Đề tài Cơ cấu kinh tế ở Hàn Quốc từ 1962 đến nay

Trong khuôn khổ ngắn gọn, bài viết đã trình bày và phân tích quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Hàn Quốc từ 1962 đến nay. Quá trình này bao gồm 3 giai đoạn: 1962-1979: Giai đoạn tăng nhanh của tỷ trọng công nghiệp dựa trên các ngành công nghiệp có hàm lượng kĩ thuật thấp; Giai đoạn 1980-1989: Giai đoạn tỷ trọng công nghiệp tăng cao với sự đóng góp của các ngành có hàm lượng kĩ thuật cao; Giai đoạn 1990-2005: Giai đoạn điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại với sự tăng lên về tỷ trọng của ngành dịch vụ và sự giảm sút tỷ trọng các ngành sản xuất. Với sự lựa chọn kiên định ngay từ ban đầu là phát triển công nghiệp theo hướng xuất khẩu nhưng trong thời kỳ, Chính phủ Hàn Quốc lại chú trọng phát triển vào những ngành khác nhau và có sự uyển chuyển trong việc sử dụng chính sách trong các thời kỳ. Chính những chính sách hợp lý đó đã tạo điều kiện cho quá trình công nghiệp hoá diễn ra thuận lợi và thúc đẩy sự gia tăng tỷ trọng công nghiệp trong suốt 2 giai đoạn : 1962-1979 và 1980-1989. Khi đã thực hiện thành công quá trình công nghiệp hoá , nhận thấy được xu thế mới của các nền kinh tế phát triển, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu chú trọng đến phát triển thương mại, dịch vụ tạo điều kiện cho sự tăng trưởng của các lĩnh vực này trong những năm gần đây. Có thể nói Chính phủ Hàn Quốc có vai trò rất lớn đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước này. Từ những hành động, việc làm cụ thể từ phía chính phủ Hàn Quốc, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để vận dụng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ( cũng chính là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại ). Đây cũng chính là mục đích của nhóm khi lựa chọn đề tài.

doc19 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 4095 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Cơ cấu kinh tế ở Hàn Quốc từ 1962 đến nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI NÓI ĐẦU Cơ cấu kinh tế của một quốc gia không những thể hiện đặc điểm của nền kinh tế đó mà còn thể hiện trình độ phát triển của nền kinh tế. Một cơ cấu kinh tế hiện đại báo hiệu quốc gia đó có trình độ phát triển kinh tế cao. Hiện nay xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung trên toàn thế giới là tăng dần tỷ trọng của công nghiệp dịch vụ và giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên ở một số quốc gia có nền kinh tế phát triển cao, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành sản xuất phi vật chất và giảm dần tỷ trọng của các ngành sản xuất vật chất. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc từ 1962 đến nay cũng tuân theo những xu hướng trên. Chính vì thế chúng tôi đã chọn đề tài “Phân tích quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Hàn Quốc từ 1962 đến nay-Nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm”. Đề tài của chúng tôi bao gồm 3 phần. Phần thứ nhất, chúng tôi cung cấp một số thông tin về các thành tựu kinh tế của Hàn Quốc trong những năm gần đây trong đó có đề cập đến tính hiện đại trong cơ cấu kinh tế hiện nay của Hàn Quốc. Phần thứ hai chúng tôi tiến hành phân tích quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc từ 1962 đến nay. Chúng tôi chia quá trình này ra làm 3 giai đoạn : 1962-1979, 1980-1989, 1990-2005. Cơ sở của sự phân chia này chủ yếu dựa trên nhừng thay đổi về tỷ phần ngành công nghiệp. Giai đoạn 1962- 1979: quá trình công nghiệp hoá trong giai đoạn đầu dẫn tới sự gia tăng về tỷ trọng của ngành công nghiệp. Giai đoạn 1980-1989: sự gia tăng của tỷ trọng ngành công nghiệp gắn với sự phát triển của các ngành công nghiệp có hàm lượng kĩ thuật cao. Giai đoạn 1990-2005: Sự giai tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, ngành công nghiệp có xu thế giảm dần tỷ trọng. Trong mỗi giai đoạn này việc dẫn ra các số liệu biểu diễn quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chúng tôi còn chỉ ra tình trạng kinh tế của hàn Quốc trong giai đoạn đó để cho thấy sự thay đổi về cơ cấu kinh tế cũng phản ánh phần nào sự thay đổi bộ mặt kinh tế quốc gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng nêu lên một số chính sách của chính phủ Hàn Quốc giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch đó. Ở phần 3, chúng tôi phân tích những nguyên nhân thành công trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc trong đó nhấn mạnh vai trò tác động tích cực của Chính phủ từ đó nêu ra một số bài học kinh nghiệm chúng ta cần học hỏi ở Hàn Quốc để áp dụng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước. Do quá trình tìm tài liệu còn nhiều khó khăn, khả năng đọc dịch tài liệu nước ngoài còn hạn chế do đó bài viết không thể tránh khỏi nhiều thiếu sót. Rất mong được sự thông cảm và góp ý kiến từ phía thầy cô và các bạn. Nhóm đề tài I/GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NỀN KINH TẾ HÀN QUỐC Nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên, với diện tích 99.392 Km2 , dân số năm 2002 là 47 640 triệu người với mật độ 483 người /km2, đứng thứ 8 trên thế giới nhưng tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 3,4% thuộc loại thấp nhất thế giới. Vốn là một nước nghèo tài nguyên, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, thị trường trong nước nhỏ hẹp, tích luỹ thấp, GNP năm 1962 là 2,3 tỷ USD, GNP tính theo đầu người có hơn 87 USD. Nhưng chỉ sau 3 thập kỷ công nghiệp hoá, Hàn Quốc đã làm nên một “kỳ tích sông Hàn”. Đến nay, Hàn Quốc đã phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và là một nước công nghiệp năng