Đề tài Chấm dứt hợp đồng Bảo hiểm

"Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm" đó là mục tiêu đầu tiên mà luật kinh doanh bảo hiểm đã đặt ra. Chính vì thế, xét duyệt các sản phẩm bảo hiểm; soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật về bảo hiểm phải hết sức thận trọng đối với các quy định về chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, một trong những vấn đề không chỉ liên quan tới quyền lợi của người tiêu dùng sản phẩm bảo hiểm mà còn ảnh hưởng đến sự tín nhiệm đối với sản phẩm bảo hiểm Việt Nam, thậm chí là lòng tin vào hiệu lực của quản lý nhà nước trong kinh doanh bảo hiểm.

doc16 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1927 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Chấm dứt hợp đồng Bảo hiểm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân ngày một được nâng lên. Mọi người quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu được bảo vệ, được an toàn, cũng từ đó bảo hiểm ra đời và ngày càng phát triển. Các giao kết giữa người tham gia bảo hiểm và nhà bảo hiểm được thể hiện thông qua các hợp đồng bảo hiểm. Theo lẽ tất nhiên, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt khi hết thời hạn. Tuy nhiên trên thực tế do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau các hợp đồng có thể chấm dứt trước thời hạn. Điều đáng nói ở đây là cho dù bởi nguyên nhân nào thì việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn không chỉ gây thiệt hại cho nhà bảo hiểm, mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho khách hàng. Đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng giúp doanh nghiệp bảo hiểm phát triển. Chăm sóc tốt nhất cho mọi người dân là mục đích, ý nghĩa cao đẹp của bảo hiểm. Điều đó chỉ có thể đảm bảo thông qua việc thực hiện các hợp đồng bảo hiểm thành công. Trong phạm vi đề tài của mình chúng em xin trình bày những ý kiến bình luận về các trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Do thời gian chuẩn bị và vốn hiểu biết có hạn nên dù đã rất cố gắng nhưng bài viết vẫn còn nhiều thiếu xót. Chúng em rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của thầy và các bạn để bài viết thêm sâu sắc. Chúng em xin chân thành cảm ơn. I_KHÁI QUÁT VỀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM (HĐBH) 1.Khái niệm: HĐBH là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, DNBH phải trả tiền bảo hiểm cho người được hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. 2.Nội dung của HĐBH: Nội dung của HĐBH thể mối quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên tham gia và được quy định dưới hình thức điều khoản hợp đồng. Có điều khoản do pháp luật quy định phải ghi vào hợp đồng, có điều khoản do hai bên thoả thuận. Nội dung chủ yếu của một hợp đồng thường bao gồm: Đối tượng tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm; Đối tượng bảo hiểm; STBH hoặc giá trị bảo hiểm; Trách nhiệm bảo hiểm (rủi ro bảo hiểm); Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (rủi ro loại trừ); Phí bảo hiểm; Thời hạn bảo hiểm… Thời hạn, phương thức bảo hiểm hoặc bồi thường; Các quy định tranh chấp… HĐBH được lập thành văn bản và thông thường có hai bản, mỗi bên giữ một bản. 3.Phân loại HĐBH: Tuỳ theo mục đích nghiên cứu, có thể phân loại HĐBH theo nhiều tiêu thức khác nhau, trong đó đối tượng bảo hiểm được sử dụng chủ yếu. Căn cứ vào đối tượng bảo hiểm, HĐBH được chia làm 3 loại: Hợp đồng BHCN, hợp đồng BHTS, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm. Hợp đồng BHCN Hợp đồng bảo hiểm con người được áp dụng đối với các đối tượng bảo hiểm là tính mạng, tình trạng sức khoẻ và những sự kiện có liên quan đến tuổi thọ của con người. Hợp đồng bảo hiểm tài sản Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm: vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. c.Hợp đồng trách nhiệm dân sự Đối tượng của loại hợp đồng này là trách nhiệm dân sự của người thứ ba theo quy định của pháp luật. 4.Tính chất của HĐBH HĐBH có những tính chất chung trong khuôn khổ pháp luật, ngoài ra