LỜI MỞ ĐẦU
Hai năm trở lại đây, chủ yếu do những bất ổn của tài chính tiền tệ thế giới, giá vàng thế giới có sự biến động tăng/giảm với biên độ lớn. Tại Việt Nam, có thêm nguyên nhân là tâm lý của người dân bị tác động quá mức; môi trường kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, tỷ lệ lạm phát còn cao. Giá vàng trong nước biến động với biên độ khá lớn, và có những biến động thất thường gây tâm lý bất ổn cho người dân, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, làm nhiều người dân thiệt hại khi chạy theo giá vàng
Trong năm 2010, đã có một số giải pháp quản lý đưa ra, thậm chí giải pháp quyết liệt như đóng cửa sàn giao dịch vàng, ban hành Thông tư 22/TT-NHNN về quản lý huy động và cho vay bằng vàng đối với tổ chức tín dụng, theo hướng thu hẹp đối tượng và hoạt động kinh doanh; nâng cao mức thuế suất từ 0% lên 10% đối với xuất khẩu vàng có hàm lượng cao.
Tuy nhiên, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng vẫn chưa thật cao khi mà thị trường vàng còn nằm ngoài sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước hoặc có khả năng tạo ra những “cơn sóng” biến động giá bất thường. Do vậy, có nhiều giải pháp quản lý tiếp tục được đề xuất Bài viết sau đây, tác giả xin được trao đổi xung quanh vấn đề này.
Vai trò của vàng
Trong lịch sử phát triển của tiền tệ, hơn bất kỳ loại hàng hóa nào, do tính chất vật lý bền vững, vàng là một loại tiền tệ được chấp nhận rộng rãi trong xã hội loài người qua quá trình lịch sử lâu dài, từ vài nghìn năm trước công nguyên đến năm 1971 khi Mỹ bỏ chế độ chuyển đổi USD ra vàng.
14 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1462 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Giải pháp nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Giải pháp nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng
TS. Nguyễn Thị Thanh Hương Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng
Hai năm trở lại đây, chủ yếu do những bất ổn của tài chính tiền tệ thế giới, giá vàng thế giới có sự biến động tăng/giảm với biên độ lớn. Tại Việt Nam, có thêm nguyên nhân là tâm lý của người dân bị tác động quá mức; môi trường kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, tỷ lệ lạm phát còn cao. Giá vàng trong nước biến động với biên độ khá lớn, và có những biến động thất thường gây tâm lý bất ổn cho người dân, ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, làm nhiều người dân thiệt hại khi chạy theo giá vàng… Trong năm 2010, đã có một số giải pháp quản lý đưa ra, thậm chí giải pháp quyết liệt như đóng cửa sàn giao dịch vàng, ban hành Thông tư 22/TT-NHNN về quản lý huy động và cho vay bằng vàng đối với tổ chức tín dụng, theo hướng thu hẹp đối tượng và hoạt động kinh doanh; nâng cao mức thuế suất từ 0% lên 10% đối với xuất khẩu vàng có hàm lượng cao. Tuy nhiên, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng vẫn chưa thật cao khi mà thị trường vàng còn nằm ngoài sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước hoặc có khả năng tạo ra những “cơn sóng” biến động giá bất thường. Do vậy, có nhiều giải pháp quản lý tiếp tục được đề xuất… Bài viết sau đây, tác giả xin được trao đổi xung quanh vấn đề này.
Vai trò của vàng
Trong lịch sử phát triển của tiền tệ, hơn bất kỳ loại hàng hóa nào, do tính chất vật lý bền vững, vàng là một loại tiền tệ được chấp nhận rộng rãi trong xã hội loài người qua quá trình lịch sử lâu dài, từ vài nghìn năm trước công nguyên đến năm 1971 khi Mỹ bỏ chế độ chuyển đổi USD ra vàng.
Khi chế độ kim bản vị sụp đổ, các nước lần lượt thực hiện chế độ tiền giấy bất khả hoán (tiền giấy không được phép đổi ra vàng, bạc). Thực chất của chế độ tiền giấy bất khả hoán là chế độ tiền tệ lấy hàng hóa làm bản vị, trong đó giá trị một đơn vị tiền tệ quy chuẩn được xác định bằng tổng giá trị của khối lượng hàng hóa của quốc gia/số lượng đơn vị tiền giấy phát hành. Trên cơ sở đó, giá trị của đồng tiền của một quốc gia được xác định thông qua sức mua hàng hóa của đơn vị tiền tệ, không phụ thuộc vào khối lượng vàng do nhà nước đang sở hữu.
Với chế độ tiền giấy bất khả hoán, trong đời sống xã hội hàng ngày, vàng không còn có chức năng thước đo giá trị, phương tiện thanh toán, tiền tệ thế giới. Mặc dù vậy, vai trò tiền tệ của vàng không hoàn toàn mất đi, đặc biệt là chức năng cất trữ giá trị và tiền tệ quốc tế.