động. Năm 2002 GNP đạt 477 tỷ USD, đứng thứ 12 thế giới, Thu nhập bình quân đạt 11 400 USD; tỷ lệ tiêu dùng trong GNP là 67,2 %. Cơ cấu kinh tế hiện đại với tỷ trọng các ngành kinh tế là: nông lâm thuỷ sản: 3,17%; công nghiệp và xây dựng: 34,6%, dịch vụ 62,23% (năm 2005) Về nông nghiệp, Hàn Quốc có 21% diện tích đất trồng trọt với đặc trưng về khí hậu và địa lý của khu vực gió mùa với sự tập trung rõ rệt lượng mưa vào mùa hè và cấu tạo đất giữ nước rất tốt. Trên cơ sở những đặc điểm này mà nghề trồng lúa đã có truyền thống lâu đời tại Hàn Quốc. Trong những năm cuối của thế kỉ XX, những người nông dân đã da dạng hoá giống cây trồng, vật nuôi như nuôi trồng các loại rau, cây ăn quả, gia súc, hoa giá trị cao. Hiện nay các sản phẩm chủ yếu của ngành nông nghiệp của Hàn Quốc là: lúa gạo, lúa mì, lúa mạch, khoai và rau tươi. Tỷ trọng nông - lâm nghiệp trong GNI giảm xuống còn 4%. Nông dân có số lượng là 4 triệu người, chiếm 8.3 % dân số. Mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp là rất nhỏ bé, nhưng các ngành công nghiệp liên quan như nguyên liệu đầu vào, phân bón,hoá chất, vận tải, chế biến thức ăn, dịch vụ ăn uống đạt tỷ trọng 14% .Tỷ trọng giảm dần qua các năm, song sản lượng của các ngành này thì vẫn liên tục tăng. Năm 2001, năng xuất lúa gạo đạt 5,16 tấn/ha, năng suất lúa mạch là 2,9 tấn/ha, Sản lượng của lúa mỳ và lúa mạch là 271 000 tấn , sản lượng rau vào khoảng 11 tiệu tấn. Về chăn nuôi, năm 2001, Hàn Quốc có khoảng 1,4 triệu con bò thịt, 548 000 con bò sữa, 8 720 000 con lợn, 102 triệu con gà. Sản lượng cao nhưng lượng các trang trại chăn nuôi lại giảm. Nếu năm 1980 cả nước có hơn 2 triệu trang trại thì đến năm 2001 chỉ còn khoảng 469 000 trang trại. Điều này cho thấy các trang trại chăn nuôi ở Hàn Quốc hiện nay được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, cho năng suất cao. Còn đối với ngành lâm nghiệp, Hàn Quốc là nước nhập khẩu gỗ. Nguồn gỗ tự cấp trong nước chỉ chiếm 6%. Năm 2001, Hàn Quốc nhập tổng cộng 7,1 triệu m3 gỗ với giá trị vào khoảng 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, các sản phẩm lâm sản khác như nấm thông, hạt dẻ lại có sản lượng cao và dùng để xuất khẩu. Năm 2001, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 210 triệu USD. Về công nghiệp, đây là lĩnh vực quan trọng duy trì sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc. Các ngành công nghiệp nổi bật của Hàn Quốc là : đóng tàu, sản xuất chất bán dẫn, ô tô, hàng điện tử. Hàn Quốc là quốc gia đóng tàu lớn nhất thế giới, chiếm 40% đơn đặt hàng của cả thế giới..Chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu, ngành sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc là một ngành công nghiệp mũi nhọn đặc biệt là khi nói tới bộ nhớ động và chíp hệ thống (SOC) .Năm 2002, xuất khẩu thanh DRAM (bộ nhớ truy xuất động) đạt giá trị 16,6 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2001. Đến năm 2004, thanh DRAM của Hàn Quốc đứng thứ nhất trên thế giới với thị phần 47.1%. Hàn Quốc là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 6 thế giới, sản xuất trên ba triệu xe hàng năm. Kể từ khi Hàn Quốc lần đầu tiên xuất khẩu xe năm 1976, ngành công nghiệp ô tô của nước này đã phát triển với tốc độ kinh ngạc. Trên đà uy tín của ôtô Hàn Quốc ngày càng tăng cao trên thế giới, các công ty ôtô Hàn Quốc hàng đầu đã bắt đầu mở rộng cơ sở sản xuất ra nước ngoài. Trên lĩnh vực sản xuất hàng điện tử, Hàn Quốc cũng thu được những thành công lớn. Từ năm 1996 tới năm 1999, sản lượng và giá trị xuất khẩu hàng điện tử tăng trưởng hàng năm 15,9% và 15,5%. Năm 1999, sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi đạt giá trị 12,3 tỷ USD , xuất khẩu đạt 7,2 tỷ USD; sản xuất hàng điện tử lâu bền đạt giá trị 17,6 tỷ USD, xuất khẩu đạt 10,7 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ tư thế giới về sản xuất hàng điện tử. Về dịch vụ, đây đang là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ ở Hàn Quốc với tỷ trọng ngày càng tăng.Năm 2001, tỷ trọng của khu vực dịch vụ đã là 54,1 % là khu vực có tỷ trọng lớn nhất. Trong năm 2005, giá trị thương mại Hàn Quốc đạt tới 545 tỷ đôla, đứng 12 trên thế giới.Chi tiêu nội địa tăng mạnh từ 50% GDP năm 1987 lên mức 58% năm 2000. Với hơn 1 triệu lao động bổ sung, có vẻ Hàn Quốc sẽ là nước Châu Á đầu tiên chuyển từ nền kinh tế tập trung vào công nghiệp sang nền kinh tế hướng vào dịch vụ. Doanh thu từ các mặt hàng, đặc biệt là hàng hoá chất lượng cao, thời gian sử dụng lâu như máy giặt, tủ lạnh, tăng mạnh từ tháng 9/2001. Lượng xe hơi năm 2001 bán ra tăng 5%, đạt 1,45 triệu chiếc. Hoạt động mua bán của quí IV/2001 tăng 9,4% so với một năm trước đó. Đặc biệt là hoạt động xây dựng và trang trí nội thất đang thu hút sự quan tâm của người dân Hàn Quốc. Trong 2 năm qua, rất nhiều cơ sở sản xuất trang thiết bị nội thất đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng các trang thiết bị hợp mốt, có kiểu dáng trang nhã.Tiêu dùng nội địa khiến ngành kinh doanh của Hàn Quốc phát triển ngày càng đa dạng. Hàng loạt các công ty trong ngành dịch vụ và công nghệ ra đời. Hiện nay, chỉ riêng lĩnh vực công nghệ cao đã chiếm 15% GDP, tăng 7% so với năm 1997. Sự phát triển của các ngành dịch vụ cùng với sức tiêu dùng nâng cao, các dịch vụ về ngân hàng tài chính cũng được đổi mới. Hệ thống thẻ tín dụng được phát triển rộng rãi, ngày càng nhiều người dân sử dụng phương pháp thanh toán bằng thẻ tín dụng.Theo thống kê, năm 2001, lượng hàng hoá mua bán bằng thẻ tín dụng đạt 235 tỉ USD. II/QUÁ TRÌNH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ CỦA HÀN QUỐC TỪ 1962 ĐẾN NAY 1/Giai đoạn 1962-1979 