Qua 9 năm thực hiện cơ chế khen thưởng thành tích xuất khẩu và được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu Việt Nam những năm qua đã tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên không thể áp dụng thưởng xuất khẩu lâu dài vì mặc dù thưởng xuất khẩu chưa đạt đến mức có thể coi là trợ giá nhưng trong một số lĩnh vực có thể sẽ tạo cơ sỏ để doanh nghiệp bị kiện bán phá giá như đã phân tích ở trên. Mặt khác hạn chế thưởng xuất khẩu là một xu thế của Việt Nam do sự ràng buộc của các hiệp ước thương mại quốc tế, trong đó buộc Chính phủ phải hạn chế sự can thiệp cũng như trợ giá cho DN.
Thưởng xuất khẩu có thể được coi là liều thuốc tạo động cơ cho các DN tăng xuất khẩu, nhưng chỉ là trong ngắn hạn. Xét về lâu dài, theo Bộ trưởng Tuyển, thay vì việc lấy tiền ngân sách để thưởng cho các DN, Việt Nam cần tạo ra một cơ chế chính sách tốt, đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm bớt các chi phí giao dịch để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN xuất khẩu.
30 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1722 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Cơ chế thưởng thành tích xuất khẩu của Việt Nam những năm qua, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
Mục lục………………………………………………………………………1
Lời nói đầu…………………………………………………………………..2
Nội dung……………………………………………………………………..3
Chương 1: Mô tả tình huống………………………………………………...3
1.1. Cơ chế thưởng thành tích xuất khẩu…………………………………….3
1.2. Thực trạng khen thưởng thành tích xuất khẩu những năm qua…………6
Chương 2: Phân tích tình huống……………………………………………..9
2.1. Thưởng xuất khẩu: liều thuốc tạo động cơ cho các doanh nghiệp tăng xuất khẩu…………………………………………………………………….9
2.2. Phản ứng của các doanh nghiệp……………………………………….10
2.3. Vấn đề tiền thưởng xuất khẩu…………………………………………11
2.4. Một số doanh nghiệp được thưởng thành tích xuất khẩu……………...13
2.4.1. LAFOOCO được thưởng “THÀNH TÍCH XUẤT KHẨU XUẤT SẮC NĂM 2005”………………………………………………………………...13
2.4.2. Công ty Donafoods: đơn vị duy nhất của ngành điều Việt Nam được thưởng thành tích xuất khẩu 8 năm liền của Bộ Thương mại……………...13
Chương 3: Bài học kinh nghiệm hoặc giải pháp kiến nghị………………...14
Kết luận…………………………………………………………………….19
Tài liệu tham khảo………………………………………………………….20
LỜI NÓI ĐẦU
Năm 2007 là năm Việt Nam có nhiều chuyển biến đáng kể về mọi mặt mà quan trọng nhất là việc Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Việc gia nhập WTO đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải cam kết xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu kể từ ngày gia nhập. Thưởng thành tích xuất khẩu là một trong những hình thức trợ cấp xuất khẩu mà WTO cấm sử dụng. Việt Nam còn là một nước nghèo nàn lạc hậu, kém phát triển, do đó các hình thức trợ cấp xuất khẩu mà chính phủ đưa ra áp dụng cho các doanh nghiệp có tác dụng kích thích xuất khẩu nhằm mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Tuy thưởng xuất khẩu là một hình thức động viên các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng nhìn lại 9năm thực hiện cơ chế thưởng thành tích xuất khẩu mới thấy rõ được tính cần thiết của thưởng xuất khẩu những năm qua. Mức thưởng thành tích xuất khẩu tuy không lớn nhưng thực tế những năm qua cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng rõ rệt. Nếu trước đây, năm 1990 kim ngạch xuất khẩu chúng ta đạt 2,4 tỷ USD thì nay chỉ trong 1 tháng chúng ta đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD.
Vì vậy em chọn đề tài “Cơ chế thưởng thành tích xuất khẩu của Việt Nam những năm qua” để tìm hiểu rõ hơn về tác động của cơ chế này đến sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu Việt Nam và những mặt tích cực, hạn chế của cơ chế này.
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: MÔ TẢ TÌNH HUỐNG
1.1. Cơ chế thưởng thành tích xuất khẩu
Ngày 02 tháng 1 năm 2002 Bộ thương mại đã ra quyết định số 02/2002/QĐ-BTM về việc ban hành quy chế xét thưởng thành tích xuất khẩu. Thưởng xuất khẩu thực chất là một trong những công cụ trợ cấp xuất khẩu của Việt Nam để kích thích, thúc đẩy sản xuất phát triển. Những mặt hàng xuất khẩu đề nghị xét thưởng xuất khẩu là những mặt hàng Nhà nước không cấm xuất khẩu (trừ mặt hàng dầu thô, hàng xuất khẩu theo hạng ngạch, chỉ tiêu được phân giao theo các hợp đồng Chính phủ). Kim ngạch xuất khẩu tính theo trị giá FOB xuất khẩu chính ngạch và xuất khẩu tiểu ngạch (không tính trị giá hàng tạm nhập, tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng đổi hàng trong trường hợp có quy định riêng). Cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình (thương nhân) được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam có thành tích xuất khẩu trực tiếp đạt tiêu chuẩn quy định tại đều được xét khen thưởng theo Quy chế này.
Tiêu chuẩn xét khen thưởng:
a) Xuất khẩu mặt hàng (hoặc một chủng loại mặt hàng) sản xuất tại Việt Nam mà lần đầu tiên xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, được bổ sung vào danh mục hàng xuất khẩu của Việt Nam (không phải là mặt hàng hoặc chủng loại mặt hàng mà lần đầu tiên thương nhân xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài) và/hoặc lần đầu tiên xuất khẩu ra thị trường xuất khẩu mới (một hoặc nhiều thị trường mới đối với một mặt hàng hoặc một chủng loại mặt hàng) có hiệu quả với kim ngạch đạt từ 100.000 USD/năm trở lên. Riêng đối với các tỉnh miền núi, hải đảo kim ngạch đạt từ 50.000 USD/năm trở lên. Thành tích về mặt hàng nào tính riêng cho mặt hàng đó, không tính gộp kim ngạch nhiều mặt hàng của thương nhân để xét thưởng.
b) Xuất khẩu có hiệu quả với tổng kim ngạch xuất khẩu của thương nhân năm sau cao hơn năm trước theo mức quy định, trước mắt áp dụng mức tăng trưởng là 20%, và mức tăng tuyệt đối phải đạt từ 400.000 USD trở lên, riêng miền núi, hải đảo là 15% và mức tăng tuyệt đối từ 200 USD trở lên.
c) Các mặt hàng xuất khẩu có chất lượng cao được huy chương tại triển lãm, hội chợ quốc tế tổ chức ở nước ngoài hoặc được các tổ chức quốc tế về chất lượng hàng hoá cấp chứng chỉ hoặc xác nhận bằng văn bản.
d) Xuất khẩu mặt hàng được gia công, chế biến bằng nguyên vật liệu trong nước chiếm 60% trị giá trở lên hoặc mặt hàng sản xuất thu hút nhiều lao động theo quy định hiện hành của Nhà nước như: hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông, lâm, thuỷ hải sản, hàng may mặc, giầy dép…, với mức kim ngạch xuất khẩu của thương nhân về những loại hàng này đạt từ 10 triệu USD/năm trở lên. Riêng đối với hàng thủ công mỹ nghệ, hàng hoa quả, thịt lợn từ 3 triệu USD/năm trở lên.
e) Xuất khẩu các mặt hàng ngoài hạn ngạch, ngoài chỉ tiêu được phân giao đạt kim ngạch từ 50 triệu USD/năm trở lên.
