Đề tài Bản lĩnh của người Việt trong thời kỳ đấu tranh chống phong kiến Bắc thuộc

MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU 3 CHƯƠNG I 4 CÁI NÔI BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI VIỆT 4 I. VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ NGUY CƠ XÂM LƯỢC CỦA NGOẠI BẢNG II. NHỮNG TIỀN ĐỀ ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT 4 1. Sự xuất hiện những nền văn hoá cổ và những thành tựu to lớn đã đạt được của người Việt xưa 4 2. Sự ra đời của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc 5 3. Con người và các bộ tộc người Việt ở phía Nam Trung Quốc 7 CHƯƠNG II 8 QUÁ TRÌNH THỬ THÁCH BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI VIỆT 8 I. CHÍNH SÁCH BÀNH TRƯỚNG VÀ ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN PHƯƠNG BẮC 8 1. Nước ta rơi vào ách đô hộ 8 2. Chính sách cai trị của phong kiến phương Bắc 9 2.1. Chính quyền đô hộ thiết lập bộ máy cai trị 9 2.1.1.Thời kì Nhà Triệu và Hán 9 2.1.2.Thời kì từ sau Trưng Vương đến trước Lí Nam Đế 10 2.1.3.Thời kỳ nhà Đường 10 2.2. Chính sách đồng hoá người Việt của bọn đô hộ 12 2.3. Chính sách dùng bạo lực đàn áp, khủng bố người Việt 13 3. Nỗi thống khổ của nhân dân ta 14 II. QUÁ TRÌNH BẢO TỒN NỀN VĂN HOÁ DÂN TỘC VÀ ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP 15 1. Chống đồng hoá để bảo tồn các di sản văn hoá của dân tộc 15 2. Phong trào đấu tranh vũ trang giành độc lập của nhân dân 19 2.1. Ngọn đuốc đấu tranh rực rỡ liên tục 19 2.2. Tính phát triển của phong trào 22 CHƯƠNG III 24 SỰ KHẲNG ĐỊNH BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI VIỆT 24 I. CHẤM DỨT ÁCH ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN PHƯƠNG BẮC 24 II. CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG 938. (TRẬN CHUNG KẾT TOÀN THẮNG) 24 KẾT LUẬN 26

doc30 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2864 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Bản lĩnh của người Việt trong thời kỳ đấu tranh chống phong kiến Bắc thuộc, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN KHOA LỊCH SỬ ------ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC BỘ MÔN: LỊCH SỬ VIỆT NAM BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG THỜI KỲ ĐẤU TRANH CHỐNG PHONG KIẾN BẮC THUỘC PHÁC THẢO ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC “BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG THỜI KÌ ĐẤU TRANH CHỐNG PHONG KIẾN BẮC THUỘC” A. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Nhằm tìm hiểu thêm, khám phá những tri thức mới về lịch sử Việt Nam, đề tài tập trung vào một giai đoạn lịch sử đầy thử thách của dân tộc cách đây hơn một thiên niên kỷ. Đây là một đề tài hấp dẫn, khơi gợi về ý thức tự hào dân tộc về cha ông ta xưa dựng nước và giữ nước. B. PHẠM VI ĐỀ TÀI Là thời kỳ Bắc thuộc được xác định từ năm 179 tr. CN (Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc) đến trận chung kết toàn thắng - chiến thắng Bạch Đằng - 938. Con người Việt thời kì Bắc thuộc với chống đô hộ và chống đồng hoá của phong kiến phương Bắc. C. PHẠM VI ĐỀ TÀI Đã được ngiên cứu, khảo sát nhiều lần nhưng chưa thành một hệ thống. Được trình bày trong các tham luận, các sách giáo trình và cả các bài báo song cũng chưa thật hoàn chỉnh và dầy đủ. D. TÀI LIỆU THAM KHẢO Chủ yếu là từ sách, báo, sách giáo trình và các tư liệu lịch sử. Tiến trình lịch sử Việt Nam - PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc. Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập I) - Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. Trung Quốc lịch sử giản biên - Phạm Văn Lan. Tập chí Xưa và nay Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Các tài liệu khác… E. BỐ CỤC CỦA ĐỀ TÀI NGIÊN CỨU Được chia làm ba phần: I. Lời nói đầu II. Nội dung đề tài Vị trí địa lí và nguy cơ bị xâm lăng của ngoại bang Những tiền đề đầu tiên của người Việt Sự hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc Sự hình thành ý thức độc lập dân tộc + Chủ quyền dân tộc + Văn hoá Bản lĩnh của người Việt Con người và các bộ tộc người Việt ở phía Nam Trung Hoa Chính sách bành trướng của phương Bắc với đô hộ và Hán Hoá. Chính sách đồng hoá người Việt của chính quyền phong kiến phương Bắc Quá trình giao thoa văn hoá + Cưỡng bức + Tự nguyện. Sự bảo tồn các di sản văn hoá của dân tộc Đấu tranh vũ trang giành độc lập dân tộc. Ý thức đấu tranh Các cuộc khởi nghĩa. III. Nhận xét chung - kết luận. Bản lĩnh người Việt trong thời kì này. Những giá trị bền vững trường tồn với thời gian, tạo tiền đề cho thắng lợi của dân tộc sau này. Những truyền thống của người Việt từ xưa cho đến nay. LỜI NÓI ĐẦU Kể từ sau khi cuộc kháng chiến chống Triệu Đà của An Dương Vương thất bại - năm 179 trước công nguyên - đến năm 938 là thời kì đất nước ta bị ách đô hộ, cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc mà lịch sử vẫn gọi đó là thời kì Bắc thuộc. Năm 938 là mốc son chói lọi bằng vàng, chấm dứt hoàn oàn ách đô hộ, áp bức bóc lột của ngoại bang, nhưng những mầm mống đầu tiên cho sự ra đời của một nhà nước độc lập, đã có từ năm 905, khi Khúc Thừa Dụ bắt đầu công cuộc tự chủ. Hiếm thấy trong lịch sử, một quốc gia nào khác trên thế giới, lại bị mất nước và bị đô hộ kéo dài lâu như vậy - 1117 năm, mà cuối cùng lại giành lại được độc lập. Và cũng hiếm có một nước nào có lịch sử chống giặc ngoại xâm nhiều như vậy. Nếu xếp hạng, thì Việt Nam sẽ xếp hàng đầu các quốc gia như thế, hàng đầu những ai chịu cái nhục mất nước, cái nhục làm nô lệ. Phải chăng? Chính tạo hoá đã vô tình khi đặt Việt Nam là một nước nhỏ bé bên cạnh một ông khổng lồ và có một vị trí địa lý quan trọng như thế. Sẵn sàng trước mối đe doạ của giặc ngoại xâm vốn đã mang tính thường trực, Việt Nam luôn luôn bị các nước lớn tìm cách cấu xé, ăn tươi nuốt sống. Hoặc là tồn tại, hoặc là chết, đã đặt ra cho con người Việt Nam bắt buộc không còn con đường nào khác. Quyết không chết mà sẽ tồn tại! Đó chính là bản lĩnh của người Việt. Thời kì Bắc thuộc là thử thách, cũng là điều kiện làm cho bản lĩnh ấy trở thành chất thép! CHƯƠNG I CÁI NÔI BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI VIỆT I. Vị trí địa lí