó, tác giả đã khẩn thiết đề nghị mấy giải pháp cấp bách để cứu vãn sông Hương,
vùng núi phía Tây Huế và cả vấn nạn ô nhiễm âm thanh trong thành phố. Đây là những việc
làm thiết thực, có tính khả thi và “nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, tôi e rằng
đến năm 2000, Huế sẽ không tồn tại như là chính nó, và như là một “di sản văn hóa” của
nhân loại” (Báo động về môi trường Huế dưới góc nhìn văn hóa). Thật vậy, “thành phố - di
sản cần đến một cách ứng xử văn hóa” [44, tr.124].
Viết về Huế, tác giả rất muốn giới thiệu những nét đẹp của thành phố cổ kính, xưa
cũ này cho mọi độc giả như ông đã từng thú nhận “người Huế giống người Pháp ở chỗ thích
nói những điều tốt đẹp về xứ sở của mình” (Tính cách Huế). Và quả đúng như vậy, đọc bút
ký của ông, chúng ta biết đến một sông Hương thơ mộng, một cánh rừng Tây Bắc hùng vĩ,
nên thơ, một kiến trúc nhà vườn xinh xắn và còn biết bao vẻ đẹp khác của Huế tiềm ẩn trong
thiên nhiên và con người Huế. Chính vì vậy mà giọng điệu chủ đạo của ông là yêu thương,
trìu mến; thâm trầm, triết lí. Song không phải vì mục đích tốt đẹp đấy mà ông quên đi những
hiện trạng nhức nhối đang xảy ra hàng ngày hàng giờ ở ngoài kia. Đã yêu thương Huế, ông
cảm thấy mình cũng rất cần có trách nhiệm, vai trò trong việc phải phản ánh, cứu vãn, đấu
tranh cho môi trường thiên nhiên Huế đang bị đe dọa nghiêm trọng: “Nếu không quyết tâm
giữ gìn sông Hương như một bản năng của người Huế thì có thể đến một lúc nào đó, con
sông Hương mà tôi từng vẽ nên bằng cả tâm huyết ấy sẽ chỉ còn trong tâm tưởng” [43]. Và
vì lẽ đó mà trăn trở, xót xa, đau buồn cho xứ Huế bị thay đổi ghê gớm như ngày hôm nay
cũng là một trong những biểu hiện yêu thương đến nặng lòng với nó. Tất yếu, phân chia và
nhận rõ nhiều giọng điệu khác nhau trong dòng cảm hứng của tác giả nhưng cũng có thể
nhận thấy rằng tất cả đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương sâu nặng của ông với Huế và
những chiêm nghiệm về thế thái nhân tình bao la…
Giọng điệu chủ đạo trong các sáng tác của ông là giọng thâm trầm, triết lí, giàu suy
tưởng. Viết về những sự việc, hiện tượng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày nhưng ông
không dừng ở đó mà luôn nâng tầm ý nghĩa của nó trở nên sâu sắc và mở ra nhiều trường
liên tưởng. Chính sự thâm trầm, triết lí trong cách nhìn nhận và chiêm nghiệm về thế thái
nhân tình khiến cho các trang viết của ông giàu chất trí tuệ, nó dẫn dắt người đọc miên man
trong cõi suy tư, kiếm tìm những nét đẹp ở đời và bất ngờ, thú vị làm sao khi con người phát
hiện ra nó, khát khao đạt đến tận cùng của cuộc sống vi diệu. Điều này hết sức phù hợp với
quan niệm, lý tưởng sống của tác giả khi ông luôn đề cao vẻ đẹp văn hóa. Ông tâm sự, sẻ
chia, khuyên nhủ mọi người hãy xuất phát từ nền tảng này để tiến lên trong sự phát triển
không ngừng của bản thân mình và xã hội.