Hình thức khen thưởng và mức khen thưởng:
- Thương nhân đạt tiêu chuẩn a) được thưởng 1% kim ngạch xuất khẩu tính bằng tiền Việt Nam trên trị giá FOB, theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tại thời điểm xét thưởng, nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng Việt Nam cho một trường hợp.
- Thương nhân đạt tiêu chuẩn b); d) và e) được xét xếp hạng theo từng tiêu chuẩn chia theo nhóm hàng và cứ mỗi tiêu chuẩn chọn 10 thương nhân có thành tích cao nhất để thưởng với mức từ 50 - 100 triệu đồng cho mỗi thương nhân về một tiêu chuẩn. Những thương nhân còn lại được thưởng khuyến khích với mức thấp hơn, nhưng mức thưởng không quá 50% mứa thấp nhất của 10 thương nhân có thành tích cao nhất.
- Thương nhân đạt tiêu chuẩn c) được thưởng 40 triệu đồng cho mỗi trường hợp nhận được huy chương hoặc văn bằng xác nhận chất lượng hàng hoá.
- Trong trường hợp thương nhân đạt được nhiều tiêu chuẩn thì mỗi tiêu chuẩn được xét thưởng riêng, nhưng tổng mức tiền thưởng tối đa không vượt quá 300 triệu đồng.
- Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thành tích khen thưởng được tính chung cho các tiêu chuẩn gộp lại.
Thương nhân đề nghị xét thưởng gửi hồ sơ đến Bộ Thương mại gồm những văn bản sau:
+) Tiêu chuẩn a)
- Báo cáo thành tích xuất khẩu của thương nhân.
- Giải trình cụ thể về quy trình công nghệ kỹ thuật để sản xuất mặt hàng mới (có ảnh hoặc mẫu sản phẩm kèm theo).
- Hợp đồng xuất khẩu và bản sao các tờ khai hải quan chứng minh chính xác, đầy đủ trị giá lô hàng xuất khẩu đề nghị xét thưởng.
- Báo cáo hiệu quả xuất khẩu được tính toán trên cơ sở từng mặt hàng cụ thể đề nghị xét thưởng. Tiêu thức chủ yếu để xác định hiệu quả là việc xuất khẩu mặt hàng đó thu được đủ vốn, có lãi (là mức thực lãi từ việc xuất khẩu sau khi đã trừ tổng chi phí, các khoản chi sau thuế... cho việc xuất khẩu loại hàng đó).
+) Tiêu chuẩn c):
- Đơn đề nghị khen thưởng và bản sao giấy chứng nhận hoặc văn bản chứng nhận về chất lượng hàng hoá.
+) Tiêu chuẩn b); d) và e):
- Báo cáo thành tích của thương nhân.
- Báo cáo xuất khẩu mặt hàng/nước hàng năm của thương nhân (theo mẫu của Tổng cục Thống kê đã ban hành. Nếu là tiêu chuẩn b) thì gửi thêm báo cáo thực hiện của năm trước). Trường hợp thương nhân đề nghị xét thưởng từ hai tiêu chuẩn trở lên cũng chỉ gửi một báo cáo.
- Báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của thương nhân.
+) Đối với hàng đổi hàng: Thương nhân gửi đơn đề nghị Bộ Thương mại xác nhận.
+) Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
- Báo cáo cụ thể tình hình thực hiện nghĩa vụ xuất khẩu đã ghi trong giấy phép đầu tư có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp (khu công nghiệp, UBND tỉnh, thành phố…).
- Bản sao giấy phép đầu tư.
1.2. Thực trạng khen thưởng thành tích xuất khẩu các năm qua.
Biện pháp hỗ trợ XK thông qua hình thức thưởng thành tích XK và thưởng theo kim ngạch XK đã được Bộ Thương mại thực hiện từ năm 1998 nhằm khuyến khích các thương nhân (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) đẩy mạnh hoạt động XK hàng hoá VN ra thị trường thế giới.
Từ 66 DN được khen thưởng năm đầu với tổng số tiền chỉ vẻn vẹn 4,685 tỉ đồng, cho tới năm 2004, số DN được thưởng đã lên tới 349 với số tiền thưởng là 29,408 tỉ đồng, trong đó có 110 DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, bà Hồ Sơn Nga - chuyên viên cao cấp của Vụ XNK Bộ Thương mại - nhận định: Với số lượng DN tham gia hoạt động XNK tới hơn 16.000 DN (trong năm 2004) thì số lượng DN được thưởng như trên quá nhỏ nhoi.
Được biết, khoản trợ cấp để thúc đẩy XK đã một thời phát huy tác dụng đẩy nhanh hàng hoá VN ra thương trường quốc tế là khoản tiền thưởng theo kim ngạch XK của Bộ Tài chính dành riêng cho các mặt hàng gạo, càphê, thịt lợn, rau quả hộp trong năm 2001. Khi đó, cứ XK gạo được mỗi USD thì DN được thưởng 180 đồng. Tương tự, XK càphê được thưởng 220đ/USD; lợn sữa XK là 280đ/USD; rau hộp XK 400đ/USD; quả hộp XK 500đ/USD.
Năm 2002, lượng hàng XK được hưởng chính sách thưởng theo kim ngạch XK đã tăng lên tới 13 mặt hàng: Gạo, càphê, thịt lợn, rau quả, chè, lạc nhân, hạt tiêu, điều... Khoản tiền thưởng rất đáng kể đã tạo động lực cho các thương nhân đẩy mạnh hoạt động XK, đẩy nhanh kim ngạch XK của VN.
Đến năm 2003, quy chế thưởng XK của Bộ Thương mại chỉ cho phép thưởng đối với phần kim ngạch XK năm 2003 vượt so với năm 2002 với mức 1.000đ/USD đối với các mặt hàng thịt lợn các loại, rau quả, chè, thịt gia súc, gia cầm..., các mặt hàng còn lại nếu vượt kim ngạch của năm trước được thưởng 300đ/USD.
Đến năm 2005, khoản tiền thưởng kim ngạch XK vượt năm 2004 chỉ còn ở mức từ 100 - 200đ/USD và hình thức thưởng kim ngạch XK đã bị bãi bỏ từ năm 2006.
Tổng số tiền khen thường thành tích xuất khẩu năm 2004 lên đến 29 tỷ 408 triệu đồng, tăng 50,6% so với năm 2003.
Theo quy định, để được khen thưởng, các doanh nghiệp phải đạt 1 trong 5 tiêu chuẩn: mặt hàng mới, thị trường mới (1); tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao (2); chất lượng xuất khẩu (3); xuất khẩu các hàng hoá khuyến khích sản xuất bằng nguyên liệu trong nước và thu hút nhiều lao động (4); quy mô kim ngạch xuất khẩu lớn (5).
