Đề tài Đặc điểm truyện ngắn Triều Ân

MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Việt Nam là đất nước gồm 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng, đặc sắc và phong phú. Điều đó được thể hiện rõ nét trong nền văn hóa của từng dân tộc. Bên cạnh nền văn học của người Kinh, kho tàng văn học của các dân tộc thiểu số cũng góp phần không nhỏ vào nền văn học nước nhà. Vì vậy nghiên cứu văn học của các dân tộc thiểu số luôn là vấn đề cấp thiết được đặt ra hiện nay. Trong các nhà văn người dân tộc, Triều Ân là cây bút có sức sáng tạo dồi dào. Ông sáng tác trên nhiều thể loại, trong đó truyện ngắn được xem là một trong những thể loại thành công nhất. Truyện ngắn của Triều Ân có giá trị cả về mặt nội dung và nghệ thuật. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn ít những công trình nghiên cứu chuyên biệt về Triều Ân, nếu có chỉ là một vài bài báo hoặc ý kiến nhỏ lẻ trong cả một công trình, bài viết về văn học các dân tộc thiểu số nói chung. Những kết quả nghiên cứu này chưa đủ để tái dựng một chân dung Triều Ân với những đứa con tinh thần của ông. Vì vậy, việc tìm hiểu những sáng tác của nhà văn Triều Ân là việc làm cần thiết có ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa khoa học. Thực hiện đề tài Đặc điểm truyện ngắn Triều Ân, chúng tôi mong muốn góp phần khẳng định giá trị tác phẩm và tài năng, tâm huyết của nhà văn đối với nền văn học dân tộc thiểu số nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Việc nghiên cứu đề tài Đặc điểm truyện ngắn Triều Ân là cơ hội để người viết có điều kiện đi sâu tìm hiểu về truyện ngắn của Triều Ân cả về mặt nội dung và nghệ thuật. Từ đó góp phần nâng cao trình độ học tập cũng như giảng dạy phần văn học miền núi trong nhà trường phổ thông của người nghiên cứu. MỤC LỤC Trang Trang bìa phụ i Mục lục ii MỞ ĐẦU 3 NỘI DUNG 7 Chương 1: TRIỀU ÂN TRONG DÒNG VĂN HỌC DÂN TỘC MIỀN NÚI 7 1.1. Phác thảo diện mạo văn học dân tộc miền núi 7 1.2. Vài nét về con người và sự nghiệp sáng tác của tác giả Hoàng Triều Ân 9 1.2.1. Con người 9 1.2.2. Sự nghiệp sáng tác 10 Chương 2: HIỆN THỰC VÀ CON NGƯỜI MIỀN NÚI TRONG TRUYỆN NGẮN TRIỀU ÂN 12 2.1. Bức tranh hiện thực xã hội miền núi 12 2.1.1. Chiến tranh tàn phá cuộc sống của đồng bào miền núi 12 2.1.2. Cuộc đấu tranh xây dựng lối sống mới, xóa bỏ lối sống lạc hậu 14 2.1.3. Phê phán hủ tục bao đời đè nặng, kìm trói người dân trong vòng tăm tối 17 2.2. Hình tượng con người miền núi 19 2.2.1. Con người miền núi thức tỉnh tiếp cận với cái mới 20 2.2.2. Những người phụ nữ mang nhân cách tốt đẹp, có tấm lòng yêu thương vị tha 21 2.2.3. Những con người xấu xa nham hiểm 25 Chương 3: MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN TRIỀU ÂN 28 3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 28 3.1.1. Khái niệm nhân vật văn học 28 3.1.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Triều Ân 29 3.2. Ngôn ngữ nghệ thuật 41 3.2.1. Khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật 41 3.2.2. Ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn của Triều Ân 42 KẾT LUẬN 57 TÀI LIỆU THAM KHẢO Đặc điểm truyện ngắn Triều Ân

doc58 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2179 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Đặc điểm truyện ngắn Triều Ân, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
bà Loan cho thấy nỗi sợ hãi tột độ đang ngự trị trong bà. Trong khi đó, Pèng và Tân lại vô cùng dũng cảm, cùng nhau chiến đấu với gấu rừng hung dữ. Tác giả đã sử dụng cả một đoạn văn dài để diễn tả cuộc chiến đấu anh dũng đó. Hành động đó của Pèng và Tân rất đáng được ca ngợi: “Tân chạy lai phía Pèng. Pèng vung dao nhọn…Pèng thừa thắng, lùa mũi dao nhọn ngang qua hầu con gấu, vặn mạnh. Gấu hộc máu, càng hung dữ, há mồm chực cắn Tân. Nhanh như cắt, Pèng cầm cây cây vầu đã sẵn vát nhọn đâm vào họng gấu. Tân làm theo, đâm thêm cây nữa” [18, tr49]. Với hàng loạt những động từ mạnh như: chạy, vung, lùa, vặn, hộc, cắn, đâm…tác giả đã khắc họa thành công hành động anh hùng của Pèng và Tân. Hành động ấy đã cứu sống bao con người thoát khỏi nguy hiểm. Hồng Lê trong truyện ngắn Bạn cùng lứa cũng có những hành động rất cao cả. Vì tình thương, chị đã cứu sống đứa bé bị bỏ rơi trong bệnh viện:“chị trải tấm khăn vuông len, tìm thêm bông băng trải cho dày, và chạy đến cái xô mang đứa bé lên, đem đặt trong lớp bông ấm.” [18, tr54 - 55]. Tiếp theo, chị làm mọi việc như người đỡ đẻ: “Chị lấy gạc luộc nước sôi, cắt lại rốn, chấm cồn cho vô trùng, lau người qua quýt cho hết chất bẩn nhớt…Chị lấy gạc vô trùng, thò ngón tay vào mồm ngoáy hết mũi rãi…” [18, tr55]. Mọi hành động của chị đều cho thấy chị là con người của tình thương yêu cao cả. Chị hành động như một người đỡ đẻ thực thụ mặc dù đó không phải là chuyên môn của chị. Vậy mà, không bao lâu sau, khi đứa bé ấy lớn lên, Cắm Và lại mang những lời lẽ của đồng tiền ra mong chuộc lại đứa bé. Khi nghe Cắm Và nói xong, Lê đã không nói gì cả. Tuy vậy, chỉ thông qua những hành động của chị, người đọc cũng hiểu dược nhân vật này đang nghĩ gì:“Hồng Lê quắc mắt, khó chịu vì những lời lẽ bất nhân có hơi tanh của đồng tiền. Hai lá răm banh ra, nhìn thẳng vào Cắm Và.” [18, tr72]. Hành động của chị cho thấy chị không bằng lòng với những lời lẽ của Cắm Và. Những con người như chị ta đâu hiểu được thế nào là tình mẫu tử thiêng liêng. Với những nét chi tiết miêu tả đặc sắc, tác giả đã giúp người đọc nắm bắt được tư tưởng, thái độ của nhân vật. Mọi hành động đề xuất phát một cách tự nhiên, đúng với bản chất của con người miền núi xưa nay. Eng Bải trong truyện ngắn cùng tên đã hành động như vậy: “Hai lỗ mũi hếch của anh mở to; đôi mắt đảo quanh; bỗng mặt anh dài da và quát tháo…” [18, tr181]. Sau khi quát tháo, Eng Bải đã thực hiện một loạt những hành động nhằm đuổi bà hàng gạo xuống xe: “Miệng nói, tay mó, chân đạp, trong nháy mắt Bảy đã tống hết mấy bao tải gạo xuống bến” [18, tr181]. Đến với truyện ngắn Trong tiếng sa quay, một lần nữa người đọc bắt gặp hình ảnh của nhân vật Yến. Chiến tranh đã gây ra bi kịch cuộc đời Yến. Khi Thảo đi rồi, trong Yến cồn cào lên mỗi nhớ thương chồng da diết: “Đêm đêm, nỗi nhớ thương càng trỗi dậy. Yến chỉ biết nằm ôm chặt lấy cuộn chăn. Yến xoay người quần quại. Yến cắn vào thành giường, cắn hết mọi chỗ cho đỡ nhớ nhung” [18, tr208]. Mọi hành động của Yến chỉ với mục đích vơi bớt nỗi cô đơn nhưng nỗi cô đơn ấy vẫn bủa vây lấy cô. Sống trong nỗi nhớ nhung chồng, Yến không biết làm gì trong đêm vắng. Và Triều Ân đã bằng ngòi bút của mình khắc họa nên những hành động của Yến. Người đọc cảm thấy thương xót cho số phận của nhân vật này. Chăm chỉ, hiền lành nhưng số phận đã đẩy cô ngày càng đau khổ hơn. Khi Thảo quay về, Yến không nói được gì nữa, tất cả những suy