Đây là giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá. Phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, chi phí thấp để dần thay thế cho những sản phẩm công nghiệp thô và sơ cấp, tiến tới phát triển công nghiệp nặng sử dụng nhiều vốn, lao động tay nghề cao và công nghệ cao. Cơ cấu kinh tế trong giai đoạn này biến đổi mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh của các ngành công nghiệp và xây dựng, tỷ trọng các ngành nông – lâm - ngư nghiệp giảm mạnh. Năm 1965 tỷ trọng nông nghiệp trong GDP là 38,4%, chiếm 58% số công ăn việc làm thì đến năm 1970 chỉ còn chiếm 28% GDP và đến năm 1980 chỉ còn chiếm 15%, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4%. Ngành dịch vụ cũng có sự gia tăng về tỷ trọng từ 41,8% năm 1965 dến 49,2 % năm 1970. Tuy nhiên đến năm 1980 lại giảm xuống chỉ còn chiếm 45%, công nghiệp là ngành tăng trưởng mạnh mẽ nhất tăng từ 19,8% đến 22,8% và 40% trong cùng thời kỳ. Sơ đồ 1 : Cơ cấu kinh tế Hàn Quốc 1965 1970 1980 ghi chú : Dịch vụ : Công nghiệp : Nông nghiệp Qua 3 biểu đồ trên ta thấy: ngành dịch vụ là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 3 ngành, tuy nhiên tỷ trọng của ngành này biến đổi qua các năm không theo một xu hướng. Trong khi đó một ngành khác có tỷ trọng cao vào những năm 60 là nông nghiệp thì có tỷ trọng ngày càng giảm. Ngành công nghiệp trong giai đoạn từ 1965-1970 có tỷ trọng thấp hơn ngành nông nghiệp và là ngành có tỷ trọng nhỏ nhất tuy nhiên có xu hướng gia tăng và đến năm 1980 đã trở thành ngành có tỷ trọng cao thứ nhì và có tỷ trọng cao hơn hẳn ngành nông nghiệp. Qua biểu đồ, ta cũng nhận thấy sự thay đổi cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ nhất trong những năm từ 1970 đến 1980. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế (được hiểu như sự to ra của “chiếc bánh”) ta có thể suy ra được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp và giá trị ngày càng lớn của nó. Thời kỳ này, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là các sản phẩm có hàm lượng kĩ thuật thấp. Các ngành được ưu tiên phát triển là: điện năng, phân bón, sợi tổng hợp, sợi nylon, lọc dầu, gỗ dán, thiết bị điện (trong giai đoạn 1962-1971) và công nghiệp nặng, hoá chất (trong giai đoạn 1972-1979). Chính vì thế, thời kỳ này chứng kiến sự tăng lên nhanh chóng của tỷ trọng ngành công nghiệp nặng và hoá chất trong giá trị toàn ngành công nghiệp từ 24,8% năm 1971 lên 48,1 % năm 1981.Trong khi đó, công nghiệp khai thác giảm từ 34,8% năm 1966 xuống 23,5% năm 1976. Đây là giai đoạn kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng cao.GNP từ chỗ chỉ có 2,3 tỷ USD năm 1962 tăng lên thành 62,37 tỷ USD năm 1979.GNP bình quân đầu người tăng từ 87 USD lên 1662 USD. Loại trừ sự tăng lên của giá cả thì tốc độ tăng GNP thực tế trong thời kì 1962-1971 là 8,7 % /năm và 8,9% /năm trong thời kì 1972-1979. W. W.Rostow , một cựu cố vấn kinh tế của tổng thống Kenedy và Johnson đã dự báo đây là thời kỳ Hàn Quốc bước vào “giai đoạn cất cánh”. Ông dự tính giai đoạn cất cánh của kinh tế Hàn Quốc sẽ hoàn thành trong 7 năm (1961-1968). Ông cũng dự đoán sự “chín muồi về kĩ thuật” sẽ hoàn thành vào cuối những năm 80. Bảng 1: GNP và GNP bình quân đầu người của Hàn Quốc GNP (tỷ USD) GNP/người (USD) 1962 2,3 87 1965 3,1 105 1970 7,99 243 1975 20,85 519 1979 62,37 1662 Nguồn: Niên giám thống kê các năm, Bộ tài chính và kinh tế Hàn Quốc Sự phát triển của công nghiệp đã làm cho quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng kéo theo tỷ lệ việc làm tăng nhanh bởi các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong thời kì này đều là những ngành cần nhiều lao động. Tỷ lệ thất nghiệp trong thời kì này giảm đáng kể: Bảng 2: Thống kê tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc Năm 1962 1965 1970 1975 1978 Tỉ lệ thất ngiệp(%) 9,8 7,4 4,5 4,1 3,2 Nguồn: Ngân hàng Hàn Quốc Không những thế, bắt đầu từ 1977, Hàn Quốc trở thành một nước thiếu hụt lao động. Sự thiếu hụt bắt đầu từ khu vực nông thôn vào khoảng những năm 1975. Sự thiếu hụt lao động trong khu vực nông thôn có thể giải thích bởi sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp kéo theo làn sóng lao động nông nghiệp từ nông thôn ra thành thị tìm kiếm việc làm trong các nhà máy công nghiệp. Theo lý thuyết của Lewis thì khi khu vực công nghiệp đảm bảo mức lương cao hơn khoảng 30% so với mức tiền công tối thiểu ở khu vực nông nghiệp thì có thể thu hút hết lao động dư thừa trong nông nghiệp. Và nếu như ngành công nghiệp tiếp tục mở rộng có nhu cầu thu hút thêm lao động thì phải tăng lương. Trên thực tế, mức thu nhập của một nông dân ở nông thôn Hàn Quốc trong thời gian này chỉ bằng 60%-70% thu nhập của một hộ ở thành thị: năm 1970 : 60%; năm 1980 74,4 %( nguồn: kết quả điều tra kinh tế hộ nông thôn MAFF, 1996). Cùng với việc lương trong các nhà máy công nghiệp được tăng lên thì sự thu hút lao động từ nông nghiệp chuyển sang ngày càng tăng. Điều này giải thích sự giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp cũng như giải thích sự thiếu hụt lao động xảy ra đầu tiên ở khu vực nông thôn. Nhưng quá trình phát triển mạnh mẽ của công nghiệp mà giai đoạn này chủ yếu là những ngành sử dụng nhiều lao động thì cung về lao động không thể đáp ứng kịp, do đó dến năm 1977 thì thiếu hụt lao dộng diễn ra trên quy mô toàn quốc. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân mà ở giai đoạn sau công nghiệp Hàn Quốc hướng vào những ngành có hàm lượng kĩ thuật cao không cần nhiều lao động giản đơn mà thiên về lao động công nghệ cao. Nguyên nhân của sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế cũng như sự biến đổi sâu sắc trong cơ cấu kinh tế Hàn Quốc là do chính phủ nước này đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích và đẩy mạnh công nghiệp hoá cụ thể là công nghiệp hoá theo hướng ra xuất khẩu. Trong thời gian này, chính phủ Hàn Quốc sử dụng chính sánh huy động vốn, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng (1972 – 1979) và khuyến khích xuất khẩu hiệu quả. Để huy động vốn, Chính phủ chủ trương phải huy động tối đa nguồn vốn trong nước bằng cách thực hiện các chính sách như: nâng lãi xuất tiền gửi lên 12%(năm 1965), đa dạng hoá hệ thống tài chính nhờ đó mà tỷ lệ tiết kiệm trong GDP tăng từ 11% năm 1962 lên 17,3 % năm 1972 và 28,5% năm 1979. Tỷ lệ đầu tư trong nước tăng từ 11,8% năm 1962 lên 20,9% năm 1972 và 35,8% năm 1979. Ngoài ra Chính Phủ cũng chú trọng đến thu hút nguồn vốn từ bên ngoài, Thời kì này, chính phủ đã cho điều chỉnh lại hệ thống tỷ giá thay chế độ tỷ giá cố định bằng tỷ giá linh hoạt, đồng Won bị phá giá do đó nó được gắn với đồng USD và bị chi phối bởi những quy định của IMF cho nên các nhà đầu tư nước ngoài có thể an tâm khi đầu tư vào đây, đồng thời Chính phủ cũng ban hành luật tổng hợp về thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài trong đó cam kết bảo hiểm rủi ro. Chính những biện pháp kể trên của Chính phủ Hàn Quốc đã làm cho nền kinh tế nước này có đủ tiềm lực tài chính để tiến hành thành công công cuộc công nghiệp hoá. Không những vậy, Chính phủ còn sử dụng nhiều biện pháp để khuyến khích những người có vốn đầu tư vào công nghiệp. Cụ thể: cho vay với lãi suất thấp, được phép chuyển đổi ngoại hối; miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị dể xây dựng nhà máy mới; cho doanh nghiệp mua đất công với giá rẻ, bảo hộ mậu dịch với hàng công nghiệp trong nước; ưu tiên các ngành ít vốn, quay vòng nhanh, tỷ suất lợi nhuận cao. Năm 1973, chính phủ Hàn Quốc ra “ tuyên ngôn về công nghiệp hoá” và ban hành sắc lệnh về phát triển các ngành công nghiệp nặng và hoá chất. Luật thúc đẩy phát triển công nghệ được thực hiện từ năm 1972. Ngoài ra, để hướng nền công nghiệp vào xuất khẩu, Nhà nước đã có những biện pháp như: cho phép khấu trừ hao hụt nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, phá giá đồng Won(1964) … Có thể nói chính quyết tâm và những biện pháp đúng đắn của chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá của nước này nhờ đó mà cơ cấu kinh tế nước này có sự chuyển biến như đã nêu trên. 2/Giai đoạn 1980-1989 Đây là giai đoạn điều chỉnh cơ cấu kinh tế và tự do hoá nền kinh tế. Đây cũng là thời kì công nghiệp hoá ở vào giai đoạn chín muồi. Phát triển công nghiệp dựa vào những sản phẩm có hàm lượng kĩ thuật, công nghệ cao và có tri thức để thay thế những sản phẩm cần nhiều vốn. Chính vì thế mà cơ cấu kinh tế trong những năm này tiếp tục chuyển biến theo hướng công nghiệp hoá. Cụ thể : Bảng3: Cơ cấu kinh tế Hàn Quốc 1980 1987 Nông lâm ngư nghiệp 15% 11,5% Công nghiệp 40% 47,1% Dịch vụ 45% 41,4% Nguồn: Niên giám thống kê các năm, Bộ tài chính và kinh tế Hàn Quốc Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước, giai đoạn này chứng kiến sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp là 13,1% , trong đó công nghiệp chế tạo tăng trưởng với tốc độ 13,2%.Hàn Quốc trở thành một quốc gia công nghiệp mới ở Châu Á với 98% xuất khẩu thuộc về hàng chế tạo. Tỷ trọng của công nghiệp chế tạo trong tổng GNP là 31,6% năm 1988 trong khi tỷ trọng của toàn nghiệp công nghiệp là 48%. Cùng với sự phát triển công nghiệp, quá trình đô thị hoá cũng diễn ra mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 5 năm (1985-1990) đã có 1,2 triệu lao động nông thôn tràn vào các thành thị tìm kiếm việc làm. Điều này cũng tác động đến lực lượng lao động trong công nghiệp.Cụ thể: dân số lao động trong nông nghiệp già đi nhanh chóng. Năm 1990, khoảng 64% nông dân Hàn Quốc có độ tuổi trên 50. Đây cũng là giai đoạn nền kinh tế Hàn Quốc có sự tăng trưởng cao 12%/ năm (trong các năm 1986-1988).GNP đầu người tăng từ 1597 USD năm 1980 lên 5210 USD năm 1989; GNP tăng từ 60 tỷ USD lên 220,4 tỷ USD trong cùng thời kì. Năm 1988, giá trị thương mại đạt 111 tỷ USD, đứng thứ 13 thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 175,05 tỷ USD năm 1980 lên 623,77 tỷ USD năm 1989. Cán cân thương mại được cải thiện, đặc biệt từ năm 1986 trở đi cán cân thương mại dương. Cũng trong khoảng thời gian từ 1986 đến 1989, nợ nước ngoài và tỷ lệ thất nghiệp đều giảm : Bảng 4: Một số chỉ số kinh tế 1986-1989 Năm Cán cân thương mại (triệu USD) Nợ nước ngoài (triệu USD) Tỷ lệ thất nghiệp (%) Tốc độ tăng GNP (%) 1986 4,2 44,5 3,8 12,3 1987 7,6 35,5 3,1 12,8 1988 11,4 31,1 2,5 12,4 1989 4,5 29,3 2,6 6,9 Nguồn:Niên giám thông kê các năm, Bộ tài chính và kinh tế Hàn Quốc Trong giai đoạn này chính phủ chủ trương : Tăng cường lợi thế so sánh, tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như : điện tử, máy chính xác, thiết bị thông tin, ô tô, công nghiệp hàng không, vi điện tử, rô bốt, sinh học. Để thực hiện, chính phủ tập trung vào giải quyết các vấn đề cụ thể sau: + Đổi mới năng suất lao động, tích luỹ công nghệ và nâng cao chất lượng, Công nghiệp hoá chất, khai mỏ, luyện kim được thu nhỏ lại. Các ngành công nghiệp tiên tiến được chú trọng phát triển, đầu tư cho R&D. Chính phủ đã thực hiện hỗ trợ tài chính, công nghệ, marketing cho các doanh nghiệp có triển vọng, tăng mức đầu tư cho R&D từ 0,58% GDP năm 1980 lên 1,9% GDP năm 1989. + Mở rộng thị trường và công nghiệp hoá hướng vào khu vực tư nhân: Cải cách hệ thống hỗ trợ xuất khẩu, tăng các khoản vay liên quan đến xuất khẩu hàng lâu