Năm 2004, có 35 doanh nghiệp được thưởng theo tiêu chí thứ 1; 305 doanh nghiệp đạt tiêu chí thứ 2; 79 doanh nghiệp theo tiêu chí thứ 3; 112 doanh nghiệp theo tiêu chí thứ 4 và 21 doanh nghiệp theo tiêu chí thứ 5.
Đặc biệt, trong 299 doanh nghiệp Việt Nam được khen thưởng có 10 doanh nghiệp đạt 4/5 tiêu chí, 36 doanh nghiệp đạt 3/5 tiêu chí và 71 doanh nghiệp đạt 2 tiêu chí.
Năm 2004, nước ta xuất khẩu đạt 26,05 tỷ USD tăng 31,8% so với năm 2003. Theo nhận định của Bộ Thương mại, đây là một kết quả đáng khích lệ trong hoàn cảnh thị trường còn nhiều biến động và giá cả một số mặt hàng đầu vào tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại.
Việc khen thưởng xuất khẩu được Bộ Thương mại tiến hành từ năm 1998, số doanh nghiệp và số tiền khen thưởng đều tăng nhanh qua mỗi năm theo sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung cả nước.
Năm 1998, 66 doanh nghiệp khen thưởng với số tiền 4,685 tỷ đồng; năm 1999 có 106 doanh nghiệp và 6,210 tỷ đồng; năm 2000 tăng lên 158 doanh nghiệp với 10,595 tỷ đồng; năm 2001 là 196 doanh nghiệp khen thưởng 12,744 tỷ đồng; năm 2002 có 222 doanh nghiệp với 16,368 tỷ đồng và năm 2003 là 232 doanh nghiệp với 19,532 tỷ đồng tiền thưởng.
Xã hội rất cần những hoạt động để ghi nhận và tôn vinh ngành xuất khẩu và các doanh nghiệp làm xuất khẩu, không chỉ mang về cho đất nước nguồn ngoại tệ to lớn mà còn làm rạng danh các sản phẩm, thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Năm nay, dưới sự ủng hộ của Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan và Bộ Văn hoá Thông tin, Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Giải thưởng Xuất khẩu Việt Nam. Các công ty được giải thưởng là những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu được các đại diện của Cục Xúc tiến thương mại, Tổng cục Hải quan, Ban biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam bầu chọn. Họ không chỉ là những doanh nghiệp mạnh mà còn là đối tác kinh doanh quốc tế tin cậy và giàu tiềm năng.
Cơ sở để lựa chọn những doanh nghiệp được tặng thưởng là danh sách các doanh nghiệp được giải thưởng hàng năm của Bộ Thương mại, số liệu về doanh số xuất khẩu của các công ty do Tổng cục Hải quan Việt Nam cung cấp, thông tin các ấn phẩm của Thời báo Kinh tế Việt Nam thu thập được trong qua trình tác nghiệp nhiều năm qua và tư vấn của các nhà kinh tế.
Giải thưởng xem xét những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có doanh số từ trên 100 triệu Đôla Mỹ. Hình thức công ty (công ty Nhà nước, công ty có yếu tố đầu tư nước ngoài hay công ty tư nhân) không ảnh hưởng đến quá trình xét thưởng, nhưng chúng tôi không xem xét những công ty được chỉ định xuất khẩu một mặt hàng nhất định hay những công ty mà theo thông tin chúng tôi có được vi phạm pháp luật Việt Nam.
Giải thưởng cũng ghi nhận nỗ lực của các nhà xuất khẩu trong quá trình phát hiện thị trường mới. Trong 5 năm 2000-2004, Công ty Liên doanh Tỷ Hùng đã xuất khẩu sản phẩm giầy Puma tới hơn 54 quốc gia và vùng lãnh thổ; mỗi năm công ty phát triển từ 10 đến 18 thị trường mới.
Nỗ lực đạt được mức tăng trưởng cao về doanh số xuất khẩu cũng là một nhóm giải thưởng quan trọng. Đáng chú ý là trong số các công ty được xét giải, công ty yếu nhất cũng có mức tăng trưởng doanh thu xuất khẩu trung bình trong 5 năm qua là 470%/năm và công ty có mức tăng trưởng trung bình cao nhất đạt tới 1234%/năm.
Các doanh nghiệp, dù được giải hay mới chỉ nằm trong vòng xét tuyển, cũng vui mừng với sự ghi nhận nỗ lực kinh doanh này của họ và cho rằng sự phát triển doanh số xuất nhập khẩu là một quá trình phấn đấu lâu dài. Ông Vũ Anh, Tổng giám đốc Intimex, cho biết thành công trong công tác xuất nhập khẩu của công ty là kết quả của cả một quá trình liên hệ và hợp tác với các đối tác ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Còn công ty Camimex thì cho rằng việc họ được chọn vào nhóm các doanh nghiệp được xét thưởng đã phản ánh nỗ lực của họ trong việc đảm bảo chất lượng cao cho những sản phẩm xuất khẩu và việc ứng dụng hoàn chỉnh, nghiêm ngặt các quy trình quản lý chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra thương nhân có thành tích xuất khẩu vượt kim ngạch (đối với 13mặt hàng) được thưởng bằng tiền tính trên trị giá kim ngạch xuất khẩu năm 2005 vượt so với năm 2004 theo mức sau:
STT
Mặt hàng
Mức thưởng
1
Thịt các loại
200 đồng/USD
2
Rau quả các loại
200 đồng/USD
3
Chè các loại
200 đồng/USD
4
Cá tra, cá basa, tôm
200 đồng/USD
5
Gạo các loại
- Gạo
- Các sản phẩm chế biến từ gạo
100 đồng/USD
200 đồng/USD
6
Cà phê các loại
- Cà phê nhân
- Cà phê chế biến
100 đồng/USD
200 đồng/USD
7
Hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre lá
100 đồng/USD
8
Lạc nhân
100 đồng/USD
9
Hạt tiêu
100 đồng/USD
10
Hạt điều (đã qua chế biến)
100 đồng/USD
11
Đồ nhựa
100 đồng/USD
12
Hàng cơ khí
100 đồng/USD
13
Sản phẩm gỗ
100 đồng/USD
Thưởng xuất khẩu năm 2002 chỉ đạt khoảng 16,3 tỷ đồng cho hơn 220 DN trong nước và nước ngoài. Tổng thưởng xuất khẩu năm 2003 đạt cao như vậy là do tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt trên 20 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước đó.
Ông Phan Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại cho biết, năm 2003, có 14 nhóm mặt hàng thưởng xuất khẩu, bao gồm thịt lợn, rau quả, chè, thịt gia súc - gia cầm, gạo, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng mây tre lá, cà phê, lạc nhân, hạt tiêu, điều, đồ nhựa, cơ khí và cá basa. Trong đó cá basa là mặt hàng mới được bổ sung vào nhóm mặt hàng thưởng xuất khẩu khi thị trường Mỹ sụt giảm vì vụ kiện chống phá giá của Mỹ.