nghĩ của cô đều thể hiện ở những việc cô làm: “Yến phát hoảng la lên a a, Yến khóc, Yến cười…Bỗng Yến đẩy Thảo ra, xõa tóc, thét lên như hóa rồ…” [18, tr213]. Yến cảm thấy kinh ngạc khi người mà cô vẫn thờ cúng nay lại trở về. Yến cười trong niềm vui trở về của Thảo nhưng cô lại khóc vì bây giờ đây Yến không biết tiếp tục mới quan hệ với Thảo như thế nào. Buồn vui lẫn lộn, số phận lại một lần nữa đùa dỡn với cô. Từng hành động, cử chỉ của Yến được tác giả ghi lại một cách chân thực nhưng không kém phần tinh tế. Nỗi đau của Yến có lẽ cũng là nỗi đau của tác giả khi viết số phận về số phận của những con người trong và sau chiến tranh. Nhân vật Nông Thịnh (Người thiếu phụ bản Hoa Đào) là con người ít nói. Anh ta chỉ ham mê đọc sách nhưng thiếu những hiểu biết về cuộc sống. Chỉ thông qua một số hành động của Thịnh cũng cho thấy đây là một con người vũ phu: “Đang đêm Nông Thịnh vùng dậy, chùm chăn đánh Thùy Dương. Thịnh đã thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đánh chị không thương tiếc. Hắn tát, hắn đấm, hai bàn tay hắn bóp mồm chị” [18, tr155]. Đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Mai Hương tại viện văn học: “Qua truyện Người thiếu phụ bản Hoa Đào, anh cho thấy những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống vùng cao hiện nay - vấn đề đạo đức, nhân phẩm con người; làm thế nào giải quyết cho thỏa đáng quan hệ cá nhân với gia đình? Làm sao cho mỗi con người tự vượt lên được những vướng mắc riêng tư để hòa hợp vào cuộc sống chung?” [18, tr1013 – 1014]. Với những chi tiết đặc tả, Triều Ân đã làm bộc lộ dần bản chất của nhân vật Thịnh. Anh ta theo đuổi cái mác “nhà khoa học” mà quên đi nhiệm vụ của một người chồng, một người cha trong gia đình. Thịnh chưa hòa hợp được giữa công việc chung với công việc riêng. Chính điều đó tạo nên bi kịch trong cuộc đời Thịnh. Sau những cuộc vui rượu thịt, Thịnh ra đi ở tuổi đời còn quá trẻ. Piao trong truyện ngắn Mây tan bằng những hành động của mình đã tỏ rõ sự bất lực khi không săn được con sơn dương cho nhà Chẹ Tàn: “Piao ngẩn ngơ đứng sững, chống súng xuống đất. Đầu anh cúi. Chiếc khăn mặt vắt vai rủ xuống lòng thòng. Anh để mặc cho sương mù bay qua xoa đầu anh. Và anh ngồi bệt xuống đất, gục đầu vào trong vòng tay. Anh khóc” [18, tr117]. Piao khóc cho sự thất bại của mình. Chỉ vì không săn được sơn dương mà có thể Piao sẽ bị đuổi khỏi nhà Chẹ Tàn. Piao sẽ không lấy được vợ nữa. Như vậy, qua sự xuất hiện hàng loạt hành động cả thiện và ác trong tác phẩm dữ dội, quyết liệt về cường độ, bất ngờ trong tình thế, hành động xuất hiện không có sự đắn đo suy tính…thể hiện tính đặc thù trong tư duy của con người miền núi. Tiếp xúc với thế giới nhân vật đông đảo trong truyện ngắn Triêu Ân, người đọc không hề bị lẫn lộn. Từ những nhân vật được đặc tả kĩ càng đến những nhân vật được tái tạo bằng nét bút sơ lược như tùy tiện, nhân vật của Triều Ân được khu biệt và sống động tới mức khó hình dung ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời. 3.1.2.3. Nghệ thuật miêu tả nhân vật qua độc thoại nội tâm Độc thoại nội tâm là một trong những phương tiện nghệ thuật mà các nhà văn thường sử dụng để phân tích tâm lí, khắc họa tính cách nhân vật. Đây là phương tiện nghệ thuật quan trọng, phát huy được thế mạnh để khắc họa lại chính xác những sắc màu tinh tế nhất của đời sống tâm hồn. Độc thoại nội tâm trước hết là lời nhân vật tự nói với chính mình. Lời nhân vật phải là lời nội tâm, có khi trực tiếp, có khi đan xen với lời người trần thuật, cũng có khi gián tiếp (ở ngôi thứ ba) bằng lời người trần thuật. Lời nội tâm trực tiếp thường có độ dài tương đối, nhưng cũng có khi chỉ là một câu, một cụm từ thể hiện một ý nghĩ. Lời tự nói của nhân vật có khi thầm, có khi phát ra thành tiếng. Dù được biểu hiện ra dưới hình thức tổ chức nào thì độc thoại nội tâm cũng phải đảm bảo yêu cầu diễn tả hoạt động suy nghĩ, xúc cảm của nhân vật trong dòng chảy của nó. Trong độc thoại nội tâm của mỗi nhân vật đều có độc thoại nội tâm hướng nội và độc thoại nội tâm hướng ngoại. Điều này hoàn toàn có thể cắt nghĩa được bởi nhân vật luôn tồn tại, phát triển trong tác phẩm với những mối quan hệ riêng chung rõ rệt. Đó là con người cá nhân, con người xã hội trong một con người. Độc thoại nội tâm hướng nội là những độc thoại mà thông qua đó, nhân vật tự bộc lộ cách nhìn, cách đánh giá của mình đối với con người xung quanh, đối với xã hội, đồng thời cũng làm rõ hơn quan hệ, trình độ nhận thức, kinh nghiệm sống của nhân vật. Nhờ vào dạng độc thoại nội tâm này, con người bên trong của nhân vật được bóc tách, phơi bày chính xác, sinh động. Trong các truyện ngắn của mình, Triều Ân sử dụng phương thức độc thoại nội tâm không nhiều. Rõ ràng, đây không phải là phương tiện nghệ thuật duy nhất mà tác giả dùng để xây dựng đời sống, tính cách nhân vật. Nhưng với tư cách là một thủ pháp nghệ thuật quan trọng để xây dựng và khắc họa nội tâm nhân vật, thì dù chiếm một số lượng không lớn, độc thoại nội tâm vẫn được tác giả sử dụng, làm tăng hiệu quả nghệ thuật, giá trị phản ánh hiện thực và nghiên cứu nó vẫn là một cách tiếp cận tác phẩm hữu hiệu. Truyện ngắn Bạn cùng lứa xuất hiện những lời độc thoại nội tâm của nhân vật Hồng Lê. Đây là nữ nhân vật chính trong tác phẩm. Khi cứu đứa bé trong bệnh viện, ở Lê xuất hiện hàng loạt suy nghĩ: “Lê thoáng nghĩ rằng cái bào thai ngọ nguậy kia khác gì con chó con mới đẻ? Và cô vắc của nghề nghiệp là bất đắc dĩ để phá đi một cái bào thai trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Chị cũng thấy con chó con mới đẻ chưa mở mắt người ta còn không dám chôn sống, huống chi đây là một hài nhi bảy tháng, mắt đã mở đen láy, đang ngọ nguậy trong xô? Trời lại đang giá rét. Người lớn mặc nhiều áo thế này còn chưa chịu nổi, huống chi hài nhi đang trần trụi, da tím bầm?” [18, tr54]. Cả một đoạn văn dài tác giả đã sử dụng phương tiện nghệ thuật độc thoại nội tâm để khắc học tâm lí nhân vật Lê. Lê đang phải hỏi chính lòng mình xem có nên cứu đứa bé kia không. Và cuối cùng, lòng thương người đã chiến thắng. Chị hành động theo bản năng loài người có tình thương nhưng sau đó, Lê cũng chưa biết rồi sự thể sẽ ra sao nữa. Triều Ân, với phương tiện độc thoại nội tâm lại một lần nữa nói lên diễn biến tâm lí của nhân vật Lê lúc này: “Chị sẽ nuôi đứa bé hay trả lại cho người đẻ ra nó? Chị nuôi không được vì chị đã có ba con, hoàn cảnh gia đình lại eo hẹp, chồng y sĩ, vợ hộ lí. Hơn nữa chồng chắc gì chồng chị đã ưng thuận? Trả lại cho Thương ư? Nếu Thương cần thì Thương đã không đến làm cô vắc… Và nếu như chủ nhiệm khoa biết sự kiện này? Bác sĩ có cho lê làm thế này không? Một cái bào thai làm cô vắc phá đi, hộ lí lại nhặt về?” [18, tr55]. Hàng loạt câu hỏi mà Lê tự đặt ra cho mình. Lê không biết