và nguy cơ xâm lược của ngoại bang Đất nước ta nằm ở phía Đông Nam của châu Á với diện tích không lớn (khoảng 329.000 km2) và dân số không đông lắm. Song lại có vị trí địa lí hết sức quan trọng và chiến lược. Phía Bắc: giáp Trung Quốc. Tây: giáp Lào và Campuchia Đông và Đông Nam: giáp biển Đông. Là cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo; giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, là con đường giao thông, đi lại, và là luồng di cư của nhiều bộ lạc trên thế giới, giao lưu buôn bán mang tầm cỡ quốc tế. Chính vì ở trên ngã ba đường thông thương quốc tế Bắc, Nam, Đông, Tây ấy mà Việt Nam luôn luôn bị dòm ngó bởi các quốc gia lớn. Hơn nữa, nước ta nằm trong miền nhiệt đới, gió mùa, khí hậu ẩm ướt, có núi cao, rừng rậm, sông ngòi, hồ đầm , đồng bằng và biển cả. Rừng chiếm phần lớn diện tích-3/4 diện tích - đất đai, hệ thực vật và động vật phát triển rất phong phú và đa dạng. Có nhiều loại cây, các giống chim, thú rừng quý hiếm. Bên cạnh đó, còn có nhiều loại khoáng sản như vàng, bạc..., đất đai thì màu mỡ, thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, mặc dù đồng bằng nhỏ hẹp. Tóm lại, ở vị thế địa lí và tự nhiên như thế, Việt Nam khác nào miếng thịt ngon phơi trước mồm hổ đói, tránh đâu khỏi sự xâu xé, bị xâm lược, nhất là phong kiến phương Bắc lúc bấy giờ. II. NHỮNG TIỀN ĐỀ ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT 1. Sự xuất hiện những nền văn hoá cổ và những thành tựu to lớn đã đạt được của người Việt xưa Người Việt cổ sớm quần cư ở các dòng sông lớn như sông Hồng, sông Mã và tập trung dần dần thành các bộ tộc, bộ lạc, cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp còn mang tính chất sơ khai. Trải qua một thời gian dài cùng với sự xuất hiện của thuật luyện kim, đã khiến cho cuộc sống của các bộ lạc Việt cổ ngày càng phát triển. Từ đó đã hình thành nên các nền văn hoá cổ phán ánh sự sáng tạo của người Việt ở mỗi giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển của mình:Văn hoá Sơn Vi, Văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn, Quỳnh Văn… đặc biệt đỉnh cao là văn hoá Đông Sơn. Chính các nền văn hoá đó đã mang đậm tính cách, cuộc sống, tâm hồn của người Việt. Đó là quá trình phát triển về vật chất thúc đẩy cho đời sống tinh thần của người Việt nảy nở. Các thành tựu của các nền văn hoá cổ là một minh chứng rõ ràng nhất. Kỹ thuật cải tiến công cụ, nghệ thuật đúc đồng của người Việt đã đến trình độ điêu luyện, có ảnh hưởng sâu rộng đối với sản xuất nông ngiệp và những hoạt động tinh thần, điển hình là trống đồng Đông Sơn, với những nét văn hoá trang trí vô cùng tinh xảo, thể hiện một đời sống tinh thần của riêng người Việt. Đồ gốm với hoa văn trang trí ngày càng uyển chuyển và mềm mại, đa dạng và phong phú. Đồ gốm Phùng nguyên là tiêu biểu nhất, phản ánh không chỉ tính sáng tạo mà còn phản ánh tư tưởng, suy nghĩ riêng của người Việt. 2. Sự ra đời của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc Sự phát triển của công cụ lao động đã dẫn đến những biến đổi to lớn trong sản xuất và xã hội. Công cụ bằng kim loại phát triển và sản xuất riêng lẻ theo từng gia đình, thời cổ đã góp phần đẩy mạnh năng suất lao động, xuất hiện sản phẩm thừa và trong xã hội có kẻ giàu- người nghèo. Mâu thuẫn nảy sinh nhưng không gay gắt giữa quý tộc và người dân. Bấy giờ 15 bộ lạc ở lưu vực các dòng sông lớn do nhu cầu về thuỷ lợi, về quản lý xã hội cùng với nhu cầu liên hệ chống xâm lấn đã dẫn đến sự ra đời của Nhà nước đầu tiên: Nhà nước Văn Lang, kế tiếp nước Âu Lạc ra đời và phát triển. Sự đánh dấu chủ quyền của người Việt ở đây đã được xác định. Ngay từ khi ra đời, các vua Hùng đã phải đương đầu với sự xâm lấn của ngoại xâm. Từ giặc “mũi đỏ”, “giặc Ân”, đến đạo quân xâm lược vô cùng to lớn của đế chế Tần, 50 vạn quân. Tất cả đều đã bị đánh tan. Nhân dân Âu Lạc cũng nhiều lần đánh đuổi được quân xâm lược nhà Triệu. Lãnh thổ của người Việt được bảo tồn, nhà nước Văn Lang - Âu Lạc được giữ vững, củng cố và phát triển. Nhân dân thời vua Hùng, vua Thục đã xây dựng được một nếp sống, với những phong tục tập quán riêng: tục nhuộm răng, ăn trầu, tục giã bánh giầy, gói bánh chưng, tục thờ cúng tổ tiên… Thành Cổ Loa với nhiều vòng thành và hào liên tiếp là một thành tựu to lớn về khoa học kĩ thuật quân sự của ông cha ta thời kì này. Tiêu biểu cho ý thức dân tộc, bảo vệ chủ quyền của người Việt. Như vậy, bản lĩnh của người Việt gắn liền với sự phát triển về mặt nhận thức, suy nghĩ của người Việt và xã hội của họ. Bắt đầu từ tính sáng tạo ra các nền văn hoá cổ của riêng mình, đến ý thức cộng đồng khi có sự ra đời của Nhà nước. Trải qua nhiều năm sinh sống, lao động và chiến đấu, người Việt nảy nở những tình cảm cộng đồng. Họ thấy cần phải nương tựa vào nhau, thương yêu nhau, đùm bọc nhau mới an cư lập nghiệp được. Từ tình cảm cộng đồng dẫn đến ý thức cộng đồng. Họ bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa thiên nhiên với con người; hiểu được nguồn gốc của mình, biết sự tích của các vị anh hùng; biết những phong tục tập quán cần bảo tồn. Và hơn hết, họ thấy rõ sức mạnh của cộng đồng trong việc làm thủy lợi, trao đổi sản phẩm và đấu tranh giữ gìn làng bản, đất nước. Từ đó, họ có ý thức chung về lối sống, về dân tộc, về lãnh thổ. Bản lĩnh của họ dã được hình thành hoàn toàn một cách tự nhiên và ngày càng trưởng thành hơn. Nó có cơ sở vững chắc để bước vào thử thách “ngàn năm Bắc thuộc”. 