Các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, nếu có sản phẩm xuất khẩu thuộc nhóm mặt hàng nói trên và có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2003 cao hơn năm 2002 sẽ đạt tiêu chuẩn xét thưởng. Riêng mặt hàng gạo, cà phê, tiêu và điều qua chế biến cần thêm điều kiện về số lượng.
Ông Thắng cho biết kim ngạch xuất khẩu gạo phải trên 500.000USD (trước đây Bộ Thương mại đưa yêu cầu phải trên 1 triệu USD), cà phê trên 500.000 USD; trong khi đó tiêu và điều qua chế biến phải trên 100.000 USD mới đủ điều kiện xét thưởng. Mức thưởng là 300 đồng cho 1 USD xuất khẩu, riêng mặt hàng thịt lợn, gia súc - gia cầm, rau quả các loại và chè mức thưởng là 1.000 đồng cho 1 USD xuất khẩu.
CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG
2.1. Thưởng xuất khẩu: liều thuốc tạo động cơ cho các doanh nghiệp tăng xuất khẩu.
Với cơ chế thưởng, Chính phủ muốn tôn vinh và khuyến khích DN tăng cường xuất khẩu.
Thưởng xuất khẩu trên thế giới:
Chính sách thưởng xuất khẩu đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới với những mục tiêu khác nhau. Mỹ đã từng sử dụng thưởng tiền mặt như một hình thức trợ giá để nông sản xuất khẩu của Mỹ có thể cạnh tranh với nông sản của châu Âu. Phản ứng của châu Âu là cũng trợ giá cho nông sản. Cuộc đấu này, cả bằng tiền bạc và bằng khẩu ngữ, đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Pakistan đã nổi tiếng với cơ chế thưởng hạn ngạch nhập khẩu cho các DN xuất khẩu, với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại và thâm hụt ngoại hối. Các phiếu thưởng hạn ngạch nhập khẩu có giá trị chuyển nhượng trên thị trường và có khi lên đến gấp đôi mệnh giá. Điều này mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho các DN xuất khẩu, đặc biệt vào những thời điểm việc nhập khẩu bị kiểm soát gắt gao.
Thưởng xuất khẩu ở Việt Nam:
Thưởng xuất khẩu đã được Bộ Thương mại áp dụng từ năm 2001. Mức thưởng đạt đến cao nhất trong năm 2004, với gần 30 tỷ đồng. Điều này dễ hiểu vì năm 2004 kim ngạch xuất khẩu lên đến gần 30 tỷ USD và đạt kỷ lục về tốc độ tăng trưởng 30%. Tuy nhiên, so sánh hai con số trên thì đủ thấy thưởng xuất khẩu ở Việt Nam hoàn toàn không mang tính chất trợ giá.
Không phải ngành hàng xuất khẩu nào cũng được thưởng. Quy chế thưởng của Bộ Thương mại thể hiện rất rõ định hướng khuyến khích của Chính phủ vào tăng trưởng xuất khẩu không chỉ theo số lượng mà còn theo chiều sâu, với các mặt hàng và thị trường chiến lược, cũng như các mặt hàng và thị trường mới.
Qua số liệu xuất khẩu các năm, chúng ta vui mừng thấy tăng trưởng không chỉ ở số lượng mà cả về giá trị. Nhiều ngành hàng đã có giá trị gia tăng cao hơn. Kết quả này do nhiều nguyên nhân như tình hình kinh tế thế giới, nỗ lực của DN, chính sách của Chính phủ v.v..., trong đó không thể phủ nhận vai trò đóng góp của thưởng xuất khẩu.
Xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 50% tổng Giá trị sản phẩm quốc gia (GDP), điều này cho thấy xuất khẩu có vai trò lớn như thế nào đối với nền kinh tế quốc gia. Hơn nữa, vai trò đó không chỉ giới hạn ở những đồng ngoại tệ mang về mà còn ở những đóng góp cho xã hội như giải quyết công ăn việc làm, tăng cường vị thế của Việt Nam trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc hội nhập kinh tế của quốc gia. Thưởng xuất khẩu là tôn vinh sự đóng góp cho xã hội bên cạnh đóng góp kinh tế của DN xuất khẩu.
Với mức thưởng bình quân khoảng 80-90 triệu đồng cho mỗi DN được thưởng, tuy không nhiều nhưng có thể phần nào bù dấp các chi phí của DN trên con đuờng vượt qua
2.2. Phản ứng của các doanh nghiệp
Được thưởng xuất khẩu là điều vinh dự, tuy nhiên đây không hoàn toàn là điều DN trông chờ khi tham gia xuất khẩu. Mỗi DN làm ra sản phẩm đều phải tìm cách tiêu thụ. Xuất khẩu là tất yếu đối với một nền kinh tế hội nhập, đặc biệt khi sức mua của thị trường trong nước còn thấp. Tuy nhiên bán hàng ra nước ngoài không phải là chuyện đơn giản, khi các DN Việt Nam nhỏ bé và bỡ ngỡ với thị trường quốc tế lại phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh khổng lồ và dày dạn mưu lược thương trường.
Nếu các DN không đủ sức để tìm kiếm thị trường hay xúc tiến thương mại, đây là lĩnh vực mà họ thực sự cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ. Có bao nhiêu DN xuất khẩu thừa nhận rằng họ hài lòng về công tác xúc tiến thương mại quốc gia? Chắc chắn là không nhiều. DN vẫn phải tự thân vận động, trong khi chương trình quảng bá mang tầm cỡ quốc gia thì nghèo nàn, quanh đi quẩn lại chỉ là những hội chợ, tổ chức ngày Việt Nam ở nước ngoài v.v..., và những hoạt động cứ như thế lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán.
Chính phủ Thái Lan mỗi năm đều tổ chức chương trình quảng bá hình ảnh ở Việt Nam. Các chương trình này được tổ chức khá bài bản và rầm rộ ở Hà Nội và TP.HCM nhằm quảng bá thương hiệu Thái Lan, từ đó thu hút rất đông người tiêu dùng. Một quan chức xúc tiến thương mại ở TP.HCM đã tỏ ra thán phục các chiêu quảng bá của chính phủ Thái Lan và nhận định rằng Việt Nam khó sánh kịp với họ.
Các cuộc khảo sát DN đều cho thấy một trong những khó khăn hàng đầu của DN là thị trường và thông tin. Giá cả cũng là yếu tố quan trọng, nhưng chưa bao giờ đặt lên quan trọng hàng đầu. Từ đó, có thể thấy những thứ mà DN cần hơn thưởng xuất khẩu.
Trên thế giới, các chương trình trợ giá xuất khẩu của Chính phủ đều bị bạn hàng nước ngoài phản đối. Tuy thưởng xuất khẩu ở Việt Nam hiện chưa đạt đến mức có thể coi là trợ giá, nhưng trong một số lĩnh vực có thể sẽ tạo cơ sở để DN bị kiện bán phá giá. Vì vậy thưởng xuất khẩu sẽ không phải biện pháp hỗ trợ về lâu về dài.