xử trí như thế nào bây giờ cho đúng. Lê đấu tranh tư tưởng mãi và nấc lên thực sự vì cảm thấy quá lúng túng, không biết rồi sẽ ra sao. Triều Ân giống như một nhà tâm lí, ông nắm bắt diễn biến tâm lí nhân vật một cách chính xác và tinh tế. Phải thương yêu, gần gũi với con người miền núi lắm ông mới có được vốn kiến thức sâu sắc đến như vậy. Khi Thương quay về rồi, Lê lại một mình đối diện với chính lòng mình. Chị nghĩ đến Thương và cảm thấy thương xót cho số phận của con người đó. “Chị cố quên đi nhưng không sao xua nổi vì trong sâu thẳm tâm hồn đã khắc quá sâu lòng thương con người: một đứa bé. Mà đứa bé kia nay đã lớn lên ngoan ngoãn như gắn bó máu thịt với chị, hoặc còn hơn thế nữa. Trong khi đó, một cô gái làng quê với bộ mặt thiểu não có một cuộc sống cô đơn khủng khiếp cũng đang có chỗ đứng đàng hoàng trong tâm hồn chị…” [18, tr74]. Nói tóm lại, chỉ bằng những trang viết của mình, với nghệ thuật độc thoại nội tâm, tác giả đã khắc họa thành công diễn biến tâm lí của nhân vật trong tác phẩm. Từng trang viết ấy của ông thấm đẫm tinh thần nhân đạo, lòng thương người và trân trọng những giá trị phẩm chất quý giá của con người. Thông qua lời độc thoại nội tâm của Lê, người đọc hiểu được trong lòng chị đang suy nghĩ những gì. Khi nhân vật độc thoại là khi nhân vật sống thật với lòng mình nên thông qua lời độc thoại ấy, người đọc còn có những nhận xét, đánh giá chính xác về nhân vật. Đến với Đêm trong truyện ngắn Cô y tá Tày, người đọc bắt gặp hình ảnh của một thân hình khỏe mạnh, mặt tròn như mặt trăng rằm. Đêm là y tá, chị đã cố gắng hết lòng phục vụ bản làng dù có khó khăn đến đâu. Khi có bệnh nhân đau mắt mà Đêm chưa biết giải quyết như thế nào, chị đã suy nghĩ rất nhiều: “Làm thế nào? Lội suối leo đèo không có bạn không lo bằng lúc này! Cô ước gì lúc này là lúc đang đi thực tập ở trường, có thầy có bạn. Cô thấy lúc này nhà vắng vẻ quá đáng sợ. Những lúc thế này nếu có chồng ở bên cạnh cũng bình tâm hơn nhưng chồng đã đi học xa…” [18, tr137]. Cuối cùng, chị đã quyết định lên thị trấn lấy thuốc về cho bệnh nhân. Khi đỡ đẻ, Đêm lại tự nói với mình: “Không thể chậm được, chậm thì nguy cả mẹ lẫn con” [18, tr141]. Với lời độc thoại nội tâm rất ngắn, tác giả đa làm nổi bật lên tấm lòng của nhân nật này. Chị là con người có trách nhiệm và lương tâm đồng loại. Đêm cứu được phụ sản và đứa bé trong niềm vui của mọi người. Với nhân vật của mình, ngay cả những nhân vật phụ, Triều Ân cũng sử dụng phương thức độc thoại nội tâm. Nhân vật Chân trong truyện ngắn Trong tiếng sa quay là một ví dụ như vậy. Chân quay trở về nhà Hoàng Oanh để được nghe tiếng quay sa thì thấy một người đàn ông mù ngồi quay sa. Trong giây phút ấy, có biết bao nhiêu suy nghĩ nảy ra trong đầu anh. Và tác giả đã sử dụng độc thoại nội tâm để diễn tả những suy nghĩ ấy: “- Anh ấy là ai? Hay là chồng chị Yến, chồng Oanh?” - Đây là anh Tùng? Hoàn toàn không phải. Hay là anh Tùng đã mất, đây là người chồng thứ ba? Nhà cửa thôn chân núi này thưa thớt, muốn hỏi cũng không biết hỏi vào đâu?” [18, tr199]. Chân cứ tự hỏi tự trả lời như vậy đến khi Thảo lên tiếng. Nhân vật phải suy nghĩ nhiều nhất trong tác phẩm này có lẽ là Yến. Chị cảm thấy khó xử khi Thảo từ chiến trường trở về. Khi Thảo đi rồi, Yến quay vào buồng nằm nghĩ ngợi “Yến sẽ đau khổ biết nhường nào nếu gặp lại Thảo mà phải bỏ anh Tùng? Và nếu vậy coi như Yến lấy chống lần thứ ba? Anh Tùng mới đến với Yến hai tháng hè qua. Một người bị vợ bỏ, một người chết chồng, gặp nhau thương và lấy nhau. Ai dám nói rằng tình nghĩa không mặn nồng khi hai cõi lòng cô đơn tìm nhau? Chịu thôi…” [18, tr215]. Yến day dứt không biết phải làm như thế nào mới đúng. Chị đã bỏ đi khi chồng chị đang rất lo lắng cho chị. Đây là lời độc thoại nội tâm thông qua ngôn ngữ của người trần thuật. Cán bộ Lê trong truyện ngắn Chặt cổ rồng lại có những lời lẽ tự nói vói mình: “Ta đến đây làm công tác vì quần chúng, không phải riêng tây gì. Nếu không thông, sẽ đem bàn bạc chung. Còn có chủ nhiệm và bà con” [17, tr61]. Nói tóm lại, Triều Ân đã sử dụng độc thoại nội tâm trong các truyện ngắn của mình để khắc họa diễn biến tâm lí nhân vật. Từ những lời độc thoại này, người đọc có thể hiểu thêm về nhân vật. Lối độc thoại của tác giả không hề xa lạ mà gần gũi với tư duy của người miền núi. Đó là những suy nghĩ chất phác, thật thà xuất phát từ tấm lòng yêu thương và quý trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây. 3.2. Ngôn ngữ nghệ thuật 3.2.1. Khái niệm ngôn ngữ nghệ thuật Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Nếu như ngôn ngữ tự nhiên (hay còn gọi là ngôn ngữ phi nghệ thuật) là hệ thống tín hiệu đầu tiên con người dùng để diễn đạt ý nghĩ, tình cảm được nảy sinh trong hoàn cảnh nhất định thì các tác phẩm nghệ thuật lại được cấu tạo từ hệ thống tín hiệu thứ nhất có nhiệm vụ thể hiện tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Ngôn ngữ nghệ thuật được hoàn thiện nhờ tài năng lao động của nhà văn. Khác với ngôn ngữ văn hóa, ngôn ngữ nghệ thuật mang dấu ấn, màu sắc riêng của từng tác giả, phản ánh nét độc đáo không lặp lại của nhà văn. Khi các nhà văn sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, mỗi người lại có khả năng thể hiện một giọng riêng, một phong cách riêng bắt nguồn từ cá tính sáng tạo của người viết. Từ đó sẽ tạo ra phong cách nghệ thuật riêng. Ngôn ngữ nghệ thuật được sử dụng chủ yếu trong các tác phẩm văn chương, có chức năng chủ yếu là chức năng thẩm mĩ, xây dựng hình tượng nghệ thuật tác động đến cảm xúc của người đọc, biểu hiện cái đẹp, khơi gợi nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ cho người đọc. Ngôn ngữ nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trong bởi nó là yếu tố vật chất duy nhất trong tác phẩm văn học. Qua ngôn ngữ, người đọc khám phá được bao điều trong tác phẩm: thế giới hình tượng, tư tưởng, quan niệm…mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, ngôn ngữ nghệ thuật lại chứa đựng cả thế giới mà nhà văn sáng tạo từ cảnh vật, con người đến cốt truyện, kết cấu, chủ đề…Trong mối quan hệ chặt chẽ ấy, ngôn ngữ nghệ thuật trở thành phương thức tồn tại, phương thức biểu hiện của nội dung, đồng thời nó còn biểu hiện trực tiếp và rõ nét phong cách và tài năng của nhà văn. Các nhà văn trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật luôn luôn có những tìm tòi, cố gắng để làm sao cho ngôn ngữ có thể phù hợp với nội dung cũng như tư tưởng của tác phẩm. Triều Ân cũng là một trong những nhà văn như vậy. Ngôn ngữ trong các tác phẩm của ông cũng mang những nét phong cách riêng, không cầu kì, xa lạ mà rất gần gũi và dễ đi vào lòng người. 3.2.2. Ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn của Triều Ân Nhà nghiên cứu Mai Hương trong bài Triều Ân, nhà văn hóa dân tộc Tày trích Nhà văn các DTTS Việt Nam hiện đại, NXB Văn hóa dân tộc H.1998 đã từng nhận xét về truyện ngắn Triều Ân: “Sức hấp dẫn của truyện không phải ở cốt truyện độc đáo mà chủ yếu ở câu chuyện, lối kể chuyện dung dị, chân tình, say mê của tác giả” [18, tr1012 – 1013]. Đến với ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn của nhà văn Triều Ân, người đọc thấy được ở đó là những lời lẽ gần gũi, dễ hiểu. Ông cũng là một trong những tác giả vận dụng sáng tạo ngôn ngữ dân gian trong tác phẩm của mình. Chính điều đó đã đem lại sắc thái dân dã, mộc mạc nhưng cũng rất tươi mới, đẹp đẽ cho tác phẩm. Qua đó, nó diễn tả cuộc sống sinh hoạt còn đậm chất dân gian của người miền núi. 3.2.2.1. Lời văn trữ tình, sử dụng nhiều câu hát dân ca của người dân tộc Đây là một trong những đặc điểm đáng chú ý trong ngôn ngữ của Triều Ân ở các tác phẩm của mình. Ông đã tỏ ra rất am hiểu những câu hát dân ca của người dân tộc. Những câu hát ấy xuất hiện với mật độ dày đặc trong các truyện ngắn của tác giả này. Không chỉ làm cho lời văn hay hơn mà việc sử dụng các câu hát dân ca ấy còn đem đến sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thể loại tự sự và trữ tình. Cũng với việc sử dụng các câu hát này, Triều Ân đã góp phần bảo tồn nền văn hóa của dân tộc mình. Truyện ngắn Người con trai Mông, các câu hát dân ca của người Mông xuất hiện khá nhiều lần. Có những trang viết, các câu hát dân ca chiếm dung lượng lớn. Ở những câu hát dân ca đó chứa chất biết bao tâm sự, tình cảm của con người miền núi. Họ không chỉ hát để nói lên những suy nghĩ đó mà còn để đối đáp với người bạn tình. Mùa Seo Vàng cứ bâng khuâng mãi với khúc hát tình của Hầu Thị Mỵ: “Đề đư đau đề đư Éng đư chỉ tau éng tếnh Nước chảy được, nước chảy Đất chảy không được, đất đứng Anh đi được anh đi Em không đi được, em lên núi lên đồi than van Nước chảy được, nước chảy Đất chảy không được, đất đứng Anh đi được, anh đi Em không đi được, em lên núi lên đồi khóc lóc” [18, tr14]. Không chịu thua, Mùa Seo Vàng lại hát đối đáp lại Mỵ: “Em ơi, anh mong nếu được em thương yêu Anh sẽ lội theo vết chân em lội qua suối đục Nếu em như con trâu hay con ngựa Anh cầm ngay dây dắt em về Anh mong nếu được em quý mến Anh sẽ lội theo bước chân em lội qua suối trong Giá em là con ngựa hay con trâu Anh sẽ nắm dây kéo em theo” [18, tr14]. Với cách nói thật chân thành, giản dị và đậm chất tư duy của con người nơi đây, chúng ta đã thấy được đời sống tình cảm phong phú của người dân miền núi. Đêm hát cứ thế kéo dài mãi. Câu hát kia sắp hết, câu tiếp theo đã lại vang lên. Điều đó làm cho lời văn của tác phẩm thêm phần trữ tình và ngọt ngào hơn. Khi nói về sự tương xứng của đôi lứa, ca dao dân ca người Kinh diễn đạt khá trữ tình: “Đôi ta như đũa trong kho, Không tề, không tiện, không so cũng bằng. Đôi ta như thể con bài, Đã quyết thì đánh, đừng nài thấp cao. Đôi ta như đá với dao, Năng liếc thì sắc, năng chào thì quen.”[13, tr268 - 269]. Trong truyện ngắn của mình, Triều Ân đã cho người đọc thấy thế giới tâm hồn của người Mông cũng không kém phần tình tứ, da diết khi nói đến chủ đề này. Với mô tip “Đôi ta”, ông viết: “Mặt trời đã xế bên núi Đôi ta như chim khướu lạc đàn Mặt trời đã xế bên đèo Đôi ta như chim họa mi lạc đàn “[18, tr16]. Với truyện ngắn Người con trai Mông dài chưa đầy 25 trang, Triều Ân đã sử dụng rất nhiều câu hát dân ca, nó trở thành đặc trưng trong truyện ngắn của ông. Có những truyện ngắn, những câu hát dân ca được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm. Truyện ngắn Câu chuyện cuộc đời, Dinh đã hát đi hát lại một khúc hát của người Mông: “…Anh ơi! Anh đừng lo nghèo không ai nấu cơm Ơi đôi bồ câu Dù có chia đôi chúng lại tìm nhau” [17, tr5 - 9 - 15]. Chỉ với bốn câu hát thôi nhưng Dinh đã diễn tả được bao nhiêu tình cảm với A Chi. Câu hát thật ngắn gọn mà đầy ý nghĩa, sự vật xuất hiện trong những câu hát ấy cũng thật quen thuộc. Chúng ta bắt gặp ở đó là hình ảnh của đôi chim bồ câu, chim khướu, con trâu, con ngựa…Chính điều đó đã tạo nên sự gần gũi trong tác phẩm của ông. Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài cũng đã sử dụng những câu hát trữ tình trong những đêm chợ tình của người Mông: “ Anh ném pao Em không bắt Em không yêu quả pao rơi rồi…” [11, tr8]. Với câu hát ấy và những trò chơi khác của người miền núi, nhà văn đã dựng lên khung cảnh thơ mộng của những chợ tình dân tộc vùng cao. Nói tóm lại, trong các truyện ngắn của mình, Triều Ân sử dụng khá nhiều các câu hát dân ca của người miền núi. Điều này tạo nên sự gần gũi trong lời văn, khiến những trang viết của ông dễ đi vào lòng người. Sự kết hợp tài tình giữa những câu hát dân ca ấy với những đoạn văn trong tác phẩm đã góp phần khẳng định tài năng của Triều Ân. Đồng thời, việc sử dụng dày đặc các câu hát dân ca trong các tác phẩm, Triều Ân đã góp phần bảo vệ vốn văn hóa dân tộc - đó là sự kết tinh những tình cảm thiêng liêng nhất của con người miền núi. Thông qua những câu hát của mình, người miền núi đã thể hiện được tư tưởng, tình cảm của họ. Với lối viết như vậy, ta nhận thấy ở Triều Ân tấm lòng yêu văn hóa quê hương nơi mình sinh ra. 3.2.2.2. Cách vận dụng thành ngữ, tục ngữ Khi khảo sát hai tập truyện ngắn của Triều Ân, chúng tôi nhận thấy ông đã đan cài vào những tác phẩm ấy khá nhiều câu thành ngữ, tục ngữ. Sự có mặt của những câu thành ngữ và tục ngữ ấy khiến cho ngôn ngữ trong tác phẩm, kể cả ngôn ngữ nhận vật lẫn ngôn ngữ người trần thuật đều trở nên gần gũi, dễ hiểu với mọi đối tượng bạn đọc vì nó đã đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Nó khái quát cuộc sống dưới dạng ngắn gọn và sinh động để thể hiện một ý niệm hình tượng, một kiểu tư duy phổ biến và truyền thống giàu tính văn nghệ tự nhiên của nhân dân. Nó được lồng vào truyện như một lời đánh giá, bình luận, giải thích về các sự kiện, tính cách, có khi nó trở thành ngôn ngữ đối thoại rất tự nhiên của nhân vật. Điều đáng quý ở đây là Triều Ân sử dụng các thành ngữ, tục ngữ không hề gò bó mà rất đỗi tự nhiên. Điều này tạo cho ngôn ngữ trong các sáng tác của ông có sức lôi cuốn cao. Ở các truyện ngắn của mình, Triều Ân sử dụng các thành ngữ, tục ngữ một cách linh hoạt, khi là lời của nhân vật, khi là lời của người trần thuật. Trong truyện ngắn Xứ sương mù, các thành ngữ và tục ngữ được sử dụng trong chính ngôn ngữ của nhân vật. Thời trong truyện ngắn này đã nói với bà Loan: “Cháu quyét tước, thu xếp nhà cửa rồi khóa hộ. E rằng xảy ra “một mất mười ngờ” cháu phải sang thưa bác biết đấy ạ” [18, tr37]. Hay trong lời nói của bà Loan khi đối đáp với Thời, Triều Ân cũng viết : “Nếu tôi để mất nó, hóa ra chạy sói lại gặp lang” [18, tr38]. Khi đọc những câu thành ngữ, tục ngữ này, người đọc thấy khá quen thuộc. Chỉ với những câu văn