Viết về đất và người xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường chọn những phương thức
nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc để chuyển tải đến người đọc một cách đầy đủ và lôi cuốn nhất
về mảnh đất yêu thương, ruột thịt của ông. Khó có thể đánh giá nét nghệ thuật nào là tiêu
biểu nhất vì ở ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, chúng ta thấy ông sử dụng các phương thức đấy
một cách điêu luyện, tinh tế và có hiệu quả cao. Nhưng có thể nói nét nghệ thuật đặc sắc nổi
bật tạo nên phong cách tài hoa của ông chính là ngôn ngữ trữ tình, giàu chất thơ và giọng
điệu thâm trầm, sâu sắc trong quá trình chiêm nghiệm dài lâu của một trí thức nặng tình với
Huế. Đó còn là giọng điệu yêu thương, trìu mến dành cho con người và vạn vật xung quanh.
Đọc ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, ai cũng yêu và bị hấp dẫn, mê hoặc nhanh chóng bởi sự
nồng nàn, say đắm, tài hoa của lớp ngôn từ bên ngoài, của một phương diện khác của người
viết ký. Bên cạnh việc trung thành với sứ mệnh của người viết ký thì phần hư cấu của tác giả
đóng vai trò quan trọng. Đó là phần hư cấu loại bỏ, hư cấu thêm, và cả hư cấu bằng cảm
nhận riêng của tác giả khi các sự việc, hiện tượng đó chảy qua trái tim và ngòi bút của ông.
Có được điều đó là do sự sáng tạo riêng, là tài năng của nhà viết ký tài ba khiến ông không bị
lẫn lộn và lãng quên nhanh chóng trong dòng chảy của văn học hiện đại. Ngôn từ và giọng
điệu đâu chỉ là vẻ bên ngoài mà thực ra nó xuất phát từ chính công phu lao động miệt mài, từ
tình yêu sâu nặng và tâm hồn tinh tế, sâu lắng của ông. Ông đề cao chữ “tâm”, sống trọn vẹn
với nó như nét đẹp trong tính cách của người Huế, cứ thế ông đi suốt cuộc hành trình dài của
mình với hành trang là tấm lòng yêu thương đất đai, xứ sở, con người ở mỗi miền quê ông
qua. Nhưng chỉ với Huế, trang văn của ông ngọt ngào, đằm thắm và trữ tình lạ lùng. Văn
xuôi ký Hoàng Phủ Ngọc Tường gần với thơ và cũng rất gần với hơi thở cuộc đời. Giọng
điệu thâm trầm, triết lí là giọng điệu chủ đạo vì xuất phát từ những thao thức, trăn trở, triết lí
như một trí tuệ sáng chói luôn đi kiếm tìm cái đẹp, ý nghĩa lẽ sống, tình đời và tấm lòng nặng
ân tình của ông với cuộc đời rộng lớn này. Và ngôn ngữ trữ tình, giàu chất thơ, chất họa
cũng chính là cái cách ông yêu thương và chia sẻ với mọi người, trân trọng mình và bao thế
hệ độc giả. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhả tơ, đã rút ruột mình dâng hiến, để lại cho cuộc
đời những gì quý giá nhất của con người ông. Độc giả bao đời nay vẫn luôn thầm tri ân ông
vì ông đã đem đến cho họ một xứ Huế rất thực song cũng rất lung linh, kỳ ảo, mang trong
mình những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Điều quý giá hơn cả chính là việc chúng ta
đã học được từ ông một tấm gương sống và cống hiến hết mình.
KẾT LUẬN
1. Từ một quá trình lao động bền bỉ, say mê với việc đi thâm nhập đời sống thực tế,
đi nhiều, viết nhiều, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cho ra đời nhiều tác phẩm ký có giá trị. Đến
nay, ông đã có 11 tập bút ký với nhiều tác phẩm ký được đánh giá cao, có ý nghĩa trong cuộc
sống hiện đại ngày nay. Ông viết về nhiều đề tài từ câu chuyện về các miền đất Huế, Lạng
Sơn, Cà Mau, Quảng Trị, Quảng Nam… cho đến chuyện về những nghệ sĩ nổi tiếng như
Trịnh Công Sơn, Phùng Quán, Điềm Phùng Thị, Bùi Giáng, Ngô Kha… Đó là những thiên
truyện dài hoặc đôi khi chỉ là những cảm xúc tản mạn song lại giàu ý nghĩa, giá trị về cuộc
đời, tình người. Với những đóng góp to lớn cho thể ký hiện đại, ông xứng đáng được xem là
nhà viết ký tiêu biểu của văn học Việt Nam sau 1975. Ông góp phần hoàn chỉnh diện mạo
của ký Việt Nam hiện đại và mở ra chặng đường mới cho sự phát triển không ngừng của nó.