Theo Bộ Thương mại, biện pháp thưởng xuất khẩu trong năm 2005 sẽ bị hạn chế, mặc dù tổng giá trị thưởng có thể tăng lên. Chỉ một số lĩnh vực được tham gia với yêu cầu cao hơn. Bộ cho rằng cơ hội xuất khẩu đang mở ra với nhiều DN, nên thưởng xuất khẩu chỉ ưu tiên cho những thành tích cao và thực sự xứng đáng. Trên thực tế thì điều kiện xuất khẩu năm nay vẫn hết sức khó khăn do với chế độ quota và luật bán chống phá giá áp lên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
2.3. Vấn đề tiền thưởng xuất khẩu
Bộ Thương mại luôn tổ chức thưởng xuất khẩu hằng năm, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, xuất khẩu mặt hàng mới chất lượng cao. Tuy nhiên, hầu như năm nào các doanh nghiệp cũng chậm nhận được tiền thưởng, khiến họ bị động trong việc lên kế hoạch kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp phàn nàn, mặc dù việc trao thưởng thường được tiến hành vào khoảng giữa tháng 9 (từ 13 đến 20/9), nhưng phải đến gần hết năm sau họ mới "cầm" được tiền thưởng năm trước. Điển hình như đến tháng 1 năm nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền thưởng vượt kim ngạch xuất khẩu của năm 2003. Tình trạng này dẫn đến nhiều "bị động" cho doanh nghiệp trong việc hoạch định kế hoạch tài chính năm.
Trong hai năm 2001-2002, Thủ tướng Phan Văn Khải đã cho phép áp dụng chính sách thưởng kim ngạch xuất khẩu. Đến năm 2003, chính sách này đã được thay đổi theo hướng gắn với thành tích xuất khẩu. Tức là chỉ doanh nghiệp nào có kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng được thưởng vượt so với năm 2002 mới được xét thưởng.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính vừa thống nhất sẽ không thực hiện chính sách thưởng vượt kim ngạch xuất khẩu năm 2004 so với năm 2003 cho các doanh nghiệp có thành tích. Lý giải cho quyết định này, các chuyên gia liên bộ cho rằng, năm ngoái hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra trong bối cảnh kinh tế thương mại trên thế giới đang trên đà hồi phục, kinh tế trong nước tiếp tục phát triển thuận lợi, nguồn hàng xuất khẩu khá dồi dào dẫn đến thị trường xuất khẩu nhìn chung không gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, năm nay, Hội đồng xét thưởng xuất khẩu Bộ Thương mại dự kiến sẽ chỉ thưởng cho các doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí: Tìm được mặt hàng mới hoặc chủng loại mặt hàng mới; Lần đầu tiên xuất khẩu ra thị trường nước ngoài hoặc thị trường đầu tiên nhập khẩu hàng VN sản xuất năm 2004.
Thời điểm trao thưởng xuất khẩu năm nay sắp tới, song nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết được quy chế mới này. Giám đốc Công ty thực phẩm thủy sản Nha Trang (Nhatrang Seafoods) Ngô Văn Ích tỏ ra rất ngạc nhiên khi trao đổi với VnExpress: "Chúng tôi nhận được tiền thưởng vượt xuất khẩu năm 2003 chỉ mới vài tháng trước, có thông tin là Bộ Thương mại đang xét thưởng cho năm 2004. Bây giờ lại ngưng?".
Mặc dù lấy làm tiếc vì "mất" khoản tiền "boa" này, nhưng ông Ích khẳng định rằng mọi hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường. "Khoản tiền thưởng này của Nhatrang Seafood chỉ khoảng 100 triệu đồng/năm nên có tác dụng khuyến khích công ty cố gắng phấn đấu cho năm sau mà thôi", ông Ích giải thích. Theo ông, không có tiền thưởng cũng không có nghĩa là doanh nghiệp sẽ hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) thì "trông chờ" vào khoản tiền thưởng cho những doanh nghiệp mở rộng thị trường mới, sản phẩm mới... của Bộ Thương mại. "Đã đành thưởng vượt kim ngạch xuất khẩu sẽ động viên doanh nghiệp kinh doanh cho năm tới, nhưng nếu không có khoản này thì vẫn còn những hình thức thưởng khác như mở thị trường mới chẳng hạn", ông Hậu nói thêm.
Hàng năm, Agifish được Bộ Thương mại thưởng cho thành tích xuất khẩu, mở rộng thị trường trung bình 200-300 triệu đồng. Nếu cộng cùng với mức thưởng vượt kim ngạch xuất khẩu nữa thì số tiền thưởng sẽ tròm trèm nửa tỷ, tùy theo thành tích mỗi năm. Con số này cho thấy việc Bộ Thương mại không thưởng vượt thành tích xuất khẩu nữa đã khiến nhiều doanh nghiệp thất thu không ít.
Đại diện Công ty Thực phẩm Miền Bắc cũng cho biết, việc thưởng thành tích xuất khẩu là một cách động viên doanh nghiệp để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, nếu năm nay Bộ không thưởng vượt kim ngạch xuất khẩu thì công ty vẫn phải sản xuất để đảm bảo công việc kinh doanh tiến triển thuận lợi. Dù không thưởng vượt kim ngạch xuất khẩu nhưng Bộ Thương mại vẫn thưởng thành tích xuất khẩu dựa trên các tiêu chí khác. Do vậy, Công ty Thực phẩm Miền Bắc cũng hy vọng sẽ được xét thưởng lần này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ vẫn có cơ hội nhận được tiền thưởng vượt thành tích xuất khẩu của năm 2005 so với năm 2004. Bộ Thương mại cho rằng, khác với năm ngoái, xuất khẩu hàng hoá trong năm 2005 lại diễn ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi. Bên cạnh sự tăng trưởng chậm chạp và bất ổn của một số khu vực trên thế giới, sản xuất hàng hoá xuất khẩu trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Thời tiết không thuận lợi do nắng nóng, hạn hán cộng với thiếu điện, thiếu nước đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất công nghiệp, nguồn hàng xuất khẩu hạn chế, giá thành sản xuất tăng làm cho sức cạnh tranh của hàng hoá không cao... Trong khi đó, yêu cầu tăng trưởng xuất khẩu lại là trên 20% nhằm đảm bảo cho sự tăng trưởng chung 8,5% GDP cả năm 2005.
Từ thực tế này, Bộ Thương mại đã đề nghị Thủ tướng Phan Văn Khải cho phép tiếp tục thực hiện thưởng vượt kim ngạch xuất khẩu năm 2005 so với năm 2004. Việc xét thưởng sẽ được tiến hành theo hướng: Giảm mức thưởng đối với các mặt hàng nông sản xuất thô thuần tuý so với mức thưởng các sản phẩm chất lượng cao hoặc đã qua chế biến để khuyến khích việc nâng cao giá trị xuất khẩu theo chiều sâu.
Đối với một số nhóm hàng có phạm vi rộng như hàng cơ khí, rau quả, Bộ Thương mại sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể những mặt hàng được xét thưởng, mặt hàng nào không thuộc diện xét thưởng để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo tính toán, khi thực hiện việc thưởng này, ngân sách sẽ phải chi thêm khoảng trên 150 tỷ đồng.
