Đề tài Khái quát về thị trường chứng khoán trong nước

Với ba mục tiêu tổng quát của Ngành Chứng khoán Việt Nam hiện nay: thứ nhất, xây dựng Trung tâm giao dịch chứng khoán thành Sở giao dịch chứng khoán; thứ hai, xây dựng Thủ đô thành trung tài chính - tiền tệ của cả nước; và thứ ba là “thị trường chứng khoán phải là cơ sở để xây dựng nền kinh tế thị trường hiệu quả, bền vững, lớn mạnh” mà Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo tại lễ khai trương Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, Ngành Chứng khoán Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để không chỉ thực hiện ba mục tiêu trên mà còn phải tìm cho Thị trường chứng khoán Việt Nam một vị thế xứng đáng, có thể sánh vai cùng các thị trường chứng khoán của các nước trong khu vực, và xa hơn là trên trường quốc tế./.

doc14 trang | Chia sẻ: ndson | Lượt xem: 1441 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Khái quát về thị trường chứng khoán trong nước, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. LỜI MỞ ĐẦU Trong nền kinh tế hiện đại của một đất nước, hoạt động của thị trường chứng khoán không những thể hiện sự phát triển về kinh tế mà nó còn thể hiện sự văn minh của nước đó, đặc biệt là trong bối cảnh cả thế giới cùng đang bước vào hội nhập. Nhưng cho dù thể hiện ở mặt nào đi chăng nữa cũng không thể bỏ qua vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán trong việc “huy động vốn” trên thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời cũng với mục đích tạo kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp và góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế của đất nước. Qua gần năm năm hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tiến và gặt hái được một số thành công nhất định, tuy nhiên so với những gì mà thị trường chứng khoán của các nước trong khu vực đạt được thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn khá non trẻ và còn nhiều mặt hạn chế. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài tiểu luận môn học này, em xin được đưa ra hai vấn đề đang đặt ra của thị trường chứng khoán Việt Nam: Đảm bảo lượng vốn giao dịch trên thị trường luôn được thường xuyên và ổn định Huy động vốn qua thị trường chứng khoán – Bao giờ thành kênh chủ lực? để phân tích, từ đó tìm hiểu nguyên nhân tại sao thị trường chứng khoán Việt Nam lại đang tồn tại những vấn đề này, khiến cho Ngành Chứng khoán phát triển chậm chạm; và có những giải pháp thích hợp giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển của đất nước như đúng mục tiêu và mục đích ra đời của bất cứ thị trường chứng khoán nào. Em xin cảm ơn cô Đỗ Thùy Giao đã tận tình hướng dẫn em trong quá trình xây dựng và thực hiện đề tài này. Tuy nhiên, với kiến thức còn hạn hẹp về môn học, chắc chắn đề tài sẽ có nhiều sai sót, khiếm khuyết, em rất mong được các thầy cô giúp đỡ để tiếp tục hoàn thành đề tài một cách tốt nhất. Em xin chân thành cảm ơn. B. NỘI DUNG I. Khái quát về thị trường chứng khoán (TTCK) 1. Khái niệm TTCK là hoạt động giao dịch mua bán các loại chứng khoán dài hạn (cổ phiếu, trái phiếu) có tổ chức, theo luật pháp (luật giao dịch chứng khoán). TTCK là nơi chắp nối quan hệ cung và cầu vốn đầu tư dài hạn của nền kinh tế quốc gia và quốc tế, là nơi gặp gỡ, giao dịch giữa những người cần huy động vốn đầu tư (người phát hành chứng khoán) với những người có vốn nhàn rỗi muốn đầu tư (người muốn mua chứng khoán) cũng như giữa các nhà kinh doanh chứng khoán với nhau. Bản chất của TTCK được thể hiện trong các chức năng của TTCK. 2. Chức năng của TTCK Chắp nối tích luỹ với đầu tư: TTCK là nơi thu hút mạnh mẽ mọi nguồn vốn nhàn rỗi và tạm thời nhàn