2. Không khó khăn gì khi nhận ra Huế là đề tài xuyên suốt trong quá trình sáng tác
của ông. Vì lẽ đó mà ngoài những tác phẩm trực tiếp viết về Huế, các tác phẩm khác, đề tài
khác ít nhiều vẫn được soi chiếu từ cái nhìn của Huế. Có một số nhận định cho rằng Hoàng
Phủ Ngọc Tường là nhà Huế học, chất Huế thấm đẫm trong con người ông… “Những trang
ký viết về Huế là những trang thơ văn xuôi, góp phần khẳng định sự thành công của anh về
thể ký, đồng thời bộc lộ rõ một phong cách riêng. Đó là chất Huế bàng bạc khắp trang viết
của anh. Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây bút ký gắn bó với cội nguồn, truyền thống văn hóa
Huế” [24]. Có lẽ đến văn xuôi ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, chúng ta mới tường tận một miền
đất Huế toàn diện và gần gũi như vậy. Chúng ta hiểu biết về Huế, từ những tầng tầng lớp lớp
những trầm tích lâu đời cho đến những lớp đất tơi xốp mới mẻ của ngày hôm qua. Đặc biệt,
qua cảm hứng về đất và người xứ Huế của tác giả, ta khám phá được ngòi bút của ông luôn
hướng tới ánh sáng, chiều sâu văn hóa. Đó là văn hóa của đất và người xứ Huế. Đọc ký của
ông đâu phải chúng ta chỉ xúc động, tự hào trước vẻ đẹp của hồn thiêng sông núi, của thế
giới cỏ cây lung linh sắc màu, của những con người hồn hậu, nghĩa tình… mà còn da diết và
sâu thẳm hơn với thái độ trăn trở, chiêm nghiệm, nghĩ suy của ông về những giá trị, vẻ đẹp
văn hóa truyền thống có được từ những câu chuyện giản dị về đất và người Huế. Tất cả cảm
hứng đều xuất phát từ tâm thức văn hóa của ông. Ông cảm nhận vạn vật và con người dưới
ánh sáng văn hóa để lại bao bài học, triết lí về lẽ sống ở đời. Và đồng thời từ đó, chúng ta
còn nhận thức được chiều sâu trong thế giới tâm hồn nhà văn – một người con ruột thịt của
Huế, đã thuộc về Huế từ lâu, gắn bó máu thịt với nó và yêu nó bằng một tình yêu mặn nồng.
“Yêu Huế không chỉ có người Huế. Mặc dù là người làng Bích Khuê, Triệu Phong, Quảng
Trị, Hoàng Phủ Ngọc Tường gắn bó với Huế và như anh nói: Có lẽ mình sẽ nằm lại mãi với
Huế” [82, tr.425]. Vì tình yêu ấy với quê hương, xứ sở, với cuộc đời mà Hoàng Phủ Ngọc
Tường luôn thể hiện hết trách nhiệm và tài năng của mình trên chặng đường gian nan của
nhà viết ký.
