Dollar hoá là hiện tượng kinh tế - xã hội khách quan, điều đó không có nghĩa nó được phép tồn tại ngoài khuôn khổ pháp luật. Tất cả đều phải được thể chế bằng pháp luật. Vì lơi ích quốc gia, nhà nước có vai trò điều chỉnh quá trình dollar hoá. Tất nhiên quyết định của nhà nước không được duy ý chí, mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội khách quan.
26 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1678 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề án Ảnh hưởng của tình trạng dollar hoá đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay nguyên nhân và giải pháp khắc phục, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu
ảnh hưởng của tình trạng dollar hoá đối với nền kinh tế việt nam hiện nay nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Trong những năm gần đây, vấn đề dollar hoá ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tiền tệ ngân hàng. Dollar hoá là tình trạng phổ biến của các nước đang phát triển và các nước đang trong quá trình chuyển đổi. ở những nước này, tình trạng lạm phát cao thường là trên 2 con số, đồng tiền trong nước mất ổn định, mất giá... tức là đồng tiền bị mất lòng tin, nên các chức năng thuộc tính của tiền tệ bị thu hẹp, nhường chỗ cho ngoại tệ mạnh, chủ yếu là dollar Mỹ, lấn lướt.
Tại Việt nam, tình trạng dollar hoá trong nền kinh tế đã diễn ra trong nhiều năm nay sau một thời gian dollar hoá có xu hướng chững lại do lạm phát ổn định, kiểm soát ngoại tệ chặt chẽ, lãi suất huy động USD ở mức thấp. Nhằm ngăn chặn hiện tượng dollar hoá, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo tìm kiếm giải pháp hạn chế dollar hoá,mà tập trung nhất là được thể hiện tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng năm 2001.
Trong quá trình đổi mới hoạt động nền kinh tế đất nước, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện đường lối kinh tế mở cửa và hội nhập với khu vực và thế giới. Thực hiện đường lối đó, chúng ta đã gia nhập khối ASEAN, ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, cam kết tham gia AFTA và trong tương lai sẽ tham gia vào tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc hội nhập quốc tế về kinh tế như trên, tạo ra cho nền kinh tế nước nhà nhiều cơ hội và đồng thời nó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các ngành kinh tế nước ta. Xét trên bình diện toàn bộ nền kinh tế, Chính phủ ta kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào trong nước. Nhờ đó làm cho nền kinh tế trong nước phát triển, thu nhập người dân tăng lên và tạo công ăn việc làm cho một bộ phân dân cư, nhưng bên cạnh đó nó cũng gây ra tình trạng dollar hoá. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên tình trạng này mà nó còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra.
Đã có rất nhiều bài báo đề cập đến vấn đề dollar hoá nền kinh tế dưới các góc độ phân tích khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, em không dám chắc rằng mình sẽ có thể nêu lên đầy đủ các ý kiến phân tích ở mọi khía cạnh về tình trạng dollar hoá tại nước ta trong thời kỳ chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Để hiểu thêm tình trạng này, em cũng cố gắng đưa ra một số phân tích cơ bản về dollar hoá ở nước ta.
Nội dung
I- Khái niệm, nguyên nhân và các loại dollar hoá.
1. Khái niệm :
Trong một nền kinh tế khi ngoại tệ được sử dụng một cách rộng rãi thay thế đồng bản tệ trong toàn bộ hoặc một số các chức năng của tiền tệ thì theo thông lệ chung có thể hiểu nền kinh tế đó bị ngoại tệ hoá. Khi một nền kinh tế nào đó sử dụng ngoại tệ là dollar một cách rộng rãi như trên thì gọi là dollar hoá nền kinh tế.
Theo IMF, tỷ lệ dollar hoá của nền kinh tế được căn cứ vào tỷ lệ giữa tiền gửi ngoại tệ tại các Ngân hàng so với lượng tiền cung ứng theo nghĩa rộng (M2). Theo cách tính này, IMF cho rằng nếu tiền gửi ngoại tệ trên M2 (Bao gồm : Tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ) trong một nền kinh tế lớn hơn 30% thì nền kinh tế đó có thể coi là gặp phải tình trạng dollar hoá cao.
2. Nguyên nhân của dollar hoá :
Theo các nhà nghiên cứu tình trạng dollar phụ thuộc vào các yếu tố sau :
Trình độ phát triển cùng tính chất của nền kinh tế : Dollar hoá thường rơi vào các nước có trình độ phát triển thấp, các nước đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát cao, giá trị đồng nội tệ giảm liên tục. Do đó công chúng thích giữ các tài sản bằng ngoại tệ nhằm tự phòng ngừa rủi ro giảm giá, phá giá đồng nội tệ. Đồng ngoại tệ được coi là phương tiện thanh toán, cất trữ tồn tại song song với đồng nội tệ... Tình trạng buôn lậu chưa được kiểm soát chặt chẽ, nhất là buôn lậu qua biên giới, buôn bán tiểu ngạch.
Trình độ tâm lý và dân trí của người dân : tại các nước có trình độ dân trí chưa cao người dân vẫn còn thói quen giữ vàng và dollar để tránh rủi ro. Do vậy thường xảy ta tình trạng dollar hoá trong nền kinh tế.
Trình độ phát triển của hệ thống ngân hàng : Khi hệ thống ngân hàng còn non trẻ thì hoạt động thanh toán chưa phát triển, khoa học công nghệ hỗ trợ cho việc hiện đại hoá máy móc, trang thiết bị còn lạc hậu chưa theo kịp với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Điều này cũng là một trong những nhân tố không nhỏ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng dollar hoá nền kinh tế hiện nay.
Chính sách tiền tệ và cơ chế quản lý ngoại hối cùng với mức độ đảm bảo tính nghiêm minh của cơ chế quản lý : Mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ là ổn định giá trị của tiền tệ, tức là ổn định sức mua của tiền tệ. Nếu mục tiêu này đạt được cùng với cơ chế quản lý ngoại hối chặt chẽ thì tình trạng dollar hoá nền kinh tế rất khó xảy ra.
Khả năng chuyển đổi của đồng nội tệ(đồng tiền của quốc gia đó) : Khi đồng tiền của một quốc gia lâm vào tình trạng lạm phát hoặc nền kinh tế có mức tăng trưởng và GDP thấp, khoa học kỹ thuật cũng như cơ sở hạ tầng không phát triển hoặc phát triển chậm... so với các nước trong khu vực sẽ dẫn đến việc đồng tiền nội tệ của nước đó sẽ không được ưa chuộng cho việc thanh toán xuất nhập khẩu cũng như việc cất trữ vì giá trị không ổn định. Vì vậy nước đó phải sử dụng đồng tiền khác để thay thế.
3. Các loại dollar hoá :
Về cơ bản, dollar hóa gồm ba loại chính, đó là : Dollar hóa không chính thức(unoficial dollarization) ; Dollar hoá bán chính thức(semiofcial dolarization) và Dollar hoá chính thức(official dollarization).
a. Dollar hoá không chính thức (unoficial dollarization) :
Dollar hoá không chính thức là trường hợp ngoại tệ được sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế mặc dù không được quốc gia này chính thức thừa nhận. Thuật ngữ " dollar hoá không chính thức " bao gồm các trường hợp nắm giữ tài sản nước ngoài hợp pháp và không hợp pháp. Tại một vài nước, việc giữ một số tài sản ngoại tệ hợp pháp như các tài khoản bằng USD ở các ngân hàng trong nước, nhưng lại không hợp pháp khi có tài khoản tại ngân hàng nước ngoài, trừ khi được cấp giấy phép.
Dollar hoá không chính thức có thể gồm các loại sau :
* Các trái phiếu ngoại tệ và các tài sản phi tiền tệ ở nước ngoài.
* Tiền gửi bằng ngoại tệ ở các ngân hàng nước ngoài.
* Tiền gửi bằng ngoại tệ ở các ngân hàng trong nước.
* Trái phiếu hay các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ ở trong công chúng.
