Đề án Xuất khẩu gạo của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Việt Nam gia nhập WTO đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta. Đối với khu vực nông thôn và ngành nông nghiệp, gia nhập WTO sẽ tạo cơ hội mới, tạo điều kiện cho hàng hoá nông sản của nông dân xâm nhập vào thị trường thế giới rộng lớn hơn. Việc thành lập các hợp tác xã, các hiệp hội, sản xuất theo hợp đồng tạo cơ sở cho mỗi hộ nông dân tham gia vào cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Các đơn vị xuất nhập khẩu nông sản có nhiều cơ hội tốt để khai thác thị trường mới. Ngoài sản phẩm chất lượng cao có ưu thế sẽ tăng trưởng, sẽ có nhiều sản phẩm tiềm năng, sản phẩm sạch có cơ hội phát triển. Qua đó, sẽ tạo được nhiều việc làm trong khu vực nông thôn. Hoạt động thương mại nói chung, hoạt động xuất khẩu gạo nói riêng, sẽ có những đóng góp quan trọng trong quá trình thúc đẩy hội nhập của Việt Nam. Vận dụng những lợi thế so sánh một cách khéo léo trong hoạt động xuất khẩu gạo, Việt Nam sẽ có điều kiện nhằm tích lũy nguồn vốn để phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, cân đối cán cân thanh toán, ổn định nền kinh tế, giải quyết vấn đề xã hội trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ một nước nông nghiệp tiến lên cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.

doc83 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 2645 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề án Xuất khẩu gạo của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
aq, Việt Nam trúng thầu cung cấp 50.000 tấn gạo, với giá trúng thầu cao lên tới 270 USD/tấn FOB. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ được cung cấp số lượng thầu còn lại 1à 150.000 tấn. Đặc biệt, theo báo cáo tháng 9/2008 của TCTK, Cuba đã trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Tính chung sáu tháng đầu năm 2008, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 336.376 tấn, trị giá 296,8 triệu USD, tăng 203,9% về lượng và tăng 699,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2007. Thương hiệu gạo xuất khẩu Phần lớn gạo của Việt Nam khi được xuất khẩu ra thị trường thế giới đều qua khâu chế biến, song hiện tại vẫn chưa có một thương hiệu gạo Việt Nam nào đủ mạnh để xứng với tầm xuất khẩu lớn thứ hai thế giới. Hiện tại, Việt Nam có hơn chục thương hiệu gạo nhưng những thương hiệu này thường xuyên bị đánh cắp bởi các công ty nước ngoài do phần lớn các doanh nghiệp trong nước tự đặt tên thương hiệu cho sản phẩm của mình căn cứ và giống đặc sản chất lượng cao và xuất xứ nơi người trồng. Các thương hiệu phổ biến nhất là Nàng Hương, Nàng Thơm, Jasmine, KDM đang được bày bán công khai tại các siêu thị, cửa hàng nước ngoài với nhãn hiệu “Made in Thailand”, “Made in Hong Kong”, “Made in Taiwan”, v.v. Trong những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu, nhiều doanh nghiệp trong cả nước đã bắt đầu thực hiện hoặc đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo đặc sản do chính đơn vị sản xuất hay đầu tư bao tiêu. Các công ty này đã biết gắn liền nhãn hiệu với chất lượng sản phẩm để tạo nên thương hiệu danh tiếng và bền vững. Công ty TNHH Viễn Phát (thành phố Hồ Chí Minh) là một trong số hiếm hoi những công ty đã xây dựng thành công thương hiệu cho gạo. Ngày 10/2/2003, công ty đã được Cục sở hữu trí tuệ chính thức công nhận nhãn hiệu độc quyền gạo hữu cơ Hoa Sữa. Do có thương hiệu, với bao bì đẹp, ghi rõ hàm lượng và những thông tin cần thiết của một loại thực phẩm, thích hợp cho những người ăn kiêng, gạo của công ty đã bán được với giá cao hơn các loại gạo khác. Nằm trong chiến dịch xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, nông trường Sông Hậu đã xây dựng thương hiệu gạo Sohafarm đã được khách hàng nhiều nước tín nhiệm. Cùng với quá trình xây dựng thương hiệu, nông trường cũng đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trên diện tích 5.000 ha và sử dụng 40 lò sấy lúa để nâng cao khả năng bảo quản sau thu hoạch. Trên thế giới có nhiều thương hiệu gạo nổi tiếng mà người tiêu dùng đã biết đến lâu nay như Hoa Lài, Jasmines, Cao Đắc Ma Li, v.v. Khi nói đến một thương hiệu gạo nào đó, người tiêu dùng nghĩ ngay đến nước sản xuất như Thái Lan, Ấn Độ. Hạt gạo Việt Nam muốn tìm đến thị trường cao cấp, không có cách nào khác hơn là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng bằng được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Để làm được điều đó, yêu cầu phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất trong quy trình từ khâu chọn giống, sản xuất, bảo quản và chế biến nghiêm ngặt đảm bảo hàng hóa có chất lượng cao, có chiến lược thị trường rõ ràng và từng bước đi cụ thể. 2.4 Đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam từ 2001 đến nay 2.4.1 Đánh giá mục tiêu định hướng xuất khẩu gạo Trong các mặt hàng nông sản thì gạo chiếm tỷ trọng cao nhất (23,8%), gạo không những góp phần ổn định tình hình lương thực trong nước mà còn chiếm tỷ lệ cao trong sản lượng lương thực thế giới. Mặt hàng này đã đem lại cho nền kinh tế Việt Nam nguồn ngoại tệ tương đối cao đồng thời góp phần làm tăng vị thế của Việt Nam trong thị trường thế giới. Điều đó cho thấy mặt hàng lúa gạo đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống người dân Việt Nam cũng như trong công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam. Quan điểm xuất khẩu gạo đã phản ánh được tầm quan trọng của mặt hàng này đối với hoạt động thương mại quốc tế cũng như nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Quan điểm xuất khẩu đã có những định hướng đúng đắn, phù hợp với sự phát triển sản xuất và năng lực khoa học kỹ thuật trong nước như: định hướng chuyển dần từ xuất khẩu gạo thô chất lượng thấp sang xuất khẩu gạo chất lượng cao, định hướng phát triển các kịch bản trong từng điều kiện cụ thể nhằm đối phó với sự thay đổi của thị trường lúa gạo thế giới cũng như từng thị trường riêng biệt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ví dụ như việc các cơ quan chức năng không xác định chính xác sản lượng gạo xuất khẩu dẫn đến phải điều chỉnh liên tục mức xuất khẩu gạo, gây lúng túng cho doanh nghiệp trong việc đàm phán và ký kết hợp đồng. 2.4.2 Đánh giá tình hình triển khai cụ thể hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo từ 2001 đến nay Trong thời kỳ 4 năm đầu thế kỷ XXI (2001 - 2004) hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam không chỉ tăng về lượng mà còn có tiến bộ về chất và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhiều năm liền Việt Nam luôn là nước xuất khẩu gạo lớn đứng thứ 2 trên thế giới, có sức cạnh tranh mạnh mẽ với các cường quốc sản xuất lúa gạo như Thái Lan và Ấn Độ. Năm 2007, gạo Việt Nam đã tăng gần 10% về giá so với năm trước, từng bước theo kịp Thái Lan và dần thâm nhập vào các thị trường có giá cả cao như Nhật Bản. Đạt được vậy là do tác động của nhiều nhân tố như: thị trường nông sản thế giới biến động thuận lợi cho xuất khẩu, giá đồng USD giảm sút và đặc biệt là Việt Nam đã tranh thủ được cơ hội khi là thành viên của WTO. Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng gặp phải nhiều vấn đề: chưa quan tâm đến xây dựng và phát triển thương hiệu gạo; chất lượng sản phẩm kém, không ổn định; khâu chế biến chưa đạt hiệu quả... a. Đánh giá về quy mô xuất khẩu Trong nhiều năm, Việt Nam luôn là nước xuất khẩu gạo lớn đứng thứ 2 trên thế giới, có sức cạnh tranh mạnh mẽ với các cường quốc sản xuất lúa gạo như Thái Lan và Ấn Độ. Hiện nay, gạo Việt Nam có mặt trên 100 nước chiếm 20% thị phần gạo thế giới. Trong giai đoạn năm 2000 đến năm 2007, năm 2005 là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu vượt con số 5 triệu tấn, với mức giá xuất khẩu khá cao bình quân từ 245-275 USD/tấn (xuất khẩu 5,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 28% về lượng và 58% về giá trị). Một điều khác đáng lưu ý là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về lượng gạo xuất khẩu nhưng chỉ xếp thứ 3, thứ 4 về giá trị xuất khẩu. Nguyên nhân chính là do hệ thống chế biến và tiếp thị yếu. Bên cạnh đó, hầu hết nông dân đều trồng lúa trên diện tích nhỏ, chưa tiến hành sản xuất đại trà quy mô lớn để có thể hạ giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, khả năng tăng sản lượng do mở rộng diện tích của Việt Nam rất hạn chế, trong khi của Thái Lan, Myanmar, Campuchia còn rất nhiều cơ hội tăng sản lượng lúa gạo do còn tiềm năng nâng cao năng suất, điều kiện mở rộng diện tích lúa. b. Đánh giá về chi phí sản xuất và giá gạo xuất khẩu Nhìn chung, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từng bước được đẩy mạnh qua các năm. Song, so với các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, giá gạo của ta luôn bị hạ mức thấp hơn. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tham gia đề án quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ Việt Nam thì chi phí sản xuất lúa của Việt Nam hiện vẫn còn thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, chi phí sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long còn được coi là thấp nhất thế giới (bằng 80-95% so với Thái Lan). Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí cho lao động chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan và năng suất lúa cao hơn 1,5 lần. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ sản xuất, lưu thông xuất khẩu gạo (chợ, kho chứa, bến bãi, cảng chuyên dùng cho xuất khẩu gạo...) của ta còn nhiều yếu kém như các chi phí vận chuyển, bốc dỡ, bến cảng của ta còn cao hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, những lợi thế trên đang dần mất đi trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Ngay trong tương lai ngắn và trung hạn, Việt Nam cần phải cạnh tranh nhờ chất lượng chứ không chỉ nhờ giá thành thấp. Mặc dù trong những năm qua Nhà nước đã ưu tiên tăng dần đầu tư trong nông nghiệp trong đó có cả đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, so với các nước châu Á và khu vực, gồm cả các đối thủ cạnh tranh, thì đầu tư của nước ta rất thấp. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp của ta mới bằng 0,15% GDP nông nghiệp và bằng 0,19% tổng chi tiêu của ngân sách Nhà nước, trong khi của Thái Lan con số này là 1,4% và 1,1%; của Indonesia là 0,27% và 0,29%; của Trung Quốc là 0,43% và 0,54%... Phân tích các hình thức giao dịch thu mua gạo nhằm mục đích xuất khẩu của Việt Nam cho thấy: Thứ nhất, mua bán theo hình thức tự do không có hợp đồng được đánh giá là có nhiều điểm mạnh, phù hợp với thói quen và tập quán mua bán truyền thống của nông dân, nên nó được áp dụng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên giao dịch mua bán theo hình thức này có một số điểm hạn chế như: bao gồm một số khâu trung gian không làm thay đổi hình thái hiện vật, không nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn gia tăng giá chủ yếu do để đảm bảo lợi nhuận của các nhóm tác nhân trung gian. Giao dịch theo hình thức này người nông dân chưa tiếp cận sát với nhà chế biến, nhà xuất khẩu. Các nhà chế biến, xuất khẩu không quản lý được chất lượng sản phẩm, nên thông thường sản phẩm làm ra có chất lượng không cao. Thứ hai, giao dịch theo hình thức hợp đồng bằng văn bản (kể cả hợp đồng trực tiếp giữa doanh nghiệp với từng hộ và hợp đồng với HTX, tổ nhóm hộ nông dân) có nhiều ưu thế, có thể khái quát trên "4 ổn định": ổn định vùng nguyên liệu; ổn định và đồng đều về chất lượng sản phẩm; ổn định khách hàng; từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh. Nhưng hình thức này trong thực tế còn nhiều hạn chế như: qui mô sản xuất của hộ nông dân quá nhỏ, phân tán gây khó khăn cho giao dịch của doanh nghiệp; doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật để phát huy lợi thế về năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt. Thứ ba, giao dịch mua bán tại các chợ đầu mối bước đầu hình thành, một số chợ đã phát huy tác dụng của một trung tâm thương mại, giao dịch ở chợ đầu mối có nhiều lợi thế. Tuy nhiên hiện nay ở nước ta, các chợ đầu mối mới xây dựng, hoạt động giao dịch chỉ giới hạn mua bán buôn giữa các doanh nghiệp và thương gia trong nước, giao dịch theo hình thức giao ngay, chưa có giao dịch thứ cấp và thị trường giao sau. Các hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa đều do thương nhân đảm nhận. Các công ty kinh doanh chợ (một số chợ còn là Ban quản lý) chưa tham gia giao dịch, chỉ thực hiện một số hoạt động dịch vụ như cho thuê mặt bằng, bốc dỡ hàng hóa, bảo vệ an ninh. c. Đánh giá về chất lượng gạo xuất khẩu Về phẩm cấp gạo xuất khẩu mặc dù chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cải thiện, nhưng vẫn thua kém Thái Lan cả về chất lượng và sự đa dạng về chủng loại. Gạo chất lượng cao (5-10% t m) của ta chiếm trên 40% trong khi của Thái Lan thường chiếm trên 70% tổng lượng xuất khẩu. Cạnh tranh về gạo cấp thấp sẽ rất gay gắt diễn ra giữa các nước Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc...) trong khi nhu cầu thị trường gạo trên thế giới về gạo chất lượng cao tăng nhanh hơn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp là do sự yếu kém về khâu bảo quản và chế biến. So với Thái Lan và Nhật Bản, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa của Việt Nam thuộc loại cao, chiếm 13-16% (của Thái Lan khoảng 7-10%, của Nhật Bản là 3,9-5,6%), trong đó 3 khâu tổn thất lớn nhất là phơi sấy, bảo quản và xay xát chiếm tới 68-70% tổng số hao hụt. Các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu (4 triệu tấn/năm) của nước ta có công nghệ, thiết bị tương đương với Thái Lan. Nhưng xay xát, chế biến đại trà của Việt Nam kém hơn do trên 80% tổng lượng thóc được xay xát tại các cơ sở nhỏ không được trang bị đồng bộ về phơi, sấy, kho chứa. Do không đủ thiết bị phơi sấy, tình trạng lúa bị nảy mầm, bốc nóng, mốc khá phổ biến. Hơn nữa, công nghiệp chế biến sau gạo của ta chậm phát triển, chủ yếu thủ công và để phục vụ trong nước. Có tới trên 80% lượng thóc được xay xát bởi những nhà máy nhỏ của tư nhân không được trang bị đồng bộ về sân phơi, lò sấy và kho chứa. Hoạt động của các nhà máy này chủ yếu dưới dạng gia công chế biến cho các doanh nghiệp Nhà nước, phục vụ cho nhu cầu trong nước. Nhưng khi cần gạo xuất khẩu, các doanh nghiệp này cũng thường kiêm luôn nhiệm vụ gia công chế biến, nên chất lượng thường không đảm bảo. Trong khi đó, Thái Lan có trên 90% số lượng là nhà máy quy mô lớn, được trang bị đồng bộ nên chất lượng gạo xuất khẩu cao hơn. Hệ thống chế biến gạo của Việt Nam trong những năm gần đây đã được cải tạo và nâng cấp đáng kể, nhưng chất lượng chế biến chưa cao. Tỷ lệ gạo sau chế biến chỉ đạt khoảng 60-65%, trong đó tỷ lệ gạo nguyên hạt chỉ chiếm 42-48%, vừa gây lãng phí trong chế biến, vừa thiệt hại do phải xuất khẩu với giá thấp. d. Đánh giá về thị trường và thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam Đánh giá thị trường xuất khẩu Xuất khẩu gạo của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các thị trường có yêu cầu thấp về chất lượng cũng như các quy định liên quan. Tuy lượng xuất khẩu lớn, nhưng giá trị gia tăng thu được từ các thị trường này thấp hơn nhiều so với các thị trường gạo cho gạo phẩm cấp cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Đánh giá về thương hiệu gạo xuất khẩu Một khâu mà các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo còn yếu là chưa xây dựng được cho mình một thương hiệu. Mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn nhưng chưa có thương hiệu hoặc nhãn hiệu gạo nổi tiếng hoặc đặc trưng cho gạo Việt Nam, trong khi các thương hiệu gạo "hương nhài-Jasmine", gạo Basmati đã được gắn liền với các quốc gia sản xuất là Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan trên thị trường thế giới. Từ các đánh giá tổng quát này, chúng ta xây dựng bảng hệ thống điểm mạnh, điểm yếu của hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2001 – 2008, xây dựng ma trận SWOT trong chương tiếp theo làm cơ sở định hướng giải pháp chiến lược. CHƯƠNG 3. QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP CHO HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU GẠO CỦA VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ 3.1 Tình hình thị trường gạo thế giới - cơ hội và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam Việt Nam đặt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững để về cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp hóa vào năm 2020. Thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường đầu tư được xác định là động lực tăng trưởng kinh tế. Hội nhập quốc tế cũng là một yếu tố của sự phát triển. Các lịch trình cam kết mà Việt Nam đang và sẽ tham gia bao gồm lịch trình thực hiện chương trình AFTA và chương trình ASEAN mở rộng (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), lịch trình thực hiện APEC, lịch trình thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, lịch trình thực hiện cam kết trong WTO. Khi tham gia và thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam phải đảm bảo tuân thủ các lịch trình như: cắt giảm thuế quan xuống mức 0% vào năm 2015 trong ASEAN, tự do hóa thương mại vào 2020 (APEC), lịch trình mở cửa thị trường trong khuôn khổ WTO… Hội nhập kinh tế quốc tế cũng không thể tách rời việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Các mục tiêu này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010 và đã được Quốc hội thông qua, trong đó nêu rõ mục tiêu tổng quát của kế hoạch lần này là “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, đạt được bước chuyển biến quan trọng theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Cải thiện rõ ràng đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tạo được nền tảng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và từng bước phát triển kinh tế tri thức. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và anh ninh quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.” 3.1.1 Nhận định chung về tình hình thị trường gạo Nhu cầu của thế giới đối với mặt hàng lúa gạo có liên quan chặt chẽ đến tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng dân số. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dân số thế giới hiện nay ở ngưỡng 6,5 tỷ người và năm 2010 sẽ là 6,89 tỷ người, trong đó có trên 80% sống tại các nước đang phát triển. Châu Phi và Trung Đông vẫn là các khu vực có tốc độ tăng dân số cao nhất thế giới, tăng bình quân hàng năm khoảng 2,3% và 2,5%, tiếp đó là châu Á và châu Mỹ Latinh với mức tăng dân số là 1,3% và 1,4%/ năm. Dân số các nước phát triển hầu như không tăng thêm, đặc biệt là Nhật Bản và các nước chuyển đổi (Liên Xô trước đây và Đông Âu). Những dự báo về tăng trưởng dân số thế giới cho thấy nhu cầu lương thực, cụ thể về mặt hàng lúa gạo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Thị trường gạo quốc tế sẽ có những bước tăng trưởng toàn diện về quy mô thị trường (sản lượng và giá trị trao đổi thương mại). Cũng theo những dự báo mới đây của USDA, các nước phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 2,7%/năm trong giai đoạn 2006 – 2010, giảm 0,1%/năm so với giai đoạn 2001 - 2005. Kinh tế các nước Đông Á sẽ phục hồi và tăng trưởng ổn định nhờ những cải tổ cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo, mặc dù sức tăng trưởng sẽ thấp hơn so với giai đoạn trước khủng hoảng. Tuy viễn cảnh kinh tế thế giới có những dấu hiệu khởi đầu không thuận lợi nhưng theo các chuyên gia về lương thực, sức ảnh hưởng của thị trường chung và thương mại quốc tế đến thị trường gạo thế giới là không quá lớn và sẽ không có những xáo trộn gây đổ vỡ như đối với thị trường tài chính bởi gạo là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo nhu cầu cơ bản của con người và cũng có những giới hạn nhất định về sô lượng tiêu thụ do thể chất con người. Xu hướng trong dài hạn của kinh tế toàn cầu là tăng trưởng và gia tăng thu nhập. Xu hướng này sẽ có tác động phần nào làm gia tăng nhu cầu gạo trên thế giới. Cụ thể, khi xem xét hoạt động của thị trường gạo thế giới, mức tăng trưởng xuất nhập khẩu được dự báo như sau: Về tăng trưởng nhập khẩu gạo: Mức tăng trưởng nhập khẩu gạo không đồng đều giữa các khối nước có thu nhập cao và các nước đang phát triển. Trong