3. Về mặt nghệ thuật, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất thành công trong vai trò nhà
viết ký trách nhiệm, tài hoa, uyên bác. Viết về Huế, nét nổi bật trong bút pháp nghệ thuật của
ông là nghệ thuật khám phá hiện thực và khai thác tư liệu, nghệ thuật trần thuật và đặc sắc
hơn cả là phong cách ngôn ngữ, giọng điệu. Nhờ những nét nghệ thuật đặc sắc này mà cảm
hứng của ông về đất và người xứ Huế được soi sáng. Là nhà viết ký chuyên nghiệp, tác giả ý
thức rất rõ vai trò của người viết ký. Vì lẽ đó, ông luôn muốn đem đến cho độc giả thế giới
hiện thực phong phú, đa dạng, cụ thể, chính xác. Thật vậy, đọc các tác phẩm ký của ông
chúng ta thấy Huế trở nên vô cùng rõ ràng, sống động. Ấn tượng hơn, ở một góc độ nhất
định, sự vật, hiện tượng, con người ấy lại được nhìn qua lăng kính chủ quan của tác giả nên
Huế trở nên thú vị, sinh động và kì diệu hơn những gì chúng ta biết được. Tất cả nhờ sự sáng
tạo, linh hoạt, năng động trong cách tiếp cận, khám phá hiện thực của ông. Cách ông kể
chuyện, tâm tình cũng rất lôi cuốn, hấp dẫn nhờ sự giản dị, mộc mạc nhưng cũng đậm chất
triết lí, thăng hoa trong cách mở đầu, dẫn dắt câu chuyện. Đọc ký Hoàng Phủ Ngọc Tường,
không khó khăn gì để chúng ta nhận ra một phong cách riêng, tài hoa hết mực của ông. Đó là
ngôn ngữ đẹp, giọng điệu trữ tình, đậm chất thơ, chất họa. Ngôn ngữ của ông làm mê đắm
lòng người vì đó là chất tài hoa của người nghệ sĩ song đồng thời cũng nhờ ông luôn nỗ lực
trong quá trình kiếm tìm cái đẹp để dâng hiến cho đời. Thực sự, những trang ký của ông có
“rất nhiều ánh lửa”.
4. Cả cuộc đời của ông là một hành trình dài bất tận đi tìm kiếm cái đẹp. Việc khát
khao đi đến tận cùng của cái đẹp là những mong muốn vươn lên của con người, say mê hoàn
thiện chính mình. Và trên chặng đường đó, ông còn luôn băn khoăn, kiếm tìm ý nghĩa của lẽ
sống. Ẩn sâu đằng sau những câu chuyện giản dị hàng ngày là những chiêm nghiệm về lẽ
sống, cuộc đời của chính mình và thế giới con người xung quanh. Từ đề tài Huế, ký Hoàng
Phủ Ngọc Tường dẫn người đọc đi xa hơn. Không chỉ dừng lại ở đất Huế, người Huế mà còn
là chuyện muôn đời, chuyện muôn người, là những suy ngẫm không bao giờ xưa cũ… Tất cả
được nâng tầm lên qua nhận thức, suy nghĩ, cảm nhận của ông. Đặc biệt, ở tác phẩm nào,
chúng ta cũng thấy tấm lòng nhiệt huyết và bút lực dồi dào của ông. Đó là cách ông thể hiện
khát vọng sống của mình ở đời với trái tim giàu tình yêu thương, lòng nhân ái. Sống trách
nhiệm và nặng tình với cuộc đời này, Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn đem đến cho chúng ta
những bài học lớn về chữ “tình”.
Tất cả những điều đó làm cho Hoàng Phủ Ngọc Tường trở thành “một nhà văn tầm
cỡ, một nhân vật lịch sử của văn hóa Huế cuối thế kỷ XX và còn ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều
thế hệ sau” [51, tr.66].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Võ Hương An (2007), Huế của một thời, Nhà xuất bản Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh.
2. Phan Thuận An (2008), Huế xưa và nay di tích và danh thắng, Nhà xuất bản Văn hóa
thông tin.
3. Tạ Duy Anh (chủ biên) (2000), Nghệ thuật truyện ngắn và ký, Nhà xuất bản Thanh Niên,
Hà Nội.
4. Lại Nguyên Ân (1992), 150 thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội.
5. Đặng Việt Bích (1996), Huế - một cái nhìn khái lược về văn hóa, Tạp chí Sông Hương số
12.
6. Hoàng Cát (2000), Đọc “Ngọn núi ảo ảnh” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí Cửa
Việt số 70.
7. Nguyễn Đình Chính (2006), Festival Huế 2006 với ông Hoàng Phủ, Tạp chí Sông Hương
số 209.