Dollar hoá không chính thức được chia thành 3 giai đoạn :
* Giai đoạn 1 của dollar hoá không chính thức thường được các nhà kinh tế gọi là giai đoạn" thay thế tài sản" (asset substitution). Trong giai đoạn này, người dân giữ trái phiếu ngoại tệ và các khoản tiền gửi ở nước ngoài như là một phương tiện cất trữ nhằm tránh việc giảm giá trị tài sản do lạm phát ở trong nước hay việc tịch thu tài sản xung công mà một số nước đã làm.
* Giai đoạn 2 của dollar hoá không chính thức được các nhà kinh tế gọi là giai đoạn "thay thế tiền tệ " (currency substitution). Trong giai đoạn này, người dân giữ một khối lượng lớn các trái phiếu ngoại tệ và tiền gửi ngoại tệ tại hệ thông ngân hàng trong nước (nếu được phép). Ngoại tệ vừa thực hiện chức năng là phương tiện thanh toán và phương tiện cất trữ. Tiền lương, thuế hay những chi tiêu hàng ngày như hàng tạp phẩm hay các hoá đơn điện nước được thanh toán bằng đòng ngoại tệ, nhưng với những tài sản có giá trị lớn hơn như ô tô và nhà cửa thường được trả bằng ngoại tệ.
* Giai đoạn 3 của dollar hoá không chính thức là giá cả của hàng hoá được tính bằng nội tệ nhưng mọi người đều liên tưởng đến ngoại tệ theo tỷ giá hối đoái.
Dollar hoá không chính thức rất phổ biến ở các nước đang phát triển.Tại thời điểm tháng 01 / 2002 có các nước :
- Dollar hoá không chính thức(USD) : hầu hết các nước Mỹ - Latinh và Caribê như Argentina, Bôlivia, Mexicô, Pêru, Trung Mỹ ; hầu hết các nước thuộc Liên xô cũ như Armenia, Turkey và Việt Nam.
Dollar hoá không chính thức(các ngoại tệ khác) : Đồng France Pháp : một số nước trước đây là thuộc địa của Pháp ; Đồng Mark của Đức : Balkans ; Đollar Hồng Kông : Macao và phía nam Trung Quốc ; Đồng Rúp của Nga : Belarus.
b. Dollar hoá bán chính thức (semioficial dollarization) :
Trên thế giới có khoảng 12 nước được IMF xếp là các nước " dollar hoá bán chính thức " hay có hệ thống lưu hành hai đồng tiền. Tại các nước này, đồng ngoại tệ là đồng tiền được lưu hành hợp pháp và thậm chí có thể chiếm ưu thế trong các tài khoản tiền gửi ngân hàng, nhưng đóng vai trò thứ cấp trong việc trả lương, thuế và nhưng chi tiêu hàng ngày. Không giống các nước có dollar hoá chính thức, các nước dollar hoá bán chính thức duy trì Ngân hàng trung ương hay một cơ quan tiền tệ có quyền hạn tương tự để thực hiện chính sách tiền tệ của họ.
Theo thời điểm tháng 01 / 2000, có các nước :
- Dollar hoá bán chính thức (USD) : Bahamas, Cambodia, Laos,Thailand, Liberia
- Dollar hoá bán chính thức (ngoại tệ khác) : Bhutan(Rupi của ấn Độ)n; Bosnia (Mark của Đức, Kuna của Croatia, Dinar của Yugoslav) ; Brunei(dollar Singapo); Channel Islands(Pound của Anh) ; Lesotho(Rand của Nam Phi) ; Luxembourg(France của Belgian) ; Montegro(Mark của Đức, Dinar của Yugoslav) ; Namibia (Rand của Nam Phi) ; Tajikistan(Rup của Nga).
c. Dollar hóa chính thức (Dollar hoá hoàn toàn - full dollarization).
Dollar hóa chính thức xuất hiện khi đồng ngoại tệ là đồng tiền hợp pháp duy nhất được lưu hành. Nghĩa là đồng ngoại tệ không chỉ được sử dụng hợp pháp trong các hợp đồng giữa các bên tư nhân mà còn hợp pháp trong các khoản thanh toán của chính phủ. Nếu đồng nội tệ còn tồn tại thì nó chỉ có vai trò thứ yếu và thường chỉ là những đồng tiền xu hay các đồng tiền có mệnh giá nhỏ. Các nước thường chỉ áp dụng dollar chính thức khi thất bại trong việc thực thi các chương trình ổn định kinh tế.
Dollar hoá chính thức không có nghĩa là chỉ có một hoặc hai ngoại tệ được lưu hành hợp pháp. Tuy nhiên, các nước dollar hoá chính thức thường chỉ chọn một đồng ngoại tệ làm đồng tiền hợp pháp, nhưng chỉ có Andorra dùng cả đồng Franc của Pháp và đồng Pezota của Tây ban nha. Tại hầu hết các nước dollar hoá chính thức, các đối tác tư nhân được phép ký hợp đồng bằng bất cứ loại tiền nào mà họ cùng đồng ý.
Theo IMF, hiện nay có khoảng 14 nước được xếp là các nước dollar hoá chính thức.
Theo nghiên cứu của hệ thống dự trữ liên bang Mĩ, hiện tại người nước ngoài nắm giữ khoảng 55% đến 70% số USD lưu hành. Còn theo ước tính của Bundesbank, người nước nắm giữ khoảng 40% tổng số DM được lưu hành.
II- TìNH TRạNG DOLLAR HOá ở MộT Số Nước trên thế giới
1. Tình trạng dollar hoá
Thông thường mỗi một quốc gia đều có đồng tiền riêng của mình, thực hiện hầu như đầy đủ các chức năng tiền tệ, trừ chức năng tiền tệ thế giới mà không phải đồng tiền nào cũng làm được. Do các điều kiện kinh tế - chính trị- xã hội lịch sử cụ thể nên đô la Mĩ, một ngoại tệ mạnh, có phạm vi giao dịch rộng lớn nhất trên thế giới dần dần được sử dụng song hành với đồng nội tệ của quốc gia, đến một mức nào đó thì gọi là dollar hoá nền kinh tế. Tình trạng này có thể được chính phủ quốc gia đó chính thức tuyên bố thừa nhận, được dụng trong chi trả lương, thanh toán mua bán hàng hoá và dịch vụ cho phép sử dụng đô la Mĩ trong các giao dịch thanh toán nội địa khác như Enxanvado, Ecuador, Panama... hoặc không tuyên bố chính thức.
Theo IMF đánh giá năm 1998, có 18 nước được xếp là nước có mức độ dollar hoá cao, tức là tiền gửi ngoại tệ trên M2 trong nền kinh tế lớn hơn 30%. Đó là các nước : Argetina, Azerbaijian, Belaus, Bolivia, Cambodia, Costarica, Croatia, Georgia, Guinea bissau, Laos, Latvia, Mozambique, Nicagua, Peru, Saotome, Principe, Tajikistan, Turkey, Uruguay và 34 nước khác được IMF xếp là nước có mức độ dollar hoá vừa phải với tỉ lệ tiền gửi ngoại tệ trên M2 khoảng 16,4%. Theo thống kê năm 2001 của IMF thì Enxanvado chính thức thực hiện dollar hoá nền kinh tế từ 01/01/2001 Đây là nước Mĩ- La tinh thứ ba sau Panama và Ecuado dollar hoá nền kinh tế.
Tình trạng dollar hoá tại các thị trường đang lên được lựa chọn bởi IMF.
2. Các tác động của dollar hoá
a. Tác động tích cực :
Quá trình dollar hoá có thể có một số tác động được coi là tích cực :
Việc sử dụng đồng dollar sẽ tạo cho nền kinh tế " một cái van giảm nhẹ sức ép " của những mất cân đối, kết quả của tính không hiệu quả dưới cơ chế kế hoạch tập trung, đồng thời cung cấp cho các tác nhân kinh tế tự bảo vệ chống lại lạm phát và phương tiện đẻ mua hàng hoá ở thị trường phi chính thức.