rỗi trong nước và ngoài nước và chuyển giao những nguồn này cho các nhu cầu đầu tư phát triển. Điều hoà vốn đầu tư: Do tác động của cung cầu, TTCK tự động điều hòa các luồng vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu, tự động giải quyết linh hoạt, nhanh chóng mâu thuẫn của tình trạng thừa và thiếu vốn đầu tư giữa các ngành, các thành phần kinh tế, các khu vực trong nước và giữa các nước. Cung cấp thông tin kinh tế: TTCK là nơi cung cấp kịp thời, vô tư và tương đối chính xác mọi nguồn thông tin có liên quan đến việc mua, bán, kinh doanh chứng khoán của các thành viên trên thị trường. Cung cấp dịch vụ cho việc mua bán chứng khoán: Bằng những dịch vụ và kỹ thuật tính toán, thông tin hiện đại, TTCK tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của thị trường giao dịch với nhau được nhanh chóng, dễ dàng, giảm được lãng phí và tổn thất về thời gian và tiền bạc. Tóm lại, TTCK đem lại nhiều lợi ích cho những người tham gia thị trường và toàn bộ nền kinh tế đất nước: Các nhà đầu tư huy động vốn để đầu tư phát triển Những người có vốn nhàn rỗi không sinh lợi thu được lợi tức chứng khoán Các tổ chức, cá nhân kinh doanh chứng khoán thu được lợi nhuận Thúc đẩy kinh tế tăng trưởng 3. Nguyên tắc hoạt động của TTCK TTCK là một định chế tài chính phát triển cao trong nền kinh tế thị trường, hoạt động theo một cơ chế riêng biệt được tiêu chuẩn hóa và mang tính quốc tế. Thị trường này hoạt động theo những nguyên tắc sau: Việc giao dịch chứng khoán được thực hiện qua người môi giới: nguyên tắc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người mua chứng khoán, đảm bảo cho tất cả các loại chứng khoán đem ra bán trên thị trường đều là chứng khoán hợp pháp, đã đăng ký trên thị trường. Cạnh tranh hoàn toàn: việc mua bán chứng khoán được thực hiện thông qua đấu giá giữa những người môi giới với nhau. Giá chứng khoán trên thị trường được hình thành trên cơ sở cung cầu, không một người nào, một tổ chức nào có quyền áp đặt, hoặc độc đoán định giá theo ý mình được. Công khai: Mọi hoạt động trên thị trường đều tiến hành công khai cho mọi thành viên của thị trường và cho công chúng biết, không một chi tiết nào được giữ bí mật. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản và quan trọng của TTCK. Thực hiện chế độ kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế: những công ty đã đăng ký và có cổ phiếu niêm yết trên TTCK phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đúng tiêu chuẩn. Các báo cáo chỉ có giá trị sau khi đã được tổ chức kiểm toán xem xét và xác nhận. Các tài liệu đã được công bố công khai trên thị trường đều phải được kiểm toán. 4. Cơ cấu TTCK Cơ cấu TTCK gồm có: Các TTCK Các công ty chứng khoán Các nhà kinh doanh chứng khoán II. Thị trường chứng khoán Việt Nam và một số vấn đề đang đặt ra để tiếp tục phát triển 1. Vài nét về thị trường chứng khoán Việt Nam – quá trình hình thành và phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam cho đến nay đã chính thức hoạt động được 5 năm kể từ ngày thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK) năm 2000 tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 28/7/2000 TTGDCK TP. HCM đã chính thức có phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên. Và đầu năm 2005 vừa qua, TTGDCK tại Hà Nội cũng đã được khai trương. * Năm 2001: Bước đầu thành lập, thị trường chứng khoán Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Do mới hình thành và hoạt động chưa chuyên nghiệp nên thị trường chứng khoán Việt Nam luôn thiếu thông tin nghiêm trọng, doanh nghiệp chỉ công bố thông tin về doanh nghiệp một các tự phát vì nghĩ rằng nhà đầu tư chưa cần thông tin, và thực tế cung