8. Nguyễn Vân Cù (2005), Văn hóa Huế từ góc nhìn ẩm thực, trang web www.hue.vnn.vn
9. Lê Đức Dục (2000), Hoàng Phủ Ngọc Tường – người lễ độ với thiên nhiên, Tạp chí Cửa
Việt số 65.
10. Đức Dũng (1996), Các thể ký báo chí, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Hà Nội.
11. Phạm Xuân Dũng (2002), Người ham chơi nói thật, Kiến thức ngày nay số 390.
12. Phan Cự Đệ (chủ biên) (2004), Văn học Việt Nam thế kỷ XX: những vấn đề lịch sử và lí
luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
13. Bùi Minh Đức (2004), Từ điển tiếng Huế, Nhà xuất bản Văn học, Trung tâm nghiên cứu
quốc học.
14. Hà Minh Đức (chủ biên) (1998), Lí luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
15. Văn Cầm Hải (1998), Huế vẫn xanh và Tường vẫn trong, Báo Văn hóa Thể Thao.
16. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên) (1997), Từ điển thuật ngữ văn
học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội.
17. Hoàng Ngọc Hiến (1998), Năm bài giảng về thể loại: ký, bi kịch, trường ca, anh hùng ca,
tiểu thuyết; Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
18. Ngô Minh Hiền (2004), Văn hóa qua cái nhìn lịch sử trong văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc
Tường, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 3.
19. Ngô Minh Hiền (2009), Thiên nhiên – thế giới tinh thần của con người trong văn xuôi
Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1.
20. Vũ Thị Thu Hiền, Một vài cảm nhận về tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của
Hoàng Phủ Ngọc Tường, trang web www.thuathienhue.edu.vn
21. Vũ Thị Thu Hiền, Tìm hiểu cái tôi tác giả trong thể loại ký, trang web
www.thuathienhue.edu.vn
22. Nguyễn Văn Hoa (2003), Phải chăng sau Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường thì tác giả
coi như giang hồ gác kiếm?, Tạp chí Sông Hương số 168.
23. Nguyễn Xuân Hoàng (2003), Hoàng Phủ Ngọc Tường trong mắt tôi, Kiến thức ngày nay
số 450.
24. Lê Thị Hường (2002), Xin được nói về Hoàng Phủ Ngọc Tường như một thi sĩ của thiên
nhiên, Tạp chí Sông Hương số 161.
25. Lê Thị Hường (2005), Thế giới cỏ dại trong văn thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí
Sông Hương số 202.
26. Thủy Lê (1998), Người hái phù dung được nhiều ánh lửa, Tạp chí Tia Sáng số 161.
27. Mai Văn Lộc (2006), Môi trường thiên nhiên trong kiến trúc đô thị Huế, Tạp chí Sông
Hương số 211.
28. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam (chủ biên) (1997), Lý luận văn học, Nhà
xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
29. Trần Thùy Mai (2002), Ký văn hóa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí Sông Hương số
161.
30. Nguyễn Đăng Mạnh (2003), Nhà văn Việt Nam hiện đại – chân dung và phong cách,
Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
31. Lê Thị Hồng Minh (2006), Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, luận văn thạc sĩ, Trường Đại học
Sư Phạm, TP. Hồ Chí Minh.
32. Ngô Minh (2002), Vài suy nghĩ về Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí Sông
Hương số 161.
33. Ngô Minh (2003), Những điều tôi học được từ văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp
chí Cửa Việt số 108.
34. Ngô Minh (2008), Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường, trang web www.danluan.org
35. Đặng Nhật Minh (2002), Hoàng Phủ Ngọc Tường – một tâm hồn Huế, Tạp chí Tia Sáng
số 6.
36. Trần Văn Minh (2008), Thể loại tùy bút trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Tạp chí
Khoa học xã hội.
37. Lê Trà My (2006), Về việc giảng dạy thể ký và Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong
chương trình văn học phổ thông, Tạp chí Giáo dục số 49.
38. Dạ Ngân (2002), Hoàng Phủ Ngọc Tường – nỗi niềm của lửa, Tạp chí Văn hóa nghệ
thuật số 5.