ngắn gọn, Triều Ân đã diễn tả được nhiều điều. Trong các truyện ngắn mà chúng tôi khảo sát, truyện ngắn Bạn cùng lứa sử dụng nhiều thành ngữ và tục ngữ nhất. Chỉ mới chưa đầy hai lăm trang viết, Triều Ân đã sử dụng năm thành ngữ và tục ngữ. Các câu thành ngữ, tục ngữ đó được kết hợp và vận dung một cách nhuần nhuyễn khiến cho người đọc cảm thấy lời văn trôi chảy và có sức khái quát cao. Người Kinh vẫn thường nói: Thuyền theo lái, gái theo chồng, Triều Ân cũng sử dụng thành ngữ này trong Bạn cùng lứa. Câu thành ngữ này đã diễn tả được tình cảnh của Thương lúc bây giờ. Thương yêu một người miền xuôi nhưng vì cô nàng người dân tộc Tày nên cha mẹ không cho lấy, người Tày không bao giờ được lấy người xuôi. Nếu diễn đạt lại câu văn ấy mà không dùng thành ngữ này thì không thể có nhiều giá trị diễn tả được. Để vạch trần mưu đồ xấu xa của Cắm Và đối với Thương, Triều Ân lại đan cài trong lời nói của nhân vật ấy một thành ngữ rất quen thuộc: “Thua keo này ta bày keo khác. Thời buổi nào cũng vậy có tiền nhiều là xong tất cả” [18, tr67]. Không thành công trong lần đến nhà Hồng Lê với mục đích dùng tiền để chuộc lại Nhân, Cắm Và lại nảy sinh một kế hoạch đen tối khác. Thành ngữ “Thua keo này ta bày keo khác” ở đây không hoàn toàn mang nghĩa tích cực như nó vốn có nữa. Triều Ân đã rất tinh tế trong cách sử dụng ngôn ngữ của mình. Ông dùng thành ngữ, đồng thời lột tả được tâm trạng và suy nghĩ của nhân vật lúc bấy giờ. Một loạt các thành ngữ khác cũng được tác giả vận dụng trong truyện ngắn này: “Tôi xin chị một đứa con về nuôi, hàng ngày giúp trông hàng nước, cho ăn sung mặc sướng” [18, tr71]. “Một lúc chị được món tiền lớn. Thật là vinh hoa phú quý tự nhiên đến với chị” [18, tr72]. “Thôi được, tôi đỡ mất tiền. Thật là làm phúc nên tội” [18, tr73]. Ở những trang viết này Triều Ân liên tiếp sử dụng các thành ngữ quen thuộc. Tần xuất xuất hiện của chúng ngày càng tăng lên. Có những truyện ngắn, Triều Ân sử dụng những thành ngữ, tục ngữ người Tày. Trong tác phẩm Eng Bải, tác giả đã sử dụng hai câu tục ngữ tiếng Tày: “Dẫm cứt trâu thì dại, dẫm phân ngựa sẽ khôn”, anh đã đi nhiều nơi như con ngựa rong ruổi, anh khôn, nhiễm thêm cái tính khôn vặt, khôn thầm, láu cá” [18, tr180]. Hay: “Anh cũng biết câu thành ngữ dân gian là “cười nhạt như kẻ đi hôi” chứ có phải ăn uống gì” [18, tr190]. Những câu tục ngữ, thành ngữ Tày ấy vô cùng quen thuộc và phù hợp với cách tả, cách nghĩ của người dân miền núi. Bởi thế, nó làm cho tác phẩm gần gũi và nóng hổi hơi thở của con người, cuộc sống của đồng bào dân tộc. Ở truyện ngắn này, Triều Ân còn xây dựng hình ảnh của nhân vật Bóng và Toác. Hai con người xấu xa đó chỉ biết lợi dụng lòng tốt của người khác để chuộc lời cho bản thân, Trong đó, Toác là con người hay nói tục: “Đằng cuối xe tiếng các bà buôn vẫn cãi nhau, văng tục, chửi bới. Có câu bà Toác chửi bóng chửi gió tới Bảy, khinh thường anh, đánh giá thấp nhân phẩm anh” [18, tr189]. Toác “chửi bóng chửi gió” chứ không chửi thẳng vào mặt Bảy. Điều này tỏ rõ sự khôn ngoan của cô ta. Ngay cả khi có ba chú bộ đội xin đi nhờ xe thì Toác cũng nói những lời lẽ rất mất lịch sự. Anh Bảy đã nhớ lại lần trước anh đi bộ đội cũng gặp trường hợp như các anh bộ đội kia: “Ở hiền gặp lành, Bảy vô cùng may mắn được lên ngồi nhờ cabin một xe tải…” [18, tr195]. Thành ngữ “Ở hiền gặp lành” được tác giả sử dụng rất phù hợp trong hoàn cảnh này. Điều đó cho thấy tài năng của Triều Ân một lần nữa được khẳng định một cách vững chắc. Nhân vật Yến (Trong tiếng sa quay) là đứa con rất hiếu thảo với cha mẹ. Khi Yến đi chợ dẫn theo Thảo về, chị gọt lê cho mẹ và Thảo ăn. Yến rất khéo léo khi mời mẹ ăn lê trước: “Em sẽ đền anh vì mấy quả lê mang đi chợ dành phần cho anh, em chót bán đi. Nhưng trước hết, con mời mẹ đã ăn quả nhớ kẻ trồng cây, mẹ ạ” [18, tr123]. Triều Ân sử dụng thành ngữ này đan cài rất linh hoạt trong lời ăn tiếng nói của nhân vật. Yến nói những lời lẽ đó hoàn toàn rất tự nhiên, không hề gò bó. Khi Yến đưa Thảo về, hai người hẹn hò nhau “Thảo ghi lòng tạc dạ lời Yến nói trên đỉnh đèo phân thủy” [18, tr204]. Câu văn trên lại hoàn toàn là lời của người kể chuyện. Trong tác phẩm tự sự, nhân vật người kể chuyện đặc biệt quan trọng. Những lời kể của nhân vật này có ảnh hưởng trực tiếp đến mạch truyện, nó dẫn dắt câu chuyện một cách mạch lạc khiến cho người đọc dễ dàng theo dõi được tác phẩm. Triều Ân đã sử dụng các thành ngữ trong ngôn ngữ của kiểu loại nhân vật này. Điều đó tạo nên sự linh hoạt trong việc vận dụng thành ngữ và tục ngữ trong tác phẩm của ông. Bên cạnh đó, để miêu tả hành động và tâm trạng của Yến khi Thảo quay về sau chiến tranh, Triều Ân lại sử dụng thành ngữ rất quen thuộc của nhân dân ta: “Anh sống khôn chết thiêng, hồn anh ở lại nhà, còn con ma hiện hình thì hãy rời khỏi nhà này ngay” [18, tr211]. Thành ngữ “sống khôn chết thiêng” được sử dụng khá phổ biến trong cuộc sống của nhân dân ta. Khi đưa thành ngữ ấy vào sáng tác của mình, những trang viết của Triều Ân trở nên gần gũi, quen thuộc đến lạ thường. Truyện ngắn Bên bờ suối Tiên là tác phẩm đạt giải nhì cuộc thi tạp chí văn nghệ Việt Bắc 1962. Trong truyện ngắn này, Triều Ân đã phản ánh một vấn đề đang được Đàng và Nhà nước ta quan tâm lúc bấy giờ. Đó là vấn đề hợp nhất các hợp tác xã. Hai làng Pác Lủng Thượng và Pác Lủng Hạ đã không đồng ý việc hợp nhất hai hợp tác xã làm một. Lí do chỉ vì hai họ có hiềm khích xưa kia. Trong cuộc họp hai làng các cụ cao tuổi đều có những lí do rất bảo thủ: “Đã đánh nhau một trận thập tử nhất sinh ở cửa suối Tiên, thề không nhìn nhau nữa, bây giờ lại liên hợp được à” [17, tr37]. Với thành ngữ “Thập tử nhất sinh”, Triều Ân đã cho thấy tính chất gay gắt của trận đánh giữa hai làng. Mười phần chết chỉ còn một phần sống, hai làng quyết không chịu hợp nhất dù biết việc đó sẽ rất có lợi cho công việc làm ăn của họ. Đến cuối tác phẩm, Triều Ân lại sử dụng thành ngữ để rát gọn lại câu văn: “Hồi ức bắt họ hình dung lại hai trai làng của hai họ đã hi sinh để xuống đường ngầm ở hồ Tiên tháo nước. Tre già măng mọc…” [17, tr47 - 48]. Nếu diễn tả câu văn trên thành “…Thế hệ trước đi qua đã có thế hệ sau, đó là điều tất yếu” thì câu văn sẽ trở nên dườm dà. Tuy nội hàm ý nghĩa của câu không thay đổi nhưng tính biểu cảm, súc tích sẽ giảm đi nhiều. Thành ngữ “Tre già măng mọc” đã bao hàm được tất cả những ý nghĩa đó. Nhân dân ta vẫn thường có câu : “Gái một con trông mòn con mắt Hai con con mắt liếc ngang Ba con cổ ngẳng răng vàng…” Ở truyện ngắn Hương sen, Triều Ân đã lấy ý từ những câu đó để nói lên vẻ đẹp của Hương qua con mắt nhìn của Lượng - anh đồ tể: “Lượng đứng ngây ra nhìn và nghĩ: Gái hai con trông vẫn mòn con mắt” [18, tr165]. Tuy không trực tiếp nói ra lời khen ngợi ấy nhưng Lượng vẫn thấy