bền, tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước. + Giảm thuế cho hàng chế tạo, thực hiện bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu trí tuệ. + Tự do hoá nền kinh tế : Từ 1979 đến 1988, tỷ lệ tự do hoá nhập khẩu đã tăng từ 68% lên 95%, tất cả các sản phẩm công nghiệp đều không chịu hàng rào phi thuế quan. Năm 1981, luật độc quyền và thương mại công bằng được ban hành nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong các ngành công nghiệp. + Thu hút đầu tư nước ngoài: năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài được xem xét lại , mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư. Có thể nói chính sách kinh tế của Hàn Quốc trong giai đoạn này đã tạo điều kiện và các động lực cho quá trình công nghiệp hoá theo hướng hiện đại mà nhờ đó mà sự tăng trưởng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của thời kì này có sự đóng góp lớn của yếu tố công nghệ. 3.Giai đoạn 1990 đến nay Đây là giai đoạn Hàn Quốc thực hiện chính sách “kinh tế mới” và “toàn cầu hoá”. Thời kì này trong cơ cấu kinh tế của nền kinh tế Hàn Quốc chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của tỷ trọng ngành dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc dân trong khi tỷ trọng các ngành sản xuất vật chất là nông nghiệp và công nghiệp đều giảm. Đây chính là xu hướng mới trong thay đổi cơ cấu kinh tế , xuất hiện chủ yếu ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nó phần nào biểu hiện quốc gia trên đã thực hiện thành công quá trình công nghiệp hoá đất nước. Sơ đồ 2: Cơ cấu kinh tế Hàn Quốc 1990-2002 Tuy sự giảm sút về tỷ trọng trong nền kinh tế nhưng ngành công nghiệp trong thời kì này vẫn rất phát triển và tiếp tục có sự điều chỉnh theo hướng hiện đại. Cụ thể như: Trong khi đóng góp của toàn ngành công nghiệp trong tài khoản quốc gia không ngừng nâng cao từ 178 797 tỷ Won năm 1990 lên 596 391 năm 2002 thì đóng gióp của riêng ngành khai khoáng lại giảm từ 1.653 tỷ Won xuông 1509 tỷ Won còn ngành chế biến lại tăng từ 73 893 tỷ Won lên 177 737 tỷ Won trong cùng thời kỳ. Trong ngành năng lượng, năng lượng điện chiếm ưư thế với sản lượng ngày càng tăng trong khi sản lượng than lai có xu hướng giảm. Giá trị gia tăng hàng năm trong giai đoạn 1997 –2000 của ngành chế tạo đạt 6,9% cao hơn tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trong giai đoạn này (4%). Thương mại, dịch vụ đặc biệt phát triển thu hút ngày càng nhiều lao động. Tỷ lệ lao động trong ngành thương mại dịch vụ tăng từ 66% đến 70% tổng lượng lao động, trong khi tỷ lệ này ở ngành công nghiệp chế tạo lại giảm từ 23% xuống 19,5%. Kinh tế Hàn Quốc trong giai đoạn này tăng trưởng không ổn định. Tốc độ tăng GNP từ 1990 đến 1995 trung bình là 7,8 % nhưng trong hai năm 1992 và 1993 tốc độ tăng GNP chỉ đạt trên 5%. Năm 1997, 1998 Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở châu Á làm cho nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm : năm 1997 tốc độ tăng GNP thực tế là 4,9% năm 1998 ước tính GNP thực tế giảm 7%, tỷ lệ đầu tư trong nước chỉ còn 20,9% năm 1998, tỉ lệ tiêu dùng tư nhân giảm, tỷ lệ tăng vốn cố định âm. Chính phủ Hàn Quốc đã phải thực hiện nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn như:Vay khẩn cấp Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) 57 tỷ USD với những điều khoản ngặt nghèo, tiến hành cải cách mạnh mẽ, xây dựng kinh tế thị trường dân chủ, phá bỏ quyền lực của các nhà tài phiệt, coi trọng các công ty vừa và nhỏ, giảm sự can thiệp của nhà nước, chống câu kết chính trị-kinh doanh, mặt khác áp dụng chính sách “ thắt lưng buộc bụng” huy động quốc dân quyên góp tiền vàng ủng hộ chính phủ. Kết quả là Hàn Quốc thành công trong việc khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng. Nền kinh tế tăng trưởng trở lại.Song tốc độ tăng trưởng cũng không ổn định. Bảng 5: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc Năm 1990 1992 1995 1997 1998 2000 2001 2002 2003 2004 Tỷ lệ tăng trưởng(%) 9,6 5,0 9,3 4,9 -7 8,5 4,8 7 3,1 4,8 Nguồn: Bank of Korea Có thể nói nền kinh tế Hàn Quốc trong thời kì này đã mang những đặc điểm của một nước công nghiệp có trình độ phát triển cao với cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng hiện đại và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có phần chững lại sau một thời gian đạt tốc độ tăng trưỏng thần kì (1986-1988 : tăng trưởng trung bình trên 12%). Tuy nhiên nền kinh tế Hàn Quốc trong thời kì này đã khẳng định được vị thế của mình trước thế giới với tổng sản phẩm quốc dân xếp thứ 12 thế giới. Công nghiệp Hàn Quốc được biết đến bởi các ngành như: đóng tàu ( số 1 thế giới), điện tử ( thứ 4 thế giới ), ô tô (thứ 6 thế giới). Ngành dịch vụ Hàn Quốc đặc biệt tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Từ năm 1996, tỷ trọng dịch vụ đã chiếm trên 50%. Riêng ngành giải trí trong khoảng 5 năm trở lại đây có sự phát triển “ bùng nổ” được ví như một làn sóng. Nếu như vào năm 1997, thu nhập từ bán bản quyền phim, các chương trình truyền hình và dịch vụ nghe nhìn chỉ đạt 0,6 triệu USD thì đến năm 2000 nguồn thu này là 13,4 triệu USD năm 2004 đạt 55,7 triệu USD và đến năm 2005 tăng gấp đôi lên 126 triệu USD. Tổng nguồn thu của “xuất khẩu văn hoá” năm 2005 ước tính đạt 1 tỷ USD. Làn sóng văn hoá Hàn Quốc lan rộng khắp Châu Á kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác như: du lịch, thời trang, mỹ phẩm…Năm 2004, mỹ phẩm Hàn Quốc xuất sang Trung Quốc đạt 17 triệu USD, tăng 31,5% so với năm 2003. Hòn đảo nhỏ Nami thuộc tỉnh Kang Won-do đã thu hút hàng ngàn khách du lịch đến thăm sau khi bộ phim bản tình ca mùa Đông được trình