39. Nguyên Ngọc (2001), “Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường”, Rượu Hồng đào chưa nhắm đã
say, Nhà xuất bản Đà Nẵng.
40. Thái Công Nguyên, Huế với kho tàng văn hóa phi vật thể, trang web
www.binhthuan.gov.vn
41. Phạm Xuân Nguyên (1989), “Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường”, Chân dung văn học Quảng
Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sau 1975, Đại học Tổng hợp Huế xuất bản.
42. Hoàng Sĩ Nguyên (2001), Đọc Nhàn đàm của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí Sông
Hương số 147.
43. Kim Oanh (2008), Hoàng Phủ Ngọc Tường và tài sản sông Hương, trang web
www.tuoitre.vn
44. Nguyễn Hữu Châu Phan (chủ biên) (2003), Nghiên cứu Huế, Trung tâm nghiên cứu Huế
- tập 5.
45. Hoàng Phê (chủ biên) (1998), Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Đà
Nẵng.
46. Phạm Phú Phong (2002), Hoàng Phủ Ngọc Tường – người kể chuyện cổ tích chiến tranh,
Tạp chí Sông Hương số 161.
47. Hữu Quyết – Xuân Hoài (2007), Gặp gỡ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường những ngày
đầu năm tại Huế: “văn chương đòi hỏi cái gì… hơn cả máu!”, Tạp chí sông Hương số
220.
48. Trần Đức Anh Sơn (2004), Huế triều Nguyễn một cái nhìn, Nhà xuất bản Thuận Hóa.
49. Nguyễn Hữu Sơn, Ký Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1945, trang web
50. Trần Đình Sử (1987), “Ai đã đặt tên cho dòng sông” – Bút ký sử thi của Hoàng Phủ
Ngọc Tường, Tạp chí Văn nghệ số 7.
51. Nguyễn Trọng Tạo (2002), Lễ hội riêng của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí Cửa Việt
số 93.
52. Thanh Thảo (2002), Hoàng Phủ Ngọc Tường – người hái phù du, Tạp chí Sông Hương
số 158.
53. Hoàng Bình Thi, Chiêm cảm Huế di tích và con người.
54. Lý Hoài Thu (2008), Hồi ký và bút ký thời kì đổi mới, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10.
55. Nguyễn Thị Thu (2009), Phong cách văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường, luận văn thạc sĩ,
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, TP. Hồ Chí Minh.
56. Đặng Tiến (2002), Đọc Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí Diễn đàn Paris số
123.
57. Ngọc Trai (1981), Lửa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí Văn Nghệ số 19.
58. Nguyễn Thanh Tú (2009), Đi tìm vẻ đẹp của một dòng sông, Tạp chí Nghiên cứu văn học
số 2.
59. Nguyễn Tuân (1980), Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa, Tạp chí Văn
Nghệ số 25.
60. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1971), Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu, Nhà xuất bản Văn
nghệ giải phóng.
61. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1976), Những dấu chân qua thành phố, Nhà xuất bản Văn nghệ
giải phóng.
62. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1979), Rất nhiều ánh lửa, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà
Nội.
63. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1984), Ai đã đặt tên cho dòng sông, Nhà xuất bản Thuận Hóa,
Huế.
64. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1984), Bản di chúc của cỏ lau, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
65. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1987), Bài thơ thôn Vĩ: thơ viết về Huế trước 1945, Nhà xuất
bản TP Hồ Chí Minh.
66. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1992), Người hái phù dung, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà
Nội.
67. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1995), Huế di tích và con người, Nhà xuất bản Thuận Hóa,
Huế.
68. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1995), Hoa trái quanh tôi, Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
69. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1997), Nhàn đàm, Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
70. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1998), Người ham chơi, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
71. Hoàng Phủ Ngọc Tường (1999), Ngọn núi ảo ảnh, Nhà xuất bản Thanh Niên.
72. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2001), Miền gái đẹp, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
73. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2001), Trong mắt tôi, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
74. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2001), Rượu hồng đào chưa nhắm đã say, Nhà xuất bản Đà
Nẵng.
75. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2002), Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 1, Nhà xuất bản
Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
76. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2002), Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 2, Nhà xuất bản
Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
77. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2002), Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 3, Nhà xuất bản
Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
78. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2002), Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 4, Nhà xuất bản
Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
79. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2004), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé, Nhà
xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
80. Hoàng Phủ Ngọc Tường (2007), Miền cỏ thơm, Nhà xuất bản Văn nghệ, TP Hồ Chí
Minh.
81. Nhiều tác giả (2000), Trò chuyện với 100 nhà văn Việt Nam, Báo Sài Gòn Giải Phóng –
Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn
82. Nhiều tác giả (2004), Tuyển tập bút ký “Tượng đài sông Hương”, Nhà xuất bản Trẻ.
83. Lê Xuân Việt (1981), Nghệ thuật viết ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong “Rất nhiều
ánh lửa”, Tạp chí Văn học số 4.
84. Lê Xuân Việt (1999), Cảnh sắc thiên nhiên trong ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí
Cửa Việt số 60.
85. Trần Quốc Vượng (1994), Bản sắc văn hóa dân tộc qua sắc thái Huế, Tạp chí sông
Hương số 5.
PHỤ LỤC
* Thống kê:
- Các tác phẩm viết về Huế: Di tích và con người, Chuyện cơm hến, Con gà đất của
tôi, Bông ngũ sắc, Như con sông từ nguồn ra biển, Rất nhiều ánh lửa, Còn mãi đến bây giờ,
Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Đời rừng, Hoa trái quanh tôi, Bản di chúc của cỏ lau, Sử thi
buồn, Tiếc rừng, Tuyệt tình cốc, Ngọn núi ảo ảnh, Mùa xuân thay áo trên cây, Người Mỹ trở
lại, Hành lang của người và gió, Trung tâm thành Châu Hóa, Tính cách Huế, Đôi điều về văn
hóa Huế, Mấy đặc trưng của “văn hóa ăn” vùng Huế, Báo động về môi trường Huế dưới góc
nhìn văn hóa, “Thành phố lịch sử” một cơ may cứu vãn Huế, Trường Thanh niên tiền tuyến
và thế hệ Giải phóng quân Huế đầu tiên, Làng quê văn hiến, Miền cỏ thơm, Mái nhà dưới
bóng cây xanh; Huế, trong mắt tướng Đờ Cát; Bàn tay vàng của người phụ nữ Huế, Khói và
mây, Lễ hội áo dài, Sắc mai, Canh gà Thọ Xương, Hoa bên trời, Thành phố và chim, Những
người trồng hoa, Lan Huyền Không, Quà vặt (39 tác phẩm/121 tác phẩm trích từ các tuyển
tập ký). Con số các tác phẩm viết về Huế chiếm khoảng 1/3 trong sự nghiệp sáng tác của
Hoàng Phủ Ngọc Tường. Số lượng này không tính đến các tác phẩm trong “Nhàn đàm” và
những tác phẩm viết về các nhân vật cụ thể. Như vậy, đây là một số lượng lớn, con số biết
nói này chứng tỏ niềm say mê và cảm hứng dạt dào, bất tận của tác giả dành cho Huế.