không có ai hướng dẫn doanh nghiệp phải thông tin như thế nào và tới mức nào. Chính điều này đã càng làm cho sự hiểu biết về thị trường chứng khoán của người dân, của các nhà đầu tư vốn đã “mù mờ” lại càng trở nên nghiêm trọng. Chính điều đố đã gây ra sự tẻ nhạt và nhàm chán trong các phiên giao dịch . *Năm 2002: Mặc dù tăng 4% so với năm 2001 nhưng cả năm 2002 chỉ có xấp xỉ 1.070 tỷ đồng giá trị cổ phiếu và trái phiếu khớp lệnh. So với tốc độ tăng GDP là 7% thì sự phát triển của thị trường chứng khoán đang có xu hướng chậm hẳn lại, trong khi theo kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, tăng trưởng của giao dịch chứng khoán thường lớn hơn nhiều lần so với tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2002, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hoàn tất việc sửa đổi nghị định 48/CP về quản lý thị trường chứng khoán, theo nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi thì các hoạt động giao dịch chứng khoán tại Việt Nam sẽ được tự do hơn, cho phép mua, bán chứng khoán ngoài sàn giao dịch... Việc sửa đổi này tạo ra cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đẩy mạnh giao dịch chứng khoán và là đòn bẩy căn bản cho việc ban hành Luật Chứng khoán năm 2005. *Năm 2003: Tháng 5 năm 2003, tuần lễ chứng khoán đầu tiên được tổ chức, nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có cơ hội tìm hiểu hoạt động của các công ty niêm yết. Giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh trong năm này do Quyết định 146 của Chính phủ cho phép nâng tỷ lệ nắm giữ của người nước ngoài tại một tổ chức niêm yết từ 20% lên 30%; đến thời điểm cuối năm 2003, tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn đều có sự tham gia sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ nắm giữ cao nhất là 30% và thấp nhất là 0,31%. Cũng trong năm này, mặc dù thị trường cổ phiếu bị giảm giá nhưng tổng giá trị giao dịch trái phiếu - theo số liệu tổng hợp của TTGDCK Tp.HCM, đạt gần 2300 tỷ đồng. *Năm 2004: Mặc dù vẫn còn một số tồn tại, yếu kém nhưng có thể nói, năm 2004 là một năm khá thành công của TTCK Việt Nam, đó là kết quả của việc can thiệp đúng lúc và kịp thời của Chính phủ với các Nghị quyết và chủ trương liên quan đến chất lượng phát triển của toàn ngành, đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đi đôi với phát triển TTCK, Ủy ban chứng khoán Nhà nước được chuyển giao về Bộ Tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy thị trường phát triển. Những yếu tố này đã khiến thị trường cổ phiếu sau một thời gian dài rơi vào tình trạng trầm lắng đã có sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể: chỉ số VNIndex từ mức 166.94 điểm vào cuối 2003 đã tăng lên gần 280 điểm (tăng 67,7%), vào đầu tháng 4 và đến thời điểm cuối năm thì khá ổn định ở mức 230 điểm. *Năm 2005: Tháng 3 năm 2005, TTGDCK theo mô hình phi tập trung đã được khai trương tại Hà Nội đã mở đầu một “hành trình” mới, một thách thức mới, cũng như một cơ hội mới cho ngành Chứng khoán Việt Nam. 2. Một số vấn đề đang đặt ra để tiếp tục phát triển 2.1. Đảm bảo lượng vốn giao dịch trên thị trường luôn được thường xuyên và ổn định Việc đảm bảo lượng vốn giao dịch trên thị trường sao cho luôn được thường xuyên và ổn định là điều kiện tiên quyết không chỉ ảnh hưởng đến sự tồn tại của Ngành Chứng khoán, mà còn quyết định sự phát triển và phồn thịnh của ngành này. Vì vậy, vấn đề này luôn được Ngành và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để trên thị trường luôn có “hàng” để “bán”? Tuy thành lập đến nay đã được gần 5 năm, nhưng TTGDCK Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp lên “sàn”, mặc dù số doanh nghiệp