chiếu, bởi đây chính là địa điểm thực hiện những cảnh quay lãng mạn trong bộ phim. Sự tăng trưởng của ngành dịch vụ trong thời gian này có đóng góp rất lớn từ phía các doanh nghiệp. KBS và MBC là hai hãng truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, hàng năm chi hàng triệu USD cho việc sản xuất các phim truyền hình. Quá trình làm phim được phối hợp hiệu quả giữa nhà làm phim và công ty du lịch. Hình thức quảng bá chuyên nghiệp và luôn đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trưòng quốc tế. Trang Wed của đài truyền hình KBS được trình bày bởi 10 thứ tiếng khác nhau giúp quảng bá hình ảnh đất nước đến nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Chính phủ Hàn Quốc trong thời gian này chú trọng vào việc kích thích tiêu dùng coi đây là đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Để kích thích tiêu dùng nội địa, chính phủ khuyến khích nhân nhân sử dụng thẻ tín dụng khi đi mua sắm. Trong chính sách và mục tiêu kinh tế mới mà tổng thống Roh Moo Hyun đề ra năm 2003 đã đưa ra mục tiêu biến Hàn Quốc thành một trung tâm thương mại, trung tâm kinh doanh của khu vực Đông Bắc Á. Trước sự phát triển của ngành giải trí cũng như sự lan toả của “làn sóng Hàn Quốc” Chính phủ Hàn Quốc xác định rõ, xuất khẩu văn hóa sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Hàn Quốc trong thế kỷ XXI này. Nó không chỉ đem về lợi ích về vật chất, mà cao hơn, nó còn làm tăng hình ảnh của Hàn Quốc trên trường quốc tế. Làn sóng Hàn Quốc là một trong những chiến lược phát triển văn hóa Hàn Quốc. Nhà nước đặt hàng và chi tiền cho các đài truyền hình làm phim, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá với các quốc gia. Ủng hộ và tham gia quảng bá cho các trào lưu văn hoá về điện ảnh âm nhạc-những lĩnh vực đang có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi. Có thể nhận thấy điều này ngay trong trang Wed của đại sứ quán Hàn Quốc, bên cạnh những mục giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử văn hoá, kinh tế, trang Wed còn dành hẳn một phần về “ làn sóng Hàn Quốc” trong đó đăng tải các thông tin về các ngôi sao điện ảnh, các bộ phim truyền hình, các Show ca nhạc…thật hiếm có trang Wed của một cơ quan Nhà nước lại làm được như vậy. III/NGUYÊN NHÂN THÀNH CÔNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM Có thể nói quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc gắn liền với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chính sự thành công của quá trình công nghiệp hoá đã làm cho tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng mạnh trong giai đoạn 1962-1979 và tiếp tục tăng cao trong giai đoạn 1980-1989 cùng với quá trình hiện đại đại hoá công nghiệp khiến cho sự phát triển của công nghiệp trong giai đoạn này gắn liền với các ngành công nghiệp có hàm lượng kĩ thuật công nghệ cao. Sự thành công của quá trình công nghiệp hoá đã tạo nên sự phát triển thần kì về kinh tế của Hàn Quốc, làm nên một “Kỳ tích sông Hàn” với thu nhập quốc dân đứng thứ 12 thế giới.Và từ 1990, cơ cấu nền kinh tế Hàn Quốc đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và giảm tỷ trọng các ngành sản xuất, mang đặc điểm của một nước công nghiệp hiện đại. Để đạt được những thành công trên, Chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò hết sức quan trọng thể hiện ở các khía cạnh sau: Một là, Chính phủ Hàn Quốc đã duy trì mạnh mẽ và định hướng dứt khoát mục tiêu tăng trưởng kinh tế thông qua chiến lược phát triển công nghiệp hướng ra xuất khẩu. Việc xác định dứt khoát mục tiêu tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng để huy động toàn bộ nguồn lực quốc gia, giúp chính phủ có thể hoạch định chính sách và các nhà kinh doanh có thể trù tính kế hoạch.Quan trọng hơn, vào thời kỳ nền kinh tế đang lâm vào trì trệ và tình trạng nghèo khổ lan rộng, thì quyết tâm tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa cấp thiết trong việc tranh thủ sự ủng hộ chung đối với chính phủ về chính sách kinh tế và các chính sách khác.Quyết tâm của chính phủ Hàn Quốc thể hiện trong các chính sách hỗ trợ triệt để cho phát triển công nghiệp như: cho phép khấu trừ hao hụt nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, cải cách hệ thống hỗ trợ xuất khẩu, tăng các khoản vay liên quan đến xuất khẩu hàng lâu bền, tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước… Trong giai đoạn đầu còn thực hiện bảo hộ sản xuất trong nước. Ngoài ra, hệ thống luật pháp và thể chế cũng dần hoàn thiện tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển công nghiệp: Năm 1973, chính phủ Hàn Quốc ra “ tuyên ngôn về công nghiệp hoá” và ban hành sắc lệnh về phát triển các ngành công nghiệp nặng và hoá chất. Luật thúc đẩy phát triển công nghệ được thực hiện từ năm 1972. Đến giai đoạn sau: Luật Đầu tư nước ngoài được xem xét lại , mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư(năm 1987). Hai là, sự uyển chuyển và thích nghi trong việc hoạch định chính sách. Chính phủ Hàn Quốc đã không chần chừ thừa nhận sai lầm và bắt tay vào sửa chữa, nhiều khi làm đảo lộn trật tự đã có và gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ. Chính nhờ sự phản ứng uyển chuyển và thích nghi nhanh, Hàn Quốc đã vượt qua được các cuộc khủng hoảng như hai cơn sốc dầu lửa, cơn sốc khủng hoảng kinh tế - tài chính cuối năm 1997 – 1998 … một cách khá thành công.