Ngày nay tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, người dân có nhu cầu sở hữu, nắm giữ vàng do tập quán, thói quen sử dụng vàng làm phương tiện cất trữ giá trị và nhu cầu sử dụng vàng làm đồ trang sức. Riêng nhu cầu sử dụng vàng làm phương tiện cất giữ tài sản của người dân phụ thuộc chủ yếu vào những lợi ích họ thu được so với các phương tiện cất trữ tài sản hoặc đầu tư khác, và do đó, phần nào phụ thuộc vào sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, sản xuất và kinh doanh đồ trang sức mỹ nghệ bằng vàng là một nghề truyền thống, có từ lâu đời và vẫn được duy trì, phát triển trong đời sống xã hội hiện đại. Tại Việt Nam, có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng trong cả nước, riêng thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.000 doanh nghiệp.
Việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng của các Ngân hàng Trung ương
Xuất phát từ vai trò đặc biệt của vàng, với chức năng là cơ quan thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, hầu hết Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) các nước đều có chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng thông qua việc quản lý vàng thuộc dự trữ ngoại hối quốc gia và quản lý thị trường vàng trong nước.
Theo hướng dẫn trong cẩm nang thống kê tiền tệ của IMF, chỉ có vàng đủ tiêu chuẩn quốc tế do NHTƯ nắm giữ mới được coi là tiền tệ, thuộc dự trữ ngoại hối của quốc gia, còn vàng được nắm giữ bởi các tổ chức kinh tế bao gồm cả các tổ chức tín dụng, bởi cá nhân được coi là hàng hóa thông thường.
Trên thực tế, nhiều NHTƯ các nước nắm giữ, duy trì tỷ lệ vàng (vàng tiêu chuẩn quốc tế) nhất định trong tổng dự trữ ngoại hối quốc gia nhằm bảo đảm hỗ trợ cán cân thanh toán quốc tế và đối phó với khủng hoảng hay các sự cố đặc biệt như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh... Tỷ lệ dự trữ bằng vàng so với tổng dự trữ ngoại hối bình quân của các quốc gia không tăng, giữ ở mức khoảng 10% (xem Bảng 1), nhưng lại rất khác nhau giữa các quốc gia (xem Bảng 2).
Bảng 1: Quy mô vàng thuộc Dữ trữ quốc tế của các nước từ 2000 – 2009
2000
2001
2002
2003
2004
2005
2006
2007
2008
2009
Nghìn tấn
33.06
32.78
32.41
31.86
31.34
30.74
30.38
29.87
29.73
30.19
Tỷ USD
291.7
291.4
361.8
426.4
438.9
507.0
617.3
800.8
831.3
1,005.4
% so với tổng dự trữ ngoại hối
11.5
10.8
11.4
10.8
9.2
9.6
9.7
9.9
9.8
9.9
Nguồn: World Gold Council-WGC
Bảng 2: Lượng vàng nắm giữ và tỷ lệ so với tổng dự trữ
của một số nước cuối năm 2009
Quốc gia
Tổng lượng vàng (tấn )
Tỷ lệ so với tổng dự trữ (%)
Mỹ
8.133,5
77,4
Một số nước Châu Âu
Đức
3.406,8
69,2
Ý
2.451,8
66,6
Pháp
2.435,4
70,6
Eurozone ( bao gồm ECB)
10.797,9
59,7
Anh
310,3
17,6
Một số nước Bắc Á
Trung Quốc
1.054,1
1,9
Hàn Quốc
14,4
0,2
Nhật
765,2
2,3
Một số nước Đông Nam Á
Thái Lan
84
2,1
Malaysia
36,4
1,2
Indonesia
73,1
3,9
Singapore
127,4
2,2
Nguồn: World Gold Council-WGC
Việt Nam không phải là nước khai thác vàng lớn, vàng có được chủ yếu từ nhập khẩu, do vậy, để có được vàng, Việt Nam phải mất ngoại tệ. Khi xuất được vàng, Việt Nam cũng thu được ngoại tệ. Nói một cách khác, vàng hàm lượng cao và ở một phân khúc nhất định của thị trường cũng là ngoại tệ hoặc vàng gián tiếp tạo nguồn thu hoặc khoản chi ngoại tệ, có tác động đến cung cầu ngoại tệ trong nước. Việc bình ổn thị trường vàng cũng góp phần quan trọng vào việc bình ổn thị trường ngoại tệ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Giá vàng bất ổn – tác động và những hệ lụy
Kinh doanh vàng trên thế giới có nhiều hình thức: Kinh doanh mua/ bán vàng trang sức mỹ nghệ; kinh doanh vàng miếng; kinh doanh vàng trên Sở giao dịch hàng hóa chính thức; xuất/ nhập khẩu vàng trang sức mỹ nghệ hoặc vàng nguyên liệu dưới dạng hạt, thỏi, miếng... Một số Sở giao dịch hàng hóa lớn có giao dịch vàng trên thế giới hiện nay như: New York Mercantile, Dubai Gold & Commondities Exchange, Hong Kong Mercantile...
Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng cũng rất khác nhau ở mỗi quốc gia tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi quốc gia như: đồng tiền nội tệ là đồng tiền chuyển đổi hoặc không chuyển đổi; giá trị đồng nội tệ ổn định hoặc không ổn định; là quốc gia có vàng chủ yếu từ nguồn sản xuất, khai thác vàng trong nước hoặc từ nhập khẩu; dự trữ ngoại hối của quốc gia cao hoặc thấp... Trên cơ sở đó, tùy từng nước, tùy từng giai đoạn phát triển, nhà nước có quy định kiểm soát chặt chẽ hoặc nới lỏng đối với hoạt động kinh doanh vàng. Ngay như Trung Quốc, là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn, có khai thác, sản xuất khối lượng lớn vàng hàng năm nhưng vẫn thực hiện quản lý nhà nước chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh vàng, nhất là giai đoạn đầu hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường. Về nội dung này, Tạp chí Ngân hàng số 21/2010 có bài viết “Công tác quản lý vàng theo chức năng của Ngân hàng Trung ương: Kinh nghiệm quản lý tại Trung Quốc và một số đề xuất cho Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Thị Tươi đã nêu rõ.
Tổng hợp về hoạt động mua/bán vàng trên thế giới và tại Việt Nam, chúng ta có thể có những nhận xét sau:
(1) Giá vàng biến động tăng/giảm rất thất thường, biên độ biến động mạnh (xem Đồ thị 1). Giá vàng nhiều khi tăng cao, lập những kỷ lục mới, nhưng ngay sau đó có thể sụt sâu. Do đó, rủi ro là rất lớn cho cá nhân/tổ chức mua/bán vàng với mục đích đầu cơ. Ví dụ, tại thị trường Việt Nam, gần trưa ngày 11/11/2009, một số người dân phải mua vàng với giá 29,15 triệu đồng/lượng, ngay sau đó đã bị sốc khi nhận được tin, giá rớt một mạch xuống 26,4 triệu đồng/lượng chỉ sau lúc mua chưa tới 2 tiếng đồng hồ. Giá vàng còn rớt mạnh trong một hai ngày sau đó và có lúc xuống dưới 25 triệu đồng/lượng; hiệu vàng Tuấn Tài -một tiệm vàng lớn ở TP HCM vỡ nợ sau cơn sốt giá vàng tháng 11/2009, kéo theo tổn thất cho nhiều người dân có gửi vàng tại tiệm vàng này;
(2) Tại một quốc gia, sự biến động của giá vàng nhiều khi không xuất phát từ tăng/giảm tổng sản phẩm quốc dân GDP;
Đồ thị 1: Diễn biến giá vàng thế giới năm 2010
(3) Giá vàng biến động không chỉ xuất phát từ yếu tố cung/cầu về vàng mà còn bị chi phối khá mạnh bởi yếu tố đầu cơ, bởi niềm tin của dân chúng vào hệ thống tài chính tiền tệ; vào giá trị đồng tiền có vai trò dự trữ quốc tế hoặc/và giá trị đồng tiền nội tệ (xét phạm vi một quốc gia). Trên thế giới có những quỹ chuyên về đầu tư vàng, ví dụ như Quỹ Gold Bullion Securities, SPDR Gold Trust, Dubai Gold Securities, NewGold... Tại thời điểm cuối tháng 7/2010, Quỹ SPDR Gold Trust - quỹ đầu tư vàng vật chất lớn nhất thế giới nắm giữ khoảng 1.300 tấn vàng, trị giá tương đương trên 48 tỷ USD;
(4) Trong một quốc gia, giá vàng tăng/giảm có tác động tới tỷ giá ngoại tệ. Mức độ tác động còn tùy thuộc vào khả năng kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động mua/bán vàng, tùy thuộc quy mô tổng các giao dịch mua/bán vàng so với GDP, so với cán cân thanh toán quốc tế của quốc gia đó.
Tại Việt Nam, những tháng đầu năm đến hết tháng 9/2010, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất siêu đá quý, kim loại quý, trong đó chủ yếu là vàng, khoảng 2,3 tỷ USD: Khi giá vàng mới nhích lên, tháng 5 (1.204,88 USD/oz), tháng 8 (1.214 USD/oz), các doanh nghiệp đã vội vàng đua nhau xuất khẩu. Cụ thể, trong tháng 5, xuất khẩu vàng của Việt Nam tăng tới 13,8% so với tháng 4 và đến tháng 8 thì lao vọt lên tới 45,5% so với tháng 7.
Từ đầu tháng 10/2010, vàng tăng giá, khi giá vàng trong nước tăng cao hơn giá vàng thế giới, để tạo ổn định của nền kinh tế quốc dân, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vài lần quota cho nhập khẩu vàng với khối lượng phù hợp, các doanh nghiệp lại quay sang nhập khẩu vàng với giá cao. Nhập khẩu vàng thực sự là một yếu tố làm cho cán cân thương mại thêm thâm hụt.