còn có một số tính chất riêng biệt do đặc điểm của ngành bảo hiểm chi phối. a. HĐBH là hợp đồng song vụ mở sẵn Các bên kí kết hợp đồng đều có quyền và nghĩa vụ với nhau. Quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Quyền và nghĩa vụ trong HĐBH đều quy định rõ và thể hiện ở các điều khoản bảo hiểm, như là dã mở sẵn. HĐBH mang tính tương thuận Với tính chất này, chỉ cần hai bên chấp thuận là đi đến kí kết. Việc kí kết hợp đồng dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện trong khuôn khổ pháp luật. c.HĐBH là hợp đồng bồi thường (phải trả tiền) Quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên tham gia hợp đồng thể hiện mối quan hệ tiền tệ rất rõ nét, tức là người tham gia bảo hiểm phải trả tiền bằng cách nộp phí bảo hiểm mới được đảm bảo có quyền lợi kinh tế từ DNBH. d. HĐBH là loại hợp đồng bảo hiểm may rủi Trong thời hạn HĐBH có hiệu lực nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra, bên tham gia bảo hiểm sẽ được DNBH bồi thường hoặc chi trả. Trái lại nếu không xảy ra sự kiện bảo hiểm, mặc dù đã nộp phí bên tham gia sẽ không nhận được bất cứ một khoản chi trả nào từ phía DNBH. DNBH chấp nhận rủi ro từ phía người tham gia bảo hiểm giao cho họ, đổi lại họ nhận được phí bảo hiểm. Nhưng rủi ro này tồn tại mới ở trạng thái tương lai, có thể xảy ra, có thể không xảy ra. Vì thế không xác định được hiệu quả khi kí hợp đồng và người ta thường quan niệm HĐBH là loại hợp đồng may rủi. 5. Thiết lập, thực hiện và huỷ bỏ hợp đồng 5.1. Thiết lập hợp đồng a. Nguyên tắc Khi thiết lập hợp đồng phải tuân thủ các nguyên tắc sau: - Nguyên tắc công bằng đôi bên cùng có lợi. - Nguyên tắc bàn bạc thống nhất. - Nguyên tắc tự nguyện. - Nguyên tắc không làm tổn hại lợi ích chung của xã hội. b. Trình tự thiết lập hợp đồng - Khai báo rủi ro. - Chấp nhận bảo hiểm. - Thoả thuận về việc nộp phí bảo hiểm. - Cấp đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm. 5.2. Thực hiện hợp đồng bảo hiểm Thực hiện hợp đồng bảo hiểm là quá trình mà hai bên thực hiên quyền và nghĩa vụ đã cam kêt. a. Quyền và nghĩa vụ của bên tham gia bảo hiểm - Bên tham gia bảo hiểm có quyền: + Lựa chọn DNBH để mua bảo hiểm; + Yêu cầu DNBH giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, cấp đơn hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm; + Đơn phương đình chỉ thực hiện HĐBH theo luật định nếu DNBH cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để giao kết hợp đồng, không chấp nhận giảm phí nếu rủi ro được bảo hiểm thay đổi theo chiều hướng có lợi cho DNBH; + Yêu cầu DNBH trả tiền hoặc bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra; + Chuyển nhượng HĐBH theo thoả thuận trong hợp đồng; + Các quyền khác theo quy định của pháp luật. - Bên tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ: + Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến HĐBH. + Đóng phí đầy đủ theo thời gian và phương thức đã thoả thuận trong HĐBH. + Thông báo cho DNBH về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo như thoả thuận trong hợp đồng, việc thông báo phải được thực hiện nhanh chóng. + Áp dụng biện pháp để phòng tránh tổn thất, để hạn chế tối đa hậu quả rủi ro. b. Quyền và nghĩa vụ của DNBH - DNBH có quyền: + Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong HĐBH. + Yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. + Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng nếu bên tham gia cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng để được bồi thường hoặc chi trả tiền bảo hiểm. Trong trường hợp phí đóng nhiều lần mà người tham gia đã đóng được một hoặc một số lần, nhưng sau đó không thể đóng tiếp phí thì sau một thời gian nhất định DNBH cũng có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng… + từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối thanh toán tiền bồi thường cho khách hàng trong những trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. + Yêu cầu khách hàng áp dụng các biện pháp đề phòng hạn chế tổn thất theo quy định của pháp luật. - DNBH có nghĩa vụ: + Giải thích cho khách hàng về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của họ khi mua bảo hiểm. + Cấp đơn bảo hiểm hoăc giấy chứng nhận bảo hiểm cho bên tham gia bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng. + Bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm cho bên tham gia khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn bảo hiểm đã quy định. + Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường. + Phối hợp với bên tham gia bảo hiểm giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. 