Để đạt được thành công đó chính phủ Hàn Quốc đã theo đuổi mục đích tăng trưởng kinh tế một cách độc lập và không bị ràng buộc bởi bất cứ giá trị tôn giáo hay hệ tư tưởng nào. Sự uyển chuyển trong hoạch định chính sách còn thể hiện ở chiến lược cho phát triển công nghiệp trong từng thời kì của chính phủ Hàn Quốc: Tính từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1962-1966) cho đến nay, Hàn Quốc đã có gần mười kế hoạch phát triển kinh tế. Mỗi kế hoạch đều có một mục tiêu nhất định và một chính sách kinh tế nhất định, nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển phù hợp với giai đoạn đó. Chẳng hạn như kế hoạch 5 năm lần 1 nhằm tạo lập một cơ cấu kinh tế độc lập trên cơ sở tận dụng các nguồn lực bên trong, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là dầu mỏ. Còn kế hoạch 5 năm lần 2 (1966 – 1971) hướng vào hiện đại hoá cơ cấu kinh tế được xác lập nhằm tăng cường tính tự lực cánh sinh của nền kinh tế dân tộc. Trong thời kỳ đầu phát triển (những năm 1960 và 1970), do khu vực kinh tế tư nhân còn yếu, chính phủ đã thành lập một số công ty của nhà nước để dẫn dắt khu vực tư nhân phát triển, tạo việc làm cho người lao động, tạo điều kiện vay vốn nước ngoài …Hoặc khi cần bảo hộ các công ty trong nước, chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng chính sách thuế nhập khẩu, đồng thời trợ cấp việc trả lãi ngân hàng cho công ty. Nhưng khi công ty đủ mạnh, việc trợ cấp cũng bị bãi bỏ để tránh lạm phát cao, thuế nhập khẩu cũng bỏ từng phần, từng thời kỳ. Trong những năm gần đây, Hàn Quốc chú trọng phát triển các ngành dịch vụ mới nhiều tiềm năng như: du lịch, giải trí.Trong quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh việc giao lưu về kinh tế, Hàn Quốc chú trọng đến giao lưu văn hoá để quảng bá cho văn hoá dân tộc từ đó thu hút thêm nhiều khách du lịch và tạo điều kiện cho ngành giải trí của nước này vươn rộng trên thị trường thế giới. Sau một “Kỳ tích sông Hàn” về công nghiệp hoá, Giờ đây thế giới lại biết đến Hàn Quốc với khái niệm “Hallyu”- làn sóng Hàn Quốc- một “ làn sóng” về văn hoá. Như vậy, có thể tóm gọn lộ trình xây dựng kinh tế của Hàn Quốc trong 40 năm qua là : 10 năm xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp nhẹ, 10 năm công nghiệp hoá chất, 10 năm công nghiệp hoá có hàm lượng kĩ thuật cao, 10 năm tự do hoá và toàn cầu hoá. Ba là, mức độ hợp tác cao giữa chính phủ Hàn Quốc và giới kinh doanh. Chính phủ luôn coi giới kinh doanh là người cộng tác quan trọng, luôn tham khảo ý kiến giới kinh doanh hầu như về tất cả các chính sách quan trọng. Chính phủ cũng trao đổi dưới nhiều hình thức về các quan điểm và các thông tin với giới kinh doanh trong các cuộc họp, trong các cuộc thảo luận về các kế hoạch 5 năm và về các tài liệu liên quan đến các chính sách quan trọng khác.Giới kinh doanh thì đã tận dụng tối đa những tiếp xúc này để nhanh chóng địng hướng và gây ảnh hưởng đối với các nhà hoạch định chính sách. Sự hợp tác này dẫn tới sự phát triển chưa từng có của các Chaebol, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ và vươn rộng ra thị trường quốc tế. Nó đã tạo ra sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp Hàn Quốc, tuy nhiên cũng gây ra những hoạt động độc quyền , ảnh hưởng tới nền kinh tế và xã hội Hàn Quốc. Bốn là, chính phủ đã lựa chọn được nhữnh cán bộ lãnh đạo có tri thức và tận tâm đồng thời quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực kĩ thuật cao để phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vì vậy, ngay sau nội chiến, Hàn Quốc đã coi trọng đầu tư cho giáo dục. Từ năm 1953 đến năm 1963, tỷ lệ người biết chữ đã tăng từ 30% lên 80%, và đến nay đã tăng lên trên 90%. Cùng với sự phát triển kinh tế, mức quan tâm đầu tư của chính phủ gia tăng. Những năm 1960, chi phí giáo dục chiếm 9-10% tổng ngân sách nhà nước, năm 1980 là 21-25%. Năm 1991, số học sinh vào trung học và đại học đạt tỷ lệ cao tương ứng là 99,4% và 52,75%. Mặt khác, đồng thời với phát triển giáo dục, chính phủ còn thực hiện các chiến lược bổ trợ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để hỗ trợ nguồn kinh phí cho chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính phủ Hàn Quốc đã có các biện pháp đa dạng như: tận dụng sự viện trợ của nước ngoài, khai thác tiềm năng của các công ty tổ chức tư nhân, khơi dậy yếu tố truyền thống… để tạo động lực cho phát triển các khía cạnh của nguồn nhân lực. Hiện nay, trong khu vực Châu Á, trừ Nhật Bản, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ người biết chữ cao nhất (96,8%), trình độ học vấn tốt và là nước có chỉ số phát triển nguồn nhân lực HDI đạt mức cao trong khu vực và trên thế giới( năm 1990 là 0,804 và năm1997 là 0,852). Qua tìm hiểu quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Hàn Quốc, chúng ta có thể vận dụng những bài học kinh nghiệm thu được vào quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế ở nước ta hiện nay. Trước hết, chúng ta hiện nay đang tiến hành quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, đó cũng chính là con đường phát triển kinh tế của Hàn Quốc từ những năm 60 đến những năm 80 thế kỷ trước. Chúng ta cần học hỏi Hàn Quốc trên những phương diện sau: + Phải lựa chọ một con đường đi đúng đắn cho quá trình công nghiệp hoá, kiên định với đường lối đó nhưng phải uyển chuyển trong việc đề ra các chính sách trong từng thời kỳ. Cụ thể trong giai đoạn hiện nay chúng ta phải thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hội nhập. Tức là : phải thực hiện chính sách chiến lược hội nhập, khai thác triệt để lợi thế so sánh, phải tính đến cầu phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội. + Lựa chọn các ngành trọng điểm, ngành mũi nhọn. Sau đó phải có các biện pháp chính sách hỗ trợ tạo đà cho các ngành đó phát triển. Các ngành kinh tế trọng điểm là các ngành có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Ở Việt Nam, đó