3. Con người và các bộ tộc người Việt ở phía Nam Trung Quốc Buổi ban đầu lãnh thổ người Việt chủ yếu là phần đất bắc Bộ và Bắc Trung bộ và lãnh thổ Trung Quốc bấy giờ chủ yếu là vùng phía Bắc sông Dương Tử còn phía Nam là nơi sinh sống và cư trú của khối cộng đồng cư dân Bách Việt bao gồm nhiều tộc người khác. Người Việt sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Bữa ăn hàng ngày là cơm - rau - cá. Ăn trầu, nhuộm răng là những tục lệ phổ biến, bánh chưng (tượng trưng cho mặt đất), bánh giầy (tượng trưng cho vòm trời) là hai loại bánh thờ cúng tổ tiên độc đáo. Họ ăn mặc giản dị: đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy (ngày lạnh có thêm áo chui đầu). Họ sống tập trung ở các làng bản, ở nhà sàn, do tập trung ở ven đồi, gần suối hoặc ở những dải đất cao ven sông nên phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền . Người Việt rất thích ca hát, người dân ăn mặc đẹp, vui chơi nhảy múa… Mọi sinh hoạt đều gắn với điều cầu mong thiết thực của cuộc sống: mong mưa thuận gió hoà, mông được mùa, yên ổn làm ăn. Họ thờ cúng các thế lực tự nhiên (thần sông, thần núi…) và các con vật thiêng (chim, rồng, hổ). Đặc biệt là người Việt biết thờ cúng tổ tiên và những người anh hùng có công với làng bản. Con người Việt làm nên bản lĩnh người Việt. Do sống ở vùng đấ mà điều kiện tự nhiên ô cùng đa dạng và cũng phức tạp cộng với những yếu tố xã hội đã làm cho con người Việt Nam luôn luôn phải thích nghi để sống và đi lên. Vì thế bản lĩnh của người Việt đã được hình thành từ sớm, cũng vì thế khi bước vào thời kì Bắc thuộc, người Việt đã có một tư tưởng và một ý thức hệ về độc lập dân tộc với một nền văn hoá riêng của quá trình thích nghi và phát triển. Bởi lẽ ấy mà người Việt với bản lĩnh của mình có đủ tự tin để đối chọi lại ách đô hộ và đồng hoá kéo dài hơn một thiên niên kỷ. CHƯƠNG II QUÁ TRÌNH THỬ THÁCH BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI VIỆT I. CHÍNH SÁCH BÀNH TRƯỚNG VÀ ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN PHƯƠNG BẮC 1. Nước ta rơi vào ách đô hộ Nhân lúc nhà Tần suy yếu, một viên quan cũ của nhà Tần là Triệu Đà đã chiếm cứ ba quận phía Nam (tương ứng với Quảng Đông, Quảng Tây) lập ra nước Việt Nam - năm 206 tr.Cn. Sau khi thành lập nước Việt Nam, Triệu Đà đã nhiều lần đem quân xâm lược hòng thôn tính Âu Lạc. quân dân Âu Lạc, với vũ khí tốt và thành Cổ Loa kiên cố, dưới sự chỉ huy của những tướng tài như Cao Lỗ, Nồi Hầu đã nhiều lần đánh bại quân Triệu. Thấy không thể thắng được Âu Lạc, Triệu Đà giả vờ xin hoà rồi dùng mưu mô quỷ quyệt kết hợp với tấn công quân sự. An Dương Vương thiếu phòng bị nên đã bị thất bại nhanh chóng (khoảng năm 179 tr.CN). Theo truyền thuyết thì một mặt Triệu Đà giảng hoà và dùng của cải mua thuộc quý tộc Âu Lạc, mặt khác cho con trai là Trọng Thuỷ sang làm rể Âu Lạc. Nhiều người đã can ngăn vua đừng gả Mị Châu cho Trọng Thuỷ nhưng An Dương Vương không nghe, lại còn duổi cả trung thần đi (Cao Lỗ). Trọng Thuỷ vừa ở rể vừa dò la phép chế nỏ của người Âu Lạc cùng với sự bố trí phòng ngự của thành Cổ Loa. Sau đó, lấy cớ về thăm cha, Trọng Thuỷ đã nói cho Triệu Đà biết tình hình Âu Lạc, Triệu Đà lập tức cho chế nỏ, rồi bất ngờ đem quân đánh vào thành Cổ Loa. Không giữ được thành An Dương Vương cùng con gái phi ngựa chạy về phía Nam, đến bờ biển, cùng đường vua chém Mị Châu, rồi nhảy xuống biển (chuyện Rùa vàng). Đến năm 111 tr.CN, nhà Hán lên thay nhà Tần đã thôn tính cả Nam Việt, Âu Lạc từ tay nhà Triệu lại lọt vào tay nhà Hán. Nước Âu Lạc của người Việt tồn tại không lâu-gần 60 năm thì bị thôn tính. Người Việt đã anh dũng, đứng lên chiến đấu chống lại quân xâm lược, kiên quyết bảo vệ chủ quyền độc lập của mình song đã thất bại. Xét về nguyên nhân khách quan thì Triệu Đà có lực lượng mạnh hơn hẳn Âu Lạc và lại gian xảo, quỷ quyệt, đất nước ta tuy hiểm trở, có thành Cổ Loa kiên cố nhưng yếu hơn, tiềm lực vật chất không bằng được. Từ đây bắt đầu quá trình thử thách bản lĩnh của người Việt đầy khó khăn và gian khổ. Quá trình đó kéo dài đến 1200 năm đô hộ của các triều đại Bắc quốc: Hán, Đường, không diệt mất, chẳng những không diệt mất mà còn tự mình vùng lên lật đổ Bắc quốc, đạt được một chiến thắng hiếm có ở bất kì nơi nào của thời kỳ cổ đại. 2. Chính sách cai trị của phong kiến phương Bắc 2.1. Chính quyền đô hộ thiết lập bộ máy cai trị Sau khi bị thôn tính, đất đai Âu Lạc bị sát nhập vào đất Trung Quốc và được chia thành quận huyện. Trải qua nhiều thời kì, Âu Lạc đã bị chia đi chia lại nhiều lần song nhìn chung, mục đích chính của bọn đô hộ là tổ chức được bộ máy cai trị để dễ dàng bóc lột và đô hộ nhân dân ta, luôn luôn muốn sát nhập đất nước ta trở thành một quận huyện của chúng. 2.1.1. Thời kì Nhà Triệu và Hán Nhà Triệu chia Âu Lạc làm hai quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ) và Cửu Chân (Thanh, Nghệ Tĩnh). Nhà Hán đặt thêm quận Nhật Nam (Từ Đèo Ngang và đến Quảng Nam, Đà Nẵng). Nhà Hán lại còn nhập ba quận này với 6 quận khác ở đảo Hải Nam và đất liền Trung Quốc lập thành châu Giao. Đứng đầu châu Giao là một thứ sử, mỗi quận có một Thái thú coi việc cai trị và một đô uý coi việc quân sự. Ở các huyện (tương đương với bộ thời An Dương Vương), chúng duy trì phương thức cai trị rất thâm độc “lấy người Di trị người Di”, “dùng người Việt trị người Việt”, nhằm biến các lạc tướng, quý tộc bản địa thành chỗ dựa cho chính quyền đô hộ, giữ nguyên nguyên tắc tổ chức chính trị cũ của Âu Lạc ở các địa phương để sử dụng nó vào mục đích bóc lột. Như thế vừa đảm bảo được nguồn cung cấp, vừa ít động chạm đến quyền lợi của quý tộc bản địa. 2.1.2 Thời kì từ sau Trưng Vương đến trước Lí Nam Đế Sau thất bại của Trưng Vương, nước ta lại bị rơi vào ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Nhà Hán, Tấn, Ngô, Trần, Lương thay nhau làm chủ Trung Quốc và cũng vì thế mà nước ta bị chia đi chia lại, chia ra nhập vào nhiều lần. Nhìn chung miền đất Âu Lạc cũ gọi là châu Giao gồm có ba quận là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, khoảng 50 huyện. Đứng đầu Châu vẫn là thứ sử từ Trung Quốc cử sang. Thứ sử có quyền cắt đặt quan lại, điều động quân lính ở trong Châu. Ở mỗi quận có chức thái thú và những chức quan khác giúp việc, cũng là người Hán. Bên dưới quận là huyện. Chế độ lạc tướng cha truyền con nối của người Việt ở cấp huyện bị bãi bỏ. Thay cho các lạc tướng người Việt là những tên huyện lệnh người Hán. Huyện Lệnh cho xây thành luỹ và đóng quân ở đây. Chính quyền đô hộ còn ra sức sửa sang, làm thêm đường xá nối liền quận lị, huyện lị với Long Biên - nơi tập trung các cơ quan cai trị và quân lính. Luật cũ của người Việt bị bãi bỏ, dân ta buộc phải theo Luật Hán. Đây là một trong những thủ đoạn quan trọng trong việc tổ chức bộ máy cai trị của phong kiến phương Bắc. Dần dần thiết chặt bộ máy cai trị toàn do người Hán cai trị, đẩy người Việt xuống lớp đáy, phải lệ thuộc và chịu