được CPH hiện nay đã lên đến con số hàng nghìn. Trước đây, khi TTGDCK Hà Nội chưa ra đời, việc các doanh nghiệp không lên sàn có thể do điều kiện để được lên sàn mà TTGDCK Tp.HCM đưa ra bắt buộc với doanh nghiệp là vốn điều lệ của doanh nghiệp phải từ 10 tỷ đồng trở lên và doanh nghiệp làm ăn phải có lãi 2 năm liền, trong khi các doanh nghiệp của nước ta đa số có qui mô vừa và nhỏ, nên không nhiều các doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu của TTGDCK Tp. HCM. Nhưng đầu năm 2005, khi TTGDCK Hà Nội ra đời với mô hình phi tập trung, các doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên và chỉ cần có lãi 1 năm là đã đủ điều kiện tham gia, sàn giao dịch chứng khoán vẫn không trở nên thật sôi động. Lý do vì sao? Theo điều tra về nhu cầu niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp cổ phần do Vụ Phát triển TTCK thực hiện cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều chưa ý thức được lợi ích khi tham gia TTCK. Từ đó lại nảy sinh một vấn đề khác, đó là làm sao để các doanh nghiệp hiểu được lợi ích mà doanh nghiệp sẽ có được khi tham gia TTCK Sau đây có thể liệt kê một số lợi ích của doanh nghiệp khi niêm yết trên TTCK: Tạo kênh huy động vốn dài hạn cho công ty, trong khi công ty không phải trả lãi hàng tháng cũng như phải trả vốn gốc như việc vay nợ, từ đó sẽ rất chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được cho mục tiêu và chiến lược dài hạn của mình. Khuếch trương uy tín của công ty: Để được niêm yết cổ phiếu trên TTGDCK, công ty phải đáp ứng được những điều kiện chặt chẽ về mặt tài chính, hiệu quả sản xuất kinh doanh,... Như vậy việc trở thành công ty được niêm yết sẽ giúp khuếch trương công ty như một doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Được hưởng ưu đãi về thuế: theo Quyết định số 39/2000/QĐ-TTg ngày 27/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị có chứng khoán được niêm yết được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm tiếp theo kể từ khi niêm yết chứng khoán lần đầu tại TTGDCK. Chứng khoán của công ty được giao dịch trên thị trường tập trung và hoạt động này được luật pháp quy định và bảo vệ chặt chẽ hơn nhiều so với thị trường tự do. Doanh nghiệp được hưởng lợi từ hệ thống thông tin hiện đại. Thông qua hệ thống này, doanh nghiệp sẽ mở rộng được mạng lưới nhà đầu tư tham gia đấu giá, khiến hoạt động đấu giá được đảm bảo chính xác, nhanh chóng, đạt hiệu quả cao. Mặc dù đã được CPH nhưng các doanh nghiệp thay vì huy động vốn trên thị trường vẫn mang nặng tư tưởng trông chờ vào nguồn vay ưu đãi và vay ngân hàng, trong khi nguồn vốn vay từ ngân hàng chỉ là nguồn vốn ngắn hạn và doanh ngiệp còn phải trả lãi suất hàng tháng bên cạnh việc thế chấp trước khi vay, và nếu chỉ dựa vào vốn vay ngân hàng thì rất dễ phát sinh khủng hoảng tiền tệ và dẫn đến khủng hoảng nền kinh tế quốc gia vì ngân hàng không đủ tiền để cung cấp cho tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu. 2.2 Huy động vốn qua thị trường chứng khoán – Bao giờ thành kênh chủ lực? Chính thức hoạt động được gần 5 năm nhưng TTCKVN vẫn giao dịch “cầm chừng” với giá trị rất thấp. Tính đến thời điểm đầu tháng 3 năm 2005 (tức là thời điểm ngay trước khi TTGDCK Tp. Hà Nội ra đời), chỉ có 27 công ty được niêm yết trên TTGDCK Tp. HCM, đây thực sự là một con số quá nhỏ so với con số hơn 2400 doanh nghiệp đã CPH. Từ đó, một vấn đề khác lại được đặt ra cho ngành Chứng khoán, đó là: Vì sao Thị trường Chứng khoán chưa thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp? Sau đây là một vài nguyên nhân chính. a. Thị trường Chứng khoán Việt Nam quá bé nhỏ. Theo thống kê của Quỹ đầu tư Mekong Capital, tổng