Phạm vi kinh doanh vàng ở Việt Nam hiện nay khá rộng, khó kiểm soát
Tại Việt Nam, theo các quy định của pháp luật hiện hành (Nghị định 174/1999/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 64/2003/NĐ-CP), phạm vi hoạt động kinh doanh vàng khá rộng rãi. Cụ thể, NHNN chỉ quản lý một số hoạt động về vàng có liên quan tới điều hành chính sách tiền tệ như: (i) xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu; (ii) sản xuất vàng miếng. Các hoạt động kinh doanh vàng khác như mua bán vàng trang sức mỹ nghệ, vàng miếng được coi là hoạt động kinh doanh bình thường giống như các loại hàng hoá khác. Theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, hoạt động mua bán, sản xuất gia công vàng trang sức mỹ nghệ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Tổ chức, cá nhân muốn tham gia chỉ cần đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch Đầu tư trên địa bàn và hoạt động trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hoạt động kinh doanh này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại và Luật Doanh nghiệp. Ngay cả hoạt động xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ cũng không hề có bất kỳ một quy định nào để điều phối và kiểm soát. Không có các quy định cụ thể để xác định: Thế nào được xem là vàng gia công chế tác; vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong khi đó, việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức mỹ nghệ thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; không cần có giấy phép của NHNN. Như vậy, khả năng lạm dụng để xuất khẩu vàng có chất lượng cao (ví dụ, từ 90% trở lên) dưới hình thức vàng trang sức mỹ nghệ nhưng với khối lượng lớn là rất dễ xẩy ra. Do vậy, Bộ Tài chính đã sửa đổi mức thuế suất xuất khẩu vàng. Theo Thông tư số 184/2010/TT-BTC, từ ngày 01/01/2011, các loại vàng nguyên liệu, vàng trang sức có hàm lượng cao sẽ chịu thuế xuất khẩu là 10% thay cho mức cũ là 0%.
Do phạm vi hoạt động kinh doanh vàng khá rộng rãi, lượng vàng và USD trôi nổi ngoài thị trường nhiều (các chuyên gia kinh tế gọi là tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa”) nên ngay cả các cơ quan quản lý cũng không thể nắm rõ được số liệu thật là bao nhiêu.
Sàn giao dịch vàng: Nếu cho phép thành lập trở lại, Nhà nước không nên để tái diễn những hạn chế, tác động xấu trước đây
Trước thời điểm NHNN ban hành Thông tư số 01/2010/TT-NHNN bãi bỏ việc thực hiện Quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN về kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã tự phát lập sàn vàng trong nước. Ở giai đoạn phát triển cao vào cuối năm 2008, năm 2009, các sàn vàng đã biến tướng, việc kinh doanh không gắn với vàng vật chất mà thực chất là cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá (margin trading), và các sàn còn cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao. Đây là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng. Thực tế các sàn giao dịch vàng đều thực hiện hoạt động mua, bán với nhà đầu tư qua các phương thức;
(i) Chủ sàn trực tiếp mua bán vàng với nhà đầu tư và phòng ngừa rủi ro bằng việc chuyển trạng thái ra nước ngoài thông qua hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của chủ sàn;
(ii) Chủ sàn nhận lệnh của nhà đầu tư và chuyển lệnh ra nước ngoài thông qua hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của chủ sàn;
(iii) Các nhà đầu tư trực tiếp mua bán vàng trên tài khoản với nhau thông qua hình thức khớp lệnh tập trung.
Đối với hình thức giao dịch (i) và (ii) thì về bản chất, chủ sàn cho phép nhà đầu tư thực hiện mua bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Hay nói cách khác, đây là hoạt động đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư trong nước. Khi nhà đầu tư trong nước tính toán sai/thua lỗ, mất ngoại tệ ra nước ngoài là không tránh khỏi, tạo thêm sức ép lên tỷ giá USD/VND.
Ngoài ra, việc thực hiện giao dịch vàng tại các sàn giao dịch vàng của Việt Nam thời gian qua có thể mang lại rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân do thông tin và cơ chế giao dịch không hoàn toàn minh bạch; chủ sàn vừa làm môi giới mua/bán vàng, vừa trực tiếp kinh doanh vàng. Vì vậy, tác giả cho rằng, nếu cho sàn giao dịch vàng được thành lập mới hoặc hoạt động trở lại, thì cần nghiên cứu đầy đủ và thận trọng mọi khía cạnh về tổ chức và nghiệp vụ; cần có cơ chế quản lý rất chặt chẽ, nhất là không cho phép tổ chức/cá nhân sử dụng nguồn vốn huy động từ xã hội để kinh doanh mạo hiểm, đầu cơ vào vàng.
