Đề tài Cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức 2008

MỤC LỤC Danh mục Trang I. Lời mở đầu. . . 1 II. Nội dung chính . 1 1. Khái niệm cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức 2008 1.1. Khái niệm cán bộ . 1 1.2. Khái niệm công chức . 3 2. Những nội dung mới về khái niệm cán bộ công chức trong Luật cán bộ, công chức 2008 so với Pháp lệnh cán bộ, công chức . 4 2.1. Phân biệt khái niệm cán bộ, công chức . 5 2.2. Quy định về cán bộ, công chức ở ba cấp: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện . . 6 3. Hoàn thiện pháp luật cho đối tượng khái niệm cán bộ, công chức 7 III. Kết luận 7 TÀI LIỆU THAM KHẢO . 8

doc9 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2099 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức 2008, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC Danh mục Trang I. Lời mở đầu. . …………….......………………………………………… 1 II. Nội dung chính………………………………………………….……… 1 1. Khái niệm cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức 2008 1.1. Khái niệm cán bộ……………………………………………...……….. 1 1.2. Khái niệm công chức………………………………………..…………. 3 2. Những nội dung mới về khái niệm cán bộ công chức trong Luật cán bộ, công chức 2008 so với Pháp lệnh cán bộ, công chức……...………… 4 2.1. Phân biệt khái niệm cán bộ, công chức……………………...………… 5 2.2. Quy định về cán bộ, công chức ở ba cấp: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện………………………………………………………………….……. 6 3. Hoàn thiện pháp luật cho đối tượng khái niệm cán bộ, công chức……….................................................................................................... 7 III. Kết luận………………………..............................................………… 7 TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................... 8 I. Lời mở đầu. Các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị –xã hội, để có thể vận hành thì cần phải có sự hiện diện của con người. Và bằng hành vi của mình, họ hướng hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị tới mục tiêu chung. Cán bộ, công chức là những danh từ chung, chỉ những người vận hành cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Do vậy, cần phải có sự quản lý chặt chẽ đối với những cá thể thì mọi hoạt động của tổ chức mới đạt được kết quả mà mục tiêu đã đặt ra. Với Pháp lệnh cán bộ, công chức 1998 (PLCBCC 1998). qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2000 và 2003, trong quá trình áp dụng đã nảy sinh nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Thay thế nó, Luật cán bộ công chức 2008 (LCBCC 2008) ra đời và có hiêu lực từ ngày 01/01/2010. Trong đề tài này với hai vấn đề cần được giải quyết xoay quanh nội dung của pháp lệnh cán bộ công chức và luật cán bộ công chức, đó là: Thứ nhất, phân tích khái niệm cán bộ, công chức theo LCBCC 2008. Thứ hai, những nội dung mới về khái niệm cán bộ công chức trong LCBCC 2008 so với PLCBCC. II. Nội dung chính. 1. Khái niệm cán bộ, công chức theo LCBCC 2008. 1.1. Khái niệm cán bộ Theo khoản 1, khoản 3; Điều 4, LCBCC 2008 có thể phân tích khái niệm cán bộ dưới các góc độ sau: a) Chế độ bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm cán bộ. Cán bộ là những người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Riêng với cán bộ cấp xã thì chỉ được bầu cử không có chế độ phê chuẩn hay bổ nhiệm. Tuy nhiên, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm còn phụ thuộc vào việc đó sẽ là cán bộ của Đảng cộng sản Việt Nam, của tổ chức, chính trị - xã hội hay thuộc Nhà nước. Bởi bầu cử, phê chuẩn hay bổ nhiệm cán bộ còn chịu sự tác động của quy định, điều lệ đối với từng cơ quan, đơn vị, tổ chức đó. Ví dụ: Theo khoản 2, Điều 21; Điều 23: việc bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội được thực hiện theo quy định của điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, của chính tổ chức chính trị - xã hội đó và của LCBCC 2008. Theo đó, Đảng viên có quyền ứng cư, đề cử, bầu các chức danh, chức vụ trong cơ quan lãnh đạo của Đảng như Tổng bí thư (khoản 2, Điều 3; khoản 1, Điều 9; khoản 1, Điều 17; Điều lệ Đảng) theo các bước bầu cử quy định ở khoản 3, Điều 12, Điều lệ Đảng. Theo khoản 2, Điều 21; Điều 24, LCBCC 2008: việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ theo nhiệm kỳ trong cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp huyện được thực hiện theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Ví dụ: Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội giới thiệu (Điều 81, Luật tổ chức quốc hội năm 2001). b) Phạm vi hoạt động của cán bộ: Cán bộ giữ các chức vụ, chức danh và hoạt động trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Ví dụ: Cán bộ hoạt động trong cơ quan nhà nước như: Tổng kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước; cán bộ hoạt động trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam ở cấp ủy như: bí thư, các phó bí thư tỉnh ủy, huyện ủy. c) Thời gian công tác của cán bộ. Cán bộ công tác theo nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ là thời hạn giữ chức danh, chức vụ. Thời hạn đó thường được định ra trước trong các văn bản chính thức. Ví dụ: Nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước là 7 năm, có thể được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ (khoản 3, Điều 17, Luật kiểm toán nhà nước năm 2005). d) Chế độ lao động: Cán bộ được biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 1.2. Khái niệm công chức. Theo khoản 2, khoản 3; Điều 4, LCBCC 2008, có thể phân tích khái niệm công chức dưới các góc độ sau: a) Chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm. Công chức phải là những người được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào ngạch, chức danh, chức vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Ví dụ: phó chánh án tòa án nhân dân tối cao; chánh án, phó chánh án các tòa và chuyên trách (Khoản 1, Điều 7, nghị định 06/2010/NĐ–CP). Riêng đối với công chức cấp xã thì chỉ theo chế độ tuyển dụng. Công chức phải có đủ trình độ chuyên môn phù hợp với ngạch, chức danh, chức vụ. Các vấn đề liên quan tới bổ nhiệm, tuyển dụng công chức vào các chức danh, chức vụ và bổ nhiệm vào các ngạch công chức quy định cụ thể ở chương IV, LCBCC 2008. Đồng thời các vấn đề này còn phụ thuộc vào quy định dành riêng đối với các chức danh, chức vụ khác nhau; cùng một chức danh, chức vụ nhưng thuộc các tổ chức, cơ quan, đơn vị khác nhau; cùng một chức danh, chức vụ thuộc cùng một loại tổ chức, cơ quan, đơn vị nhưng ở các cấp khác nhau. Ví dụ: tiêu chuẩn đối với công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã: trung cấp Luật trở lên, phải sử dụng được kỹ thuật tin học trong công tác chuyên môn, sau khi được tuyển dụng, phải qua bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp cấp xã. Còn đối với công chức Tài chính – Kế toán cấp xã: trung cấp Tài chính Kế toán trở lên, phải sử dụng được kỹ thuật tin học trong công tác chuyên môn; sau khi tuyển, phải qua bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước. b) Phạm vi hoạt động: Phạm vi hoạt động của công chức rộng hơn rất nhều so với cán bộ. Nếu như cán bộ là những người hoạt động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thì công chức xuất hiện cả ở cơ quan đơn vị thuộc quân đội nhân dân, Công an nhân dân; trong bộ máy lãnh đạo quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập. Ví dụ: điều 10, nghị định 06/2010/NĐ–CP quy đinh đối tượng là công chức trong cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân: Người làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp. c) Thời gian công tác. Công chức đảm nhiệm công tác từ khi được bổ nhiệm, tuyển dụng, cho tới khi nghỉ hưu theo quy định của bộ luật lao động mà không hoạt động theo nhiệm kỳ như cán bộ ( Điều 60, LCBCC 2008). Chấm dứt đảm nhiệm chức vụ khi đến tuổi nghỉ hưu: 55 tuổi đối với nữ giới và 60 tuổi đối với nam giới (quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 – Luật BHXH 2006). d) Chế độ lao động: Công chức được biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. 2. Những nội dung mới về khái niệm cán bộ công chức trong LCBCC 2008 so với PLCBCC. LCBCC được ban hành với các quan điểm chỉ đạo là: thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; hoàn thiện chế độ công vụ và quản lý cán bộ, công chức phải bảo đảm sự đồng bộ với các nội dung đổi mới hệ thống chính trị trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm tính minh bạch, công khai và tính tự chịu trách nhiệm trong hoạt động công vụ; bảo đảm tính kế thừa và phát triển của các quy định hiện hành về công vụ và cán bộ, công chức; vừa phù hợp với thể chế chính trị và các giá trị văn hóa của Việt nam, vừa tiếp cận được với các thành tựu của các nền công vụ trên thế giới. Tuân thủ các quan điểm chỉ đạo nêu trên, LCBCC 2008 đã thể hiện nhiều nội dung mới và tiến bộ, mang tính cải cách mạnh mẽ so với PLCBCC 1998. 