khi nhập khẩu gạo tại các nước có thu nhập cao có xu hướng chững lại do ảnh hưởng: (i) tăng trưởng dân số thấp, thậm chí tăng trưởng dân số âm khiến cho nhu cầu về lương thực giảm; (ii) trong dài hạn nền kinh tế phục hồi và gia tăng thu nhập cũng như mức sống sẽ làm giảm cầu về hàng hóa thông thường, trong đó có mặt hàng gạo thì các nước đang phát triển có mức tăng trưởng nhập khẩu cao hơn, trung bình là 6,2%/năm. Các nước Trung và Bắc Phi, khu vực Trung Đông và Đông Á sẽ có mức tăng trưởng nhập khẩu gạo cao lần lượt là 8,3%/năm, 7,3%/năm và 5,2%/năm. Vể tăng trưởng xuất khẩu: Xuất khẩu gạo của các nước được dự báo cũng sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Ấn Độ sẽ tăng sản lượng cũng như giá trị thương mại gạo xuất khẩu trong giai đoạn 2009-2010; ví dụ Việt Nam sẽ duy trì sản lượng xuất khẩu đạt từ 4,5 đến 5 triệu tấn, Ấn Độ trung bình khoảng 4,0 triệu tấn/năm, đặc biệt Pakistan sẽ vươn lên vị trí xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, với sản lượng từ 4,0 đến 4,5 triệu tấn. Xu hướng giá cả: Ngược lại với xu hương giảm giá ở hầu hết các hàng hóa trong thời gian tới, giá gạo xuất khẩu tuy có những biến động mạnh nhưng nhìn chung sẽ duy trì ở mức cao. Sau khi đạt mức đỉnh khoảng 1000 USD/tấn vào tháng 5/2008, giá gạo thế giới đã sụt giảm mạnh, xuống chỉ còn 400 – 500 USD/tấn. Nhưng đây vẫn là mức giá cao so với năm 2005-2007. Dự báo trong thời gian tới, giá gạo sẽ ổn định ở mức 400 USD/tấn. 3.1.2 Cơ hội cho hoạt động xuất khẩu gạo Hội nhập vào nền kinh tế thế giới sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội như mở rộng thị trường xuất khẩu và giá cả gạo xuất khẩu sẽ biến động theo xu hướng chung của thế giới. a. Khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu gạo Mở rộng thị trường là một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu của quá trình chuyển nền nông nghiệp tự cung tự cấp sang nền nông nghiệp hàng hoá. Bên cạnh việc coi trọng thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu gạo được coi là một trong những định hướng chiến lược của phát triển nông nghiệp Việt Nam. Việc hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương, tham gia vào các định chế kinh tế khu vực và quốc tế sẽ tạo ra những cơ hội thuận lợi để đưa lúa gạo Việt nam thâm nhập thị trường quốc tế. Quá trình đó cũng tạo nên sức ép hữu hình thúc đẩy đổi mới quá trình sản xuất, ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ để phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, tài nguyên sinh học đa dạng và nguồn nhân lực dồi dào của nông thôn Việt Nam. b. Gia tăng giá trị cho hoạt động xuất khẩu gạo Thứ nhất, hội nhập nền kinh tế thế giới sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam và cụ thể là ngành sản xuất lúa gạo thu hút vốn đầu tư nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và hao phí vô ích. Điều này được lý giải bởi những điểm chủ yếu sau đây: (i) Việt Nam là nước có tiềm năng và lợi thế phát triển nền nông nghiệp lúa gạo có giá trị kinh tế cao; (ii) mặt hàng lúa gạo Việt Nam đã khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế; (iii) nông nghiệp và nông thôn là khu vực được Nhà nước Việt Nam khuyến khích đầu tư, do vậy, nhận được sự ưu đãi đầu tư cao; (iiii) hội nhập quốc tế thúc đẩy việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo nên sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Nguồn vốn đầu tư mạnh từ nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất lúa gạo trong nước sẽ tạo ra một ngành sản xuất theo hướng hiện đại và chuyên sâu, các sản phẩm chế biến từ lúa gạo có chất lượng cao, được chế biến qua nhiều công đoạn sẽ làm gia tăng giá trị gạo xuất khẩu. Thứ hai, hội nhập quốc tế tạo ra lực đẩy buộc người nông dân cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu phải có những tính toán dài hạn. Không chỉ sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước, nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn phải sản xuất và tích lũy gạo xuất khẩu đến các thị trường trên khắp thế giới, với những yêu cầu phức tạp và khắt khe về VSATTP, về chất lượng gạo, về thời gian và khối lượng giao hàng. Trong quá trình thúc đẩy xuất khẩu gạo, các chủ thể này của Việt Nam phải tự nhận thức được tầm quan trọng của các yếu tố vượt ra ngoài giá trị tiêu dùng như là một loại lương thực thông thường của lúa gạo, như: uy tín, thương hiệu sản phẩm, xúc tiến và marketing sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ… Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế tạo cơ hội cho hoạt động xuất khẩu gạo tiếp nhận chuyển giao, phát triển kỹ năng, mô hình hoạt động tiên tiến và hiệu quả. Hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi trong tiếp nhận chuyển giao và phát triển năng lực kỹ thuật và công nghệ để khai thác tiềm năng to lớn của nền nông nghiệp lúa nước. Với những hình thức tiếp nhận và chuyển giao năng lực, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam có khả năng áp dụng những mô hình quản lý từ khâu sản xuất – thu mua – chế biến đến xuất khẩu một cách có hiệu quả, giảm bớt chi phí trung gian và rủi ro thông qua các hợp đồng thu mua trực tiếp với người nông dân. 3.1.3 Thách thức cho hoạt động xuất khẩu gạo Bên cạnh những cơ hội to lớn khi hội nhập quốc tế, hoạt động xuất khẩu gạo cũng sẽ gặp phải những thách thức không nhỏ. Thứ nhất, những thách thức về thiên tai và các yếu tố khách quan sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo, vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Thiên tai gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp nói chung, lúa gạo nói riêng, xói mòn thoái hoá đất canh tác, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên rừng. Cơ sở vật chất phục vụ dự báo, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai còn nghèo nàn lạc hậu. Tình trạng này có thể gây nên tình trạng bất ổn trong phát triển sản xuất lúa gạo Việt Nam và ảnh hưởng đến thực hiện các cam kết quốc tế. Thứ hai, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và sẽ tham gia một loạt những định chế kinh tế khu vực và thế giới (Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - AFTA, Khu vực tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc; Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ; Tổ chức Thương mại thế giới - WTO…). Mỗi định chế có những yêu cầu và cam kết cụ thể riêng với nông nghiệp, song đều quy tụ vào tăng cường các quy định và luật lệ để điều chỉnh chính sách nông nghiệp theo các nội dung, một trong số đó là việc không trợ cấp của Chính phủ cho xuất khẩu nông sản. Với các nước hiện nay đang trợ cấp xuất khẩu phải cam kết giảm chủng loại và giá trị trợ cấp. Những yêu cầu này đòi hỏi Việt Nam phải cắt giảm các trợ cấp cho xuất khẩu lúa gạo, đặt lĩnh vực xuất khẩu này vào sân chơi chung, bình đẳng và chấp nhận những rủi ro và cạnh tranh khốc liệt có thể thiệt hại nặng, thậm chí là đổ vỡ. Hội nhập kinh tế thế giới sẽ tạo ra những thách thức đối với những quy định và chính sách trợ cấp trong nước cũng như các khoản trợ cấp xuất khẩu. Chẳng hạn chính sách mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trên mức giá sàn hay vai trò của các doanh nghiệp Nhà nước trong việc duy trì giá bán tối thiểu của nông dân mặc dù còn rất khiêm tốn so với các nước giàu nhưng sức ép quốc tế có thể buộc Việt Nam hạn chế những chính sách này. Hơn nữa, do khối lượng xuất khẩu gạo lớn, Chính phủ không có nhiều công cụ để can thiệp và duy trì mức giá tối thiểu. Cho đến nay, Việt Nam vẫn đang áp dụng tách biệt các biện pháp can thiệp về giá với việc thu mua gạo cứu trợ cho các nạn nhân ở vùng thiên tai. Mặc dù cơ chế thương mại gạo của Việt Nam hiện nay rất thông thoáng (không có hạn ngạch và giấy phép xuất khẩu) nhưng trong thời gian tới Việt Nam khó có thể tăng đáng kể số lượng xuất khẩu hoặc tăng giá xuất khẩu gạo. Người tiêu dùng ngày càng trở nên khó tính, mức độ cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng tăng. Trong khi đó, gạo Việt Nam có chất lượng thấp và pha tạp, nguồn gốc không rõ ràng, công nghệ chế biến và dự trữ sau thu hoạch vẫn còn khá lạc hậu và do đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp. Hơn nữa những nhà xuất khẩu không tổ chức và kiểm soát được toàn bộ chu trình kinh doanh từ khâu chọn giống, gieo trồng, chế biến, lưu kho và bán để có thể đáp ứng nhu cầu cao của người nhập khẩu. Theo đánh giá của FAO (Tổ chức nông - lương Liên hiệp quốc) sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu gạo trên thế giới ngày càng gay gắt hơn và giá gạo trên thị trường thế giới trong ngắn hạn và trung hạn không cho phép các nhà sản xuất lạc quan. Thị trường xuất khẩu gạo rất nhỏ vì thế nền kinh tế và nông dân của các nước xuất khẩu gạo chính càng dễ bị tổn thương bởi những biến động của thị trường. 3.2 Quan điểm và định hướng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế 3.2.1 Quan điểm chung về hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Chính phủ đã có những định hướng đối với phát triển kinh tế và trao đổi thương mại nói chung, phát triển hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo nói riêng. Trong Văn kiện Đại hội Đảng X, Đảng đã xác định quan điểm “…hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao…chuyển mạnh sang sản xuất các loại sản phẩm có thị trường và hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh thâm canh các loại cây trồng trên cơ sở áp dụng các loại quy trình sản xuất đồng bộ và tiên tiến; quy hoạch diện tích sản xuất lương thực ổn định… …Đẩy nhanh xuất khẩu, phấn đấu tăng nhanh tỉ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, giàu hàm lượng công nghệ, có sức cạnh tranh, tạo thêm các sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới, hết sức hạn chế và tiến tới chấm dứt xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên và nông sản chưa qua chế biến. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thị trường ổn định cho các mặt hàng có khả năng cạnh tranh; tăng thêm thị phần ở các thị trường lớn và khai mở các thị trường còn nhiều tiềm năng.” Như vậy, văn kiện Đại hội Đảng X đã quán triệt quan điểm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Điều này vừa cho phép tăng khả năng thích ứng với thị trường của các thành phần tham gia xuất khẩu, vừa đảm bảo kiểm soát được hoạt động này trong khuôn khổ hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động thương mại quốc tế, cụ thể là hoạt động xuất khẩu gạo cần đảm bảo phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, bảo vệ lợi ích quốc gia. Hướng phát triển này đòi hỏi các giải pháp về xuất khẩu gạo cần xác định quy mô xuất khẩu hợp lý, hướng về chất lượng mà không thuần túy chạy theo sản lượng phá hủy các cân đối vĩ mô. Về phía Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang tích cực chuyển hướng tập trung nâng cao chất lượng nông sản, cải thiện hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh, thay vì chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng sản lượng hàng hoá. Ðây được xem là thay đổi lớn lao nhất của ngành nông nghiệp từ trước đến nay, bởi xưa nay ngành nông nghiệp luôn đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng để đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực trong nước theo kiểu “sản xuất dư thừa mới xuất khẩu”, nên thay vì nâng cao chất lượng hàng hoá bằng chế biến và lựa chọn sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh thì ngành nông nghiệp lại chạy theo tăng diện tích, mà cà phê, tiêu, điều nhiều khi rớt giá do sản lượng tăng đột biến là một điển hình. Tương tự, xuất khẩu gạo của nước ta đã hơn 12 năm qua nhưng hầu như là gạo chất lượng thấp, ít có gạo đặc sản, gạo thơm, gạo chất lượng cao. Và do đó khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam hầu như luôn thua kém so với các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Thái Lan - một quốc gia thuộc ASEAN. Có thể thấy rằng, quan điểm xuất khẩu gạo trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là tiếp tục giữ vững định hướng đúng đắn trong thời gian qua. Đó là phối hợp hài hòa giữa yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, chuyển dần sang xuất khẩu gạo có chất lượng cao đem lại giá trị gia tăng lớn, tăng cường đầu tư không chỉ cho khâu sản xuất mà còn cho nghiên cứu và dự báo thị trường nhằm chủ động trước những biến đổi thất thường của thị trường lúa gạo quốc tế, không để tình trạng lúng túng trong điều hành xuất khẩu, thực hiện lộ trình gia nhập WTO không chỉ xóa bỏ các ròa cản và hỗ trợ của Chính phủ mà còn tiến tới giảm dần và chấm dứt các biện pháp mang tính mệnh lệnh của Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu gạo. 3.2.2 Định hướng về chức năng và vai trò của các thành phần kinh tế trong hoạt động xuất khẩu gạo trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế a. Nhà nước tổ chức và quản lý xuất khẩu gạo Nhằm tạo lập môi trường cho thị trường tiêu thụ hàng nông sản nói chung, lúa gạo nói riêng, vai trò của Nhà nước là thúc đẩy nhiều thành phần tham gia hoạt động xuất khẩu gạo, đơn giản hóa giấy phép, bãi bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo. Song song với những hoạt động này, Nhà nước cũng phải hoàn thiện hệ thống các cơ quan quản lý hoạt động xuất khẩu gạo nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, chống tranh bán ở thị trường nước ngoài gây thiệt hại lợi ích quốc gia. Ở cấp vĩ mô, Nhà nước tiến hành thông tin tuyên truyền những kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế và những cam kết trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam khi gia nhập WTO cho nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, từ đó tạo ra tư duy mới trong nhận thức và tổ chức sản xuất-xuất khẩu gạo. Đồng thời, Nhà nước cũng nghiên cứu và sớm áp dụng những giải pháp trong trợ cấp nông nghiệp phù hợp với cam kết của Việt Nam và quy định của WTO tạo cơ sở pháp lý đúng đắn nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam. b. Tăng cường phối hợp giữa Nhà nước và Doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường Xác định chức năng của Nhà nước trong hoạt động xuất khẩu gạo (đàm phán thương mại tạo hành lang pháp lý, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại…). Nhà nước không can thiệp trực tiếp bằng các công cụ pháp lệnh vào hoạt động thị trường, đảm bảo tính năng động cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu gạo. Kết nối các cơ quan quản lý với các đầu mối doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình xúc tiến thông tin thương mại, hỗ trợ chính sách, đất đai, tín dụng, giải quyết tranh chấp… Xu hướng thành lập các hiệp hội ngành hàng (Hiệp hội lương thực Việt Nam) cùng với việc chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh và chiến lược thị trường của các doanh nghiệp nhằm tăng cường hoạt động xuất khẩu. 3.3 Giải pháp tăng cường hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế 3.3.1 Nhóm giải pháp bổ trợ cho hoạt động xuất khẩu gạo a. Các chính sách về tài chính tín dụng, bảo hiểm và hỗ trợ xuất khẩu Chính sách tín dụng. Việc phân bổ luồng vốn tín dụng xuất khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng để đảm bảo yêu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Điều đó cũng còn có ý nghĩa là việc sử dụng nguồn vốn tín dụng xuất khẩu vừa đáp ứng nhu cầu quản lý tốt vốn tín dụng, vừa phải phù hợp với các cam kết và nguyên tắc khi hội nhập với khu vực và thế giới là xoá bỏ mọi ưu đãi và bao cấp bất hợp lý đối với khu vực kinh tế quốc doanh. Lãi suất và tỷ giá hối đoái linh hoạt. Thực hiện chính sách lãi suất theo cơ chế thị trường và duy trì ổn định tỷ giá hối đoái thực tế từng bước tiến hành theo hướng thả nổi có điều tiết và tự do hóa có chọn lọc. Tuỳ thuộc vào tình hình thực tế ở từng thời kỳ, cùng với việc thực hiện chính sách thương mại thúc đẩy xuất khẩu, đòi hỏi phải có chính sách vận dụng công cụ tỷ giá hối đoái và lãi suất ngân hàng một cách sáng tạo, linh hoạt, khôn khéo để đẩy nhanh quá trình tự do hoá thương mại và tiến tới hội nhập quốc tế. Bảo hiểm, hỗ trợ xuất khẩu. Bảo hiểm xuất khẩu là một trong những phương thức hỗ trợ xuất khẩu rất quan trọng. Việc thiết lập hệ thống bảo hiểm xuất khẩu sẽ tránh được những rủi ro cho các nhà xuất khẩu, tạo điều kiện kích thích xuất khẩu và tăng tài trợ xuất khẩu. Tăng cường và củng cố các nội dung hoạt động của quỹ hỗ trợ xuất khẩu để trợ giúp cho các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển xuất khẩu nhưng không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. b. Các chính sách về đầu tư và tạo lập thị trường Tập trung vào việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư và đầu tư đồng bộ cho cả quá trình sản xuất – chế biến – xuất khẩu. Nhà nước cần xác định trọng tâm lĩnh vực đầu tư, khu vực đầu tư (đầu tư cho vùng sản xuất lúa gạo tập trung, phát triển hệ thống giao thông vận tải, trung tâm giao dịch…). Nghị quyết của Đảng cũng đã nhấn mạnh việc xây dựng đồng bộ các loại thị trường, tạo môi trường cho sự vận động năng động của hàng hoá theo cơ chế thị trường có trật tự. Thực hiện chủ trương đó, trước mắt cũng như lâu dài để phát triển hoạt động xuất khẩu gạo cần thực hiện các nội dung sau: Một là, không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, tăng cường trao đổi lúa gạo trên tất cả các vùng, tăng cường áp dụng và đổi mới công nghệ, từng bước tham gia vào phân công lao động hợp tác quốc tế, thực hiện chính sách thương mại mở. Hai là, đa dạng hoá các kênh tiêu thụ với nhiều cấp độ khác nhau để xuất khẩu gạo lưu thông một cách thông suốt, nhanh nhất với chi phí thấp nhất từ người sản xuất địa chỉ xuất khẩu. Ba là, coi trọng vai trò của các chợ và tụ điểm thương mại ở nông thôn thông qua việc xây dựng và phát triển các cụm kinh tế - văn hoá kỹ thuật - thương mại - dịch vụ ở các vùng; quan tâm đến các nhà kinh doanh vừa và nhỏ; khuyến khích các nhà doanh nghiệp trong nước hiệp tác với nhau để xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh cùng phối hợp tham gia xuất khẩu gạo, tạo khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bốn là, phát triển xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu từ Trung ương đến địa phương, nhằm trao đổi thông tin, trao đổi KH&CN, dự tính dự báo các hoạt động thương mại trong nước và trên thế giới. 3.3.2 Nhóm giải pháp nhằm tăng khả năng ổn định về sản lượng và đáp ứng về chất lượng của gạo xuất khẩu a. Giải pháp quy hoạch vùng lúa xuất khẩu tạo điều kiện chuyên canh, tăng chất lượng đáp ứng hợp đồng Các ngành, các cấp cần cụ thể hóa quy hoạch đã được duyệt bằng kế hoạch, đầu tư vốn, khoa học công nghệ để phát triển sản xuất lúa hàng hóa phù hợp với yêu cầu xuất khẩu gạo từng thời kỳ. Nội dung quy hoạch, kế hoạch và đầu tư cho vùng lúa gạo xuất khẩu phải bám sát nhu cầu thị trường gạo thế giới trong từng giai đoạn. Trong chỉ đạo, cần triển khai các giải pháp đồng bộ để biến các quy hoạch thành thực tế, trong đó cần quan tâm giải pháp khuyến khích tích tụ và tập trung đất lúa trong vùng quy hoạch lúa xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng để từng bước hiện đại hóa quy trình sản xuất lúa nhằm nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Bên cạnh việc tổ chức chỉ đạo thành công vùng lúa chất lượng cao 1 triệu ha, thúc đẩy quá trình tập trung hóa đất đai vào tay người có trình độ và có vốn sản xuất là một hướng cần chú trọng. b. Giải pháp hình thành mạng lưới thu gom, vận chuyển lúa gạo xuất khẩu theo hợp đồng Từ những đánh giá về các hình thức giao dịch thu mua lúa gạo xuất khẩu ở Việt Nam hiện nay, các nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh tầm quan trọng phải hình thành và phát triển hình thức giao dịch theo hình thức hợp đồng bằng văn bản. Với những ưu thế vượt trội của phương thức này (ổn định vùng nguyên liệu; ổn định và đồng đều về chất lượng sản phẩm; ổn định khách hàng; ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh) cùng với những hạn chế trong thực tế hiện nay, cần thực hiện các giải pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy quá trình hiện đại hóa khâu sau thu hoạch tạo cơ sở cho hoạt động xuất khẩu gạo. Thứ nhất, cần xây dựng mới các cơ sở chế biến