sự bóc lột. 2.1.3. Thời kỳ nhà Đường Năm 618, nhà Đường thay nhà Tuỳ thống trị ở Trung Quốc. Đất nước ta lại rơi vào ách đô hộ của nhà Đường. Nhà Đường hùng mạnh, kế tiếp bao triều đại Trung Hoa, có chính sách cai trị rất khôn khéo, xảo quyệt. Thiết lập bộ máy cai trị rất chặt chẽ và hệ thống. Nhà Đường đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ (679), chia An Nam đô hộ thành 12 châu trong đó: Giao Châu, Phong Châu, Trường Châu (Bắc Bộ); Ái Châu, Phúc Lộc Châu, Diễn Châu, Hoan Châu (Bắc Trung Bộ). Nhà Đường sắp đặt bộ máy cai trị từ trên xuống dưới. Ngoài việc đất nước ta bị chia thành các châu quận huyện thì nhà Đường còn chú ý tăng cường củng cố bộ máy cai trị của mình. Dưới huyện là hương và xã. Các hương và xã được chia theo số hộ. Xã nhỏ có 10 đến 30 hộ. Xã lớn có từ 40 đến 60 hộ. Hương nhỏ có từ 70 - 150 hộ. Hương lớn có từ 160 - 540 hộ. Đứng đầu phủ là một viên đô hộ thâu tóm mọi quyền hành. Đứng đầu mỗi châu là một viên thứ sử. ở huyện có huyện lệnh... Nhà Đường còn lập ra 41 châu ki-mi (vùng dân tộc ít người, hẻo lánh, chính quyền không trực tiếp cai quản) cho các tù trưởng địa phương cai quản. Trụ sở của bọn đô hộ đặt ở Tống Bình (Hà Nội). Đường giao thông thuỷ bộ từ Tống Bình đi các địa phương sang Trung Quốc được sửa sang và làm thêm. Ở Tống Bình, cũng như các châu và huyện quan trọng, bọn đô hộ xây thêm thành, đắp thêm luỹ và tăng cường quân đóng giữ: Dưới thời thuộc Đường, đất nước ta đã trở thành một đơn vị hành chính có tổ chức cai trị thống nhất. Dù vậy, về mặt hình thức, chúng lại tỏ ra “ràng buộc”, mua chuộc phần nào tầng lớp trên của xã hội để đối phó với phong trào của nhân dân hòng khuất phục nhân dân ta. Nhà Đường trong quá trình tiến hành tổ chức bộ máy cai trị đã tiến hành thêm một bước mới đó là thiết lập bộ máy cai trị đến tận hương, xã nhằm trực tiếp khống chế xóm làng của người Việt. Nhưng không hề đơn giản như chúng nghĩ, chúng mới chỉ nắm đến châu, huyện chứ chưa bao giờ can thiệp được vào cơ cấu xóm làng của xã hội nước ta. Vậy là hơn 1000 năm đô hộ nước ta, trải qua nhiều triều đại từ Triệu đến Đường, mặc dù triều đại nào cũng ra sức củng cố chế độ cai trị của mình bằng cách thiết lập một bộ máy cai trị ngày càng chặt chẽ và có hệ thống hơn, mục đích chính là để bóc lột nhân dân ta, thống trị lâu dài nước ta. Chúng chỉ thực hiện được một phần kế hoạch đó mà thôi. Cuối cùng không có một triều đại nào thiết lập được nền đô hộ của chúng lên các làng xã người Việt, không thể khống chế hoàn toàn được toàn bộ lãnh thổ của người Việt.Lại càng không thể nào áp đặt được “sự đô hộ” lên bản lĩnh vốn có của người Việt, hay làm cho bản lĩnh của người Việt bị khống chế, bị kìm hãm mà ngày càng phát triển tinh tuý hơn, đẹp đẽ hơn. 2.2. Chính sách đồng hoá người Việt của bọn đô hộ Hòng thôn tinh đát nước ta, duy trì bộ máy cai trị và xoá sổ nươc ta trên bản đồ, bọn phong kiến phương Bắc đã sử dụng nhiều thứ “vũ khí”, trong đó đồng hoá là “vũ khí chủ lực” sau chiến tranh. Đông Á là vùng đất có cư dân sớm. Ở trung tâm, trên lưu vực sông Hoàng Hà, dân tộc Hán sớm lập nghiệp, văn hoá của người Hán vì thế mà phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn và có một nền văn hoá, một trình độ hiểu biết cao hơn các dân tộc xung quanh. Các dân tộc nhỏ, văn hoá thấp hơn bị người Hán coi là “Nam Man”, “Đông Di”, “Bắc Địch” và “Tây Nhung”. Có một số lần Di, Địch, Nhung đã xâm nhập đất Hán nhưng thường nhất là Hán bung ra đánh chiếm xung quanh. Trong khi đô hộ, phong kiến Hán để nhiều công sức đồng hoá, Hán hoá các dân tộc bị trị. Đồng hoá là “đặc sắc nổi bật” của phong kiến Hán, các triều đại sau tiếp tục theo đuổi chính sách này: đồng hoá người Việt chúng ta mà chúng gọi là Nam Man. Để thực thi chính sách đồng hoá, nhằm vĩnh viễn biến các vùng đất mà chúng thống trị thành vùng đất mới, sát nhập vào Đại Hán, dân chúng ở đây sẽ sống và sinh hoạt theo lối Hán. Rồi từ đó mà chẳng cần cai trị thì tự nhiên lãnh thổ của người Việt sẽ là của Trung Quốc. Bắc Quốc nắm được hai ưu thế lớn, một là dân số đông, hai là văn hoá lớn hơn. Và chính vì lẽ đó mà chính sách Hán hoá diễn ra hết sức bài bản và thâm độc. Ban đầu, đồng hoá đi đôi với việc chiếm lĩnh đất đai và tuyên truyền đối với người Việt. Phong kiến đô hộ phương Bắc luôn nhận thức rõ được vai trò chiến lược của đồng hoá nên nhà Hán đã đẩy mạnh chinh sách này- cùng tiến về một cái chung - ở đây là văn hoá Trung Hoa. Thứ nhất là biện pháp di dân. Vua Hán đầy ải các tội đồ xuống phía Nam, cùng với một số khá đông quý tộc, địa chủ, sĩ phu Trung Quốc đem theo gia đình và tộc thuộc di cư xuống giao Châu, dựa vào chính quyền đô hộ mà sinh cơ lập nghiệp, xâm lấn ruộng đất, tài sản người Việt trước sau đều dùng lối sống Hoa cải biến phong hoá Việt. Với biện pháp này, quá trình đồng hoá diễn ra theo cả hai hướng tự nguyện và cưỡng bức. Văn hoá Hán được du nhập ngày càng phổ biến từ những phong cách sinh hoạt hằng ngày,... Thứ hai, do người Việt chưa có chữ nên chính quyền đô hộ mở ra hệ thống trường học. Họ dạy lễ nghĩa Nho giáo chữ Hán và văn hoá Hán, buộc người Việt phải tuân theo lễ giáo Trung Quốc. Từ những việc như lấy vợ, gả chồng cho đến việc ăn mặc, thậm chí cả việc tổ chức khai thác nông nghiệp cũng đều phải theo truyền thống, tập quán và kĩ thuật Hán. Nhìn chung, cả hai biện pháp đều có chỗ dựa vững chắc là chính quyền đô hộ đã đặt được hệ thống trên đất nước ta. Văn hoá Hán vì thế mà có điều kiện ảnh hưởng mạnh mẽ, xâm nhập vào đời sống cư dân Việt. 2.3. Chính sách dùng bạo lực đàn áp, khủng bố người Việt Trong ngàn năm thống trị nước ta, nhằm duy trì nền đô hộ lâu dài để vơ vét, bóc lột và thực thi đồng hoá, các triều đại phong kiến phương Bắc đã duy trì một luật pháp hà khắc, tàn bạo để đe doạ, răn đe tinh thần, ý chí của người Việt trong đấu tranh. Các hình phạt “xẻo mũi”, “cắt tai”, “thích chữ vào mặt” những người chống đối được sử dụng phổ biến. Chính quyền đô hộ từ Hán về sau - nhất là Đường đều thẳng tay đàn áp nhân dân ta, tắm các cuộc khởi nghĩa trong bể máu nhằm “răn đe thực tế” nổi dậy của người Việt. Sự trỗi dậy của ý thức dân tộc và bản lĩnh của người Việt bị kìm hãm bằng