Ở đây, vấn đề cần được mở rộng và cần được cảnh báo, loại hình kinh doanh chênh lệch giá (margin trading) - kinh doanh mạo hiểm, đầu cơ trên thị trường quốc tế của các nhà đầu tư trong nước thông qua kiểu hỗ trợ và hoạt động tương tự như các sàn vàng nói trên cũng có thể được thực hiện bởi một Sàn/Trung tâm giao dịch/Sở giao dịch hàng hóa bất kỳ nào đó như bạc, cà phê, cao su..., không nhất thiết là vàng; loại hàng hóa cụ thể quy định trong các hợp đồng giao dịch chỉ là đối tượng/phương tiện để giao dịch. Nghiệp vụ được thực hiện thông qua việc ký kết các hợp đồng giao dịch hàng hóa tương lai quốc tế, trong đó nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao, nhà đầu tư chỉ phải ký quỹ một tỷ lệ nhỏ so với tổng giá trị giao dịch; với đặc điểm tính thanh khoản rất cao, thường tất toán hợp đồng trước khi đáo hạn của các hợp đồng giao dịch tương lai, nhà đầu tư thực hiện mua khống, bán khống, kiếm tiền nhờ vào sự biến động giá trên thị trường thế giới và dựa vào đòn bẩy tài chính... Vì vậy, Nhà nước cũng cần sớm quan tâm và có quy định quản lý chặt chẽ đối với thị trường công cụ tài chính phái sinh, nhất là các giao dịch phái sinh với mục đích đầu cơ.
Mức độ cần thiết của việc huy động vàng trong dân để đầu tư phát triển kinh tế?
Một số chuyên gia cho rằng, lượng vàng trong dân cư là số lượng lớn và cần phải được huy động để đầu tư phát triển kinh tế, nếu không sẽ là sự lãng phí lớn? Để đi đến kết luận nhận định này là đúng hoặc sai, chúng ta xem xét, phân tích ở các góc độ sau:
Thứ nhất, dù không được trả lãi, thậm chí phải trả phí (nếu phí thấp), người dân có vàng, nhất là khi sở hữu một số lượng lớn, người dân vẫn sẽ gửi ở ngân hàng để đảm bảo an toàn. Tùy theo điều kiện của nền kinh tế và mục tiêu của chính sách tiền tệ từng thời kỳ, NHTƯ có thể thực hiện nghiệp vụ hoán đổi giữa vàng (vàng “có tính chất tiền tệ”) với VND đối với các NHTM. Theo đó, NHTƯ sẽ tăng dự trữ quốc gia và NHTM sẽ tăng nguồn vốn tín dụng để cho vay.
Thứ hai, nếu cho phép các NHTM trả lãi cao để huy động vàng và NHTM cho vay vàng để đầu tư phát triển kinh tế thì lợi ích có thể không bù nổi những thiệt hại từ những tác động tiêu cực cả ở tầm vi mô và tầm vĩ mô. Cụ thể: (1) Với kỳ vọng “lãi kép”- lãi được trả về tiền gửi bằng vàng và kỳ vọng lãi từ chênh lệch giá, người dân có động lực lớn để tích trữ tài sản bằng vàng hoặc đầu cơ vào vàng, gây khó khăn cho điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là khi có những biến động lớn về giá vàng; nguồn vốn tiết kiệm của dân cư sẽ đổ dồn để tích trữ vàng; tác động tiêu cực của hiện tượng “vàng hóa” cũng là rất lớn, tương tự như hậu quả của “đô la hóa” trong nền kinh tế. Ngoài ra, việc chống “đô la hóa” trong nền kinh tế cũng chỉ thành công khi đồng thời chống được “vàng hóa”; (2) Phát sinh rủi ro về thanh khoản vàng và rủi ro về giá vàng cho các NHTM, cho các doanh nghiệp/người dân vay vốn bằng vàng và gây bất ổn, biến động không lường trước được về giá vàng, tỷ giá USD/VND. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, hậu quả xã hội sẽ rất lớn, khi các khoản tiền gửi hoặc các khoản thanh toán bằng vàng đến hạn/đáo hạn, nhưng khi đó giá vàng trên thị trường tăng cao, và người vay hoặc người phải thanh toán trả vàng sẽ phá sản hoặc chịu lỗ lớn.
Thứ ba, giới hạn đầu tư tín dụng cho nền kinh tế được quyết định bởi những yếu tố nào? Nguồn vốn đầu tư (tiết kiệm trong nước, nguồn vốn vay nước ngoài); hiệu quả của các dự án đầu tư... Trong đó, hiệu quả của các dự án đầu tư là một yếu tố quyết định. Nếu nền kinh tế có nhiều dự án đầu tư có hiệu quả, NHTƯ có thể tăng vốn cho nền kinh tế bằng cách “bơm vốn” cho các NHTM. Trong chế độ tiền giấy, trong giới hạn nhất định, NHTƯ có khả năng mở rộng tín dụng ngân hàng để phát triển kinh tế thông qua mở rộng khả năng tạo tiền của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Từ 3 lý do trên, tác giả cho rằng: Sẽ là tốt hơn hoặc cần huy động nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong dân vào hệ thống các NHTM, tuy nhiên, không cần/không nhất thiết phải huy động nguồn vốn này với việc phải trả lãi, nhất là phải trả lãi ở mức lãi suất cao (ví dụ 2%). Ngoài ra, để tránh rủi ro thanh khoản vàng, giấy tờ có giá bằng vàng không được thanh toán trước hạn, nếu thanh toán trước hạn phải chịu phạt/chiết khấu ở mức/tỷ lệ tối thiểu nhất định do NHNN quy định.