5.3 Huỷ bỏ hợp đồng Huỷ bỏ hợp đồng là hành vi pháp luật của các bên tham gia theo đó HĐBH sẽ chấm dứt trước thời hạn. Thông thường bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng thường đưa ra ý kiến với bên kia về việc này, nhằm làm cho hợp đồng đã lập xong bắt đầu bị huỷ bỏ. Pháp luật quy định rất chặt chẽ về mối quan hệ giữa hai bên trong giao kết hợp đồng, nhưng cũng cho phép huỷ bỏ trong những trường hợp nhất định. - HĐBH có thể bị huỷ bỏ do bên tham gia bảo hiểm trong trường như: DNBH điều chỉnh giá phí bảo hiểm, rủi ro giảm nhưng DNBH từ chối không giảm phí… - DNBH cũng có quyền đơn phương huỷ bỏ hợp đồng trong những trường hợp khách hàng không thanh toán phí bảo hiểm, khai báo rủi ro không chính xác… - HĐBH bị huỷ bỏ do sự thỏa thuận của hai bên trong các trường hợp: Thay đổi chỗ ở, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, về hưu… Trong những trường hợp đơn phương huỷ bỏ hợp đồng, bên đơn phương phải thông báo cho bên kia biết. Nếu không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường. - Hiện tượng chấm dứt hợp đồng thường là: + Hợp đồng đã hoàn thành, tổn thất bảo hiểm đã xảy ra và DNBH đã thực hiện đầy đủ cam kết bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm. + DNBH bị giải thể, bị phá sản. + Đối tượng bảo hiểm đã bị tổn thất toàn bộ do sự cố ý không được bảo hiểm và như vậy, rủi ro không còn tồn tại. Sau khi huỷ bỏ, HĐBH bắt đầu không có hiệu lực pháp luật, hai bên đều có nghĩa vụ khôi phục lại trạng thái như trước khi thiết lập hợp đồng. II. CÁC TRƯỜNG HỢP CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM Vì hợp đồng bảo hiểm cũng là một trong những loại hợp đồng dân sự, cũng là sự thoả thuận giữa các bên (cụ thể là bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm) về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Do đó theo Điều 418 Bộ luật dân sự, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt trong những trường hợp sau: 1. Hợp đồng đã được hoàn thành; 2. Theo thoả thuận của các bên; 3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc các chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể đó thực hiện; 4. Hợp đồng bị huỷ bỏ, bị đình chỉ; 5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại; 6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định; Ngoài ra do đặc điểm kinh tế- kỹ thuật của ngành bảo hiểm có những nét đặc trưng riêng chi phối nên hợp đồng bảo hiểm ngoài mang những tính chất chung trong khuôn khổ của luật pháp còn có một số tính chất riêng biệt khác, do đó mà ngoài những trường hợp dẫn đến chấm dứt hợp đồng trong Bộ luật dân sự đã nêu trên thì tại Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm còn quy định thêm các trường hợp sau đây: 1. Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm; 2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác; 3. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, tại Điều 24 Luật kinh doanh bảo hiểm còn quy định rõ hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, cụ thể như sau: 1. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm cho đến hết thời gian gia hạn theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong các trường hợp khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. III. BÌNH LUẬN 1. Ý Kiến Bình Luận Chung Là loại hợp đồng phức tạp, thời hạn nhiều khi rất dài, điều đó khiến quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm chịu ảnh hưởng rất lớn của những thay đổi chủ quan từ các chủ thể hợp đồng và khách quan từ môi truờng tự nhiên – xã hội. Thực tế, dù muốn hay không vẫn xảy ra nhiều tình huống buộc các bên phải chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời điểm kết thúc thời hạn bảo hiểm đã thoả thuận. Vì thế, một trong những yêu cầu quan trọng của việc soạn thảo hệ thống văn bản pháp luật về bảo hiểm là phải bao quát được những trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm có thể xảy ra và xác định rõ những hậu quả pháp lý tương ứng. Đối với các nhà bảo hiểm, trong thiết kế sản phẩm bảo hiểm, khi đưa ra điều khoản liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng phải dựa trên nguyên tắc : không trái pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp lý cho nhà bảo hiểm cũng như khách hàng. Về hệ thống văn bản pháp luât bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay, nhìn chung đã khái quát được những trường hợp cơ bản trong rất nhiều những tình huống đa dạng xung quanh việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Điểm qua các quy tắc, điều khoản bảo hiểm đang lưu hành trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, có thể thấy là các nhà bảo hiểm Việt Nam cũng đã chú ý đưa ra các điều khoản cụ thể bên cạnh những quy định chung của luật pháp về bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách toàn diện và chi tiết, điều dễ nhận thấy là không ít vấn đề đáng để xem xét lại. Thứ nhất: Xung quanh trường hợp huỷ bỏ hợp đồng.Trước hết hãy nhìn lại các quy định về vấn đề này từ một số mẫu hợp đồng bảo hiểm hiện hành. * Đơn bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm. “ Người bảo hiểm có thể huỷ bỏ đơn bảo hiểm này vào bất cứ thời điểm nào với điều kiện thông báo trước 30 ngày và trong trường hợp đó, người bảo hiểm sẽ hoàn trả lại phí bảo hiểm theo tỷ lệ cho người được bảo hiểm theo số ngày còn lại của thời hạn bảo hiểm”. * Quy tắc bảo hiểm tiền. “Người bảo hiểm có thể huỷ đơn bảo hiểm này bằng cách thông báo bằng thư đảm bảo trước 07 ngày cho người được bảo hiểm và trong trường hợp như vậy sẽ hoàn lại phần phí bảo hiểm tương ứng của thời hạn bảo hiểm còn lại cho người được bảo hiểm.” * Đơn tiêu chuẩn về bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt. “ 4. Huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm: Hiệu lực của đơn bảo hiểm này có thể được chấm dứt tại bất cứ thời điểm nào theo yêu cầ u của người được bảo hiểm. Trong trường hợp đó, người bảo hiểm sẽ giữ lại phần phí bảo hiểm được tính trên cơ sở tỷ lệ phí ngắn hạn áp dụng cho thời gian đơn bảo hiểm có hiệu lực. Hiệu lực của đơn này cũng có thể được chấm dứt theo quyết định của người bảo hiểm. Trong trường hợp đó, người bảo hiểm sẽ thông báo bằng văn bản cho người được bảo hiểm biết về việc này, và có trách nhiệm hoàn trả một phần phí bảo hiểm theo tỷ lệ tương ứng với thời gian từ ngày thông báo huỷ bỏ cho đến ngày kết thúc hiệu lực của đơn bảo hiểm ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm”. Ở nhiều loại sản phẩm bảo hiểm khác cũng có quy định tương tự. Nhìn chung đại đa số cho phép cả hai bên; một số ít cho phép riêng nhà bảo hiểm huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm mà không nói rõ điều kiện tương ứng, chỉ kèm theo việc hoàn lại một phần phí bảo hiểm. Thay cho lời bình luận, xin dẫn chứng một số quy định liên quan của pháp luật về bảo hiểm. Theo Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm được chấm dứt theo quy định của Bộ luật dân sự và các trường hợp khác ( gắn với điều kiện bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm không thực hiện đúng nghĩa vụ trả phí bảo hiểm ). Còn theo Điều 418, 419 Bộ luật dân sự, một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng dân sự là khi bị huỷ bỏ và “một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc luật pháp có quy định” . Hơn nữa : “ Khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”; “ Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị huỷ bỏ phải bồi thường thiệt hại”. Đối với luật hàng hải, Điều 208 quy định: “ Người được bảo hiểm có quyền rút khỏi hợp đồng bảo hiểm vào bất cứ lúc nào, trước khi xuất hiện hiểm họa được bảo hiểm và có nghĩa vụ trả tiền phạt hợp đồng”. Như vậy, hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ hợp đồng trong những sản phẩm bảo hiểm nói trên chưa nhất quán với quy định của Luật dân sự. Đúng ra theo Luật dân sự, hợp đồng dân sự có thể chấm dứt theo thoả thuận của các bên, nhưng là người chủ động đưa ra các điều khoản cho việc thoả thuận, có một vấn đề các nhà bảo hiểm Việt Nam cần lưu ý là luật pháp về bảo hiểm ở nhiều nước trên thế giới hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời điểm kết thúc thờì hạn bảo hiểm. Gần như là một nguyên tắc xử sự: Đối với nhà bảo hiểm thiệt hại ( bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự), hai bên buộc phải theo đuổi các cam kết đã thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm đến cùng, ngoại trừ khi bị rơi vào những hoàn cảnh cụ thể hợp lý, hợp tình. Đối với bảo hiểm nhân thọ, do những đặc tính riêng, sự ràng buộc đó chỉ áp dụng đối với phía nhà bảo hiểm. Trong điều kiện mở cửa và hội nhập không thể xem nhẹ vấn đề này. Ở đây, còn có một vấn đề đặt ra nữa là, tại sao những điều kiện cho phép nhà bảo hiểm đơn phương chấm dứt hợp đồng lại được ngầm định, mà không nêu rõ ràng trong hợp đồng hay quy tắc bảo hiểm? Câu trả lời được xuất phát từ chính việc bảo vệ quyền lợi cho người được bảo hiểm. Bởi trước hết, nhà bảo hiểm không thể lường hết những trường hợp vi phạm hợp đồng từ phía người được bảo hiểm để đưa vào hợp đồng, thêm nữa điều quan trọng hơn việc ngầm định nhằm hạn chế tối đa việc tuyên bố chấm dứt hợp đồng từ phía nhà bảo hiểm. Điều đó xuất phát từ thực tiễn, khi những điều kiện đã được quy định cụ thể trong hợp đồng, thì không thể xử lý theo hợp đồng khi điều kiện đó xảy ra. Nhưng ngược lại, do không quy định những điều kiện cụ thể nên hầu hết những vi phạm từ phía người được bảo hiểm vẫn được nhà bảo hiểm trao đổi, nhắc nhở mà không cần đến giải pháp chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, với lập luận này, không có nghĩa là trong thực tế không có trường hợp tuyên bố chấm dứt hợp đồng từ phía nhà bảo hiểm. Mà trường hợp chấm dứt hợp đồng là rất hạn hữu khi và chỉ khi phía người được bảo hiểm cố tình lừa dối nhà bảo hiểm nhằm trục lợi như trường hợp nhà bảo hiểm phát hiện đối tượng bảo hiểm không đủ điều kiện để bảo hiểm, nhưng người tham gia bảo hiểm đã khai báo đủ điều kiện. Thứ hai: Cần có sự phân định rạch ròi về các trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Hãy xem xét các quy định sau của Luật kinh doanh bảo hiểm. Điều 19: Trách nhiệm cung cấp thông tin. “2. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây: a) Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường. b) Không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 của Luật này. 3. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật”. Điều 22: Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. “1. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau đây: d) Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng. Như vậy cũng sẽ có những tình huống mà quy cho hợp đồng bảo vô hiệu là đúng hoặc thực hiện quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng của các bên cũng không sai. Duy chỉ có điều, hậu quả pháp lý tương ứng với trường hợp hợp đồng vô hiệu và trường hợp đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng lại không giống nhau. Mầm mống có thể dẫn đến việc phát sinh tranh chấp này quả thật là không đáng có. Thứ ba: Việc xử lý hậu quả việc chấm dứt hợp đồng phải trên quan điểm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng sản phẩm bảo hiểm: Thông tư số 71/2001 của Bộ Tài chính có quy định về vấn đề chuyển giao hợp đồng bảo hiểm như sau: “Bên mua bảo hiểm được phép huỷ hợp đồng bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc chuyển giao tính theo dấu bưu điện. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm huỷ hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chuyển giao phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã nhận tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan đối với bảo hiểm phi nhân thọ, hoặc số phí bảo hiểm bên mua bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan đối với bảo hiểm nhân thọ”. Với cách giải quyết trên, nhất là đối với bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm sẽ rất thiệt thòi. Tại sao họ phải chịu chi phí “hợp lý liên quan” khi chính nhà bảo hiểm phải chịu trách nhiệm về tình trạng lỡ dở của hợp đồng bảo hiểm. Hơn nữa, quy định như vậy đã bỏ qua một khoản có thể là rất lớn mà họ có quyền được hưởng, đó là thu nhập từ sự sinh lợi đồng tiền phí nộp trước cho nhà bảo hiểm. Hãy xem qua một ví dụ đơn giản sau: Hợp đồng bảo hiểm sinh kỳ, phí đóng một lần toàn bộ ngay khi bắt đầu tham gia bảo hiểm trừ đi chi phí quản lý là 100 đơn vị tiền tệ (đvtt), lãi suất giả định là 5%/ năm. Sau 6 năm tham gia bảo hiểm, phát sinh trục trặc từ phía nhà bảo hiểm; người tham gia bảo hiểm nhận được thông báo về việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm nhưng không muốn chuyển giao. Nhà bảo hiểm chỉ trả lại cho khách hang 100 đvtt, trong khi đó về ngưyên tắc, khoản tiền đó đã sinh lợi ít nhất là: 100đvtt * ( 1+0.05 )* 5 = 134 đvtt Xem ra điều này thật phi lý và vô hình chung bên mua bảo hiểm đã bị buộc phải chấp nhận chuyển giao hợp đồng bảo hiểm. 2. Một số kiến nghị cụ thể: - Cần quy định rõ cụ thể và phải có sự thống nhất giữa các văn bản luật bảo hiểm cũng như giữa các văn bản luật bảo hiểm và các văn bản pháp luật khác có liên quan. - Trong hợp đồng bảo hiểm nên quy định rõ các điều kiện cụ thể dẫn đến truờng hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng truớc thời hạn để tránh sự mập mờ tạo điều kiện cho các hành vi trục lợi bảo hiểm được hình thành. - Cần có sự phân định rạch ròi hơn về các trường hợp dẫn đến chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.Chẳng hạn như trường hợp nêu trên, cần quy định rõ việc áp dụng Điều 19 và Điều 22 của Luật kinh doanh bảo hiểm theo hướng nếu là hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì sẽ áp dụng khoản 2 Điều 19, còn nếu là hành vi lừa dối khác thì áp dụng điểm d) khoản 1 Điều 22. - Cần quy định thế nào là “ giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm”, và những chi phí nào được coi là “ chi phí hợp lý” mà doanh nghiệp bảo hiểm được quyền khấu trừ khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể bảo hiểm. Theo chúng tôi, có thể định nghĩa “ giá trị hoàn lại là giá trị của hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp phải thanh toán cho bên mua bảo hiểm tại thời điểm hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực trước thời hạn”, “ chi phí hợp lý là những khoản chi phí hợp pháp mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bỏ ra cho việc giao kết hợp đồng bảo hiểm. Những khoản chi phí này bao gồm : chi phí kiểm tra sức khỏe, hoa hồng trả cho đại lý hoặc môi giới bảo hiểm, chi phí phát hành hợp đồng, chi phí quản lý”.Và doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có quyền khấu trừ khoản chi phí này trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm chấm dứt là do phát sinh trục trặc từ phía khách hàng mua bảo hiểm hoặc phải có sự thoả thuận giữa hai bên khi ký kết hợp đồng. LỜI KẾT "Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm" đó là mục tiêu đầu tiên mà luật kinh doanh bảo hiểm đã đặt ra. Chính vì thế, xét duyệt các sản phẩm bảo hiểm; soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật về bảo hiểm phải hết sức thận trọng đối với các quy định về chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, một trong những vấn đề không chỉ liên quan tới quyền lợi của người tiêu dùng sản phẩm bảo hiểm mà còn ảnh hưởng đến sự tín nhiệm đối với sản phẩm bảo hiểm Việt Nam, thậm chí là lòng tin vào hiệu lực của quản lý nhà nước trong kinh doanh bảo hiểm. MỤC LỤC Trang

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc35965.doc
Tài liệu liên quan