2.1. Phân biệt khái niệm cán bộ, công chức. LCBCC đã phân định tương đối rõ ai là cán bộ, ai là công chức. Cả một thời kỳ dài trước đây, do điều kiện chiến tranh và thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung, tất cả những người làm việc trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, của Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, kể cả trong các doanh nghiệp, lâm nông trường... đều được gọi chung trong cụm từ là "cán bộ, công nhân, viên chức" mà chưa có sự phân định rõ ràng, cụ thể. Đến năm 1993, khi thực hiện cải cách tiền lương, mới bước đầu phân định cán bộ, công chức trong khu vực hành chính sự nghiệp với những người làm việc trong khu vực sản xuất kinh doanh. Đây là tiền đề để Nhà nước ban hành PLCBCC năm 1998 điều chỉnh cán bộ, công chức trong khu vực hành chính sự nghiệp (gồm các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội) nhưng vẫn sử dụng chung cụm từ "cán bộ, công chức", chưa xử lý được vấn đề tách cán bộ với công chức (Điều 1, PLCBCC 1998). Với hai lần sửa đổi năm 2000 và 2003 vẫn không cho thấy sự khác biệt giữa cán bộ và công chức. Và thể hiện dưới dạng liệt kê hơn là tổng quát theo các tiêu chí. Cụ thể, thẩm phán toà án nhân dân, kiểm sát viên viện kiểm sát nhân dân được quy định ở khoản đ, điều 1, PLCBCC 1998, sửa đổi năm 2003; thuộc một phần khái niệm của cán bộ công chức. Trong khi đó, LCBCC 2008, kiểm sát viên và thẩm phán được gián tiếp coi như là công chức chỉ thông qua quy định tai điều 41, mục II, chương IV về: tuyển chọn, bổ nhiệm, thẩm phán, kiểm sát viên. Qua 10 năm thực hiện PLCBCC, do chưa phân định được rõ ràng ai là cán bộ, ai là công chức nên cơ chế quản lý và chế độ, chính sách do Nhà nước ban hành vẫn còn những hạn chế, chưa hoàn toàn phù hợp với từng nhóm đối tượng. Điều này ảnh hưởng đến quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ và đội ngũ công chức vốn có những đặc điểm hoạt động và công tác đặc thù riêng. LCBCC năm 2008 đã quy định tiêu chí phân định ai là cán bộ, ai là công chức. Theo đó, cán bộ gắn với tiêu chí được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ (Khoản 1, Điều 4 LCBCC 2008); công chức gắn với tiêu chí được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh (khoản 2, Điều 4, LCBCC). Bên cạnh đó, cụm từ “cán bộ, công chức cấp xã” đã được tách ra thành cán bộ cấp xã gắn với cơ chế bầu cử và công chức cấp xã gắn với cơ chế tuyển dụng (khoản 3, Điều 4, LCBCC 2008). 2.2. Quy định về cán bộ, công chức ở ba cấp: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Bên cạnh những quy định áp dụng chung đối với cán bộ, công chức, để có những quy định phù hợp với đặc thù hoạt động và thực thi công vụ của cán bộ, công chức và cán bộ cấp xã, công chức cấp xã, LCBCC 2008 có 3 chương riêng biệt: chương cán bộ ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; chương công chức ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; chương cán bộ, công chức cấp xã. Qua đó đã thể hiện bước tiến mới trong việc phân biệt một số nội dung quản lý cán bộ với quản lý công chức và cán bộ, công chức cấp xã. Đặc biệt, việc thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội đã được thể chế hóa trong các chương này của Luật. Khắc phục xu hướng “hành chính hóa” và “phình” biên chế ở cơ sở, cán bộ cấp xã và công chức cấp xã được quy định cụ thể theo những chức vụ bầu cử và chức danh chuyên môn cần thiết. Việc quy định các đối tượng áp dụng nêu trên của Luật có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc quy định các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ, công tác sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cũng như xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đội ngũ cán bộ, đội ngũ công chức và cán bộ, công chức cấp xã. 3. Hoàn thiện pháp luật đối với khái niệm cán bộ, công chức. * Trở lại khái niệm và ngôn ngữ chứa khái niệm. Xem xét nội dung Điều 4 của LCBCC 2008 sẽ thấy hình như