Hạ thấp chi phí giao dịch : ở những nước dollar hoá chính thức, các chi phí như chênh lệch giữa tỷ giá mua và bán khi chuyển từ đồng tiền này sang đồng tiền khác được xoá bỏ. Dollar hoá chính thức cũng loại bỏ những giao dịch với các nước khác. Các chi phí dự phòng cho rủi ro tỷ giá cũng không cần thiết, điều này giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nước. Ví dụ thông qua việc dùng đồng USD, Mêhicô đã giảm được một khối lượng đáng kể chi phí giao dịch thương mại với Nhật bản vì khâu thương mại Pêso - Đô la được loại bỏ.
Một khía cạnh khác của lợi ích giảm chi phí là các ngân hàng có thể hạ thấp lượng dự trữ, vì thế giảm được chi phí kinh doanh. Việc tồn tại hai đồng tiền buộc các ngân hàng phải tiến hành danh mục đầu tư tách biệt giữa nội tệ và ngoại tệ. Những nghiên cứu của Moren năm 1999 cho thấy, thông qua dollar hoá chính thức, các nhân hàng Panama hạ thấp được mức dự trữ tương đương 5% GDP so với việc lưu hành hai đồng tiền.
Hạ thấp lạm phát hiện tại và rủi ro lạm phát trong tương lại thấp hơn : Bằng việc sử dụng đồng ngoại tệ, các nước dollar hoá chính thức bảo đảm duy trì tỷ lệ lạm phát gần với mức lạm phát thấp ở các nưóc phát hành đồng ngoại tệ. Lạm phát thấp làm tăng sự an toàn đối với tài sản tư nhân, khuyến khích tiết kiệm và cho vay dài hạn. Lạm thấp cũng giúp những người nghỉ hưu, những người có thu nhập cố định và các người nghèo có các tài khoản tại ngân hàng và đảm bảo khoản tiết kiệm của họ được duy trì giá trị.
Lãi suất thấp hơn khuyến khích phát triển kinh tế : Tại các nước dollar hoá chính thức,người ta sẽ thực hiện so sánh vá tiếp nhận đồng tiền nào có giá trị hơn, có mật bằng lãi suất thấp hơn. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ cho phép tăng trưởng kinh tế cao hơn và sẽ tạo điều kiện để thu hẹp khoảng cách so với các nước công nghiệp.
Dollar hoá ở mức độ lớn sẽ thu hẹp chênh lệch tỷ giá trên hai thị trường chính thước và phi chính thức : Tỷ giá chính thức càng sát với tỷ giá trên thị trường phi chính thức, các hoạt động càng có động cơ chyển từ thị trường "bất hợp pháp " sang thị trường " hợp pháp "(thị trường chính thức).
Mức độ mở cửa lớn hơn và minh bạch hơn : Các nước thực hiện dollar hoá chính thức có thể loại bỏ rủi ro cán cân thanh toán và những kiểm soát mua ngoại tệ, khuyến khích tự do thương mại và đầu tư quốc tế. Đấc biệt là khi một nền kinh tế bị dollar hoá hoàn toàn thì Ngân hành trung ương sẽ không còn khả năng phát hành tiền và gay ra lạm phát, đồng thời ngân sách nhà nước sẽ không trông chờ vào nguồn phát hành này để trang trải thâm hụt, kỷ luật về tiền tệ và ngân sách được thắt chặt. Do vậy, các chương trình ngân sách sẽ mang tính tích cực hơn.
b. Tác động tiêu cực :
Với những tác động tích cực nêu trên dollar hoá cũng bao hàm nhiều tác động tiêu cực. Đó là các tác động :
Xét về góc độ tài chính :
- Dollar hoá làm yếu kém hoạt động và hiệu quả chính sách tài chính : Nó hạ thấp doanh thu từ phát hành tiền(seigniorage- is revenue from issuing money) và làm trầm trọng hơn tác động lạm phát từ việc tài trợ thâm hụt ngân sách thông qua hệ thống ngân hàng(ở Achentina, những năm sâu khi tiến hành dollar hoá, doanh thu từ việc phát hành tiền giảm 0,3% GDP). Dollar hoá cũng cho phép một bộ phận nhất định các hoạt động kinh tế trốn thuế. Dollar hoá cũng làm yếu kém hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước xét về khả năng tạo lợi nhuận cũng như đóng góp cho ngân sách, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp vì nó đã góp phần làm chệch hướng sản xuất sang thị trường không chính thức.
Cần chi phí lớn trong việc thu hồi nội tệ và đưa nhoại tệ vào lưu thông : Các nước áp dụng dollar hoá chính thức cần phải có lượng ngoại tệ đủ để thay thế số nội tệ đang lưu thông. Nghiên cứu của Stanley Fihser năm 1982 cho thấy chi phí trung bình đối với các nước tiến hành dollar hoá chính thức vào những năm 70 tương đưong 4%- 5% GDP.
Xét về góc độ tiền tệ :
Dollar hoá làm giảm hiệu quả kiểm soát tiền tệ : Dollar hoá không chính thức có thể khiến cho cầu về nội tệ không ổnn định. Nếu mọi người bất ngờ chuyển sang ngoại tệ có thể làm cho đồng nội tệ mất giá và bắt đầu một chu kỳ lạm phát. Khi người dân giữ một khối lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ, những thay đổi về lãi suất trong nước hay nước ngoài có thể gây ra sự chuyển dịch lớn từ đồng tièen này sang đồng tiền khác(hoạt động đàu cơ tỷ giá). Những thay đổi này sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng trung ương trong việc đặt mục tiêu cung tiền trong nước và có thể gây ra những bất ổn trong hệ thống ngân hàng.
Những cố gắng của Ngân hàng trung ương nhằm kìm hãm(khuyến khích) tổng cầu thông qua giảm(tăng) tín dụng cũng sẽ ít hiệu quả, do thay đổi về lãi suất nước ngoài sẽ trực tiếp tác động đến các quyết định phân bổ tài sản của những người giữ USD. Nói cách khác, những thay đổi lãi xuất nước ngoài sẽ tác động đến tổng cầu nội địa vì khi lãi xuất nước ngoài tăng (giảm) người giữ dollar sẽ có xu hướng thu hẹp(mở rộng) tiêu dùng và đầu tư. Như vậy, việc thi hành chính sách lãi suất thấp trong trường hợp kinh tế suy thoái không nhất thiết khuyến khích đầu tư mà có thể làm nảy sinh tâm lý chuyển đổi sang USD nhằm bảo tồn giá trị.
Trong trường hợp dollar hoá chính thức, chính sách tiền tệ và chính sách lãi suất của đồng tiền lúc này sẽ được quyết định ở Mỹ, trong khi một nước đang phát triển và một nước công nghiệp phát triển như Mỹ không có những chu kỳ tăng trưỡng kinh tế giống nhau. Giả sử nếu có xảy ra một quá trình điều chỉnh cho phù hợp thì quá trình này cũng phải kéo dài nhiều năm. Sự khác biệt về chu kỳ tăng trưởng kinh tế tại hai khu vực kinh tế đòi hỏi phải có những chính sách tiền tệ khác nhau.
Cuối cùng, với doanh thu thuế lạm phát thấp hơn và những tác động bất lợi của dollar hoá đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước khiến cho chính sách tiền tệ, ở một mức độ nào đó, phải cung cấp những nhu cầu tài chính lớn hơn cần thiết cho khu vực Nhà nước.
Dollar hoá cũng làm giảm hiệu lực của chính sách tỉ giá : Dollar hoá tác động đến cơ chế truyền dẫn của tỷ giá hối đoái. Tác động khuếch đại của phá giá tiền tệ sẽ trở nên yếu kém do phá giá tiền tệ cỉ tác động đến một bộ phận nhỏ hơn các tài sản có tính thanh khoản . Sự yếu kém của chính sách tỷ giá xuất hiện bất kể có hay không trên thị trường phi chính thức so với thị trường chính thức.
Bên cạnh đó, nếu mặt bằng giá cả trong nước tăng nhanh hơn ở Mỹ thì hậu quả là đồng dollar sẽ tăng giá trị thực, khả năng cạnh tranh so với Mỹ(và các nước còn lại trên thế giới) sẽ giảm sút. Khi các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới thực hiịen phá giá đồng tiền thì quốc gia bị dollar hoá sẽ không còn khả năng để bảo vệ sức cạnh tranh của khu vực xuất khẩu thông qua viêc điều chỉnh lại tỷ giá hối đoái. Điều này xảy ra trong năm 1999, khi Braxin thực hiện phá giá mạnh đồng Real và hệ quả là hàng xuất khẩu của Argentina sang Braxin đã giảm dáng kể và hàng hoá của Braxin lại có khả năng cạnh tranh hơn một cách rõ rệt tại Argentina.