giá trị thị trường của tất cả các công ty niêm yết tại TTCK Việt Nam chỉ đạt khoảng 0,22 tỷ USD, trong khi trong khu vực, TTCK Indonesia đạt 56,6 tỷ USD, Thái Lan là 101,1 tỷ USD và Malaysia là 172,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, khả năng chuyển nhượng của các cổ phiếu niêm yết trên TTCK Việt Nam cũng rất thấp, công tác huy động thêm cổ phiếu niêm yết quá chậm, lấy ví dụ: Tại thời điểm tháng 9/2004, sau hơn một năm TTCK Tp. HCM mới có thêm được 4 cổ phiếu mới của Cty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn, điều đáng nói hơn là trong sốhơn 1500 doanh nghiệp đã CPH, có tới trên 200 doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết trên thị trường. b. Khống chế tỷ lệ sở hữu đã gây khó khăn cho cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn doanh nghiệp Như đã nêu ở trên, quyết định 144/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định “các tổ chức cá nhân nước ngoài chỉ được góp vốn mua cổ phần hoặc mua bán cổ phiếu trên TTCK Việt Nam được nắm giữ tối đa 30% tổng số vốn cổ phần của một tổ chức phát hành”. Việc khống chế tỷ lệ sở hữu này được coi như một biện pháp để bảo vệ các công ty niêm yết trước nguy cơ “thôn tính” của nhà đầu tư nước ngoài, bởi khi các công ty CPH được niêm yết trên TTCK, cổ phiếu của các công ty này có thể bị các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành giao dịch thâu tóm, mua vào ồ ạt để nắm cổ phần chi phối và giành quyền điều hành doanh nghiệp. Mức khống chế 30% có thể được coi là trên mức “chấp nhận được” vì tìm được sự cân bằng giữa nguy cơ bị “thôn tính” và nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp, tuy nhiên tỷ lệ khống chế này lại làm các nhà đầu tư nản lòng vì việc đầu tư không mang lại lợi ích, bởi nhiều Quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn chỉ đầu tư vào những công ty có số vốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD. Do đó, việc khống chế với tỷ lệ như vậy thực chất đã làm mất đi cơ hội huy động vốn của chính doanh nghiệp trong khi nhiều ngành nghề, chúng ta có thể mở rộng tỷ lệ này đến 100%. 3. Giải pháp: Thứ nhất, để khuyến khích các doanh nghiệp “lên sàn”, ngoài việc làm cho các doanh nghiệp hiểu được lợi ích mà doanh nghiệp sẽ đạt được còn cần phải có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp niêm yết như giảm thuế, hỗ trợ thông tin, kinh phí cụ thể; đồng thời, về phía các nhà đầu tư, TTGDCK cũng cần cung cấp thông tin cần thiết và kịp thời khi tham gia thị trường, giúp nhà đầu tư nắm bắt được tình hình làm ăn của các doanh nghiệp để đầu tư đúng chỗ và có hiệu quả. Thứ hai, cần hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động của thị trường chứng khoán, thực hiện việc đấu giá cổ phần hoá qua TTGDCK, tăng cường giám sát hoạt động trung gian tại các TTGDCK. Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho công chúng về chứng khoán và thị trường chứng khoán, bởi thực tế hiện nay thị trường chứng khoán còn khá xa lạ với người dân, trong khi nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân hiện nay khá lớn, có thể nói đây thực sự là những nhà đầu tư tiềm năng mà thị trưòng chứng khoán cần khai thác. Thứ tư, cần điều chỉnh tỷ lệ khống chế, các chuyên gia đầu tư và các nhà soạn thảo luật đều cho rằng nên bỏ mức khống chế 30%. Đây là một nhu cầu khách quan bởi TTCK các nước trong khu vực gần như không không khống chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, trừ những lĩnh vực mang tính nhạy cảm cao. “Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, việc hạn chế hoạt động thốn tính trên TTCK hoàn toàn có thể thực hiện được bằng nhiều biện pháp kỹ thuật mà