từ “công chức” chưa được định nghĩa đúng với bản chất của nhóm người có tên là “công chức”. Nếu tra tìm các Tự điển Hán - Việt, Anh - Việt, Pháp - Việt ,Anh - Anh, Pháp - Pháp và Tự điển Tiếng Việt thì ta sẽ thấy có nhiều định nghĩa tương tự nhau. Nhưng, theo Tự điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học VN, 1988, thì : “Công chức: người làm việc, có chức vụ nhất định trong cơ quan nhà nước (thường dưới chế độ tư bản, thực dân). Làm việc theo lối công chức (một cách hình thức, chiếu lệ, chỉ cốt không bị chê trách theo kiểu công chức cũ ) .Từ định nghĩa này chúng ta có thể thấy là từ “công chức" hiện ta đang dùng là một từ gần đây mới được sử dụng và có ý nghĩa hoàn toàn khác với định nghĩa trong Tự điển Tiếng Việt. Do vậy, việc phải trở lại xác định rõ khái niệm công chức là rất cần thiết. Trong giai đoạn hiện đại và với chúng ta thì có lẽ nên giới hạn phạm vi của khái niệm công chức là những người làm việc trong hệ thống chính quyền dân sự, về hành chính, thì từ dưới Bộ trưởng đến trên Chủ tịch phường, xã. Trong phạm vi đó có nhiều ngành khác nhau và mỗi ngành theo đặc trưng riêng sẽ có các ngạch, công chức, chức vụ quản lý khác nhau. Ngoài phạm vi đó, các hoạt động khác sẽ có qui chế riêng như: Quân đội, Công an, Cảnh sát thuôc khái niệm lãnh vực quân sự. Các thành viên Chính phủ, Chủ tịch nước thì thuộc qui chế chính khách; các đoàn thể, các chức vụ dân cử; các nhân sự từ phường, xã trở xuống... có quy chế riêng. Có lẽ cần tham khảo thêm nhiều tài liệu trong và ngoài nước. Xác định và giới hạn như vậy rồi mới có cơ sở để tiến hành bàn chuyện xây dựng Luật công chức hay Luật công vụ , Luật hay Quy chế và Luật hoặc Quy chế về các hoạt động ngoài phạm vi khái niệm công chức . * Sự thiếu thống nhất giữa LCBCC 2008 và nghị định số: 06/2010/NĐ-CP LCBCC 2008 quy định đối tượng là cán bộ tại khoản 1 điều 4, đối tượng là công chức tại khoản 2 Điều 4. Tại khoản 1 Điều 4 thì cán bộ là do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ các chức danh trong cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị xã hội từ trung ương cho tới huyện; còn công chức là những người được bổ nhiệm vào ngạch, chức danh và chức vụ trong cơ quan Đảng, Nhà nước , tổ chức chính trị - xã hội và bộ máy quản lý, lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập. Theo khoản 2 Điều 4 thì đối tượng công chức không bao gồm những người do bầu cử. Nhưng tại Nghị định số 06 lại quy định tại Điều 3 những người là công chức trong cơ quan Đảng lại quy định; Phó chủ nhiệm, ủy viên ủy ban kiểm tra trung ương; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, ủy viên ủy ban kiểm tra tỉnh ủy là công chức mà theo điều lệ Đảng những người này giữ chức vụ trên là do bầu cử mà đã là do bầu cử giữ chức danh theo nhiệm kỳ theo khoản 1 Điều 4 phải là cán bộ. Đây là điểm thiếu thông nhất giữa Luật cán bộ, công chức và Nghị định số: 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức. III. Kết luận. LCBCC 2008 có hiệu lực từ ngày 01/01/2010 đã thay đổi nhiều quy định so với PLCBCC thể hiện được tính hợp lý trong sự thay đối đó. Đặc biệt, đối với vấn đề phân biệt khái niệm cán bộ, công chức gắn liền với nhiều tiêu chí rất rõ ràng kéo theo việc quản lý trở nên hiệu quả hơn. Đối với quá trình cải cách hành chính của nước ta hiện nay thì đây là một tín hiệu đáng được ghi nhận. Mặc dù, được đánh giá cao so với PLCBCC nhưng sự kiểm nghiệm thực tế trong thời gian ngắn chưa đánh giá được khả năng tồn tại và tính khả thi lâu dài. Do đó, cần phải có tư duy hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức để khắc phục những thiếu sót và bổ sung thêm những yếu tố cần thiết. TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008. Luật cán bộ, công chức. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008. Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 (sửa đổi bổ sung năm 2000, 2003) Luật kiểm toán nhà nước năm 2005, Nxb, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005. Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2006. Nxb, Lao Động, Hà Nội, 2006. Nghị định số 06/2010/NĐ-CP. Quy định những người là công chức. Phạm Hồng Thái, Công vụ công chức nhà nước, Nxb, Tư pháp, Hà Nội, 2004.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc2.doc