những vụ tàn sát, bắt bớ trai tráng đem về thiên triều, đặc biệt là biện pháp “lấy binh uy mà ức hiếp”, chúng xây dựng thành luỹ kiên cố trên khắp đất nước Âu Lạc cũ với một đội quân đồn trú đông đảo, vũ khí đầy đủ. Ở vùng viên cương và các Châu đều có quân đội để kiểm soát biên giới. Ngay cả biện pháp dùng búa chú, san phẳng gò đống để làm tổn thương long mạch, làm đất nước ta không thể phát triển. Nhưng thực tế, chính quyền đô hộ phải vất vả chống đỡ với sức sống mãnh liệt của người Việt. Ý thức dân tộc luôn luôn phát triển và đi theo chiều hướng hợp với sự tất yếu của lịch sử. Sớm hay muộn thì nước ta cũng sẽ giành được độc lập. 3. Nỗi thống khổ của nhân dân ta Chính quyền Trung Quốc đô hộ bóc lột nhân dân ta chủ yếu bằng cách bắt cống nạp. Hàng năm, dân ta phải nộp cống nào sừng tê, ngà voi, gỗ trâm, lông chim trả..., nào ngọc trai, đồi mồi, san hô..., hoa quả quí của ta như vải, nhãn, quất, dừa..., các thứ sản phẩm thủ công nổi tiếng là vải cát bá (vải đệt bằng sợi bông, có loại mịn rất thoáng vì sợi nhỏ và săn), giấy trầm hương, đường phèn, đồ khảm xà cừ... đều phải nộp cống. Cả đến những người thợ thủ công khéo tay, giỏi tướng số đều trở thành vật nộp cống. Bóc lột bằng cách bắt cống nạp là sự cướp đoạt, vơ vét tàn nhẫn. So với miền Nam Trung Quốc lúc đó, đất nước ta là nơi “đất rộng người nhiều”, “ruộng bãi phì nhiêu”, “của lạ núi biển không đâu sánh bằng”. Chủ trương của chính quyền đô hộ là chủ trương “tuỳ đất đó sản xuất vật gì thì tạm thời thu lấy thuế khoá vật đó, không có phép tắc, luật lệ cố định”(Theo lời tâu cua một viên quan với Hán Cao Tổ). Sĩ Nhiếp mỗi năm thu hàng ngàn tấm vải cát bá, hàng trăm ngựa và nhiều thứ lâm thổ sản quý khác. Tôn Tư đã bắt hàng ngàn thợ thủ công sang xây kinh đô Kiến Nghiệp (Nam Kinh). Cùng với việc nộp cống, nhân dân ta còn phải nộp nhiều thứ tô thuế nặng nề. Ruộng phải nộp tô. Người phải nộp thuế. Đặc biệt, muối và sắt là hai thứ thuế bị đánh thuế rất nặng. Ngoài ra, mỗi năm nhân dân ta còn phải đi phu hàng tháng trời để đắp đường, đào kênh, xây thành… phục vụ bọn quan quân đô hộ. Thuế má đã nặng, bọn quan lại còn vơ vét thêm vào cho đầy túi riêng. Lịch sử Trung Quốc còn ghi: “ở đất Giao Chỉ… thứ sử trước sau đều không thanh liêm, trên đỡ bợ kẻ quyền quý, dưới thì vơ vét của cải của dân, đầy túi thì xin đổi về nước”. Ách thống trị và bóc lột tàn bạo, phản động của phong kiến Trung Quốc đô hộ nửa đầu thiên niên kỉ thứ nhất đã xô đẩy tổ tiên ta vào một cuộc sống đầy rẫy hiểm nghèo. Nhân dân bị chèn ép, đè nén, bóc lột nặng nề. sản xuất, văn hoá, xã hội vị kìm hãm nghiêm trọng. Mất nước là điều đau khổ nhất trong mọi điều đau khổ. Song không chịu khuất phục, nhân dân ta không ngừng đấu tranh để duy trì cuộc sống, phát triển kinh tế, văn hoá và giành lại quyền độc lập. II. QUÁ TRÌNH BẢO TỒN NỀN VĂN HOÁ DÂN TỘC VÀ ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP Cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài giữa xâm lược, đô hộ, đồng hoá với chống xâm lược, chống đô hộ và chống đồng hoá đã chi phối toàn bộ cuộc sống của nhân dân ta trong tiến trình lịch sử Bắc thuộc. Những gì là cơ sở tồn tại, là sức mạnh tinh thần để phục hồi quốc gia, quốc thể từ lãnh thổ, tiếng nói, phong tục tập quán, lối sống, ý thức tư tưởng của dân tộc ta đều bị chúng dùng trăm phương ngàn kế huỷ diệt. Nhưng cũng chính trong thời gian mất nước kéo dài, nhân dân ta đã nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường và bền bỉ đấu tranh bảo tồn cuộc sống, giữ gìn, phát huy tinh hoa của nền văn hoá lâu đời và quyết giành lại bằng được độc lập dân tộc. 1. Chống đồng hoá để bảo tồn các di sản văn hoá của dân tộc Dân tộc ta trở thành một ngoại lệ trong chính sách Hán hoá của Trung Quốc. Sự thật là như thế bởi lịch sử là một minh chứng hùng hồn, đanh thép nhất. Lịch sử Trung Quốc ghi nhận: “Dân tộc Hoa và các dân tộc khác nhau trong nội bộ Trung Quốc và ở bốn chung quanh có văn hoá khác nhau nên thường xảy ra chiến tranh. Kết quả cuộc đấu tranh, văn hoá Hán được mở rộng, Trung Quốc cũng được mở rộng. Đến cuối đời Đông Chu, phàm các dân tộc đã tiếp thu văn hoá Hoa Hạ và đại thể đã hoà hợp thành một dân tộc Hoa”. “Đã hoà hợp thành một dân tộc hoa”? Nếu vậy thì không còn Man, Di Địch, Nhung nữa ư? Đúng là phần lớn không còn. Nhưng ít ra là vẫn còn một, ấy là Lạc Việt Nam man - Lạc Việt, đứng trước tai hoạ “đồng hoá”, không chịu “đồng hoá”, không chịu di dời đi xứ lạ mà cứ “bám đất, bám làng”, ở “Nam Man”, Bắc quốc thực thi chính sách đồng hoá dễ dàng thuận lợi hơn ở “Bắc Địch” và “Tây Nhung” vì miền Bắc, miền Tây là những đồng cỏ, sa mạc, còn Âu Lạc, Giao Châu là đồng ruộng phì nhiêu. Cho nên đông đảo người Hán xuống Nam hơn là lên Bắc sang Tây. Nhưng cũng là vất vả hơn cả bởi đồng hoá người Việt là điều không thể dễ dàng! “Văn hoá còn thì tộc người còn” (lời Gs Đặng Nghiêm Vạn). Nếu một dân tộc đánh mất đi nền văn hoá của mình thì cũng có nghĩa là họ đã chết, tuy không chết cứng về mặt sinh học nhưng họ đã tự đánh mất đi vị thế của mình trong vũ trụ. Văn hoá của họ đã hoà vào dòng chảy của văn hoá khác và họ sẽ không tồn tại với tư cách là một tộc người. Người Việt biết được điều đó nên đã tự chọn lựa cho mình con đường đấu tranh, bảo tồn văn hoá dân tộc. Trong qúa trình giao thoa văn hoá Việt - Hán đã diễn ra theo hai chiều hướng: giao lưu cưỡng bức và giao lưu tự nguyện. Cả hai đã góp phần tích cực vào việc làm phong phú, đậm đà văn hoá Việt, khẳng định bẩn lĩnh của chính mình. Người Hán di cư xuống Nam sống chung chạ với người Việt, đời này đến đời kia, thế kỉ này đến thế kỉ nọ, trải qua thời gian thì tự nhiên dòng máu Hán Việt sao khỏi pha trộn. Nhưng, lạ thay, mà cũng là tự nhiên thôi, rốt cục rồi lịch sử không chứng kiến sự đồng hoá, sự Hán hoá mà ghi nhận một thực tế ngược lại: Việt hoá mạnh hơn Hán hoá, Hán hoá yếu hơn Việt hoá hoàn toàn không phải vì chính quyền đô hộ thờ ơ mà vì xóm làng Việt, cộng đồng Việt tỏ ra ưu điểm trong đối nhân xử thế, làm cho người nước ngoài cảm phục, thuận tình. Có thể lấy ví dụ điển hình là Lí Bí - đã lập nước Vạn Xuân - là cháu 7 đời của một người Tây Hán sang lánh nạn ở Giao Châu. Cộng đồng