không nhất thiết phải hạn chế tỷ lệ sở hữu. Để tạo động lực mới cho TTCK và cho nhà đầu tư, không nên giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các lĩnh vực đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài 100% vốn. Đối với các lĩnh vực cần khống chế nên có hướng dẫn riêng. Đối với lĩnh vực quan trọng cần giới hạn như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông... có thể mở tới 49%” (Công Nghiệp Việt Nam 23/9/2004). C. KẾT LUẬN Để đạt được lợi ích và mục tiêu có thể một lần nữa khẳng định, Ngành Chứng khoán đối với mỗi quốc gia, mà cụ thể là đối với các doanh nghiệp mang một tầm quan trọng nhất định, nó như một Quỹ đầu tư và cho vay với nguồn vốn vô tận mà nếu biết cách tận dụng, khai thác, doanh nghiệp sẽ đạt được những lợi ích mà mình mong muốn Với ba mục tiêu tổng quát của Ngành Chứng khoán Việt Nam hiện nay: thứ nhất, xây dựng Trung tâm giao dịch chứng khoán thành Sở giao dịch chứng khoán; thứ hai, xây dựng Thủ đô thành trung tài chính - tiền tệ của cả nước; và thứ ba là “thị trường chứng khoán phải là cơ sở để xây dựng nền kinh tế thị trường hiệu quả, bền vững, lớn mạnh” mà Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo tại lễ khai trương Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, Ngành Chứng khoán Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để không chỉ thực hiện ba mục tiêu trên mà còn phải tìm cho Thị trường chứng khoán Việt Nam một vị thế xứng đáng, có thể sánh vai cùng các thị trường chứng khoán của các nước trong khu vực, và xa hơn là trên trường quốc tế./. MỤC LỤC A. Lời mở đầu .................................................................................................... 1 B. Nội dung ........................................................................................................ 2 I. Khái quát về thị trường chứng khoán (TTCK) ................................................ 2 1. Khái niệm ....................................................................................................... 2 2. Chức năng của TTCK ..................................................................................... 2 3. Nguyên tắc hoạt động của TTCK ................................................................... 3 4. Cơ cấu TTCK .................................................................................................. 3 II. Thị trường chứng khoán Việt Nam và một số vấn đề đang đặt ra để tiếp tục phát triển ...................................................................................................................... 4 1. Vài nét về thị trường chứng khoán Việt Nam – quá trình hình thành và phát triển....................................................................................................................... 4 2. Một số vấn đề đang đặt ra để tiếp tục phát triển .............................................. 6 2.1. Đảm bảo lượng vốn giao dịch trên thị trường luôn được thường xuyên và ổn định ....................................................................................................................... 6 2.2 Huy động vốn qua thị trường chứng khoán – Bao giờ thành kênh chủ lực?.... 8 3. Giải pháp .......................................................................................................... 9 C. Kết luận ...........................................................................................................11 Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tài chính – Tiền tệ (trường ĐH QL&KD Hà Nội) Báo Công nghiệp Việt Nam Báo Tiếng nói Việt Nam Báo Tin tức Báo An ninh thủ đô

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docL0885.doc