là : thứ nhất, nhóm các ngành làm nền tảng cho sự phát triển của các ngành khác: xi măng, sắt thép, dầu khí, xây dựng. Thứ hai, nhóm các ngành có tỷ trọng lớn: cơ khí, chế tạo; công nghệ thông tin; công nghệ cao. Thứ ba, nhóm các ngành phát huy lợi thế đất nước: khai thác, chế biến nông sản. Các ngành kinh tế mũi nhọn là những ngành có vai trò quyết định trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của đất nước trong tương lai. Các ngành này có tốc độ tăng trưởng cao, vượt trội; khai thác thế mạnh đất nước, tạo vị thế vững chắc và có tính cạnh tranh cao; có khả năng thay thế nhập khẩu hướng ra xuất khẩu. Các ngành kinh tế mũi nhọn của ta là: điện tử, tin học, dệt may, chế biến cây công nghiệp, khai thác-chế biến dầu khí, công nghệ sinh học, chế biến thuỷ hải sản. Để tạo điều kiện cho những ngành này phát triển chính phủ có thể trực tiếp đầu tư hoặc kích thích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng. Để kích thích được tư nhân tham gia đầu tư thì hệ thống luật pháp cần được kiện toàn, các chính sách ưu đãi phải thực sự thu hút. + Đầu tư cho giáo dục-đào tạo nhằm tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề, có trình độ khoa học kĩ thuật cao đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá đất nước. Đầu tư cho giáo dục phải cân đối giữa số lượng và chất lượng, giữa đạo tạo nghề và đào tạo về khoa học. Hiện nay, chúng ta cần phải chú trọng đến công tác đào tạo công nhân kĩ thuật cao, thực hiện chương trình “đại học đẳng cấp quốc tế” và cải cách giáo dục phổ thông. Ngoài ra, công tác xã hội hoá giáo dục cũng cần được quan tâm để làm sao kích thích được nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục; tạo sự liên kết giữa nhà trường và nhà tuyển dụng. + Chuyển dịch cơ cấu kinh tế không chỉ quan tâm đến sự phát triển công nghiệp. Ngay từ bây giờ chúng ta cũng phải quan tâm thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ. Đây là ngành kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao, đem lại nhiều lợi nhuận, là xu hướng mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn đối với nền kinh tế. Trong điều kiện chúng ta sẽ ra nhập tổ chức thương mại thế giới WTO thì các chính sách như bảo hộ, trợ cấp sẽ không được phép áp dụng. Để tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như ngay trong chính thị trường nội địa cần có sự kết hợp giữa các biện pháp doanh nghiệp và chính sách của Nhà nước. Trong giai đoạn đầu mới gia nhập WTO, Chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp về quảng bá, vay vốn, …nhưng về lâu dài cần phải tăng khả năng kinh tế của đất nước. Để làm được điều đó phải tiến hành hiệu suất hoá nền kinh tế, hiện đại hoá hệ thống tiền tệ, tạo điều kiện cho mọi người dân, mọi thành phần kinh tế tham giai vào quá trình phát triển nhằm ổn định chính trị - xã hội và mở rộng thị trường trong nước .Các doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức kinh doanh, phương thức quản lý, phải nhanh nhậy nắm bắt các thời cơ mới để giữ vững thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. TỔNG KẾT Trong khuôn khổ ngắn gọn, bài viết đã trình bày và phân tích quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Hàn Quốc từ 1962 đến nay. Quá trình này bao gồm 3 giai đoạn: 1962-1979: Giai đoạn tăng nhanh của tỷ trọng công nghiệp dựa trên các ngành công nghiệp có hàm lượng kĩ thuật thấp; Giai đoạn 1980-1989: Giai đoạn tỷ trọng công nghiệp tăng cao với sự đóng góp của các ngành có hàm lượng kĩ thuật cao; Giai đoạn 1990-2005: Giai đoạn điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại với sự tăng lên về tỷ trọng của ngành dịch vụ và sự giảm sút tỷ trọng các ngành sản xuất. Với sự lựa chọn kiên định ngay từ ban đầu là phát triển công nghiệp theo hướng xuất khẩu nhưng trong thời kỳ, Chính phủ Hàn Quốc lại chú trọng phát triển vào những ngành khác nhau và có sự uyển chuyển trong việc sử dụng chính sách trong các thời kỳ. Chính những chính sách hợp lý đó đã tạo điều kiện cho quá trình công nghiệp hoá diễn ra thuận lợi và thúc đẩy sự gia tăng tỷ trọng công nghiệp trong suốt 2 giai đoạn : 1962-1979 và 1980-1989. Khi đã thực hiện thành công quá trình công nghiệp hoá , nhận thấy được xu thế mới của các nền kinh tế phát triển, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu chú trọng đến phát triển thương mại, dịch vụ tạo điều kiện cho sự tăng trưởng của các lĩnh vực này trong những năm gần đây. Có thể nói Chính phủ Hàn Quốc có vai trò rất lớn đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước này. Từ những hành động, việc làm cụ thể từ phía chính phủ Hàn Quốc, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để vận dụng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ( cũng chính là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại ). Đây cũng chính là mục đích của nhóm khi lựa chọn đề tài. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 Điều chỉnh cơ cấu kinh tế ở Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia- Viện kinh tế thế giới NXB Chính trị Quốc gia, 2003 2 Giáo trình kinh tế phát triển-ĐH Kinh tế quốc dân NXB Lao động- xã hội, 2005 3 Hàn Quốc- câu chuyện về một con rồng NXB Chính trị Quốc Gia 2002 4 Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy Ban nghiên cứu Hàn Quốc học- NXB Thống kê 5 Niên giám thống kê 2004-Tổng cục Thống kê NXB Thống kê, 2005 6 Tạp chí Công nghiệp số tháng 5-2005 7 Wedside : http:// www.adb.org 8 Webside : 9 Webside : 10 Wedside : 11 Webside : 12 Webside : 13 Webside : 14 Webside của đài KBS trang Tiếng Việt MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc32230.doc
Tài liệu liên quan