người Việt là một cộng đồng gắn bó chặt chẽ trong làng xã, các xóm làng là một cấu trúc đặc biệt bền vững, khó có một vũ khí nào của chính quyền đô hộ có thể phá vỡ, chọc thủng. Ở đây, mọi ngọn nguồn của người Việt được nuôi dưỡng, được rèn luyện. Trong qúa trình chống đồng hoá, một lần nữa bản lĩnh người Việt được thể hiện. Nhân dân ta vừa tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa của Hán vừa ra sức quyết tâm duy trì nên văn hoá bản địa. Việc mở các trường học đào tạo người có tri thức phục vụ cho chúng nhưng cũng có một hệ quả ngược lại là không thể tránh khỏi nhiều người Việt học giỏi, hiểu biết rộng mà đi với phong trào giải phóng dân tộc. Điển hình là Tinh Thiều - cánh tay đắc lực của Lí Bí. Hơn nữa, chỉ một số người thuộc tầng lớp trên sống ở các huyện lị đi học và chịu ảnh hưởng còn đại đa số nhân dân lao động ở các làng xã nước ta vẫn nói tiếng nói của tổ tiên. Người Việt học chữ Hán mà đọc bằng tiếng Việt. Người Việt học chữ Hán mà dựa vào chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm của riêng mình. Nhờ chữ Hán, nhờ đó mà tiếng Việt phong phú và đa dạng. Tổ tiên ta đã biến nhiều từ Hán thành từ Việt, tạo thành từ mới (ta gọi là từ “Hán Việt”) làm cho tiếng nói của mình phát triển lên rất nhiều. Bên những âm tiết thuần Việt (như một, hai) thì đã xuất hiện âm tiết Hán Việt (nhất, nhì) vốn gốc Hán nhưng đã thay đổi cách phát âm (nên không giống tiếng Hán) và cả nghĩa của từ (một - hai chỉ số lượng, nhất nhì chỉ thứ tự). Tiếng Việt đã trải qua quá trình âm tiết hoá và thanh điệu hoá. Nhân dân ta cũng biết chọn lọc cái hay cái đẹp của nghệ thuật của phương Bắc. Trong các mộ cổ đào được ở Thanh Hoá, Bắc Ninh... thuộc thời kì này, tìm thấy nhiều hiện vật có hình dáng, cách trang trí hoa văn chứng minh sự giao lưu văn hoá nói trên. Đó là trống đồng cải biên. Khi úp sấp, nó là trống đồng. Lật ngửa lại, nó là chậu thau có trang trí hình tiền đồng Hán và hình cá (hoa văn trang trí tiêu biểu của nghệ thuật Hán). Trên mâm bằng đất nung ta thấy chung quanh có dải trang trí hình vòng tròn với tiếp tuyến là hoa văn thường thấy của nghệ thuật Đông Sơn. ở giữa mâm lại có hình ba con cá châu đầu vào nhau. Cái bình hình con tiện là của người Hán, song mặt “hổ phù” đã được thay thế bằng hình đầu voi, vòi voi được sử dụng như vòi ấm. Bên những nhạc cụ độc đáo lâu đời của người Việt như trống đồng, khèn… có một số nhạc cụ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc như khánh chuông, hoặc ảnh hưởng của Ấn Độ: trống cơm. Mặc dù bọn đô hộ cố đưa vào xã hội nước ta những lễ giáo và phong tục của người Hán, đông đảo nhân dân các làng xã vẫn sống theo nếp sống của riêng mình, với những phong tục cổ truyền như xăm mình, nhuộm răng, ăn trầu… Một trong những phong tục đặc sắc được giữ vững là tục sử dụng trống đồng. Trống đúc xong, cả làng được mời dự lễ mừng. Người được vinh dự đánh trống đầu tiên là một phụ nữ trong làng, trong khi tư tưởng trọng nam khinh nữ được bọn đô hộ ra sức truyền bá. Bất chấp sự ngăn chặn, cấm đoán của bọn quan lại cai trị, nhân dân ta vẫn tỏ lòng sùng kính, biết ơn những người có công với nước với dân như Hùng vương, Bà Trưng, Bà Triệu. Nhiều tôn giáo cùng xâm nhập vào nước ta thời kì này, Nho giáo không gây ảnh hưởng sâu sắc mà chỉ trên bề mặt. Chủ yếu là đạo Phật và đạo Lão bởi gần gũi với cuộc sống của nhân dân ta. Bọn đô hộ định lợi dụng các tôn giáo để nô dịch, đàn áp tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Song nhân dân ta vốn có lòng khoan dung, đùm bọc nhau, không vì tôn giáo khác nhau mà sinh chia rẽ, thù ghét lẫn nhau. Ngoài ra, nhân dân ta còn học tập được nhiều kinh nghiệm sản xuất nhất là kĩ thuật trồng lúa nước, gieo mạ và đặc biệt là cách sử dụng “phân Bắc”. Các nghề đúc đồng, rèn sát được phát triển hơn trước rất nhiều. Các ngành nghề thủ công và thương nghiệp có nhiều chuyển biến tạo sức đẩy cho xã hội người Việt. Công cuộc chống đồng hoá để bảo vệ giữ gìn văn hoá của người Việt là một bộ phận của cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc và thúc đẩy qúa trình đấu tranh vũ trang giành chính quyền của nhân dân ta. 2. Phong trào đấu tranh vũ trang giành độc lập của nhân dân Đây là một đặc điểm nổi bật nhất của thời kì đấu tranh chống đô hộ phương Bắc của nhân dân ta. Trong hơn ngàn năm dưới ách người Việt của nước Văn Lang-Âu Lạc không quên rằng mình nói tiếng Việt, mình không phải người Hán; người Việt có quá đủ thì giờ để thấy rằng bằng những phương pháp đấu tranh hoà bình, văn hoá, chính trị nhiều lắm cũng chỉ có thể làm cho dân tộc chậm bị đồng hoá mà không thể làm cho dân tộc ta được độc lập. Muốn được thoát khỏi ách ngựa trâu, phải cần đến bạo lực đánh đổ ngoại bang. Ý thức đó sớm đến, cho nên suốt thời kì Bắc thuộc, ở Âu Lạc, Giao Châu đã nổ ra không biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa lớn hay nhỏ, thành hay bại, không bao giờ dứt. Chúng giống như một lò sưởi ấm mãi ý chí quật cường, bản lĩnh của con người Việt luôn luôn bùng cháy và khẳng định chứ không hể bị xói mòn, thui chột đi. Những thành quả đấu tranh về văn hoá, kinh tế làm tăng thêm sức mạnh của nhân dân trong cuộc chiến đấu đánh đổ ách thống trị ngoại bang giày xéo. 2.1. Ngọn đuốc đấu tranh rực rỡ liên tục Mở đầu phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào mùa xuân năm 40. Dưới sự lãnh đạo của hai vị nữ anh hùng dân tộc, nhân dân ta trên toàn cõi đất nước nhất tề đứng dậy khởi nghĩa. Trong bộ chỉ huy và hàng ngũ nghĩa quân có đông đảo phụ nữ tham gia. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một cuộc nổi dậy toàn dân với khí thế tiến công mãnh liệt và có mục tiêu chiến đấu rõ nét. Đây thực chất là một cuộc đồng khởi của toàn dân trên phạm vi cả nước dưới sự lãnh đạo của một phụ nữ chưa tròn đôi mươi, cách ngày nay gần 2000 năm. Vì thế, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử và hiếm có trong lịch sử thế giới. Nghĩa quân nhanh chóng chiếm được 65 huyện thành, lật đổ nền thống trị của nhà Đông Hán đang lúc cường thịnh, giải phóng đất nước. Chính quyền độc lập Trưng Vương được thành lập, đóng đô ở Mê Linh (Yên Lãng, Vĩnh Phú). Đô kỳ đóng cõi Mê Linh Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta. (Đại Nam Quốc sử diễn ca) Nền độc lập dân tộc được khôi phục và giữ vững trong ba năm. Quân Hán, do Mã Viện chỉ huy, lại tràn sang. Cuộc kháng chiến giữ nước do Hai Bà Trưng lãnh đạo thất bại. Nước ta bị nhà Hán đô hộ. Tiếp tục sự nghiệp Hai Bà Trưng, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ngày càng liên tục. Nhiều cuộc khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh giải phóng quy mô rộng lớn. Năm 248, Bà Triệu lại phất cao cờ khởi nghĩa, nghĩa quân của người con gái núi Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hoá) nhiều phen làm cho quân thù kinh hồn bạt vía. Sau gần nửa năm chiến đấu làm cho “Toàn thể châu Giao đều chấn động”, Bà Triệu hy sinh anh dũng. Cho đến nay, nhân dân ta vẫn truyền tụng lời nói khẳng khái chan chứa tình yêu nước, khí phách anh hùng của người con gái tuổi 20 đó: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người”. Và hình ảnh Bà Triệu lẫm liệt trên mình voi đánh giặc cũng đã khắc sau vào trí nhớ của nhân dân qua những câu hát quen thuộc. Ru con con ngủ cho lành Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi. Muốn coi lên núi mà coi Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng. Mùa xuân năm 542, phong trào yêu nước của nhân dân ta lại bùng lên mạnh mẽ, rầm rộ. Dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Lí Bôn (Lí Bí), anh hùng hào kiệt khắp bốn phương cùng toàn dân vùng lên lật nhào chính quyền đô hộ của nhà Lương. Sau đó, nghĩa quân liên tiếp đánh thắng hai cuộc phản công của quân thù. Đầu xuân năm 544, Lý Bôn dựng nước Vạn Xuân. Năm sau, quân Lương kéo sang cướp lại nước ta. Cuộc kháng chiến do Lí Bôn lãnh đạo thất bại. Một tướng tài là Triệu Quang Phục, kịp thời tổ chức lại lực lượng và thay đổi cách đánh. Ông lui quân về đầm Dạ Trạch (Hải Hưng) lập căn cứ, dùng kế đánh lâu dài và cuối cùng, mở cuộc phản công lớn quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi. Cuộc kháng chiến giữ nước giành được thắng lợi. Nhà nước độc lập Vạn Xuân tồn tại được trên nửa thế kỉ. Từ năm 602, nước ta lại bị nhà tuỳ, rồi nhà Đường đô hộ. Quân thù đẩy mạnh đàn áp, bóc lột. Nhưng ngọn lửa đấu tranh của nhân dân ta càng bùng cháy dữ dội. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, từ miền xuôi lên miền ngược, từ Bắc chí Nam và lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Nghĩa quân nhiều lần đánh chiếm được thủ phủ của chính quyền đô hộ, giành độc lập trong thời gian ngắn. Sau đây là những cuộc khởi nghĩa lớn, đã chiếm được phủ thành Tống Bình, giết hoặc đánh đuổi được viên đô hộ. Năm diễn ra Tên người lãnh đạo Tên viên dộ hộ bị giết hoặc phải chạy về Trung Quốc 687 Lí Tự Kiên Đinh Kiến Lưu Diên Hựu 722 Mai Thúc Loan Quang Sở Khách Khoảng 766- 799 Phùng Hưng Cao Chính Bình 801 Vương Quý Nguyên Bùi Thái 819 Dương thanh Lý Tượng Cổ 828 Không rõ tên Hàn Ước 843 “ Vũ Hồn 860 “ Lí Hộ 880 “ Tăng Cồn Chính trong giai đoạn này, khi nhà Đường đang hùng mạnh, ra sức củng chố chính quyền cai trị thì nhân dân ta vẫn liên tiếp dựng cờ đấu tranh giành độc lập. Điều này tác động mạnh mẽ, làm thức tỉnh tinh thần yêu nước của một số quan lại và binh sĩ người Việt trong chính quyền đô hộ, dẫn đến những cuộc binh biến và khởi nghĩa mà tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Dương thanh (819 - 820). Ông giữ chức võ quan cao cấp tại phủ thành Tống Bình. Cùng với hàng nghìn binh sĩ yêu nước, ông đã quay giáo chống lại giặc, giết chết bọn quan lại đô hộ, chiếm giữ phủ thành được hơn một năm. Song song với sự tiếp nối của các triều đại phong kiến phương Bắc thì anh hùng, hào kiệt nước ta thời nào cũng có. Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lí Bí, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng... là những tấm gương chói lọi ngàn thu. Những cuộc khởi nghĩa đó mới thắng lợi trong một phạm vi nhất định, hoặc mới duy trì được thắng lợi trong một thời gian, song đã góp phần hun đúc thêm ý chí độc lập, tinh thần đoàn kết đánh địch của nhân dân ta, làm cho lực lượng dân tộc ta lớn mạnh lên, tiến tới giành thắng lợi. 2.2. Tính phát triển của phong trào Các phong trào đấu tranh vũ trang phát triển ngày càng mạnh mẽ, phàm cứ ai mang trong mình dòng máu Việt - ý thức dân tộc - đều hăng hái cầm vũ khí đứng lên đánh giặc, mong muốn đất nước được độc lập, dân ta được tự do. Đó là cuộc đấu tranh không hề khoan nhượng, là sự đấu tranh của bản lĩnh người Việt với mưu đồ thống trị của phong kiến phương Bắc. Cuộc đấu tranh đã bao trùm nhiều thế hệ, thế hệ trước ngã xuống thì thế hệ sau đứng lên tiếp tục gương cao ngọn cờ độc lập, tự chủ, bất chấp sự đàn áp dã man của kẻ thù. Các cuộc khởi nghĩa ra đời nối tiếp nhau, kế tục truyền thống đấu tranh của cha ông, xứng đáng với quê hương xứ sở. Phong trào đấu tranh ngày càng quyết liệt hơn, làm cho quân thù phải khiếp sợ. Bản lĩnh của người Việt lại một lần nữa được đem ra đọ sức với kẻ thu, nó càng được tôi rèn và trở nên vững chắc. Mỗi lần khởi nghĩa của nhân dân ta nổ ra, nó lại sục sôi, tạo nên sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực để chống lại chính quyền đô hộ. điều đó đáng tự hào và vẻ vang khi ở giai đoạn tiếp theo, bản lĩnh của người Việt thực sự được khẳng định. CHƯƠNG III SỰ KHẲNG ĐỊNH BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI VIỆT I. CHẤM DỨT ÁCH ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN PHƯƠNG BẮC Cuối thế kỉ IX, tình hình Trung Quốc rối loạn, nhà Đường không thể kiểm soát nước ta như cũ, đã đổi chức đô hộ thành chức Tiết độ sứ. Thay mặt chính quyền nhà Đường, Tiết độ sứ có quyền định đoạt mọi việc, kể cả việc chọn người kế vị. Khúc Thừa Dụ là một hào trưởng, quê ở Cúc Bồ, Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Dương). Họ Khúc là một dòng họ lớn, lâu đời, rất có uy tín, Khúc Thừa Dụ tính khoan hoà, hay thương người, được nhân dân trong vùng hết sức quý phục . Giữa năm 905, nhân lúc qua quan nhà đường ở Trung Quốc lục đục và viên Tiết độ sứ ở nước ta bị bãi chức, Khúc Thừa Dụ đã nổi dậy chiếm được Tống Bình, rồi xưng là Tiết độ sứ. Nhà Đường buộc phải công nhận việc đã rồi. Đầu năm 906, vua Đường chính thức phong Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ. Từ đó, bề ngoài Khúc Thừa Dụ vẫn mang danh hiệu một chức quan của nhà Đường, nhưng trên thực tế, nền đô hộ của phong kiến Trung Quốc trên đất nước ta đã chấm dứt. Đất nước ta đã giành được quyền tự chủ. Đây là cơ sở ban đầu rất quan trọng để chuyển sang giành chủ quyền độc lập hoàn toàn. Sau đó họ Khúc củng cố chính quyền, cải thiện đời sống nhân dân. Sau họ Khúc, đến họ Dương (Dương Đinh Nghệ) đã nối tiếp và tổ chức kháng chiến chống lại quân Nam Hán. Quyền tự chủ nước ta được khôi phục. Về cơ bản nước ta đã thành công trong việc khôi phục lại độc lập dân tộc song mối nguy cơ xâm lăng của Nam Hán vẫn còn và chỉ khi đến năm 938 mới thực sự khẳng định mốc bản lề của lịch sử dân tộc. II. CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG 938. (Trận chung kết toàn thắng) Tháng 4 năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Hành động đó đã gây nên sự phẫn nộ mạnh mẽ trong mọi trầng lớp nhân dân ta. Ngô Quyền đang trấn giữ châu Ái (Thanh Hoá) kéo quân ra Bắc trị tội tên phản bội. Ngô Quyền là người cùng quê với Phùng Hưng, Ông là người có trí dũng, có nhiều công lao, được Dương Đình Nghệ tin yêu và gả con gái cho. Trước tình thế đó, Kiều Công Tiễn đã cầu cứu Nam Hán. Năm 938, quân Nam Hán theo đường thuỷ tiến vào nước ta. Đất nước lâm vào hoàn cảnh có thể bị đô hộ lần nữa. Nhưng Ngô Quyền đã nhanh chóng dẹp phản loạn và tổ chức dón đánh địch ngay từ khi chúng mới vào nước ta. Ngô Quyền khéo léo động viên quân sĩ và tổ chức một trận địa mai phục tại cửa sông Bạch Đằng - nơi có vị trí hiểm yếu. Mùa đông năm 938, quân Nam Hán kéo vào nước ta. Ngô Quyền cho quân ra đánh, giả thua để dụ địch vào trong trận địa. Khi quân giặc đã vào đến trận địa và nước triều bắt đầu rút, thì quân ta tổng tiến công trở lại đội hình giặc. Quân giặc thu to, phải bỏ chạy, quân số thiệt hại quá nửa. Hoằng Tháo bỏ mạng nơi đây, nước ta được bảo toàn. Chiến thắng Bạch Đằng rạng danh sử sách, non sông, chấm dứt hẳn thời kì đất nước ta bị phong kiến Trung Quốc đô hộ và mở ra một thời kì mới: thời kì độc lập lâu dài của Tổ Quốc. Ngô Quyền - con người lịch sử của thời đại, là sự kết tinh cao độ bản lĩnh, tinh thần, ý chí và sức mạnh của dân tộc. Chiến thắng Bạch Đằng là bản án đanh thép của bản lĩnh người Việt đối với phong kiến phương Bắc. Chiến thắng Bạch Đằng là sự tiếp nối truyền thống đấu tranh của dân tộc, khẳng định bản lĩnh của người Việt “Tự lực, tự cường” dám đánh, quyết thắng, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, là đỉnh điểm của lòng căm thù bao đời, bao thế hệ của dân tộc chịu áp bức đã ngàn năm. Vì thế chiến thắng Bạch Đằng cùng với Ngô Quyền đã đi vào sử sách, đã mở ra thời kì độc lập chủ quyền của người Việt mất nước đã hơn 1000 năm, nay đã đòi lại được. KẾT LUẬN “Bản lĩnh” - Từ điển Tiếng Việt giải nghĩa: “Đức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình, không lệ thuộc vào bên ngoài mà thay đổi quan điểm”. Vậy thì “Bản lĩnh của người Việt” là một đặc tính của con người Việt Nam, làm nên con người Việt và nó cũng quy định tính cách của con người Việt Nam. Ở đây, đặt trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể là thời kỳ Bắc thuộc thời kì 1000 năm bị đô hộ và đồng hoá bởi chính quyền phong kiến phương Bắc, bản lĩnh của người Việt có điều kiện tôi rèn và thử thách, ngày càng rắn chắc hơn, để rồi khi ra lò, nó là chất thép tạo nên những truyền thống vẻ vang của người Việt và của cả dân tộc: sáng tạo, bên bỉ, kiên cường, bất khuất, anh dũng và chan hoà. Bản lĩnh của người Việt được hình thành trên cơ sở có sẵn của ý thức dân tộc trên chủ quyền xác định của dân tộc mình, nó được nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy trong xóm làng của người Việt. Và cũng chính sự trường tồn của các làng xã, xóm làng qua bao thời kì của sự đô hộ, đồng hoá mà bản lĩnh của người Việt có sức sống lâu bền, được duy trì và phát triển như thế. Quá trình đô hộ và đồng hoá của phong kiến phương Bắc đã thất bại. Chúng không thể nào với tay đến được xóm làng cũng như nắm bắt, kiểm xoát được bản lĩnh của người Việt. Người Việt có một nền văn hoá riêng và bảo toàn được nó qua chiều dài lịch sử đồng hoá; đồng thời bản lĩnh đó nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh giành độc lập bùng cháy ở mọi thời kì, mọi nơi mà chính quyền đô hộ đặt ách cai trị và nô lệ. Tuy nhiên, người Việt vẫn mở rộng học tập những tinh hoa của văn hoá Hán để làm phong phú hơn bản sắc văn hoá của chính mình, tạo nên sự phát triển nội tại vốn có ngày càng mạnh mẽ hơn, quá trình Việt hoá mạnh hơn Hán hoá. Giả sử nếu người Việt không hề có sự tự ý thức dân tộc, không có sự bản lĩnh của mình thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác và lịch sử cũng sẽ khác. Chúng ta sẽ trở thành một quận, huyện của nhà Hán và nói tiếng Hán, có một nền văn hoá là văn hoá Hán. Như vậy thì con người, văn hoá, đất nước Việt Nam đâu còn tồn tại nữa. Chúng ta đã, đang và mãi tồn tại bởi bên trong chúng ta đang chuyển lưu dòng máu của lòng tự hào về lịch sử của dân tộc. Chiến thắng Bạch Đằng khép lại một kỉ nguyên đầy rẫy đau thương, nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc. Chúng ta đã bước qua giai đoạn khó khăn, sự trường tồn đã định hình hướng đi và tạo đà cho sự phát triển của người Việt sau này. Chúng ta - người Việt - bước vào thời kì Bắc thuộc đâu phải với hai bàn tay trắng. Nếu không có thời kì Bắc thuộc thì bản lĩnh của ngươi Việt vẫn được thể hiện mặc dù không rõ như khi có Bắc thuộc. Những yếu tố nội sinh vô cùng mạnh mẽ đã giúp nó có thể tự đứng vững đi tiếp đến ngày nay, nhưng môi trường Bắc thuộc là một môi trường đặc biệt đối với bản lĩnh của người Việt, môi trường đó như lò thử ý chí, thử thách người Việt, để chúng ta ngày càng chứng tỏ đươc mình hơn. Đến khi thoát ra khỏi thời kỳ này, người Việt đã được tôi rèn, vẫn vững vàng bản lĩnh để đi tới thời kỳ mới với một nền văn hoá mới, hoà quyện đến độ nhuần nhuyễn giữa những cái vốn có từ thuở nguyên sơ nhưng đã tiếp thu nhiều cái mới. MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLSDOCS (33).doc
Tài liệu liên quan