Rõ ràng lợi thế của việc tiếp nhận đồng dollar là có giá trị ổn định chỉ thực có nếu như Mỹ là đối tác thương mại quan trọng nhất. Chừng nào không có được điều kiện này thì luôn luôn xuất hiện nguy cơ lên giá của đồng dollar so voứi đồng Euro, đồng Yên và các đồng tiền khác sẽ làm giảm sút khả năng cạnh tranh của xuất khẩu trong nước.
Dollar hoá chính thức sẽ làm mất đi Ngân hàng trung ương và chức năng của nó là người cho vay cuối cùng của các Ngân hàng.
III- TìNH TRạNG DOLLAR HOá ở VIệT NAM.
1. Hình thức dollar hoá ở Việt nam.
Dollar hoá diễn ra ở mỗi nước rất khác nhau và được đánh giá qua các chỉ tiêu như tỷ lệ tiền gửi bằng ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán, tỷ lệ cho bằng ngoại tệ so với tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế hoặcc tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ so với tổng tiền gửi của hệ thống ngân hàng...Đối với Việt Nam, dollar hoá xảy ra dưới hình thức nào ? Dollar hoá tiền gửi, dollar hoá tiền vay hay cả hai.
a. Dollar hoá tiền gửi :
Vào những năm cuối của thập kỷ 80, lạm phát tiền tệ ở Việt Nam lên cao tột đỉnh đến bốn chữ số, đồng Việt Nam bị mất giá nặng, người ta đổ xô nắm giữ vàng, dollar Mỹ hoặc bất động sản ... hầu hết đều lấy USD làm chuẩn mực dể cất giữ và thanh toán trong nước. Hiện tượng dollar hoá xuất hiện ở mức cao tới 41% tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Đến đầu những năm 90, Ngân hàng trung ương đã sử dụng chính sách tiền tệ mới, lạm phát tiền tệ hạ thấp xuống còn một chữ số, đặc biệt đã áp dụng chính sách lãi xuất thực dương, đã hấp dẫn hướng mọi người tích luỹ đồng nội tệ(VND). Thực tế đã có nhiều người rút tiền gửi USD chuyển qua gửi vào ngân hàng bằng VND được hưởng lãi xuất cao hơn dẫn đến tỷ lệ tiền gửi USD trong tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng lúc đó giảm xuống. Bước đầu coi như đã thiết lập VND thành đồng tiền ổn định giá trị cả về đối nội và đối ngoại.
Thế nhưng trong ba, bốn năm trở lại đây, mức độ dollar hoá lại gia tăng với tỷ lệ trên 40% trong tổng tiền gửi của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vào năm 2000(ở đây chưa lượng tính được số USD trôi nổi nằm ngoài hệ thống ngân hàng). Trong năm 2000, lãi xuất tiết kiệm USD tăng cao càng làm gia tăng mức độ dollar hoá trong hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ lợi tức trên một đồng ngoại tệ gửi tại ngân hàng lớn hơn nhiều so với một đồng nội tệ đã làm thay đổi việc lựa chọn tài sản tiết kiệm.
Bảng 1 : Cơ cấu tiền gửi ngoại tệ trong tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng.
Đơn vị :%
1994
1995
1996
1997
1998
1999
2000
Ngoại tệ
39,2
33,5
31,7
33.2
33,6
39,1
45,3
VND
60,8
66,5
68,3
66,8
66,4
60,9
54,7
Tổng
100
100
100
100
100
100
100
Năm 2000 : số liệu tính đến hết tháng 09 /2000.
Nguồn : Tính từ Table 22, Vietnam : Statistical Appendix, IMF Staf Country Report No.99/56. July 1999, p.24; Báo cáo thương niên của NHNN năm 1999, và Thời báo ngân hàng số 78,2000.
Nhìn vào bảng 1 nhận thấy rằng mức độ dollar hoá đã trở lại năm 1999, sau khi giảm bớt trong giai đoạn 1995 - 1998, thực sự bùng nổ trở lại năm 2000. Dollar hoá không chỉ diễn ra ở khu vực tiền gửi tiết kiệm của cư, mà còn xuất hiện ở tổ chức kinh tế - xã hội. Tiền gửi của tổ chức kinh tế xã hội tăng mạnh không phải là do lãi xuất huy động USD trong năm 2000 tăng cao, bởi lãi xuất USD ngân hàng trả cho ccs tổ chức kinh tế gửi tại mình ràng buộc bởi trần lãi suất quy định của Ngân hàng nhà nước. Nguyên chính làm tăng tiền gửi của tổ chức kinh tế là do các công ty có nguồn ngoại tệ chưa giải ngân cho các dự án tạm thời gửi tại ngân hàng hay ngoại tệ thu được từ xuất khẩu tăng trong năm 2000 nhưng công ty lại không bán mà giữ lại do tỷ giá VND/USD có xu hướng tăng cao. Như vậy, lãi xuất ngoại tệ doanh nghiệp thực hưởng sau khi điều chỉnh sự biến đổi tỷ giá sẽ hấp dẫn hơn gửi bằng VND. Trường hợp thiếu vốn VND, doanh nghiệp sẽ vay của ngân hàng với lãi suất thật hấp dẫn vì cạnh tranh giữa các ngân hàng khốc liệt hơn.
Đứng trước tình hình dollar hoá chưa có dấu hiệu thuyên giảm đáng kể, Ngân hàng nhà nước đã can thiệp bằng một số công cụ. Sự can thiệp này một phần đã ngăn chặn làn sóng tăng lãi suất huy động tiết kiệm USD của các ngân hàng thương mại. Một yếu tố khách quan bên ngoài cũng làm giảm bớt tình hình là việc lãi suất USD trên thị trường quốc tế bắt đầu giảm từ cuối tháng 11/2000 do dự báo nền kinh tế Mỹ suy yếu.
b. Dollar hoá cho vay :
Trên cở sở lý thuyết và xu hướng chung của nền kinh tế dollar hoá, các ngân hàng cho vay bằng USD nhiều hơn nếu rủi ro phá giá cao hơn. Ngược lại, tín dụng bằng nội tệ tăng cao. Trường hợp dollar hoá ở Việt Nam có nằm ngoài phạm vi này không?
Bảng 2 : Cơ cấu cho vay ngoại tệ trong tổng dư nợ của
hệ thống ngân hàng.
Đơn vị : %
1994
1995
1996
1997
1998
1999
2000
Ngoại tệ
38,6
38,7
36,6
31,2
25,2
22,6
18,6
VND
61,4
61,3
63,4
68,8
74,8
77,4
81,4
Tổng
100
100
100
100
100
100
100
Năm 2000 : số liệu tính đến hết tháng 10/2000
Nguồn : Tính từ Table 26, Vietnam : Statistical Appendix, IMF Staf County Report No. 99/56, July 1999, p.28, Tạp chí ngân hàng, số 1+2/ 2000, Tin tức (TTXVN), số 434/ 2000
Nhìn vào bảng 2 thấy rằng cho vay ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đến năm 2000 chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng dư nợ đối với nền kinh tế của hệ thống ngân hàng. Bảng 2 mô tả tỷ trọng cho vay bằng ngoại tệ so với tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng cho thấy dollar hoá ccho các khoản vay ở mức trung bình, nhưng đánh giá qua tốc độ tăng trưởng liên hoàn (bảng 3), dollar hoá cho vay hầu như không diễn ra trong 3 năm 1998- 2000.