Hương đẹp lắm. Tác giả đã khéo léo trong việc vận dụng văn hóa dân gian trong các sáng tác của mình. Ở hàng loạt các truyện ngắn khác, Triều Ân cũng sử dụng các thành ngữ, tục ngữ tương đối linh hoat. Trong Người thiếu phụ bản Hoa Đào, khi Thùy Dương và Nông Thịnh chia tay nhau, Nông Thịnh đã nói rạch ròi trước tòa: “Tôi đội rế nồi, lạy bốn phương trời, mười phương đất, thề không cùng sống” [18, tr155]. Một câu văn ngắn gọn nhưng đã bao hàm được nhiều ý nghĩa. Trong truyện ngắn Mùa hoa phượng vĩ, khi thấy Lê Hồng và Lưu Hảo thân thiết với nhau, nhiều người đã có lời ra tiếng vào. Họ thấy như vậy là không được. “Khi ấy có một giọng đàn bà qua đường tiếng nói Tày oang oang như nói với ai: “Không khéo cứ gọi là ăn cơm trước kẻng, tháng giêng chạy trước tháng chạp” [18, tr94]. Có thể nói, mật độ xuất hiện của những thành ngữ, tục ngữ trong truyện ngắn của Triều Ân khá nhiều. Tác giả sử dụng chủ yếu các thành ngữ và tục ngữ của người Kinh. Điều đó cho thấy Triều Ân đang có ý thức kinh hóa các sáng tác của mình. Bên cạnh đó, việc tác giả sử dụng những thành ngữ, tục ngữ của người Kinh còn cho thấy mức độ ảnh hưởng, thâm nhập của vốn văn hóa người Kinh đối với nền văn hóa của các dân tộc thiểu số. Những thành ngữ và tục ngữ ấy được đưa vào tác phẩm không hề có sự khiên cưỡng, gò bó mà ngược lại vô cùng tự nhiên và linh hoạt. Dường như trong đầu tác giả chứa sẵn cả một kho tàng thành ngữ và tục ngữ phong phú, đồ sộ. Nhờ đó mà bất cứ lúc nào, dù là ngôn ngữ đối thoại hay ngôn ngữ người trần thuật thì những câu thành ngữ, tục ngữ luôn được đặt vào vị trí thích hợp nhất giúp câu văn càng trở nên gần gũi với cách cảm, cách nghĩ của quần chúng nhân dân mà không kém phần hàm súc, cô đọng. Qua đó, ta thấy được sự nghiêm túc của người viết qua từng câu chữ. Nhà văn đã vận dụng sáng tạo ngôn ngữ trong kho tàng tục ngữ, thành ngữ của nhân dân vào tác phẩm của mình giúp cho tác phẩm ấy mang đậm tính dân tộc. Việc sử dụng các thành ngữ và tục ngữ trong sáng tác của mình, Triều Ân đã góp phần bảo vệ kho tàng văn học dân tộc trong sự phát triển chung của nền văn hóa dân tộc lúc bấy giờ. 3.2.2.3. Lối so sánh ví von giàu hình ảnh Theo từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử chủ biên thì so sánh hay còn gọi là tỉ dụ là “Phương thức biểu đạt bằng ngôn từ một cách hình tượng dựa trên cơ sở đối chiếu hai hiện tượng só những dấu hiệu tương đồng nhằm làm nổi bật đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng này qua đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng kia” [7, tr282]. Thủ pháp nghệ thuật này thường được sử dụng rất nhiều trong văn chương, đặc biệt là trong văn học dân gian. Tuy nhiên, văn học hiện đại cũng sử dụng khá nhiều lối so sánh ví von này. Đây là cách nói đặc biệt, sinh động, cụ thể, tưởng như có thể đong đếm, trực cảm bằng các giác quan. So sánh thường có hai vế. Vế đầu là hiện tượng cần được biểu đạt một cách hình tượng, vế sau là hiện tượng được dùng để so sánh. Hai vế này thường được nối liền với nhau bởi từ “như” hoặc bằng các từ so sánh khác: “bằng”, “hơn”, “kém”… Văn học dân gian thường lấy những sự vật cụ thể hoặc những hiện tượng tự nhiên làm chuẩn mực so sánh nhằm cụ thể hóa những hiện tượng trừu tượng. Chẳng hạn: “Cổ tay em trắng như ngà Con mắt em liếc như là dao cau Miệng cười như thể hoa ngâu Cái khăn đội đầu như thể hoa sen” Hay: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi Như đứng đống lửa, như ngồi đống than” Bằng con đường so sánh, nhà văn có thể phát hiện ra nhiều đặc điểm, thuộc tính của một đối tượng hoặc hiện tượng. Do đó, so sánh là biện pháp nghệ thuật quan trọng, góp phần taọ cho người đọc những ấn tượng thẩm mĩ hết sức phong phú. Không chỉ có các tác giả người Kinh mà các tác giả người dân tộc thiểu số cũng mang đến cho người đọc những so sánh đầy bất ngờ và thú vị, mang đậm lối tư duy của con người miền núi. Tuy vậy, lối so sánh ví von mà các nhà văn sử dụng trong tác phẩm của mình cũng phần nào khiến cho ngôn ngữ trau chuốt và giàu tính hình tượng hơn. Tác giả Triều Ân đã sử dụng thành công lối so sánh ví von trong các truyện ngắn của mình. Những hình ảnh so sánh mà ông đưa ra không qua xa lạ và cầu kì mà rất gần gũi với tư duy của người miền núi. Những hình ảnh thiên nhiên, con người miền núi hiện lên qua từng nét bút của ông. Trong tiểu thuyết Nắng vàng bản Dao, Triều Ân cũng sử dụng khá thành công lối so sánh ấy: “Em muốn được theo anh, dù anh là thuồng luồng thật biến hóa giả làm chàng trai, lên chợ tìm em” [19, tr16]. Hay: “Anh Piao đẹp như trai thuồng luồng” [19, tr10]. Ở lĩnh vực truyện ngắn, ông cũng tỏ ra là một cây bút đầy tài năng. Ông sử dụng lối so sánh, ví von rất thành công. Từng trang viết của ông đều chứa đựng biết bao tâm huyết và tình cảm của con người “cổ lai hy” ấy. Ở những câu hát dân ca trong truyện ngắn Người con trai Mông, Triều Ân đã sử dụng lối so sánh ví von đầy hình ảnh. Nó làm cho câu văn tăng thêm tính hình tượng: “Mình nói mình kết nghĩa bạn tình với ta … Mình khen ta đẹp như con bướm bạc … Mình khen ta đẹp tựa con bướm bạc xứng cùng dây bạc” [18, tr14]. Hay: “Mặt trời đã xế bên núi Đôi ta như chim khướu lạc đàn Mặt trời đã xế bên đèo Đôi ta như chim họa mi lạc bạn” [18, tr16]. Những câu hát đó chứa chất biết bao tình cảm của người dân tộc. Lối so sánh ví von được sử dụng một cách triệt để. Thông qua thủ pháp nghệ thuật này, người đọc cảm nhận được tình cảm của những đôi trai gái dân tộc dành cho nhau. Những câu hát đó cùng với lối so sánh đầy hình ảnh rất giống với những bài ca dao của người Kinh. Chính điều này đã tạo nên sự gần gũi trong sáng tác của Triều Ân. Cũng trong truyện ngắn này, Khi miêu tả khu đất Lũng Tém, tác giả sử dụng lối so sánh rất hiệu quả: “Lũng Tém rộng và phẳng tụt xuống như lòng chậu gỗ to, hay giống một tổ chim phượng hoàng, mà bốn bề núi đá vòng quanh như thành tổ vút lên hùng vĩ” [18, tr21]. Chỉ với một câu văn ngắn gọn và thủ pháp nghệ thuật so sánh, tác giả đã miêu tả được vẻ đẹp hùng vĩ của khu đất Lũng Tém. Điều đáng quý ở đây là những hình ảnh được tác giả đem ra so sánh không hề xa lạ hoặc qua cầu kì. Người đọc vẫn cảm nhận được sự gần gũi và quen thuộc trong những trang viết của ông. Cùng với lối so sánh ấy, trong truyện ngắn Xứ sương mù, tác giả đã miêu tả vẻ đẹp của thị xã - nơi bà Loan đang ở: “Ba dòng sông Hiến, sông Bằng, sông Cổn dồn nước về bao quanh gần như khép kín, thị xã trông như một hòn đảo” [18, tr36]. Đây là điểm nhìn của người kể chuyện, tạo nên sự khách quan cần thiết trong tác phẩm. Thị xã của bà Loan trông xa như một hòn đảo nằm giữa ba dòng sông. Ở đây, không thủ pháp nào thay thế được lối so sánh ấy. Ở những trang viết tiếp theo, để miêu tả phong cảnh hữu tình nơi xứ sương mù, Triều Ân vẫn