Quan điểm quản lý đối với hoạt động kinh doanh vàng
Trước những biến động giá vàng gây sức ép tiêu cực lên thị trường tiền tệ, đặc biệt là thị trường ngoại hối, Chính phủ và NHNN đã có một số giải pháp quản lý, thậm chí giải pháp quyết liệt như đóng cửa các sàn giao dịch vàng trong nước; đình chỉ giao dịch vàng trên tài khoản ở nước ngoài sau ngày 30/03/2010 (tiếp đó, được gia hạn đến hết ngày 31/07/2010); NHNN ban hành Thông tư số 22/2010/TT-NHNN về quản lý huy động và cho vay bằng vàng đối với tổ chức tín dụng, theo hướng thu hẹp đối tượng và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng chưa thật cao, thị trường vàng vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, còn có dấu hiệu đầu cơ, làm giá vàng, gây bất ổn cho nền kinh tế và nhiều rủi ro cho người dân.
Trong thời gian tới, Nhà nước cần thực hiện các biện pháp đầy đủ, đồng bộ hơn để khắc phục tình trạng giá vàng biến động khó kiểm soát; để chống thất thoát ngoại tệ cho đất nước; để tập trung nguồn vốn của xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất. Dù biện pháp nào được đưa ra cũng cần có tính dài hạn, ổn định và nên dựa trên những quan điểm quản lý là:
(1) Tôn trọng tập quán, quyền lợi của người dân khi sử dụng vàng làm phương tiện cất trữ giá trị, nhưng tuyệt đối không khuyến khích người dân đầu tư vàng, đặc biệt cần chống việc doanh nghiệp và dân cư đầu cơ vàng bằng nguồn vốn huy động ngoài xã hội;
(2) Về kỹ thuật, cần có tiêu chuẩn/tiêu chí rõ ràng cụ thể phân biệt vàng là đồ trang sức, mỹ nghệ với vàng có tính chất tiền tệ, theo đó có cơ chế quản lý riêng biệt, chặt chẽ, thu hẹp phạm vi, đối tượng tham gia và quy mô đối với kinh doanh vàng có tính chất tiền tệ, ví dụ vàng miếng;
(3) Tôn trọng quy luật thị trường trong điều tiết hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời cần có sự quản lý, định hướng của nhà nước;
(4) Có cơ chế linh hoạt để thị trường vàng trong nước liên thông được với thị trường vàng quốc tế; góp phần chống buôn lậu vàng;
(5) Có cơ chế phù hợp để nguồn vốn tiết kiệm trong nước không bị điều chuyển quá mức vào hoạt động kinh doanh vàng;
(6) Loại bỏ vàng khỏi chức năng thước đo giá trị, phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, không để thị trường vàng tác động lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô;
(7) Thông tin về quy mô giao dịch, số lượng giao dịch, số lượng vàng (vàng “có tính chất tiền tệ” - vàng miếng) sở hữu bởi một thành viên tham gia thị trường vàng chính thức phải được minh bạch, công khai và được báo cáo NHNN hàng ngày để NHNN có thể kiểm soát, điều tiết thị trường bằng các quyết định quản lý phù hợp; góp phần chống được hiện tượng làm giá, đầu cơ.
Một số giải pháp chủ yếu để quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia, tác giả cho rằng: Thông tư số 22/2010/TT-NHNN của NHNN có tác động rất tích cực đối với việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đối với thị trường tiền tệ, nhất là trong dài hạn.
Để đồng bộ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, tác giả đề xuất, bổ sung, điều chỉnh một số quy định hiện hành bằng một số giải pháp sau:
(1) Hoàn thiện hệ thống VBQPPL hiện hành điều tiết trực tiếp hoặc có liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vàng để thống nhất vai trò quản lý hoạt động kinh doanh vàng của NHNN theo đúng quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12, NHNN có nhiệm vụ “Quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng”.
Thực hiện quy định trên, trong thực tiễn nên quy định việc kinh doanh vàng “có tính chất tiền tệ” - vàng miếng là loại hình kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp kinh doanh phải được NHNN cấp phép và đáp ứng đủ các điều kiện do NHNN đưa ra phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế của đất nước; những tổ chức, cá nhân chỉ kinh doanh mua, bán, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ không cần có giấy phép của NHNN, nhưng phải thông báo cho NHNN về giấy phép đăng ký hoạt động kinh doanh vàng và vẫn chịu sự kiểm tra, thanh tra của NHNN; sẽ phải chịu phạt hành chính nặng nếu các đơn vị này kinh doanh vàng “có tính chất tiền tệ” - vàng miếng;
(2) Xây dựng tiêu chí cụ thể để phân biệt vàng “có tính chất tiền tệ”; vàng có hàm lượng cao; vàng trang sức mỹ nghệ. Đề xuất cụ thể:
- Vàng “có tính chất tiền tệ” là vàng được coi là ngoại hối theo điểm (d) khoản 2 Điều 6 Luật NHNN số 46/2010/QH12 (Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam); vàng miếng được sản xuất trong nước; vàng trên tài khoản gửi “lưu ký” tại các tổ chức tín dụng trong nước.