lúa gạo xuất khẩu tại các vùng sản xuất lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu gạo theo quy hoạch. Tiến tới hình thành mạng lưới thu gom lúa hàng hóa theo mô hình hợp tác xã hoặc tổ hợp tác thu mua lúa thống nhất giữa các địa phương theo phương thức hợp đồng kinh tế và giá cả hợp lý. Thứ hai, giải quyết thỏa đáng quan hệ giữa Nhà nước, nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong phân phối lợi nhuận theo hướng quan tâm nhiều hơn đối với người trồng lúa. Nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở chế biến, đánh bóng gạo xuất khẩu hiện có đồng thời xây dựng các cơ sở mới cần thiết theo quy hoạch. Đầu tư vốn ngân sách để nâng cấp hệ thống kho tàng, cơ sở phơi sấy, đường sá, bến cảng, nhất là cảng Cần Thơ nhằm phục vụ đắc lực và hiệu quả xuất khẩu gạo. Đầu tư thiết bị nâng cấp cảng, phương tiện bốc xếp, giảm triệt để tình trạng chậm trễ trong khâu bốc dỡ và bến bãi góp phần giảm chi phí vận chuyển. c. Giải pháp tăng cường đầu tư nghiên cứu và triển khai các chương trình giống, phân bón và thủy lợi Tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu lai tạo giống, đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản. Cần ưu tiên cho các công trình thủy lợi ở các vùng lúa xuất khẩu để thực hiện tưới tiêu khoa học. Xuất phát từ thực trạng của ngành lúa gạo, cần áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành nhằm tiếp tục giữ vững lợi thế cạnh tranh về giá thành sản xuất lúa gạo thấp thông qua các biện pháp đồng bộ về khuyến nông, chương trình giống, chính sách tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. 3.3.3 Nhóm giải pháp đồng bộ về thị trường nhằm tạo dựng thương hiệu Gạo Việt Nam a. Giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu Giải pháp thị trường cần triển khai theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, một mặt, ổn định các thị trường đã có, mặt khác, cần tích cực mở rộng thị trường mới, nhất là các thị trường lớn, yêu cầu chất lượng gạo cao. Bởi về lâu dài, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiến hành song song việc tìm kiếm thị trường gạo phẩm cấp thấp với việc nâng cao chất lượng gạo. Một số nước châu Á và châu Phi đang mua gạo 25% tấm của Việt Nam nhưng nếu các nước này cải thiện nền kinh tế, chuyển sang sử dụng gạo 15% tấm thì các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ hoàn toàn bị động. Như vậy, Việt Nam cần chuyển hướng một phần sang gạo chất lượng cao, nhưng vẫn nên chú ý đến cả gạo chất lượng thấp để vẫn đảm bảo xâm nhập thị trường châu Á, châu Phi. Hiện có gần 50% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo phẩm cấp thấp 25% tấm, vì vậy cần nhanh chóng đầu tư, cải thiện chất lượng giống lúa, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu các thị trường xuất khẩu khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ… b. Giải pháp đa dạng hóa các hình thức xuất khẩu Đa dạng hóa các hình thức xuất khẩu với từng thị trường cụ thể thông qua đó thúc đẩy và nâng cao về chất cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu được thực hiện dưới một số hình thức chủ yếu sau: Xuất khẩu trực tiếp. Hình thức xuất khẩu trực tiếp của lúa gạo Việt Nam chiếm 85% giá trị kim ngạch xuất khẩu và cần phải được khuyến khích mạnh mẽ. Xuất khẩu gián tiếp. Tuy có nhược điểm là phải phụ thuộc vào sự biến động của thị trường trung gian, lợi nhuận thấp hơn, nhưng trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay thì hình thức xuất khẩu này sẽ giúp cho người tiêu dùng các nước quen dần với thương hiệu gạo Việt Nam, chuẩn bị cho bước tiếp cận sắp tới. Lãi tuy thấp hơn nhưng vẫn thu về ngoại tệ do đó, hình thức này cũng cần được cân nhắc thực hiện. Xuất khẩu bằng phương thức hàng đổi hàng. Hình thức này khuyến khích việc hợp tác song phương giữa 2 nước, trao đổi gạo với những mặt hàng đơn giản trong thời gian nhất định nhằm giải quyết một phần khó khăn trong thanh toán, góp phần việc cân bằng cán cân thương mại, hạn chế tình trạng đầu cơ tiền tệ. Đồng thời, hình thức xuất khẩu gạo này cũng giải quyết một phần nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tiền tệ do quá phụ thuộc vào sự lên xuống của đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, việc thực hiện phương thức này cunggx bộc lộ nhiều hạn chế như: chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp đối với 2 nước và trong từng thời gian nhất định, bị ảnh hưởng khi có sự biến động của giá cả thị trường thế giới… Xuất khẩu thông qua hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Đối với hình thức xuất khẩu này, cần vận dụng một cách khéo léo kinh nghiệm của các nước để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo thông qua hình thức đầu tư ra nước ngoài, nhất là đến các thị trường Lào, Campuchia, các nước Trung và Tây Phi… Xuất khẩu thông qua liên doanh liên kết và các hình thức hợp tác kinh tế quốc tế. Thông qua hình thức liên doanh, liên kết với nước ngoài, phát triển các khu chế biến xuất khảu gạo tập trung quy mô lớn và hiện đại, khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động xuất khẩu gạo, kể cả việc tham gia vào khâu phân phối lưu thông ở Việt Nam. c. Giải pháp đầu tư nghiên cứu và dự báo thị trường Cuối 2007 – nửa đầu năm 2008, đây chính là thời điểm mà mức giá cao nhất trong lịch sử. Tính cả tỷ lệ trượt giá của đồng USD, mức giá cao nhất được xác lập vào ngày 24/04/08 là 24,685 usd/2000 cwt, tức là trên 1,200 usd/tấn. Trong khi thị trường gạo xuất khẩu tăng giá đỉnh điểm, lo ngại an ninh lương thực quốc gia Chính phủ đã có những biện pháp hạn chế xuất khẩu, kể cả bằng mệnh lệnh hành chính. Song, theo các chuyên gia phân tích, sau khi đã thống kê đầy đủ sản lượng sắp tới chúng ta có được cùng nhu cầu tiêu thụ trong nước, mức độ dự trữ lương thực vẫn ở điểm an toàn. Như vậy, việc nhận định sai tình hình giá gạo thế giới đã dẫn tới hệ quả trực tiếp là gây thất thu lớn cho ngành xuất khẩu, làm nản lòng các nhà xuất khẩu cũng như nông dân. Không những thế, trong những tháng tiếp theo, giá gạo sụt giảm mạnh khiến việc xuất khẩu bị ngừng trệ làm xuất hiện những tin đồn thất thiệt ở thị trường trong nước tạo ra cầu ảo khiến giá gạo nội địa bị đẩy lên cao, gây bất ổn thị trường giá. Những bất ổn trong việc xuất khẩu gạo thời gian qua, đặc biệt là nửa đầu năm 2008 đã cho thấy yêu cầu cấp thiết phải củng cố và mở rộng hệ thống thông tin thị trường để kịp thời điều hành hoạt động xuất khẩu gạo hợp lý và hiệu quả. d. Giải pháp xúc tiến thương mại cho thương hiệu gạo Việt Nam Cho đến nay trên thương trường quốc tế chưa có thương hiệu hoặc nhãn hiệu gạo nổi tiếng đặc trưng cho gạo Việt Nam, trong khi các thương hiệu gạo Jasmine, gạo Basmani đã được gắn liền với các quốc gia cạnh tranh