- Ngoài những tác phẩm trên trực tiếp nói về Huế còn nhiều tác phẩm khác ít nhiều
nhắc đến Huế: Châu thổ ngàn năm, Chế ngự cát, Rừng nước mặn, Đất Mũi, Miếng trầu đỏ,
Đánh giặc trên hàng rào điện tử, Ai về châu xưa, Rừng hồi, Cồn Cỏ ngày thường, Đứa con
phù sa, Vành đai trong lửa, Đêm chong đèn nhớ lại, “Diễm xưa” của tôi, Rừng cười, Lý
chuồn chuồn, Chuyện nhà Nguyễn, Lý tưởng anh hùng trong thơ Việt Nam thời Nguyễn sơ,
Đất nước, Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say, Những cuốn sách tôi đã đọc hồi còn bé, Một
thời làm báo, Một vài suy nghĩ về thể ký, Thầy Đào Duy Từ, Tay chơi, “Từ thụ yếu quy”
cuốn sách hàng đầu về chống tham nhũng ở thế kỷ 19, Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Ưng
Bình Thúc Giạ Thị, Cảm nhận thơ Ngô Kha, “7 chữ cái” Điềm Phùng Thị, Hành tinh yêu
thương của Hoàng tử Bé, Bùi Giáng trong tôi, Nhớ hoài, Về chiếc panh-xô và khẩu súng của
Trường, Lang thang với Trần Quốc Vượng, Không gian, Đà Lạt – Noel 1965 và Đinh
Cường, Đốt lò hương giở phím đồng ngày xưa, Thời ấu thơ xanh biếc, Những nguồn suối xa
xôi, Con chó trung nghĩa, NSND Đặng Nhật Minh – người kể sự tích dân tộc mình bằng điện
ảnh, Hồng Lĩnh, Rừng tuổi dại, Văn phòng Tứ Bảo của tôi, Khốn nhi tri, Đá vàng, Quê nhà,
Vài nét đặc trưng về kiến trúc Nguyễn, Con gái; Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa…;
Đèo Hải Vân, Chuyện vua Minh Mạng, Sư phụ, Mảnh đất huyền thoại của tâm hồn tôi,
Chuyện kể tiếp về Trường, Những thiên thể chiếu sáng trong tôi (56/121). Dù không chọn
Huế làm đề tài chính nhưng các tác phẩm này đều nhắc đến Huế. Điều này thật dễ hiểu khi
đưa đến nhận định rằng dù viết về đề tài nào, miền đất nào đi nữa thì Huế vẫn luôn ngự trị và
chiếm một vị trí quan trọng ở trong tâm trí và nguồn cảm hứng của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
- Từ ngữ về Huế: lối sống Huế, kinh đô Huế, màu tím Huế, cơm hến Huế, bản sắc
Huế, cung đình Huế, âm nhạc cổ điển Huế… (Trung tâm thành Châu Hóa); tính cách Huế,
điệu hò mái đẩy Huế, hệ ngũ sắc dân gian riêng của Huế, tâm hồn Huế, văn hóa Huế, tư duy
kiến trúc Huế, loại hình kiến trúc Huế, vườn Huế, thiếu nữ Huế, Mỹ học Huế, phong tục
Huế, cộng đồng người Huế, Huế thanh lịch… (Tính cách Huế); hệ thiên nhiên Huế, hệ vườn
Huế, hệ ngũ sắc Huế, hệ ngũ âm Huế, giọng Huế, hệ mỹ học Huế, hệ chùa Huế, hệ món ăn
Huế… (Đôi điều về văn hóa Huế); cung cách xứ Huế, “văn hóa Ăn” kiểu Huế, thực đơn
Huế, phong vị xứ Huế, lối Huế, kiểu Huế, kinh nghiệm Huế, bữa ăn Huế, rau sống Huế, hệ
chè Huế, tập quán ăn Huế, bếp ăn Huế… (Mấy đặc trưng của “văn hóa ăn” vùng Huế)…Từ
chỉ địa danh Huế trở đi trở lại trong rất nhiều tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Theo sự
thống kê, chỉ mới 4 tác phẩm “Trung tâm thành Châu Hóa”, “Tính cách Huế”, “Đôi điều về
văn hóa Huế”, “Mấy đặc trưng của “văn hóa ăn” vùng Huế” đã thấy tác giả dùng rất nhiều từ
ngữ về Huế. Đó là từ ngữ về Huế nói chung chứ chưa kể đến tên các sự vật, hiện tượng nói
riêng thuộc về Huế. Điều này cho thấy sức ám ảnh của Huế lên ngòi bút của ông để rồi từ đó,
ông có nhiều định nghĩa mới, cách đặt tên mới cho sự vật, hiện tượng đặc trưng, thuộc về
bản chất của Huế. Hầu như, cách gọi tên này đều xuất phát từ tâm thức văn hóa của tác giả.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LVVHVHVN068.pdf