Vàng “có tính chất tiền tệ” có đặc điểm là có tính thanh khoản cao; chi phí để chuyển đổi ra tiền là rất thấp, gần bằng không;
- Vàng hàm lượng cao là vàng có hàm lượng > 90%. Vàng hàm lượng cao bao gồm vàng “có tính chất tiền tệ” và một bộ phận vàng trang sức mỹ nghệ;
- Vàng trang sức mỹ nghệ là sản phẩm chế tác bằng vàng có hàm lượng vàng thấp (dưới 90%) hoặc sản phẩm vàng có hàm lượng cao nhưng chi phí để chế tác ra sản phẩm vàng đó từ vàng nguyên liệu phải chiếm tỷ lệ đáng kể trong giá bán sản phẩm (ví dụ trên 5%);
(3) Phân biệt mức thuế suất xuất khẩu hoặc nhập khác nhau đối với vàng “có tính chất tiền tệ” hoặc vàng có hàm lượng cao; đối với vàng trang sức mỹ nghệ hoặc vàng có hàm lượng thấp. Giữ nguyên mức thuế suất 10% đối với vàng hàm lượng cao theo Thông tư số 184/2010/TT-BTC, nên hạ mức thuế suất xuống mức 5% áp dụng đối với vàng trang sức mỹ nghệ;
(4) Khi đã có mức thuế xuất hợp lý để điều tiết xuất/nhập khẩu vàng, nới lỏng dần và tiến tới xóa bỏ việc cấp quota xuất/nhập khẩu vàng để việc liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới được linh hoạt, theo cơ chế thị trường;
(5) Thu hẹp phạm vi số lượng các tổ chức được phép mua, bán vàng “có tính chất tiền tệ” - vàng miếng so với hiện nay. Số lượng những doanh nghiệp này không quá nhiều để Nhà nước kiểm soát được nhưng cũng không quá ít để duy trì sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường một cách lành mạnh, không gây ra tình trạng độc quyền, thao túng thị trường. Nhà nước có thể đưa ra các quy định về mức vốn điều lệ, về điều kiện kỹ thuật sản xuất, về số năm kinh nghiệm trong kinh doanh vàng, về mức ký quỹ vàng tại NHNN... để tạo hàng rào kỹ thuật việc ra nhập/thoái lui của những doanh nghiệp được phép sản xuất và mua, bán vàng “có tính chất tiền tệ” - vàng miếng.
Ví dụ, bình quân toàn quốc mỗi thành phố khoảng 20 doanh nghiệp, tuy nhiên, cần phân biệt số lượng cụ thể các doanh nghiệp được phép mua/bán vàng miếng theo quy mô hoặc cấp độ thành phố. Những doanh nghiệp/cửa hàng này phải có mức vốn điều lệ lớn (khoảng 100 tỷ đồng); phải đăng ký kinh doanh với NHNN và được NHNN cấp giấy phép; phải được NHNN thanh tra hoạt động định kỳ hoặc đột xuất; phải kết nối mạng thông tin với chi nhánh NHNN trên địa bàn để báo cáo doanh số mua/bán, và tồn kho hàng ngày, và theo định kỳ tháng cho NHNN. Những doanh nghiệp/cửa hàng này cần đăng ký nguồn gốc, tiêu chuẩn sản phẩm vàng miếng;
(6) NHNN thực hiện nghiệp vụ hoán đổi giữa vàng tiền tệ với VND đối với các NHTM. Quy mô hoán đổi, tỷ giá giao ngay, tỷ giá kỳ hạn áp dụng trong nghiệp vụ hoán đổi tùy thuộc vào mục tiêu chính sách tiền tệ từng thời kỳ;
(7) Nghiên cứu, cho thành lập và hoạt động 1 hoặc 2 sở giao dịch vàng sau khi NHNN đã xây dựng, ban hành đầy đủ cơ chế quản lý chặt chẽ; phân tích rõ những tác động về kinh tế xã hội cả ở tầm vi mô và tầm vĩ mô.
Theo tác giả, một số nội dung chủ yếu sau đây cần được lưu ý trong Đề án về thành lập Sở/sàn giao dịch vàng trong nước:
- Sở/sàn giao dịch vàng là thành viên độc lập, là trung gian khớp các lệnh mua/bán vàng và thanh toán bù trừ tiền VND/vàng giữa các thành viên tham gia thị trường, không được phép trực tiếp giao dịch kinh doanh vàng.
- Sở/sàn giao dịch vàng nên là công ty cổ phần trong đó Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ hoặc là Công ty TNHH 1 thành viên mà chủ sở hữu là nhà nước. Sở/sàn giao dịch vàng chịu sự giám sát chặt chẽ của NHNN, phải thực hiện kiểm toán độc lập hàng năm bởi công ty kiểm toán có uy tín (nằm trong danh sách các công ty kiểm toán độc lập được Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng chấp thuận).