2.4. Một số doanh nghiệp được thưởng thành tích xuất khẩu
2.4.1. LAFOOCO được thưởng “THÀNH TÍCH XUẤT KHẨU XUẤT SẮC NĂM 2005”
Khắc phục những khó khăn chung của ngành điều Việt Nam năm 2005: giá cả đột biến, biến động thị trường, chi phí đầu vào tăng, … Năm 2005, LAFOOCO đạt được những kết quả phấn khởi:
- Thu mua: 754.632.514,730 đồng.- Doanh thu: 784.550.121.793 đồng, tăng 150% so với năm 2004.- Kim ngạch xuất khẩu: 47.5 triệu USD, tăng 160% so với năm 2004.- Lợi nhuận: 8.036.369.995 đồng.
Với kết quả trên, LAFOOCO được bình chọn là một trong 276 đơn vị trong cả nước và là một trong 06 đơn vị của tỉnh Long An vinh dự nhận bằng khen về Thành tích xuất khẩu Xuất sắc năm 2005; Giá trị giải thưởng là 100.000.000 đồng được trao tặng theo Quyết định số: 1420/QĐ-BTM của Bộ Thương Mại, ngày 05/9/2006.
Về tiêu chuẩn xét thưởng, LAFOOCO đạt 02 trong 5 tiêu chuẩn sau: - Doanh nghiệp xuất khẩu có hiệu quả, với mức tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu trên 20% và mức tăng tuyệt đối từ 400.000 USD trở lên. - Doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu chế biến bằng nguyên vật liệu trong nước chiếm 60% trị giá trở lên và đạt kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên.
2.4.2. Công ty Donafoods: đơn vị duy nhất của ngành điều Việt Nam được thưởng thành tích xuất khẩu 8 năm liền của Bộ Thương mại.
Donafoods là một trong những doanh nghiệp (DN) Nhà nước vừa được tổ chức lại theo mô hình hoạt động "công ty mẹ- công ty con". Hiện nay, Donafoods có 16 công ty, nhà máy và nông trường trực thuộc, có đa thành phần sở hữu và hoạt động sản xuất-kinh doanh đa ngành nghề, trong đó chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm là lĩnh vực chủ lực.
Qua hơn 15 năm hình thành và phát triển (từ 1990 đến nay), Donafoods ngày càng nâng cao năng lực chế biến, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo ra kim ngạch xuất khẩu ngày càng cao. Tổng vốn đầu tư của công ty hiện có khoảng 182 tỷ đồng. Hàng năm công ty chế biến hơn 40.000 tấn nguyên liệu các loại hạt, xuất khẩu hơn 25.000 tấn sản phẩm, đạt giá trị kim ngạch hơn 36 triệu USD. Nét nổi bật của Donafoods là trong quá trình phát triển sản xuất - kinh doanh luôn chú trọng áp dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật vào sản xuất. Từ những năm 1994, Donafoods cùng các nhà khoa học và các đơn vị trong ngành nghiên cứu, tuyển chọn được 8 dòng điều cao sản. Kết quả năng suất vườn điều của tỉnh hiện dẫn đầu cả nước (đạt 17 tạ/hecta, so với bình quân chung là 11 tạ/hecta). Để hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, công ty đã đầu tư xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000, tiêu chuẩn nhà xưởng GMP, an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP...Đến nay, công ty đã xây dựng được 3 nhà máy, được khách hàng Bắc Mỹ và châu Âu đánh giá cao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nằm trong "top" nhà máy an toàn thực phẩm nhất thế giới. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, công ty luôn coi trọng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khảo nghiệm chuyển đổi giống cây trồng như: Macadamia, chuối Saba, giống điều cao sản, dây chuyền công nghệ thiết bị chế biến hạt điều, thiết bị công nghệ chế biến dầu vỏ điều xuất khẩu đạt hiệu quả cao...
Trong 15 năm họat động, Donafoods đã 2 lần nhận giải thưởng Sao vàng Đất Việt; 2 lần nhận Cúp vàng Thương hiệu; giải thưởng Bông lúa vàng; Huy chương vàng ...Công ty cũng là đơn vị duy nhất của ngành điều Việt Nam được thưởng thành tích xuất khẩu 8 năm liền của Bộ Thương mại.
CHƯƠNG 3: BÀI HỌC KINH NGHIỆM HOẶC GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ
Từ năm 1998, Bộ Thương mại bắt đầu có hình thức xét thưởng xuất khẩu cho các doanh nghiệp( DN) xuất khẩu. Theo đó, mỗi DN có thể được thưởng từ 20 triệu đến 300 triệu đồng khi đạt được các tiêu chí như: sản xuất mặt hàng mới, thị trường mới; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt cao; xuất khẩu mặt hàng có chất lượng; hàng xuất khẩu được sản xuất hàng bằng nguyên liệu trong nước. Chính sách này nhằm khuyến khích, động viên DN tích cực tìm thị trường xuất khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm, chú trọng chất lượng sản phẩm. Năm 2006, toàn quốc có hơn 300 DN được xét thưởng với số tiền lên đến trên 25 tỷ đồng. Thế nhưng, vừa qua, liên bộ Thương mại- Tài chính vừa trình Chính Phủ phương án xoá bỏ việc thưởng đối với thành tích xuất khẩu và thưởng vượt kim ngạch xuất khẩu từ năm 2007. Lý do đưa ra là, khi VN hội nhập WTO, việc thưởng xuất khẩu này có thể bị coi là trợ cấp xuất khẩu- một hình thức bị cấm trong WTO.
Với DN, số tiền thưởng không lớn nhưng nó thể hiện sự quan tâm chung và khi không còn việc thưởng nữa, có thể có DN sẽ cảm thấy bị rơi vào trạng thái hơi “ hẫng”, cảm giác của việc bị lấy đi bình sữa thơm ngon mà lẽ ra phải có.
Thế nhưng, xét toàn cục, việc bỏ thưởng lại hay! Theo ông Hoàng Văn Khánh- Giám đốc Cty CP Dệt may XK HP- đơn vị thường xuyên được thưởng xuất khẩu hàng chục triệu mỗi năm- thì việc bỏ thưởng không làm ảnh hưởng gì đến chế độ tài chính của DN. Mà, cái lợi còn là tạo cho DN sự nỗ lực tìm thị trường, xác định hiệu quả thực chất công việc. Thậm chí, đây là cơ hội để DN xây dựng thói quen thực hiện, áp dụng định chế chung toàn cầu, loại bỏ thói quen ỷ lại vào Nhà nước, là động thái mang tính tích cực khi DN hội nhập WTO.
Được biết, không chỉ bỏ thưởng xuất khẩu, thực hiện các cam kết gia nhập WTO, theo lộ trình, VN sẽ phải bỏ luôn cả trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản, các khoản trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp hàng nhập khẩu thay thế trong công nghiệp cũng bị bãi bỏ...
Điều đương nhiên, khi gia nhập sân chơi chung, các DN VN sẽ phải tuân thủ luật chung toàn cầu. Việc bỏ thưởng xuất khẩu hay bỏ trợ cấp xuất , nhập khẩu khác cũng không có gì là quá ngỡ ngàng. Nó tạo một sân chơi bình đẳng, cho DN cọ xát, va chạm, bộc lộ thực lực của mình, không trông chờ. Và nếu như, các Bộ chủ quản có muốn khuyến khích, động viên DN thì phải tìm hình thức hợp lý mà không nằm trong qui định cấm của luật chơi chung trong WTO.