sử dụng lối so sánh quen thuộc: “Đường xe lên Bảo Lạc quanh co uấn khúc. Núi non hùng tráng. Đèo vút cao lưng trời. Những con đường oằn mình bám vào sườn núi trườn lên, xa trông như những dải lụa tung bay trong tiết mục múa lụa ngày hội xuân” [18, tr42]. Hay cảnh chiều tà nơi đây, “Mặt trời gác núi. Sương mù bồng bềnh trôi dưới thung lũng như những biển khơi mênh mông” [18, tr50]. Cảnh núi non hùng vĩ nơi vùng đất Bảo Lạc hiện ra thật rõ nét. Tác giả so sánh những con đường nơi đây như những dải lụa trong ngày hội múa. Một hình ảnh so sánh thật gần gũi, thân quen nhưng cũng không kém phần đặc sắc. Hình ảnh được đem ra so sánh ở đây là dải lụa - một sự vật trong đời sống tinh thần của con người. Có lẽ nó cũng rất thân quen với đời sống của những con người miền núi. Trong lời nói của nhân vật, Triều Ân cũng sử dụng lối so sánh đầy hình ảnh: “Bà Tường, mẹ của Thuận khinh nhà ta quá lắm, những nói nào là “ngôi sao đòi sánh với mặt trời”, nào là “con cóc lại ước lấy nàng tiên”, Thuận cũng nghe mẹ nó không phát biểu lấy một lời” [18, tr45]. Lối so sánh đầy hình ảnh cộng với sử dụng thành ngữ quen thuộc, tác giả đã nói lên được mối quan hệ giữa Tân - con trai bà Loan với Thuận. Mẹ Thuận coi khinh Tân ra mặt. Tác giả sử dụng lối so sánh, lấy những hình ảnh như trong truyện cổ tích: con cóc, nàng tiên…Đây là một trong những biểu hiện của sự vận dụng văn học dân gian trong các sáng tác của Triều Ân. Ngòi bút của tác giả luôn chạm đến những sự vật, hình ảnh vô cùng quen thuộc mà chúng ta có thể thấy bất cứ đâu xung quanh cuộc sống sinh hoạt đời thường, đặc biệt là thiên nhiên, cuộc sống ở vùng núi cao. Bởi thế, nó chạm được đến tâm tư, tình cảm của những con người quê hương ông, cũng đã khơi gợi được sự đồng cảm từ phía người đọc. Trong truyện ngắn Tiếng khèn A Pá, tiếng khèn của chàng trai người Mông ấy được miêu tả rất sinh động thông qua thủ pháp so sánh: “Tiếng khèn đưa mỗi lúc một gần. Có lúc tiếng khèn như gió gầm gào trên đỉnh núi về đêm, có lúc nghe như tiếng dế than ti tỉ trong núi báo hiệu tiết trời sắp thay đổi. Tiếng khèn lúc nghẹn ngào uất ức, lúc du dương ngân nga trong tiếng gió gần…” [18, tr104]. Hay: “Tiếng khèn dồn dập khác thường, như tiếng quân đi súng nổ” [18, tr112]. Tiếng khèn của A Pá được miêu tả dưới ngòi bút tác giả rất sinh động. Với thủ pháp so sánh, tác giả đã diễn tả được các trạng thái của tiếng khèn ấy, lúc gầm gào khi lại tỉ tê. Đọc các câu văn của Triều Ân, người đọc có cảm giác ông không phải là nhà văn người dân tộc mà là một cây bút Kinh thực sự. Nhà văn Nguyễn Tuân khi miêu tả tiếng thác chảy trong tùy bút Người lái đò sông Đà cũng đã sử dụng thủ pháp so sánh rất hiệu quả: “Còn xa lắm mới đến các thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo ta mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng” [10, tr187 - 188]. Đọc những câu văn của Nguyễn Tuân khi miêu tả tiếng thác chảy và những câu văn của Triều Ân khi miêu tả tiếng khèn, chúng ta cảm thấy giữa chúng có một nét chung nào đó! Chỉ biết rằng, cả hai nhà văn ấy đã rất tài tình trong cách miêu tả của mình. Cùng lấy loài chim ra làm hình ảnh so sánh nhưng Triều Ân đã rất tinh tế trong khi miêu tả cảnh học sinh Mông vui chơi và hình ảnh của những chiếc máy bay Tây: “Học sinh Mông ta ở đây vui chơi như đàn chim trời tung cánh. Chỉ nhờ Đảng, nhờ cụ Hồ, anh em ta bơ vơ mới được đến trường này học chữ, cũng như con chim lạc đàn đã tìm thấy đàn cũ của mình” [18, tr106]. “Máy bay Tây như con diều hâu đói lại đuổi theo mồi” [18, tr108]. Nhờ ơn Đảng, cụ Hồ và cách mạng mà các em người dân tộc được đến trường như bao đứa trẻ khác. Hình ảnh “đàn chim trời tung cánh” thể hiện sự trẻ trung, khỏe mạnh và vui sướng của các em. Hình ảnh đẹp đẽ ấy lại đối lập với hình ảnh chim diều hâu mà tác giả đã sử dụng ở trang viết sau. Diều hâu được coi là loài chim xấu xa, tác giả ví máy bay của Tây như những con diều hâu này. Chắc chắn giữa chúng phải có điểm tương đồng nhất định. Không chỉ cụ thể hóa hình ảnh so sánh mà thông qua những câu văn ấy, tác giả đã một lần nữa lên án chiến tranh phi nhân đạo, tố cáo tội ác của bọn thực dân xâm lược. Ở truyện ngắn Bạn cùng lứa, Triều Ân khi miêu tả tình cảnh của Thương đã sử dụng một hình ảnh so sánh rất sát: “Như xuất hiện một cơn gió ngàn thổi trong lòng, Thương như một cây trúc đứng lẻ loi ở lưng đèo ngả nghiêng chao đảo trong gió” [18, tr66]. Ở đây, Thương được ví như cây trúc lẻ loi đứng trong gió. Với hình ảnh so sánh ấy, tác giả đã làm nổi bật nên nỗi cô đơn nặng trĩu trong lòng Thương. Bây giờ đây, Thương không còn ai bên cạnh chị nữa. Piao trong truyện ngắn Mây tan được người đọc yêu quý. Anh đã phần nào hiểu được những điều mà cán bộ Thông giảng giả. Anh phát biểu trong những buổi họp của làng. Anh là con chim đầu đàn nên khi Piao nói, ai cũng hiểu và nghe theo. Triều Ân dùng thủ pháp so sánh để miêu tả giọng nói của chàng trai người dân tộc Mông này: “Nhưng khi ra chỗ hội họp đông người, Piao nói như dòng suối cuồn cuộn chảy đổ vào sông Nhiêm, nói đúng cái bụng mọi người; ai cũng khen và tỏ mặt yêu mến Piao” [18, tr121]. Thủ pháp so sánh ở đây đã làm nổi bật nên sức mạnh lời nói của Piao. Mọi người đã hiểu và tin theo anh. Hình ảnh so sánh là dòng suối quen thuộc với bao người dân miền núi. Hình ảnh đôi chim lại được nhắc lại một lần nữa khi chúng ta đến với truyện ngắn Trong tiếng sa quay. Khi nghe tin Thảo hi sinh, Yến đã ngất đi, sau khi tỉnh dậy, “Yến cảm thấy hai chị em mình như đôi chim sau cơn bão tố bị vỡ tổ, bay giạt về chân núi. Đôi chim đang bơ vơ” [18, tr207 - 208]. Một hình ảnh so sánh rất thực tế và gần gũi. Đôi chim sau cơn giông bão kia thật giống với hoàn cảnh của chị em Yến bây giờ. Thảo ra đi, hai chị em không còn nơi nương tựa nữa. Triều Ân sinh ra và lớn lên gắn bó cả cuộc đời mình với núi non Việt Bắc. Phải thế chăng mà trong những trang viết của mình, đặc biệt là những đoạn dùng thủ pháp so sánh, tác giả đã đưa vào những hình ảnh con vật như: nai, chim, dế, cóc…Điều đặc biệt là chúng không phải được đưa vào một cách tùy tiện hay gượng ép, gò bó mà với mỗi đối tượng, mỗi hoàn cảnh, tác giả lại có sự sắp xếp một cách hợp lí khiến cho câu văn sinh động, đầy gợi cảm và làm nổi bật nên được phẩm chất, đặc điểm của đối tượng được miêu tả. Hình ảnh mặt trăng, mặt trời được đem ra làm hình ảnh so sánh: “Đôi ta lúc này ngồi bên nhau Khác chi mặt trăng với mặt trời…” [18, tr15]. Mặt trăng với mặt trời luôn gắn bó với nhau, dùng hình ảnh so sánh này tác giả đã nói lên được tình cảm gắn bó giữa chàng trai và cô gái Mông. Chẹ Tàn trong truyện ngắn Mây tan lại hát rằng: “Người Dao Tiền như con nai Có đám mây đen chở đi lang thang” [18, tr120]. Hình ảnh chú nai hiền lành, ngơ ngác được ví với người Dao Tiền. Tác