- Tài khoản tiền VND, vàng của thành viên tham gia giao dịch tại Sở giao dịch vàng phải tách biệt, được gửi tại các NHTM được phép giao dịch ngoại hối.
- Hàng hóa giao dịch của Sở/sàn giao dịch vàng (tạm gọi là chứng chỉ vàng) được tiêu chuẩn hóa và phải gắn với vàng vật chất. Thời gian cho phép thanh toán vàng vật chất cho người mua là T+ 4 nếu người mua có nhu cầu thanh toán/nhận lại vàng vật chất;
- Đối với cá nhân tham gia mua/bán vàng trên Sở/sàn giao dịch vàng, trong điều kiện hiện nay, phải ký quỹ 100% giá trị giao dịch; không được mua khống/bán khống.
- Cho phép TCTD được phép hoạt động ngoại hối, các doanh nghiệp sản xuất, mua/bán/xuất/nhập khẩu vàng “có tính chất tiền tệ” - vàng miếng được tham gia giao dịch trên Sở/sàn giao dịch vàng trong nước. Trong số các loại hình doanh nghiệp trên, NHNN cho phép một số các TCTD được phép kinh doanh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài để tạo sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới.
- NHNN cần quy định riêng biệt về trạng thái giao dịch vàng trong nước, trạng thái giao dịch vàng trên tài khoản ở nước ngoài và quy định trạng thái ở mức thấp (ví dụ ± 3%/vốn điều lệ) đối với những tổ chức tham gia Sở/sàn giao dịch vàng. Việc quy định này nhằm mục tiêu hạn chế quy mô giao dịch và chống đầu cơ trong kinh doanh vàng.
Tạo ra cơ chế liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới nhưng NHNN phải kiểm soát được và chủ động điều tiết biên độ cách biệt (cao hơn hoặc thấp hơn) giữa giá vàng trong nước so với giá vàng quốc tế, và đồng thời với cơ chế về thuế xuất/nhập khẩu vàng “có tính chất tiền tệ” để điều tiết khối lượng vàng xuất/nhập khẩu.
- Quy định tiêu chuẩn, mã/ký hiệu đối với vàng miếng được sản xuất từ các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng khác nhau tham gia giao dịch trên Sở giao dịch vàng.
- Xây dựng quy trình tiện lợi, chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho việc lưu ký vàng, thanh toán vàng vật chất.
- Thời gian đầu, chưa cho phép các thành viên thị trường thực hiện giao dịch các sản phẩm phái sinh về vàng.
- Quy định trần mức phí về lưu ký vàng; giao dịch mua/bán vàng và quy định về mức thuế doanh nghiệp hoặc mức thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ chênh lệch giá bán, giá mua vàng;
(8) Trong thành phần dự trữ ngoại hối quốc gia, NHNN cần có phương án dự trữ vàng ở tỷ lệ nhất định so với tổng dự trữ ngoại hối. Đồng thời NHNN có phương án tham gia mua/bán trên Sở giao dịch vàng trong nước; kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài; cho vay vàng đối với NHTM... Thực hiện đa dạng các nghiệp vụ về vàng, một mặt tạo cho NHNN chủ động can thiệp, điều tiết thị trường vàng trong nước; mặt khác, nâng cao hiệu quả của đầu tư vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tóm lại: Trong xã hội hiện nay, vàng không còn nguyên vai trò “tiền tệ” nhưng tính chất “tiền tệ” của vàng không hoàn toàn mất đi. Hoạt động của thị trường vàng trong nước ảnh hưởng đến thực thi chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá. Đối với Việt Nam, Nhà nước chưa tự do hóa các giao dịch vốn, dự trữ ngoại hối không cao, nguồn cung vàng chủ yếu từ nhập khẩu... Do vậy, về cơ bản những biện pháp quản lý trong năm 2010 vừa qua là đúng hướng. Trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ thể chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh vàng, sao cho vừa có cơ chế quản lý chặt chẽ, kiểm soát, điều tiết được hoạt động kinh doanh vàng phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước trong từng thời kỳ, vừa tạo được sự thông thoáng, linh hoạt, ổn định về chính sách để thị trường vàng phát triển, nhất là hoạt động kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ. Thông qua hệ thống các giải pháp đồng bộ theo các quan điểm và định hướng nêu trên, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam sẽ được nâng cao.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11;
- Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11;
- Pháp lệnh ngoại hối năm 2005; Nghị định 174/1999/NĐ-CP và Nghị định 64/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 174; Các VBQPPL khác của Nhà nước có liên quan về hoạt động kinh doanh vàng;
- Đề tài NCKH cấp ngành KNH 2009-01 “Các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh vàng theo chức năng của Ngân hàng Trung ương”, chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Vân Anh;
- Tổng hợp thông tin đăng trên các tạp chí; báo điện tử; báo giấy năm 2009, năm 2010.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- nguyenthithanhhuong1.doc