Ngày 29/06/2007, Bộ Thương mại đã ban hành Quyết định số 1042/QĐ-BTM chính thức công bố việc bãi bỏ xét thưởng thành tích xuất khẩu.
Không như mọi người vẫn nhầm tưởng, các chuyên gia đàm phán WTO đều cho biết, vào WTO không phải là loại bỏ tất cả các loại trợ cấp, trợ cấp hợp lý sẽ được tồn tại, vấn đề là phải hợp lý và minh bạch.
Theo Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Thương mại), trong WTO có 2 bộ tiêu chuẩn về trợ cấp. Một bộ áp dụng cho nông sản đề cập trong Hiệp định Nông nghiệp. Một bộ áp dụng cho sản phẩm phi nông nghiệp, được quy định trong Hiệp định về Trợ cấp và biện pháp đối kháng.
Với sản phẩm phi nông nghiệp, trợ cấp được chia thành 3 nhóm: Nhóm đèn đỏ là trợ cấp bị cấm sử dụng, bao gồm: trợ cấp xuất khẩu như lấy xuất khẩu làm tiêu chí để cho hưởng trợ cấp và trợ cấp thay thế nhập khẩu như trợ cấp để khuyến khích nội địa hoá. Nhóm đèn vàng là trợ cấp riêng biệt cho một ngành hoặc một vùng, gây lệch lạc thương mại, tuy không bị cấm sử dụng nhưng có thể bị “trả đũa”. Nhóm đèn xanh là trợ cấp được coi là ít gây lệch lạc cho thương mại như trợ cấp phát triển vùng khó khăn... được phép áp dụng mà không bị “trả đũa”.
Đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam cam kết sẽ xoá bỏ trợ cấp xuất khẩu kể từ ngày gia nhập. Các hình thức hỗ trợ nông nghiệp khác không gắn với xuất khẩu vẫn được duy trì. Với sản phẩm phi nông nghiệp, chúng ta cam kết bãi bỏ trợ cấp thay thế nhập khẩu như thuế ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá và các loại trợ cấp xuất khẩu dưới hình thức cấp phát trực tiếp từ ngân sách nhà nước như bù lỗ cho hoạt động xuất khẩu, thưởng theo kim ngạch xuất khẩu, hỗ trợ lãi suất cho hợp đồng xuất khẩu kể từ khi gia nhập WTO. Các loại trợ cấp xuất khẩu “gián tiếp” sẽ không cấp thêm kể từ khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, với các dự án đầu tư đã được hưởng ưu đãi loại này từ trước ngày gia nhập WTO sẽ có một thời gian quá độ là 5 năm để bãi bỏ hoàn toàn. Riêng với ngành dệt may, tất cả các loại trợ cấp bị cấm dù là “trực tiếp” hay “gián tiếp”, đều được bãi bỏ ngay từ khi Việt Nam gia nhập WTO.
Tổng hợp số liệu về các hình thức hỗ trợ của Việt Nam cho thấy, chế độ hưởng theo kim ngạch xuất khẩu từ năm 1998 tới năm 2004 với tổng tiền thưởng đạt 29,4 tỷ đồng, tương đương gần 2 triệu USD và có 349 doanh nghiệp được thưởng. Con số này thật nhỏ so với hàng vạn doanh nghiệp và với kim ngạch xuất khẩu trên 30 tỷ USD/năm của Việt Nam. Vì vậy, khó có thể nói rằng doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng khi Nhà nước bãi bỏ hình thức trợ cấp này.
Trong lĩnh vực nông nghiệp hiện tại có một số hình thức trợ cấp nhưng số tiền còn rất nhỏ và đang được điều chỉnh giảm dần cho phù hợp mà không gây sốc đối với nông dân. Trong giai đoạn 1999-2001, Việt Nam trợ cấp dưới hình thức thưởng xuất khẩu đối với 7 mặt hàng trong nông nghiệp là gạo, cà phê, chè, rau quả, thịt lợn, hạt tiêu... Hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ xuất khẩu đối với cà phê; bù lỗ xuất khẩu một số mặt hàng khác. Nhưng đến giai đoạn 2003-2005 những hỗ trợ này đã bị loại bỏ dần.
Qua khảo sát của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực thể chế giúp Việt Nam gia nhập WTO cho thấy, giá trị trợ cấp này không có giá trị kinh tế lớn. Thậm chí mức này còn thấp hơn một số nước trong khu vực. Khảo sát của Dự án cũng cho biết: 84,5% tổng số chính sách hỗ trợ của Việt Nam hướng vào xây dựng hạ tầng nông nghiệp; 10,7% được dùng vào các chương trình phát triển mà chủ yếu là hỗ trợ đầu tư. Chỉ có 4,9% dùng để hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ thuộc nhóm “đèn đỏ”, thấp hơn so với mức tối thiểu 10% cho phép. Vì vậy, có thể thấy trợ cấp của Việt Nam còn ít và còn có khả năng để điều chỉnh một cách hợp lý có lợi cho sản xuất.
Các chuyên gia cũng cho rằng, gia nhập WTO, Việt Nam chỉ bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nội địa hoá, các loại trợ cấp “đèn vàng”, “đèn xanh” vẫn được duy trì theo những phương thức hợp lý. Cụ thể, các chương trình đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển vẫn được phép. Vì vậy, nhà nước chuyển số tiền trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nôị địa hoá trước đây sang phát triển thuỷ lợi, kiện toàn giao thông nông thôn, nâng cao chất lượng giống, phát triển công nghệ sau thu hoạch, xây dựng các kho lạnh cho hàng thuỷ sản và kho đệm để dự trữ lúa, cà phê cho bà con nông dân, tránh để họ phải bán ồ ạt khi vào vụ... hoàn toàn không vi phạm và không ai cấm.
Các hình thức trợ cấp là rất đa dạng, vấn đề là chọn loại nào, hỗ trợ mang tính bền vững thay cho cách làm mang tính tình thế để vừa thúc đẩy được sản xuất nhưng cũng nâng cao được hiệu quả và sức cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế.
Xóa bỏ thưởng thành tích xuất khẩu: Doanh nghiệp vẫn sống khỏe
Tổng công ty May Việt Tiến, Tổng công ty Dệt Phong Phú và các công ty Dệt may Thành Công, May Phương Đông, Dệt may Hà Nội... là những DN hầu như năm nào cũng nhận được giải thưởng cho thành tích xuất khẩu của mình, với số tiền thưởng ngày càng tăng. Điển hình là May Việt Tiến, có năm được nhận tới 300 triệu đồng thưởng xuất khẩu. “Đây là nguồn động viên, khuyến khích để DN hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn”, ông Nguyễn Đình Trường, Tổng giám đốc Tổng công ty May Việt Tiến cho biết. Dù vậy, ngay cả khi không có số tiền thưởng này, thì bản thân DN cũng vẫn rất ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm mang về tỷ trọng xuất khẩu lớn và lợi nhuận cao.