là Thái Lan, Ấn Độ và Pakixtan. Vì vậy, muốn cạnh tranh thành công trên thị trường thế giới, ngành lúa gạo Việt Nam không có con đường nào khác là phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành và nhanh chóng xây dựng thương hiệu "gạo Việt Nam". Để có được thương hiệu gạo cạnh tranh cần có sự gắn kết của 4 nhà bằng cách xây dựng công ty cổ phần mà cổ đông gồm có nhà nông, nhà chế biến, nhà đầu tư kinh doanh và nhà khoa học. Có như vậy mới đủ nguồn lực để nghiên cứu và sản xuất các loại giống mới chất lượng cao dựa trên nguồn đặc sản địa phương, đưa việc sản xuất, thu mua và xuất khẩu trở thành hệ thống quy mô lớn. Không những phải nâng cao chất lượng gạo từ khâu sản xuất cho đến khâu xuất khẩu mà còn phải bảo đảm chữ tín với khách hàng, tăng cường tiếp thị thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ và triển lãm hàng nông sản… Để bảo đảm tính khả thi của các giải pháp trên đây, cần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo, phối hợp của các ngành, các cấp, từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và cơ sở trong mọi lĩnh vực: quy hoạch, sản xuất, thu gom, phơi sấy, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu gạo. KẾT LUẬN Việt Nam gia nhập WTO đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta. Đối với khu vực nông thôn và ngành nông nghiệp, gia nhập WTO sẽ tạo cơ hội mới, tạo điều kiện cho hàng hoá nông sản của nông dân xâm nhập vào thị trường thế giới rộng lớn hơn. Việc thành lập các hợp tác xã, các hiệp hội, sản xuất theo hợp đồng tạo cơ sở cho mỗi hộ nông dân tham gia vào cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Các đơn vị xuất nhập khẩu nông sản có nhiều cơ hội tốt để khai thác thị trường mới. Ngoài sản phẩm chất lượng cao có ưu thế sẽ tăng trưởng, sẽ có nhiều sản phẩm tiềm năng, sản phẩm sạch có cơ hội phát triển. Qua đó, sẽ tạo được nhiều việc làm trong khu vực nông thôn. Hoạt động thương mại nói chung, hoạt động xuất khẩu gạo nói riêng, sẽ có những đóng góp quan trọng trong quá trình thúc đẩy hội nhập của Việt Nam. Vận dụng những lợi thế so sánh một cách khéo léo trong hoạt động xuất khẩu gạo, Việt Nam sẽ có điều kiện nhằm tích lũy nguồn vốn để phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, cân đối cán cân thanh toán, ổn định nền kinh tế, giải quyết vấn đề xã hội trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ một nước nông nghiệp tiến lên cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tiếng Việt 1. PGS.TS Ngô Thắng Lợi (2004), Giáo trình kế hoạch hóa phát triển kinh tế-xã hội, Nhà xuất bản Thống kê. 2. Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự (2006), Tổng quan các vấn đề về tự do hóa thương mại dịch vụ, Hà Nội. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX và X, Tạp chí Cộng sản. 4. GS.TS Bùi Xuân Lưu (2004), Bảo hộ hợp lý nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nhà xuất bản Thống kê. 5. ThS Mai Thế Cường (2008), Hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án Tiến sỹ, Hà Nội. 6. Phạm Hoàng Ngân (2008), Cân đối cung - cầu, dự trữ và biến động giá lúa gạo Thế Giới, Trung tâm Thông tin Phát triển NNNT. 7. GS. TS. Nguyễn Kế Tuấn (2004), Nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân. 8. Nguyễn Thành Hưng (2008), Chiến lược xuất khẩu gạo của Thái Lan, Vụ pháp chế, Bộ Thương mại. 9. ThS Nguyễn Thanh Phong (2008), Một số giải pháp vĩ mô nhằm phát triển xuất khẩu gạo của Việt Nam trong điều kiện gia nhập WTO, Viện Đào tạo sau Đại học, Đại học Kinh tế Quốc dân. 10. PGS.TS Nguyễn Sinh Cúc (2005), Xuất khẩu gạo, một thành tựu nổi bật của nước ta, Tạp chí Cộng sản, số 80. 11. Nguyễn Ngọc Quế, Trần Đình Thao (2004), Ngành lúa gạo Việt Nam. 12. Viện Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (2007), Gạo Việt Nam sau một năm gia nhập WTO, Kinh tế Nông nghiệp. 13. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (2007), Những vấn đề cơ bản về hội nhập. 14. Trần Kim Chung và Đinh Trọng Thắng (2003), Một số gợi ý chính sách để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. 15. Tạp chí Hoạt động khoa học số 12 (2001), Về xuất khẩu nông sản của Việt Nam 10 năm qua. 16. Ban Công tác Việt Nam gia nhập WTO (2006), Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO. 17. Hiệp hội lương thực Việt Nam (2006), Lúa gạo – Những tăng trưởng quan trọng Địa chỉ truy cập: 18. Tổng cục thống kê (2008), Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu. Địa chỉ truy cập: 19. Bộ Thương mại (2005), Báo cáo hoạt động thương mại năm 2006. 20. Các tin bài từ báo điện tử VnEconomy (2008), Báo Công Thương Online(2008), Tạp chí Thương mại (2003-2005) Tài liệu tiếng Anh 1. Directorate of Rice Development, India (2007), Rice Report and Rice in India – Handbook of Statistics 2007. 2. Directorate of Rice Development, India (2008), Problems & Prospects of Rice Export from India. 3. Oryza Corporation (2008), Thailand market, India market, Global Outlook. 4. Nicolas Minot and Francesco Goletti (2000), Rice Market Liberalization and Poverty in Vietnam, International Food Policy Research Institute, Washington D.C. 5. Rajit Mane and Eric J. Wailes (2006), Impact of Trade Liberalization in Rice, American Agricultural Economics Association Annual Meeting. 6. Jeffrey J. Reimer & Kyle W. Stiegert (2006), Evidence on Imperfect Competition and Strategic Trade Theory – Agricultural & Applied Economics, University of Wisconsin-Madison, Department of Agricultural and Applied Economics. 7. Eric J. Wailes (2004), Implications of The WTO Doha Round for the Rice sector, FAO Rice Conference. 8. D Dawe, M Hossain and M Bell (2003), Three roles of Rice Research in Development, International Rice Research Institute – IRRI. 9. Chantal Pohl Nielsen (2003), Vietnam’s Rice Policy: Recent Reforms and Future Opportunities, Asian Economic Journal (V.17, I.1, p.1-26) 10. Dae-Seob Lee and P.Lynn Kennedy (2002), A Game Theoretic Analysis of U.S. Rice Export Policy: The case of Japan and Korea, Louisiana State University, Department of Agricultural Economics and Agribusiness. 11. Nicholas Minot & Francesco Goletti (1997), Impact of Rice Export policy on domestic prices and food security: Further analysis using the Vietnam Agricultural Spatial Equilibrium Model (VASEM), International Food Policy Research Institute, Washingtion, D.C., U.S.A. 12. Yoshiaki Nakada (1996), When does a farmer sell rice? A case study in a Village in Yasothon Province, Northeast Thailand. 13. The WTO (1995), Agreement on Agriculture, Uruguay Round (1986-1994) 14. The FAO (2001), Review of Basic Food Policies, Rome, Italy. 15. FAOTAT(2003, 2004, 2005), Food Report.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc21447.doc
Tài liệu liên quan