Tại sao các doanh ngiệp lại không mặn mà với việc sử dụng vốn ngoại tệ ? Như chúng ta đã phân tích ở trên, doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ vừa phải chịu lãi suất USD khá cao so với VND, vừa phải gánh thêm phần giảm giá đồng nội tệ. Nếu trong năm 2000, khách hàng vay ngoại tệ với lãi suất cực kỳ ưu đãi ở mức 5,8 - 6,60%/năm thì lãi suất sau điều chỉnh mức độ giảm giá của VND so với USD đã lên tới 9,2 - 9,4%/năm. Trong khi đó, vay bằng VND các doanh nghiệp chỉ phải trả ở mức 8,0 - 8,5%/năm, mức ưu đãi 7,5m-8,0%/năm.Hơn nữa doanh nghiệp vay ngoại tệ chủ yếu cho mục đích nhập khẩu, nhuồn thu laịi chủ yếu bằng VND. Trên cơ sở đã phân tích, doanh nghiệp thấy vay bằng VND sau đó chuyển sang mua ngoại tệ nhập khẩu sẽ có lợi hơn. Ngoại trừ doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ để cân đối cho khoản vay bằng ngoại tệ.
Bảng 3: Tốc độ tăng trưởng liên hoàn cho vay ngoại tệ, VND của hệ thống ngân hàng (năm gốc 1994).
Đơn vị : %
1995
1996
1997
1998
1999
2000
Ngoại tệ
+27,0
+13,5
+4,5
-5,6
+0,2
+2,0
VND
+26,6
+24,1
33,0
+26,8
+12,0
+30,0
Năm 2000: số liệu tính đến hết tháng 10/ 2000.
Nguồn : Tính từ Table 22, Vietnam : Statistical Appendix, IMF Staf Country Report No 99/56, JULY 1999, Tạp chí ngân hàng, số 1+2/ 2000, Tin tức (TTXVN), số 534/2000
Tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ trong tổng tiền gửi tăng lên khônh phù hợp với tỷ trọng gia tăng của tín dụng bằng ngoại tệ trong tổng số tín dụng ngân hàng. Do đó, chênh lệch giữa lượng vốn huy động và cho vay khách hàng được nới rộng ra. Để sử dụng phần vốn ngoại tệ dư thừa, các ngân hàng chỉ lựa chọn danh mục đàu tư là mua trái phiếu chính phủ của các nước phát hành bằng ngoại tệ hay gửi trên thị trường tiền tệ quốc tế. Chính vì vậy, đây là nguyên nhân giải thích vì sao tiền gửi tại nước ngoài của các ngân hàng tăng lên. Sự đào hối không phải là do các ngân hàng không muốn đầu tư vào trong nước mà chính khách hàng từ chối vay bằng ngoại tệ. Bảng 4 dưới đây chỉ rõ mức sử dụng vốn huy động ngoại tệ. Trong giai đoạn 1994 - 1997, cho vay bằng ngoại tệ vượt quá khả năng của các ngân hàng. Do đó nguồn vốn nước ngoài sẽ bù đắp phần thiếu hụt này. Giai đoạn 1998 - 2000 có xu hướng ngược lại, đầu tư tín dụng cho nền kinh tế chỉ chiếm một phần vốn huy động. Giải toả phần vốn huy động ngoại tệ dư thừa, các ngân hàng kinh doanh trên thị trường tiền tệ quốc tế hay đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Bảng 4 : Tỷ trọng sử dụng vốn so với huy động ngoại tệ của hệ thống ngân hàng.
Đơn vị : %
Năm
1994
1995
1996
1997
1998
1999
2000
Tỷ trọng
135
148
141
104
73
47
33
Nguồn : Tính từ Table 22 & table 26, Vietnam : Statistical Appendix, IMF Staf Country Report No.99/56, July1999 p.24&28; Tạp chí ngân hàng,số 1+2/2000 ; Tin tức (TTXVN) số 534/2000; Báo cáo thường niên của NHNN năm 1999 và thời báo ngân hàng, số 78/2000.
c. Dollar trong xã hội :
Đây là khối lượng dollar được dân chúng cất giữ và thanh toán trong các giao dịch xã hội. Việc xác định lượng dollar này rất khó khi mà ở nước ta tình trạng buôn lậu còn lớn, pháp luật không nghiêm, tình trạng tham nhũng đáng lo ngại.Do đó chỉ có thể căn cứ vàonguồn dollar Mỹ từ nước ngoài chuyển vào trong nước qua con đường tư nhân như : thu nhập từ buôn lậu hay buôn bán tiểu ngạch, kiều hối,quà biếu và quà tặng bằng dollar Mỹ, cá nhân mang trực tiếp theo mình khi xuất nhập cảnh có khai báo(trên mức quy định) và không khai báo(không tự giác khai báo và dưới mức phải khai báo), các nguồn thu bằng dollar Mỹ ở trong nước như : dịch vụ du lịch với khách nước ngoài,... Bởi vậy,chủ yếu dựa vào quan sát, thông tin dư luận, nhìn nhận các giao dịch thanh toán trong dân cư, nhất là các giao dịch có giá trị lớn như : mua bán bất động sản, mua xe máy... Thực trạng này thấy rất rõ ở nước ta.
2. Nguyên nhân dollar hoá ở nước Việt Nam :
Ngoài những nguyên nhân của dollar hoá đã được trình bày ở trên thì Việt Nam còn có một số nguyên nhân khác nữa. Đó là :
a. Nguyên nhân sâu xa :
Tình trạng dollar hoá là do tính ổn định của đồng tiền chưa cao, năng lực kinh tế của Việt Nam chưa phát triển. Đây cũng là nguyên nhân chung của các nước có tình trạng dollar hoá.
b. Nguyên nhân trực tiếp :
Chế độ quản lý ngoại tệ và cơ chế quản lý hối đoái đã hạn chế sự ra đời và phát triển của thị trường hối đoái.
Tình trạng buôn bán qua biên giới và trên biển khá phát triển và quản lý lỏng lẻo. Tình trạng các doanh nghiệp của mọi thành phần kinh tế, các cửa hàng kinh doanh, cửa hiệu vàng bạc... bán hàng thu bằng ngoại tệ, thu đổi ngoại tệ còn tùy tiện, diễn ra phổ biến, doanh thu xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của tư nhân bằng ngoại tệ mà không cần phải cân đối cho nhập khẩu... ước tính cũng vài trăm triệu USD mỗi năm.
Thu nhập của các tầng lớp dân cư còn thấp, tâm lý tiết kiệm và để dành lo xa cho cuộc sống tĩnh dưỡng tuổi già, lo nơi ăn chốn ở, lo cho con cái học hành còn lớn nhất là thói quen cất giữ vàng trong thời bao cấp vẫn còn in đậm trong mọi người dân cho đến ngày nay. Do đó, trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế hiện nay vàng giảm giá và không được ưa chuộng cộng với những lo sợ về biến động tỷ giá, mức độ mất giá của VND,... người dân chỉ còn cách lựa chọn tối ưu là dollar Mỹ nên Việt Nam khó tránh khỏi tình trạng dollar hoá trong xã hội.
Nguồn thu kiều hối :
Con số chính thức thống kê được Ngân hàng nhà nước cho hay, nếu như năm 1991 mới đạt 35 triệu USD thì năm 2000 đã đạt 1.757 triệu USD. Trong cơ cấu các nguồn chuyển kiều hối năm 2000 thì :
Chuyển qua các ngân hàng : 950 tr USD, chiếm 54,6%.
Chuyển qua các doanh nghiệp : 165 tr USD, chiếm 9,3%.
Chuyển qua bưu điện : 32 tr USD, chiếm 1,4%.
Mang trực tiếp có khai báo với hải quan : 610 tr, chiếm 34,7%.
Năm 2001, mặc dù bị ảnh hưởng bởi sự kiên bị khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ nhưng nguồn kiều hối chuyển về nước cũng đạt 1.850 tr USD. Trong 6 tháng đầu năm 2002, lượng kiều hối chuyển về nước đạt hơn 1,0 tỷ USD, ước tính cả năm sẽ đạt 2,1 tỷ USD bởi vì lượng kiều hối thưòng tăng lên vào các tháng cuối năm. Nguồn kiều hối chuyển về nước đều thuộc sở hữu cá nhân, hầu như không mấy ai bán cho ngân hàng vì tỷ giá không phù hợp.Đsố gửi tiết kiệm vào ngân hàng, cất trữ để dành trong nhà, hay chi tiêu mua sắm trực tiếp bằng USD nếu hàng hoá có giá trị lớn.