Giống như Việt Tiến, Công ty May Phương Đông cũng là DN thường xuyên có tên trong danh sách nhận thưởng thành tích xuất khẩu trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Điều hành Công ty, cơ chế thưởng thành tích xuất khẩu là một nguồn cổ vũ lớn cho Công ty, nhưng khi Việt Nam đã là thành viên của WTO, thì phải tuân thủ các nguyên tắc của WTO, mặc dù thưởng xuất khẩu không phải là một hình thức trợ cấp như nhiều DN nước ngoài vẫn nghĩ.
Ông Hùng cho rằng, dù có hay không việc xét thưởng xuất khẩu, thì việc mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển những mặt hàng mới, có sự khác biệt cao... vẫn luôn là trọng tâm số một của Công ty, nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Đồng quan điểm này, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng, được thưởng xuất khẩu là điều vinh dự, song đây hoàn toàn không phải là điều DN trông chờ khi tham gia xuất khẩu. Hơn nữa, thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, trong thời gian qua, cùng với sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu, các DN dệt may cũng đã làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước qua việc nộp phí hạn ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, tiền thưởng thành tích xuất khẩu chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, tức là chỉ chiếm một tỷ lệ rất, rất nhỏ trong tổng doanh thu từ xuất khẩu của các DN.
Thực tế, mỗi DN thuộc bất kỳ ngành hàng nào khi làm ra sản phẩm đều phải tìm cách tiêu thụ và xuất khẩu, nhất là khi sức mua của thị trường trong nước còn thấp. Hiện tại, các DN dệt may vẫn đang nỗ lực tìm hướng đưa sản phẩm ra nước ngoài, gia tăng sử dụng nguyên liệu nội địa, phát triển mặt hàng mới, thị trường mới. Đó mới chính là mục đích cao nhất mà các DN hướng tới. Thưởng thành tích xuất khẩu chỉ có thể coi là một nguồn khích lệ và cổ vũ cho DN. Vì thế, dù có bãi bỏ, thì DN, với sự nỗ lực vốn có của mình, vẫn có thể “sống khỏe”.
Giải pháp thực hiện chế độ thưởng thành tích xuất khẩu khi gia nhập WTO:
Thưởng thành tích xuất khẩu kèm với bằng khen của Bộ Thương mại, với giá trị không lớn (khoảng vài nghìn USD) là biện pháp khuyến khích xuất khẩu được WTO cho phép. Vì vậy để khuyến khích xuất khẩu, công cụ này cần được đẩy mạnh theo hướng:
- Có cơ cấu ngân sách hợp lý hơn giữa 2 loại hình thưởng vượt kim ngạch và thưởng thành tích xuất khẩu theo hướng tăng thêm ngân sách thưởng thành tích xuất khẩu để mở rộng diện doanh nghiệp xuất khẩu được thưởng.
- Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn và công bố danh mục mặt hàng mới và thị trường mới cho một thời kỳ đủ dài (tương tự như đối với Quỹ tín dụng hỗ trợ Xuất khẩu) để các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi cơ cấu sản phẩm và thị trường xuất khẩu của mình cho phù hợp với các tiêu chuẩn được công bố.
- Có chính sách thưởng thành tích cho các doanh nghiệp có giá xuất khẩu cao so với giá xuất khẩu các sản phẩm cùng loại để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nâng cao hàm lượng chế biến cho hàng hoá xuất khẩu.
KẾT LUẬN
Qua 9 năm thực hiện cơ chế khen thưởng thành tích xuất khẩu và được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu Việt Nam những năm qua đã tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên không thể áp dụng thưởng xuất khẩu lâu dài vì mặc dù thưởng xuất khẩu chưa đạt đến mức có thể coi là trợ giá nhưng trong một số lĩnh vực có thể sẽ tạo cơ sỏ để doanh nghiệp bị kiện bán phá giá như đã phân tích ở trên. Mặt khác hạn chế thưởng xuất khẩu là một xu thế của Việt Nam do sự ràng buộc của các hiệp ước thương mại quốc tế, trong đó buộc Chính phủ phải hạn chế sự can thiệp cũng như trợ giá cho DN.
Thưởng xuất khẩu có thể được coi là liều thuốc tạo động cơ cho các DN tăng xuất khẩu, nhưng chỉ là trong ngắn hạn. Xét về lâu dài, theo Bộ trưởng Tuyển, thay vì việc lấy tiền ngân sách để thưởng cho các DN, Việt Nam cần tạo ra một cơ chế chính sách tốt, đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm bớt các chi phí giao dịch để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN xuất khẩu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 02/2002/QĐ-BTM NGÀY 02 THÁNG 1 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT THƯỞNG XUẤT KHẨU.
2. QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI Về việc ban hành Quy chế thưởng đối với phần kim ngạch xuất khẩunăm 2005 vượt so với năm 2004.
3. www.vnn.vn : 349 doanh nghiệp được khen thưởng xuất khẩu_19/09/2005.
4. www.moi.gov.vn : Hôm nay trao giải thưởng xuất khẩu Việt Nam_07/10/2005.
5. www.dongnai.gov.vn : Nhân lễ trao danh hiệu thi đua cấp cao cho các đơn vị tập thể và cá nhân: Thành tích của các đơn vị anh hùng lao động _19/08/2007.
6. www.vietnamnet.vn : Trợ cấp hợp lý trong WTO_09/07/2007.
7. www.moi.gov.vn : Trợ cấp trong WTO làm sao để hợp lý và hiệu quả_25/12/2006.
8. www.vietnamnet.vn : Thưởng xuất khẩu: vẫn cần khi hội nhập_19/09/2005.
9. www.Vietnamnet.vn : Thưởng xuất khẩu trên 200tỷ đồng cho 14 nhóm hang_22/03/2004.
10. www.vnexpress : Tiền thưởng xuất khẩu luôn đến…muộn_1/9/2005.
11. www.ncseif.gov.vn : Một số đề xuất chính sách vĩ mô nhằm đảm bảo tăng trưởng cao trong năm 2006_13/02/2006.
12. www.vir.com.vn : Doanh nghiệp vẫn “sống khỏe”_17/08/2007.
13. www.neu.edu.vn : Kinh tế thế giới_1/07/2007.
14. www.haiphong.gov.vn : Chuyện thời cuộc: bỏ thưởng xuất khẩu-tạo thói quen tuân thủ “hành lang” chung_11/07/2007.
15. www.ipsard.gov.vn : Đổi mới chính sách nông nghiệp Việt Nam - kỳ II_23/10/2006.
16. www.thanhniên.com.vn : Việt Nam vào WTO: nông dân được hỗ trợ như thế nào_22/08/2006.
17. www.vietnamnet.vn : LAFOOCO được thưởng “thành tích xuất khẩu xuất sắc năm 2005”_08/12/2006.
18. www.tiengiangtrade.gov.vn : Doanh nghiệp gặp đại sứ: tìm cơ hội cho hang xuất khẩu Việt Nam_29/07/2007.
19. www.nvmedia.vn : Giật mình với…8%_06/08/2007.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 28158.doc