giả làm nổi bật bản chất hiền lành, chất phác của những con người miền núi nơi đây. Như chúng ta đã biết, trong biện pháp so sánh tu từ thì đối tượng so sánh và đối tượng được so sánh phải có một nét tương đồng nào đó. Với Triều Ân, tùy từng đối tượng cụ thể mà nhà văn đem so sánh với những con vật khác nhau. Phải có sự gắn bó với núi rừng, sự quan sát tinh tế và am hiểu sâu sắc về thế giới loài vật, tác giả mới có thể đạt được thành công khi đem loài vật ra làm đối tượng được miêu tả. Sự so sánh ấy mang đến cho người đọc cảm giác thú vị khi đọc tác phẩm và quan trọng hơn là nó được sử dụng phù hợp nên không gây nhàm chán, cách hiểu sai lệch cho độc giả. Nói tóm lại, Triều Ân sử dụng khá nhiều thủ pháp so sánh trong các tác phẩm của mình. Nhờ các hình ảnh so sánh gần gũi và quen thuộc ấy mà thiên nhiên, con người miền núi trở nên sinh động, có hình tượng, gây cho độc giả những ấn tượng khó phai mờ. Để tạo nên được thành công như vậy, chắc chắn Triều Ân phải là còn người giàu lòng yêu thiên nhiên, một người có tâm hồn nhạy cảm và sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ. Cũng thông qua cách so sánh đầy hình ảnh của nhà văn, các thế hệ người đọc có dịp hiểu thêm về thiên nhiên núi rừng Việt Bắc, đặc biệt là lối tư duy của con người miền núi. KẾT LUẬN 1. Triều Ân là một nhà văn có cá tính sáng tạo, có niềm đam mê nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của một người cầm bút. Những quan niệm nghệ thuật dẫn tới các tác phẩm văn chương của Triều Ân đều được khơi gợi từ một trái tim giàu lòng nhân đạo biết căm thù và cũng biết yêu thương. Đó là trái tim của một người con của núi rừng Việt Bắc có tình yêu tha thiết với quê hương mình, có niềm tự hào sâu sắc vầ những giá trị văn hóa, tinh thần của quê hương. Không những thế, ông còn tài tạo và luôn giữ gìn những giá trị đáng quý đó. 2. Trong quá trình sáng tác văn chương của mình, Triều Ân đã có những thành công với thể loại truyện ngắn. Thành công ấy được thể hiện ở hai phương diện: Nội dung và nghệ thuật. Nhà văn đã tái tạo và xây dựng được một thế giới nhân vật dù chưa phong phú, đông đảo nhưng đã có diện mạo riêng, góp phần làm nên diện mạo chung của thế giới nhân vật trong văn học Việt Nam hiện đại. Trong thế giới nhân vật ấy, có thể chưa có nhân vật điển hình như đúng khái niệm của kiểu loại nhân vật này, chưa có những nhân vậy thật sự tiêu biểu và có các tính đậm nét, gây được ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn độc giả nhưng cũng đã có những nhân vật thành công ở chừng mực nào đó. Những nhân vật ấy đã giúp người đọc hiểu rõ hơn số phận cuộc đời của những người dân miền núi với tất cả những bất hạnh khổ đau và cả những hạnh phúc ngọt ngào, với cả những mặt thiện - ác, tốt - xấu. Triều Ân đã viết về họ với tất cả nhiệt huyết từ một trái tim. 3. Trong văn học Việt Nam hiện đại, có một khoảng riêng của văn học các dân tộc thiểu số. Triều Ân đã góp vào khoảng riêng ấy những tác phẩm văn chương với những sắc màu không dễ lẫn. Sắc màu ấy tỏa ra từ hệ thống hình tượng, các thủ pháp nghệ thuật…mang đậm màu sắc của miền núi Việt Bắc. Nó giúp người đọc Việt Nam cũng như bạn bè thế giới hiểu thêm con người Việt Nam nói chung và người dân Việt Bắc nói riêng thêm hiểu cả những vinh quang và cay đắng của dân tộc mình. Từ đó, biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những vẻ đẹp, những giá trị truyền thống của quê hương mình. 4. Truyện ngắn của Triều Ân mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Thông qua các tác phẩm của mình, tác giả đã phản ánh được nhiều vấn đề đã và đang nảy sinh trong cuộc sống của người dân miền núi. Đồng thời, với việc xây dựng một hệ thống nhân vật trong các tác phẩm của mình, Triều Ân đã có cái nhìn toàn diện về con người nơi đây. Với ngòi bút tài năng và tâm hồn nhạy cảm cùng tấm lòng yêu quê hương, dân tộc, Triều Ân xứng đáng là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. 6. Về mặt nghệ thuật, Triều Ân lại có những nét riêng rất độc đáo. Ông tiếp thu nhiều từ ngôn ngữ dân gian. Ông sử dụng nhiều ngôn ngữ dân tộc và cách vận dụng thành ngữ, tục ngữ một cách linh hoạt. Bên cạnh đó là nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc thông qua ngoại hình, hành động và dòng độc thoại nội tâm của nhân vật. Kế thừa thủ pháp xây dựng nhân vật trong nghệ thuật văn chương truyền thống, kết hợp nhuần nhuyễn với thủ pháp xây dựng nhân vật trong nghệ thuật văn chương hiện đại, nhà văn đã thổi sức sống vào nhân vật của mình. 7. Có rất nhiều vấn đề của văn chương Triều Ân cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu: Các vấn đề thi pháp tác giả, tác phẩm Triều Ân; mối quan hệ giữa nhà văn Triều Ân với một số nhà văn người dân tộc thiểu số khác…Hi vọng rằng trong tương lai sẽ có những công trình nghiên cứu về Triều Ân. Và những gì chúng tôi thực hiện được trong khóa luận này mới chỉ là một trong những bước khởi đầu của quá trình tìm hiểu văn học của Triều Ân - nhà văn của núi rừng Việt Bắc. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đinh Thị Minh Hảo (2009), Đặc điểm truyện ngắn Cao Duy Sơn, luận văn thạc sĩ ngữ văn, trường ĐHSP Thái Nguyên. 2. Hà Minh Đức (chủ biên) (2002), Lý luận văn học, NXB Giáo dục. 3. Hồng Thanh (tuyển chọn), (2009), Triều Ân tác giả tác phẩm, NXB Văn hóa dân tộc. 4. Hoài Nam (2004), Mở túi khôn của người Tày, trích báo Đại biểu nhân dân, số 47 (256) ngày 17 tháng 4 năm 2002. 5. Hoàng Thị Vi (2009), Bản sắc dân tộc trong tiểu thuyết Triều Ân, luận văn thạc sĩ ngữ văn, trường ĐHSP Thái Nguyên. 6. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 7. Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục. 8. Nguyễn Đăng Điệp (1998), Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi. Tập năm, NXB Giáo dục. 9. Nguyễn Thị Vượng, Thi pháp nhân vật trong Sông Đông êm đềm của M.Sôlôkhốp, NXB Giáo dục. 10. Phan Trọng Luận (chủ biên), Ngữ văn 12 , tập 1, NXB Giáo dục. 11. Phan Trọng Luận (chủ biên), Ngữ văn 12 , tập 2, NXB Giáo dục. 12. Phương Lựu - Trần Đình Sử - Nguyễn Xuân Nam (1987), Lí luận văn học, NXB Giáo dục. 13. Phương Thu, Ca dao tục ngữ Việt Nam, NXB Thanh Niên. 14. Tô Hoài (1997), Nghệ thuật và phương pháp viết văn, NXB Giáo dục. 15. Thạc sĩ Mai Hương (1988), Nhà văn các DTTS Việt Nam hiện đại, NXB Văn hóa dân tộc. 16. Trần Thị Hồng Nhung (2010), Phong cách tự sự dân gian trong tiểu thuyết Triều Ân, luận văn thạc sĩ ngữ văn, trường ĐHSP Thái Nguyên. 17. Triều Ân (1989), Tiếng khèn A Pá, NXB Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam. 18. Triều Ân (2006), Tuyển tập thơ văn Triều Ân, NXB Văn học Hà Nội. 19. Triều Ân (1992), Nắng vàng bản Dao, NXB Hội nhà văn.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • dockhoa_luan_huyen_sua__2109.doc