Nguồn ngoại tệ cá nhân mang trực tiếp theo mình khi nhập cảnh vào Việt Nam có khai báo (trên mức quy định) và không khai báo(không tự giác khai báo và dưới mức phải khai báo). Người Việt Nam đi xuát khẩu lao động, đi du học, thực tập sinh, đi khảo sát,thăm quan... theo các chương trình và dự án tài trợ của nước ngoài có các nguồn thu bằng dollar Mỹ, mang thu nhập về nước đầu tư, làm ăn, mua bán đất đai và nhà ở, cho tặng, để dành... Nhiều con số ước tính khác nhau, nhưng vào khoảng 1,0 tỷ USD mỗi năm trong 1-2 năm gần đây. Tương tự, nguồn ngoại tệ này hầu như không được bán cho ngân hàng, mà nếu có, họ chỉ bán cho tư nhân, cất trữ, thanh toán hay gửi vào ngân hàng lấy lãi.
Nguồn thu ngoại tệ do khách du lịch mang vào chi tiêu tại Việt Nam, bao gồm cả những người nước ngoài không cư trú đến khảo sát thị trường, làm ăn, tham quan, làm việc ngắn ngày... Số ngoại tệ này hầu hết chi trả cho các khách sạn, nhà hàng,công ty du lịch và dịch vụ tư nhân, liên doanh hay 100% vốn nước ngoài. Với số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2002 là 2,2 triệu người, ước tính chi tiêu tại Việt Nam bình quân 1.000 USD (không kể tiền vé máy bay), thì mỗi năm nước ta có nguồn thu 2,2 tỷ USD, phần lớn rơi vao tay tư nhân.
Nguồn thu ngoại tệ từ tiền lương của người Việt Nam làm việc trong các dự án nước ngoài hay liên doanh, chương trình quốc tế, các tổ chức nước ngoài tại nước ta, ước tính cũng lên tới vài trăm triệu USD hay thanh toán phần lớn cũng thực hiện trong khối tư nhân và liên doanh... tỷ lệ thực sự thu hút vào ngân hàng không cao.
Người Việt Nam đi du lịch nước ngoài gia tăng nhanh chóng. Các công ty du lịch đều niêm yết, thông báo, quảng cáo giá các tour du lịch bằng dollar Mỹ. Do đó muốn đi du lịch phải có ngoại tệ, phải tích trữ dollar Mỹ. Người Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài phải đặt cọc một khoản dollar Mỹ trong tài khoản của ngân hàng. Mà số lượng người này cũng tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua.Bên cạnh đó, người Việt Nam đi du học nước ngoài bằng các hình thức khác nhau, chủ yếu là du học tự túc đang tăng lên gấp bội. Muốn được chấp nhận vào học các trường ở nước ngoài, người xin học phải chứng minh được năng lực tài chính của mình, thể hiện bằng số dư tiền gửi dollar Mỹ trong các ngân hàng ở Việt Nam.Tiếp đến trong quá trình học,gia đình ở trong nước thường xuyên phải chuyển tiền cho con em mình theo học bằng dollar Mỹ thông qua các ngân hàng. Do đó, phải có số dư tiền gửi dollar Mỹ tại các ngân hàng để chuyển tiền ra nước ngoài cho con em du học.
Cơ chế chính sách của ta kích thích mạnh, đến mức các NHTM cạnh tranh sôi động nên đã có lúc đẩy lãi suất tiền gửi USD lên rất cao, USD chảy vào NHTM, lấn át VND gây ra hiện tượng thiếu VND để hoạt động.Số ngoại tệ huy động được đã chuyển thẳng gửi vào các ngân hàng nước ngoài để hưởng chênh lệch lãi suất lớn. Mới đây, Ngân hàng trung ương đã cho thả nổi lãi suất về ngoại tệ càng tạo điều kiện cho các NHTM thoải mái trong việc định lãi suất huy động tiền gửi USD. Đồng dollar được đăng quang gây thêm tâm lý cất giữ và thanh toán, còn có cả kỳ vọng sẽ được lợi nhiều về chính sách phá giá VND dài hạn. Lại thêm việc khuyến khích các doanh nghiệp trong nước vay ngoại tệ của các NHTM. Nguồn ngoại tệ này do cácNHTM huy động được đang dư thừa gửi ở nước ngoài. Xét về lợi ích trước mắt, việc này thấy có lợi,nhưng nhìn vào tầm quản lý vĩ mô thì không ổn. Việc ngân hàng chấp nhận nhận tiền gửi và cấp tín dụng ngoại tệ ở trong nước là hợp pháp hoá thừa nhận đồng ngoại tệ có quyền phát huy đầy đủ các chức năng tiền tệ, khác nào đó là sự hoàn thiện tình trạng dollar hoá.
IV- ảNH HƯởng của dollar hoá đến nền kinh tế nước ta
1. ảnh hưởng tích cực của dollar hoá
Nó tạo ra cơ hội tái trung gian trong nền kinh tế khi phải trải qua các thời kỳ lạm phát rất cao và các điều kiện kinh tế vĩ mô không ổn định, bởi vì có một lượng lớn dollar Mỹ trong hệ thống ngân hàng, cũng như không có tình trạng người dân ồ ạt đổ xô dùng nội tệ đi mua dollar Mỹ.
Có một lượng lớn ngoại tệ, các ngân hàng có điều kiện mở rộng các hoạt động của mình, nhất là hoạt động ngoại hối. Hơn nữa, sự tồn tại các khoản tiền gửi bằng đồng dollar Mỹ tại các ngân hàng trong nước tạo công cụ hội nhập thị trường trong nước với thị trường khu vực và thị trường thế giới, giảm thiểu các chi phí giao dịch tài chính quốc tế.
Một lượng lớn dollar Mỹ được gửi trong các ngân hàng, tạo thành nguồn vốn ngoại tệ để cho vay và đầu tư cho nền kinh tế, hạn chế việc đi vay nước ngoài. Song trong điều kiện cho vay bằng ngoại tệ của các ngân hàng gặp khó khăn, thì với lãi suất trên thị trường quốc tế cao, các ngân hàng trong nước đem gửi ở nước ngoài. Rõ ràng là người dân cũng được hưởng lãi suất từ lãi suất lớn hơn là cấtgiữ trong nhà, các ngân hàng cũng có thu nhập về nghiệp vụ tiền gửi và có lợi ích như phần trên. Quốc gia cũng có thêm nguồn dự trữ ngoại tệ. Theo số liệu của IMF, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam (đầu năm 2001) là 3.297 triệu USD, tương đương với 9,7 tuần nhập khẩu, có thêm nguồn ngoại tệ khác gần 2,5 tỷ USD của các ngân hàng trong nước gửi ở nước ngoài và theo số liệu công bố của ADB dự đoán, đến hết năm 2001, con số này của Việt Nam sẽ tăng lên là 4,66 tỷ USD và 14 tuần nhập khẩu.
2. ảnh hưởng tiêu cực của dollar hoá
Dự trữ ngoại tệ của nhà nước khó tăng do trốn thoát vốn : Số lượng USD của tư nhân, cơ quan hay doanh nghiệp đã biến thành phương tiện cất trữ thì nhà nước chẳng sử dụng được nữa. Trong lúc dự trữ ngoại tệ tại ngân hàng thương mại còn ít ỏi thì lượng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại gửi ra nước ngoài lại rất lớn. Rõ ràng là dollar hoá đi cùng với sự chạy trốn vốn bao gồm cả nghĩa xuất khẩu tư bản. Đó là một sự lẩn tránh việc tạo lập tài sản danh nghĩa bằng đồng bản tệ.
Trong bài của tiến sĩ Hajo Riese - Trường Đại học tự do Berlin phát biểu trong một cuộc Hội thảo ở Việt Nam năm 1986,(trang 157 - 196) cuốn sách " Lý thuyết về lạm phát " - NXB Tuybimben của Đức đã nêu : " Xuất khẩu tư bản không phải là một khái niệm về địa lý, mà thuộc về chức năng xuất khẩu miêu tả sự chuyển đổi tiền tệ của mình ra ngoại tệ. Số ngoại tệ này không do Ngân hàng trung ương nắm giữ, bất kể liệu đồng nhoại tệ ấy được cất giữ dưới gối đầu giường hay gửi vào hệ thống ngân hàng trong nước hoặc nước ngoài ".
Dollar hoá càng nặng, đồng bản tệ trở thành đồng tiền chuyển đổi còn xa vời : Sự khác nhau giữa đồng tiền mạnh và đồng tiền yếu là dựa trên cơ sở sự ổn định danh nghĩa của nó. Tiêu thức này liên quan đến chức năng làm phương tiện cất giữ và thanh toán. ở Việt Nam dollar hoá làm cho VND bị lấn át về chức năng này, nếu không sớm kiềm chế và đẩy lùi, đến lúc nào đó sẽ làm mất vai trò của Ngân hàng trung ương. Xét về bên trong với đồng bản tệ thì Ngân hàng trung ương không bao giờ thiếu khả năng thanh toán, nhưng lại rất có thể xảy ra với ngoại tệ đối với bên ngoài. Vì lẽ đó mà có nhiều nước đang phát triển không phải ngẫu nhiên mà họ thực hiện chính sách kiềm chế dollar hoá để bảo vệ đồng bản tệ. Họ có những giải pháp không khuyến khích gửi ngoại tệ vào ngân hàng, không cho vay ngoại tệ trong nước. Cần ngoại tệ để thanh toán quốc tế thì mua tại các ngân hàng thương mại, thiếu đồng bản tệ thì vay để mua ngoại tệ... Tất cả đều hướng vào mua bán ngoại tệ nên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng hoạt động mạnh. Nếu dollar hoá còn tiếp diễn, đồng bản tệ khó đóng được vai trò làm đồng tiền chuyển đổi.
Dollar hoá càng tăng, thị trường ngoại tệ liên ngân hàng càng tẻ nhạt: Bởi thị trường này chủ yếu là mua bán ngoại tệ. Nhưng dollar hoá làm cho lượng ngoại tệ bị sức hút vào cất giữ trên các tài khoản của ngân hàng thương mại . Lượng ngoại tệ này cũng là vốn khả dụng mà chủ sở hữu là người gửi tiền nên ngân hàng thương mại không thể đưa ra thị trường liên ngân hàng để mua bán mà được. Mặt khác, các ngân hàng thương mại lại cho vay trực tiếp bằng ngoại tệ, rất ít liên quan đến thị trường mua bán ngoại tệ. Ngân hàng trung ương sử dụng phương tiện mua và bán kiểm soát, can thiệp thị trường, nhưng một lượng ngoại tệ lớn vận động lại không qua thị trường này nên không thể nào làm sôi động lên được.
Dollar hoá gây trở ngại cho Ngân hàng rung ương về kiểm soát, điều tiết nguồn vốn khả dụng : Việc kiểm soát lượng tiền cung ứng qua thị trường mua bán ngoại tệ , Ngân hàng trung ương dùng phương tiện của thị trường để điều tiết cung cầu ngoại tệ, mua ngoại tệ vào dự trữ là thay đồng bản tệ ra lưu thông thị trường, khi bán ngoại tệ ra là thu hồi lại đồng bản tệ về. Động tác này tuy không làm thay đổi tổng phương tiện thanh toán (M=MVND + MUSD), chỉ là một sự chuyển dịch giữa hai đồng tiền, nhưng lại có ý nghĩa tác động đến cung cầu ngoại tệ, có liên quan đến biến đổi tỷ giá hối đoái, và điều quan trọng là qua trạng thái chuyển đổi này, Ngân hàng tung ương mới nắm được tương đối chính xác về tổng phương tiện thanh toán (M2). Rất tiếc vì dollar hoá làm cho thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của chúng ta hoạt động không đầy đủ, công cụ của chính sách tiền tệ về lĩnh vực này không có cơ hội hoạt động tốt.
Dollar hoá làm giảm tác dụng của chính sách tỷ giá khuyến khích xuất khẩu : Chính sách phá giá đồng bản tệ là hạ thấp giá trị của nó đế cho các nhà xuất khẩu khi thu được ngoại tệ chuyển đổi qua tiền bản tệ sẽ được hưởng một giá trị lớn hơn cộng thêm lãi xuất tiền gửi đồng bản tệ hấp dẫn, thu nhập của các nhà xuất khẩu tăng cao tạo ra khả năng cạnh tranh giá cả hàng hoá trên thị trường quốc tế có lợi về mình. Nhưng vì dollar hoá thu hút sự cất giữ và thanh toán bằng ngoại tệ vẫn có lợi, các nhà xuất khẩu không muốn bán ngoại tệ cho ngân hàng dẫn đến chính sách tỷ giá kém hiệu lực.
Dollar hoá còn diễn biến, chủ trương đi đến thả nổi tỷ giá có sự quản lý của Nhà nước khó thực hiện : Như trên đã nêu, dollar hoá làm cho thị trường mua bán ngoại tệ liên ngân hàng thiếu điều kiện hoạt động, tỷ giá không hoạt động đúng cung cầu của cạnh tranh, lực lượng dự trữ ngoại tệ mỏng manh, Ngân hàng trung ương chưa đủ sức can thiệp và kiểm soát, những điều kiện còn thiếu nên rất khó rhực hiện chính sách thả nổi tỷ giá hối đoái để chuyển công cụ quản lý trực tiếp qua công cụ quản lý gián tiếp.
V- CáC GIảI PHáP KHắC PHụC TìNH TRạNG DOLLAR HOá ở nước ta
Dollar hoá càng kéo dài, cái giá phải trả ngày càng đắt. Vì vậy chính lúc này chúng ta phải đưa ra các giải pháp nhằm kiềm chế, đẩy lùi và đi đến chấm dứt dollar hoá. Do đó, cần phải giải quyết vấn đề cơ bản là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, củng cố tính vững mạnh của hệ thống ngân hàng, qua đố củng cố lòng tin của dân chúng vào đồng bản tệ ; tăng cường vai trò kiểm soát tiền tệ của NHNN, tăng dự trữ ngoại tệ ; cần thực hiện những bước đi tích cực trong việc đổi mới chính sách lãi xuất và chính sách tỷ giá , tạo điều kiện đủ và cần thiết để tiến tới tự do hoá lãi xuất và tỷ giá ở Việt Nam.
Việc giải quyết tình trạnh dollar hoá không thể thực hiện ngay một lúc mà cần được tiến hành từng bước, theo từng giai đoạn cụ thể với những biện pháp thích hợp và phải có sự phối kết hợp giữa các bộ, nghành. Kết hợp các biện pháp kinh tế với các biện pháp hành chính phù hợp với diều kiện kinh tế xã hội cuả đất nước trong từng thời kỳ và xuất phát từ những nguyên nhân gây ra tình trạng dollar hoá.
Dưới đây là một số giải pháp để kiềm chế, đẩy lùi tình trạng dollar hoá ở nước ta, cụ thể là :
Thiết chế một chính sách lãi suất nhằm tạo ra chênh lệch lãi suất thực dương giữa tiền gửi VND có lãi suất cao hơn tiền gửi USD. Theo một lịch trình hạ lãi suất tiền gửi USD xuống dần cho đến điểm bằng không. Lãi xuất tiền gửi VND phải tính cả độ tin cậy z của USD để bf đắp cho VND mới đủ sức hấp dẫn. Cuối cùng, các khách hàng muốn gửi ngoại tệ vào ngân hàng thương mại vẫn không bị hạn chế, không từ chối hoặc cấm đoán, nhưng không còn được hưởng lãi suất. Đối với tiền gửi ngoại tệ trước đây đang trong thời hạn vẫn được hưởng lãi suất như cũ cho đến khi hết thời hạn.
Xoá bỏ tâmm lý mong đợi tiếp tục phá giá VND so với USD, giải pháp này không thể bàn công khai được.
Công cụ chính sách kích thích lợi ích thu hút được mọi người hướng vào cất giữ và thanh toán bằng VND, lúc ấy ngay các nhà xuất khẩu cũng không muốn găm giữ ngoại tệ, chẳng cần quy định tỷ lệ kết hối mà họ vẫn tự nguyện chuyển ngoại tệ thu được qua tài khoản VND để hưởng lãi suất có lợi hơn. Việc mua và bán ngoại tệ qua hệ thống Ngân hàng trung ương sẽ gia tăng, cơ cấu tiền gửi ngoại tệ trên cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ thay đổi. Thị trường mua bán ngoại tệ liên ngân hàng sôi động lên, không khí cạnh tranh trên thị trường được hâm nóng, cung cầu ngoại tệ phản ánh thực chất tỷ giá hối đoái. Ngân hàng trung ương có điều kiện tham gia thị trường để điều tiết, phân bổ vốn có hiệu quả, tạo ra khả năng để tăng nguồn ngoại tệ dự trữ của nhà nước.
Các ngân hàng luôn luôn ứng xử dễ dàng, đáp ứng kịp thời cho khách hàng về nhu cầu ngoại tệ thanh toán quốc tế, đừng để khách hàng quá lolắng về việc này. Nhưng cũng phải có chế tài nghiêm khắc để chống việc sử dụng ngoại tệ nhập các loại hàng không cần thiết.
Ngân hàng trung ương sử dụng giải pháp nghiệp vụ quy định tỷ lệ hạn mức của trạng thái hối đoái cho từng ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh ngoại tệ phù hợp với thông lệ quốc tế, không loại trừ ngoại tệ huy động qua tiền gửi ra khỏi cơ chế này. Số ngoại tệ dư thừa vượt mức phải bán qua thị trường ngoại tệ liên ngân hàng để điều hoà cung và cầu. Giải pháp này sẽ tác động rất mạnh đến các, ngân hàng thương mại, ngân hàng nào vẫn cố tình huy động tiền gửi ngoại tệ và cho vay bằng ngoại tệ trong nước sẽ gặp nhiều điều bất lợi, nên các ngân hàng thương mại phải tự phải tự chuyển hướng qua mua bán ngoại tệ có lợi hơn. Nguồn huy động ngoại tệ dần dần bị triệt tiêu dẫn đến nguồn vồn ngoại tệ để cho vay cũng không còn. Các doanh nghiệp cần ngoại tệ để thanh toán quốc tế thì sử dụng VND để mua, nếu thiếu VND thì vay VND rồi mua ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại để mở L/C(thư tín dụng) với nước ngoài. Hàng hoá nhập về bán ra thu VND và trả nợ ngân hàng thương mại cũng bằng VND, cách vận hành này vẫn trôi chảy mà lại tránh rủi ro về ngoại tệ.
Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được tháo bỏ hạn chế hoạtđộng VND, đưa họ vào quỹ đạo của các cơ chế nói trên để quản lý thống nhất.
Điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn, chứa đựng nhiều yếu tố thị trường hơn :
Mở rộng biên độ giaodịch trên thị trường ngoại hối để vừa đảm bảo sự kiểm soát của Ngân hàng nhà nước, vừa phù hợp với cung cầu thị trường mà không gây tâm lý chờ đợi về việc giảm giá VND.
Thay cho việc chỉ gắn với dollar Mỹ như trước đây, tỷ giá của VND cần phải dựa trên cơ sở một rổ ngoại tệ(bao gồm một số ngoại tệ mạnh như USD, EURO, JPY và một số đồng tiền của các nước trong khu vực như Trung quốc, Thái lan, Indonesia...), các đồng tiền này tham gia vào rổ tiền tệ theo tỷ trọng quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam. Việc xác định tỷ giá như trên nhằm giảm bớt sự lệ thuộc của VND vào USD và phản ánh sát thực hơn quan hệ cung cầu trên thị trường, trên cơ sở có tính đến xu hướng biến động các đồng tiền của các nước bạn hàng lớn.
Còn nhiều lĩnh vực khác nữa cần phải phối hợp đồng bộ như tăng xuất nhập khẩu, thu hẹp nhập siêu, thăng bằng cán cân thanh toán, thu hẹp các đói tượng bán hàng hoá và dịch vụ trong nước thu bằng ngoại tệ, không để tình trạng tuỳ tiện, tràn lan như hiện nay, chống buôn lậu... và rất nhiều việc phải bàn tiếp kỹ hơn.
Cuối cùng, hiện tượng dollar hoá sẽ phải triệt tiêu, thị trường ngoại tệ liên ngân hàng sẽ hoạt động tốt, dự trữ ngoại tệ của Nhà nước nhất định sẽ tăng lên, Ngân hàng trung ương có đièu kiện đủ sức điều tiết phân bổ vốn có hiệu quả và giữ vững chính sách tỷ giá có lợi cho xuất khẩu. Với môi trường ấy rất thuận lợi để chuyển qua áp dụng cơ chế thả nổi tỷ giá hối đoái có sự quản lý của Nhà nước.
Kết luận
Lợi ích hay tác hại của việc dollar hoá đối với một nền kinh tế phụ thuộc vào tác động của nó đến nền kinh tế. Hơn nữa, toàn cầu hoá thị trường tài chính cũng có thể kéo theo dollar hoá. Dollar hoá xuất phát từ việc công chúng lựa chọn ngoại tệ như là một đơn vị tiền tệ trong thanh toán trao đổi, hình thức thay thế đồng tiền sẽ nguy hại đến nền kinh tế. Trong trường hợp này, nền kinh tế bị phụ thuộc vào bên ngoài nhiều hơn hay các tác động của các cú sốc bên ngoài sẽ tác động lớn tới nền kinh tế. Dollar hoá bao trùm cả ba chức năng của tiền tệ : thước đo giá trị, cất trữ và thanh toán. Như vậy, dollar hoá là một hiện tượng kinh tế khách quan chỉ mang tính lịch sử. Chính vì vậy, các nước theo chính sách thị trường mở người ta không cứng nhắc dùng pháp luật hành chính để xoá bỏ khi chưa hội đủ những điều kiện kinh tế - xã hội khách quan cho phép. Đảng và Chính phủ ta nhận thức rõ vấn đề này nên chủ trương xoá bỏ dollar hoá. Chủ trương này được thực hiện ở từng khâu, từng bước nằm trong tiến trình chung của nỗ lực ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Việc xoá bỏ nó không thể thực hiện một cách sạch trơn, triệt để mà có khâu chúng ta xoá bỏ, lại có khâu chúng ta chưa, thậm chí việc xoá bỏ chỉ thực hiện đối với các đối tượng là tổ chức pháp nhân, còn với đối tượng dân cư và tư nhân, khi có việc vẫn được phép duy trì trong một khâu nào đó.
Dollar hoá là hiện tượng kinh tế - xã hội khách quan, điều đó không có nghĩa nó được phép tồn tại ngoài khuôn khổ pháp luật. Tất cả đều phải được thể chế bằng pháp luật. Vì lơi ích quốc gia, nhà nước có vai trò điều chỉnh quá trình dollar hoá. Tất nhiên quyết định của nhà nước không được duy ý chí, mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội khách quan.
Có thể nói, đây là một vấn đề mang tính khoa học khá phức tạp và nhạy cảm. Dollar hóa cũng như các vấn đề về chính sách tiền tệ khác, không phải bao giờ cũng có câu trả lời rõ ràng. Do vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng những được, mất trong từng chính sách cụ thể để có sự lựa chọn thích hợp. Trong phạm vi một đề án, có thể em chưa đưa ra được các ý kiến nhận xét, đánh giá vấn đề này một cách đầy đủ, tổng quát và không thể tránh khỏi những thiếu sót, vậy nên em rất mong nhận được những ý kiến đóng góp bổ xung của các thầy cô để bài viết lần sau của em được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn !
Tài liệu tham khảo
1 / Tạp chí Ngân hàng - Số 8 / 2000.
2 / Tạp chí Ngân hàng - Số 2 / 2001.
3 / Tạp chí Ngân hàng - Số 6 / 2001.
4 / Tạp chí Ngân hàng - Số 1+2 / 2002.
5 / Tạp chí Ngân hàng - Số 8 / 2002.
6 / Thời báo Kinh tế Việt Nam - Số 96, ngày 9/8/2002.
Mục lục
Trang
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 35284.doc